Friday, March 3, 2023

Vài Nét Về Tư Tưởng Phật Giáo Của Vua Trần Thái Tông - Phần 3 - Vài Câu Chuyện Thiền - Nguyễn Giụ Hùng


Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư.


Sau vài câu chuyện về bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông có liên quan đến Kinh Kim Cang của nhà Phật, mà giáo lý đạo Phật quả thật đối với tôi là một lãnh vực tôi không hiểu biết nhiều, Uyên và Thi hình như cũng cảm nhận ra điều ấy.

Tuy nhiên, tôi cố giữ phong độ “uy nghi” của mình, nói với hai cô:

- Kinh sách nhà Phật thì anh không thông hiểu lắm nhưng anh có thể kể cho hai cô những mẩu chuyện về Thiền nghe cho vui nhé!

Thi tươi hẳn lên:

- Thích quá! Thế chuyện thiền có giống chuyện cổ tích không?

Tôi lại véo nhẹ vào má Thi:

- Chuyện thiền thì nói thiên về chuyện đạo, chuyện cổ tích thì thường nói thiên về chuyện đời. Hai loại chuyện đều có giá trị ngang nhau về mục đích riêng của nó.

 Tôi nhìn sang Thi, âu yếm nói riêng cho nàng nghe:

- Lớn lên cũng nên biết nhiều chuyện cổ tích để kể cho các con nghe. Có nhiều chuyện cổ tích mang tính chất giáo dục rất cao. Từ từ, thỉnh thoảng nhắc anh, anh sẽ kể chuyện cổ tích cho em nghe. Chịu không? Bây giờ anh kể vài chuyện thiền cho em nghe đã nhé!

Thi bẽn lẽn cúi xuống mỉm cười, vân vê vạt áo. Uyên với tay qua bàn nắm bàn tay Thi siết nhẹ như để chia xẻ niềm hạnh phúc với cô em mình một cách trìu mến.

Tôi quay sang nói với Uyên:

- Uyên thử để ý xem những chuyện thiền anh sắp kể đây có chỗ nào liên quan hay hỗ trợ được cho sự hiểu biết về Kinh Kim Cang mà chúng ta vừa đàm luận không nhé. Chuyện thiền thường cũng khó hiểu lắm, nó có ý nghĩa rất sâu xa, ta phải để ý lắm mới tìm ra được ý nghĩa của nó. Nhiều khi, mỗi người lại hiểu nó một cách khác nhau.

- Vâng ạ! Em sẽ cố gắng! 

Hình minh họa


@/ Chuyện Qua Đò.

Trong chuyến đò chở khách qua sông. Một vị tỳ kheo ngồi trên đò liếc nhìn cô lái đò rồi quay đi. Khi tới bến, cô lái đò lấy mỗi người một đồng, riêng vị tỳ kheo thì cô lấy hai đồng.

- Sao cô lại lấy tôi hai đồng?

- Ai bảo lúc nãy Thầy nhìn em!

Đến khi trở về, sau khi qua đò, cô lái đò lấy mỗi người một đồng, riêng thầy tỳ kheo cô đòi bốn đồng. Vị tỳ kheo lại thắc mắc:

- Lần đi cô đòi tôi hai đồng vì tôi nhìn cô. Lần về tôi không nhìn cô, khi tới bờ cô lại đòi tôi tới bốn đồng.

- Lúc đi Thầy nhìn em bằng mắt, em lấy hai đồng vì Thầy nhìn đâu thì thấy đấy. Lúc về Thầy nhìn em bằng ý, bằng tâm, Thầy thấy em tất cả. Thầy phải trả bốn đồng.

Một hôm vị tỳ kheo lại qua sông. Lần nầy thầy tỳ kheo nhìn thẳng vào cô lái đòĐò cập bến, nhà sư cười hỏi

- Lần nầy tôi phải trả bao nhiêu?

Cô lái đò đáp: 

Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền!

Thầy tỳ kheo hỏi: 

Vì sao vậy?

Cô lái cười đáp: 

Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa ... Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi ... !

Kể xong đến đây tôi hỏi Uyên:

- Uyên hiểu ý nghĩa của câu chuyện này chứ?

- Vâng ạ! Lần thứ nhất mắt thầy tỳ kheo trụ vào cô lái đò; lần thứ hai thì ý của thầy trụ vào cô lái đò dù là mắt không nhìn. Đâu có phải người mù không thấy là không có chỗ trụ đâu; lần thứ ba, sau thời gian tu tập, thầy buông bỏ được sắc tướng bên ngoài, tâm ý thầy thanh thản, dù có nhìn thẳng vào cô lái đò mà tâm thầy vẫn không bị trụ vào cô ấy.

Tôi gật gù:

- Ừ, anh cũng hiểu như Uyên!

Thi chợt nhìn tôi:

 - Kể từ nay, đứng trước mặt em anh không được nhắm mắt đấy. Nhắm mắt là anh phải trả em bốn đồng.

 Tôi và Uyên cùng cười.

@/ Chuyện Hãy Bỏ Xuống Đi.

Một hôm có hai vị sư đi trên bờ sông. Bỗng thấy một cô gái ngã xuống sông kêu cứu. Thấy nơi sông sâu cô gái có thể chết đuối, một thầy nhẩy xuống sông ôm cô gái ấy bơi vào bờ. Khi đem được cô gái lên bờ rồi thì mạnh ai nấy đi. Vị sư cứu người không nói hay đả động gì về cô gái ấy nữa.

Vị sư thứ hai đứng trên bờ trách vị sư cứu cô gái:

- Huynh đã tu tập lâu năm mà nay lại phạm giới luật. Mình là người tu hành sao đụng chạm vào thân thể người con gái như thế!

Vị sư huynh cứ im lặng mà đi không trả lời người sư đệ của mình.

Vị sư đệ cứ tiếp tục “càm ràm” phiền trách vị sư huynh của mình về sự việc trên cho tới khi về tới cổng chùa. Vị sư huynh mới ôn tồn nói với người sư đệ:

- Ta đã bỏ cô gái ở bờ sông rồi, tại sao sư đệ vẫn còn cõng cô gái ấy về tới tận đây. Hãy buông cô ta xuống đi!

Sau khi tôi kể xong câu chuyện giữa hai vị sư. Uyên nói ngay như vừa mới thuộc bài:

- Vị sư đệ, tuy ngoài miệng phản đối, nhưng trong thâm tâm vị ấy có thể đã trụ vào sắc tướng cô gái đó mất rồi. Thế nên, vị sư huynh mới bảo vị sư đệ là hãy buông cô ấy xuống đi nghĩa là đừng bận tâm tới cô ấy nữa, tâm ý đừng trụ vào cô gái nữa.

Tôi không góp ý gì thêm với Uyên mà chỉ ngồi cười. Tôi nói với Uyên:

- Em nói như thế, anh có câu chuyện với ý nghĩa tương tự, anh kể cho em nghe thêm nhé. Chuyện được tóm tắt như sau:

@/ Chuyện Không Thể Nhắm Mắt.

Một vị sư tu tại một ngôi chùa nọ. Có một nữ thí chủ thường hay lui tới chùa cúng Phật. Mỗi lần cô gái đó ra về thì vị sư này lấy khăn ra lau, lau đi lau lại thật kỹ cho sạch những nơi cô gái đó ngồi.

Rồi đến một ngày, vị sư đó qua đời. Hai con mắt thầy cứ mở trừng trừng không làm cách nào để có thể làm thầy nhắm mắt lại được. Cho tới khi cô gái đó tới nắm tay vị sư, vị sư mới nhắm mắt ra đi.

Tôi cười, nói với Uyên:

- Uyên thấy không! Bên ngoài thì như thế mà tâm ý vị sư đã trụ vào người nữ thí chủ đó một cách hết sức sâu đậm.

Thi với nét mặt hóm hỉnh, hỏi tôi:

- Sao chuyện thiền nào của anh cũng chỉ có “sư” và những “cô gái” thôi vậy?

Tôi phá lên cười:

- Em hỏi anh một câu rất hay! Hay quá! Em biết tại sao không? Vì trong lòng anh trụ vào “chuyện trai gái” nên kể toàn chuyện như vậy đó thôi. Đều do tâm mình mà ra cả. Nhân đây, anh kể cho em nghe những câu chuyện thiền khác nói về ông Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn nhé. Chuyện này xẩy ra giữa các nhân vật đều là đàn ông thôi.

Tôi quay sang hỏi Uyên:

- Uyên có biết về nhân vật Tô Đông Pha của Trung Hoa không?

- Thưa anh em biết ạ! Tô Đông Pha là một danh tài, văn chương lỗi lạc ít ai sánh kịp. Ông là người rất thông hiểu đạo Phật và từng làm quan to ở Hàng Châu dưới thời Bắc Tống.

- Uyên nhớ đúng rồi đấy!

Tôi quay sang Thi:

- Em lắng nghe chuyện thiền anh sắp kể nhé. Anh sẽ hỏi em về ý nghĩa câu chuyện này đó.

Thi nhìn chị như hỏi ý. Thấy Uyên gật đầu, Thi mới nói:

- Được rồi anh cứ kể đi! Em không sợ đâu! Nhưng anh phải kể hay cơ đấy.

Trước khi vào chuyện, tôi không quên nhắc nhở cho hai cô biết về cá tính và sự giao du thân mật của hai nhân vật này.

Tô Đông Pha là người cao ngạo, nói chuyện với người nào cũng muốn chơi gác, muốn hơn chứ không muốn thua ai. Trong lúc rảnh rỗi, ông thường đến bàn luận về đạo pháp với vị thiền sư Phật Ấn là người bạn rất thân của ông. Phật Ấn, vị thiền sư nổi tiếng thời Bắc Tống. Trong khi đàm đạo, Tô Đông Pha luôn dùng mọi lý lẽ để thắng thiền sư Phật Ấn, nhưng lần nào ông cũng bị thua.

 Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn có những giai thoại rất hay.

@/ Chuyện Đống Phân Bò

Một hôm Tô Đông Pha ngồi tọa thiền cùng thiền sư Phật Ấn. Tô Đông Pha hỏi:

- Thiền sư nhìn xem tôi giống cái gì?

Phật Ấn trả lời:

- Ông ngồi giống như Đức Phật!

Phật Ấn hỏi lại:

- Thế ông nhìn xem tôi giống cái gì?

Tô Đông Pha trả lời:

- Ông ngồi giống như đống phân bò!

Tô Đông Pha rất đắc ý với câu trả lời của mình vì đã hạ được thiền sư Phật Ấn một vố đau. Không cần hỏi gì thêm, Tô Đông Pha liền đứng dậy đi về lòng vui phơi phới vì nghĩ lần này đã hạ được sư Phật Ấn.

Trên đường về, gặp ai ông cũng khoe. Dọc đường ông gặp người em gái của ông là Tô Tiểu Muội, ông liền hí hửng lại đem câu chuyện ấy ra khoe. Khi ông vừa kể dứt câu chuyện, cô em gái liền nói:

- Anh lại thua thiền sư Phật Ấn rồi!

- Thua ở chỗ nào? Thắng rõ ràng mà!

Cô em gái mới giải thích cho ông nghe:

- Tâm của thiền sư là tâm Phật nên nhìn thấy anh ngồi như Phật. Còn tâm anh giống như đống phân bò nên mới nhìn thấy ông ấy giống đống phân bò.

Tôi vừa kể xong câu chuyện thiền về “đống phân bò”, liền hỏi Thi:

- Anh ngồi giống cái gì?

Thi giả vờ đưa tay bóp trán, ngẫm nghĩ trước khi trả lời:

- Anh giống ... Anh giống ... anh Nam (tên tôi)!

- Anh hỏi anh giống cái gì cơ mà?

- Anh giống ... Anh giống ... cái quạt!

- Cái quạt?

- Tại vì em đang nực (nóng) mà!

Thi ngồi thẳng lên, uỡn ngực, hai tay chống nạnh, hỏi tôi:

- Em ngồi trông giống cái gì?

Tôi trả lời trêu:

- Không nói ... Không nói! (cũng là tựa đề một câu chuyện thiền khác)

- Anh ăn gian! Phải nói ... Phải nói!

- Không nói ... Không nói!

Thi nhõng nhẽo:

- Anh ăn gian! Không chơi với anh nữa đâu!

Tôi cười:

- Thôi để anh nói! ... Em giống múi mít!

Thi cầm múi mít đưa cho tôi:

- Anh khôn quá à!

Uyên liếc nhìn tôi, tay bụm miệng cười dí dỏm.

Tôi nhờ Uyên giải thích cho Thi về ý nghĩa của câu chuyện thiền vừa rồi.

Uyên nhìn Thi nói:

- Câu chuyện này chứa một đạo lý rất sâu sắc. Tâm mình thanh tịnh thì cảnh vật chung quanh đều thanh tịnh, hay ngược lại. Tâm mình ra sao thì nhìn cảnh vật ra vậy.

Thi bỗng đập hai tay xuống bàn rồi vỗ tay:

- Anh ăn gian! Anh nói trong chuyện chỉ có đàn ông thôi. Sao bây giờ lại có cô em gái của ông Tô Đông Pha? Em phạt anh!

 Tôi cười:

- Ừ nhỉ? Thôi để anh kể đền cho em một câu chuyện thiền khác vậy, tuyệt nhiên không có một cô con gái nào trong đó. Chịu không?

- Em chịu! Mà cũng phải hay như chuyện trước cơ!

Uyên lườm yêu cô em:

- “Ăn mày còn đòi xôi gấc”! Đã được nghe kể chuyện lại còn đòi phải là chuyện hay nữa cơ!

- Nghe chuyện không hay thì chán lắm!

Tôi vuốt tóc Thi:

- Chuyện này bảo đảm hay hơn chuyện trước, nhưng chỉ sợ em không hiểu thôi!

@/ Chuyện Bát Phong Xuy Bất Động tức Tám Ngọn Gió Thổi Không Động.

Ông Tô Đông Pha là người mộ đạo Phật. Sau những năm tu tập, ông nghĩ mình đã ngộ đạo nên làm một bài kệ gửi đến thiền sư Phật Ấn nhằm mục đích nhờ thiền sư ấn chứng cho sự chứng đắc của ông. Bài kệ rằng:

Khể thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong xuy bất động

Đoan tọa tử kim liên.

(“thiên trung thiên” tức là Phật, bậc Giác Ngộ)

Tạm dịch là: 

Đảnh lễ bậc Giác Ngộ

Hào quang chiếu vũ trụ

Tám gió thổi chẳng động

Ngồi vững tòa sen vàng.

Ý nói bây giờ ông đã ngộ đạo, đã nhận ra con người chân thật của ông ở giữa cõi thế gian này. Con người chân thật đó, cũng như Phật, tỏa sáng hào quang khắp cả đại thiên thế giới. Bây giờ dù có “bát phong xuy bất động” tức “tám ngọn gió độc” cũng không thổi động tới tâm ông được.

 Thiền sư Phật Ấn thấy bài thơ có ý tứ rất hay do “văn hay chữ tốt”. Nhưng thiền sư biết tâm tính của người bạn mình chưa đạt được ý nghĩa sâu xa của Phật pháp, nên thay vì khen ngợi, ông phóng bút phê trên bài kệ hai chữ “phóng thí” tức “đánh rắm” (hạ phong) rồi gửi trở lại cho Tô Đông Pha.

Nhận được lời phê “đánh rắm” của Phật Ấn, Tô Đông Pha tức tốc bơi thuyền qua sông gặp thiền sư để hỏi cho ra lẽ. Khi vừa bơi thuyền tới bờ sông, Tô Đông Pha đã thấy thiền sư Phật Ấn đứng đợi ở đó.

Tô Đông Pha liền hỏi:

- Bài kệ của tôi hay như vậy sao Thầy không khen mà lại phê bình như vậy?

Thiền sư Phật Ấn mới nhẹ nhàng trả lời:

- Ông nói gì trong bài kệ vậy? Tám gió không động mà bây giờ mới có một ngọn gió nhẹ đã thổi ông từ bên kia sông sang bên này sông. Như vậy là tâm ông động rồi.

Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra mình chưa bất động.

Uyên hỏi tôi:

- Tám ngọn gió là những ngọn gió nào vậy anh?

- Tám ngọn gió đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Lợi: Khi được lợi thì vui mừng hớn hở. Suy: Khi bị mất mát, tổn hại thì buồn rầu, nuối tiếc. Hủy: Khi bị chê bai, chỉ trích thì cảm thấy khó chịu. Dự: Khi được khen ngợi thì vui thích, hài lòng. Xưng: Khi được mọi người xưng tụng, tung hô thì hả hê, vui sướng. : Khi bị chế diễu, vu khống thì hậm hực, khó chịu không yên. Khổ: Khi gặp những điều không như ý thì đau khổ, buồn bực. Lạc: Khi mọi việc đều thuận lợi như ý thì mừng rỡ, vui vẻ.

 

Thi uể oải vươn vai nhõng nhẽo:

- Anh còn có chuyện thiền nào nữa không?

Uyên lừ mắt nhìn Thi:

- Chuyện đâu mà lắm thế! Cái cô này lúc nào cũng hay đòi hỏi!

Thi liếc nhìn tôi sau câu nói của Uyên:

- Anh hết chuyện thiền rồi hả? Chuyện cổ tích cũng được. Lúc nẫy anh hứa mà!

Tôi mỉm cười:

- Chuyện thiền thì anh còn nhiều lắm, nhiều ngang với chuyện cổ tích. Nhưng anh chỉ sợ em chẳng hiểu gì cả rồi lại hỏi anh những câu vớ vẩn.

Thi vênh mặt:

- Nếu em không hiểu thì đã có chị Uyên giảng cho em.

Uyên nhìn cô em:

- Nhỡ chị cũng không hiểu thì sao?

Thi lại vênh mặt nhìn tôi:

- Thì ... thôi ...!

Chữ “thôi” của Thi kéo dài ra làm tôi bật cười. Tôi đành phải kể cho Thi nghe thêm một giai thoại nữa về Tô Đông Pha. Tôi biết Thi chẳng thể hiểu nổi chuyện này, nhưng tôi hy vọng Uyên sẽ khá hơn để hiểu được nó.

@/ Chuyện Ngồi Đâu?

Một hôm nọ thiền sư Phật Ấn đang ngồi ở trên pháp tòa giảng pháp. Ông Tô Đông Pha đến trễ. Từ trên pháp tòa thiền sư Phật Ấn đưa mắt nhìn thấy Tô Đông Pha tới mới nói một câu:

- Ở trong này không còn chỗ ngồi!

Đây là một câu thử, ý nghĩa rất sâu xa. Ông Tô Đông Pha trả lời:

- Nếu trong ấy không còn chỗ ngồi thì tôi mượn thân của ngài để ngồi lên được không?

Lợi dụng câu đó để hạ thiền sư Phật Ấn. Thiền sư không cần suy nghĩ nói:

- Bây giờ tôi xin hỏi ông một câu, nếu như ông trả lời được thì tôi sẽ đem cái thân này cho ông ngồi. Còn như ông trả lời không được thì ông cởi “ngọc đáy” để lại đây. (ngày xưa các quan đeo ngọc đáy ở quanh lưng).

Tô Đông Pha tự tin vào trình độ tu hành và kiến thức của mình không thua ai nên trong lòng ông rất tự đắc:

- Xin thiền sư cứ hỏi!

Tô Đông Pha vừa dứt lời, thiền sư liền hỏi:

- Tứ đại vốn không, ngũ ấm vô ngã, thân này là không. Vậy ông ngồi chỗ nào?

Tô Đông Pha không trả lời được. Phật Ấn dùng đạo lý để hỏi chứ không dùng tướng thân để hỏi. Ý nói thân tôi tứ đại (đất, nước, gió, lửa) đều là không. Bây giờ nói là không thì ông lấy gì ông ngồi.

Cuối cùng Tô Đông Pha phải cởi “ngọc đáy” để lại cho chùa Kim Sơn làm kỷ niệm.

Đối với người giác ngộ thì thấy thân này là giả nên mọi chuyện xẩy đến người ta hóa giải được dễ dàng.

Thi đứng dậy vỗ tay hoan hô.

Tôi trợn mắt nhìn Thi một cách ngạc nhiên:

- Em hiểu hả? Nói cho anh nghe đi!

Thi dơ cả hai tay thẳng lên trời như biểu lộ sự khẳng định:

- Ông Tô Đông Pha lại thua nữa rồi! Ai bảo lúc nào cũng cứ tưởng mình là giỏi nhất!

Tôi và Uyên nhìn nhau cười. Hóa ra Thi vỗ tay chỉ vì ông Tô Đông Pha lại thua thiền sư Phật Ấn thêm một lần nữa.

Bỗng Uyên chạy lại phía sau lưng Thi, ôm cô em, quay mặt về phía tôi hát nhẹ:

- Em còn son, anh vẫn còn son. (Bài hát dân ca quan họ)

Tôi nhìn Thi âu yếm, nắm vai nàng và cũng hát nhẹ như lời thủ thỉ:

- Anh về thưa với mẹ cha, cho đôi ta được làm con một nhà ... Cho đôi ta được làm con một nhà.

Thi biết mình bị trêu nên cứ lấy hai tay che mặt nhưng nàng không thể che dấu nổi sự xúc động trước câu hát đầy yêu thương của tôi.

Tôi nhớ lại hôm ấy chưa lâu, nhân dịp thầy mẹ tôi sang nhà Thi ăn giỗ đã ngỏ lời xin nàng cho tôi trước mặt đông đủ họ hàng.

Tôi nhìn Thi mỉm cười, lòng tràn đầy hạnh phúc.

 

Mời nghe bản nhạc

 Duyên dáng áo lam

https://www.youtube.com/watch?v=jWtkIy2WeY4

No comments:

Post a Comment