Sunday, October 22, 2023

Bố Còn Là Con Người Hay Không ? - Bài 5 - Nguyễn Khắp Nơi

Công nhân “Xuất khẩu lao động” làm việc cực nhọc, nguy hiểm, không có bảo hiểm y tế.


Doãn ngạc nhiên nhìn Nga mà hỏi:

“Con đọc thơ của cơ quan nào đấy?”

Nga vừa đọc vừa trả lời:

“Thơ của “Đại sứ quán” ở Tiệp Khắc gởi về . . .”

Rồi bỗng Nga lớn tiếng đọc:

“Theo chỉ thị của đồng chí, tôi đã ra thông báo trả lời chính quyền Tiệp Khắc là không hề biết gì về những công nhân được đem “Chui” qua đây làm việc.

Tôi cũng đã gởi thơ tới cơ quan bảo hiểm để đòi họ thanh toán tiền cho những công nhân đã bị chết để gởi về cho thân nhân ở Việt Nam.

Tôi gởi kèm theo đây bảng chiết tính số tiền mà những công nhân được đồng chí đưa  “chui” qua đây làm việc phải trả tiền hàng tháng cho ta. Tôi cũng kèm theo số tiền mà hãng bảo hiểm trả cho ta. Theo đúng hợp đồng, tôi giữ lại một nửa cho công tác của đại sứ quán, một nửa còn lại đã bỏ vào hộ khẩu ngân hàng mà đồng chí đã chỉ định. Mọi việc đều đã hoàn tất tốt, đúng chỉ tiêu. Xin đồng chí cứ tiếp tục gởi công nhân chui qua đây.”

Nga ngưng đọc, quắc mắt nhìn Doãn:

“Bố . . . Bố có còn là con người hay không?

Bố nói với con là bố không hề làm chuyện gởi người đi lao động rồi bỏ mặc họ chết mà lấy tiền bồi thường. Bây giờ thư của đại sứ quán đã gời về, nói rõ ràng cùng với bố chia nhau tiền bồi thường nhân mạng của những người này. Sao bố ác thế? Người ta mượn nợ đóng tiền cho bố để được đi làm kiếm tiền, qua đến bên đó, họ đi làm bị tai nạn, không những bố không giúp người ta trị bệnh, lại còn bỏ mặc cho họ chết. Đã vậy, tiền bồi thường nhân mạng của họ, phải gời về cho gia đình của họ chứ. Tại sao bố nhẫn tâm lấy tiền bồi thường của họ? Bố không có lương tâm . . . bố không còn là con người nữa . . . “

Nói một thôi một hồi, Nga ôm mặt khóc nức nở:

“Bố là người Cộng sản, con biết, con người Cộng sản chỉ biết đến việc sống còn của đảng mà thôi, con người Cộng sản chỉ biết dùng thủ đoạn lường gạt người khác mà thôi. Nhưng mà bố cũng còn là một con người nữa chứ. Con người đâu có táng tận lương tâm như vậy.”


Doãn biết là không thể dấu đứa con gái chuyện gì nữa. Mặc dù chỉ có hai bố con sống với nhau, hắn thương con gái hơn bất cứ thứ gì trên thế gian, nhưng nó phải biết là Cộng sản đi đôi với bạo lực và lừa dối. Không có bạo lực, không có lừa dối thì làm gì còn Cộng sản nữa. Con bé Nga này, nó là con của mình mà tính tình lại chẳng giống mình một tí nào cả! Nếu nó mà cứ như thế này mãi, làm sao nó có thể trở thành đảng viên của đảng Cộng sản? Làm sao nó có thể theo gót chân của mình mà làm quan cao chức trọng cho được! Phải uốn nắn nó mới được, hiện giờ nó còn đang sống nhờ vào đồng tiền của mình, mà chẳng nể nang gì mình cả. Phải dọa một lần cho nó sợ tới già mới được. Dọa đuổi nó ra ngoài đường, không có chỗ ăn chỗ ngủ  là nó sợ ngay chứ gì! Con gái dù là con gái rượu, nhưng mà bạo lực thì vẫn phải dùng. Nghĩ như vậy, Doãn làm bộ nổi cơn thịnh nộ:

“Con phải biết rằng, mật vụ nơi bố đang làm, cần rất nhiều tiền để chi dùng. Bố có nhiệm vụ kiếm ttền để nuôi sống cơ quan này, và cũng để nuôi con ăn học. Không có tiền này, thử hỏi tiền đâu cho con mua máy điện toán, tiền đâu cho con đi học thêm, tiền đâu cho con mua xe Honda chạy ngoài đường? Con phải nhớ rằng, bố còn ngồi được ở cái ghế này cho đến nay cũng là vì bố đã phải bỏ tiền ra rất nhiều cho các đồng chí lãnh đạo. Các đồng chí lãnh đạo của bố cũng phải chi cho những đồng chí ở cấp bậc cao hơn nữa. Vì thế bố lúc nào cũng phải cần tiền, lúc nào cũng phải có tiền. Bố làm như vậy cũng chỉ là theo đường lối của đảng mà thôi. Con cũng phải làm quen với cách làm việc như thế này, mai sau con mới có thể thay bố mà làm việc. Nếu con không đồng ý với công việc làm của bố, con cứ việc tự do, đi đâu thì đi, kiếm tiền mà sống được thì sống. Nuôi cho con đến ngày hôm nay, con chưa làm gì được cho bố, chỉ giỏi lên mạng xem tin tức của cái đám Ngụy phản động, chúng nó bị mất nước nên mới bầy trò mượn những thế lực thù địch mà bôi xấu chế độ ưu việt của đảng ta mà thôi.”


Nga đang khóc, nghe bố nói, chợt ngưng bặt, lấy tay áo quệt nước mắt, nhìn bố:

“Con là con của bố, đương nhiên là con phải giúp bố làm việc để con còn theo đó mà tiến thân. Nhưng bố làm những chuyện ác đức quá, con không thể theo bố được. Nếu bố thấy rằng bố cần phải làm như vậy để nuôi sống con, thì thôi, kể từ nay con tự nuôi thân con, con sẽ xin đi làm nghĩa vụ trao đổi lao động nước ngoài để xem những người cộng sản của bố đối xử với con ra sao? Con lên mạng là tìm hiểu tin tức, con biết suy nghĩ điều gì đúng điều gì sai, chứ không phải bạ cái gì cũng tin.  Ngụy không phải là xấu tất cả. Nếu họ toàn là những người xấu, tại sao họ lại bỏ tiền bỏ của ra mà giúp những người thương binh tàn phế của họ, đi kiếm xác chết của những lính Ngụy ngày xưa mà chôn cất? Thử hỏi, cái đám ăn hại ở Bộ Phục Viên, có bao giờ nghĩ đến việc đi tìm bạn bè bị thương hoặc đã chết của mình mà thăm hỏi, giúp đỡ hoặc đi chôn xác của họ chưa? Chính bản thân bố, bố đã có lần nào cho những gia đình liệt sĩ một đồng nào hay chưa? Hay là bố và các đảng viên của bố còn lo tìm cách moi tiền của chính những người bộ đội phục viên, những gia đình liệt sĩ đó để mà làm giầu cho nhau? Bây giờ con đi đến nhà bạn của con ở tạm, ngày mai con sẽ xin đi lao động. Con chào bố.”


Nói xong, Nga đứng dậy đi thẳng vào phòng thu dọn quần áo.

Doãn giận run cả người, hắn chỉ muốn nắm tóc kéo con Nga lại, đưa hai bàn tay ra bóp cổ đứa con cứng đầu, cho nó chết lè lưỡi ra. Nhưng dù có bạo lực cách mấy, hắn cũng không dám làm. Đã bắn chết người mẹ của nó rồi, không lẽ lại giết chết cả đứa con nữa hay sao! Doãn tức tối vì không làm gì được, hắn đứng chống nạnh chỉ tay vào trong phòng của Nga, quát lớn:

 “Mày ở im đấy, không đi đâu cả. Mới nứt mắt ra mà đã đòi bỏ nhà đi. Mày mà bước chân ra khỏi nhà, tao sẽ cho bảo vệ bắn què chân ngay lập tức đấy.”

Đứng la lối một hồi, Doãn chán nản đi về phòng, mở chai rượu Cordon Bleu mà đám đầu gấu Hải Phòng vừa giao nạp cùng với tiền đô, để được làm ngơ chạy Honda dựt tiền trên phố. Rượu ngon, mềm môi Doãn uống hết ly này qua ly khác, say gục xuống bàn . . .

 

Nga ngồi trong phòng suy nghĩ một mình. Cô cũng thông cảm cho bố, muốn ngồi ở địa vị Công an này đâu phải là dễ, phải kiếm tiền đầu này, lấy cắp đầu kia để giao nạp cho lãnh đạo, thì mới được yên tâm mà ngồi. Cơ quan nào cũng thế, ngay như những cán bộ Hải Quan cấp thấp làm nhiệm vụ xét hộ chiếu người nước ngoài về Viêt Nam, đám này bị dân nước ngoài ghét nhất, vì lúc nào cũng dở thói hoạnh họe đòi tiền mới cho qua cửa Hải quan. Nhưng sở dĩ bọn này làm cái công việc dọa nạt người nước ngoài là vì bọn họ đã phải vay tiền nóng nhiều nơi để mua cái chỗ ngồi đó. Khi ngồi được ở cái chỗ đó, họ lại phải mỗi ngày dọa người ta lấy tiền đề nộp cho các quan chức bên trên để được ngồi yên. Cả một xã hội sống nhờ bóp cổ lẫn nhau lấy tiền nộp cho cấp trên. Ban ngày, ngồi ở sở làm mà không một ai muốn làm việc cả, chỉ chăm chăm nghe ở đâu có "cò" có khuyến mãi là chạy đi tìm hàng, tối về thì tụ năm tụm ba ở ngoài quán bia quán rượu ăn nhậu, đàn bà con gái.

 

Hễ dân chúng có kêu ca thì sẵn sàng đem công an ra mà trấn áp, đánh giết cho bằng hết, để không còn một ai dám chống đối nữa.


Nga nhớ lại đã xem một trang mạng nào đó, kể chuyện một ông Thủ Tướng ở bên Pháp, chỉ lái xe đậu không đúng chỗ, mà cũng bị Cảnh sát đưa giấy phạt, ông nhận giấy phạt và đi đóng đường hoàng lại còn xin lỗi người dân là đã sơ ý phạm pháp. Một ông chánh án ở bên Úc, chỉ vì chạy xe quá tốc độ, lại khai gian, nên bị đưa ra tòa xử ngồi tù. Một cái xã hội bình đẳng kỷ luật như thế mới đáng sống, chứ ở cái xã hội Cộng sản đầy bất công và gian xảo này, sống làm sao cho được. Nga đã nhiều lần có ý định đi nước ngoài sinh sống, nhưng chỉ có một cha một con, nên cô không đành lòng ra đi.

Nhưng bây giờ thì khác rồi, Nga đã quyết ý, quyết ý từ lâu rồi chứ không phải mới ngày hôm nay. Nga lấy cái giỏ xách tay, bỏ vài bộ quần áo vào, đợi cho bố ngủ say, ngáy khò khò lên, Nga mới xách giỏ đi ra cổng. Người bảo vệ chặn Nga lại, không cho ra, nói rằng đã được Lãnh đạo ra lệnh không cho ai ra ngoài. Nga nhỏ nhẹ nói với chú bảo vệ:

"Chú cứ cho cháu ra đi, bố cháu không quy trách chú đâu."

Người bảo vệ lên cò súng chĩa thẳng vào người Nga mà nói:

"Lãnh đạo đã ra lệnh, ai ra ngoài cứ việc bắn bỏ. Cô đi vào nhà đi, đừng để tôi phải ra tay."

Nga cương quyết giải trình:

"Cháu phải đi làm công việc, chú muốn bắn cháu thì cứ bắn, nhưng mà cháu cho chú biết, chú chỉ cần làm sước da của cháu thôi, chú cũng khó lòng mà sống với bố cháu rồi, nói chi đến chuyện chú đòi bắn cháu chết."

Nói xong, Nga điềm tĩnh bước ra ngoài cổng, người bảo vệ tái mặt đứng im lặng nhìn theo, không biết xử trí ra sao.

Mãi đến trưa hôm sau, Doãn mới tỉnh rượu, chợt nhớ ra chuyện tối hôm trước, hắn chồm dậy chạy qua phòng của Nga: Căn phòng trống trơn. Doãn vội vàng gọi điện thoại xuống phòng bảo vệ, hỏi:

"Con Nga nhà tôi . . . có đi ra ngoài hay không?"

Tên bảo vệ cuống cuồng, ấp úng trả lời:

"Thưa Đại Tá . . . cô Nga . . . có ra ngoài đêm hôm qua . . ."

Doãn nổi tam bành lên, quát lớn:

"Tao đã ra lệnh cho chúng mày  như thế nào, hả? Tại sao lại để cho nó ra ngoài? Cả đám chúng mày lên đây . . . làm việc với tao."

Hai tên bảo vệ nhìn nhau . . . phen này chắc chết, rồi rón rén lên lầu trình diện.

Vừa bước vào phòng, cả hai tên đã bị một trận mưa dùi cui phang lên đầu. Cả hai tên không dám đỡ, cứ đứng đưa đầu ra mà chịu đòn. Đánh một lúc chán tay, Doãn dừng lại thở hồng hộc, trợn mắt nhìn hai tên công an:

-"Con Nga nó đi lúc nào? Nó có nói đi đâu hay không? Tại sao chúng mày lại cho nói đi qua cổng?"

-"Thưa Đai tá, khi cô Nga đòi ra đường, em không cho ra, em có lên đạn dọa cô, nhưng cô không sợ, lại còn thách em bắn cô nữa. Em không biết làm sao cả, đành cứ để cô đi, rồi báo cáo lại với Đại tá sau . . ."

-"Nó có nói là đi đâu hay không?"

-"Báo cáo với Đại tá . . . chúng em không dám hỏi . . ."

Lại một trận mưa dùi cui lên đầu hai tên lính. Đánh hai thằng lính này mãi cũng chẳng được gì, cuối cùng, Doãn bực tức ra lệnh:

"Nội trong ngày hôm nay, chúng mày phải tìm cho ra nó, đem nó về đây cho tao."

Hai tên công an lủi thủi ôm đầu máu đi xuống chòi gác. Tuy đau đớn, nhưng chúng mừng rỡ nhìn nhau, ít ra hai cái mạng nhỏ nhoi của chúng cũng còn được cho sống còn. Việc kế tiếp là làm sao tìm cho ra cô con gái rượu của lãnh đạo. Tìm ở đâu ra bây giờ? Mà dù có tìm được đi chăng nữa, chưa chắc là cô ta đã chịu về nhà.

Doãn ra lệnh đi kiểm soát từng nơi nhận người xuất khẩu lao động, nhưng không có nơi nào có tên của Nga cả, hắn điên tiết bắt hết cả đám công an đi tìm khắp nơi, từ bệnh viện tới nhà xác, từ trường học cho tới các quán ba, vẫn không thấy tăm hơi của đứa con gái cưng.

Một tháng . . . rồi hai tháng trôi qua . . .

Một hôm, vừa đi làm về, Doãn đã thấy Nga ngồi chờ mình ở phòng khách. Găp được con gái, Doãn mừng quá, ôm chầm lấy con mà khóc, hỏi con:

"Con đi đâu mà suốt hai tháng trời nay không về? Cũng không gọi điện cho bố nữa? Con sống ở đâu? Với ai? Con muốn bỏ bố mà đi luôn đấy à?"

Nga cũng khóc, nhưng cô vẫn dửng dưng trước những câu hỏi dồn dập của bố. Một lúc sau, Nga mới lên tiếng:

-"Con ở với mấy đứa con của chú Quỳnh để học thi Anh văn. Con thi đỗ rồi."

-"Con thi đỗ tiếng Anh rồi hả? Con gái của bố giỏi quá, làm rạng danh cả nhà ta. Nhưng mà con học thi Anh văn . . . để làm gì?"

-"Con xin đi du học . . . con qua Úc, học về Kế Toán."

-"Con nỡ lòng nào bỏ bố mà đi hay sao? Bố chỉ có mỗi mình con thôi . . ."

-"Con không bỏ bố . . . con chỉ bỏ cái xã hội Cộng sản của bố mà thôi. Con không hợp với cái xã hội này. Học xong, con sẽ . . . xin ở lại Úc, con không về Việt Nam nữa đâu. Chừng nào bố chán sống với cái xã hội bánh vẽ đầy thành tích, đầy lừa lọc và hận thù của bố, con sẽ đón bố qua Úc sống với con."


Doãn há hốc miệng ra mà ngạc nhiên nhìn đứa con gái thân yêu. Mãi một lúc sau, hắn mới buồn rầu nhìn con mà nói:

"Bố đã sửa soạn mọi thứ cho con rồi. Con có biết là tài sản, ngoài nhà cửa đất đai, tiền mặt của bố có cả triệu triệu đồng đô la Mỹ, cho con cho cháu của con xài tới hết đời cũng vẫn còn. Bố lại đã bàn với lãnh đạo dành cho con một chức vụ đặc biệt ở phòng phản gián điệp để con ngồi suốt đời rồi hay không? Tại sao con lại bỏ bố mà đi vậy hả con? Xã hội Tư bản tuy có vẻ hào nhoáng bề ngoài, nhưng bề trong rỗng tuếch, sớm muộn gì cũng xụp đổ, không thể nào đứng vững như xã hội chủ nghĩa của Cộng sản đâu con ơi."
Nga im lặng ngồi nghe bố nói, không tỏ vẻ ngạc nhiên gì về những tài sản và danh vọng mà người cha nói đã dành sẵn cho mình. Con người Cộng sàn, lời nói ít khi nào đi đôi với việc làm. Hai bố con im lặng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Cuối cùng, Doãn thở dài hỏi con gái:

-"Chừng nào thì . . . con đi?"

-"Vài ngày nữa con sẽ đi"

-"Vậy . . . con có . . . ở nhà với bố ngày nào không?"

-"Ngày mốt con sẽ về nhà ở với bố vài ngày trước khi đi".

Khi Nga đem quần áo sách vở về nhà, bữa cơm đầu tiên, Nga ngạc nhiên thấy bố mình thay đổi hẳn thái độ, không thù oán nói xấu xã hội Tư bản nữa, không chống lại việc Nga đi du học ở Úc nữa. Trái lại, ông có vẻ thân thiện hơn, vui vẻ hơn, dù rằng sắp phải xa đứa con gái duy nhất.

Vừa ăn, Nga vừa nghe bố dặn dò:

"Con qua bên ấy, nhất là nước Úc, đám dân tỵ nạn ở bên đó . . . chống Cộng mạnh lắm đấy. Tốt hơn hết, con cứ . . . nhập vào với họ. Khi nào bố xin phép được, bố sẽ . . . qua Úc thăm con."

http://www.nguyenkhapnoi.com/2013/12/13/b%E1%BB%91-co-con-la-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-hay-khong-bai-th%E1%BB%A9-nam/


Nguyễn Khắp Nơi 

Mời xem tiếp bài 6

No comments:

Post a Comment