(Viết
theo lời kể của một thuyền nhân, tên nhân vật đã được thay đổi.)
Trong
cuộc đời của một con người, hẳn ai cũng có những lần gặp nhiều sự việc quan trọng
xảy ra trong cuộc sống của mình. Những sự việc đó đã được khối óc ghi nhận và
lưu giữ lại ở một chỗ nào đó trong đầu mà chúng ta gọi là ký ức. Tuy vậy có những
việc, nó chỉ lưu giữ trong ký ức một khoảng thời gian rồi phai mờ dần, nhưng có
những điều lại như hằn sâu, như khắc đậm, muốn quên mà không thể quên được. Câu
chuyện sau đây trong cuộc đời tôi là một minh chứng cho sự huyền diệu của khối
óc: Tôi đã nhớ và đã nhớ cả một đời.
Tôi
là đứa con gái út trong một gia đình đông con, mẹ tôi mất năm tôi 12 tuổi, vì
thế bao nhiêu tình thương yêu của Bố và các anh chị đều đổ dồn cho tôi. Tôi được
nuông chiều như một cô công chúa, từ nhỏ cho đến khi tốt nghiệp đại học, mọi việc
đều do các anh chị tôi lo lắng, sắp xếp cả, chính vì vậy mà khi ra đời, không
có kinh nghiệm sống, lại ngu ngơ, không biết cách ứng xử, tôi luôn bị thua thiệt,
bị bắt nạt. Nhưng có lẽ ông trời thương hại kẻ khù khờ nên đã cho tôi một khuôn
mặt khá xinh xắn, để bù lại những thiếu sót của tôi. Với khuôn mặt xinh xắn
này, tôi đã luôn nhận được sự giúp đỡ cũng như chiếm được cảm tình của rất nhiều
người trong đó có anh. Anh Bằng là sinh viên đại học Bách Khoa năm cuối cùng,
tôi quen anh trong lúc tham gia công tác đổi tiền của nhà nước, một công việc
mà sinh viên phân khoa các đại học bắt buộc phải có mặt, làm việc theo sự phân
bổ của chính quyền CS. Chính anh là người đã giúp đỡ và bảo vệ tôi trong suốt
thời gian đổi tiền và cũng từ đó chúng tôi quen nhau rồi yêu nhau.
Yêu
nhau một thời gian dài, anh xin với bố tôi cho cưới. Bố không bằng lòng vì nghĩ
tôi còn quá trẻ, sau anh nài nỉ mãi và cũng vì thấy chúng tôi quá thương nhau,
bố động lòng, nhưng chỉ bằng lòng cho làm đám hỏi, còn cưới thì phải chờ tôi
trưởng thành hơn nữa .
Đám
hỏi chưa kịp làm, đột nhiên anh biệt tăm cả tháng trời, không thấy đến tìm tôi.
Lo lắng, tôi đến gia đình anh để hỏi thăm thì được biết anh và anh trai ra miền
Trung thăm bà nội bị bệnh. Ba ngày sau anh đến nhà tôi với cái đầu trọc lóc,
anh kể:
-
Anh vừa mới được thả về, anh nhấc mũ ra, đưa tay xoa xoa cái đầu, em biết tại
sao rồi chứ?
-
Làm sao em biết được? Tôi trố mắt lên nhìn anh, bộ anh bị bắt hả, mà làm gì bị
bắt thế?
Anh
nhéo mũi tôi nói nhỏ:
-Trời
ơi, em tôi đúng là một cô bé khờ. Thì anh đi vượt biên bị bắt chớ sao?
- Vượt
biên? Sao anh đi mà không nói cho em biết? Chuyện quan trọng như vậy mà lại giấu
em.
-
Chính anh còn không biết, mọi việc ba anh sắp xếp hết, giờ cuối cùng, ba gọi
anh về để đi cùng anh hai, và đi gấp trong đêm, nên đâu thể nào báo cho em biết
được. Chuyến đi thất bại, tụi anh bị bắt, lúc được thả về, anh quyết liệt với
ba là anh sẽ không đi đâu nếu không có em đi cùng. Ba đã đồng ý. Nói trước cho
em biết để chuẩn bị tinh thần, lần sau nhất định có đi thì hai đứa mình cùng
đi, bé hết giận anh chưa?
Cứ
tưởng anh nói để dỗ ngọt tôi, ai dè một tháng sau, vào buổi tối ngày 24 tháng 5
năm 1981, anh đến nhà xin phép bố tôi cho tôi đi vượt biên cùng anh ngay đêm ấy,
bố tôi hơi ngỡ ngàng,và có ý không bằng lòng. Bố ngần ngừ và trầm ngâm rất lâu:
-
Bác biết con rất thương Ngọc, nhưng vượt biên không phải là chuyện chơi, biết
bao nhiêu hiểm nguy, bất trắc đang chờ đón, hơn nữa, Ngọc là con gái, các con
chưa chính thức là gì với nhau, ra đi như vậy có hợp với lễ giáo hay không?
Nghe
bố nói vậy, Bằng kéo tay tôi, hai đứa cùng quỳ xuống trước mặt bố, giọng anh
thiết tha:
-Thưa
bố, chính vì điều này mà con cúi xin bố thành toàn cho chúng con, cho chúng con
được thành vợ, thành chồng. Sự cho phép của bố sẽ giá trị hơn bất cứ một lời
cam kết nào trong cuộc đời này. Con xin thề với bố, con sẽ thương yêu và đối xử
thật tốt với Ngọc, khi qua được bên kia đại dương, con sẽ làm đám cưới với Ngọc
đúng theo lễ giáo. Mong bố toại nguyện cho chúng con.
Ôm lấy
đầu gối của bố, tôi tiếp lời của Bằng:
- Bố
ơi, Bằng nói thật đó, anh ấy rất yêu con, không bỏ con đâu, hơn nữa bố ơi, bố
làm việc trong chính quyền cũ, các anh con thì đều bị đi học tập cải tạo, sống
trong một gia đình bị gọi là ngụy quân, ngụy quyền, tương lai chúng con sẽ ra
sao? Bố để con đi, qua bên đó biết đâu con còn có thể giúp đỡ phần nào cho gia
đình mình, giúp các cháu đỡ đói khổ. Nhìn chúng nheo nhóc bố đành lòng sao? Bây
giờ có cơ hội, bố cho con theo anh ấy nhe bố, Con xin bố, cho con đi nhe.
Có lẽ,
nhận thấy những lời của chúng tôi nói không sai và cũng cảm động trước sự chân
thành tha thiết của hai đứa, bố đã đồng ý và chúc lành cho chúng tôi.
Ở lại
nhà anh một ngày, chiều 25 chúng tôi đón xe đi Bà Rịa để 9 giờ tối hôm đó đón
“taxi” ra “tàu” lớn. Tiếng là tàu nhưng thực sự đó chỉ là một con thuyền đánh
cá không lớn lắm mà tôi từng được trông thấy khi ra Vũng Tàu chơi thời còn dưới
chế độ VNCH
Khi
tàu ra xa, đã vào được vùng an toàn thì mọi người mới phát giác ra sự lừa đảo của
bọn chủ tàu, chúng không hề mua nước cũng như đồ ăn để dự trữ cho chuyến đi của
66 người. Khi bị chất vấn, chúng đổ thừa tại bến bị động nên không thể chuyển
lương thực được. Một số người không nhịn được sự tức giận đã nhẩy lên đòi đánh
tên này, nhưng cuối cùng, vì sự đã rồi và cũng vì nhóm người của chủ tàu quá
đông, nên mọi người đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhóm chúng có phòng hờ đem
theo đồ ăn nhưng cũng không nhiều, một chút gạo và khoai lang, chỉ đủ cho chúng
dùng trong vài ngày thế thôi. Từ đó ai có chút đồ ăn đều phải giữ kỹ để phòng
thân.
Riêng
vợ chồng tôi (chúng tôi xưng vợ chồng để tránh những rắc rối sẽ xảy ra) còn sui
xẻo hơn, ngoài bọc đồ ăn nho nhỏ và một số thuốc phòng thân chồng tôi buộc ở
trên vai, lúc ra taxi, hỗn độn, chen lấn đã bị ai đó giựt mất, anh Bằng lại đạp
phải cái gai dừa trên bãi biển, lên đến tàu anh mới thấy đau. Nếu ngay khi mới
đạp phải gai, lấy ra ngay thì còn được, nhưng vì lo chạy đi ra taxi để không bị
bỏ lại, nên cái gai càng ngày càng đâm sâu vào chân hơn, không có cách nào lấy
ra nữa. Mấy hôm sau chỗ bị gai đâm bị sưng tấy lên, mưng mủ, nó đã bị nhiễm
trùng. Chồng tôi đã bắt đầu bị sốt. Mới đầu chỉ hơi nóng nhẹ, anh còn chịu đựng
được, vẫn còn có thể hứng nước mưa cho hai đứa uống, nhưng vì nhịn đói và khát
cả hơn một tuần lễ, cơ thể không có sức đề kháng, cơn sốt càng ngày càng tăng
và kéo dài hơn. Gói bánh nhỏ tôi lấy vội trước khi đi còn sót trong túi áo lạnh,
đã cho anh ăn dần, cầm cự được vài ngày rồi cũng hết. Sau đó, tôi có hỏi xin
thuốc và đồ ăn cho anh nhưng không ai cho, họ còn phải thủ cho mình vì ai cũng
tưởng chỉ một hai ngày thì sẽ gặp được tầu vớt, nên thực phẩm mang theo rất hạn
chế, không ai muốn bị chết đói cả. Đồ ăn mang theo hầu như đã gần hết, lần đầu
tàu chúng tôi có gặp khoảng 40 chiếc tàu, có những chiếc bỏ đi luôn, có những
chiếc dừng lại nhưng không chịu vớt mà chỉ chấp nhận tiếp tế lương thực thôi,
nhưng vì tàu của chúng tôi quá bé, không thể lại gần vì sợ bị lật tàu, nên đành
đau đớn nhìn tàu lớn bỏ đi mà không nhận được gì. Tất cả chúng tôi trên con tàu
này đều đã phải nhịn đói và hứng nước mưa uống để sống sót.
Ngay
mấy ngày đầu, khi tàu vừa ra tới hải phận quốc tế, thì vợ tên chủ tàu ngồi phía
trên gần cái máy, không biết loay hoay thế nào mà đạp vào cái cần điều khiển,
thế là máy tắt luôn. Tên tài công không biết cách sửa để máy chạy lại vì chính
hắn chỉ là tên tài công dỏm, nhận bừa để được cho đi thôi chứ có biết tí gì về
máy móc đâu, vì vậy con tàu cứ lênh đênh trôi trên biển cả mặc sóng cuốn về đâu
thì hay đó. Sinh mạng 66 con người giờ phó mặc cho trùng dương chỉ vì lời nói dối
của một kẻ bất tài.
Con
thuyền không được điều khiển, cứ trôi không biết đâu là bến bờ, khi thủy triều
xuống, thuyền mắc cạn vào một hòn đảo san hô nào đó, chỉ thoát ra được khi thủy
triều lên sóng đánh, kéo tàu ra xa. Một niềm hy vọng cho mọi người là tại những
đảo san hô này, trứng chim biển rất nhiều, thấy vậy, có mấy thanh niên nhảy xuống,
bơi vào đảo hy vọng sẽ lấy được trứng thì sẽ không còn bị đói nữa, nhưng bất hạnh
thay, đá trên đảo san hô lại rất nhọn, sắc cạnh và trơn trượt, trứng không lấy
được mà còn bị té đập đầu vào đá sắc mà chết, trong số người chết có anh Tư là
người dẫn chúng tôi ra tàu.
Con
tàu lại lênh đênh trên biển như chiếc lá giữa dòng, và người chết vì đói đã bắt
đầu có. Trước hết là những em bé, các em mới đầu còn khóc vì đói, sau đó cứ lịm
dần và ra đi trong lòng mẹ. Tiếng khóc thương con thảm thiết vang lên như át cả
tiếng sóng vỗ của đại dương. Sau đó là một vài người lớn, cơ thể yếu đuối,
không chịu được cơn đói và lại thêm bị sóng nhồi, nên đã ra đi, xác bị thả trôi
trên biển.
Lúc
này chồng tôi khi tỉnh, khi mê. Đang là một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng,
nhưng vì nhịn đói nhiều ngày, lại thêm vết thương ở chân bị nhiễm trùng, không
có thuốc chữa, khiến anh lên cơn sốt, vì thế sức khỏe anh càng ngày càng suy kiệt.
Đã mười mấy ngày rồi, cơn sốt vẫn không thuyên giảm, tôi bất lực chỉ biết ôm
anh trong lòng mà khóc, nhiều khi nước mắt không còn để mà chảy ra nữa. Ôm anh
trong tay, lúc nào lòng tôi cũng nơm nớp lo sợ anh sẽ bỏ tôi mà đi như những
người kia. Một vài người thấy tình cảnh của vợ chồng tôi, họ cũng thương nhưng
cũng không thể làm được gì cho chúng tôi, họ chỉ có thể hứng dùm chút nước mưa
để cho tôi thấm vào đôi môi khô và tím lịm của anh thế thôi. Ngồi trong lòng
tôi, đầu anh tựa vào vai vợ, mắt nhắm nghiền, hơi thở nóng hổi, mặt ửng đỏ, lâu
lâu anh lại rên khe khẽ. Tôi biết anh đau lắm, mệt lắm, mà không thể giúp gì được
cho anh, nghiêng mặt qua, hôn lên vầng trán nóng bỏng của chồng, nước mắt của
tôi rỏ trên má anh, anh thều thào:
-Anh
yêu em, đừng khóc Ngọc ơi, con tàu này bị ếm rồi, khó qua lắm. Anh hé cặp mắt lờ
đờ nhìn tôi, rồi lại nhắm lại, anh xin lỗi em, đừng khóc nữa, anh muốn được
nghe em hát, hát lên đi em, hát cho anh nghe...
Tôi
có linh tính đây là lần cuối anh nói với tôi. Để môi mình trên trán anh, tôi xiết
người anh trong vòng tay tôi chặt hơn và tôi bắt đầu hát nho nhỏ:
-
...ngủ đi anh, ngủ đi anh. Ngủ đi, mộng vẫn bình thường, à ơi, sẵn tiếng thùy
dương đôi bờ, cây dài bóng xế ngẩn ngơ, hồn em đã chín, mấy mùa buồn đau. Tay
em, anh hãy tựa đầu, cho em nghe nặng trái sầu rụng rơi. Ngủ đi anh... ngủ đi
anh...Bằng ơi
Tiếng
hát của tôi hòa lẫn trong tiếng sóng rì rào của đại dương bát ngát, mặc những
cơn nức nở làm nghẹn lời, tôi vẫn cứ hát, cứ miên man hát cho chồng tôi nghe lần
cuối trong đời và nước mắt tôi vẫn cứ chảy, chảy ràn rụa trên khuôn mặt tái dần,
tái dần của anh. Tôi cứ hát trong nước mắt mà không cảm thấy người anh như đang
nhẹ hẳn đi, bàn tay anh đặt trên bàn tay tôi đã lơi ra và rơi xuống sàn tàu. Bất
chợt tôi nắm lấy bàn tay anh, sao tay anh lại lạnh như thế này Anh đã đi, anh
đã ra đi rồi sao, anh đã bỏ tôi thật rồi sao. Tôi hốt hoảng lay lay anh thật mạnh,
anh Bằng ơi, anh Bằng ơi... Anh vẫn bất động, tôi ôm lấy đầu anh, hôn lên khuôn
mặt giá lạnh của anh trong tiếng khóc ngất.
Tiếng
khóc của tôi làm người ngồi bên cạnh chú ý, anh là người luôn giúp đỡ chúng
tôi, chắc anh cũng đoán trước được sự ra đi của chồng tôi nên khi nghe tôi khóc
lớn, anh liền sờ vào mũi Bằng và bảo:
- Cậu
ấy đi rồi, cô không nên ôm như vậy, cái lạnh cơ thể của cậu ẩy sẽ không tốt cho
sức khỏe của cô đâu và tập tục ở miền biển, chúng tôi phải thủy táng cậu ấy như
những người trước.
Lúc
này tôi không còn nghe thấy gì hết, chỉ biết ôm chặt thể xác anh trong tay và
khóc. Tôi cứ ôm chặt lấy anh, không cho người ta lấy anh ra. Tôi biết nếu tôi
buông anh, tôi sẽ mất anh vĩnh viễn kể cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Rồi sau
cùng mọi người phải dùng sức kéo tay tôi để lấy anh ra mang thả xuống biển vì,
theo tập tục của dân đi biển, thì khi một người đã chết thì phải làm lễ thủy
táng trước khi mặt trời lặn. Qua làn nước mắt, nhìn thân xác của anh nằm sấp mặt
trên sóng nước bồng bềnh, trái tim tôi thắt lại, buốt nhói, tôi nhào ra cạnh
thuyền hai tay với với về phía anh một cách tuyệt vọng, giọng tôi khản đặc:
-
Anh ơi, Bằng ơi, đừng bỏ em, đừng trôi đi, đừng trôi đi mà, em xin anh đấy, Bằng
ơi, em xin anh mà, đừng trôi anh ơi!!!
Mặc
cho tôi kêu khóc, xác anh trôi về cuối thuyền. Tôi cố len qua mọi người để bò về
cuối tàu, thì anh lại trôi về đầu tàu, tôi vừa khóc, vừa bò ngược lại, mọi người
lại tránh chỗ cho tôi. Thấy tình cảnh đáng thương của tôi, không nhịn được, một
số người ôm tôi lại và khấn to:
- Cậu
Bằng ơi, cậu sống khôn thác thiêng thì trôi xa đi, đừng làm khổ vợ nữa.
Và kỳ
lạ thay, sau lời khấn ấy, xác anh không trôi quanh tàu nữa mà trôi ra xa rất
nhanh, càng ngày càng xa tàu đến khi mất hút. Tôi chới với nhìn theo, lồng ngực
chợt như bị bóp lại, như muốn vỡ toang ra, tôi cố gào lên, cố kêu tên chồng
tôi, nhưng không được, tiếng kêu như bị tắc nghẹn trong cổ họng, không thở được
nữa và tôi ngất đi. Không biết thời gian bao lâu, khi tỉnh lại, tôi thấy mình
đang được một bác gái, nhỏ vào miệng vài giọt nước mưa đựng trong một cái nắp
chai, thấy tôi mở mắt, bác mừng rỡ:
- Cô
ấy tỉnh lại rồi, vừa nói bác vừa đỡ tôi ngồi dậy, và đút vào miệng tôi một miếng
đường thẻ nhỏ xíu, con ăn chút đường cho lại sức.
Tôi
ngậm miếng đường, cám ơn bác. Bỗng như sực nhớ điều gì, tôi bật ngồi thẳng dậy,
mắt dáo dác nhìn quanh, miệng lẩm bẩm:
-
Anh Bằng? Anh đâu rồi, chồng tôi đâu rồi?
Vừa
nói, tôi vừa tính bò ra mạn tàu, nhưng cánh tay tôi đã bị một bàn tay giữ lại
kèm theo là một giọng nói đàn ông:
- Cậu
ấy đã mất, chúng tôi cũng đã thủy táng cho cậu ấy rồi, trời tối thế này, cô
không thể nhìn thấy cậu ấy nữa đâu. Nghe lời tôi đi, cố gắng mà sống để còn có
người báo tin cho người nhà biết chứ, chết hết rồi thì làm sao.
Quay
nhìn người ngăn tôi lại, tôi lí nhí nói trong giòng nước mắt:
-
Cám ơn anh, tôi hiểu.
Và kể
từ đây, không còn người để nương tựa, tôi phải tự mình bảo vệ lấy mình. Tôi lùi
vào một bên mạn tàu, ngồi bó hai gối lại, nước mắt lại trào ra, tôi nghĩ về Bằng.
Tôi yêu Bằng nhận làm vợ anh và nghĩ hai đứa sẽ hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Bây giờ, bao nhiêu dự tính tốt đẹp về tương lai đã bị sụp đổ hoàn toàn, trước mắt
tôi là một khoảng tối đen, mù mịt. Ai ngờ, cuộc đời tôi lại bất hạnh như thế
này đây, cứ tưởng mình sẽ là cứu cánh của gia đình, thế mà, ngay đến bản thân
mình không biết sẽ ra sao nói gì đến lo cho ai được. Bằng đã bỏ tôi bơ vơ trong
một hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo. Tôi sẽ không bao giờ quên Bằng cả, tôi yêu
anh, yêu anh thật nhiều, Bằng ơi, em nhớ anh quá, em mãi mãi muốn được ôm anh
trong vòng tay nhỏ bé của mình, muốn được hát cho anh nghe, muốn được có anh
bên em suốt đời, nhưng làm sao khi định mệnh đã ngăn cách chúng mình để giờ
đây, một mình em bất lực ngồi đây mà nhớ anh, mà thương anh. Bằng ơi, em xin khấn
nguyện Phật Trời cho linh hồn anh mau được siêu thoát về nơi cõi an bình nhe
anh. Tôi ngồi trong bóng tối và thì thầm cầu nguyện cho anh:
-
Nam Mô, Đại Từ Đại Bi, Tầm Thinh ,Cứu Khổ Cứu Nạn, Quảng Đại Linh Cảm Bạch Y,
Quan Thế Âm Bồ Tát
Câu
chú này là do chị Cả của tôi dạy, chị bảo tôi khi nào gặp nguy hiểm hãy đọc chú
này thì sẽ được cứu. Từ đây cho đến suốt cuộc đời, tôi sẽ luôn niệm chú này và
tôi cũng đã thoát qua nhiều hiểm nguy nhờ đọc chú Quan Thế Âm. Chỉ cần một câu
thôi.
Từ
ngày tàu ra khơi tính tới hôm nay là đúng 19 ngày và chồng tôi mất đúng vào
ngày thứ 19. 19 ngày lênh đênh trên biển cả, những chiếc tàu lớn chúng tôi gặp
đều không chịu vớt, ngay cả sau khi chồng tôi qua đời, và những ngày sau đó
cũng vậy. Với tình trạng không có nước, không có thực phẩm như thế này, không
biết mọi người có còn thể cầm cự được bao lâu nữa đây, nhất là mấy đứa nhỏ. Tên
chủ tàu này quả thật là đồ khốn nạn và bỉ ổi. Đói còn có thể chịu đựng được một
thời gian ngắn nhưng với cơn khát thì làm sao mà kéo dài sự sống được. Thời
gian dần trôi qua, ngày rồi đêm, số người bị bệnh, bị mất sức, bị chết vì đói
ăn, vì khát nước càng ngày càng nhiều. Mới đầu tiếng khóc tiễn người thân ra đi
còn vang vọng trên biển cả, nhưng dần dần, cả người còn sống cũng không đủ sức
để thở, thì còn hơi đâu để khóc cho người ra đi.
Trong
đời sống của chúng ta, chắc hẳn không ít người đã gặp phải những chuyện lạ
lùng, đôi khi huyền bí mà không thể giải thích, nhất là khi chuyện xảy ra liên
quan đến những người đã khuất. Mọi người đều bảo đó là những chuyện thuộc về
tâm linh, mà đã là vấn đề tâm linh thì không thể cắt nghĩa được. Truyện tâm
linh tưởng như khó có thể gặp, nhưng những sự kiện này đã đặc biệt lại xuất hiện
nhiều lần xuyên suốt trong chuyến vượt biên trên con tàu chở chúng tôi.
Chồng
mất, tôi bơ vơ không người che chở, bị bọn chủ tàu bắt nạt, chửi mắng tôi, vì
chúng nghĩ tôi là dân “canh me”. Tôi đã hết lời giải thích là tôi đi với chồng,
không thể nào tôi là người đi lậu được, hơn nữa anh Tư, người chết trên đảo san
hô, là người đưa chúng tôi xuống thuyền biết rõ mà. Chúng nhất định không tin
vì cả hai người chứng của tôi đều đã không còn, thậm chí chúng còn xông đến đòi
ném tôi xuống biển. Mặc cho tôi khóc lóc van xin thế nào, không một ai chung
quanh tôi lên tiếng bênh vực cho tôi cả. Họ phải tự giữ lấy thân, không muốn vì
kẻ khác mà rước họa vào người. Giữa lúc tuyệt vọng nhất, khi đã nắm chắc cái chết
trong tay, tôi chợt nhớ đến Mẹ Quan Thế Âm và niệm khẽ: “Nam mô...”. tiếng nam
mô còn chưa dứt trên môi, thì mọi người đều giật mình vì một tiếng đàn ông hét
lớn vang lên từ đầu thuyền:
- Dừng
lại.
Tất
cả chúng tôi đều quay nhìn về nơi có tiếng quát phát ra, vợ của người tài công
đang đứng đó, mắt bà long lên sòng sọc, tay chỉ thẳng vào bọn chủ tàu:
- Đứa
nào đụng vào con bé đừng trách tao, tao là người đưa nó lên tàu, nghe rõ chưa.
Nói
xong bà khuỵu người nằm xuống mắt nhắm lại như đang ngủ. Cái ngạc nhiên và sợ
hãi của mọi người là tiếng nói phát ra từ miệng bà là tiếng của một người đàn
ông, tiếng của anh Tư, đúng là tiếng của anh, không ai là không biết. Người tài
công cũng sợ, anh ta không dám lại đỡ vợ. Một lúc sau bà ngồi dậy, và ngạc
nhiên khi thấy mình nằm ở đầu tàu, bà hỏi chồng lúc đó đang nhìn bà mà sự sợ
hãi vẫn chưa tan đi trên khuôn mặt của hắn:
-
Sao tôi ngủ ở đây vậy ?
- Phải
là...là...bà không vậy? Sao lúc nãy tiếng nói của bà ...khác, giống tiếng của
...
-
Ông có điên không vậy. Không là tôi thì là ai.
Biết
chắc là vợ mình, người tài công kể cho bà nghe mọi việc, bà có vẻ như không sợ
mà chỉ nói:
-
Lúc nãy ngủ, tôi có mơ thấy anh Tư, anh nói sắp có bão lớn, mọi người nên cầu
Trời, khấn Phật cho qua tai nạn đi.
Tuy
bán tín, bán nghi, nhưng bọn chủ thuyền cũng không làm gì đến tôi nữa vì chúng
còn đang bàng hoàng về sự việc vợ tài công nói giọng của anh Tư.
Đúng
như lời vợ tài công nói, gió bắt đầu nổi lên, mây đen kéo đến, rồi mưa đổ xuống
như trút nước. Những ngọn sóng lớn dần và đập mạnh vào thành tàu, con tàu nhỏ
bé, chao qua, chao lại như chiếc lá trong cơn cuồng phong. Tiếng la hét, tiếng
cầu kinh vang lên giữa cơn giông bão. Run sợ ngồi trong góc tàu, tôi nghĩ với
những ngọn sóng mạnh như thế này chả mấy chốc, con tàu nhỏ bé mong manh này sẽ
vỡ ra từng mảnh, rồi sẽ bị sóng cuốn trôi, rồi sẽ bị sóng nhấn chìm tất cả, đem
những sinh mạng trên con tàu này xuống lòng đại dương thôi. Sự sợ hãi này chồng
lên sự sợ hãi cũ làm đầu óc tôi như mê đi. Tôi lẩm bẩm trong miệng một cách vô
thức câu niệm chú Quan Thế Âm, trong khi đầu óc lại nhớ đến bố tôi, đến các anh
chị em, các cháu, các người thân. Nước mắt cứ trào ra, trào ra mãi trong tiếng
“ Nam mô......” đột nhiên con tàu hơi chao nghiêng, rồi như bị nâng cao lên, và
vùn vụt lướt trên mặt biển, dần xa vùng bão tố. Mọi người hoang mang nhìn nhau,
không biết chuyện gì đã xảy ra. Mãi cho đến khi cảm thấy con tàu như dừng lại
và dập dình như cũ, một vài người mới lần ra ngoài xem và hét lên trong niềm
vui sướng:” Chúng ta thoát rồi, thoát khỏi cơn bão rồi” Tất cả mọi người đều vội
vàng quỳ xuống khấn tạ ơn Trời Phật, tạ ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ, Phật Bà, mà
không hiểu tại sao tàu lại trôi đi một cách lạ kỳ như có người nâng tàu lên và
kéo đi để thoát khỏi cơn nguy biến như một phép lạ vậy. Người đoán thế này, kẻ
nói thế khác, họ nhắc lại việc vợ tài công bị anh Tư nhập, tất cả, tựu trung sự
huyền bí vẫn mãi chỉ là huyền bí mà thôi, không ai giải thích được và cũng từ
đó mọi người tin là tôi có người âm phò trợ nên không ai dám đụng đến tôi nữa.
Đã
hơn một tháng trôi qua, số người chết trong thời điểm này đã hơn một phần ba,
con nít thì chết gần hết chỉ còn lại một hai bé thôi, trong đó có một bé gái 10
tuổi tên Dương, em đi với bố và anh trai. Khi bố và anh trai bị thủy táng, em
khóc đòi theo họ, tôi đã ôm em lại. Từ đó hai chị em nương tựa vào nhau.
Con
tàu cứ trôi dật dờ như thế, ngày rồi đêm, đêm lại đến ngày, người chết, rồi lại
người chết, người còn lại thì sống dở chết dở. Đã vậy, ba ngày nay, tàu lại bị
mắc cạn vào sâu trong đảo san hô, thủy triều lên, sóng cũng không kéo nổi tàu
ra. Tối nay, có lẽ nỗi sợ hãi nếu tàu không thoát ra khỏi bãi san hô này thì cơ
hội sống cũng không có, nên mọi người nổi cơn lên chửi bới nhau, đổ lỗi lẫn cho
nhau ầm ĩ. Thấy vậy, sợ bị liên lụy, tôi kéo bé Dương trốn vào một góc tàu, hai
chi em thì thầm niệm chú Quan Thế Âm, cầu mong Phật Bà cứu mọi người. (Chú này
tôi đã dạy lại cho bé Dương như ngày trước chị tôi đã dạy cho tôi).
Bên
ngoài, giữa lúc mọi người vẫn còn đang chí chóe cãi nhau mãi chưa dứt, thì có
tiếng của một người đàn bà lanh lảnh vang lên giữa màn đêm, bà nói nếu mọi người
muốn Mẹ Nam Hải cứu thì hãy cầu nguyện với Mẹ, ai có đạo nào thì cầu theo đạo nấy,
đừng cãi nhau nữa
Nghe
giọng nói lạ, tôi ló đầu ra, ngay chỗ đầu tàu, lại thấy vơ người tài công ngồi
đó, ngay chỗ lần trước khi anh Tư nhập vào bà, bà tiếp tục nói và tự nhận mình
là bà Mầu, chủ quán cây xăng Esso ở Ngã tư Phú Nhuận. Bà kể, bà vượt biên cùng
con gái, tàu gặp cướp Thái Lan, chúng nó lấy hết tiền bạc rồi giết mọi người
quăng xác xuống biển. Bà thấy thuyền này có vài người nhân đức nên muốn cứu
dùm, bà còn dặn hãy cầu nguyện đi, Mẹ Nam Hải sẽ giúp.
Lần
này thì mọi người không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả quỳ xuống và cầu nguyện xin
Đức Mẹ, xin Phật Bà, Mẹ Nam Hải, sáng mai khi thủy triều lên, mong tầu sẽ được
cứu thoát ra khỏi vùng san hô này.
Lại
một lần nữa, chúng tôi được cứu thoát nhờ giòng nước thủy triều dâng rất cao và
cũng nhờ những lời cầu nguyện của mọi người, sóng đã kéo con tàu bất hạnh của
chúng tôi ra khỏi vùng san hô .
Qua
những điều kỳ lạ xảy ra, lần này, mọi người trên tàu đều tin có thần linh ở đâu
đây, nên ai nấy không còn chửi bới, cãi cọ nhau nữa, nhưng trong lòng tất cả đều
rất lo lắng và sợ hãi khi thấy con tàu cứ lênh đênh trên mặt sóng nước mênh
mông, không thấy đâu là bến bờ. Ban đêm, biển trông thật dễ sợ. Vài người chúng
tôi bảo nhau ra đầu tàu cầu nguyện, thấy vậy cả tàu quỳ xuống cầu theo. Đang cầu
nguyện bỗng bé Dương kêu lên:
-
Ngôi sao đỏ, chị ơi, có ngôi sao đỏ trên trời kìa.
Ngẩng
nhìn lên, quả nhiên một ngôi sao màu đỏ rực hiện giữa bầu trời đen thẫm. Mọi
người lại bàn tán và cho là đấng thiêng liêng hiện ra để cứu mình, thế là tiếng
cầu nguyện lại vang lên. Những người quá yếu, không thể ngồi dậy được cũng cố gắng
chắp tay lại miệng thì thầm van vái. Cả tàu hầu như không ngủ, chúng tôi cầu
nguyện suốt đêm, và tàu cứ trôi không định hướng, theo ngôi sao đỏ trên trời.
(Chúng tôi nghĩ thế)
Bình
minh đã ló dạng, mặt biển như rực sáng lên. Một cảnh tượng tuyệt vời hiện trước
mắt mọi người, một quả cầu vàng chói lói, nằm giữa những tia rẻ quạt rực rỡ đủ
màu, dưới mặt biển đang từ từ nhô lên. Ôi, đẹp vô cùng! Hơn một tháng qua, bao
nhiêu lần mặt trời mọc, thế mà có lần nào tôi được xem đâu, vì biết bao nhiêu
biến cố đau buồn xảy ra, tôi cứ thu mình dưới hầm tàu mong tránh những tai họa,
những phiền phức vô cớ cho mình. Lần này vô tình được nhìn cảnh bình minh trên
biển quá đẹp, làm tôi quên mất hoàn cảnh cùng quẫn của mình. Nhưng với bọn chủ
tàu, cảnh sắc đó có lẽ chẳng xa lạ gì, chúng chẳng để tâm, chính vì vậy mà
chúng đã phát giác ra gần đó, bóng dáng một chiếc tàu đánh cá của dân chài. Thế
là mọi người la hét để kêu gọi họ, những chiếc áo được dùng làm tín hiệu cấp cứu,
vẫy vẫy tới tấp. Chiếc tàu kia, có lẽ họ đã thấy, nên chạy về phía chúng tôi.
Không nỗi sung sướng nào hơn, như vừa chết đi lại được sống lại, không cần biết
chiếc tàu này có phải là của bọn cướp biển như cướp Thái Lan không, chúng tôi
cũng vẫn vui mừng, kẻ khóc, người cười, ai nấy đều quỳ xuống tạ ơn Thiên Chúa,
tạ ơn Trời Phật, tạ ơn những người khuất mày, khuất mặt, đã giúp chúng tôi.
Lần
này, thần may mắn đã mỉm cười với chúng tôi, đây là tàu đánh cá của dân chài
Philippin, họ bằng lòng giúp đưa chúng tôi về hòn đảo Mangsee nơi họ sinh sống.
Sau
khi đã ngồi yên trên tàu mới. Tôi đưa mắt lên nhìn trời, ngôi sao đỏ đã biến mất
từ bao giờ. Không biết có phải ngôi sao đỏ là thiên sứ dẫn đường đưa tàu chúng
tôi đến nơi này để gặp được tàu Philippin không, nhưng trong lòng tôi vẫn thầm
cám ơn Trời Phật đã không bỏ chúng tôi, bất giác tôi niệm thầm câu chú Quan Thế
Âm:
-
Nam Mô Đại Từ Đại Bi, Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn, Quảng Đại Linh Cảm Bạch Y,
Quan Thế Âm Bồ Tát.
Chúng
tôi ở lại Mangsee ba ngày, sau đó được chuyển qua thủ đô Manila bằng tàu chiến
của Philippin và cuối cùng là đảo Palawan, tại đây chúng tôi chờ để làm thủ tục
đi đến những quốc gia nơi họ chấp nhận người tị nạn vượt biên.
Thế
là chuyến hành trình vượt biên bão táp, lênh đênh trên biển của tôi chấm dứt
sau gần hai tháng trời. Số người bước chân xuống tàu là 66 và số người được bước
lên đất liền chỉ còn 25. Nhìn những con số mà thấy đau lòng chỉ vì sự tham lam
và bất lương của lũ vô sỉ, lũ sát nhân mà hại chết nhiều người trong đó có những
đứa bé vô tội.
Chuyện
đã qua, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Xin nguyện cầu cho các linh hồn sớm tiêu diêu
nơi cõi phúc.
Có lẽ,
chẳng mấy người tin những điều tôi kể, bởi họ không được chứng kiến tận mắt những
gì tôi đã thấy, đã nghe. Vâng, vì họ không thấy được cảnh thi thể của chồng tôi
sau khi nghe mọi người khuyên đừng làm tôi khổ và lúc đó anh đã trôi nhanh ra
xa như thế nào. Cảnh vợ người tài công đứng lên đầu tàu hét lên với giọng đàn
ông, giọng của anh Tư đã chết, mà cứu tôi khỏi bị ném xuống biển. Cảnh chiếc
tàu được Cá Ông( chúng tôi tin thế) đưa ra khỏi vùng bão tố. Cảnh bà Mầu nhập
vào vợ tài công kể rõ tên tuổi, địa chỉ, cùng hoàn cảnh của mình lúc vượt biên
ra sao. Cảnh ngôi sao đỏ ở đâu lại xuất hiện đúng lúc để dẫn đưa tàu chúng tôi
đến vùng biển của Philippin mà để được cứu như vậy. Sau này khi ở lại Mangsee ba
ngày, chúng tôi đã được anh chủ tàu kể lại và bảo là chúng tôi thật may mắn, vì
tàu của anh chưa bao giờ đi vào vùng biển này để đánh cá, vì đây là vùng biển
chết, vùng biển các anh thường đi không hiểu sao mấy hôm nay đánh không được
cá, nên các anh đánh bạo, quyết định chuyển hướng về vùng biển này, và đã gặp
được tàu của chúng tôi. Nghe xong câu chuyện tất cả chúng tôi đều nghĩ đến ngôi
sao đỏ. Không lẽ lại có những sự trùng hợp quá diệu kỳ như vậy à?
Như
tôi đã nói, những chuyện về tâm linh, hay những chuyện huyền bí, thì muôn đời vẫn
không ai giải thích nổi. Tin hay không là tùy từng người, riêng tôi, tôi nghĩ
phải có duyên mới có cơ may được gặp những điều huyền bí mà ít người được gặp,
vậy đã được thấy, được nghe, được sống trong hoàn cảnh đó tại sao lại không tin
nhỉ? Tin để sống cho thật tốt vì Thượng Đế luôn ở quanh để giúp chúng ta.
Tường
Thúy
Tucson
– AZ – 23 / 3 / 2022
Ngậm
Ngùi
Thơ
Huy Cận, Nhạc Phạm Duy
Share Lại Hoài Niệm T.TT
Tôi vượt biên từ Hà Tiên ngày 29/05/1981, cũng gần ngày chị rời VN. Chiếc tàu của chúng tôi bé tí teo và trên tàu chỉ có 15 người lớn và 2 đứa bé khoảng 8/9 tuổi. Tàu cũng bị bảo và lọt vào trốt xoáy ban đêm. Lúc đó trời và nước chỉ một màu đen và mọi người đều nghỉ là sẽ chết. Tôi nhớ mình không cầu nguyện được nữa vì miệng run và hai hàm răng cứ đập vào nhau. Thợ máy là người công giáo nên chui vào hầm tàu xét mình với Chúa trước khi chết, tài công thì vừa khóc vừa la : ông bà ơi trã xoáy lại cho con ! (Theo anh thì khi bị lọt vào vòng xoáy ở biển, dân đánh cá miệt Hà Tiên la như vậy). Hai lần bị lọt vào vòng xoáy tảu của chúng tôi như có người đưa ra hai lần và đến sáng thì chúng tôi gặp Hải Quân Thái kéo vào Klong Yai, một làng hay TP (?], nằm cạnh biên giới Campuchia. Trong chuyến đi tôi cũng đã niệm danh hiệu Phật Bà Quan Âm rất nhiều nên bây giờ đức tin của tôi cũng rất mạnh.
ReplyDeleteMến chúc tác giã Tường Thúy những chuổi ngày an lành và hạnh phúc