Cũng như Cái chết Đen lây lan theo các tuyến đường thương mại dọc theo xương sống của lục địa Á-Âu hồiThế kỷ 14, Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc và lây lan cực nhanh chóng dọc theo Con đường Tơ lụa hiện đại: các đường bay xuyên lục địa.
Mặc dù virus corona có thể không gây tổn thương đến sức khỏe con người toàn cầu một cách thảm khốc như bệnh dịch hạch hồi Thế kỷ 14, nhưng đại dịch mới nhất này chắc chắn sẽ làm thay đổi thế giới.
Bệnh tật thì không phân biệt đối tượng lây nhiễm - bất kể giàu nghèo - và những tác động mà nó gây ra là công bằng giữa những người có đặc quyền và người yếm thế trong xã hội.
Việc phong tỏa quốc tế và tạm ngưng các hoạt động dân sự, thương mại trên toàn quốc ở các nước đã phản ánh cách thức mà các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của chúng ta vận hành, và buộc chúng ta phải bắt đầu thảo luận trên toàn cầu về cách chúng cần được thay đổi.
Covid-19 đã cho thấy những nền tảng bấp bênh mà dựa vào đó chúng ta xây dựng những gì mà chúng ta xem là hiển nhiên trong thế giới phát triển, từ bản chất đan xen phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu hóa và cơ sở hạ tầng chế tạo, cho đến việc chuyển hàng kịp thời cho các siêu thị, cũng như sự tương phản rõ rệt giữa các hệ thống y tế nhà nước và những hệ thống y tế do bảo hiểm tư nhân chi trả.
Các bệnh dịch trước đây như Cái chết Đen hay đại dịch cúm hồi năm 1918 đã có tác động lớn cho thế giới sau đó.
Hậu quả của đại dịch virus corona này cũng sẽ chứng kiến vô số những thay đổi, từ những điều chỉnh cá nhân đến thay đổi toàn cầu.
Nhưng những thay đổi nào trong số này sẽ có tác động lâu dài và những gì mà chúng ta có thể không bao giờ thấy nữa?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần xem xét cách chúng ta đã bắt đầu thích nghi.
Cuộc sống cá nhân thay đổi
Có thể tất cả chúng ta đều trải nghiệm việc phong tỏa như một cú sốc đối với hệ thống, cho dù điều đó khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, thờ ơ hay lo lắng hay bị gia đình ở bên cạnh liên tục làm xao lãng công việc, hoặc tất cả những điều trên cùng một lúc.
Là những cá nhân, chúng ta đều phải thay đổi - cả thay đổi lớn và nhỏ - trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Mặc dù cách xa nhau về khoảng cách vật lý, internet và mạng xã hội đã cho phép chúng ta đến nhà của nhau trong những tuần qua.
Các mối quan hệ xã hội đối với nhiều người dường như không phải chịu hậu quả. Chúng cũng cho phép chúng ta khám phá những mối quan tâm và sở thích mà trước đây chúng ta chưa từng có - như những người tìm đến mạng xã hội để giải đáp những bí ẩn trong đời thực tại nhà.
Trong khi gây gián đoạn mạnh và vô cùng khốn khổ, các cuộc khủng hoảng lúc nào cũng nuôi dưỡng sự xuất hiện của mục đích chung to lớn, tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo và ngẫu hứng.
Và mạng xã hội đã mở ra những ô cửa nhỏ để thấy cách những người khác phản ứng và tìm ra cơ chế đối phó của họ như thế nào.
Sự khan hiếm các mặt hàng phổ biến, hoặc khó khăn trong đến tiệm mua hàng hoặc đặt được dịch vụ giao hàng, hoặc có lẽ chỉ việc nhiều người trong chúng ta có nhiều thời gian hơn để làm việc trong những ngày này đã giải phóng tinh thần sáng tạo và nghị lực bên trong mỗi người vốn có thể được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Điều này đã thể hiện theo những cách khác nhau.
Nhiều người trong chúng ta hiện đang bỏ nhiều thời gian hơn và suy tính nhiều hơn để nấu nướng.
Không chỉ là chọn thức ăn làm sẵn để hâm lại bằng lò vi sóng ở siêu thị mini trên đường về nhà sau giờ làm, mà thực sự là tự nấu cho mình ăn - lựa chọn công thức cẩn thận, cắt và trộn các nguyên liệu, xay gia vị - có sự thích thú trong quá trình nấu nướng.
Thậm chí có những người thử nghiệm tạo và duy trì văn hóa bánh mì bột chua - đóng vai trò nhà vi sinh vật nguyên thủy để chọn ra sự kết hợp đúng các vi sinh vật để thực hiện một biến đổi kỳ diệu cho bạn: chỉ dùng bột thường và nước mà biến nó thành ổ bánh mì nở ra trong lò.
Nhiều người nữa cũng đang chuyển sang trồng một số loại trái cây và rau củ cho mình trong vườn nhà, hoặc thậm chí chỉ một vài loại rau thơm trong một hộp nhỏ trên bậu cửa sổ trong đô thị.
Các bậc phụ huynh đã bị dính vào các bài tập nghệ thuật, thủ công hoặc làm cách món đồ khác nhau trong khi dạy học cho con cái ở nhà.
Nhiều người trong chúng ta, theo những cách nhỏ bé của mình, đã kết nối lại với một thứ vốn đang ngày càng mất đi trong cuộc sống hiện đại bận tối mắt tối mũi của chúng ta. Họ tự làm mọi thứ cho mình từ con số không, và nhận ra việc đó khiến cho họ cảm thấy mãn nguyện và viên mãn một cách sâu sắc đến mức nào.
Một trong những chất xúc tác chính cho việc này là số lượng các công ty ồ ạt chuyển sang làm việc tại nhà và số người mất việc vì cửa hàng hoặc công ty của họ đóng cửa, tuy chỉ là đóng cửa tạm thời.
Những người có thể tiếp tục được hưởng lợi từ thời gian mà họ có thêm ở nhà sẽ là những người mà công việc của họ thay đổi đến mức không thể đảo lại.
Điều này nhiều khả năng sẽ tạo thuận lợi cho nhân viên văn phòng hơn là cho nhân viên ngành dịch vụ, và như vậy có nghĩa là không phải ai cũng sẽ thấy lợi ích thời gian này như nhau trong tương lai.
Môi trường làm việc mới
Mặc dù việc phong tỏa hoàn toàn đang dần được nới lỏng, chúng ta vẫn sẽ cần duy trì giãn cách xã hội trong ngắn hạn và trung hạn để kiểm soát sự lây lan của virus corona.
Chúng ta có thể thấy việc kiểm tra nhiệt độ hoặc máy ảnh chụp thân nhiệt được đưa vào áp dụng ở lối ra vào của các tòa nhà văn phòng lớn để buộc bất cứ ai có dấu hiệu sốt phải về nhà (mặc dù có nghi ngờ về hiệu quả thật sự của công nghệ sàng lọc này).
Và những công sở vốn trước đây luân phiên nhân viên qua cùng một bàn làm việc có thể cần phải xem xét lại cách sắp xếp này. Các văn phòng tấp nập với nhiều người sử dụng cùng một bàn làm việc sẽ là những ổ lây bệnh.
Nhiều doanh nghiệp cũng có thể cần phải xếp lệch ca làm việc làm sao để văn phòng và nhà xưởng không trở nên quá đông người và công nhân có thể duy trì giãn cách một cách an toàn.
Điều này có khả năng giúp giảm lưu lượng xe cộ vào giờ cao điểm, với những người đi làm không còn cần phải đi đến nơi làm việc và về nhà cùng một lúc.
Ngay cả khi như thế, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn duy trì, có khả năng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe lửa và tàu điện sẽ giảm xuống chỉ dùng đến 15% công suất.
Ngay cả khi một phần nhỏ trong số những người đi làm phải chuyển sang sử dụng xe riêng, tình trạng tắc nghẽn giao thông ở hầu hết các thành phố lớn sẽ trở nên tệ hơn rất nhiều.
Một số thành phố đã áp đặt các chương trình để khuyến khích mọi người thay vì đi xe riêng thì hãy đi bộ hay đạp xe đi làm và không gian trên đường đã được sắp xếp lại - ít nhất là tạm thời - cho thêm làn đường dành cho xe đạp và mở rộng vỉa hè.
Xe trượt scooter điện, vốn đang bị cấm ở Anh, cũng có thể được hợp pháp hóa. Tất cả những điều này sẽ có một lợi ích đáng chú ý là cải thiện môi trường và việc đi lại xanh hơn cũng sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn trong những tháng tới.
Nhưng tất nhiên, điều này chỉ sẽ có ý nghĩa trong những ngày bạn thực sự cần đến sở làm, và điều mà chúng ta có thể thấy sẽ tiếp tục sau đại dịch là nhiều nhân viên văn phòng làm việc tại nhà.
Chế độ làm việc như vậy đã chứng tỏ có hiệu quả trong quá trình phong tỏa, và do đó các nhà quản lý không còn có thể dựa vào các lập luận truyền thống để không cho phép mọi người làm việc tại nhà.
Điều này đến lượt nó có thể dẫn đến thay đổi trong kỳ vọng và văn hóa ở nơi làm việc mà khi đó nhân viên được đánh giá dựa trên mức độ họ đáp ứng các mục tiêu đúng kỳ hạn tốt như thế nào, chứ không phải bao nhiêu giờ họ cần để ngồi tại bàn làm việc trong văn phòng.
Vì vậy, thời gian làm việc linh động có khả năng trở nên phổ biến hơn nhiều, và thậm chí ca làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều có thể biến mất hoàn toàn.
Về lâu dài, sẽ xuất hiện cách tiếp cận năng động hơn đối với công việc, kết hợp giờ làm việc khi cần thiết - chẳng hạn như cho các cuộc họp công ty - với làm việc từ xa cho các công việc độc lập.
Nhiều công ty có thể quyết định bỏ hoàn toàn chi phí thuê văn phòng mà thay vào đó cho tất cả nhân viên được làm việc từ xa chỉ với một vài cuộc họp toàn thể mỗi năm.
Nhân viên không còn cần phải ở trong khoảng cách dễ dàng đi lại đến nơi làm việc mà có thể sống bất cứ nơi nào thuận tiện nhất hoặc mong muốn nhất. Và tác động trực tiếp của việc này là giá nhà ở tại các thành phố lớn sẽ sụt giảm, và nhiều người chuyển ra vùng ngoại ô hoặc nông thôn: sự đảo ngược của xu thế kể từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp.
Vấn đề khí hậu
Đằng sau tất cả những đau khổ và gián đoạn và khó khăn kinh tế của đại dịch virus corona, một cuộc khủng hoảng toàn cầu thậm chí còn nghiêm trọng hơn đang rình rập: biến đổi khí hậu.
Liệu trải nghiệm của chúng ta qua phong tỏa quốc tế có thể giúp ích cho môi trường hay là chúng ta sẽ trở lại 'công việc như thường' sớm nhất có thể?
Nhiều dân thành phố đã nhận thấy môi trường đô thị của họ có sự cải thiện - với không khí sạch hơn, đường phố an toàn, tĩnh lặng hơn và động vật hoang dã bạo dạn hơn - đem đến cái nhìn sơ qua về thế giới xanh hơn mà chúng ta sống có thể sẽ như thế nào.
Thật ra, dữ liệu vệ tinh đã cho thấy sự sụt giảm lượng nitrogen dioxide (một chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu thải ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch) trong bầu không khí ở các thành phố và các trung tâm công nghiệp trên khắp châu Âu và châu Á khi giao thông và xí nghiệp trở nên yên lặng - ở một số khu vực đã giảm 30-40% hoạt động so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức độ các hạt bồ hóng trong không khí vốn, giống như nitrogen dioxide là gây ra các chứng bệnh hô hấp, cũng đã giảm rất nhiều.
Do đó, bên cạnh giúp giảm lây lan virus corona thì việc phong tỏa và giảm mức ô nhiễm không khí công nghiệp bản thân nó đã cứu mạng sống của hàng chục hay hàng trăm ngàn người.
Chính phủ các nước đã thực thi các biện pháp triệt để người dân của họ phải ở yên một chỗ và tạm ngưng toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế để kiểm soát đại dịch.
Điều này làm nổi bật sức mạnh đáng nể của nhà nước vốn sẽ được tung ra khi quốc gia nhận ra rằng họ cần hành động quyết đoán để bảo vệ công dân của mình.
Dạng nỗ lực quốc gia này thường chỉ thấy trong thời chiến, khi toàn bộ lực lượng lao động và cơ sở công nghiệp được cải tạo để đánh bại kẻ thù bên ngoài.
Nhưng thật ra, điều cần thiết để chống lại mối đe dọa từ cả đại dịch virus corona và biến đổi khí hậu là một dạng kinh tế đi ngược chiến tranh - giảm sản xuất, giảm mức sử dụng năng lượng.
Không chỉ đại dịch hiện tại và biến đổi khí hậu đều cần chính phủ quốc gia quyết tâm có các hành động quyết đoán, chủ động, có sự phối hợp quốc tế, nhưng cũng có những điểm tương đồng khác nữa.
Cả hai việc này đều đòi hỏi phải có sự hy sinh trong ngắn hạn để giảm thiểu những tác động nghiêm trọng hơn nhiều trong tương lai.
Cả hai đều cần xem kinh tế không phải là mối bận tâm bao trùm, mà là một trong những cân nhắc quan trọng.
Đối với đại dịch, tương đối đơn giản để công chúng nhận ra rằng có một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại, và do đó chấp nhận các biện pháp cần thiết để giữ cho bản thân và người thân của mình an toàn, cũng như toàn thể cộng đồng.
Nhưng vấn đề với biến đổi khí hậu là đó là quá trình dần dần và ít có mối liên hệ trực tiếp đến chết chóc ở các nước phát triển.
Liệu chúng ta có thể để gì từ bài học từ hành động tập thể để đẩy lùi virus corona để cũng có thể ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu?
Lewis Dartnell là giáo sư Đại học Westminster, và là tác giả cuốn The Knowledge: How to Rebuild Our World from Scratch (Kiến thức: Làm sao để tái thiết thế giới chúng ta lại từ những bước ban đầu.)
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
No comments:
Post a Comment