Friday, August 14, 2020

Những Món Ăn Ngon Nhất Việt Nam Trong Mắt Khách Tây

Trong chuyến đi xuyên Đông Nam Á, hai blogger du lịch nổi tiếng Mei và Kerstin rất có ấn tượng với nền ẩm thực phong phú, ngon và tốt cho sức khỏe của Việt Nam.


1. Gỏi cuốn: Với nhân tôm, thịt, rau thơm và bún cuộn trong một lớp bánh tráng mỏng chấm với nước sốt ngon tuyệt khiến gỏi cuốn trở thành món “ăn hoài không ngán”.

2. Chả giò: Không dễ để làm được một chiếc chả giò hoàn hảo. Phải chuẩn bị và trộn nhân theo đúng tỷ lệ, chú ý tới lượng nhân bỏ vào bánh tráng, độ mềm của bánh tráng, cách cuộn chả giò, nhiệt độ dầu rán, cách vớt ra… mọi chi tiết nhỏ đều quan trọng. Nhưng nếu làm đúng, bạn sẽ được thưởng thức món chả giò chấm nước mắm nóng hổi và ngon tuyệt.

3. Bánh cuốn: Đây là món đặc sản của miền Bắc Việt Nam. Lớp bánh mỏng bao quanh nhân thịt băm mộc nhĩ được hấp chín, ăn kèm chả và nước mắm.


4. Nem chua: Nem chua là thịt lợn sống lên men, có vị chua chua, ngọt ngọt và cay cay. Đây thường là món ăn phụ hoặc món ăn vặt của người Việt.


5. Bánh xèo: Mei và Kerstin ví bánh xèo giống như một loại bánh kếp rán làm từ bột gạo. Với nhân tôm, giá, hành và thịt lợn, bánh xèo thường được cắt ra và quấn trong bánh tráng hoặc rau diếp cùng với rau thơm và chấm nước mắm. Bánh xèo ngon nhất là ở Hội An, miền Trung Việt Nam.


6. Bún bò Huế: Nước dùng của món bún này được nấu từ xương bò, xương ống, hành, rau mùi và sả. Vài hàng còn cho thêm chân giò, tiết lợn. Bát bún sẽ ngon hơn nếu cho thêm chút tôm chua và húng quế. 


7. Nem nướng: Nếu thích thịt nướng thì chắc chắn bạn sẽ mê mệt món nem nướng đặc sản Nha Trang, gồm thịt xay trộn hành, tiêu đen, nước mắm và đem nướng trên than hoa. Nem nướng được ăn kèm với rau thơm như rau mùi, cà rốt, rau húng, bún và bánh tráng. 

8. Phở: Đây là món ăn nổi tiếng của Việt Nam, hình thành từ thế kỷ 20 ở miền Bắc. Phở Hà Nội có nước dùng thanh nhã và vị ngon tuyệt vời, phở Sài Gòn cho nhiều rau tươi hơn. 

9. Bánh mì: Bánh mì Việt Nam được coi là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, với vỏ bánh giòn, nhân thịt nướng, pa tê, dưa chuột, rau thơm và sốt trứng gà. 

10. Bún riêu: Nước dùng của món bún này được nấu từ cua xay, cùng với màu cua và dấm. Như nhiều món bún khác của Việt Nam, bún riêu được ăn kèm với rất nhiều loại rau sống như hành tươi, rau mùi, giá và rau muống.


11. Bánh canh: Món bánh canh ở miền Nam Việt Nam thường có thêm cá viên, sườn lợn và rau thơm. Ở các vùng khác, nước dùng có thể có vị tôm, cua hoặc đôi khi là chân giò. 

12. Chạo tôm: Đây là một món ăn truyền thống khác của Huế được làm từ tôm bọc mía nướng trên than hoa. Vị ngọt của mía đem lại cho phần thịt tôm một hương vị vô cùng đặc biệt. Chạo tôm thường được dùng như một món khai vị, hoặc ăn kèm bún, cà rốt, rau thơm và lạc giã nhỏ. 

13. Hủ tiếu: Tương tự như phở ở miền Bắc, hủ tiếu là món đặc trưng của miền Nam Việt Nam. Không giống như phở, sợi hủ tiếu được trộn cùng dầu tỏi, đường, dầu hào và xì dầu trước khi thêm nước dùng được ninh từ xương gà hoặc xương lợn. Những nguyên liệu khác gồm hải sản, gà, tiết lợn. 

14. Cơm tấm: Đây là món đặc sản của Sài Gòn, được làm từ gạo vỡ, ăn kèm với sườn nướng, bì, chả, trứng và dưa chuột, rưới thêm nước mắm hoặc nước sườn nướng. Thực khách thường có thêm một bát nước dùng để ăn kèm cơm tấm. 

15. Bò lúc lắc: Đây là món ăn có khởi nguồn từ ẩm thực Pháp, xuất hiện từ những năm 1960. Tên của món ăn này bắt nguồn từ hình dạng của miếng thịt bò: “lúc lắc” nghĩa là miếng thịt bò to bằng cỡ một viên xúc xắc để có thể ăn bằng đũa dễ dàng hơn. Bò lúc lắc thường được ăn kèm với rau sống, hành tươi. Thịt bò thường được nhúng vào một loại nước chấm làm từ muối, tiêu và chanh.

Hoàng Linh Ảnh: Mei&Kerstin
Nguồn: zingnews.vn

1 comment:

  1. Bổ sung tiếp cho món bánh canh ở miền Nam nhé .
    Đặc sản nổi tiếng của Trảng Bàng ( Tây Ninh) là bánh canh giò heo . Cùng bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc , ăn kèm với rau sông ( là những cây mọc tự nhiên ờ ven sông Vàm ) như : trâm ổi , đinh lăng , vừng , chiết, lá cóc , rau vị rau nhái v...v.
    Điều đặc biệt là những loại này chỉ ở vùng Trảng Bàng mới có , và mới nấu ... " ra " được hương vị bánh canh rất riêng , đặc trưng và đậm đà mà vùng khác khó nấu giống được , có thể một phần do từ nguồn nước .
    Điều này làm tôi ít nhiều thắc mắc , cũng là do chính một người ( gốc Trảng Bàng), và một công thức nấu như nhau , mà khi về Sài gòn nấu cho gia đình ăn , thì luôn là một nhận xét : không ngon như khi về T.Bàng được tôi nấu đãi. Tôi chỉ có thể kết luận , hoặc từ nguồn nước , hoặc do .... không khí quê nhà chăng ??

    ReplyDelete