Quanh khu vườn rộng vuông vức ấy không có chỗ nào thừa để phải
thiếu rau ăn kể cả khi mùa hè nắng khô ran không một giọt mưa. Chiều nào nơi
cái giếng trong vắt dưới lòng đá ong, chị em tôi thi nhau kéo nước tưới rau,
trẻ con cũng vất vả như người lớn. Nhờ vậy trời oi ả thì đã có tô canh hoa lý ở
sân trước làm mát mẻ. Đang đi ở ngoài nắng chang chang, bước vào sân trước có
giàn hoa thiên lý tự nhiên thấy cái nóng dịu hẳn đi. Giàn thiên lý lá xanh
biêng biếc che kín khoảng sân đất, được tưới tắm đầy đủ nên cho hoa quanh năm
để mẹ tôi nấu canh hoa lý với tôm khô.
Hoa thiên lý màu ưng ửng vàng có mùi thơm dìu dịu, không nồng
nàn như các loại hoa khác, hoa ra nụ từng chùm từ thân dây, lá thiên lý thuộc
loại lá đơn, chi chít như lá hoa bông giấy. Hoa có hình dáng đơn sơ xòe ra năm
cánh như ngôi sao mùa Sinh nhật, nhưng có duyên lạ lùng, nhìn nó người ta hình
dung ra cái đẹp của một cô thôn nữ đoan trang, hiền lành, quanh năm ngày tháng
không cần đến phấn son tô điểm.
Những buổi chiều ở nhà quê thật êm ả, chỉ có bụi chuối bên hè
xào xạc. Dưới giàn hoa thiên lý là một mảnh sân đất pha cát, nên khi trời mưa,
mảnh sân như một tờ giấy thấm hút hết nước, khi cơn mưa tạnh, sân lại khô ran,
khi nắng lên soi qua giàn hoa lý những cái bóng nắng nhảy múa trên nền đất rất
vui mắt. Ở cái sân đất cát này là nơi chị em tôi ngồi chơi ô quan, nhảy dây với
lũ trẻ con hàng xóm, chí choé cãi nhau vui đáo để. Không phải hôm nào mảnh sân
cũng ồn ào, ngược lại có những ngày mẹ tôi đi bán hàng xa chưa về, tôi tha thẩn
chơi một mình trước nhà chờ mẹ. Trò chơi trẻ con của tôi là một cái que tre
nhặt được, rồi cứ thế ngồi phệt xuống ngạch cửa và bắt đầu vẽ những cái mặt
người méo mó, tùy theo óc tưởng tượng của một đứa trẻ con.
Đâu có gì để chơi ngoài một cái que nhọn với khoảng sân đất nhẵn
thín, vẽ rồi lại xóa, xóa rồi lại vẽ, trong đầu tôi là hình ảnh một bà tiên,
một cô dâu khăn áo lượt là, bà hoàng hậu, cô công chúa trong những chuyện cổ
tích. Lần lượt những nhân vật thần tiên huyền diệu nằm đầy trên mảnh sân con
trước nhà, không có trò chơi ấy chắc tôi phát khóc lên được khi bóng chiều đổ
xuống căn nhà nhập nhòa bóng tối mà chờ mãi mẹ tôi vẫn chưa về. Chị tôi lo nấu
cơm chiều, đứa trẻ con lên mười ở nhà quê cũng biết lo như người lớn, cũng biết
cắp rổ ra vườn hái đọt đậu xào tỏi, thêm vài con cá khô nướng là mâm cơm đã
tươm tất rồi. Sau này khi rời xa chốn cũ, trong ký ức của tôi vẫn thoảng lại
mùi cá khô nướng bay tản mát trong khu vườn khoai sắn xanh um của những ngày bé
dại.
Mảnh vườn ấy có nhiều thứ rau để mẹ con tôi sống qua ngày với
mắm muối dưa cà, bây giờ ngồi nhớ lại tôi dám cho là những món sơn hào hải vị
cuộc đời dễ tìm để ăn hơn những món rau quanh vườn của mẹ con tôi hồi ấy. Chẳng
hạn mẹ tôi trồng đậu đen nhưng không phải để lấy hạt nấu chè, mà cái chính là
đọt đậu đen xào tỏi bùi bùi thơm ngon không chê vào đâu được. Giàn mướp trĩu
quả ăn không hết mẹ tôi còn mang ra chợ bán, nhưng đọt mướp hương xào tỏi thì
dám chắc ít người được thưởng thức, vì cả giàn mướp may ra mới bẻ được một nắm
tay, khi xào tóp lại chỉ còn một dĩa, chị em tranh nhau gắp quên cả phần cho
mẹ.
Bây giờ ở quê người, rau cỏ tuy không phải cao lương mỹ vị
mà vẫn khó tìm, ăn để mà ăn chứ tìm ra mùi “hương đồng cỏ nội” trong những lá
rau ngoài chợ không bao giờ có, người xa quê nhấm cọng rau trong miệng tìm lại
mùi hương quê lại càng khó tìm hơn nữa.
*
Ít lâu sau, chiến tranh lại bò vào cái miền quê nghèo ấy, mọi
người sợ tên bay đạn lạc nên lại lần lượt bỏ đi, gia đình tôi chuyển về miền
Tây vì nơi ấy đất lành chim đậu. Ngày về miền Tây chị em tôi như lạc vào một
khung cảnh khác, con người miền Nam cũng khác, đồng ruộng bao la bát ngát, sông
nước mênh mông với bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ, những ngôi nhà lợp ngói đã xậm
màu với nắng mưa. Nhiều con đường còn lổn nhổn đất và đá, khi trời mưa xình bùn
bám chặt vào tà áo dài lốm đốm như hoa.
Năm ấy tôi đã bước vào ngưỡng cửa trung học, làm thân được ngay
với con nhỏ bạn người Cần Thơ học chung lớp. Nhà nó cũng nghèo, căn nhà của cha
mẹ nó là căn nhà lợp ngói âm dương, thấp và tối, buổi chiều thường âm u mùi
khói nhang. Tuy nhà cửa ẩm thấp cũ kỹ nhưng sau nhà lại có được một mảnh sân
vuông rất mát mẻ, trồng một cây vú sữa tím tàn che rợp khoảng sân sau, xung
quanh sân là những chậu sành lớn bé đã sứt vành mẻ miệng với thời gian, trồng
đủ loại rau thơm đủ dùng trên mâm cơm hằng ngày.
Chỉ có ba cha con bạn tôi sống ở căn nhà ấy, không thấy bóng
dáng bà mẹ. Sau hỏi ra mới biết, ông già của bạn làm công nhân chạy xe hủ lô
cho ty công chánh, lương không đủ nuôi con ăn học, má của bạn phải ở nhà quê,
trông coi mảnh vườn và chăn nuôi thêm để phụ chồng nuôi hai đứa con đi học.
Cuối tuần nào ba của bạn tôi cũng về thăm nhà ở trong quê, khi trở ra ông mang
theo những thức ăn đủ cho cả tuần, kèm theo rất nhiều rau xanh rất lạ.
Đám con trong nhà thường gọi "tía" mình là "ông
già Ba Tri", bởi vì khi không có xị rượu trên mâm cơm, ông ít nói, tính
hơi cộc nên lũ nhỏ đứa nào cũng sợ. Thói quen cố hữu của gia đình bạn là khi
dọn cơm, dù không cao lương mỹ vị nhưng bao giờ cũng dành riêng một chén cơm
trắng với chút thức ăn, một đôi đũa vắt ngang trên miệng chén, và một chung
rượu đế đặt bên cạnh. Trước khi ăn cơm, " ông già Ba Tri " chắp tay
xá xá ba cái vào khoảng không chắc để mời ông bà hay những người khuất mày
khuất mặt về dùng bữa, sau đó ông mới rót rượu cho mình và nhâm nhi cái đầu cá
trong tô canh chua.
Cái đặc biệt nữa trên mâm cơm nhà bạn tôi là rổ rau tươi, không
bữa nào thiếu, bởi vì nó rất hạp cho món cá kho mà người miền Nam gọi là kho
mẳn. Những khúc cá trong cái nồi lõng bõng nước, người ta có thể thả thêm mấy
khúc cà tím, hay mấy khoanh bầu cũng được, nổi lềnh bềnh trên nồi cá là những
lát ớt xắt khúc trông rất bắt mắt, một nhúm rau răm cũng chẳng sao. Cái rổ rau
kia gồm có ít giá mập tròn trắng phếu, rồi thì cần nước, lá sầu đâu, rau dấp
cá, rau đắng, lá mơ, lá lụa, rau dừa, rau tía tô, kinh giới, rau răm, húng lủi,
bông súng, cả nhà ăn rau như thỏ ăn cỏ, khi xong bữa cơm thường rổ rau cũng
hết...
Tôi gọi "ông già Ba Tri" ba của bạn tôi là bác Ba. Tuy
mặt mũi trông khó đăm đăm vậy nhưng bác Ba lại rộng rãi miếng ăn, hễ đến chơi
gặp bữa cơm ông điệu nghệ kêu ăn bậy ba hột cho vui. Nhờ vậy tôi còn biết thêm
vài món canh chua rất ngon như vỏ trái cóc nấu cá lóc hay với thịt nạc, chua
rất thanh như ở miền Bắc có món cá quả nấu quả sấu chua. Lươn vàng nấu canh
chua cơm mẻ và hoa chuối, không thể thay thế vào đó quả me chua vì nó không
đúng vị. Xoài rụng trong vườn bác Ba gái phơi khô để dành, trời mưa lâm thâm mà
nấu với khô đuối, thả rau ngò om và ớt trái, ăn cũng hết xảy! Bác Ba ăn cơm rất
ít, thư thả nhấp rượu, vừa nhâm nhi cái đầu cá, tay ngắt mấy cọng rau mà hôm
nào cũng làm láng cái xị rượu rồi đi ngủ...
Tuy đến chơi nhà bạn hà rầm, nhưng tôi vẫn cón ngán "ông
già Ba Tri" nhà nó vì tính cộc cằn bất chợt như sấm chớp trong cơn mưa
giông mùa hạ. Bác Ba có một tính tốt, bình thường rất nóng nảy và khi nói hay
đệm theo một câu chửi thề vô tội vạ, nhưng khi ngồi vào mâm cơm, sau vài chung
rượu tuyệt đối không bao giờ bác Ba rầy rà các con, vì ông nói "trời đánh
còn tránh bữa ăn" mà...
Không biết một hôm "ma đưa lối quỷ dẫn đường" chi mà
tôi lại tự nhiên buột miệng hỏi xin bác Ba thử chơi một chút rượu đế sủi tăm
trong cái xị rượu của bác. Tự nhiên bác Ba cười ha hả khiến tôi giựt nảy mình,
còn nhỏ bạn thì lấm lét nhìn ông già nó đang ngoác miệng ra cười:
- Thiệt hông mậy?
Tôi làm gan gật đầu, khiến bác Ba càng thích chí, giống hệt ông
Tản Đà quê tôi bảo "rượu ngon phải có bạn hiền", nhưng tôi đâu phải
bạn nhậu của bác Ba, thỉnh thoảng ở nhà mẹ tôi cho uống một ly rượu bách nhật
ngọt lịm thơm mùi thuốc Bắc. Đó là thứ rượu nếp than khi làm thành cơm rượu, mẹ
tôi cho vào đấy vài thang thuốc Bắc, đổ thêm chục lít rượu trắng rồi chôn cái
khạp rượu xuống lòng đất, đúng trăm ngày mới mang lên. Rượu này được gọi là
rượu bách nhật, dành cho phụ nữ sau khi sinh nở để ăn cho ngon cơm, lấy sữa cho
con bú. Công nhận mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, lập nghiệp ở đâu là bà nghĩ
ngay đến việc phải làm gì để kiếm tiền lo cho các con, sau này người miền Nam
cũng biết mua cao hổ cốt của mẹ tôi để trị phong thấp, mua rượu bách nhật cho
phụ nữ uống sau khi sinh nở, thứ rượu này đối với những con sâu rượu như bác
Ba, chỉ là thứ chè ngọt của đàn bà con gái.
Cha mẹ ơi! Lỡ đâm lao thì phải theo lao, tôi yên chí cái món
rượu trắng "quốc hồn quốc lủi" của bác Ba ngon như rượu bách nhật của
mẹ tôi, nên hùng dũng cầm cái chung rượu của bác đưa mà làm một hớp nhớ đời vì
nó cay xè tới cuống họng. Thấy tôi nhăn mặt sau khi làm thử hớp rượu đế, bác Ba
cười khà khà thích chí, nói huyên thuyên khác với vẻ im lìm hằng ngày, hôm ấy
lũ nhỏ cũng nói cười thoải mái.
Bác Ba làm việc cực nhọc, nên khi về nhà thường cau có khó chịu
với các con, kể cả mấy đứa bạn đến chơi không đúng lúc. Nhưng từ hôm tôi làm
gan xin hớp rượu của bác thì hễ mỗi khi gặp, tôi lại được bác ban cho một nụ
cười thân thiện. Sau này khi lớn khôn hơn, tôi mới nghĩ ra cái chân lý ở đời,
hễ người ta thích gì mà mình cũng làm như cùng một sở thích thì lấy được cảm
tình của người ta dễ ợt, huống chi uống rượu một mình như bác Ba đang thiếu
người "chén chú chén anh" mà lai rai kể chuyện đời nữa.
Năm ấy cận Tết Âm lịch, bác Ba gái tát đìa lấy cá bán Tết. Khi
thủy triều lên, nước từ sông đổ vào mấy cái mương xung quanh vườn, cá tôm cũng
theo nhau bơi vô rồi kẹt lại, sinh sôi nảy nở ra trong cái đìa đầy bông súng.
Bác Ba kéo lũ con về phụ việc, và cũng là dịp ăn Tết sớm với bà con lối xóm mà
tụi nhỏ ít khi được gặp kể từ ngày ra tỉnh học. Vì thế ngoài số tôm cá chọn lọc
đem ra chợ bán lấy tiền sắm sửa ăn Tết, còn lại bao nhiêu phơi khô để dành ăn
dần trong năm, bác Ba gái còn làm một nồi mắm kho thật bĩ bàng, cho chồng con
ăn thoải mái, đãi luôn những nhà lối xóm đến giúp tát đìa hôm đó nữa.
Hôm đó tôi cũng được đi theo bạn về quê cho biết rõ cảnh sống
của người dân quê miền Nam.Từ tỉnh đón xe Lam về quê bạn cách thị xã khoảng hai
chục cây số, đó là một cái vườn không lớn lắm nằm sâu cách quốc lộ vài công
vườn, phải đi theo một con đường đất rất trơn trợt khi trời mưa, vườn này cách
vườn nhà kia bằng những cái mương đào và trồng nhiều dừa nước mát rượi, khác
với lối trồng tre trúc bao quanh vườn như người miền Đông Nam phần. Trong vườn
trồng được mấy chục gốc dừa, lợi tức chính của gia đình, chen trong vườn dừa là
mãng cầu, ổi, quýt, mận, bưởi nằm dọc theo những bờ mương, những ngày cuối tuần
về quê, bác Ba trai cũng không được hở tay chút nào vì vẫn phải múc bùn đắp lên
những gốc cây. Cây trái tuy không nhiều nhưng mỗi mùa bác Ba gái đều có trái
cây đem bán ngoài chợ mua thức ăn gửi cho chồng con ở ngoài tỉnh.
So với cái khoảnh sân sau trồng chen chúc những loại rau sống ăn
kèm trong bữa cơm ở ngoài thị xã, vườn rau ở nhà quê xum xuê đầy đủ hơn nhiều.
Tát đìa xong, số cá tôm năm đó trúng lớn nên bữa mắm kho hôm ấy thật phủ phê,
bao nhiêu cá lóc, tôm càng, lươn vàng béo ngậy. Hôm ấy là đại tiệc của nhà bạn
tôi, vì ngoài một số tôm cá nướng lửa than, còn bao nhiêu trút hết vào nồi mắm,
bác Ba gái luôn tay xào xả cho thơm để đổ vào nồi mắm nấu tiếp, nước mắm kho
đục lờ lờ như nước bùn mà thơm hết biết!
Ăn mắm thì phải có rau, vì vậy mà hôm ấy tôi được dịp đi khắp
khu vườn đầy bóng mát cây xanh của nhà bạn, nhân tiện tiếp bạn chuẩn bị các món
rau để ăn với nồi mắm kho. Trong bữa ăn, Bác Ba trai khi ấy mới nhẩn nha kể về
những công dụng dược thảo trong các thứ rau xanh trong vườn nhà bác cho tôi và
mọi người cùng nghe, thì ra trước đây đa số ăn rau vì thói quen, cho thêm ngon
miệng chứ ít ai biết được những vị thuốc trong ngọn rau lá cỏ, mà ông bà mình
thường cho rằng người mình sống trên đống thuốc mà không biết.
Rổ rau sống hôm đó còn đầy đủ hơn rổ rau của cha con bác Ba ăn
hằng ngày nữa, rồi khi cầm từng thứ rau trên tay, bác Ba mới bắt đầu e hèm để vào
chuyện:
"Ngó đây nè! Trước tiên là rau dấp cá, thứ này hễ mọc mạnh
rồi là cỏ không lên nổi với nó, tên của nó gọi là ngư tinh thảo, ai đau khổ về
bịnh trĩ là biết đến công dụng của dấp cá. Đàn bà ăn thường da dẻ mịn màng, con
nít đau ban, lên trái lấy nước uống, hay xoa lên mình cũng liền lặn, viêm ruột,
kinh nguyệt hổng đều ăn thường xuyên cũng có kết quả."
Mấy người đàn ông lối xóm cười rộ lên:
"Đàn ông ăn được không anh Ba?"
Bác Ba trai hôm nay cũng vui hơn thường ngày, chắc vì "rượu
ngon mà lại có bạn hiền", nên vui vẻ gật gù bứt một cọng tía tô giơ lên
giải thích tiếp:
"Còn lá tía tô hay gọi là tử tô thì công dụng lại hay hơn
nữa, chữa nhức đầu, cảm sốt rất hiệu nghiệm."
Nghe bác Ba nói tới đây tôi liền xen vô:
"Hèn chi ở nhà mỗi khi bị cảm, mẹ cháu cũng hay nấu cháo
trắng rồi đập thêm cái trứng gà, thêm một nắm tía tô với hành lá, ăn xong toát
mồ hôi là khỏi bịnh."
Bác Ba gật đầu nhìn tôi rất cảm tình:
“Cái con Bắc Kỳ “con” này cái chi nó cũng biết, cứ “mẹ cháu, mẹ
cháu” là biết liền hà, nó còn biết nhậu nữa nghe bà con. Con nhà nghèo đâu có
thuốc men chi, hễ bịnh thì cạo gió, giác hơi xong rồi làm tô cháo nóng tía tô,
hành lá là hết bịnh (e hèm). Còn đây là rau má (bác lại cầm cọng rau má bỏ vô
miệng nhai chóp chép), bà con mình cũng xem thường loại rau này vì nó cũng mọc
tràn lan như cỏ, người Tàu gọi là Tích tuyết thảo hay Liên tiền thảo, chữa nóng
sốt, lên sởi, ói ra máu, kiết lỵ, ỉa chảy, táo bón, đái rát, thống kinh, bạch
đới. Nghe nói mỗi ngày chỉ cần ăn vài cọng thôi là cũng đỡ được chứng phong
thấp, không cần ăn nhiều vì rau má lạnh, ăn nhiều quá bị mất hồng huyết cầu,
phàm cái chi cũng vậy, không nên lạm dụng...”
Có tiếng cười khúc khích trong đám đàn bà con gái, ở nhà quê hễ
nghe ai nói cái gì lạ là cười. Bác Ba trai chỉ đám xả lên phơi phới một màu
xanh mát mắt trồng bên vệ rào:
“Trồng cây xả ở xung quanh rào là cũng có ý rồi đó, trước là khử
không cho mấy con rắn bén mảng vô vườn, sau là khi nấu mắm như bữa nay thì phải
có xả mới dậy được mùi mắm. Sách thuốc người ta gọi là Chu Cam Cun, giúp tiêu
hoá, ói mửa, đầy bụng. Còn cái đám rau ngót xanh rờn kia người Bắc hảo ăn hơn
người Nam, họ nấu canh với giò sống, xem như một món canh ăn thường xuyên, rau
này trị ban sởi, mát phổi, bí tiểu tiện, thông huyết nên đàn bà mới sanh cũng
ăn được.”
Mọi người cùng ồ lên vì sự thông thái của bác Ba, ngạc nhiên
không hiểu người đàn ông quê mùa này có vẻ am hiểu về thuốc men mà lại không
làm ông thầy thuốc Nam. Bác Ba được dịp khoe tiếp:
“Tui đi ta bà khắp nơi, đói ăn rau, đau uống thuốc nên vì vậy mà
biết chút chút để dành khi cần xài, lỡ lúc ngặt nghèo cũng qua cơn khốn khó.
Cho nên hễ đến nhà ai thấy có loại rau lạ, xin về làm giống rồi lan tràn ra
khắp vườn. Miền Nam hay um lươn với lá cách, rau ngổ, mấy thứ lá này kết hợp
với lươn mà thành thứ thức ăn bổ âm, rất tốt. Ông Lâm ngữ Đường viết sách nói
phàm cái gì ăn được tự nhiên mà bổ dưỡng cho cơ thể, tốt hơn ba cái thứ thuốc
bào chế uống nhiều chỉ hại gan, nát phổi thêm”
A hà, bây giờ khi bác Ba chạy qua ông Lâm ngữ Đường thì bà con
cùng ngớ ra nhìn bác như Thánh sống. Ông Lâm ngữ Đường là ai thì họ không biết,
nhưng nội cái tên Trung Hoa là đủ sức cho họ thán phục rồi. Bác Ba chỉ những
vồng cây lá lốt mọc xanh tốt ven bờ rào rồi nói:
“Đó, thuốc nằm khơi khơi ra đó mà ai hễ đau lưng, thấp khớp cũng
đi tìm thuốc, nó cho uống ba cái thuốc hạt dưa độc thấy bà ra mà ai cũng khen
là thuốc tiên, uống vô một viên bách bịnh tiêu tan, có mà tiêu tán đường ra
nghĩa địa luôn đó. Lá lốt nhiếu chất vôi, chủ trị thấp khớp, đau xương, đau
lưng, tiêu hóa kém, đầy hơi, đau bụng, sưng phù ăn thường là có kết quả, ví nó
là thứ quy trong thuốc Bắc cũng được. Riêng còn một thứ rau mà hễ Bắc Kỳ ăn bún
riêu không có nó là không được, đó là cây kinh giới....”
Mấy người đang cắm cúi ăn cùng “ồ” lên một lượt. Bác Ba hứng chí
tiếp:
“Bà con mình ở trong quê không biết tới thứ rau này, nó cay cay
nồng nồng mà hay thượng hạng, cảm sốt nhức đầu, cảm cúm, viêm họng muốn ói chỉ
cần bứt một nắm ăn là thấy khoẻ.”
Rồi bác xoay qua đùa với tôi:
“Ê, Bắc Kỳ con, có phải “trên trời có đám mây xanh, ở giữa có
cây kinh giới, xung quanh Bắc Kỳ” không nhỏ?”
Mọi người lại cười ồ lên, ai cũng ngó tôi như người hành tinh
khác, nhưng sao mặt mũi cũng dễ thương y chang mấy đứa con gái Nam Kỳ.
“Rau muống xào tỏi mà ăn với rau kinh giới thì mới đúng điệu con
cá gỗ. Nhưng ăn bún riêu mà lại ăn rau muống chẻ với rau kinh giới nữa thì con
trai Nam Kỳ đi theo con gái Bắc ráo trọi. Không nói đến công dụng về thuốc, mà
nội hương vị của các thứ rau thôi cũng thấy nó ngon rồi...”
Ai cũng trố mắt lên nhìn bác Ba một cách thán phục. Đúng lúc đó
thì hai con “ky ky” nhà bác Ba dành nhau mẩu xương cá, ủng oẳng dưới gầm bàn,
bác Ba trai lại cười chỉ vào cái nhúm lá mơ ở trong rổ. Mọi người lại trố mắt
lên chờ đợi, mấy cái miệng đều la lên:
“Trời! Lá thúi địt, hôi muốn chết.” Rồi họ cười ầm ĩ lên
như phát hiện điều gì thú vị lắm. Bác Ba lại nheo mắt nhìn tôi:
“Ậy, thứ lá này là mấy con cẩu nhà tao chạy cong đuôi, nhưng nói
đến công dụng của nó thì đệ nhất hạng trong các thứ rau, vì nếu biết dùng thì
rất tốt cho người yếu tỳ yếu vị. Mỗi ngày chịu khó ăn chơi vài lá có thể ngừa
được nhiều chứng bịnh thông thường như sình hơi, kiết lỵ, sỏi thận, bí tiểu,
thấp khớp, ăn không tiêu, đi cầu ra máu, viêm bao tử, viêm ruột.”
Nghe bác Ba nói tới đây thì ai cũng vội tìm một lá giơ lên ngắm
nghía. Màu lá phơn phớt nâu tím, một mặt xanh, lông tơ mịn phủ trên thân lá
mềm, ai biết được nó là vị thuốc quý như vậy mà lại hằng hà sa số, không cần
trồng cũng mọc. Người Bắc khi đánh chén “nai đồng quê” nhất định không thể
thiếu lá mơ, nhà thuyền chài ăn gỏi cá mà không có lá mơ xem như thiếu tất cả,
còn như bác Ba kẹt lắm có miếng thịt ba rọi luộc, quấn với lá mơ mà chấm mắm
nêm, nhậu với xị rượu không có gì ngon hơn. Riêng bác Ba gái mùa hè khi rảnh
rỗi, bứt hằng rổ rồi đem phơi khô, bắt đầu tháng năm khi sắp bước vào mùa mưa,
trời nắng hạn con nít nổi rôm, sẩy đầy người, khó ngủ, chỉ cần sao lên rồi nấu
nước uống, mình mẩy lành trơn, mát rượi.
Bữa mắm và rau cuối năm ở nhà bác Ba năm ấy chắc là bữa ăn ngon
cuối cùng, vì năm sau chiến trận xảy ra ở đây dữ dội lắm, dân chúng chạy tản cư
ra chợ, lộn đi lộn về nhiều phen nhưng không ai dám ở vì ban ngày thì có vẻ
bình yên, nhưng ban đêm tên bay đạn lạc ì xèo, bác Ba gái đành phải bỏ vườn
chạy ra tỉnh ở luôn với chồng con. Lâu lâu khi tình hình tạm yên, bác lại mò về
mảnh vườn ở trong quê của mình, để nhìn các thứ rau không còn ai chăm sóc, bò
quanh bò quẩn quanh vườn tìm cách tồn tại, vườn tược rậm rịt y như những đứa
trẻ côi cút không ai ngó ngàng tới.
Tôi vẫn đến nhà bạn chơi như những năm trước, khi đó hai đứa đã
lớn bộn mà còn biết yêu nữa. Bạn tôi yêu một anh bạn hàng xóm, hai nhà cách
nhau có cái giậu hoa trang mà cũng viết thư xanh, thư hồng, tôi lâu lâu làm thơ
tình giùm cho nó, dĩ nhiên cái sân sau nhà bạn chỉ trồng rau, cho nên thơ của
tôi không khỏi có hương vị rau cỏ trong đó. Một bài thơ mà đối với tôi thuở đó
rất dễ thương, nhớ hoài đến bây giờ, kể lại chuyện tình của bạn tôi năm mười
bảy tuổi, đến cũng nhanh mà đi cũng vội, như con bướm bay từ vườn hàng xóm, đậu
trên những luống cải hoa vàng mùa Xuân, rồi bay đi đâu không biết.
Tình Đầu
“Năm em mười bảy tuổi
Có anh đi vào đời
Bằng ánh mắt nụ cười
Với mùa Xuân lên ngôi
Thương nhau vào mùa Xuân
Rồi tình yêu thắm dần
Sách vở đầy thương nhớ
Tình đẹp như thiên thần
Hai nhà chung một ngõ
Cách một mảnh vườn sau
Vườn nhà anh bướm lượn
Vườn nhà em trồng rau
Yêu nhau không dám nói
Nhìn nhau không dám cười
Thư tình anh đem dấu
Dưới bụi cây ven rào
Những chiều ra hái rau
Mắt ngó trước nhìn sau
Thư tình trong túi áo
Len lén mình thương nhau
Rồi bỗng dưng một dạo
Thư hồng anh thôi trao
Nụ cười thôi đưa đón
Gặp nhau anh chẳng chào
Buồn lắm anh biết không?
Chiều chiều ra vườn sau
Nắng nghiêng qua hàng giậu
Thư hồng anh để đâu?
Không phiền trách chi nhau
Chỉ buồn cho tình đầu
Mau phai như màu áo
Nghe tim mình đau đau...”
Đó là bài thơ tuổi học trò khi yêu còn ngây thơ không có tội,
nửa muốn mạo hiểm bước vào ngưỡng cửa tình yêu, nửa rụt rè vì sợ cha sợ mẹ. Bạn
tôi có một mối tình đầu thầm lặng như thế đó, tôi nghĩ tại bác Ba trai rất
nghiêm khắc cho nên anh bạn hàng xóm sợ rồi rút êm, đi tìm một tình yêu khác.
Vậy mà bạn tôi nhớ hoài, hễ khi nào chỉ còn hai đứa ngồi nhắc chuyện cũ, bạn
vẫn nhắc đến anh bạn hàng xóm năm xưa với nỗi rung động đầu đời rất dễ thương.
Một câu chuyện tuổi trẻ thơ ngây hay, nhất là cuộc tình người bạn giản dị mà thấm thía.
ReplyDelete