Khí trời sắp sang Xuân
se se lạnh vào ban sáng, một không khí lành lạnh dễ chịu làm sao. Ngồi trong
phòng làm việc nhìn ra ô cửa sổ, vài tia nắng sớm dọi thẳng vào cửa, ngoài khu
vườn nhỏ những bông hoa đua nhau khoe sắc. Vài chú bướm bay lên lượn xuống tìm
chỗ hút mật. Cảnh vật thanh bình, thơ mộng làm cho nhỏ miên man nhớ về miền ký ức
xa xưa hồi đó, và nhớ về một người….
Ngày ấy nhỏ được sai về
phục vụ ở một giáo xứ miền quê thanh bình của vùng đất Mũi. Giáo xứ tuy nhỏ
nhưng rất đông vui, giáo dân nhiệt thành, siêng năng việc Nhà Chúa. Năm đó cũng
có một thầy được nhà dòng gửi về thực tập ít tháng trước khi được tiến chức. Nhờ
có sự hiện diện trẻ trung, vui tươi của thầy mà tụi nhỏ vui hơn, năng động hơn.
Và hình như tụi nhỏ có mặt gần như suốt ngày ở khuôn viên Nhà Thờ, chỉ để chơi,
làm và trò chuyện cùng ông thầy.
Với sức trẻ của nhỏ đầy
hăng say, nhiệt thành và năng động mà nhỏ làm mọi việc được trao với một niềm
vui. Và ông thầy kia cũng thế, thầy xả thân làm tất cả mọi việc lớn, bé trong
niềm vui. Vì thế mà tụi nhỏ nó thích Dì út và ông thầy lắm lắm. Cứ tan học là tụi
nó lại chạy vào Nhà Thơ kiếm ông thầy và Dì út. Cuộc sống và sứ mạng nơi vùng
quê bình yên cứ thế trôi qua trong sự vui vẻ, trẻ trung và năng động của hai
người tu sĩ trẻ. Thầy và nhỏ làm việc rất ăn ý với nhau, cha sở hay bà nhất
giao gì là làm tới nơi tới chốn và rất tốt đẹp. Cha sở và bà nhất đều hài lòng
và vui vẻ, cả nhà hai bên rất vui vẻ hòa thuận. Hai đứa nhỏ là niềm vui cho những
người lớn trong cộng đoàn và nhà xứ, vì thầy và nhỏ đều có khiếu hài hước, vui
tính nhưng rất dễ thương, cho nên ở đâu có sự hiện diện đều có tiếng cười ở đó.
Không những con nít mà ngay cả người lớn cũng thích thầy và Dì út. Giáo xứ tràn
ngập niềm vui, tiếng cười, trên thuận dưới hòa.
Thầy và nhỏ cùng làm việc
vui vẻ với nhau như thế, đôi khi chọc qua chọc lại, có lúc nhỏ cũng giận ông thầy
nhưng rồi chút xíu là hòa, rồi lại cưới nói tíu tít cùng bọn trẻ. Thời gian
cũng qua nhanh, mới ngày nào ông thầy còn bỡ ngỡ ngày đầu tiên đến giúp họ, thế
mà cũng đến lúc phải nói lời chia tay ông thầy. Mấy đứa nhỏ thì bịn rịn, khóc
lóc ủ ê khi chia tay ông thầy, còn nhỏ thì tỉnh queo, còn chọc ông thầy nữa. Thế
rồi khi xe lăn bánh, bóng ông thầy khuất dần sau những rặng tre. Nhỏ chợt thấy
lòng mình thổn thức, thiếu vắng một cái gì đó gọi là thân quen. Dường như nhỏ
đã phải lòng ông thầy rồi. Bỗng điện thoại kêu tít tít. Nhỏ mở lên xem, thì đó
là tin nhắn của ông thầy:
“ Tạm biệt Dì Út dễ
thương nghen. Dì Út ở lại giữ sức khỏe và cứ mãi dễ thương như thế nhé…”
Đọc dòng tin nhắn xong,
nước mắt nhỏ bỗng dưng lại rơi, nhỏ cảm thấy nhớ bóng dáng ông thầy ngày nào, cảm
thấy trái tim mình ‘lắc lư’. Nhỏ nhắn tin trả lời ông thầy:
“Cám ơn ông Thầy đã đem
niềm vui đến. Tạm biệt thầy, và cầu chúc thầy cũng luôn dễ thương như vậy
nghen…”
Tuy không nói ra thành
lời, nhưng thầy và nhỏ đều cảm nhận được sự lưu luyến và nhưng gì đang diễn ra
trong trái tim mình. Giờ đây mỗi người một phương trời, một sứ mạng khác nhau.
Thầy thì về chuẩn bị tiến chức, nhỏ thì tiếp tục sứ mạng của mình nơi giáo xứ
thân yêu này. Tuy phải lòng nhau nhưng thầy và nhỏ ý thức con đường mình chọn lựa,
ơn gọi mình đi theo. Thầy và nhỏ cùng nguyện ước sống cho tốt, tu cho trọn và
làm cho tốt sứ mạng của mỗi người, và nhớ cầu nguyện cho nhau mỗi ngày.
Hôm nay đây, ông thầy
ngày xưa đã là Linh mục và đang chu du ở một nơi cách đây nữa vòng trái đất vì
sứ mạng Hội Dòng trao. Nhỏ thì đã khấn trọn đời, và cũng đang phục vụ ở một
giáo xứ miền quê yên bình, sông nước hiền hòa. Thầy và nhỏ là đôi bạn tri kỷ
chia bùi sẻ ngọt trên hành trình sứ vụ, cũng vẫn hài hước, vui tính như ngày
nào.
Cám ơn Chúa đã sắp đặt
mọi sự cho con, Ngài gửi đến và Ngài đem đi đúng thời, đúng lúc. Cám ơn tất cả
những gì Ngài ban cho con. Cám ơn người bạn Ngài đã gửi đến cho con trên hành
trình dâng hiến này. Xin Ngài tiếp tục đồng hành, dẫn dắt và xếp đặt cuộc đời của
con như thế cho đến tận cùng. Xin dâng lên Chúa tình bạn của chúng con, xin cho
chúng con luôn giữ mãi sự tinh tuyền, trong sáng như thế.
Sr. Mây Trắng – Nữ Tu Chúa Quan Phòng Cần Thơ
No comments:
Post a Comment