Monday, September 30, 2013

Tu Tại Gia

 
Có ba người cùng tôn giáo, một là nhà truyền giáo, một là tài xế lái xe đò và một nông dân có vợ và 10 con. Ba người đều thâm niên 40 năm chức nghiệp, đã qua đời trùng hợp cùng giờ, cùng một ngày và cùng được lên trình diện Chúa để xin vào thiên đàng. Ba người cùng tới cửa một lúc nên Thánh Phê-rô mới nói: Các anh đều đến cùng một lúc, hãy tự nhường nhịn nhau, vậy anh nào muốn vào trước ?
 
Nhà Truyền Giáo nói: "Hai anh dành cho tôi vào trước được không?" Bác tài và anh nông dân kính nể vị lãnh đạo tinh thần, chẳc hẳn người có nhiều công lao, nên đồng thanh cất tiếng cùng một lúc: chúng tôi xin nhường ngài vào trước.
 
Nhà truyền giáo rất lấy làm hãnh diện thấy mình được nhường, cúi đầu chào thánh Phê-rô và chững chạc tiến vào cửa Thiên Cung quỳ trước Thiên Nhan tâu :
- Tấu lạy Chúa, con là nhà truyền giáo làm việc thay thế các Tông Đồ, suốt 40 năm chuyên lo rao giảng Lời Chúa nhân từ cho giáo dân, xin cho con được vào Thiên Đàng trước.
 
Chúa ngắm Nhà Truyền Giáo một cách rất trìu mến, xuất khẩu thành thơ, Ngài phán :   
-   Bốn mươi năm dạy dỗ Lời Cha
    Con giảng giáo dân ngủ gật gà
    Đâu hiểu Phúc Âm mà áp dụng
    Ra ngoài tạm nghỉ, đợi chờ ta.
 
Nhà truyền giáo lủi thủi lui ra, bác tài xế nói với anh nông dân: "Chú nhường cho tớ vào trước nhé vì tớ thường   chở chú đi đây... đó đó." Anh nông dân gật đầu chấp nhận vào sau chót.
 
            Bác tài nhanh nhẩu cũng cúi đầu chào thánh Phê-rô, rồi tiến vào cửa Thiên Cung quỳ xuống, ngẩng mặt lên chiêm ngưỡng Chúa và tâu :
- Tấu lạy Chúa: Con làm tài xế lái xe đò, suốt 40 năm con phục vụ đồng bào, chuyên chở vợ đi thăm chồng, con đi thăm cha, đem tình thương yêu đến với mọi người. Thỉnh xin Chúa cho con được vào Thiên Đàng sớm.
 
Chúa nhìn anh tài xế, Ngài mỉm cười : Ừ, kể ra con cũng có nhiều công to đáng được thưởng, tuy nhiên con tạm ra ngoài nghỉ, chờ Cha xem kỹ lại một số hồ sơ vừa trình lên thưa con, kiện tụng vì bị thương dập mũi, trầy trán. . . gì đó mà Cha chưa kịp xem hết; cũng xuất khẩu thành thơ, Ngài phán :
-   Xe đò chuyên chở khách đi xa
    Thăm viếng chồng, cha cũng tuyệt mà
    Đáng thưởng Thiên Đàng nhờ lái giỏi!
    Mỗi lần con thắng . . . chúng kêu Ta!"
 
Bác tài xế cũng chưa được vào, phải lui ra và ngồi chờ.
 
Đến lượt anh nông dân, anh rụt rè sợ sệt vì nghĩ bụng hai người có công lớn như vậy mà chưa được vào. Còn mình chỉ có cày sâu cuốc bẫm trồng trọt để nuôi vợ, nuôi con, đâu có công lao gì…làm sao vào nổi Thiên Đàng, nên rất hồi hộp lo âu..! Anh trịnh trọng cúi đầu chào thánh Phê-rô và nhỏ nhẹ thưa; bẩm ngài, con được phép và chưa? Thánh Phê-rô gật đầu và  nói :
- Con hãy vào trình diện Chúa đi.
 
Anh nông dân rụt rè tiến vào, còn cách cửa thiên cung cả trăm bộ anh đã qùy xuống và di chuyển bằng hai đầu gối, gần đến cửa anh cúi rạp đầu khúm núm tâu :
- Bẩm lạy Cha nhân từ: Con là một nông dân dốt nát, nghèo hèn, bốn mươi năm chỉ biết, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để nuôi vợ và 10 đứa con, bữa tối còn phải phụ bà xã rửa chén, cuối tuần còn phải lau nhà nữa. Xin Cha rộng lòng thương cho con được nương náu dưới mái nhà yêu mến của Cha là sung sướng lắm rồi. Con xin tình nguyện làm bất cứ việc gì con cũng xin vâng theo...!
- Chúa nhìn anh nông dân trìu mến Ngài phán: Con quả thực có công lớn, vì:
- Làm chồng chiều vợ tuyệt vời thay
   Nhịn nhục khôn ngoan đáng bậc thầy!
  Chỉ bốn mươi năm con chịu... nổi
  Thiên Đàng, Cha thưởng bước vô ngay.
 
Qua câu chuyện dí dỏm trên, cho phép ta suy luận. Bất cứ ở trong địa vị nào dù quan trọng hay không quan trọng, mỗi người chúng ta đều là một Tông Đồ của Thiên Chúa. Sự khiêm tốn hoàn thành sứ vụ của mình, không phân biệt dù lớn hay nhỏ đều có là giá trị, chứ không phải giá trị ở chức vụ. « …sau khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi. » (Lc 17,10)
 
Chúng ta có yêu thương nhau, chúng ta mới biết nhường nhịn nhau. Vì có "khôn ngoan" mới biết nhịn nhục. Vì sự nhịn nhục và tha thứ sẽ làm cho tình yêu được bền vững, gia đình hòa thuận, mà gia đình chính là nền tảng của xã hội; là một giáo xứ nhỏ trong những giáo xứ của Giáo Hội. Quả thực xứng đáng là bậc thầy vậy !
 
Cảm Tác
 
Thiên Đàng, nhà của Chúa Trời
Là nơi quê thật tuyệt vời, Ngài ban
Cho ai trách nhiệm chu toàn
Yêu thương chân lý, khôn ngoan thực hành.
Bần cùng hay bậc trâm anh
Tề gia khéo léo, mới rành trị dân.
Trần gian Thiên Ý vâng tuân
Đời đời hạnh phúc hồng ân chan hòa.
Ngày về Thiên Quốc hoan ca
Thiên Thần mở cửa, Chúa Cha chúc lành.
 
Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường
 
Sưu tầm 

Sunday, September 29, 2013

Hoa Nhất Chi Mai - LM Anton Nguyễn Ngọc Sơn - Nhạc André Rieu - PPS BP



Nem Nướng Gà


Ở Việt Nam, nguyên liệu chính để làm nem nướng là thịt heo. Muốn làm món này, bà nội trợ phải  ra sức quết thịt cho nhuyễn và thật dai thì nem nướng mới  đạt đúng tiêu chuẩn thành công. Nhưng từ khi qua Úc, nhận thấy thịt gà làm nem nướng dễ dai và ngon hơn nên mình đã nghĩ ra cách làm nem nướng bằng thịt gà. 

Ở đây người ta bán gà từng phần, muốn mua đùi, cánh, ức, lòng gà gì tùy ý. Để làm nem nướng, tôi mua đùi gà đã lên xương rồi nhờ chủ tiệm xây dùm hai lần. Thịt đùi gà không có mỡ, và không xảm như thịt ức, khi đuợc xây hai lần, thịt sẽ nhuyễn, chỉ cần  trộn sơ với gia vị là sẽ có độ dai, không cần phải ra sức quết cho mỏi tay và nhức vai.


Vật liệu :
- 2kg thịt đùi gà xây hai lần   
- 2 nuỗng canh bột làm nem nướng
- 5 tép tỏi bằm nhuyễn
- 4 muỗng cà phê đường
- 2 muỗng cà phê muối
- 2 muỗng canh dầu ăn
- 1 chén tương ngọt ăn phở
- 3 muỗng canh bơ đậu phọng (Peanut butter)
- 2 muỗng cà phê dấm
- Rau cải - Dưa leo - Khóm xắt lát hoặc đồ chua

Cách làm :
Cho gà xây vào một thau lớn trộn chung với tỏi đã bằm nhuyễn và đường muối, bột nem nướng, dầu ăn chung với nhau, dùng tay hoặc cây vá gỗ  quết đều chừng ba phút, khi cảm thấy nặng tay, thịt dẽo quánh, có thể vắt thành miếng  là được.
Nem nướng đúng cách là vắt thành viên xâu vào que chừng năm viên mỗi xâu. Nhưng để khỏi mất công, đơn giản nhứt  là mình lấy từng nắm thịt làm thành miếng như miếng chả, trải lên vĩ, đút vào lò nướng cho mau.


Muốn cho nem nướng chín mau để thịt không bị khô thì trước khi nướng, dùng tăm răng xâm đều trên miếng thịt, trong lúc nướng nhớ trở bề.
Khi chín, lấy ra khỏi lò để cho nguội bớt mới xắt vừa miếng ăn dày mỏng tùy ý. 
 
Cách làm tương :
Đỗ nửa cup nước sôi vào soong nhỏ bắt lên lò, cho peanut butter vào quậy tan, sau đó cho tương ngọt và dấm vô hòa chung, thử cho vừa mặn ngọt chua theo khẩu vị. 



Món nem nướng cuốn trong bánh tráng, rau cải, dưa leo, cặp với bún hay bánh hỏi rất thích hợp để ăn cuối tuần khi con cháu tụ về thăm ba má ông bà. Vừa ngon vừa rẻ lại dễ làm!  

 
Bon appétit !
 
  Người Phương Nam 

Friday, September 27, 2013

Về Phương Trời Cũ (Chương 13)

Chương 13

Trở về với cảnh cũ, với những sinh hoạt hằng ngày, Như Kim nghe chán chường vô kể. Phải mất mấy ngày cô mới bớt ngẩn ngẩn ngơ ngơ.  Biết vậy cô thà đừng đi thăm chàng còn hơn, thấy nhau chi vài hôm để rồi về thêm thương thương nhớ nhớ.

Mỗi sáng lại cùng Mai đến trường, cũng những con đường cũ đi qua bằng những bước chân ơ thờ  và tâm tư bay bổng.  Vào lớp lại gặp những khuôn mặt không cảm tình, những đứa bạn không thân, những ông thầy không mến rồi đến những môn học không hứng thú, những bài toán thật nhức đầu.  Chàng bảo cô rán học thì cô đang cố gắng đây, lấy việc học làm niềm vui như trong một bức thơ nào chàng đã dặn bảo, vì thật ra không học thì cô cũng chẳng biết làm gì cho qua ngày đoạn tháng, nhưng với tình trạng này, tâm trí cứ để tận đâu đâu mãi thì liệu cô sẽ cố gắng được đến đâu, sẽ gặt hái được gì.  Kỳ thi lục cá nguyệt vừa qua, cô chỉ được kết quả trung bình, kỳ thi tới này chẳng biết sẽ ra sao.  Nhưng dù ra sao thì cô cũng phải cố gắng vì sự học dù không giúp ích cho cô ở phương diện này thì cũng phương diện khác, hay nói một cách không văn vẻ mấy là không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc bởi vì sách đã có câu “Học vấn là chìa khóa của mọi kho tàng”.

Nhưng theo quan niệm của ba má thì con gái không cần chi học cao học nhiều, có học cho lắm thì cuối cùng rồi cũng chỉ quanh quẩn với bếp núc chồng con.  Ba má cô không hề nghĩ đến chuyện sẽ gởi cô lên thành để vào đại học nên cô cũng chẳng hề có mộng cao, chẳng hề tính chuyện học để mai sau góp mặt với đời, làm rạng danh phận quần thoa yếm vận.  Quan niệm ấy nói ra trong thế kỷ hai mươi này quả là lỗi thời lạc hậu, không còn thích hợp chút nào.  Nhưng thiên chức của người đàn bà từ xưa đến nay không ai chối cãi được vẫn là trong phạm vi gia đình.  Nếu muốn dấn thân tung hoành ngoài xã hội thì e rằng hạnh phúc gia đình sẽ không được bảo tồn như ý.  Vì thói thường hễ được cái này thì mất cái kia, phải chăng đó là luật bù trừ chung cho tất cả mọi người để chứng tỏ sự công bằng của Thương Đế, hiếm thấy ai đươc thỏa mãn cùng lúc đủ cả mọi điều.

Giờ đây thì thơ chàng không đến thường xuyên như trước nữa mà có khi đến hai ba tuần hoặc cả tháng dài đăng đẳng.  Tình ý tuy vẫn thắm thiết nồng nàn nhưng chỉ còn gói ghém vỏn vẹn trong một trang giấy ít oi vì bài vở chàng càng lúc càng lu bù bận rộn.  Cô càng thêm buồn, buồn không phải vì vắng thơ hay vì trang thơ ngắn mà vì phải kéo dài thêm những giờ phút ngóng trông, buồn vì mình không thể nào vui được, không làm sao biến hóa tâm hồn mình thành loài bướm vô tư tung tăng bay lượn, có thể vui với bất cứ cuộc vui nào để thoát khỏi cái thế giới vỏ ốc thu hẹp chỉ biết xoay tròn bên chàng và vì vắng chàng mà nỗi buồn thành lê thê vô tận.

********************  
                                                     
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, thân phụ cô lúc thiếu thời cuộc sống rất vất vả khó khăn.  Ngoài giờ học, ông còn phải đi làm tạp nhạp để kiếm tiền phụ giúp mẹ cha đắp đổi qua ngày.  Người xưa có câu “Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”.  Tuy học hành chẳng được đến nơi đến chốn nhưng ba cô đã học được chữ “cần”, cần cù siêng năng và cần kiệm không tiêu xài hoang phí.  Với đức tính ấy, lớn lên khi lập gia đình, ba cô đã nuôi sống gia đình một cách thoải mái và sung túc.  Ngoài công việc quản lý một nhà máy xây lúa cho một người chủ có quá nhiều dịch vụ làm ăn, ba cô còn đầu tư lúa gạo, có cổ phần trong một lò gạch, làm chủ nợ lai rai và giờ đây còn xúc tiến việc làm chủ một trạm xăng dầu hùn hạp với một người bạn quen biết lâu năm.  Ba cũng đem chuyên làm ăn nói lại với gia đình và cho biết rằng khi kế hoạch thành hình, trạm xăng trong tương lai của ba sẽ cần có một người thân tin cậy được để giao cho nhiệm vụ thâu ngân hoặc trông coi sổ sách. Ba nói nếu cô thích học nữa thì cứ tiếp tục học, bằng không thì ở nhà phụ giúp ba coi sóc việc làm ăn để ba khỏi mượn người ngoài.  Phải chăng đây là một cơ may, một lối thoát vẹn toàn cho cô sau một năm học đã tận sức chuyên cần mà kết quả không được như ý, vẫn thi hỏng rơi đài, vỡ mộng làm cô tú. 

Dù cô chưa có ý định bỏ trường, dù cô còn muốn học lại chờ kỳ thi năm sau nhưng mục đích của mọi sự học phần lớn phải chăng đều là để tìm việc làm mưu sinh. Vậy thì giờ đây việc làm đã đến với cô đúng lúc như một dịp may hiếm có.  Cờ đã tới tay mà không phất thì thật là thất sách, dịp may không đến hai lần, cô không chụp lấy thì còn đợi đến lúc nào.  Sau này cho dù cô đỗ đạt đi nữa thì chưa chắc gì cô có thể tìm được một công việc tốt như công việc hiện thời ba đã cho cô, nghiểm nhiên mà thành một cô chủ ngồi không biên chép thâu tiền, thật dễ dàng như lật trở bàn tay, như lấy đồ trong túi.  Thế nên suy đi nghĩ lại, cô quyết định thôi học đi làm như hôm xưa chàng đã quyết định sẽ bỏ nhà dòng về với cô vậy.  Sau khi cân nhắc thiệt hơn đâu đó, cô viết thơ báo với chàng sự việc.  Chàng hồi âm rằng học hành cũng có số, cô đi làm vừa giúp được ba, vừa tránh được sự nãn chí ngã lòng thì cũng nên, chàng cũng rất đồng ý với cô sự lựa chọn này.

Một năm qua dù không được chính thức đi học, chàng cũng đã đỗ xong chứng chỉ dự bị và dự định trong niên khóa tới sẽ học hai chứng chỉ cùng lúc để rút ngắn thời gian.  Còn cô có lẽ vô duyên với đèn sách nên thi cử lận đận, giờ thì đành buông trôi để tập tễnh vào đời.  Giờ đây thì chữ trả cho thầy, trả lại trường xưa tuổi học trò vô tư hoa mộng, trả lại bạn bè những tháng ngày thân ái cũ bên nhau.  Giờ đây không học thì hành, cô sẽ thực hành, sẽ làm việc, làm một con người có trách nhiệm với đầu óc biết tính toán, con mắt biết dự liệu nhìn xa và ý chí biết đối phó đương đầu.  Và cô cũng sẽ bắt chước ba tâm niệm một chữ “cần”, dùng nó làm phương châm hằng ngày trong việc tạo dựng làm nên.  Tiền lương hằng tháng cô sẽ dành dụm làm vốn liếng cho chàng ngày trở về để chàng khỏi lo lắng trong những bước đầu bỡ ngỡ trắng tay, để chàng có vững một niềm tin khi đối diện với cuộc đời, để đôi quả tim vàng rồi đây sẽ có một mái nhà vững chắc chớ không phải là một túp lều lý tưởng mong manh, sẽ có những bữa ăn no đủ hằng ngày chớ không phải chỉ uống nước lã cầm hơi mà sống.  Đồng tiền dù không mang lại hạnh phúc nhưng nếu không tiền thì hạnh phúc chỉ là hư ảo, như sương như khói chóng tiêu tan.

Trước khi bắt tay vào việc, cô lại đi thêm một chuyến Sàigòn để thăm chàng thêm lần nữa.  Lần này chàng đã đưa cô đi Long Thành, nơi có con suối xinh như mộng nằm khuất sau một vườn sầu riêng nhỏ ít người biết đến.

Cảnh trí nơi đây thật nên thơ gợi tình.  Dòng suối như một giải bạc trải dài uốn khúc lững lờ trôi trôi, nước trong veo thấy tận đáy những viên đá cuội trắng phau nõn nà.  Hai bên bờ, hoa rừng cỏ dại đủ màu chen chúc, lau sậy um tùm phất phơ những ngọn hoa trăng trắng linh động.  Một cây đại thụ buông thòng những dây mơ rễ má trông như một bức mành thiên nhiên che nắng mát rượi cả một góc rừng.  Cô tha thướt trong chiếc áo dài hồng thêu hoa trắng, đứng bên bờ suối xỏa tóc mơ màng để chàng ghi vào máy ảnh.
Chụp xong pose hình, chàng chật lưỡi xuýt xoa bảo:
          - Chà, tấm hình này chắc đẹp lắm, chẳng những đẹp người, đẹp cảnh mà còn đẹp cả ý nữa.  Thật đúng là “người hẹn cùng ta đến bên bờ suối”  như trong bản nhạc “Trăng mờ bên suối” phải không em?
Cô mĩm cười gật đầu rồi chỉ tay xuống suối nói:
          - Em thích những viên đá cuội dưới đó quá anh.  Em phải nhặt một ít đem về làm kỷ niệm mới được.
Cô dợm bước xuống, chàng vội khoác tay ngăn:
- Em cứ đứng đó đi, đừng xuống ướt áo hết bây giờ, để anh lấy cho.
- Không sao đâu, nước không sâu lắm, em muốn xuống để tự mình chọn những viên nào thật đẹp mới lấy thôi.
Nói xong cô cởi giày, cột chéo hai tà áo vào nhau, săn quần lên đến nửa đầu gối rồi thò chân xuống nước đi ra giữa dòng.  Vừa cắm cúi chọn lựa, cô vừa nói:
          - Em sẽ mang những viên đá sỏi này về cất trong một cái lọ thủy tinh để mỗi ngày ngắm nghía nhớ bữa du ngoạn hôm nay của chúng mình.  Lần này có lẽ là lần sau cuối đi chơi với anh vì từ nay em bận đi làm không còn rảnh rang để đi thăm anh nữa.  Đi học thì còn có lễ này lễ nọ nghỉ ngơi, chớ còn đi làm và nhứt là cái nghề mua bán thì thật là vô phương.  Chắc mình đành phải chịu xa nhau cho đến ngày anh đỗ đạt trở về.  Mà không gặp nhau, thăm nhau được, anh có quên em không hở anh?
Cô nghiêng đầu nũng nịu hỏi.  Chàng cười âu yếm đáp:
          - Càng thêm nhớ chớ quên sao được mà quên em.  Tuy xa cách ở hai phương trời nhưng chúng mình cùng chung một mục đích.  Em đi làm, anh đi học, cũng vì tương lai cho nhau thì tình yêu càng sâu đậm, thương nhớ càng nhiều, em nghĩ có phải không?
Cô gật gù hả dạ nhưng lại dọ dẫm hỏi tiếp:
          - Anh nói nghe phải lắm, em cũng mong là được như vậy.  Anh biết không, lúc ba má ngỏ ý hỏi em muốn đi làm không, em cũng đắn đo lắm.  Em sợ nghỉ học sớm rồi sau này sẽ bị anh chê.  Tuy nói chán học nhưng nếu cố gắng thì cũng được chớ không hẳn là không.  Một năm không xong thì hai năm hoặc ba năm, cứ làm một con mọt sách lì lợm thì thế nào chữ nghĩa cũng nhập tâm làu làu.  Nhưng em chọn đi làm là vì nghĩ đến chuyện giúp anh, nghĩ đến tương lai của chúng mình.  Anh, anh nghĩ sao về sự học dang dở của em?
Chàng lắc đầu bảo:
          - Anh không nghĩ sao hết. Theo anh thì giá trị con người không hẳn chỉ đo lường ở trình độ học vấn mà còn tùy thuộc ở tư cách và căn bản đạo đức của mỗi người.  Những chứng chỉ hay văn bằng ở trường học chỉ có giá trị thực tế đối với quần chúng xã hội chớ không quan trọng ảnh hưởng gì cho tình yêu đôi lứa hay hạnh phúc gia đình.  Hơn nữa, bể học mênh mông, điều mình biết chỉ là một giọt nước, biết đâu là tận cùng, biết đâu là dang dở, có ai dám tự hào mình là thần thông bác học, mình biết một thì người ta biết mười, mình giỏi thì có người giỏi hơn.  Anh yêu em, điều anh cần ở em là tình yêu của em cũng như sự thủy chung son sắt chớ không phải là những mảnh bằng hay một trình độ học thức cao.  Và điều anh hằng ước ao là mai sau em sẽ là một người vợ hiền cho anh những chuỗi ngày ấm êm hạnh phúc là anh đã thỏa mãn mừng vui lắm rồi. 
Và chàng nhìn cô cười trêu nói tiếp:
          -Anh hùng còn không ngại xuất xứ.  Em chỉ có làm nội tướng vợ hiền thôi mà lo gì không đủ trình độ.  Thật ra, anh nghĩ con người ở đời không ai tài giỏi hơn ai, hơn kém nhau chẳng qua ở số mệnh, ở chỗ may mắn, tốt số hay được thời hơn mà thôi. Người ta nói “Hay không bằng hên” mà. Thử cho một anh phu xe sinh ra đời dưới một vì sao thiên tử xem anh ta có nối ngôi trời hay không cho biết và ngược lại một ông tiến sĩ hay thạc sĩ nào đó nếu lỡ vận thất thời thì tài năng cũng đành chôn vùi mai một, không làm sao thi thố phát triển được với đời.  Nhưng giỏi hay dở, được thời hay không, ai rồi cũng chết, mà chết rồi thì ai cũng như ai, cũng trắng tay cũng thành cát bụi cũng vào hư vô.

Một ý nghĩ trêu ghẹo chàng chợt lóe lên trong trí.  Cô bật cười nói :
          - Nói tới phần số, em vừa chợt nghĩ, số anh nếu không đi tu từ nhỏ thì bây giờ không biết anh sẽ là gì đây nữa?  Để em nghĩ coi, chắc anh cũng đi lính, cũng ngang dọc bốn phương, vẫy vùng tám hướng như ai và cho tới bây giờ thì chắc cũng thành một quan lớn, sơ sơ cũng ba mai vàng lấp lánh trên vai áo và một đám đệ tử trung thành dưới tay.  Hoặc biết đâu còn hơn thế nữa, không chừng dám là người hùng của dân tộc tiếng tăm lừng lẫy nên có cả lô con gái vây quanh nhưng chắc chắn là không có em trong đó đâu nhé vì em rất biết thân, em không mong và cũng không ham gì được người hùng chiếu cố.  Em chỉ mong có một người chồng biết thương em chân thật dù người ấy chỉ là một kẻ tầm thường, tốt nhứt là tầm thường để không có ai chen vào giành giựt để em được sống một đời yên vui.  Nhưng anh đừng nghe nói làm người hùng mà ham, theo kinh nghiệm sách vở em đọc thì anh hùng nào rồi cũng sẽ tới hồi mạt vận.  Ai cũng chỉ có một thời, có lên thì phải có xuống, mà lên cao chừng nào thì té nặng chừng nấy, và khi té xuống rồi thì đừng hòng có “em” nào  chịu ở bên cạnh, nói cho mà biết.  Họa may chỉ còn có bà vợ già chịu nghĩ tình xưa ở lại làm bậu bạn mà thôi.  Rốt cuộc chỉ là người hùng cô đơn, thê thảm lắm đó anh biết không?

Chàng nhăn nhó cười khổ:
          - Thì anh đâu có ham, thật sự anh chỉ là một người tầm thường, là người chồng tầm thường trong mộng của em đó mà.  Tự dưng em đạo diễn anh thế này anh thế nọ, từ lính quèn lên tới quan ba quan tư, rồi từ một người hùng oanh oanh liệt liệt xuống dốc thành một ông già tội nghiệp hết thời, đưa anh lên núi cao rồi đẩy anh xuống thung lũng, vợ hiền gì mà “ác ôn côn đồ” quá vậy.

Rãy rãy cho ráo nước những viên sỏi vừa chọn được bỏ vào túi chàng, cô vừa cười hăng hắc đáp:
          - Em đâu có nói em là vợ hiền.  “Vợ hiền” đúng nghĩa không phải chỉ là nhu mì hiền thục mà còn phải đảm đang giỏi giắn, giúp ích được cho chồng.  Em không biết tiêu chuẩn “vợ hiền” của anh là thế nào.  Em sợ anh sẽ thất vọng vì em chẳng có gì hay ho tài giỏi, lắm khi còn rất khó chịu nữa là khác. “Nắng không ưa, mưa hỏng chịu, kỵ gió ghét mùa sương” là em đó.  Và thấy em hiền vậy chớ không ngoan đâu.  Với em chuyện gì cũng phải công bằng, hợp lý hợp lẽ thì em mới phục.  Anh nhắm có chịu được em không, nếu không thì lo sang số de đi là vừa.
          - Được chớ sao lại không em?  Làm gì mà áp đảo tinh thần anh em quá vậy.  Anh đâu khó khăn đòi hỏi vợ anh phải thế này thế nọ.  Mình không là vĩ nhân cho đời ca tụng, cũng không thể là thánh để người noi theo thì ít ra cũng phải là một người chồng gương mẫu, một người chồng tuyệt vời cho gia đình được hạnh phúc.  Dù em thế nào đi nữa, anh nghĩ rằng anh cũng có thể chìu em được, bộ em không biết là anh cưng em lắm sao mà còn dọ dẫm hăm he dữ vậy?
          - Biết chớ nhưng em chỉ sợ anh chỉ nghĩ tốt nghĩ đẹp về em thôi rồi sau này anh sẽ thất vọng nặng nề.
          - Không đâu em, con người ai lại không có những thói hư tật xấu.  Anh cũng có nhiều khuyết điểm lắm đó.  Nhưng một khi đã tình nguyện sống chung với nhau thì phải bất chấp cái hư cái dở của người mình yêu.  Đã yêu nhau thì lo gì không chìu nhau hoặc sửa đổi cho nhau được hở em.
          - Nói thì hay thì dễ nhưng lý thuyết thường không đi đôi với thực hành.  Khi vào cuộc, va chạm với thực tế rồi mới bật ngửa, mới thấy là không dễ dàng như mình đã nói.  Nếu ai cũng yêu cũng chìu được cái xấu của người mình yêu khi đã thành vợ thành chồng thì chắc đã không có cái câu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” đâu anh à.
Cô liếc nhìn chàng mĩm cười rồi nói tiếp:
          - Nhưng em hy vọng trường hợp mình là ngoại lệ nên rồi đây đời sẽ càng vui chớ không phải “đời mất vui khi đã vẹn câu thề” phải không anh?

Chàng ngừng tay nhặt sỏi, đứng thẳng người lên vặn vẹo cho dãn lưng vừa trả lời:
          - Vậy chớ sao em.  Theo anh, cái câu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” đó có vẻ là để an ủi những cuộc tình bất hạnh không thành hoặc chỉ thích hợp cho những tâm hồn lãng mạn không thực tế, yêu mà không muốn gánh lấy trách nhiệm hậu quả, hoặc chỉ yêu nhau qua đường mua vui chớ không thực tình nghĩ đến chuyện hôn nhân xây dựng.  Nếu đã biết “Hôn nhân là mồ chôn ái tình” thì mình phải làm sao để tình yêu đừng bị hủy hoại chôn vùi vì những bổn phận nhọc nhằn trong đời sống hôn nhân, hay vì những thói hư tật xấu phơi bày sau khi đã cùng người mình yêu chung sống.  Mình vẫn có thể là người tình muôn thuở của nhau dù khi đã đóng vai trò người chồng người vợ trong gia đình để tình yêu trường tồn bất diệt, đẹp mãi như buổi ban đầu.  Hạnh phúc là do ở mình, mình phải biết tạo ra nó, nắm lấy nó, gìn giữ nó chớ nó đâu tự động tìm đến với mình phải không em?
          - Em cũng nghĩ vậy nhưng anh còn thêm một vai trò nữa, vai trò làm thầy em, anh quên rồi sao?  Chà, tội nghiệp anh của em quá, mới tính sơ sơ mà coi bộ muốn “bứt gân” rồi.

Cả hai nhìn nhau cười ha hả làm giựt mình ngơ ngẩn cỏ cây.  Chàng nắm tay cô chạy bay lên bờ, gieo mình xuống tấm vải nhựa đã trải sẵn lúc vừa mới tới.  Trời xanh biêng biếc lảng đảng những cụm mây trắng bềnh bồng trôi phiêu bạt.  Một cơn gió lướt qua lay cành cây xào xạc buông rơi những chiếc lá chết bình yên trên thảm cỏ với giấc ngủ muôn đời.  Tiếng chim lao xao trên cành, tiếng gió vi vu reo hòa với tiếng suối róc rách chảy cho đôi  nhân tình có cái cảm tưởng thoát tục, quên đi bao nhiêu phiền nhiễu đa đoan của cuộc đời.  
Ước chi đời không bị vật chất buộc ràng, không có cuộc sống phải vật lộn đua chen, không có xã hội phải hội nhập hòa mình để hai người được ngồi đây với nhau mãi mãi để nghe suối reo chim hót, nghe rừng nhã nhạc thiên thu, nghe tình yêu bất tận trong lòng như thủy tổ loài người thuở sơ khai trong vườn địa đàng đã một thời được hồng ân tận hưởng.  Nhưng con người một khi còn phải ăn phải uống để sinh tồn và còn cần những nhu cầu vật chất khác để thích nghi ứng phó với cuộc đời thì không thể nào chỉ sống với thiên nhiên, tách rời xã hội, quên đi thực tại của mình.  Cô phải nghĩ đến việc đi làm và chàng thì phải học cho xong cái mảnh bằng cử nhân để mai đây có thể đứng vững với đời và không bị xã hội ruồng rẫy chê bai.

Chàng trút hết những viên sỏi trong túi áo ra và bỏ vào cái bao nylon mà cô vừa lôi ra hai khúc bánh mì chuẩn bị cho buổi ăn trưa.  Đặt vào tay cô, chàng nói :
          - Đây cưng, những viên sỏi tình của cưng đây, vừa lòng chưa?  Em định giữ chúng cho đến bao giờ?  Đến ngày anh về như tóc em đã để chờ anh vậy à?
Cô gật đầu, kéo mái tóc đã dài nửa lưng qua một bên về phía trước, mân mê từng lọn trong tay cười e ấp. Chàng nhoài người tới đặt vào nắm tóc trong tay cô một nụ hôn nồng nàn, thì thầm bảo:
          - Rồi anh sẽ về cho tóc thôi buồn, cho đá thôi đau, cho em thôi khóc, cho chúng mình bên nhau.

Lời tình tự ấy chẳng khác nào một lời ước hẹn đá vàng sắt son cho cô, kẻ đợi chờ nhưng sao cô vẫn cảm thấy một nỗi bất an nào đó hình như cứ lảng vảng đè nặng trong tim.  Lời má khuyên bảo cô chẳng hề quên.  Ngày về của chàng còn xa lơ xa lắc, có ai dám chắc rằng thời gian sẽ mãi mãi đậu lại trên môi.  Lưỡi vốn không xương, uốn xuôi lật ngược dễ dàng nên mấy ai dám bảo đảm rằng những lời thệ hải minh sơn kia sẽ như biển cả núi cao bất di bất dịch tồn tại đến muôn đời.  Biết đâu một ngày buồn nào đó, cô chẳng nhận được một lá thơ ngắn ngủi đoạn tình của người cô yêu cô đợi.  Trên đời chuyện gì cũng có thể xảy ra và xảy ra một cách không ngờ.  Như chàng, một tu sĩ với gần hai mươi năm khắc khổ tu trì đã bất ngờ đến với cô, yêu cô thắm thiết thì cũng có thể bất ngờ ra đi quên cô hững hờ.  Chừng đó chắc cô chỉ biết khóc và lại đem định mệnh ra mà oán trách đổ lỗi.  Viễn tượng ấy bi đát ấy bất chợt hiện ra trong đầu óc cô khiến cô không ngăn được tiếng thở dài.  Chàng nhìn cô ngạc nhiên gạn hỏi :
          - Có chuyện gì mà đang vui với anh bỗng nhiên em lại thở dài thườn thượt như vậy?
Cô lắc đầu nói trớ đi :
          - Không gì đâu anh, em nghĩ tới vài hôm nữa phải về, em lại xa anh nên cảm thấy buồn vậy thôi.
Chàng chắt lưỡi rầy rà:
          - Em sao, hay lo xa quá.  Hôm nay vui được thì cứ vui, buồn hờ làm gì những chuyện ngày mai chưa tới.  Em buồn rồi có khỏi xa anh hay không?  Đời còn nhiều khổ đau và thử thách, em cứ bi quan yếu đuối như thế thì làm sao có thể chống chỏi đương đầu.  Em phải tập vui vẻ lên, hãy “quẳng gánh lo đi và vui sống” để anh được vui lây, để anh được yên lòng.  Đừng chán nản u sầu trước cảnh tàn rụi của mùa đông giá rét mà hãy tưởng tượng đến lúc xuân về, cây khô lại đâm chồi nẩy lộc, oanh yến lại họp đàn ríu rít hoan ca.  Và  thay vì cứ buồn rầu nghĩ đến chuyện chia ly xa cách, sao em không thử vẽ vời phác họa lên một tổ ấm tương lai của chúng mình, một mái nhà xinh, một mảnh vườn muôn sắc mà rồi đây nơi đó đi về chúng mình sẽ mãi mãi có nhau.
Nghe chàng nói, cô gượng cười gật đầu đáp:
          - Em sẽ rán nghe lời anh.  Mai mốt đi làm, thay đổi hoàn cảnh chắc em sẽ bớt bi quan.  Suốt niên học vừa qua, em thật khổ sở vô cùng, cảnh cũ tình xưa, vào trường em chỉ tổ nhớ anh thêm, lời thầy như mây bay gió thoảng, bao nhiêu cố gắng cũng chỉ  thành công dã tràng.
Chàng bỗng buột miệng bông đùa :
          - Chà em ra đời sớm, mai mốt chắc khôn hơn anh, kinh nghiệm nhiều hơn anh, chắc em làm “thầy đời” anh quá.
Cô phì cười lắc đầu bảo :
          - Thôi không được đâu.  Người ta hay ghét, hay chưởi những kẻ ham làm tài khôn, làm thầy đời lắm.  Em mà làm thầy đời anh, anh ghét em sao.  Điều em mong mỏi là sau này anh đừng độc quyền độc đoán, anh chịu nghe em là được rồi.  Em công bằng lắm, không có ăn hiếp anh như mấy ông bề trên “khẩu Phật tâm xà” đó đâu.
          - Em chơi khôn à.  Bắt anh phải nghe em tức là em độc tài rồi chớ gì nữa.  Mà thôi cũng được.  Ai biểu anh thương em làm chi.  “Một câu nhịn, chín câu lành”, miễn là đừng ai nói anh sợ vợ thôi, anh sẽ nghe em hết mình cho yên nhà yên cửa, cho cơm lành canh ngọt, em vừa ý chưa?
Cô nhướng mắt hỏi vặn :
          - Thật không đó?  Anh nói thì phải nhớ đó nghe.
Chàng đưa ngón tay trỏ ra móc vào ngón tay cô vừa nói vừa cười :
          - Nè, ngoéo tay đi cho em tin.
Cả hai ngoéo tay nhau thật chặt và cười lên khanh khách.  Cô cơ hồ quên mất đi cơn buồn chợt đến lúc nãy.  Cuộc du ngoạn lại được tiếp tục trong sự vui vẻ lúc đầu.  Hai đứa ăn trưa, đùa giỡn và thong dong ngắm trời ngắm đất, không còn nhớ gì đến thế giới ồn ào bận rộn ngoài kia.

Buổi chiều trên đường về, chàng và cô ghé qua nhà thờ Bình Triệu vào viếng Đức Mẹ Fatima.  Đền thờ không nhằm ngày lễ nên vắng khách thưa người, chỉ thấy rải rác ở vài băng ghế một vài tín đồ ngaon đạo với tràng hạt trong tay đang lâm râm cầu nguyện.  Vì thói quen, vì sùng bái hay vì khổ đau cần tìm ủi an xoa dịu. “Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúc Trời, hiện ra uy linh sáng chói…”  Ngày nay hình ảnh Mẹ vẫn linh động uy nghi qua tượng tạc và còn sáng chói vang vọng mãi trong tâm tưởng, trong đức tin của con người vì Mẹ là Mẹ hằng cứu giúp, Mẹ muôn đời nhân ái hiển linh.

Rời thánh đường, hai người đi lần ra bờ sông dạo mát.  Gió chiều nhè nhẹ hiu hiu cho giòng sông yên bình  xuôi chảy, cho lòng người lắng xuống những mệt mỏi rã rời sau một ngày miệt mài quần quật mưu sinh.  Vài đôi nhân tình đã có mặt nơi đây, trong bóng tà dương lảng đảng, tay choàng vai nhau ấu yếm, tình tự thì thầm.  Mặt trời đang chầm chậm xuống thấp, từ vàng chuyển sang đỏ rực rồi tím thẫm cho những tia nắng cuối cùng biến thành muôn hồng nghìn tia làm lộng lẫy cả một góc trời.  Giây phút huy hoàng của một ngày là đây, rực rỡ để rồi tàn tạ, bừng lên để rồi lịm tắt như thời cực thịnh vàng son của các đế quốc xa xưa trước giờ tàn vong sụp đổ.

Nắng tắt!  Ngày tàn cho đôi lòng ngậm ngùi bao nuối tiếc, nuối tiếc những ngọt ngào yêu đương gắn bó của một ngày hạnh phúc êm đềm bên nhau.  Ngày nào cũng mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, cũng sáng cũng chiều nhưng chẳng phải chiều nào cô với chàng cũng được có nhau.  Chiều nay vai kề vai bên nhau sánh bước, bên bờ sông cùng ngắm bóng chiều. Những chiều sau tiếp thì còn đâu nữa, cô với chàng thẫn thờ chiếc bóng, kẻ giang đầu người giang vĩ, nhìn chiều xuống mà thương nhớ bâng khuâng, mơ vạn chiều nắng rụng thôi xa chung đời.

Thursday, September 26, 2013

Chân Dung Người Vợ Lính VNCH - Phạm Bá Hoa



Kính thưa quí vị,

Trong cuộc sống, sự thành công hay thất bại nào cũng có cái giá của nó. Trong chiến tranh cũng vậy, cái giá của những chiến tích lừng danh mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) phải trả, là những đồng đội đã hi sinh, những đồng đội khác đã để lại một phần thân thể trên khắp miền đất nước, và hệ lụy dài lâu là những đứa trẻ vĩnh viễn xa cha, những người vợ vĩnh viễn xa chồng! Người quân nhân hi sinh vì tổ quốc, là sự hi sinh cao cả mà tổ quốc mãi mãi ghi công. Nhưng, hình ảnh người quả phụ, với một nửa tâm hồn, một nửa con tim, một nửa phần hơi thở, theo chồng lên đài tổ quốc ghi công, và những nửa còn lại có trách nhiệm trang bị cho các con một hành trang vào đời, phải được thừa nhận là sự hi sinh không kém phần cao cả như người chồng dũng cảm nơi chiến trường, rất xứng đáng được chúng ta kính trọng.


Cũng trong chiến tranh, chồng ở chiến trường, vợ ở nhà quán xuyến công việc gia đình mà công việc gia đình nhiều đến nỗi có những việc chưa kịp đặt tên, nhưng tất cả đều là việc. Chăm sóc các con, chăm sóc tình thân gia đình quyến thuộc, chăm sóc tình bạn bè bằng hữu. Để rồi, những giờ phút yên tỉnh về đêm khi các con chìm trong giấc ngủ, mơ màng nghĩ đến chồng nơi chốn xa xôi, hay đang trong chiến trường khốc liệt, với bao khắc khoải lo âu, sầu muộn!


Rồi chiến tranh chấm dứt trong nỗi nghẹn ngào uất hận, bởi đây là cuộc chiến mà cuối cùng “bị chấm dứt để thua trận”! Sau lời tuyên bố của vị Tổng Thống cuối cùng, hàng trăm ngàn đồng bào, quân nhân, viên chức, cán bộ, bỏ của chạy lấy người, tị nạn trên đất Mỹ. Với những thành phần tương tự như vậy gồm 222.809 người, lũ lượt bị lừa vào 200 trại tập trung trên khắp miền đất nước. Người 5 năm, 10 năm, 15 năm, thậm chí 17 năm ròng rã, do lòng thù hận tột cùng của nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Hằng trăm ngàn gia đình di tản ra ngoại quốc, cũng như hằng chục triệu gia đình còn lại trên quê hương, tất cả đều hụt hẫng. Hụt hẫng vì cuộc sống trên đất người với biết bao xa lạ trong một xã hội kỹ nghệ mà bước đầu chưa thể hội nhập. Hụt hẫng vì phút chốc, từ chế độ tự do bị đẩy vào chế độ độc tài trên toàn cõi Việt Nam!


Cảnh đời thứ nhất. Trong cuộc đời tị nạn, vợ chồng con cháu có cơ hội bên nhau, cùng chia xẻ khổ đau, cùng gánh vác nhọc nhằn, cùng nhận chung nỗi nhục! Nỗi nhục phải rời khỏi quê hương trong thân phận lưu vong! Với những bà vợ chúng ta, vốn sinh ra và trưởng thành trong xã hội nông nghiệp, nay phải cùng chồng từng bước hội nhập vào xã hội kỹ nghệ nơi định cư, đã phải đêm đêm đếm bước từ bến xe công cộng về nhà trong màn tuyết lạnh sau những giờ nhọc nhằn nơi hãng xưởng. Lạnh đến nỗi không biết giọt nước lăn trên má là nước mắt, hay mảnh tuyết vừa tan!


Cảnh đời thứ hai. Trong xã hội mà kẻ thắng trận đầy lòng thù hận, thì gia đình ly tán, sự sống bị bóp nghẹt đến tận cùng của khổ đau, của nước mắt bởi chính sách bịt mắt bịt tai bịt miệng! Cái chế độ mà những người lãnh đạo luôn miệng huênh hoang là "dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư bản", lại bắt mọi người phải sống trong nỗi sợ hãi triền miên với những đôi mắt rình rập quanh năm suốt tháng!


Cảnh đời thứ ba. Riêng với những bà vợ ở lại mà chồng đã vào tù, còn tệ hơn nhiều so với hai cảnh đời nói trên. Hằng ngày phải đối phó với bọn cầm quyền địa phương, cái bọn mà đầu óc toàn đất sét và rác rưởi, chỉ biết đàn áp để cướp đoạt. Đồng thời phải chăm lo cuộc sống các con từng ngày, lo nuôi chồng từng tháng!


Những bà vợ chúng ta, hải ngoại hay trong nước, thật sự là Những Người Đàn Bà Việt Nam rất can đảm khi phải chịu đựng và vượt qua nỗi đau nỗi nhục đó! Đau đến nỗi không còn nước mắt để khóc, nhục đến nỗi chẳng còn lời để than! Nếu đem so sánh giữa hai cảnh đời trong nước với ngoài nước, thử hỏi: "Ai đau hơn ai và ai nhục hơn ai?" Với tôi, không ai đau hơn ai, cũng không ai nhục hơn ai! 
Vì nỗi đau nào cũng có cái đau riêng của nó, nỗi nhục nào cũng có cái nhục riêng của nó! Xin những ông chồng diểm phúc, hãy nhìn lại đôi nét về hình ảnh Những Bà Vợ Chúng Ta trong cuộc sống khổ đau thầm lặng đó, mà người viết được những bà vợ trong cuộc kể lại:

Một cảnh đau thương. Một bà vợ cùng con cầm giấy phép “gánh gạo” nuôi chồng trên đất Bắc. Ba ngày đi, ba ngày về, 2 tiếng đồng hồ gặp gở! Khi trở về cư xá Bắc Hải, nhà bị niêm phong với dòng chữ "nhà vắng chủ". Đau đớn biết bao! Xót xa biết dường nào! Bỗng dưng nhà bị mất! Bà gục đầu vào cửa! Bà cùng gia đình định cư tại Houston, Texas từ tháng 4 năm 1991.


Một cảnh đau thương khác. Một bà vợ đã bao nhiêu lần bị công an Phường ra lệnh đi khu kinh tế mới, nhưng bà vẫn không đi. Chúng hành hạ bằng cách gọi bà đến văn phòng, bảo ngồi đó từ đầu giờ đến cuối giờ, ngày nào cũng vậy, và ròng rã 6 tháng như vậy. Một hôm, chúng bảo đưa giấy tờ nhà để giải quyết. Khi chụp được hồ sơ, lập tức tên công an ra lệnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ bà phải ra khỏi nhà. "Ôi! Còn nỗi đau nào cao hơn nỗi đau này trong cảnh đời thua trận!" Bà xiêu vẹo trên đường về nhà cách đó mấy dãy nhà liên kế cũng trong cư xá Bắc Hải, và gục ngã ngay trước nhà! Bà cùng gia đình định cư vùng bắc California từ năm 1993, nhưng chồng đã qua đời vào năm 2003.


Một cảnh đau thương khác nữa. Một bà vợ có chồng bị giam trên đất Bắc hằng chục năm trời, bỗng dưng mất liên lạc. Bà lặn lội khắp các cơ quan tại Sài Gòn, Hà Nội, tốn kém, mệt nhọc, nhưng hoàn toàn bặt tin. Nỗi buồn đến với bà quá sức chịu đựng của người phụ nữ tuổi 50, mà có lúc bà cảm thấy như mình đang bên bờ vực thẳm, rồi ngã dần xuống...... Bà bị tai biến mạch máu não, nằm bất động một chỗ. Nhiều tháng sau đó, bất ngờ, người nhà của bà nhận được giấy cho phép bà thăm chồng. Trại tù chỉ cách nhà vỏn vẹn 1 cây số (khám Chí Hòa). Bạn bè khiêng bà đến nhà tù. Cả hai “chồng đứng đó vợ liệt toàn thân”, chỉ biết nhìn nhau, òa khóc...! Khóc cho mình! Khóc cho cuộc đời! Phải chăng, mọi khổ đau trên cõi đời này đang bao quanh hai con người đau khổ đó? Không. Không chỉ có vậy. Mà là tất cả những bà vợ có chồng bị cộng sản giam giữ trong tù, tiêu biểu qua 3 cảnh đời trên đây trong hàng vạn cảnh đời trên đất nước Việt Nam, đều trong nỗi khổ tột cùng đó! Tình trạng bại liệt đó theo Bà cùng chồng định cư tại Houston, nhưng rồi Bà đã từ trần năm 2004!


Sài Gòn-Hà Nội 1.736 cây số, xe lửa tốc hành chạy 72 tiếng đồng hồ, tức 3 ngày 3 đêm. Mỗi người chỉ được mang theo 20 kí lô lên xe lửa, mang nhiều hơn số đó phải hối lộ cho một loạt nhân viên từ cổng vào cho đến nhân viên trên xe lửa. Hành lý ngổn ngang cả trên lối đi giữa toa xe. Ban ngày cũng phải lách từng bước chân vào chỗ trống. Còn ban đêm, thật khó mà tưởng tượng! Hai băng ngồi đối diện, một băng 3 người. Hai băng phía bên kia lối đi, mỗi băng 2 người ngồi. Hai đầu trên của hai băng 6 người, máng được 3 cái võng cho 3 người, 1 người nằm co quắp trên sàn xe đen đúa nhầy nhụa giữa 2 băng đối diện, và 2 người còn lại cũng nằm co quắp trên 2 băng ngồi. Nếu nhìn toàn cảnh của toa xe sẽ thấy, băng ngồi đầy người nằm, những chiếc võng bé xíu che kín trên đầu băng, cả lối đi vốn dĩ đã nhỏ hẹp cũng đầy người nằm chen lẫn trong đống hành lý thật hổn độn. Những bà vợ thăm chồng, mang theo hằng trăm kí lô, biết bao là nhọc nhằn gian khổ!


Giả thử, nếu những ông chồng chứng kiến những hành khách nằm cong queo trong cái gọi là chiếc võng kia, hay co quắp giữa những gói quà đầy ấp tình thương trên sàn xe nhớp nhúa đó, là những bà vợ của mình, liệu có cầm được nước mắt không? Nghe nói lại, nghe thuật lại, ông chồng nào cũng đớn đau thương cảm cho tình cảnh những bà vợ quanh năm gánh gạo nuôi chồng! Nhưng không có đớn đau thương cảm nào có thể đem cân bằng nỗi đớn đau thương cảm của những bà vợ trọn tình vẹn nghĩa như vậy được cả!


Tôi hình dung những bà vợ chúng ta qua hình ảnh trên đây mà chính tôi trông thấy khi tôi ra trại tập trung cùng với 90 “bạn đồng tù”, từ Nam Định về Sài Gòn bằng xe lửa đúng 72 tiếng đồng hồ hồi tháng 9 năm 1987.


Trên đây là một cố gắng dựng lại hình ảnh "Những Bà Vợ Chúng Ta", nếu không rõ nét thì ít ra cũng là những nét chính của hình ảnh ấy, qua sự kết nối bốn hợp phần sau đây:

Hai hợp phần trong chiến tranh, là những bà vợ mà chồng đã hy sinh, và những bà vợ mà chồng đang chiến đấu.

Hai hợp phần sau chiến tranh, là những bà vợ cùng chồng con di tản ngoại quốc, và những bà vợ ở lại Việt Nam, vừa nuôi con trong một xã hội đầy hận thù và kỳ thị, vừa nuôi chồng trong những trại tập trung nghiệt ngã!


Những cảnh đời bi thương, những khổ đau sầu muộn, những nước mắt, mồ hôi, được khơi lên từ những góc cạnh li ti trong hằng vạn hằng vạn cảnh đời như vậy, mà Những Bà Vợ Chúng Ta đã chịu đựng trong những năm dài thật dài!


Quyển “Chân Trời Dâu Bể” của Giao Chỉ, kể chuyện trên đất Mỹ, và quyển “Giữa Dòng Nghịch Lũ” của Duy Năng, kể chuyện trên quê hương Việt Nam. Hai tác phẩm này trong một mức độ nào đó, có thể xem là tiêu biểu cho rất nhiều tác phẩm dưới dạng chuyện kể thật bình thường, nhưng ôm ấp biết bao xót xa thương cảm cho thân phận người phụ nữ Việt Nam sau ngày thua trận, dù sống trong hai xã hội cách nhau nửa vòng trái đất. Với tác phẩm của Duy Năng, người kể chuyện là bà Hàng Phụng Hà. Bà là một trong số hằng trăm ngàn bà vợ thăm nuôi chồng trong tù. Ở phần kết, bà nói: 

"... Các anh trong tù, khổ về vật chất và đau về tinh thần đến vạn lần, điều đó chúng tôi biết. Nhưng, chúng tôi -những bà vợ của các anh- đau khổ gấp ngàn cái vạn lần của các anh nữa, các anh có biết không? Tôi không đề cao một bà vợ nào, mà tôi đề cao tất cả những bà vợ thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo. Bởi vì: Họ, đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam. Họ, rất xứng đáng được các anh kính trọng. Và Họ, chính là Vợ của các Anh".


Vì vậy mà một số bạn đồng tù chúng tôi trong trại tập trung, đã không quá lời khi nói với nhau rằng: "Ra tù, chúng ta phải cõng vợ chúng ta đi vòng quanh trái đất, để đền bù đôi chút về sức chịu đựng biết bao nhọc nhằn gian khổ đã nuôi các con và nuôi chúng mình”.


Bây giờ nhìn lại, trong một ý nghĩa nào đó, những cựu tù nhân chính trị chúng ta, đã cõng vợ đi được nửa vòng trái đất rồi. Đến ngày Việt Nam thật sự tự do dân chủ, chúng ta sẽ cõng vợ trở về quê hương là trọn vòng trái đất như đã tự hứa, phải không quí vị?


Với nét chân dung đó, tôi quả quyết rằng, Những Bà Vợ Chúng Ta rất xứng đáng được vinh danh. Và nếu quí đồng đội và quí vị đồng hương đồng ý với tôi, chúng ta cùng nói to lên rằng: “Chúng ta cùng vinh danh Những Bà Vợ Chúng Ta là những người đàn bà cao cả, rất xứng đáng được kính trọng. Bởi, trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chế độ độc tài cộng sản, nhưng đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam, cùng lúc, chu toàn thiên chức làm Mẹ, và tròn bổn phận làm Con”.


Vinh danh bằng những tiếng nói ân tình bên tai vợ, trao tặng vợ một bông hồng thật đẹp, hôn vợ những nụ hôn thật dài. Điều đó luôn nhắc nhở người chồng trong cuộc sống thường ngày, phải thể hiện lòng hiểu biết vợ mình nhiều hơn, cảm thông vợ mình nhiều hơn, rồi quàng tay vào lưng vợ mình chặt hơn, để cùng nhau đi suốt chiều dài còn lại trong cuộc sống lứa đôi thật mặn nồng, như chưa bao giờ mặn nồng đến như vậy. Trường hợp vì lý do gì đó mà bạn đang sống một mình, xin bạn hãy gắn bông hồng màu đỏ lên nơi nào mà khi nằm nghỉ bạn đều trông thấy, để trao tặng vợ khi đoàn tụ bên nhau. Hoặc sự trông thấy đó, sẽ giúp bạn có được những giây phút sống lại những năm tháng mặn nồng trong tình yêu vợ chồng thuở chung chăn chung gối, thuở mà hai người dùng chung một tên.


Phạm Bá Hoa