Trên đường từ thác Prenn đến thị xã Đà Lạt có ngôi biệt thự cổ xây trên một ngọn đồi thấp, đã bỏ hoang từ nhiều năm. Người ta đồn rằng trong ngôi biệt thự đó có hồn ma thường hiện về phá phách nên chủ nhân buộc phải khóa kín cửa, bỏ vào thị xã Đà Lạt cách đó khoảng 3 cây số, mua ngôi nhà khác ở. Sau năm 1975, ngôi biệt thự vẫn nằm chênh vênh giữa cảnh thiên nhiên kỳ tuyệt với đồi thông reo vi vút quanh năm, bên thung lũng giăng kín sương mù vào mỗi buổi bình minh, khiến người ta có cảm giác như kiến trúc cổ kính đó được xây lơ lửng giữa tầng mây.
Một chỗ ở lý tưởng như vậy, lại bỏ hoang nhiều năm, thì cái lý do “có ma” quả thật dễ làm người ta tin đó là sự thật. Nhưng dù có ma hay không, ngôi biệt thự vẫn nguyên vẹn hiện diện bên con đường ngoằn ngoèo, kích thích óc tò mò của du khách trên đường từ Sàigòn ra Đà Lạt nghỉ mát vào mỗi dịp hè. Từ xứ Đà-Lạt sương mù, nó trở thành câu chuyện làm quà hấp dẫn cho du khách đem về kể lại với thân nhân, bè bạn sau một chuyến đi xa. Một trong những huyền thoại về ngôi biệt thự đó, tôi được nghe qua lời kể của người bạn thân là anh Trần Duy Vũ, một người thích tìm hiểu về thế giới tâm linh.
Trong một chuyến đi nghỉ mát tại
Đà-Lạt, khi xe chạy ngang ngôi biệt thự lẻ loi, kỳ bí đó, bác tài xế xe đò như
một hướng dẫn viên ngành du lịch, đã giới thiệu với hành khách về những hiện
tượng ma quái xảy ra trong ngôi biệt thự bỏ hoang. Câu chuyện khá hấp dẫn, nên
khi xe vừa tới bến, Vũ đã bám sát bác tài xế, mời vào quán cà phê Thủy Tạ bên
Hồ Xuân Hương và khẩn khoản nhờ bác kể lại chi tiết từ đầu câu chuyện.
- Ông thích nghe chuyện về ngôi biệt thự đó lắm hả?
Bác tài xế nhìn Vũ, đoạn nói tiếp:
- Ông có tin rằng cách đây hơn 20 năm, chính tôi đã
cùng một người bạn thân sống trong ngôi biệt thự đó không?
Vũ hỏi:
- Bác hoặc người bạn là chủ nhân của ngôi biệt thự đó
hả?
Bác tài xế lắc đầu:
- Không! Cả hai chúng tôi không ai là chủ nhân cả. Đúng hơn,
người chủ của ngôi biệt thự là bạn cố tri của cụ thân sinh ra Ngạc, tên người
bạn tôi. Khi thấy ngôi biệt thự tuyệt đẹp đó bị bỏ hoang khá lâu, Ngạc đã đến
nài nỉ ông Thanh, người chủ ngôi biệt thự, cho anh ta và tôi đến ở. Dù Ngạc
biết lý do ông Thanh phải rời bỏ nơi đó vì những hiện tượng ma quái đã liên tục
xảy ra từ ngày gia đình ông Thanh, gồm hai vợ chồng và cô con gái tên Đoan
Trang, dọn về ở sau khi sang lại của một người bạn Hoa kiều. Can ngăn mãi không
được, ông Thanh trao chìa khóa cho Ngạc và chỉ hai ngày sau, chúng tôi mỗi
người một va-ly quần áo, đến sống tại ngôi biệt thự...
Kể đến đây, bác tài im lặng,
đôi mắt bác mỗi lúc một trở nên xa xăm. Khói thuốc bay lơ lửng. Tiếng kèn saxo
từ dĩa hát kéo dài những âm vang xa tít tắp. Rồi dường như từ một cõi mênh mang
vĩnh cửu, bao nhiêu hình ảnh của quá khứ, cựa mình trổi dậy trong tiềm thức
bác.
"...Dọn về ngôi biệt thự cả tuần lễ, tôi và Ngạc không thấy có hiện tượng gì khác lạ. Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ về những chuyện ma quỷ vẫn thường hiện hình trong ngôi biệt thự này, như lời kể của ông Thanh. Có lẽ ông bị một ám ảnh nào từ quá khứ và nỗi ám ảnh đó được kích thích thêm do cảnh trí tĩnh mịch của môi trường chung quanh khiến phát sinh ra ảo giác cũng không chừng.
Ngoài những giờ học ở trường Chánh trị Kinh doanh, tôi và Ngạc say mê chăm chút vườn hoa đầy màu sắc, cạo rửa sạch lớp rêu xanh phủ trên những phiến đá lót thoai thoải từ sân trước của ngôi biệt thự xuống con đường đất đỏ tẻ ra mặt lộ. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã lột bỏ lớp vải liệm thời gian phủ kín ngôi biệt thự và thay vào đó bằng lớp áo màu muôn sắc của các loài hoa.
Ngôi biệt thự trở thành địa điểm
họp mặt picnic lý tưởng của bạn bè chúng tôi vào những ngày Chúa nhật. Sinh khí
của tuổi trẻ đã phá vỡ bức màn hoang tịch nơi đây. Chút dè dặt ban đầu khi hai
chúng tôi đặt chân đến ngôi biệt thự bỏ hoang đã hoàn toàn tan biến. Trái lại,
cả Ngạc lẫn tôi đều nôn nao muốn được “diện kiến” con ma nào đó, nếu quả thật
có, một lần cho biết. Những đêm khó ngủ vì uống quá nhiều cà phê, tôi và Ngạc
hết học bài, đọc sách lại bày bàn cờ tướng ra đánh với nhau. Ngạc rất say mê
trò giải trí này. Hắn bỏ công ra các nhà sách mua những cuốn sách cờ thế của
nhiều kỳ thủ nổi danh về nghiên cứu. Nhưng mỗi lần đấu với tôi, Ngạc vẫn bị
thua một cách khít khao làm hắn trở nên cay cú. Hắn cứ bắt tôi đấu tiếp hết bàn
này tới bàn khác, dù đêm đã khuya.
Ngạc
nói:
- Ông chỉ giỏi cặp Ngựa. Tìm cách triệt được cặp Ngựa
của ông là tôi thủ thắng như chơi.
Tôi cười:
- Đồng ý! Nhưng đâu dễ gì! Bằng mọi giá tôi phải bảo
vệ cặp Ngựa vàng của tôi chứ!
Tôi đi một nước Ngựa, chuẩn bị chiếu “Tiền Mã, Hậu Pháo”. Nước đi của tôi làm
Ngạc bối rối. Hắn khum khum bàn tay trên con Xe nghĩ ngợi, đôi mắt hắn chăm chú
đến thất thần.
Tiếng củi nổ lách tách trong lò sưởi. Tôi quấn chặt chiếc khăn phu-la quanh cổ, nhưng vẫn rùng mình vì cái lạnh như từ xương tủy lạnh ra. Bên ngoài hình như trời nổi cơn dông. Qua khung cửa đóng kín, tôi vẫn nghe rõ tiếng reo của ngàn thông mỗi lúc một lớn dần thành tiếng hú rờn rợn trong đêm hoang tịch.
Ngạc
vẫn để bàn tay lơ lửng trên quân cờ. Hắn bất động như một pho tượng. Tôi giục:
- Đi đi chứ bạn! Nghĩ mãi, buồn ngủ thấy mồ!
Ngạc vẫn im lặng dán mắt vào những quân cờ. Bên ngoài
gió vẫn thổi mạnh. Tiếng những trái thông khô rơi rụng trên mái ngói, tiếp theo
là những làn mưa quất mạnh vào khung cửa kính.
- Mưa lớn quá!
Tôi buột miệng nói và tiến lại
phía cửa sổ nhìn xuống thung lũng tối đen bên sườn đồi. Thỉnh thoảng một ánh
chớp loé lên soi rõ làn mưa trắng xóa phủ trên những ngọn thông đen sẫm,
nghiêng ngả lắc lư trong tiếng gió hú vang từ những ngọn đồi cao tràn xuống
thung lũng.
- Quốc!
Nghe tiếng Ngạc gọi, tôi quay
phắt lại nhưng chưa kịp lên tiếng. Ngạc đã xua tay ra dấu cho tôi im lặng, nghe
ngóng.
Ngạc rời bàn cờ nhẹ nhàng đến
sát bên tôi, thầm thì:
- Ông có nghe gì không? Hình như có tiếng gõ cửa.
- Vô lý! Giờ này ít nhất cũng 1 giờ đêm rồi, còn ai đi
ngang khoảng đường này nữa!
Trả lời cho nhận xét của tôi là
tiếng gõ cửa mỗi lúc một rõ hơn, thôi thúc hơn. Hai chúng tôi nhìn nhau ngầm
hỏi ý kiến. Sau cùng Ngạc nói:
- Dù sao mình vẫn phải ra mở cửa. Mưa gió thế này,
biết đâu có kẻ lỡ đường...
- Nhưng kẻ nào lại tự tiện trèo qua cổng ngoài để vào
tận trong này gõ cửa?
Ngạc nói:
- Dây chuông cổng nhà mình đã hư rồi, bắt buộc họ phải
làm thế nếu không muốn chết cóng dưới cơn mưa bão ở khoảng đèo chỉ có mỗi một
ngôi biệt thự này.
Rồi một cách dứt khoát, Ngạc bước nhanh ra phía ngoài. Tôi vớ vội chiếc đèn pin
bám sát theo Ngạc đề phòng bất trắc.
Ngạc vừa mở chốt gài, xoay nhẹ nắm đấm cửa, một luồng gió lạnh buốt mang theo bụi mưa thốc mạnh vào, làm cả hai chúng tôi phải bước thụt lùi mấy bước, suýt ngã. Liền đó một bóng người quần áo trắng toát, ướt sũng loạng choạng bước vào. Tôi và Ngạc nhanh nhẹn kề vai rán sức khép chặt cánh cửa trước sức gió mỗi lúc một hung bạo. Rồi không ai bảo ai, chúng tôi cùng lượt xoay lại nhìn người khách bất đắc dĩ. Nếu không kịp tự chủ, cả hai chúng tôi đã bật la lên vì kinh ngạc.
Trước mắt chúng tôi là một thiếu
nữ tuyệt đẹp, bộ quần áo mỏng ướt sũng nước dán sát thân hình càng làm nổi rõ
những đường cong tuyệt mỹ. Nàng đưa tay bóp nhẹ những lọn tóc đen nhánh, bết
nước phủ trước ngực và im lặng nhìn chúng tôi. Thú thật trong đời tôi đã từng
tiếp xúc với nhiều người con gái nổi tiếng hoa khôi, nhưng chưa hề thấy người
nào có đôi mắt đẹp như cô gái này. Đôi mắt, tôi phải diễn tả như thế nào đây?
Nó vừa thăm thẳm diệu vợi, vừa quyến rũ mê hoặc, làm tê liệt người đối diện.
Tôi không hiểu đây có phải là đôi mắt mà các nhà văn vẫn thường ca tụng là “đôi
mắt liêu trai” hay không! Tôi và có lẽ cả Ngạc, đều bị thôi miên bay mất cả hồn
vía trước ánh mắt... liêu trai của người con gái. Chúng tôi quên hẳn là cô gái
đang lạnh run trong tình trạng gần như lõa lồ.
Ngạc
không giấu được vẻ bối rối, lên tiếng trước:
- Xin lỗi! Mời cô vào trong này.
Cô gái nhẹ gật đầu, lặng lẽ đi theo. Ngạc quay lại ra
hiệu cho tôi lấy khăn tắm, bộ quần áo ngủ và chiếc áo choàng của Ngạc vì vóc
dáng hắn nhỏ nhắn hơn tôi nhiều.
Ngạc đưa cho cô gái:
- Xin lỗi, nhà không có phụ nữ, cô thay tạm bộ quần áo
này kẻo cảm lạnh.
Trong lúc cô gái vào phòng tắm
thay quần áo, Ngạc và tôi trở lại phòng khách. Chúng tôi loay hoay pha trà và
thêm củi vào lò sưởi.
Tôi nói với Ngạc:
- Đúng là một tuyệt thế giai nhân từ... trời rơi
xuống, biến chúng ta thành hai chàng Lưu Nguyễn. Nhưng cô gái này có vẻ kỳ bí
quá! Từ lúc bước vào đây, cô ta chưa nói một lời. À, mà sao bên ngoài lạnh như
cắt da xẻ thịt, mà cô nàng chỉ mặc trên người có mỗi bộ quần áo mỏng manh. Hay
là...
Tôi bỏ dở câu nói, nhưng Ngạc vẫn hiểu ý. Hắn nhìn
tôi, tia mắt sáng long lanh:
- Nếu cô nàng là ma, tôi vẫn sẵn sàng yêu nàng.
- Cậu không sợ à?
- Có gì mà sợ? Đọc “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng
Linh, tôi vẫn mơ ước có ngày được gặp những người đẹp yêu ma như các nhân vật
trong truyện. Đối với tôi, sắc đẹp trên hết, dù sắc đẹp đó thuộc về người hay
về ma.
Tôi đùa:
- Các nhân vật trong truyện của Bồ Tùng Linh, vừa gặp
nhau là... ”bèn giao hoan”, bạn có giống như vậy không?
Ngạc trách:
- Ông không nên đùa như vậy! Tôi nhận xét cô gái này
có vẻ học thức và ít nhất cũng xuất thân từ một gia đình danh giá. Cứ nhìn cử
chỉ, dáng đi của cô ta, tất cả đều toát ra một phong cách sang cả, quý phái,
mặc dù cô ta đang trong tình trạng ướt như chuột lột.
- Ngạc ơi, ông bạn bị tiếng sét ái tình rồi đấy!
Nói xong tôi cười phá lên.
Bên ngoài cơn dông vẫn lồng lộn
gào rú với ngọn gió mãnh liệt lướt qua từng chập, ném những cành cây khô rào
rào trên mái ngói và khung cửa sổ. Qua ánh chớp, rừng thông bên sườn đồi biến
thành những bóng đen ma quái, nghiêng ngả chập chờn trong bản luân vũ ma quỷ
kéo dài như bất tận. Khoảng 15 phút sau, cô gái từ nhà tắm bước ra trong bộ
quần áo ngủ màu hột gà và chiếc áo ấm của Ngạc choàng hờ trên vai.
Rất tự nhiên, cô gái ngồi xuống
ghế salon và đưa bàn tay búp măng trắng muốt đỡ tách trà nóng Ngạc rót mời.
- Cám ơn, tôi phiền hai anh nhiều quá!
Giọng nói êm êm chẳng khác gì tiếng hót thánh thót của
loài chim quý, có sức thu hút không kém gì đôi mắt đầy quyến rũ của nàng.
Tôi và Ngạc lúc này ở trong
trạng thái say say, chập chờn giữa ảo giác và thực tại. Cá nhân tôi mặc dù bình
thường rất ngổ ngáo trước đám bạn gái, nhưng không hiểu sao, cũng như Ngạc, tôi
bất ngờ cảm thấy bối rối trước cô gái, chẳng khác nào con chuột nhắt bị thôi
miên co rúm lại trước ánh mắt của con linh miêu.
Còn
người con gái lạ, khác hẳn thái độ e dè, kín đáo ban đầu, nàng hoàn toàn chủ
động và hoạt bát trước chúng tôi.
- Rất tiếc cho đến bây giờ tôi vẫn chưa được hân hạnh
biết quý danh của hai vị ân nhân.
Tôi ngượng ngùng nói:
- Chúng tôi không dám nhận hai tiếng “ân nhân” đâu.
Giúp đỡ người lỡ đường chỉ là điều nhỏ nhặt. Cô cứ gọi tôi là Quốc, còn anh bạn
đây là Ngạc. Chúng tôi cùng đang theo học tại trường đại học Chánh trị Kinh
doanh.
- Còn tôi là Mỹ Linh, sinh viên năm thứ hai đại học Văn
khoa Sàigòn, phân khoa Triết.
Nói xong Mỹ Linh nhìn nhanh một lượt phòng khách,
giọng nàng trở nên mơ màng:
- Cách đây lâu lắm, tôi đã từng sống những tháng hè
trong ngôi biệt thự này...
Tôi và
Ngạc sửng sốt chồm người về phía trước nhìn nhau thật nhanh, rồi tiếp tục dán
chặt ánh mắt vào Mỹ Linh. Nàng nói tiếp:
- Lúc đó, tôi còn nhỏ, chừng 9, 10 tuổi gì đó. Tôi
được cha mẹ gửi lên đây nghỉ mát với gia đình ông Hàng Vây Chi là bạn thân của
ba tôi. Ông Hàng Vây Chi là một nhà kinh doanh nổi tiếng trong giới Hoa Kiều ở
Chợ Lớn. Ông có người con gái tên là Hàng Tố Hoa rất xinh đẹp. Tôi và chị Hoa
thân nhau chẳng khác gì chị em ruột thịt. Chị vừa học giỏi vừa nhan sắc, nổi
tiếng một vùng. Vậy mà, hồng nhan bạc mệnh, bất ngờ trong một chuyến nghỉ mát,
chị Tố Hoa đã thắt cổ chết mà không ai biết lý do. Sau đó ngôi biệt thự này
được bán rẻ cho một người khác.
Đến đây, Mỹ Linh nhìn suốt tôi và Ngạc, đoạn nói:
- Phải chăng hai anh là chủ nhân hiện thời của ngôi biệt thự?
Bị bất ngờ trước câu chuyện của Mỹ Linh, cả tôi và Ngạc như chết sững trên ghế. Mãi sau Ngạc mới lên tiếng:
- Không. Ngôi biệt thự này là của ông Thanh mua lại.
Ông Thanh là bạn thân của ba tôi. Thấy ông ấy bỏ hoang...
Kịp nhận ra mình lỡ lời, Ngạc im bặt, chớp chớp mắt,
né tránh tia nhìn của Mỹ Linh. Tôi nhanh trí xoay qua chuyện khác:
- Xin lỗi, tôi có hơi tò mò... Vì lý do gì cô bị lỡ
đường trong đêm khuya khoắt gió bão như thế này?
Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, Mỹ Linh đứng dậy tiến
về phía lò sưởi nhặt một thanh củi ném vào đống than hồng, rồi nàng chậm rãi
nói:
- Tôi bị thôi thúc bởi ý muốn mãnh liệt và không thể
cưỡng lại được về một chuyến đi xa... Bây giờ thì tôi thấy đã thật sự nhẹ tênh.
Đứng trong căn phòng này, tôi như thấy lại tuổi thơ. Thời gian vẫn đè trĩu trên
hai vai tôi, đã trở nên vô nghĩa! Có lẽ những con chim bay ở tuốt tầng cao mới
thấy cuộc đời này là nhỏ bé, tạm bợ và nó sẽ chẳng còn tiếc nuối gì những cọng
rơm chắt chiu làm chiếc tổ trên cây. Ở trên cao thật cao từ một cõi vĩnh hằng
nhìn xuống chốn cũ, mới thấy rõ đó chỉ là cõi tạm.
Mỹ Linh ngừng nói, chầm chậm
bước về phía cửa sổ kính nhìn ra bên ngoài. Mưa gió đã ngớt. Bầu trời chợt loé
lên vài tia chớp xanh xao, yếu ớt. Từ trên từng cao, tiếng sấm ùng ục, đục ngầu
từ từ chuyển động, nhỏ dần rồi mất hút ở cuối trời.
Vẫn xoay lưng về phía chúng tôi, Mỹ Linh nói tiếp:
- Vì những tham vọng, đam mê từ cuộc sống, con người
ta đâm ra sợ hãi trước cái chết và cứ bám riết lấy nó một cách u mê. Có ai hiểu
rằng những người trút bỏ được cái thân xác trần gian tạm bợ kia, họ rất vui khi
bước chân vào cõi cực lạc muôn đời!
Dứt lời, Mỹ Linh xoay người lại
nhìn tôi và Ngạc mỉm cười, nụ cười tiêu dao, thanh thoát, hiếm thấy ở một người
trẻ tuổi như nàng. Rồi thật bất ngờ, Mỹ Linh đề nghị:
- Khuya lắm rồi. Có lẽ hai anh cũng nên đi nghỉ. Ngày
mai tôi sẽ rời khỏi nơi đây trước khi trời sáng.
Nghĩ rằng Mỹ Linh muốn rời khỏi
ngôi biệt thự trong lúc trời chưa sáng rõ, để tránh tiếng một người con gái đã
ở qua đêm với hai thanh niên trong ngôi biệt thự hoang vắng trên khoảng đường
đèo, Ngạc định nhường buồng ngủ với đầy đủ tiện nghi của chúng tôi cho Mỹ Linh,
nhưng nàng từ chối:
- Cám ơn hai anh. Tôi muốn nghỉ tại phòng ngủ cách một
gian buồng của hai anh. Đó chính là chỗ trước đây dành cho tôi và chị Hàng Tố
Hoa.
Tôi bật hỏi:
- Cô không... ngại à? Một căn buồng đã bị bỏ trống từ
nhiều năm nay...
Mỹ Linh cười để lộ chiếc răng khểnh vô cùng duyên
dáng:
- Có gì đâu! Căn phòng đó luôn luôn đầm ấm đối với kẻ
trở về. Biết đâu tôi sẽ gặp lại chị Tố Hoa thân yêu...
Tôi nhìn Mỹ Linh trân trối:
- Một cô gái dịu hiền như cô, mà không sợ... ma sao?
Mỹ Linh hỏi lại tôi:
- Thế ông có sợ ma không?
- Ma thì có lẽ tôi không sợ, nhưng sợ... cô, cô Mỹ
Linh à!
Câu nói của tôi làm Mỹ Linh bật cười. Tiếng cười từ từ vút cao, lanh lảnh nhọn sắc đến độ nếu có một kẻ nào bất chợt đi ngang qua ngôi biệt thự vào giờ này, chắc chắn sẽ rởn gai ốc và cắm đầu bỏ chạy...
oOo
Buổi sáng tôi thức dậy khá muộn. Có lẽ Ngạc đã đưa cô gái đi từ sớm, tôi đoán thế, vì ngôi biệt thự hoàn toàn im ắng. Nhớ tới những sự kiện xảy ra vào lúc nửa khuya, tôi có cảm giác như đó chỉ là cơn mộng. Nhưng rõ rệt ba chiếc tách trà vẫn còn nguyên vẹn trên bàn khách. Tôi mở cửa đi xuống nhà để xe xem xét và không thấy chiếc Honda 90 của Ngạc.
Buổi trưa vẫn còn ẩm đục. Những
tia nắng mỏng yếu ớt không đủ xuyên qua đám sương mù trôi là đà trên thung lũng
ven đồi. Làm vườn chán, tôi rửa chân tay rồi vào nhà đọc sách. Tôi thầm nghĩ
hôm nay là Chúa nhật, Ngạc lại vừa quen được một cô gái xinh đẹp như Mỹ Linh,
dễ gì anh chàng chịu bỏ về nhà đem bàn cờ tướng ra đấu suốt buổi với tôi như
mọi ngày nghỉ khác. Vì đêm truớc thiếu ngủ nên chỉ nằm suy nghỉ vẩn vơ một lát,
tôi thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ mệt nhọc tôi mơ thấy Mỹ Linh
bay là là trên thung lũng sương mù.
Nàng ngoái lại vẫy tay hối thúc Ngạc đuổi theo. Ngạc cúi rạp người trên yên xe rú mạnh tay ga. Bỗng từ trên đỉnh đèo xuất hiện một chiếc xe đò bon bon đổ dốc và tông mạnh vào chiếc Honda của Ngạc. Cả xe lẫn người bị hất tung vào vách núi... Cơn ác mộng làm tôi sợ hãi thét lớn và giật mình tỉnh dậy, mồ hôi tuôn nhớp nháp lưng áo mặc dù trời đang lạnh. Lúc này hình như còn sớm, tôi đoán thế, nhưng ngoài các cửa sổ đều buông rèm kín nên căn phòng nhá nhem tối. Tôi để tay lên ngực, chỗ trái tim đang đập mạnh làm tôi muốn ngộp thở, rồi xỏ dép tiến về phía bức tường đặt công tắc điện.
Khi ngọn đèn vụt sáng, tôi thấy Ngạc đang ngồi lặng lẽ nhìn vào bàn cờ tự hồi nào. Có lẽ Ngạc đang suy nghĩ nước đi của ván cờ dang dở hồi tối hôm qua trước khi Mỹ Linh xuất hiện.
Sau phút thảng thốt, tôi hỏi Ngạc:
- Cậu đưa người đẹp Mỹ Linh đi chơi tận cõi ta bà thế
giới nào mà mãi bây giờ mới dẫn xác về vậy?
- Xa lắm!
Ngạc đáp nhẹ như hơi gió thoảng, trong lúc bàn tay hắn
với năm ngón cong cong vẽ những nước đi tưởng tượng trên bàn cờ tướng. Tôi tiến
lại ngồi đối diện với Ngạc bên bàn cờ, rồi nói với hắn:
- Tôi vừa gặp một cơn ác mộng. May mà cậu đã về đây.
Ngạc nói, mặt vẫn cúi xuống bàn cờ tướng:
- Ông để ý làm gì chuyện đó. Ở cõi tạm này thì thực
hay mộng cũng vậy thôi, có khác gì nhau đâu! Một ông vua giàu sang quyền quí
trị vì vài ba chục năm, thì cũng chẳng khác gì một giấc kê vàng, khi ông ta
xuôi tay từ giã cõi đời.
Nghe Ngạc nói, tôi bật cười bảo hắn:
- Gớm! Mới gần cô Mỹ Linh có một đêm một ngày thôi mà
bạn đã lây cái máu triết lý của nàng rồi! Nghe bạn nói, tôi cứ tưởng như chính
cô ta nói vậy!
Bỗng Ngạc đưa tay xóa nhanh bàn
cờ dang dở, đoạn ngước lên nhìn tôi nói bằng giọng khẩn khoản ít có:
- Ông có thể chiều tôi, đánh với tôi một ván cờ cuối
cùng không? Tôi hứa! Chỉ một ván cuối cùng thôi!
Tôi vui vẻ đáp:
- Ồ, nếu bạn thích, tôi sẵn sàng đấu với bạn bao nhiêu
ván cũng được. Bạn sắp cờ đi, tôi bắc chút nước pha trà, trời lạnh quá!
Ngạc đưa tay ngăn lại:
- Thôi khỏi cần! Tôi chỉ đấu một ván cờ cuối cùng thôi mà!
Tôi cảm thấy có một cái gì là lạ trong thái độ của Ngạc trưa nay. Hắn cứ lập đi lập lại câu “ván cuối cùng”. Hay là anh chàng bị dày vò bởi mặc cảm thua sút bạn bè? Có thể lắm! Trong việc học hành, mặc dù Ngạc rất chăm chỉ cần mẫn, nhưng ngay từ hồi còn ở bậc Trung học, tôi vẫn luôn luôn đứng trên hắn trong bảng xếp hạng và những kỳ thi tốt nghiệp. Về mặt tình cảm, nhũng người con gái Ngạc yêu chân tình, say đắm nhưng hắn vẫn bị ruồng rẫy. Trong khi đó, đối với những người con gái chúng tôi cùng quen biết, tôi chỉ đùa giỡn vòng ngoài, lại được họ yêu tha thiết. Điều kỳ lạ là Ngạc tuy không đẹp trai, nhưng có vóc dáng thật nghệ sĩ và rất đa tài. Hắn làm thơ khá hay, thổi sáo, chơi đàn guitar, piano, violon thật tuyệt diệu. Chính tôi có lần đã phải thốt lên: “Bạn tài hoa nghệ sĩ quá Ngạc ạ! Nếu tôi là con gái, tôi sẽ sẵn sàng quỳ xuống dâng trái tim cho bạn”. Câu nói thành thật của tôi khiến Ngạc xúc động, nhưng hắn chỉ cười buồn: “Thời buổi này đám con gái chỉ thích những tên thanh niên vai u thịt bắp! Bởi thế tôi luôn luôn cô đơn giữa thế giới loài người. Họa chăng tôi chỉ có thể tìm được tình yêu ở những cô gái... liêu trai!”
Sắp
xong những quân cờ, Ngạc bảo tôi:
- Ông đi trước đi!
- Bạn chứ! Tôi đáp.
Ngạc lắc đầu:
- Không! Bạn đã chấp tôi đi trước nhiều lần rồi, trên
bàn cờ cũng như ngoài cuộc đời, nhưng rút cuộc tôi vẫn luôn luôn thua bạn. Cái
thua của kẻ được chấp nó nặng nề lắm!
Nước cờ đầu tiên của tôi lên Tượng. Ngạc vào Pháo đầu.
Hắn nói:
- Bạn lại nhường tôi ở thế tấn công rồi!
- Đừng nghĩ thế. Hãy coi chừng hai con Mã của tôi vượt
qua sông với những thế chiếu liên hoàn là bạn kẹt lắm đó!
Ngạc đáp, giọng lạnh lùng, quyết liệt:
- Bằng mọi giá tôi sẽ giết cặp Ngựa của ông ở ván cờ
cuối cùng này!
Những nước cờ sau, Ngạc dồn cả hai con Xe và Pháo chận đuổi, quyết bắt cho được con Mã của tôi, chính vì thế Ngạc bị sơ hở lớn trong thế thủ. Nếu như mọi lần, tôi chỉ cần đi thêm vài nước là thủ thắng vì mặt Tướng bên Ngạc trống, lại bị khuyết mất Sĩ là hai tay “cận vệ” quan trọng.
Tôi liếc nhanh Ngạc. Môi hắn mím
lại, khuôn mặt tái xanh như da người chết. Hắn nhìn chằm chằm thế Mã giao chân
của tôi như con hổ rình mồi, thèm thuồng, nhưng chưa dám tấn công. Không khí
căng thẳng một cách vô lý, bất thường. Tiếng những trái thông khô rơi rụng và
tiếng “Tác! Tác!” của loài nai từ rừng xa vang vọng. Tất cả như đọng lại tại
bàn cờ.
- Thí!
Bất ngờ Ngạc la lớn và cầm con Xe đỏ đập mạnh trên con Mã của tôi, vang lên một âm thanh chát chúa. Nhìn những quân cờ còn lại trong ván cờ tàn của hai bên, tôi bỗng trở nên bối rối. Hơn Ngạc một con Xe lại bền Sĩ Tượng, thêm ba con Chốt sắp vượt qua sông, tôi sẽ thắng Ngạc dễ dàng nếu muốn. Nhưng thực tâm tôi không muốn thế. Nhìn nét mặt căng thẳng của Ngạc, tôi thấy dường như có một cái gì nghiêm trọng sau ván cờ này. Lòng tôi dấy lên một nỗi lo sợ vu vơ. Tôi quyết định: Phải thua! Nhưng thua làm sao thật tự nhiên để Ngạc không thể khám phá ra.
Tôi cầm con Tượng kéo xuống để
hở mặt Tướng, sau khi con Xe đỏ của Ngạc đã tàn sát cặp Sĩ của tôi. Tiếp đến vì
một nước đi “lơ đễnh”, tôi lại bị Ngạc bắt mất con Mã vốn là nỗi đe dọa đối với
hắn.
Ngạc sung sướng reo lên:
- Nhất định ông phải thua tôi ở ván cờ cuối cùng này!
Tôi nhìn vào bàn cờ làm ra vẻ
suy nghĩ thật lâu. Mà thực ra tôi cũng đang điên đầu để tìm ra được nước thua
kín đáo. Cuối cùng tôi xuất Tướng và chỉ chờ có thế, Ngạc cầm con Xe đỏ vỗ
mạnh. Tướng tôi lại thụt vào.
Rồi chỉ bốn nước sau, con Chốt
đỏ của Ngạc nhập cung. Ngạc cầm con Xe đỏ lên. Nước cờ quyết định thắng bại đã
rõ. Tôi liếc Ngạc và cảm thấy hài lòng về nước thua kín đáo tôi đã khéo léo tạo
ra từ những nước đi trước.
Nhưng thật bất ngờ, Ngạc ném mạnh con Xe đỏ của hắn
vào bức tường đối diện, thay vì đặt lên bàn cờ chiếu bí tôi. Ngạc nói bằng
giọng tuyệt vọng:
- Ông vẫn thắng! Tôi luôn luôn là kẻ bại trận!
Tôi làm bộ ngạc nhiên:
- Sao thế? Ông chỉ chiếu thêm một nước là tôi bí mà?
Ngạc lắc đầu:
- Không đâu! Ông thắng tôi ở sự cao thượng của tình
bạn. Vừa rồi vì háo thắng, mặc cảm, tôi tưởng rằng đã giết được cặp Mã của ông
và thủ thắng. Nhưng giờ thì tôi hiểu tôi đã thua. Ông đã “tặng không” cho tôi
con Xe và cặp Mã!
Nói đến đây Ngạc đưa tay lựa con Xe và hai con mã Xanh
bỏ vào túi quần rồi từ từ đứng dậy. Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt thăm thẳm, miệng
lẩm bẩm:
-Tôi vẫn thua ở ván cờ cuối cùng này. Cám ơn bạn đã
chu đáo dành cho tôi... “chiếc xe song mã”. Vĩnh biệt!
Ngạc xoay lưng bước ra cửa. Tôi vừa toan đứng lên giữ hắn lại, nhưng bất chợt tôi nhìn thấy nguyên một phần đầu phía sau của Ngạc dập nát, óc và máu bầy nhầy ướt đẫm lưng áo. Tôi hét to với nỗi kinh hoàng cùng cực và ngã xuống ngất lịm."
Kể đến đây, bác tài xế rút khăn
tay lau những giọt mồ hôi lạnh nhơm nhớp trên trán. Đoạn nói tiếp:
- Ông biết không, tôi nằm bất tỉnh như thế khá lâu.
Đến khi mở mắt ra, tôi ngạc nhiên thấy phòng khách lố nhố những người, trong số
có cả hai nhân viên cảnh sát.
Thấy tôi đã hồi tỉnh, Đoan Trang khẽ nói:
- Anh ở một mình, trúng gió như thế này nguy hiểm quá.
Lúc ba em và mọi người đến thấy hai cánh cổng sắt bên ngoài và cánh cửa trong
này vẫn mở toang.
Linh tính có chuyện không may đã xảy ra, tôi hỏi Đoan
Trang:
- Có chuyện gì vậy em?
Ông Thanh đứng bên cạnh con gái, đỡ lời:
- Bác báo cho cháu biết một tin vô cùng đau đớn: Ngạc
đã tử nạn vì bị chiếc xe đò tông văng vào vách núi, gần khoảng thác Đa Tăng La.
Nguyên phần sọ phía sau bị dập nát. Ngay sáng mai bác sẽ điện về Sài-Gòn cho
gia đình cậu ấy biết.
Nghe ông Thanh nói tôi choáng váng. Sự kiện xảy ra hoàn toàn trùng hợp với giấc mơ kinh hoàng của tôi. Từ việc Ngạc bị chiếc xe đò tông vào vách núi gây vết thương trí mạng phía sau ót, đến việc Ngạc rủ tôi đánh ván cờ sau cùng trước khi tôi ngất đi. Thực và mộng quện chặt lấy nhau đến độ tôi nghi ngờ ngay cả sự có mặt của ông Thanh, Đoan Trang, hai nhân viên cảnh sát. Họ đang hiện hữu thực sự, hay cũng chỉ là hình ảnh, sự kiện nối tiếp của cơn ác mộng? Tôi cắn vào môi mình. Cảm giác đau điếng đủ cho tôi hiểu, ít nhất ở thời gian này, tôi đang tỉnh.
Tôi vụt rời khỏi giường bước
nhanh đến chỗ bày bàn cờ tướng. Những quân cờ hai bên vẫn còn nguyên với những
diễn tiến của trận đấu của ván cờ tàn vừa qua. Con Chốt đỏ của Ngạc đang nằm
trong cung và chỉ thêm một nước chiếu nữa là bên xanh của tôi bị thua. Tôi nhớ
lại, Ngạc đã cầm con Xe đỏ và thay vì chiếu bí tôi, hắn đã ném mạnh vào bức
tường. Tôi nhìn xuống đất. Con Xe đỏ vẫn còn nằm lăn lóc bên những mẩu thuốc lá
theo thói quên bừa bãi, tôi thường búng tứ tung thay vì dúi vào chiếc gạt tàn.
Một điều nữa khẳng định sự có mặt của Ngạc vừa mới đây là: bộ cờ thiếu mất con
Xe và hai con Mã xanh - những quân cờ Ngạc đã lấy bỏ vào túi trước khi xoay
lưng bước đi...
Rửa mặt thay quần áo xong, tôi theo cha con ông Thanh và hai nhân viên cảnh sát đến nhà xác bệnh viện Đà Lạt. Trời chiều lạnh buốt. Rừng thông dưới thung lũng ven đường qua cơn giông bão đêm trước, nhoài mệt ủ rũ dưới sức nặng của những đám mây xám chập chùng từ bốn phương tám hướng trôi về. Đầu óc tôi bềnh bồng, hư ảo. Những hình ảnh, những sự kiện giữa mộng và thực vẫn đan chéo vào nhau trong cùng một khoảng không-thời-gian nhiều biến động. Tới bệnh viện Đà Lạt tôi lặng lẽ bước xuống xe theo ông Thanh, Đoan Trang và hai người cảnh sát vào khu nhà xác. Mới đến cửa tôi đã nghe nhiều tiếng khóc thút thít vang ra.
Người
cảnh sát đi bên tôi chép miệng nói:
- Lúc này tai nạn xảy ra nhiều quá. Trưa hôm qua chiếc xe lô chở hơn mười hành
khách lao xuống vực, không ai sống sót hết!
Từ bên trong, tiếng một người đàn bà thảng thốt la
lên:
- Trời ơi đúng là Mỹ Linh, con gái tôi! Tại sao con bỏ
mẹ con đi thế này con ơi là con ơ-i-i-ơi...!
Cái tên của người con gái bị tử
nạn khiến tôi giật mình bước nhanh lại chỗ thềm xi-măng quàn hàng chục xác
người. Tôi nhìn mặt người chết. Đúng là cô gái đêm qua đã đến ngôi biệt thự của
chúng tôi giữa cơn mưa bão. Da mặt tuy đã tái nhợt, nhưng cũng không xóa hết vẻ
thanh tú hiếm có mà ai đã từng gặp một lần, khó thể nào quên. Không cầm lòng
được, tôi buột miệng hỏi người đàn bà:
- Thưa
bà, có phải cô Mỹ Linh học năm thứ hai phân khoa Triết ở Đại học Văn Khoa?
Không ngước lên nhìn tôi, người
đàn bà rền rĩ: “Trời ơi tự dưng một hai nó đòi đi thăm lại căn nhà cũ của con
Hàng Tố Hoa, đứa bạn gái của nó đã chết từ đời thuở nào rồi. Thật là khổ thân
tôi!”
Một cảm giác lạnh buốt vụt chạy
nhanh từ xương sống lên đến đỉnh đầu. Cô gái đang nằm đây bị tử nạn vào trưa
ngày hôm qua. Thế mà vào buổi tối cũng ngày hôm đó, tôi và Ngạc đã cùng ngồi
nói chuyện, uống trà với cô ta! Đang bàng hoàng trong cơn chấn động thần kinh,
tôi bị ông Thanh nắm vai kéo lại chỗ đặt xác Ngạc. Bị thôi thúc bởi sự tò mò
cùng với niềm sợ hãi tột cùng, tôi lật tấm vải quàn, trước ánh mắt ngạc nhiên
của ông Thanh, tôi thò tay vào túi quần Ngạc... Rút tay ra giơ lên trước mặt,
tôi từ từ xòe từng ngón. Trong lòng bàn tay tôi là ba con cờ: Con Xe và hai Con
Mã!
Bác tài
xế kết thúc câu chuyện bằng tiếng thở dài:
- Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn sợ hãi khi
nhìn thấy bất cứ con cờ nào của bàn cờ tướng. Tôi còn bị ám ảnh bởi Ván cờ ma
quỷ!
Hồ Ông
Ông mục sư hội thánh tôi kể rằng ông nghèo không có tiền mua nhà tốt, nhưng may mắn mua được một ngôi nhà ̣đẹp mà rất rẽ vì nhà âý có ma ám khi còn ở VN. Nhưng mọi ngừơi trong gia đình ông luôn bình an cho đến khi sang Mỹ vì được Chúa bảo vệ, ma quỷ không đe dọa hay quấy phá gì được. Nếu nhà nào bị ma ám, hãy mời linh mục hay mục sư và hội thánh Chúa đến cầu nguyện đuổi ma quỷ đi, gia chủ phải là con cái Chúa, được Chúa ở cùng thì ma quỷ sẽ lui đi vì Đức Chúa Trời thắng hơn ma quỷ. Trong kinh thánh cho thấy biết bao lần Chúa đuổi quỷ.
ReplyDelete" Bạn tin có một Đức Chúa Trời, bạn tin đúng, ngay cả ma quỷ cũng tin và run sợ" Gia cơ 2;19
Nhưng ma quỷ tuy rất sợ Chúa và những người run sợ
Chúa giống như ma quỷ thì vẫn không được vào thiên đàng. Phải là người tin nhâṇ Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mì̀nh,ăn năn tội lỗi với Chúa, trung tín yêu mến Chúa trọn ̣đời thì mới được tha tội và được cứu vào thiên đàng. "Nhưng hể ai đã nhận Ngài, thì̀ Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái ̣Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài" Giăng 1:12
Bà Châu San Diego