* Hạnh phúc đóng cửa
này thì mở cửa kia, nhưng đôi khi chúng
ta nhìn quá lâu về phía cửa đóng mà không thấy cánh cửa kia đã mở!
* Often we look so long at the closed door that we do not see the one that
has been opened for us. – Helen Keller
Xin mời quý vị thưởng
thức câu chuyện cuộc đời cảm động diễn tả tâm lý nặng nề bảo thủ của một gia
đình đưa đến sự chia ly, đau khổ của hôn nhân, nhưng kết thúc bằng một cuộc
tình hạnh phúc, qua ngòi bút của Tác giả
Đứa con
SỎI
NGỌC
Những toa xe lửa ngầm métro ồn ào lao
nhanh trước mắt, rồi dừng lại trước mặt tôi, hai cánh cửa tự động bật ra hai
bên, đoàn người bên ngoài đông đảo đang đứng chờ tránh ra, xếp thành hai lằn
dài ngoằng trước cửa métro nhường chỗ cho khối người bên trong ùn ùn đổ ra những
hướng khác.
Tôi bị đoàn người xô lấn sau lưng đẩy vào
bên trong toa xe, không còn chỗ nào khác ngoài chỗ tôi đang đứng sát cánh cửa
bên kia của toa, đông đến nỗi không còn chỗ cho tôi đưa cánh tay ra nắm lấy
khung sắt để giữ cho khỏi té mỗi khi xe thắng; trước mặt tôi những chiếc lưng
khổng lồ với những chiếc áo lạnh mùa đông dầy đen của đủ các sắc dân che hết tầm
mắt nhìn, đứng lọt thỏm trong một góc chật hẹp.
Đoàn tàu chạy quẹo bên trái, bên phải lung
lay lúc lắc một lúc như chiếc hộp nong lên nong xuống vỗ vỗ, chỗ đứng hình như
cũng thoải mái hơn chút. Mỗi trạm, toa ngừng lại, những người ra thì ít mà kẻ
vào thì nhiều, vì hình như ai cũng muốn đến trạm trung gian để đổi xe đi hướng
khác. Buổi sáng đầu tuần đi làm, số người vào càng đông, chen tôi đến không ngước
lên nhìn bảng khi nào tới chỗ tôi cần ngừng nữa!
Bỗng bên tai tiếng nói của người thông báo
ở mỗi trạm dừng phát lên:
- Iberville!
Đến chỗ tôi làm rồi! Làm sao bước ra, đông
nghẹt người trước mặt, tôi phải vừa lẩm bẩm “xin lỗi” vừa dướn người lên. Mọi
người tránh chỗ cho tôi, con đường bé nhỏ ấy chỉ vừa cho bàn chân tôi đặt xuống
để bước ra. Tôi giật mình vì tiếng của người đàn ông đứng cách đấy không xa, vang
lên:
- Sương
Linh!... Sương Linh!... phải không?
Tôi vội quay
lại nơi giọng nói phát ra, người đàn ông trạc tuổi tôi trong bộ đồ veste đen,
tóc tai cắt gọn gàng với đôi kính trắng trông thật vững vàng điển trai, tôi
chưa nhận ra là ai vì trong lúc này gấp rút phải bước ra thật nhanh chứ không
thì cửa sẽ tự động đóng lại sau hai phút.
Thấy tôi
còn lưỡng lự chưa nhận ra, anh ta vội vàng xưng tên:
- Lãm đây,
Thanh Lãm đây!
- ...
Tôi bước ra
khỏi toa xe, khuôn mặt Thanh Lãm hiện ra ở khung cửa toa tàu, anh ta đưa tay vẫy
vẫy, miệng nhoẻn cười thật tươi với tôi, rồi chiếc xe vội vàng biến mất khỏi tầm
nhìn của tôi.
Tuyến đường
tôi thường đi làm là tuyến đường đông khách nhất ở Montréal, ai cũng phải đi
qua đây để đến chỗ trung gian chuyển trạm hay cũng có thể đi con đường thẳng của
họ, nó nối liền những vùng xa xôi với nhau, rất tiện cho những người không có
xe riêng hoặc nếu có cũng đỡ phải tìm chỗ đậu xe rất khó khăn ở phố.
Tàu điện ngầm,
métro ở dưới lòng đất này là niềm tự hào của Canada vì nó chạy bằng điện và những
bánh xe bằng cao-su chạy trên đường sắt chứ không phải là những bánh xe sắt như
ở nơi khác, lòng xe rộng rãi, sạch sẽ và khá an ninh so với các cường quốc khác,
với tốc độ khoảng 72km/g; những khách du lịch phải một lần ghé thăm và trải
nghiệm với các tuyến đường tàu điện ngầm ở Montréal.
Khuôn mặt của
Thanh Lãm hiện ra trong trí óc tôi, thì ra là anh chàng thư sinh năm nào! Chàng
đã thay đổi nhiều theo năm tháng, hồi xưa cùng đi học với tôi ở dưới trung học,
chàng chỉ là người con trai mới lớn ở tuổi dậy thì, lúc nào cũng chăm chỉ lắm,
quyển sách không rời tay. Còn tôi lúc ấy cũng là một cô bé rất nghịch ngợm liến
thoắng, suốt ngày đi chơi ca hát, làm văn nghệ với các bạn cùng trường, tôi và
chàng cùng chung tổ học, nhưng chàng là người làm bài cho chúng tôi copy mà
không bao giờ phàn nàn, mà còn lấy làm vui khi chúng tôi hí hoáy viết lại những
bài toán hóc búa của chàng đã giải, chàng rất tự tin với những bài làm của
mình, không bao giờ sai!
Những lúc
tôi múa hát ca trên sân khấu của trường thì chàng chỉ đứng yên nhìn ngắm, vui
sướng với những thành quả tôi đạt được; chàng hạnh phúc ra mặt khi nhóm múa của
chúng tôi được tuyên dương hay đạt thành tích, nhỏ nhẹ cho tôi ý kiến để đoàn
múa đạt được nhiều lời khen hơn nữa. Chàng như một chiếc bóng âm thầm có mặt và
bảo vệ cho tôi ở mọi nơi mọi lúc mà tôi không bao giờ để ý đến.
Hết trung học,
tôi lên đại học, chàng theo gia đình dọn về một tỉnh khác ở phía nam của Montréal,
chàng có viết cho tôi một lá thư và trao cho tôi khi vừa chấm dứt phần văn nghệ
kết thúc khóa học của trường, lúc ấy tất cả lao chao, người tặng hoa kẻ chụp
hình, người bá vai ôm cổ chúc mừng…
Lá thư của
chàng vô ý bị lạc rơi mất ở nơi nào mà tôi không tìm thấy nữa! Hình như là định
mệnh của chúng tôi, vì coi như chàng ra đi không một lời từ biệt tôi!!
*
Ngày tháng
như thoi đưa, tôi đã lập gia đình lúc 23 tuổi, khi vừa tốt nghiệp đại học và
tìm được việc làm, một chân kế toán trong một hãng xưởng đồng hồ.
Chồng tôi
là chủ của hãng ấy, anh theo đuổi tôi khi mới gặp mặt lần đầu vào buổi khảo sát
mướn người vào làm. Tôi nhận lời làm vợ anh ngay không mấy khó khăn, cũng không
đòi hỏi nhiều thời gian hiểu thấu đáo, vì lúc ấy tôi còn quá trẻ, lại thấy anh
là người đàn ông thành đạt, giàu có, nếu tôi chậm chân thì chắc sẽ có cả khối
cô gái đang xếp hàng chờ! Tôi nhanh chóng làm vợ anh mà không hiểu rõ tình yêu
là gì và có cần thiết hay không nữa!
Vào lúc ấy
mẹ tôi bệnh nặng đau yếu, cứ ra vào nhà thương, mẹ tôi muốn tôi lập gia đình để
có nơi nương tựa, lỡ mẹ có mệnh hệ nào thì tôi cũng đã có nơi có chỗ, mẹ cũng
yên lòng.
Chồng tôi
là con trai độc nhất của một gia đình giàu có từ ở Việt-Nam sang đến Canada, cả
nhà đều đặt niềm tin cả vào anh. Anh phải có vợ đẹp, học giỏi, khéo léo, con
nhà gia giáo, ngoan ngoãn, và sự đòi hỏi của gia đình anh là phải làm dâu và có
một đứa con trai đầu lòng!
*
Gia đình
tôi qua Canada từ khi tôi còn mới 10 tuổi; bố thường xuyên bị đau yếu vì kết quả
của những ngày tháng học tập cải tạo ở quê hương khi miền Nam bị cưỡng chiếm,
cuối cùng ông qua đời khi sống với chúng tôi được một khoảng thời gian không
lâu chừng 7 năm, cũng vừa đủ để chúng tôi lớn khôn, xong phần trung học, và tất
cả đã vào nề nếp. Mẹ thay bố gánh vác chức năng làm mẹ và bố này để cho hoàn
thiện hơn, nên mẹ tôi tuy chưa già nhưng bệnh tật vẫn mãi bám sát không tha!
Những ngày
đầu về làm vợ anh, tôi được gia đình bên anh thương quý, vì dưới mắt họ tôi là
đứa con gái ngoan ngoãn hoàn hảo, không ăn chơi, chỉ biết học và làm việc, sống
trong một gia đình lễ giáo. Họ thường gọi tôi ra một cách hãnh diện để giới thiệu
với khách mời đến thăm gia đình.
Tuy nói là
làm dâu nhưng tôi không bị khổ như những nàng dâu trong truyện xưa cũ ở Việt-Nam,
nhìn sơ qua ai cũng thấy tôi được mọi người thương mến, nhà bên chồng giàu nên
có nuôi một chị người làm, lo bếp núc và quét dọn tất cả. Nhiệm vụ của tôi đã
được giao phó là phải có một cậu con trai cho ông bà bế bồng và là người nối
dõi cho dòng họ!
Ba năm làm
vợ chồng, cuộc sống êm đềm trôi qua, nhưng lúc nào tôi cũng phải giữ vai trò
làm dâu đối với bố mẹ chồng, làm vợ đối với anh, tôi chưa thực sự hiểu hạnh
phúc là gì, vì cảm thấy tất cả như một vỏ bọc được phết một lớp sơn hoàn mỹ bên
ngoài, chờ ngày lật tẩy; cuộc sống giữa tôi và chồng chênh vênh thế nào mà tôi
không sao tả nổi, chuyện gì cũng có sự “nhúng tay” của mẹ chồng cả. Ra ngoài
công ty anh là một ông chủ rất tháo vát, nhưng về nhà anh lại là một người con
cúi đầu khiếp nhược, ít nói, ngay cả việc có lý anh cũng không dám lên tiếng để
bênh tôi!
Anh và tôi
làm cùng sở, ăn trưa, ăn tối đều có nhau, sáng anh đi sớm, tôi đi sau bằng métro
vì muốn chính tay mình làm đồ ăn sáng cho bố mẹ chồng rồi mới đi, chiều thì cùng
về, ai cũng tưởng chúng tôi có nhiều thì giờ kể lể cho nhau nghe mọi chuyện;
nhưng không, lúc nào anh cũng bận, hết ăn chung với nhân viên, lại bận phone với
các đối tác, ngay cả khi tôi ngồi cạnh cùng dùng bữa trưa, từ đầu giờ đến cuối
giờ anh chỉ ôm cái phone nói chuyện với họ, tôi ăn xong âm thầm tự dọn đồ ra khỏi
phòng anh! Tối về, anh lại tiếp tục nói với tôi về chuyện họp hành cho ngày hôm
sau.
Thấy chồng
bận quá, đi sớm về trễ, tôi cũng chẳng nghi ngờ hay hỏi han, nhiều khi muốn tâm
sự cùng anh, tôi vẫn tìm không ra chút thì giờ rảnh của anh để một mình bên anh,
nhiều lúc tôi tủi thân tự hỏi không biết tình yêu có thực sự tồn tại trong tim
của mỗi đứa chúng tôi?
Một hôm
trong lúc ăn cơm chiều, bố chồng tôi dõng dạc:
- Ba năm lấy
nhau... các con không cảm thấy nhà mình thiếu tiếng cười của trẻ nhỏ sao?
Mẹ chồng
tôi cũng thêm vào:
- Con Sương
Linh cũng phải để ý đi khám bác sĩ đi chứ!
Tôi giật
mình:
- Là… con sao? Con… đi khám một mình sao?
Mẹ chồng tôi bỗng nhiên nói một tràng như đã nhịn lâu lắm mà chưa nói ra:
- Thường người ta lấy chồng là đã sanh
ngay sau đó một năm rồi, đàng này đến ba năm mà chưa có con thì… Phải đi khám
chứ còn gì nữa! Người ta có câu “gái độc
là gái không con…”
Bà dừng lại ngang đó! Tôi giật mình sững người,
cả người lạnh toát mặc dù trong nhà có máy điều hòa ấm áp, tôi không ngờ bà lại
nói ra được câu nói cay nghiệt ấy, mà có phải lỗi đều là do tôi đâu! Thấy tôi
ngồi yên không nói gì, mặt xụ xuống thì chồng tôi lên tiếng đỡ:
- Để tụi con sẽ xem thế nào, sẽ đi khám
bác sĩ… Với lại, có con cũng phải có duyên chứ có muốn ngay cũng không được ạ!
Từ ngày ấy tôi rất ngại gặp bố mẹ chồng một
mình, vì cảm thấy như mình có lỗi không sanh cho họ một đứa con! Tôi càng trốn
thì mẹ chồng tôi càng tấn công hơn nữa!
Khi chồng tôi đưa tôi đi khám bác sĩ về, mẹ
chồng đã đón ở cửa:
- Thế nào? Ông ấy bảo sao? Có sao không? có sanh được không hay bị triệt…?
Chồng tôi khó
khăn lắm mới đỡ lời:
- Bác sĩ bảo
vì cô ấy stress quá nên chưa có được, cứ để từ từ rồi sẽ có thôi!
- Đã ba năm
rồi từ từ gì nữa, phải lo đi chứ, chờ càng lâu thì càng lớn tuổi đẻ sẽ khó, ở
tuổi này là tốt nhất! …À mẹ có nhờ mua mấy thang thuốc bắc, tối nay trước khi
đi ngủ con Linh nhớ uống nhé!
Tôi đứng yên như trời trồng, không biết phải giải thích hay chống đối thế nào, đành lẳng lặng về phòng, nhưng trong lòng thật buồn chán, thất vọng lẫn chua cay.
Thấy tôi nằm dài lên giường, mặt buồn rười rượi, chồng tôi ngồi xuống cạnh, vuốt cánh tay tôi:
- Thôi em đừng
buồn mẹ, cũng chỉ vì muốn mình có con nối dõi tông đường mà thôi! …Em ngủ trước
đi, anh làm xong bài tường trình cho buổi họp ngày mai rồi ngủ sau!
Tôi ngồi bật
dậy, mở mắt lớn nhìn anh, định nói “Anh có yêu em thật lòng mỗi khi mình gần
nhau không? Hay chỉ làm cho có?” nhưng lại thôi, tôi không đủ can đảm thốt lên
sự suy nghĩ của mình, vì phải có tình yêu sâu đậm giữa cả hai người thì mới tạo
nên hình hài của bào thai, chứ đâu phải chỉ gần nhau cho xong chuyện thì làm
sao có con được! Sự hời hợt của anh không làm tôi thấy đủ tình yêu của anh dành
cho tôi, anh chỉ làm cho đúng bổn phận và lăn quay ra ngủ mà không màng đến tôi
sau cuộc mây mưa ấy. Nhiều lúc tôi không biết mình có phải là vợ thật sự của
anh không nữa, hay chỉ là người cùng chia chiếc giường ngủ với anh qua đêm mà
thôi!
Anh lấy tôi
một cách nhanh nhẹn vì gia đình đốc thúc, trong trái tim anh hình ảnh tôi không
nằm trong ấy, cả hai chúng tôi như hai kẻ lạ chung phòng thì cũng không phải,
nhưng là vợ chồng thì cũng chưa đến mức! Nhiều lúc anh ngồi đọc sách hay xem
phim ở phòng bên cạnh đến quên luôn cả tôi bên phòng bên này, rồi anh ngồi bên ấy
ngủ luôn. Có những lúc anh đi ra ngoài thật sớm và về trễ cũng không màng giải
thích với tôi điều gì, tôi cũng lại giữ im lặng, không muốn làm lớn chuyện vì
chỉ một mình bà mẹ chồng của tôi thôi cũng thấy nhức đầu lắm rồi!
Khoảng cách
giữa chúng tôi ngày càng xa, tôi tự nghĩ có khám bác sĩ cả trăm lần đi nữa mà
không có sự hợp tác khắng khít của vợ chồng thì làm sao tạo nên một bào thai??
Buổi tối
sau bữa cơm, bà đem ra một bát nước đen ngòm, không biết là lá cây gì, nói với
tôi:
- Con hãy uống
bát thuốc này đi!
- …Thôi,
con không uống đâu!... Nhìn nước đen như thế này…
- Con phải
uống!
Tôi giương
mắt nhìn bà, rồi lại nhìn anh, không ai đứng về phía tôi cả, làm như tôi là người
duy nhất có lỗi trong vụ có thai này! Thấy không thể từ chối được, tôi đành đưa
tay đỡ lấy bát nước đen thui, đặc quánh ấy, không biết là thứ nước gì nữa, để gần
đến môi, chưa kịp uống thì mùi hôi hôi nồng nặc của lá cây để lâu bay lên mũi,
làm tôi lợm giọng muốn ói, vội vàng đặt bát thuốc xuống bàn, tôi chạy vào nhà vệ
sinh, ói tất cả những gì vừa ăn của buổi cơm chiều.
Mẹ và chồng
tôi vẫn thản nhiên đứng đó nói như không có việc gì:
- Xong rồi
thì ra uống hết chén thuốc nhe!
Tôi không
biết nói sao, đành lau miệng bước ra, cả người bần thần, chán chường và tức tối.
Tôi cầm chén thuốc cố uống một ngụm, nước thuốc chưa qua được cổ họng, thì đã
trào dâng ướt cả ngực áo, tôi phải bụm miệng chạy vội vào nhà tắm, lại một cơn
ói mửa ra mật xanh mật vàng, đến nỗi không đứng nổi nữa, tôi đành ngồi luôn
trong buồng tắm. Tiếng bà vang lên từ phòng ngoài:
- Cứ làm bộ
làm tịch cho người ta phải mất công vì mình! Uống cái ực chứ có gì khó nhọc đâu
mà ói với mửa, thật phí công sắc thuốc!
Bà ra bên
ngoài gọi chị giúp việc lo sắc một bát thuốc khác cho tôi uống trước mặt bà cho
bằng được! Một tuần lễ bà dằn vặt tôi với bát thuốc mỗi tối, làm tôi không thể ăn
uống gì được nữa vì bị ám ảnh bởi bát thuốc và chỉ muốn ói khi thấy mùi thuốc ấy
xông lên thật khó uống. Tôi ngày càng giảm cân, còn chồng tôi vì chán chường cảnh
bắt ép nhau nên bỏ đi mà chả nói cho tôi biết là đi đâu, đến thật tối khuya mới
về, và ngủ ở phòng kế bên. Tôi tưởng chừng như mình đang là tội phạm của gia
đình bà, lúc nào cũng phải lén lút, khe khẽ bước đi vì sợ nếu làm động mạnh sẽ
làm mọi người chú ý và bắt tội tôi!
Một bữa anh
nói với tôi hãy nghỉ ở nhà để lo tẩm bổ, đừng đi làm nữa cho bớt stress, tôi tưởng
thật là anh yêu và lo cho tôi, nên tôi nghe lời ở nhà nghỉ một tuần.
Ngày đầu
tiên ở nhà, vừa tắm từ trong bồn bước ra, tôi mở màn với tay lấy cái khăn lau
người, tôi giật mình thấy mẹ chồng ngồi ngay cạnh bồn tắm, tay cầm một lọ thuốc
và một cây que, bà nói:
- Mẹ vừa
xin ông thầy thuốc ta điều chế thứ thuốc này rất hiệu nghiệm, ông thầy đã làm
phép, con bôi vào… chỗ ấy, sẽ linh ứng lắm!
Tôi buột miệng
kêu lên:
- Mẹ ơi! Thời
buổi này mà mẹ còn…
Chưa kịp
nói dứt câu bà đã đứng phắt dậy giằng chiếc khăn trên mình tôi rớt xuống:
- Nếu mày
không bôi vào thì để tao bôi cho, còn cãi lại thì… ly dị đi!
Tôi ngây
người nhìn bà, không biết bà nói thật hay nói giỡn, bà hồng hộc xông vào người
tôi, đè tôi vào sát tường buồng tắm, vặn nút chai chấm cái que dài vào lọ thuống
mà bà gọi là linh ứng ấy, tôi thấy bà rút ra màu nước nâu đậm xì như nước nhớt
bôi máy xe hơi, bà lăm lăm cây que thuốc ấy đòi sẽ bôi vào người cho tôi.
Tôi vùng vẫy
khỏi cánh tay bà, hất mạnh chiếc que ấy, rơi xuống sàn nhà, lọ thuốc vỡ tan đổ
tung tóe! Bà tức tối nhào vào tát tôi hai cái thật mạnh trên má, làm tôi té xuống
đất chúi nhủi, cả người không mảnh vải che thân, tôi tủi nhục như bị ai xâm phạm.
Mẹ đẻ còn chưa bao giờ tát tôi như thế, tôi ở nhà bà với cương vị làm vợ con
trai bà, tức là dâu con của bà, chứ có phải là nô lệ hay kẻ phạm tội mà đối xử
với tôi như thế!
Trước khi
bước ra khỏi phòng tắm, bà giận dữ ném lên người tôi cái khăn tắm:
- Đi lấy đồ
mà mặc vào, đừng nằm ăn vạ ở đó nữa, nếu không đẻ được thì ly dị đi và tôi sẽ lấy
vợ khác cho con trai tôi!... Ngày mai theo tôi đi xem thầy trừ tà cho! Người ta
nói không sai, gái độc…
Hai hàng nước
mắt uất ức, xót xa, tủi phận chẩy dài xuống má, việc có con bộ chỉ một mình tôi
muốn đẻ là đẻ hay sao? Bà có bao giờ thấy con trai bà ở nhà với tôi thường
xuyên không? Hay anh lúc nào cũng kiếm cớ vắng nhà buổi tối? …Vả lại, sao bà
không bắt con trai bà đi khám bác sĩ mà chỉ một mình tôi đi khám? Bộ chỉ một
mình, tôi có thể nặn được ra cái bào thai à??
Không nói
gì với ai, tôi thẫn thờ bước ra khỏi nhà bà, đi về đâu cũng không biết nữa? Ở xứ
Canada này, thế kỷ 21 mà còn những gia đình bảo thủ và định kiến vậy sao? Hành
hạ con dâu như thời phong kiến như thế? Vẻ bề thế của gia đình chồng làm nhiều
người tưởng lầm, ngưỡng mộ, nhưng sống bên trong mới biết con người đối xử với
nhau thế nào!
Trời bên
ngoài đã về chiều, bóng hoàng hôn phủ khắp mặt đường, trái tim tôi cũng theo
bóng hoàng hôn mà u uất, rướm máu. Những tháng năm đầu tiên vui vẻ, hạnh phúc
kia không phải là thật sao? Chỉ là bức màn nhung che những ý đồ xấu xa của gia
đình họ hay sao? Còn chồng tôi, sao anh không bênh vực tôi? Anh cũng hùa với họ
coi tôi là tội đồ không mang thai được? Anh yên lặng khi mẹ anh nhiếc móc tôi
là “gái độc không con” anh im lặng tức là đồng ý? Tại sao vậy? tôi bị dụ hay
tôi mê cái vỏ bọc hào hoa của anh trong những ngày đầu gặp gỡ? trong lòng tôi
tình yêu đối với anh tan như bọt nước, vậy làm sao có con? Làm sao có thể gần
gũi nhau? Anh đi đâu, ở đâu trong lúc mẹ anh không ngần ngại miệt thị, tra tấn
tôi bằng những bát nước thuốc đen như nước bùn, không hiểu nguồn gốc?
Tôi hỏi ai,
chia xẻ với ai về nỗi đau khổ này? Chân thì cứ bước, trời về đêm, gió lạnh, tôi
không biết đi về đâu nữa, về nhà mẹ đẻ thì sợ bà lại lo lắng cho tôi! Nước mắt
không còn nữa để chảy ra cho vơi bớt nỗi cay đắng ngập lòng…
*
Con đường
Ste-Catherine về đêm thật đẹp, những ánh đèn sáng choang ở những cửa hiệu chiếu
hắt ra đường, kẻ đi người lại huyên náo quá, nhưng cũng có những cô gái ăn đêm
đứng thành từng tốp nói chuyện bâng quơ với những điếu thuốc trên môi…
Tôi băng
sang bên kia đường, ngồi xuống băng ghế đá của công viên, nơi đây vắng vẻ hơn,
tôi thầm nghĩ “Nếu có ai mướn mình đi một chuyến, thì mình cũng vui lòng, vì…
mình sẽ có… thai, mẹ chồng sẽ vui, gia đạo sẽ yên ấm, chồng mình cũng không bỏ
mình để lấy vợ khác!” Tôi nhếch môi cười mỉa mai, chờ đợi! chờ một người đàn
ông gốc Á đi qua mua tôi một đêm.
Chiếc xe
BMW bóng loáng ngừng ngay góc đường, một người đàn ông bước ra, tiến về phía
tôi, đi qua đi lại trước mặt tôi như dò xem kỹ khuôn mặt tôi, rồi dừng lại ngay
trước mặt:
- Sương Linh!
…Đúng là Sương Linh …sao ngồi đây đêm khuya vậy?
Tôi ngước mặt
lên nhìn người đàn ông gốc Á ấy:
- Anh… anh
muốn…
- Không nhận
ra tôi sao? …Thanh Lãm đây?
- …Thanh
Lãm?
- Phải rồi,
tôi đây! Hôm nọ mình đã “gặp” nhau trong métro đó!
- Vậy à?...
Tôi…
- À mà sao…
Sương Linh lại ngồi đây một mình vậy? Chờ ai?... Hay…
- Tôi… tôi…
- Rảnh
không? Cùng tôi sang bên kia ngồi uống nước nhé! Tôi đi làm về trễ, ngang qua
đây thấy Sương Linh mà cũng không chắc nên mới ngừng lại ở góc bên kia đường và
đi tới…
Những giọt
nước mắt tủi thân thi nhau tràn trên má, chàng như chiếc phao vớ được giữa dòng
thác đổ, tình bạn hồi xa xưa khơi dậy trong tim làm tôi tin tưởng chàng, và nghẹn
ngào tâm sự hết nỗi lòng mình.
Thanh Lãm
ngồi yên nghe tôi kể lể, lâu lâu lại lắc đầu, nhìn tôi với cặp mắt thật xót xa,
vuốt tóc tôi. Chàng nói:
- Cứ tưởng
gặp lại Sương Linh thật hạnh phúc, an vui với gia đình, nào ngờ lại có chuyện
không hay này xảy ra; ở thời nay mà còn có gia đình như thế này nữa thì thật
quá hủ lậu! …Nếu thật tình chồng của Sương Linh không còn yêu gia đình nhỏ của
chính mình nữa thì có níu kéo hay có con cũng vô vọng, còn khổ hơn nữa! Hãy nói
chuyện lại với chồng đi, rồi tính! Còn bà mẹ chồng sao tàn nhẫn quá vậy? Người
ta có thể xin con nuôi, hay làm thụ tinh nhân tạo mà… Sao bà ta không sanh hai
đứa con trai đi mà sanh chi có một đứa để rồi đòi người khác phải nối dõi! Mình
nghĩ cũng có thể là do anh chồng của Sương Linh có vấn đề cũng nên!
Tôi nhìn
anh, trong ánh mắt chất chứa niềm nghi ngờ. Phải rồi, sao tôi không nghĩ ra,
cũng có thể anh ấy… có vấn đề?!
Đêm càng xuống,
gió càng se thắt, chàng quay sang khoác cho tôi chiếc áo veste của chàng đang mặc,
nói với tôi:
- Thôi,
mình về nhé, hãy mạnh dạn nói chuyện thẳng thắn với anh ấy xem sao… Và đây là
carte visite của mình, có gì phone mình nhe, mình sẵn sàng giúp Sương Linh,
mình ở một mình thành ra đi sớm về muộn cũng không ai nặng nhẹ!
Tôi tròn mắt
ngạc nhiên hỏi:
- Chừng đó
năm rồi, sao không lập gia đình vậy? Bộ… chờ ý chung nhân nào đó sao?
- Mình chỉ
yêu một người ấy! …Người ta đi lấy chồng, mình chúc phúc cho họ, người ta đau
khổ mình là kẻ lau nước mắt, khi người ta hạnh phúc trở về với gia đình, mình lại
là kẻ cô đơn!
- Sao…
- … Ngu thế…
phải không?
- Biết trước
câu trả lời rồi há!
- Đời là
vậy đó! Tình yêu chân chính… là vậy đó! Mình lại là người quá chung thủy với ý
nghĩ và con tim của mình nên khó có thể làm trái lại!
- Hum… vậy
người con gái ấy là ai? Mà có diễm phước được ông chờ lâu đến vậy?
- … Người
ấy…
- Là ai?
- … Thôi, không nói đâu, nhưng… sau này
Sương Linh sẽ biết!... Mình về thôi!
- Ừ! Nói
chuyện với Lãm từ nãy giờ, Linh thấy hết buồn rồi đó, cũng may là chưa bị… ai
mướn qua đêm!
- Đừng! Đừng
làm những chuyện quái gỡ như vậy nhe, khi buồn hãy gọi mình, mình đã nói là rất
sẵn lòng nghe tâm sự của nàng mà!
Thanh
Lãm đưa tay lên lau nước mắt trên má tôi, như thuở xưa chàng đã giúp tôi gắn những
vòng hoa lên tóc trước khi ra sân khấu, vẫn những cử chỉ nhẹ nhàng, chăm chút
và tỉ mỉ khuyên lơn “ráng lên, đừng sợ
nhe, có mình trong cánh gà ủng hộ mà!” Tôi thật
cảm động trước những cử chỉ dễ thương ấy, tôi nhìn chàng với cả đôi mắt chan chứa
biết ơn.
Bỗng chàng cúi xuống sát với mặt tôi, đặt
lên má tôi chiếc hôn ấm áp, tha thiết. Thời gian như đọng lại, tĩnh mịch và yên
lắng lạ thường, cả tôi và chàng không ai nói với ai, rồi đột nhiên cả hai cùng
lên tiếng một lúc:
- Mình về!
*
Trên đường
về nhà chồng tôi, tôi yên lặng ngồi bên cạnh, lòng ngổn ngang như tơ vò, chàng
không ngớt quay lại nhìn tôi, lâu lâu lại bóp chặt lấy bàn tay tôi để hờ trên
đùi, như cho tôi thêm sức mạnh, sự can đảm.
Về đến
đầu ngõ, chàng ngừng lại để tôi xuống đi bộ vào nhà, không muốn để cả nhà chồng
tôi lại lên cơn thịnh nộ khi thấy tôi được người khác phái đưa về.
Tôi nhẹ
nhàng đẩy cửa sau bước vào nhà cho tiện vì nơi đây là chỗ để giày dép ngoài đường,
tôi đã nghe trong nhà tiếng bố mẹ chồng nói với chồng tôi:
- Vậy là…
vậy là con đã có kết quả khám nghiệm rồi à?
- …Dạ vâng!
- …Con biết
từ một tuần này rồi à?
- …Dạ
vâng!
- Thật khổ!
…Mình sẽ thử đi khám một nơi khác con à, có thể cái test đó không đúng, con
không thể nào có vấn đề được đâu! Vấn đề thường là ở người đàn bà không sanh được
chứ có ai là từ người đàn ông hiếm hoi tinh trùng chứ! Sai rồi, mẹ không tin,
mình sẽ đi khám ở một nơi khác con nhé, thật tình nhà thương nổi tiếng thế mà
làm ăn chả đáng tin cậy tí nào! Ngày mai mẹ sẽ hỏi bác Phương lấy hẹn khác cho
con đi thử! Không check lại hai ba nhà thương là không thể tin được!
Tiếng bố
chồng tôi thêm vào:
- Trong
lúc chuyện chưa ngã ngũ thì đừng nói gì cho con Linh biết nghe chưa, không thì
lại rắc rối nữa!
Tôi
nghe gia đình anh nói chuyện trong phòng salon rõ mồn một. Vậy là đúng rồi, vấn
đề tôi không có thai được là do chính chồng tôi, con trai của bà! Vậy mà bà cứ
khư khư đổ tội cho tôi, ép nài tôi nào là uống thuốc, rồi bôi thuốc, rồi đeo
bùa, đuổi ma bao lâu nay! Bây giờ mới rõ rồi, tôi để xem bà có thay đổi thái độ
với tôi không!
Tôi
sung sướng đã được giải oan, tôi không còn là “gái
độc không con” như bà thường rủa xả nữa! Coi như không nghe không thấy, tôi nhẹ
nhõm bước vào nhà chào:
- Dạ thưa
bố mẹ…
- Cô mới
đi đâu về trễ thế? Chắc đã ăn uống hết rồi phải không?
Thường
ngày nếu về trễ thế sẽ bị họ làm cho một vố ngập đầu, nhưng hôm nay cả nhà họ
đang có vấn đề nan giải, nên chỉ nói vài tiếng với tôi. Tôi làm bộ tiến lại cầm
bát thuốc lên để uống, bà vội vàng nói:
- Thôi khỏi,
không cần uống nữa làm gì…
- …Ồ!
Không cần nữa hả mẹ?… Tại sao lại…
- Cô chỉ
biết thế thôi! Không cần là không cần nữa… Thế thôi! Lên phòng đi ngủ đi!
Tôi
quay lại đưa mắt nhìn chồng, xem anh có nói gì không, anh ngồi yên mặt lạnh như
tiền, không đếm xỉa gì đến tôi, coi bộ chắc trong lòng đang lo lắng vì kết quả
hồi chiều. Tôi thấy tội nghiệp, dù sao chúng tôi cũng là vợ chồng, phải cùng
nhau chia xẻ vui buồn chứ, tôi sẵn lòng gánh bớt với anh sự thiếu thốn này, vì
anh cũng đã giúp tôi và mẹ những buổi đầu khó khăn khi mẹ bệnh và tôi vào xưởng
làm kế toán. Tôi nghĩ nếu không có con được, tôi cũng sẵn lòng xin con nuôi hay
làm nhân tạo ghép cấy vào bào thai, vì dù gì đi nữa tôi vẫn mang thai được cơ
mà, tôi vẫn là người phụ nữ bình thường mà! Chỉ sợ anh… không có can đảm thú nhận
sự thật cho tôi biết mà thôi!
*
Từ ngày
biết được điều bí mật ấy, lòng thật nhẹ nhõm thanh thản, tôi vui tươi trở lại
như xưa, đến sở cùng truyện trò với các bạn đồng nghiệp, buổi trưa vẫn rủ các bạn
ra ngoài ăn như thường lệ. Nhưng anh thì lại trở nên trầm tư bí hiểm, anh ít
nói hẳn đi, lúc nào cũng ngồi yên trong phòng làm việc, quay lưng nhìn ra ngoài
đường với dòng xe cộ đua chen chật cứng.
Tôi đưa tay định gõ cửa vào văn phòng an ủi
anh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, vì anh đang giấu tôi, chắc gì anh lại mở
lòng với tôi, hay có thể thấy tôi, tôi sẽ gây thêm áp lực cho anh?! Tôi chần chờ
ngoài cửa, nửa muốn gõ cửa, nửa muốn bỏ đi ăn với các bạn, mãi rồi tôi cũng quyết
định, đẩy cửa phòng bước vào, đóng cửa lại sau lưng tôi thật chặt, sợ có ai
nghe thấy, tôi tiến đến anh:
- Em có
thể nói chuyện với anh chứ?
Anh
nhìn tôi thật xa lạ, không vẻ gì thân thiện như tôi đã từng là vợ anh. Điều này
làm tôi chạnh lòng muốn khóc, anh gật đầu, chỉ cái ghế đối diện, cứ làm như tôi
là nhân viên của anh vậy:
- Anh!
Anh… có điều gì muốn giấu em phải không? Em… sẵn lòng vì anh, mình… sẽ nhận con
nuôi hay anh muốn em cấy thai nhân tạo? Hay…
- Cô nói
cái gì thế?
- Em… Hãy
nói cho em biết anh có…
- …Tất cả
là do cô thôi! Do cô không mắn… Cô muốn đổ tất
cả trách nhiệm này lên đầu tôi cả hay sao?… Chúng ta… ly dị đi!
Mặt tôi chắc
phải tái nhợt, tôi cảm thấy cổ họng nghẹt cứng, khô khốc, không ngờ chính từ miệng
anh lại thốt lên những lời nói ấy thật dễ dàng! Tôi nhìn thẳng mặt anh:
- Anh… anh
nói…
- Phải! Tôi
thấy mình không thể sống chung được nữa, không phải chỉ vì không sanh được con,
mà mình không thể nào hiểu nhau, gần nhau được nữa, tôi chán nản lắm rồi!
- Em… có lỗi
gì chứ? Hay… Anh đã có người khác?
- Phải! Tôi
đã không còn chút tình yêu nào với cô nữa! …Tôi sẽ sửa soạn đơn ly dị và hãy ký
vào đấy!… Bây giờ… hãy để tôi yên!
Tôi không
nói gì nữa, từ từ đứng lên, đôi tai lùng bùng, chân lạng choạng không hiểu vì bụng
trống rỗng từ sáng đến giờ chưa có hạt cơm nào hay vì quá mệt mỏi vì bao nhiêu
chuyện xảy ra cho tôi từ mấy tháng nay. Mắt hoa cả lên, cả căn nhà như đang
quay cuồng, tôi đứng không vững, tay đưa ra tìm một vật để níu lấy… cả đất trời
bất chợt tối đen!
*
Mở mắt ra,
mọi vật chung quanh thật quen thuộc, đã lâu lắm tôi chưa được thấy, tuổi ấu thơ
như ùa về khi thấy tôi được nằm trong căn phòng của chính mình từ hồi chưa lấy
chồng. Sau vài phút định thần, tôi bật dậy, tại sao mình lại nằm đây? Ai đã đưa
mình về đây? Mẹ đâu rồi? Tôi cất tiếng gọi:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Mẹ đẻ tôi xuất hiện với nụ cười trên môi nhưng ánh mắt đầy lo lắng, ôm lấy tôi:
- Con đã tỉnh
rồi à, mẹ đã ngồi bên con cả đêm qua đấy, con lên cơn sốt rất cao, miệng không
ngừng nói những điều mà mẹ chả hiểu gì cả, con chờ mẹ đang nấu nồi cháo cho con
nhé!
- Mẹ, ai đã
đưa con về nhà mình vậy?
- Chồng
con chứ ai? Chồng con đã đưa con về đây khi con trong cơn mê sảng, nó nói với mẹ
sẽ quay lại buổi tối hôm qua, thế mà đến hôm nay nó vẫn chưa quay về!
Tôi thì
thào trên vai mẹ:
- Anh ấy
sẽ không về nữa đâu!
Mẹ đẩy tôi ra khỏi vai mẹ, nhìn thẳng vào
mắt tôi:
- Con nói
gì? Chuyện gì xảy ra cho hai đứa phải không? Mẹ thấy nó cũng không vui, mặt có
vẻ nghiêm trang hơn mọi lần, nói mẹ biết chuyện gì?
Tôi gục đầu vào lòng mẹ, kể mẹ nghe tất cả
mọi thứ, từ những bát thuốc đen ngòm, đến những lá bùa, lọ thuốc mê tín dị đoan
của mẹ chồng, những cuộc phone bất tận của chồng như để tránh đối đầu với tôi,
những bữa cơm trưa và buổi tối vắng nhà thường xuyên của chồng… Cuối cùng,
chính anh là người có vấn đề trong việc hiếm muộn này!
Nghe xong, mẹ thở dài:
- Nếu chỉ vì hiếm muộn thôi mà vợ chồng vẫn
hòa thuận thì cũng có thể nhẫn nhịn sống với nhau, đàng này hai vợ chồng con
cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, thêm gia đình chồng mỗi ngày đều chế thêm dầu
vào lửa nữa thì sớm muộn gì cũng không có kết thúc tốt đẹp. Thôi thì mẹ để tùy
con, nếu còn yêu anh ấy, thì hãy nói chuyện lại, còn không thì… ký vào đơn ly dị
để cho mỗi đứa có con đường riêng…
Mẹ bước ra khỏi phòng sau khi đặt tôi nằm
xuống gối ngay ngắn. Tiếng dép mẹ xa dần, tôi ngồi dậy trong bóng tối của gian
phòng, từng giọt nước mắt không hiểu ở đâu lại nhỏ xuống ướt cả ngực áo. Ba năm
qua tuy không dài cũng chẳng ngắn, ba năm tuổi xuân qua đi, tôi đã sống hết mực
yêu thương gia đình chồng, coi họ là gia đình của chính tôi, cố gắng gầy dựng
cho tương lai từ gia đình đến công ty, tôi đã nỗ lực hết mình để làm công ty
ngày càng nhiều cổ phần và số lãi càng cao. Thế mà tất cả chỉ là xe cát biển
đông! Công sức dã tràng! Cũng may chúng tôi không có con với nhau, chứ có thì
chắc họ sẽ chỉ bắt lại đứa cháu mà tìm cách đuổi tôi ra khỏi nhà, nghĩ đến đó
tôi rùng mình run sợ! Âu cũng là lỗi của tôi một phần vì đã vội vã lấy chồng mà
không có một tình yêu sâu đậm, không tìm hiểu kỹ và tôi đã si mê cái vỏ bọc hào
hoa của anh, ngỡ rằng tình yêu sẽ đến sau hôn nhân…
*
Bẩy năm lướt qua như cơn gió thoảng, tôi
phải phấn đấu với bản thân, can đảm tự mình đứng lên mà không vịn vào ai; bài học
hôn nhân đầu đời cho tôi một kinh nghiệm sâu xa, không vội vã và không nhìn người
qua bề ngoài của họ!
Tôi tưởng cuộc đời còn lại sau này mang
màu xám nghoét, quay lưng lại với tôi, nhưng không ngờ ông Trời còn ban cho tôi
một ân huệ nữa!
*
Chung quanh chiếc bánh nhỏ, năm ngọn nến đủ
màu lung linh thắp sáng, năm chiếc miệng bé bé xinh xinh chu môi cùng thổi nến,
ba bé gái tóc cột những dây nơ dài xoắn thật dễ thương, còn hai cậu bé trai thì
mặc áo chemise trắng, thắt nơ đen, quần tây đen có quai đeo lên hai vai trông
thật điệu nghệ. Chúng cười nói vang cả nhà.
Chồng tôi, Thanh Lãm nói to với các cháu:
- Các con… Tina gọi bạn đứng hết vào bên cạnh
chiếc bánh đi, bố chụp hết nhé!
Một lát anh lại quay vào bếp gọi tôi:
- Em hãy bỏ đồ đó đi, vào ngồi đây với con
gái và các bạn của con để anh lấy hình tất cả!
- Hay anh để máy lên chân đứng đi, rồi vào
đây ngồi chụp chung với mọi người luôn!
- Ok, vậy nhé, Tina ngồi cạnh mẹ đi, nhớ
chừa một chỗ cho bố chạy vào nữa đó nhe!
Sau khi chụp xong, tôi xem lại trong máy
hình gia đình thật đẹp, cái thì con gái nằm lăn giữa chúng tôi, cái thì cả ba
chúng tôi cùng chụm đầu vào nhau, bên dưới ánh nến lung linh chiếu, tỏa ra sức
nóng ấm của gia đình đang hạnh phúc sum vầy.
Chụp hình là niềm đam mê của chàng, những
lúc tôi đứng ở cửa phòng ngủ nhìn ra sau vườn, thấy chàng cùng chiếc máy gọng
dài ngắm nụ hồng vừa hé nở trong sương mai, lúc thì nằm dài xuống thảm cỏ nhắm
bắt hình con sóc đang gậm hạt dẻ bằng hai chân trước… Chàng cũng say mê cả ngày
chụp hình con gái Tina năm tuổi của chúng tôi, hình con gái được treo đầy nhà,
đầy phòng, những hình thật nghệ thuật chan chứa tình cha con, và những hình
nhìn vào cảm nhận được sự trìu mến của chàng đối với con gái bé bỏng từ lúc lọt
lòng…
Thời gian đã xóa nhòa những đau khổ phiền
lụy của một cuộc tình trước đó, chàng đã đến với tôi thật đúng lúc tôi cần,
khéo léo và bền bỉ làm cuộc sống tôi tươi đẹp hơn với những sắc màu hạnh phúc
và mật ngọt mỗi ngày. Tôi thật sự đã quên hẳn ba năm đau thương ấy, không nhớ là
chính mình đã trải qua khoảng thời gian khó khăn ấy nữa! Tôi cám ơn chàng đã tưới
lên tôi dòng sáng nhiệm màu, đem lại cho tôi sự nồng ấm và niềm tin của cuộc sống.
Tàn tiệc sinh nhật con gái lúc 8:00g tối,
cha mẹ của từng đứa đến đón con họ về, duy chỉ có một cháu trai, Timy có khuôn
mặt rất khôi ngô, chờ mãi mà người nhà vẫn chưa đến, hỏi đến thì cậu bé nói:
- Lúc nãy con đi với bạn Dany, nhưng tối
nay nhà nó có khách nên sẽ không cho con quá giang về, chắc… ông bà Nội sẽ đến
đón con về!
Vậy con biết bao giờ thì ông bà Nội mới đến
đón con không?
- Con…
Con không biết!
- Hay con cho cô số phone hay địa chỉ để
cô sẽ đưa con về?
Timy lục lọi trong túi quần, lấy ra mảnh
giấy có ghi đầy đủ số phone và địa chỉ đưa cho tôi. Vừa nhìn thấy địa chỉ ấy,
tôi giật mình, trái tim như bị bóp nghẹt, tôi không thể nào thở được, tay chặn
ngực, tôi ngồi xuống ghế, mắt nhắm nghiền trong vài phút. Trái đất này sao nhỏ
bé thế!
Tôi nghe tiếng chồng tôi lay gọi:
- Sương Linh! Sương Linh, em có sao không?... Chuyện gì cũng từ từ giải
quyết mà!
…Bây giờ mỗi
người đã có cuộc sống riêng, có thể anh ta đã lập gia đình, có con trai, cũng
là chuyện bình thường mà… Thôi mình sửa soạn đưa cháu trai về nhà nhé!
Chàng thản
nhiên đứng lên ra xe và gọi chúng tôi đi nhanh kẻo tối. Tôi do dự rồi cũng theo
chân anh ra xe, cần phải đối đầu với thực tế!
Ánh đèn đường
bên ngoài đã bắt đầu bật sáng, trời mưa nhỏ hạt làm cả người lạnh lẽo, tôi rùng
mình, nhìn vào kính chiếu hậu phía hàng ghế sau, Tina đang ngồi chơi con búp-bê
của nó, bên cạnh là Timy đang vẽ nguệch ngoạc những hình ảnh người máy trong
trí tưởng tượng của con nít. Tôi cất tiếng đánh tan bầu không khí:
- Ở nhà ông bà Nội chắc mong Timy về lắm, thế mà cháu không phone về cho
ông bà bớt lo!
- Không đâu! Không có ai mong cháu về cả đâu!
Tina ngây
thơ chen vào:
- Chắc Timy hay phá phách leo trèo làm bể đồ chứ gì?
- Không phải!
- Vậy chứ vì sao mà ông bà không yêu?
- Tại vì… Tại vì… không biết mà!... A! Nhà cháu rồi đây, căn nhà có hai
con lân đó!
Chúng tôi dừng
xe lại, Thanh Lãm quay lại nói với tôi:
- Em… hãy đưa cháu vào đi, còn anh và con ngồi ngoài này chờ nhé, anh
không muốn làm… kỳ đà cản mũi, lỡ em có gặp lại… người xưa!
Tôi phá lên
cười ý tưởng của anh, lúc nào chàng cũng dí dỏm để giảm bớt căng thẳng trong
tôi, rồi bóp nhẹ vào vai tôi:
- Can đảm
lên em nhé, có anh ngồi chờ ngoài này, không sao đâu!
Tôi thật cảm
động vì sự quan tâm của anh.
Bàn tay nhỏ
nhắn, mềm mại của Timy đặt trong lòng bàn tay của tôi, cả hai cùng tiến về căn
nhà mà năm xưa tôi đã từng xây giấc mộng ảo!
Sau khi nhấn
chuông, người ra mở cửa cho tôi là chị người làm năm xưa. Chị mở căng cặp mắt
vui mừng ôm chầm lấy tôi, nước mắt ràn rụa vui sướng:
- Cô chủ…
cô Linh, cô khỏe không? Cô…
- Cám ơn chị
tôi khỏe, chị cũng vậy chứ? Tôi đưa cháu bé trai này về nhà vì không ai biết mấy
giờ kết thúc sinh nhật của con gái tôi nên chẳng ai đến đón cháu về cả…
- Ồ vậy à!
…Cô ơi, thằng bé có về hay có đi cũng chẳng ai biết!
- Tại sao vậy?
Không phải nó chính là cháu nội của ông bà… hay sao? Nó phải được chiều chuộng
lắm chứ?
- Cậu chủ
đem đứa nhỏ này về đưa cho ông bà nuôi sau mấy năm vắng nhà, còn nói là mẹ của đứa
bé đã qua đời vì bệnh nan y… không ai biết cô gái vắn số kia là ai, ở đâu; chuyện
câu ta nói không biết tin được mấy phần! Vả lại, cậu ta rất ít khi có nhà, đến
nỗi thằng bé mỗi lần thấy bố nó về là sợ khóc thét lên vì lạ! Tội nhiệp cho nó,
ông bà cũng không yêu thương nó nhiều như đã từng mong có một đứa cháu Nội đích
tôn, ông quá nghiêm khắc với nó, đối xử với nó như với một người lớn, nó lủi thủi
một mình xem TV rồi lại vẽ! Thằng bé rất ít nói nhưng rất nhạy cảm và thông
minh. Nhìn nó chả thấy giống cậu chủ gì cả, nhưng thôi, chuyện của họ mình tìm
hiểu làm chi!… Hồi sáng nay ông đã đưa bà đi bác sĩ khám định kỳ vì trong một lần
tức giận cậu chủ cách đây hai năm, bà đã lên tension và bị đứt mạch máu não, bà
bây giờ không còn cử động được nhiều như xưa nữa, lúc nào cũng phải có người
trông nom cả trong những việc cá nhân… Tội nghiệp cho bà lắm, tôi thấy nhiều
lúc bà khóc nức nở, cố nói những ý tưởng của mình, mà nói không ra câu ra chữ,
miệng mếu máo, cả khuôn mặt nhăn nhó mà không ai hiểu gì hết. Ông lại lắc đầu
ngao ngán bỏ lên lầu… Tôi nghĩ chắc bà đã ân hận những việc làm trong quá khứ với
con trai và dâu… Cô vào nhà ngồi uống nước nhé?
- Thôi khỏi,
cám ơn chị đã cho tôi biết tin, thật phũ phàng quá!… Tôi phải về ngay vì chồng
và con gái đang chờ ngoài kia…
Chị người
làm chạy theo tôi ra xe:
- Để tôi
đưa cô Linh ra xe nhe, muốn xem mặt gia đình nhỏ của cô, chắc con gái giống mẹ
dễ thương lắm đây, chúc mừng cô, thấy cô thật may mắn, tôi mừng lắm!
*
Ngồi vào
xe, cài dây an toàn, bánh xe lăn xa khỏi ngôi nhà mà trong tim tôi không bao giờ
mong có ngày nhìn lại.
Tiếng con
gái nói với con búp-bê nhỏ của nó:
- Nè! Chị mặc
đồ cho em đẹp nhe, người ta chỉ nhìn thấy em đẹp là thích rồi... Nhưng em phải
vừa đẹp và tính tốt thì chị mới yêu!
Nói xong,
nó ôm chặt con búp-bê vào lòng, rúc vào một góc ghế phía sau, miệng ngáp dài.
Nhìn dáng
con gái nằm ngủ, người cong lại, đầu nghoẻo sang một bên, tôi thấy mình hạnh
phúc quá, may mắn không bị hiếm muộn, đứa con này tôi đã mơ ước từ rất lâu!
Bây giờ tôi
mới nghiệm ra rằng đứa con không những là cầu nối cho tình vợ chồng bền chặt mà
còn là chất kết dính cho cả đại gia đình nữa!
Sỏi Ngọc
Montréal,
Avril’21
Cám ơn tác già Sỏi Ngọc cho đọc một câu chuyện thât hay về gia đình với hỉ nộ ái ố,. Cám ơn chị Tố Kim đã giới thiệu và chuyển ạ.
ReplyDeleteHồng Thúy
Cám ơn chị HT đã đọc và cho lời khích lệ ạ! SN
Delete