Đói ăn rau, đau uống thuốc”, đó là câu mà ông
bà ta thường hay nói.
Rau cỏ vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc hữu ích cho tất cả mọi người.
Các sách về Đông y đều nhìn nhận tính trị liệu của một số rau cỏ thảo mộc
rất gần gũi với dân tộc ta: Nào là rau răm, diếp cá, tía tô, cải trời, rau đắng
đất, rau bò ngót, mồng tơi, khổ qua, rau má, rễ tranh, gừng, nghệ, riềng, sả,
hành, tỏi, ớt, v.v… Tất cả đều là những món bình dân, thật dễ tìm và rất phổ biến
khắp nông thôn VN và thậm chí trong hầu hết các chợ Á Đông tại hải ngoại.
Ý niệm này cũng không mới mẻ gì. Các danh sư về y học ngày xưa như Hoa
Đà, Biển Thước và cả Hippocrate, 2400 năm về trước đều nhìn nhận sự liên hệ mật
thiết giữa thức ăn và sức khỏe: “Hãy để thức ăn trở thành những vị thuốc” (Laissez
les aliments devenir votre médecine).
***
Từ vài chục năm gần đây, sau những phong trào, “thực phẩm sức khỏe” (health food)
ít calo, không chứa đường, ít chất béo, không có bột ngọt (MSG), không
cholesterol, lần lần chúng ta thấy xuất hiện những loại thực phẩm mới có chứa
thêm nhiều chất dinh dưỡng, nhiều chất khoáng, nhiều vitamins, hoặc có trộn
thêm các loại vi khuẩn có ích lợi cho sức khỏe.
Thật vậy, giới kỹ nghệ thực phẩm rất nhạy bén trước yêu cầu cấp thiết của
xã hội, trong đó tầng lớp người già không ngừng gia tăng thêm lên mãi. Và vấn đề
sống khỏe, “sống lâu” là mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong chúng ta.
Một rừng danh từ
Thực phẩm mới thì tên gọi cũng phải mới. Tùy theo mỗi quốc gia mà ý nghĩa
của chúng có thể thay đổi đôi chút.
– Thực phẩm chức năng (functional
foods):
Là những thực phẩm bình thường, ngoài nhiệm vụ dinh dưỡng căn bản, chúng
còn đem đến cho ta những bổ ích về mặt sức khỏe, cũng như có thể giúp ngăn chặn nguy
cơ xuất hiện các bệnh mạn tính. Định nghĩa nầy thật quá rộng rãi. Nó có thể được
đem áp dụng cho những loại yogurt, cũng như cho các loại nước ép
trái cây có pha thêm vitamins, sữa hoặc calcium.
– Thực phẩm thuốc (pharmafood):
Là những thực phẩm chức năng được ăn vào như các loại
bánh mì hoặc bánh muffin có trộn thêm carotte, nhiều
vitamins hoặc nhiều chất khoáng khác nhau.
– Dưỡng dược (nutraceutical):
Đây là những loại thực phẩm chức năng ở dạng lỏng, dạng bột, hoặc dưới dạng
viên dùng để uống vào. Thí dụ các loại sữa, các loại nước ép
trái cây được nhà sản xuất cho tăng cường thêm vitamins, calcium, hoặc các viên
dầu cá có chứa nhiều acid béo omega-3, v.v…
– Trợ sinh (probiotic):
Cũng là thực phẩm chức năng, nhưng đặc biệt là được người ta trộn thêm
những loại vi khuẩn sống. Ở một liều lượng thích hợp nào đó, các vi khuẩn nầy
giúp chúng ta gầy dựng lại số vi khuẩn tốt sống trong ruột, ngõ hầu chống lại sự
xâm nhập của các loại vi khuẩn có hại. Trợ sinh còn giúp vào việc hấp thụ
vitamins nhóm B, làm giảm cholesterol cũng như giúp vào việc ngăn cản hiện tượng
sình hơi trong ruột. Các loại yogurt có pha trộn thêm vi khuẩn Bifidus,
được xem như là trợ sinh.
Trong nhóm probiotic, còn phải kể đến Prebiotic (thức ăn của probiotic)
và Synbiotic (là những sản phẩm có chứa vừa probiotic và vừa prebiotic) nữa.
Phong trào thực phẩm chức năng trên thế giới
Vào năm 1984, chánh phủ Nhật đã cho thành lập những nhóm nghiên cứu về
dinh dưỡng để mong tìm những loại thực phẩm có tính phòng và trị được bệnh tật.
Mục tiêu của Nhật Bản là để làm nhẹ bớt cán cân ngân sách dùng trong việc duy
trì sức khỏe của người dân xứ Phù Tang.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng muốn ngăn chặn khuynh hướng bắt chước
Tây phương của người Nhật. Đó là thói quen ăn quá nhiều “calo rỗng” (empty calories),
có nghĩa là dùng những thức ăn chứa nhiều chất béo, chất đường, nhưng lại quá ít
chất xơ, ít chất khoáng và ít vitamins.
Bộ Y Tế Nhật Bản đã ban bố những luật lệ chặt chẽ để kiểm soát những loại
thức ăn mới mà họ gọi là FOSHU (food of specified health uses).
Phong trào FOSHU ra đời đã được dân chúng Nhật chiếu cố rất mạnh mẽ.
Trong các siêu thị Nhật Bản, thực phẩm chức năng đã chiếm trên 15% diện tích mặt
bằng. Sự thành công vượt bực nầy một phần lớn nhờ vào những phát minh cùng những
khám phá mới mẻ trong ngành dinh dưỡng học, và một phần khác cũng nhờ vào tư tưởng
rất Đông phương của người Nhật xem thức ăn như những vị thuốc.
Năm 2007, FOSHU đã thu vào trên 6 tỉ $US cho Nhật Bản.
Riêng Canada, thì khiêm tốn hơn, chỉ thu được có khoảng 170 triệu
$US vào năm 1998, lý do chánh là tại luật lệ về quảng cáo còn quá gắt
gao và chặt chẽ tại Canada. Santé Canada căn cứ vào luật Canada’s Foods
and Drugs act & Regulations cấm việc quảng cáo có hàm ý trị
liệu (health
claims) trên các loại thực phẩm bán ra.
Những năm gần đây, lãnh vực thực phẩm chức năng có mòi phát
triển mạnh mẽ hơn với trên 680 công ty chuyên ngành và số doanh thu là $ 3.7 tỉ.
Canada đứng hàng thứ 6 trên thế giới về xuất cảng hạt, hạt dầu (oilseeds)
và hoa màu đặc biệt (sản lượng 60 triệu tấn/năm) để dùng trong kỹ nghệ thực phẩm
chức năng.
Tại Âu Châu, ba quốc gia có kỹ nghệ thực phẩm chức năng phát triển nhất,
là Anh, Pháp và Đức với số doanh thu ước lượng vào khoảng 1.3 tỉ đến 3.3 tỉ
$/năm.
Chỉ là quảng cáo mà thôi
Ngày nay thực phẩm chức năng hiện diện khắp mọi nơi, từ các siêu thị lớn
đến các hàng quán nhỏ bên đường. Đó là các loại bánh trái, như bánh muffin có
thêm carotte có khả năng làm giảm cholesterol trong máu (?), những loại nước
trái cây, nước giải khát có tăng cường thêm vitamins, thêm chất khoáng hoặc có thêm
một vài loại dược thảo nào đó, uống vào là khỏe ngay…
Hình như Việt Nam mình đã đi tiên phong trong ý niệm thực phẩm chức năng
từ lâu rồi mà mình không biết. Nước trái cây xay, còn gọi là nước sinh tố, nước
mía lau, rễ tranh, nước rau má, nước sâm, v.v…Chúng là gì nếu không phải là những
hình thức nào đó của thực phẩm chức năng?
Ngày nay với những tiến bộ khoa học, người ta biết rất rõ tính chất bổ
dưỡng của từng loại chất liệu thêm vào trong thực phẩm. Chẳng hạn những viên dầu
cá có chứa chất acid béo omega-3 rất hữu ích trong việc ngừa các bệnh về tim mạch.
Margarine có tăng cường thêm chất phytosterol giúp vào việc giảm
cholesterol trong máu. Nước trái táo prune có tính nhuận trường. Tất cả
đều được xem như những thực phẩm chức năng.
Tại Canada, Công ty Tropicana đã tung ra thị trường một loại nước cam có
tăng cường thêm calcium, thêm chất xơ, và thêm các loại vitamins có tính chống
oxy hóa (antioxidants) như vitamins A, C, E.
Công ty Peter Pan cho ra một loại bơ đậu phọng (peanut butter)
được tăng cường thêm 8 loại vitamins và chất khoáng.
Thậm chí dân ghiền café cũng có thể tìm thấy các loại Smart coffee có
chứa chất Ginkgo biloba có khả năng bồi bổ trí nhớ, chống nhức đầu,
ngăn ngừa tai biến mạch máu não (?). Ngoài còn có loại Power coffee có
thêm ginseng nữa.
Bên Cali, cũng thấy xuất hiện vài thương hiệu cà phê chức năng mà nổi bật
nhứt là công ty Healthy Coffee International inc.
Hai sản phẩm tiêu biểu là Cà-phê Sức Khỏe (Healthy Coffee) và Trà Xanh Sức
Khỏe (Healthy Milk Tea) có pha với Nấm Linh Chi (Reishi Mushroom) và Nhân Sâm
(Ginseng), đường mía và sữa không chất béo. Bán ra dưới dạng túi (pouch bag) và
que (stick) rất tiện lợi.
Ngoài cà phê ra cũng có các loại nước tăng lực Energy drinks, Power drinks như
Red Bull, Gatorade có chứa cả chục thứ khoáng chất vitamins và dược thảo rất được
giới trẻ và dân chơi thể thao hết lời ca ngợi…Các bạn vô chợ Việt Nam hay chợ
Tàu mà xem. Có đủ thứ nước giải khát, dủ màu đủ sắc hết. Thường là sản phẩm nhập
từ Đại hàn, Trung Quốc, Đài Loan…Tất cả đều có thêm chất nầy chất nọ như nha
đam, sâm, ổi, xoài, v.v… và không thể thiếu các chất hóa học và đường high
fructose corn syrup rất nguy hiểm về lâu về dài cho sức khỏe.
Bạn thấy không, toàn là đồ bổ không hà. Đọc những lời quảng cáo trên sản
phẩm thấy mà phát ham. Uống vào không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc mà thôi,
nhưng coi chừng có thứ nếu lạm dụng cũng dám đi luôn lắm.
Không nên lạm dụng nước tăng lực
Không những chỉ có sức khỏe mới quan trọng, vấn đề thẩm mỹ và làm đẹp
cũng đã được quan tâm đến. Công ty Shisheido, chuyên về mỹ phẩm cho các chị,
cũng cho ra Cosmeto Foods, đó là những loại yogurt có chứa nhựa lá cây
nha đam Aloès có tính chất làm giảm các nếp nhăn trên mặt (xin
bạn nhớ, đây cũng chỉ là lời quảng cáo của người bán mà thôi!).
Công ty Coca Cola cũng chuyển hướng theo thị hiếu của thị trường thức uống
bằng cách tung ra các loại nước dinh dưỡng để cạnh tranh với Công ty Pepsi Cola
(Jus
Tropicana, Gatorade).
Năm 1997, Coca Cola đã cho ra nước giải khát Surge chứa
ít gaz, mùi chanh tương tự như loại nước Mountain Dew của
Công ty Pepsi.Tại Québec, Công ty A. Lassonde Inc. năm 1995 đã cho ra một loại
sản phẩm nước trái cây Oasis Pause Santé. Đây là loại nước
ép trái cây có pha thêm légumes, vitamins,
magnésium, bêta carotène và chất sắt. Sau đó, họ còn cho ra tiếp một
loại cocktail nước trái cây có pha thêm sữa. Thương vụ của
Công ty A Lassonde nhờ đó mà tăng lên vùng vụt.
Công ty Mead Johnson, chuyên sản xuất thực phẩm cho trẻ con, cũng nhảy
vào thị trường Canada với sản phẩm nước uống lấy tên là Calais.
Loại nước nầy được tăng cường thêm calcium, rất tốt cho những người lớn tuổi để
phòng chống bệnh loãng xương (osteoporosis).
Công ty Natrel, năm 1995 đã tung ra loại sữa Ultra lait và Ultra lait
calcium (avec plus de 33% calcium), và đã gặt
hái kết quả ngoài dự tính của họ.
Bên Ý, người ta có thể mua những loại spaghetti, nouille có
tăng cường thêm acid béo omega-3 rất tốt cho tim mạch.
Ở Hoa Kỳ, hầu hết các loại cereals đều có pha thêm folic acid,
có công dụng bổ máu, giúp bào thai tạo lập thần kinh và tủy sống tránh nguy cơ
xảy ra hiện tượng neural tube defect (là một loại bệnh
bẫm sinh).
Những năm gần đây tại Âu châu và Bắc Mỹ thấy xuất hiện loại margarine
Benecol. Theo quảng cáo rất «ấn tượng» cho biết thì sản phẩm nầy
rất tốt đễ ngừa bệnh tim mạch. Loại margarine Benecol có khả năng làm giảm 14%
cholesterol xấu (LDL) xuống, và đồng thời cũng giảm 10% hàm lượng total
cholesterol trong máu.
Công ty Nestlé/Chambourcy tung ra yogurt LCl, và Công ty
Danone cũng nối gót theo với hai loại yogurt Danone Bio caséi và Danone
Actimel.
Kỹ nghệ ăn uống hốt bạc nhờ chất omega 3
Tại Canada, Công ty sữa Natrel cho trộn dầu hạt lanh vào sữa để tăng cường
thêm Omega-3.
Công ty Neilson Dairy Oh thì sản xuất ra một loại sữa giàu chất Omega-3
DHA bằng cách cho trộn thêm chất DHA của cá vào thức ăn hỗn hợp dùng nuôi bò sữa.
Công ty Kraft tung ra thị trường loại sauce mayonnaise có
tăng cường chất Omega-3 bằng cách cho trộn thêm dầu đậu nành trong sauce, nhưng
cách nầy cũng có cái bất lợi là nó cũng đồng thời làm tăng chất Omega-6 lên.
Trên thị trường, rất nhiều sản phẩm có tăng cường thêm Omega-3. Chẳng hạn
fromage có Omega-3 làm từ sữa vắt từ những con bò được cho ăn khẩu phần có chứa
hạt lanh và chất DHA của cá.
Tương tợ như sữa bò có Omega-3, người ta cũng sản xuất ra một loại thịt
heo đặc biệt có nhiều Omega-3 bằng cách nuôi heo với khẩu phần có chứa nhiều hạt
lanh (flaxseed, linseed).
Hiệu fromage Black Diamond có chứa 0.1g Omega-3 cho mỗi 30g, trong số nầy
20mg là DHA.
Trứng gà tăng cường Omega-3, sản xuất ra từ những gà mái đã được nuôi bằng
thực phẩm hỗn hợp có trộn thêm 20% hạt lanh (linseed).
Tại Hoa Kỳ, Công ty Tropicana tung ra loại nước cam có tăng cường thêm
Omega-3.
Công ty Kellog cũng cho thêm Omega-3 trong sản phẩm Kashi cereal.
Unilever nối gót theo với mặt hàng I Can’t Believe It’s Not Butter được
tăng cường thêm chất Omega-3.
Hoa kỳ cũng đang nghiên cứu dùng heo được chuyển đổi gene (transgenic) để
sản xuất ra những loại thịt heo có chứa một tỉ lệ khá cao chất Omega-3.
Chưa hết, thức ăn chó cũng được các nhà kinh doanh khai thác triệt để bằng
cách cho tăng cường thêm Omega-3 với mục đích là để giúp cho não chó con phát
triển tốt?
Đúng là sướng như chó Tây chó Mỹ.
Thực phẩm chức năng được quy định như thế nào?
Canada rất chặt chẽ trong vấn đề nhãn hiệu và quảng cáo. Nhà sản xuất thực
phẩm không được phép ghi trên nhãn hiệu những câu (health claim) có liên
quan đến sức khỏe và trị liệu.
Theo đà phát triển của phong trào thực phẩm chức năng trên thế giới,
cũng như để giúp giới kỹ nghệ, Santé Canada đang nghiên cứu để tu chính lại bộ
Luật Quảng cáo cho bớt gắt gao.
Tại Hoa Kỳ, Luật Nutrition Labelling and Education Act,1994
cho phép kỹ nghệ có thể nói lên tính chất ích lợi về mặt sức khỏe của những thực
phẩm chức năng. Có tất cả 10 câu liên quan đến sức khỏe (health claims)
đã được chính phủ Mỹ cho phép sử dụng.
Riêng Âu châu, mỗi quốc gia quy định một cách khác nhau về quảng cáo và nhãn
hiệu . Nói chung thì họ cho phép nêu ra những câu liên hệ đến mặt dinh dưỡng,
nhưng cấm ghi những câu có liên quan đến sức khỏe và trị liệu.
Hoạt chất sinh học của thực phẩm chức năng
*Tỏi: Terpenes, Sulfides, Phénols –
Giảm cholesterol máu, giúp tăng khả năng miễn dịch, chống lại các góc tự
do radicaux libres, là những chất độc của tế bào.
*Quế, gừng: Trepénoides, Phénols, acides organiques –
Ngăn ngừa một vài loại cancers.
*Cá salmon, Tuna, Mackerel: Acides béo omega-3 (EPA,
DHA), vitamin D – Ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
*Cám lúa yến mạch (oat bran, son d’avoine): Bêta glucan,
fibre soluble – Giúp giảm cholesterol, ngừa các bệnh thuộc về
tim mạch, ngừa cancer ruột …
*Sữa đậu nành, đậu hủ: Isoflavones, Phytoestrogènes – Giảm
cholesterol, ngăn ngừa các triệu chứng bất lợi của thời kỳ mãn kinh, đồng thời
cũng ngừa bệnh loãng xương.
*Trà xanh: Catéchines – Chống các gốc tự do có
hại cho sức khẻo, giảm cholesterol máu và giảm nguy cơ cancer đường tiêu
hóa?
*Trái Cranberry: Proanthocyanidins, chất nhóm flavonoids –
Chất nầy có tính chất ngăn trở việc vi trùng bám vào tế bào nhờ vậy giúp giảm
nguy cơ nhiễm trùng (E.coli) đường tiết niệu. Ngoài ra, cranberry cũng giúp ngừa
bệnh loét bao tử và nướu răng. Người ta còn nói cranberry có thể ngừa bệnh tim
mạch và một vài loại bệnh ung thư nữa? Chất chống oxy hóa Proanthocyanidins củng
thấy có nhiều trong vỏ cây thông (pine bark), trong hạt và trong vỏ trái
nho.
*Yogurt: Calcium, lactobacillus – Ngừa bệnh loãng xương, giảm áp
huyết động mạch, chống nhiễm trùng, tăng số vi khuẩn tốt trong ruột, tăng cường
tính miễn dịch.
*Tomates, sauce tomate, ketchup: Lycopène – Giảm nguy cơ cancer tiền
liệt tuyến (prostate).
*Carotte, trái cây các loại: Alpha carotène, Bêta carotène – Giúp
làm giảm các gốc tự do, là những chất độc của tế bào.
*Bưởi, Flavonone – Giảm các radicaux libres.
*Rau cải có lá xanh đậm: Lutéine – Giúp giảm nguy cơ bệnh
thoái hóa hoàng điểm võng mạc AMD (age related macular degeneration).
*Cải broccoli (bông cải xanh), cải cauliflower (bông cải trắng), cải
cabbage (cải bắp) có chứa nhiều chất chống oxy hóa sulforaphane và isiothiocyanates –
Giúp kích thích cơ thể sản xuất ra enzyms khử độc tố, nhờ đó làm giảm nguy cơ
xuất hiện của vài loại bệnh cancer .
*Củ topinambour (Cúc Vu): rất giàu vitamin nhứt là A, C và B3, nhiều chất
khoáng chẳng hạn như potassium và glucide dưới dạng Inuline nên tạo ra rất ít
calorie.
Cây cúc vu (danh pháp khoa học: Helianthus
tuberosus L.), là một loài
thực vật có hoa, có nguồn gốc Bắc
Mỹ và được trồng trong khu vực ôn
đới để lấy phần thân
củ mà người Việt quen gọi là củ dùng làm rau ăn củ.(wikipedia).
Cúc vu được xem là prebiotic tức là một loại thức ăn của probiotic.
Prebiotic giúp vào việc cải thiện hệ miễn dịch, giúp hấp thụ chất
calcium, và có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện của một vài loại cancer nữa.
Prebiotic có thể hiện diện một cách tự nhiên trong một số thực phẩm,chẳng
hạn như củ hành, rau xà lách xoắn chicory, củ cây cúc vu topinambour và artichoke
*Nhân sâm (ginseng): Ginsénoides – Bồi bổ sức khỏe.
Thực phẩm chức năng thường sử dụng các chất chống oxy hóa antioxidant
Trong hoạt động biến dưỡng, cơ thể tạo ra các chất phế thải gọi là gốc tự
do (free
radical).Đây là các phân tử bất ổn định, thường xâm nhập vào tế
bào, tấn công vào chất DNA, làm hại tế bào, đồng thời làm
gia tăng tốc độ lão hóa của nó.
Tuy mang tiếng là có hại nhưng cơ thể cũng phải cần đến một số gốc tự do
trong hoạt động phòng chống cảm nhiễm, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn cũng
như giúp vào sự co thắt của cơ trơn thành động mạch.
Một sự thặng dư gốc tự do sẽ có hại cho sức khỏe. Khói xe, ô nhiễm không
khí, tia tử ngoại (ultra violet) ánh sáng mặt trời, khói thuốc lá, một số
thuốc Tây, và tình trạng bị căng thẳng tinh thần (stress) đều làm gia
tăng gốc tự do.
Cũng may để đối phó tác động oxy hóa của gốc tự do chúng ta có các chất
chống oxy hóa, hiện diện trong hầu hết các loài rau quả.
Các chất chống oxy hóa tiêu biểu
+Vitamin C (ascorbic acid) : có trong cam, quít, bưởi, kiwi, dâu
Tây, v.v… giúp tăng sức miễn dịch, ngừa cảm cúm, giúp tạo chất keo cho mô liên
kết, cũng như giúp mô xương, mô sụn, răng và nướu răng được phát triển bình thường.
+Beta carotene: antioxidant nhóm carotenoid, có nhiều
trong rau quả có màu vàng như bí rợ, carotte, khoai lang, cà chua…rất tốt cho mắt.
+Lutein: nằm trong nhóm carotenoid, có rất nhiều trong rau
cải có màu xanh đậm, chẳng hạn như rau mồng tơi, v.v…Rất tốt để ngừa
bệnh cườm mắt (cataract) và bệnh thoái hóa hoàng điểm võng
mạc AMD (age-related macular degeneretion), thường
xảy ra ở người trên 50 tuổi. Tuổi tác cao, thuốc lá và ánh sáng mặt trời là những
nguyên nhân chánh của bệnh thoái hóa hoàng điểm. Bệnh nhân lần lần bị giảm thị
lực, thấy không rõ chi tiết, nhất là thị giác trung tâm, trường hợp nặng sẽ bị
mù lòa.
+Lycopene: thuộc nhóm carotenoid, thấy trong cà chua,
trong bưởi hồng, apricots và trong dưa hấu, v.v…Rất tốt để ngừa cancer
tiền liệt tuyến ở đàn ông. Nên biết rằng lycopene ở cà tomate nấu chín (tomato sauce và tomato paste) có
tỷ lệ hấp thụ cao hơn cà tomate được ăn sống.
+Vitamine E hay Tocophérol: trong các loại hạt, như hạnh nhân, hạt
dẻ, các hạt đậu nẩy mầm, dầu carthame (safflower oil), dầu bắp,
dầu đậu nành, trong xoài, trong khoai lang.
+Selenium: là một loại bần tố (oligoélément), thấy trong ngũ cốc, như
gạo, lúa mì, hạt dẻ Brazil, v.v.
+Anthocyanes: nho đỏ, rượu chát đỏ, trái bleuets (blueberries),
fraises, strawberries, framboises, chou rouge…
+Quercétine: củ hành, vỏ pomme, trà, broccoli…
+Catéchines: trà xanh, cacao…
Thực phẩm chức năng: sức khỏe hay khuyến mãi?
Ai cũng đều biết là thực phẩm ăn vào đều có ảnh hưởng đến sức khỏe của
chúng ta hết. Các nhà dinh dưỡng từ lâu nay thường khuyên mọi người nên ăn mỗi
ngày 4 nhóm thực phẩm chánh (ngũ cốc, rau quả, thịt cá và sữa), tránh ăn thực
phẩm có chứa nhiều mỡ dầu và giảm bớt sự tiêu thụ các loại thịt đỏ (bò, heo, dê
cừu, ngựa).
Nhưng, từ những năm gần đây, các nhà chuyên môn về sức khỏe lại khuyến
khích thêm việc cần nên tăng cường thêm sự tiêu thụ acid béo oméga 3, các chất
trợ sinh probiotic, các chất chống oxy hóa antioxidants, calcium và các chất
xơ fibres alimentaires, v.v…
Ý kiến của các nhà chuyên môn đã mở ngõ cho giới kỹ nghệ thực phẩm mặc sức
tung hoành, muốn thêm chất gì vào các mặt hàng của họ cũng được, và các ngưởi
tiêu thụ phải bắt buộc trả thêm tiền phần trị giá gia tăng (added value)
của sản phẩm bán ra.
Theo một số nhà dinh dưỡng, phong trào thực phẩm chức năng sẽ còn tồn tại
trong một thời gian lâu dài nữa.
Tiêu thụ thực phẩm chức năng không thể được xem là một cái mode, nhưng
nên xem nó là ý thức tập thể trong việc phòng bệnh.
Những trở ngại trước mắt
Dù tính chất ích lợi cho sức khỏe đã được nhiều người nhìn nhận, nhưng
trong thực tế một số lớn thực phẩm chức năng vẫn còn bí mật đối với người tiêu
thụ.
Thực vật và ngũ cốc đã được con người sử dụng từ ngàn xưa trong dinh duỡng
cũng như trong việc chữa bệnh, nhưng không có ai dám tự hào là mình biết rõ hết
các hoạt chất cũng như ảnh hưởng của chúng trên sức khỏe con người.
Các thí nghiệm gần đây bên Hoa Kỳ cho thấy loại thực vật Echinacea (trị
cảm cúm, tăng sức miễn dịch) đôi khi cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng cho
người dùng. Vấn đề định chuẩn các hoạt chất và liều lượng cũng là những trở ngại
lớn khác của thực phẩm chức năng. Vì được xếp vào nhóm thực phẩm nên chúng
không bị chi phối bởi những luật lệ kiểm tra chặt chẽ như đối với một dược phẩm.
Liều lượng sử dụng, những điều cấm kỵ, và các phản ứng phụ thường không được
nêu ra một cách rõ ràng. Ai muốn ăn, ai muốn uống bao nhiêu cũng được hết.
Tuy vậy, trong thực tế sự lạm dụng liều lượng ít thấy xảy
ra với với thực phẩm thuốc alicament (tức loại thực phẩm chức
năng dùng để ăn vào) vì sức chứa của bao tử có giới hạn. Có ai ăn nổi một hơi
hai ba kí yogurt đâu mà sợ. Đối với loại dưỡng dược nutraceutique (thức
ăn ở dạng bột và dạng lỏng) vấn đề lạm dụng liều lượng trên lý thuyết có thể xảy
ra được.
Một trở ngại khác, là con buôn thiếu lương tâm có thể cho trộn thêm một
vài chất dinh dưỡng hay vitamins để biến món hàng thành một loại thực phẩm chức
năng (để dễ bán và bán với giá cao) dù rằng sản phẩm nầy tự nó đã có chứa rất
nhiều chất không tốt cho sức khỏe như chứa nhiều đường, cholesterol, trans fat hoặc
rất nhiều chất béo bão hòa.
Không phải hễ là thực phẩm chức năng là mình muốn sử dụng bao nhiêu cũng
được đâu.
Một chế độ ăn uống cân bằng, nghĩa là vừa đủ các nhu cầu dinh dưỡng cũng
vẫn tốt hơn là sử dụng một chế độ dinh dưỡng gồm có nhiều thực phẩm chức năng
không cân đối.
Nhưng thế nào là cân bằng, thế nào là cân đối?
Đây là cái khó nghĩ của đa số chúng ta.
Người tiêu thụ nghĩ gì?
Nói chung, phong trào thực phẩm chức năng càng ngày càng được các giới
tiêu thụ chiếu cố đến một cách mạnh mẽ. Tuy vậy, cũng có một số người còn e dè.
Người ta tự hỏi tính chất an toàn của loại thực phẩm nầy có được bảo đảm
hay không?
Còn rất nhiều điều bí ẩn mà không ai biết được hết.
Những loại hóa chất nào đã được dùng đến? Những loại thực vật nào đã được
nhà sản xuất sử dụng? Biết đâu một số nguyên liệu có nguồn gốc từ phương pháp
làm chuyển đổi gene GMO, Một thức ăn có thể phòng trị
được bá bệnh gọi là siêu thực phẩm (super food) là một ảo tưởng mà thôi.
Tuy nói vậy chớ thực tế ngoài đời, giới kỹ nghệ đã không ngừng tung ra
những loại thực phẩm mới mà quảng cáo (ẩu) cho biết như những thức ăn nhiệm mầu
có thể phòng trị được nhiều thứ bệnh tật.
Phó mặc sức khỏe cho giới kỹ nghệ quyết định đôi khi cũng thật đáng ngại.
Cơ quan trách nhiệm về y tế Hoa Kỳ cho biết là 95% thực phẩm chức năng tại
xứ cờ hoa không có kèm theo thí nghiệm lâm sàng cụ thể, cũng như các lời quảng
cáo của họ cũng không có dựa trên những dẫn chứng khoa học nào đáng tin cậy cả!
Ai chiếu cố đến thực phẩm chức năng?
Nhà thăm dò dư luận Léger& Léger Québec cho biết là chính tầng lớp
tuổi khoảng 50-55 là nhóm khách hàng chiếu cố đến thực phẩm chức năng nhiều nhất…
Trong đó, 70.6% là những hạng người năng hoạt động, có kiến thức văn hóa cao,
thường cỡ bậc đại học.
Ngược lại, những lớp người không quan tâm đến loại thực phẩm mới nầy là những
người không hoạt động, văn hóa thấp, và ở vào lứa tuổi từ 65 trở lên.
Kết luận
Phải tự hào mà nói rằng, ý niệm thực phẩm chức năng cũng không có mới mẻ
gì đối với người VN mình.
Từ xưa nay, hầu như mọi người đều xem thức ăn là những vị thuốc… “Ăn cho mát” –
“Ăn cho bổ” – “Ăn cho khỏe” – “Ăn gì bổ nấy”,
“Ăn
trên bổ dưới”. v.v…đó là những câu mà chúng ta thường hay nghe nói
đến luôn.
Từ cổ chí kim, con người vẫn hằng tin tưởng rằng mỗi loại thực phẩm
ăn vào đều là những vị thuốc đem đến cho ta sức khỏe, và thậm chí còn giúp
phòng chống hoặc chữa trị một số bệnh tật nữa.
Ở đây, chúng ta chưa đề cập đến những loại cao lương mỹ vị, như bào ngư,
sáo yến chẳng hạn, rất đắt tiền, ít phổ thông hơn, nhưng tính bổ dưỡng và trị
liệu đều được nhiều người công nhận từ lâu.
Ngoài ra, còn phải kể đến những loại rượu thuốc, đế Gò đen ngâm với đủ
thứ thực vật, hoặc động vật hiếm mà nhiều người đồn đại rằng chúng rất tốt cho
người lớn tuổi ăn ngon, ngủ khỏe, bớt đau lưng nhức mỏi và đặc biệt là bài vở học
ít khi quên bất tử nên thường được cô giáo khen đáo để.
Công hiệu thật sự của những mặt hàng nầy khó có ai có thể kiểm chứng và biết
được hết.
Ăn uống ngày nay không những chỉ để thỏa mãn nhu cầu của cơ thể mà còn để
phòng ngừa bệnh tật, chống lão hóa và giúp cho cuộc sống thêm phần đẹp đẽ hơn
lên nữa.
Phải chăng thực phẩm chức năng đã trở nên thực phẩm của con người trong
thế kỷ XXI nầy.
Nguyễn Thượng Chánh
No comments:
Post a Comment