Trung Quốc vẫn là đối tượng được các báo Pháp chú ý nhiều. Le Figaro
tiếp tục loạt bài trong hồ sơ lớn: « Trung Quốc đối mặt với thế giới »,
điểm lại những mối quan hệ phức tạp giữa nước này với thế giới bên ngoài
từ xa xưa cho đến giờ, với cú sốc lớn đại dịch Covid 19. Bài viết trong
số báo hôm nay mang tiêu đề: « Lịch sử của các virus có nguồn gốc ở
Trung Quốc ».
Le Figaro ngược dòng thời gian cho biết từ thời Trung cổ đến giờ, Trung Quốc nợ thế giới này 2 đại dịch hạch và bốn đại dịch cúm, trong đó gần đây nhất là hai trận dịch virus corona. Lớn nhất là đại dịch hạch từ thế kỷ thứ 14, phát tích từ Trung Quốc, lan đến châu Âu theo con đường tơ lụa làm 25 triệu người ở lục địa này thiệt mạng trong khoảng thời gian từ năm 1347 đến 1352.
Không chỉ là chuyện lịch sử mà khoa học đã chứng minh « đại đa số các đại dịch do virus, cúm hay virus corona đều có nguồn gốc từ Trung Quốc », như khẳng định của Bruno Lina, nhà nghiên cứu virus học thuộc hệ thống bệnh viện CHU của Lyon, Pháp, được Le Figaro trích dẫn.
Trung
Quốc đang cố công vô ích viết lại lịch sử để mọi người quên đi đất
nước này là nguồn gốc trận đại dịch đầu tiên làm đình trệ hoạt động toàn
cầu. Thế nhưng Le Figaro nhấn mạnh, không chỉ có Covid-19, nếu trở
ngược lại lịch sử dịch tễ thế giới thì ta sẽ thấy Trung Quốc luôn là một
trong những điểm chính phát ra các trận bệnh dịch lớn. Nếu như thế giới
đã trải qua 4 đại dịch hạch kinh hoàng, lần đầu tiên được xác định có
nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại ở thế kỷ thứ VI, Trung Quốc là nơi phát tích 2
trận đại dịch hạch ở thế kỷ 14 và vào năm 1855 từ Vân Nam. Năm 1894
dịch lan tới Hồng Kông, thuộc địa của Anh, trước khi được truyền đến các
cảng biển khắp thế giới; trận đại dịch hạch gần đây nhất xuất hiện ở
châu Âu vào năm 1920.
Chưa hết, Le Figaro đánh giá Trung Quốc còn
là một trong những nơi chủ yếu của thế giới cho ra đời các trận dịch cúm
quy mô lớn cũng toàn cầu.
Dù
Trung Quốc không dính dáng gì đến đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918,
nhưng trước đó từ năm 1890, đã có một trân dịch cúm H2N2, có thể bắt
nguồn từ Thượng Hải trước khi lan sang Nga rồi lây khắp châu Âu.
Đến
năm 1957, một « bệnh cúm châu Á » đã xuất phát từ tỉnh Quý Châu (tây
nam Trung Quốc) rồi lan sang Úc và nhanh chóng phủ khắp Bắc Bán Cầu.
Trận dịch này đã gieo rắc cái chết cho 3 triệu người trên hành tinh. Năm
1968, một trận dịch cúm gia cầm lại xuất hiện từ Hồng Kông tàn phá thế
giới, cướp đi hơn một triệu sinh mạng, trong đó có 30 nghìn người Pháp,
tương đương với con số thiệt mạng hiện nay vì Covid 19 tại Pháp.
Đến
năm 1997, dịch cúm A với virus H5N1 lại xuất phát từ Hồng Kông. Một
biến thể của H5N1 đã gây ra trận đại dịch SARS 2003-2006. Le Figaro cho
biết, trong dịch viêm phổi cấp SARS, virus lần đầu được xác định ở bệnh
viện Pháp tại Hà Nội tháng 2/2003, nhưng nó đã xuất hiện từ tỉnh Quảng
Đông, Trung Quốc, từ 11/2002. Virus corona gây ra dịch SARS đã làm hàng
ngàn người chết trong đó 80% nạn nhân ở Hồng Kông và Hoa Lục.
Vào
thời điểm đó Bắc Kinh cũng đã cố che giấu nguồn gốc virus từ Quảng Đông.
Nhà virus học Bruno Lina giải thích: « Ban đầu dịch được lây truyền từ
một bác sĩ bị nhiễm virus ở Hoa Lục. Ông đã lây virus sang các khách
của khách sạn Métropole Hồng Kông cuối tháng 2/2003. Nhưng chính quyền
Trung Quốc giấu việc dịch đã bùng lên trong tỉnh Quảng Đông từ 4 tháng
trước đó ».
Đến dịch Covid-19 lần này, theo các chuyên gia, chắc
hẳn chính quyền Trung Quốc cũng đã tiến hành các điều tra dịch tễ để tìm
nguyên nhân, nguồn gốc từ động vật, con người hay môi trường. Nhưng
đáng tiếc là họ không công bố các kết quả điều tra.
Hồng Kông: Trung Quốc không còn đáng tin
Vẫn
liên quan đến Trung Quốc, Libération chú ý đến một thời sự chính trị ở
Hồng Kông, vùng đất đang rất nóng với bộ luật an ninh quốc gia, qua
tiếng nói của một người đã chứng kiến sự thay đổi vận mệnh của Hồng
Kông.
Tờ báo trích dẫn nhận định của cựu toàn quyền Anh tại Hồng
Kông, Chris Patten, trong một cuộc phỏng vấn dành cho các tờ báo lớn của
Pháp, Tây Ban Nha và Đức : « Tình hình ở Hồng Kông chứng minh rằng Trung Quốc không đáng tin cậy ».
Chris
Patten là đại diện cuối cùng của Anh tại Hồng Kông, là người chứng kiến
trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Trong bài phỏng vấn, cựu toàn quyền
Anh khẳng định khi rời khỏi Hồng Kông, Anh và Trung Quốc đã đàm phán rất
kỹ về quy chế « Một quốc gia, hai chế độ », theo đó vùng đất này vẫn
tiếp tục được hưởng các di sản tự do của Anh để lại trong vòng 50 năm.
Điều này đã được ghi trong hiệp ước quốc tế là Tuyên Bố Chung Anh-
Trung.
Ông nhớ lại, một quan chức cao cấp Trung Quốc tham gia đàm
phán khi đó khẳng định « Trung Quốc là nước độc tài, nhưng người Trung
Quốc biết tôn trọng lời nói ». Chris Patten nói : « Tình hình hiện nay chứng minh rằng Trung Quốc không đáng tin cậy. Và điều này cũng không phải là mới. Tôi cho rằng việc áp
đặt bộ luật an ninh không chỉ là sự tấn công vào đầu mối tài chính sống
còn mà tất cả chúng ta đều có lợi ích. Đây là thí dụ điển hình về cuộc
đấu tranh trong thế kỷ 21 giữa nền dân chủ và chế độ toàn trị.
Theo cựu toàn quyền Anh, « không một ai trong chúng ta tìm cách đối đầu với đảng Cộng Sản Trung Quốc, dù đó là ở Ấn Độ, trên Biển Đông, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Canada. Chính đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm kiếm sự đối đầu. Tôi ủng hộ đối thoại, nhưng phải là một cuộc đối thoại mà trong đó bên ứng xử xấu phải chịu hậu quả ».
Người Duy Ngô Nhĩ : Không thể đưa lãnh đạo Trung Quốc ra CPI
Chuyển
qua nhật báo La Croix, nhật báo Công Giáo chú ý đến một thời sự của
Trung Quốc đang được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt liên quan đến
cách hành xử ngược đãi của chính quyền Bắc Kinh đối với người Duy Ngô
Nhĩ.
Trên trang tranh luận, tờ báo đặt vấn đề : Liệu Trung Quốc có thể bị đưa ra tòa án quốc tế ? Bài phân tích của luật sư Clémence Bectarte, lãnh đạo nhóm hành động pháp lý của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân quyền (FIDH).
Tác
giả cho rằng, liên quan đến chuyện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương
Trung Quốc, người ta đang nói đến tội ác chống nhân loại và diệt chủng.
Đó là những tội có thể đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) để xét xử.
Một quốc gia không thể bị đưa ra xử trước tòa án này mà chỉ có thể là
các nhân vật chịu trách nhiệm về tội ác này. Đó có thể là các lãnh đạo,
nguyên thủ quốc gia hay các bộ trưởng…. trực tiếp phạm phải hoặc ra lệnh
phạm các tội ác đó.
Để CPI can thiệp, trước đó phải có vụ kiện
được mở ở Trung Quốc. Trong trường hợp này là không có. Mặt khác, Trung
Quốc cũng giống như Hoa Kỳ, Israel hay Nga, không phê chuẩn Quy Chế
Roma, thừa nhận CPI. Chỉ có Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong trường
hợp đặc biệt quyết định như đã làm với các nước Sudan hay Libya. Thế
nhưng trong trường hợp Trung Quốc, nước này là thành viên thường trực
của Hội Đồng Bảo An, giữ quyền phủ quyết. Theo tác giả bài viết, nếu CPI
có định đưa ra xét xử lãnh đạo Trung Quốc vì tội ác với người Duy Ngô
Nhĩ thì trong cơ chế hiện tại, cơ may một lãnh đạo Trung Quốc như Tập
Cận Bình ra trước tòa là hoàn toàn không có. Cho đến giờ hệ thống pháp
chế quốc tế vẫn bất lực với các nước lớn dù luật pháp quốc tế rất đa
dạng.
Sống chung với Covid-19 là có thể
Tiếp
tục với nhật báo La Croix, nhưng về thời sự đại dịch Covid-19. Tờ báo
ghi nhận, những ngày qua, mặc dù tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp ở
nhiều nơi trên thế giới, virus corona vẫn không ngừng gây thêm các nạn
nhân, nhiều chỉ số cho thấy tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trong tổng thể có
xu hướng giảm.
Điều này cho thấy thế giới đã chống chọi tốt hơn với loại virus nguy hiểm này. « Chúng
ta đã hiểu thêm nhiều điều trong những tháng chung sống với đại dịch.
Đây là điều giúp chúng không phải sống trong sợ hãi ». Dây chuyền
lây lan được giám sát tốt hơn so với đầu dịch, tránh không phải trở lại
phong tỏa hoàn toàn. Các bệnh viện cũng đã biết cách chăm sóc bệnh nhân
tốt hơn, giúp giảm số tử vong và nhất là mọi người đã ý thức được tầm
quan trọng của các hành vi phòng dịch, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, giữ
giãn cách….
La Croix kết luận: « Chúng ta không còn trong giai
đoạn cực kỳ nguy cấp, thậm chí hoảng loạn như hồi đầu mùa xuân. Nhưng
thận trọng chứ không phải vô lo là điều quan trọng ». Chung sống với virus corona sẽ còn lâu dài và hoàn toàn có thể được.
Nguồn: rfi.fr
No comments:
Post a Comment