Wednesday, June 11, 2014

Chánh Niệm Trong Dùng Thuốc


Chánh niệm

       Chánh niệm là nhớ nghĩ sáng suốt để có thái độ đúng đắn trong mọi hành vi của mình. Là con người, có nghĩa phải sống trong quá trình sinh, lão, bệnh, tử. Muốn sinh tồn, con người phải có bốn điều kiện cơ bản, đó là cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc trị bệnh. Người tu học theo đạo Phật, cũng như bao người khác, cũng phải đáp ứng bốn nhu cầu thiết yếu ấy để duy trì đời sống tu hành của mình. Đức Phật đã dạy các học trò của mình phải thọ dụng các nhu yếu như y áo, thức ăn khất thực, chỗ cư trú, dược phẩm (người xuất gia gọi là «tứ sự cúng dường») trong chánh niệm tỉnh giác.

       Riêng với dược phẩm, Ngài nêu rõ với các học trò: «Các dược phẩm và thuốc trị bệnh mà Ta cho phép các ngươi dùng, như vậy vừa đủ để ngăn chận các cảm thọ đau ốm khởi lên và giữ gìn sức khỏe» (kinh Thanh Tịnh, Trường Bộ). Đức Phật đã chỉ rõ việc thọ dụng các nhu yếu không chính đáng sẽ phát sinh đau khổ hiện tại và tương lai. Về dược phẩm, Ngài nhấn mạnh : «… thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn ngừa các cảm giác thống khổ đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn. Này các Tỳ kheo, nếu các vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu (tức phiền não) hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hay tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa… » (kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Trung Bộ).

       Như vậy, từ xa xưa Đức Phật đã tỏ ngộ nguy hại của dùng thuốc không chánh niệm, tức nói theo ngày nay dùng thuốc không hợp lý và không an toàn. Xin nói rõ thêm về chánh niệm trong dùng thuốc như thế nào. 

Thuốc là gì ?

       Muốn dùng thuốc đúng, ta cần biết thuốc là gì. Xin nêu định nghĩa về thuốc được ghi trong Luật Dược 2005 của Việt Nam : « Thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, trừ thực phẩm chức năng ».

       Thuốc cần được định nghĩa bao hàm tất cả những gì liên quan đến thuốc để sự tuân thủ dùng thuốc không có sự mù mờ đưa đến nguy hại. Thí dụ, thuốc tránh thai là thuốc không dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh mà chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh chức năng sinh lý của người là thay đổi sự thụ thai (chức năng sinh lý bình thường của người nữ có chồng hoặc bạn tình khi giao hợp với người nam) thành không thụ thai. Nếu định nghĩa về thuốc không nêu:  « điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể » thì thuốc ngừa thai không được xem là thuốc, và như vậy thuốc ngừa thai muốn bán ở đâu cũng được (là thuốc phải được bán trong nhà thuốc) và dùng sao cũng được (là thuốc phải dùng theo sự chỉ định của bác sĩ, hướng dẫn của dược sĩ hoặc theo bản hướng dẫn sử dụng thuốc, nếu dùng sai là nguy hiểm).

Vì sao phải chánh niệm trong dùng thuốc ?

       Cần chánh niệm trong dùng thuốc vì thuốc như con dao hai lưỡi mà lưỡi nào cũng rất sắc. Thuốc có một lưỡi rất sắc giúp ta tiêu trừ bệnh hoạn nhưng cũng có lưỡi thứ hai sắc không kém là gây hại cho sức khỏe tậm chí là tính mạng ta.

       Ta cần biết, bất cứ thuốc nào, kể cả vitamin được cho là thuốc bổ đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nó nếu không được dùng đúng cách, đúng liều, và đặc biệt khi cả dùng đúng cách đúng liều. Những bất lợi do dùng thuốc gây ra được gọi chung là “Phản ứng có hại của thuốc” (người nước ngoài gọi ADR do chữ viết tắt của Adverse Drug Reactions). ADR còn được gọi bằng tên khác như tác dụng phụ, tác dụng ngoại ý, tác dụng không mong muốn… nhưng ngay cả người không thuộc giới chuyên môn cũng nên làm quen, dùng ADR vì là chữ quốc tế thông dụng trên toàn thế giới hiện nay.

       ADR được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa như sau “ADR là tác dụng có hại xảy ra ngoài ý muốn khi dùng một thứ thuốc đúng liều, đúng đường dùng nhằm chữa bệnh, phòng bệnh hoặc chẩn đoán”. Ta nên lưu ý, nếu bị tai biến do dùng quá liều thuốc thì không gọi bị ADR mà là bị ngộ độc thuốc.

       ADR lại được chia làm 2 loại: ADR loại A là loại thường xảy ra hơn, chiếm 80-90% (của toàn bộ ADR), có liên quan đến tác dụng dược lý đã biết của thuốc, như warfarin có tác dụng chống đông máu có thể gây ADR làm xuất huyết ở người bệnh. ADR loại A có thể dự đoán và phòng ngừa, như thuốc kháng histamin thế hệ 1 là promethazin gây ADR buồn ngủ, người dùng thuốc nếu dùng promethazin do buồn ngủ không nên lái xe, vận hành máy móc. Còn ADR loại B là loại xảy ra hiếm hơn, chiếm 10-20%, không liên quan đến tác dụng dược lý, như kháng sinh nhóm fluoroquinolon kháng khuẩn nhưng lại gây ADR là làm co giật hoặc xói mòn sụn khớp ở súc vật còn non. ADR loại B gần như không thể dự đoán trước là xảy ra hay không xảy ra. Đặc biệt, dị ứng thuốc là ADR loại B có thể gây tử vong không tiên lượng được thường xảy ra cho nhiều loại thuốc, trong đó có các vaccine tức thuốc chủng ngừa.

       Nên lưu ý, nhiều thuốc được lưu hành trên thị trường dược phẩm vẫn được các viện bào chế dược phẩm theo dõi ADR (được gọi là theo dõi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 4) để nếu thuốc xuất hiện ADR quá nghiêm trọng sẽ tự ý ngưng lưu hành hoặc bị chính quyền cấm lưu hành thuốc đó. Trước đây, vào cuối thế kỷ trước, có thuốc giảm đau glafenin (biệt dược Glifanan) đã bị  cấm lưu hành do gây di ứng quá nặng nề. Cách đây không lâu, thuốc chống viêm trị đau xương khớp rofecoxib (Vioxx) đã được nhà sản xuất chủ động rút ra khỏi thị trường dược phẩm vì có nguy cơ gây biến cố tim mạch trầm trọng. Nhiều thuốc phải bán theo đơn bác sĩ, tức là chỉ khi bác sĩ khám bệnh ghi đơn thuốc nhà thuốc mới có quyền bán thuốc theo đơn đó, là vì chỉ có bác sĩ  biết cách chỉ định thuốc, ghi cách dùng thế nào để phát huy tác dụng điều trị của thuốc đồng thời hạn chế mức thấp nhất hoặc không để xảy ra ADR.

       Ngoại trừ một số ADR thuộc loại nhẹ chỉ gây khó chịu (như ADR gây buồn ngủ của thuốc kháng histamin trị dị ứng) có thể xảy ra thường xuyên (hễ dùng thuốc là bị), đa số ADR, đặc biệt ADR gây rối loạn nghiêm trọng (như suy thận cấp, hoặc bị tai biến do vaccine) rất hiếm khi xảy ra và chỉ xảy ra khi dùng liều cao hoặc dùng lâu ngày. Có loại ADR thuộc loại thường gặp (trong sách chuyên môn dược thường ghi ADR >1/100, tức 100 người dùng thuốc sẽ có hơn 1 người có nguy cơ bị ADR), có loại ADR thuộc loại ít gặp (1/1000< ADR <1/100, tức 1000 người dùng thuốc sẽ có hơn 1 người có nguy cơ bị TDP), và có loại ADR thuộc loại hiếm gặp (ADR<1/1000, tức hơn 1000 người dùng thuốc sẽ có 1 người có nguy cơ bị ADR). ADR thường gặp là loại phải cảnh giác nhiều hơn. Như vậy khi biết một thuốc có ADR, ta sẽ cảnh giác, thận trọng dùng thuốc cho thật đúng liều, đúng cách, chứ không nên chối bỏ việc dùng thuốc. Đặc biệt khi được bác sĩ khám bệnh và ghi đơn chỉ định thuốc, ta nên yên tâm sử dụng thuốc. Bởi vì, chắc chắn bác sĩ đã rõ về ADR của thuốc và đã có sự cân nhắc trong chỉ định thuốc cho người bệnh dùng.

       Có hiện tượng ngược đời là thay vì dùng thuốc, chính sự ngưng dùng thuốc, đặc biệt là ngưng đột ngột lại gây ra ADR, thậm chí ADR nghiêm trọng làm khốn khổ người bệnh. ADR đặc biệt đó gọi là ADR do ngưng dùng thuốc (ADRNDT). ADRNDT được định nghĩa là biến cố xảy ra với các triệu chứng rối loạn do đang dùng một thứ thuốc nào đó mà lại đột ngột ngưng không dùng thuốc đó nữa.

       Thuốc gây ra ADRNDT đầu tiên cần phải kể là các thuốc gây nghiện (kể cả ma túy). Các thuốc gây nghiện gây ADRNDT có thể kể: thuốc giảm đau có nguồn gốc thuốc phiện, gọi chung là opioid (như morphin, pethidin, fentanyl), thuốc an thần gây ngủ nhóm benzodiazepin (như diazepam), thuốc giảm cân kích thích là các dẫn chất amphetamine (thuốc lắc, ma túy đá thuộc ở đây)… Các thuốc này khi đã quen dùng trong thời gian dài sẽ làm thay đổi chuyển hóa cơ bản của các tế bào thuộc hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh thực vật (điều khiển cơ trơn và các cơ quan nội tạng). Những tế bào này lệ thuộc vào thuốc, nghĩa là chúng hoạt động một cách bất thường theo tác dụng của thuốc, nếu đột ngột ngưng dùng thuốc, chúng sẽ phản ứng bằng ADRNDT, được gọi là “Hội chứng cai thuốc“, bao gồm mất ngủ, vật vã, đau nhức, ói mửa, toát mồ hôi, nước mắt chảy ràn rụa, tiêu chảy liên tục v.v..

       Các thuốc gây ADRNDT còn phải kể: thuốc trị bệnh tăng huyết áp (clonidin, propranolol) nếu đột ngột ngưng dùng sẽ làm huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm; thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng (nortryptilin, clomipramin) nếu đột ngột ngưng dùng sẽ làm trạng thái tâm thần của người bệnh xấu đi, thậm chí có người còn tìm cách tự tử); thuốc trị bệnh động kinh (carbamazepin) nếu đột ngột ngưng dùng bệnh nhân ngay lập tức sẽ lên cơn động kinh, thuốc glucocorticoid (prednisolon, dexamethason) nếu ngưng đột ngột bệnh nhân sẽ khốn khổ vì thiếu corticoid nội sinh do chính tuyến vỏ thượng thận tiết ra.

       Đối với loại ADRNDT vừa kể này, có một biện pháp giúp khắc phục là dùng thuốc giảm liều từ từ trước khi dứt hẳn để giúp cơ thể người dùng thuốc thích ứng dần trước khi ngưng thuốc hoàn toàn, chứ không được đột ngột ngưng thuốc.

Chánh niệm trong dùng thuốc cần như thế nào?

-      Chỉ thật cần thiết mới mới dùng thuốc. Hoàn toàn không nên lạm dụng dù chỉ là vitamin.
-      Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ (không dư không thiếu) các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn.
-      Đừng nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc  nào đó kéo dài từ tháng này sang tháng kia.
-      Trước khi dùng một thuốc, cần đọc kỹ bản hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ tại nhà thuốc  về những điều cần biết, trong đó có: tác dụng phụ tức ADR, những thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định (tức những trường hợp không được dùng thuốc).
-      Khi đang dùng thuốc nếu bị phản ứng bất thường (có thể bị ADR) nên ngưng ngay thuốc và đi tái khám báo cho bác sĩ biết để bác sĩ cho hướng xử trí.
-      Khi đọc trên báo chí thông tin về ADR của một thuốc), thì đó là thông tin để tham khảo và cảnh giác chứ người đang dùng thuốc đó hoàn toàn không nên quá lo lắng tìm cách ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị chỉ định dùng.
-      Khi bác sĩ chỉ định giảm liều từ từ, phải theo đúng các thức giảm liều đó trước khi ngưng dùng thuốc.
-      Sau khi ngưng dùng thuốc, nếu xuất hiện những rối loạn, những phản ứng bất thường trong cơ thể, cần đến bác sĩ tái khám ngay.

TS Nguyễn Hữu Đức 

No comments:

Post a Comment