Cuốn phim trinh thám chính trị nổi tiếng Blood Diamond (Kim Cương Máu) với
tài tử nổi danh Leonardo DiCaprio thủ vai chính, được thực hiện vào năm 2006 với
ngân sách cả trăm triệu mỹ kim, được nêu danh 5 lần trong Giải Oscar và đoạt
huy chương vàng trong một số giải điện ảnh nổi tiếng khác, đã lột tả ý nghiã
ghê rợn của chữ “máu” đi liền với một số những viên đá quý mà quý vị phụ nữ
nâng niu trang điểm.
Vào thập niên 1990, khi các cuộc nội chiến đẫm máu lan tràn tại các quốc gia Phi Châu như Angola, Sierra Leone, Cote d'Ivoire, Liberia, Congo, các lực lượng nổi loạn đã khai thác các mỏ kim cương để lấy tiền mua vũ khí và tài trợ cho các cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền tại các quốc gia đó.
Trong tiến trình sản xuất kim cương, họ bắt cóc nông dân và dân chúng, kể cả trẻ em, và lùa họ vào các mỏ kim cương. Ở đó họ bị đối xử tàn nhẫn và làm việc như những kẻ nô lệ, bị áp dụng những biện pháp thô bạo nhất để trừng phạt khi làm việc chậm chạp hay giấu trộm kim cương như chặt tay thậm chí chặt đầu hoặc bắn bỏ. Cuốn phim Kim Cương Máu đã trình bày những hình ảnh hãi hùng, ghê rợn tại những mỏ khai thác kim cương kể trên. Vì có nguồn gốc, mục tiêu và tiến trình khai thác dính đầy máu đó mà những hạt kim cương này đã bị thế giới đặt tên là những “kim cương máu”, khác với những kim cương được sản xuất bởi những công ty đá quý bình thường.
Vì mối quan tâm ngày càng gia tăng và gần đến mức tẩy chay của thế giới về “kim
cương máu” nên các quốc gia sản xuất “kim cương lương thiện” đã họp lại tại
thành phố Kimberley ở nước Nam Phi vào năm 2000 để tìm giải pháp ngăn chặn việc
phổ biến kim cương máu. Vào Tháng 12 năm 2000, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
thông qua một nghị quyết quan trọng. Theo đó, kim cương khi bán ra phải có chứng
minh nguồn gốc để không bị nhầm lẫn với kim cương máu mà cả thế giới khinh tởm
và tẩy chay.
Vào tháng 9 năm 2011, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) công
bố một bản phúc trình chi tiết về tình trạng cưỡng bức lao động trong các trại
cải huấn ở Việt Nam -- nơi giam giữ không chỉ những người nghiện ngập, những
người bị nhiễm HIV, những tù thường phạm, mà còn cả những tù nhân chính trị, tù
nhân lương tâm.
Cũng theo báo cáo của HRW thì dù mang danh là “cải huấn” và “cai nghiện” nhưng
thực tế đây chỉ là những trại tù, trong đó tù nhân bị cưỡng bức làm việc tới kiệt
lực, bị hành hạ, tra tấn tàn nhẫn, và một trong những việc đáng sợ mà các tù
nhân phải làm là bóc hạt điều. Các tù nhân bị bắt lột vỏ hạt điều từ 6 giờ sáng
tới 5 giờ chiều. Mỗi tù nhân bị buộc phải làm từ 20 ký tới 40 ký hạt điều mỗi
ngày để nạp cho ban quản lý trại giam -- so với khả năng sản suất bình thường của
một công nhân bên ngoài chỉ khoảng 10 ký mỗi ngày. Ai không đạt chỉ tiêu thì bị
đánh đập. Có người khi phản đối đã bị xiềng chân và biệt giam. Báo chí ở Việt
Nam từng loan tin các vụ trốn trại tập thể ở nhiều nơi từ Hải Phòng, Sài Gòn,
Bình Dương, Cần Thơ và một số nơi khác. Một trong những lý do chính là không chịu
nổi sự hà khắc của ban giám thị.
Vỏ và mủ hạt điều chứa chất acid Cardol độc hại và càng thêm đậm đặc sau khi sấy.
Mủ làm lở loét tay chân và đặc biệt rất nguy hiểm cho mắt. Các tù nhân không được
cung cấp đầy đủ găng tay, một phần vì tốn kém và một phần vì đeo găng tay sẽ
làm giảm năng suất. Có người đã bị mù sau một thời gian làm hạt điều. Những nhà
máy sấy hạt điều thường nằm cạnh các trại giam. Hàng ngày các nhà máy này thổi
ra những cột khói vàng khè. Khi thuận gió khói này bay vào buồng giam khiến tù nhân
bị cay mắt và khó thở khiến họ phải dùng khăn mặt để che.
Những bàn tay rỉ máu và ghẻ lở, bên dưới những dòng mồ hôi và nước mắt, của hơn
300.000 tù nhân tại 123 trại tù và “trung tâm cai nghiện” ở Việt Nam hàng ngày
vẫn đang tiếp tục sản xuất ra những hạt điều thơm tho và béo ngậy được xuất cảng
đi khắp thế giới.
Gần đây, nhân cuộc điều tra về tình trạng sức khỏa của bà Trần Thị Thúy, -- một
tù nhân lương tâm bị nhà nước Việt Nam kết án 8 năm tù vì là đã đứng ra giúp
nhiều dân oan cùng cảnh ngộ khiếu kiện đòi lại nhà đất -- thảm trạng tù nhân bị
cưỡng bức bóc hạt điều lại một lần nữa bị phanh phui trước công luận.
Cũng theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền thì các ban quản lý trại giam ký hợp
đồng với các công ty xuất cảng hạt điều và bắt tù nhân ngày đêm sản xuất cho đủ
chỉ tiêu. Kỹ nghệ hạt điều đem lại cho nhà cầm quyền Việt Nam khoảng 1,5 tỉ Mỹ
kim mỗi năm.
Giám đốc đặc trách Y tế và Nhân quyền của Human Rights Watch, ông Joe Amon
tuyên bố: “Hàng chục ngàn người, nam, nữ và trẻ em bị cầm giữ trái với ý muốn của
họ trong các trung tâm cưỡng bức lao động. Đó không phải là điều trị cai nghiện,
cần đóng cửa những trung tâm này và trả tự do cho những người đó”.
Tạp chí Time cũng mô tả “hạt điều máu” là một trong những hình thức cưỡng
ép lao động, khai thác các nạn nhân và bệnh nhân trong các trại cải huấn ma túy
của nhà cầm quyền, bên cạnh các việc khác như may quần áo, làm gạch …
Phúc trình của HRW viết: “Ở Congo bên Phi Châu có kim cương máu. Ở Miến Ðiện có
vòng cẩm thạch máu. Việt Nam có hạt điều máu”.
Vào ngày 13/6/2012 vừa qua, tổ chức Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ (CAMSA) mở chiến dịch
báo động công luận và kêu gọi tẩy chay “hạt điều máu” và đã điều trần tại Quốc
Hội Hoa Kỳ.
Theo CAMSA thì chiến dịch tẩy chay “hạt điều máu” từ Việt Nam gồm có các mục
tiêu sau đây:
(1) Tạo ý thức trong giới tiêu thụ trên thế giới về chính sách cưỡng bách lao động
của nhà cầm quyền Việt Nam;
(2) Kêu gọi giới tiêu thụ không ăn hạt điều xuất phát từ Việt Nam, và thông tin
cho nhau biết những cửa tiệm nào bán hạt điều từ Việt Nam để tránh;
(3) Áp lực các công ty quốc tế ngưng nhập cảng, phân phối, hay bán hạt điều xuất
phát từ Việt Nam; và
(4) Vận động các chính quyền trong thế giới tự do và các cơ quan Liên Hiệp Quốc
áp lực nhà nước Việt Nam bãi bỏ chính sách cưỡng bách lao động và chấp nhận cho
các cơ quan quốc tế kiểm tra các trại cải huấn và trại tù.Mục đích tối hậu của
chiến dịch là giải thoát cho hàng trăm ngàn nạn nhân và bệnh nhân khỏi tình trạng
nô lệ trong các trại cải huấn và các trại tù.
CAMSA kêu gọi cộng đồng người Việt tại hải ngoại đẩy mạnh chiến dịch này và vận
động công chúng quốc tế nhập cuộc, và cũng kêu gọi các tổ chức cộng đồng và cơ
quan truyền thông ghi danh yểm trợ chiến dịch này.
Là người Việt Nam, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ khi mỗi ngày hàng mấy
trăm ngàn những dòng nước mắt, mồ hôi, máu và mủ của đồng bào chúng ta tiếp tục
đổ xuống, hòa lẫn vào những hộp hạt điều mà chúng ta đang thưởng thức.
Là người tiêu thụ, điều tối thiểu mà mỗi chúng ta có thể làm để góp phần giảm
thiểu nỗi khổ đau của đồng bào, đặc biệt là những tù nhân lương tâm tại Việt
Nam, (cũng như những nạn nhân tương tự tại Trung Quốc) là ngưng mua hạt điều từ
Việt Nam và Trung Quốc. Đây là bước đầu tiên cần làm trong các cộng đồng người
Việt khắp nơi, để từ đó chúng ta có thể vận động một cách hiệu quả sự tiếp tay
của cả thế giới về thảm trạng này./.
Đỗ Đăng Liêu
Sắp có phim nói về việt nam ư, vì được biết việt nam là thủ phủ của hạt điều mà :)
ReplyDeletehạt điều
hạt điều rang muối