Bà ngồi co ro bên này
đường, chờ cho cửa hàng phía đối diện tắt điện, đóng sập cánh cửa sắt nặng nề
xuống mới chống tay vào gối đứng dậy, khó nhọc bước qua đường. Cánh cửa này có
mái hiên rộng, chủ nhà dễ tính, lỡ bà có ngủ quên dậy muộn thì người ta cũng
chỉ nhẹ nhàng gọi bà dậy, kêu bà đi chỗ khác để mở hàng chứ không quát mắng xối
xả, đốt vía như những chỗ khác. Vậy nên, mấy tháng nay rồi, dù đi xin ở xa hay
gần, bà đều trở về dưới mái hiên này để tá túc.
Ngồi xuống mái hiên bà
bắt đầu thở dốc. Chẳng hiểu sao mấy hôm nay bà thấy cơ thể mệt mỏi, rệu rã quá.
Cũng chẳng trách được. Bà đã ngoài 80. Nhiều người ở tuổi này có khi đã nằm
liệt một chỗ, con cái phải hầu hạ, phục dịch. Bà còn lê la khắp các phố để xin
ăn được coi như trời còn thương mà cho sức khỏe. Đôi khi bà nằm nghĩ ngẩn ngơ,
có khi trời thương bà, biết bà có ốm nằm liệt giường liệt chiếu thì cũng chẳng
có ai ngó ngàng tới nên ban cho bà sức khỏe.
Nhưng mà bà cũng mệt
lắm rồi. Cơn tức ngực kéo đến làm bà khó thở. Bà lôi trong mấy cái bao cũ mấy
tờ báo cùng vài tấm bìa cạt tông làm gối, quay mặt vào phía cánh cửa. Ác
thay trời lại lất phất mưa. Bà khó nhọc ngồi dậy, lôi ra cái áo mưa cũ quấn
quanh người. Mưa làm chân tay bà tê nhức. Bà không ngủ được. Bà lần tìm trong
nải một tấm ảnh cũ, ngồi khom khom quay lưng lại phía đường để nước mưa không
tạt được vào tấm ảnh. Bà nhìn tấm ảnh, lẩm bẩm như trò chuyện với một người
bạn.
- May mà ông ốm một
trận rồi đi luôn. Đi nhẹ nhàng thanh thản chứ không cũng lại phải lê lết ngoài
đường giống tôi. Mà chân ông yếu thế, đi làm sao được.
Bà đưa bàn tay vuốt
vuốt khuôn mặt trong tấm ảnh. Giọng đã bắt đầu nghẹn nước:
- Mà ông có thương
tôi, sao không cho tôi đi cùng ông với ông ơi...
Mưa bắt đầu nặng hạt.
Bà quấn tấm áo mưa chặt vào cơ thể, dí sát người vào cánh của mái hiên. Tiếng
mưa tạt vào tấm áo mưa lộp... bộp... lộp... bộp nghe lạnh buốt và tê tái.
*******
Bà cũng đã từng có một
mái nhà. Một mái nhà bình dị đơn sơ nhưng ấm áp, hạnh phúc. Nghĩ đến căn nhà cũ
bà nén tiếng thở dài tức nghẹn trong lồng ngực. Cất tấm ảnh vào sâu trong đáy,
ôm vào lòng, khép chặt tấm áo mưa cho khỏi ướt, bà quay người lại đối diện với
màn mưa. Đôi mắt già nua ướt nhoèn, mờ mịt những hồi ức cũ.
******
Ông bà cưới nhau được
chục năm mới sinh được đứa con gái nêu yêu chiều nó lắm. Hôm bà sinh con ở trạm
xá, ông mừng tới nỗi ôm con khóc tu tu như một đứ trẻ trước bao cặp mắt lạ lùng
của mọi người.
Ông chăm con từng li
từng tí, theo dõi từng ngày lớn lên của con. Đi học, những hôm mưa gió, ông
cõng nó trên lưng. Nó lớn lên một chút, ông tằn tiện mua cho con cái xe đạp
mini. Mấy chục năm trời, ông không dám mua một cái áo
mới, ai cho gì mặc nấy để khi nó vừa thành thiếu nữ, ông dành dụm đủ để xây một
căn nhà ngói nhỏ 3 gian. Ông bảo bà:
- Nó là con gái, ở nhà
lụp sụp quá, bạn bè đến chơi, nó mặc cảm.
Mưa càng lúc càng nặng
hạt hơn. Trong mưa, bà thấy khuôn mặt ông bừng sáng hạnh phúc. Bà không
thể nhầm được. Đó là khuôn mặt ông trong đám cưới con gái. Nhà rể ở ngay xóm
trên. Lúc lấy con gái bà, nó hãy còn là một chàng trai mới lớn, hiền lành, chân
chất và khỏe mạnh. Đám cưới con gái, khuôn mặt ông rạng rỡ mà mắt lại rưng
rưng. Ông nói, con gái đi lấy chồng, ông mừng lắm. Nhưng ông cũng buồn vì phải
xa con. Vẫn biết nó lớn thì phải rời xa vòng tay ông, phải lấy chồng mà sao ông
vẫn thấy hụt hẫng. Bà cười bảo ông chưa già đã lẩn thẩn. Nó lấy chồng ngay xóm
trên, cách có độ mươi phút đi bộ mà ông cứ như thể gả con gái đi lấy chồng ở
tận đẩu tận đâu. Ông cũng cười bảo không biết tại sao ông lại yếu mềm hơn cả
bà.
Cơn họ kéo đến như
muốn xé toang lồng ngực. Bà chống tay vào cửa, ho rũ rượi rồi đưa tay đấm nhẹ
vào ngực. Cơn ho dứt, bà thở dốc. Lúc bà ngước lên, bóng ông trong mưa đã biến mất. Bà lẩm bẩm:
- Cũng may là ông đi
trước khi mở đường qua nhà. Chứ không thì…
Ông ốm một trận rồi
đi. Nhẹ nhàng như không còn vương vấn điều gì trên cõi đời này nữa. Bà thui
thủi một mình. Thấy thế, đứa con gái bàn với bà:
- Nhà chồng con tới 3
anh em trai, chật chội lắm. Hay u cho bọn con về đây ở, cũng là để sớm hôm đỡ
đần u…
Bà mừng rỡ đồng ý
ngay. Ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu. Bà già rồi, thui thủi một mình cũng cô
quạnh. Bà cũng muốn được quay quần với con cháu. Bà chỉ có mỗi đứa con gái,
được sống cùng vợ chồng con cái nó thì còn gì bằng. Có gì chúng nó chăm sóc bà,
bà lại đỡ đần vợ chồng nó chuyện cơm nước, con cái. Chúng nó ở với bà, chắc nơi
chín suối ông cũng mát mẻ, thanh thản.
Bà chỉ có mỗi một đứa
con gái. Bà không bù trì, vun đắp cho nó thì để cho ai. Bà chết đi cũng có mang
theo được đâu. Vậy mà đứa con gái bà mang nặng đẻ đau lại bàn mưu cùng chồng
đẩy bà ra đường.
Bà già rồi, chỉ quanh
quẩn ở nhà cơm nước và chăm mấy đứa cháu, có biết gì đến chuyện đất cát mà hàng
xóm xì xào bàn tán đâu. Con gái và con rể thì thụt những gì, bà cũng chẳng
biết. Chỉ thấy một buổi nhập nhoạng tối, đứa con gái chìa trước mặt bà tờ giấy:
U ký vào đây đi. Chỗ
cuối tờ giấy này để xác nhận diện tích đất nhà mình. Ít nữa họ xây đường qua
đây họ còn đền bù u ạ.
Bà nghe ờ ờ, cạc cạc.
Mắt kém, lại tin tưởng con, cộng với việc bà ngại mấy thứ liên quan đến giấy tờ
nên ký luôn mà không đọc lại. Mãi đến khi người ta đến lấy nhà, chồng cho vợ
chồng con gái bà một đống tiền, số tiền mà cả đời 2 ông bà cũng chưa từng nhìn
thấy thì bà mới biết chúng nó lừa bà ký giấy để bán nhà. Nhưng nước mắt chảy
xuôi, bà nghĩ cái nhà đấy cuối cùng cũng để cho chúng nó, đất đang sốt, chúng
nó bán cũng là hợp lý.
Hai vợ chồng đứa con
gái mua một miếng đất ở trong xóm, xây một căn nhà 2 tầng khang trang. Nhưng
rồi từ lúc có tiền, tính tình thằng con rể bắt đầu thay đổi. Nó ham mê rượu
chè, bồ bịch. Lúc đầu bà còn ngại “rể khách” nên nói nhẹ nhàng, bóng gió, sau
dần những lời đồn thổi càng nhiều, vợ chồng nó suốt ngày đánh chửi nhau, bà góp
ý thẳng thắn với con rể. Nó không nghe, một lần uống rượu say còn đánh bà gãy
tay, bị đưa lên xã phạt tiền. Sau vụ đó, nó càng hằm hè với bà hơn. Vợ nó, con
gái bà cũng vào hùa với chồng, trách móc bà làm vợ chồng nó mất tiền, làm nhà
nó xấu mặt với hàng xóm. Những lời bóng gió xa xôi về việc bà ở nhờ tăng dần.
Những bữa cơm chúng nó cố tình ăn trước không gọi bà ngày một nhiều. Tủi thân,
bà quyết định gửi ông lên chùa rồi bỏ làng đi lang thang trong một đêm mưa gió,
bắt đầu những ngày vất vưởng xin ăn.
Bà xách theo một cái
bị nhỏ, một tấm áo mưa và tấm ảnh của ông. Hàng ngày bà lê la khắp các phố xin
ăn. Tối đến lại về cái mái hiên này ngủ nhờ. Bà cứ trông ngóng, mòn mỏi hy vọng
sự ra đi của bà sẽ khiến vợ chồng đứa con gái hối hận mà nghĩ lại đi tìm bà.
Nhưng 1 năm, 2 năm rồi 5 năm lê la khắp phố xá rồi mà chưa một lần bà nghe
phong thanh gì về tin tức chúng đi tìm bà. Cũng có lần, bà lén về làng, đứng
trước cửa nhà vợ chồng nó, thấy hai đứa nó vẫn vui vẻ, không một chút áy náy,
bà lại lặng lẽ ra đi.
Mưa như trút nước. Bà
cảm thấy cơ thể rệu rã, không còn chút sức lực nào nữa. Bóng ông lại hiện ra
trong mưa, mỉm cười hiền hòa nhìn bà. Ông đưa tay về phía bà. Bà biết thời khắc
này cuối cùng cũng đến. Bà cố chút sức lực cuối cùng, lê người về phía khoảng
giữa mái hiên bà trú với căn nhà bên cạnh. Nhà người ta là nhà làm ăn tử tế, bà
không muốn chết trước cửa của cửa hàng, không muốn cái chết của mình phiền hà
đến họ.
Ông bước đến gần bà,
cúi xuống. Bà run run đưa cánh tay lên. Thanh thản, nhẹ nhàng, bà theo ông. Mọi
oán hận, trách móc của cuộc đời bà bỏ lại phía sau, nơi kiếp người trên dương
thế.
Sáng sớm, người ta
phát hiện xác một cụ già nằm ở khoảng trống giữa hai căn nhà. Bà chết trong một
tấm áo mưa trùm kín người. Nhưng trên môi còn phảng phất một nụ cười.
Đào Thu Hà
No comments:
Post a Comment