Trong mấy năm vừa qua, giới hâm mộ võ thuật trước 1975 liên tiếp nhận được nhiều tin không vui. Một số võ sư nổi tiếng trước đây đã ra đi bất ngờ vì bệnh nặng và một số võ sư phải trải qua những lần phẫu thuật tim mạch khá nặng. Bên cạnh đó là những tin buồn về những nhân vật được biết đến nhiều trên các phương diện xã hội, văn hóa, chính trị khác cũng thầm lặng ra khỏi sinh hoạt cộng đồng vì điều kiện sức khỏe không cho phép hoạt động nữa, mặc dù tuổi tác chưa cao lắm. Bản thân người viết bài này cũng đã trải qua vài lần cấp cứu, và hiện thời cũng phải bắt đầu một chế độ luyện tập và ăn uống mới để tránh “ra đi không mang vali” sớm, khi nhiều dự định chưa thành.
Những nguyên nhân chính, theo nhận xét thô thiển của người viết, khiến cho tình trạng sức khỏe của những người trung niên hoặc cao niên giảm sút nhanh chóng, dẫn đến kết quả không tốt là Sự Thờ Ơ và Chủ Quan đối với việc tập luyện để bảo vệ sức khỏe.
1- Thờ ơ: Rất nhiều người không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình, và cứ nghĩ rằng “Ôi! Sức khỏe mình còn tốt chán! Chưa đến độ phải lo lắng!”. Một số khác, khi nghe đến việc đi tập khí công hay các môn võ dưỡng sinh khác thì cười: “Trời! Sáng đang ngủ ngon mà phải dậy sớm để đi tập thì khổ quá!” Nhiều người cũng có ý định đi tập nhưng lại trì hoãn: “Từ từ! Để qua năm, khi công việc bớt đi, thì sẽ tập!” Đa số những vị cao niên, trên 65, thì đam mê với mấy đứa cháu nội, ngoại, lấy việc chăm sóc các cháu là sức khỏe của mình, nên không hề nghĩ đến việc bảo vệ sức khỏe của chính mình. Một số khác thì thấy việc tập khí công, Thiền, hay võ dưỡng sinh nhẹ nhàng quá, chẳng biết có hiệu nghiệm gì hay không, nên nhất định không tập. Rất nhiều vị không có tính kiên trì, đến các trung tâm tập dưỡng sinh được vài lần thì chán, lại bỏ. Có vị lại thấy mỗi tháng phải chung nhau góp tiền thuê địa điểm tập luyện $10.00, $20.00, dù không phải tiền trả cho Thầy, cũng ngán ngại. Những vị này chỉ muốn đến một địa điểm nào đó hoàn toàn Free, nghĩa là những vị Thầy huấn luyện đã bỏ thời gian đến chỉ dẫn cho họ cũng phải bỏ tiền ra thuê nhà luôn, thì họ mới tập!
Có thể nói là tất cả những vị mang tâm trạng Thờ Ơ với việc chăm lo cho sức khỏe đó, một khi gặp bệnh nặng thì lại lo lắng quá sức, muốn có phương pháp gì đó cứu chữa được mình, nhưng đã trễ. Lúc ấy, nếu muốn tập thì lại đi đứng rất khó khăn. Có vị đau lưng, đau chân, đau đầu gối quá, chỉ đứng được vài phút là thở mạnh, rồi phải ngồi xuống, và hết tập! Những vị chỉ lo săn sóc các cháu quá, khi không đứng lâu được nữa thì buồn bã, chán nản, và gần như tuyệt vọng. Như thế, Thờ Ơ chính là bệnh nặng hết thuốc chữa.
2- Chủ quan: Nhiều người vốn sẵn có thân thể khỏe mạnh, vẫn làm việc nặng hoài, bước lên xe là phóng trên 70 dặm một giờ, thì luôn cười diễu các môn dưỡng sinh, chẳng ích lợi gì, nên khi bất ngờ khám phá thấy mình mắc bệnh trầm kha thì đâm ra bực dọc, phẫn nộ. Một điều thường thấy ở một số võ sư lão thành là muốn dậy người khác tập luyện để khỏe mà không để ý đến việc bảo vệ sức khỏe của chính mình. Những vị võ sư đó luôn chủ quan cho rằng thân thể của mình đặc biệt hơn thân thể thiên hạ, mình đồng da sắt, nên chẳng cần tập thêm nữa cũng vẫn khỏe, để đến khi phải vào bệnh viện để thông tim thì mới ân hận là không kiên trì tập luyện bao giờ. Cá nhân người viết cũng mắc phải “căn bệnh chủ quan” này. Từ 15 năm nay, mỗi tuần vẫn đi dậy khí công, Tài Chi, Yoga cho người khác mà đã bỏ quên việc tập cho chính mình. Chế độ ăn uống cũng thoải mái, chẳng kiêng khem gì, và luôn tự nhủ rằng: “Lâu lâu đi ăn tiệc một lần, mà có ăn thịt heo quay, gà quay, vịt quay.. không bỏ da…cũng không sao! Tập chạy một tiếng đồng hồ mỗi ngày là tan hết mỡ!” Và cứ thế cho đến một ngày đầu tháng 1/2018, đột nhiên thấy ngực trái đau tức và mệt, vội đi khám bệnh. Bác sĩ đo Điện Tâm Đồ rồi thì cho người viết hay là một một mạch máu chạy vào tim bên trái đã bị nghẽn, cộng thêm vào mạch phải đã bị nghẽn từ hơn 30 năm nay (Hồi ấy, khi biết tin tim mình sắp ngừng đập, người viết đã kiên trì tập hít thở qua bài Thái Cực Quyền và đã sống tới hôm nay) Bây giờ, Bác sĩ buộc phải uống mỗi ngày 1 viên Aspirin 81, chờ đi làm Treadmill và Siêu Âm. Lúc đó mới hối hận và tập luyện không ngừng, mỗi ngày bỏ ra vài tiếng đồng hồ tập Thái Cực Quyền, Yoga, Dịch Cân Kinh và Khí Công, tập sáng, tập chiều, và tập trước khi đi ngủ.. Lạ lùng thay, hai tuần sau, đến đo lại Điện Tâm Đồ, thì không còn thấy cái mạch bị nghẽn nữa, Bác sĩ nghe tim và cho biết đã đập bình thường trở lại! Không cần uống thuốc, không cần mổ tim! Khỏe re!
Vì thế, người viết phải vội viết bài này, giúp độc giả biết cách phòng ngừa bệnh nặng, không cho bệnh đến sớm (không phải để chấm dứt bệnh tật, vì con người sinh ra đều phải trải qua 4 thời kỳ: Sinh, Lão, Bệnh, Tử! Có ai tránh được chu kỳ này?) và để sống vui khỏe cho đến ngày “ra đi không mang vali”. Muốn được như vậy thì phải luyện tập mà tập đều đặn, không phải chỉ tập cho đến khi thuộc các bài tập Thầy dậy rồi nghỉ để khi nào rảnh rảnh thì mới quơ quào tay chân một lúc và tin rằng “thế là đủ!”. Thực tế, chẳng có phương pháp nào là đủ giữ cho cơ thể khỏe mạnh mãi, nếu không tập luyện kiên trì, đều đặn, cho đến khi nào Thượng Đế gọi về mới thôi. Một thực tế nữa là tập luyện kiên trì có thể giúp chúng ta qua khỏi những cơn bệnh ngặt nghèo về Tim Mạch, (như đã viết ở trên) và để tránh bị “Stroke” (người viết đã 2 lần bị Stroke mà qua khỏi vì biết tập thở), đôi khi có thể thắng được cả cơn bệnh ung thư nữa (đã có 2 bệnh nhân ung thư, vì tập theo phương pháp của người viết đã qua khỏi.) Với căn bệnh Parkinson là căn bệnh bất trị, thì tập luyện có thể làm cơn bệnh chậm phát triển và giúp hồi phục một phần nào các cử động thường nhật không bị rung rẩy mạnh. Còn các căn bệnh đau nhức: đau cổ, đau vai, đau lưng, đau đầu gối, thì là chuyện nhỏ, người bệnh có thể khỏi ngay sau vài ngày tập luyện. Dĩ nhiên, kết quả của việc tập luyện không ai giống ai, vì còn tùy theo ý chí của người tập nữa. Và còn tùy thuộc vào Số Mệnh của mỗi người, tùy thuộc vào sự sắp đặt của Thượng Đế, của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với mục đích “còn hơi thở, còn chiến đấu”, người viết xin ghi lại những phương pháp dưới đây để chia xẻ cùng bạn đọc, mong giúp được chút gì cho mọi người.
1- Chuẩn bị tinh thần: Người xưa nói: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Câu này rất đúng về bệnh lý học và tâm lý học. Người luôn vui vẻ thì hệ thần kinh không bị kích xúc mà làm việc thoải mái, từ đó mới ra mệnh lệnh cho các tế bào làm việc cân bằng và thích hợp với các điều kiện cần thiết của một con người khỏe mạnh. Do đó, mà các bắp thịt, các tế bào da, xương, thần kinh giao hòa với nhau một cách chặt chẽ. Một khi mà có sự “đồng thuận” của mọi tế bào, thì đương nhiên sắc mặt rạng rỡ, sức khỏe dồi dào và ít khi bị bệnh. Nếu lỡ có bệnh, thì cũng chóng qua. Ngược lại, người u sầu thì dễ bệnh. Theo một khám phá gần đây, thì khi u buồn, cơ thể sẽ tiết ra một chất gọi là “chất buồn” làm đình trệ mọi hoạt động của cơ thể, cũng giống như khi bị cúm, vi khuẩn làm cho các tế bào uể oải, không muốn hoạt động, cho đến khi ý chí của người bệnh phục hồi, khiến cho các tế bào lành lặn ra sức chống lại vi khuẩn, thì trận chiến mới kết thúc, và người ta khỏe trở lại. Để bớt bệnh tật, chúng ta nên “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, khi gặp nghịch cảnh thì nên tự nhủ: “sông có khúc, người có lúc”. Cứ bình tĩnh thì sẽ tìm ra cách giải quyết, không nên lo lắng quá độ, vì càng lo lắng càng thấy mình bế tắc. Người nào có đức tin vào Chúa, vào Phật, thì kiên trì đọc kinh, nhất định mọi trở ngại sẽ qua. Bên cạnh đó, nên sống vị tha, nghĩ về người khác hơn về chính mình thì cuộc sống sẽ vui vẻ hơn. “Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống cũng chả mấy ai bằng mình.” Từ đó mà vui luôn. Ngoài ra, đối với sự việc có người muốn hại mình, ghét mình, chọc giận mình, thì nếu tha thứ được thì cứ thứ tha. Giận hờn làm cho tim luôn đập nhanh, thần kinh căng thẳng, nếu có bệnh cao máu, cao mỡ, thì dễ bị Stroke! Một số người không bị Stroke nhưng vì luôn giận hờn, không tha thứ cho ai, thì có thể biến thành một người mang tâm bệnh, dần dần thành người bệnh tâm thần luôn. Không ít người, chỉ vì mất người thân (vợ, chồng, người yêu) mà biến thành người bệnh tâm thần, lúc nào cũng căng thẳng, ngơ ngác, rồi bỏ ăn, bỏ ngủ… nếu không có cách gì tìm vui lại thì sẽ u sầu rồi ra đi trong nỗi cô đơn. Tóm lại: Tinh thần tĩnh lặng, thoải mái, yên vui có thể tiêu trừ được bệnh tật.
2- Tập luyện hít thở: Nhiều người bĩu môi khi nghe tới việc tập luyện hơi thở hay khí công, vì cho rằng mình chơi thể thao hàng ngày, nên không thể mà bệnh! Một người bạn hay chạy Marathon, và luôn hãnh diện vì mình có thể chạy nhiều dặm một ngày. Người bạn này tỏ ra khinh rẻ môn khí công của người viết vì cho rằng nhẹ quá. Thời gian sau, nghe nói anh bị trụy tim, phải gắn máy trong ngực cho đến khi có thể thay tim! Một bạn khác cũng chơi tennis hàng ngày, đột nhiên nghe nói anh đã ra đi, sau khi ngã gục trên sân chơi. Một người khá nổi tiếng trong nhiều sinh hoạt, bỗng trở thành người bệnh tâm thần, hết thuốc chữa. Vài người bạn thân cho biết con họ vẫn chơi thể thao, bất ngờ gục xuống và ra đi, khi tuổi đời chưa quá 30. Vì thế, tập thở hay tập khí công là cần thiết cho mọi lứa tuổi. Tại sao lại phải tập thở? Có nhiều người cho rằng không cần phải tập thở vì con người sinh ra, đâu có được ai dậy đâu, mà vẫn thở như thường! Câu này rất đúng, nếu con người ta không bao giờ bị ngạt mũi, sổ mũi! Mỗi lần bệnh cảm, cúm, có ai thở bằng mũi được đâu? Khi bị ngạt mũi, sổ mũi, người ta không mang đủ “oxy” vào trong cơ thể, các tế bào sẽ “đói”, sẽ thiếu thức ăn là “Oxy”, tế bào sẽ yếu đi và dễ bị tấn công bởi nhiều nguyên nhân khác. Người bị bệnh ngáy, không thở bằng mũi mà thở bằng mồm: thiếu oxy! Người ngáy to quá và ngáy triền miên có thể ra đi khi đang ngủ (Sleep Apnea). Ngoài ra, còn rất nhiều lần, chúng ta làm việc vất vả, thở hồng hộc, thở cạn, thở ngắn, những lần đó, Carbonic bị thải ra ngoài quá nhiều, quá nhanh, trong khi Oxy hít vào thì thiếu, như thế, cơ thể đã tiềm ẩn một căn bệnh nào đó rồi. Nhất là với các võ sĩ thi đấu, nếu chúng ta quan sát, sau 3 phút đánh đài, đấu thủ nào há mồm thở dồn dập, nhất định sẽ thua, vì sau vài phút thở mạnh như thế, cơ thể bị mất Carbonic quá nhiều, sẽ choáng váng, mất hết tinh tường, phán đoán, càng đánh càng mất tự chủ và sẽ bị hạ nhanh chóng, nhất là nếu bị đấm vào màng tang là nơi cân bằng của cơ thể, đôi khi lăn ra chết tức thì. Còn đấu thủ nào bình tĩnh biết cách giữ hơi thở, nhất định sẽ thắng.
Vậy thở như thế nào? Rất đơn giản: thở chậm, thở sâu, và thở dài, lúc hít vào cũng như lúc thở ra. Thường thì chúng ta có thể hít vào thật chậm, nhưng khi thở ra thì lại rất nhanh. Hít vào thì đếm được đến 10, thở ra chỉ 5,6 là cạn hơi. Do đó, điều quan trọng khi thở ra là phải nén hơi lại từ từ, không cho thở ra nhanh, nếu hít vào đếm được đến 10, thì cố gắng khi thở ra cũng phải đến 10 mới thả hết hơi ra ngoài. Điều quan trọng thứ hai là Nén Hơi trước khi thở ra. Cố gắng làm 3 chu kỳ: Hít vào 10, nén hơi 3, thở ra 10. Dần dần sẽ tăng lên, hít vào 10, nén hơi 5, thở ra 10. Một tháng sau thì có thể hít vào 15 (20), nén hơi 10, thở ra 15 (20).
3- Tập chuyển động: Có rất nhiều môn phái dậy Khí công, dậy hít thở. Không có môn nào hay hơn môn nào, chỉ khác là phương pháp chuyển động tay chân mà thôi. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, người viết chỉ có thể nói về một trong nhiều phương pháp mà người viết đã hướng dẫn từ nhiều thập niên nay, cứu được nhiều trường hợp bác sĩ chê. Đó là ĐI BỘ TẠI CHỖ, VÀ TẬP CHÂN. Rất nhiều người nói “ngày nào cũng đi bộ nhiều dặm” nhưng bệnh vẫn còn. Lý do: đi bộ không tập trung tư tưởng, không hít thở đều đặn. Đi bộ vòng quanh Park là nơi tập trung hàng tấn khói xe, trong đó có chất độc chết người. Đi tản bộ, vừa đi vừa ngắm cảnh, vừa nói chuyện, vừa uống nước hay nhai kẹo.. Tất cả các kiểu đi bộ trên đều không những không mang lại lợi ích gì mà còn làm hại cơ thể. Do đó, nếu muốn đi bộ, thì phải theo nguyên tắc sau đây:
-Đi bộ tại chỗ, trong nhà: Đi bộ trong nhà tránh được khói độc thả ra từ xe hơi. Khi đi bộ thì đi thẳng người, hai tay để xuôi theo người, bàn tay để thẳng 5 ngón, bước chân nào thì tay đó (như lính đi diễn hành), tay đánh thẳng, không cong quẹo, mỗi bước đi là một lần hít, thở. Khi tập lâu rồi, công lực tăng cao, thì 2 bước mới thở 1 lần. Nếu nhà chật mà không đi vòng quanh nhà được, thì dậm chân tại chỗ. Đi bộ như thế ít nhất là 30 phút một lần, ngày 2 lần, thì khỏi bệnh tim, cho dù là bác sĩ đã chê. (đã có 2 vị bị suy tim, bác sĩ chê, mà tập theo phương pháp của người viết, đã hoàn toàn khỏi bệnh!)
-Tập chân: Cổ chân là nơi hay tụ máu. Lý do: càng lớn tuổi, sức hút máu lên của quả tim càng yếu, tim phải co bóp mạnh hơn mới “hút” máu về tim được. Đôi khi tim làm việc yếu, thì máu đọng ở cổ chân, gây ra đủ thứ bệnh: bệnh phù cổ chân, bệnh sưng lồi tĩnh mạch, và bệnh suy tim! Những người bị phù cổ chân, thì khi lấy tay ấn mạnh vào, chỗ ấn không bật lên ngay mà lõm xuống mãi. Những vị này nhất định là bị yếu tim. (Ở Mỹ khó có bệnh phù thũng vì thiếu vitamin B, cho nên nếu thấy chỗ ấn mà lõm xuống là bệnh tim). Do đó, phải tập cổ chân để giúp máu về tim nhanh hơn, giúp cho tim được giảm bớt áp lực mà khỏe lại. Phương pháp tập chân như sau:
a) Xoay cổ chân: Ngồi trên giường, thả chân xuống dưới, rồi gác chân trái lên đùi phải, tay trái nắm cổ chân trái, tay phải cầm bàn chân trái xoay vòng 10 lần một phía rồi đổi phía kia 10 lần.
Đổi chân: chân phải gác lên đùi trái, tay phải nắm cổ chân phải, tay trái xoay cả bàn chân phải. Tối thiểu mỗi chân được xoay 20 lần.
b) Co chân: Nằm thẳng, ngửa trên giường, hai tay duỗi thẳng theo người, từ từ co chân trái lên, hít vào thật chậm. Khi đầu gối đã ép gần sát bụng, thì từ từ thở ra, và thả chân thắng trở lại, nhưng không cho gót chân đụng giường, tức là để chân trên không. Làm như thế chừng 20 lần, rồi đổi chân. Khi chân này mỏi thì đổi chân kia. Làm như thế mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ chừng 60 lần môt chân là sẽ ngủ thẳng giấc, có người ngủ một mạch 7 tiếng đồng hồ mà không phải đi tiểu đêm. Tối thiểu cũng được 5 tiếng ngủ sâu.
c) Đạp xe đạp ngược: Nếu muốn mạnh thêm nữa, thì nằm thẳng rồi đạp xe đạp ngược, nghĩa là móc bàn chân lên thành 1 vòng tròn, thay vì đạp tới thì đạp lui. Đạp nhiều vòng cho đến khi mỏi thì thôi.
Trên đây là mấy phương pháp căn bản cho người bệnh nặng mà không thể tới lớp tập được. Nếu có thể thì chịu khó đến các trường, lớp dậy khí công, lớp nào cũng tốt, để tập chung với những người khác thì vui vẻ hơn, có bạn có bè, thì tập luyện mau thành công và tập được nhiều môn phái khác nhau, rất thích thú. Dĩ nhiên, khi vui vẻ, yêu đời hơn thì nhan sắc sẽ trẻ lâu hơn, những vị thích hát hò, sẽ thấy làn hơi mình dài hơn và điêu luyện hơn…
Thân chúc những ai đọc bài này có được sức khỏe và hạnh phúc. Vì Sức Khỏe không những là Vàng, mà còn là Kim Cương nữa.
Chu Tất Tiến, Võ Sư Nhu Đạo, Chưởng Môn Chuyển Tâm Công. (714) 398-3678.
(Từ năm 2003, vẫn dậy Khí Công, Yoga, Dịch Cân Kinh và Tài Chi miễn phí. Hiện đang dậy tại Garden Grove Park, góc Westminster và Bushard, Westminster City, phía cuối đường của trường Bolsa Grande, trên sân bóng rổ, mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ đến 9.30)
No comments:
Post a Comment