Friday, August 28, 2020

Mùa Thu: Mùa Lá Rụng - Hàn Thiên Lương

Hình internet

(nhớ mãi mùa đau thương)
Con tàu ngừng lại ga Ấm Thượng đã bốn giờ chiều, Hùng và Thu lúi húi kéo chiếc bao tải đầy ấp xuống xe thì một thằng nhỏ chộp chiếc nón của Hùng, cắm đầu chạy sâu vào con đường mòn....Hùng ngó theo thằng nhỏ với vẻ bực tức lắm, Thu vội cất tiếng :
       - Thôi Anh bỏ đi , lo ba cái đồ lỉnh kỉnh  nầy kẻo mất hết bây giờ.
                       
Đây là một ga nhỏ, người xuống hầu hết là đi thăm tù bị nhốt trong trại Tân Lập( V ĩnh Phú ), cách đó hơn hai mươi cây số. Muốn vào tới trại phải đi con đò dọc chèo tay. Giờ nầy không còn chuyến đò nào nữa nên Hùng và Thu  đành vào ở trọ nhà dân.
            
Vài tháng nay nhờ trại Tân Lập cho thân nhân từ miền Nam ra thăm tù, ga Ấm Thượng có vẻ nhộn nhịp lên, một số người địa phương tăng thêm thu nhập nhờ buôn bán được các sản phảm, hoặc cho khách thuê  nhà ở trọ qua đêm. Hai khách trọ  Hùng, Thu được tiếp đón niềm nở, thái độ của hai vợ chồng cụ chủ nhà rất chân thành nên họ cũng yên lòng .

Sau khi sắp xếp các hành lý lên bộ ván, họ thay phiên đi tắm giặt, cơ thể cũng như tâm thần trở nên nhẹ nhàng sau năm ngày giam thân trên toa tàu chật chội .
Hùng ngồi trên bộ ván, hai chân thả thòng xuống, nhìn lá ngô đồng rơi lả tả, mấy cây sầu đông khẳng khiu, lắc lư theo gío trông như những bộ xương. Thu đến ngồi sát bên chàng cầm một ổ bánh mì, Thu nói nhỏ nhẹ :
        - Nè ăn đi anh , em đói lắm !
        - Sao anh không thấy đói em à , chỉ cảm thấy mệt, Hùng đáp. 
                        
Tuy vậy Hùng cũng cầm lấy nửa ổ bánh mì Thu đưa , xé một miếng nhỏ đưa vào miệng nhai chểnh mãng. Thu nghiêng người qua Hùng nói nhỏ:’’mùa thu ở ngoài Bắc sao buồn quá anh nhỉ, lá vàng nhiều và rụng cũng nhiều. Đúng là mùa thu mùa lá rụng’’
                        
Hùng nhìn Thu với ánh mắt trìu mến và cất giọng :Đâu phải chỉ có đất Bắc mùa thu buồn, cả quê hưong đang chìm đắm trong cõi thu buồn . Bởi cuộc’’ cách mạng’’ của họ không gọi là cách mạng mùa xuân mà gọi là cách mạng mùa thu . Qủa là một điềm quái gở cho dân tộc ! .. mà em của anh cũng là Thu , chúng mình đang lần bước trong cõi thu buồn. Nói đến đây Hùng thấy mình lỡ lời sợ gây buồn cho bạn, bèn trở giọng hỏi Thu :
        - Em đậu Tú Tài ban khoa học, ra trường dạy khoa học vậy em có biết vì sao mùa thu lá vàng rơi rụng.?
       - Từ ngày ra trường em dạy hóa, không dạy vạn vật, nhưng theo em nhớ thì vào mùa thu , ánh sáng mặt trời bị mây che khuất, nhựa sống không còn tràn trề trong thân cây, nhiệt độ khí quyển giảm, làm xuất hiện những nút tắt ở cuống lá, khiến nhựa không lưu thông được, hiện tượng quang hợp cũng bị ngưng trễ, chất diệp lục tố trong lá cây cũng bị phân hũy dần dần biến thành chất diệp hoàng tố.Chính chất diệp hoàng tố đã là nền màu vàng của mùa thu; theo em biết trong thực vật cây ngô đồng là loại cây nhạy cảm với mùa thu, nghĩa là khi mùa thu tới  ngô đồng là loại cây đầu tiên đổ lá vàng .
                        
Hùng ngắt lời : hèn chi người xưa có câu :’’Ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng tri thu ‘’.
          Thu nói: thôi em ăn , em đói lắm. Chà anh lại xổ nho, em chẳng hiểu nổi.
Hùng cười và giải thích :cây ngô đồng rụng một chiếc lá là mọi người biết mùa thu đến.
       - Mà đâu chỉ có một chiềc lá rơi, lá rơi từ muôn phía, lả đổ muôn chiều chứ, rồi lá bay xào xạc. Đúng mùa thu mùa lá rụng, ghi đậm nỗi buồn vào lòng người. Em mang cái tên Thu, cả một đời buồn. Như anh biết đó, từ lúc sanh ra em đâu biết cha em là ai, đến lúc được năm tuổi thì mẹ em chết, em sống với cậu mợ.
      - Nhưng anh thấy cậu mợ em rất tốt đối xử với em như con ruột.
       - Đúng, anh nói đúng, Ông bà chỉ có hai con trai là anh Thanh và anh Bạch, riêng em là con gái nên rất thưong em. Vả lại mợ đi coi thầy nói em hạp tuổi với mợ. Từ ngày nhận nuôi em, gia đình hưng thịnh lên, cậu làm cho ngân hàng được chủ tín nhiệm, tăng lương thăng chức, mợ cưng em lắm. Có lần em gây gổ với Anh Bạch mợ binh em ,xử ép anh Bạch .Thực tế hai anh ấy cũng thương em lắm . Lúc nhỏ đi học anh Thanh luôn luôn che chở cho em !
                        
Hùng nghiêng người vào trong, với lấy chiếc áo dài tay đưa cho Thu và nói: em mặc thêm áo vào đi, trời lạnh lắm đấy, kẻo trúng gío, mà ở đây thì tiêu đó.

Thu vừa mặc áo vừa nói : Anh biết không , mãi đến năm một ngàn chín trăm bảy mươi mốt , ngày em có kết qủa đậu tú tài, cậu Trung mới cho em biết cha em là cộng sản đi tập kết ra Bắc năm 1954. Cậu còn nói rõ năm 1954, sau hiệp định đình chiến Geneve, mẹ em ở với bà ngoại ngoài huyện Xuyên Mộc,thuộc tỉnh Bà Bịa, đó là vùng Việt Minh tập trung 300 ngày , chờ tàu Liên Xô chở ra Bắc.Cộng sản lúc đó họ có chủ trương thả lính và cán bộ lấy các cô gái địa phương có con , gieo mấm hồng,để sau nầy thành cây đỏ họ dùng. Em được một tuổi thì bà ngoại chết,mẹ dẫn về tá túc ở nhà cậu, em mới thoát, mấy đứa cùng tuổi ở Xưyên Mộc, đa số bị nướng vào lửa đỏ. Thật sự ba em lấy mẹ em đâu có tình, chỉ là hành động phục vụ cho mưu đồ chính trị mà thôi! Bây giờ ông về Nam có đem theo bà vợ và bốn đứa con. Nếu mẹ em còn sống, bà thấy bà uổng công chờ đợi. Anh à, sao kỳ qúa, bây giờ ông là công an , nghe giọng ông nói em sợ lắm. Mở miệng ra là xưng cách mạng, là chửi ngụy. Ông chỉ tạo em ra rồi bỏ rơi từ trứng nước, em sống và lớn lên nhờ hạt cơm giọt sữa của ‘’ngụy’’. Có lần ba  em đến trường em đang dạy, thuyết phục em rời xa anh và hứa lo cho em đi học Đông Đức. Em đã cám ơn ông và xin ông để cho em được sống trọn vẹn với tình yêu của em ! Ôi cha nghe như vậy ông nổi nóng, chửi bới tùm lum , hăm he sẽ trừng trị em , và sẽ bức rời chúng ta ra .Em về kể cho cậu mợ Trung nghe, cậu mợ lo lắm. Mợ nói :’’Tụi nó ác lắm , coi chừng nó hại thằng Hùng’’. Sau  đó mấy hôm câu mợ gặp mẹ anh bàn nhau để sắp xếp cho mình đi xa.
                        
Hùng ngắt lời Thu :’’ Bởi vậy mình mới cấp tốc ra thăm ba, anh đang thắc mắc không biết có nên nói cho ba rõ sự việc không?’’
         - Nói chứ anh , nói cho Bác mừng ,Thu đáp .
         - Chà không biết ông vui hay lo, Hùng nói nhỏ và thở ra, đoạn nhìn Thu , Hùng nói tiếp: ‘’Anh nghĩ tội nghiệp em qúa, đáng lẽ tháng sáu năm 1975 là chúng mình đám cưới, nhưng biến cố xãy ra nên lỡ vỡ hết. Em thấy nhà anh thì tan nát, ba bị tù , nhà chúng nó lấy, anh bị đuổi không được dạy học,vì là thầy gíao môn văn sử, chúng bảo là môn học phục vụ cho đế quốc. Cả nhà bị đày đi kinh tế mới thật khổ sở, em Thủy của anh mới mười tuổi chịu không nổi, đau ốm, không thuốc men nên nó chết. May năm 1978 ,nhờ cậu em giúp đỡ, mẹ anh và em Lê về tá túc sau nhà cậu. Bây giờ cậu lo cho chúng mình đi xa  để xây dựng tương lai, ơn nầy không biết chừng nào anh trả nổi !’’
                        
Thu kê miệng sát vào tai Hùng nói : ‘’Anh quên rồi sao , cậu em và ba anh là bạn thân từ nhỏ đó,học cùng trường, ngồi sát bên nhau. Có lần cậu nói với em rằng  hai người cùng bị động viên một lượt, nhưng chân trái của cậu có tật nên được miễn, về làm ngân hàng, còn bác đủ sức khỏe nên vào lính đó. Cậu hay nhắc ba anh lắm, mà thiệt bác hiền, nhớ lần đầu em đến nhà kiếm anh, em thấy bác đứng trước cửa đợi xe đến rước, ông mang lon đội mũ chỉnh tề, em thật sợ, nhưng bác cười nhỏ nhẹ mời em vào nhà.Giọng bác thật hiền hòa thân ái. Anh , em nói rõ cho anh biết , lần nầy có anh Bạch đi nữa,. Anh Thanh thì đang bị cải tạo, vì anh là  thiếu úy ngành an ninh.  Em cầu nguyện Phật Trời phù hộ cho tất cả chúng mình đều thoát. Bốn năm rồi , thấy  rõ quá , cả một trại tù vĩ đại’’
                        
Mới có năm giờ mà trời tối mịt, nửa viền trăng khuyết đang lơ lửng giữa trời, thỉnh thoảng khuất vào đám mây trắng  trôi qua,. Gió cuối thu xào xạc trên mái lá, Thu và Hùng cùng im lặng như cùng lắng nghe trọn nỗi buồn của một cuộc tang thưong. Hùng choàng tay lên vai Thu, chàng định ôm hôn nàng , nhưng nhớ lại đây là nhà trọ nơi đất Bắc chàng lại thôi, nhưng trong lòng Hùng đang âm vang thổn thức trọn lòng yêu thương hơn một người bạn, hơn một người tình , mà là một người đang liền thân với chàng, đành chung đời gian khổ với chàng.
Thu nắm chặt tay Hùng và khe khẻ nói :’’Giờ nầy em biết Anh lo buồn lắm phải không ? . Thôi Anh , ta cứ bình tỉnh và luôn cầu nguyện, tất cả đều có số cả ‘’.
Ngay lúc đó bà chủ nhà với người lên nói:
          - Cô cậu có thể ngủ ngay trên ván đó, nói thật nhà nghèo lắm, không có chăn chiếu, gối cho cô cậu.
         - Không sao cụ, chúng cháu có đem theo tấp đắp. Thu đáp lời.
         - Chúc cô cậu ngon giấc, thế thì tốt qúa .
                        
Hùng xoay qua Thu nói : thôi mình ngủ, mai còn phải dậy sớm, chắc còn nhiều vất vả lắm. Thu kề sát tai Hùng và nói khẻ:’’Trời ơi hơn hai mươi năm xã hội chủ nghĩa ưu việt mà con người te tua như thế nầy sao!’’, rồi nàng dủi chân ra kéo tấm chăn đắp cho Hùng, chỉ sau năm phút cả hai ngủ thiếp .
                        
Sáng hôm sau, lên dò dọc lúc sáu giờ sáng, mãi mười giờ mới đến    Bến Ngọc, từ đó mướn xe đạp thồ hành lý đến trại Tân Lập, qua một con suối  bằng chiếc đò tre (ngoài Bắc gọi là chiếc mãng), để đến K3 lúc muời hai giờ trưa. May quá chiều đó là 1 tháng 9, họ cho thăm ngay, vì ngày mai là lễ độc lập họ không làm việc.Ông Thanh được cán bộ dẫn ra, Hùng không nhận ra cha, vì ông qúa tiều tụy, ba người thân thương nhìn nhau qua màn lệ ! Thu chạy tới nắm lấy tay ông Thanh và gọi: Bác! Tên cán bộ to tiếng: ‘’Chị kia xa ra, ngồi nghiêm chỉnh xuống bàn ! ‘’
                        
Thế là cả ba ngồi cạnh chiếc bàn rộng chừng  một thước rưỡi, cán bộ ngồi ở đầu bàn; suốt mười lăm phút đầu, chỉ hỏi thăm nhau vớ vẩn mà thôi.! May qúa, bỗng đâu có một cán bộ nữ đến , gọi tên cán bộ ra ngoài đấu hót nhau. Bên trong nầy Hùng và Thu nói cho ông Thanh biết câu chuyện sắp đi xa do cậu mợ Trung lo. Ông Thanh nghe như vậy rất phấn khởi, có đôi lời dặn dò nhất là ông tỏ lời thương mến Thu và xác nhận từ nay coi Thu như  đứa dâu con của ông và khuyên bảo Hùng  lúc nào cũng phải thương yêu Thu. Nghe những lời chân thành hiền đức của ông Thanh , Thu không cầm được nước mắt. Sau ba mươi phút thăm nuôi, cán bộ ra lệnh cho ông Thanh trở vào trại. Giây phút chia tay thật buồn. Hùng đứng trên thềm nhìn cha khuất bóng sau hàng cây sầu đông, nghĩ thầm: Phải chăng đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng!
                         
Sau đó, Hùng và Thu vội vã ngược ra bến Ngọc cho kịp chuyến đò dọc và đáp tàu hoả ra Hà Nội, lấy tàu Thống Nhất trở về Sài Gòn. Trên đường về, thấy các đoàn tù đi ngược chiều trổ về trại, họ đi có hàng ngũ, quần áo xốc xếch, gương mặt vương nét sầu bất tận, thỉnh thoảng trong hàng có người hỏi:’’ Có gặp được thân nhân không hai cháu ‘’ ; thường thì Thu đáp nhanh: ‘’ Dạ có’’. Riêng Hùng thì im lặng, lắng đọng trong lòng những suy tư : Mới ngày nào chàng cùng Bạch xem diễn binh thật hùng tráng, nay các anh hùng đó đành xuôi tay, thật : ‘’anh hùng khi gấp cũng khoanh tay ‘’. Nhớ ngày nào, dịp Tết Mậu Thân  tại chùa Quản Tám bên Gia Định, chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa lôi ra cả chục tên Việt Cộng trông nhão như mèo , thế mà nay mấy tên quản giáo thật  hung ác qúa!. Thật là lẽ vô thường của cuộc đời !. Hùng và Thu cứ bước vội dưới những hàng tre rậm mát,qua những con đường đất lầy lội, hai bên lối đi chỉ có những mái nhà tranh thấp, trồng vài cây cau, mấy đám cải , mồng tơi, không hề thấy một ngôi nhà thờ , một mái chùa nào ! Thu thầm nghĩ quả mấy chục năm qua họ đi sâu vào ngỏ cụt của vô sản , vô thần !
                        
Đáp đò dọc xuôi về Ấm Thượng,Thu và Hùng nhìn lên những đồi cọ, những lá cọ xòe ra như những cánh qụat, lấp lánh trong nắng và đong đưa theo gió thật đẹp như thầm nói với hai người miền Nam rằng quê hương ta nơi nào cũng đẹp, chỉ tại lòng người nham hiểm  tàn phá gây trò tang thương dâu bể! Đến Ấm Thượng , đáp tàu từ  mạn ngược về Hà Nội: đến ga Hàng Cỏ, môt cảnh tượng thật  khiếp sợ, cả chục đứa trẻ khoảng từ mười hai đến mười tám tuổi  ,chúng uà lên tàu, cảnh níu kéo , đánh nhau thật là loan, một cậu bé bị đánh gục ngã, máu ra lênh láng .Thu lắc nhẹ vai Hùng và nỏi khẻ :
        - Hôm nay là ngày thường , giờ nầy là giờ học mà sao trẻ rong chơi ngoài phố nhiều thế ?
      - Trời ơi ,tụi nhỏ nầy chắc gì được đi học,  sao em tính với chúng nó giờ nầy là giờ học !  
                        
Thu nhìn Hùng và thở ra và nói : Tội nghiệp , chúng nó cũng là nan nhân của chế độ thôi !
                        
Đúng mười hai giờ trưa hai người đáp tàu Thống Nhất về Nam, dọc đường gió bụi ,chứng kiến không biết bao nhiêu  vết tích của chiến tranh còn lại.Khi tới khu vực cầu Hiền Lương tàu gần qua Nam ,Thu nói :  ‘’Anh ơi đã qua bốn năm rồi sao chẳng thấy miền Bắc kiến thiết gì cả’’. Hùng đáp rất nhỏ : ‘’Niềm đau chinh chiến còn lâu em ạ , vì lòng người còn bận trả thù và vơ vét, cái tâm lý, người ta hồi nào cực khổ hi sinh , bây giờ phải lo cho cái thân của mình chứ ‘’  .Thu nhìn thẳng vào mặt Hùng, mĩm cười và nói :’’Ừ đúng đó, như ba em,ông cũng chiếm một cái biệt thự thật to trong cư xá Chi Lăng, như vậy mình quyết đi xa cũng đúng anh nhỉ, ai mà không yêu quê hương của mình anh nhỉ .... Mấy đứa bạn dạy cùng trừơng bảo em sao không dựa vào ba em cho đỡ.Chúng nó đâu biết em có tình yêu mà ông buộc em dứt bỏ, vả lại bà dì ghẻ từ Bắc vào cùng mấy đứa con riêng của ba em rất hẹp hòi,ích kỷ và ác, theo cái nhân sinh quan mà họ hấp thụ từ nhỏ, vì vậy nếu có dựa vào ba em chỉ là ‘’hàng thần lơ láo phận mình lẻ loi thôi anh ạ !’’
                        
Con tàu càng về Nam càng chạy nhanh, khi đến ga Bình Triệu tàu ngừng hẳn tại đây. Cậu mở Trung và mẹ Hùng chờ sẵn. Mợ Trung ghé tai Thu nói nhỏ:’’Bạch nó đi thoát rồi, tin về cho biết nó đã lên tàu lớn, chắc còn một tháng nữa sẽ có tin thêm ‘’.Riêng Hùng lo thuật nội vụ thăm nuôi ba cho mẹ nghe.  Mọi ngưòi tỏ vẻ vui mừng được biết  ông Thanh bình yên và bằng lòng việc đi xa của Hùng và Thu.
                        
Về đến Sai Gòn, câu mợ Trung sắp xếp cho Hùng và Thu vào ẩn trong cư xá Thanh Đa, một đêm không trăng có người tới đưa vào Bình Quới, xuống một ghe máy , xuôi dòng sông Saigon ra Nhà Bè; nhưng chỉ tới khu vực Tân Thuận, bị tàu công an chận bắt , tất cả bị đưa vào đồn công an Tân Quý Đông, đề tra xét và thanh lọc,người tài công, anh thợ máy và một ít  người bị nghi trong nhóm tổ chức bị đưa về trại giam số 4 Phan đăng Lưu. Đây là trại giam khét tiếng, gây khiếp đãm cho dân chúng Saigon thuở đó. nhiều sĩ quan trốn tập trung cải tạo phải bỏ mạng tạy đây ..Suốt một đêm trằn trọc không ngủ. Thu nhớ tới lời hăm dọa của ba nàng nên  Thu rất lo cho Hùng . Trong dòng nghĩ miên man , Thu nhớ tới buổi đầu gặp nhau, trong dịp Hùngvà các bạn đến trường nàng bán đặc san xuân của trường Trương Vĩnh Ký. Hùng rất hoạt bát vàluôn có nụ cười trên môi .  Như có duyên nợ cùng nhau , khi học lớp đệ nhất Thu đến thư viện học thường gặp Hùng đến đó, chàng là sinh viên năm thứ hai ban Văn chương của trường Đại Học Sư Phạm .Thu giỏi khoa học nhưng rất dốt môn triết, Hùng tận tình chỉ cho Thu học và làm bài triết. Nhờ vây năm đò Thu đạt đưọc diểm 12 môn triết và thi đổ Tú tài .  Đó là cái cầu đưa tình yêu đến  hai tâm hồn trẻ và nhiều mộng đẹp cho mình và cho đời. Cả hai không ước vọng xa vời, chỉ ứơc thành hai nhà giáo tận tụy với tuổi thơ. Họ luôn luôn tin tưởng vào tình yêu trong sáng của họ  và nghĩ rằng họ có hạnh phúc !
                        
Nhưng từ ngày  xích sắt của T.54 dày xéo trên lộ Saigon, thì mộng đẹp nào cũng tan vỡ, bao nhiêu người cao chạy xa bay , Hùng và nàng cũng xa chạy, nhưng thất bại, nay sa vào chốn ngục tù.Trong bước đường cùng, nàng nghĩ’’thôi ngộ biến phải tùng quyền’’mới có thể cứu Hùng được!
                        
Ngày hôm sau, khi công an thầm vấn , Thu  khai là con của trung tá công an Trần Dy, tên công an trố mắt nhìn Thu và gắt giọng:
       - Chi nói chơi hay nói thiệt
       - Dạ tôi nói thiệt đó, không tin cán bộ cứ điện cho ba tôi để xác minh.
       - Được rồi , nếu cô khai mang thì cô chết với tôi.
                        
Tiếp đó hắn đưa Thu trở về phòng. Thu trở nên bình tỉnh, nàng thầm nghĩ bây giờ phải có cách nào ứng xử nếu gặp ba nàng.Lúc nào Thu cũng nghĩ ông là một cáo già có nhiều thủ đoạn .
                        
Qủa thật bốn giờ chiều hôm đó ông Trần Dy tới ,Ông là một cán bộ cao của ngành an ninh nội chính, nên đám cán bộ trại giam rất nể sợ, họ dẫn Thu lên gặp ông , và lánh ra để hai cha con ngồi riêng một phòng nói chuyện.
                        
Vừa gặp  Thu, ông mở lời ngay :’’Sao con dại qúa, nước mình đã độc lập tự do rồi, con còn đi đâu, con đừng nghe lời bọn phản động nữa’’
Thu đáp lại :’’ Ba ơi đâu phải mới một sớm một chiều ba, đã bốn năm rồi. Chắc ba thấy rõ đời sống của dân chúng ra sao. Ba có đi thăm thữ các vùng kinh tế mới không, ba có nghe được tiếng khóc của những người được ba giải phóng không?  Trong đó có con đây ! Nếu ba cho  thả con ra, con rất cám ơn , nhưng con cũng xin ba thả anh Hùng ra. Anh ấy là người vô tội và là người con yêu thương.
       - Không được đâu con, theo báo cáo của các đồng chí thì nó ở trong ban tổ chức vượt biển và có mưu đồ chống phá cách mạng.
                      
Thu khóc và nói: ‘’ Sao ba có thể tin hoặc bày ra câu chuyện chết người như vậy. Ba có biết không ? Nếu giờ này ba tha cho con ra mà ảnh vẫn còn trong chốn ngục tù , cả hồn con cũng chìm đắm trong chín tầng địa ngục. Ba ơi cả đời ba say mê cách mạng chắc ba chẳng xúc động trước nỗi khổ của bao nhiêu con người yêu thương nhau mà phải xa cách nghìn trùng! Bây giờ con chỉ xin ba một điều là thả dùm anh Hùng ra. Con xin lấy mạng sống của con bảo đảm rằng ảnh không bao giờ chống phá cách mạng. Ba nhớ rằng ảnh chỉ là một nhà giáo hiền lành.
        
Ông Trần Dy ngắt lời Thu :
        - Đấy chính nó là một nhà giáo, một trí thức mới  đáng sợ, con đã bị nó mê hoặc!Thôi bây giờ ba nói các đồng chí làm giấy thả con, còn chuyện đó tính sau;ba có công tác gấp, ba phải đi, một chốc có một đồng chí nữ chở con vế tận nhà. Sau mấy lời lạnh lùng đó ông đã bước vội lên xe...
                        
Thu bước qua dãy hành lang để vào nhà, cả nhà đang ăn cơm, Lệ em của Hùng chạy tới ôm chầm lấy Thu và khóc, cả nhà buông đủa vây lấy nàng. Cậu Trung hỏi vội : ’’Còn Hùng thì ra sao ? ‘’ Thu đáp :
      - Trước khi con về, ba con đến trại giam gặp con, con hết lời van xin ông giúp cho Hùng được tha về, nhưng ông từ chối, chỉ nói việc đó tính sau ! Thôi mình cầu nguyện Trời Phật cứu độ anh Hùng , sao  con lo qúa !
                        
Mấy lần đến cư xá Chi Lăng, để gặp ba nàng, nhờ giúp xin một giấy phép đi thăm nuôi Hùng, nhưng không hề được gặp ông. Ngày nào Thu cũng đạp xe thất thểu đến khu chợ Bà Chiểu, ngang qua trại giam số 4 Phan Đăng Lưu   nhìn vào  mong thấy bóng dáng người thương. Nàng thầm nghĩ đây vào đó bao xa, không đầy trăm thước,sao ngăn cách nghìn trùng ?
                        
Ba tháng sau Hùng được thả về với tấm thân tiều tụy, lê từng bước, thường tiểu ra máu. Thu đưa vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán và cho Thu biết Hùng bị chấn thương nặng ở thận ! Sau hai tuần lễ nằm viện,  trong một đêm mưa gió , Hùng chết trên tay Thu, mẹ Hùng đứng bên cạnh con khóc.Lúc đó gương mặt Thu hằn lên niềm đau khổ tột cùng, nhưng nàng không khóc, dường như nước mắt nàng đã chảy ngược vào tim !
                        
Người ta đưa Hùng xuống nhà xác, chính tay nàng tắm rửa cho Hùng, nàng mướn người chạy về nhà cậu Trung báo tin. Cả nhà đi vào , đem bộ quần áo đẹp nhất mặc cho Hùng. Cậu Trung định đem Hùng về quê nhà.Nhưng Thu nói : ‘’ Con xin mẹ và cậu đừng đem về quê xa lắm. Con muốn anh Hùng lúc nào cũng gần con. Con và anh Hùng có thân với ni sư trưởng chùa Kim Sơn, bà ấy thương anh Hùng lắm, cạnh chùa có một nghĩa trang, con sẽ xin anh Hùng yên nghĩ nơi đó’’.
                        
Mọi người đều chiều ý Thu, thời còn là sinh viên, ngày lễ Vu Lan, Thu thường rủ Hùng đến chùa Kim sơn lễ Phật. Đây là một ngôi chùa nhỏ rất đẹp trên  ngọn đồi thấp , trồng nhiều hàng dương và bồ đề, lúc nào cây lá cũng rì rào, con rạch bao quanh nhấp nhô hoa lục bình màu tím .Nghĩa trang nay thêm một nấm mồ, ngôi chùa từ nay thêm một ni sư, chiều chiều cô lần chuổi bồ đề, lê nhẹ bước chân trên lá vàng khô, vừa thắp hương cho một ngôi mộ, vừa đọc kinh cầu nguyện, vừa khóc cho một mối tình thiên thu !!

Hàn Thiên Lương

No comments:

Post a Comment