Cái thời tôi mới đặt chân đến Mỹ, điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là sao tiếng “Thank you” được dùng nhiều quá? Nó gần như là tiếng cửa miệng của người Mỹ. Ở Việt Nam thì khác, tiếng “Cám ơn” ít khi được dùng tới. Tôi thắc mắc không biết là họ cám ơn thiệt hay giả? Rồi có một lần tôi đi “garage sale”, đây lại là 1 hình thức văn hóa khác của người Mỹ. Trong nhà có nhiều loại quần áo, đồ dùng đã lỗi thời hay vì đã mua cái mới…bèn bỏ ra garage cho trống nhà, nhưng tới một lúc nào đó garage cũng chật chổ.
Và thế là 1 cuối tuần nào đó họ mở
“garage sale” để bán đi những thứ đó với giá rẻ như bèo. Có lẽ đó là một hình
thức “share” với người khác những thứ mình không cần, mà người khác thấy cần.
Đây cũng là một nét hay về văn hóa! Những người mới di dân đến Mỹ rất khoái đi
garage sale, vì mua được nhiều món đồ mình đang cần với giá rẻ như cho không.
Hơn nữa “cũ người, mới ta”, nên đi garage sale là một cách shopping rẻ tiền nhất
của dân mới qua Mỹ. Thỉnh thoảng lai vớ được những món quý mà giá lại quá hời,
muốn như vậy thì phải đi garage sale những khu nhà giàu. Lần đó đi khu nhà
giàu, tôi thấy ở 1 garage sale bên cạnh những cái bàn họ bày la liệt các món đồ
mà giá có khi từ 5, 10 cents tới 1,2 $, lại có một khu họ để một số đồ với tấm
bảng Free. Tôi thường hiểu Free theo lối nghĩa “quyền tự do” của con người, nên
không dám chắc Free ở đây có nghĩa là gì, bèn quay qua hỏi con gái:
– Cái bảng này nghĩa là gì vậy?
– Nghĩa là họ cho không, muốn lấy
thì cứ lấy
Tôi mừng quá: “Thiệt vậy
sao? “
Ông chủ nhà thấy tôi không có túi để
đựng, bèn vô tìm cho mấy cái túi giấy to, rồi sau đó còn phụ bưng ra xe giùm. Vậy
mà tôi chưa kịp cám ơn thì ông đã tươi cười nói trước: “Thank you”. Tôi ngớ người
ra, quay qua nói với con gái:
– Ủa sao ông cho đồ mình, còn kiếm
túi cho mình đựng, rồi lại bưng ra xe giùm. Vậy mà ông còn “thank you” mình
nghĩa là sao?
– Có lẽ “thank you” là văn hóa của Mỹ, hay là vì mẹ đã “dọn” giùm ông những món đồ mà ông thải ra nên ông cám ơn mẹ…
Ấn tượng về lần “thank you” đó luôn
ghi nhớ mãi trong đầu tôi. Càng về sau tôi mới nghiệm ra quả “thank you” là 1
nét văn hóa của Mỹ. Dù bạn làm điều gì nhỏ bé, vịn giùm cái cửa để đi vô, nhường
bước một lối đi… cũng đều nhận được lời “Thank you”. Trong khi đó tôi nghe một
số người quen di dân Việt Nam than phiền :
– Qua đây đi “cày” cực muốn chết,
ky cóp không dám xài để dành gửi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam. Nhưng khi nhận
họ coi như đó là bổn phận của mình, không hề nói 1 lời cám ơn
– Có khi họ còn chê bai sao Việt kiều gì mà “kẹo kéo” quá, nhà kia con cái chẳng học hành gì qua Mỹ đi làm Nail mà gửi về còn xộp hơn nhiều.
Ở thêm một thời gian nữa, tôi mới biết ở Mỹ có 1 ngày lễ truyền thống đó là ngày “Lễ Tạ Ơn” ( Thanksgiving). Có lẽ trên thế giới chỉ có ở Mỹ mới có ngày lễ lớn truyền thống này. Ngày lễ này được tổ chức vào thứ 5 của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 hằng năm. Người ta thường được nghỉ 4 ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Hoa Kỳ. Và có lẽ đây là dịp lễ mà mọi người Mỹ được nghĩ lâu nhất, hơn cả Lễ Christmas, và Tết Dương Lich. Xem thế mới biết người Mỹ rất trọng tinh thần “Tạ ơn”. Vậy mà trước kia lúc còn ở Việt Nam tôi cứ hay nghĩ nước Mỹ với đời sống văn minh quá cao, họ luôn chạy theo đời sống vật chất, thì sẽ quên đi đời sống tinh thần, tình nghĩa…Bây giờ tôi mới biết mình đã nghĩ không đúng! Ngoài ra người Mỹ không chỉ “cám ơn” suông, họ còn “Tạ ơn đời” bằng cách giúp lại những người khác đến sau và bằng những công tác từ thiện trên khắp thế giới, mà nguời Mỹ luôn đứng đầu. Mỗi năm mùa Thanksgiving là cao điểm của các công tác từ thiện. Nhiều nhóm thiện nguyện tổ chức chiêu đãi những bửa ăn Tạ Ơn, phát quần áo ấm, phát túi ngủ cho những kẻ không nhà. Nhiều công ty, tiệm ăn lớn mở ra những “Thanksgiving Party” mời mọi người đến tham dự miễn phí, đôi khi có phát quà. Họ thực lòng muốn “Tạ Ơn Chúa, Cám ơn Đời” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Họ muốn ngày lễ Tạ Ơn không ai bị bỏ quên, vì không phải ai cũng đều có mái gia đình để trở về, để tiệc tùng quây quần bên nhau. Một lần nhóm chúng tôi ghi danh đi tour chơi vào lễ Tạ Ơn, vì đó là thời điểm được nghĩ làm lâu nhất, tưởng là tour bị ế, vì ai cũng lo về đoàn tụ gia đình nhưng ngược lại tour trở thành đắt hàng nhất, với 2, 3 xe bus đầy khách
Nguồn gốc của Lễ Tạ ơn từ nguyên thủy là để cảm ơn Thượng đế đã ban cho vụ mùa bội thu, cám ơn những người dân bản xứ đã mở rộng vòng tay giúp đở những người di dân còn “lạ nước, lạ cái”. Lâu dần về sau là dịp để mọi người cám ơn nhau, cám ơn gia đình ông bà, cha mẹ, anh em bạn bè. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui, và nhất là một bữa tiệc tối, gia đình sum họp ăn uống vui vẻ. Đây là một ngày quan trọng cho đời sống gia đình, nên dù ở xa, con cháu thường về quây quần với gia đình. Đó là một ngày họp mặt gia đình đầy ý nghĩa . Nói tới họp mặt nhân ngày lễ Thanksgiving mà không nói đến món “Gà Tây” là một thiếu sót, vì nó là món chính của bữa tối mừng Lễ Tạ ơn, nên đôi khi ngày Tạ ơn còn được gọi là Ngày Gà Tây. Hằng năm vào dịp này có hằng trăm triệu con gà tây phải “hy sinh” lên “ngồi” trên bàn tiệc. Nhắc tới đây tôi lại nhớ kỷ niệm về “Gà Tây” hồi còn ở Việt Nam, tết nào cũng ăn gà VN hoài, một lần tết đến để thay đổi món ăn mới lạ, tôi quyết định ăn gà tây. Gà ta thì đi chợ lúc nào cũng có, riêng gà tây thì vừa đắt, vừa hiếm, tôi phải đặt hàng trước cả tuần dưới Chợ Lớn. Gần tết tới ngày hẹn phải đem xe đi lấy nó về, rồi phải đi mua cái lồng to để chụp xuống cho nó khỏi chạy tùm lum. Không ngờ đến tối thì nó lại cứ ngoác họng kêu “rọt rọt…oác… oác” ầm ỉ, sợ nó làm phiền hàng xóm, tôi cho nó ăn uống thật no để nó ngủ, nhưng nó không chịu ngủ mà cứ tiếp tục ca bài ca “nhớ nhà” giữa đêm khuya, tôi đoán vậy! Nhìn cái mỏ nó ngoác ra làm khổ lổ tai mọi người mà không biết làm sao cho nó im? Vậy là ông xã tôi phải đi tìm giây thun để cột mỏ nó lại cho nó khỏi kêu, nhưng chỉ được một lát là sợi thun văng mất, nó lại tiếp tục bài ca cũ. Thế là xảy ra cuộc chiến thầm lặng xem “ai thắng ai?” giữa nó và ông xã tôi. Hôm sau ông bỏ giờ đi truy tìm sợi thun to hơn chắc hơn, nhưng nó vẫn thắng trong mấy đêm liền. Cả đêm ông mất ngủ vì cứ lui cui đi cột mỏ cho nó khỏi ồn ào… Tới đêm cuối cùng nó thua chắc vì kiệt sức, thì hôm sau cũng tới ngày nó vô nồi nước sôi. Thiệt ai dè vì “đổi mới” món ăn mà gây ra bao nhiêu phiền phức. Làm thịt nó cũng nhiêu khê, và nấu nó thì càng khó hơn, vì xương nó cứng, thịt nó dai và nhạt. Cuối cùng tưởng “đổi mới” để có món ăn ngon, ai dè các con tôi chê “dở ẹc”. Vậy là chưa có năm nào nhà tôi ăn tết dở như năm đó!. Quả là một kinh nghiệm đáng nhớ vì ham “đổi mới”!. Sau này ở Mỹ, nhân dịp lễ Thansgiving, trường cho mỗi người 1 con gà tây, nhớ lại kỷ niêm xưa, tôi không biết làm gì với nó, bèn đem ra tiệm Tàu nhờ quay. Tốn thêm tiền mà ăn cũng chẳng ra gì! Từ đó về sau thôi thì “Ta về ta tắm ao ta” cứ ăn gà ta đi bộ là ngon và chắc ăn nhất
Ngày nay không chỉ có người Mỹ, mà
những thế hệ di dân tiếp nối, đều có truyền thống làm lễ Tạ ơn mỗi năm. Tinh thần
“Tạ ơn” này đã thấm dần vào mạch máu những người dân sống trên đất Mỹ. Nhìn
quanh tôi thấy có rất nhiều điều cần để Tạ Ơn. Trước hết Tạ ơn vì đất nước này
đã bao dung, giúp đở tạo cơ hội thăng tiến và thành công cho rất nhiều gia đình
Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Hồi tưởng lại sau một thời gian vật lộn với
cuộc sống mới để gia đình có 1 cuộc sống tương đối ổn định; Tôi bắt đầu quay trở
lại trường để đi học vì lời một người bạn nhắc nhở “Đất nước này luôn mở rộng
cơ hội cho mọi người, nếu muốn ngóc đầu lên thì phải chịu khó đi học lại”
Thế là tôi mày mò hỏi thăm đường đi tới trường college, học cách lái xe trên
Freeway, rồi bở ngở tới trường với bao điều mới lạ.. Nhưng bù lại đi tới đâu
tôi cũng đều nhận được sự ân cần giúp đở và khuyến khích. Cái khó khăn của tôi
là đi học lại khi không còn trẻ nữa, vốn liếng tiếng Anh lại ít ỏi, đã vậy lại
còn phải đi làm Full Time. Điều làm tôi ngạc nhiên khi được biết nếu học full
time sau khi pass được 1 semester, tôi lại được hưởng một số tiền khá nhiều gọi
là Finance Aid. Lúc bấy giờ lòng nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, người thân vẫn còn
là một thiết tha lớn trong lòng. Do đó những khi gặp khó khăn, nản lòng muốn bỏ
học, nhưng nhớ tới số tiền nhận được có thể giúp tôi cuối năm học làm 1 chuyến
về thăm quê hương, khiến tôi phấn chấn lên. Nó chính là động lực lớn thôi thúc
tôi rán lên vì 1 công việc mà có tới 2 mục đich: vừa thăng tiến bản thân, vừa
được về thăm quê hương gia đình. Có lẽ chỉ có ở nước Mỹ tôi mới có hoàn cảnh và
điều kiện quá tốt như thế. Do đó mỗi năm đến ngày lễ Tạ ơn, bồi hồi nhìn lại một
chặng đường dài sống ở nước Mỹ, trong lòng tôi lại dâng lên nhiều cảm xúc với
lòng biết ơn 1 đất nước đã cưu mang gia đình tôi cùng rất nhiều gia đình Việt
Nam khác. Chúng tôi không chỉ được hưởng không khí Tự do mà còn có một đời sống
quá đầy đủ, nếu so với đồng bào tôi ở quê nhà. Khi nhắc đến quê nhà tôi lại nhớ
đến những người đang gian khổ đấu tranh cho nhân quyền của dân tôi. Họ đang chịu
nhiều gian lao thử thách, tù đày và tôi thấy cũng phải cám ơn họ về những can đảm
và hy sinh quý báu của họ. Nhờ họ mà tôi còn được một chút tự hào về tinh thần
bất khuất của tổ tiên, mỗi khi có dịp nghe lại bài hát xưa:
Dân nước tôi
từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trên máu xương từng hát ca bài thành công
Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung
Họ đã dũng cảm đứng lên đấu tranh cho một nền dân chủ thực sự mà dân Việt Nam đang đói khát, nhưng ở đây tôi đang được hưởng nó một cách tràn trề. Đó là nền dân chủ mà mỗi người đều biết “chấp nhận nhau dù khác biệt nhau“. Tôi vô cùng cảm kích khi nghe TT Obama nói với ông Trump trong ngày đầu tiên 2 người gặp gở tại tòa Bạch Ốc: “Tôi sẽ làm hết khả năng của tôi để giúp ông thành công, vì ông thành công thì đất nước Mỹ này sẽ thành công” Dù rằng chiến thắng của ông Trump là nổi cay đắng của TT Obama bởi những công trình tâm huyết ông đổ ra với biết bao công sức sẽ bị Trump phá hủy hết. Nó làm tôi chợt nhớ đến câu nói của Đức ĐDLLMa:” Nếu có thể hãy đối xử với nhau tử tế. Và ta luôn luôn có thể”. Xin cám ơn nền Dân Chủ đích thực của Mỹ, hy vọng nó sẽ giúp hàn gắn những chia rẻ của đất nước.
Từ đó tôi nhận ra, ta không chỉ cám
ơn, những khi ta đạt được điều mong muốn hay có hoàn cảnh thuận lợi tốt đẹp, mà
ngay cả những lúc gian nan, bất như ý ta vẫn có thể nhìn ra được điều tốt để
cám ơn cuộc sống. Tôi có chị bạn mắc một căn bệnh nan y, nghĩa là khó lòng chữa
khỏi, và có thể đeo mang tới chết, nhưng tôi ít thấy chị than phiền, càm ràm mà
vẫn sống an nhiên tự tại. Tôi hỏi thăm bí quyết thì chị cười cho biết:
– Bí quyết gì
đâu! Đơn giản là mỗi lần đi khám bệnh, nhìn những bệnh nhân chung quanh, thấy họ
bị nặng hơn mình nhiều. Khi hỏi thăm họ lại ao ước được bịnh nhẹ như mình.Tự dưng
cảm thấy mình còn may mắn hơn họ, vậy thì còn gì để than phiền nữa.? mà ngược lại
còn phải cám ơn Trời vì đã cho mình bịnh nhẹ hơn
Tương tự như vậy, một chị khác bị
chồng ly dị để được tự do bay nhảy. Bạn bè ai cũng tội nghiệp giùm cho chị “Sao
người tốt mà lại gặp cảnh gian truân“. Nhưng chị thì lại tâm tình:” Có những thứ mất
đi rồi, ta mới cảm thấy tiếc nuối vì không biết trân trọng, nhưng có những thứ
mất đi rồi ta mới nhẹ nhõm nhận ra: Đáng lẽ ta phải từ bỏ nó từ lâu lắm rồi”
Chị còn mỉm cười cho biết “Đáng
lẽ tôi phải cám ơn ông chồng tôi vì đã giúp tôi giải thoát sớm khỏi gông cùm và
có được cảm giác nhẹ nhõm, tự do thoải mái như bây giờ
Nghe chị nói tôi chợt nhớ tới một
câu đã đọc được ở đâu đó “Hạnh phúc là khi có 2 người để tựa vai nhưng cũng
có khi là cô đơn một mình”
Đường đời có lúc êm xuôi, có lúc gập
ghềnh, quay đi ngoảnh lại con cái đã trưởng thành. Chúng có sự nghiệp, có gia
đình riêng để lo toan bận rộn… Còn chúng ta bây giờ mới là lúc cảm thấy “Đi đâu
loanh quanh cho đời mỏi mệt” Và đó là lúc chúng ta cần tới bạn bè nhiều nhất,
vì bạn bè có thể hiểu nhau quan tâm tới nhau. Do đó trong những điều phải cám
ơn cuộc sống tôi luôn nhớ đến cám ơn các bạn của tôi. Những người đã cùng tôi
chia sẻ những vui buồn của cuộc sống:
“cho nên tôi yêu trái tim không nặng
nề
những con tim bạn bè bao la…”
Mấy tuần rồi bỗng dưng tôi bị ho,
những cơn ho như xé cổ, ho nảy đom đóm mắt. Khi tôi đến nhà Đ để lấy món đồ bỏ
quên, nghe tiếng tôi ho, bạn le te chạy ra sau vườn, lấy cầu thang ra. Tôi chạy
theo hỏi : “Bà làm gì vậy? ” – “thì trèo lên hái mấy quả tắc cho bà về chưng với
đường phèn mà ăn cho nó bớt đau họng nè!“. Khi gặp X trong lúc đi bộ, nghe tiếng
tôi ho: “Để tui về qua nhà hàng xóm xin cho bà ít rau tần dày lá, về nhai trị
ho hay lắm” . Cứ như thế bạn cho thuốc uống, bạn cho mật ong về ngậm…Mỗi người
quan tâm một chút, một chút…
“Một chút trong
đời trở thành một chút thật tuyệt vời.
Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm dễ thương”
Các bạn đã làm tôi cảm thấy cơn ho
bỗng trở nên đáng yêu, vì nhờ nó tôi nhận được nhiều cái “một chút” tình thương
của các bạn. Cảm
ơn đời cho tôi nhiều tình bạn để từ đó tôi cảm nhận “Hạnh phúc chẳng ở
đâu xa, hạnh phúc thật ra rất gần”. Ở đời có những thứ không phải mua bằng
tiền, nhưng luôn được trân quý vì “Chỉ một chút ân cần, xa xôi cũng thành gần”
Một lần trong bửa tiệc mừng lễ
Thansgiving, tôi thật xúc động khi nghe được bài hát “Cám Ơn Người”:
Cám ơn Người vì ngày hôm nay đây
Chúng ta quây quần đang có nhau
Biết bao hạnh phúc, xớt chia cuộc sống, mến thương nhau đầy trọn tình thân…
không phải chỉ riêng tôi xúc động
mà cả nhóm cũng vậy, nên chúng tôi cứ say sưa hát đi hát lại hoài mà không thấy
chán. Nhất là càng thấm thía hơn với câu “Hãy yêu nhiều vì ngày hôm nay đây
Chúng ta đang còn trông thấy nhau” khi nhớ tới cuộc đời vô thường, nhớ tới
những người bạn mùa Tạ ơn trước còn ngồi với ta mà mùa Tạ Ơn này đã bỏ ta mà đi
Chưa hết, tôi thấy còn nhiều thứ cần phải tạ ơn đời trong cuộc sống hằng ngày, như khi nghe được một bài nhạc hay làm lòng mình rung động, trong tôi chợt dâng lên lòng biết ơn người nhạc sĩ . Đọc được một bài viết hay, xem được một cuốn truyện ý nghĩa, thưởng thức được một bộ phim xúc động tôi luôn thầm cám ơn tác giả đã cho đời những món ăn tinh thần bổ ích.
Tin tức hàng ngày thường tập trung loan
báo về những điều tiêu cực, nhưng trong nhiều mặt thế giới vẫn còn những điều tốt
đẹp: giúp đở một người tàn tật qua đường, quan tâm tới nỗi buồn của người bên cạnh,
giúp tiền học phí cho 1 em học sinh nghèo… Bạn ơi! Hãy tin như vậy về cuộc sống
và chính bạn cũng sẽ góp bàn tay nhỏ bé của mình để làm cho thế giới chung
quanh bạn tốt hơn một chút, phải không? Mỗi khi ngày mới bắt đầu hãy tự nhắc nhở
mình :
“Cám Ơn Đời Mỗi Sớm Mai Thức Dậy.
Ta Có Thêm Ngày Nữa Để Yêu Thương“
Con người sống trên đời, kỳ thực cũng không cần nhiều thứ lắm, chỉ cần sống khỏe mạnh, chân thành yêu thương mọi người thì đó vẫn được coi là một cuộc sống giàu có, sung túc.
Trong mùa lễ Tạ Ơn tôi xin tạ ơn
Chúa, biết ơn tất cả những người thân yêu, cám ơn tất cả bạn bè xa gần đã giúp
đỡ, đã bên cạnh tôi những lúc vui buồn của cuộc sống và có lẽ cả với một số “độc
giả” của tôi, đã chịu khó đọc những chia sẻ tâm tình của tôi về cuộc sống chung
quanh. Thân chúc các bạn một mùa lễ Tạ Ơn an lành. Mong rằng mọi người hãy cùng
nhau nghĩ đến những niềm vui, ơn phúc của đời, của người khác đã mang đến cho
mình và san sẻ với những người xung quanh, cho nhau một tí ân cần, một chút
quan tâm…để cùng nhau chúng ta:
“Còn tìm thấy quanh đây tình người
Còn tìm thấy bao nhiêu mời gọi
những tâm hồn lá xanh tươi
Biết ơn đời những tin vui”
Mùa Tạ Ơn 2017
Phượng Vũ
No comments:
Post a Comment