Monday, November 20, 2023

Nỗi Buồn Ukraine…- Phan



1.

Từ khi chiến sự Israel với Hamas nổ ra hôm 07 tháng 10, 2023. Những người có quan tâm đều đã thấy có sự khác thường so với những cuộc chiến trước đó của Do Thái với các nhóm Hồi giáo cực đoan, phiến quân hồi giáo, hay những nhóm quân ủy thác của Iran như Hezbollah, Hamas, Jihad… nhiều lắm. Sự khác thường lần này là nhóm phiến quân Hamas có sự chuẩn bị khá chuyên nghiệp chứ không phổi bò như những lần trước. Không bàn đến nguyên nhân chiến tranh nên chỉ tóm tắt là chiến tranh tôn giáo vì Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Đạo Hồi đều muốn giành lấy đất thánh Jerusalem bởi lịch sử ba tôn giáo đều bắt nguồn từ mảnh đất thiêng này.

Nói về Đạo Hồi ở Trung đông thì Iran nổi cộm hơn như người anh cả, nhưng anh Hai này chỉ già mồm, không giàu như Mỹ, không có tiềm năng quân sự hùng hậu như Mỹ để hỗ trợ đàn em đạo Hồi như Mỹ hỗ trợ các nước phương tây và các nước theo thể chế dân chủ trên toàn cầu. Những ông giáo chủ, đại giáo chủ của Iran chỉ có võ mồm, mạnh miệng kích động, xúi giục, ném đá giấu tay… chính Iran là nước tài trợ khủng bố cho nhóm Hezbollah, nhóm Hamas, nhóm Jihad, và những nhóm nhỏ hơn, chỉ đủ sức phá rối Israel. Nhưng lần tấn công này của Hamas vô Israel được kể là có quy mô lớn nhất từ trước tới giờ với vũ khí tự chế truyền thống, nhưng có sự xuất hiện của vũ khí hiện đại của Iran và Nga; đặc biệt là những tay súng của Hamas có sử dụng vũ khí Mỹ như truyền thông đưa tin. Vậy vũ khí Mỹ từ đâu ra? Câu trả lời là từ cuộc triệt thoái của quân đội Mỹ khỏi A Phú Hãn vào tháng 08 năm 2021, chính quyền Biden đã để lại cho khủng bố Taliban tới 85 tỷ đô la khí tài. Sau đó tình báo cho hay đã phát hiện khí tài quân sự của Mỹ được chuyển qua Iran. Họ mua bán hay giúp nhau nghiên cứu là chuyện của họ, chỉ thấy chính phủ Biden đã gián tiếp bật đèn xanh cho khủng bố muốn làm gì làm dưới thời Biden. Điều rõ ràng nhất là phe trục không còn cần thiết phải che giấu quan hệ mà công khai xem thường Mỹ, ra mặt liên minh quân sự giữa Nga và Iran ở Trung đông, Nga và Trung cộng, Bắc Triều tiên ở Đông Á, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ và các quốc gia phương tây, các nước đồng minh của Hoa Kỳ.

Về Trung đông, tình báo Hoa Kỳ đã cho biết: Nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đang có kế hoạch chuyển giao hệ thống phòng không cho tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Hezbollah là nhóm lính đánh thuê của Iran nhưng mang tên thánh chiến cho oai là “dân quân ủy nhiệm” của Iran. Nhóm này đã đe dọa mở một mặt trận thứ hai chống lại Israel trong khi cuộc xung đột Israel-Hamas đang tiếp diễn tại dải Gaza. Hệ thống phòng không này sẽ làm khó thêm cho khả năng phòng thủ của Israel trong việc bảo vệ các thành phố của họ.

Nhóm lính đánh thuê Wagner thì ai cũng đã biết, nhưng kể từ sau khi thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin của nhóm này bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay hồi tháng 08, chính quyền Putin đã từng bước tiếp quản nhóm lính đánh thuê này vào quyền kiểm soát của quân đội Nga.

Cuối tháng 10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong phiên điều trần trước quốc hội đã cho biết: Mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng gia tăng của Moscow và Tehran đang làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực ở Trung đông. Dù ngoại trưởng không đề cập đến vai trò của nhóm Wagner vì tình báo Hoa kỳ cũng chưa xác định được hệ thống phòng không này đã được chuyển giao hay chưa. Nếu vụ chuyển nhượng của Wagner với Hezbollah xảy ra thì đây sẽ là mối lo ngại lớn cho tình hình chiến sự tại dải Gaza đang gia tăng cường độ.

Tin tức tình báo Hoa Kỳ quan ngại bối cảnh tổ chức Hezbollah mở mặt trận phía bắc để tấn công Israel, dù Hoa Kỳ đã đưa hàng không mẫu hạm vào khu vực đông Địa trung hải để sẵn sàng ứng phó giúp Israel. Hoa Kỳ không khỏi lo ngại về hợp tác quân sự giữa Nga và Iran. Năm ngoái Iran đã cung cấp cho Nga loại máy bay không người lái Shahed giúp Moscow có thêm khả năng tấn công các thành phố của Ukraine. Hiện tại Tehran đang giúp xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở thị trấn Yelabuga của Nga, nơi sẽ sản xuất hàng loạt máy bay không người lái cho mục đích quân sự, trong bối cảnh Nga đã cạn kiệt đạn dược trong cuộc chiến tại Ukraine. Nga bây giờ hết lớn tiếng xua quân vì quân Nga quá yếu, họ chơi trò bẫy mìn trên diện rộng để quân Ukraine khi tiến quân phải chậm lại rà mìn, thì lính Nga cho kích hoạt máy bay không người lái tấn công xe tăng, xe thiết giáp và bộ binh của Ukraine.


Từ giữa năm 2022 tới nay, Iran đã cung cấp cho Nga hơn 300 ngàn đạn pháo và một triệu viên đạn. Iran đang giúp Nga bổ sung kho vũ khí cạn kiệt của họ trong thuận lợi là lệnh hạn chế chương trình hoả tiễn đạn đạo của Iran đã hết hạn vào ngày 18 tháng 10. Liên hiệp quốc không thể gia hạn vì Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết của họ tại Hội đồng Bảo an để để thông đồng. che chở với Iran.

Vậy là liên minh Iran và Nga đã buộc được Hoa Kỳ và châu Âu phải bảo vệ Ukraine và Israel cùng lúc. Phiến quân Hamas cũng là lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran đã lên tiếng Nga được hưởng lợi từ cuộc tấn công Israel của họ vào ngày 07 tháng 10. Lãnh tụ của Hamas là Khaled Mashal đã kể ơn với Nga là chính họ đã khiến Hoa Kỳ bớt tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Phía Iran cũng tranh thủ từ Nga để có được loại chiến đấu cơ Su35 và hệ thống phòng không S400 của Nga để phòng vệ cho các trung tâm nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran trong tương lai rất có thể bị F35 của Do Thái tấn công.

Trên chính trường quốc tế, Nga và Iran đã hợp tác trong nhiều năm qua để bảo vệ chế độ Assad ở Syria, hợp tác chiến thuật gây áp lực lên quân đội Hoa Kỳ hiện diện tại Syria. Washington cho biết, Nga đã hỗ trợ tình báo cho Iran tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ đang đồn trú tại Syria; đồng thời cung cấp ít nhất 17 xe vận tải vũ khí cho các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn nhằm ép Hoa Kỳ rút khỏi Syria. Khi ấy các nhóm quân sự phi Hồi giáo chống lại Assad sẽ bị siết cổ vì không còn quân đội Hoa Kỳ chống lưng. Nga và Iran sẽ có một hành lang trên bộ xuyên qua Syria để vận chuyển vũ khí của Iran tới lực lượng dân quân Hezbollah của Iran ở Lebanon. Mục tiêu lớn hơn trong liên minh quân sự giữa Nga và Iran là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Trung đông.

Kẻ chủ mưu gây bất ổn ở Trung đông không ai khác chính là Iran với mục tiêu tối thượng của họ là tiêu diệt Israel ở dải Gaza. Tuy họ chỉ có miệng lưỡi và những giáo điều, nhưng trong lục lâm thảo khấu ở Trung đông là các quốc gia thù địch với Hoa Kỳ thì Iran trên cơ những nhóm khủng bố lẻ tẻ nên vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với nhau tạo bất ổn nhằm tiêu diệt Israel.

Nếu không nói đến mối thù truyền kiếp của người Ả Rập với người Do thái thì chiến tranh Trung đông đã không tiếp dìễn tới tương lai vì hiện tại chỉ là quá khứ lập lại. Theo những quan sát chiến tranh toàn cầu của Viện nghiên cứu chiến tranh đưa ra những ngày qua. Lần này Israel rất muốn giải quyết một lần cho xong với những đám hồi giáo cực đoan như Hezbollah, Hamas, Jihad… ở Trung đông, nhưng kẻ thù đích thực của người Do thái muốn sống bình an tại dải Gaza lại là Iran. Cuộc chiến thật sự dứt điểm chiến tranh ở Trung đông là chiến tranh giữa Israel và Iran. Không ai mong chiến tranh xảy ra dù không phải ở quê mình, nước sở tại dung chứa người tỵ nạn Việt nam, hay bất cứ đâu trên địa cầu phải đổ máu thường dân vô tội. Nhưng cuộc chiến không tránh khỏi đã đến gần, thật gần không chừng. Khi Iran chưa đủ sức chống lại cuộc tấn công một mất một còn của Israel. Xin ơn trên minh giám một lần cho xong mấy ông giáo sĩ cực đoan ở nước Ba Tư cổ tích.

2.

Nhìn lại Đông âu với Ukraine điêu tàn, nước Nga bẽ bàng. Một bên là cường quốc quân sự hạng hai thế giới mà đánh chiếm một nước láng giềng thua xa về khí tài quân sự nhưng đã 21 tháng vẫn chưa kết thúc được cuộn chiến. Con cọp Siberian tiger chỉ là thú nhồi bông cho con nít chơi. Nhưng ai ngờ được sự chống trả, chiến đấu ngoan cường của quân đội Ukraine. Ai tin hay không tùy suy nghĩ cá nhân cần tôn trọng về cuộc chiến tranh xâm lược đã biến một anh hề thành tổng thống khi ông tuyên bố ở lại chống quân Nga xâm lược chứ không đi tỵ nạn chính trị, làm tổng thống lưu vong ở đâu hết. Trong khi một tổng thống cường quốc số một thế giới lại biến thành anh hề cho quốc tế cười vào mặt Mỹ.

Đã qua hai mươi tháng, từng ngày ngồi xem tin tức trên tivi về tình hình chiến sự Ukraine. Là con dân Việt sao không khỏi chạnh lòng về cuộc chiến Việt nam? Ukraine có tướng lãnh tham nhũng, Việt nam cũng vậy. Ukraine có tướng chết theo thành, Việt nam cũng vậy. Ukraine có người trốn quân dịch, có người Ukraine mang quốc tịch Mỹ, đang sống ở Mỹ nhưng quay về chiến đấu bảo vệ quê hương. Việt nam có người trốn quân dịch, có người lính trơn, thậm chí không biết đọc biết viết tiếng Việt nhưng biết sống đúng với “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm”… Tinh thần binh sĩ Việt nam Cộng hòa không chê vào đâu được, chiến thuật chiến lược của hàng tướng không chê vào đâu được. Vậy sao chúng ta thua?

Đâu phải những người lính già, kẻ mất người còn lay lất quê người mới biết đau. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong loạn lạc cũng đau như thua trận. Từng ngày xem cuộc chiến Ukraine không khác gì chiến tranh Việt nam ngày xưa. Những người lính Ukraine vừa chiếm lại được ngôi làng bị Nga thôn tính thì những người dân từ dưới hầm trú ẩn ngoi lên cho lính ổ bánh mì, ít trái cây hái kịp trước bom đạn Nga trút xuống dân thường như Việt cộng pháo kích hồi xưa…


Chúng ta thua trong chiến tranh Việt nam vì chúng ta không tự túc, tự chủ, tự cường được chứ không phải thua vì không có thực lực. Người lính Ukraine hôm nay là người lính Cộng hoà năm xưa: kiên cường, dũng mãnh, thông minh, và can đảm. Nhưng người lính Ukraine hôm nay đã không còn gì để đánh như người lính Cộng hoà năm xưa sau khi Mỹ cúp viện trợ. Nếu năm xưa, quân đội Việt nam Cộng hoà không bị cúp viện trợ thì mười Việt cộng cũng không cưỡng chiếm được miền nam. Người lính Ukraine hôm nay cũng vậy, chiến đấu mà phải tiết kiệm từng viên đạn. Tiết kiệm là xài dè theo tiếng Việt nói, nhưng xài dè cũng tới hồi hết, ngày hết. Người lính Cộng hoà đã đánh một cuộc chiến ủy nhiệm, người lính Ukraine đang đánh một cuộc chiến ủy thác. Cả hai quân đội không thua kém quân đội Israel về chiến thuật, chiến lược, sự can đảm, tinh thần chiến đấu… nhưng chúng ta đã thua, Ukraine đang thua vì tự thân đất nước chúng ta không đủ khí tài quân sự. Đơn giản vậy. Hãy nghe thủ tướng Israel thẳng thắn trả lời quốc tế yêu cầu ngừng tấn công Hamas. Ông thẳng thắn nói là không, vì ngưng tấn công khác nào Israel chịu thua Hamas. Vậy là quân đội Israel tiến vào dải Gaza. Do Thái không sợ ai cúp viện trợ thì không có lý do thua những nhóm khủng bố thôi chứ làm gì có tư cách là một quân đội. Thủ tướng, Tổng tư lệnh quân đội, thậm chí là Tổng thống của chúng ta ngày xưa không nói được như thế. Nay tổng thống Ukraine cũng tương tự. Ông hề sân khấu mua vui cho khán giả nhưng khi đất nước ông lâm nguy thì tổng thống Ukraine đã từ chối đi lưu vong sang Hoa Kỳ. 

Bài học xương máu, bài học nhãn tiền, không cần uyên thâm gì hết cũng nhìn ra nhưng làm được không phải dễ. Nước Israel sau khi lập quốc năm 1948 là tập hợp những người Do Thái lưu vong trở về mảnh đất Gaza khô cằn sỏi đá, nhưng bây giờ họ sợ ai đâu? Khi hữu sự có đồng minh thì tốt, bằng không Do Thái cũng đơn thương độc mã chống ngoại xâm. Cuộc chiến 6 ngày năm 1967 là minh chứng cho một quốc gia tuy nhỏ bé, nhưng Do Thaí đã chấp hết, cân hết thế giới Ả Rập vì Do Thái tự túc tự cường được. Nay nhìn Ukraine nhớ Việt nam, tình thương cùng cảnh ngộ tới đau lòng. Hoa Kỳ đương nhiên chưa bỏ rơi Ukraine như đồng minh phản bội Việt nam năm nào, nhưng Hoa Kỳ quan tâm Do Thái hơn Ukraine cũng không trách được vì Do Thái là đồng minh lâu năm, cốt lõi của Hoa Kỳ ở Trung đông. Trong khi Iran cần Nga giúp khí tài quân sự tiên tiến, kỹ thuật hạt nhân, hỏa tiễn nên bắt tay dưới gầm bàn. Tàu cộng cần Iran đâm bị thóc chọc bị gạo đám khủng bố ở Trung đông quậy Israel để Hoa Kỳ phải chia bớt khí tài quân sự qua Trung đông thì Putin cũng đỡ thua tới độn thổ trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Tàu cộng được lợi khi Hoa Kỳ không còn đủ sức, hay ít nhất là yếu sức bảo vệ Đài loan – là cơ hội Tàu cộng chờ đã mấy đời tổng bí thư đi bán muối vẫn chưa dám động binh xâm chiếm Đài loan.

Nhìn về Đông Á, Tàu khựa đâu dám tranh giành biển đảo với Nhật như với Việt nam và Phi Luật Tân. Sự tranh chấp đảo Điếu Ngư với Nhật, những chiến lang của Tàu cộng chỉ bô ba trên truynề hình chứ hành động quân sự ngoài biển đảo không hề có, vì sao? Vì đụng Nhật không bề đầu Tàu khựa cũng u trán. Vì sao Nhật từ đống tro tàn sau Đệ nhị Thế chiến họ lại trở thành cường quốc kinh tế thừ ba thế giới bây giờ, tiềm năng quân sự của Nhật cũng chẳng sợ ai trên thế giới thì một Trung quốc trong lịch sử cận đại chiến tranh Trung – Nhật là câu trả lời Trung cộng chưa chắc là đối thủ của Nhật trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Nói tóm lại điều dễ hiểu nhưng khó làm là quốc gia phải giàu mạnh trước thì tiềm năng quân sự để bảo vệ tổ quốc mới hùng hậu được. Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 – F35 do Mỹ sản xuất thì chỉ có hai nước đồng minh của Hoa Kỳ là Israel và Nhật cũng có, được mua.

 Nhưng Ukraine cứ nghèo, khi hữu sự phải dựa dẫm vào đồng minh. Nhưng đồng minh với Mỹ là chơi dao hai lưỡi, chả biết lúc nào đồng minh tháo chạy, còn lại mình ta với tay không tấc sắt thì lấy gì chống giặc.


Đau nhất là ông bạn già Blazenko của tôi, ông người gốc Ukraine nhưng quốc tịch Mỹ. Ông đã về Ukraine khi chiến tranh với Nga nổ ra 24 tháng 02 năm 2022. Nay ông đã về lại Mỹ vì tuổi già sức yếu, không giúp được gì cho đồng bào ông, đất nước mẹ đẻ của ông. Nhưng chính ông đã nói với tôi: Ông hết hy vọng, Ukraine hết hy vọng trước quỷ kế của phe trục ma qủy. Thật buồn cho Ukraine như nỗi buồn Việt nam đã nửa thế kỷ, trẻ con trong chiến tranh đã bạc đầu nhưng nổi buồn vong quốc có vơi đâu bao giờ…!


Phan

No comments:

Post a Comment