Sunday, October 8, 2023

Hoa Xuyến Chi - Nguyễn Thảo Nguyên


Tôi trả số và nhấn đạp chân ga. Chiếc xe tải giật mạnh, rú lên nhưng vẫn không nhích thêm. Nhìn vào kính chiếu hậu, tôi thấy có những mảng đất bùn bị bánh xe quay cày lên và bắn về phía sau. Chiếc xe bị lún dần xuống, nghiêng lệch phải. Ngay lập tức tôi nhận ra sai lầm tai hại của mình.

Con đường quá quen thuộc thường ngày đã làm tôi chủ quan mà không biết rằng suốt đêm qua, ở đây đã có trận mưa giông rất lớn khiến đường trở nên trơn nhão. Gió giật làm một cây me tây to ven con đường đá đỏ dẫn vào nông trường bật gốc. Tôi cho xe vòng một chút về phía phải để tránh tàn cây đổ đang nằm choán hơn nửa mặt đường, trong sự tin tưởng vào địa hình quen thuộc cũng như kinh nghiệm của 15 năm ngồi sau vô lăng của mình. Hậu quả xảy ra. Hai bánh bên phải xe bị đưa ra khỏi mép đường và sụp xuống ruộng. Lực quán tính kéo theo bánh sau bên trái trượt vướng vào chỗ trũng trên mặt đường. Tôi cũng đã quên là trong thùng xe còn có cái máy trộn thức ăn cho bò, cùng một số thiết bị khác mà tôi đang chở từ công ty vào để trang bị thêm cho nông trường.


Chiếc xe nghiêng chắc chắn làm các máy móc trên thùng chuyển dịch và khối lượng khoảng 4 tấn của cả xe, người cùng thiết bị bây giờ phần nhiều dồn lên hai chiếc bánh bên phải đang bị lún. Sự lo lắng trong tôi chuyển thành nỗi ân hận khi liếc nhìn sang bên cạnh. Hạnh, con gái tôi đang ngồi bấu chặt tay vào thanh nắm phía bên trong cửa xe. Đôi mắt nó hoảng hốt. Tôi trấn an: “Không sao. Đừng sợ, con!”. Nó cười. Nụ cười gượng gạo của niềm tin còn rất mỏng manh vào khả năng xử lý tình huống hiện tại của ba nó. Tôi thầm trách, phải chi mình cẩn thận hơn và sáng qua đừng đưa con gái theo xe ra thành phố thì bây giờ nó đã không bị hoảng sợ trong nguy hiểm, tôi sẽ dễ xử lý hơn nếu chỉ có mỗi mình trên xe. Tôi nghĩ đến việc chồm qua ôm người nó tháo dây an toàn rồi mở cửa xe để hai cha con ra ngoài. Nhưng bây giờ cả phương cách ấy cũng bị coi là liều lĩnh vì mọi chuyển dịch trên xe đều có thể làm tăng sức nặng về phía xe đang lún khiến nó nghiêng hơn, có thể lật.


Rất may, tiếng rú ga và tiếng kèn xe hoảng loạn mà tôi tạo ra trước đó đã làm cho cánh thợ đang xây một ngôi nhà gần đó để ý. Họ lao tới và cuối cùng mọi việc đã được giải quyết. Chiếc xe được kê ổn định vị trí để tôi mở cửa cho con ra ngoài và được đẩy lên. Tôi đang loay hoay vỗ về con gái thì nghe tiếng quát từ phía sau lưng:

– Chú làm cái gì vậy? Bộ điên hả?

Tím đang hớt hải chạy đến với đôi mắt đỏ hoe và giằng lấy Hạnh khỏi tay tôi. Cô đang xúc động mạnh. Tiếng quát của cô cũng làm đứt luôn sợi tơ mỏng manh của niềm tin ở con Hạnh vào ba nó và nỗi hoảng sợ tích tụ giờ có dịp bộc phát. Nó úp mặt vào người của Tím khóc mùi mẫn. Tím cũng mếu máo:

– Làm gì thì chú cũng suy nghĩ cho con chứ! Nếu lỡ nó có bề gì thì chú ăn nói sao với cô đây?

Tím nói đúng. Tôi đã thiếu suy nghĩ cho con của mình. Tôi cũng đã quên lời hứa với vợ sẽ bảo bọc để con gái không gặp phải điều bất hạnh. Hơn 10 năm nay, tôi xin công ty cho làm thêm vào thứ bảy, chủ nhật để tăng chút thu nhập lo cho con. Hôm qua tôi chở một số vật dụng từ nông trường về công ty để chiều nay đưa thêm máy móc, thiết bị mới vào thay thế và bổ sung cho nông trường. Tận dụng buổi sáng chủ nhật ở thành phố, tôi muốn đưa con gái đi chơi vài nơi đồng thời mua sắm một ít quần áo và đồ dùng học tập chuẩn bị cho nó vào năm học lớp 6. Có ngờ đâu chỉ một thoáng thiếu thận trọng, tôi để xảy ra cớ sự. Nhìn hai chị em đang ôm nhau khóc, tôi xót xa nhớ đến vợ.

******

Tốt nghiệp cao đẳng ngành cơ khí, tôi học lấy bằng lái xe ô tô tải rồi xin vào làm ở một chi nhánh thuộc công ty sữa của khu vực. Ngoài việc ở công ty, tôi thường đến trại bò sữa của các nông trường cùng cơ sở chăn nuôi có liên hệ với công ty để chở sữa thu hoạch về xưởng chế biến hoặc sửa chữa máy móc theo yêu cầu của các nơi đó. Tôi quen Huyền vào cuối một buổi sáng, khi đang trên đường đến nông trường Thắng Lợi. Năm ấy tôi được 23 tuổi, vừa đúng 2 năm vào công ty. Trời mưa tầm tã. Trên đường, cô giáo cùng đứa học trò nhỏ đang đẩy chiếc xe máy bị hỏng. Tôi dừng lại, mặc vội bộ đồ đi mưa rồi nhảy xuống định xem để sửa dùm cô. Chiếc xe bị nặng, phải sửa lâu và có thể thay cả phụ tùng. Đoạn đường vắng người lại không một cửa hàng hay tiệm sửa xe nào. Tôi nói:

– Xe bệnh nặng lắm không thể sửa xong lúc này được. Nhà cô gần đây không?

– Dạ, khu tập thể giáo viên gần nông trường Thắng Lợi.

Hóa ra nơi cô ở chỉ xa hơn vài trăm thước so với nơi tôi đang định đến. Tôi điều khiển máy cho hạ bửng chắn thùng xe tải và đề nghị:

– Tôi đang đi đến nông trường, cũng tiện đường. Thôi, cứ đưa xe lên tôi chở đến đó. Đoạn đường còn lại tuy không xa lắm nhưng phụ nữ dầm mưa đẩy xe thế này tôi liệu cô không đủ sức.

Không chờ trả lời, tôi đưa chiếc xe của cô vào bửng và cho máy vận hành chuyển lên thùng xe tải để dựng buộc lại. Chuyện trò trên xe khi cả 3 người ngồi vào cabin, tôi biết được Huyền tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm của tỉnh và đã ra dạy được 4 năm tại trường trung học cơ sở Thị trấn. Nhà cha mẹ cô ở một xã vùng sâu của huyện, cách nơi cô công tác gần 30 cây số đường bộ nên cô chọn ở tập thể để tiện công tác.


Từ đó mỗi cuối tuần khi tôi có dịp vào nông trường, chúng tôi thường hẹn hò với nhau. Có lần, Huyền kể tôi nghe về hoàn cảnh của Tím, cô bé học trò đã cùng dầm mưa đẩy xe với cô giáo.

Má của Tím là công nhân nông trường từ những ngày đầu thành lập, khi ấy chỉ mới là một trại chăn nuôi. Không biết dì đã ăn nằm với ai đó đến mang thai nhưng người đàn ông không ra mặt. Dì cũng không kể khi tổ chức và những người quen gạn hỏi, chỉ một mình âm thầm sinh đẻ và nuôi con. Đến năm con Tím 9 tuổi đang học lớp 3, dì bệnh mất. Thương hoàn cảnh đồng thời nghĩ công sức đóng góp của dì với nông trường nên công đoàn cơ quan nhận trợ cấp cho Tím ăn học, dự định đến khi nó trưởng thành. Lúc con bé vào cuối cấp tiểu học, cũng vừa lúc Huyền ra trường về dạy ở gần. Biết hoàn cảnh của Tím, lại chỉ một mình trong căn phòng của khu tập thể giáo viên nên Huyền đã xin Ban quản lý nông trường cho Tím sang ở cùng để tiện kèm cặp, giúp đỡ nó.

Huyền nói:

– Tím thương em lắm. Em biết trong thâm tâm nó xem em không chỉ là cô giáo mà còn như mẹ nó vậy. Con mồ côi sớm nên biết tự lo, lại ngoan mà hiểu chuyện nữa, anh à!

Một lần, vào buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của Tím:

– Chú cố gắng giải quyết việc ở công ty rồi vô sớm nghen! Mình chuẩn bị làm sinh nhật cho cô sáng nay.

Thú thật khi ấy, về chuyện này tôi có phần vụng về và thiếu tâm lý. Cũng từ hôm đó tôi bắt đầu quan tâm đến những ngày kỷ niệm của người thân. Tôi xin phép công ty vào nông trường kết hợp công tác. Giải quyết xong một số việc, tôi chạy vội sang khu tập thể nơi Huyền ở.

– Cô đi dạy rồi, đến hết tiết 4 mới về.

Tím nói nhanh khi nhìn thấy tôi. 

– Mà hôm nay cũng vào ngày học của Tím mà?   

Tôi thắc mắc. Con bé cười:

– Tím muốn dành bất ngờ cho cô nên sáng nay nói dóc rằng Tím bị chóng mặt nhờ cô vô trường xin phép dùm. Thôi! Chú cháu mình lo làm nhanh cho kịp!

Tôi nhìn thấy nồi cháo đang sôi trên cái bếp ga mini. Trên bàn còn có xôi, một nồi chè và con gà luộc chín đã được vớt ra. Tôi bước ra sau xem có còn ai không rồi tự thắc mắc vì sao cô bé mới 15 tuổi, một mình trong nhà chưa đầy buổi sáng mà có thể làm bao nhiêu việc. Như hiểu được suy nghĩ đó của tôi, Tím nói:

– Chiều tối qua, Tím nhờ mấy cô bên nông trường mua gà về làm bên ấy. Sáng, mấy cổ dậy sớm nấu xôi, chè và đi chợ mua thịt dùm. Bây giờ cháo gà Tím đã nấu rồi, chỉ còn xào thịt nữa là xong. Chú không cần phải làm gì đâu. Tại Tím muốn báo sớm để chú chủ động giải quyết công việc rồi vô cho kịp. Hay chú giúp kê lại bàn ghế cũng được!

Con bé luôn miệng nhưng không ngơi việc của mình. Nhớ lại lời Huyền khi kể về hoàn cảnh của Tím, tôi thầm nghĩ: “Đúng là con mồ côi sớm có khác.”

Tôi làm theo yêu cầu của Tím. Nhìn thấy mớ bông gồm cả xuyến chi cùng bồ công anh đã được cắt sẵn để trên bàn và bên cạnh là một chiếc lọ, tôi bước đến cắm những cành hoa dại vào lọ trong suy nghĩ cũng xem như tập làm. Tím nói:

– Không phải như vậy. Để Tím chỉ cho chú!

Nó cầm lên vài nhánh xuyến chi có hoa trắng tinh xen lẫn các nhánh hoa bồ công anh màu vàng ngắn hơn, xếp sửa tạo sự cân đối về màu sắc và lá, hoa. Sau đó nó tước mỏng một đoạn dây nylon để buộc lại rồi giấu khuất mối dây. Trước khi đặt bó hoa vào chiếc lọ đã có sẵn nước, con Tím kéo hộc bàn cắt một đoạn của cuộn vải băng nhỏ màu xanh cuốn tạo hình một cái nơ buộc vào mặt trước bó hoa. Xong, nó mỉm cười nhìn tôi:

– Tím học cài nơ cho hoa từ cô đó. Cô nói những loài hoa dại vốn bị thiệt thòi do mọc nơi hoang dã, quê mùa dù không được nhiều người để ý nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thuần khiết. Do vậy chúng cũng xứng đáng được chăm chút để trở nên lộng lẫy như các loài hoa khác ở chốn đông người.

– Đúng là đẹp thật!

Trả lời Tím, tôi nghĩ đến khoảng đất cạnh khu tập thể giáo viên mọc nhiều cây bồ công anh và nhất là xuyến chi. Hẳn Tím đã cắt những nhánh hoa từ đó. Tôi biết tên các loài cây này từ Huyền ở một buổi sáng cuối tuần cùng đi dạo, khi ấy hai bên đường gần nông trường dẫn ra lộ lớn nở đặc những cánh hoa trắng, vàng xen nhau. Cô bảo từ lâu mình rất thích hai loài cây dại này bởi chúng có sức sống rất mạnh, có thể phát triển cả ở những nơi khô cằn, khắc nghiệt. Huyền nói:

– Nhìn những cánh hoa xuyến chi nhỏ trắng nuốt hay những hạt bồ công anh mang chùm lông tơ trắng mịn phát tán dưới ánh nắng, ta có cảm giác như đang nhìn những chòm sao, đặc biệt là lúc mặt trời lên, khi những cánh xuyến chi còn đọng sương.


Sau 2 năm quen nhau, tôi cưới Huyền. Đó cũng là thời điểm Tím vào học lớp 10 trường huyện. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Tím không muốn làm hồ sơ vào đại học mà xin làm việc ở nông trường Thắng Lợi. Nó giải thích khi biết điều đó làm vợ chồng tôi không vui:

– Từ nhỏ, Tím đã quen với không khí nông trường rồi. Bây giờ Tím muốn làm các công việc mà trước đây má đã gắn bó và điều quan trọng là Tím thích. Cũng xem như trả ơn nông trường đã cưu mang mình.

Lúc này Hạnh, con gái chúng tôi được 3 tuổi. 3 năm sau nữa một biến cố lớn đã đến với gia đình tôi. 2 tuần trước sự cố, nông trường có nhập về 50 con bò sữa giống Holstein từ Hà Lan. Lẽ ra đó chưa phải là thời điểm nhập bò vì đang mùa mưa, nhiệt độ và độ ẩm không khí tại khu vực nông trường rất cao sẽ làm mất nhiều công sức trong việc tạo ra sự thích nghi ban đầu cho các giống bò ngoại nhập. Nhưng do sơ suất của người đi thương thảo và làm hợp đồng nên bò về nông trường sớm hơn vài tháng so với dự tính. Thời gian này, Tím là người trông coi cắt trộn thức ăn cho bò đồng thời được giao thêm việc theo dõi, chăm sóc trại bò giống mới nhập. Sau 10 ngày đưa bò vào trại, một trận mưa rất lớn kèm theo sấm sét và gió lốc đã thổi bay gần như toàn bộ các tấm lợp của mái che trại. Hôm sau, nông trường phải chuyển 50 con bò này sang nhà kho, cạnh khu đất rộng trồng cỏ để nhanh chóng lợp lại trại. Công việc chưa kịp hoàn thành thì xuất hiện thêm một cơn mưa giông mới. Sấm sét làm cho một số con bò vốn đã hoảng loạn ở trận mưa trước không chịu được trạng thái căng thẳng, chúng vượt chạy ra khỏi nhà kho gây nên hiệu ứng dây chuyền. Dù những công nhân của nông trường cố gắng chặn cửa nhưng vẫn để sổng gần 10 con lạc vô khu trồng cỏ. Những đám cỏ voi cao hơn 2 mét chưa thu hoạch đã che khuất những con bò lẫn vào đấy.


Chiều đó trên đường đi dạy về, Huyền bất ngờ nghe tiếng bò kêu và nhìn thấy bên bờ khu trồng cỏ nông trường sát con rạch Muồng ở gần lộ, có vài con bò mà trong đó có một con đang bị sụp bờ rạch. Huyền cố hét gọi người của nông trường nhưng những tiếng gọi của cô bị hòa lẫn vào sấm giông. Lúc này hai chân sau con bò bị sụp bờ đang lún dần xuống do sức nặng của nó. Không có dây, Huyền cởi và quấn vội chiếc áo mưa đang mặc rồi choàng qua hai chân trước, sát vùng nách của con bò để kéo giữ nó. Khi các công nhân kịp chay đến đưa con bò lên thì bất ngờ Huyền quỵ xuống. Có đôi rắn lẫn nhanh vào gốc của các đám cỏ voi. Trong lúc níu giữ bò, chân Huyền đã vô tình dẫm lên hang của chúng. Không cứu được Huyền. Các bác sĩ kết luận lượng chất kịch độc nhiều từ 2 con rắn đã gây tác dụng lên cơ thể cô quá nhanh.


Tôi bị sốc nặng từ cái chết của vợ lại cảm thấy bế tắc chuyện gia đình. Lúc này Hạnh được 6 tuổi vào học lớp 1. Lãnh đạo trường trung học cơ sở Thị trấn thông cảm hoàn cảnh để chúng tôi tiếp tục sử dụng căn phòng trong khu tập thể giáo viên. Công việc của tôi chủ yếu phụ trách kỹ thuật máy móc tại công ty và thường xuyên lái xe đi quan hệ công tác ở các nông trường, cơ sở chăn nuôi. Không thể đưa con gái còn quá nhỏ ra thành phố nên tôi dự định xin chuyển công tác vào hẳn ở nông trường Thắng Lợi, nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc của bản thân tôi và công ty. Biết được sự việc, Tím nói:

– Chú cứ an tâm ở ngoài công ty mà không phải thay đổi gì cả. Tím sẽ sang ở và lo cho bé Hạnh như ngày xưa cô đã làm với cháu vậy thôi. Ở đây còn nhiều thầy cô của khu tập thể và cả những người bên nông trường nữa. Suy cho cùng đối với cái chết của cô, phía nông trường cũng có phần trách nhiệm.

Dần dần tôi thấy an tâm vì Tím đã chu toàn được tất cả. Vài năm sau, có đợt công ty cử tôi cùng một kỹ sư đi dự lớp bồi dưỡng chuyên môn để về hướng dẫn lại cho cán bộ kỹ thuật tại các nông trường và trại chăn nuôi. Mất gần 3 tháng, tôi mới có dịp ngồi kiểm tra lại tình hình học tập của con. Mọi việc đều tốt. Con Hạnh còn nói:

– Ba cứ yên chí đi! Có cô Tím lo cho con hết rồi.

“Cô Tím?” – Tôi thầm ngạc nhiên vì trước đây Tím và Hạnh gần gũi, xưng hô chị em với nhau chứ không như lời của con Hạnh vừa rồi. Tôi nhìn Tím lúc này chuẩn bị trở về nông trường; những hôm có tôi về đây, cô đều trở về nghỉ ngơi bên ấy. Có vẻ như Tím đang không chú ý điều gì. Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị đến công ty cùng lúc Tím sang để đưa Hạnh đi học, cô nói như vô tình:

– Mấy tháng nay con Hạnh chuẩn bị thi vào cấp 3, hàng đêm Tím kiểm tra và dạy kèm thêm cho nó. Chắc cũng do nó quen miệng gọi người dạy nó là thầy hay cô vậy mà.

Thời gian trôi nhanh, con gái tôi tốt nghiệp phổ thông trung học và trúng tuyển đại học. Buổi chiều trước ngày đưa nó vào trường mới, cha con tôi cùng Tím ra thăm mộ Huyền. Hai cô cháu đi cắt những cành hoa xuyến chi bó lại, thắt nơ rồi đặt lên mộ. Xong, Hạnh tiếp tục nhặt cỏ quanh mộ mẹ. Tôi với Tím ngồi bên nhau trong ánh nắng chiều và yên lặng hồi lâu. Thật lạ lùng, ở cái tuổi ngoài 40, tôi từng lăn lóc trong công việc và giao tiếp với nhiều thành phần cứ nghĩ mình từng trải, hoạt bát. Vậy mà cuối cùng chính Tím mới là người mở lời:

– Sắp tới bé Hạnh đi học xa rồi. Căn phòng tập thể cũng trả lại cho trường, chắc chú ít khi về nông trường này nữa?

Tôi biết Tím đang buồn. Dù gì thì Tím cũng đã có nhiều kỷ niệm với chúng tôi suốt 20 năm qua, nhất là cô đã có 12 năm gắn bó, thương yêu Hạnh với tình cảm của một người chị vừa như một người mẹ. Nói lời an ủi Tím nhưng không hiểu sao lúc này, tôi lại không dám nhìn vào đôi mắt của cô:

– Nhưng mình cũng còn gặp lại nhau mà! Vì công việc, tôi vẫn phải vào nông trường.

– Dạ! Đúng rồi. Sẽ còn gặp nhau vì công việc.

Tôi nghe có gì cay đắng trong câu nói vừa rồi của Tím. Thật ra trước đây, khi lần đầu tiên nghe con gái gọi Tím bằng “cô”, tôi đã mơ hồ cảm nhận dường như đã có sự thay đổi nào đó trong tâm tư của Tím. Nhưng chỉ mơ hồ thôi, tôi không dám nghĩ nhiều. Mặc dù có những buổi chiều cuối tuần khi tôi về với con gái ở khu tập thể giáo viên, nhìn Tím quay lưng trở sang nông trường tôi thấy như mình vừa có sự mất mát. Tôi không dám nghĩ nhiều vì giờ cô như một đóa hoa xuyến chi trắng tinh khôi, dù mọc nơi hoang dã nhưng đã cố vượt qua số phận để vươn lên và luôn giữ được sự thanh khiết. Tôi sợ rằng cuộc đời phong trần với tâm tư nặng mang định kiến về sự thất bại và rủi ro của bản thân mình sẽ làm vấy bẩn sự tinh khôi ấy. Cả lúc này đây, tôi vẫn muốn nói với cô: “Không phải chỉ vì công việc. Trong tình cảm, tôi vẫn luôn mong thường xuyên đến nông trường để gặp em” nhưng tôi vẫn không thể nói được. Dường như Tím đang quay sang nhìn tôi:

– Chú biết Tím thương hoa xuyến chi nhất ở điểm nào không? Đó là khả năng chịu đựng của nó. Dù ở nơi trống trải hay bị che khuất, dù mọc đơn độc hay trong sự chung đụng với những loài khác, dù khi hạn khô hay lúc mưa dầm, nó vẫn cố sống và vươn lên với nguyên đặc điểm vốn có mà không hề thay đổi hay lai tạp.

Dừng một lát Tím nói tiếp, giọng xúc động:

– Có câu ca dao nói về loài hoa dại này mà Tím đã được đọc: “Chàng về hái đóa xuyến chi. Sang nhà để rước thiếp đi cùng chàng. Xuyến chi bông trắng nhụy vàng. Chàng nghèo nhưng thiếp thương chàng, chàng ơi!”

Cố nén bối rối, tôi quay sang nhìn Tím định nói gì đó để an ủi cô. Thật bất ngờ, Tím ngả đầu lên bờ vai của tôi. Nhưng cũng thật nhanh, cô trấn tỉnh rồi vội đứng lên:

– Thôi! Mình về, chú. Hạnh ơi! Mình về, con.

Tím quay lưng bước nhanh. Tôi biết cô khóc.

******

Tôi thả chậm chiếc xe jeep để hai cha con cùng quan sát kỹ các cánh đồng chiều quanh khu vực nông trường Thắng Lợi. Buổi sáng khi tôi chuẩn bị đến trạm cơ khí của công ty kiểm tra việc sửa chữa các thiết bị hỏng từ các trại và nông trường gửi về, Hạnh nói:

– Con đi với! Xong, hai cha con mình về nông trường thăm mộ mẹ luôn.

Nó vừa kết thúc năm thứ 2 đại học về hè mấy ngày, mốt phải trở lại trường tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”. Nghĩ là xong việc sớm, ai dè có nhiều phát sinh cho đến gần giữa buổi chiều cha con mới rời xưởng được. Tôi mượn chiếc xe jeep của xưởng để dễ xoay trở vì đang giữa mùa mưa, có vài đoạn đường đất không tốt do xe ben và máy cày thường đi qua. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, tôi và con gái mới cùng nhau đến thăm mộ mẹ nó, kể từ lần chúng tôi đi với Tím trước khi Hạnh vào đại học. Tết và hè năm ngoái Hạnh về nông trường thăm Tím và hai cô cháu cũng đã đi thăm mộ. Khi có việc vào nông trường, thu xếp xong tôi thường một mình đi thăm Huyền. Những lúc ấy dù tươi hay héo, tôi đều thấy có bó hoa xuyến chi buộc nơ xanh đặt trước mộ. Theo lời những người quen thân với vợ chồng tôi ngày xưa, thì gần như cuối tuần nào Tím cũng thăm mộ cô giáo. Tôi vẫn thường gặp Tím tại nông trường nhưng cũng chỉ vài câu hỏi thăm sức khỏe, công việc. Những lúc ấy, Tím luôn viện lý do gì đó để tránh né tôi.

Do chiều muộn nên trên đường đi tôi nói với con gái là thăm mộ mẹ nó xong, hai cha con sẽ quay về thành phố mà không ghé nông trường. Trên bờ đất hai bên đường vào nông trường lúc này, những đám xuyến chi nở trắng hoa. Tôi dừng xe. Đã có cơn mưa nào đó vừa đi qua còn để lại những giọt nước đọng trên những cánh hoa. Dưới gió và ánh nắng chiều, đúng như Huyền đã từng nói, những cánh hoa xuyến chi nhìn như những chòm sao lung linh. Tôi lại hướng mắt sang nơi năm nào cha con tôi bị sụp bánh xe xuống ruộng. Hôm đó tôi đã bị Tím quát trách vì thiếu cẩn thận suýt gây họa cho con. Hình ảnh gương mặt mếu máo của Tím khi ấy cùng những giọt nước mắt của cô lúc quay lưng trở về ở buổi đi thăm mộ Huyền, hôm con gái tôi chuẩn bị vào đại học cứ luôn hiện lên mỗi khi tôi nghĩ đến cô. Từ xa, có vài tốp công nhân đang rời nông trường.

Tôi đưa tay định vặn chìa khóa để mở máy xe đi tiếp thì có tiếng của Hạnh:

– Ba ơi!…

Tôi quay sang con gái. Nó đang nhìn thẳng vào mắt tôi:

– Ba không quên được cô Tím phải không?

Tôi bối rối giống như một người đang lén lút làm một điều gì đó bị phát hiện, cũng không thể ngờ rằng con bé hỏi đột ngột và thẳng thắn như vậy.

– Con biết ba không quên và cô ấy cũng không thể quên ba. Sao hai người phải tự làm khổ nhau như vậy? Mẹ mất lâu rồi. Xưa mẹ rất yêu ba, vì vậy con nghĩ vong linh mẹ không muốn nhìn thấy ba đau khổ. Mẹ cũng yêu cô Tím chắc hẳn cũng mong cô có hạnh phúc.

Dừng một chút, nó nói tiếp:

– Con cám ơn ba với cô đã mười mấy năm nay thay mẹ chăm lo cho con. Nhưng bây giờ con đã lớn rồi. Ba và cô đừng tiếp tục vì con mà đánh mất hạnh phúc có thể có được trong phần đời còn lại của mình.

Hạnh khóc. Tôi chồm sang xoa đầu con gái. Nó cầm lấy tay tôi rồi áp má vào. Hai cha con yên lặng hồi lâu. Tôi đang cảm nhận niềm hạnh phúc trong suy nghĩ con gái mình giờ đã thật sự lớn.

– Ba ơi! – Hạnh lại nói – Giờ ba đến với cô nghe ba! Đi thăm mộ mẹ xong, tối nay ba con mình sẽ ngủ lại ở nông trường.

Rồi con bé buông tay tôi ra và chồm sang nhìn gần vào mặt tôi:

– Nghen ba!

Nó đang với nụ cười muốn lấy lòng người đối diện. Đôi mắt nó hơi nheo lại làm duyên và phản chiếu ánh nắng chiều đang xuyên qua cửa xe chiếu vào, trông rất đáng yêu.

Và tôi đã không cưỡng được nụ cười với nó.


Nguyễn Thảo Nguyên

No comments:

Post a Comment