Sau trận đánh ở Tập Ngãi,
tiểu đoàn về hậu cứ dưỡng quân và tái tổ chức. Tinh thần binh sĩ hoang mang dao
động.
Trung sĩ Tuấn, cấp phó
của tôi có về đến Tiểu Cần. Nhưng sáng hôm sau điểm danh ở hậu cứ lại vắng mặt.
Hắn đảo ngủ về Vũng tàu.
Vì khuyết danh TĐ phó,
nên đại đội trưởng của tôi tạm quyển xử lý công việc. Anh vào cuộc chiến từ năm
Mậu Thân 1968.
Nhiều công việc phải làm.
Lo hậu sự cho alpha và tử sĩ.
Ban 1 lo kiểm điểm quân
số.
Ban 4 kiểm tra lại vũ khí
quân dụng.
Ban 5 lo về công tác tư
tưởng cho binh lính.
Khoảng mười ngày sau,
tiểu khu bổ nhiệm TĐ trưởng và phó mới. Đại bàng xuất thân khóa 15 Thủ Đức.
Tham gia chiến trường VB khoảng 10 năm nên có nhiều kinh nghiệm trận mạc.
Các chức danh ban bệ được
tổ chức lại.
Đại đội 3 có cấp trưởng
mới. Đại đội trưởng và phó, cùng vài binh lính bị bắt làm tù binh, bị giam ở
trại tù binh Cồn Cù Bến Giá. Vài tháng sau họ đào thoát được. Nhưng ĐĐT bị bắn
chết. Sau 1975, Bến Giá là nơi giam cải tạo và vượt biên. Giờ là trại giam phạm
nhân.
Khoảng gần cuối tháng
9/1973, đơn vị lao vào trận mạc mới.
Tiểu khu mở chiến dịch
bình định ở vùng Tập Ngãi. BCH chiến thuật được thành lập, do một trung tá chỉ
huy, đóng ở nhà thờ Tập Ngãi. 3 tiểu đoàn được điều động để làm công tác an ninh
phát quang.
Tiểu đoàn của tôi xuất
phát từ ngã ba Giồng Lức, đi cập theo dòng kênh thẳng tấp, nước trong veo, thấy
cát ở đáy. Đi qua những xóm nhà dân. Có khúc là rừng thưa. Lúc trước có đơn vị
bạn bị phục kích ở đây. Có thiệt hại.
Đơn vị tôi đi qua nhà
thờ, qua chợ xã để đến mục tiêu đóng quân là ngôi chùa Miên lần trước đã dừng
quân. Một đơn vị bạn đã vào trước, đi xa hơn, qua bên kia sông Tập Ngãi. Lính
vừa dừng chân, bỏ ba lô, lo đào hố phòng thủ, bị du kích tập kích bất ngờ. Vài
người bị thương và chết. Mất vài cây súng. Chưa chi đã có thiệt hại.
Xế trưa, đơn vị nhận lệnh
nằm bồ cào, án ngữ, chỗ ngã ba sông, để đón thằng 404 trở về. Đó là tiểu đoàn
lưu động trừ bị của tiểu khu. Đâu có khó khăn thì nhảy vào. Suốt ngày hôm đó,
nó quần thảo ở Trà Mềm Chánh Hội, là nơi hang ổ. Đã có phi tuần A37 bên Cần Thơ
qua yểm trợ. Chạng vạng tối, đơn vị bạn về cách chỗ chúng tôi khoảng gần một
cây số. Nhưng thiếu tá Truy quyết định co cụm khoanh vùng phòng thủ. Địch truy
kích tổ chức bao vây. Sáng sớm đã nghe súng đạn nổ dồn, bóng người chạy qua
lại. Địch tấn công. Ta chống trả. Khoảng nửa giờ im tiếng súng. Sau đó đơn vị
bạn di chuyển bằng xuồng đi ra. Ngang chỗ chúng tôi, họ giơ cao những chiến lợi
phẩm thu giữ được. Đã có thiệt hại. Vài người hy sinh và bị thương. Có một ĐĐT
bị tử trận.
Số vũ khí này sau đó được
đem triển lãm ở quận lỵ Tiểu Cần, bù đắp cho sự đau thương mất mát của đơn vị
tôi. Có đăng báo Chiến Sĩ Cộng Hòa.
Đơn vị đến nơi đóng quân
đã chỉ định. Đại đội công vụ và BCH đóng trong chùa. Máy truyền tin, ăng ten
trụ được thiết lập. 4 đại đội đào hố cá nhân công sự phòng thủ bốn mặt. Hướng
bờ sông là mặt trận chính nên 2 đại đội phòng thủ. Đại đội tôi nằm hướng trái.
Tôi ra lệnh cho thuộc cấp đào hố cá nhân để xử dụng khi bị tấn công và pháo
kích. Thường là lựu đạn bắn dàn ná ruột xe đạp, từ bên kia sông bắn qua.
Tôi và âm thoại viên đào
hố sâu rộng hơn để đặt máy. Nắp hầm đắp bằng thân cây và lót lá dừa nước cùng
bùn để chống đỡ. Poncho được giăng ở cửa hầm che mưa nắng. Mưa thì ngủ ngồi.
Gian nan đời lính. Học hỏi kinh nghiệm trận mạc để tìm lấy sự sống. Đồng đội
thương nhau.
Sau đó bắt đầu công việc
phát quang. Mỗi người được phát cây dao rựa cùng mấy thỏi TNT. Cây dừa nước,
cây nhỏ xử dụng dao. Thân cây dừa, cây còng, cây lớn... thì quấn TNT kích nổ. Cây
dừa được hạ xuống. Chặt lấy củ hũ để hầm thịt. Ngon ngọt béo bổ. Trái dừa để
uống và nấu cơm. Đôi khi cũng có lúc huy hoàng. Thiếu úy Châu, SQ truyền tin bị
miếng vỏ cây nhỏ trúng mắt. Bị thương xuất ngủ. Vài tháng sau tôi thay thế chức
vụ đó.
Mỗi tuần có chuyến tiếp
tế từ Tiểu Cần vào. Băng qua những cánh đồng lúa, những con rạch nhỏ. Đồ đạc
cho lên xuồng đẩy vào. Tiền cứ đặt ở Tiểu Cần, có ban 4 lo liệu.
Mặt bằng phát quang đã
khá rộng, dân công và nghĩa quân dưới xã được phái lên để rào kẽm gai và lập
đồn bót. Đường đi lên cũng bắt đầu gian nan. Có gài mìn bẩy. Thường là lon cá
hộp nhét thuốc nổ. Hoặc lựu đạn gài dây. Viện trợ của Nhật đã có tác dụng. Lon
cá hộp. Nổ một trái, loại bỏ được 3 người lính. Chiến tranh du kích.
Sau đó đơn vị tôi được
rút ra. Tiểu đoàn khác vào thay thế.
Đại đội công vụ cùng BCH
và đại đội 4 về giữ an ninh ở chi khu Cầu Ngang.
Đại đội 1 lên Bưng Lớn
Cầu Kè
Đại đội 2 ở Rạch Rô Dừa
Đỏ Càng Long.
Đại đội 3 về Long Toàn Ba
Động.
Xe của BCH tiểu đoàn đổ
quân ở chi khu. Cây cối 81 được gửi bố trí ở đây. Cần thì xe Dogde 4 chở đi.
3 xe của đại đội 4 đổ
quân ở sân trường trung học Cầu Ngang. Cô giáo trong lớp học nhoẻn miệng cười
duyên chào các anh chiến sĩ. Trái tim rung động. Mình cười tươi chào lại. Quần
áo trận bạc màu nhếch nhác bùn phèn. Yêu hay là thương cho đời lính. Cô giáo đệ
nhị cấp cũng bằng lứa tuổi bọn tôi.
Sau đó toàn bộ di hành
qua đường, đóng ở bờ đông hàng rào chi khu. Có ngôi trường nhỏ 3 lớp học bỏ
hoang. Hướng trước mặt là đồng lúa. Mỗi tối cài mìn claymore căng dây phòng
thủ. Khi ấy thiếu úy Toàn, người bắc di cư, nhà ở Tam Hiệp BH, về thay thiếu úy
Liễng, làm đại đội phó. Lính vi phạm kỷ luật là ông bắt nằm xuống quất roi mây.
Sau nầy tôi gặp lại ông ta ở trại Phú Lợi BD.
Nhiệm vụ của đơn vị ở đây
là yểm trợ địa phương giữ an ninh, phối hợp với đơn vị bạn khi hành quân.
Sáng hôm sau đại đội nhận
lệnh yểm trợ nghĩa quân thay lính đổi toán ở đồn Cải Già. Lội bộ từ chi khu đến
xã Mỹ Long Bến Đáy gần chục cây số. Hôm nào có GMC đưa đi thì đở mệt nhọc. Cây
cối 81 đã được vận chuyển đến, gửi ở xã. Cần thì bắn yểm trợ.
Chờ nghĩa quân mang vác
lương thực đạn dược đầy đủ thì xuất phát. Lính đi cập hông đụn cát cao, sợ phục
binh. Cách khoảng vài cây số là cửa biển. Cạnh bãi sông là rừng đước mặn ngập
nước. Qua khỏi đụn cát là đi vào khu rừng thưa. Trước đó vài năm, đơn vị bạn bị
phục kích nơi này, thiệt hại nặng. Mắt cây đại liên 30. Đã thấy đồn nghĩa quân
ở hướng xa, trên cao. Để đến được cửa đồn, phải băng qua bãi đất trống. Dàn
hàng ngang. Xung phong nổ súng thị uy. Có khí thế lắm. Lính ở trong đồn đi ra.
Toán mới thay thế vào. Ở mấy cái nhà bên kia xóm ruộng, du kích bắn tỉa thị uy.
Tao có mặt trên từng cây số. Ấp Cải Già.
Có hôm lội bộ xuống xã
Long Sơn. Đất giòng pha cát. Nước lợ. Thích hợp cho trồng dưa hấu. Có câu, đi
ngang ruộng dưa hấu không cột dây giày. Qua vườn nho không ngã nón. Đúng quá đi
thôi.
Có hôm đi xuống miệt
dưới, hướng sông Cổ Chiên, còn gọi là sông Tiền. Bên kia là Bến Tre, quận Thạnh
Phú. Xã Hiệp Mỹ, Ô Lắc. Những cái tên nghe thân thương. Vùng đất này bạc màu
khô cằn chua phèn. Những thân cây già cổi chống trời. Đi tới nữa là Bến Giá.
Vùng đất sinh tử.
Có hôm, đi xa xuống một
chút. Đôn Châu, Ngũ Lạc, Mé Láng...Xứ sở trồng nhiều đậu phộng. Quê hương của
nhạc công soạn giả tài danh. Nghệ nhân Viễn Châu. Vùng này giáp ranh với quận
Long Toàn, nên có khi thuộc Cầu Ngang. Có khi thuộc Long Toàn. Gái làm dâu hai
xứ.
Tối hôm nào buồn thì ra
chợ quận uống cà phê nghe nhạc. Điện phát bằng máy nổ. 22 giờ là trả lại bóng
tối. Còn nỗi buồn nào hơn nhớ nhà nhớ quề, dù có đồng đội kề bên.
Mỗi tháng đóng tiền cơm
tháng do các bà vợ lính nấu. Tháng 6 ngàn. Một phần ba lương. Ngày ăn hai bữa.
Cơm nước thức ăn thả ga không hạn chế. Tiêu xài lặt vặt, mỗi tháng dư cở chục
ngàn. Vài tháng dư được mấy chục. Đi phép về BH vui chơi với bè bạn, hết sạch.
Xuống đơn vị lãnh lương xài tiếp. Cuộc sống thoải mái, nhưng tinh thần có vấn
đề. Ngại chết.
Giữa tháng 10/1973, tôi
có đơn xin nghĩ phép thường niên. Vì ngày 1/11 là quốc khánh nên đơn không
được duyệt. Giữa tháng 11/1973, tôi cầm tờ phép hơn mười ngày về với gia đình
bè bạn ở quê nhà.
Đầu tháng 12/1973, tôi
trả phép, về trình diện hậu cứ. Đại đội và BCH tiểu đoàn đã điều chuyển về Cầu
Kè. Đại đội 4 giữ đồn Mặc Háng và 2 đồn nhỏ ở đầu vàm sông Hậu. BCH tiểu đoàn
về đóng ở đại đồn Bến Cát, giữ an ninh mặt tây chi khu Cầu Kè, và điều động các
đại đội đóng gần bên.
Cách đó mấy hôm, đơn vị
phối hợp hành quân để giải vây cho đồn Ô Chích của đại đội 1 bị bao vây, nhưng
không thành. Trên đường về, đại đội bị chặn đánh ở kênh Ngọc Hồ. Nhờ cây cối 81
gửi ở đồn nghĩa quân yểm trợ cứu nguy được. Có tổn thất. Đại đội trưởng bị
thương ở phần mềm mất máu, chuyển qua Cần Thơ. Anh em thằng Được, Tới, em vợ,
anh rễ, nhà ở Cầu Quan Long Thới, đứa chết đứa bị thương. Được là âm thoại viên
mang máy cho tôi. Trung úy Tốt, người Bắc, về nắm đại đội. Chuẩn úy Hồng, về từ
Đồng Đế, sau tôi hơn một tháng, lên nắm đại đội phó.
Đang vào chiến dịch mùa
khô. Lại dấn thân. Những bước chân miệt mài ở chiến trường mới. Cầu Kè...
Xin có bài thơ để nhớ về
Cầu Ngang của em...
Nhớ Hoài Cầu Ngang
Đêm ngồi góc chợ Cầu Ngang
Ly cà phê đá ngập tràn nhớ quê
Ca từ nhạc điệu mân mê
Chinh nhân bối rối lời thề năm xưa.
Thuyền ghe vỗ sóng theo mùa
Mỹ Long Bến Đáy gió đưa xạc xào
Chân qua đụn cát cồn cao
Chắt chiu viên đạn lao xao Cải Già.
Gió lùa Bến Giá rát da
Chừng như địa ngục đâu xa mà gần
Phèn chua đất mặn rửa chân
Mẹ già Ô Lắc tần ngần ngóng trông.
Long Sơn dưa hấu đỏ hồng
Đi qua chẳng dám trông mong cởi giày
Em ngồi mà nhớ nhung ai
Chợ phiên Mé Láng lạc loài Đôn Châu.
Ca từ vọng cổ mấy câu
Thương đời soạn giả bạc đầu trắng tay
Quê hương chẳng của riêng ai
Chốn xa anh vẫn Nhớ Hoài Cầu Ngang...
Đỗ Công Luận. 01.03.2023. (4.162)
Xin cảm ơn chị NPN đã giới thiệu bài viết đến mọi người.
ReplyDeleteNgày 17/3/1973, tôi mãn khóa học ở Thủ Đức. Ra trường về trình diện tiểu khu Vĩnh Bình. Khoảng cuối tháng 3/1973, tôi thực sự lao vào chiến địa.
Đây là bài thứ ba của loạt bài viết 4 bài để kỹ niệm 50 năm tôi đến với Vĩnh Bình Trà Vinh. Vùng đất cho tôi nhiều kỹ niệm. .
50 năm đâu có quá dài.
- Chào em Tiểu Cần
- Đi hấp ở Chi Lăng
- Nhớ hoài Cầu Ngang
- Cầu Kè thức giấc
Xin cảm ơn mọi người đã cùng đọc Trân quý. ĐCL