“Nha Trang là miền quê hương cát
trắng. Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa. Nha Trang
cánh đồng bao la bát ngát. Hương quê dâng lên ngào ngạt, hòa cùng sức
sống yên vui… Ai ơi, người về cho ta nhắn với. Nha Trang quê hương dịu
hiền, ngàn đời lòng tôi mến yêu…”
Ai đã sinh ra
và lớn lên ở Nha Trang, hoặc đã từng ghé lại đây đôi lần, đều không quên
bài hát dễ thương này, mà cả một thời gian gần hai thập niên, đài phát
thanh Nha Trang đã dùng làm nhạc hiệu mở đầu. Cuối tháng 3, 1975, Nha
Trang bị nhận chìm trong làn sóng đỏ. Người Nha Trang đã cùng chịu chung
số phận. Kẻ bị giết, người bị tù đày, gia đình, bè bạn, thầy trò, chia
ly tan tác. Số phận của nhạc sĩ Minh Kỳ, tác giả bài hát này (cùng nhiều
bản nhạc về Nha Trang khác nữa) cũng đã gắn liền với định mệnh đau
thương của thành phố mà ông đã được sinh ra, hết lòng yêu thương và đã
gởi trọn lòng mình qua những dòng nhạc thiết tha trìu mến đó. Ông đã bị
giết. Cái chết thê thảm và oan khuất của ông có lẽ được ít người Nha
Trang – dù còn ở trên quê nhà, hay tha phương khắp chốn – biết đến.
Người viết bài này, có cái cơ duyên được ở chung cùng một trại tù với
ông, và cũng đã được tâm sự cùng ông một vài ngày trước khi ông chết.
Ðầu tháng 3, 1975, sau khi Ban Mê Thuột mất, những đơn vị từng sống
chết với Cao Nguyên có lệnh triệt thoái. Tôi theo đơn vị, chỉ còn một
phần tư quân số, lần lượt “di tản chiến thuật” vào Cam Ranh, rồi Vũng
Tàu để tái tổ chức, trước khi tham dự những trận đánh cuối cùng “cô đơn
và buồn tẻ” ở những địa danh xa lạ: Cần Giuộc, Bến Lức, thuộc tỉnh Long
An, ngăn bước chân địch quân đang ồ ạt kéo về vây hãm Sài Gòn.
Ngày 28 tháng 4, 1975, tôi và cả vợ con, theo lời hẹn của người bạn
chí thân, là SQ Hải Quân, có mặt tại Bến Bạch Ðằng. Nhưng đến giờ chót,
trước sự ngỡ ngàng và tức giận của người bạn có lòng, tôi quyết định
không cùng vợ chồng anh ấy xuống tàu di tản. Có lẽ anh không hiểu được
là tôi cũng đã khổ tâm biết dường nào để có cái quyết định “sống chết”
ấy, mặc dù tôi biết trước là rồi tôi cũng phải trả một cái giá, chắc
không nhỏ. Tôi không đành lòng bỏ lại những đồng đội đã theo tôi từ
những quê quán miền Trung, mà giờ đây đã trở nên xa tít mịt mờ trong tay
giặc; và nhất là cha tôi, người cha đã làm gà trống nuôi con từ lúc tôi
mới lên ba, mà tôi được tin là ông đã bị bắt và đang bị giam giữ ở đâu
đó ngoài Nha-Trang. Tôi không thể xa ông trong hoàn cảnh khốn cùng này.
Ðiều đáng ân hận nhất là, dù ở lại để chấp nhận mọi điều, nhưng tôi
cũng không bao giờ có cơ hội gặp lại cha tôi. Ông đã chết trong trại cải
tạo Ðá Bàn, cuối tháng 6, 1976, và đúng ngay vào cái đêm tôi bị chở
bằng xe “bịt bùng” từ trại tù An Dưỡng Biên Hòa ra bến Tân Cảng để xuống
tàu Sông Hương ra Bắc. Mãi gần năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn.
Trại tù An Dưỡng Biên Hòa, cũng chính là nơi tôi đã gặp nhạc sĩ Minh Kỳ, và đã tâm tình cùng ông một ngày trước khi ông chết.
Tôi trình diện tại trường Ðại Học Kiến Trúc, bị đưa lên nhốt tại trại
tù binh Tam Hiệp. Một tháng sau được chuyển đến trại tù An Dưỡng Biên
Hòa, nằm bên cạnh phi trường quân sự Biên Hòa. Trại an dưỡng này, trước
là một khu quân sự, về sau được chỉnh trang lại để tiếp nhận những quân
nhân tù binh của ta được miền Bắc trao trả theo hiệp định Paris. Họ được
nghỉ ngơi, bồi dưỡng cả sức khỏe lẫn tinh thần ở trại An Dưỡng này
trước khi trở về đơn vị cũ và gia đình.
Ðến trại này, tôi gặp những anh em ở đây từ trước cùng một số mới
được chuyển từ các trại khác tới. Gồm đủ các quân binh chủng, kể cả
những sĩ quan biệt phái về các bộ, và cảnh sát. Trong số này có nhạc sĩ
Minh Kỳ. Tôi ở Nhà 1, còn anh Minh Kỳ ở Nhà 3 (?), cách nhau khu nhà bếp
(gọi là hậu cần).
Cũng như những người Nha Trang khác, lớn lên vào những năm giữa thập
niên 50, đầu thập niên 60, tôi thuộc lòng những bài hát Nha Trang của
nhạc sĩ Minh Kỳ, nhưng chưa hề biết tên thật và cũng chưa được hân hạnh
gặp ông. Trong Nhà 1, tôi nằm bên cạnh hai anh bạn tù lớn tuổi hơn tôi.
Một anh từ trường Chỉ Huy Tham Mưu, một anh làm ở Nha Quân Pháp.
Hai anh này rất tốt bụng và vui tính, có quen biết nhạc sĩ Minh Kỳ.
Biết tôi là dân Nha Trang, nên có lần anh đã giới thiệu tôi với anh Minh
Kỳ.
Nhạc sĩ Minh Kỳ lớn tuổi hơn tôi nhiều, nên tôi gọi ông bằng anh và
xưng em… Có lẽ bản tính của anh vốn thầm lặng, ít nói, và đặc biệt trong
hoàn cảnh như vừa trải qua cơn ác mộng, chưa biết ngày mai sẽ ra sao
này, anh lại càng ít nói hơn. Gặp anh vài ba lần, tôi chỉ nói lên lòng
hâm mộ của tôi về những bài hát Nha Trang, mà với tôi bây giờ nó lại là
những kỷ niệm vô giá. Anh thường chỉ trả lời tôi bằng một nụ cười buồn.
Một đêm, cuối tháng 8, 1975 (31 tháng 8, 1975), vào khoảng 09:30 tối,
cả trại tù đang chìm trong bóng đêm với cả ngàn người tù đang nằm thao
thức, bởi tâm tư còn nặng trĩu lo âu, đang chờ đợi những điều bất trắc
nào đó sẽ đến với số phận mình, bỗng một tiếng nổ long trời kèm theo
những tiếng la thất thanh, và rồi tiếng còi báo động, tiếng chát chúa
trên loa phóng thanh, lệnh cho tất cả “cải tạo viên” nằm yên tại vị trí,
kẻ nào bước ra khỏi nhà sẽ bị bắn tại chỗ.
Khi đám tù chúng tôi chưa hết hoang mang, thì tiếng xích sắt xe tăng T
54 tràn vào trại rít lên từng chặp, chia nhau bao vây từng căn nhà.
Hằng loạt bộ đội, súng gắn lưỡi lê, mặt tên nào cũng đằng đằng sát khí
túa vào từng nhà, kéo cơ bẩm lên đạn, quát tháo chúng tôi đứng dậy ngay
tại chỗ, hai tay để trên đầu. Tôi có cảm giác là chúng tôi sắp bị xử tử…
Chúng tôi đứng bất động như vậy cho đến gần 10 giờ trưa. Nhìn qua khe
cửa, tôi thấy mấy anh em tù ở nhà 3 khiêng một số người bị thương lên
bệnh xá.
Cả ngày sau, tất cả tù đều không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi ra
cầu tiêu và ở đó cũng có đầy lính gác. Sau đó, đúng vào ngày 2 tháng 9,
Quốc khánh của VC, tất cả chúng tôi được đưa lên hội trường. Ngồi chễm
chệ trên dãy bàn trước mặt chúng tôi là những “thủ trưởng” không mang
quân hàm, nên chúng tôi cũng chẳng biết họ là ai. Chúng tôi bị “nghiêm
khắc” cảnh cáo là “có bọn phản động trong các anh đã giấu giếm vũ khí,
mang lựu đạn Mỹ vào để nhằm phá hoại thành quả kách mệnh” (!). Sau đó
chúng tôi làm “bản tự khai tội ác” và bắt đầu bài học số 1, “Ðế Quốc Mỹ
là kẻ thù của nhân dân ta.”
Khi ấy chúng tôi mới biết tiếng nổ tối hôm ấy đã xảy ra tại Nhà 3,
làm chết và bị thương khá nhiều. Mọi dấu tích đã được thu dọn sạch sẽ,
như chưa hề có việc gì xảy ra.
Có điều cái “sự cố” thảm khốc ấy, không phải như lời “lên lớp” hù dọa
của mấy ông thủ trưởng, bởi một điều rất dễ hiểu là ngay từ lúc vào
trại cho đến bây giờ, đã qua hằng trăm lần kiểm soát, vả lại hành trang
mang theo của mỗi người tù đâu có cái gì, ngoài hai bộ áo quần, cái khăn
lau mặt và bàn chải đánh răng. Tiền bạc và tư trang khác đã được “kách
mạng” giữ hộ ngay sau khi nhập trại. Vậy thì một trái lựu đạn có phép
màu nào lọt vào trong trại. Ðiều quan trọng hơn, là nếu người tù nào dám
liều mạng mang được lựu đạn vào trại thì cũng chỉ nhằm mục đích giết kẻ
thù chứ sao lại giết chết bao nhiêu bè bạn của mình?
Những câu hỏi đó đã có sự trả lời chính xác ngay sau đó. Một số bạn
tù ở Nhà 3 và Nhà kế bên kể lại như sau: Nhà 3 (chứa khoảng 80 tù nhân,
đa số là SQ Cảnh Sát) nằm đối diện ngay trước Khu Trực Ban và Nhà Vệ
Binh của trại, chỉ cách nhau chừng hơn năm mét và một hàng rào kẽm gai.
Khi ấy tổ của nhạc sĩ Minh Kỳ đang họp để phân công nấu bếp vào ngày
mai, thì một quả lựu đạn được quăng vào vách tôn ngay phía sau làm 3
người chết tại chỗ và khoảng 8 người bị thương. Nhạc sĩ Minh Kỳ bị
thương rất nặng, được anh em tù khiêng lên bệnh xá cùng với những anh em
bị thương khác. Ông bị thương ở ngực, bụng và cổ rất nặng. Biết mình
sắp chết nên trăng trối với những bạn tù:
– Tụi mày về nói với vợ tao ráng nuôi con tao, chắc tao không sống được.
Sau đó máu ở ngực và cổ chảy ra lênh láng. Ông vừa la vừa rên:
– Sao chân lạnh quá!
– Lạnh quá! Sao bụng tao lạnh quá! Sao ngực tao lạnh quá!
Ông chết từ từ, chết từ chân đến bụng rồi đến ngực cho đến lúc tắt thở.
Một cái chết mà chính ông cảm nhận được, biết được nó đến với mình từng phút từng giây.
Sáng sớm hôm sau, anh em bạn tù, với sự giám sát của toán vệ binh VC,
đem chôn các bạn tù vắn số của mình trên một mảnh rừng bên ngoài vòng
đai phi trường quân sự Biên Hòa.
Ai cũng biết là trái lựu đạn giết chết nhạc sĩ Minh Kỳ cùng những
người bạn tù khác, là do chính bọn VC quăng từ khu trực ban của trại
phía bên kia hàng rào. (Có một số sĩ quan ngành đạn dược còn cho là
tiếng nổ ấy có thể là tiếng nổ của đạn B40 hay B41, có sức tàn phá còn
hơn cả lựu đạn).
Và cũng sau ngày ấy, chúng tôi phải chịu một trò chơi trả thù ác độc
từ phía những người chiến thắng. Mỗi ngày chia nhau đi gỡ các bãi mìn
trong hàng rào phi trường quân sự Biên Hòa.
Họ đã bày ra cái trò giết người dấu tay ở Nhà 3, để rồi lại lấy đó
làm lý do giết tiếp những người còn lại bằng cái trò chơi đẫm máu “gỡ
mìn” này.
Những bãi mìn này do Công Binh của ta thiết lập chằng chịt dọc theo
hệ thống phòng thủ phi trường. Bây giờ, không có sơ đồ những bãi mìn,
chúng tôi lại là những người không chuyên môn về mìn bẫy, có nhiều anh
em giữ các chức vụ tham mưu, hay được biệt phái về các bộ khác, chưa hề
thấy lại quả mìn sau ngày rời khỏi quân trường. Vậy mà bây giờ phải tham
dự cái trò chơi bất nhân này. Ngày nào cũng có mìn phát nổ, người chết,
vài người mất tay, mất chân, nhưng vẫn không làm giao động được tấm
lòng của những người “kách mạng!”
Và cũng chính nhờ được cắt cử đi đào huyệt chôn một người bạn tù chết
mìn, sớm trả “nợ máu” sau ngày miền Nam “giải phóng” này, đám chúng tôi
mới phát hiện được bốn ngôi mộ mới đã nằm sẵn tại “nghĩa trang” vô danh
trong một mảnh rừng hoang. Trước mỗi ngôi mộ được đắp đất sơ sài đó có
cái bia làm bằng một mảnh gỗ nhỏ. Bọn chúng tôi lén đọc tên trên từng
tấm bia viết bằng sơn đỏ, trong đó có tên Vĩnh My (Vĩnh Mỹ?). Ðó chính
là tên trong khai sinh của nhạc sĩ Minh Kỳ (Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ). Dưới
sự canh gác nghiêm ngặt của đám vệ binh, tôi chẳng biết làm gì khác hơn
là khi đi ngang trước mộ anh để trở về trại, chắp hai tay trước ngực và
cúi đầu tưởng niệm anh cùng những bạn bè xấu số đã chết tức tưởi cùng
anh.
Lòng tôi nhói lên đau đớn như vừa bị một nhát chém hư vô nào đó.
Trong tôi vừa mới mất thêm một điều gì, mà với tôi nó trở thành thiêng
liêng hơn là kỷ niệm. Nhiều đêm sau đó tôi trằn trọc cả đêm không ngủ.
Dư âm những bài hát NhaTrang của anh lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi.
Tâm tư lúc nào cũng mơ màng đến thành phố Nha Trang, đến ngôi trường Võ
Tánh, nhớ da diết những kỷ niệm ấu thơ, của những ngày đi học, và hình
dung đến từng khuôn mặt bè bạn thân quen… Cũng mới đây thôi, mà bây giờ
tưởng chừng như đã là một quá khứ thật xa xăm, mơ hồ như kiếp trước. Ba
mươi năm chiến tranh trên quê hương đã đem lại biết bao điều bi thảm.
Vậy mà sau khi chiến tranh chấm dứt lại còn nhiều bi thảm hơn. Cái chết
của nhạc sĩ Minh Kỳ cũng chỉ là một trong hàng vạn, hàng triệu điều oan
khiên bi thảm đó. Nhưng chúng ta xót xa và nhớ đến nhạc sĩ Minh Kỳ, bởi
chính vì ông là một nghệ sĩ, một người đã sống và cống hiến cho đời bằng
chính trái tim mình. Ðặc biệt với những người NhaTrang và những người
yêu Nha Trang, đã mang ơn Ông vì Ông đã cho chúng ta những dòng nhạc
biểu tượng của quê nhà, mà chúng ta sẽ mang theo dư âm tiếng hát cho đến
suốt cuộc đời.
Với tôi, những đau đớn này cứ tưởng chỉ chôn chặt trong lòng, không
ngờ sau khi xem chương trình nhạc Lê-Dinh trên Thúy Nga Paris trước đây,
trong đó nhạc sĩ Lê-Dinh có nhắc tới cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ, và
mới đây là chương trình Huyền Thoại Lê Minh Bằng trên Asia, đã làm tôi
nhớ thật nhiều đến cái chết của Ông và ngồi xuống viết lại những dòng
này.
Xin được thay một nén hương lòng đốt lên cho một người đồng hương,
đồng tù, bỏ bạn bè ra đi bằng một cái chết thảm thương, oan khuất… Cũng
để được nói lên lòng tiếc thương một nhạc sĩ tài hoa đã làm Nha Trang
sống mãi trong lòng người. Và nếu được phép, xin gởi một lời chia buồn
thật muộn màng nhưng với trọn tấm lòng đến gia đình ông.
Bắc Âu, một ngày không có mặt trời”