Hình internet
HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN
Sau hơn bốn thập kỷ tỵ nạn tại Mỹ, nhiều người Việt chúng ta sử dụng tiếng Mỹ*
thành thạo trong đời sống hàng ngày cũng như trong công ăn việc làm.
Cũng vì vậy mà khi nói tiếng Việt với nhau tại quê hương mới này, chúng
ta có khuynh hướng “chêm” khá nhiều tiếng Mỹ vào ngôn ngữ mẹ đẻ của
mình. Trong các câu chuyện xã giao, trong báo chí, và ngay cả trong văn
chương nữa, sự giao thoa giữa hai ngôn ngữ Việt và Mỹ là một hiện tượng
tự nhiên và gần như không thể tránh được.
Các
tiệm ăn mới khai trương thường không tính tiền nước uống cho thực khách
và diễn đạt ý tưởng ấy bằng nhóm chữ FREE NƯỚC NGỌT. Kỳ diệu thay, nhóm
chữ này dùng cú pháp Mỹ RẤT CHỈNH: tĩnh từ FREE mô tả danh từ “nước
ngọt” được trịnh trọng đặt trước danh từ ấy! Vài tiệm phở có sáng kiến
bán phở làm sẵn cho người mua mang về nhà, và quảng cáo thứ phở đó là
PHỞ TO GO. Khỏi phải nói, nhóm chữ này cũng đúng cú pháp Mỹ luôn!
Tôi
được đọc trên báo chí một bài thơ vui của tác giả Nguyễn Phú Long,
trong đó tiếng Mỹ thoải mái sánh vai cùng tiếng Việt. Đó bài thất ngôn
tứ tuyệt “hai dòng ngôn ngữ” được sáng tác để mừng tân xuân buồn tẻ của
người Việt nơi hải ngoại:
Xe thư bưu điện đến rồi đi
Ngoài COUPONS ra chả có gì
Bạn tới chúc xuân khui nước ngọt
BUY ONE ngoài chợ GET ONE FREE
KHUYNH HƯỚNG ĐẠI ĐỒNG
Hiện
tượng giao thoa ngôn ngữ của chúng ta thực ra là một khuynh hướng ĐẠI
ĐỒNG. Mọi sắc tộc di dân khác tại xứ này đều “chêm” tiếng Mỹ vào tiếng
mẹ đẻ của họ, chẳng khác gì chúng ta cả. Khả năng sáng tạo của bộ óc
loài người trong cách sử dụng hai ngôn ngữ thoải mái bên nhau để truyền
thông hữu hiệu thực là thần kỳ.
Các
ngữ học gia tại Mỹ ngày nay mệnh danh hiện tượng giao thoa ngôn ngữ
ngoạn mục này là CODE-SWITCHING và PHẢN BÁC DỮ DỘI những lời phê bình
lỗi thời lên án người sử dụng nó là cẩu thả, lai căng, hoặc hỗn loạn trí
tuệ. Trái lại, họ cho rằng những người có khả năng cho hai ngôn ngữ hòa
hợp với nhau một cách hữu hiệu là những người THỰC SỰ ĐÃ LÀM CHỦ ĐƯỢC
CẢ HAI NGÔN NGỮ ẤY, và khi cần thiết (như khi giao dịch với một cá nhân
đơn ngữ) họ dư khả năng sử dụng chúng một cách “tinh tuyền” không pha
trộn chút nào. Người ta từng ví von một cá nhân “đơn ngữ” (monolingual)
như một ca sĩ chỉ có thể đơn ca, một cá nhân “song ngữ” (bilingual)” như
một ca sĩ có thể một mình song ca, và một cá nhân “đa ngữ”
(multilingual) như nhạc trưởng một ban hợp ca. Oai thay là những người
nói nhiều ngôn ngữ khác nhau!
LÝ DO GIAO THOA VIỆT – MỸ
Tiếng
Việt nhiều khi KHÔNG CÓ ngữ vựng hoặc thành ngữ thỏa đáng để diễn tả
một ý niệm mà chúng ta đã quá quen trong tiếng Mỹ. Thí dụ, khi còn ở quê
nhà trước 1975, lúc bị bệnh không đi làm được, chúng ta đâu có gọi điện
thoại vào sở để “cáo ốm” được? Thành ra, khi diễn tả ý niệm đó trong
cuộc sống hiện tại, chúng ta liền cho thành ngữ rất tiện dụng của người
Mỹ là CALL IN SICK giao duyên ngay với tiếng Việt mến yêu, để nẩy sinh
ra câu “Bữa nọ mình bịnh quá, đi làm hết nổi, thành ra phải CALL IN SICK rồi
nhờ người ta đưa đi bác sĩ đấy!” Những từ ngữ chuyên môn như SOFTWARE,
BLUEPRINT, EMAIL, WORKSHOP, FROSTBITE, những công thức ngắn gọn để chào
hỏi, chúc tụng, cảm tạ, hoặc chia tay trong tiếng Mỹ như HELLO, GOOD
MORNING, SORRY, CONGRATULATIONS, THANK YOU, BYE cũng rất được chúng ta chiếu cố và sẵn sàng chêm vào tiếng nói chúng ta một cách tự nhiên.
CODE-SWITCHING
là một cách NGĂN CHẶN không cho người khác “nghe lóm” chuyện riêng tư
của mình. Chẳng hạn, hai người Việt đang tâm sự với nhau bằng tiếng Mỹ
trong thang máy mà chợt thấy một người Mỹ đứng bên cạnh có vẻ tò mò lắng
nghe. Họ bèn chuyển câu chuyện buồn ấy sang tiếng Việt để được “yên
tâm” hơn: “MY WIFE HAS ASKED FOR A DIVORCE SINCE I LOST MY JOB LAST
YEAR, YOU KNOW … Đã mất việc rồi lại sắp mất cả vợ nữa, đời tôi thật bất
hạnh, anh ạ!”
Yếu
tố Mỹ chêm trong tiếng Việt là một cách gián tiếp nói lên một MỐI LIÊN
KẾT giữa những người “đồng hội đồng thuyền” với nhau. Tôi biết chắc
nhiều Việt kiều áo gấm về làng khi gặp nhau tại quê cũ thế nào cũng
“pha” ê hề tiếng Mỹ vào tiếng Việt của họ, như thể để nhắc nhở mọi người
mọi giới rằng họ là những “người Mỹ gốc Việt” chính cống sáng giá lắm
đấy, chứ không phải là đồ bỏ đâu: “HEY GUYS, YOU ARE FROM LITTLE SAIGON,
RIGHT? Sẽ ở lại Việt Nam bao lâu?”
Yếu tố Mỹ trong tiếng Việt cũng cho thấy người nói sắp chuyển sang một THÁI
ĐỘ MỚI, như để cảnh giác người nghe. Này nhé, khi thấy sắp đến giờ đi
học mà đứa nhỏ còn nằm dài trên giường, người mẹ song ngữ Việt-Mỹ có thể
phát ngôn: “Này cu Tý, gần bảy giờ sáng rồi đấy nhá. Ngủ nhiều rồi mà.
NOW GET UP!” Nghe bà mẹ hiền đang nói tiếng Việt rồi bà bất chợt chuyển
sang tiếng Mỹ ở câu cuối cùng thì cu Tý, dù có lì lợm đến mấy, chắc cũng
phải nhảy ra khỏi giường tức khắc!
VỊ TRÍ GIAO THOA TRONG CÂU
Các
danh từ, động từ, tĩnh từ Mỹ có thể được chêm vào chỗ phù hợp trong
câu: “Chị ơi, em đang DEPRESSED quá vì em và thằng BOYFRIEND vừa SPLIT
rồi!”
Các số từ, giới từ, liên từ Mỹ hầu như không thể được chêm vào câu Việt. Tôi chưa nghe ai nói: “Bà ấy nghĩ FIFTEEN ngày
nữa việc này mới xong,” hoặc “Làm ơn dẫn con chó ACROSS con đường này
dùm tôi đi,” hoặc “ALTHOUGH Lan nghèo, cô ta rất hạnh phúc.”
Các
từ ngữ thông dụng tiếng Mỹ thường được chêm vào đầu hay cuối câu: “AS A
MATTER OF FACT, nó vừa đến thăm tôi hôm qua mà,” hoặc “Tay ấy thì xạo
hết chỗ nói rồi, YOU KNOW.”
Trong
một câu kép (compound sentence) hoặc một câu phức hợp (complex
sentence), tiếng Mỹ có thể chiếm nguyên một mệnh đề trong đó: “YOU CAN
DRINK COFFEE, nhưng tôi sẽ uống nước trà” hoặc “Nếu mà anh quá mệt,
PLEASE STAY HOME TOMORROW.”
KẾT LUẬN
Tôi
mạn phép “chêm” tiếng Mỹ vào trong phần kết luận dưới đây. Rất mong quý
bạn đọc KHÔNG CHÊ là tôi nói tiếng Việt “quá cẩu thả” nhá:
“Hiện
tượng CODE SWITCHING giữa hai ngôn ngữ Việt và Mỹ là một NATURAL
PHENOMENON, cho nên chúng ta chẳng phải WORRY gì cả về vấn đề này
đâu. Vả lại, cái HABIT chêm tiếng Mỹ vào tiếng Việt này nó khó QUIT
lắm! Quý bạn cứ TRY YOUR BEST nói “tiếng Việt tinh tuyền” về POLITICS
hoặc JOBS trong một bữa cơm gia đình mà coi. IT WILL BE A PAIN, tin tôi đi!”
————————————
*Sách
giáo khoa gọi tiếng Anh nói tại Mỹ là “American English” và nói tại Anh
là “British English.” Có lẽ vì tự ái dân tộc hoặc vì bản chất thích
ngắn gọn, một số người Mỹ gọi tiếng mẹ đẻ của họ là “the American
language.” Tôi thấy điều này hữu lý và công bằng nên tôi “về phe” với
họ.
[ĐTP 2010, 2020]
Nguồn:https://khoahocnet.com/2020/07/23/dam-trung-phap-tieng-viet-cua-nguoi-viet-o-my-phien-ban-bo-sung-2020/
Xin quí vị cho một bài khảo cứu về "ngôn ngữ cộng sản" mà dân báo chí,phát thanh viên+,youtuber thường xuyên xử dụng làm người nghe,xem rất là bực bội như các tử
ReplyDelete-động thái=hành động(VNCH xưa)
hotgirl
tổ lai..
bức xúc
và còn nhiều nựa Cứ như là đang ăn cơm ngon,lại nhai phải cục SẠN hoạc ghê hơn nữa phải cục cứa chuôt...
Cám ơn