Wednesday, July 31, 2013

999 Đóa Hồng - Cẩm Ly

Thân kính tặng quý thân hữu 999 Đóa Hồng qua youtube với tiếng hát truyền cảm Cẩm Ly. 


Bài Thơ Điếu Bạn - Người Phương Nam

Ông Trung Hiền là một ex-Frère, tên thật là Đỗ Văn Hiếu ra dòng năm 1971, nhập ngũ hải quân. Rời Việt Nam năm 75 trước ngày mất nước, định cư ở Canada, Vancouver.

Sang Canada ông tiếp tục nghề giáo, môn chính là tóan và nhạc. Khi nhà nước cộng sản mở cửa đón về khúc ruột ngàn dặm, ông trở lại VN theo chương trình thiện nguyện dạy học sinh nghèo. Cộng sản chướng mắt rình rập theo dỏi định bắt bớ giam cầm ông. 

Khi được mật báo, ông lập tức quay về Canada, xứ sở tuy không phải là nơi chôn nhao cắt rún nhưng có tình người ấm áp, có tự do nhân quyền, luật pháp bảo vệ chặt chẽ. Còn nơi gọi là quê hương có chùm khế ngọt thì hởi ơi !giờ đây đã hòan tòan xa lạ, không còn nhận diện được ai là thú ai là người, chỉ có những bộ mặt quái đản lạnh lùng vô cảm, một xã hội độc tài đảng trị, bạo quyền tham ô, hành xử với nhau bằng luật rừng.

Tuy không còn là thầy tu, nhưng ông vẫn sống độc thân, đem tình thương ban bố trao tặng cho đời. Ông tâm sự qua phone trong một đêm trước ngày ông vĩnh viễn lìa trần “Từ khi ra dòng tôi có thể làm mọi việc theo ý mình, không bị kẻ bề trên áp đặt, dọa nạt, người dưới sàm tấu thưa gởi, sống thong dong tự tại, đi khỏi thưa, về khỏi trình, không gì ràng buộc. Tôi có thể phát huy tòan lực khả năng của mình để phục vụ tha nhân theo ý nguyện. Và giờ đây ông đã thỏa mãn ngậm cười về bên nhan thanh Chúa yên nghỉ thiên thu...


Tình cờ được biết phone anh
Vội vàng bấm số gọi thăm anh liền
Mừng vui kể lể hàn huyên
Nói sao cho hết nỗi niềm bao năm
Định còn hẹn tiếp nhiều lần
Nào hay cơ hội đâu còn mà mong
Tối qua trò chuyện chưa xong
Chiều nay nghe nói anh xong nợ đời
Bàng hòang, hụt hẫng, chơi vơi!
Bạn ơi! mới đó…hai bờ…tử sinh
Kể từ xa cách, chúng mình
Năm lăm năm đã bặt tin Trung Hiền
Mỗi người một hướng đi riêng
Đường đời muôn lối biết tìm nơi nao
Lần đầu biết được tin nhau
Cũng là lần cuối nói câu biệt chào
Tháng năm chồng chất dãi dầu
Tuổi đời ai cũng bạc đầu phong sương
Ai rồi cũng đến cuối đường
Người sau kẻ trước bốn phương hẹn về
Sống là “đi”, chết mới “về”
Một mai tôi cũng sẽ về như anh
Chúc anh trong cõi vĩnh hằng
Bên nhan thánh Chúa an lành thiên thu


   Người Phương Nam

Tuesday, July 30, 2013

Nỗi Nhà - Nhạc Phan Ni Tấn-Thơ Châu Hiền Quang - Lão Ngoan

Dolphin & Dog - Let's Be Friends

Mời xem youtube tình bạn giữa cá dolphin và chó rất cảm động. 

http://www.flixxy.com/zeus-and-roxanne-dolphin-and-dog.htm

Sưu tầm trên mạng

30 Câu Kinh Phật


1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.

2. Nếu bạn không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho bạn.

3. Bạn hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình.

4. Bạn phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sinh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương bạn. Bạn phải buông bỏ mới có được niềm vui đích thực.

5. Khi bạn vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi bạn đau khổ, bạn hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.

6. Sự cố chấp của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.

7. Bạn có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.

8. Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.

9. Khi nào bạn thật sự buông xuống thì lúc ấy bạn sẽ hết phiền não.

10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.

11. Chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.

12. Bất mãn với người khác là chuốc khổ cho chính mình.

13. Nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng bạn sẽ không bao giờ được thanh thản.

14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.

15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời.

16. Không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa bạn là ai? Giả sử bạn bị chó điên cắn bạn, chẳng lẽ bạn cũng phải chạy đến cắn lại?

17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ hay nhớ đến người bạn không hề yêu thích.

18. Khi bạn thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối bạn.

19. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.

20. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.

21. Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình.

22. Phải đối diện với hiện thực, mới vượt qua được hiện thực.

23. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.

24. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?

25. Cảm ơn thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn thượng đế những gì tôi không có.

26. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.

27. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó.

28. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối.

29. Bạn hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì bạn cần phải khống chế hiện tại.

30. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Bạn muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.


Sưu tầm

Monday, July 29, 2013

Làm Thinh- Truyện Ngắn Tiểu Tử


Cái làng nhỏ đó nằm gần biển Manche, cách thành phố Etretat (miền bắc nước Pháp) độ 10 km. Trong làng có chừng năm chục nóc gia nằm chùm nhum lại thành một khu, trừ một cái nhà nằm rời xa một mình về phía biển. Người trong làng gọi cái nhà đó là " nhà ông Lê ".
         Cách đây mấy năm, ông Lê -người Việt Nam độ 40 tuổi- từ Paris ra đây mua lại cái nhà đó để làm nhà nghỉ mát. Mùa hè và các ngày lễ lớn, ông đưa vợ con -vợ người Pháp và hai con trai chín mười tuổi- ra đây đổi gió và lâu lâu ông cho bạn bè mượn năm bảy hôm. Ông có mướn một người trong làng -tên Jean Marie- trông nom nhà cửa và cắt tỉa vườn tược cây trái.
         Mới đầu, người trong làng cứ tưởng ông Lê là người Tàu. Cho nên, họ hơi dè dặt. Chừng biết ổng là người Việt Nam, họ cởi mở hơn, thân thiện hơn. Làm như, đối với họ, người Tàu là người ngoại quốc xa lạ, còn người Việt Nam thì ít nhiều gì cũng đã từng được xem là người trong nhà ! Họ càng có cảm tình với ông Lê khi biết rằng ổng qua Pháp học từ hồi mười lăm tuổi, rằng ổng tốt nghiệp trường Arts et Métiers, rằng ổng làm chức lớn trong cơ quan Nhà Nước v.v... Họ hay nói với nhau: "Vợ chồng ông Lê thật dễ thương".
         Vùng này cao hơn mặt biển hai ba chục thước mà cuộc đất lại không lài lài xuống lần khi ra gần biển như ở những nơi khác, nên không có bãi. Ở đây, biển đâm thẳng vô bờ, loại bờ đá dựng thiên nhiên sừng sững như một bức tường cao thật cao. Những ngày biển động, sóng đập vào chân tường đá nghe ầm ầm. Vì nhà ông Lê nằm cách bờ đá dựng không xa, nên vào những ngày đó, từ trong nhà nghe âm vang tiếng sóng giống như những tiếng thở dài.
         Hè năm đó, ông Lê và gia đình ra đây nghỉ mát chỉ có ba tuần thay vì một tháng như thường lệ. Ông nói với ông Jean Marie -người quản gia- rằng phải trở về Paris để đón cha mẹ từ Việt Nam qua. Ông Jean Marie hỏi ông có định đưa ông bà cụ ra đây chơi không thì ông Lê trả lời rằng không, bởi vì ông bà cụ mới xuất ngoại lần đầu tiên nên phải đợi một thời gian cho quen với khí hậu phong thổ.
         Vậy mà chỉ mươi ngày sau, thấy ông Lê chở ra đây một ông già tóc trắng với hai va-ly hành trang. Người quản gia nghĩ: "Chắc định ở lâu nên mới mang hành trang nhiều như vậy ". Ông Lê giới thiệu: " Đây là cha tôi. Còn đây là Jean Marie, quản gia". Sau đó, ông nói: "Trong thời gian cha tôi ở đây, tôi xin nhờ bà Jean Marie lo dùm việc nấu nướng giặt giũ giống như những lúc gia đình tôi ra đây nghỉ mát. Có điều là cha tôi không thể đi chợ ở Etretat như chúng tôi vẫn làm lâu nay, nên tôi nhờ ông bà lo giùm luôn vụ này. Đổi lại, tôi sẽ tăng tiền thù lao của hai ông bà lên mười phần trăm. Tôi xin ông bà chấp nhận cho".
         Sau khi gọi điện thoại về nhà bàn tính với vợ, ông Jean Marie bằng lòng. Tiếp theo đó, ông Lê trao cho ông Jean Marie một số tiền và nói: "Đây, tôi gởi ông bà một tháng tiền chợ. Tôi dự trù dư dả phòng khi cha tôi cần mua những gì khác, nhưng nếu thấy thiếu thì điện thoại cho tôi hay để tôi gởi ra thêm. Mỗi cuối tháng, tôi sẽ gởi tiền để gối đầu cho tháng kế tiếp, ông bà yên tâm". Ông Jean Marie hỏi: "Còn bà cụ đâu ? Sao không cùng ra đây với ông cụ ?". Ông Lê trả lời như không trả lời: "Mẹ tôi ở Paris". Rồi sau khi nói mấy lời cám ơn ông Jean Marie, ông bắt tay từ giả người quản gia và ông già tóc trắng để trở về Paris, vội vã như không muốn vấn vương gì nữa ! Thấy ông Lê đối xử với ông già tóc bạc như là một người quen thường, ông Jean Marie vừa ngạc nhiên vừa bất nhẫn, bởi vì ông nhận thấy rõ ràng ông già tóc bạc đó và ông Lê thật sự giống nhau như hai cha con.
         Ông già ở trong nhà ông Lê như một cái bóng. Ông không xem tê-lê, không nghe ra-đi-ô. Ông cứ ngồi ở xa long hút thuốc liên miên, mắt nhìn thẳng ra cửa kiếng hướng về phía biển, giống như đang coi một cái gì ở ngoài đó. Ở ngoài đó không có  gì hết ! Không có một cái cây, không có một lùm bụi. Cỏ dại cũng không mọc cao. Mặt đất trống trơn chạy thẳng ra bờ đá dựng. Từ chỗ ông ngồi, nhìn ra chỉ thấy đất và trời. Lâu lâu, vài con hải âu bay phớt ngang, và lâu lâu trên nền trời trong xanh của mùa hè, một sợi mây đi lạc. Chỉ có bao nhiêu đó, vậy mà ông cứ ngồi nhìn, nhìn đăm đăm.
         Mới đầu, ông bà Jean Marie cứ tưởng rằng ông già không biết nói tiếng Pháp. Nhưng sau mấy lần hỏi han thấy ông trả lời trôi chảy mạch lạc, ông bà mới yên tâm. Có điều là hỏi thì ông mới trả lời chớ không thấy bao giờ tự ông gợi chuyện. Suốt ngày, ông làm thinh. Cần dùng gì thì ông viết ít chữ rồi gắn trên mặt tủ lạnh. Ông bà Jean Marie thấy vậy cũng ráng giữ ý không làm tiếng động khi quét dọn hay đi ra đi vào. Nhiều khi, họ có cảm tưởng như trong nhà không có ai hết ! Chỉ có mùi khói thuốc là nhắc đến sự hiện diện của ông già.
         Ông già đó tên Lê Tư. Hồi thời trước -cái thời mà miền nam Việt Nam chưa biết mùi cộng sản- ông Tư là một nhà thầu xây cất rất có bề thế ở Sàigòn. Ông giao du rộng, lại "biết cách giao du", thêm giỏi tính toán sắp xếp nên ông trúng thầu nhiều công trình lớn của Nhà Nuớc và của các công ty ngoại quốc. Do đó, càng ngày ông càng nổi tiếng và sự nghiệp thì cứ nhân lên gấp năm gấp mười. Dù vậy, ông không bao giờ chối bỏ cái gốc hàn vi của ông và rất tự hào đã bắt đầu bằng hai bàn tay trắng.
         Ông thường nói: "Hồi tôi từ Đà Nẳng vô Sàigòn, tôi chỉ có một chiếc xe đạp cũ và cái nghề thợ hồ. Ban ngày đạp xe đi làm, ban đêm đạp xe đi học thêm ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp và hội Việt Mỹ. Hồi thời đó, quanh năm suốt tháng, tôi chỉ biết có thắt lưng buộc bụng, ăn uống kham khổ, để dành tiền gởi về cho cha mẹ ở Đà Nẳng và để đóng các học phí. Vậy mà tôi vẫn không ngã lòng. Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ rằng phải cố gắng vương lên, bởi vì không ai giúp mình bằng mình hết. Nhờ vậy mà bảy tám năm sau, tôi đã có một cơ sở vững chắc để cạnh tranh với các nhà thầu khác. Rồi thì xây cất hết công trình này đến công trình khác, có khi hai ba công trình cùng một lúc, cơ sở cứ lớn lần lớn lần để trở thành bề thế như ngày hôm nay. Nghe tôi nói tôi bắt đầu sự nghiệp bằng con số không chẳng có mấy ai tin hết ".
         Khi đã khá giả, ông mới cưới vợ. Ông hay nói đùa : "Tình phải có tiền đi theo nó mới vững. Giống như bê-tông phải có cốt sắt nó mới bền !".
         Ông bà Lê Tư chỉ sanh có một người con trai đặt tên Lê Tuấn. Năm Tuấn được mười lăm tuổi, ông gởi con qua Pháp học. Ông muốn nó học ngành kiều lộ để sau này trở về nối nghiệp ông. Ông nói : "Việt Nam mình cạnh tranh không nổi với hãng thầu ngoại quốc bởi vì mình có binh mà thiếu tướng". Và ông hy vọng trong tương lai, con ông sẽ thực hiện những công trình vĩ đại, vượt trội hẳn những gì ông đã làm. Để cho ông được nở mặt.
         Cái tương lai đó bỗng tắt ngúm chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày 30 tháng tư, 1975.
         Trước cái ngày đen tối đó, một người như ông Lê Tư dư sức để di tản dễ dàng. Vậy mà không thấy ông nhúc nhích. Ông cứ điềm nhiên hút thuốc, uống trà, xem truyền hình, nghe ra-đi-ô. Giống như một kẻ bàng quan. Bà Lê Tư thì cứ đi ra đi vô, hết gọi điện thoại cho bà bạn này đến gọi cho bà bạn khác. Rồi thúc giục ông đi di tản. Bà nói :
         - Trời ơi ! Mấy bả đi hết rồi kìa !
         Ông cười :
         - Thì ai sợ cứ đi. Bà yên tâm. Tôi bảo đảm không có sao hết. Nói thiệt với bà, "họ" đã liên lạc với tôi cách đây hơn tháng, nói rõ rằng họ cần dùng những người như tôi để xây dựng lại đất nước. Cho nên, bà thấy tôi không ? Tôi bình chân như vại !
         Điều mà ông không nói cho bà biết là từ bao lâu nay, ông vẫn đều đặn gởi tiền giúp cách mạng qua ngả thằng cháu -cũng gốc liên khu năm như ông- đang hoạt động ở mấy tỉnh miền Đông. Chính người cháu đó đã cho người về gặp ông để giải thích rõ ràng chủ trương đường lối của cách mạng. Nhờ vậy, ông mới vững tâm tin tưởng.
         Đâu dè, sau khi cách mạng "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", cách mạng quay về đánh tư sản. Ông Lê Tư cũng "bị" mời đi "làm việc" như mọi người. Ông có xuất trình giấy chứng minh của Liên khu bảy, là vùng ông đã giúp đỡ, nhưng "lá bùa" đó không linh ! Ông cũng nghĩ đến thằng cháu cách mạng, nhưng bây giờ ông không biết nó ở đâu để gọi nó đến làm chứng. Vì vậy, ông vẫn bị mời tới mời lui để  "làm việc". Mỗi lần làm việc, họ quay ông như con dế ! Đến nỗi về sau, mệt mỏi quá, chán chường quá, thấy nói gì cũng vô ích, nên ông bèn làm thinh, mặc cho họ muốn nói gì thì nói, hỏi gì thì hỏi. Rồi đến lần "làm việc" cuối cùng, ông cũng làm thinh ký tên trên xấp giấy tờ họ đưa ra, ông ký mà không thèm đọc qua một chữ ! Lần đó, ông bước ra khỏi cơ quan, có cảm tưởng như đang sống trong một thế giới khác, một thế giới lộn ngược ! Ông không còn khái niệm không gian thời gian. Ông chỉ biết rằng sau cái phút ký tên đó, ông trắng tay. Và ông còn nghe trong đầu câu nói ơn nghĩa "nhờ ông đã sớm giác ngộ cách mạng nên không phải đi cải tạo". Ông lái xe về nhà như một người máy. Ông đâu biết rằng trong cuộc "đổi đời vĩ đại" này, con người đâu còn sống bằng lý trí : con người chỉ sống bằng bản năng thôi !
         Về đến trước cổng nhà, bỗng nhiên ông Lê Tư nhận thức rằng tất cả những gì trực thuộc về ông  bây giờ chỉ còn lại người vợ đang đợi ông ở nhà.
         Xưa nay, mọi việc trong gia đình đều do ông quyết định. Bà Lê Tư luôn luôn làm theo ý của ông, không bao giờ thắc mắc. Bởi vì bà hoàn toàn tin tưởng vào người chồng mà lúc nào bà cũng cảm phục như một thần tượng. Bà nói : "Từ bàn tay trắng dựng nên sự nghiệp đồ sộ như vầy, không phải ai làm cũng được !". Và bà thường ví chồng bà như một cây cau vững chắc để bà bám vào đó như một giây trầu. Vậy mà bây giờ bây giờ Ông Lê Tư không biết ví mình như cái gì nữa. Cách mạng mà ông đã giúp từ ngày ông dựng nghiệp, hôm nay nhân danh gì gì đó, đã biến ông thành con số không. Dễ dàng như người ta cầm nùi giẻ bôi hết những hàng chữ phấn trên một bảng đen, bôi mà không cần biết những hàng chữ đó viết những gì ! Chỉ trong có một khoảnh khắc, ông chẳng còn gì hết và bản thân ông cũng không là gì hết ! Ông đã trở thành một "thứ gì" đó không có tên, một sản phẩm của cách mạng mà sách vở xưa nay chưa thấy có định nghĩa !
         Ông bước vào nhà mà cảm thấy mình lêu bêu như bọt nước, không làm chủ được gì hết, kể cả làm chủ chính bản thân mình ! Cái biệt thự có hồ tắm vườn hoa, có năm ngăn bảy nắp, mà ngày xưa ông đã xây cất cho tương xứng với địa vị xã hội của ông bây giờ bỗng trở nên ngạo nghễ, vô duyên.
         Nhà vắng teo. Một số gia nhân đã xin nghỉ việc từ những ngày sôi động, số còn lại đã được cho nghỉ ngay sau ngày 30 tháng tư. Bà Lê Tư chắc đang làm gì ở dải nhà sau nên ông không nghe tiếng động. Ông đốt điếu thuốc rồi ngồi xuống phô-tơi nhìn thẳng ra vườn. Ông nhìn mà không thấy gì hết ! Yên lặng.
         Tiếng bà Lê Tư làm ông giựt mình :
         - Sao ông ? Họ đòi gì nữa vậy ?
         - Họ đâu có đòi. Họ lấy.
         - Lấy gì ?
         - Lấy hết tài sản của mình.
         Giọng bà bỗng cao lên một nấc :
         - Lấy hết tài sản ?
         Ông nhìn bà rồi trả lời bằng cái gật đầu. Giọng của bà lại cao thêm một nấc :
         - Gì lạ vậy ? Tự nhiên rồi đòi lấy tài sản của người ta. Đó là ăn cướp chớ đâu phải lấy ! Rồi ông trả lời làm sao ?
         Ông thở mấy hơi thuốc, rồi mới nói :
         - Thì tôi giao hết lại cho họ chớ còn làm sao ?
         Bà chỉ kêu được một tiếng "Trời !" rồi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn thẳng ra vườn. Bà nhìn mà cũng không thấy gì hết ! Yên lặng. Một lúc sau, ông nói, giọng thật trầm tĩnh :
         - Bà nghĩ coi. Bây giờ họ là kẻ chiến thắng. Quyền sanh sát nằm hết trong tay, họ muốn nói gì làm gì mà không được.
         - Còn luật pháp để đâu ?
         - Luật pháp của ai ?
         Bà làm thinh. Một lúc sau, bà nói :
         - Hôm trước ông nói họ đã móc nối với ông để ông ở lại giúp họ xây dựng gì gì đó. Sao bây giờ họ lột hết của ông vậy ?
         Ông làm thinh. Khói thuốc trong miệng bỗng trở nên thật đắng. Ông nghe thèm một hớp trà hay một hớp nước lạnh, hay bất cứ một chất lỏng nào cũng được để ông nuốt xuống "cái gì đó" đang nghẹn ngang ở cổ. Ông dụi điếu thuốc rồi đi lại bar ở góc xa-long rót một ly nhỏ Porto uống ực một cái, giống như người ta bị mắc xương. Xong ông trở lại phô-tơi ngồi xuống, đốt điếu thuốc. Chất rượu đang nồng trên mũi, nhưng sao khói thuốc vẫn còn nghe thật đắng !
         Giọng bà Lê Tư có vẻ trách móc :
         - Chớ phải ông nghe lời tôi đi di tản như thiên hạ thì đâu có sao.
         - Đi di tản cũng mất hết chớ hơn gì.
         - Sao mất hết được ? Ông quen lớn nhiều mà không hốt được một mớ đem đi theo à ? Có nhiều người còn gởi được bàn ghế và vô số đồ cổ nữa. Như anh X., như anh T., như ông tướng Z toàn là bạn thân của ông không.
         Ông làm thinh. Bà vẫn nói, càng nói giọng càng gay gắt :
         - Thà rằng mình đi, cái gì không đem theo được là mình bỏ. Tụi nó có lấy, cũng là lấy những gì mình bỏ. Chớ còn bây giờ, tụi nó bóp họng ông để lấy, bộ ông không thấy tức sao ?
         Ông làm thinh. Ngừng một lúc như để suy nghĩ, rồi bà nói một câu giống như bà đóng sập cánh cửa sắt để nhốt ông trong một nhà tù :
         - Chẳng bằng ông muốn ở lại để giúp cách mạng chớ gì ? Phải không ?
         Ông nuốt nước miếng mấy lần, rồi tiếp tục làm thinh. Bây giờ, ông thật sự thấy mình như bọt nước trôi lêu bêu, không bám được vào đâu hết?
         Chiều bữa đó, cách mạng đưa đến mười mấy thanh niên trai gái và một toán bảo vệ cầm súng để làm công tác kiểm kê. Họ bắt mở hết các hộc, các kệ, các tủ để họ đem ra đếm từng món, không bỏ sót một nơi nào hết, một món nào hết. Đêm, họ ngủ lại trong nhà ông Lê Tư để sáng sớm hôm sau họ tiếp tục. Xong công tác kiểm kê, người cán bộ chỉ huy chỉ định một nhóm bốn người ở lại để canh giữ những gì đã kiểm kê, sợ ông bà Lê Tư ăn cắp mang đi ! Gã còn nói như ra lịnh :
         - Từ hôm nay trở đi, anh chị phải dọn ra nhà sau để ở, không được bước lên đây nữa. Anh chị cũng không được quyền sử dụng chiếc ô-tô bây giờ thuộc diện quản lý của Nhà Nước. Khi ra vào nhà, anh chị phải dùng cái cổng hậu, không được đi bằng cổng chánh. Rõ chớ ?
         Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư cũng làm thinh. Nhưng hai sự làm thinh đó không cùng một ý nghĩa : ông làm thinh vì biết rằng có nói gì cũng vô ích còn bà làm thinh là vì bà hận ông vô cùng !
         Từ ngày dọn xuống ở trong một nhà phụ -có ba dải nhà phụ trước đây dùng cho gia nhân- và từ ngày biết rằng văn phòng, các kho vật liệu, kho dụng cụ cơ giới, biệt thự ở Núi Lớn Vũng Tàu, các chương mục ở ngân hàng?v.v. đã hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, bà Lê Tư ít nói chuyện với ông. Nhưng hầu như ngày nào bà cũng ngồi nói một mình, nói trổng, cố tình nói lớn tiếng để cho ông "phải" nghe. Bà cứ lải nhải với giọng trách móc chanh chua, hết chuyện tin lời cách mạng, đến chuyện mất hết của cải, rồi bắt qua chuyện di tản, chuyện ở "chui rút" trong nhà của bếp của bồi. Còn ông thì cứ làm thinh ngồi nghe, nghe riết mà tóc của ông càng ngày càng bạc trắng !
         Thời gian đi qua. Một hôm bà bỗng nói với ông :
         - Tôi đã nhờ người quen trong toà đại sứ liên lạc được với thằng Tuấn ở Paris. Nó sẽ lo giấy tờ cho mình qua bển.
         Bây giờ, mọi sự đều do bà quyết định, ông chỉ làm thinh đi theo. Bây giờ, người chồng "thần tượng" của thời trước chỉ còn là một cái bóng ! Bây giờ, bà mới là thân cây cau, còn ông, ông chỉ là một thứ giây trầu... Đúng là một sự "đổi đời vĩ đại" !
         Ít lâu sau, chính bà đã chạy chọt đút lót để có xuất cảnh cho hai vợ chồng bay qua Paris, vào giữa mùa hè năm đó.
         ?Ông Lê, người con trai của ông bà Lê Tư, đến đoón ông bà ở phi trường Charles De Gaulle. Gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Ông Lê Tư có cảm tưởng như mình vừa sống lại. Ông ôm con siết mạnh, rồi buông ra để nhìn. Lòng tràn sung sướng, ông vừa cung tay đấm nhẹ lên vai con, vừa chửi đổng : "Cha mày !". Rồi tiếp : "Ba tưởng không còn gặp lại con nữa chớ !" Trong một khoảnh khắc, ông tìm lại được lời nói và cử chỉ của một con người bình thường, con người của thời trước tháng tư 1975.
         Trên đường về nhà, ông Lê vừa lái xe vừa hỏi về những chuyện đã xảy ra ở Việt Nam trong những ngày sôi động của tháng tư, nhứt là ở đoạn "mấy thằng Mỹ kéo nhau chạy sút quần". Nghe lời nói và giọng điệu của con, ông Lê Tư cảm thấy có "cái gì không ổn", nhưng ông nghĩ : "Có lẽ tại nó ở bên nây lâu quá nên nó nói tiếng Việt không biết chọn lời". Rồi ông kể lại những gì mắt thấy tai nghe. Người con lâu lâu khoái chí, vỗ tay lên tay lái, gục gặc đầu "cho tụi nó chết".
         Bổng người con hỏi :
         - Còn mấy thằng tướng nguỵ ?
         Câu hỏi đó như ánh sáng bật lên trong bóng tối để ông nhìn thấy rõ sự thật: không phải con ông không nói rành tiếng Việt mà là con ông nghiêng về phía bên kia, cái phía đã lật lọng, ăn cháo đá bát, cái phía đã lấy hết tài sản của ông một cách ngang nhiên trắng trợn ! Trời đất chung quanh bỗng như sụp xuống ! Tuy nhiên ông vẫn trả lời:
         - Mấy người đó thì ba không biết.
         - Tụi nó chạy ra đảo Guam hết. Thằng chủ chạy thì thằng tớ phải chạy theo chớ dám ở lại đâu. Tưởng ba biết gì kể lại nghe chơi chớ ở bên nây báo chí tê-lê nói đầy đủ. Trên tê-lê thấy nhiều thằng tướng ngơ ngác như bầy gà nuốt giây thun !
         Người con nói xong cười lên khoái trá. Ông Lê Tư nghe giận phừng lên mặt ! Ông đưa tay định xáng cho thằng con một cái, nhưng ông kềm lại kịp. Ông bỏ tay xuống mà nghe ngực mình tức ran. Tự nhiên, ông ứa nước mắt. Từ phút đó, ông làm thinh. Thấy như vậy, tưởng cha bị mệt vì cuộc hành trình quá dài nên ông Lê cũng không hỏi tiếp.
         Bà Lê Tư ngồi ở băng sau, không chen vô một lời. Bà cảm thấy rồi đây sẽ không thể nào ở chung với một thằng con như vậy được. Bà đã tưởng đi ra khỏi xứ để khỏi phải thấy hằng ngày những chuyện trái tai gai mắt, nào ngờ qua đây gặp thằng con không biết học ở đâu mà ăn nói giống "tụi nó" y chang ! Nhưng không sao. Rồi bà sẽ mua nhà ở riêng. Bà dư sức. Với số hột xoàn mà bà đã cất giấu sau 1975 và bây giờ đang nằm an toàn trong cái giỏ mây hai đáy bà ôm trong lòng, bà dư sức. Cho dù bà phải cưu mang suốt phần đời còn lại ông chồng mà bà đã không còn  coi là thần tượng nữa, từ lâu.
         Về đến nhà -ở Neuilly Sur Seine, khu nhà giàu- ông Lê giới thiệu vợ con rồi đưa cha mẹ lên phòng trên lầu, nói :
         - Ba má nghỉ một chút rồi xuống ăn trưa.
         Bữa ăn được dọn lên từng món theo phong cách tây phương. Vợ ông Lê hỏi han lễ độ và kín đáo chăm sóc ông bà Lê Tư. Hai thằng con ông Lê -giống mẹ hơn giống cha nên ít thấy lai Việt- không biết một tiếng Việt. Chúng ăn nhanh nhanh. Xong món thứ nhì, chúng không đợi món kế tiếp, vội vã rút lên phòng. Suốt bữa ăn, câu chuyện chỉ vây quanh mấy món ăn nấu theo tây, bởi vì ông Lê khoe có bà bếp giỏi. Bà bếp, người Pháp, có bước ra chào ông bà Lê Tư.
         Nhờ vậy, không khí trong bữa ăn không đến nỗi nào tẻ lạnh.
         Sau bữa ăn, vợ ông Lê vì tế nhị, muốn để cho chồng và cha mẹ nói chuyện riêng với nhau, nên xin phép lên lầu. Bà dặn chồng :
         - Anh không nên nói chuyện nhiều. Ba má chắc cần phải ngủ vì sai giờ giấc. Mình còn nhiều thì giờ mà.
         Khi bước qua xa long để uống cà phê, ông Lê hỏi :
         - Ba má định qua đây ở chơi bao lâu ?
         Ông Lê Tư châu mày, nhìn bà. Bà trả lời :
         - Ba má định qua ở luôn chớ đâu phải ở chơi.
         Người con ngạc nhiên :
         - Ủa ? Sao lại ở luôn ? Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên đầu trên cổ mình hết. Tất cả đều thuộc về mình, không còn sợ thằng ác ôn nào cướp giựt nữa. Như vậy mà ba má định bỏ xứ qua đây ở luôn. Thiệt là vô lý !
         Hồi nãy, trên xe về đây, ông Lê Tư còn nghĩ rằng thằng con ông chỉ nghiêng về phía bên kia. Bây giờ thì quá rõ ràng : nó đã đứng hẳn về phía bên đó. Ông nghe lòng quặn thắt : chẳng những cách mạng đã cướp hết tài sản của ông, mà tụi nó còn cướp luôn thằng con duy nhứt của ông, cướp từ hồi nào rồi.
         Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư hơi mất bình tĩnh :
         - Tại con không biết. Tụi nó lấy hết tài sản của ba má rồi còn đuổi xuống ở căn nhà của bồi, rồi lại bắt không được đi cổng chánh phải đi cổng hậu. Bây giờ tụi nó sợ mình không chấp hành chỉ thị nên kéo kẽm gai cô lập căn nhà ba má ở. Con nghĩ coi sống làm sao ?
         - Buổi đầu lúc nào chẳng có chuyện sai sót. Rồi cách mạng sẽ trả lại hết cho ba má, yên tâm đi ! Điều mà con muốn nói là chưa chi mà ba má đã muốn bỏ xứ ra đi giống như bè lũ đĩ điếm trộm cắp tháo chạy mấy ngày trước giải phóng làm con thấy không hãnh diện chút nào hết !
         Câu nói chưa dứt, ông Lê Tư đã đứng phắt dậy, làm thinh đi thẳng lên lầu. Bà Lê Tư cũng nối gót, nhưng bước chân bà nặng chình chịch. Đứa con máu mủ mà bà mới ôm hun thắm thiết hồi nãy trên phi trường, bây giờ bỗng giống như người xa lạ. Bà cảm thấy hụt hẫng đến độ bà không biết phải làm gì, nói gì. Đến giữa cầu thang, kềm không được, bà ôm mặt khóc tức tưởi.
         Suốt buổi chiều, ông Lê Tư ngồi trong phòng làm thinh hút thuốc. Ông không nghe buồn ngủ, ông chỉ nghe mệt - thật mệt - và chán chường - thật chán chường. Ông bắt gặp lại tâm trạng của ông vào những ngày cuối cùng của thời ông bị cách mạng quay hằng bữa để ông kê khai tài sản một cách "đầy đủ và trung thực" !
         Bà Lê Tư cũng không ngủ. Bà điện thoại để liên lạc mấy bà bạn đã định cư ở Pháp, nhứt là ở vùng phụ cận Paris. Rồi bà hẹn hò. Sung sướng như thấy chân trời đang mở rộng.
         Sau bữa ăn tối, đợi bà Lê và hai con lên lầu, bà Lê Tư nói :
         - Chị bác sĩ A sáng mai lại rước má về nhà chỉ chơi vài bữa. Sau đó, có lẽ sẽ qua nhà bà dược sĩ L. Ở đây, má có nhiều bạn bè lắm, con đừng lo cho má. Con chỉ cần lo cho ba thôi.
         Ông Lê Tư nhìn thẳng mặt con, giọng nghiêm trang :
         - Ba nói thật : ba với con không hạp nhau. Ba không thể ở chung với con được. Ba xin con cho ba ở một nơi nào khác, ở một mình cũng không sao.
         Ông nói "xin con cho ba", đó là sự thật. Bởi vì bây giờ ông hoàn toàn trắng tay. Xưa nay, tiền dư ra, ông cho bà một phần để mua hột xoàn, còn bao nhiêu ông chuyển hết qua chương mục của người con.
         Ông Lê ngồi làm thinh, không biết ông đang nghĩ gì. Cũng là làm thinh, nhưng sự làm thinh của ông khó hiểu hơn sự làm thinh của ông bà Lê Tư !
         Vậy rồi sáng hôm sau, bà bác sĩ A lái xe lại rước bà Lê Tư. Tiếp theo là ông Lê chở người cha ra ở cái nhà nghỉ mát ở gần bờ đá dựng. Suốt cuộc hành trình dài mấy tiếng đồng hồ, hai cha con không nói với nhau một lời !
         Từ ngày ra đây ở, ông Lê Tư cảm thấy cuộc đời mình như đang đi vào một ngõ bí. Không sống được với cách mạng, đã đành. Còn lại bà vợ thì bây giờ bả coi mình như cục bứu trên lưng. Rồi đến thằng con, đối với mình, nó còn lạ hơn người xa lạ ! Cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy hết ngày này qua ngày khác mà con người ông sa sút thấy rõ. Bây giờ, ông ốm nhom. Đi đứng đã phải chống ba-toon và đêm đêm cứ phải nằm trằng trọc tới khuya lơ mới dỗ được giấc ngủ. Thấy tội nghiệp, ông bà Jean Marie hay thừa dịp đưa nước trà hay cà phê để ngồi lại gợi chuyện vẩn vơ. Họ cũng ngạc nhiên tự hỏi sao không thấy ai gọi điện thoại hỏi thăm ông già này hết. Làm như ông không có mặt trong cuộc đời này. Cho nên họ tận tình chăm sóc ông từng chút. Đến nỗi, về đêm, bà Jean Marie thường đợi ông lên giường nằm đàng hoàng mới tắt đèn đóng cửa đi về nhà ! Ông Lê Tư rất cảm kích nên lâu lâu ông phá lệ làm thinh để nói hai tiếng "cám ơn", nhẹ như hơi thở.
         Một hôm, ông Lê Tư bỗng thèm nhìn mặt biển, cái biển mà từ hôm ra đây -đã gần hai tháng- ông chỉ nghe tiếng của nó rì rào ngoài kia thôi. Ông bèn chống ba-toon bước từng bước run run đi lần ra hướng đó. Cứ đi vài bước là ông phải dừng lại một lúc để thở, nhưng ông vẫn cố bước đi.
         Bây giờ thì ông đã đứng trên mép bờ đá dựng. Dưới chân ông, rất sâu phía dưới, là biển. Biển xanh dờn, kéo dài ra chân trời. Trời nước mênh mông. Gió muối và mùi thơm thơm của rong rêu nhắc ông nhớ cái biệt thự ở mỏm núi lớn Vũng Tàu. Ông đã xây cất biệt thự đó để làm nơi tiếp tân nên có một sân gạch thật rộng hướng về phía biển. Ông hay đứng ở đó nhìn chân trời như ông đang đứng nhìn chân trời bây giờ. Cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang. Hồi đó, lúc nào ông cũng thấy chân trời đang mở rộng cho ông, cái hồi mà ông làm chuyện gì cũng thành đạt. Bây giờ, cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang nhưng sao ông không thấy nó mở rộng cho ông một chút nào hết ! Ông chỉ thấy toàn là bế tắt. Chân trời là đường chấm dứt một cái gì : trời cao nghiêng xuống đến đó là hết, biển rộng vươn dài đến đó cũng là hết ! Giống như cuộc đời của ông bây giờ. Của cải: hết ! Vợ con: hết ! Sức khoẻ của ông rồi cũng sẽ hết ! Hết ! Hết !
         Bỗng, ông Lê Tư liệng mạnh cây ba-toon xuống biển, giống như ông dứt khoát không cần dùng đến nó nữa. Rồi ông hít một hơi dài, nhắm mắt bước thẳng vào khoảng không trước mặt, giống như bước qua một lằn ranh tưởng tượng.
         Từ bây giờ, ông Lê Tư làm thinh vĩnh viễn.
         Chiều hôm đó, ông Jean Marie gọi điện thoại về Paris. Không có người bắt máy, nhưng có máy nhắn tin nên ông nhắn : "A lô ! Tôi là Jean Marie. Tôi xin báo tin buồn : ông cụ đã từ trần. Ông đi dạo gần tường đá dựng chẳng may rơi xuống biển. Nhà chức trách đã vớt được xác đem về nhà xác bịnh viện Etretat. Yêu cầu ông bà ra gấp. Vợ chồng tôi xin chia buồn. Thành thật chia buồn".

Tiểu Tử

Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ (Chương 8)

Chương 8

Đã hơn một tuần không gặp, nhớ Frère nhớ quay quắt khôn cùng, Như Kim rất muốn vào thăm nhưng cố dằn lòng nén dạ.  Mấy lần Trúc sang rủ cô vào trường xem thông cáo ngày học nhưng cô không muốn đi vì còn muốn lánh mặt Frère, để yên cho Frère suy nghĩ. Chiều hôm qua, Trúc và Mai lại sang nhà cô cho hay mọi tin tức ở trường, ba hôm nữa thì học lại, các Frères đi Tết đều đã trở về, học sinh nội trú cũng đã trở lại đầy đủ. Nhà trường nhắn gọi học sinh sáng thứ bảy mai này hãy vào cho thật đông đủ để đi công tác lạc quyên cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Vì thế sáng hôm nay ba đứa hẹn nhau đến trường để cùng tham gia góp sức.

Khi các cô tới trường thì đã thấy một đám đông học sinh tụ tập trước cửa văn phòng vừa chờ nhận công tác vừa chuyện trò tở mở, tay trong tay thân mến, ánh mắt chan chứa vui mừng vì đã còn gặp lại nhau sau trận đột chiến khốc liệt thương tàn.  Cô cũng gặp lại hầu hết các bạn chung lớp, nội trú cũng như ngoại trú.  Tân “cù lần” cũng đã trở lại từ Cần Thơ, trông thấy cô, trong giây phút Tân cơ hồ quên mất mối hận tình vì cô trước kia chạy đến bên cô hỏi han mừng rỡ và kể lể chuyện giặc giã quê nhà.  Khải cũng có mặt gần đó nhưng Khải chỉ lặng lẽ nhìn cô với nụ cười buồn vì có lẽ muốn giữ lời làm “quân tử nhất ngôn” không quấy rầy đến cô nữa như đã từng nói trong một ngày cuối năm.

Bên trong văn phòng, Frère phó và Frère Venance đang phân phối những mảnh phù hiệu và những tuyến đường phải đi cho từng toán học sinh.  Mai ỏn ẻn lên tiếng :
          - Frère chia cho tụi em mấy con đường gần thôi nghe Frère.  Đừng bắt tụi em đi xa nắng nôi mệt nhọc lắm.
Frère lắc đầu nói:
          - Đâu được nè. “Làm việc nghĩa chớ tính lợi hại”, Mai quên rồi sao?  Frère chia cắt đồng đều, mỗi người phải hy sinh chịu khó một chút thì việc làm của mình mới có ý nghĩa có giá trị chớ.
Trúc chen vào trêu chọc:
          - Phải chi nó được đi chung với anh Dương của nó thì thiên đàng địa ngục gì xa xôi tới đâu nó cũng sẵn lòng đi tới, có đâu mà than vãn mè nheo.

Chuyện của Mai và Dương hình như cả trường không ai xa lạ gì.  Và nghe đâu đôi bên gia đình đã tính chuyện đính hôn cho hai người trong một ngày gần đây.  Nghe Trúc nói, cả đám cười ầm lên làm Mai thẹn thùng mắng mỏ và đập vào vai Trúc lia lịa.

Sau khi cắt đặt phân công và được dặn dò trở về trước giờ cơm trưa, bọn học sinh không chần chờ bắt tay ngay vào việc.  Như một đàn chim én được tung ra khắp trời, đám người tuổi trẻ hăng hái tuôn ra cổng đi làm nghĩa vụ của mình bằng những bước chân tin tưởng vững vàng và những tiếng cười dòn tan phấn khởi. Như Kim chậm bước lại để ngắm nhìn như ngắm nhìn một bức tranh truyền thần sống động.  Trúc, Mai và đám bạn vô tình vẫn thản nhiên đi trước bỏ cô lại đằng sau một đổi khá xa.  Frère từ trong văn phòng bước ra, đã đến bên cô mà cô vẫn chưa hay biết.
          - Em suy nghĩ gì mà đứng tần ngần đó vậy, sao không đi nhanh theo các bạn? 
Nghe tiếng Frère, cô giựt mình quay lại mỉm cười đáp:
          - Em có cảm tưởng chúng em là những cánh én đi góp nhặt lại mùa xuân cho những mảnh hồn đã vỡ, cho những kẻ không may đã bị cướp mất mùa xuân trong cuộc chiến.  Frère có nghĩ thế không?
          - Em ví von hay lắm, đúng lắm.  Vậy thì con én nhỏ của Frère hãy bay đi và hãy mang về mùa xuân cho Frère với dù là mùa xuân muộn nhé em.  Bao ngày qua Frère mòn mỏi trông em mà em chẳng đến, muốn đi thăm nhưng thấy không tiện đành nén lòng thương nhớ đợi chờ, gởi cả vào trang thư.  Đây lá thư Frère viết cho em tối hôm qua, nói với em một quyết định, Frère đã suy nghĩ kỹ rồi, chìu ý Frère em nhé.  Thôi em hãy đi đi kẻo lạc mất các bạn.

Frère dúi vào tay cô lá thư rồi quay đi về hướng văn phòng. Cô cũng vội bước nhanh lên đuổi theo các bạn. Khi cô đã song bước với Trúc, Trúc vờ vĩnh thăm dò :

          - Đi gì mà chậm như rùa?
Cô nhát gừng đáp:
          - Thì tại không muốn đi mau.
Trúc lườm lườm nhìn cô soi mói:
          - Chớ không phải muốn đi chậm lại để chờ một người hay sao?  Lúc tao quay đầu lại phía sau để kiếm mày, tao thấy mày đang trò chuyện với Frère có vẻ tương đắc lắm, làm như thế gian chỉ có hai người.
Cô cau mày trừng mắt với Trúc:
          - Tao thì tao không có ý đó nhưng mày muốn nghĩ sao thì nghĩ.  Thiên hạ bây giờ đã chịu ban bố cho tao hai chữ “bình an” thì mày cũng nên làm ơn mắt ngơ tai điếc cho tao nhờ với, “chị hai” à.  Tao tưởng đâu qua một năm thêm một tuổi, mày đã bỏ được cái tật dòm ngó chuyện người ta rồi chớ.
Thấy hai đứa có vẻ sắp “chỏang” nhau, Mai vội chen vào:
          - Ê, bộ tụi bây tính sinh sự hay sao?  Có muốn gây thì cũng phải đợi xong việc về nhà rồi hãy gây. Còn bây giờ thì phải chuẩn bị mặt mày cho tươi tắn lên thì mới mong ăn khách được.  Đi xin tiền mà quạu quọ như tụi bây ma nào mà cho.  Tao thấy ba cái mớ phù hiệu “Cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc” này đi tới chiều cũng không hết nổi nữa đừng nói chi tới trưa thôi.
          - Không hết thì cứ mang về trả lại văn phòng chớ lo gì miễn là mình “tận nhân lực” thôi  chớ.  Mình cứ đi ra chợ, kẻ qua người lại dập dìu thế nào cũng “khẳm”.  Mày có nhớ kỳ đi lạc quyên cho hội Hồng Thập Tự  hồi cuối năm đệ tứ cho trường cũ mình đó hay không, tụi mình đã ra “trấn” ngay chợ, mấy bà đi chợ ăn hàng xong còn vài ba xu lẻ đâu có tiếc rẻ gì mà không bỏ vào hộp cho mình làm phước để tích đức.  Lần này mình cũng cứ “bổn cũ soạn lại”, dễ dàng thôi.  Nhớ bữa đó tao đã gặp…

Nghe Trúc nói đến đây, cô như sực nhớ ra điều gì vội kêu lên cướp lời Trúc:
          - À Trúc, mày nhắc tao mới nhớ ra một chuyện.  Bữa đó, con Mai bưng hôp tiền, mày gặp má ở chợ, bắt bà phải nộp tiền “mãi lộ” rồi mới cho đi.  Còn tao đang đứng lơ tơ mơ với hy vọng được một mạnh thường quân nào chiếu cố thì chợt thấy một ông Frère từ xa lơn tơn đi tới, tao đinh ninh thế nào cũng “trúng mánh” vì nhà tu chắc hẳn phải giàu lòng bác ái thương người.  Tao hăng hái bước lại gần xin gắn một cái “huy chương”, không dè ông ta khoác tay lia lịa nói  “Frère hổng có tiền” làm tao quê quá cở.
Ba đứa khúc khích cười làm các nhóm đi trước tò mò ngoáy cổ lại nhìn.  Cô hạ giọng nói tiếp:
          - Bây giờ tao mới sực nhớ ông Frère đó chính là ông Venance dạy Pháp văn lớp mình hiện giờ.  Thảo nào lúc mới vào học, gặp Frère tao thấy ngờ ngợ quen quen, tao có cảm tưởng như có gặp ở đâu rồi mà nhớ hoài không nổi.  Hôm nào có dịp tao sẽ nhắc Frère chuyện này xem Frère có nhớ gì hay không.  Thật không ngờ.
Trúc gằn giọng:
          - Không ngờ gì, không ngờ có duyên đến thế à?

Giọng Trúc có vẻ mát mẻ ganh ganh nhưng cô không để ý, cô chỉ gật đầu cười mỉm, lòng thầm nghĩ đến chuyện định mệnh và duyên số như chiều nào trên phòng Frère đã nói với cô.  Định mệnh đã sắp bày cho hai người một lần sơ ngộ trong một buổi chợ năm xưa và đã xui khiến cho hai người gặp lại.  Nếu cô và Frère không duyên số với nhau thì có lẽ nhà dòng chưa bày ra chuyện thâu nhận nữ sinh vào niên khoá này, đúng vào niên khóa cuối cùng mà Frère còn lưu dạy ở đây để cô vào học, để khi tái hợp, cái cảm giác thân quen từ muôn kiếp đã khiến hai người gắn bó yêu thương.  Cô lại liên tưởng đến lá thư Frère vừa trao mà cô chưa có cơ hội đọc đến.  Tuy chưa biết Frère viết gì trong đó nhưng cô có thể suy đoán được nội dung như thế nào rồi qua những lời bóng gió của Frère lúc nãy, bảo cô hãy mang về  mùa xuân cho Frère dù là xuân muộn, cho một cuộc đời đã vì nghiệp cả hiến dâng.  Cô nghĩ ngợi loanh quanh không nói gì thêm nữa khiến Trúc buồn tình quay sang gợi chuyện với Mai trên suốt đường ra chợ.

Buổi trưa khi hoàn tất nhiệm vụ, đoàn học sinh lũ lượt kéo nhau trở về với những thành quả thu nhặt được từ khắp các nẻo đường, tuy chẳng là bao nhưng đáng quý ở tấm lòng tương thân tương trợ.  Trao hộp tiền cho Frère phó xong, cô vội vã ra về ngay mặc cho lũ bạn còn nấn ná cà kê chuyện trò.  Về đến nhà gặp lúc má đang dọn cơm trưa, má bảo ăn luôn nhưng cô than mệt nói để ăn sau.  Cô mang bức thư Frère ra chiếc võng trước hiên nhà nằm đọc. Thư rằng :

  
“Người phương nam yêu dấu,
Biết rằng em không đến được nhưng Frère cứ đợi cứ trông, đợi trông để rồi não nề thất vọng.  Hán tự có câu “Nhứt nhựt bất kiến tam thu hề”, một ngày chẳng gặp tưởng chừng ba thu, vậy một tuần không gặp, em tính xem là đã bao nhiêu năm rồi.

Em yêu, sau bao ngày đắn do suy gẫm, lời khuyên của em vẫn không làm Frère đổi thay  ý định.  Frère đã quyết định về với em, Frère không muốn làm nữa một kẻ độc hành suốt kiếp mà đường đời từ đây ước ao được cùng em chung lối chung đường.  Khi xưa Frère còn quá trẻ nên đã không nhận thức được hướng đi của mình, Frère đi tu là vâng theo ý Chúa như một định số đã được an bày không thể trốn tránh từ nan.  Nay Chúa đã khiến xui cho Frère gặp em, yêu em, Frère nghĩ rằng ơn thiêng liêng kia đã dứt.  Lý tưởng đã không còn là lý tưởng nữa thì còn đa mang bận bịu làm gì cho thêm phiền não cuộc đời.  Chúa muốn cho con cái Chúa tất cả đều hạnh phúc thì ta hãy chọn con đường nào hạnh phúc mà đi.  Trước Frère biết bao nhà tu đã hoàn tục lập gia đình, điều đó chẳng có chi là tội lỗi.  Đời tu hành hay đời trần tục gì thì phước đức cũng như nhau miễn sao ta biết giữ lời Chúa dạy sống đạo đức ngay lành, trọn lòng bác ái. Mà muốn bác ái với tha nhân thì trước tiên phải bác ái với chính mình. “La charité commence par soi- même”.

Em cứ nghe anh, chìu anh, đừng bắt anh hy sinh thêm nữa.  Khoảng đời phụng vụ vì Chúa đến đây anh nghĩ là đã đủ, khoảng đời còn lại hãy cho anh được nghĩ đến anh, hãy để anh dành cho em, cho tình yêu chúng mình.  Em đừng nghĩ ngợi lo âu, chỉ cần cho anh biết là em có tin tưởng nơi anh, có bằng lòng cùng anh đắp xây một mái ấm gia đình.

Ngày học sắp đến, anh rất vui mừng vì sắp được thấy lại em hằng ngày nhưng đồng thời cũng rất đau buồn vì ngày tan trường cũng đã gần kề đâu đây.  Không bao lâu nữa anh sẽ phải xa em nhưng anh đi rồi anh sẽ về.  Trước khi ra đi anh sẽ bàn tính với em về tương lai chúng mình để em yên lòng chờ đợi.  Yêu em, anh phải chuẩn bị cho em một tương lai vững vàng chớ không phải là những chuỗi ngày bấp bênh đầy lo lắng.

Từ đây có lẽ anh sẽ viết thư cho em thường xuyên hơn, em hãy bao tập lại bằng loại giấy bao dày không nhìn thấu được bên trong để mỗi khi em góp bài lên anh sẽ gởi vào đó một lá thư cho em nếu cần.  Hồi âm cho anh nhé, em thương". 

Nửa phần thư sau, Frère đã đổi tiếng xưng “Frère” bằng tiếng “anh” đúng nghĩa một người tình.  Frère không muốn mình là Frère nữa khi đã sắp thoát thai làm một phàm nhân tục tử, khi đã nói rồi chuyện tình tự thế gian.  Ngôi cao chín bệ hay thiên đàng nước Chúa giờ đây cũng không còn cao trọng nghĩa lý gì, cũng không làm sao quyến rũ hay sánh bằng một vòng tay tình ái tuy rất thường tình nhỏ nhoi.  Cô áp lá thư vào lòng bồi hồi sung sướng nghe chừng hạnh phúc đâu đây.  Lời lẽ trong thư như một nguồn suối tình lai láng, suối sẽ đổ ra sông mà cô là sông ngòi không thể nào không đón nhận.  Cô sẽ đón lấy chàng, đón lấy tấm chân tình nồng nàn thâm thúy đó như một phần thưởng trời ban bằng tất cả thiết tha vui mừng và lòng biết ơn Thượng Đế.  Giấc mộng chung đời chẳng biết rồi có được như ý hay không nhưng giờ đây cô cảm thấy mình là kẻ có diễm phúc nhứt trên đời.

****************************

Nền an ninh ở khắp mọi nơi trong cũng như ngoài thành phố giờ đây đã được vãn hồi ổn định.  Nhịp sống hằng ngày của mọi tầng lớp người dân lại luân lưu như cũ cho đường phố hôm nay tung tăng lại những bước chân chim học trò.  Sau những ngày xa thầy vắng bạn vì binh lửa dậy trời, giờ đây lũ học trò lại cắp sách đến trường trong bao nỗi hân hoan.  Sân trường hôm nay rộn rịp sống lại những ngày học cũ, hoa bướm cũng xôn xao đón mừng đàn chim nhỏ trở về.

Các lớp học vẫn còn đầy đủ những khuôn mặt xưa, thầy trò may mắn không một ai thiếu mất, vẫn không khí vui tươi rộn rã như ngày nào nhưng riêng cô, cô cảm thấy dường như có một nỗi buồn nào đó đang chực chờ lảng vảng đâu đây.  Trong bài diễn văn trước khi vào lớp sáng nay, sư huynh hiệu trưởng bảo với học sinh rằng, cuộc chiến đã làm đình trệ ngày học, bài vở còn rất nhiều mà niên học chẳng còn bao lâu, không đầy ba tháng nữa là sẽ chấm dứt.  Thế nên học sinh phải “chạy nước rút”, phải cố gắng chuyên cần, các cuộc chơi phải được ngưng hẳn để học ráo riết cho kịp chương trình đã ấn định.  Không đầy ba tháng nữa là sẽ tan trường, người sẽ phải ra đi! Hồi chuông ly biệt đã được gióng lên ở hiệp đầu, đã lên tiếng báo động với cô rằng cô không còn bao nhiêu ngày nữa để học để yêu, để hẹn hò, để trang diễm tình còn được tô thêm nữa những sắc màu yêu đương.  Ôi! Buồn làm sao tình yêu dưới mái học đường, những ngày bên nhau không dài như mơ ước!  Những ngày còn lại này cô sẽ hết sức trau chuốt khắc ghi, sẽ là những trang lưu bút được nâng niu giữ gìn để mai đây nếu có tiếc ngày đã qua hay tưởng nhớ đến người đã mịt mù xa vắng thì cũng còn đây bao chứng tích âm thừa cho lòng không trống vắng cô liêu.

Hai giờ học cuối của buổi học hôm nay là giờ Pháp văn.  Dạy xong như thường lệ, Frère cho bài tập về làm.  Bên dưới bàn học sinh có đứa lên tiếng kêu nài than van:
          - Thôi hôm nay miễn bài tập đi Frère.  Mới vào học lại còn lười quá.
Frère lắc đầu cười bảo:
          -Thì làm đi rồi sẽ siêng trở lại.  Học sinh ngữ muốn mau tiến là phải làm bài tập đều đặn và thường xuyên.  Frère không ngại chấm mà các em ngại làm hay sao.  À, còn bài luận Frère cho hôm nghỉ Tết các em đã làm xong chưa, hãy nộp lên cho Frère đi chớ.  Ai chưa xong thì Frère gia hạn cho hai hôm nữa, không làm không được đâu nhé vì Frère sẽ lấy điểm vô sổ hằng tháng để cộng hạng đó.

Frère nói xong thì giờ tan học cũng vừa điểm.  Bọn học trò ùn ùn kéo nhau lên bàn Frère, có đứa góp bài, có đứa xin hoãn.  Cô chậm rãi thu dọn sách vở cất vào cặp và đi ra cửa đứng chờ Trúc và Mai.
Khi đám học sinh đã ra hết, Frère cũng cầm xấp bài lững thững đi ra.  Trúc, Mai và cô đang chia tay với Lan.  Đi ngang chỗ bọn cô đứng, Frère dừng lại dặn dò:
          - Các cô nhớ làm bài tập nhé.
Câu nói là câu nói chung nhưng ánh mắt lại hướng về cô với ý riêng.  Cô ngầm hiểu rằng Frère muốn nhắc cô việc hồi âm bức thơ của Frère hôm nọ.  Cô cười nhẹ đáp:
          - Đó là bổn phận của tụi em, Frère đừng lo, tụi em biết mà.

Hai hôm sau giờ Pháp văn lại đến.  Cô chỉ đợi có thế, quyển bài tập được góp lên có kèm theo những dòng chữ hồi âm bên trong lớp giấy bao dày.  Cô viết:

“Frère thương,
Bấy nhiêu ngày xa vắng, biết rằng Frère trông Frère đợi nhưng em chẳng dám vào thăm quấy rầy vì muốn để Frère được bình tâm suy nghĩ.
Frère thương, nếu Frère nghĩ rằng công nghiệp của Frère đã dứt, lý tưởng đã không còn là lý tưởng nữa thì em còn biết nói gì hơn, còn biết khuyên nhủ Frère như thế nào.  Nếu Frère nghĩ rằng em là một ngày mới sau một đêm dài âm u, một mái ấm êm đềm  cho người lữ khách dừng chân sau một cuộc hành trình gian khổ, một chiếc đũa thần có thể gõ vào đời Frère hạnh phúc thì em không gượng gạo nữa chối từ .  Em sẽ chìu lòng Frère để mọi việc xuôi theo tự nhiên như ý Chúa, để khoảng đời còn lại của Frère không còn nữa là những chuỗi ngày khô cằn trong sa mạc, cứ hoài tưởng đến ảo ảnh thiên đàng mà bỏ sót đi những giọt nước trần gian ngọt ngào tươi mát.  Em sẽ bỏ tiếng “Frère” tu trì đầy ngăn cách đó như anh đã muốn từ bỏ để gọi bằng tiếng “anh” trần tục gần gũi thương yêu cho cuộc tình này đúng nghĩa trọn vẹn như bao cuộc tình.

Anh yêu, được anh ước hẹn trở về, em rất sung sướng mãn nguyện.  Đời có anh là có tất cả, em không còn mơ ước nào hơn.  Huống chi, yêu nhau là chấp nhận, là chia sẻ với nhau mọi hoàn cảnh, anh đừng quá lo lắng cho tương lai, em không ngại dẫu ngày mai chớp bể mưa nguồn.  Ngày tan trường sắp đến, em cũng như anh không tránh được nỗi sầu ray rứt trong tim nhưng dẫu sao đây cũng chỉ là một cuộc tạm biệt, vì như anh đã nói anh đi rồi anh sẽ trở về.  Với tình yêu của anh, em rất vững lòng tin tưởng và sẽ yên phận đợi chờ, chờ anh một ngày vui tái ngộ để nói với nhau câu trăm tuổi bạc đầu…”

Cuộc tình tưởng sẽ trái ngang nan giải ai ngờ lại được chàng  tính nhẩm cho ra một đáp số hết sức nhanh chóng dễ dàng như hai với hai dứt khoát là bốn không cần phải thắc mắc so đo.  Phải chăng vì căn tu của chàng đã dứt, ơn thiêng liêng đã tận nên chàng mới mạnh dạn cương quyết hoàn tục bỏ đạo về đời đi theo tiếng gọi của con tim.  Dù đạo dù đời, con đường nào cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa; thôi thì xin Chúa hãy rộng lòng hóa giải cho chàng lời khấn năm xưa để chàng được dừng lại bước gian nan về dưới mái nhà thỏa niềm mơ ước ban sơ đầu đời.  Xin Chúa hãy tháo củi xổ lồng cho nai kia về bên đồng xanh suối mát, cho chim kia được toại ý mặc tình xây đắp cho đời mình một tổ ấm uyên ương. 

Riêng phần cô, từ đầu cho đến giữa cuộc, cô đã bao phen đánh thức nhắc nhở chàng nhưng chàng cứ tảng lờ phớt tỉnh không nghe.  Cho nên lần này, trước cái quyết định tối hậu và nhứt là cái dự trù tương lai quá hấp dẫn của chàng, cô không còn can đảm đâu mà từ chối hay cao thượng rởm khuyên lơn.  Đời người con gái, phải chăng hạnh phúc lớn nhứt là được thương yêu và nguyện vọng lớn nhứt là được cùng người mình yêu chung sống bên nhau cho đến mãn kiếp mãn đời.  Thế thì giờ đây hạnh phúc đã đến tay, nguyện vọng sắp sửa đạt thành thì cô còn ngại ngùng phân vân gì nữa mà không lập tức nắm giữ ngay cho mình.  Con người có mấy khi được sống cho mình, cho hạnh phúc của chính mình đâu, nếu Thượng Đế đã ban cho tức là mình xứng đáng để nhận thì tội gì mình không nhận lấy, tội gì mình phải chịu khổ hy sinh.  Nếu lương tâm có kêu rêu, dư luận có chỉ trích thì cô cứ đổ thừa cho số mệnh.  Bởi tại số mệnh đã dẫn lối đưa đường, đã kết hợp cho cô với chàng chớ tự hai người từ đầu vốn là xa lạ nước lã người dưng, có biết gì nhau đâu mà tính chuyện một nhà...