Sunday, August 30, 2020

Oan - Song Thao


Đầu tháng 2 vừa rồi, tôi lấy máy bay từ phi trường Vancouver về Montreal. Tới cửa đợi, vừa ngồi xuống một chiếc ghế trống, bà da trắng ngồi cách một ghế vội đứng dậy ra chỗ khác ngồi. Tôi biết  con vi khuẩn corona đã chia cách bà với tôi. Trước đó, khi xếp hàng vào làm thủ tục quan thuế, nhìn thấy một cặp vợ chồng trẻ cầm sổ thông hành màu đỏ có cờ Trung Quốc trên tay, tôi cũng thấy ngài ngại. Cũng con vi khuẩn nhỏ xíu nhưng đang làm kinh động thế giới này gây ra.

Tôi phải thú nhận rằng tôi không ưa bị hiểu lầm là người Trung quốc. Các bạn chắc cũng vậy. Trước khi con vi khuẩn bé tí tẹo này xuất hiện, nếu ai xì xồ tiếng Hoa khi tưởng mình là đồng hương với họ, tôi vội trả lời không biết tiếng Hoa với giọng không vui lộ rõ. Vào một cửa tiệm, được mấy cô nhỏ bán hàng da trắng xinh xẻo chào “nị hảo”, tôi cũng cải chính ngay tôi không phải là người Hoa. Tết vừa qua, gặp một anh hay chị da trắng nào gọi là Chinese New Year, tôi sửa lưng liền là Lunar New Year, tết âm lịch, vì không phải chỉ có Trung quốc ăn tết này mà còn có Việt Nam, Đại Hàn và Đài Loan nữa. Phần lớn dân mít ta không ưa anh láng giềng xí xa xí xô có lẽ vì họ cứ nhăm nhe gây sự với nước ta. Dòng Đại Hán từ xưa tới nay vẫn thế. Có cơ hội là họ mang quân sang bắt nạt chúng ta. Ngày nay thì còn tệ hơn nữa. Nhà cầm quyền Trung Quốc đóng vai một anh nhà giầu mới gây hấn với cả thế giới bằng những chiêu trò càn rỡ, bất chấp lẽ phải. Bộ mặt của Trung Quốc, với những cao ngạo lố bịch, đã trở thành một hình ảnh méo mó khó thương. Và người dân Trung quốc bị ghét bỏ một cách oan uổng.

Con vi khuẩn corona xuất hiện từ Vũ Hán là dịp cho người Trung quốc ở khắp nơi trên thế giới lãnh quả búa tạ. Trong sự lo sợ cho tính mạng của mình, người ta nung nóng sự giận dữ với người Trung quốc ở khắp nơi trên thế giới. Người Hoa bị xa lánh, chế nhạo một cách công khai. Chắc ít người biết anh Jeff Lewis. Không biết cũng không sao vì tôi cũng không biết! Năm nay vừa tròn 50 tuổi, anh là một khuôn mặt truyền hình nổi tiếng ở Mỹ. Trong chương trình Jeff Lewis Life của đài Sirius XM ngày 29/1/2020 vừa qua, anh cùng một số khách mời trong đó có nữ diễn viên Monila Casey, bàn về dịch corona và trao đổi với nhau về cách họ đề phòng bệnh dịch này. Họ đồng ý với nhau là chấm dứt việc đi ăn tại các nhà hàng Trung Hoa. Anh Lewis nói về sự ăn uống của người Hoa: “Họ đang ra rả về virus corona, đó là một lọai virus có ở dơi, sau đó truyền sang rắn vì rắn ăn dơi. Người Trung quốc ăn rắn, ăn dơi, ăn đủ loại. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta đang gặp rắc rối này. Họ ăn tất cả các sinh vật và bây giờ tự hỏi tại sao mình lại bị bệnh”.


Quả thật, trong những ngày gần đây, người ta tung lên mạng không biết bao nhiêu video về vụ ăn uống này. Tôi có vào coi tất cả. Phổ biến nhất là video một cô xướng ngôn viên một đài truyền hình Trung quốc rất xinh đẹp ngồi ăn cháo dơi, một món ăn được cho là rất bổ ở Trung quốc. Quả thật, khi nhìn thấy cảnh cô banh con dơi ra, dứt thịt cho vào miệng, tôi cũng đã không dám coi tiếp. Vậy mà vì muốn biết cho tới ngọn ngành, khi một ông bạn gửi cho một video khác, tôi cũng mở ra coi. Video này còn rùng rợn hơn nhiều. Họ quay nhiều cảnh ăn uống của những cô gái khác nhau (không biết tại sao lại toàn các cô xinh đẹp mới mệt chứ!). Một cô bỏ những con rết còn sống vào rượu, rồi tỉnh bơ cho vào miệng khi con rết còn rẫy rụa! Một cô khác bỏ những con sâu xanh mập ú vào một chiếc ly có chất lỏng màu vàng, không biết là chất gì, nhưng khi con sâu chìm vào chất lỏng, khói bốc mù mịt, màu xanh biến thành trắng bệch. Cô săm soi nhìn con sâu rồi bỏ vào cắn từng miếng! Coi tới đây tôi chịu thua không dám coi tiếp tuy video còn dài, chắc còn nhiều cảnh ăn uống…ấn tượng hơn! Trên mạng, người ta nhắc đi nhắc lại một câu nhạo báng nói tới vụ ăn uống này: “Người Trung quốc ăn bất cứ thứ gì có bốn chân, ngoại trừ cái bàn; và họ ăn tất cả những gì bay được, ngoại trừ…máy bay!”.

Hình như bàn chuyện trọng đại này một lần chưa đủ, trong chương trình ngày hôm sau, anh Jeff Lewis và bạn bè tiếp tục đề tài mà họ cho là thú vị này. Đối tượng không phải chỉ là người Hoa mà là tất cả người Á châu. Anh nói: “Chúng ta cần cách ly toàn bộ những nhân viên gốc châu Á của SiriusXM, bao gồm người Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Việt Nam, Philippine, Nam Dương…Tôi tin rằng còn nhiều đối tượng cần phải bị cách ly hơn thế nhưng đây mới chỉ là nhóm người mà chúng ta có thể nghĩ đến”.

Vậy là anh đã bước quá đà. Khán giả người Á châu của anh bày tỏ sự tức giận vì tính cách phân biệt chủng tộc và góc nhìn phiến diện của chương trình này. Ngay trong chương trình ngày hôm sau, 31/1/2020, Jeff Lewis đã phải xin lỗi khán giả: “Chúng tôi tôn trọng người châu Á, chúng tôi không bao giờ muốn họ phải chịu cảm giác bị cô lập. Chúng tôi không bao giờ có ý định truyền bá sự thù ghét hay phân biệt chủng tộc bằng những bình luận của mình”. Anh cũng biện bạch tất cả những phát biểu trong chương trình chỉ là trò vui. Quả có lúc họ tếu khi đề nghị là không nên nói chuyện điện thoại với người châu Á vì sợ lây bệnh! Anh kết luận: “Tôi yêu tất cả những ai theo dõi chương trình này, không quan tâm tới khía cạnh tôn giáo, mức thu nhập, chiều cao, kích thước của họ. Tôi chỉ muốn làm bạn với mọi người”.

Người Trung quốc bị oan một thì dân ta bị oan mười. Anh chàng Trung quốc lớn xác, nằm chiếm gần trọn châu Á, đã che tầm nhìn của những người thuộc các châu lục khác. Cứ da vàng mũi tẹt là…các chú hết. Nhưng các chú cũng có trăm đường các chú. Dân Hong Kong hay Đài Loan đã lên tiếng họ không phải là người Hoa của Mao xếnh xáng hay Tập Cận Bình! Họ Hoa đó nhưng cũng cho là bị lầm là người Hoa. Sự đời nhiều khi rắc rối như vậy. Xét theo thực tế, họ cũng bị oan. Huống chi chúng ta, chẳng dây mơ rễ mà chi tới anh Trung Hoa, thì oan ơi ông địa biết chừng nào. Không chỉ tại Mỹ, tại khắp nơi, dân Việt bị hàm oan một cách tức tối.

Tại Pháp, cô Huyền Trân kể lại trên Twitter: “Chiều nay, 27/1, lúc 15 giờ, tôi đang đi xe buýt tuyến số 8 đến Marguente thì trở thành nạn nhân phân biệt chủng tộc bởi một nhóm các cô gái trẻ người Pháp. Tôi nghe thấy họ cười cợt tôi. Một cô nói:“Gọi bệnh nhân corona là gì nhỉ? Người Trung Quốc à?”. Trong khi một cô bạn nhắc: “Nói nhỏ thôi kẻo nó nghe thấy!”. Dù không phải người Trung quốc nhưng việc đó thật sự khiến tôi buồn!”. Đi kèm với những dòng tự sự của cô Huyển Trân là hình một cô gái cầm tấm bảng với hàng chữ tiếng Pháp: Je Ne Suis Pas Un Virus! Tôi không phải là một con vi khuẩn! Hàng chữ này sau đó đã trở thành tên một diễn đàn chung của những người bị phân biệt chủng tộc.

Một phụ nữ trẻ người Pháp viết trên Twitter: “Cứ mỗi khi nhìn thấy một người Hoa ở Paris là tôi chuyển sang đi ở phía vỉa hè bên kia đường. Tôi chạy, tôi rảo bước nhanh hơn, tôi quá sợ”. Tôi không nghĩ là cô gái này chỉ nói tới người Hoa. Người Hoa mà cô gái nói tới là tất cả các người da vàng. Dân Pháp ít người phân biệt được quốc tịch của một người da vàng nên tóm gọn là Chinois luôn cho tiện việc sổ sách.

Trong cuộc sống thường nhật, người châu Á đã gặp những tình huống kỳ thị rất éo le. Đài France Bleu, ngày 30/1, cho biết là tại nhiều nhà hàng, khách sạn, một số khách hàng từ chối không muốn người châu Á phục vụ họ. Có những thâu ngân viên tại các siêu thị đã bật khóc vì bị khách sỉ nhục: “Các người hãy xéo đi và hãy giữ lấy căn bệnh của các người!”. Ngược lại, cũng có những khách hàng người châu Á bị các cửa hàng từ chối bán hàng. Tại nhiều trường học, trong giờ ra chơi, trẻ em châu Á bị bạn bè chế giễu, gọi xách mé bằng cái tên “Corona”. Họ đánh đồng tất cả dân da vàng, chẳng thèm phân biệt Hoa hay không: “Người Trung quốc, Việt Nam và các nước khác cũng như nhau hết, các người đều mang virus corona”.

Chị Cathy Trần, một người Pháp gốc Việt, cư ngụ tại thị trấn Colmar, không bao giờ quên được câu người Pháp nói với nhau khi thấy chị đi ngang qua: “Cẩn thận, con nhỏ người Hoa đó đang tới kìa!”. Lúc chị đi làm về, một người đàn ông chạy xe máy còn tạt ngang sát vào chị bảo chị nên đeo khẩu trang.
Cô Shana Cheng, một người Pháp gốc Việt và Kampuchia sinh sống tại thủ đô Paris, ấm ức kể lại với đài BBC: “Tôi đang trên xe buýt thì nghe họ nói: “Con nhỏ đó người Trung quốc đó. Coi chừng nó đổ bệnh cho chúng ta. Lẽ ra nó nên biến về nước!”.

Tại Ý, dù chưa phát hiện một trường hợp bệnh nào, dân Á châu cũng bị dân địa phương dị nghị. Một gia đình bị cả khu phố ở Torino cô lập chỉ vì màu da. Các phụ huynh người Ý còn dặn con cái tránh xa những học sinh da vàng trong lớp. Ngay tại Venice, một trung tâm du lịch nổi tiếng của Ý, nhiều du khách da vàng đã bị dân điạ phương nhổ nước miếng khinh bỉ khi họ đi ngang qua.

Cô Hằng Nguyễn, một người Việt tại Đức, hành nghề hướng dẫn viên tại một bảo tàng viện, kể lại tình huống mà cô đã gặp phải từ khi có ca nhiễm vi khuẩn đầu tiên được phát hiện tại Đức: “Sáng hôm sau ngày công bố ca nhiễm đầu tiên, tôi bất ngờ thấy hình ảnh một số ít đứa trẻ Đức đeo khẩu trang. Đó là một hình ảnh hiếm thấy ở Đức. Tôi hiểu vậy là corona đã thực sự tới Đức rồi. Nhưng điều tôi bất ngờ hơn cả đó là khi lên tàu tới trường học, tôi cảm nhận một vài ánh mắt nhìn mình. Tàu rất đông, mà không hiểu sao quanh tôi lại thưa người. Một đứa trẻ đã dùng khăn quàng che miệng và mũi khi đi ngang qua tôi để tới cửa ra. Tôi tự cười bản thân và nghĩ có lẽ mình đã làm to mọi chuyện. Có lẽ do ngành học và công việc khiến tôi tiếp xúc nhiều với các câu chuyện về phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở Đức, mà tôi đã hiểu nhầm hành động của vài người trên tàu. Công việc của tôi là hướng dẫn viên ở bảo tàng và chủ yếu là làm việc với các nhóm học sinh, giáo viên và phụ huynh. Với chất giọng Đức khác biệt và một ngoại hình Châu Á tóc đen, mắt nâu, da vàng, các vị khách có thể nhận ra dễ dàng tôi là người nước ngoài. Trong một buổi hướng dẫn, tôi đã vô tình nghe một vị khách hỏi người bên cạnh điều khiến mình thực sự chạnh lòng: “Cô ấy là người Trung Quốc à? Không biết cô ấy có bị virus Trung Quốc (chinese virus) không?”. Tôi hiểu nỗi lo của mọi người, nhưng sự việc đã lên đỉnh điểm khi một buổi tối trên đường, một người đàn ông nhổ nước bọt về hướng tôi và lẩm nhẩm “Chinese!”.

Cô Michelle Phan, một người rất nổi tiếng trong giới trẻ tại Mỹ. Có lẽ tôi không còn trẻ nên không biết cô đồng hương vang danh này.  Cô là người Việt thế hệ thứ hai, được sanh ra tại Boston vào năm 1987. Năm nay mới 33 tuổi nhưng đã là triệu phú với tài sản trị giá 50 triệu đô. Cô là một người chơi Youtube nhà nghề với gần 9 triệu người ghi danh và đạt tới con số 1 tỷ 100 triệu người vô coi. Cô kể lại trên Twitter là cô bị kỳ thị vì con vi khuẩn corona. Một số người bảo cô “về lại quê hương để ăn thịt dơi đi”! Cô đáp lại mình sanh ra tại Mỹ. Trên mạng Instagram, một người  hằn học với cô: “Tại sao dân gốc Á quý vị ăn đủ thứ loại sinh vật? Ăn vật sống và cả xác chết…toàn thân! Đó là lý do quý vị khởi sinh đủ thứ bệnh”. Cô tức tối trả lời: “Tại sao một số quý vị bảo tôi về quê hương ăn dơi? Tôi là người Mỹ nhé, đồ ngu ngốc! Tôi không tin nổi là chúng ta đang ở năm 2020 và người ta vẫn ngu như hòn đá. Tôi lỡ lời, tôi không nên xúc phạm hòn đá!”.


Như thêm vào bức tranh kỳ thị một nét chấm phá lớn, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp Courrier Picard, số ra ngày Chủ Nhật 26/1, cho đi trên trang nhất cái tựa “Coronavirus Chinois. Alerte Jaune”. Dịch bệnh corona Trung quốc! Báo động vàng! Đây là một lối chơi chữ đầy tính cách kỳ thị. Tờ báo còn cho đi một bài xã luận mang tên “Một Đại Dịch Vàng Mới?”. Dĩ nhiên dân…vàng nổi tam bành liền. Nhưng người lên tiếng phản đối lại không phải là một dân da vàng. Ông Stéphane Nivet, Tổng Giám Đốc Ligue International Contre Le Racisme et l’Antisemitisme (Liên Minh Quốc Tế Chống Kỳ Thị Sắc Tộc và Bài Do Thái), viết tắt là LICRA, giận dữ nói với tuần báo L’Express ra ngày 28/1: “Việc một tờ báo cho in trên trang nhất dòng chữ như vậy mà không cảm thấy có chi không đúng đã chứng tỏ họ có vấn đề!”. Ngay sau đó, báo Courier Picard đã phải đăng lời xin lỗi.
Cũng báo bổ tại Úc, tờ Herald Sun đăng dòng chữ: “China Virus Panda-monium” trên một bức hình khẩu trang màu đỏ. Họ cũng chơi chữ. Chữ “Panda-monium” là viết trại từ chữ “pandemonium” có nghĩa là “đại dịch”. “Panda” là con gấu trúc chỉ có ở Trung Quốc. Sao thời buổi này chữ nghĩa lại hay xỏ xiên như vậy!

Dân da vàng không phải Trung quốc như Việt Nam chúng ta bị hàm oan. Chẳng phải chỉ có chúng ta. Dân vàng khè Nhật Bản cũng bất mãn vì oan uổng. Trên mạng xã hội Twitter có một mục mà dân Nhật ồn ào tham gia. Đó là mục chủ đề “Chinese Don’t Come To Japan”, dân Trung quốc đừng tới Nhật Bản. Tại Đại Hàn nhiều cửa hàng trưng bảng không tiếp khách Trung quốc. Một cơ sở thẩm mỹ ở khu vực Gangnam tại thủ đô Seoul còn chi tiết hơn khi công bố chỉ tiếp khách Trung quốc nếu chứng minh được là đã ở Đại Hàn ít nhất 14 ngày.

Tức cười hơn là dân Hong Kong, chính tông gốc Trung quốc, nhiều cửa hàng cũng trưng bảng không tiếp khách Trung quốc. Không biết làm sao họ phân biệt được dân Trung quốc với dân Hong Kong! Tại Singapore, cũng dòng giống Trung quốc, hàng ngàn người đã ký kiến nghị yêu cầu chính phủ cấm dân Trung quốc nhập cảnh vào Singapore. Họ đuổi con dân của ông Tập Cận Bình đi chỗ khác chơi.
Họa là từ Trung quốc nhưng toàn dân da vàng lãnh búa tạ. Biết trách ai bi chừ? Chắc là phải trách anh con tạo. Tại sao đã chơi màu trắng đen vàng nâu trên màu da con người lại còn bỏ chung vào một lồng tại mỗi lục địa khiến chúng ta bị lây họa. Ôi! Nỗi oan này chắc thấu tới trời…xanh!

Song Thao
02/2020
Website: songthao.com

No comments:

Post a Comment