Hình minh họa
Đoản
Văn này đã được đăng trên:
-
Tập San
Biệt Động Quân số 50, tháng 5.2017, tại Cali, USA. Mỗi lần phát hành, Tập San
BĐQ in 3000 (ba ngàn) số, gởi đến các độc giả khắp Năm Châu, Bốn Biển.
-
Web HỒN-VIỆT
UK ONLINE tại Anh Quốc (vào Google đánh hàng chữ này, bài vở rất nhiều và giá
trị).
Vài lời phi lộ.- Những lời chia buồn này đã „hé lộ“
câu chuyện vượt biển tìm tự do ngay tại Thủ Đô Saigon, đã được giữ kín hơn 37
năm, theo người trong cuộc, nếu nói ra sớm sẽ ảnh hưởng đến những người đi sau,
bọn công an cú vọ biết được sẽ dễ dàng „tóm“ trọn ổ. Nay „phong trào“ vượt biển
tìm tự do không còn nữa, nên „câu chuyện“
này được kể lại tỉ mỉ, rõ ràng tứng giai đoạn, trước là để ghi lại công
ơn cứu tử của vị đại ân nhân, Dr. Rupert Neudeck, sau là để qúy độc giả Tạp Chí
Dân Văn, cùng bạn bè, thân hữu cùng chiêm nghiệm và thưởng lãm.
Kondolenz von Le Thanh Tung aus Bochum
Tạm dịch: Phân Ưu của Lê Thanh Tùng, tỉnh Bochum.
Vô cùng xúc động được tin:
Tiến Sĩ Rupert Neudeck, sáng lập tổ chức Cap Anamur vớt người Việt vượt biển tìm tự do, đã trở về với cát bụi, ngày 31.05.2016.
Việc làm nhân đạo của Tiến Sĩ Neudeck,
- - đối
với đạo Công Giáo, ông là một vị Thánh.
- - đối với đạo Phật, ông là một vị Bồ Tát.
CCap Anamur đã cứu vớt hơn 11.300 người trên biển Đông, nay sau 37 năm, thân nhân đoàn tụ và trưởng thành nâng tổng số lên hơn 70.000 người đang sinh sống trong Tự Do và Dân Chủ tại nước Đức.
Nguyện cầu linh hồn TS Neudeck sớm về nước Thiên Đàng.
Đồng kính bái.
Lê Thanh Tùng và gia đình
Đã vượt biển bằng
thuyền, từ Thủ Đô Saigon, đi đường sông ra cửa biển Vũng Tàu ngày 26,04.1980,
được con tàu Cap Anamur cứu vớt lúc 10 giờ 47 phút, ngày 01.05.1980…
----------------
Vào thập niên 80
của thế kỷ trước, việc vượt biển tìm Tự Do ngay tại Saigon, rất khó thực hiện,
vì lúc đó bọn phỉ quyền còn kiểm soát chặt chẽ, công an khu vực luôn
luôn „dòm ngó“ nhà dân. Việc „đi bán chính thức“ do công an tổ chức cũng không
còn rầm rộ như các năm 1978-1979. Kể từ ngày hé lộ chuyện vượt biển bằng ghe
ngay tại Thủ Đô Saigon, cho đến bây giờ, cũng không thấy có ghe thứ hai, như
vậy, trong lịch sử thuyền nhân, chỉ có duy nhất một chiếc thuyền chở 45 người
ra đi, xuất phát ngay trên sông rạch của Thủ Đô Saigon, và bây giờ, người tổ
chức chiếc thuyền này kể lại để cống hiến cùng bạn đọc, thân hữu xa gần.
Lý do tôi ghi rõ trong bản Phân Ưu, là mong muốn được „kết bạn“ với những người cũng tổ chức vượt biển bằng thuyền ngay tại Saigon như tôi.
Không có ai đi bằng ghe từ Saigon liên lạc với tôi, nhưng có rất nhiều email muốn tôi viết lại việc tổ chức này do hiếu kỳ và tò mò, như vậy trong lịch sử thuyền nhân Boat People chỉ độc nhất một chiếc thuyền do tôi làm, đi từ sông Saigon ra cửa biển Vũng Tàu. Đường bộ Saigon-Vũng Tàu dài 120 Km, đường sông tương đương hoặc dài hơn nhưng quanh co vắng lặng, tàu tuần công an lúc nào cũng chạy tới chạy lui để kiểm soát và làm tiền các ghe thuyền chuyên chở hàng hoá, do đó phải cẩn trọng suốt cuộc hải hành. Công an chận xét mà trên ghe đầy người, coi như xong, tất cả vào „nhà đá“, người tổ chức không có ngày về. Tôi dùng chiến thuật như khi đi hành quân diệt Việt Cộng, một xuồng tam bản, chạy máy đuôi tôm, lọai ghe này chạy rất nhanh, không có mui, dùng làm tiền sát chở 2 người, chạy trước khoảng 1 hải lý, gặp tàu tuần, quay lại, bấm đèn pin để làm hiệu báo động, đó là lần thứ 3, đi ban đêm. Khi thấy có đèn hiệu, chiếc thuyền chính chở người phải rẽ ngay vào con rạch gần nhất, trốn trong đó, chờ ghe tiền sát thám thính, thấy an toàn mới cho tiếp tục lên đường.
Tôi cũng chân
thành tạ lỗi cùng các bạn bè thân thiết từ ngày gặp nhau trên nước Đức, 37 năm
qua, trong lúc „trà dư tửu hậu“ chỉ toàn các chiến hữu thiết thân, nhưng tôi
cũng không hề nói về câu chuyện vượt biển ngay tại Thủ Đô
Saigon, như người „hàng xóm“ tại khu Hoà Hưng, là anh Nguyễn Hữu
Huấn, người được Cap Anamur vớt trước tôi, đã gặp nhau trên boong
tàu vào tháng 5.1980 tại cảng Singapore, cũng không hề nghe tôi nói về con
thuyền đi đường sông từ Saigon ra cửa biển Vũng Tàu…Sở dĩ tôi giữ kín „như
bưng“ là vì „nói ra“, bọn công an cộng sản biết được, sẽ tóm trọn ổ những người
đi sau, nếu họ cũng làm như tôi.
Cap Anamur đã cứu
vớt thuyền nhân như sau:
- Cap Anamur 1 gồm nhiều
chuyến, từ tháng 9.1979 đến tháng 05.1982, vớt được 194 ghe, 9507 người.
- Cap Anamur 2, từ tháng
03.1986 đến tháng 06.1986, vớt được 18 ghe, 888 người.
- Cap Anamur 3, từ tháng 04.1987 đến tháng 06.1987, vớt được 14 ghe, 905 người.
Tổng cộng 3 lần ra khơi, Cap Anamur đã vớt được 226 thuyền, 11.300 người. Ở đây cũng xin nói rõ, tất cả các thuyền nhân dưới 18 tuổi đều được bảo lãnh đoàn tụ gia đình, chính phủ Đức chi trả mọi chi phí cho việc đoàn tụ này. Tôi đem đi 2 đứa cháu, một đứa gọi là chú ruột, một đứa gọi là cô ruột, cả 2 đứa đã bảo lãnh cha mẹ, anh chị em, mỗi gia đình 7 người, chúng tôi không phải trả một chi phí nào cho tiền vé máy bay đoàn tụ, đặt chân đến nước Đức, mọi người được lãnh trợ cấp để sinh sống ngay. Nhiều người thấy nước Đức „cưu mang“ và mở rộng lòng nhân, đều nói là những thuyền nhân này đẻ bọc điều mới được hưởng những may mắn như thế, công ơn cứu tử của vị ân nhân, ông Thánh Neudeck sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi, những người phải từ bỏ chế độ cộng sản độc tài, khát máu ra đi, chín phần chết, chỉ có một phần sống mong manh. Sau 37 năm (1979-2016), số người đoàn tụ, số người trưởng thành lập gia đình, sinh con đẻ cái, nâng con số lên khoảng 70.000 người, trong đó có rất nhiều gia đình, các con em họ đều thành đạt trên bước đường học vấn, như gia đình anh chị Nguyễn Đức Trụ, cả 5 cháu, 3 trai 2 gái đều đỗ đạt, đứa thì Bác Sĩ, đứa thì Kỹ Sư, đứa thì Dược Sĩ. Gia đình anh chị Lê Thanh Tùng ở Bochum, 4 cháu gái đều xong bậc Đại Học, đi làm, có địa vị ngoài xã hội, mỗi cháu học một ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, ghe của tôi có anh Trương Ngọc Thanh, đã tốt nghiệp Kỹ Sư Phú Thọ, khi đến Đức, đi học lại, tốt nghiệp Bác Sĩ, hiện mở phòng mạch tại Tỉnh Minden, Tiểu Bang NRW, Germany. Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Kỹ Sư Địa Chất tại VN, qua Đức, học lại, thành Bác Sĩ Y Khoa, đang hành nghề tại một nhà thương ở tỉnh Menden, còn gia đình anh Phạm Văn Hoá, đã bị 3 ghe hải tặc bao vây, sửa soạn tấn công, thì Cap Anamur đến cứu kịp, 2 cháu gái của anh Hoá lúc đó mới 4,5 tuổi, nay đã tốt nghiệp Đại Học, cháu Thanh Trúc, một nữ Luật Sư trẻ, đã làm MC cho buổi khánh thành tượng đài thuyền nhân năm 2009, tại hải cảng Hamburg. Đặc biệt hơn nữa, một thuyền nhân đã trở thành Dược Sĩ Trung Tá trong quân đội Đức, đó là Anh Lê Vĩnh Hiệp, còn nhiều điều kỳ thú mà chúng ta chưa biết được như ĐĐ Thích Hạnh Giới, Trụ Trì chuà Viên Giác, là một Boat People, tốt nghiệp Đại Học Đức, xuống tóc đi tu được Sư Phụ Thích Như Điển cho qua Ấn Độ du học, đậu bằng Tiến Sĩ Phật Học. Tôi chỉ kể ra những trường hợp điển hình, chắc chắn còn rất nhiều các con cháu đã đạt được thành quả rất tốt đẹp trong lãnh vực học vấn, riêng đạo Công Giáo đã có thêm nhiều Linh Mục, những vị này được Cap Anamur vớt ngoài biển Đông, đi tu trở thành các vị lãnh đạo tinh thần trong Giáo Hội Công Giáo, tôi quen biết thân thiết với vài vị Linh Mục, dù tôi không phải là tín hữu.
1.- TÌM ĐƯỜNG RA ĐI.
Thấm thoát sống với loài qủy đỏ đã gần 5 năm, nhất là sau ngày mẹ tôi
mất, 08.02.1979, càng thúc đẩy tôi quyết tâm tìm kiếm một lối thoát, 3 đứa con
gái của tôi không thể nào học lên được, vì với lý lịch, cha là dân di cư 54, Sĩ
Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, con cái chắc chắn bị „trù dập“ trong cái guồng
máy „xét lý lịch 3 đời, hồng hơn chuyên“. Cá nhân tôi, được lưu dụng làm việc
tại Saigon Thủy Cục, nay đổi tên là Công Ty Cấp Nước, đến tháng 06.1976, bị
cưỡng bách cho nghỉ việc để đi kinh tế mới, các hậu quả do chế độ mới giành cho
tôi đã từ từ phủ chụp lên cuộc sống gia đình tôi, đây là một sự trả thù hèn hạ
mà chế độ phỉ quyền luôn luôn tuyên truyền, là khoan hồng, nhân đạo với người
chế độ cũ, tôi bị thương, giải ngũ, trở thành Thương Phế Binh với cấp độ tàn
phế 70%, vừa kịp lúc Saigon Thủy Cục, một cơ quan tự trị, lương bổng cao hơn
lương Trung Úy Quân Lực VNCH, thi tuyển nhân viên, ngạch kiểm soát viên kiêm
thâu ngân viên, tôi nộp hồ sơ, kèm các huy chương để được ưu tiên, thêm điểm.
Kết quả tôi đậu đầu trong 5 người và làm việc tại khu Chợ Lớn, sau 3 tháng tôi
xin đổi về khu Saigon, gần nhà hơn. Saigon Thủy Cục có 3 khu chính là Saigon,
Chợ Lớn , Gia Định và nhà máy nước Thủ Đức. Sau ngày 30.04.1975, bọn „răng đen
mã tấu“ tiếp thu Saigon Thủy Cục, chúng đổi tên là Công Ty Cấp Nước, vẫn làm
việc như cũ, chúng giao cho tôi 2 người mới từ ngoài Bắc vào, để chỉ dẫn cho
họ, tôi có chút nghi ngại, nhưng không chỉ bảo cho chúng, thì có thể bị kỷ
luật, tôi và các nhân viên được lưu dụng phải „học tập cải tạo“ 1 tháng tại cơ
quan, mãn khoá được cấp giấy chứng nhận, tôi dùng giấy chứng nhận này, sau khi
bị cho nghỉ việc, đi khắp các tỉnh miền Tây, tìm đường vượt biển. Thời buổi
nhiễu nhương, sống trong một xã hội lấy „lừa dối“ làm kim chỉ nam, rất nhiều
người mất vàng mà không đi được, còn bị vào tù, đi đâu cũng nghe, người này
người kia vừa bị gạt, dù thế, tôi cũng không nản. Trong gia tộc có một vị thông
gia với nhạc phụ của tôi, làm nghề đánh cá tại Vũng Tàu, tôi và
người anh đồng hao, đã ra Vũng Tàu, ngủ đêm tại nhà vị thông gia này, để tính
chuyện ra đi, nhưng không thành, vị thông gia không dám chứa chấp số người từ
Saigon ra đây, chỉ ngủ lại một thời gian rất ngắn, lý do công an khu vực tại
xóm chài này như con cú vọ, lúc nào cũng „lùng xục“ khắp trong xóm, người lạ
xuất hiện là bị xét hỏi ngay. Đường đi từ bãi sau Vũng Tàu không thể nào thực
hiện được với người từ nơi khác đến. Trên đường trở về Saigon, chúng tôi ghé chợ
Rạch Dừa, Bà Rịa, thăm một người bạn, anh này cho biết những khó khăn mà bọn
công an kiểm soát các khu xóm dễ dàng đem ghe thuyền ra biển, nói chung, những
thôn xóm gần bờ biển đều được vào sổ „bià đen“, bọn công an khu vực luôn luôn
„để mắt“ đến. Việc mua „bãi“ nếu êm xuôi thì an toàn cho người ra đi, nhưng
nhiều khi vì „tranh ăn“, chúng nó „đấm đá“ lẫn nhau mà chủ ghe lãnh đủ, người
đi mất vàng bạc cũng không dám „tố cáo“ hay thưa gởi gì cả. Thằng cháu rể tôi
kể về chuyến ra đi của nó năm 1979, đi xe đò ra Vũng Tàu, có người dẫn đường
tới khu đánh cá Phước Tỉnh, di chuyển ban ngày, không lén lút, nói chuyện ồn ào
như cái chợ, thanh niên mỗi người vác một bao bố lớn kinh sách Phật Giáo, trong
số người đi chung có Ni Cô Thích Nữ Diệu Hạnh, nay đang trụ trì một ngôi chuà
tại Barntrup, Đức Quốc, số kinh sách và Tượng Phật do số thanh niên của ni cô
vác đem theo. Đây là chuyến vượt biển đã được mua „bãi“ không sợ bị công an bắt
giữ, rất an toàn xuống ghe để ra khơi.
Tôi có anh bạn tên Dương Phục, vợ là Vũ Thanh Thủy, 14 lần mới đi được, bây giờ hai vợ chồng đang làm Đài Phát Thanh tại Houston, Texas, nhờ gia đình bên vợ đi trước, gởi đô la về nên mới có tiền để trả cho 13 lần ra đi không thành, lần thứ 14 mới ra khơi được, thì lại bị tàu hải tặc cướp bóc thật dã man, khủng khiếp. Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã viết hồi ký „TÌNH YÊU NGỤC TÙ & VƯỢT BIỂN ghi lại tất cả các diễn biến cuộc vượt biển tìm tự do của đời mình.
Tôi bôn ba khắp các tỉnh sát bờ biển thuộc vùng bốn, nhưng vì không có người quen nên việc tổ chức ra đi không thực hiện được, sau bốn tháng, trở lại Saigon để tìm đường khác.
Tôi ghé thăm thúc phụ tại trại Khuông Việt, Ngã Ba Ông Tạ, thím tôi hỏi thăm việc ra đi như thế nào, tôi cho biết tình hình chung rất khó khăn vì việc lừa gạt trong chuyện vượt biển xảy ra quá nhiều, không biết ai thật ai giả, tiền mất tật mang. Thím tôi cho biết, người hàng xóm sát cạnh nhà có người chú, ông ấy có chiếc thuyền chạy từ Saigon ra Vũng Tàu, chặt củi ở rừng đem về bán sinh sống cả nhà, mấy đứa con lái ghe từ sau 30.04.1975 đến bây giờ nên rất rành đường đi trên sông, biết chỗ nào có trạm kiểm soát đế tránh né, giống như đi trên đường bộ vậy. Đúng là „buồn ngủ gặp chiếu manh“, nhờ thím tôi giới thiệu với ông Sơn hàng xóm, và xin trực tiếp gặp ông Hoàng Văn Vân, người có chiếc ghe chặt củi, ngày giờ hẹn gặp sẽ cho biết sau, tôi ra về, đúng ngày hẹn, tôi đến, cuộc gặp gỡ thân mật tại nhà ông Sơn, ông Vân và tôi đã thoả thuận, phiá tôi bỏ tiền mua ghe, mua máy và mọi chi phí khác, phiá ông Vân được đi cả gia đình, không phải đóng góp gì cả vì nhà quá nghèo, vợ ông Vân đã chết, ông ở vậy nuôi đàn con hơn mười đứa,
2.- GIAI ĐOẠN MUA THUYỀN, MUA MÁY.
Người con trai trưởng của ông Vân là Hoàng Văn Sự đã đưa tôi lên Thủ Đức
để mua thuyền, chiếc thuyền dài 11 mét, ngang 3 mét, không có máy móc gì cả,
còn tốt, chắc chắn, thuyền này chỉ đi trên sông, mũi bầu, nghe nói thuyền đi
biển phải đóng mũi Tháilan mới chẻ sóng được, nếu là mũi đi biển, công an sẽ
„hỏi thăm“ ngay, tôi quyết định mua chiếc ghe này với giá 5 lượng vàng, chủ thuyền
viết giấy tay bán cho tôi, không có thị thực gì cả, tôi phải nhờ chiếc ghe của
ông Vân lên kéo về cột đằng sau nhà ông Vân, nằm sát con kinh Nhiêu
Lộc, khúc ấp Hoà Bình, gần Ngã Ba Ông Tạ.
Muốn vượt biển phải gắn máy Yamaha một „blok“ hoặc lớn hơn, tôi đi thăm dò nhiều người có ghe thuyền chuyên chở từ vùng bốn về Saigon và ngược lại, may mắn có vị giới thiệu tôi với „chú Bảy Chợ quán“, nhà trước Bệnh Viện Chợ Quán, sau nhà là con rạch chạy dài đến cầu chữ Y và cầu Rạch Ông. Tôi trình bày thẳng với chú Bảy, tôi có ý định ra đi và nhờ chú ấy lo chuyện lắp ráp máy, chú Bảy bảo đem chiếc ghe neo ngay sau nhà để chú xem xét, ngày hôm sau tôi trở lại với chiếc thuyền và cột ngay dưới chân cột nhà chú Bảy, sống với Cộng Sản 5 năm, tôi biết lòng người dân Saigon, ai ai cũng chán ghét bọn „răng đen mã tấu“ nên không ngần ngại nói thẳng ý định „vượt biển tìm tự do“ với người đối diện, cứ lấy cái „tâm thật“ để cư xử, chính vì bản tính của tôi lúc nào cũng thủy chung với mọi người, nên kể từ ngày làm tờ Tạp Chí Dân Văn, đã lấy bút hiệu là Lý Trung Tín. Chú Bảy xem xét chiếc ghe, cho biết còn khá tốt, với kích thước này thì chỉ gắn máy Yamaha đầu bạc 1 block thôi, tôi đồng ý với lời cố vấn của chú, hôm sau nữa, tôi giao 5 lượng vàng lá cho chú Bảy, không cần viết giấy biên nhận gì cả, đối xử bằng tấm lòng chân thật giữa 2 bên, những chuyện làm có tính cách „bất hợp pháp“ mà đòi hỏi „giấy tờ“ thì là đã không tin nhau rồi, bọn phỉ quyền biết được thì cả 2 phiá đều „mắc tội“, chi bằng ta cứ đối đãi thực tâm của những người bị áp chế bởi cường quyền. Thời gian khoảng 1 tuần lễ sẽ ráp máy xong, hàng ngày tôi đều ghé chú Bảy, lần nào ông cũng đãi tôi bữa cơm thật chân tình, càng nói chuyện càng thấy hợp tính nhau, nhất là các nhận xét về cái chế độ này, tôi mở lời mời chú Bảy cùng ra đi với tôi, nhưng chú từ chối chờ chuyến đi của giòng họ chú, và chú chúc tôi gặp được nhiều may mắn khi ra khơi. Đúng 7 ngày sau, việc ráp máy hoàn tất, chú Bảy hẹn ngày giờ cho ghe chạy thử, xong xuôi tôi giao ghe cho cậu em vợ là Trần Văn Vinh giữ và lái, để thực hiện các giai đoạn kế tiếp.
3.- CHỌN NGƯỜI THÂN TÍN - HỌC CĂN BẢN HẢI QUÂN.
Mua ghe, ráp máy xong, phải có người tin cậy, thân tín giữ ghe, mới có thể tiến hành từng bước, tôi phải ở trên „bờ“ để „tính toán“ mọi chuyện. Tôi có 5 cậu em vợ đều đã trưởng thành, chỉ riêng cậu út Trần Hoàng Minh đang phải đi „nghiã vụ quân sự“ đóng bên Cao Miên, 4 cậu kia đang sống tại Saigon và Biên Hòa. Tôi là con trai út, chỉ có một người em thúc bá nhưng chú này còn ham chơi, không thể giao cho những việc hệ trọng, cuối cùng tôi chọn cậu em Trần Văn Vinh, hai anh em đi uống cà phê, tôi rủ Vinh tham gia chuyện vượt biển tìm tự do bằng thuyền ngay tại Saigon, Vinh không do dự cũng không thắc mắc, đồng ý đi với tôi, như vậy, yên tâm một việc, đã có người thân tín „cật ruột“ để giữ chiếc ghe trong suốt thời gian chờ đợi ngày giờ khởi hành, tôi dặn Vinh đem ghe chạy „đi lại“ trên sông Saigon ra đến cửa biển Vũng Tàu, quan sát và nắm vững những địa điểm mà tàu tuần công an chận xét trên sông, một thời gian sau Vinh cho biết đã „thuộc“ đường đi trên sông, giống như đi trên bộ, chỗ nào có tàu tuần, chỗ nào hay bị chận xét, cách tránh né chúng như thế nào Vinh đều đã nắm rõ. Cứ khoảng một tuần về lại Saigon, lên bờ mua thực phẩm cho việc ăn uống, rôi xuống thuyền đi ra Vũng Tàu chặt vài bó củi chở về Saigon cho gia đình ông Hoàng Văn Vân. Trên thuyền lúc nào cũng có ít nhất 2 thủy thủ lái ghe, là Hoàng Văn Quỳnh và Trần Văn Vinh, hoặc Hoàng Văn Mục, Trần Văn Vinh, thỉnh thoảng có thêm Lê Quang Đĩnh, em thúc bá, đi theo cho quen „sóng gió“, các người con trai ông Vân đã thay nhau đi cặp và chỉ bảo Trần Văn Vinh điều khiển chiếc thuyền thật nhuần nhuyễn, dù trước đó Vinh chưa hề chèo ghe trên sông rạch. Ê kíp lái thuyền đã đầy đủ, nhưng người chỉ huy phải có sự hiểu biết tối thiểu về biển cả, tôi nghĩ ngay đến chú em Nguyễn Gia Bảo, em ruột người bạn thân cùng khoá Sĩ Quan Thủ Đức với tôi, chú Bảo tốt nghiệp khoá 24 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, chỉ bị đi tù cải tạo hơn một năm thì được thả về, đang sống chung với gia đình có người chị dâu là em kết nghiã của tôi, khi cô em này lên thăm tôi trên trường Sĩ Quan Thủ Đức, tôi đã giới thiệu cho Nguyễn Thiện Tường, người bạn thân, anh ruột Nguyễn Gia Bảo, sau đó nên duyên vợ chồng, lúc mãn khoá Tường chọn Thiết Giáp, tôi lựa Biệt Động Quân. Từ ngày ra trường tháng 1/1968, cách Tết Mậu Thân 18 ngày, Tường và tôi đi hành quân liên miên, đứa ở Quân Đoàn 2, đứa thuộc Quân Đoàn 3, tôi dự trận Mậu Thân ngay tại Chợ Lớn, Tường thì còn đang học khoá căn bản Thiết Giáp, hai đứa không gặp được nhau lần nào cả, rồi ngày 30.04.1975 ập đến, Tường trong trại cải tạo, tôi bị thương trở thành Thương Phế Binh trước Hiệp Định Paris nên không phải đi tù cải tạo, chỉ học tập 1 tháng tại cơ quan đang làm việc là Saigon Thủy Cục. Năm 2010 nhân dịp sang Cali dự Đại Hội kỷ niệm 50 năm thành lập binh chủng Biệt Động Quân/Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, tôi đã làm một vòng các Tiểu Bang thăm bạn bè, thân nhân, ở Thành phố Camden, NJ gặp Trần Văn Nam, người anh em đồng hao, bị Việt Cộng đày ra Bắc hơn 8 năm, bây giờ „tối ngày“ đi biểu tình chống Cộng Sản tại New York, Washington với chiếc xe lăn và lá cờ vàng ba sọc đỏ, bay qua Orlando, Florida, thăm gia đình Nguyễn Thiện Tường mà từ ngày mãn khoá 25 Sĩ Quan Thủ Đức, tháng 01.1968, đến bây giờ tháng 07.2010 mới gặp lại, hơn 42 năm, vật đổi sao dời, bị đầy đọa bởi bọn người cầm thú, nay có dịp trùng phùng, những kỷ niệm được nhắc đến như một phần ký ức trong cuộc sống, chuyến bay kế tiếp đưa vợ chồng tôi đến Thành Phố Denver, Tiểu Bang Colorado, hội ngộ với Huỳnh Lập Quốc, tôi và Quốc cùng khoá Thủ Đức, chỉ có 2 thằng về Tiểu Đoàn 51 Biệt Động Quân, nên rất thân nhau, tôi bị thương, giải ngũ, Quốc tiếp tục trong quân ngũ đến ngày tan hàng, tôi không hề biết tin Quốc ra sao sau tháng 4 đen, Quốc người Sóc Trăng, tôi ở Saigon, bặt tin nhau từ ngày lũ „răng đen mã tấu“ chiếm trọn miền Nam, mới mấy năm nay thôi, nhờ có Tổng Hội Biệt Động Quân, tôi mới liên lạc được với Quốc và rủ nhau cùng về dự Đại Hội tại Cali. Lúc này Tường còn đang bị giam trong trại cải tạo thuộc vùng 2, tôi đến thăm vợ con Tường, gặp Bảo, tôi nhờ Bảo xuống nhà chỉ dẫn các điều căn bản khi đi biển, Bảo sốt sắng mỗi ngày chạy xuống nhà tôi, đóng kin căn phòng và hướng dẫn thật tỉ mỉ về coi sao trên trời, đo tốc độ chiếc ghe, tính độ giạt của sóng, cách xem Hải Đồ, Hải Bàn…sau một tuần, những điều căn bản trên tôi đã nắm vững, dù sao tôi cũng đã tốt nghiệp Sĩ Quan Bộ Binh, việc coi bản đồ, địa bàn không thành vấn đề, khi được Bảo, một Hải Quân Thiếu Úy chỉ dẫn, là hấp thụ được ngay những điều căn bản khi đi biển, kể từ đây tôi vững tin hơn để đem con thuyền bé nhỏ vượt biển tìm tự do, tìm sự sống trong cái chết, khi ra đi mọi người đều biết, thập phần hiểm nguy, 9 phần chết chỉ có 1 phần sống rất mong manh. Tôi biết ơn sự hướng dẫn rất tận tình của Nguyễn Gia Bảo khi Bảo đích thân xuống chiếc ghe tại bến Bạch Đằng để đo tốc độ con thuyền, rồi chạy thử một khoảng rất dài, giải nghiã cặn kẽ các điều tôi hỏi về đi biển với con thuyền nhỏ bé này, dĩ nhiên với Bảo thì tàu sắt mới đúng tiêu chuẩn để ra khơi. Tôi mời Bảo cùng đi với tôi, nhưng mẹ Bảo không muốn vì trong gia đình vừa có chuyện đau buồn, 2 đứa em của vợ Tường vượt biển, chiếc ghe bị sóng đánh vào bãi san hô, cả thuyền chỉ có 2 người còn sống nên mới có tin về nhà, những trường hợp chết hết cả ghe thì rất nhiều, mà chúng ta thấy đăng tin trên báo tìm thân nhân vượt biển, không có tin tức gì về chuyến đi, bởi cả thuyền đã chìm vào lòng biển cả, không còn ai sống sót, chưa có cơ quan, báo chí truyền thông nào của thế giới thống kê tương đối chính xác được số người chết trên biển Đông mà chỉ ước tính, 1 người đến bờ thì 4 người vào „bụng cá“, trong lịch sử mấy ngàn năm của đất nước Việt Nam, chưa có thời kỳ nào mà số người ra đi tìm sự sống trong cái chết ào ạt như thời kỳ này, thà là chết hết chứ không thể sống trong một xã hội do lũ người tàn độc cai trị từ sau 30 tháng 04 năm 1975. Đây là một sự thật của lịch sử mà các nhà viết sử sau này phải ghi vào trang sử của tổ tiên để lưu lại ngàn đời sau. Cá nhân người viết đã bị „trả thù“ của lũ „vượn người“, thì đến đời con cháu sau này còn bị trù dập đến tận cùng khổ ải. Nơi nào có tự do thì nơi đó là quê hương của mình, ta hãy „nhủ thầm“ và cầu xin như thế.
4.-
TRANG BỊ CHO CHUYẾN RA KHƠI.
Thuyền
bè, máy móc đã lắp ráp xong, bây giờ phải tìm mua các vật dụng cần thiết cho
việc ra đi, các “món” không thể thiếu:
Hải Bàn, Hải Đồ, Thức Ăn, Nước Uống 300 lít, 3 trái Xi-Nhan, Dầu Chạy Máy khoảng 300 lít, dự trù 100 bịch gạo sấy, 100 ký củ đậu, thêm khẩu K54, 2 băng đạn để thủ thân.
Vì phải
giữ kín, các thứ trên do một mình tôi lo liệu, riêng khẩu K54 và 2 băng đạn
cùng 3 trái xi-nhan, do người anh họ Hà, gọi mẹ tôi là cô mua dùm, anh này và
tôi không biết nhau, vì năm 1954, tôi theo gia đình di cư vào Nam tìm tự do,
ngày 02.05.1975, anh Hà Văn Cường, cán bộ Thương Nghiệp được cử vào Saigon công
tác, anh Cường đã tìm đến nhà mẹ tôi, tôi được nhắn về chào người anh em, vừa
thấy tôi, anh nói ngay, chú mày là Sĩ Quan mà sao không đi, ở lại, “đòn thù” sẽ
giáng xuống không lâu đâu, đúng như người anh họ đã nói, chúng “lưu dụng” tôi
đến tháng 6.1976, buộc nghỉ việc để đi kinh tế mới.
Tôi
đóng một cái hộp để cất khẩu súng trên ghe, và chỉ một mình tôi biết chỗ cất
súng. Anh Hà Văn Cường còn giúp tôi nhiều việc khi tôi nhờ đến, anh chẳng sợ
hậu quả nếu việc bị đổ bể. Tôi cũng cho anh ấy biết, là tôi đang tổ chức để ra
đi, anh hoàn toàn đồng ý với quyết định của tôi, chỉ khuyên tôi thật cẩn thận
và tỉnh táo để “qua mặt” bọn công an Phường, Khóm.
Hải đồ
mua chỗ quen tại khu quận 5, Hải bàn phải đến xem tại chỗ, loại của Hải Quân
VNCH giá 1 lượng vàng lá.
Tôi cho
cắt đôi 3 thùng phi 200 lít, hàn bằng mặt và có vòi vặn nước, 3 thùng phi này
để vừa khít dưới sàn ghe làm chỗ ngồi, trong chứa nước ngọt và dầu
chạy máy.
100
bịch gạo sấy mua tại chợ Kim Biên, 100 ký củ đậu mua ở chợ Cầu Muối.
Tất cả các thứ này được chuyển lên ghe trước chuyến đi 1 ngày, tôi bảo Vinh đem ghe đậu không nhất định một chỗ, thường xuyên neo ở chợ Thị Nghè, chỗ ghe chở hàng lên xuống, bọn công an không kiểm soát được. Nhà ở cạnh bờ sông, rạch, không thể cột thuyền được, bọn công an khu vực sẽ “rờ gáy” ngay, chúng sẽ làm khó dễ để kiếm tiền, dễ dàng bị lộ. Nói chung làm chuyện này, hoàn toàn bất hợp pháp, “chui” từ đầu đến cuối, phải giữ bí mật càng ít người biết càng tốt, chỉ một mình tôi quyết định mọi chuyện, từ ngày mua xong chiếc ghe, tóc tôi bỗng nhiên bạc trắng, vì lúc nào cũng suy nghĩ, tính toán, để qua mặt bọn cú vọ và cậu em Trần Văn Vinh theo lệnh tôi chấp hành, ngay việc bốc người để ra đi, chỉ một mình Vinh biết địa điểm rồi giao cho từng người đem xuồng nhỏ, chạy máy đuôi tôm đến mỗi điểm hẹn, các xuồng này là taxi chở vài ba người đến ghe chính, tôi luôn luôn áp dụng yếu tố bất ngờ mới qua mặt được tụi công an.
5.- RA ĐI RỒI TRỞ VỀ.
Một hôm
Vinh lên bờ cho tôi biết, vừa bị tàu tuần bắt giữ, chúng đánh đập tra khảo rất
dã man 2 người lái ghe là Vinh và Hoàng Văn Hàn, em Hàn mới 12 tuổi, rất thuộc
đường sông vì theo ghe chặt củi từ sau tháng 4 đen, hơn 4 năm đi lại từ Saigon
đến Vũng Tàu, “ngõ ngách” nào cũng biết, bọn tàu tuần nghi ngờ chiếc ghe là ghe
taxi đưa người đến tàu chính để vượt biên, nhưng Vinh, Hàn một mực khai là nhà
nghèo chỉ đi chặt củi về bán để sinh sống, cuối cùng phải cho chúng 2 can dầu,
bọn chúng mới thả ra. Được cấp báo các sự việc, như vậy chúng đã nghi ngờ, tôi
quyết định “nhổ neo” khẩn cấp, thuyền ra khỏi Vũng Tàu đúng ngày 23 Tết năm 1980,
gặp “gió chướng”, tất cả say sóng nằm la liệt, toán lái thuyền “ngất ngư” hết
vì các chú em này chưa hề đi lính, chỉ có một mình tôi còn tỉnh táo,
tôi đành phải cho ghe quay về, lương thực còn nguyên chưa ăn uống gì cả, đến
khúc sông Saigon thì trời đã sáng trưng, lúc đó là khoảng 7 giờ sáng, tôi cho
ghe đậu tại bến đò Long Kiểng, quận Tư, Khánh Hội, số người trên ghe lên bờ an
toàn, không một ai bị “làm khó dễ”, Vinh đem thuyền đi dấu chỗ khác. Bến đò
Long Kiểng là nơi lên xuống hàng hoá, trái cây từ vùng 4 đem về giao cho các
bạn hàng ở Saigon, rất đông đúc, nhộn nhịp.
Có 3
địa điểm “lý tưởng” cho việc tổ chức vượt biển bằng ghe thuyền là:
- Chợ
Thị Nghè, đối diện là chuồng Voi, Sở Thú. Nơi đây lúc nào cũng tấp nập, kẻ lên
người xuống, ghe thuyền chở hàng hoá neo chật cả một khúc rạch Nhiêu Lộc, công
an khu vực không kiểm soát gắt gao như xóm nhà dân.
- Bến
đò Long Kiểng, quận 4 Khánh Hội, cũng nhộn nhịp không kém chợ Thị Nghè, công an
khu vực đi lại nhưng là để kiếm ăn cò con, bạn hàng “thí” cho vài trái cây, xấp
bánh tráng.
- Chợ
Cầu Muối, nơi này xô bồ, bạn hàng chửi thề inh ỏi, đặc biệt công an khu vực
không “léo hánh” vì dân hàng chợ là thứ dữ nhất Saigon. Tôi mua một tạ củ đậu ở
đây, đem lên ghe thoải mái.
3 địa
điểm này để neo ghe, “lên xuống” các thứ cần thiết cho chuyến đi, bọn công an
khó theo dõi, bạn hàng không để ý đến người chung quanh.
Trong thời gian tính toán, sắp xếp cho chuyến “bốc người”, tôi đã “la cà” khắp hang cùng ngõ hẹp để xem chỗ nào, nơi nào thuận tiện, nhất là tránh sự để ý của bọn công an, nghiên cứu, điều nghiên, cuối cùng quyết định các địa điểm mà không có ai để bàn bạc, tham khảo, ngay như vợ tôi cũng không hề được biết những tính toán, những quyết định của tôi. Lúc di chuyển, chạy Honda Dame màu đỏ của vợ tôi, mặc bộ đồ đen, đội nón cối, dắt khẩu K54, khẩu súng này không dám để ở nhà, vì chúng kiểm soát hộ khẩu mà thấy được thì “ông bà già” bị liên đới trách nhiệm, giọng nói và các từ xử dụng, hoàn toàn là giọng Bắc Kỳ 75 khi phải nói chuyện với bọn công an Phường Khóm, nhìn bộ dạng ai cũng nghĩ là tôi mới từ ngoài Bắc vào Saigon.
Con cháu thành đạt đúng theo ý mình khi tôi đã „liều chết“ mua ghe đem cả gia đình „ra đi“ ngay trên sông Saigon, tôi thật sự mãn nguyện, cộng thêm 40 người đi chung, trong khi tôi không có một chút kinh nghiệm gì về „biển cả“, tôi chỉ là một Sĩ Quan Bộ Binh thuần túy, nếu bị bọn vẹm “vồ” thì cũng không có ngày ra khỏi tù, tóc tôi bạc trắng từ lúc quyết định mua ghe để tìm đường sống, lúc nào “đầu óc” cũng phải “tính toán” làm sao qua mặt được tụi công an Phường, Khóm, khoảng thời gian này, đầu năm 1980, bọn chúng còn kiểm soát rất gắt gao, công an khu vực luôn luôn dòm ngó theo dõi nhà dân. Nhiều người đã yêu cầu tôi viết lại câu chuyện vượt biển tìm tự do ngay tại Thủ Đô Saigon, lúc đầu mới đến Đức tôi không nói với bất cứ ai, dù là bạn bè thân thiết, vì viết và kể lại sợ ảnh hưởng đến những người cũng định làm như tôi, phỉ quyền biết được sẽ dễ dàng “tóm” trọn ổ, nay “phong trào” vượt biển không còn nữa, nên hôm nay tôi sẽ kể chi tiết, nhất là cách qua mặt bọn công an cú vọ từ lúc mua chiếc ghe, ráp máy, cho đến lúc rời Saigon, Đặc biệt, như đã nói ở trên, tôi chẳng có một chút “kinh nghiệm” gì về “biển cả” nên đã ra khỏi Vũng Tàu lại phải quay về 2 lần vì “sóng to gió lớn”, lần đầu lược thuật ở trên, vào ngày 23 Tết, lợi dụng dịp đón Tết, bọn Công An bận bịu với gia đình đón Năm mới, lơ là việc tuần tra trên sông, biển, nhưng hỡi ơi mùa Tết âm lịch hay có “gió chướng” mà dân thành phố như tôi không hề biết. Lần thứ 2, cũng ban ngày như lần thứ 1, bốc người công khai trên các điểm đã ấn định, trạm cầu Tân Thuận, công an gác trên cầu, ghe taxi bốc 6 người ngay phiá dưới, chạy đến chỗ ghe chính đang neo trong một con rạch rậm rạp. Đến bây giờ đã 37 năm, tôi nằm chiêm nghiệm, việc tôi đưa được 45 người đến bến bờ tự do là do hồng phúc mà tôi được thừa hưởng từ người mẹ hiền hậu, đạo đức, nhất là có phép lạ trong 2 lần quay về, trời đã sáng trưng khi từ Vũng Tàu chạy về Saigon, 7 giờ sáng, trên ghe còn đầy đủ lương thực vì chưa ăn uống gì cả, khẩu K54 và 2 băng đạn cùng 3 trái Xi-nhan cũng để kín đáo trên ghe, cả 2 lần không một ai bị làm “khó dễ” khi đổ người xuống để chờ đi lần thứ 3, phải có người “che mắt” bọn công an mới không thấy chiếc ghe chở đầy người tắp vào chân cầu Calmet cho người xuống, có lẽ tôi làm chuyện “bất ngờ” nên không ai nghĩ rằng đó là ghe vượt biên quay về. Tôi tin tưởng một sự huyền bí đã xảy ra mà khoa học không thể nào giải thích được, quay về lần thứ 2, ngày 08.02.1980, đúng ngày giỗ đầu Mẹ tôi, trở về lần thứ nhất, tôi đã quyết định “bỏ” căn nhà trong khu cư xá Công Ty Cấp Nước (tên cũ là Saigon Thủy Cục) sợ công an khu vực “để ý”, cả gia đình qua bên mẹ vợ tôi “ở nhờ” vì nhà này nằm ngay mặt đường Xa Lộ Biên Hoà, ít ai “để ý”, lúc quay về lần thứ 2, vì quá mệt mỏi, tôi đã ngủ thiếp đi, rồi như có tiếng gọi bên tai, dậy đi, hôm nay là giỗ đầu Từ Mẫu, tôi choàng tỉnh dậy và lấy Honda chở hết vợ con về bên Hoà Hưng, nhà của Bố tôi, đường Tô Hiến Thành, Quận 10, chỉ cách Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Trung Ương Quân Lực Việt Nam Công Hòa không tới 100 mét. Tôi cũng nói rõ, trong tâm thức tôi, hoàn toàn không nhớ ngày giỗ của mẹ tôi, mới đây mà đã đúng một năm, người mẹ mà tôi yêu qúy nhất trở về với cát bụi, tôi đã quỳ trước di ảnh của từ mẫu, khấn nguyện mẹ hiền phù hộ cho gia đình nhỏ của tôi đến được bến bờ tự do. Con gái lớn của tôi có một bút ký ghi lại tổng thể cuộc vượt biển tìm tự do của gia đình tôi, vì cháu không biết gì về việc tổ chức ra đi do tôi thực hiện. Quý bạn nào muốn có bút ký này, tôi sẽ gởi đến các bạn tường. Email: lytrungtin.de@gmail.com
6.- QÚA TAM BA BẬN.
Hai lần trước đi ban ngày, dĩ nhiên bốc người cũng
“thanh thiên bạch nhật”, lần thứ 3, quá tam ba bận, đi ban đêm.
Dân thành phố từ nhỏ đến khi trưởng thành, không biết “sông nước” là gì, cho đến khi nhập ngũ, lội suối, lội sông thì cũng có để tảo thanh Việt Cộng, nhưng kinh nghiệm đi biển thì không có tí nào, nên 2 lần đã khuất núi Vũng Tàu mà đành phải quay về, sóng to gió lớn, dựng đứng chiếc ghe giữa biển khơi, toán lái ghe toàn thanh niên, chưa hề dính đến “lính tráng”, say sóng nằm gục hết trơn, chỉ còn mình tôi “tỉnh táo” không bị say sóng, thế thì đi làm sao được nữa, tôi quyết định cho ghe quay về. Vì sóng đánh bung mũi ghe nên phải sửa chữa, cho thuyền lên “ụ” tại cầu Rạch Ông, bọc tôn và bắt bù lon, chi phí hết 2 lạng vàng lá, tôi thấy dân tình ở đây thật “dễ thương”, họ nhìn chiếc ghe là biết vừa “ra biển” trở về nhưng không hề “báo cáo” cho bọn công an khu vực. Một tuần nằm “ụ”, ghe được “hạ thủy”, Vinh lái thẳng về chợ Thị Nghè, sau đó đem ghe về khu cư xá Thanh Đa neo tại đó, nghỉ ngơi một tuần, tôi suy nghĩ và vạch ra kế hoạch đi lần thứ 3.
Trước chuyến đi lần thứ nhất, tôi chia số vàng lá
còn lại làm 3 phần, gởi “tứ thân phụ mẫu” giữ dùm, trường hợp chúng tôi đi
thoát, thì số vàng này để các vị sống dưỡng già, nếu bị bắt thì dùng số vàng
này “chạy” cho tôi ra tù. “Tứ thân phụ mẫu” nay chỉ còn 3 vì mẹ tôi đã an nghỉ
ngàn thu.
Giỗ đầu mẹ tôi xong, tôi cho vợ tôi ra Vũng Tàu,
gặp vị thông gia làm nghề đánh cá, hỏi xem đi biển vào thời gian nào tốt nhất,
vị thông gia cho biết, với cái ghe đi trên sông như vậy, thì chỉ đi vào tháng 3
âm lịch tức tháng 4 dương lịch, các tháng khác sóng gió hãi hùng lắm, quả đúng
như vậy. Thời gian biển êm, chắc chắn bọn tàu tuần sẽ kiểm soát gắt gao hơn,
nên lại phải “tính toán” làm sao ra được biển an toàn mới hy vọng sống sót
được, đường sông Saigon-Vũng Tàu xa vời vợi, hai bên bờ chỉ toàn cây rừng âm u,
chúng có 2 chiếc tàu mã lực rất mạnh, thường xuyên chạy trên tuyến sông này để
kiểm soát và làm tiền người dân lành sống bằng nghề chuyên chở hàng hoá từ vùng
4 về Thủ Đô, rất nhiều các rạch nhỏ dễ dàng cho ghe vào trốn bọn tàu tuần.
Vợ con tôi và vợ Vinh lên ghe chính tại chợ Thị Nghè, chạy ra neo dưới chân nhà
hàng nổi Mỹ Cảnh, cạnh bến phà Thủ Thiêm, để chờ các xuồng taxi đem người đến.
Trong nửa giờ là đủ số người, thuyền nhổ neo khởi hành, trên nhà hàng và cạnh
bờ sông, người ta vẫn ăn nhậu, nói cười ồn ào, chắc chắn không ai ngờ có một
chiếc ghe chở 45 người xuất phát ngay nơi này để ra biển tìm tự do. Đó là lúc
20 giờ ngày 26.04.1980.
Lần này, tôi áp dụng chiến thuật như khi đi hành
quân diệt Việt Cộng, Vinh và Hàn làm “khinh binh tiền sát” chạy trước cách ghe
chính khoảng 1 hải lý, bằng xuồng tam bản chạy máy đuôi tôm, loại này chạy rất
nhanh, khi thấy tàu tuần lập tức quay về và báo hiệu bằng đèn Pin, 2 dài 1 ngắn
là có địch, ghe chính phải rẽ ngay vào con rạch nhỏ gần nhất để trốn
chúng, nhiều lần như vậy, ghe chúng tôi mới đến được cửa biển Vũng Tàu, lúc này
trời đã hừng đông, không thể ra biển giờ này, phải chạy vào bãi cát vàng ẩn nấp
trong đó, “bãi cát vàng” là một địa danh nằm sát chân núi Vũng Tàu, cây cối khá
rậm rạp, đợi 2 giờ sáng cùng khởi hành ra biển với các ghe đánh cá, giờ giấc
người dân ra khơi, chúng tôi đã “nắm rõ”, cả trăm chiếc thuyền đổ ra biển, ghe
chúng tôi lẫn lộn trong đó.
Vừa chạy được hơn nửa tiếng, thì gặp „dàn đáy“,
ngang với phao „số không“, Vinh cho biết phải tránh dàn đáy, coi
chừng vướng vào, lưới cá quấn chặt „chân vịt“ thì vô phương đi được,
đúng lúc này một tầu tuần của Việt Cộng chiếu đèn pha quét ngang ghe chúng tôi,
trước đó tôi đã bắt mọi người chui hết vào khoang, không được nói
chuyện lớn tiếng, theo sự tính toán và với tốc độ của chiếc ghe, thì khoảng 10
giờ sáng là ra đến “hải phận quốc tế“, tức đường tàu buôn, lúc đó lấy hướng
Nam, chạy khoảng một ngày một đêm, bẻ hướng Đông để vào bờ biển Mã Lai Á. Trên
tấm Hải Đồ, tôi đã vẽ và viết rõ ràng để các người lái ghe theo đó
thi hành, cũng nói thêm ở đây, sau 2 lần trở về, tôi nghĩ là phải có một Sĩ
Quan Hải Quân mới có thể đi được nên tôi đã đi tìm người Sĩ Quan này, tôi được
một người quen giới thiệu một Sĩ Quan Hải Quân mới đi tù cải tạo về, tôi chỉ
cần người lái ghe, việc đi đứng do tôi vẽ „phóng đồ“, sắp xếp và chỉ
huy. Không ngờ vị này là Thiếu Úy Hải Quân. tên Trần Duy Bút mà tính một hải lý
bằng một cây số nên đã bẻ lái quá sớm, đúng vào cái vùng mà bọn hải tặc đang
hoành hành, tôi chỉ nói nhỏ cho vợ tôi biết điều này, sợ cả ghe xôn
xao, mất bình tĩnh. Sau này tôi mới biết, anh Trần Duy Bút là Hạ Sĩ Quan được
cho đi học khoá Sĩ Quan Đặc biệt nên trình độ hiểu biết có giới hạn, tôi cho
Bút đi theo không phải đóng góp tiền bạc gì cả. Hơn 10 giờ sáng, ngày
28.04.1980, gặp ngay một tàu dầu của Panama rất lớn, chạy cách ghe chúng tôi
không tới 100 mét, trông rõ „mồn một“ những người trên „boong“ tàu Panama, giữa
„ban ngày ban mặt“ như vậy, Trần Duy Bút lấy một trái sáng „thụt“
lên trời, tôi giận quá, chỉ nói mấy trái „xi-nhan“ dùng cho buổi tối khi cần
cấp cứu mới xài, ban ngày thấy rõ ràng như bây giờ đâu cần phải „bắn trái sáng
cấp cứu“, Bút có lẽ đã biết cái sai của mình nên im lặng, tôi cũng nguôi ngoai
cơn giận, chạy về hướng Nam, giữ và theo đường tàu buôn, cả ngày, chúng tôi gặp
thêm 3 chiếc tàu sắt rất lớn, nhưng chúng bỏ chạy luôn, chẳng giúp hay vớt
chúng tôi, đến giữa trưa, trời nắng „chang chang“, tôi cho „neo ghe“
để tắm biển, tất cả các chú biết lội đều nhảy xuống biển tắm thoải mái, nước và
lương thực vẫn còn đủ để đi trong một tuần nữa. Đúng là “tháng ba bà già” đi
biển, mặt biển êm như nuớc hồ thu, đi vào tháng 3 âm lịch rất dễ bị “tóm” ngay
cửa biển, tàu công an lúc nào cũng có mặt.
Chạy thêm hai ngày, gặp vài chiếc tàu
sắt, và một số ghe đánh cá, tất cả đều làm ngơ dù chúng tôi đã làm đủ mọi động
tác xin cấp cứu, chỉ duy nhất một ghe đánh cá của Singapore đã cho chúng tôi 2
thùng bánh bích quy và một can nước ngọt. Bỗng lúc 10 giờ 47 phút sáng ngày
01.05.1980, một chiếc trực thăng bay lượn quanh ghe chúng tôi và ra dấu cho ghe
chạy về hướng Tây. tôi xem Hải bàn, ra lệnh tắt máy ghe và thả trôi, vì hướng
Tây là hướng chạy về lại Việt Nam…chỉ khoảng nửa tiếng sau, một chiếc tầu sắt
rất lớn „lù lù“ xuất hiện, bên hông sơn hàng chữ tiếng Pháp PORT DE LUMIERE -
đảo Ánh Sáng, trên boong tầu, có người Việt bắc loa chiã xuống ghe, bảo tất cả
phải bình tĩnh, đây là con tàu CAP ANAMUR sẽ vớt đồng bào, tôi ra lệnh, chia ra
hai bên ghe để ngồi tránh nghiêng một bên có thể lật ghe, rồi đàn
ông, thanh niên được đưa lên tầu Cap Anamur bằng những thang giây, đàn bà, con
nít thì được cần cẩu võng lên, đây là ngày giờ mà cả 45 người sẽ nhớ ơn suốt
đời: 10 giờ 47 phút ngày Quốc Tế Lao Động 01.05.1980, chiếc tàu CAP
ANAMUR đã cứu sống chúng tôi.
Tàu Cap Anamur chạy dọc theo bờ biển Việt
Nam để tìm ghe vượt biển, mỗi ngày vớt được một ghe, 12 ngày vớt
được 12 ghe, tổng cộng 474 người. Tôi được đưa đến gặp vị thuyền trưởng Cap
Anamur và tặng ông khẩu K54 và 2 băng đạn. Ông cám ơn và chúc tôi gặp may mắn
trong cuộc sống mới.
Ngày 12.05.1980, Cap Anamur đem số người được vớt
gởi tại Singapore, chúng tôi ở trại tạm cư trên đường Hawkins một tháng 28
ngày, ngày 09.07.1980, được đưa qua sống tại West-Germany bằng máy bay. Cũng
xin nói thêm, Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, phát cho mỗi người 2,50 Đô la
Singapore, một tuần phát một lần, tất cả tự túc nấu ăn, vị Trại Trưởng là một
Trung Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đã cho mời tôi lên Văn Phòng
trại làm việc giúp đồng bào, mặc dù „chưa hoàn hồn“ nhưng tôi cũng
sốt sắng và vui vẻ nhận lời, ông Trại Trưởng giao cho tôi làm Trưởng Ban Nội
Vụ, còn Nguyễn Hữu Huấn, một phi công trực thăng Việt Nam Cộng Hoà
đang giữ chức Trưởng ban Ngoại vụ vì Huấn rất giỏi tiếng Anh, đã qua Mỹ học lái
máy bay, nhà Huấn ở trước rạp hát Thanh Vân, đường Lê Văn Duyệt, rất
gần nhà bố tôi, đường Tô Hiến Thành, hồi nhỏ tôi và Huấn đều học trường Tiểu
học Chí Hoà. Người Singapore rất giàu và có lòng thương người, hàng tuần họ đã
đem đến trại cho rất nhiều quần áo và đồ ăn, mỗi lần cả „bao bố“ lạp
xưởng, tôi phải điều động một số thanh niên khuân vác các tặng phẩm
đem chất vào kho, mỗi ghe nhập trại được tôi phân phát quần áo và
thức ăn tồn trữ trong kho, cho đến lúc gia đình tôi đi định cư, hai kho quần áo
và thức ăn vẫn còn rất nhiều, có lẽ vì được phát tiền, tự do mua bán nên số
người trong trại không „tha thiết“ với các vật dụng cho không
chăng? Sau này, đọc báo chí mới biết, trại Singapore là trại tị nạn
thần tiên số 1, không đâu sánh bằng.
Năm 1981, trên truyền hình số 2 (ZDF) Đức đã chiếu
một cuốn phim dài gần 1 giờ, cảnh tàu Cap Anamur vớt người tại Biển Đông, trong
đó đã quay thật rõ cái ghe của chúng tôi. Cái cánh quạt của máy phụ đã bị gãy,
nên người phóng viên nói là khó có thể đi đến bờ được. Tên cuốn phim phóng sự là:
(tiếng Đức, Einen Milimeter über dem Rand der Welt…Tiếng Việt, Một milimét qua
bờ kia của thế giới), ý nói là chìm vào lòng biển không đến bến bờ, đặc biệt, 2
lần phóng viên đài Truyền hình đã đến quay cảnh sinh hoạt gia đình chúng tôi,
tiêu biểu cho các người Việt Nam tị nạn Cộng Sản được tàu Cap Anamur cứu vớt,
đã hội nhập và thành đạt tại nước Đức, đoạn phim này được chiếu trên đài truyền
hình Quốc Gia Đức năm 2006 và 2008.
Gia đình nhỏ của tôi, lúc rời Saigon có 5 nhân
khẩu, bây giờ, năm 2017, đã thành 15 người, tất cả sống hạnh phúc quây quần bên
nhau trong một xã hội tự do, nhân bản tại thành phố Bochum, Germany.
LÊ
THANH TÙNG, Khoá 25 SQTĐ.
Bút
Hiệu: LÝ TRUNG TÍN,
-
Điều Hợp Viên Diễn Đàn Ngôn Ngữ Việt,
-
Chủ Nhiệm Tạp Chí Dân Văn.
Bochum,
Germany.
Email: danvanmagazin@gmail.com
(ghi lại để tưởng nhớ ơn cứu tử của vị đại ân nhân, Tiến Sĩ Rupert Neudeck)
No comments:
Post a Comment