“Ngáo Ộp”, “Mẹ Mìn”, “Ba Bị” là cái thể loại gì mà trẻ em Việt mới đôi ba tuổi đã sợ vãi tè ra quần khi nghe nhắc đến tên? Cùng du hành về Việt Nam một thế kỷ trước để tìm hiểu điều này.
Từ điển xưa của ta, của
tây không có Ngáo Ộp. Chỉ có Ngáo thôi.
Tự điển Huỳnh Tịnh Của (1896) cho biết Ngáo là tên riêng một người mạnh mẽ đời xưa, lấy lưng đỡ nổi một chiếc thuyền, thường hiểu ra nghĩa ngơ ngáo, như ngốc như dại. Thằng ngáo là thằng ngốc.
Thằng ngáo của Huỳnh
Tịnh Của không đáng để trẻ con phải sợ. Ngáo này không phải là Ngáo Ộp.
Tự điển Génibrel (1898) có nhiều từ Ngáo. Nhưng không có từ nào dính dáng đến người hay yêu tinh, ma quỷ.
Tự điển Jean Bonet
(1900) định nghĩa Ngáo là nhân vật thô lỗ (personnage grossier), ngốc (sans
esprit, sans raison), dã man (brute). Ngáo của Bonet vẫn chưa phải là Ngáo Ộp.
Cả 3 cuốn tự điển xưa này đều không có nhân vật nào tên là Ộp hay Ngáo Ộp.
Mấy chục năm sau, Việt
Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931), Tự điển Việt Nam của Nhà Sách Khai
Trí (1971) đưa ra định nghĩa mới : Ngoáo là vật tưởng tượng đặt ra để dọa trẻ
con. Riêng Tự điển Việt Nam còn nói thêm Ngoáo ộp là ngoáo lớn.
Thế là lại thêm một thắc
mắc khác. Nếu Ngoáo Ộp là ngoáo lớn thì phải gọi ngoáo con là gì? Gọi là lũ…
ngổ ngáo chăng? Ngoáo Ộp to con nhưng bị khập khiễng, đứng không vững. Tuy vậy,
Khai Trí cũng đã có công đưa Ngoáo Ộp vào tự điển, mở đường cho sau này.
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) cho biết Ngoáo Ộp là tên gọi một quái vật bịa ra để dọa trẻ con; thường dùng để ví vật đưa ra để dọa dẫm, uy hiếp tinh thần.
Phải công nhận một điều là người lớn ” chơi ” chưa lại trẻ con. Người lớn “chậm tiến” quá. Trẻ con Hà Nội biết Ngáo Ộp từ ngày xửa ngày xưa.
Trở lại nguồn gốc của Ngáo Ộp.
Truyện cổ tích của ta,
của Tàu không có nhân vật này. Thế nhưng, bộ tranh dân gian Oger (Hà Nội, 1909)
lại có tấm Ngáo Ộp dọa trẻ. Chẳng lẽ Ngáo Ộp lại là Tây à? Nghi ngờ, thắc mắc,
biết hỏi ai bây giờ? Có người mách thử hỏi ông Tây Charles Perrault
(1628-1703), tác giả của nhiều truyện nổi tiếng như Cô bé quàng khăn đỏ, Cô bé
lọ lem, Thằng bé tí hon, Yêu Râu Xanh …. Đọc truyện của Perrault mới vỡ lẽ. À,
thì ra thế!
Thằng bé tí hon kể
truyện một gia đình tiều phu nghèo, sinh được bảy đứa con trai. Thằng út thông
minh nhất nhà. Nhưng thân hình thì thấp bé tí hon. Nhà nghèo quá, không nuôi
nổi đàn con, vợ chồng bác tiều phu quyết định đem bỏ chúng trong rừng.
Một hôm anh em thằng bé tí hon đến gõ cửa một nhà kia để xin ăn. Không ngờ rơi vào nhà của một cặp yêu tinh và bảy cô con gái yêu. Cả nhà ai cũng thích ăn thịt tươi. Nhất là… thịt trẻ con. Thằng bé tí hon phải dùng mưu mẹo mới cứu được mấy anh em. Nó còn lấy được đôi hia bảy dặm và vàng bạc của yêu tinh.
Bảy anh em tìm trở về
nhà cha mẹ. Vợ chồng con cái bác tiều phu lại được đoàn tụ. Bắt đầu một cuộc
sống sung túc.
Yêu tinh ăn thịt trẻ con
của truyện Thằng bé tí hon tiếng Pháp gọi là Ogre. Ogre theo chân thực dân sang
Việt Nam, được Việt hóa thành Ộp.
Đúng ra thì Ngáo của ta
và Ộp của tây là hai nhân vật khác nhau. Tiếng Việt đã có sẵn thằng ngáo, thằng
ngố, thằng ngốc. Ộp sinh sau đẻ muộn nhưng là… con tây, nên không bị gọi là
thằng Ộp. Trái lại, người ta ghép Ngáo (hay Ngoáo) với Ộp thành ông Ngáo Ộp.
Trẻ con quen gọi là Ông Áo Ộp.
***
Tiếng Việt không có Bà
Ngáo Ộp. Bù lại, tiếng Việt có Mẹ Mìn.
Ngày xưa, thời Pháp cai trị nước ta. ” Nạn mẹ mìn ghê sợ. Trẻ ra chơi bờ hè, nhất là con gái hay bị bắt đem bán ở Móng-Cáy hay Hạ-Long. Nó dùng cả thuốc mê bắt phụ nữ “. (Hoàng Đạo Thúy, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội).
Ngáo Ộp (Ogre) là yêu
tinh ăn thịt trẻ con. Yêu tinh chỉ đi bắt trẻ con nhưng không ăn thịt thì tiếng
Pháp gọi là Croque-mitaine. Croque-mitaine được Việt hóa và rút gọn thành Mìn.
Đàn bà đi bắt trẻ con là Mẹ Mìn.
Gustave Hue định nghĩa
lẫn lộn Ngáo ộp là croquemitaine. Hãi như trẻ con trông thấy ngáo ộp.
Thời nào yêu ma ấy. Thời Pháp, Mẹ Mìn bắt trẻ con, phụ nữ. Thời kinh tế thị trường, Mẹ Mìn phải nhường chỗ cho Má Mì. Má Mì ” khôn ” hơn Mẹ Mìn, chỉ bắt con gái lớn, có khả năng hành nghề. Lao động bất kể ngày đêm.
Chồng của Má Mì là Ma Cô (maquereau). Cặp yêu ma này chuyên bắt con tin (teen). Dạy nghề đấu hót (hot), tiếp khách.
***
Yêu Râu Xanh là một đại gia, có bộ râu quai nón màu xanh. Xấu xí khủng khiếp.
Xấu xí nhưng lúc nào cũng có em chỉ mong được ” hoàng tử đẹp trai ” rước về làm vợ. Hi vọng được hưởng cái gia tài kếch sù kia. Nhưng phiền một nỗi là em nào về làm vợ hắn cũng chỉ được một thời gian ngắn là mất tích… Cho đến một ngày kia, cô vợ trẻ sau cùng khám phá ra một căn phòng bí mật của lâu đài chứa ngổn ngang xác chết đàn bà… Sắp đến lượt em… chết rồi anh Hai ơi. Cứu em với ! Hồi hộp, gay cấn. Người kể bắt đầu nổi da gà. Xin tạm ngưng. Có dịp sẽ kể tiếp…
Pháp có Yêu Râu Xanh.
Việt Nam có Ba Bị.
– Ba bị: tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để dọa trẻ con. Xấu xí, tồi tàn: bộ quần áo ba bị. Thiếu nhân cách, lăng nhăng, chẳng ra gì. Anh chàng ba bị, đồ ba bị (Hoàng Phê).
Ba Bị của Việt Nam cũng
có hình thù quái dị, xấu xí. Ông Ba Bị của tranh Oger cũng có râu quai nón. Yêu
Râu Xanh và Ba Bị giống nhau như anh em sinh đôi. Thì ra, Yêu Râu Xanh của
Perrault đã nhập tịch Việt Nam, lấy tên Việt là Ba Bị.
Có chàng Ba Bị xấu là xấu ơi!
Thế mà nhiều gái mê tơi
Không hiểu tại sao các bà các cô lại đẩy người tình Yêu Râu Xanh râu ria, lông lá của mình sang cho đám trẻ con? Đem ông Ba Bị ra làm cái bung xung dọa trẻ con. Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con. Thật ra, Ba Bị không hề bắt trẻ con mà chỉ bắt mấy con nai tơ “nghèo mà ham”. Mơ mộng được đạp trên “vàng lá” rơi đầy sân lâu đài.
Tuy nhiên, định dọa trẻ con nhưng chính người lớn lại bị rơi vào mê hồn trận. Nhiều người tìm cách giải thích câu nói vu vơ Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con. Dĩ nhiên là càng giảng giải, càng sai. Sai lầm thứ nhất là tách Ba Bị (tên riêng) thành hai từ: ba (số 3) và bị (cái túi, cái giỏ).
Sai lầm thứ nhì là cố bóp méo sự thật cho… phù hợp với câu nói không có nghĩa. Génibrel giải thích: Bị chín quai là bị của ăn mày. Mang bị chín quai nghĩa là đi ăn mày. Gustave Hue cũng đồng ý rằng Ông ba bị chín quai là… ông già đeo 3 cái bị chín quai .
Nước ta không có bị chín quai. Tranh Oger có nhiều tấm vẽ ăn mày. Bị của ăn mày là bị thông thường, chỉ có một quai. Tranh Ông Ba Bị vẽ một người râu xồm, đeo 3 cái bị một quai. Oger gọi Ông Ba Bị là Ogre (quái vật thích ăn thịt trẻ con trong truyện Thằng bé tí hon).
Các từ điển của ta không rơi vào cái bị 9 quai nhưng thỉnh thoảng cũng bị lúng túng vì câu nói vu vơ.
Không ngờ Thằng bé tí
hon và Yêu Râu Xanh của Pháp lại chơi thân với trẻ con Việt Nam đến như vậy.
Mấy anh lớn thích chơi bi, mấy chị lớn thích chơi bịt mắt bắt dê , lò cò. Trẻ
con Hà Nội năm xưa chơi đùa như… Tây con!
Theo Trí thức trẻ
No comments:
Post a Comment