Pages
- Trang Chủ
- About Me
- Truyện Ngắn
- Sưu Tầm
- Sưu Tầm from 2020
- Góp Nhặt Bên Đường
- Nhạc Chọn Lọc
- Sưu Tầm Sức Khỏe
- NPN's Recipes
- Trang Người Phương Nam
- Cười Ý Nhị
- PPS + YouTube Chọn Lọc
- Những Hình Ảnh Ý Nghĩa
- Thơ
- Thơ from 2020
- Bùi Phương Lưu Niệm
- Trang Anh Ngữ
- Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ
- Truyện Dài : Ngày Tháng Buồn Hiu
Tuesday, May 31, 2022
Chuyến Chặt Củi Cuối Cùng - Nguyễn Văn Tới
Năm đó, khi đất nước bư
Thằng Xiểng và tôi vừa là anh em họ cô cậu
ruột vừa là đôi bạn thân, chúng tôi hay đi chơi chung với nhau, uống cà phê,
nghe nhạc, và cả đi tán gái cùng làng ở cuối sân nhà thờ vào những ngày trăng
sáng. Cả hai đứa chúng tôi vừa tròn 17 tuổi. Gia đình tôi từ ngoài miền Trung
chạy loạn về cái làng quê điêu tàn này vì không biết phải sống ở đâu trong buổi
giao thời hoang mang. Ba má tôi đã nếm mùi cộng sản từ trước năm 1954, phải di
cư vào miền Nam, ông bà tin rằng chỉ có chạy về miền quê làm ruộng rẫy, may ra
mới không phải chết đói, và thêm nữa, ở đây có vài người bà con ruột thịt bên má
tôi.
Trong đám anh em họ của tôi, còn có thằng
Sông, con ông bác, anh ruột của má tôi; vì vai vế họ hàng, tôi phải kêu nó là
anh và kêu thằng Xiểng, con ông cậu ruột, là em. Ba đứa chúng tôi sinh cùng một
năm, cùng một tuổi, nên dễ làm bạn với nhau hơn. Ngày đó còn trẻ nên chúng tôi
chẳng bao giờ phân biệt hơn thua, giàu nghèo hay định kiến tao tỉnh thành, mày
nhà quê. Nhưng tôi thích chơi với thằng Xiểng hơn vì nó hiền lành, nhường nhịn,
và thẳng tính, trong khi thằng Sông thì cáu kỉnh, ghim gút và hay giận dỗi, có
chuyện gì không thích cứ lầm lì không nói ra.
Cuộc sống cả nước cơ cực lầm than. Đất đai,
ruộng vườn ở vùng sông ngòi nước lợ như làng tôi bị vào hợp tác xã, năm đó mất
mùa nặng vì ở trên không biết thổ nhưỡng địa phương ra sao, cứ bắt phải tuyệt đối
theo lệnh trung ương đắp đê ngăn nước mặn; còn ở dưới, tuy biết sai, nhưng
không dám cãi “nghị quyết của đảng” từ trên đưa xuống. Một đất nước điều hành bởi
người không hiểu biết và bởi nghị quyết chứ không phải bởi luật lệ và kiến thức
chuyên môn, thì sớm muộn gì cũng dẫn đến suy vong.
Người dân quê chúng tôi phải chèo xuồng đi
vào rừng Sác dùng tất cả những dụng cụ tự rèn được như dao phãng và con dao quắm,
hoặc rựa để phát quang rừng Sác lấy đất đai làm ruộng thêm. Lúc đó mạnh ai nấy
làm, gia đình nào đông con thì phá nhiều, hưởng nhiều. Làn sóng người đi tìm đất
ngày càng đi sâu và đi xa hơn. Thằng Xiểng và tôi thường đi làm chung với nhau,
chúng tôi thuộc lòng các con sông rạch trong vùng và sông Lòng Tàu như trong
lòng bàn tay. Chúng tôi càng thân nhau, quý mến nhau như hai anh em ruột.
Rồi đất cũng hết vì càng đi xa, nước càng mặn
muối vì gần với biển hơn. Chúng tôi bàn nhau nên mua một chiếc ghe lớn hơn có
thể chở được ít nhất là 12 đến 15 thước củi; chúng tôi sẽ đi chặt củi Đước hay
củi Mắm ở rừng Sác đem về bán ở Sài Gòn. Năm đó chúng tôi vừa tròn 18 tuổi mà
đã phải lo bương chải làm ăn nuôi gia đình. Cả hai gia đình hùn nhau, gom góp,
vay mượn, mới mua được một chiếc ghe kiểu Cần Thơ, thằng Xiểng và tôi mướn thêm
một thằng bạn quen tên Thân Văn Liệu, đi theo phụ chặt củi Đước. Mỗi chuyến đi
chặt củi mất một tuần. Ba đứa vừa chặt, vừa khuân vác ra ghe phải mất 4 ngày mới
được 12 thước củi, thay nhau chèo tay thâu đêm suốt sáng mất một ngày về Sài
Gòn để bán, rồi gần một ngày theo con nước ròng thả xuôi về nhà, nghỉ ngơi một
ngày rồi lại tiếp tục đi làm chuyến khác.
Cuộc đời cơ cực, sướng khổ có nhau như vậy
nên chúng tôi càng gắn bó và thân thiết nhau hơn. Nghề chặt củi Đước và củi Mắm
không phải là một công việc dễ dàng gì dù chúng tôi đang ở cái tuổi sung sức nhất
của người thanh niên. Ăn uống kham khổ, chỉ cá khô nướng, muối mè, mắm tôm mắm
ruốc kho lèo tèo vài miếng thịt ba rọi, hoặc vài hũ chao ăn với cơm mà phải làm
quần quật như trâu cả ngày. Bây giờ nghĩ lại mới thấy sức người kinh khủng thật,
không hiểu sao ngày đó tôi có thể làm được những công việc quá sức của mình.
Rừng Sác là loại rừng ngập mặn chỉ thích hợp
cho những loại cây có khả năng giữ và bồi đắp đất và cũng là loại đất sình bùn
mềm và nhão. Trong rừng có nhiều loại cây khác như cây Da, Sú, Bần, hay Dừa Nước
mọc xen kẽ nhau, nhất là cây Đước, rễ của nó mọc đan xen vào nhau dầy hơn mạng
nhện, có như vậy nó mới giữ được đất bồi không bị sói mòn trôi theo ra biển.
Rừng Đước và giàn rễ tua tủa đan xen vào nhau để giữ đất bồi, là nơi cư ngụ của các loài thủy sinh.
Trước khi chặt nguyên cây Đước cao cả chục
mét, chúng tôi phải chặt hết những cái rễ tua tủa xung quanh nó, sau đó hạ
nguyên cây xuống, rồi chặt thành từng khúc 8 tấc (80 cm). Dùng giây leo tết
thành sợi thừng, chúng tôi quàng quanh bó củi lớn gấp 4 lần kích cỡ một người,
đưa nó lên vai, chân không giày nhưng phải lựa đường bước qua những rễ cây chằng
chịt khắp nơi, thỉnh thoảng lại bước hụt chân vào chỗ bùn lỏng, bị sình lầy ngập
tới háng, phải lăn bó củi xuống, lóp ngóp bò ra khỏi chỗ đất sụt, lấy hết sức
kéo bó củi lên chỗ đất cứng hơn, vác lại lên vai rồi đi tiếp ra bờ con rạch chỗ
ghe đậu.
Nhiều người đi chặt củi như mình nên càng
ngày chúng tôi phải đi bộ xa hơn vào bên trong mới mong có củi để mà chặt. Cuộc
sống ngày một khó khăn hơn. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình vô tình góp tay tàn
phá cả một vùng rộng lớn môi trường sinh thái ngập mặn với đủ các loài thủy
sinh khác nhau đang sống ở đó; đặc biệt cây Đước là loại cây gỗ cứng, than của
nó cháy đượm lâu, nó cũng giúp giữ cho đất khỏi bị lở và cũng là nơi các loại
tôm, cua, ốc bám vào thân cây sinh sống, một loại cây có nhiều lợi ích mà lúc
đó chỉ lo cái bao tử của mình, đâu có hay. Thời đói khổ, con người phải làm bất
cứ cái gì để sống còn mà không hề nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao.
Ban ngày, chúng tôi chăm chỉ và cần cù làm
việc như những con rái cá, ban đêm, những làn gió nhẹ từ mặt sông thổi mơn man
làm tươi mát cái thân xác mệt nhoài; chúng tôi chèo thuyền trên những sông rạch
chằng chéo đan vào nhau như một màng nhện. Những đêm chở củi về Sài Gòn, cánh
buồm no gió ngoài biển thổi vào đưa con nước lên, chúng tôi gác cả hai mái chèo,
tay tôi cầm cần lái điều khiển con thuyền khẳm mấp mé nước. Thằng Liệu nhóm bếp
nấu nước trà, thằng Xiểng lấy thuốc ra vấn hút, nó mồi lửa và đưa cho tôi điếu
thuốc rê cháy đỏ; ánh lửa điếu thuốc lập lòe soi sáng ba khuôn mặt khắc khổ của
chúng tôi. Con thuyền cứ thế trôi đi trong thinh lặng của đêm hòa lẫn với âm
thanh róc rách của nước vỗ nhẹ hai bên mạn thuyền, cùng với màu ánh trăng bàng
bạc trải dài trên sông nước mênh mông. Tinh thể muối tạo thành một vệt dài những
đốm sáng lấp lánh như lân tinh vụn vỡ, rẽ ra hai bên, trôi nhanh về phía sau, rồi
tan trong bọt nước xuôi theo đằng lái ghe. Những giây phút ấy, tôi sững sờ, lặng
im chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên sông nước, tạm quên đi những
nhọc nhằn của kiếp lầm than.
Lần đó, sau khi bán xong 12 thước củi Đước ở
bến Thị Nghè, chúng tôi đi vào chợ mua thêm thực phẩm cho chuyến đi sắp tới.
Xong mọi việc, theo thói quen, ba thằng chúng tôi gởi ghe cho vựa củi và đi ăn
phở, tự thưởng công cho mình. Khi trở lại thuyền, chúng tôi cất đồ đạc đâu vào
đó xong thì trời sắp về chiều, ánh nắng còn hơi gay gắt, soi bóng nghiêng
nghiêng. Thằng Xiểng nôn nóng muốn về nhà, nhưng con nước vẫn đang lớn, có
nghĩa là chúng tôi phải chèo ngược nước rất vất vả. Thằng Liệu và tôi đề nghị
lên bờ chơi, đợi vài giờ nữa nước ròng, mình sẽ nương theo con nước, thả trôi về
nhà. Thằng Xiểng nhất định không nghe nên chúng tôi phải rời bến và chèo ngược
dòng để về nhà.
Vừa ra đến cửa sông lớn, chúng tôi bất ngờ nhìn
thấy chiếc ghe máy đuôi tôm của anh em thằng Khanh, Thắng, và Ốc-Phù đang lên
ga xịt khói đen chạy đằng sau. Tụi nó vượt lên và cặp song song hai chiếc ghe
vào với nhau rồi đề nghị chúng tôi buộc giây vào ghe nó để kéo chúng tôi về
luôn cho tiện, chúng tôi chỉ cần góp ít tiền xăng. Thế là chúng tôi đồng ý gác
mái chèo, qua ghe tụi nó, xúm lại hút thuốc lào, uống trà, cà phê, và nhai kẹo
đậu phộng, trong khi thằng Thắng lo nắm lái chiếc đuôi tôm. Bạn bè gặp nhau tha
hồ tán dóc, kể nhau nghe chuyến đi chặt củi của mình, chỗ nào còn củi nhiều, chỗ
nào có chốt tụi kiểm lâm chặn lại ăn cướp cạn, chỉ tội nghiệp cho Ốc Phù chẳng
góp được chuyện gì vì anh bị câm điếc từ nhỏ, khi muốn nói chỉ biết chu miệng lại
thổi hơi nghe phù phù, nên cả nhà đặt tên anh là Ốc Phù.
Mặt trời vẫn còn ửng đỏ với ráng chiều xa
xa phía chân trời, tiết trời đầu tháng Giêng cũng bắt đầu se se lạnh nên chúng
tôi ai về ghe nấy. Trở lại ghe mình, thằng Liệu lấy cái mền quấn quanh người, ra
đằng sau ngồi ôm cần lái, tôi và thằng Xiểng đốt lò lên nấu cơm chiều; bên kia Ốc
Phù thay phiên cầm lái và điều khiển máy đuôi tôm. Hai chiếc ghe phăng phăng rẽ
sóng trên đường về nhà. Bỗng đâu một con cá Đối to gần bằng cổ tay từ dưới nước
phóng lên rơi ngay vào lòng thằng Xiểng làm nó hết hồn. Nó nói cái này chắc là
Manna (1) từ trời rơi xuống, sẵn bếp lửa và chảo dầu, nó cho con cá vào chiên
chung với mấy con cá khô. Hai đứa chúng tôi cùng cười vang. Thằng Liệu bỗng lên
tiếng:
-
U tao hay nói “chim sa, cá liệng”
là điềm gở đó, coi chừng.
Tôi phản đối:
-
Gở đâu không thấy, chứ cá chiên
tươi rói kiếm đâu ra.
Ba đứa chúng tôi xúm lại ăn bữa chiều rất
ngon miệng với món cá Đối chiên dằm nước mắm.
Ăn xong, trời đã tối hẳn, con nước xoay chiều,
bắt đầu ròng và rút ra phía biển nên Ốc phù giảm tay ga, cả hai chiếc ghe chúng
tôi đều xuôi dòng thả trôi. Bên kia, Khanh thay Ốc Phù, cầm cần lái, để hai thằng
kia ngủ, máy đuôi tôm vẫn nổ nhỏ và đều để bẻ bánh lái; bên đây Xiểng thay Liệu
cầm lái. Tôi trải cái chiếu xuống giữa ván sàn ghe để hai thằng nằm ngủ. Thỉnh
thoảng tôi lại ngồi dậy hút thuốc rê và coi ghe đang về tới đâu. Khanh cho hay
bây giờ gần nửa đêm rồi và ghe đã về gần tới Rạch Mả, có nghĩa là chỉ vài giờ nữa
là chúng tôi về đến nhà. Tôi nhìn lên trời sao lấp lánh và nhìn quanh, nhận thấy
nước đã xuống thấp hơn nửa sông rồi, ghe đang trôi rất nhanh, và trời lạnh lắm.
Tôi nằm xuống, tay với cái mền lên che mặt, và ngủ tiếp.
Rạch Mả là một nhánh sông nhỏ ngoằn ngoèo
và nguy hiểm vì chỗ này nước xoáy mạnh, phải rất chú ý ở những khúc quanh và bắt
buộc giảm tốc độ vì cây cối um tùm che khuất tầm nhìn; nhánh sông này là lối đi
tắt về nhà gần nhất nên dân đi ghe rành rẽ thường chọn con rạch này. Cái tên Rạch
Mả là do dân địa phương đặt tên vì nơi đây ngày trước là rừng rậm, nơi Việt cộng
chôn cất lính của họ. Hiện còn rất nhiều ngôi mộ vô chủ, chẳng thấy thân nhân nào
đến nhận xương cốt đem về. Người dân làm ruộng ở đây, né các ngôi mộ đó ra, cứ
cấy lúa sát bên; thỉnh thoảng những ngày rằm, họ thương tình cắm cho mấy cây
nhang để sưởi ấm linh hồn người vô danh.
Đang say ngủ, bỗng tất cả chúng tôi bị đánh
thức vì nhiều tiếng la hét hoảng hốt vang lên, tôi chưa kịp định thần thì âm
thanh của một sự va chạm dữ dội và thân ghe rung lắc mạnh, khiến tôi phải chụp
lấy thành ghe để giữ thăng bằng. Tôi thoáng nhận ra một đoàn ghe khoảng gần một
chục chiếc cặp lại với nhau thành hàng 2 đi ngược chiều với ghe chúng tôi, cả
hai bên đều vừa quẹo quanh một khúc cua thật gắt nên không kịp tránh nhau. Cú
chạm mạnh làm hai bên bị đẩy giạt ra xa nhau trong một thoáng chốc.
Khi chúng tôi định thần lại được thì 2 đoàn
ghe đã cách nhau một khoảng khá xa, không thấy ghe nào bị chìm hay hư hại gì nặng
nên đường ai nấy đi. Chúng tôi đang bàn tán xôn xao về chuyện vừa xảy ra, chợt
nghe tiếng Ốc Phù ú ớ, vẻ hoảng sợ và chỉ tay về phía lái ghe của tôi. Tất cả đều
đưa mắt về phía tay Ốc Phù chỉ và không thấy thằng Xiểng đâu hết, chỉ còn cái mền
nửa trên ghe, nửa phết xuống mặt nước. Tôi la lớn át tiếng máy đuôi tôm:
-
Xiểng ơi, mày đang ở đâu?
Tất cả đều im lặng để chờ nghe tiếng trả lời,
nhưng chung quanh vẫn im lặng. Tôi và thằng Liệu thay nhau hét thật to kêu tên
thằng Xiểng nhiều lần, chỉ có tiếng máy đuôi tôm vẫn nổ dòn kêu lạch tạch. Tôi
bỗng ớn lạnh, nổi da gà, kêu thằng Khanh tắp ghe vô bờ, tắt máy, và cắm sào tại
chỗ. Trong màn đêm im lặng tịch mịch, trời còn tối đen, không còn âm thanh nào
khác ngoài tiếng hơi thở và nhịp tim gấp gáp của chúng tôi. Sau vài phút bàn bạc,
chúng tôi đều đồng ý là thằng Xiểng bị té xuống sông do cú va chạm mạnh, nhưng
chúng tôi hy vọng nó chỉ bị dòng nước cuốn đi xa theo nước ròng vì nó bơi rất
giỏi, và có thể giờ này nó đã bơi được lên bờ ở chỗ nào xa nên không nghe tiếng
chúng tôi kêu.
Tôi tháo dây cặp thuyền và nói anh em thằng
Khanh đứng tại chỗ quan sát, chúng tôi chèo ghe theo con nước ròng đi kiếm thằng
Xiểng. Thời đó làm gì có đèn pin nên chúng tôi phải căng mắt quan sát từng chút
trên mặt sông, săm soi từng bụi dừa nước, bụi Ô Rô, và các bụi cỏ Lác. Vừa kiếm
vừa la to mong thằng Xiểng nghe tiếng và đáp lại. Tìm một lúc lâu, vẫn không thấy
có động tĩnh gì, chúng tôi thất vọng, hoảng
hốt và bắt đầu tin rằng Xiểng đã chết chìm.
Tôi nhờ Liệu đốt cho một bếp lửa trong khi
cởi áo ra và mặc mỗi cái quần đùi, tôi nhảy xuống sông và lặn thật sâu để kiếm
xác nó. Nước lạnh làm tôi rùng mình. Mở mắt ra dưới nước, tôi chẳng thấy được
gì, hai tay cứ quơ tứ phía, hy vọng có thể đụng vào xác nó đang trôi đâu đó
trong bóng tối mờ ảo đó. Tôi cứ ngụp lặn và trồi lên liên tục cả giờ đồng hồ,
người mệt lả đi vì lạnh nhưng vẫn không thấy xác của thằng Xiểng. Tôi lên ghe
ngồi sưởi ấm. Thằng Liệu nhảy xuống thay tôi, cũng không có kết quả gì. Hai thằng
bèn chèo ngược dòng lên găp anh em thằng Khanh, tụi nó cho hay cũng không có
chút tăm hơi nào. Hai chiếc ghe lại chèo vòng quanh nơi xảy ra tai nạn, rồi lại
chèo đi xa hơn vì nghĩ rằng xác nó có thể đã bị nước cuốn đi. Chúng tôi chèo
nát khúc sông Rạch mả, hết ngang rồi dọc, hết lên rồi lại xuống, nhưng vẫn vô vọng.
Cuối cùng, chúng tôi nhờ Thắng đi bộ lên bờ,
kiếm con đường gần nhất, đón xe về báo tin cho ba má thằng Xiểng hay trong khi
chúng tôi ở đây vẫn tiếp tục tìm kiếm. Tất cả chúng tôi tách ra làm hai hướng,
cởi trần nhảy xuống tiếp tục mò. Trời đã gần sáng, ai nấy đều lạnh run cầm cập
nhưng vẫn cố gắng lặn xuống tận đáy sông chạm đến lớp bùn nhão, vừa quơ tay tìm
kiếm mong đụng được xác của Xiểng.
Mặt trời sắp ló dạng thì gia đình Xiểng cùng
với thằng Thắng vừa tới được bến sông, gia đình nó đi dọc theo bờ sông mắt dõi
xuống từng bụi cỏ, bụi cây hay những góc khuất tìm kiếm. Gia đình Xiểng vốn là
người công giáo ngoan đạo, họ quỳ gối ngay bờ sông, làm dấu thánh giá, đọc
kinh, và khấn nguyện ông thánh Martin De Porres (2). Chúng tôi vẫn chèo, mắt
dán trên dòng nước chảy xiết tìm kiếm. Khi mặt trời vừa rọi những tia nắng ấm đầu
tiên, thằng Ốc Phù vừa la ú ớ vừa thổi phù phù, chỉ tay về phía bên kia bờ
sông, tất cả chúng tôi nhìn theo và thấy một cái xác nổi vật vờ xen lẫn mấy
thân dừa nước bập bềnh tắp vào bờ sông. Chúng tôi chèo thật nhanh về hướng đó,
khi đến gần, tôi nhảy ùm xuống nước, bơi lại gần, và ẵm xác thằng Xiểng trên
đôi cánh tay.
Chúng tôi đem xác nó đặt nằm giữa lòng ghe,
gương mặt nó nhợt nhạt, mắt nhắm lại như đang ngủ rất bình yên. Tôi vén mớ tóc
xỏa của nó qua một bên và phát giác ra một vết cắt bên thái dương trái. Tôi chỉ
cho mọi người xem. Ai nấy đều ngỡ ngàng và hiểu ra, khi va chạm, cần lái bị dặc
mạnh, xoay ngang gạt thằng Xiểng rớt xuống sông và cái quạt vịt (chong chóng) của
máy đuôi tôm chém vào thái dương làm nó chết trước khi bị uống nước. Tôi lấy
cái mền đắp lên xác nó, rồi cả hai ghe lại cặp vào nhau, theo con nước xuôi tiếp
tục về bến nhà.
Về đến bến ghe, gia đình của Xiểng đã chờ sẵn
ở đó, có cả má nó đứng trên bờ, dù gia đình đã cố ngăn không cho bà đi theo.
Khi thấy xác con, bà cất tiếng khóc đau đớn thảm thiết của người mẹ mất đứa con
ở tuổi hoa niên. Tôi ngồi kế bên xác nó, bỗng thấy máu tươi từ miệng và mũi nó ộc
ra không ngớt. Tôi vội lấy cái khăn nhỏ lau mặt nó, máu thấm ướt hết cả cái
khăn. Gia đình phụ tôi đem xác Xiểng lên chiếc xe Lam đã chờ sẵn ở bến để đem
nó về nhà. Tôi vác đôi mái chèo trên vai, đi bộ về nhà, chân bước như người mộng
du, lòng buồn tê tái vì vừa mất đi thằng bạn thân nhất của mình.
Hôm sau, công an địa phương mời tất cả
chúng tôi lên trụ sở, tách riêng chúng tôi ra, và hỏi cung từng người để lấy lời
khai coi câu chuyện có giống nhau không. Sau này, tôi được biết gia đình Xiểng
ngờ rằng chúng tôi gây lộn, đánh nhau với đoàn ghe bên kia nên Xiểng bị người
ta đánh té xuống sông chết. Tôi hoàn toàn không trách họ vì trong lúc đau
thương tột cùng, họ giả dụ chuyện đó có thể xảy ra. Nhất là Ốc Phù, anh này bị
chấn động mạnh tâm lý, bằng lối diễn tả riêng của người câm điếc, anh ta vung
tay múa chân, cố diễn tả lại cái biến cố kinh hoàng đêm hôm đó, làm cho gia
đình Xiểng càng hiểu lầm hơn.
Vài ngày sau, khi nỗi buồn lắng xuống phần
nào, tôi vác mái chèo, vai đeo cái túi nhỏ đi xuống bến, đẩy ghe xa khỏi bờ và
chèo ra sông lớn. Tôi cứ chèo mà không biết đi về đâu, chèo một mình, chèo cho
đến lúc kiệt sức; tôi buộc ghe vào một cành Bần, thả hồn theo khói thuốc, cầm
chai rượu, rót uống một mình, dốc cạn ly, dốc từng giọt buồn thê lương, nhớ thằng
bạn thân. Tôi chợt để ý có mấy con ruồi vo ve đậu xuống ván thuyền giữa ghe,
nơi bạn tôi nằm, mùi máu tanh vẫn còn phảng phất đâu đây. Tôi lấy gàu múc nước
và rửa sạch các vết máu, rồi tát nước cho cạn khô. Tôi làm đi làm lại như vậy
nhiều lần đến khi không còn mùi tanh của máu. Tôi lẳng lặng chèo về bến. Từ đó,
tôi không bao giờ trở lại nghề sông nước.
Nguyễn Văn Tới (Lãng Tử). Tháng 6/2022.
CHÚ THÍCH:
1.
https://www.merriam-webster.com/dictionary/manna.
2.
https://en.wikipedia.org/wiki/Martin_de_Porres.
Monday, May 30, 2022
Câu Chuyện Cuộc Đời Của Ông Đế Chế Starbucks
Đó là một ngày mùa đông lạnh lẽo năm 1961. Trong mắt cậu bé Howard Schultz, đó là ngày buồn bã vô cùng. Sau khi người cha lái xe tải bị tai nạn và mất đi một chân, kinh tế gia đình Schultz mất đi hoàn toàn chỗ dựa. Mỗi bữa ăn tối, trên bàn ăn của gia đình chỉ toàn là những món khó nuốt, là rau mẹ Schultz nhặt nhạnh ngoài vườn và cafe gần hết hạn được giảm giá.
Từ ngày bị mất việc làm do tai nạn lao động, cha Schultz cũng mất luôn cả niềm tin vào cuộc sống. Mỗi ngày chỉ biết mượn rượu giải sầu, và trở thành một con ma men. Bởi sẵn có men rượu trong người, nên chỉ cần Schultz hơi không nghe lời cha liền nổi giận lôi đình, và cũng từ đó trận đòn tra tấn của cha diễn ra hằng ngày như cơm bữa.
Một đêm Noel, năm cậu bé Schultz 12 tuổi, trong khi các gia đình đang quây quần vui vẻ bên bàn ăn với những món thơm ngon nức mũi trong ánh nến lung linh huyền ảo thì cảnh nhà cậu lại hoàn toàn khác biệt. Mẹ cậu vì không mượn được tiền đang cau mày rầu rĩ ngồi ở góc nhà, còn cha cậu thì đang nổi trận lôi đình mắng nhiếc những người kia là kẻ ngu ngốc. Người mẹ bất lực của cậu không còn cách nào khác chỉ đành biết xua mấy anh em cậu ra phố chơi.
Ba đứa trẻ bụng đói cồn cào đành đi ra phố, vừa ra tới cổng ba anh em phát hiện một cửa hàng tổng hợp đang bày la liệt các loại đồ ăn và nước ngọt. Mấy anh em cậu thèm rỏ dãi. Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu. Schultz liền bảo em trai và em gái mình về nhà trước, còn bản thân thì đứng nhìn chăm chú vào một lon cafe được đóng gói cầu kỳ đẹp mắt ở đó. Schultz rất muốn làm một điều gì đó để giúp cha vui vẻ hơn.
Nhìn ngó một hồi đợi đúng thời cơ, Schultz nhanh chóng lấy lon cafe đó nhét vào túi áo bông. Tuy nhiên thật không may là cậu lại bị ông chủ cửa hàng phát hiện. Ông ta hét lớn: “Bắt lấy kẻ trộm”. Cậu cắm đầu bỏ chạy một mạch về nhà và cứ nghĩ rằng đã thoát nạn. Cậu mang món quà nhỏ đó tặng cha. Khỏi phải nói nét mặt cha cậu khi đó vui mừng cỡ nào. Khi mở lon ra mùi thơm ngào ngạt của cafe bốc lên làm ông cứ hít hà mãi và nhắm mắt tận hưởng. Nhưng khi còn chưa kịp thưởng thức thì ông chủ cửa hàng tạp hóa đã đuổi tới tận nhà Schultz. Sự việc bại lộ, cậu bé bị lãnh một trận đòn đau nhớ đời.
Đêm Noel năm đó đối với Schultz thật sự vô cùng khó quên khiến cậu mãi khắc cốt ghi tâm. Khi cảm nhận được những dư vị của sự khốn khó và đau khổ tột cùng, cậu tự thề với mình sẽ nỗ lực hơn nữa để bằng mọi giá mua được loại cafe hảo hạng nhất, thay vì phải uống cafe sắp hết hạn như lúc này.
Để giảm gánh nặng kinh tế cho mẹ, sau giờ học, cậu tới làm thêm ở một quán ăn nhỏ và nhận giao báo sáng trước khi lên lớp. Nhưng số tiền ít ỏi mà cậu bé đáng thương kiếm được lại bị cha lấy cắp để mua rượu uống. Cậu trở nên oán giận và chán ghét cha. Hai cha con cậu vì thế mà càng ít nói chuyện hơn.
Từ sau ngày đó, để kiếm tiền cậu đã làm thêm rất nhiều việc: kéo da thú trong một công ty sản xuất áo da, xử lý sợi ở công ty sản xuất giầy thể thao… Chỉ có một điều mâu thuẫn giữa hai cha con cậu mãi không thay đổi. Trải qua vô số khó khăn, chông gai, cuối cùng Schultz cũng xuất sắc thi đỗ đại học.
Cảnh nhà nghèo khó, cha kiên quyết không cho Schultz vào đại học mà muốn cậu đi làm kiếm tiền. Schultz gào lên: “Cha không có quyền quyết định cuộc sống của con. Con không muốn sống những ngày tháng không có mơ ước, không có động lực phấn đấu, ăn bữa nay lo bữa mai như của cha. Cuộc sống của cha làm con cảm thấy thật hổ thẹn”.
Khi vào học đại học bắc Michigan, để tiết kiệm tiền lộ phí và có tiền trang trải học hành trong kỳ nghỉ hầu như Schultz không về nhà mà đều đi làm thêm. Mỗi tháng Schultz đều viết thư về cho mẹ nhưng không hề hỏi thăm về tình hình của cha mình. Sau khi tốt nghiệp Schultz trở thành một nhân viên kinh doanh xuất sắc. Tất cả mọi cố gắng phấn đấu trong cuộc sống của cậu chỉ là vì muốn chứng minh cho cha cậu hiểu rằng lựa chọn của mình không sai lầm.
Năm đó nhờ làm việc chăm chỉ, Schultz kiếm được một món tiền khá lớn. Lần này phá lệ cậu quyết định mua cho cha mình một hộp cafe đen của Brazil loại hảo hạng. Schultz cứ nghĩ cha sẽ rất vui khi nhận món quà đó, nhưng nào ngờ cậu lại bị cha chế nhạo tới ức phát khóc. Ông nói với cậu: “Con dốc sức học hành chỉ là vì để mua loại cafe này thôi à?”. Để không bị cha xem thường hơn nữa, Schultz quyết tâm đạt thành tích tốt hơn để chọc tức ông.
Nhiều năm sau, mẹ điện cho Schultz nói cha nhớ và muốn gặp anh. Từ trước tới nay chưa bao giờ cha anh nói với anh những lời như vậy. Schultz ngạc nhiên và khó hiểu. Dù vậy, vì đang bận đàm phán với khách hàng nên anh từ chối không về, cũng không nói chuyện điện thoại với cha. Vì những bận rộn công việc, hai tuần sau anh mới về nhà được. Khi này, anh mới biết cha đã mất rồi…
Khi dọn dẹp sắp xếp lại những di vật còn sót lại của cha, Schultz phát hiện có một lon cafe đã rỉ sét lốm đốm. Anh nhận ra ngay đó là lon cafe mình đã ăn cắp năm lên 12 tuổi. Trên đó là nét chữ của cha: “Món quà của con trai yêu quý, Noel 1964’”. Trong đó còn có một bức thư ngắn gửi cho anh:
“Con trai yêu quý, cha xin lỗi, vô cùng xin lỗi con. Cha là một người cha thất bại. Cha đưa con đến với thế giới này nhưng lại không thể mang lại cho con một cuộc sống đầy đủ tốt đẹp. Nhưng cha cũng có ước mơ của mình. Ước mơ lớn nhất của đời cha là có một quán cafe nhỏ và cha có thể nhàn nhã pha cafe cho mọi người yêu thích cafe. Nhưng tiếc là cha đã không thể thực hiên được. Cha hi vọng con có thể trải nghiệm niềm hạnh phúc đó”.
Trong giây phút đau thương ấy, Schultz bỗng phát hiện ra những trận đòn đánh mắng của cha lại chính là một ký ức đáng trân quý. Sau khi nghe Schultz kể lại câu chuyện, Shirley vợ anh đã động viên: ‘”Nếu cha đã có nguyện vọng như vậy thì chúng ta hãy thực hiện mơ ước này của ông đi”. Vừa hay khi đó quán Seattle Cafe lại muốn chuyển nhượng, Schultz đã từ bỏ công việc với mức lương 75.000 đô la/ năm để mua lại quán cafe đó.
Đây chính là câu chuyện cuộc đời của ông chủ đế chế cafe Starbucks, người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nổi tiếng thế giới.
Sưu tầm
Ba Tôi Và Trại Tù Vĩnh Phú - Lê Xuân Mỹ
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Vượt qua bao nhiêu cửa ải khó khăn, thủ
tục nhiêu khê cuối cùng chúng tôi mới cầm được tờ giấy ra thăm ba tại trại cải
tạo Tân Lập, Vĩnh Phú.
Tháng 2 năm 1979, hai mẹ con ra Hà nội bằng
xe lửa. Sau khi hoàn tất mọi chuẩn bị sau cùng, chúng tôi cùng người gánh hàng
thuê lên tàu chợ tuyến Cao Bằng Lạng Sơn để về ga Ấm Thượng. Hành lý mang theo
là hai bao tải đồ ăn gồm lương khô, thực phẩm, thuốc men, áo quần…bất kỳ cái gì
cũng cần thiết cho người đang “học tập” cải tạo. Năm 1978, tôi đã thăm được ba
lần đầu tiên, đã biết trước địa điểm, lại háo hức mong gặp ba, chuyến đi lần
này diễn ra suông sẻ nhanh chóng hơn trước rất nhiều.
Xuống ga Ấm Thượng, vượt qua gần 30 km
đường bộ, 2 lần gọi đò qua những dòng sông nước chảy xiết, cuối cùng chúng tôi
cũng đến được nhà khách K2 Tân Lập Vĩnh Phú vào lúc nửa đêm. Chuyến đi vất vả
nhưng mẹ chịu đựng gian khổ và khoẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Nghĩ đến lúc
gặp lại ba vào ngày mai, hai mẹ con suốt đêm thao thức không ngủ được. Nằm bó gối
ở một góc phòng, trong tiếng ễnh ương rên rĩ, tôi nhìn ra bên ngoài từ khe hở của
vách tre lá của nhà khách ở một vùng đất gần biên giới Việt Hoa xa xôi, và cảm
nhận cái nỗi thê lương của những tháng ngày mà ba tôi, người sĩ quan tù cải tạo,
đã và đang trải qua.
Tiếp chúng tôi là một tay công an khá lớn
tuổi với khuôn mặt rất hình sự. Tôi đưa giấy tờ, trình bày lý do, và xin phép
được gặp ba. Gã cầm giấy tờ đi vào bên trong. Độ khoảng 15 phút, gã đi ra vẫn với
khuôn mặt khó đăm đăm. Gã nói: Rất tiếc không thể để hai người gặp tù nhân này
được. Ông nhà đang bị kỷ luật vì vi phạm nội quy trại. Hai người có thể để thức
ăn và đồ dùng lại chúng tôi sẽ chuyển cho ông. Mẹ tôi bắt đầu khóc lóc và năn nỉ.
Gã một mực cương quyết lắc đầu. Mẹ tôi càng lúc càng khóc to hơn.
Càng bị từ chối, nỗi uất ức càng lớn, bà
bắt đầu nằm lăn ra sàn đất. Vừa la vừa lết, vừa khóc vừa hét. Gã công an lúng
túng không biết xử lý cách nào. Những người đến thăm nuôi và cả những cán bộ của
các bàn bên cạnh đều hướng về phiá chúng tôi. Tình hình căng thẳng đến tai cấp
chỉ huy trại. Một sĩ quan công an bước vào. Hai người thầm thì nhỏ to gì đó. Cuối
cùng viên sĩ quan đến gặp chúng tôi, dịu dọng.
Thật ra chúng tôi rất muốn giúp bà nhưng
quả thật hiện nay ông nhà đang bị kỹ luật bị giam ở ngoài trại cách đây rất xa.
Thôi bà về đi. Tuần sau bà quay lại. Tôi sẽ cho bà gặp ưu tiên với thời gian gấp
đôi bình thường. Còn bây giờ bà cứ để thức ăn và đồ dùng chúng tôi hứa sẽ đưa tận
tay ông nhà, không thiếu một thứ gì.
Năn nỉ ỉ ôi cách mấy cùng không lay chuyển
tên cán bộ quản giáo, tôi nghĩ chắc là hết cách. Chắc phải ở lại Hà Nội thêm một
tuần. Nhìn khuôn mặt có vẽ hiền lành của viên sĩ quan công an, tôi nghĩ gã có vẻ
thiệt tình. Tôi nói nhỏ với mẹ, mình vê thôi, ba bị kỷ luật. có xin cũng không
được. Chịu khó về Hà Nội ngủ lây lất. Tuần sau lên lại hy vọng họ giữ lời hứa
cho gặp được ba lâu hơn.
Trong khi quay lại bàn tiếp tân để làm
thủ tục đưa thức ăn và đồ dùng cho ba, bỗng dưng tôi thấy một ánh mắt hơi khác
lạ của một tù nhân làm nhiệm vụ đem nước chè xanh cho những người đến thăm
nuôi. Để ấm nước xuống bàn, người này đi chầm chậm về phiá chòi vệ sinh sau khi
ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt nhấp nháy kỳ lạ. Tôi xin phép gã cán bộ công an đi
vệ sinh.
Bước vội vào phía trong vừa kịp thấy
dáng khòm khòm của người tù nhân bước ra. Tôi bước vào, nhìn quanh cái chòi
tiêu, tiểu được xây tạm bợ bằng lá tranh với cánh cửa tre nửa kín nửa hở. Tôi
ngồi xuống và nhìn quanh vách tre lá. Tôi có linh cảm hình như người tù nhân muốn
cho tôi biết một điều gì đó. Tôi cố nhìn thật kỹ. Quả đúng như linh cảm, trên
góc đòn tre phía trái của cầu tiêu, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ, trên đó viết
nguệch ngoạc một dòng chữ: “Ông Điềm bệnh nặng.”
Hoảng hốt tôi vội chạy ngược vào phòng
tiếp tân. Dằn cơn xúc động tôi kéo mẹ ra góc phòng báo tin. Mẹ bình tĩnh và
khôn ngoan hơn tôi tưởng rất nhiều. Bà quay trở lại bàn tiếp tân và nói: Xin
cán bộ cho tôi ở lại đây đợi chồng tôi về chứ bây giờ vừa đi vừa về Hà Nội cũng
mất hai ngày. Gã cán bộ nói láo trơn tru: Ông bị biệt giam ở nơi rất xa, phải
tuần sau chúng tôi mới đưa ông nhà ra găp bà được.
Đến lúc này nỗi uất ức trong lòng mẹ tôi
bùng nổ, bà khóc và la hét to hơn: “Mấy ông nói láo, tôi biết chồng tôi đau nặng,
đồ sát nhân, sao không cho chúng tôi gặp. Các ông có còn là con người không?”
Đến lúc này thì mẹ tôi không còn biết sợ
là gì nữa, Tất cả những oán hận chất chứa trong lòng bao lâu này được dịp thoát
ra, không ai có thể ngăn được. Cả phòng khách của K2 bắt đầu nhốn nháo, ồn ào.
Nhiều người bu quanh mẹ tôi lúc này đang nằm lăn lộn dưới sàn đất cứng ngắt. Gã
cán bộ chạy vào trong và đi ra cùng với viên sĩ quan lúc nãy. Gã dịu giọng nói
với chúng tôi: Xin bà bình tỉnh Mời bà và anh vào trong, chúng tôi sẽ giải quyết.
Nói xong gã ra lệnh cho hai tay công an dìu mẹ tôi vào căn phòng phiá trong. Có
lẽ không muốn những người thăm nuôi khác biết chuyện.
Căn phòng sạch sẽ hơn phòng bên ngoài
nhiều. Viên sĩ quan công an nói: Bây giờ tôi xin nói thật về tình trạng của ông
nhà. Thật ra ông đang bệnh và chúng tôi đang tích cực chữa chạy cho ông. Nay bà
đã biết, tôi sẽ thu xếp cho bà vào gặp ông. Ông nhà đang nằm ở bệnh xá, tôi sẽ
cho người dẫn ông bà đi. Xin ông bà đợi một lát. Nói xong gã bước ra, nói nhỏ
gì đó với công an trực.
Gã công an bước đi thật nhanh. Khoảng 40
hay 50 phút gì đó gã trở về, bước đi gấp gáp, hấp tấp. Lại thì thầm to nhỏ với
viên chỉ huy. Tôi linh cảm có chuyện không hay. Lần này viên sĩ quan trầm giọng:
Thưa bà, chúng tôi vừa mới nhận được tin, mặc dù chúng tôi đã tận tình chữa trị,
nhưng vì sức yếu, ông nhà vừa mất cách đây 5 phút. Chúng tôi xin chia buồn với
bà. Chúng tôi sẽ đưa bà đi gặp ông lần cuối cùng.
Nghe tin dữ, mẹ tôi như điên cuồng. Bà nằm
lăn ra đất. Vừa khóc vừa la. Không từ nào mà bà không đem ra. Không nhân vật
nào bà không réo tên chửi. Vừa chửi vừa khóc, khóc đến khan cả giọng. Mồ hôi
quyện với đất đỏ dính đầy áo quần, mặt mũi. Hết khóc rồi bắt đầu cười ngây dại.
Tôi ôm mẹ không nói được nên lời. Nỗi đau quá lớn làm thần kinh tôi như tê liệt.
Ôm mẹ với trái tim nhói đau như kim châm và mẹ ngất đi.
Khoảng 15 phút sau, chúng tôi được dẫn
di gặp ba. Nơi ba nằm là một căn nhà nhỏ đơn sơ gọi là bệnh xá nằm sâu trong K2
cách nhà khách khoảng 30 phút đi bộ. Ba nằm trên một giường tre, thân hình gầy
guộc, khuôn mặt ốm nhom như bộ xương khô. Hàm râu lổm chổm có lẽ được cắt ngắn
một cách vội vàng không dài thòn như lần đầu tôi gặp.
Hình như đã hết nước mắt, mẹ không khóc
yên lặng ngồi bệt xuống đất vói tay ôm lấy ba. Tôi ngồi xuống phiá bên kia. Hai
mẹ con ôm choàng lấy ba. Vẫn còn hơi ấm của một cơ thể vừa mới qua đời. Mẹ vuốt
mắt ba. Mắt trừng trừng nhìn ba. Hình như tôi thấy trong mắt mẹ màu đỏ của máu.
Sẽ không bao giờ tôi quên được cái hình ảnh của ba và mẹ tôi trong bệnh xá trại
K2 Tân Lập hôm đó. Mẹ không khóc nhưng lại ngất thêm một lần nữa khi tôi định kéo
mẹ đứng lên.
Sau này qua một người bạn tù của ba, lúc
mẹ con tôi đến thăm trại, đang hấp hối nhưng ba tôi biết. Lúc đó ba đã rất yếu.
Ba nói ba sẽ cố gắng sống để găp mẹ một lần và ba cố gắng húp được vài muỗng
cháo trắng. Những muổng cháo trắng cuối cùng trước khi ra đi mãi mãi. Giá mà
tay cán bộ có một chút tình người thì có lẽ mẹ cũng được gặp ba một lần sau
chót. Chỉ cần một lần mà thôi, của một cuộc tình ba mươi mấy năm. Tôi biết ba
đã không đành lòng ra đi. Đành lòng sao được hả ba, khi vượt hàng ngàn cây số từ
nam ra bắc, chỉ còn cách một bước chân thôi mà mẹ không thể nói với ba những lời
yêu thương sau chót, để được nghe một lời trăn trối sau cùng. Tức tưởi và uất hận
lắm ba. Mà thôi ba ơi. Cứ yên lòng ra đi rồi có ngày mẹ, ba và chúng con sẽ lại
gặp nhau một nơi nào đó, trên thiên đàng. Chúng ta sẽ lại có những ngày tháng hạnh
phúc bên nhau như thuở nào.
Để xoa dịu mẹ con chúng tôi, lần đầu tiên K2 có tổ chức một đám ma tù nhân tương đối đàng hoàng. Từ trước, đã có rất nhiều tù nhân chết ở đây. Toàn bộ được bó vào các manh chiếu mây tre rách rưới và được chon vùi sơ sài trong các mảnh đất trống bên trong trại. Ba có lẽ là người đầu tiên đưọc ưu tiên có hòm làm bằng gỗ ván thông dù rất mỏng dính. Chôn theo với ba là mấy bộ đồ rách bươm. Cũng có 4 người tù khiêng quan tài. Phía trước và phía sau có 4 công an đi cùng. Cũng có ly hương là cái chén ăn cơm cũ kỹ. Tôi cầm bài vị là một bức ảnh căn cước nhỏ xíu của ba còn sót lại trong trại. Mẹ đi sau quan tài. Đoàn đưa tang gồm 10 người lặng lẽ đi về phía một đồi trọc xa xa, phiá ngoài hàng rào trại K2. Trên đường đi, tôi để ý thấy có những gò đất với rất nhiều ngôi mộ vô danh.
Nơi chôn ba là một ngọn đồi, chỉ có một cây đa thật to. Những người tù đào vội một lớp đất không sâu lắm, hòm được đặt xuống và lấp lại. Thế là xong. Ba tôi, một sĩ quan cảnh sát miền nam thua cuộc, cuối đời nằm ở đây, một vùng đất gần tận cùng biên giới Việt Hoa. Một mình, cô đơn, lạnh lẽo. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Suốt buổi lễ cứ nhìn trừng trừng. Một khuôn mặt tưởng như vô hồn, nhưng tràn đầy oán hận. Một nỗi hận đến vô cùng. Tôi cắn chặt môi đến tươm máu. Thôi ba ơi, hãy yên nghỉ tạm nơi đây, con sẽ quay trở lại một ngày không xa.
Trước khi trở về, tôi cẩn thận ghi dấu vị trí ngôi mộ với một chữ thập ghép bằng hai nhánh tre và khắc tên ba trên gốc cây to trước mộ.
Hai năm sau, thương ba nằm một mình hiu quạnh, mẹ con tôi trở ra lại trại Tân Lập cùng với một người đảo mộ thuê từ Hà Nội. Không xin được giấy phép bốc mộ, nửa đêm chúng tôi đã lén lút đào chui và trải qua những giờ phút gian truân, nguy hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng đem ba về nằm bên cạnh ôn mệ trong mảnh đất phía sau nhà, dưới chân núi Ngự Bình Huế.
Từ khi đem được ba về nằm ấm cúng bên cạnh những người thân yêu, cuộc sống của gia đình tôi từng bước thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Có quá nhiều cái tình cờ, may mắn mà dù không muốn tin, tôi cũng phải tin có sự che chở của ba, có sự sắp đặt của ơn trên. Và nhờ đó gia đình mẹ và 9 anh em chúng tôi vượt qua được những ngày tháng khó khăn, tủi nhục, đen tối để đến cuối năm 1998 toàn bộ gia đình đoàn tụ trên miền đất thật xa quê nhà nhưng tự do này.
Là những người cuối cùng trong đại gia đình qua Mỹ theo diện đoàn tụ, vợ chồng chúng tôi cùng 3 con nhỏ về sống tại thành phố nhỏ Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma. Vào cuối năm 1998, khi chúng tôi mới đến cư ngụ, Tulsa là một thành phố hiền hoà nhưng cũng thật buồn và trầm lắng. Người Việt không nhiều, nhưng may mắn cũng có một vài chợ Việt Nam, một vài quán ăn người Việt, không ngon lắm nhưng cũng làm vơi đi nỗi nhớ nhà của những đứa con mới vừa lưu lạc.
Lúc vừa mới đến, thấy gia đình 5 người chưa có công việc làm, mấy người bạn đề nghị chúng tôi đi xin housing và chế độ trợ giúp cho người low income. Vào thời đó ở cái thành phố đất rộng người ít này, việc xin trợ cấp của chính phủ tương đối dể dàng. Ai cũng khuyên vì với tuổi đời gần 50, một vợ và 3 con còn nhỏ, tội gì phải đi làm cho vất vả, ở nhà của chính phủ, con cái có nhà nước lo, sáng kéo nhau ra quán cafe, chiều tập trung tại một nơi nào đó cùng với bạn bè, xem đánh cờ và ngồi tám chuyện ngày xưa. Vừa nhàn, vừa có tiền tội gì phải vất vả mưu sinh. Đâu phải ai cũng có điều kiện để xin được trợ cấp như gia đình tôi đâu.
Nhưng đó không phải là con đường của tôi sẽ đi. Đứa con của một sĩ quan tù cải tạo chết ở biên giới Việt Hoa ngày nào sẽ không thể sống như thế. Thế là, sau thời gian đầu chuẩn bị cho những việc cần thiết, lấy bằng lái xe, ở tạm nhà người em gái, chúng tôi bắt đầu cho một cuộc sống mới trên một miền đất xa lạ này.
Vợ tôi xin vào làm phụ bếp trong một nhà hàng Việt Nam. Tôi và đứa con đầu nhờ có bằng TOEFL nên đăng ký đi học đại học trở lại. Ngoài giờ học, cháu đi làm thêm công việc phục vụ nhà hàng, tôi nhờ có chút tay nghề sửa máy tính và tivi, xin vào làm technician cho hãng bán máy móc điện tử COMPUSA. Hai con nhỏ đi học ở trường gần nhà.
Tiền lương không cao lắm, nhưng với vật giá không đắt đỏ và con người hiền hoà của một thành phố nơi nhà thờ nhiều hơn nhà dân này, chúng tôi đã có những bước khởi đầu hội nhập không quá đỗi khó khăn. Và quan trọng là tôi được đoàn tụ với mẹ, các em, và cùng với gia đình riêng, chúng tôi đã sống không giàu có, nhưng lương thiện, đầy đủ và tự do.
Có quá nhiều điều để kể về những ngày tháng trên một miền đất không phải là nơi tôi sinh ra này, hy vọng sẽ có trong một bài viết khác, ở đây tôi chỉ muốn nói đến những mối nhân duyên mà ông trời đã sắp đặt liên quan đến câu chuyện của ba tôi, người sĩ quan tù cải tạo chết tại trại K2 Tân Lập Vĩnh Phú tháng Hai năm 1979.
Cuộc sống ở Tulsa phải nói là rất dể chịu và an bình. Với sự tằn tiện và chịu thương chịu khó, chúng tôi cũng mua trả góp được một căn nhà nhỏ, tạm đủ cho một gia đình 5 người, những ngày tháng an bình và hạnh phúc.
Nhưng rồi năm 2000, sau khi lấy lại bằng đại học, tôi xin được việc làm tại KLA-TENCOR ở San Jose, Ca. Nghe tôi định di chuyển về San Jose, bạn bè, người thân ai cũng bàn ra. Thứ nhất tôi đang sống an nhàn, mọi việc ồn định, lên San Jose, tuy lương cao hơn, nhưng nhà cửa, cuộc sống đắt đỏ, lạ lẫm, chắc chắn sẽ khó khăn vất vả hơn nhiều. Làm lại từ đầu, có trụ nổi không hay lại khăn gói trở về như một số người ở bên này.
Nhưng, với tôi, quan trọng không phải là đồng lương cao thấp, đường đi dễ dàng hay vất vả, bằng phẳng hay gập ghềnh, mà là một công việc phù hợp với cái kiến thức và cái khả năng được đào tạo của mình, trong một ngành nghề mình yêu thích. Thế là gia đình nhỏ, 5 người chúng tôi một lần nữa khăn gói đi về một thành phố xa lạ hơn, một nơi được xem như đắt đỏ vào bậc nhất nước Mỹ để kiếm sống.
Cho đến bây giờ trải qua gần 20 năm, với biết bao thăng trầm, thời gian, với tôi, thời gian ở San Jose vẫn là một quãng đời đáng sống. Có nhiều điều để nhớ lại, nhưng trong phạm vi bài viết, tôi muốn nhắc đến, chính là cái duyên, cái tình cờ sắp đặt của thượng đế, của định mệnh khi chính tại miền đất này, tôi đã gặp lại hình bóng của người cha thương yêu.
Đầu năm 2001, khi tôi đang làm tại KLA-TENCOR, lúc đó nhà cửa rất là hot. Tôi tìm mãi mới thuê được căn nhà 4 phòng ngủ. Giá thuê không hề rẻ, 1800USD một tháng. Trả tiền nhà rất vất vả khó khăn, mất toi ½ số tiền lương hàng tháng. Chúng tôi quyết định tìm người cho share lại bớt một phòng. Đúng lúc có một technician mới vào làm trong dây chuyền của tôi mới được tuyển vào làm việc, cần nơi ở. Thế là thoả thuận về ở chung. Vừa tiện đi làm chung xe, vừa sẽ chia tổn phí, tiện lợi đôi bề.
Ở một thời gian, làm chung với nhau cả năm, trong một dịp tình cờ khi nhờ ông bạn share phòng cắt tóc giùm, qua cuộc nói chuyện, phát hiện ra ông bạn cùng nhà mấy lâu nay củng là một sĩ quan từng đi "học tập cải tạo".
- Anh đi tù ở đâu?
- Tân Lập, Vĩnh Phú
- K mấy?
- K2. Biết ông Điềm không?
- Biết quá đi chứ.
Thế đó. Quá bất ngờ hơn, khi người share phòng bấy lâu lại chính là người đã đưa cho tôi mảnh giấy báo tin ba tôi đau nặng tại phòng thăm nuôi K2 trại cải tạo Tân Lập ngày nào. Không thể nói hết sự kỳ diệu của định mệnh, khi sau 22 năm ngày mất, một sĩ quan tù binh cải tạo gặp lại người con của một bạn tù trên một đất nước quá xa vùng đất biên giới xa xôi. Không diệu kỳ sao được, khi trong hàng triệu người Việt lưu lạc, có mặt trên hàng chục quốc gia, sống trên hơn 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, tôi gặp lại đúng một người duy nhất đã đút cho ba tôi những muỗng cháo trắng cuối cùng trước lúc lâm chung. Người đã sống với ba trong những tháng ngày bi thảm đó. Một trong 4 người bạn tù khiêng cha tôi về miền đất lạnh.
Từ xưng anh, từ đó tôi gọi là chú, chú L. Hai chú cháu có những đêm thức trắng để kể chuyện về ba tôi. Chú là người báo cho ba tôi biết hai mẹ con chúng tôi đang đợi chờ mỏi mòn tại phòng thăm nuôi. Duy nhất, chú là người bên ba để chứng kiến những giọt nước mắt cuối cùng tức tưởi của một người đang hấp hối. Chú là người duy nhất nhìn thấy cặp mắt mong đợi mỏi mòn của ba. Dù chỉ gần nhau trong gang tấc, trước khi ra đi vẫn không thể nhìn nhau một lời sau cuối.
Cám ơn chú L. Người bạn tù của ba tôi, ân nhân không bao giờ quên được của tôi. Sau khi nghỉ hưu, chú về ở với con gái nghe đâu ở tiểu bang Minnesota xa xôi. Chưa một lần chúng tôi gặp lại nhau. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, cháu cũng cầu mong chú và những người thân yêu thật nhiều may mắn và bình an. Và tôi tin rằng ở một nơi nào đó thật xa xôi, ba vẫn luôn dõi theo và che chở cho gia đình chú cũng như cho mẹ con chúng tôi. Nếu có một kiếp sau, con vẫn sẽ là con của ba, người tù cải tạo chết ở miền đất biên giới Việt Trung, ngày 10 tháng 2 năm 1979.
Lê Xuân Mỹ
https://vvnm.vietbao.com
Để Con Bạn Không Lớn Lên Trở Thành Kẻ Nghèo Khó: Warren Buffett Nêu 6 Nguyên Tắc Dạy Con
Với sự bận rộn trong những thương vụ bạc tỷ cũng như công tác thiện nguyện của tỷ phú người Mỹ - CEO của đế chế Berkshire Hathaway, Warren Buffett, bạn sẽ nghĩ là ông không có thời gian để dạy cho các thế hệ mai sau.
Những Bức Họa Tuyệt Đẹp Trên Đường Phố
Bằng sự sáng tạo của người nghệ sĩ đường phố, bất cứ một bụi cây, nhành hoa nào cũng có thể tạo thành bức tranh vô cùng sinh động.
Nghệ thuật đường phố luôn gây bất ngờ và cảm hứng cho mỗi chúng ta. Đường phố cũng là niềm cảm hứng để người nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm sinh động và gây bất ngờ.
Những bức tranh đường phố sinh động tạo một cái nhìn tươi mới cho các khu phố và đường phố quen thuộc. Tận dụng thứ sẵn có trong thiên nhiên như giàn hoa, bức tường cũ và bằng sự sáng tạo, người nghệ sĩ đã kiến tạo nên những bức họa đường phố thật đẹp mà bất cứ ai đi qua
cũng phải ngước nhìn.
Sunday, May 29, 2022
Lá Thư Gửi Mẹ
LGT: Cô giáo Eva Mireles, 44 tuổi
với 17 năm dạy học, là một trong những người bị thiệt mạng trong vụ nổ súng tại
trường tiểu học Robb Elementary ở Texas vừa qua.
Cô con gái đã tốt nghiệp đại học của
bà là Adalynn Ruiz, vừa đăng tấm ảnh hai mẹ con, cùng những hàng chữ tha thiết
và xúc động viết cho mẹ, gọi mẹ là một người hùng khi đã che đạn cho các học
sinh bé nhỏ của bà. Lá thư của Adalynn Ruiz đăng trên trên Twitter có nội dung
như sau:
“Mẹ, con không có lời nào để diễn tả
hết tâm trạng của con ngay lúc này, ngày mai và cả phần đời còn lại của con.
Con chưa bao giờ nghĩ mình phải viết đăng những hàng chữ như thế này cho mẹ.
Mẹ! Mẹ là một người hùng. Con cứ nhủ đây là điều không thật. Con chỉ muốn được
nghe giọng mẹ lúc này mẹ ơi.
Con muốn được nghe cái giọng cất cao
buồn cười nói với chú cún nhà mình làm cả nhà thức dậy buổi sáng. Con muốn nghe
mẹ nói “Nanis đã thức rồi” bởi con cứ tắt đồng hồ báo thức. Con muốn ôm mẹ lần
cuối và nắm đôi tay chai cứng của mẹ vì mẹ không chỉ dạy học cả ngày mà còn làm
biết bao điều khác ở nhà.
Con muốn ra khỏi chỗ làm và được
nghe mẹ gọi lúc 4:30 chiều bởi đó là điều đầu tiên mẹ làm khi mẹ rời trường.
Con muốn mẹ ngồi trên chiếc ghế chỉ có mẹ ngồi với mấy con chó. Con muốn gởi
mấy cái tik-tok cho mẹ và nói đi nói lại về nó cho đến khi ba phát chán. Con
muốn phá mẹ, gọi mẹ dậy để xem con nấu gà có quá chín hay không. Con muốn hát
karaoke với mẹ để nghe mẹ gào to “sáng láng như kim cương”.
Con muốn cãi lại mẹ với đủ điều ngu
ngốc nhất rồi mẹ con mình lại cùng cười với nhau. Con muốn mọi chuyện quay
ngược lại. Con muốn mẹ quay về với con mẹ ơi. Con nhớ mẹ chẳng lời nào kể xiết.
Mẹ xinh đẹp của con, cảm ơn mẹ cho
con những kỷ niệm vui nhất. Cảm ơn mẹ cho khoảng đời đẹp nhất của đời con. Cảm
ơn mẹ đã là bạn thân nhất của con. Cảm ơn mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất con
muốn có.
Bây giờ nhiều người đã biết tên mẹ,
khuôn mặt xinh đẹp của mẹ và một người hùng là thế nào. Con chẳng biết sống sao
khi thiếu mẹ nhưng con sẽ lo cho cha và mấy con chó. Và con sẽ gọi tên mẹ mãi
mãi để mẹ luôn được nhớ tới là, Eva Mireles, cô giáo lớp Bốn tại trường tiểu
học Robb Elementary đã quên mình lao lên trước, che đạn cho các học trò của
mình.
Trái tim con đã vĩnh viễn tan nát.
Người bạn thân, người chị song sinh với con đã bị cướp đi. Cảm ơn mẹ đã yêu
thương con bằng tấm lòng cao cả, dưỡng nuôi con trở nên mạnh mẽ. Những ai biết
mẹ, biết sự chan hòa, dí dỏm của mẹ sẽ còn nhớ mãi nụ cười của mẹ. Con muốn cảm
ơn mẹ là niềm cảm hứng cho con. Con sẽ luôn tự hào được là con của mẹ.
Mẹ hiền yêu dấu của con, ngày nào đó
con sẽ gặp lại mẹ”.
Nhã Duy, chuyển ngữ
https://www.baocalitoday.com/breaking-news/la-thu-goi-me.html