Monday, July 24, 2023

Người Đứng Bên Cầu - Đào Ngọc Phong

Hình minh họa

Tôi vừa nhận được một bì thư của con gái tôi, Amelia, gởi từ thành phố New York, đựng một xấp hình mới chụp trong khuôn viên đại học, và một lá thư viết tay bằng chữ Việt, nét chữ nắn-nót, tròn- trịa. Con gái báo cho mẹ biết đã được cấp một học bổng cho bậc cao học, để mẹ khỏi lo tiền bạc cho con nữa. Sở dĩ con viết tay là để mẹ vui vì con không quên tiếng mẹ đẻ; hai nữa, để nói mẹ biết về một ý định của con trong tương lai. Sau nhiều đêm suy nghĩ, con chưa muốn đi làm ngay, mà muốn học cao hơn nữa, vì muốn làm tròn ước nguyện mà mẹ không thực hiện được trong đời mẹ; nhưng điều quan trọng nhất, có lẽ con sẽ không lập gia đình, vì chỉ sợ lại rơi vào bi kịch mà mẹ chịu đựng suốt đời, mặc dù có vài bạn trai đứng- đắn tỏ ra yêu thích con.


Một giọt nước mắt rỏ xuống làm nhòe một chữ trên trang thư. Tôi có lầm lỗi không, khi nói hết sự thực cho Amelia? Không, trước khi nói điều đó, tôi đã suy nghĩ 8 năm trời đằng –đẵng. Bây giờ tôi đang ngồi trên một ghế xếp bên cầu đọc thư con gái; nhưng suốt tám năm, tôi chỉ đứng bên cầu nhìn giòng nước chảy, một tiếng đồng hồ mỗi sáng chủ nhật.

Amelia sinh năm 2000 tại Orange County tiểu bang California. Năm 2018, tốt nghiệp trung học, rời gia đình vào đại học, coi như đã trưởng thành; tâm trí đủ vững vàng đối diện với thực tế đời sống; bốn năm học xong BA, tự mình xoay-xở mọi việc; không, tôi không nên tự trách; việc tôi kể chuyện đời của mẹ vào lúc con trưởng thành vào đời là điều cần thiết.

Sáng chủ nhật trước khi Amelia lên máy bay vào thứ hai, bốn năm trước, tôi và con gái ngồi bên cầu nói chuyện. Đây là một cây cầu ngắn, bắc qua một giòng suối nhỏ, nước chảy quanh năm trong một công viên quốc gia rừng nguyên sinh. Chỗ này vắng vẻ, ít du khách qua lại.

*********************

Tôi sanh năm 1975 tại Sài Gòn. Năm sáu tuổi, tôi đã biết giúp mẹ nhiều việc để kiếm tiền nuôi bà nội và hai mẹ con. Mẹ tôi dậy từ bốn giờ sáng để tráng bánh cuốn, bày bán trước cửa nhà trong một xóm lao động ngoại ô Sài Gòn. Mẹ làm bánh cuốn ngon, bà con trong xóm đều thích; thường chỉ đến 10 giờ sáng là bán hết. Vừa đi học vừa tập làm bánh cuốn, tôi dần lớn lên, thạo nghề, đỡ mẹ vất vả. Mẹ thường nói, bố mất sớm trong trại cải tạo, mẹ con mình phải cố gắng mưu sinh nuôi bà ; nhưng con phải hứa học cho giỏi, bán bánh cuốn chỉ là tạm thời.

Từ 10 tuổi trở lên, tôi đã thay mẹ dậy từ sáng sớm, tráng một mẻ bánh cho mẹ bán buổi sáng; nếu trưa còn khách, mẹ tráng thêm một ít để buổi chiều đi học về tôi mang hàng đi giao cho khách ở xa.   Nhờ đi giao hàng đây đó, tôi thấy việc học Anh ngữ thật cần thiết để giao dịch. Vì vậy tôi chuyên tâm học tiếng Anh. Tôi len lỏi vào những cửa hàng nước ngoài, những khách sạn đê chào hàng; khách hàng của tôi đông lên dần. Mẹ phải xin phép phường khóm cho đặt bàn trong nhà. Hai năm cuối trung học, tôi phải tập trung vào việc học để thi vào đại học, nên mẹ phải mướn thêm người giúp việc. Nhưng 4 giờ sáng tôi vẫn phải dậy sớm tráng bánh.

Tôi định hướng tương lai của tôi là trở thành giáo viên Anh ngữ, nên tôi nộp đơn thi vào Đại Học Sư Phạm.  Làm bài thi đầy tự tin, tôi hy vọng chờ đợi kết quả trúng tuyển, nhưng ngày tuyên bố kết quả lại không có tên. Mẹ tôi buồn lắm, năm sau bà nhất định không cho tôi dính vào buôn bán nữa, chỉ có học và học. Lại một lần tự tin, lại một lần thất bại. Nhưng khi xem những ai trúng tuyển, tôi ngạc nhiên thấy có những bạn học rất thường mà đậu.

Tôi đành phải đi dạy học tư, mở lớp dạy ở nhà, kiếm được khá để giúp mẹ; nhưng bà vẫn ấm ức trong lòng. Bất ngờ một lần tôi gặp một cô bạn thân hồi lớp 11 cùng tuổi tên là N. xinh- xắn dễ mến. N, là con gái của một cán bộ cao cấp; sau 75, ông được cấp một căn biệt thự trên đường Tú Xương mà chủ nhân đã bỏ ra nước ngoài. Gia đình N. thuộc loại giai cấp thượng lưu mới.

N, gặp tôi mừng lắm, hỏi sắp ra trường đi dạy chưa; tôi buồn buồn nói hai năm làm bài tự tin nhưng đều trượt; N.có vẻ ngạc nhiên, nói để sẽ nhờ cha cô hỏi Sở Giáo Dục xem sao; về phần cô thì năm sau sẽ sang Mỹ học.

Một tuần sau cô mời tôi đi ăn kem nói chuyện. N. có vẻ buồn nói : “Ba mình đã hỏi cho cậu rồi; ông nói điểm cậu rất cao, nhưng vì….lý lịch cậu có cha là sĩ quan chế độ cũ nên bị gạc đi”.

Vừa nghe xong, tôi bỗng cảm thấy người tôi lạnh ngắt; nhưng tôi cố kìm không bật lên tiếng khóc. N. ôm lấy vai tôi : “Mình cũng vậy, khi vừa nghe xong điều đó mình không giữ được bình tĩnh; mình gay gắt nói bố của cô ấy đã chết trong tù của quí vị, đã trả nợ quí vị rồi, sao còn bắt tội con của ông ấy? Cô ấy cũng như con đây sinh năm 1975 có biết gì về các việc của quí vị trước 75 đâu? Ba mình chỉ yên lặng. Mình chán cái não trạng bộ lạc, bỏ đi sang Mỹ sống cho thoải mái”.

Khi N. sắp xuất ngoại, gởi thiếp nhiệt tình năn- nỉ tôi đến dự party tiễn đưa, tổ chức tại biệt thự nhà cô. Tối rất quí N. nên miễn cưỡng nhận lời.

Tất nhiên khách của N, toàn là “cậu ấm cô chiêu” thuộc giai cấp mới. Đó là vào   1998, tôi đã 23 tuổi. N. kéo tôi giới thiệu với một thanh niên : “Đây là anh K, anh họ mình, làm nghề bán xe hơi ở Mỹ, mới về thăm nhà. Còn đây là H. bạn thân của em, giỏi tiếng Anh lắm; hy vọng hai người “đấu” với nhau nhiệt tình nhá”

Có lẽ K. ở Mỹ lâu, nói tiếng Việt không sõi lắm, nên gặp tôi “đấu” tiếng Anh thì anh tỏ ra thích thú vô cùng. Anh khen tôi giỏi, và anh bám lấy tôi suốt buổi. N. rất hài lòng, cám ơn tôi đã tiếp khách giùm cô.

Cửa hàng bánh cuốn của mẹ phát đạt, nên tiền bạc gia đình tương đối rủng- rỉnh.

Một đêm, mẹ tôi kéo tôi vào phòng ngủ thì thầm “Mẹ đã để giành ít tiền, muốn lo cho con du học Mỹ như người ta. Thời buổi này cứ tiền thôi con ạ, cửa nào cũng lọt”. Tôi mừng rỡ ôm mẹ, cám ơn mẹ, nhưng con đi xa chỉ sợ mẹ già và bà nội cô đơn trống trải. Mẹ nói bố con ngày xưa là  giáo sư toán kiếm tiền như nước, con nhất định phải lấy bằng đại học thì bố mới vui mà không trách mẹ không lo được cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Tôi tăng giờ dạy học để có thêm tiền lo việc. Tôi vô phỏng vấn, trót lọt mọi đường. Đầu năm 1999, tôi đặt chân lên xứ Mỹ, cám ơn mẹ kính yêu của con; tự hứa nhất định phải hoàn thành ước mơ đại học, một ước mơ bị tàn lụi nơi quê nhà.

Một mình đến xứ lạ, tôi mới cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa của câu “Bơ vơ thân gái dặm trường”. Tuy nhiên, tôi bương chải từ năm sáu tuổi, nên mọi sự khốn khó tôi dều vượt qua. May mắn, tôi được bạn của mẹ đón về cho “share” một phòng trong một căn nhà nhỏ ở vùng Little Sai gòn. Con gái của bà giúp tôi học lái xe và dẫn đi mua một xe cũ.

Duyên nợ kiếp nào đưa đẩy, khiến cô dẫn tôi đến một trung tâm bán nhiều xe cũ gọi là “used car”. Vừa gặp người “dealer”, tôi nhận ra ngay K., anh họ của bạn tôi N. K mừng rỡ, nói không ngờ gặp tôi ở đây.

Anh chọn cho tôi một xe khá tốt vừa túi tiền. Từ ngày đó, chúng tôi thường đi ăn với nhau.  Việc học của tôi trôi chảy, và tôi thich nghi mau với đời sống Mỹ. K hơn tôi năm tuổi, tức là năm ấy anh 29 tuổi vẫn thích sống độc thân trong một căn “mobile home” quanh khu Phước Lộc Thọ, phố Bolsa. Tôi gọi cho N. lúc ấy đang sống ở San Francisco.

N. chúc mừng tôi và hẹn sẽ xuôi Nam hội ngộ. Cuộc hội ngộ này là cuộc hội ngộ định mệnh cho đời tôi. Sau một tuần đi chơi chung, N. bỗng đề nghị K. và tôi nên kết duyên đi.

Cả K và tôi đều sửng- sốt, vì cả hai đều chưa hề nghĩ tới cái việc “kinh khủng” này. Bởi vì, sau một thời gian giao thiệp với K, tôi thấy anh chàng này sống phóng túng, khó mà khép anh ta vào một khuôn khổ; còn tôi thì dĩ nhiên, sự nghiệp chẳng có gì, cần phải học ít nhất ba năm nữa cho xong cử nhân mới tìm việc làm đàng hoàng. Đời nào mẹ tôi chấp nhận.

N, gặp riêng tôi, nói tôi nên thực tế theo lối Mỹ, đừng có nghĩ theo kiểu Việt Nam, muốn bằng cấp này nọ, vô tích sự; ôm cái bằng cử nhân ra đời xứ Mỹ chưa chắc tìm được việc làm bằng một người “technician”. Cứ đi làm có tiền sống đã rồi dần học lên. Vả lại, nếu tôi lấy K. thì tôi sẽ có quốc tịch sớm, giúp cho tiền học phí của tôi nhẹ nhàng và được nhiều phúc lợi khác của xã hội Mỹ.

Tôi viết thư về cho mẹ, trình bày theo ý của N. Mẹ tôi quả là có óc thực tế, chấp nhân liền. Bà thấy rõ phí tổn tiền bạc rất lớn cho một du học sinh. Không biết N. thuyết phục thế nào mà K đồng ý. N. đúng là bà mai cho cuộc hôn nhân này.

Chúng tôi thành hôn và năm sau sinh bé Amelia. N. nói tôi cố gắng khép K vào nề nếp. Năm năm đầu chúng tôi có hạnh phúc trong hôn nhân.

Nhưng hầu như ngựa quen đường cũ; K chỉ chi tiền nhà hàng tháng còn bao nhiêu tiền bạc kiếm được cứ vung theo bạn bè; buổi chiều ít khi về nhà, cuối tuần miệt- mài trong vũ trường. Tôi muốn học cho xong BA để xin chân giáo viên mau có nghề tương đối ổn định, nên cố nhẫn nhục chịu đựng. Tôi gởi bé Amelia vào trường mẫu giáo để có thì giờ đi học.

Tôi không dám hé răng than thở với mẹ. May là năm sau, tốt nghiệp rồi, tôi xin được chân phụ giáo, sống đỡ, dù đồng lương khiêm tốn.

Tiền bạc eo hẹp không đủ nuôi con, tôi bật ra ý nghĩ thử quay lại nghề bánh cuốn xem sao. Thế là tôi âm thầm sắm đủ đồ nghề; ở trường về, tôi cặm cụi tráng bánh, rồi đem đi mời chào cô bác trong khu mobile home phần lớn là đồng hương Việt. Y như ngày xưa mẹ tôi vào nghề, bánh cuốn của tôi vừa rẻ vừa ngon, khiến dần dần cả khu mobile home đặt tôi làm. Tôi có đồng ra đồng vô; bèn nghĩ cách quảng cáo trên báo, kết hợp với xã giao, tôi được nhiều khách đặt hàng. Hóa ra nghề bánh cuốn của mẹ cứu tôi, chứ không phải cái bằng BA.

Thế là suốt năm năm cho tới khi Amelia mười tuồi, năm 2010, tôi có chồng mà như chẳng có chồng. Nhưng như có phép lạ, khi bé vào trung học, thì K bỗng mỗi buổi chiều trở về tỏ ra săn sóc mẹ con; nhưng tuyệt đối, tôi tránh việc chăn gối. Bản thân tôi thấy mình lạnh rồi; việc làm bánh cuốn để sinh nhai đã làm tôi mệt nhoài rã rời thân thể; mà tâm hồn tôi cũng không còn coi K như chồng nữa. Tuy nhiên sự hiện diện của anh mỗi tối cũng làm cho Amelia vui vẻ.

Tôi đi giao bánh hàng ngày ở nhiều địa chỉ, khiến tôi quen nhiều khách hàng mến tôi. Nhờ vậy tôi mới khám phá một việc “động trời “về K. Khách hàng chỉ cho tôi một căn nhà mà K hay lui tới vào ban chiều. Hóa ra K thuê căn nhà đó cho một cô bồ mà hình như đã có một đứa con trai. Tôi suy nghĩ đối chiếu hành xử của K, đi đến kết luận K. về nhà thăm bé Amelia chỉ là đóng kịch.  
 
Vì tương lai của bé, tôi cũng sẽ đóng kịch. Những bữa cơm chiều diễn ra có vẻ chan hòa đầm ấm. K hầu như không hề biết tôi đã khám phá ra chân tướng của anh. Nhưng cũng từ ngày đó, lòng tôi tan nát. Làm sao để tôi không suy sụp trước khi bé trưởng thành?. Tôi chỉ sợ tôi không giữ nổi vai kịch từ năm này sang năm khác.
 
K. không bao giở ở nhà ngày chủ nhật, viện cớ chủ nhật đông khách.Tôi dẫn bé Amelia vào một công viên và khám phá ra môt giòng suối có cây cầu xinh xinh. Trong khi bé vui chơi trên cỏ, tôi đứng tựa bên cầu nhìn giòng nước chảy.

Có lúc nước trong veo, có lúc hơi đục vì kéo theo vài cành lá mục; có lúc chảy xiết, có lúc lờ đờ; có lúc nước đầy gần chạm cầu, có lúc gần như cạn sát đáy, trơ cát. Mắt tôi cứ dán vào giòng nước, mà tâm tư tôi trôi theo đời tôi từ hồi sáu tuổi dọn bàn, sắp ghế bán bánh cho mẹ, san chai nước mắm, pha ớt thêm đường.đi giao hàng khắp phố phường, đi thi vào đại học, đi dạy tư kiếm thêm tiền…rồi qua Mỹ, lấy chồng……Tôi nhìn giòng tâm tư trôi đi, y như nhìn giòng nước dưới cầu; nước cứ chảy, cầu cứ thản nhiên nhìn xuống. Tôi bỗng thấy tâm tôi như cây cầu thản nhiên nhìn giòng đời.  Lòng tôi êm ả, bao nhêu buồn bã, phiền muộn tan đi. Tôi khám phá ra phương pháp đứng vững nhìn giòng dời. Tôi không còn buồn về chồng, không còn lo về con,

Tôi cảm thấy tự tin điều khiển giòng đời theo ý mình, không để cho ngoại cảnh chi phối.
 
Tôi thấy rõ tôi phải làm gì để tự cứu; không ai cứu tôi được.  Tiền kiếm được, tôi chắt-chiu dành-dụm; trong bảy năm tôi có tạm đủ số tiền để “down” một căn nhà kiểu townhouse hai phòng ngủ cho hai mẹ con; tôi không muốn phụ thuộc vào căn mobile của K nữa.

Tôi bí mật ra luật sư làm sẵn giấy tờ ly dị.

Khi con sắp hết lớp 12, tôi âm thầm “book” vé cho con rời gia đình sang tiểu bang khác vào đại học, dặn dò con kín tiếng không cho ai hay. Cha con cũng chẳng quan tâm con đã học đến đâu. Ngày mai thứ hai, khi con lên máy bay rồi, mẹ sẽ báo cho cha con biết, và mẹ sẽ dọn nhà ngay, trả lại ông ấy căn mobile home.

Bốn năm trước vào sáng chủ nhật bên cây cầu này, hai mẹ con tôi nói chuyện như thế. Tôi nhớ khi nói hết câu chuyện, Amelia òa khóc, ôm chặt lấy tôi, nói con không muốn đi đâu hết, không để mẹ một mình. Tôi an ủi, khich lệ con, nói tương lai của con là lẽ sống của đời mẹ, con phải can đảm ra đi.
                                          
********************
 
Tôi nhớ thứ hai buổi chiều, chồng tôi về, không thấy Amelia, tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi lạnh lùng mời anh ra phòng khách; tôi nói màn kịch đã chấm dứt; tôi biết từ lâu anh đã có phụ nữ khác hợp với anh, nhưng cám ơn anh đã đóng kịch khéo để cho Amelia an lòng học hết trung học, không bỏ lớp giở -dang; trong tám năm tôi đã cần lao tự lực mua được căn nhà riêng cho hai mẹ con rồi, ngày mai tôi sẽ dọn ra, trả lại căn mobile này mà không đòi hỏi gì; tôi sẽ thuê người lại làm sạch sẽ hoàn toàn; cám ơn anh đã cho mẹ con tôi tá túc bao năm. Hiện giờ Amelia đã vào cư xá sinh viên bên New York rồi. Đây là đơn ly dị, xin anh ký vào.

K. không nói một lời nào, anh lặng- lẽ ký giấy, rồi bỏ vào phòng. Nghĩ cho cùng, tôi không giận anh, vì hai chúng tôi chưa đủ tình yêu với nhau trước hôn nhân. Thì tôi đã nói, duyên nợ kiếp nào đã buộc chúng tôi vào nhau một thời gian.  
 
Bây giờ ngồi bên cầu, tôi giở xem xấp hình Amelia trong khuôn viên đại học. Nhin giòng nước êm đềm trôi, tôi cám ơn cây cầu và giòng suối đã giúp tôi đứng vững giữa giòng đời . Hồ sơ bảo lãnh mẹ tôi đã xong, tôi chờ ngày đoàn tụ với mẹ, vì bà nội tôi đã mất mấy năm nay rồi.
     
Amelia text cho tôi, nói con còn một tháng nghỉ ngơi trước khi vào khóa học, sẽ bay về ở với mẹ, sẽ cùng mẹ ra ngồi bên cầu bốn chủ nhật, vì mẹ đã đứng mấy trăm lần bên cầu rồi./.


Đào Ngọc Phong
California ngày 1 tháng 01 năm 2023

https://vvnm.vietbao.com/a247761/nguoi-dung-ben-cau

No comments:

Post a Comment