Wednesday, March 1, 2023

Bằng Trời Bằng Bể - Bảo Anh

Ngày còn ở Việt Nam, có thể rằng chưa ai nghe thấy nói tới Ngày của Mẹ, Mother’s day. Sau thảm họa mất nước 30 tháng tư 1975, cả triệu người miền Nam bỏ quê hương mà chạy. Tứ tán khắp nơi, tới nhiều nước có cuộc sống tự do. Một vài năm đầu, vì bận lo tìm việc làm kiếm ăn, mỗi khi trên đất Mỹ, ồn ào lên vì sắp tới “Ngày của Mẹ”, ít ai quan tâm. Sau khi tạm ổn định đời sống, người tị nạn bắt đầu để ý đến ngày lễ có tính cách tập thể này. Vậy cũng nên tìm hiểu tại sao.

Năm 1907 cô Anna Jarvis bắt đầu vận động để Quốc hội Mỹ công nhận một ngày Mother’s Day. Đương nhiên đó là điều mới lạ, không ai thèm để ý nên năm 1908 họ gạt bỏ. Thậm chí đã có vài dân biểu, hoặc là do sợ vợ, hoặc là vốn có óc châm biếm, đã hô hoán lên rằng: thế thì cũng phải có Ngày của Mẹ Vợ chứ !

Lằng nhằng cãi nhau, cuối cùng Ngày của Mẹ (Mother’s Day) đã được chấp thuận.

Trên thế giới, “Ngày của Mẹ” không nhất định  đồng nhất ở mọi quốc gia. Nhưng đại để là từ tháng ba cho đến tháng năm.

Ở miền Nam, trước 1975, không có một ngày nào đặt tên là “Ngày của Mẹ” cả. Tuy nhiên nền giáo dục Việt Nam trước khi có chế độ CS, ngay khi trẻ em mới học lớp mẫu giáo, đã được tập đọc và học thuộc lòng ngay câu “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...”.

Các nhạc sĩ cũng đã đặt ra những bản nhạc với những câu “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Hoặc “Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn” … Có nghĩa là Mẹ và Bố luôn luôn ở trong tâm khảm của người Việt chúng ta. 

Người Mẹ Á- Đông (Việt Nam  Trung Hoa) chăm sóc con, từ nhỏ, đến lớn, ngay cả những lúc đã rất lớn nữa. Về điều này, có hai câu chuyện trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

1-Trong cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ: Nghi Lâm là một ni cô, đi tu từ nhỏ trong phái Hằng Sơn. Do ngẫu nhiên, được Lệnh Hồ Sung mấy lần cứu cho thoát khỏi tay dâm tặc Điền Bá Quang. 

Nàng ngấm ngầm yêu Lệnh Hồ Sung. Chàng không thể đáp lại.Vì như thế sẽ phá hoại thanh danh của  phái Hằng Sơn và  cả của nàng nữa. Nàng tương tư, sầu muộn, hình dung tiều tụy, tới mức có thể chết. Mẹ nàng, vốn trá hình là một người câm điếc, nằm trong phái này đã mấy chục năm. Bà xót sa, tìm cách bắt được Lệnh Hồ Sung, trói lại, treo lên Linh Quy Các trên chùa Huyền Không. Bà uy hiếp chàng, phải cưới ni cô  Nghi Lâm, nếu không sẽ giết…

2-Trong cuốn Thiên Long Bát Bộ: Thư Bạch Phụng là vợ của Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần. Ông này đi tới đâu, cũng có tình nhân, rồi con rơi con vãi tới đó, nhưng toàn là con gái. Duy chỉ có vợ chính Thư Bạch Phụng là sinh con trai, tên là Đoàn Dự.

Đoàn Dự, trên bước đường giang hồ, gặp các cô em cùng cha khác mẹ này. Tình ý qua lại. Nhưng không ai biết ai, đã có lúc suýt sinh ra cảnh loạn luân. May phát giác kịp thời. Từ đó mối lo ngay ngáy của Đoàn Dự là ngay cả một cô chàng yêu say đắm cũng là em mình.Thư Bạch Phụng biết nỗi đau khổ của con trai. Tới lúc sắp chết, bà mới nói thầm vào tai Đoàn Dự rằng chàng không hề là con của Đoàn Chính Thuần, mà là con của một người khác mà Bà đã ngoại tình với, và bảo đối với mấy cô gái kia,  chàng muốn lấy ai cứ lấy, bao nhiêu cũng được, không hề  phạm sự loạn luân. 

Để hiểu về cách yêu thương và lo cho con của các bà Mẹ trên đất Việt, xin mời xem những điều được kể từ một số các tác phẩm văn chương của các nhà văn gốc quân đội của miền nam Việt Nam.

Tất nhiên, không ai có thể nhớ được khi mới chào đời, mẹ đã cho bú mớm ra sao. Phải 4,5 tuổi trở lên, ta mới bắt đầu ghi nhớ được những sự việc. Trong kho tàng văn chương Miền Nam, đã có biết bao nhiêu bài viết và nhớ đến Mẹ. Người Mẹ còn hay mất. Mẹ và gia đình, sống vui vẻ, trong nhà không bao giờ vắng tiếng cười. Hay Mẹ luôn luôn phiền muộn, chỉ lấy tiếng thở dài thay cho lời nói.  Mẹ  trong hoàn cảnh sung túc hay đói khổ, v..vv.

Không bao giờ có thể liệt kê được hết đề tài hay hoàn cảnh Mẹ được nhớ tới. Và cũng không có giới hạn gì về tuổi tác của người viết, trẻ hay già. Ta chỉ biết rằng, tất cả là do cảm súc phát động tự nhiên từ trong lòng mỗi tác giả.

Tôi  mới được đọc cuốn Nửa Đường do tác giả, Thiếu Tá Thuỷ Quân Lục Chiến Tô Văn Cấp viết vào lúc sấp sỉ tuổi 80, gửi tặng.

 

Xin trích một đoạn, kể về một đoạn đời của Ông trước năm 1954.

“…Mùa Đông tháng giá, tiết trời khá lạnh ở vùng quê miền Bắc trong căn nhà lá vách phên nên có nhiều khe hở để gió lùa vào. Anh em tôi nằm ổ rơm, đắp chiếu, kín đầu thì hở đuôi và ngược lại kín chân thì thò đầu, cái lạnh đêm khuya lại thêm cái dạ trống, đúng với câu “bụng đói cật rét” nên giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm về sáng, khi gà vừa gáy, tôi thức giấc, thấy ánh lửa từ nhà bếp hắt lên, tôi bò dậy và mon men tới gần để sưởi cho ấm thì thấy bu (mẹ) tôi ngồi nấu cám heo, một tay cầm que, tay kia nắm mớ rơm đẩy vào tiếp cho lửa cháy, bóng mẹ tôi in lên vách, ngả nghiêng theo ánh lửa bập bùng. Đêm khuya, thấy con thức dậy bò xuống bếp thì bà mẹ biết con đang thiếu cái gì. Vừa trông thấy tôi, bà vội kéo vạt áo lau nước mắt, rồi nói:

Đói hả? Ngồi xuống đây sưởi cho ấm rồi bu nướng cho con củ khoai.

Bếp nhà quê đun bằng rơm rạ nên có tiếng nổ lép-bép làm bắn ra những tia lửa nhỏ tựa pháo bông, kéo theo tro bụi phủ lên người ngồi nấu. Bu tôi đứng dậy khẽ phủi tro tàn trên khăn tang trắng rồi lấy củ khoai lang ở cái thúng treo sau lưng vùi vào đám tro giữa ba “ông đầu rau”.

Có thể nhiều người không biết “khoai nướng vùi bếp tro” là gì, mùi vị nó ra sao, ngay cả con cháu nội ngoại của bu tôi hiện nay đang sinh sống trên đất Mỹ cũng không biết. Nhưng với tôi, củ khoai lang vùi bếp tro mà bu tôi “ban” cho tôi không có gì so sánh được. Người ta thường dùng chữ “ban” để nói về những “hồng ân” mà Thượng Đế, Chúa, Phật ban cho con chiên, phật tử, nhưng bu tôi đã “ban” cho tôi củ khoai nướng vùi bếp tro giữa đêm đông giá lạnh mà xung quanh bếp chỉ có rơm rạ, tro bụi, bóng tối và tình mẹ con.

Bà mẹ khều củ khoai trong đám tro ra, vò nắm rơm chà lên vỏ ngoài cho sạch chỗ cháy đen rồi đưa cho con:

Khoai còn nóng lắm, con ăn từ từ.

Đúng rồi, khoai nướng thơm và ngon ngọt với trẻ em miền quê, nếu em đói mà vội ăn đến nỗi quên cả bóc vỏ thì sẽ bị nóng phải hả miệng ra, ngửa mặt lên mà thổi “phù-phù”, ăn vụng mà nuốt vội miếng khoai lang dễ bị nghẹn. Bụng đói, cật rét mà hai tay nắm củ khoai nướng nóng thì thích lắm, nhưng không hiểu sao cái tật tham ăn hằng ngày của tôi biến đi đâu mất, tôi cũng chẳng hiểu chữ “hiếu” là gì, nhưng vn cứ bẻ củ khoai ra làm hai, đưa bu tôi một nửa mà không nói một lời nào cả. Biết nói gì hơn, và dù văn hay chữ tốt thì trong hoàn cảnh ấy, ngàn vạn lời nói cũng không đủ. Tôi đưa nửa củ khoai cho bu tôi chỉ vì tôi thấy bu tôi kéo vạt áo lau nước mắt, chỉ vì trong ánh lửa rơm chập chờn giữa đêm khuya tôi thấy mắt bu tôi đỏ. Tôi đưa nửa củ khoai cho bu tôi vì tôi biết bu tôi cũng đói nhưng bà nhường miếng ăn cho con như tất cả các bà mẹ khác…

 

Trong suốt 21 năm cộng sản Bắc Việt tìm cách xâm lăng Miền Nam, những người Mẹ miền Nam trải qua không biết bao nhiêu là những âu lo, chịu đựng không biết bao nhiêu là những mất mát. Bất cứ trong giai đoạn đau thương nào, những bà Mẹ vẫn không quên chăm sóc đến những đứa con đang ra chiến trường. Dù đứa con đó là một Binh sĩ, Hạ sĩ quan hay Sĩ quan. 

Một trường hợp điển hình là thân mẫu của Trung Tá Thuỷ Quân Lục Chiến Nguyễn Văn Phán.

Tết Mậu thân 1968. ông đang mang cấp bậc Đại Úy, giữ chức vụ Đại Đội Trưởng, được lệnh dẫn quân lên lập một mũi dùi giải tỏa Thành Nội Huế. 

Nguyễn Văn Phán vốn sinh trưởng tại Huế, và đang tiến lên đánh đưổi quân Bắc Việt ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.

 Ông đã viết lại trong bài Huế, tôi và Mậu Thân:

…”Tám giờ sáng, tất cả gọn gàng, sẵn sàng di chuyển… Ba trăm thước đường từ Mang Cá đến nhà tôi sao quá dài.. Bồn chồn, nóng ruột vì nơi đó Mạ tôi, dì tôi, chị tôi và em trai út của tôi đang trông ngóng. Không biết có bị gì không?

Hai bên đường dân chúng đứng chen chúc, vẻ mặt hớn hở thật tội nghiệp cho họ. Lần lần những khuôn mặt quen thuộc hiện ra, những cánh tay vẫy chào, nào mụ Đội Dậu, mụ Ba, ông Sung, ông Dung, anh Thiên chủ bàn Ping Pong... Những tiếng nói đó đây: “Anh Phán đó tề! Anh Phán! Anh Phán...” Tiếng gọi lớn dần và lan dài suốt con đường tôi đi.

Con hẻm sát hồ Tịnh Tâm là đường vào nhà tôi. Mạ tôi đó, dì, chị và em tôi đó. Xao xuyến quá! Tôi đi nhanh đến ôm Mạ tôi, dì và chị tôi khóc như mưa. Thằng em luống cuống chạy quanh, bị Mạ tôi nạt: “Mi chạy mau vô nhà lấy khúc cá kho khô và đòn bánh tét gói lại đem ra đây bới cho anh mi”. Mạ tôi dụi vào tay tôi chai dầu Nhị thiên đường: “Con xức cho khỏi gió”. Lính đi ngang hỏi nhau: “Mạ Đại úy sao đầu trọc lóc vậy bây?”. “Bà ấy đi tu để phước cho con, tụi mình cũng được hưởng ké đấy”. Phán và âm thoại viên vẫn còn dừng lại: “Nhà mình có răng không Mạ? Bà con thân thuộc có ai bị chi không?”. “Nhà ông Quế chủ quán Chiêu bị trúng hai trái nhưng người thì không răng. Nhà mình bị ngói đổ một góc, cây đào bị gãy ngọn. Còn thằng Chỉ không biết đi mô”. Chỉ là bạn tôi xuất thân 17 Võ bị Đà Lạt. Tôi xót xa đắng miệng: “Thôi con đi, Mạ và gia đình đừng lo cho con”. Mạ tôi khóc òa, tôi thật não lòng. Những tiếng gọi anh Phán, anh Phán tiếp tục vang lên cho đến giữa hồ Tịnh Tâm.

Tiếng gọi, giọt nước mắt và những cánh tay chào vẫy, phải chăng nhắc nhở trách nhiệm củatôi. Bây giờ là lúc đền đáp ơn sâu nghĩa nặng. Vinh dự này thật khổ. Máu nóng sôi trong người, tôi và hai âm thoại viên vượt lên đi với Trung Đội đầu. Cuối hồ Tịnh Tâm là đường Tịnh Tâm…” 

Những người Mẹ có con phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thường rất hãnh diện, nhưng đồng thời luôn luôn có mối lo lớn, canh cánh bên lòng. Xin mời đọc thêm một đoạn khác cũng trích trong cuốn Nửa Đường của Thiếu Tá Tô Văn Cấp:        

“…Nhưng rồi tôi đi biền biệt, từ Bến Hải đến mũi Cà mâu, chẳng có ngày phép để về thăm mẹ già! Đời lính chiến là vậy, còn bu tôi thì hằng ngày vẫn thót tim mỗi khi thấy xe GMC chở quan tài phủ cờ chạy qua cửa. Khi nghe mấy bà hàng xóm kháo nhau rằng áo quan phủ cờ vàng sọc đỏ, là của lính chết trận thì bu tôi vịn tường ngồi xuống đất đọc kinh tiếp.

Rồi một ngày tháng 6 năm 1966, một xe GMC Thủy quân lục chiến chạy vào xóm và từ từ dừng lại, khiến bu tôi hốt hoảng khuỵu xuống. Nhưng người lính Thủy Quân Lục Chiến tìm nhà bà Châu, bà hàng xóm và cũng là người cùng quê, để báo tin con trai bà là thằng Mão đã tử trận. Bà Châu xỉu, bu tôi hoảng hốt lo lắng xỉu theo, vì Mão và tôi là bạn và cùng tình nguyện vào Thủy quân lục chiến. Mão ở Tiểu Đoàn 1, tôi ở Tiểu Đoàn 2. Cả hai vừa đụng trận tại ngã ba sông Định, thuộc Bích La Thôn, Quảng Trị. Nó tử thương, tôi bị đạn xuyên khuỷu tay, thấy không sao nên tôi đã nói với hậu trạm là đừng báo tin về cho gia đình biết. Khốn thay, hậu trạm rồi hậu cứ Thủ Đức cứ theo đúng thủ tục mà báo tin, nên hai ngày sau lại một xe jeep Thủy Quân Lục Chiến đậu trước cửa hỏi nhà bà Tiệp, tên anh cả của chúng tôi. Người báo tin chưa kịp nói gì thì bu tôi ngã xuống bất tỉnh và không còn biết gì nữa.

 Vì bị thương nhẹ, nên tôi xin xuất viện ngay để đi phép về thăm nhà.

Bu tôi đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, thấy tôi về, cụ ngồi bật dậy ngơ ngác nhìn con, hai tay vuốt mặt con, nắn vai, nắm tay con lắc lắc như muốn biết đây là thực hay chiêm bao? Bu tôi không nói gì mà chỉ khóc. Cụ khóc vì lo âu, cụ khóc vì còn cầm được tay con vừa từ mặt trận trở về.

Những bà mẹ lính chiến, thấy mặt con lúc nào thì được hạnh phúc lúc đó, còn suốt ngày dài lại đêm thâu chỉ toàn là sầu  khổ vì nghĩ  đến  con ngoài chiến trường.”

                                                    ****                    

Bảo vệ và giữ được Tự Do  cho miền Nam trong 21 năm trời, là công của các quân nhân các cấp thuộc mọi Quân, Binh chủng. Toàn miền Nam, ai cũng nhớ ơn họ và chỉ chờ có dịp là bộc lộ tấm lòng của mình. Những người Mẹ, luôn luôn sẵn sàng giúp những người lính trong lúc sa cơ dù chẳng quen biết gì họ trước đó. 


Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến, viết lại trong bài “Phan Rang, niềm hy vọng cuối cùng” :

…Giữa khuya đêm 29/3/75, toàn bộ chúng tôi bị bắt và trở thành tù binh! 

Phép lạ nào đưa đẩy tôi đi đến quyết định nhanh chóng phải vượt thoát khỏi trại giam giữ tù binh ở Hòa Cầm, trốn lẫn vào dân và ra khỏi thành phố Đà Nẵng chỉ trước một ngày, khi bọn quân quản địa phương bắt đầu siết chặt, kiểm soát sự ra vào bằng rất nhiều chốt chặn gồm cả quân chính quy Bắc Việt, du kích và cả bọn nằm vùng.

Đường dong ruổi thật dài, thật gian nan vất vả và trắc trở nhưng đồng thời cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc nghẹn ngào, cảm động không thể nào quên, từ những đồng tiền trao vội vã, bọc gạo sấy chia đôi, chai nước mát lạnh đầy tình thầy trò từ những thuộc cấp cũ tại các tiểu đoàn Trâu Điên và Mãnh Hổ dành cho tôi vào lúc hỗn quân, hỗn quan bấy giờ, thật là một an ủi vô cùng đã giúp tôi thêm quyết tâm tìm về phương Nam.

Làm sao quên được sự giúp đỡ tận tình của một Mẹ già không quen biết trong căn nhà lá ven Quốc Lộ 1 vùng Tam Quan, Qui Nhơn, vào buổi chiều ngày thứ 9 của cuộc vượt thoát. Tôi đột nhiên bị nóng sốt do cảm nắng, cố gắng ghé vào xin ly nước thì ngã quỵ, vị ân nhân này chẳng những cho tá túc, cho thuốc uống, mà còn cho một bữa ăn sáng hôm sau với những con cá lòng tong xen lẫn những con tép mỏng, được kho chung với dừa khô thái nhỏ và sau cùng là một gói cơm vắt lớn với bình đựng nước để tôi tiếp tục lên đường. 

Ngày thứ 11 tại Phường Sài, thành phố Nha Trang, tôi được một buổi cơm nóng và tắm rửa sạch sẽ nhờ vào lòng tốt bụng, thương người của một bà Mẹ có con cũng phục vụ trong Quân Lực VNCH …

 

Rồi tới một đoạn khác, Thiếu Tá Thạnh kể về một người hăng hái tìm cho một chiếc ghe:

Khoảng giữa trưa trước giờ ăn cơm, ba của Hội trở về trong dáng điệu hấp tấp, vội vàng nhưng nét mặt thì vui tươi. Ông ra dấu cho chúng tôi theo ông vào trong buồng ngủ, rồi nói nhỏ cho chúng tôi biết, ông đã tìm được một người quen có ghe đi biển và đang dự tính đưa gia đình chạy vào Vũng Tầu, ông ta đồng ý cho chúng tôi tháp tùng với giá là 10,000 đồng một người. Ba của Hội hỏi chúng tôi:

- Các chú có tiền không, nếu không có thì tôi sẽ chạy lo cho.

Có hoạn nạn mới biết lòng người (dân) có nhân, dọc đường gió bụi, chúng tôi được người dân nhiều lần che chở giúp đỡ, nay đến giai đoạn sống chết thì lại được ba của Hội giúp đỡ, lời nói: “Nếu không có tiền thì ông lo cho”, dù giữa ông và chúng tôi chưa bao giờ biết nhau, mà chỉ do con ông (Hội) là đồng đội của chúng tôi, và trong hoàn cảnh này, khó có dịp tái ngộ để đền ơn. Nghĩ lại những lần hành quân trước đây, chúng tôi đã đổ máu, ngã xuống cũng vì đồng bào, khiến tôi nghĩ ngay đến câu: “Tình quân dân như cá với nước”, chúng tôi là cá đang mắc cạn, được Ba Hội kéo xuống nước. Tôi cám ơn lòng tốt của ông và cho ông biết chúng tôi có đủ tiền, để trả cho chuyến đi, sau đó chúng tôi giao cho ông 20,000 đồng.

Sau khi nhận tiền, ba Hội lại vội vã ra đi, quên cả ăn cơm trưa và trở về trong khoảng một giờ sau đó. Ba của Hội cho biết chuyến đi sẽ bắt đầu lúc 3 giờ chiều, ông và Hội sẽ đưa chúng tôi ra bến bãi đậu ghe. Ông khuyên chúng tôi ăn cơm sớm và nghỉ ngơi dưỡng sức cho chuyến đi.

Chúng tôi làm sao có thể an tâm nghỉ ngơi được trước canh bạc sau cùng này, một canh bạc “được ăn cả, ngã về không” với bao nhiêu là công sức, với những cực nhọc đổ mồ hôi trên con đường vượt thoát, với những “đối xử ân tình” không còn cơ hội để đền đáp, với những lo lắng, ưu tư, phiền muộn trải dài 640 cây số trên đường vượt thoát mà chúng tôi đã lần lượt đi qua.

Khoảng 2:30 chiều, chúng tôi ngỏ lời cảm ơn và chào từ biệt mẹ và chị em của Hội, sau đó đi theo hướng dẫn của ba Hội, trong khi Hội lãnh nhiệm vụ quan sát, đi trước chúng tôi khoảng 50 mét. Sau hơn 20 phút đi bộ, luồn lách qua các con hẻm vắng người, chúng tôi tới địa điểm có tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ: “Bến cá Phường Tấn Thành”.

Ba của Hội bảo chúng tôi đi vào quán cà phê nhỏ bên đường uống nước, chờ ông trở lại, trong khi Hội đi vòng vòng gần quán để quan sát tình hình. Sau khi vào trong quán mua cà phê uống để che mắt những người khách, tôi nói nhỏ với Quan:

- Anh thấy chuyến đi này sẽ thành công, vì đã có điềm báo trước, với tấm bảng nhỏ có hai chữ “Tấn Thành”.

Tôi giải thích nhanh cho Quan hiểu:

- Tấn là tới, Thành là đạt được hay còn nói là thành công, như vậy có ý nghĩa là “đi tới sẽ thành công”.

Trung Úy Quan trả lời: 

- Hy vọng mọi chuyện giống như anh Tư giải đoán.

Uống chưa hết ly cà phê thì đã thấy hai cha con Hội xuất hiện trước cửa quán và kín đáo ra dấu hiệu cho chúng tôi rời quán. Chúng tôi lại lẽo đẽo đi theo, khoảng 300 thước, chúng tôi tới nơi neo đậu của một chiếc thuyền có chiều dài chừng 15 thước với động cơ, dưới ghe đã có sẵn một số người, cùng lúc có một vài phụ nữ cùng trẻ nhỏ đang đi xuống ghe bằng một tấm ván nhỏ bắc từ trên bờ xuống thuyền. Ba của Hội dừng lại, nắm tay tôi và nói nhỏ:

- Thiếu tá xuống thuyền nhanh và chúc Thiếu Tá đi bình an.

Tôi nghẹn ngào nói lời cám ơn ông cùng gia đình, khi Hội đến bắt tay để từ giã, tôi vội lấy số tiền 5,000 đồng còn lại trong túi, nhét vào tay Hội, rồi vội vã đi xuống thuyền, phía sau là Quan với nét mặt buồn buồn hơn là vui.

Khi vào trong thuyền, chúng tôi được chủ thuyền hướng dẫn đi thẳng về phía sau gần buồng lái. Ông ta nói để cho phụ nữ và trẻ con ngồi ở ngoài ngụy trang để qua mặt bọn canh gác ở ngoài đầu sông trước khi ra biển. Nghe nói như thế, tôi và Quan trong lòng không khỏi phập phòng lo sợ tuy nhiên đã “phóng lao thì phải theo lao”, “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Dù sao thì trong tay chúng tôi cũng còn hai lá bùa với lý lịch chứng nhận giả tạo. 

Khoảng 4 giờ chiều thuyền bắt đầu rời bến với tổng số trên 20 người, theo nhận định của chủ thuyền vào giờ này, các bộ đội Bắc Việt canh gác ở cửa sông đổ ra biển rất lơ là trong việc kiểm tra vì họ đang đợi cơm chiều.

Tới ngày thứ 15, về tới  Vũng Tầu. 

Sau đó, Ngày thứ 16, ngồi trên xe do sĩ quan chỉ huy hậu cứ mang ra Vũng Tầu đón tôi thoát hiểm trở về… Một tình cờ và  hãn hữu lại đến với tôi:

Tôi gặp Mẹ tôi đứng ngay bên đường tại Ngã Ba Vũng Tầu…

Bà cùng anh tôi chờ đón xe để ra Bộ Tư Lệnh Hành Quân tại Vũng Tầu hỏi thăm thêm tin tức của tôi. Đây là lần thứ hai Mẹ tôi xin nghỉ dạy học, đi từ tỉnh Ba Xuyên để lên Saigon rồi ra Vũng Tầu thăm hỏi tin tức tôi, từ khi Bà hay tin đơn vị tôi bị ghi là mất tích sau ngày 29/3/1975… 

Gian nan vất vả con về bến

Bóng nắng bên đường thoáng dáng ai

Tóc trắng lưng còng chân vẹo bước

Dõi mắt đường xa lệ đắng môi


****

Thảm họa mất nước xẩy ra vào ngày 30-4-1975. c Sĩ quan Quân Lực Việt nam Cộng Hòa đều bị bắt vào trại tập trung. 

Đại úy Đoàn Văn Tịnh, Trưởng ban 3 Tiểu đoàn 9 viết trong cuốn “Xưa nay chinh chiến mấy ai về, Tập II”:

“…Năm đó 1977, Mẹ từ Nam khăn gói lên đường, một mình tìm về Trung, thăm tôi đang  tội tại trại 2 Kỳ Sơn Quảng Nam. (Ngày đó trại tù bắt chúng tôi phải gửi thư về liên lạc với gia đình, họ lấy lý do để gia đình yên tâm và đi thăm nuôi, trại tự chuyển thư. Tôi lại không muốn gia đình biết mình đang ở tù nơi đây, mất công, tốn kém đi thăm, có vô số vấn đề khổ nhọc cho gia đình, nhất là đang ở tận trong Nam, nên cứ im lặng với ý định: còn sống được thì về, còn chết coi như xong, độc thân cũng dễ thôi. Nhưng trại không bằng lòng, cuối cùng thư đi, và M nôn nóng đi thăm, trăm đường xa xôi khổ ải.)

Mẹ ôm tôi và nước mắt chảy dài, tôi lấy tay áo lau nước mắt cho mẹ và an ủi, không sao đâu mẹ ơi, rồi đôi ba năm nữa con cũng sẽ về thôi. Mẹ nói nhỏ bên tai tôi, con cố gìn giữ sức khỏe, mẹ và các em bao giờ cũng thương yêu và lo cho con, cố giữ gìn sức khỏe. Ngày đó tóc mẹ còn đen, chỉ có ít tóc trắng, còn tôi tóc đã bạc gần phần ba đầu.


Ngày 6/6/1983, Đại Úy Tịnh được thả khỏi trại tù Thượng Đức, Quảng Nam.  Ông cùng mấy người nữa lõng thõng đi bộ về thành phố. Xin nghe Ông kể:

“…Chúng tôi đã bước vào địa phận của thành phố Đà Nẵng và bây giờ đang trên đại lộ Hoàng Diệu đông người, kẻ qua người lại, họ vui vẻ, tò mò nhìn chúng tôi và nói nhỏ với nhau: Họ là những người ở trại tù nào đó được phóng thích về. Có nhiều người muốn hỏi chuyện chúng tôi nhưng chắc họ e ngại. Họ cẩn thận cho chúng tôi tiền để làm phương tiện về quê nhà, chúng tôi vô cùng xúc động chỉ xin cảm ơn và cảm thông tâm trạng họ, những người còn thương yêu những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Người con gái từ trong ngưỡng cửa của một căn phố trên đường Hoàng Diệu vội vã bước ra, nhỏ nhẹ xin lỗi mọi người và hỏi một người bạn của chúng tôi là anh Nguyễn Đình Thái. Anh người Huế nhưng sinh sống và làm việc ở tiểu khu Quảng Trị, tính tình vui vẻ

- Xin lỗi có phải các anh vừa mới được ra tù.

- Dạ phải.

Chị nói thực nhỏ:

- Xin lỗi, cho em hỏi: các anh có ai thuộc đơn vị Thủy Quân Lục Chiến không? Có, Thái chỉ vào tôi.

- Nếu các anh không phải bận rộn, gia đình em hân hạnh mời các anh vào nghỉ chân một lúc có được không?

Thái nhìn bạn bè hỏi ý kiến. Anh Phù Chí Phụng và Nguyễn Văn Lợi nhanh nhẩu:

- Các bạn có đồng ý không?  

Chúng tôi thấy cũng chẳng có chi phải vội vàng hấp tấp, đều gật đầu đồng ý... 

Bước vào căn nhà, tôi kín đáo nhìn quanh, đây là một căn nhà kiến trúc theo lối cổ, nghiêm trang, bình thường. Cô dẫn chúng tôi vào nhà giữa, nơi đây có bộ bàn trường kỷ, nhiều ghế và mới ngồi, vui vẻ nói, các anh chờ em một tí nhé. Chừng vài phút cô hướng dẫn một bà cụ và vài người chị trong gia đình đến chào hỏi chúng tôi. Bà cụ cười nói:

- Hân hạnh  chào và chúc mừng các anh đã  qua được những ngày tháng lao đao, hôm nay được trở về với gia đình và chúng tôi cũng hân hạnh mời các anh ở lại dùng cơm với gia đình chúng tôi, nghỉ ngơi rồi sáng mai đi có được không? Đồng ý nghe. 

Chúng tôi lúng túng trả lời câu hỏi của cụ:

- Thưa cụ cho chúng cháu cám ơn thôi. 

Cụ xúc động nói:

- Thú thực với các anh, gia đình chúng tôi muốn được mời các anh dùng một bữa cơm với tấm lòng, ngoài ra cũng có câu chuyện cần hỏi thăm các anh, mong các anh nhận lời. Tôi thưa với cụ, anh em bọn cháu sẽ ở lại dùng cơm với cụ, nhưng xin phép cụ và gia đình, sau khi dùng cơm xong, chúng cháu xin tự giã. 

Cụ yên tâm, thôi vậy cũng được, cầu mong chúng ta sẽ lại còn gặp nhau. Cụ bảo cô con gái pha trà mới khách.Thú thực, chúng tôi ai cũng cảm thấy yên tâm và thoải mái qua từng lời nói, cử chỉ của mọi người trong gia đình này, dẫu rằng họ chưa hề quen biết với chúng tôi bao giờ. 

Cụ nhìn từng người một và nét mặt thoải mái như được đón người thân trở về sau những tháng năm dài tù tội. Các cháu có ai cần thuốc men gì không, cụ lần lượt hỏi qua những người bạn của chúng tôi một cách cảm thông, dễ mến. Sau cùng cụ hỏi nhỏ.

- Xin lỗi, ai là người lính Thủy Quân Lục Chiến? Chúng tôi nhìn nhau, một chút trao đổi nhưng không ngần ngại, tôi nói nhỏ.

- Cháu là Thủy Quân Lục Chiến. 

Cụ vui vẻ.

- Giữa các anh em, bác có thể nói chuyện với cháu có gì bất tiện không?

- Dạ, bác cứ nói.

- Vâng, bác cám ơn. 

Trên dáng mặt buồn bã như không còn niềm vui c kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một người lính.

- Trong gia đình bác cũng có người con trai đi lính Thủy Quân Lục Chiến. Nghe như là anh ấy ở Lữ đoàn 369/Thủy Quân Lục Chiến sau khi không còn chức vụ chỉ huy một đơn vị .(Tuy rằng cụ đã lớn tuổi nhưng rng trong suy nghĩ của tôi cụ thực vô cùng tinh tế, ý nhị khi nói chuyện về người con của mình). Trước ngày 30/3/1975, vào khoảng ngày 17, 18 tháng 3 năm 1975, bác biết Tùng đã theo Lữ đoàn chuyển quân về Đà Nẵng, nhưng ng cho biết, anh vô cùng bận rộn không thể ghé thăm gia đình được. Hồi đó thành phố Đà Nẵng như đang sống trong cơn sốt kinh hoàng, trên đường phố đông người, chạy ngược chạy xuôi hớt hơ hớt hải. Cứ như thế, liên tục không làm ăn mua bán  chỉ tìm đường về trong Nam. Cho đến chiều 29/3 năm 1975 súng đạn nổ ran, ầm ì liên tục từ hưng phi trường Non Nước dội về. Người ta cho gia đình bác biết chiến trận lớn đang diễn ra giữa Thủy Quân Lục Chiến và Việt cộng. Cả gia đình như đang ngồi trên đống lửa, đang lo sợ nhiêu thứ: sợ cho Tùng, sợ cho Thủy Quân Lục Chiến, sợ chiến trận xảy ra lớn quá nguy hiểm cho thành phố, đến không ai nhớ phải ẩn núp vào những nơi đã chuẩn bị trong nhà. Suốt đêm đó hoả châu được thắp sáng trên trời mé bên phía An Hải. Qua đêm kinh hoàng đó, sáng hôm sau bọn nhỏ trong nhà quyết định đi tới nơi vừa xảy ra chiến trận hôm qua để tìm ng. 

(Đang kể, tự dưng bác im lặng một lúc thật lâu và thở dài)

… nơi đó không có Tùng, không có con của bác cho đến nay. Có lẽ Tùng đã không còn sống.. Và dòng nước mắt nóng đổ dài trên má người mẹ với hơi thở yếu ớt uất nghẹn 

Trong căn phòng trở nên nặng nề, chỉ còn tiếng khóc nho nhỏ của người con gái..

- Cháu ơi! cháu là Thủy Quân Lục Chiến, cháu có biết Tùng ở đâu không? Tùng có còn sống không?

Tôi cúi đầu thực lâu để dằn xuống sự xúc động và chua xót nghĩ về những người lính trận đã hy sinh, hy sinh từ gia đình đến sinh mạng và hy sinh đến cả bốn phận đối với người thân, người yêu. Nhưng khi ra đi lại không nói được một lời, dù chỉ một lời từ giã, để tạ tội với những người thân yêu trong gia đình. Tôi ngẩng lên nhìn cụ, tôi nhìn thực kỹ những đường nét quá đau thương đang còn vết hằn sâu trên đó, dù ngày tháng gần chín, mười năm qua đã cố phôi phai.

- Thưa bác, anh Tùng con của bác cấp bậc gì?

- Anh ấy là Trung tá

- Thưa c, có phải là Trung Tá Đ Hữu Tùng không?

- Đúng rồi,  Trung Tá Đ Hữu Tùng.

 

Một người M  con hy sinh vì tổ quốc luôn luôn hãnh diện. Nhưng niềm hãnh diện này cũng không thể lớn hơn nỗi đau đớn tột cùng khi gia đình đưa quan tài con tới nghĩa trang.

Còn người Mẹ có con ra chiến trường, rồi sau đó không được tin tức gì của con mình nữa, thì chịu một nỗi thống khổ không dứt! Một là đã chết. Nhưng chết, thì sao không tìm thấy xác?

Hai là mất tích. Mất tích thì chỉ còn hai cách giải thích. Hoặc là bị trúng bom đạn quá mạnh đến nỗi thân thể nát nhừ, biến thanh tro than trong chớp mắt, không còn chút dấu vết. Hoặc là đã bị bọn xâm lăng Bắc Việt bắt, và đang bị hành hạ trong một trại tập trung nào đó vô hạn định.

Câu hỏi không trả lời được này, khiến người Mẹ ban ngày kiệt lực vì âu lo, ban đêm hoảng hốt sau ác mộng.

Thân mẫu của Trung tá Thủy Quân Lục Chiến Đỗ Hữu Tùng triền miên chịu đựng. 

Gia đình Bà, nếu ngẫu nhiên thấy một hay vài người thân tàn ma dại vừa được thả ra khỏi tù, thì bao giờ cũng xin hỏi, có ai là Thủy Quân Lục Chiến không?_ Để hỏi thăm .

Hy vọng của họ kéo dài hàng chục năm, rồi hai chục năm, và cuối cùng trở thành vô vọng.

                                             …..     

Trên đây là tiêu biểu những Tấm lòng người Mẹ đối với con. Một câu hỏi  được đặt ra: Thế còn Bố thì sao?

Đàn ông yêu thương con, một cách khác.

Dù trong lòng có lo lắng, xót sa đến đâu đi chăng nữa, họ cũng  vẫn muốn con mình, tự quyết định cách để xây dựng bản thân, tạo lập danh  tiếng, hay bảo vệ được danh dự.

Nghĩ đến danh dự của con, cũng như lo cho sinh mạng của con vậy. 

Đức Phật, trước khi đi tu, là Thái Tử, tên là Tất Đạt Đa. Có vợ và có con.

Sau khi đắc đạo Đức Phật nói rằng, con người phải tự mình tu để giải thoát cho mình. Ngay đối với con trai là La Hầu La, Phật cũng bảo, phải tự quyết định lấy. Phật không độ cho La Hầu La. 


Phần  dưới đây, trích trong bài Bố tôi, do Nhiếp Ảnh gia Vũ Ngọc Hiến ở  Gia Nã Đại viết, sẽ giúp độc giả hiểu được cách yêu con của các ông bố. 

 Bố tôi tên là Vũ Đình Kỳ. Trước năm 1954, ông làm công chức trên Chapa, người đồng thời gọi ông là Ông Thừa Kỳ, sau đó ông chuyển về làm ở tỉnh Hưng Yên….Hiệp định Geneve được ký kết, Bố mẹ tôi đã mang 7 anh chị chúng tôi xuống tàu há mồm đi vào Nam tìm tự do.

Vào Nam, bố tôi tiếp tục con đường công chức, ông làm việc tại Phòng Nhân Viên, thuộc Bộ Nội Vụ cho đến lúc về hưu.

Trong suốt hơn 45 năm làm việc, ngày về hưu, ông nhận được một phần thưởng tinh thần quý giá đó là Huy chương Hành Chánh Bội Tinh cao cấp, huy chương này là bằng khen cho những công chức trung cấp, trong suốt quãng đời làm việc rất gương mẫu, rất tận tâm 

….

Thời gian qua nhanh, khi còn ở Saigon, tôi ít có dịp gần gũi với Bố Mẹ, nhưng tôi biết, tôi rất được cả hai thương yêu, tuy sự biểu lộ có khác nhau 

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, vì thương con, Mẹ tôi đã cho người lên đơn vị nói dối với tôi là bà đau nặng, phải về gấp….Trong thời điểm đó, tôi không thể nào bỏ đơn vị mà đi. Tôi đang là Thiếu úy, Phân Chi Khu Phó, thuộc Quận Phú Hòa,Tỉnh Bình Dương. Trung Uý Đức, Phân Chi Khu Trưởng, khuyên tôi nên về thăm bà rồi trở về đơn vị cùng anh em. Tôi không đồng ý, nhưng Trung uý Đức cứ nằng nặc khuyên, nên tôi đồng ý về và hứa là sẽ quay trở lại, không bỏ anh em…

Về đến nhà, quả như tôi dự tính, bà không đau ốm gì cả, Bà lại gạt tôi lần thứ 2, lần đầu, trước đó hơn 1 tuần, bác Chánh, bạn của mẹ tôi, có người con trai lớn ở trong Hải Quân, anh ta dự tính “đào ngũ”, nên bác Chánh hỏi mẹ tôi có muốn cho tôi đi không?. Mẹ đã cho người lên gặp tôi và kêu tôi về, và tôi đã từ chối không tham gia cuộc “đào ngũ” này….

Mặc dầu biết Mẹ gạt, nhưng tôi không giận mà còn lại thương bà vô cùng, hình ảnh bà đội nón lá đi xe ôm lên Phú Hoà Đông, nơi đóng quân thăm tôi, và mang nhang đèn, hoa trái lên cúng vái Thần Đình xã Tân Thạnh Đông lúc tôi về đó giữ chức vụ Phân Chi Khu Phó hiện ra rõ mồn một….

Tắm rửa, ăn cơm với gia đình, ngủ lại một đêm….Sáng sớm 29, tình trạng Thiết quân luật được ban hành.. Đeo ba lô lên vai, sau khi kiểm soát lại khẩu Colt 45 đã lên đạn, tôi nói lời từ giã Bố Mẹ để trở về đơn vị. Mẹ đang ngồi têm trầu, còn Bố thì hút thuốc lào. Lời từ giã của tôi khiến bà bật oà lên khóc và nói với bố bằng giọng hốt hoảng: “Ông, sao ông nỡ để con đi vào cõi chết….” rồi bà khóc oà lên.

Ngược lại. Trong lúc đó, Bố rất trầm tĩnh nói với tôi: “Bố không có gì để nói với con cả. Đây là giây phút của con quyết định. Sự quyết định này sẽ làm cho con sau này con có thể ngước mắt nhìn anh em, binh lính của mình mà con không hổ thẹn….” Lời ông nói như một nguồn năng lượng làm bừng nóng chạy dài theo suốt cột xương sống.

Tôi cắm đầu bước nhanh ra khỏi cửa, không đủ cam đảm quay lại nhìn Mẹ tôi.

Hôm nay viết vài hàng về Bố. Bố ơi, nơi suối vàng, chắc Bố cũng nở nụ cười mãn nguyện vì con của bố lúc nào cũng:

Ngước thẳng vào đời không hổ thẹn

Hiếu Trung trọn vẹn với lương tâm. 

Con của Bố Mẹ: Vũ Ngọc Hiến 

***** 

Ôi! Bố Mẹ yêu con mênh mông vô hạn. Đúng như đã được diễn tả trong ca dao.

Bằng trời, bằng bể.


BẢO ANH 

05/2022                                               

1 comment:

  1. rất hay, chí lý và cảm động .Xin cám ơn bài viết. nó làm tôi cảm xúc nghẹn lời nhớ về cha mẹ

    ReplyDelete