Friday, March 24, 2023

Mối Tình Của Cô Quỳnh, Chú Hậu - Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn

 

Phần dẫn truyện:

 Nhiều năm qua, gần như hàng năm tôi đều về VN rong chơi. Với người khác tôi không biết thế nào nhưng với tôi về VN là một sảng khoái, cái sảng khoái mà tôi không thể tìm thấy ở hải ngoại, dù là Nhật bản quê vợ cũng là nơi định cư của cô con gái út của tôi. Tôi không thể giải thích một cách chính xác lý do tại sao tôi có cái cảm khoái đó ! Có thể đó là cái mà người ta gọi là nhớ quê hương mà ra.

Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời
(Kiều, Nguyễn Du)

Một trong cái thú vui của tôi khi về VN là khoác ba lô, một mình đi đây đi đó gặp gỡ những người trẻ, họ có thể là học sinh sinh viên của một cơ sở giáo dục nào đó ở địa phương. Hỏi họ về việc học hành giáo dục trong xã hội và cả những ước mơ dự tính của họ trong tương lai, khi lớn khôn ra đời. Và nếu gặp được người thích thú văn chương thì lại đọc thơ, ngâm thơ cho họ nghe coi như thú vui của lần du hành văn nghệ. Nếu vì lý do nào đó mà thân thiết hơn một tí cũng chỉ là một lần kỳ ngộ thoáng qua. Chỉ có thế rồi từ giã ra đi mà chẳng biết có dịp tương phùng nhau trở lại hay không .

Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước  
( Xuân Diệu ) 

 Mỗi khi đến những thành phố lớn, ban đêm tôi thường la cà một mình vào những phòng trà không quá mắc tại địa phương. Tìm một góc nhỏ nào đó trong hội trường ngồi nghe những ngừời ca sĩ nghiệp dư hát. Nếu có được cảm khoái hơn thì bỏ ra tí chút tiền để yêu cầu ca sĩ hát cho mình nghe những bài nhạc mà mình cảm thích hay đã từng bị nó nhấn sâu vào ký ức nào đó xa xưa.

 Lần vừa rồi về nước, tôi cũng một mình vào một phòng trà không quá mắc ở trung tâm Sài Gòn, tìm một góc ngồi nhâm nhi món ăn vặt và một chai soda chanh đường. Có lẽ vào dịp cuối tuần nên mới khoảng hơn 8 giờ tối mà căn đại sảnh của phòng trà đã gần như không còn bàn trống. Đúng lúc tôi đang để tâm vào bài hát của ca sĩ trên sân khấu, có 3 người, một nam, hai nữ khoảng trên dưới 30 tuổi cùng với cô hầu bàn đến bên tôi, cô ta hỏi :

 -Bác có thể cho 3 người này ngồi chung bàn với bác được không ạ?

 Dĩ nhiên chẳng có lý do để tôi từ chối mà còn vui vẻ, rồi tôi ngồi lách sang một bên cho 3 người khách cùng ngồi. Họ đều ăn mặc chỉnh tề, không ai hút thuốc, nói năng nhỏ nhẹ không ồn ào và cũng không ai gọi rượu bia như phần đông khách trong sảnh đường. Nghe họ nói giọng bắc, âm điệu Hà nội đã làm cho tôi nghĩ họ từ Bắc vào Saigon du lịch hay làm việc.

 Đoán như vậy nhưng tôi cũng chẳng chú ý làm mất đi cảm khoái của mình với những bản nhạc mà những người ca sĩ trình bày trên sân khấu.  Được một lúc, khoảng 9 giờ tối, cô hầu bàn đến đưa tận tay cho từng người khách, mỗi người một tờ giấy nhỏ để ghi danh những bản nhạc yêu cầu nếu thích. Lúc đó tôi thấy 3 người họ bàn tán với nhau, người thì muốn bản nhạc này, người kia lại thích bản nhạc khác... Cuối cùng thì họ cũng đồng ý với nhau viết vào 3 tờ giấy yêu cầu. Tôi cũng muốn viết vài ba bài theo ý thích của mình, nhưng dưới ánh đèn nhấp nháy, trong không gian khá tối lại không có bút viết. Chả đặng đừng, quay sang người đàn ông ngồi sát cạnh, tôi nói :

 -Anh chị có thể cho tôi mượn cái bút được không ?

 Họ chưa kịp trả lời tôi nói tiếp :

 -Càng tốt hơn nếu anh chị viết giúp tôi vài bài nhạc yêu cầu, mắt tôi nhìn không rõ dưới ánh đèn nhấp nháy, mù mờ này.

 Người đàn ông vui vẻ, nhận tờ giấy từ tay tôi, hỏi tên những bản nhạc mà tôi muốn yêu cầu. Không tí ngại ngần tôi nói với anh ta:

 -Anh ghi cho tôi bản “ Nỗi lòng người đi “ và “ Về Hà nội đi anh “ .

 Nghe tôi nói tên 2 bản nhạc, cả 3 người ngẩn ngơ đưa mắt nhìn tôi. Một phụ nữ hơi chau mắt nhìn tôi, với tí ngập ngừng, cô ta hỏi :

 -Bác là người Hà nội phải không ạ ?

 Đưa mắt nhìn cô ta, tôi trả lời :

 -Không phải! Tôi chỉ sống ở Hà nội 4 năm trời, trước khi di cư vào Nam năm 1954, lúc đó tôi mới khoảng gần 9 tuổi. Nhưng tôi rất yêu Hà nội, đơn giản thế mà thôi.

 Sau vài phút trao đổi, làm quen sơ sài với họ, cho tôi biết, người khách nam là chồng của người phụ nữ đứng tuổi, còn người phụ nữ trẻ hơn là em gái của người chồng. Cả 3 người đều sinh ra và lớn lên tại Saigon nhưng cha mẹ đều là dân Hà Nội gốc, cũng là người di cư vào Nam như tôi. Có lẽ nhờ cha mẹ  nên họ có giọng nói, ngữ âm rất Hà nội. Trong không gian yên tĩnh để nghe nhạc của phòng trà, chúng tôi chỉ nói chuyện, biết tí chút về nhau như vậy rồi chia tay khi phòng trà đóng cửa. Chẳng có gì ngoài vài câu từ giã thông thường.  

 Rồi cũng như bao lần như những lần về nước trước, tôi lại tìm vui với những cuộc lang thang đây đó. Vào một buổi gần trưa ngày chủ nhật, khoảng một tuần lễ sau buổi đi phòng trà. Từ trung tâm Saigon tôi cuốc bộ đến quán cà phê sân vườn rất rộng rãi, trên đường Huyền Trân Công Chúa, trong khuôn viên phía cổng sau Dinh Thống Nhất. Có lẽ cuối tuần lại đúng lúc gần trưa nên có nhiều khách. Đang lúc tôi đang đi lòng vòng tìm chỗ trống. Một cô gái từ chiếc bàn sát gần với hàng rào sát đường lộ, chạy đến gần tôi với tí vui mừng, cô ta nói:

 -Bác gì đó ơi, bác đến ngồi với bàn chúng cháu.

 Tôi hơi chau mày nhìn cô gái, với vẻ ngạc nhiên vì tôi hoàn toàn không quen biết cô ta. Hình như thấy vẻ xa lạ của tôi, cô ta cười vui, nhìn tôi rồi giải thích :

 -Bác quên chúng cháu rồi sao? Chúng cháu là người đã ngồi cùng bàn với bác trong lần đi phòng trà nghe nhạc tuần trước đó !

 Lúc này thì tôi đã nhận ra cô gái rồi. Rất vui vẻ tôi nói vài lời xin lỗi rồi theo cô ta đến chiếc bàn khá rộng bên sát hàng rào. Ngoài người đàn ông và người đàn bà trong lần gặp gỡ trước còn một người đàn ông khác, trẻ hơn và một phụ nữ khá đứng tuổi, mái tóc của bà ta đã gần như bạc trắng. Cả ba người đang hướng mắt nhìn tôi, họ cười vui  rồi nói những câu chào hỏi rất thân thiện khi tôi theo cô gái đến gần bàn của họ. Cô gái kéo ghế mời tôi ngồi, chẳng để cho tôi ngạc nhiên, cô ta giới thiệu:

 -Cháu tên Yến, vợ chồng anh Kiên chị Dung mà bác đã biết trong lần đi nghe nhạc vừa qua.

 Chỉ tay vào vào người phụ nữ đứng tuổi và người thanh niên, cô ta nói :

 -Còn đây là Mẹ Vân của cháu và Khoa bạn trai của cháu.

 Sau khi nghe cô gái giới thiệu xong, tôi cũng cho mọi người biết tên của mình, rồi cuộc nói chuyện của tôi và họ càng lúc càng vui nhộn. Đúng lúc đó cô phục vụ mang ly cà phê sữa đá cho tôi  kèm theo tờ giấy tính tiền ( cơ sở này tính tiền ngay khi phục vụ ) tôi chưa kịp móc tiền ra thì Kiên con trai bà Vân đã đưa tờ giấy 50 ngàn cho cô phục vụ. Với tí chút ngạc nhiên, tôi móc tiền ra trả lại. Kiên không nhận mà xua tay có ý muốn trả tiền cho tôi.  Cứ thế người đưa kẻ đẩy mấy lần, bà Vân cười vui nhìn tôi, bà nói : 

 -Thôi anh để cho cháu “ chiêu đãi “ anh một lần đi cho nó vui ! Có đáng bao nhiêu đâu mà anh phải ray rứt.

 Không làm sao hơn tôi đành nói lời cảm ơn đến vợ chồng Kiên. Tiếp theo cuộc nói chuyện của chúng tôi càng lúc càng vui nhộn, thân tình về mọi lãnh vực. Nhất là mỗi khi tôi nói về phong cảnh, cuộc sống của miền bắc, đặc biệt về Hà nội qua cái nhìn chủ quan của tôi đã làm cho mọi người thích thú nhất là bà Vân. Một lúc bà Vân nhìn tôi với tí chút ngại ngần, bà nói :

 -Suốt nẫy đến giờ , nói chuyện với anh, mà không biết tí gì về cuộc sống và gia đình của anh. Nếu không có gì khó khăn và bất tiện, anh có thể cho chúng tôi biết để sự quen biết của chúng ta thân thiết hơn không ?

 Rồi cũng chẳng để tôi trả lời, bà Vân cho biết cũng như tôi, bà và gia đinh di cư vào Nam năm 1954 lúc bà mới 5 tuổi, học hành xong rồi đi làm việc tại Sài Gòn. Bà lập gia đình với một người quen biết của bố mẹ cũng gốc Hà nội di cư vào Nam. Bà có 2 người con một trai, một gái. Kiệt là con trai đã có gia đình, vợ là Dung, tôi đã gặp họ tại phòng trà. Yến, con gái của bà, có bạn trai là Khoa  hai người đang dự tính kết hôn vào cuối năm. Bà cũng không giấu, cho tôi biết Hựu, chồng của bà đã mất hơn 3 năm trước vì ung thư .  

 Sau khi nghe bà Vân trải bày về gia đình, lại thêm sự thân tình đang có giữa tôi và họ. Với chút ngập ngừng, lưỡng lự vì khi về VN rong chơi tôi rất ngại và cũng không thích nói về cuộc sống, công việc và gia đình tôi cho nhiều người biết. Ngoại trừ với những người thân quen, gần gũi nhau lâu mà thôi. Không phải tôi có ý gian trá gì trong giao tiếp hay che giấu đời sống thật của mình.  Nhưng tôi rất ngại tạo ra những liên hệ không vừa ý như mang tiếng khoe khoang hay keo kiệt… Tôi thường tế nhị tránh xa những câu hỏi mà tôi không muốn trả lời. Chỉ những khi vì chẳng đặng đừng,  tôi nói mình là một ông già hồi hưu bình thường trong xã hội.  Nhưng lần này, trong hoàn cảnh thân quen với một gia đình trí thức, có trình độ văn hoá, lối sống mẫu mực như họ. Nếu tôi vẫn ngại ngần, không trả lại sự chân tình của họ dành cho tôi thì cũng là điều không phải. Cuối cùng với tí chút ngần ngừ tôi cho họ biết về cuộc sống và gia đình của tôi. Đại khái tôi cho họ biết tôi đã tốt nghiệp đại học tại Saigon, đi làm việc tại Cần Thơ rồi đi tu nghiệp Nhật bản trước năm 1975. Tiếp theo thời gian và hoàn cảnh đẩy đưa tôi sang Thuỵ Sĩ định cư cho đến ngày nay. Tôi cũng cho họ biết tôi đã về hưu từ lâu, vợ tôi là người Nhật bản, chúng tôi có 3 người con, tất cả đã trưởng thành.

 Không biết vì lý do gì mà khi nghe tôi giãi bày về gia đình tôi đã làm cho mọi người tò mò. Đôi lúc họ còn hỏi tôi những chi tiết có phần riêng tư, khiến tôi khó trả lời. Chẳng hạn họ hỏi cuộc sống của tôi ở hải ngoại có khó khăn về vật chất không.  Khi tôi cho họ biết cuộc sống của tôi khá đơn giản, không có gì để nói là giàu có, sang trọng tại hải ngoại. Về VN cũng vậy, tôi không có dáng vẻ một người sang giàu, tôi không có nhu cầu quá mức của một người bình thường trong xã hội. Đôi lần trong những cuộc  giao tế “ bên đường “ không cần thiết, tôi trả lời cho qua và tôi vẫn thường nói mình là một công chức, một ông giáo học về hưu.

 Hình như sự trải bày quá thật thà và đơn giản của tôi đã làm cho họ thích thú, cuộc nói chuyện càng cởi mở, thân thiết với tôi rất nhanh. Lúc gần chia tay, bà Vân và các con nằng nặc mời tôi đến nhà họ chơi và họ mong được tiếp đãi tôi một bữa cơm đặc biệt Việt nam. Với lời mời chân tình đó, tôi đã không thể từ chối được. Tôi đến nhà họ 1 lần, nhưng rồi lại vài lần tiếp theo nữa . Cũng nhờ những cuộc gặp mặt rất thân tình đó,  bà Vân đã kể cho tôi nghe câu chuyện tình yêu có phần bi đát nhưng tuyệt đẹp của cô Quỳnh, chú Hậu. Tôi đã im lặng, nghe bà Vân kể với rất nhiều xúc động. Tôi hỏi bà từng chi tiết của mối tình đẹp nhưng bi thương đó vì tôi muốn dành cảm xúc của mình để viết một truyện ngắn về mối tình của họ . Hôm nay, khi đã trở về Thuỵ Sĩ trong không gian lạnh lẽo cuối đông, tôi chợt nhớ đến câu chuyện tình buồn thảm đó. Tôi viết ra truyện ngắn này để tôn vinh cái lãng mạn chung tình của cặp tình nhân Quỳnh Hậu dù tôi không hề quen biết gì về họ. Trong truyện ngắn này tôi đã dựa vào lời kể của bà Vân, coi bà như một người cháu gái trong cuộc kể lể về cuộc tình của cô Quỳnh chú Hậu trong bản văn.   

 Nhất là mỗi khi tôi nghe lại bản nhạc tình yêu nói về Hà Nội : “ Về Hà nội đi anh                          

https://www.youtube.com/watch?v=9GMejgCMu5Y

 Tôi như bị chìm sâu và những ca từ  rất lãng mạn của bản nhạc và chính lúc đó lại làm cho tôi có hứng thú hơn khi viết về câu truyện tình yêu bi đát nhưng lãng mạn này.

&

  Vào truyện:

  Tôi không nhớ rõ tên con đường mà gia đình tôi dọn đến đó vào đầu năm 1952 tại Hà nội là đường gì.  Nhưng hiện nay tên là đường Ngọc Khánh, nối dài với đường Kim Mã. Bên trái con đường hướng về trung tâm Hà Nội có hồ Thủ Lệ và hồ Vạn Phúc, bên phải là hồ Ngọc Khánh và hồ Giảng Võ. Trước kia khi ông bà nội tôi còn sống, đại gia đình chúng tôi gồm bác Cả, bố tôi và chú Ba cùng sống tại một căn nhà rất khang trang, nơi có bàn thờ tổ, có vườn cây khá rộng trong khu phố Hoàng Diệu gần chùa Một Cột. Khi ông Nội tôi về già, thấy cả 3 người con trai đã có gia đình cần phải ở riêng nên đã dành căn nhà chính khang trang đó cho bác Cả, để bác lo việc thờ cúng tổ tiên. Bố tôi được căn nhà trên đường Ngọc Khánh ngày nay, còn chú Ba được căn nhà khá rộng nhưng ở Huyện Thanh Trì khá xa trung tâm Hà Nội .     

 Khi gia đình chúng tôi dọn về căn nhà đó, trên đường Ngọc Khánh, đối diện với nhà tôi là một căn vi-la cổ, có vườn cây xum xê là nhà bác Cẩn. Bác tốt nghiệp ngành Luật tại Pháp, về nước được vào làm cho toà án của chính phủ bảo hộ tại Hà Nội. Sống trong căn vi-la sang trọng đó cùng với gia đình bác Cẩn còn có cô Quỳnh, em gái bác Cẩn trai. Khi gia đình tôi dọn đến đó, cô Quỳnh khoảng 22 - 23 tuổi, một phụ nữ rất đẹp, sang trọng từ trang phục đến lời nói khúc chiết văn hoa, tất cả đều đúng chuẩn một phụ nữ gốc Hà Nội. Cô Quỳnh sau khi tốt nghiệp văn bằng Thành Chung, được chính phủ bảo hộ tuyển vào làm cho cơ quan hành chánh của Hà nội. Nét đẹp quý phái và bản tính lễ phép, hiền dịu của cô Quỳnh được mọi người trong khu phố, kể cả bố mẹ tôi khen tặng, ngắm nghĩa mỗi khi gặp cô trên khu phố hay khi cô đi, về làm hàng ngày.

  Chú Hậu, người yêu của cô Quỳnh, là con trai út của một gia đình khá giàu có tại Hà nội. Ông bà Bảo, bố mẹ của chú Hậu là chủ một cơ sở xuất nhập cảng vải lớn nhất tại Hà nội. Mấy người con trai, con rể của ông bà Bảo đều là những người kinh doanh nổi tiếng của Hà nội. Người thì làm chủ 2. 3 sạp bán vải to nhất trong chợ Đồng Xuân. Người khác thì sở hữu một khách sạn khá bề thế trên đường Lý Quốc Sư gần với Nhà Thờ Lớn Hà nội. Chú Hậu 24 tuổi, con trai út của ông bà Bảo, đang theo học ngành Y khoa, cũng sắp sửa ra trường.

   Hình ảnh chú Hậu, dáng vẻ trí thức, sang trọng hơi ốm mặc quần tây, áo trắng dài tay bỏ trong quần, đầu đội mũ fedora ( mũ nỉ có vành ), những ngày lạnh, chú khoác một chiếc áo len càng làm gia tăng dáng vẻ qúi phái của một công tử, một trí thức nhà giàu của Hà Thành. Thỉnh thoảng, buổi sáng vào những hôm đẹp trời, chú Hậu thường đến nhà đón cô Quỳnh đi làm bằng chiếc xe mobylette. Vào ngày chủ nhật, chú đến bằng xích lô rồi hai người cũng bằng xích lô đi chơi đầu đó đến chiều tối mới về nhà. Bố mẹ tôi cũng như mọi người trong khu phố, kể cả lũ trẻ con chúng tôi đều nhìn cặp tình nhân sang trọng, đẹp xinh đó với ánh mắt cảm mến.

  Một hôm vào buổi sáng chủ nhật, tôi theo mẹ sang nhà bác Cẩn chơi, đúng lúc tôi đang loay hoay với con búp bê trước cổng nhà thì chú Hậu tới. Sau vài lời chào hỏi mẹ tôi, chú vào nhà rồi một lúc sau chú và cô Quỳnh đi ra. Thấy tôi, cô Quỳnh hỏi :

 -Bé Vân đang chơi búp bê đó hả, cho cô Quỳnh chơi với nhe?

 Ngước nhìn cô, chưa kịp trả lời thì mẹ nhìn tôi, mà nói :

 -Vân con chào cô Quỳnh, chú Hậu đi!

 Nghe lời mẹ tôi cúi đầu chào :

 -Cháu chào cô chú ạ  

 Cô Quỳnh ôm lấy tôi vào lòng, tay vuốt tóc, ngước nhìn chú Hậu, cô nói :

 -Bé Vân là con gái út của anh chị Khang, nhà bên kia đường, hàng xóm và cũng là người rất thân tình với bố mẹ em đó !

 Nói xong, quay sang mẹ tôi, cô hỏi :

 -Còn anh Khang và 2 cháu Chính và Quang đi đâu hả chị ?

 -Hai cháu lớn vừa đi với bố chúng nó đến thăm ông bà nội, chắc chiều tối mới về.

 Chú Hậu đến gần, đưa tay vuốt đầu tôi, chú nói :

 -Cháu Vân xinh quá, lần sau chú sẽ mang quà cho cháu nhe!

 Sau một lúc nói chuyện với mẹ tôi, cô Quỳnh, chú Hậu từ giã dẫn nhau đi. Đúng như vậy, vài ba ngày sau, khi vừa ăn xong bữa cơm chiều, tôi đang đùa giỡn với con mèo tam thể trong phòng khách thì cô Quỳnh và chú Hậu đến. Cô Quỳnh đứng nói chuyện với mẹ tôi trước cửa nhà, chú Hậu bước vào trong nhà, rất vui vẻ chú vừa nói, vừa đưa cho tôi một gói quà :

 -Như đã hứa với cháu Vân, Chú mang quà cho cháu đây!

 Tôi sung sướng, nói lời cám ơn chú. Gói quà là một con thỏ bông trắng rất dễ thương. Từ hôm quen biết đó, cứ khoảng năm bảy ngày cô chú lại tạt đến nhà tôi, nói chuyện bâng quơ với bố mẹ tôi, không bao giờ quên mang quà cho anh em chúng tôi. Khi thì cái bánh ga-tô, bịch kẹo, lúc thì một vài món đồ chơi. Đặc biệt với tôi cô chú Hậu thường cho tôi những món quà đặc biệt cho con gái như búp bê, khăn quàng ..v..v.. Một hôm, vào sáng ngày chủ nhật, tôi đang đứng trước hiên nhà với mẹ,  đúng lúc đó cô Quỳnh và chú Hậu từ trong nhà bác Cẩn đi ra. Có lẽ hai người đang chuẩn bị đi chơi với nhau như thường lệ. Nhưng nhìn thấy chúng tôi, cả hai nói vài lời chào mẹ tôi rồi cô Quỳnh cười vui quay sang nói gì với chú Hậu. Sau một lúc hai người nhìn tôi với vẻ thích thú rồi cô Quỳnh nói với mẹ : 

 -Nếu không có gì phiền phức, chúng em muốn xin phép chị cho chúng em dẫn cháu Vân đi chơi ngày hôm nay được không chị ?

 Mẹ tôi có chút ngạc nhiên, nhưng không giấu được vẻ vui mừng, vui vẻ mẹ tôi trả lời :

 -Thật quá hân hạnh cho cho cháu! Chúng tôi cầu mong còn không được thì làm sao mà dám phiền cô chú được.

 Thế là qua vài lời trao đổi, tôi được mẹ thay quần áo mới, không quên dặn dò tôi đủ điều, phải ngoan ngoãn không làm phiền cô chú khi đi chơi..v..v.. Đó là một ngày sung sướng, đáng nhớ nhất của tôi và đó cũng là khởi đầu sự gắn kết tình thân thiết giữ tôi và cô chú. Hôm đó, tôi được ngồi xe xích lô ngắm nhìn phố phường, được vào vườn bách thảo, được ăn kem trên phố Tràng Tiền rồi thăm viếng đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột..v..v.. đúng là một ngày vui thích, đáng nhớ thời ấu thơ của tôi về Hà Nội, trước khi di cư vào Nam. Trong cuộc đi chơi với hôm đó, có một chuyện đã làm tôi nhớ mãi. Lúc chúng tôi vào vườn bách Thảo, khu nuôi chim. Cô chú thay nhau bế tôi lên để cho tôi xem những con chim công, chim hạc đang xoè cánh nhẩy múa. Đúng lúc đó có một cặp ông bà khoảng 50, 55 tuổi, đứng gần chúng tôi, họ đưa mắt thích thú theo dõi sự nuông chiều của cô chú dành cho tôi. Người đàn bà mỉm cười nói với chúng tôi :

 -Anh chị có cô con gái xinh đẹp, dễ mến quá !

 Cô Quỳnh, chú Hậu chưa kịp trả lời, thì người chồng cười vui nhìn hai cô chú mà nói với bà vợ :

 -Bà cứ nhìn 2 vợ chồng cô chú ấy đẹp đôi và sang trọng như vậy thì làm sao mà họ không có những đứa con xinh sắn, thông minh như vậy được!  

 Nghe ông chồng nói, tôi im lặng vì đang thích thú với đàn chim đang xòe cánh, xòe đuôi múa trong vườn. Cô Quỳnh, chú Hậu có chút ngẩn ngơ, đưa mắt nhìn nhau thích thú, không đính chính lời nói của họ mà mỉm cười nói vài lời cảm ơn sự khen tặng của ông bà ta. Lần đó trên đường về nhà vào buổi chiều, cô Quỳnh thỉnh thoảng đưa tay véo nhẹ má, ôm tôi vào lòng rồi nhìn chú Hậu, cả hai cùng cười thích thú. Có lần cô Quỳnh còn hỏi tôi :

 -Vân, cháu có muốn làm con gái cô chú không ?

 Dĩ nhiên, tâm tư đơn sơ của đứa con gái 4, 5 tuổi với cặp tình nhân sang trọng, quý phái như cô Quỳnh, chú Hậu, ngay cả bố mẹ tôi cũng khen và qúi mến họ thì làm sao tôi không vui mừng được? Thế là những cái vò đầu thân thiết của chú Hậu, những chiếc hôn má của cô Quỳnh đã làm cho tôi ngẩn ngơ, sung sướng. Sau đó cứ vài ba tuần lễ, tôi lại được cặp tình nhân đẹp sang đó dẫn đi chơi. Khi thì vào nhà Hát Lớn xem phim, khi thì viếng chùa Quán Sứ, khi thì ăn kem Tràng Tiền …  Chính nhờ những lần đi chơi đó, Hà Nội đẹp đẽ, nên thơ đã in sâu vào trí nhớ của tôi, dù chỉ là những ký ức đơn sơ của đứa bé lên 5 nhưng vô tình nó đã cho tôi có một tình cảm yêu mê Hà Nội.

 Nhưng rồi, thời gian và thời cuộc đã tạo ra những đổi thay mang đến biết bao nhiêu nghiệt ngã cho dân tộc. Hiệp định Genève thành hình năm 1954, với bản văn ghi rõ ràng, chỉ tạm thời chia đôi đất nước trong 2 năm. Đúng vào tháng 7 năm 1956 sẽ có cuộc bầu cử toàn dân để VN thống nhất. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng để rồi biết bao nhiêu gia đình tan nát. Những người mẹ, người cha đã vì lý do nào đó mà từ giã gia đình ra đi với lời hẹn 2 năm sau trở lại. Cũng vậy bao nhiêu mối tình đẹp đẽ như cô Quỳnh, chú Hậu, họ cũng đã vì tin tưởng vào bản hiệp định mà cho rằng cuộc chia tay chỉ là tạm bợ mà hứa hẹn ngày tái ngộ… Nhưng lại là cuộc chia ly dài đằng đẵng với bao nhiêu cách ngăn mang đến những tan rã, ngỡ ngàng. Hoàn cảnh của cô Quỳnh, chú Hậu cũng vậy, cô Quỳnh đã phải ra đi vì thân thế gia đình. Chú Hậu ở lại vì mong hòan tất văn bằng bác sĩ, gia đình chú là nhà buôn, tiếc rẻ sản nghiệp, không muốn ra đi để rồi chú đã phải nhận lấy biết bao nhiêu nghịch cảnh đau buồn.

 Đúng như vậy, bản hiệp ước chỉ là một chuyện đùa vui chính trị trên giấy tờ dù là những văn kiện đã được ký nhận dưới sự chứng nhận của quốc tế. VN không thống nhất mà lại kéo vào một cuộc chiến tranh khác trong hơn 20 năm, tàn khốc hơn rất nhiều với hàng triệu người chết và bao nhiêu gia đình tan vỡ vì chia ly. Cuộc tình yêu đẹp đẽ của cô Quỳnh, chú Hậu cũng vậy, không ngoại lệ !

 Ngày gia đình tôi và gia đình bác Cẩn luộm thuộm dắt dìu nhau đến phi trường Gia Lâm Hà nội để di cư vào Nam. Trong không gian rất lộn xộn đó, tôi chỉ thoáng nhìn thấy chú Hậu và cô Quỳnh trong đám đông mà thôi. Sau này mẹ tôi kể cho tôi nghe, hôm chia tay, cô Quỳnh đã khóc, nói với vợ chồng bác Cẩn là cô không muốn ra đi, không muốn rời xa chú Hậu. Nhưng mọi người đã giữ cô lại, khuyên răn đủ điều, cho cô biết với lý lịch cá nhân của cô không cho phép cô ở lại, nhất là chuyến đi chỉ với 2 năm rồi sẽ tái hợp lại. Cuối cùng, cô Quỳnh đã quyết định rời xa chú Hậu. Mẹ tôi cho biết lúc hai người chia tay, cả hai đều khóc, họ ôm lấy nhau không một chút ngại ngần trước những con mắt cảm thương của mọi người.  

 Hai gia đình chúng tôi đến Sài Gòn vào khoảng gần trưa hôm đó , được xe chính phủ chở về một trại tạm cư, rất gần phi trường Tân Sơn Nhất. Tại đây chúng tôi được cho ăn uống, nhận những đồ vật cứu trợ của quốc tế và làm thủ tục cho việc định cư trong tương lai. Nhờ quen biết của bác Cẩn, hai gia đình chúng tôi chỉ tạm trú tại trung tâm đó khoảng hơn tuần lễ rồi chúng tôi dọn đến một căn nhà khá to, có vườn tược ở vùng Đa Kao mà bác Cẩn đã nhờ người quen biết mua từ trước . Chúng tôi sống với gia đình bác Cẩn cũng khoảng một tuần lễ, rồi cũng qua bác Cẩn, chúng tôi mua được một căn nhà cũng có vườn tược ở Gia định, rất gần với Lăng Ông Bà Chiểu. Cũng nhờ sự giao thiệp rộng và nhất là đã có sự xếp đặt trước khi di cư của bác Cẩn. Bố tôi được được trở lại làm việc cho sở bưu chính, Cô Quỳnh làm việc cho tòa đô chính Saigon, còn bác Cẩn trai vẫn làm việc cho toà án. Anh em chúng tôi cũng như các anh chị con bác Cẩn được tiếp tục theo học các trường công lập trong Sàigon. Tóm lại cuộc di cư của chúng tôi được coi là rất mỹ mãn. Không bị một khó khăn, rắc rối nào ngoài cảm giác xa lạ với con người và xã hội chung quanh, kèm theo nỗi nhớ nhung Hà Nội, nơi mà chúng tôi đã gắn bó với quá nhiều kỷ niệm từ lúc sinh ra.

 Trong khoảng hơn 2 năm đầu tiên sau ngày ký hiệp định Genève, nhờ can thiệp của các cơ quan quốc tế việc liên lạc thư từ giữa 2 miền Nam Bắc vẫn được duy trì. Dù rất giới hạn, chỉ qua những tấm bưu thiếp bé nhỏ bằng nửa tờ giấy học trò, nhưng nó vẫn cho người ta hiểu biết tí chút về cuộc sống của thân nhân giữa 2 miền nam bắc. Cũng nhờ đó mà cô Quỳnh chú Hậu vẫn liên hệ được với nhau. Dù không giấu được những nhớ thương vì xa cách nhưng mọi người cũng nhìn thấy những nét vui mừng của cô Quỳnh mỗi khi đi làm về nhà lại nhận được những tấm bưu thiếp nhỏ bé từ Bắc gửi vào. Nhưng niềm vui đó không kéo dài được lâu, vì lý do an ninh nên hình thức bưu thiếp đã bị chấm dứt hoàn toàn từ năm 1956. Gia đình tôi và gia đình bác Cẩn, mọi người đều nhìn thấy rõ vẻ buồn rầu, uể oải của cô Quỳnh mỗi tan sở về nhà vì không còn nhận được bưu thiếp của chú Hậu . Cô ít nói, ít cười vui hơn, khi về nhà, chỉ ăn qua loa bữa cơm tối rồi lại chui vào phòng riêng cho đến sáng hôm sau lại im lặng lấy xe đạp đến sở làm.  

 Thời gian qua mau, đã gần 4 năm sau ngày chia cắt đất nước, cô Quỳnh mới ở khoảng tuổi 26, 27 tuổi. Cái tuổi đối với người phụ nữ chưa phải là già nhưng đã mấp mé muộn màng cho một mái gia đình. Cô Quỳnh vẫn dáng dấp của một phụ nữ đẹp, lại là người có chức vị trong một cơ quan nhà nước tại Sài Gòn, thủ đô của miền Nam. Vài người quen biết với gia đình bác Cẩn, thuộc giới khoa bảng trong xã hội, người là luật sư đang hành nghề trong toà án với bác Cẩn, người là dược sĩ, kỹ sư, giảng viên đại học… đã bắn tiếng dò la hay nhờ bác Cẩn mai mối mong tiến đến với cô Quỳnh, nhưng mọi người chỉ nhận được những lời từ chối lịch sự của cô mà thôi. Nhiều lần vợ chồng bác Cẩn và cả bố mẹ tôi cũng đã khuyên cô hãy hiểu rõ thời gian đối với một người phụ nữ không dễ dàng khi phải đợi chờ quá lâu. Huống chi sự chờ đợi đó nó mông lung, không biết khi nào gặp lại nhau. Có thể  3, 4 năm, 10 năm hay mãi mãi ? Đã thế qua nhiều năm xa cách, mất liên lạc với một người đàn ông có quá nhiều ưu ái trong xã hội như chú Hậu có phải là thực tế không? Giả sử chú ấy có một mái gia đình với người đàn bà khác thì cũng chẳng phải là điều lạ lùng, khó tin.

 Dù bố mẹ tôi cũng như vợ chồng bác Cẩn, người anh ruột thịt mà cô Quỳnh rất kính mến đã dùng đủ mọi lý lẽ khuyên cô hãy nhìn rõ vào thực tế mà không nên làm cho cuộc đời mình lỡ làng. Nhưng dù có nói thế nào, mọi người đều nhận lấy những câu từ chối nhẹ nhàng, lịch sự trong ánh mắt buồn đau của cô Quỳnh.   

 Sàigon bao lần mưa nắng bình thản đi qua, tôi đã xong chương trình đại học, nhờ sự giới thiệu của bố, tôi được vào làm cho một chi nhánh bưu điện tại quận 3 . Cô Quỳnh, nếu tôi không lầm lúc đó cũng khoảng trên 40 tuổi tí chút.  Mái tóc của cô không còn vẻ mềm mại đen tuyền xõa dài xuống bờ vai như lúc tuổi đôi mươi ở Hà nội ngày xưa nữa. Nó đã có phần đốm bạc và hơi khô. Rất nhiều lần, trên đường đi làm hay về làm tôi vẫn gặp cô Quỳnh, nhưng chúng tôi chỉ trao đổi với nhau vài lời chào hỏi thông thường, hoạ hoằn lắm, khi gặp đúng lúc trời sắp mưa hay đường xá chật cứng vì xe cộ… Chúng tôi mới kéo nhau vào một quán giải khát bên đường, ngồi nói chuyện vu vơ. Nhiều lần tôi tế nhị dò hỏi cô về hiện trạng cuộc tình của cô và chú Hậu, gián tiếp muốn thúc dục cô quên quá khứ để tìm đến một niềm vui khác. Nhưng lần nào, cô cũng tế nhị lái câu chuyện của tôi sang hướng khác. Khi thì nói về việc học, việc làm, ý hướng tương lai của tôi. Khi thì hỏi về chuyện tình yêu của tôi với người bạn trai cùng sở làm, người mà bố mẹ chúng tôi đang dự định cho chúng tôi thành vợ chồng vào cuối năm .

 Có một lần duy nhất, trên đường đi làm về nhà, vào khoảng đầu năm 1974 khi tôi và người bạn trai đang chuẩn bị cho đám cưới. Như những cuộc gặp mặt lần trước, cô Quỳnh dẫn tôi vào một quán giải khát bên đường ngồi nói chuyện với nhau. Lần này cô hỏi tôi rất nhiều về người bạn trai cũng như chuyện tình yêu của chúng tôi. Dĩ nhiên tôi trả lời cô rất thành thực những gì mà cô muốn biết. Cuối cùng cô nắm nhẹ bàn tay tôi, với tiếng thở dài buồn bã, đưa mắt nhìn tôi cô tâm sự:

 -Vân, khi cháu đã yêu một người, đã hứa hẹn, ước mơ để sống trọn kiếp với người mình yêu thì đừng bao giờ dại khờ mà nghe những lời khuyên răn hay xúi bẩy của người khác mà lưỡng lự để phải rời xa người mình yêu.   

 Im lặng tí chút rồi cô nói tiếp :

 -Cô đã sai lầm, một sai lầm quá tệ hại, chính sai lầm này đã làm cho cuộc đời của cô bất hạnh với những ân hận, buồn đau trong suốt hơn 20 năm vừa qua !Cô đã dại khờ khi từ chối ở lại với chú Hậu! Cô đã ngu ngơ tưởng tượng ra những “ tai hoạ “ nếu cô không ra đi mà ở lại với chú Hậu, người đàn ông mà cô yêu thương nhất. Chính cô đã có lỗi, đã phản bội lời hứa với chú Hậu. Chính cô đã dứt áo rời xa, dù chú đã dùng đủ lời lẽ mong giữ cô ở lại.

 Buông tiếng thở dài, đưa tay lên chùi nhẹ hai dòng lệ nhỏ đang chảy dài trên gò má, cô Quỳnh nói tiếp với tôi :

 -Cô đã tự vẽ ra con “ngáo ộp “ để hù dọa chính mình! Cháu thử nghĩ mà xem, nếu cô ở lại, không ra đi thì có ai dư hơi sức mà làm hại cô? Một người đàn bà sinh ra, lớn lên đi học và làm việc văn phòng, chẳng biết gì về chính trị ! Có lẽ quá lắm thì cô bị mất việc mà thôi, đó là chưa kể bên cạnh cô còn có chú Hậu, chồng chưa cưới của cô là một y sĩ, một nghề nghiệp mà xã hội nào cũng cần thiết. Không! Không có gì khó khăn hay khổ sở cho cô nếu cô không ra đi! Nhưng cô đã dứt tình và lời khuyên của chú để ra đi. Để rồi suốt mấy chục năm qua cô luôn luôn mang cảm giác, chính cô mới là người phản bội tình yêu của chú. Ngay cả lúc ở phi trường, trước giờ lên máy bay chú đã rớm nước mắt mong giữ cô ở lại. Nhưng cô vẫn không mủi lòng mà thay đổi ý định!    Khoảnh khắc cuối cùng khi cô buông vòng tay ôm của chú, cô đã nhìn thấy rất rõ ánh mắt buồn đau, ngấn lệ của chú.  

 Ngưng lại tí chút, nhìn thẳng vào mắt tôi cô Quỳnh buồn bã kết luận:

 -Vân, cháu đừng có ngu dại tin vào những điều không có thật ! Nhiều khi đó chỉ là những điều hù dọa của người khác. Họ chưa hiểu rõ thế nào là tình yêu chân thật! Họ phân giải tình yêu bằng lý trí khôn ngoan, nhưng  không bằng cảm xúc của tình yêu! Cô khuyên cháu nếu vì một hoàn cảnh khó khăn nào đó, cháu hãy tin vào con tim của chính cháu để không gặp phải những sai lầm như cô.

 Đó là cuộc gặp cô Quỳnh vào khoảng 2 tuần lễ trước ngày đám cưới của tôi, đầu năm 1974. Cuộc nói chuyện đã làm tôi nhớ mãi. Cũng nhờ cuộc nói chuyện này tôi đã hiểu về cô rất nhiều. Tôi không còn có cái nhìn sai lệch, thiếu cảm thông về cô như vợ chồng bác Cẩn, anh ruột của cô và cả của bố mẹ tôi nữa. Tôi đã hiểu,mọi người đã sai lầm, không vui khi thấy cô đã im lặng từ chối lời khuyên của mọi người, không muốn bước vào một duyên tình mới với một người khác. Cuối cùng, cô luôn luôn mang mặc cảm là chính cô là người đã phản bội, làm cuộc tình yêu đầy mơ mộng đó tan rã.  

 Thời gian vẫn bình lặng đi qua, sau đám cưới của tôi vài tháng, bố tôi và bác Cẩn cũng đến tuổi về hưu. Rồi một năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra. Ba người con của bác Cẩn ra đi rồi định cư tại Mỹ, vợ chồng bác không đi theo con cháu vì nghĩ tuổi già không hợp với kiếp tha hương. Gia đình tôi, ban đầu cũng rục rịch muốn ra đi nhưng chứng kiến những hãi hùng của những chuyến vượt biên nên chúng tôi đã buông bỏ ý định đó. Cô Quỳnh cũng vậy, cô không đi dù có khá nhiều điều kiện để ra đi. Cô nói với tôi, với một lần lầm lẫn ra đi để rồi bị nhấn chìm vào nghịch cảnh đã quá đủ. Cô không muốn đi xa một lần nữa. Cô ở lại, cố gắng tìm liên hệ với những người quen biết từ Bắc vào để dò la tin tức về chú Hậu.  

 Khoảng cuối tháng 5, nhờ sự giới thiệu cô gặp được một vị bác sĩ từ bắc vào Sài Gòn công tác. Ông ta cho biết chú Hậu vẫn còn độc thân, vẫn còn sống nhưng trong tình trạng một bác sĩ tàn phế vì chiến tranh. Ông ta cho biết, vào tối ngày 22 tháng 12 năm 1972, chú Hậu từ bệnh viện Bạch Mai đi về nhà với 2 người y tá, đúng lúc B52 rải bom xuống Hà Nội. Chú Hậu và một người y tá bị bị thương nặng, người y tá thứ hai bị chết. Chú Hậu bị thương ở vùng đầu và khắp thân thể, sau cả năm trời cứu chữa chú bị liệt hoàn toàn hai chân. Cặp mắt và đôi tay cũng bị tác động mạnh, không còn hoạt động bình thường được. Hiện nay chú Hậu vẫn sống với bố mẹ và gia đình người em ruột trong Hà Nội, mọi sinh hoạt cần có người giúp đỡ và được hưởng quy chế của một phế binh hạng chuyên viên cao cấp của nhà nước.  

 Ngay khi biết tin buồn đó, cô Quỳnh đã liên hệ với gia đình chú Hậu ở Hà Nội để có những giấy tờ cần thiết giúp cô được phép bay ra Hà nội để chăm sóc chú Hậu. (thời gian đó việc di chuyển của người dân không dễ dàng). Ngay khi đến Hà nội, gặp lại toàn thể gia đình chú Hậu, cô Quỳnh đã viết thư báo tin cho gia đình bác Cẩn biết là cô sẽ không về lại Sài Gòn nữa. Cô muốn dành tất cả thời gian để săn sóc chú Hậu mong trả lại tình nghĩa và lỗi lầm của cô đối với chú. Cô cũng cho bác Cẩn biết, mọi người trong gia đình chú Hậu nhất là bố mẹ của chú rất cảm động khi biết cô vẫn độc thân, vẫn gìn giữ tình yêu son sắt với chú Hậu.  

 Vào khoảng tháng 3 năm 1976, tình hình đi lại trong nước đã có phần dễ dàng, nhân dịp nghỉ tết, tôi đã lấy thêm vài ngày nghỉ thường niên để cùng với bố mẹ tôi ra Hà nội thăm viếng họ hàng cũng dịp đó chúng tôi đã dành vài ngày đến thăm cô Quỳnh chú Hậu.  Khi nhìn thấy chú Hậu hình dạng co quắp, tong teo, bé nhỏ, đầu lơ thơ vài lọn tóc… Chú như một đứa bé 9, 10 tuổi dán thân mình trên chiếc xe lăn đã làm tôi và mẹ tôi ngẩn ngơ  thương cảm chảy nước mắt. Hình ảnh chú Hậu cao lớn, sang trọng, trí thức trong bộ âu phục chỉnh tề cười vui bên cô Quỳnh ngày xưa hoàn toàn biến mất. Không còn một tí, dù chỉ một tí rất nhỏ trong chú Hậu ngày nay đang ngồi trên chiếc xe lăn. Sau một lúc nói khá to sát vào tai chú, cô Quỳnh phải lập đi lập lại nhiều lần để cho chú nhận ra tôi. Tôi nắm lấy bàn tay xương xẩu của chú bóp nhẹ khi những giọt nước mắt tôi lã chã rơi xuống tay của chú và tôi. Chú lộ vẻ vui mừng trong ánh mắt mệt mỏi của người bệnh, ngước đầu nhìn tôi, chú cố nói :

 -Chá....ú Vâ….n… đó...o ư..ư ? Chá..ú lớ..n.. qúa..á !

 Chỉ có vậy rồi chú gục mặt xuống vì quá mệt, tất cả chúng tôi đều nhìn thấy hai dòng lệ ứa ra, chảy dài xuống gò má xương xẩu của chú. Mẹ tôi kín đáo nắm nhẹ tay tôi ra ý cho chúng tôi nói vài lời chào chú để ra ngoài.

 Ngày hôm sau, sau khi bàn tính với mẹ tôi và gia đình chú Hậu. Cô Quỳnh đã liên hệ thuê một chiếc xe microbus, ngoài tài xế còn thêm một người phục vụ để lo việc giúp đỡ nâng chiếc xe lăn và chú Hậu khi lên, xuống xe. Cô cho mọi người biết là muốn dành riêng hôm đó cho tôi và cô chú đi thăm lại những nơi mà ngày xưa, cô chú đã dẫn tôi đi. Trong cái lạnh nhè nhẹ cuối xuân Hà Nội, nơi đầu tiên chúng tôi đến là đường Cổ Ngư. Cô Quỳnh nói người tài xế cho chúng tôi xuống đầu đường, bên phố Yên Phụ, hẹn họ đón chúng tôi đầu đường bên kia. Chúng tôi thay nhau đẩy chiếc xe lăn trên con đường đẹp nhất, lãng mạn nhất thủ đô Hà Nội. Ngắm nhìn những hàng cây xanh lá dọc theo con đường râm mát. Tạt vào chùa Trấn Quốc thắp vài nén hương, đến cuối đường lại tạt vào thăm đền Quan Thánh. Sau đó chúng tôi lên xe đến thăm viếng chùa Một Cột, vườn Bách thảo, nhà Hát lớn, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, dạo quanh hồ Hoàn Kiếm… Tất cả mọi nơi là những chỗ mà ngày xưa, lúc tôi còn là con bé 5 tuổi đã được cô chú Quỳnh Hậu dẫn đi.

 Trong cuộc đi chơi hôm đó, đã làm 3 người chúng tôi nhớ về quá khứ trong nước mắt ! Khi chúng tôi vào vườn bách thảo, đứng tại khu nuôi chim, nhìn những con chim công, chim trĩ… xòe cánh, xòe đuôi nhảy múa. Tự nhiên tôi có cảm giác bầu không khí quanh tôi, cô Quỳnh, chú Hậu có cái gì đó nặng nề khó tả. Cô Quỳnh thì thẩn thờ, đưa mắt nhìn xa xa buông tiếng thở dài. Chú Hậu vẫn trong tình trạng yếu ớt của người mang bệnh nhưng hình như  trong ánh mắt của chú cũng có vẻ thoáng buồn buồn, suy tư . Một thoáng chốc qua đi, thình lình cô Quỳnh ôm lấy tôi và chú Hậu, nước mắt cô dàn dụa trên khuôn mặt cô, nhỏ giọt xuống mặt của tôi và chú Hậu. Cô nói trong nấc nghẹn :

 -Cháu Vân, cháu có nhớ nơi này không ? Ngày đó cũng nơi đây một cặp vợ chồng già có lẽ chỉ già hơn cô chú hôm nay vài ba tuổi, họ đã tưởng lầm cháu là con gái của cô chú. Họ đã khen cô chú đẹp đôi, có một đứa con gái xinh đẹp, dễ thương… Lời khen hôm đó đã làm cho cô chú sung sướng mà im lặng không muốn đính chính lời nhận xét không đúng của họ.

 Im lặng, lấy tay vuốt đi giòng nước mắt trên gò má, cô Quỳnh nói tiếp :

 -Cháu có biết không, từ ngày hôm đó chú và cô luôn luôn nhắc đến cháu khi nói về những ước mơ, dự tính cho một mái gia đình sau khi chú tốt nghiệp. Chú và cô cũng ước muốn sẽ có một đứa con gái đẹp xinh như cháu … Nhưng cuối cùng chỉ là ảo vọng. Cô đã sai lầm ra đi rời xa chú! Cô đã dại khờ thả mồi bắt bóng để hôm nay sau hơn 20 năm trở lại nơi đây, tất cả chỉ là những ký ức đau buồn!

 Nói xong cô Quỳnh ôm siết lấy tôi và chú Hậu hơn nữa. Cả ba người chúng tôi dàn dụa nước mắt, chúng tôi đang để trí nhớ mình về với giây phút hạnh phúc ngày xưa. Ngày mà tôi chỉ là đứa bé lên 5, cô chú thì mới ở tuổi trên 20 đang ngập chìm trong yêu đương !  

 Sau lần thăm viếng đó, chúng tôi ở lại nhà bố mẹ chú Hậu vài ngày rồi trở về lại Saigon. Tôi lại chúi đầu từ sáng đến tối với công việc tại sở bưu điện. Rồi khoảng gần nửa năm sau lần tôi ra Hà nội thăm cô Quỳnh,chú Hậu đó. Vào buổi sáng sớm ngày thứ bảy của tuần lễ cuối cùng của tháng 7 năm 1976  thình lình gia đình tôi và gia đình bác Cẩn cùng nhận được điện tín từ gia đình chú Hậu gửi đến báo tin chú Hậu và cô Quỳnh vừa mất tối ngày thứ sáu, hôm qua. Gia đình chú dự tính lo chuyện ma chay cho cô chú vào thứ 3 tuần sau. 

 Bản điện tín đã làm vợ chồng bác Cẩn và toàn gia đình chúng tôi thẫn thờ vì nó quá đột ngột, nhất và chuyện cô Quỳnh cùng mất một lúc với chú Hậu, nó ra ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Sau môt lúc bàn bạc, mẹ tôi và tôi cùng với vợ chồng bác Cẩn vội vàng mua vé máy bay ra Hà nội ngay trong ngày, mong có thêm một lần nhìn thấy cô chú để rồi mãi mãi rời xa.

 Chúng tôi đến Hà nội vào khoảng giữa trưa cùng ngày nhận được điện tín. Qua lời kể của bố mẹ và các anh chị của chú Hậu, thì  vào khoảng 2 giờ chiều hôm qua, thứ 6. Như thường lệ cả nhà đang quây quần nói chuyện sau bữa cơm trưa, bất thình lình nghe thấy tiếng khóc của cô Quỳnh trong phòng chú Hậu vọng ra. Mọi người chạy vào thấy cô Quỳnh tóc tai xoã xợi, đang ôm lấy chú Hậu lay gọi than khóc! Mọi người chạy lại thấy cơ thể chú vẫn còn hơi ấm nên vẫn tưởng cô Quỳnh đã vì thương chú quá mà nhầm lẫn. Nhưng xem kỹ lại lại mới biết là chú đã thực sự ra đi, cơ thể chưa kịp nguội lạnh.

 Thế là cả nhà đổ xô vào, chia nhau lo hậu sự cho chú. Người thì lo báo tin cho họ hàng thân nhân, người thì thông báo cơ quan nơi chú làm việc và địa phương để lo việc ma chay..v..v.. Đến khoảng 6 giờ tối hôm đó, mọi người thấy cô Quỳnh rã rời, đầu tóc rối bù, nước mắt dàn dụa, đi tới di lui, nói năng lảm nhảm… Mẹ của chú Hậu chưa kịp khuyên cô nghỉ ngơi thì cô đã tự động than mệt, xin vào phòng riêng nghỉ ngơi tí chút. Nhưng mãi đến buổi tối, vẫn không thấy cô đi ra ăn cơm, mọi người nghĩ rằng vì quá mệt nên cô đã  thiếp đi mà quên bữa ăn tối chăng? Nhưng đến khoảng 10 giờ tối vẫn thấy im lặng. Có chút lạ kỳ, người chị dâu của chú Hậu mở cửa phòng của cô mới giật mình khi thấy cô nằm sõng soài trên giường, miệng sùi bọt trắng, thân mình cô đã lạnh. Lúc đó mọi người mới biết là cô đã uống thuốc độc tự tử ngay từ khi vào phòng và cô chết đã khá lâu rồi.

 Trên chiếc bàn viết sát cửa sổ, cô đã để lại một lá thư khá cũ, mà cô đã viết từ lâu, lúc chú Hậu còn sống. Trong đó cô xin lỗi mọi người, nhất là với bố mẹ chú Hậu vì cô đã ra đi không ở lại lo việc ma chay cho chú Hậu được. Cô cho biết, cô và chú Hậu đã bàn tính và liên hệ với một ngôi chùa ở huyện Thạch Thất, cách xa Hà nội khoảng gần 40km để mua một phần mộ trong nghĩa trang của chùa. Cô chú cũng đã liên hệ với nhà thầu xây cất của nghĩa trang, họ đã xây xong mái che, hàng rào cho ngôi mộ …Giữa phần mộ đúc một ô kim tĩnh bằng xi măng hình khối vuông chôn dưới mặt đất, vừa đủ chỗ cho 2 bình tro cốt dành riêng cho cô và chú sau khi thiêu xác. Phía trên khối kim tĩnh một tấm bia hình chữ nhật, phần trên in tấm hình cô Quỳnh với tà áo dài nhiều màu đứng bên cạnh chú Hậu quần tây dài, áo sơ mi trắng.Tấm ảnh chụp cô chú cười vui khi còn sống bên nhau, thời gian cô còn đi làm việc tại toà hành chánh Hà nội, chú Hậu đang theo học y khoa trước năm 1945. Phần dưới tấm ảnh có những hàng chữ :

Nơi an nghỉ của vợ chồng chúng tôi.

Chồng :     Nguyễn Công Hậu.         mất ngày ………..

Vợ       :     Phạm thị Mỹ Quỳnh.       mất ngày …………

 Cô cũng cho biết tên vị hòa thượng trụ trì của chùa cũng như địa chỉ và tên người chủ công ty xây cất mộ phần tại nghĩa trang và cả tấm ảnh của cô chú để cho nhà thầu in vào tấm mộ bia..v..v.. Tất cả vấn đề chi phí cho việc xây cất cũng như cúng viếng cho chùa để lo việc cầu siêu cho cô chú sau khi chết cũng đã được cô thanh toán rất minh bạch. Đọc xong lá thư, mọi người biết rằng việc ra đi của cô Quỳnh đã được cô xếp đặt, tính toán từ trước mà mọi người không ai biết.

 Cũng trên bàn, cô Quỳnh còn để lại một lá thư gửi cho bố mẹ chú Hậu xin họ tha thứ cho cô vì đã lầm lẫn rời xa chú Hậu để tạo ra những buồn khổ cho chú Hậu và toàn thể đại gia đình. Cô cũng không quên xin lỗi vợ chồng bác Cẫn, anh ruột của cô đã vì cô mà phải lo phiền cho đến ngày cô mất.

 Mọi người đọc xong những lá thư đó, không một ai không cúi đầu thở dài, khóc thương cho tấm lòng chung thuỷ của cô dành cho chú Hậu. Tôi cũng vậy, hình ảnh cô Quỳnh, chú Hậu mấy mươi năm trước, ôm tôi vào lòng, xoa đầu tôi, trong những lần cô chú dẫn tôi đi chơi, thăm khắp phố phường Hà nội. Mua cho tôi những món quà, món ăn mà tôi luôn luôn mong có được… Tất cả lại trở về trong trí nhớ của tôi. Nhưng buồn bã thay, suốt mấy ngày sau đó, tôi đã phải chứng kiến người ta niệm xác cô chú vào hai chiếc quan tài. Chứng kiến người ta đặt nó trên dây chuyền của nhà hoả thiêu rồi người ta thu gom tro bụi xác thân của cô chú cho vào hai bình đựng cốt. Tôi cũng đã ngồi im lặng cho hồn mình lâng lâng theo âm thanh tụng kinh đều đều như làn gió nhẹ của vị sư trụ trì đang dẫn dắt linh hồn của cô chú vào cõi hư vô, tịch mịch nào đó.

 Đúng như vậy, trong suốt 4, 5 ngày dự đám tang của cô chú, tôi đã chứng kiến tất cả mọi sự với khuôn mặt đẫm lệ, buồn đau . Tôi biết rằng từ nay, tôi đã mất đi, không bao giờ gặp, nhìn lại được 2 người cô chú thân thiết nhất, kính trọng nhất của đời tôi. Tôi tin rằng trong thế giới bên kia cô Quỳnh và chú Hậu sẽ gặp được nhau và chắc chắn họ sẽ không phải vướng vào những nghịch cảnh để họ phải xa nhau trong buồn tẻ, đau thương nữa ./.


Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn

Switzerland, Zürich tháng 3 . 2023             

 

No comments:

Post a Comment