Monday, October 23, 2023

Bố Còn Là Con Người Hay Không ? - Bài 6 - Nguyễn Khắp Nơi


Vừa ăn, Nga vừa nghe bố dặn dò:

"Con qua bên ấy, nhất là nước Úc, đám dân tỵ nạn ở bên đó . . . chống Cộng mạnh lắm đấy. Tốt hơn hết, con cứ . . . nhập vào với họ. Khi nào bố xin phép được, bố sẽ . . . qua Úc thăm con."


Ngồi trên máy bay, Nga nhắm mắt hồi tưởng lại những năm tháng đã qua . . .

Mười lăm năm về trước, Nga chỉ là đứa bé tám tuổi đầu, chỉ biết ăn học rồi đi ngủ, Mỗi buổi tối, ăn cơm xong, Nga muốn được ngồi cùng bố mẹ xem TV rồi đi ngủ, nhưng người bố lại luôn luôn bận bịu với súng ống với túi đựng rồi vội vã ra đi. Khi bố vừa đi thì mẹ cũng kiếm cớ bắt Nga lên giường ngủ, một lúc sau, mẹ cũng lén đóng cửa bỏ đi đâu không biết, bỏ Nga nằm nhà một mình. Lúc đầu, Nga còn khóc đòi đi theo mẹ, nhưng lần nào cũng bị mẹ lấy củi đánh tàn nhẫn, nên nó không dám đòi đi theo nữa, đành nín khóc nằm trên giường. Căn nhà đã rộng, lại nằm cạnh sông, nên đủ thứ gió thổi những tàn cây dừa đánh qua đánh lại, cọ vào mái nhà vang lên những tiếng động đầy sợ hãi, làm cho Nga khóc thét lên từng hồi, phải bật hết tất cả các đèn điện ở trong nhà lên, vừa run rẩy vì sợ, vừa run rẩy vì lạnh, nó cứ ngồi chịu trận trên giường cho đến gần sáng mẹ mới đẩy cửa về nhà. Nga mừng quá, vừa định chạy ra đón mẹ, nhưng sực nhớ tới trận đòn hồi nửa đêm, nên nó vội vàng nằm xuống đắp chăn kín đầu làm bộ đang ngủ say. Mẹ nó vào phòng kiểm tra mọi thứ, đi ra nhà sau dội nước ào ào tắm rửa rồi mới trở lại phòng. Mẹ nằm một lúc thì bố mới về, dưới ánh trăng còn sót lại chiếu qua cửa sổ, Nga thấy đầu cổ quần áo của bố dính đầy bùn, .mùi hôi tanh xông lên nồng nặc mà Nga không biết đó làm mùi gì? Bố nó ngồi ở sau nhà lâu lắm, không biết làm gì mà không mở đèn . . . sau đó nó nghe tiếng bố đào đất, cào đất rào rạo, một lúc sau mói nghe tiếng bố múc nước tắm rồi đi vào phòng ngủ.


Cho đến một hôm . . . khi bố trở về nhà, nó mắc tiểu quá, nên mới đánh bạo mở cửa bật đèn lên để ra nhà sau đi tiểu. Khi thấy Nga đi xuống, mắt nhắm mắt mở, bước thấp bước cao, bố nó hốt hoảng vơ vét tất cả những gì đang ở trên bàn bỏ vào ngăn kéo rồi nhìn nó cười, hỏi thăm nó:
“Con đang đêm thức dậy làm gì? Muốn . . . đi đái hả?”

Mặc dù còn ngái ngủ, Nga vẫn thấy được tấm vải để trên bàn, giống như vải áo của một người nào đó bị xé rách, còn dính đầy máu, trong đó có rất nhiều bông tai, dây chuyền, nhẫn và cả những tờ giấy mầu xanh giống như tiền. Mặc dù bố nó đã dấu cái manh áo vào trong ngăn kéo, nhưng mùi hôi tanh từ trong đó bay ra làm cho nó buồn nôn quá, nó phải chạy cho nhanh vào nhà xí để khỏi nôn ra sàn nhà. Vào đến nơi, Nga nín thở quên cả đi tiểu, nuốt nước miếng liên tiếp cho qua cơn buồn nôn rồi mới dám đi đái. Nó không biết bố nó lấy những thứ đó ở đâu? Nhưng nó biết rằng không nên hỏi và cũng không nên nhìn vào những thứ đó, cho nên, khi đái xong, nó cắm đầu cắm cổ chạy bay về phòng, để bố nó khỏi hỏi và cũng để tránh mùi máu tanh hôi.


Sáng hôm sau, vừa mới thức dậy, nó đi xuống bếp, chưa biết gì đã bị bố nó nắm cổ lôi ra đằng sau nhà, vừa nắm tóc nó vừa túm lấy ngực áo của nó mà trợn mắt thật khủng khiếp hỏi nó:

“Mày có thấy cái gì bố để trên bàn đêm qua hay không?”

Con Nga quá sợ hãi khi bị bố nó lần đầu tiên nắm tóc túm ngực áo mà trợn mắt gằn từng tiếng như sẵn sàng giết chết nó, nó không biết làm gì hơn là lắc đầu lia lịa.  

Khi nghe bố nó nói:

“Con nhớ không được nói gì với ai, ngay cả với mẹ, những gì con thấy trên bàn của bố. Đó là vàng mà đồng chí Sư trưởng nhờ bố giữ dùm đấy, con đã . . . đả thông tư tưởng chưa?”

Con Nga sợ tới nín đái, nó bậm môi không dám khóc, chỉ gật gật cái đầu ra vẻ đồng ý. Từ đó, nó học khôn, bất cứ lúc nào, hễ bố mẹ nó hỏi gì, nó đều trả lời là không biết, không nghe, không thấy . . . để có thể sống sót.

Một ngày hãi hùng nữa xẩy ra trong đời Nga, mà cho đến chết nó vẫn không quên . .

Con Nga nghe mẹ nó nói chuyện với bố là sẽ đưa nó về thăm ông bà ngoại ở ngoài Bắc, nó chẳng biết ngoài Bắc là chỗ nào, nhưng được đi ra khỏi căn nhà mà mỗi đêm nó cứ phải ngủ một mình là nó vui lắm rồi. Nhưng cả ngày trời, mẹ nó dẫn nó đi hết chỗ này qua chỗ nọ, rồi vào một căn nhà gặp một người đàn ông trạc tuổi bố nó, hai người vào trong nhà nói chuyện thật lâu, để nó ở ngoài sân một mình. Sau đó, mẹ nó lại dẫn nó về nhà rồi bỏ đi mất đất. Con Nga đã quen ở nhà một mình rồi, nên nó tự động vào bếp tìm xem có cái gì ăn được thì tự nhóm lửa lên mà nấu ăn, rồi lấy sách báo ra đọc, đọc chán thì lên giường ngủ. Gần sáng, Nga chợt thấy đèn bật sáng, rồi bố nó phóng vụt vào, ngã bổ nhào xuống đất, thân hình đầy máu, nó sợ quá, định chạy ra đỡ bố đứng dậy, nhưng kinh nghiệm trong gia đình đã dậy cho nó không nên xuất hiện trong những trường hợp như thế này, nên nó chỉ nằm im, định bụng nếu bố nó kêu cứu, nó sẽ chạy ra giúp. Nhưng bố nó không kêu la gì cả, một lúc sau mới lồm cồm bò dậy, mở tủ lấy áo xé ra băng vào người rồi lấy súng lết vào phòng nằm nghỉ.


Nga vẫn nằm im trên giường chưa biết làm gì, thì bất chợt cửa lại mở, mẹ nó bước vào nhà cùng với người đàn ông đã gặp sáng nay, hai người đều cầm súng, quần áo cũng ướt đẫm như là mới đi lội sông về. Hai người không biết là bố nó đã về nhà đang nằm trong phòng, nên đã nắm tay nhau đi lại trong nhà rất tự nhiên. Nga rất ngạc nhiên khi nghe chính miệng mẹ nó xưng "Em" với người đàn ông này và còn gọi bố nó là "Thằng chồng em". Con Nga không hiểu chuyện gì đã và sẽ xẩy ra, nên khôn hồn nằm im trên giường không nhúc nhích.

Tới khi nó nghe có tiếng bố mẹ cãi nhau rồi tiếng súng nổ ầm ầm ngay ở trong nhà, nó lại càng sợ hơn nữa, kéo chăn đắp kín cả người. Thật lâu sau, không nghe thấy bất cứ tiếng động nào nữa, nó mới leo xuống giường, rón rén đi ra cửa ló đầu nhìn ra ngoài: Bố nó nằm dựa vào tường, người đàn ông lạ mặt ngã nằm đè lên mẹ nó cách bố nó khoảng chừng hai sải chân, tất cả đều bất động, máu từ trong người vẫn còn chẩy ra ngoài, đóng từng vũng đỏ lòm. Con Nga sợ hơn bao giờ hết, nó đứng bất động nhìn ba xác người một lúc, cho đến khi biết chắc là không còn ai cử động gì nữa, nó mới từ từ bước ra ngoài xem xét: Cả ba người chắc là đã chết thật rồi, vì không ai cử động gì cả, người nào cũng mở mắt nhưng con ngươi đã đứng tròng, không nhìn vào đâu cả.  Con Nga sợ ma quá, thét lên một tiếng thật rùng rợn rồi chạy vọt ra ngoài chúi đầu vào lùm cây gần bờ sông.


Đến khi trời đã sáng rõ, Nga mới dám mò về nhà, nhà nó thật là đông người, những người công an đã khiêng tất cả người chết đi đâu hết rồi, đang dội nước rửa sạch máu trong nhà nó. Chẳng ai chú ý đến nó, mãi đến khi nó nắm áo một người công an, hỏi bố mẹ nó đâu? thì người công an này mới dắt nó về nhà của anh ta, cho nó ăn uống, Con Nga ỏ với chú Thìn khoảng một tuần lễ thì mới được chú cho biết, bố nó còn sống, đang ở trong nhà thương, còn mẹ nó thì chết rồi. Trong đầu óc non nớt của Nga, bố mẹ nó chỉ biết có súng đạn, có bắn giết mà thôi, bắn lẫn nhau nữa, chứ không hề có tình cảm gì với nhau cả. Ngay như nó là con độc trong nhà, thế nhưng bố mẹ nó chỉ biết bóp cổ nó, lấy củi đánh nó mà thôi, chứ chưa hề ôm nó mà nựng nịu thương yêu.  


Mấy tháng trời sau bố nó mới trở về, ở chung với chú Thìn một thời gian thì bố đưa nó đi về thành phố. Bố nó đi làm trở lại, nhưng không mặc đồ bộ đội nữa, mà mặc quần áo dân thường, đi đâu cũng xách theo một cái cặp da mầu vàng. Mỗi buổi tối, nó để ý, cũng vẫn thấy bố nó ngồi một mình, rót rượu từ chai ra uống, rồi lôi từ trong cặp da ra rất nhiều tiền đếm đi đếm lại, chỉ có khác xưa là những đồng tiền này có mùi mực in chứ không tanh tưởi và dính máu như những vòng vàng và tiền ngày xưa khi nó còn bé. Mỗi khi bố nó dẫn bạn bè về cùng bàn bạc công việc với nhau, nó nghe loáng thoáng họ nói với nhau:

-"Những thằng Ngụy chúng nó lợi hại lắm, phải giết hết chúng nó đi chứ không thể thả một đứa nào cả."

-"Nếu giết hết thì chúng mình lấy gì mà sống? Phải để cho chúng nó sống nhưng sống thoi thóp, thì gia đình chúng nó mới tiếp tế lên, mình cứ theo dõi, xem đứa nào được tiếp tế nhiều thì cứ theo đó mà về nhà chúng nó mà tìm cách khảo của, thế nào cũng có."

-"Bọn Ngụy này, mình cứ tưởng chúng nó khôn ngoan lắm, thế mà mình chỉ lừa có một chữ "Mang theo đồ ăn cho ba ngày" thế là cả đám từ trên xuống dưới kéo nhau vào rọ hết."

-"Thế còn cái đám bán chợ trời thì tính làm sao đây? Bắt nó đóng tiền hàng tháng rồi, nhưng mà đâu có là bao nhiêu?"

-"Cứ đợi đấy. Cứ để cho chúng nó buôn bán, đến khi nào chúng nó thấy làm ăn được, tung hết tiền vốn ra mua hàng, lúc đó mình mới quây lại tịch thu hết hàng hóa,  bắt bọn chúng đưa hết lên khu Kinh Tế Mới cho chúng nó chết hết đi, toàn là đám vợ con của tụi Ngụy chứ ai vào đấy nữa. Đứa nào chống lại, cứ bắn chết hết đi."

Nga không biết "Ngụy" là những ai mà bố nó và những người bạn ghét họ đến thế? Nga định bụng, khi nào có dịp, sẽ hỏi bố nó xem "Ngụy" là ai? Nhưng có một điều mà nó không cần hỏi cũng biết: Những con người Cộng sản như bố nó, chỉ sống trên sự hận thù, lừa lọc và bạo lực súng đạn mà thôi.


Đến khi lớn lên, biết sử dụng máy điện toán, Nga và đám bạn bè toàn là con cháu của những người bạn của bố nó mới rủ nhau mở máy vào những trang mạng để tìm hiểu, Nga mới biết "Ngụy" là những người Lính của Miền Nam, thua trận, bị những người phe miền Bắc của bố nó lừa bắt đi cải tạo để chết ở những nơi rừng rú không ai biết. Một số này đã trốn được ra ngoại quốc, họ thường gởi tiền về nuôi cha mẹ anh em và bạn bè ngày xưa của họ. Nhìn cách thức họ đối xử với nhau, Nga thấy họ thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đầy những tình người, khác hẳn với những người như bố nó, lúc nào cũng hận thù và tìm cách bóc lột, đe dọa người dân để lấy tiền. Nga chán ghét cái chế độ lúc nào cũng nói thương yêu nhau nhưng thực sự thì chỉ là lừa dối. Đi ra ngoài đường, vào trong công sở, đâu đâu cũng đầy những khẩu hiệu cơm no áo ấm, đạt chỉ tiêu . . . nhưng đâu đâu cũng nhan nhản những người nghèo khổ không cơm ăn không áo mặc, bên cạnh đó là những kẻ giầu có tiền rừng bạc biển, sống nhờ đút lót, nhờ ăn chia với những người như bố của mình. Một lý do nữa là Nga không biết tại sao những người Cộng sản như bố của mình lại thù ghét những người mà họ gọi là “Ngụy” như vậy? Họ đã thua trận, họ đã rút lui, không hề gây hại gì cho đám người Cộng sản, thế mà đám người Cộng sản này cứ khư khư thù ghét, bôi xấu, căm thù họ. Có thể đó là một thứ mặc cảm tự ti, thua kém. Nga nhớ lại hồi còn đi học, có mấy đứa cùng lớp đã ghét Nga ghê gớm không biết vì lý do gì? Sau này, Nga mới biết ra, chúng nó ghét là vì Nga học giỏi hơn chúng nó, lúc nào cũng được điểm cao, được thầy cô nhắc đến tên. Đã có một ai đó nói với Nga:

“Nói một cách công bằng, đám bộ đội không thể nào thắng Lính Cộng Hòa, vì người Lính Cộng Hòa được rèn luyện đầy đủ, lại có chính nghĩa là chiến đấu chống lại Cộng sản xâm lược. Bọn Việt cộng thắng chỉ nhờ may mắn lúc cuối cùng, vì thế chúng nó sợ bất cứ lúc nào người Lính Cộng Hòa cũng có thể trở lại đánh bại chúng.”


Đó là lý do thứ hai này mà Nga muốn đi ngoại quốc, tìm gặp những người “Ngụy” này, để xem họ . . .  ba đầu sáu tay như thế nào mà những người như bố nó sợ hãi họ như vậy. Khi có ý định đi du học, Nga đã vào nhiều trang mạng để tìm xem nơi nào thích hợp cho việc học hành và cho ý định của mình. Bên Mỹ có rất nhiều Lính Cộng Hòa ở, vì người Mỹ, vì lý do nào đó, mà các trang mạng cho rằng, vì mặc cảm đã bỏ rơi người Lính Cộng Hoa, nên đã phải nhận họ qua sống ở Mỹ để coi như là chuộc tội. Thế nhưng cuộc sống ở bên Mỹ ồn ào hơn. Bên Úc, đất rộng người thưa, dân tỵ nạn chỉ rất ít nhưng họ bảo nhau được và rất là chống Cộng. Nga muốn biết họ chống lại những người Cộng sản như thế nào? Có tàn ác, có lừa đảo như Cộng sản hay không? Nếu họ là những người có tình nhân ái thật sự như những gì đã thấy ở trên mạng, Nga có thể nói cho bố của mình nghe, biết đâu chừng bố mình sẽ thay đổi thái độ mà không thù ghét họ nữa, biết đâu chừng bố nó lại . . . ngả hẳn về phe Cộng Hòa thì sao?


Nghĩ ngợi liên miên, máy bay đã dáp xuống phi trường. người đại diện của công ty du học cầm tấm bảng hiệu đã có mặt sẵn, Nga chỉ việc đi theo họ ra xe bus để về nơi cư ngụ ở East Hawthorn. Mặc dù đã biết, nhưng khi ngồi trong xe bus nhìn ra ngoài, Nga đã rất ngạc nhiên khi thấy đường phố ở bên Úc hầu như không có người đi bộ! Lề đường rất rộng, nhưng . . . chẳng có ai đi bộ cả. Những người lái xe thì . . . chẳng thấy ai nhấn còi xe, đường phố im lặng sạch sẽ, đúng là một xứ tân tiến đáng sống. Điều ngạc nhiên cuối cùng thật là thích thú và cũng  là điều mà Nga chưa bao giờ nghĩ tới là:


Khi Nga vừa bước xuống xe, từng đàn chim mầu trắng mỏ cong bay đầy trời, kêu “Kẹc . . . Kẹc . . .” um xùm trời đất. Đàn chim này đậu trắng hết cả cây cối chung quanh, ăn những trái cây nhỏ mầu đỏ, khi đám sinh viên du học của Nga bước xuống xe, chắc là xe và người đã làm kinh động những con chim này, nên chúng mới bay túa lên không. Lần đầu tiên trong đời Nga được thấy những con chim này, nhìn chúng bay lên bay xuống thật là đẹp mắt, bay một lúc, thấy không có động tịnh gì nữa, đàn chim lạ xà xuống ngọn cây ăn tiếp, có con bay đậu ngay trên đường, có con đậu cả lên những cái va ly vừa đem xuống. Nga có biết câu nói “Đất lành chim đậu”. Xứ Úc đúng là đất lành, nên chim chóc mới đến đây mà đậu, mà ăn, mà kêu inh ỏi như thế này. Người dân chung quanh, có thể họ đã quen với đám chim này, chẳng ai đuổi, chẳng ai nhìn, chẳng ai thắc mắc gì tới sự hiện diện của chúng cả. Việt Nam chắc không phải là đất lành, nên Nga chẳng bao giờ thấy có một con chim nào dám bén mảng đến cả, mà dù cho những con chim có gan dạ mà nhào xuống đậu ở bất cứ nơi nào ở Việt Nam, Nga tin chắc rằng chúng nó vừa mới đáp xuống sẽ không bao giờ có dịp để bay lên nữa, vì nó sẽ bị hàng trăm bàn tay đưa ra bắt nó, nhổ lông nó ngay tại chỗ mà làm thịt. Những con chim trắng này làm như chẳng sợ ai cả, chúng cứ ung dung . . . đi bộ ngay trước mặt Nga, có con lại còn nhìn Nga mà kêu . . . “Kẹc . . . Kẹc . . .” làm như chúng muốn hỏi: “Cô là ai vậy? Tại sao lại đến làm phiền chúng tôi đang trong giờ ăn uống nghỉ ngơi như vậy?” Nga say mê ngắm đàn chim trắng, nghe loáng thoáng có những tiếng Click . . . Click, nhìn lại mới thấy những người bạn của mình đang đưa máy lên chụp hình lia lịa:

“Tớ chụp cho cậu nhiều tấm hình lắm, tha hồ mà khoe với . . . chồng nhớ.”

(một số các cô gái Việt Nam tinh nghịch, gọi bạn trai là chồng)

Nga mới nhớ ra là mình cũng đang cầm cái điện thoại di động trên tay, nó vội vàng mở máy chụp hình đàn chim để làm kỷ niệm. Đứa bạn gái đứng kế bên ra dấu nhờ Nga chụp hình cho nó. Nga đưa máy hình lên, cô bạn vội vàng sửa lại quần áo, hai bàn tay đưa lên làm dấu hiệu chữ V, môi chúm lại đúng điệu các cô gái trong phim tập Đại Hàn. Lúc này là mùa hè, nhưng khí hậu lại mát mẻ chứ không nóng gay gắt như ở Việt Nam.


Niên học mới của trường Đại Học Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT) bắt đầu vào đầu tháng Hai, nên đám sinh viên du học còn được một tuần để đi chơi thăm thành phố Melbourne. Người hướng dẫn viên cho biết, sẽ đưa cả đoàn mười hai người đi thăm một thành phố nhỏ, gọi là Richmond, một trong những thành phố có rất đông người Việt Nam buôn bán và cư ngụ. Vừa bước xuống xe bus, Nga và đám bạn đã thật là ngỡ ngàng: Thành phố thật là nhộn nhịp và thật là đông đảo. Lần này, sự đông đảo không phải tạo ra vì những đàn chim trắng xóa như ngày hôm qua, mà là . . . MỘT RỪNG CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ.


Nga đã biết rất rõ, người Việt Tỵ Nạn tại Úc và các nơi trên thế giới dùng lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa để làm hiệu kỳ của Cộng Đồng Việt Nam. Nga đã thấy hình lá cờ này nhiều lần rôi, nhưng đó cũng chỉ là những tấm hình trên mạng mà thôi, bây giờ mới là sự thật. Nga đã có ý định từ khi còn ở Việt Nam, là sẽ tìm cách nào đó để chính mắt nhìn thấy Lá Cở Vàng Ba Sọc Đỏ mà những đứa bạn của Nga đã nói nhỏ cho biết: “Cái thời trước năm 1975 ở Miền Nam, lá cờ này tượng trưng cho sự tự do đấy.” Nhưng buổi đi chơi hôm nay, Nga không ngờ rằng ý nghi trong đầu của Nga đã thành sự thật: Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tượng trưng cho sự tự do đang bay phất phới trước mặt, làm cho Nga sửng sốt thiếu điều choáng váng khi thấy lá cờ vàng đầu tiên trong đời.

Cơn bão tố đã đi qua, Nga bình tĩnh đứng ngắm Lá Cờ Vàng.  Điều nhận xét đầu tiên của Nga là mầu vàng của lá cờ, tuy rất sáng,  nhưng không có làm cho người ta chói mắt như mầu cờ đỏ. Có vài lá Cờ Vàng nằm khuất trong góc, nhưng nó làm cho cái góc khuất đó sáng lên, trong khi lá cờ đỏ, nếu để ở góc tối, nó sẽ làm cho cái góc tối đó tối đen hơn lên. Lần đầu tiên nhìn thấy lá Cờ Vàng, Nga tự nhiên có cảm tưởng yên tâm hơn, vui vẻ hơn, nó tự nghi:

“Lá Cờ Vàng này đúng là biểu tượng của tự do, an lành đấy. Kể từ nay, lá cờ này là . . . Lá Cờ Của Mình Đấy!”

Người hướng dẫn cho biết, tất cả cứ việc tự do đi dạo trên con đường này, hôm nay là “Hội Chợ Tết Việt Nam” của khu thương mại Richmond, có rất nhiều trò chơi, ca nhạc giả trí và cũng có rất nhiều hàng quán dọc hai bên lề đường, mọi người sẽ tụ tập ở đây lúc 2 giờ chiều để cùng đi về. Nga và đám bạn rủ nhau đi dọc theo con đường để xem người Việt tại Úc sinh hoạt như thế nào. Có rất nhiều cô gái Việt mặc áo dài, đủ kiểu đủ mầu sắc, thật là đẹp, thật là duyên dáng. Không những chỉ có các cô gái Việt, mà còn có các trẻ em và cả các cô gái da trắng cũng mặc áo dài nữa. Ở Việt Nam, áo dài hầu như đã biến mất trên đường phố. Các cô gái Việt đa số mặc áo thung, quần sọc hở chân mang giầy cao gót, đi làm thì mặc quần “Bò” hoặc mặc “Đầm” chứ không còn ai mặc áo dài nữa.  


Đi đến giữa đường, Nga thấy người ta tụ tập thật đông đảo, có cả một khán đài, trên đó có cắm thật nhiều cờ Vàng, chắc chắn phải có một chương trình ca nhac gì đó rất hấp dẫn, là người rất thích nghe “Nhạc Vàng”, Nga vội vàng nhập bọn với đám đông, tìm một chỗ gần khán đài để xem cho rõ. Chương trình hình như sắp bắt đầu, hai người MC đứng giữa sân khấu hình như đang chờ một dấu hiệu gì đó ở dưới khán giả để bắt đầu. Nga vừa tìm được một chỗ ngồi thoải mái thì nghe ông MC bắt đầu nói:

Buổi lễ chào mừng năm mới bắt đầu, kính mời quý quan khách và đồng bào cùng đứng lên để làm lễ chào Quốc Kỳ Úc Việt. Kính mời đội Quân Kỳ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiến lên khán đài. Cô MC trẻ tuổi nói lại bằng tiếng Anh.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa? Họ . . . còn tồn tại hay sao? Có phải họ là những người mà bố của Nga gọi là “Ngụy” đó hay sao? Nga ngạc nhiên hết sức, cố ngỏng cổ ra mà xem.

Tất cả mọi người cùng đứng lên.

Từ dưới khán đài, một dòng người mặc quần áo thật là lạ mang cờ đi lên khán đài.  Người MC lại bắt đầu giới thiệu:

Đi đầu là các chiến binh của Sư Đoàn Nhẩy Dù.

Bốn người mặc quần áo đủ mầu Đỏ pha xanh và đen đội mũ bê rê mầu đỏ đeo đủ thứ trên vai, trên cổ áo bước tới thật đều, trên tay họ cầm những cột cờ với lá cờ thật lớn mầu Xanh biển với năm ngôi sao mầu trắng và hình một lá cờ khác nữa ở góc trên bên trái.

Kế tiếp là các chiến binh của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Bốn người mặc quần áo mầu xanh lục với những vằn đen, đội bê rê mầu xanh lá cây, bước đều tới, trên tay họ cầm những lá cờ Vàng ba sọc đỏ.

Kế tiếp là các chiến binh của Sư Đoàn Biệt Động Quân.

Bốn người Lính Cộng Hòa mặc quần áo mầu nâu đậm pha đỏ, xanh lục, đen, mang những lá cờ mầu xanh biển.

Tiếp theo là những người lính khác, mặc những bộ quần áo mà áo và quần may dính vào với nhau, cuối cùng là những người lính mặc quần áo trắng nuốt.  

Đây rồi, những người Lính Việt Nam Cộng Hòa, mà những người Cộng Sản gọi là “Ngụy” đây rồi. Những người lính này đã già rồi, tóc của họ đã bạc, dáng đi của họ cũng đã chậm, nhưng nhìn họ thật oai hùng, hiên ngang. Bộ quân phục họ mặc trên người càng làm tăng vẻ oai phong lẫm liệt cho người Lính Cộng Hòa. Trong đầu óc của Nga đã có lời giải đáp cho những thắc mắc của mình về hai phe đối nghịch lần nhau:

“Nhìn những người Lính như thế này, họ phải là người thắng trận chứ không thể là kẻ thua trận. Những người bộ đội như bố nó, nhìn chỉ thấy là một đám thua trận chứ không thể thắng trận được. Đó là lý do mà những người như bố nó thù ghét những người lính Cộng Hòa, gọi họ là “Ngụy” để bôi xấu họ, để che lấp mặc cảm thua kém.”

 

Trên màn ảnh hiện ra hàng chữ: Quốc Ca Úc Đại Lợi. Lá cờ Úc Đại Lợi mầu xanh biển Khi tiếng nhạc trổi lên thì hàng chữ bằng tiếng Anh cũng hiện ra, tất cả mọi người cùng đồng ca bản Quốc Ca của Úc. Nga nghe tiếng được tiếng không, nên chỉ nhìn hình lá cờ và đọc lời của bàn Quốc ca. Lá cờ mầu xanh biển thật nhẹ nhàng, thoải mái, lời bài ca lại càng nhẹ nhàng, giới thiệu nước Úc có bờ biển bao bọc, có tài nguyên xung túc, mọi người thương yêu lẫn nhau.

Trên màn ảnh lại hiện ra hàng chữ: Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ hiện ra, rồi tới những hàng chữ của bài Quốc Ca . . . nhạc bắt đầu trổi lên . . . Từ tất cả mọi nơi, tiếng hát của mọi người bắt đầu vang lên:

“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi,

Đồng lòng cung đi hy sinh thiết gì sông núi,

Vì tương lai quốc dân cùng sông pha khói tên

Làm sao cho núi sông từ nay thêm vững bền . . .”

Lời ca thật nhẹ nhàng nhưng thật là cương quyết. Lạ hơn nữa, lời ca kêu gọi người dân đứng lên vì tương lai quốc dân chứ không vì tương lai của một đảng phái nào.

http://www.nguyenkhapnoi.com/2013/12/20/b%E1%BB%91-co-con-la-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-hay-khong-bai-th%E1%BB%A9-sau/


Nguyễn Khắp Nơi 

Mời xem tiếp bài kết thúc

No comments:

Post a Comment