Vừa trở về nhà sau 6 năm tù, tôi bị
gọi lên phường. Khi đứng trước Chủ Tịch Phường, tôi ngạc nhiên vì người này
không xa lạ, chính là con bé hàng xóm, hồi đó nhem nhếch, 14, 15 tuổi, thỉnh
thoảng đi qua nhà tôi, nhìn vào mỉm cười, trông dễ thương. Thấy tôi nhìn chằm
chằm, “con bé Chủ tịch” biết là tôi đã nhớ quá khứ của mình, nên hầm hừ:
- Phường gọi anh lên, báo cho anh
biết là anh phải đi Lao Động Xã Hội chủ Nghĩa 3 năm nữa.
“Con bé Chủ Tịch” không gọi tôi bằng
“chú” như xưa mà gọi bằng “anh”. Cũng còn hơn mấy người bạn tôi, bị gọi bằng
“mày”.
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:
- Tại sao vậy? Tôi mới vừa đi cải
tạo về.
“Con bé Chủ Tịch” gằn giọng:
- Nhà nước cho anh về để đóng góp mà
Anh không có việc làm, thì phải đi lao động.
Tôi hỏi thêm:
- Thế... nếu tôi có việc làm thì
không phải đi lao động, phải không?
Không trả lời trực tiếp câu hỏi của
tôi, “con bé Chủ Tịch” gằn giọng:
- Tôi cho anh một tuần, không tìm
được việc làm, thì lên đây trình diện đi lao động.
Nghe mấy chữ “đi lao động”, tôi lạnh
gáy, vì thà là đi tù cải tạo, còn có gia đình thăm nuôi, còn đi “Lao động Xã
Hội Chủ Nghĩa” là “mút chỉ cà tha”, gia đình không ai biết ở đâu, và rồi sẽ
chết rục vì làm cật lực và bệnh tật, thiếu đói. Người dân miền Nam, hễ nghe
thấy 6 chữ này là tối tăm mày mặt, vì cái chết trông thấy, mà chết đau đớn,
chết dần mòn, chứ không chết ngay.
Tôi quay trở về nhà, lấy xe đạp đi
tìm mấy người bạn đã về trước, hỏi thăm. Môt anh bạn đồng môn đưa tôi đến Công
Ty Đại Dương, giới thiệu với tay Trưởng Ban Tổ Chức. Không nói một lời, tay
Trưởng Ban viết vài hàng chữ vào mảnh giấy nhỏ, bảo tôi đến gặp “đồng chí Kế
toán”. Tại đây, tay này nói ngay:
- Anh làm ở đây, lương tháng 30
đồng, nhưng nếu anh lấy lương thì không có việc. Nếu anh không nhận lương, thì
tôi cho anh làm!
Không cần suy nghĩ thêm, tôi gật
đầu, làm lao động không có lương nhưng không phải đi Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa
thì cũng tốt. Đến nơi, gặp tên Trưởng Công Trường, hắn nhìn tôi, nói tửng tửng:
- Ở đây làm thông tằm, nên phải ăn
cơm trưa tại đây, không về nhà. Mà muốn ăn cơm, thì phải góp 1 lon gạo, và 1
đồng để có người nấu canh cho.
Như vậy, vì là 1 tên cựu tù cải tạo
mà muốn có việc làm, thì không những không có lương, mà phải đóng góp 1 lon
gạo, giá 1 đồng, nộp thêm 1 đồng để được 1 chén canh “toàn quốc” (đầy nước),
cộng lại là phải nộp cho nơi làm việc 2 đồng 1 ngày, 1 tháng 26 ngày là 52 đồng
để được làm công nhân. Thời gian đó, lương công nhân nhà nước là 30 đồng 1
tháng, mà 1 tên cựu tù muốn có việc làm để khỏi đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa
phải nộp cho tên xếp gần 2 lần lương tháng của 1 công nhân viên! Chỉ có chế độ
Súc Vật mới thấy hiện tượng này! Nghĩ mà đau thấu tim, nhưng thôi, chỉ cần có 1
tờ giấy chứng nhận có việc làm rồi nghỉ, chứ không thể nào làm việc cho 1 cái
chế độ khốn nạn, bóc lột con người đến xương tủy. Tưởng là có thể cố gắng được
vài tháng, không ngờ chỉ hơn 1 tháng là phải bỏ, vì nhục nhã và bị đày ải: Công
việc của 1 cựu tù là kéo xe cút kít chở đầy đá xanh lên dốc, rồi đổ vào đống đá
cho xe nghiền, 1 chiếc xe sắt như thế nặng không dưới 100 ký lô, người cựu tù
phải căng tay kéo, đẩy trên đất cát, quỵ xuống, ngã ngồi mấy lần mới lên được
hết dốc. Chỉ vài ngày là ngực muốn vỡ tung ra. Thấy tôi té lên, ngã xuống hoài,
nên tên Trưởng Công Trường lại đổi tôi qua chỗ đập sắt nguội, phải vung cái búa
10 ký lô xuống các cây sắt cầu bị cong mà đập nguội, không qua lò thụt, 1 công
việc ngu ngốc của thời đại đồ đồng, chỉ để hành hạ thằng cựu tù mà thôi, vì
thực tế, muốn làm cho sắt thẳng hay cong, phải nướng qua lò lửa cả ngàn độ. Ở
đây là đập sắt nguội nên dù sức mạnh đến mấy, cho dù cái búa nặng đến mấy, khi
đập xuống sắt cũng chỉ vang lên một tiếng “kẻ..ẻng” rồi văng búa trở lại. Cánh
tay người đập muốn văng ra khỏi hốc. Hơi thở đứt quãng. Tôi nghiến răng làm
trước cặp mắt theo dõi của tên xếp man rợ, khoái trá vì được hành hạ người chế
độ cũ. Cứ thế, tôi không nói không rằng, cứ đập như thằng điên, biết rằng có
đập đến thế kỷ sau, cũng không làm cho thanh sắt thẳng ra. Kệ mẹ chúng nó. Tới
giờ ăn cơm, tôi ngồi trên đụn cát, nuốt chén cơm bằng gạo của mình, uống canh
bằng tiền của mình, 1 tô canh “toàn quốc” chỉ lều bều vài cọng rau và mấy con
tép khô nhỏ tí như cái tăm. Đến một chiều kia, tên khốn đó tập họp công nhân
lại ngồi dưới đất, hắn chỉ tay vào tôi, nói lớn:
- Địt mẹ mày! Tao thấy mày đéo biết
làm gì! Làm như con c. tao, nhưng tao thương hại mày nên mới cho mày làm. Nhớ
là phải làm đàng hoàng, không thì tao đuổi.
Tôi nhục quá, nghiến răng lại, hai
tay nắm chặt cho không đứng vùng dậy, bóp cổ thằng chó đẻ kia, làm
Frankeinstein, hút hết máu của nó, nhưng biết thân phận tù mới về, nên nuốt cơn
hận xuống bụng. Ngày hôm sau, đạp xe đến 1 người bạn, từng là giáo sư Nguyễn Bá
Tòng, hỏi thăm. Anh bạn cho hay là Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật Thành Phố
đang cần giáo sư Anh Văn. Tôi vội quanh xe về nhà, lấy hết bằng cấp ra, nhét
túi và đến Trung Tâm. Nơi đây, gặp ngay tay Giám Đốc Trung Tâm, tên Đinh Văn
Đệ, nguyên là Viêt Cộng nằm vùng, đi Khóa 4 Sĩ Quan Thủ Đức lên đến Trung Tá,
rồi chạy chọt vào được Quốc Hội, làm Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện! (An
Ninh, Tình Báo của chế độ cũ thật kém cỏi, để lọt 1 tên gián điệp cỡ bự, nắm
hết tình hình chuyển quân của ta).
Nheo mắt đọc giấy tờ của tôi xong,
tên Đệ bảo:
- Anh đủ điều kiện đấy, nhưng phải
dạy thử để xem khả năng ra sao! Chiều mai, trình diện tại Trường Phú Nhuận,
trước là Saint Thomas trước 5 giờ.
Hôm sau, tôi có mặt sớm, 1 anh thư
ký dẫn tôi lên lầu 3, đến 1 lớp đã có học sinh và 1 ông thầy già. Anh thư ký
nói cho tôi hay, lớp này là lớp cao cấp nhất dành cho các thầy, cô giáo đang
dạy Anh Văn, chuyên tu nghiệp tại chức, và một số học sinh xuất sắc của Quận
hay của Thành Phố. Nghe nói phải dạy các thầy, cô giáo đang dạy Anh Văn của
thành phố, tôi cũng hơi khớp. Nhưng tới cửa rồi là phải vào. Ông thầy già thấy
tôi vào là tái mặt, vì biết rằng có thể bị mất việc. Ông run run bắt tay tôi và
lủi thủi đi ra, vừa lúc đó thì ban Giám Hiệu kéo nhau vào khoảng 5 mạng, trong
đó có tên Đệ. Họ ngồi dưới cùng nhìn lên, không nói 1 lời. Tôi bước lên bục
giảng, hít thở vài hơi rồi bắt đầu bài giảng đầu tiên về văn phạm Anh Văn căn
bản mà tôi đã suy nghĩ khi đạp xe đến đây. Tôi giảng bài bằng tiếng Anh 100%,
không nói một câu nào bằng tiếng Việt. Đến khi nghỉ giải lao, mấy thầy, cô giáo
là học trò của tôi, gọi tôi lại bàn, nói nhỏ:
- Thầy giảng bằng tiếng Anh, tụi em
rất thích, không như ông thầy cũ, chỉ nói tiếng Việt, nghe chán lắm.
Tôi cảm ơn và hỏi thăm từng người và
biết rằng quá nửa trong lớp là thầy, cô giáo, đi “tu nghiệp tại chức”. Thật ra
nhìn trang phục của họ cũng biết ngay, vì các cô giáo đều mặc áo dài, các thầy
thì áo bỏ trong quần, trong khi đó, học sinh thuần túy thì ăn mặc lôi thôi. Đặc
biệt, có tay Lớp Trưởng, nhìn vào là biết ngay là công an, có nhiệm vụ theo dõi
thầy giáo! Tên này khoảng 30 tuổi, mặc áo sơ mi trắng, cộc tay, bỏ ngoài quần,
đi học mà mang cặp da xịn. Về sau tôi mới biết là chỉ có tên này đi xe Vespa, còn
các học sinh khác thì đi xe đạp.
Ngay sau khi hết giờ học, tên Đệ cho
mời tôi vào văn phòng và đưa “contract” cho ký ngay. Hắn nói:
- Thầy Tiến lấy lớp đó luôn nhé.
Tôi vội xua tay:
- Không được. Tôi không thể làm thế.
Như vậy là tôi lấy mất việc của thầy cũ. Lương tâm tôi không cho phép.
Tên Đệ vội bào chữa:
- Không phải đâu. Tôi đã chuẩn bị
cho thầy kia đi làm Hiệu Trưởng ở trường khác rồi.
Hắn cười giã lả:
- Thầy đó nhiều kinh nghiệm dạy học,
nhưng phát âm tiếng Anh như tiếng Pháp, vả lại cũng già rồi, làm Hiệu Trưởng là
đúng.
Thấy hắn nói vậy, tôi yên tâm, nhưng
sau này mới biết là hắn nói láo. Hắn đuổi ông thầy già kia luôn, vì tôi bất ngờ
gặp ông ta giữa đường. Ông ta khóc lặng lẽ. Trái tim tôi quặn thắt lại, nhưng
biết nói sao.
Hệ thống giáo dục của xã hội chủ
nghĩa thật quái đản. Trước hết là vấn đề học sinh nghỉ học vì bệnh hay vì lý do
nào đó, thì thầy giáo bị trừ lương, theo sổ kiểm tra từng ngày! Thứ hai, ký
“contract” là một chuyện, nhưng các thầy cô không có quyền giữ giao kèo, Hiệu
Trưởng nắm thóp, để bất kỳ khi nào mà hắn chán là hắn đuổi liền, mà không ai
kiện được, vì chẳng có 1 tờ giấy nào trong tay. Thứ nữa, là việc lãnh lương, 2
tháng 1 lần, chứ không phải hàng tháng. Bên cạnh đó là hệ thống theo dõi các
thầy, cô. Hiệu Trưởng cứ đi lại từng lớp, đứng ngoài nghe ngóng cả nửa tiếng
mới rời đi, làm nhiều thầy, cô lúng túng. Hắn rình tôi nhiều nhất vì tôi là
người của chế độ cũ, mặc dù tôi là người thầy duy nhất (và 1 cô giáo) được “dạy
biểu diễn” mỗi khi có Thanh tra xuống, mà Thanh tra có nhiều loại, Thanh tra
Quận, Thanh tra thành phố và Thanh tra từ Hà nội vào. Phải nói là tôi rất mệt
với các buổi Thanh tra ấy, các đồng chí cứ tỉnh bơ bước vào phòng, không 1 lời
chào hỏi, rồi ngồi dựa ngửa ra, theo dõi từng cử động, từng lời nói của tôi.
May mà tôi giảng bằng tiếng Anh, nên các đồng chí “lớp 3 trường làng” cóc hiểu
gì cả, chỉ ngồi gật gù một lúc, ra cái điều ta đây cũng hiểu, rồi chán, lẳng
lặng bỏ ra khỏi lớp.
Nhưng điều làm tôi bực nhất là vụ
báo cáo của tên công an Lớp Trưởng. Ngày đầu tiên dạy ở đây, đến giữa giờ, tôi
đang ngồi trên bàn, đọc sơ lại các bản nháp về bài học của mình, tên công an
Lớp trưởng đến đứng trước mặt tôi, mặt câng câng. Hắn lấy ngón tay gõ gõ lên
bàn cho tôi ngẩng lên, rồi hách dịch nói:
- Ông Thầy! Tui đi giao ban đây. Ông
Thầy có gì đệ đạt lên tui không?
Tên này tỉnh bơ báo cho tôi biết là
hắn đi báo cáo (giao ban có nghĩa là báo cáo), tôi muốn sôi máu lên, nhưng cố
nhịn, nói:
- Anh đi báo cáo thì cứ đi báo cáo.
Tôi không có gì đệ đạt lên anh cả!
Tên công an gật gù rồi đi khỏi. Thật
sự, không có chế độ nào khốn nạn như chế độ xã hội chủ nghĩa ViệtNam. Thầy, cô
sợ báo cáo một phép, cho nên vừa giảng vừa run. Tôi thì cóc sợ, tù khổ sai, mấy
lần bị dí súng vào mặt mà không chết, thì sợ quái gì cái tên nhãi nhép này.
Không ngờ chỉ sau hơn 2 tháng, tôi thành “ông thầy mất dạy”.
Hôm đó, vào giờ nghỉ, bỗng nghe máy
phóng thanh oang oang phát cho cả trường đều nghe:
“Thầy Chu Tất Tiến xuống văn phòng
làm việc! Thầy Chu Tất Tiến xuống văn phòng làm việc!”
Tôi giận dữ đi xuống, vừa đi vừa lẩm
bẩm chửi thề. Lại thằng chó chết báo cáo láo. Quả nhiên là như vậy. Tên Đệ đứng
chờ tôi ở cửa văn phòng, thấy tôi bước đến là mắng liền:
- Thầy dạy gì kỳ vậy? Học trò tôi
báo cáo là thầy sử dụng cả ngày tháng vào thì Present Perfect!
Á! Đồ ngu! Vì đã ghét cái tên phản
bội, gián điệp này, “ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng Sản” từ lâu rồi, nên tôi nổi
sùng, nói môt hơi:
- Nếu thầy không cho ngày tháng vào
câu Present Perfect, thì với câu này, thầy dùng thì gì? Tôi cho thầy 1 ví dụ:
“Kể từ ngày thứ Sáu, mùng 3 tháng 9 đến nay là 4 ngày, tôi lười không chịu đánh
răng, nên mở miệng ra thì miệng tôi thối hoắc!” Thưa thầy, nếu không dùng
Present Perfect thì dùng thì nào? Simple Present? Past Tense? Past Perfect? Hay
Present Continuous?
Tên Đệ ngớ người ra, suy nghĩ môt
lúc rồi nhe răng cười hì hì:
- Xin lỗi thầy Tiến! Tôi...
“formation Française!” Nên đôi khi lầm lẫn.
Nghe nói thế, tôi càng điên hơn:
- Xin lỗi Thầy Đệ, khi tôi thi Tú
Tài 1, tôi vẫn phải làm luận Pháp Văn!
Nhớ đến tên này từng nằm vùng, phá
hoại quốc gia, hợp cùng với nhiều yếu tố khác, làm miền Nam thất trận, tôi
không nhịn nữa, tôi quạt hắn:
- Thầy phải nhớ câu: Tri vi tri, bất
tri vi bất tri, thị tri dã”. Người bình dân thì nói rằng: “Biết thì thưa thốt,
không biết thì dựa cột mà nghe.” Thầy không rành văn phạm Anh Văn, thì thầy hỏi
tôi, tôi giảng cho thầy hiểu, chứ đừng nghe báo cáo láo rồi làm nhục tôi, gọi
ầm ĩ cả trường lên. Tôi nói cho thầy biết, từ hôm nay, tôi nghỉ dạy luôn.
Tên Đệ nghe tôi nói nghỉ, thì sợ
quá, vì như đã nói trên, chỉ có tôi là giáo sư dạy mẫu cho Thanh Tra xem, nếu
tôi nghỉ, thì trường mất thành tích! Hắn vội nói:
- Thầy suy nghĩ lại đi. Thầy ký
“contract” với tôi là dạy hết niên khóa mà!
Tôi vặc lại:
- Thầy giữ làm kỷ niệm đi.
Tên Đệ lại nói vớt:
- Thế... thế còn 2 tháng lương thầy
chưa lãnh?
Tôi cười hì:
- Tặng cho vợ thầy luôn.
Rồi tôi bước nhanh lên lầu 3, vào
lớp, bước lên bục, lấy tay đập đập vào bảng đen và chửi té tát:
- Lũ chúng mày ngu thì chịu khó học.
Nếu không hiểu thì hỏi, đừng có mà đi báo cáo láo. Tao cho chúng mày biết, đời
chúng mày rồi cứ ngu hoài.
Chửi cho đã miệng rồi tôi hầm hầm
bước ra khỏi lớp. Thế là thành “thầy giáo mất dạy”!
Tuy nhiên, việc đời có xui, có hên.
Nhờ bỏ dạy trường, tôi đi dạy chui. Nhờ người này, người kia giới thiệu, tôi có
được 4 lớp, mỗi lớp 6,7 cô người Hoa đang chờ bảo lãnh đi Mỹ, tuổi từ 17 đến
24, không kể 1 lớp dạy vợ của tay Công An Quận, không biết ai giới thiệu, mà
một hôm hắn đến nhà tôi, gõ cửa. Thấy Công An, tôi ngạc nhiên. Hắn tự giới
thiệu là Công An Quận, rồi nói ngay:
- Tôi nghe nói anh dạy Anh Văn rất
khá. Tôi nhờ anh giúp cho bà xã tôi. Bả muốn học Anh Văn để giao thiệp với
người nước ngoài.
Tôi trả lời:
- Dễ thôi. Anh cho tôi địa chỉ và
giờ giấc thuận tiện, tôi sắp xếp thời biểu của các lớp.
Tay Công An mừng quá, cho tôi địa
chỉ nhà ngay. Đến nơi, tôi thấy vợ hắn còn trẻ, nói năng lịch sự. Tôi ra giá,
cao hơn mấy chỗ khác, lý do là tôi chỉ dạy mình vợ hắn, mất thời gian. Tay Công
An vui vẻ móc túi đưa tiền trước, rồi bỏ đi làm. Cô vợ, dân Nam Kỳ nên thông
minh, tôi dạy không khó khăn. Từ đó, đời tôi lên hương, vì học trò người Hoa
rất kính nể thầy giáo, ngoài tiền học thoải mái, còn đãi đằng tôi ăn chơi mệt
nghỉ. Cứ đến Tết ta, Trung Thu... là nhà tôi ngập dưa hấu, bánh chưng, bánh
Trung Thu... Thầy trò quấn quít nhau, thường rủ nhau đi “pinic”, tới vườn chơi,
thì ông thầy với khoảng 15, 17 học trò gái, chơi ú tim, chụp bắt nhau, rất vui.
Thầy giáo đôi khi chụp nhầm chỗ làm học trò cười khúc khích.
Một chuyện ngoài lề: Trong 1 lớp có 7 cô học trò người
Hoa, bất ngờ cô trẻ nhất và xinh nhất, 18 tuổi, bật lên 1 câu làm tôi hoảng
hốt: “I love you more than I can say”, rồi gục đầu trên hai tay để trên bàn,
khóc nức nở. Tôi bối rối quá, không biết làm sao trước 6 cặp mắt to tròn nhìn
tôi, đành nói nhỏ nhẹ:
- Tôi cám ơn em đã quý trọng tôi.
Mong rằng tình yêu của em dành cho tôi là tình yêu của một học trò dành cho
thầy. Đó là tình yêu đáng quý nhất trên hết mọi thứ tình yêu.
Rồi tôi hát bài “I love you more
than I can say” cho cả lớp lắng nghe, kể chuyện vui khỏa lấp, rồi tan hàng
trước sự ngượng nghịu của tất cả, vì tôi biết trong số 6 cặp mắt còn lại đó, có
ít nhất là 2 cặp mắt muốn hút hồn tôi.
Chừng 1 tuần sau, vào buổi sáng sớm,
trời mưa lâm râm. Nghe tiếng gõ cửa, tôi ra mở cửa, thấy em mặc áo “pull” tím,
em nhìn tôi, vừa khóc vừa nói:
- Ngày mai em vượt biên. Em đến từ
giã thầy. Thầy ở lại mạnh giỏi.
Rồi em vụt đi nhanh hơn làn gió. Tôi
đứng bâng khuâng ở cửa, trái tim nghẹn ngào.
Hơn 2 tháng sau, 6 cô học trò còn
lại trong lớp đưa cho tôi xem 1 bức điện đánh từ Thái Lan gửi về lớp: “I am in
Thailand. I am fine. How about my Prince? Please tell him I love him”.
Bức điện chỉ có mấy chữ mà làm tôi
lao đao nhiều năm sau... mãi đến bây giờ.
Chu Tất Tiến
No comments:
Post a Comment