Tuesday, December 8, 2020

Bác Năm Hớt Tóc – Võ Kỳ Điền


Không nhớ được là tôi quen bác Năm tự bao giờ. Nhưng chắc là lâu lắm, từ lúc còn nhỏ xíu. Cứ cách một tháng là chạy qua nhà bác để hớt tóc một lần. Tiện lắm, vì nhà tôi và tiệm hớt tóc sát vách nhau. Suốt ngày ngồi bên nhà ngó qua tiệm, tôi đánh vần chữ HoToc vẽ trên cái giá để xe đạp. Có lần tôi hỏi bác Năm:-Cái bảng hiệu của bác viết như vậy thì con nên đọc là Ho Tóc hay Hốt Ốc?-Mầy muốn đọc cái gì thì đọc. Muốn vừa Ho vừa Ọc cũng được. Bác Năm người lùn thấp, mắt to, mũi lớn, dáng chắc chắn nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát. Căn tiệm cũ kỹ, bàn ghế vá víu, ọp ẹp. Trên tường ngoài mấy tấm kiếng sứt mẻ, còn có tấm chân dung của bác mặc veste thắt cà vạt đàng hoàng, y như hình của kép Thành Được hay Út Trà Ôn. Bác thường sung sướng khoe với khách là hình nầy chụp tại Hà Nội, khi đi chơi ngoài đó lúc hai mươi tuổi. Tấm ảnh đã cũ, màu thuốc vàng ố nhưng ánh mắt trong ảnh vẫn còn vẻ tinh anh của tuổi thanh niên hoạt động.

Đôi khi tuy không hớt tóc, tôi cũng qua nhà để nghe bác kể chuyện. Chuyện xưa chuyện nay đủ thứ. Tùy theo trình độ và sở thích của khách, bác nói về thằng Hít-Le đánh Pháp, ông Khổng Minh đốt hụt Tư Mã Ý hoặc Tôn Tẫn giả điên, nằm lăn lộn trong chuồng heo để gạt Bàng Quyên. Ngoài chuyện Tây, chuyện Tàu, bác còn biết chuyện bắp chuối trổ hình ông Phật, chuyện ông thầy nước lạnh trị bịnh thần sầu,  chuyện anh bán tàu hủ trúng số độc đắc một triệu đồng. Tôi mê man theo dõi, trí tưởng tượng mặc sức mà bay bổng, tuổi thơ lớn dần theo những câu chuyện hấp dẫn. Cho tới khi lớn lên, tôi phải rời tỉnh nhà để đi học tận Sài Gòn xa xôi, sau đó lại lặn lội kiếm sống, lang thang hết tỉnh nầy đến tỉnh khác, cơ hồ tôi quên bẵng bác Năm.

Cho đến một ngày mà người ta nuôi heo trong dinh Độc Lập hoặc xúm nhau cởi trần bửa củi ở trước sân tòa đại sứ Anh thì tôi quay trở về tỉnh cũ với một tâm trạng rối bời. Ngoài đường xe phóng thanh chạy rầm rộ khắp phố. Những điệu nhạc lạ lùng khó nghe, chói tai vang dội, nửa như vui mừng chiến thắng, nửa như đe dọa. Bạn bè cũ không còn ai. Lớp thì được nhà nước ưu ái cho đi học tập mất bóng. Lớp thì trở thành giai cấp cầm quyền, họ đâu có thèm chơi với hạng dân ngụy. Tôi như con cua gãy càng bị lật ngửa, loay hoay không biết làm sao để cứu lấy thân. Cả ngày lúc thúc ở nhà, nơm nớp lo sợ không biết bao giờ được công an hỏi thăm sức khỏe đây. Một hôm nhìn vào kiếng, thấy râu tóc dài thượt, tôi chợt nhớ tới bác Năm. Mấy đứa em cho biết bác bây giờ vẫn hớt tóc như xưa, có điều là đã dời nhà vào trong một khu phố vắng từ lâu. Hình ảnh Tào Tháo, Lưu Bị, Hít-Le, Pétain ùn ùn nổi dậy trong đầu, tôi lò mò đi tìm nhà bác.

Tiệm hớt tóc bình dân không có bảng hiệu nên khó kiếm. Đó là một căn phố nhỏ hẹp, tối tăm, ẩm thấp. Tấm bảng HoToc không còn nữa. Bàn ghế, tấm ảnh là những vật dụng còn lại không thay đổi, tuy có đen đúa cũ kỹ hơn. Dưới đất cạnh trang thờ Thổ Thần với Tài Thần là một đám tóc vụn được quét gom lại chưa kịp hốt. Riêng bác Năm đầu tóc bạc phơ, ở trần, ốm nhom nhưng dáng còn khỏe mạnh. Bước vào nhà, tôi hòi ngay:

-Bác Năm có còn nhớ con?

Bác nhìn tôi, ngợ một lúc, mắt nheo nheo:

-Thầy phải là thằng Điền không?

Tôi mừng vì bác còn nhận được. Tôi hỏi thăm bác gái, các anh chị cùng công cuộc làm ăn hiện nay. Bác tóm tắt là con trai và con rể đi học tập, con gái và dâu bán chợ trời. Chấm dứt câu, bác thở dài:

-Còn tao trên bảy mươi tuổi mà còn phải đứng hớt tóc đây!

Tôi an ủi:

-Đúng là cuộc đổi đời. Ở chợ nhiều người lên voi xuống chó lắm!

Sau khi nghe tôi nói, bác phản ứng ngay, ánh mắt sáng lên mạnh mẽ:

-Người ta lên voi thì xuống chó là phải. Còn tao đâu có lên hồi nào mà bây giờ xuống tới trâu!

-Tại sao bác lại nói xuống tới trâu?

-Tao không được bằng chó. Chó khỏi phải lao động mà còn có ăn. Tao già rồi mà vẫn còn phải kéo cày. Lúc trước nhờ mấy đứa nhỏ nuôi, tao tưởng tuổi già được khỏe, nào ngờ, chuyện đời thay đổi, bây giờ tao không làm, cả nhà lấy gì mà sống!

-Thì bác cũng như ba con. Ổng năm nay bảy mươi hai rồi, tụi nầy bị cho nghỉ việc hết, kéo về ăn hại. Ở ngoài con bây giờ, con cháu, dâu rể đầy nhà.

Tôi nhìn lên tường, bức ảnh bác chụp tại Hà Nội vẫn còn đó. Tôi tưởng tượng đến cái thời sung túc, yêu đời, không bận tâm suy nghĩ, qua mái tóc đen nhánh chải gọn gàng, qua cái cà vạt thắt chỉnh tề, qua cái cổ áo ủi thẳng nếp. Nhìn bác Năm trong hình rồi nhìn bác Năm đứng đây, tôi thấy được sự khác biệt của tuổi trẻ với tuổi già, giữa cuộc sống yên vui với nghèo khổ. Cuộc đời bác biến đổi từ đủ ăn xuống nghèo, từ nghèo xuống tới mức mạt rệp. Thời gian để phấn đấu được tới nghèo đói là năm mươi năm làm việc cực nhọc. Bác đã là chứng nhân đồng thời là nạn nhân của gần hai chục cuộc lật đổ, đảo chánh, chỉnh lý, cách mạng… Cuộc cách mạng bây giờ quá to tát vì phải nhân danh nhiều thứ nên hiện tại bác Năm còn được cái quần xà lỏn đen, ở trần phơi xương sống xương sườn mà đứng hớt tóc nơi cái xóm bình dân hẻo lánh nầy.

Tôi lên ngồi trên cái ghế cây cũ kỹ ngày xưa. Phía dưới tấm ảnh có thêm hai chữ Sư Tổ viết bằng phấn trắng đậm nét. Cạnh bên là tấm chân dung của Hồ Chủ Tịch bằng màu tươi sáng, mặt mũi phương phi, hồng hào. Tôi không hiểu vì vô tình hay cố ý mà bác Năm để hai ảnh song song cạnh nhau. Tôi hỏi nhỏ:

-Bác treo hình Hồ Chủ Tịch như vậy, tụi nó có làm khó dễ gì không?

Bác ngừng tay kéo, nói một hơi:

-Ôi! Cũng rắc rối lắm. Mà kệ cha nó. Tao già rồi, đâu có sợ. Tụi xóm ấp bắt nhà nào cũng phải mua hình cụ Hồ về thờ. Phải lộng trong khuông kiếng đàng hoàng. Tao cũng phải đi kiếm mà thỉnh về, treo ở đó, kế bên hình tao. Mầy coi, mới treo buổi sáng, buổi chiều có người báo cáo liền, thằng trưởng công an xã lại nhà, nạt nộ, biểu tao phải kiếm chỗ nào tôn kính nhứt trong nhà mà treo. Tao hỏi lại nó, nhà tao đâu có chỗ nào tôn kính hơn chỗ nầy. Nó đứng chống nạnh, nghinh nghinh ngang ngang, nhìn hết khắp nơi, không thấy chỗ nào coi cho được. Nó đành chịu. Sau khi nó về, tao tức mình, lấy phấn viết thêm hai chữ “sư tổ” ở dưới hình của tao. Mầy biết ý gì không?

Tôi làm bộ không hiểu để nghe bác giải nghĩa:

-Chắc là bác muốn nói ở tỉnh nầy bác là thợ hớt tóc giỏi nhứt chớ gì?

-Trật lất! Già thì tao già nhứt, nhưng làm sao giỏi bằng mấy thằng thợ trẻ. Tao không có ý nói về việc hớt tóc. Tụi nó coi Hồ Chí Minh như cha nội nó, tao ghét, để hình kế bên hình tao, đề chữ “sư tổ” có ý tao là sư tổ của tụi bây chớ không phải Hồ Chí Minh đâu!

-Bác không sợ nó bắt sao?

Bác vừa liếc con dao cạo vào miếng da đen treo bên cột, vừa trả lời:

-Thì nó bắt tao về công an xã rồi. Nó nói tao phản động, tiếp tay cho giặc, khi dễ lãnh tụ, tuyên truyền không đúng sự thật, gây hoang mang cho đồng bào, phá hoại chánh sách đường lối đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà Nước… Ối, nghe mà mệt lỗ tai. Tao tức quá hỏi bằng chứng đâu mà mấy chú kết tội tôi như vậy? Thằng công an nhỏ xíu, mặt non choẹt, nó nói tao nghe hết hồn. Ngày mấy, tao chửi cán bộ dốt nát, ngày mấy tao chửi thằng trưởng công an lấy vợ người ta, đày chồng đi học tập, ngày mấy tao chửi già Hồ ngu quá đem chủ nghĩa cộng sản bên Nga về làm khổ dân…

Tôi cười hỏi lại:

-Mấy chuyện đó bác có nói thiệt không? Hay là tụi nó đặt điều?

Bác Năm cười hì hì, thú nhận:

-Tao có nói mới chết chớ! Nó kể chi tiết trúng phong phóc. Mà kỳ thiệt, đâu bao giờ tao nói mấy chuyện đó cho cán bộ hay bộ đội nghe. Người nào tin cậy lắm tao mới dám chửi cho đã miệng; nào ngờ tai vách mạch rừng, tụi nó biết ráo trọi…

Rồi bác tiếp:

-Nhưng bị tao chọc quê nặng nhứt là thằng Bí Thư Tỉnh Ủy. Kỳ đó nó được đi Liên xô để thăm mẫu quốc. Mừng húm, về khoe khoang um sùm, đi đâu cũng họp dân lại bắt nghe nó kể lể thành tích. Dụng ý là khoe đời sống người dân Nga sung túc ấm no. Bên Nga cái gì cũng lớn, cũng tốt, cũng đặc biệt. Chừng vài năm nữa thì dân Việt Nam mình cũng được y như vậy. Nó nói thao thao bất tuyệt. Tao ngồi nghe mà cứ tưởng nó là nhân viên phòng thông tin Liên xô. Có đoạn nó nói là bất cứ nhà người dân Nga nào cũng trải drap từ trong nhà ra tới ngoài ngõ. Tao nhịn không được, đứng lên hỏi tại sao kỳ vậy? Drap trải trên giường chớ sao lại trải dưới đất? Cả hội trường cười ồ, thằng trưởng đồn công an nhìn tao gờm gờm. Thằng Bí thư cũng không biết là nói trật, lại nói chính mắt nó thấy tại thủ đô Mát-Cơ-Va drap trải đầy nhà, đi êm chưn lắm. Trời đất ơi! Lúc đó ai nấy bật ngửa hết. Thảm trải nhà mà anh ta lại nói là drap trải giường. Sau đó nó biết là nói trật, quê quá cho người theo dõi, rồi tao bị bắt lên công an xã.

-Rồi bác trả lời ra sao?

-Còn trả lời ra sao nữa! Tao lỡ trớn làm luôn. Cái đó chữ nho gọi là “cùi hết sợ lở” phải không mậy?

-Đâu bác “không sợ lở” được mấy phần trăm, nói cho nghe với?

-Lúc đó tao cũng sùng trong bụng. Tao nhận có hết rồi hỏi lại anh nói tôi cho là cán bộ dốt nát, vậy chớ cán bộ có dốt không?

Nó ừ ừ, à à trong cổ họng. Tao tấn công luôn: chủ nghĩa cộng sản ấm no mà sao tôi đói, bảy mươi mấy tuổi rồi mà còn phải đứng hớt tóc suốt ngày, dân đi kinh tế mới về ngủ la liệt đầy ngoài chợ, bến xe? Nó trả lời gượng gạo, bây giờ phải hy sinh khắc phục gian khổ. Tao nói luôn, ngụy ngày trước thì tham nhũng, hối lộ, dụ dỗ gái tơ, cán bộ bây giờ thì sao?

Nó cứng họng, đập bàn đập ghế, la hét um sùm. Rồi thằng trưởng công an xã phạt tao nhổ cỏ ngoài nắng ba ngày. Tụi nhỏ phải đem cơm nước tiếp tế. Khi thả tao về, thắng nhỏ công an hôm trước “giáo dục”:

-Bác già cả rồi, tôi không bắt bác làm gì. Bác nhận xét chế độ quá khích, chủ quan, sai lầm. Nhà nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn rất nhiều gian khổ, phải hy sinh thêm nữa, khắc phục khó khăn thêm nữa! Bác về hớt tóc như thường, nhưng tránh đừng đả kích chế độ. Lần sau là đi học tập dài hạn đó!

-Sau đó, bác có sợ không?

-Sợ, chớ sao không mậy! Bây giờ nghĩ lại giựt mình. Phải nó bắt đi học tập, chắc là bỏ mạng “sa trường” Nhưng tao tính chắc nó không làm gì tao đâu. Một là tao già quá rồi. Rủi có chết thì tụi nó mang tiếng. Hai là tao nghèo quá. Có gì để tụi nó moi. Tao thuộc thành phần giai cấp “vô sản chơn chính” mà!

Rồi bác hạ giọng, nói nhỏ như sợ người ngoài nghe:

-Mầy biết không, tụi nó gần chết hết rồi!

-Tại sao vậy bác? Bộ có phục quốc về gần tỉnh mình rồi hả?

Bác hỏi lại tôi, thay cho câu trả lời:

-Mầy học chữ nho, mà lại không chịu nghiên cứu, uổng thiệt! Tao thấy nó đúng rõ ràng. Phần đầu đã ứng nghiệm rồi thì phần cuối phải trúng phóc! Tao nhắc lại cho mầy nhớ lại mấy câu sấm Trạng Trình nè. Phần đầu là ở cái đoạn nầy:

Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Trường An

Cái đoạn nầy theo tao, nó quan trọng ở hai chữ “dĩ định” Dĩ định có nghĩa là xong rồi, mọi việc đều đã được an bài. Cái gì được an bài? Đó là cuộc chiến ba mươi năm phải đến lúc kết thúc. Mà kết thúc như thế nào thì cụ Trạng nói liền ở câu sau. Theo tao hiểu thì “Thanh minh thời tiết hoa tàn” là Hoa Kỳ sẽ tàn vào tiết thanh minh. Mầy thấy đúng ghê chưa! Năm 1975, Mỹ rút chưn ra khỏi Việt Nam, uy tín trên thế giới bị sa sút thấy rõ.

-Theo bác nói vậy thì miền Nam mất năm 1975 có ứng vào câu nào đâu? Theo con thấy câu đầu phải ứng vào năm 1981 chớ.

-Mầy hiểu vậy là sai rồi. Không phải “cửu cửu” là tám mươi mốt đâu. Cửu là con số cùng cực của hào dương. Ổng dùng hai chữ cửu cửu để nói cái ý của hào dương lên đến tột đỉnh. Vậy là nó bắt đầu xuống dốc theo cái định luật âm dương tiêu trưởng “vật cùng tắc biến, khí mãn tắc khuynh”. Nói là hai chữ “cửu” nhưng thiệt ra chỉ có một thôi.

-Con hổng chịu bác giải nghĩa như vậy đâu. Không lẽ cụ Trạng cà lăm, dùng chữ thiếu chính xác.

-Mầy dốt thì có, chớ ông Nguyễn Bỉnh Khiêm đâu có dốt. Mầy có nhớ chuyện người điên ở nước Sở không? Khi đức Khổng Tử đi truyền bá đạo Nho, lang thang hết nước nầy qua nước nọ, không ai tin dùng. Thầy trò lôi thôi lếch thếch ngang qua nước Sở. Lúc đó có một người hiền ở ẩn, giả bộ điên khùng, đi tạt ngang xe của Ngài, nói câu -“Phượng hề, phượng hề, hà đức chi suy?” Con chim phượng kia, con chim phượng kia, cái đức của mi ra sao mà suy quá vậy? Tao hỏi mầy “phượng hề, phượng hề “ vậy thì có mấy con chim phượng? mấy đức Khổng Tử?

-Ờ, ờ, thôi cũng tạm được đi, nhưng Sài Gòn bị chiếm vào năm Ất Mão, tháng ba âm lịch, tức tháng Thìn, tại sao cụ Trạng lại nói là “dương đầu, mã vĩ, Hồ binh bát vạn nhập Trường An”.

-Mầy không chịu suy nghĩ cho thấu lý. Bộ đội chiếm được Sài Gòn ngày 30 tháng 4 nhưng đâu phải ngày đó tụi nó vô thành phố đúng tám chục ngàn lính. Phải vài tháng sau, cuối tháng năm, đầu tháng sáu, tụi ngoài Bắc vô đầy đường, đúng phóc là tháng Ngọ, tháng Mùi mà. Nè, mầy thấy cụ Trạng giỏi không? Cụ dùng chữ Hồ binh để chỉ cho người đời sau biết rõ chi tiết. Hồ binh là binh đội của cụ Hồ! Thiệt rõ như ban ngày. Hôm trước đọc lại cuốn Việt Nam Sử Lược, tao tìm thấy thêm một điều lý thú nữa. Sau khi dẹp yên giặc Nguyên hồi thế kỷ XIII, thượng tướng Trần Quang Khải tiến quân vào thủ đô Thăng Long, đã xúc động thốt lên lời thơ hào hùng:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan

Cái chữ “Hồ” trong câu thơ nầy là tụi Mông Cổ, nói chung lũ giặc phương Bắc. Đời xưa rợ Hồ ở phương Bắc biên giới Trung Hoa. Nó gồm các dân tộc Hung Nô, Thát Đát, Hồi Ngột, Thổ Phồn, Nga La Tư và các giống dân thiểu số khác. Bây giờ, một số đã thuộc Cộng hoà Liên bang Xô viết. Mầy thấy chưa, cụ tiên đoán luôn cụ Hồ làm tay sai cho cộng sản Nga! Mầy không tin cứ nhìn cái biểu ngữ giăng ngoài đường “Chủ Nghĩa Mác-Lê Nin bách chiến bách thắng”thì biết liền. Rồi mai mốt con cháu mình sẽ được cầm búa, cầm liềm đi chinh phục các nước lân cận -Cao Miên, Lào, Thái Lan, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng cộng sản Liên xô anh em!

Nghe bác Năm giải nghĩa có lý quá, tôi tuyệt vọng:

-Như vậy là mình hết đường cạy gỡ rồi hả bác Năm. Cụ Trạng đoán phong phóc thì còn trật chỗ nào nữa. Chừng nào có con, con cho nó đi học chữ Nga…

Bác Năm đã hớt tóc xong, giữ tôi ngồi lại trên ghế, nói tiếp:

-Khoan khoan, mầy đừng có hấp tấp mà hư bột hư đường! Vua nào mà nhơn từ, hợp với lòng dân thì còn, vua nào mà thất nhơn ác đức thì mất -như vua Kiệt, vua Trụ, Tần Thủy Hoàng… Mà tao nói chưa hết về chữ Hồ. Sợ người sau không hiểu rõ mà đi lạy ma bỏ Phật, cụ Trạng giải nghĩa thêm về tánh tình của người lãnh đạo. Sấm nói rằng lúc đó đất nước sẽ bị cai trị bởi hạng người “thượng đại nhơn, bất nhơn” Người đại nhơn thiệt lớn mà không có lòng nhơn, đố mầy là ai?

Tôi không dám nói sợ người đi ngoài đường nghe, lấy tay chỉ lên tấm hình trước mặt:

-Thì cha nội đó, chớ còn ai vô đây nữa! Bác Năm kéo ghế sát bên tôi, nói nhỏ: -Đó, đó, tao muốn nói tới cái phần cuối. Phần đầu đại khái như vậy là mầy đã hiểu. Cũng chữ Hồ quái ác nầy. Nó nằm ở trong cái bài cuối:

Ô hô! Thế sự tự bềnh bồng
Nam Bắc hà thời thiết lộ thông
Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch
Kình thôn hải ngoại huyết lưu hồng
Kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc
Ngưu xuất Lam điền nhật chính đông
Nhược đãi ưng lai sư tử thượng
Tứ phương thiên hạ thái bình phong

Mầy có để ý cái câu thứ ba không? Con chồn núp trong núi lông nó trắng toát, nghĩa thì như vậy nhưng mình có thể hiểu khác đi vì hai chữ đặc biệt. Chữ Hồ và chữ Mao. Đó là hai họ của hai “thượng đại nhơn”. Tao giải nghĩa lại như vầy. Khi họ Hồ khuất núi thì họ Mao biến thành màu trắng chớ không còn đỏ nữa. Như vậy là Tàu sẽ từ từ ngã sang tư bản. Lúc đó thì Tàu thành cường quốc. Thằng Nga làm sao chịu được, thế nào cũng xúi Việt Nam gây chiến để có cớ nhảy vô. Cái đó gọi là xúi con nít ăn cứt gà! Trận đụng độ ngoài biển nầy dữ dội lắm nên mới có cái câu “Kình thôn hải ngoại huyết lưu hồng” Tao chắc là ở Cam Ranh hay Hoàng Sa, Trường Sa gì đó! Đúng là trời hại! Cộng sản đánh với cộng sản, mình đứng ngoài coi, chắc đã lắm!

Cái câu thứ năm, mầy đoán coi là gì -gà gáy trên cây ngọc, trời nghiêng về hướng bắc? Tao hiểu lờ mờ. Có lẽ cho đến năm Dậu, tụi rợ Hồ phương Bắc đó vẫn còn thắng thế. Nhưng có điều rõ ràng, tao dám quả quyết là đất nước mình sẽ có một bậc tài trí anh hùng nhảy ra quét tan mây mù, đem lại ánh sáng rực rỡ cho non sông vào năm Sửu. -Phải câu “Ngưu xuất Lam điền” không bác Năm?

“Tứ phương thiên hạ thái bình phong” Cái đó gọi là cách “Hổ cư hổ vị” mà!

-A, bác Năm cũng biết tử vi nữa.

-Tao mà cái gì không biết mậy! Suốt cả đời tao vò đầu thiên hạ, hổng lẽ tao ngu… Tao là sư tổ mà!

* * *

Ngày rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, tôi đến hớt tóc, đồng thời báo tin mừng với bác Năm là vừa sanh được đứa con trai đầu lòng. Bác hỏi tôi đặt tên gì. Tôi nói là Quy Tâm. Chữ Quy là về chớ không phải Huy là sáng. Bác ngẫm nghĩ một lúc, cười cười, chỉ vào mặt tôi:

-Đặt tên con cũng phản động nữa, nhà nước ta cho nghỉ việc cũng phải. Tôi cười hỏi nhỏ:

-Phản động chỗ nào bác Năm?

-Mầy giấu ai, chớ giấu tao sao nổi. Phải mầy lấy ý trong Luận Ngữ không? “Hưng diệt quốc, kế tuyệt thế, cử dật dân, thiên hạ chi dân quy tâm nhiên”.*

Tôi nói nhỏ:

-Bác Năm thấy được cái hoài bão con ấp ủ. Con mong cho thằng Tâm mau lớn, làm được những việc mà ba nó làm không nổi.

-Tao cũng hy vọng như vậy.

Rồi hai bác cháu cùng mơ ước một ngày mai. Ngày mà người ta dùng drap để trải giường chớ không phải để lót đường đi.

___________________________

* Luận Ngữ, thiên Nghiêu Viết, chương 20: Gầy dựng lại đất nước đã mất, nối lại dòng xưa đã tuyệt, trọng dụng bậc hiền tài, người làm được việc đó, thiên hạ một lòng theo về.

Võ Kỳ Điền

2 comments:

  1. Cám ơn ông Võ Kỷ Điền đã cho đọc bài gần mà xa Tạ ơn Trời Đất. Đất Thủ Dầu Một.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn ông Võ Kỷ Điền đã cho đọc bài gần mà xa Tạ ơn Trời Đất. Đất Thủ Dầu Một.

    ReplyDelete