Bà Nguyệt chất hành lý lên chiếc xe đẩy đến băng ghế trong sảnh ngồi chờ thằng cháu đến đón. Bà từ Mỹ mới về đến Sài Gòn trưa nay, nhà cha mẹ bà ở Sa Đéc, thằng cháu mướn xe từ dưới quê miền Tây lên đón.
Trưa mùa hè trời Sài Gòn nóng hừng hực, bà Nguyệt bước đến cửa hàng định mua một chai nước lọc, bất chợt bà nghe một giọng nói quen thuộc từ đoàn người mới đến từ trong bước ra, bà ngoái cổ lại nhìn, người đàn ông có giọng nói thân quen ấy cũng vô tình bất chợt nhìn thấy bà, ông ta có vẻ hơi ngỡ ngàng đôi chút, rồi cùng con cháu bước ra ngoài gặp người thân đang chờ.
Bà Nguyệt nhìn dõi theo, người đàn ông này chính là người chồng cũ của bà, người chồng mà bà đã bỏ rơi khi ông đang trong tù “cải tạo”, bà theo nhân tình trẻ đi vượt biên. Bà cũng đã nhẫn tâm bỏ lại thằng con trai cho bên nội nó nuôi lúc nó mới vừa năm tuổi. Bữa nay nó cao lớn có vợ con cùng đi về. Nó lăng xăng cùng mấy đứa con nhỏ, chắc không nhìn thấy bà, mà có thấy chưa chắc nó nhận ra người mẹ đã bỏ cha con nó đi theo nhân tình, mấy mươi năm không một lời thăm hỏi.
Bà Nguyệt ngồi thẫn thờ như người mất hồn, thằng cháu đến đón tưởng bà đi đường xa mệt lại thêm phần trời nóng. Suốt chặng đường về, bà ngồi làm thinh không nói một lời nào. Về đến nhà bà nằm rã rượi mấy hôm liền, lòng buồn buồn không muốn ăn, không muốn uống, không muốn gặp ai, bao nhiêu chuyện xưa giờ trở lại bà nhớ từng chi tiết, một nỗi buồn tha thiết dâng lên trong lòng.
***
Ngày đó, cô Nguyệt là nữ sinh lớp Đệ nhất trường “Trung học công lập Sa Đéc”. Cô nổi tiếng xinh đẹp, là một trong những hoa khôi ở cái thành phố nhỏ bé này. Cô lại có khiếu văn nghệ, hát hay cả tân nhạc lẫn cổ nhạc, các chương trình văn nghệ lớn nhỏ gì cũng có cô tham gia, nếu không hát thì cũng múa phụ diễn, hoặc đóng vai phụ trên mấy vở kịch vui.
Cô Nguyệt quen biết Trung úy Thiện hôm đi dự lễ Quốc Khánh. Cô là một trong các nữ sinh được chọn để choàng vòng hoa cho chiến sĩ. Trung uý Thiện được người đẹp choàng vòng hoa thì hồn xiêu phách lạc ngày nhớ đêm mơ. Chàng tìm cách làm quen và từ đó ngày đêm săn đón. Chàng là sĩ quan trong tiểu khu, nhà cha mẹ chàng cũng ở tại thành phố Sa Đéc này.
Cô nữ sinh hoa khôi nổi tiếng hát hay múa giỏi nhưng cô học không giỏi, cuối năm đó cô thi rớt tú tài, cô học lại thêm một năm nhưng rồi cũng thi rớt, buồn tình cô lấy chồng, năm đó cô vừa 21 tuổi.
Khi cô sinh con đầu lòng thì Trung uý Thiện được thăng đại uý và được đổi về làm chi khu phó Chi khu quận Châu Thành. Và rồi một biến cố xảy đến không ai ngờ, miền Nam mất vào tay Cộng sản, Đại uý Thiện cũng như bao người khác vô tù “cải tạo”, cô ôm con mọn về nhà cha mẹ, thằng con vừa hơn một tuổi.
Sông Sa Đéc. (minh họa: Wikipedia.org)
Bà Nguyệt đi ngang nhà cha mẹ chồng cũ, len lén nhìn vào trong mong thấy thằng con trai. Từ lúc nhìn thấy nó ở phi trường, mấy ngày nay lúc nào bà cũng nhớ đến nó. Bà thấy thật là có lỗi. Bà muốn nói với nó đôi điều cho nhẹ tấm lòng. Bà đi qua lại mấy lần, nhưng ngại không dám vào. Ông bà cha mẹ chồng cũ đã qua đời, nhưng bà sợ bà chị và cô em chồng hơn ai hết. Bà cũng biết cả bên gia đình người chồng cũ không ai ưa gì bà, từ lâu mọi người đều nói bà đã bỏ chồng bỏ con theo trai.
Bà Nguyệt nhờ người nhắn với ông Thiện là bà muốn gặp ông, bà có nhiều điều muốn nói với ông.
Ông Thiện đúng hẹn đến gặp bà Nguyệt. Cả hai gặp nhau ngỡ ngàng, ngượng ngùng không biết mở lời như thế nào. Bà Nguyệt lấy nước trà mời ông, ông cũng làm thinh không nói gì.
– Ông về đây với con cháu đông vui quá há.
– Còn bà, bà về đây có một mình, chồng bà đâu? Nghe nói bà có nhiều chồng lắm mà, hết người này tới người khác.
Bà Nguyệt nhìn ông chồng cũ.
– Ông còn lời nào độc địa hơn cứ nói hết ra đi, nói cho nhẹ lòng ấm ức bấy lâu nay, tôi đã chờ đợi cái ngày này mấy mươi năm rồi.
– Nếu tôi muốn chửi rủa hay trách móc bà, tôi đâu chờ đến ngày hôm nay, nhưng tôi không làm vậy, tôi để cho cái lương tâm của bà nó nguyền rủa bà.
Bà Nguyệt cúi gầm mặt xuống đất không nói gì.
– Hôm tôi gặp ông và thằng Hiếu ở phi trường tôi thật bất ngờ tim đập thình thịch tay chân run rẩy. Hôm tôi ra đi nó mới năm tuổi, mấy chục năm không liên lạc, không thấy nhau, vậy mà vừa gặp mặt, tôi nhận ra nó liền, nó giống tôi như đúc.
– Bà thương nó sao bà bỏ nó lại không dẫn nó đi theo, bà cũng biết lúc đó cha nó đang ở tù kia mà! Rồi bà đến Mỹ chạy theo vật chất, chỉ biết ăn chơi, đâu có nghĩ gì đến nó, mấy chục năm nay sao bà không đi tìm nó, đứa con trai của bà.
Bà Nguyệt nhìn ông Thiện nói như phân trần.
– Mọi người đều chửi rủa là tôi bỏ chồng bỏ con theo trai, thật ra tôi ra đi chỉ là một sự tình cờ không tính trước. Qua Mỹ được vài năm thì tôi nghe tin ông được ra tù và lấy vợ khác. Có nhiều lúc tôi muốn hỏi thăm thằng Hiếu nhưng còn hơi ngại gia đình ông, phải nói là sợ mới đúng, tôi sợ má ông và bà chị ông dữ lắm, bởi vì lúc nào tôi cũng mang mặc cảm là đã bỏ chồng. Thằng Hiếu từ lâu sống bên nội, nay có cha về lo chăm sóc vậy cũng tốt. Phần tôi thì lông bông rồi vướng vào đam mê này tới đam mê khác, ngày tháng trôi qua tôi đã phung phí cả một quãng đời thanh xuân. Tuổi già ập đến thì tôi cũng te tua tiền bạc nướng sạch vào sòng bài.
– Hôm mà lần đầu trại tù cho thân nhân thăm nuôi, tôi có hơi ngỡ ngàng một chút khi người đi thăm tôi là bà chị, tôi hỏi chị tôi, bà và con sao rồi, chị tôi nói không biết bà buôn bán cái gì, ngày nào cũng đi sớm về trễ, giao thằng Hiếu cho má tôi nuôi. Lần thăm nuôi sau, má tôi nói bà theo nhân tình đi vượt biên rồi. Trại tù nằm giữa Đồng Tháp Mười, mùa nước nổi nhìn xung quanh thấy đâu cũng nước mênh mông, lòng tôi buồn vô hạn nghĩ cuộc đời mình giờ đây lênh đênh chẳng thấy đâu là bờ.
– Để tôi kể hết cho ổng nghe đầu đuôi câu chuyện như thế này.
Lúc ông đi tù “cải tạo” tôi ôm con về nhà ba má tôi sống, hoàn cảnh nhà tôi lúc đó cũng khổ, hồi nào tới giờ sống nhờ đồng lương hàng tháng, giờ mọi người mất việc rơi vào một cơn khủng hoảng kinh hoàng. Tiền bạc dành dụm bấy lâu đem ra xài, hết tiền bán tới vòng vàng nữ trang, hết vòng vàng bán tới đồ đạc trong nhà, cái gì có người mua thì đem ra bán lấy tiền ăn sống đấp đổi cho qua ngày đoạn tháng.
Khoảng năm 78 có mấy người bạn rủ tôi đi buôn chuyến, sáng sớm ra chợ mua gạo, thịt heo dấu đem lên Sài Gòn bán kiếm lời. Tôi không biết làm gì ăn nên tập tành theo mấy nhỏ bạn đi “buôn lậu”. Đi buôn lâu ngày tôi quen thằng Hiền lơ xe đò cũng là con ông chủ xe. Nó thấy tôi tội nghiệp nên giúp đỡ tôi mọi điều. Sáng sớm hôm đó như thường lệ, tôi thức sớm ra chợ mua thịt heo để đi bán, thằng Hiền đi tìm tôi ngoài chợ, nó kề tai nói nhỏ: “Bữa nay không có đi thành phố, đi xa”. Ba nó hùn hạp với người ta mua ghe tổ chức đi vượt biên, nó thương tình dẫn tôi đi theo, tôi nghĩ người ta đóng vàng để được đi, nay có người cho mình đi không, còn chần chờ gì nữa.
Tôi theo nó đón xe lam qua Vĩnh Long rồi xuống Vũng Liêm ở đó chờ, tối hôm sau thì xuống ghe tới chỗ hẹn lên ghe lớn theo dòng sông Cửu Long ra cửa biển đi vượt biên.
Tôi đã ra đi một cách tình cờ như vậy đó, ra đi âm thầm không một lời từ giã. Mấy ngày đầu ở trại tỵ nạn tôi như người mất hồn, như người chết chưa chôn. Phần lo gia đình ở Việt Nam, phần lo tương lai vô định bấp bênh biết trôi nổi về đâu, phần vừa trải qua một chuyến vượt biên kinh hoàng thừa chết thiếu sống, (ai đã đi vượt biên qua một lần rồi không bao giờ đám đi lần thứ hai). Thằng Hiền có anh nó ở Mỹ bảo lãnh, chắc sẽ được đi Mỹ, tôi đánh liều ghép hộ với nó để được đi định cư. Kể từ đó, tôi mới bắt đầu dính líu với nó. Kể từ đó, cuộc đời tôi bước sang một lối rẽ khác, đưa tôi tới con đường mãi mãi lìa xa quê hương xứ sở, mãi mãi lìa xa người chồng tù tội và đứa con còn nhỏ dại chưa biết gì.
Tôi theo thằng Hiền đến Mỹ về tiểu bang Pennsylvania. Chỗ đó thành phố nhỏ buồn lắm. Ngày đó rất ít người Việt. Tôi vô làm nhân công hãng thịt gà, thức khuya dậy sớm mà đồng lương chẳng bao nhiêu. Ở đó được hai năm, một hôm ngày mùa Đông giá rét, đường mưa tuyết trơn trợt tôi lủi xe đâm gốc cây, chỉ bị thương nhẹ nhưng tôi bị sảy thai. Những ngày sau đó tôi luôn hoang mang buồn khổ, cảm thấy cuộc đời ngày càng bế tắc, dính líu với nó chỉ là một sự chẳng đặng đừng. Sau cùng tôi nói với nó, tôi muốn chia tay.
Thằng Hiền rất thương tôi nhưng biết tôi đã muốn vậy nên để tôi ra đi không ngăn cản.
Tôi có người bạn sống ở San Jose, tiểu bang California, tôi liên lạc và dọn về đó. Tôi xin vô làm nhân công trong hãng điện tử, mặc dầu chỉ là một nhân công hạng bét trong hãng, tôi lại lọt vào cặp mắt xanh của ông manager building. Ông này là người Mỹ gốc Nhật. Cha mẹ ổng là người Nhật sống lâu đời ở Hawaii. Không biết tôi có điều gì hấp dẫn mà ổng đi hỏi cưới tôi. Ổng lớn hơn tôi mười tuổi, ly dị vợ, có hai thằng con trai chừng mười tuổi sống với ổng. Lúc đó tôi cô đơn buồn bã, vừa trải qua một đoạn đời đầy sóng gió, tôi ưng đại, mong là lấy ổng cho yên một đời lênh đênh như con thuyền không bến.
Về ở với ổng tôi nghỉ làm, nhưng ở nhà một mình buồn lắm, ổng đi làm từ sáng tới tối, có khi tới khuya mới về đến nhà. Hai thằng con ổng đi học về là rút vô phòng, tụi nó chỉ ăn đồ Mỹ, ba cha con ăn riêng, tôi nấu đồ ăn Việt Nam ăn một mình. Tôi ghi tên vô trường community college học tiếng Anh. Đi học để khuây khỏa nỗi buồn. Đi học, tôi quen một số bạn người Việt, rồi tụ họp thành nhóm, khi thì đi chơi chỗ này chỗ kia, khi thì đi ăn uống, có khi về nhà xúm nhau nhậu nhẹt đàn đúm. Rồi cuối tuần rủ nhau đi nhảy đầm, tôi biết hát lại ham vui, tôi mê cái không khí của vũ trường, weekend nào cũng đi nhảy đầm.
Ông chồng Nhật này cũng dễ tánh không nói gì, ổng lại bận bịu công việc cả ngày, mạnh tôi tôi đi, mạnh ổng ổng đi, mạnh ai nấy đi, cuộc sống vợ chồng thật là tẻ nhạt, vợ chồng ngày mỗi cách xa, đến một lúc thì chia tay.
– Cái kiểu bà sống như vậy, trước sau gì cũng bị chồng bỏ.
Bà Nguyệt cười khúc khích.
– Thật ra tôi bỏ ổng, chớ không phải ổng bỏ tôi.
– Cái ông này thiệt là xui gặp bà.
– Ly dị ổng tôi chia của được mấy trăm ngàn và một căn nhà để ở. Lúc đó tiền cũng còn có giá, nhiêu đó cũng nhiều lắm. Tôi đi làm bậy bạ cho có chớ không cần tiền, muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ. Tuần nào cũng đi nhảy đầm. Ngày đó tôi mê cái không khí vũ trường ghê lắm, hễ đến cuối tuần là rủ bạn bè đi nhảy đầm, vừa đến cửa nghe tiếng nhạc xập xình là lòng tôi chộn rộn như con thiêu thân chỉ muốn lao vào ánh đèn màu vui đùa thâu đêm suốt sáng.
Ở chốn vui chơi ấy tôi quen một người đàn ông Việt Nam. Ông này vốn là sĩ quan không quân qua đây từ năm 75, ổng cũng khoảng tuổi của ông. Ổng cao ráo bảnh trai lịch lãm và có nhiều tiền. Có nhiều bà thích ổng lắm nhưng không hiểu sao ổng lại thích tôi. Tôi cặp với ổng một thời gian thì dọn về nhà ổng ở, sống chung nhưng không làm hôn thú.
Ông này giỏi lắm, làm về tài chánh ngân hàng, chuyên chơi stock và đầu tư địa ốc. Ở với ổng mấy năm mà ổng cứ tránh không muốn có con. Lúc đầu tôi không hiểu, sau mới biết là ổng có vợ con còn kẹt ở Việt Nam. Lúc vợ con ổng sắp qua thì tôi với ổng chia tay. Tiền của tôi ổng đầu tư địa ốc và chơi chứng khoán dùm, lấy ra đâu cũng được gần một triệu. Cũng đỡ khổ, hết tình, nhưng còn tiền.
– Bà giỏi quá! Kế tiếp ông này rồi còn ông nào nữa kể hết ra đi.
– Thôi! Nhiêu đó đủ rồi, hồi nào tới giờ đàn ông mê tôi chớ tôi đâu có mê đàn ông. Vừa lúc đó ở San Jose mở sòng bài, tôi theo bạn bè lên đó chơi, lúc đầu thỉnh thoảng sau đi riết mê cờ bạc lúc nào không hay. Ai mà vướng vào cờ bạc thì biết, mê “Tây Đầm” còn hơn mê đàn ông gấp trăm ngàn lần. Từ đó tôi như con nghiện chỉ biết casino chớ chẳng biết gì, tôi đã mang tiếng bỏ chồng nay mang tiếng cờ bạc nên chẳng muốn gặp người quen, chẳng muốn tiếp xúc ai.
– Thằng con bà còn không nhớ, bà nhớ tới ai. Cả triệu đồng bà thua sạch hết?
– Người ta nói ngồi không ăn núi cũng lở huống hồ gì cờ bạc.
– Mấy căn nhà bà cũng làm tiêu luôn?
– Bán sạch sẽ, giờ tôi chẳng còn gì, không có cả chiếc xe đi coi cho được.
– Hết ý kiến! Tôi nghe người ta nói qua tới Mỹ bà đá đít thằng lơ xe đò về Cali cặp đại gia giàu có, ăn chơi nhảy đầm cờ bạc, đâu có ngờ bà quá tệ như thế này. Hôm tôi gặp bà ở phi trường, thấy bà xơ xác thân tàn ma dại đến không ngờ.
Bà Nguyệt cúi gầm mặt xuống không nói gì.
– Rồi bây giờ bà sống ra sao?
– Tôi ở với gia đình nhỏ em, con Thuý ông biết đó. Anh Lân thì ở Florida, thằng Thọ em tôi ở San Diego, chị Trang ở cách chỗ tôi ba mươi phút đi xe.
– Bà lãnh tiền hưu đủ sống?
– Thời gian tôi đi làm thì ít mà lương lại thấp, tiền hưu đâu có bao nhiêu, cỡ như người ta lãnh tiền già. Lãnh ra trả nợ mấy cái thẻ tín dụng đủ hết. May mà dì Thuý nó cho tôi ăn ở free, chớ nếu không chắc tôi xuống ở gầm cầu.
– Tôi cũng có nghe nói sau này bà sanh tật ăn chơi cờ bạc, đâu có ngờ bà tệ dữ vậy.
– Lúc về già hết tiền hết bạc, đôi lúc cô đơn tôi nhớ lại thời đã qua tôi thấy mình thật là có lỗi, nay tôi cũng đã bảy mươi tuổi rồi, biết còn sống bao lâu, nhiều lần tôi muốn gọi phone cho ông, nói cho ông hiểu rõ hoàn cảnh nó đưa đẩy như vậy, tôi xin ông tha thứ cho tôi để tôi an lòng mà sống cho tốt những ngày còn lại trên cõi đời này.
– Lúc tôi nghe tin bà bỏ tôi theo người ta đi vượt biên, tôi buồn lắm, nhưng rồi ở tù ngày này qua ngày khác, biết thân phận sống chết ra sao. Thằng con, ông bà nội nó nuôi, tôi cũng an tâm phần nào. Tôi nghĩ giờ gia đình tan nát, người nào đi thoát được đỡ người đó, còn hơn cả gia đình phải khổ. Lúc tôi ở tù về rồi đi cưới vợ khác, cuộc sống từ từ trở lại bình thường, tôi dần quên chuyện cũ, không còn oán hận hay trách móc gì bà.
– Thằng Hiếu có khi nào nó nhắc tới tôi không?
– Lúc tôi đi tù nó mới có một tuổi, vậy mà lúc tôi ở tù về nó mừng rỡ theo tôi suốt ngày thấy tội nghiệp lắm. Lúc tôi quen Trâm là vợ của tôi bây giờ, một hôm nó hỏi tôi có phải má bỏ ba theo người ta đi Mỹ rồi phải không, tôi không bao giờ quên được vẻ mặt buồn bả của nó lúc đó.
Bà Nguyệt ôm mặt khóc nói kể trong nghẹn ngào.
– Hồi nhỏ nó thương tôi lắm, theo tôi nói chuyện đỏ đẻ suốt ngày, tôi đi buôn hàng chuyến sáng hừng đông đã ra khỏi nhà, chiều tối mịt mới về, vậy mà hôm nào nó cũng ngồi ở cửa chờ tôi về, bữa nào có quà cho nó, nó mừng lắm, ôm tôi hôn nói con thương má, lớn con đi làm nuôi má. Nhiều lúc tôi muốn liên lạc hỏi thăm nó, nhưng nghĩ phận mình giờ chẳng ra gì, nó đã khôn lớn nên người, tôi sợ nhắc đến chuyện dĩ vãng rồi làm xáo trộn cuộc sống an vui của nó mấy chục năm nay. Hôm tôi gặp nó ở phi trường, tôi hối hận lắm. Tôi muốn gặp nó, nói lời xin lỗi, là má đã bỏ con, thật lòng lúc nào má cũng thương con.
– Nó ngoan hiền dễ bảo dễ dạy, trong nhà mấy anh em nó học giỏi nhất. Nó làm trong ngành tài chánh ngân hàng, nó giỏi đầu tư địa ốc chứng khoán nên giờ cũng khá giả, có của ăn của để. Nó có hiếu lắm, năm nào Tết cũng có phong bao lì xì cho ba cho má, không bao giờ quên ngày Father’s Day, nhưng có một lần trong ngày Mother’s Day tôi thấy nó có vẻ buồn buồn, hình như nó vẫn chưa quên, nó có một bà mẹ khác đang ở đâu đó.
Nghe tới đó, bà Nguyệt ôm mặt khóc như mưa.
***
Bà Trâm đứng dựa hàng rào nhón chân ngó vào trong, định bấm chuông thì bà Huệ từ trong nhà chạy ra mừng rỡ:
– Dữ hôn! Nghe tin bồ về cả tuần bữa nay mới thấy mặt.
Bà Trâm bước vào trong ngó dáo dác:
– Anh Hiệp có nhà không, mấy đứa nhỏ đi đâu hết sao nhà vắng hoe vậy.
– Ảnh ở ngoài sau vườn, tối ngày chăm lo ba cái cây kiểng làm niềm vui tuổi già, mấy đứa cháu nội đi học chưa về, vô nhà uống nước, nghe nói bồ về kỳ này có con cháu đông lắm phải không.
– Có vợ chồng thằng Hiếu với hai đứa con của nó, cùng với vợ chồng thằng Tâm, con Thu thì dẫn hai đứa con nó về cho biết Việt Nam, mấy bữa nay tụi nó đi chơi ngoài Nha Trang chưa về, chỉ có mình với anh Thiện ở nhà.
– Sao bồ với ảnh không đi chơi với tụi nó cho vui, Nha Trang giờ đẹp lắm.
– Thì cũng tính trước là lần này về đi du lịch đủ chỗ Nha Trang, Phú Quốc rồi đi chơi ở Campuchia nữa kìa, nhưng có một việc bất ngờ xảy ra…
Bà Trâm nói nhỏ: “Mình ra ngoài sân nói chuyện.” Hai bà dẫn nhau ra sân vườn phía trước nhà.
– Mình nói cho bồ nghe chuyện này mà bồ phải giữ kín không nói cho ai nghe, kể cả anh Hiệp cũng đừng nói cho ảnh nghe.
– Chuyện gì mà ghê gớm vậy?
– Bồ còn nhớ bà Nguyệt là vợ cũ của anh Thiện không?
– Sao không nhớ, Nguyệt hoa khôi ai mà không biết, bả cũng có về phải không, hôm trước đi chợ gặp mình ngó lơ, bửa nay thấy già lắm xuống sắc lắm.
– Hôm mình về gặp bả ở phi trường, chắc bà ta thấy thằng Hiếu nên nhắn anh Thiện tới nói chuyện, bả muốn nhìn thằng Hiếu.
– Biểu bả đi chết cho rồi, bỏ con mấy chục năm không một lời thăm hỏi, người ta nuôi tới lớn thành danh giờ muốn nhìn.
– Chuyện bả muốn nhìn con thì mình không có ý kiến, còn chuyện khác kinh khủng hơn nữa kìa.
– Chuyện gì?
– Giờ bả nghèo khổ lắm không có một chiếc xe để đi, thiếu nợ mấy chục ngàn không trả nổi. Mình đang đi chiếc xe Lexus tuy đã cũ mười năm rồi, nhưng còn rất tốt, anh Thiện nói cho bả chiếc xe đó, mua chiếc xe mới cho mình.
– Trời đất!
– Ảnh còn nói giúp bả mấy chục ngàn trả nợ, bả giờ khổ lắm, giúp bả một lần này thôi.
– Đâu có được, ai chịu, sao lại bắt bồ đi lãnh nợ của bả, rồi bồ tính sao?
– Mình nói với anh Thiện ai gây nợ thì người đó trả, không ai lãnh nợ cho ai được.
– Khổ, ai làm cho bả khổ, đúng là quả báo!
– Mình nói với anh Thiện chuyện này phải họp mặt gia đình bàn tính, nếu mọi người đồng ý thì mình nghe theo. Anh Thiện cũng biết nói chuyện này ra chắc mọi người phản đối, đâu ai chịu, nên ảnh làm thinh. Mấy ngày nay mình với ảnh không nói chuyện, ai rủ đi đâu ảnh cũng không đi, thiệt mình rầu quá không biết tính sao đây.
– Về Mỹ rồi từ từ ảnh sẽ quên, bồ ngó chừng đừng để ảnh liên lạc với bả, bồ kiểm soát tiền bạc đừng để ảnh lén lút giúp bả.
– Vợ chồng mình sống mấy chục năm nay hiểu tánh nhau hết, anh Thiện rất tốt luôn lo lắng gia đình, hồi nào tới giờ mình giao ảnh giữ tiền, chi tiêu trong gia đình một mình ảnh lo. Nếu bây giờ ảnh lén giúp bà Nguyệt mình cũng không biết, nhưng ảnh không làm vậy, ảnh hỏi ý mình trước, anh Thiện được chỗ đó. Thôi thì… kệ, mình làm theo lời ảnh muốn cho nó yên nhà yên cửa. Mình tính khi nào mấy đứa đi chơi ở Nha Trang về, mình làm một bữa tiệc nho nhỏ tại nhà, mời bà con lối xóm đến chung vui nhân dịp bà Nguyệt nhìn con.
– Trời đất!
– Hôm đó bồ qua chơi.
– Qua chớ! Qua để coi cho trọn một vở tuồng, một câu chuyện có thật giống như một chuyện đùa.
– Gặp bà Nguyệt, bồ làm như chẳng biết gì, đừng nhắc chuyện xưa.
– Nể tình bồ mình sẽ
không có cử chỉ hay lời nói nào làm mất mặt “con mẹ đó”, nhưng biểu mình vui vẻ
với con mẻ thì xin lỗi, mình không hứa.
N. Nguyễn
https://saigonnhonews.com/muon-neo-duong-doi/chuyen-nhu-dua/