Sáng nay đi học, gặp một người quen từ cả chục
năm trước tại Việt Nam. Ngạc nhiên qúa vì thấy chị ta cũng chung một trường cao
đẳng với mình (Cosumnes River College), liền hỏi:
- Ôi! Chị ở đây à?
Sang lâu chưa? Không ngờ trái đất tròn nhỉ?
Chị cười , nhắc lại:
- Lần đầu gặp chị ở
vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội, mình xin điện thoại, xin địa chỉ của bà con để
đến nhà chị. Đang còn ngỡ ngàng chưa biết giới thiệu làm quen thế nào thì chị
đã bảo: “Ồ hay nhỉ, thế là cả thế giới quen biết nhau rồi”. Hôm nay không ngờ
“cả thế giới lại gặp nhau” ở đây.
Trả lời câu hỏi của mình, chị
bảo:-Mình sang được hơn một năm nên mới chân ướt chân ráo đến trường được vài
hôm, còn chị học đến đâu rồi?
- Ồ! Mình trả lời cho qua: -Học để
mỗi tháng có 500 USD của chính phủ ấy mà, còn chữ nghĩa rơi táo tác dọc đường
về hết cả , có ăn thua gì đâu .
Chị bảo:
-Còn mình ngược lại, chỉ mong đủ
một năm để được đến trường, kiếm chữ bỏ bụng, dù là chữ...Mỹ đánh chữ Việt cũng
được, kẻo làm ở tiệm Nail mà biết không qúa vài chục chữ, quanh đi quẩn lại
chỉ: “Yes, No, Hi, I am sorry, Hello, Good morning, Good afternoon... Nhiều khi
bị bọn trẻ lừa, dạy cho mấy câu: “No star where”(không sao đâu), Like is
afternoon”(Thích thì chiều) “Umbrella- tomorrow” ( Ô mai) cứ tưởng thật,
bị chủ đuổi thẳng cánh cò bay... Giờ một tuần đi học bốn ngày, ba ngày cuối
tuần đi làm để có tiền trả tiền nhà, tiền ăn hàng tháng...
- Ô! Mình ngạc nhiên:
- Ông xã và các cháu đâu? Sao lại “đơn thương độc mã” ở xứ Người thế này?
Chị tâm sự:
-Ông xã cũng thích
sang, nhưng lạc đường nên sang hẳn ...thế giới bên kia từ vài chục năm nay rồi
chị à. Bốn đứa con gái lớn cả, theo chồng bỏ cuộc chơi, bỏ mẹ già lủi thủi một
mình. Nên nghe người nọ người kia mách, mình bèn túm lấy một ông Việt Kiều già
để kết hôn
- Ồ! mình thốt lên: -
Đi bằng chân chồng, làm “phi nhân” ** thì tốt qúa rồi.
Chị nhíu mày, vài nếp
nhăn dựng đứng như một dấu gạch trên vầng trán phẳng, mịn .:
- Phải bán cả cái nhà
hơn một tỷ, mới gom đủ 40 nghìn USD để mua chồng đấy chị à...
- À! Hóa ra là kết hôn
giả à?
-Vâng, cũng tại câu
đùa của chị từ ngày xưa thôi:
“Giá bao nhiêu một tấm
chồng
Thì em cũng bỏ đủ đồng
ra mua” **
Ngắm chị súng sính trong bộ quần áo mới, mình an ủi:
- Thôi! Được sang Mỹ
là may rồi. Nhiều người muốn “đuổi Mỹ quá đà” như chị em mình mà còn không được
kia.
- Đúng rồi đấy! Chị
kể: - Mấy cô ham chồng ngoại, yêu nhau qua mạng ảo, bị lừa cả tỷ đồng mà chỉ
biết lên đồn công an mếu méo: “Biết thế này thà em bỏ cả tỷ đồng vào việc xây
dựng Chủ Nghĩa Xã Hội còn hơn”
...Cũng may cả hai chị
em “phi nhân” nhà mình cùng trống tiết nên kéo nhau vào căng tin của trường
"củng cố dạ dày" rồi chuyện tràn cung mây luôn. Mình hỏi :
- “New husband” thế
nào, có dễ thương như ông “Ex- husband” không?
-Ôi! chị bảo: - Con cá
đã mất bao giờ chả lá cá to hả chị? Mình bây giờ vẫn vậy thôi. Tất nhiên trên
danh nghĩa là vợ chồng, nhưng ông ấy chỉ thuê giúp mình một phòng để có địa chỉ
chứng minh với chính phủ thôi. Còn tiền thì mình phải trả, ăn uống cũng tự lo.
Một tuần ông ấy qua lại vài lần gọi là có bóng chồng trong nhà để mọi người
khỏi nghi ngờ, dị nghị ấy mà.
- Thế ông ấy có con
cái gì không?
- Có chị ạ, nhưng là
hôn nhân giả, lại bị mẹ chúng nó bỏ từ chục năm trước nên ông ấy làm gì có nhà
cửa, tài sản gì? Chẳng qua không muốn thành homeless, hay vào nhà “giữ lão” nên
phải bán mình lấy 40 nghìn USD thôi
“Hay thật! Tôi giật
mình thán phục trước cách dùng từ của chị, không phải nhà dưỡng lão mà là nhà
“giữ lão”, như trẻ con nhỏ tuổi , người ta gọi là nhà trông trẻ hoặc nhà giữ
trẻ, chứ có gọi là nhà... dưỡng trẻ đâu? Ở Mỹ dù hệ thống y tế, giáo dục
nhất nhì thế giới, nhưng vẫn buồn thảm thiết. Đồ đạc tiện nghi, thiết bị y tế
sang trọng, bóng lộn, nhưng ai bước vào cũng phải...giật mình sợ hãi trước
tương lai, vì một khi đã “chống gậy khươ vào hoàng hôn”, “xe đời ga cuối đã chờ”,
cơ thể rệu rã như cái lồng ọp ẹp, không nhốt nổi nỗi buồn, nỗi đau của mình, cứ
trào chạt hết cả ra ngoài thì còn gì để dưỡng ? Chẳng qua đến độ tuổi “kháu
lão” rồi thì phải vào đó để có người “giữ” cho mình khỏi làm phiền gia đình, xã
hội, chuẩn bị nhập nhà trẻ của Diêm Vương thôi
Hỏi chị: Cảm nhận về
nước Mỹ thế nào? Chị cười bày tỏ:
- Tuyệt vời chị ạ.
Mình đi học một năm được 6.400 USD, lại đi xe bus không mất tiền. Cuối tuần
nghỉ liền ba ngày làm nail , không lo thuế má gì, nên mỗi tháng trừ tiền phòng,
tiền ăn cũng bỏ ra được cả nghìn đô- Hơn 20 triệu ở Việt Nam rồi. Nếu tính chi
li, chỉ sau 3 năm là hoàn lại phí mua chồng ...Chính vì thế, 6 tháng vừa rồi
mình tìm được vài đám cho mấy bà bạn tuổi sồn sồn như mình rồi đấy.
- Chết! Chết! Mình
kêu: - Nếu ai cũng làm như chị, bán cả nhà cửa vườn tược để đủ tiền ra đi như
thế này thì lấy ai là người xây dựng xã hội chủ nghĩa đàng hoàng, to đẹp?
Chị cười, mắt tít như
hai sợi chỉ:
- Mình phải theo gương
các vị lãnh đạo cộng sản chứ chị. Vài chục năm trước, chúng nó nêu khẩu hiệu: “
Còn cái lai quần cũng đánh”. “ Bám lấy thắt lưng địch mà đánh”. Rồi “Cuộc đời
đẹp nhất là trên trận tuyến đánh Mỹ Ngụy”. Bây giờ lại theo Mỹ đến cùng, đuổi
hết cả con cái cùng của cải vàng bạc sang Mỹ.
Mua nhà sịn, sắm xe đắt tiền ở Mỹ ...
- Ô là là! Mình kêu
lên khi phát hiện ra một chân lý vô cùng sống động: “Hóa ra con cái lãnh đạo
cộng sản thì bị cha mẹ thẳng thừng đuổi sang Mỹ ở, còn “ bọn ngụy quân ngụy
quyền” và con cái họ lại được phép ở lại để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội
à?”.
Hay thật.
Vừa hết giờ nghỉ, hai
chị em “phi nhân” nhà mình cùng vui vẻ chia tay vào lớp học.
Sacramento January
30. 2017
TKTT
* Ca dao Việt Nam nói vui:
“Thuyền nhân” là vượt biển bằng thuyền,
"Phi nhân" là vượt qua biên giới bằng phi cơ.
Trần Khải Thanh Thủy (viết ngắn)
No comments:
Post a Comment