Thursday, April 30, 2020

Tháng Tư Tờ Lịch Cuối - Đỗ công Luận

(Có Nên) Cười Với Cô Vi (?) - BS Nguyễn Trần Hoàng


(Hình minh họa: AP/Jeff Chiu) 

Khò, súc miệng với nước muối, thuốc tẩy, dùng acetic acid, hoặc steroids, hoặc uống nước gừng, nước cam, vitamin C, thuốc sốt rét, hoặc một số chất khác, như đang lưu hành trên một số trang mạng, có thể giúp phòng lây nhiễm COVID-19 không?
Không!

Làm theo các tin đồn (nhảm) kể trên không những không giúp phòng ngừa tốt hơn, mà còn có thể gây ra nguy hiểm, đôi khi chết người (như đã và đang xảy ra).
Cho tới nay, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy có cách nào (khác) giúp phòng ngừa COVID-19 ngoài những việc đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
• Ở trong nhà
• Cách xa người khác từ 2 mét (6 feet) trở lên
• Không sờ tay lên mắt, mũi, miệng
• Rửa tay thường xuyên và đúng cách với nước và xà phòng hoặc dung dịch sát trùng tay có ít nhất 60 phần trăm alcohol (ít nhất 20 giây).
• Không đọc những tin (nhảm, thất thiệt) từ các nguồn không có uy tín và có thẩm quyền (như WHO, CDC, các cơ quan chăm sóc sức khỏe chính thức của địa phương).
• Nếu ta có triệu chứng thì cần đeo khẩu trang.
• Khi ho hay hắt hơi, cần che miệng bằng khăn hoặc khuỷu tay (không che bằng bàn tay).

Có phải việc dùng khẩu trang có thể giúp cho người dùng ngừa được việc bị lây COVID-19?
Cho đến hôm bài này được viết (2 Tháng Tư năm 2020), theo WHO và CDC, dựa theo nhiều nghiên cứu, vẫn cho là:

• Việc dùng khẩu trang có thể giúp những người đang có triệu chứng hay đang nhiễm bệnh giảm cơ hội lây lan bệnh cho người khác
• Chứ việc người không có bệnh, dùng khẩu trang y tế, chưa được chứng minh là có thể giúp người đó giảm cơ hội bị lây bệnh, vì virus có thể đi qua các kẻ hở của khẩu trang đó để thấm vào niêm mạc mắt, mũi, miệng của người dùng khẩu trang và lan bệnh sang cho họ.

• Một điều nữa cần chú ý, là một số người đeo khẩu trang, có (thể có) cảm giác an toàn (không đúng), nên lơ là các biện pháp (đơn giản, nhưng rất) căn bản và quan trọng, là phải cách xa người khác 2 mét, không sờ tay vào mắt, mũi, miệng. VÀ, như vậy, ở những người này, nguy cơ bị lây nhiễm sẽ cao hơn nhiều, so với những người không đeo khẩu trang (kiểu như vậy).
• Một số khẩu trang cao cấp hơn, có thể giúp các nhân viên y tế tiếp cận với bệnh nhân an toàn hơn (bên cạnh việc dùng áo khoác bảo hộ toàn thân, kính bảo hộ, lá chắn che mặt…) Nhưng các dụng cụ này, cần phải được ưu tiên cho các nhân viên đang làm việc trong các môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao này.
Nếu ai cũng “giành” các dụng cụ bảo hộ này một cách không cần thiết, đó là một thái độ ích kỷ, và rất nguy hiểm cho xã hội. Vì nếu các nhân viên y tế thiếu dụng bảo hộ, điều đó sẽ trả giá bằng mạng sống của rất nhiều người.

Có tin nói là CDC và cơ quan phòng chống dịch đang thảo luận một cách tích cực và nghiêm túc về việc mọi người cần phải dùng khẩu trang khi đi ra ngoài đường (như đã được áp dụng ở một số nước mà có vẻ như là dịch COVID-19 đã và đang được kiểm soát tương đối tốt hơn ở các nước phương Tây.) 
Điều này được giải thích như thế nào?
• Một số chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 có thể lây lan trong lúc người bị nhiễm bệnh chưa có triệu chứng. Và việc đeo khẩu trang như vậy, có thể giúp hạn chế việc lây bệnh từ những người này.
• Tuy nhiên, (có thể là) trong lúc khẩu trang còn chưa đủ cho mọi người, ta cần phải ưu tiên việc dùng khẩu trang có những người cần thiết hơn (nhân viên y tế, những người đang có triệu chứng như bị ho, hắt hơi, sốt,…)
• Và cần nhớ rằng, dù có đeo khẩu trang (để tránh lây sang người khác, nếu mình có bệnh mà chưa biết), để bảo vệ cho chính mình, điều quan trọng, vẫn là phải giữ đúng khoảng cách an toàn trên 2 mét, tránh sờ tay vào mắt, mũi, miệng, rửa tay thường xuyên và đúng cách.

Nếu không chắc chắn được là người nào đã bị nhiễm bệnh hay chưa. Thì mỗi người phải làm sao để bảo vệ được an toàn, phòng cho khỏi bị lây bệnh?
Để giảm khả năng bị lây bệnh hoặc truyền bệnh cho người khác, điều mỗi người cần làm là: Phải coi như là những người chung quanh mình và chính mình có thể đã và đang bị nhiễm bệnh, và tuyệt đối thực hiện những điều đã được hướng dẫn như vừa nói trên.
Nếu bị ho, hoặc có triệu chứng, thì:
• Gọi bác sĩ để được hướng dẫn cách chữa trị. (Hiện nay, theo hướng dẫn của chính phủ, đa số bác sĩ có thể khám bệnh qua face time, phone, để bảo đảm an toàn, tránh lây lan giữa các bệnh nhân.
• Đeo khẩu trang (nếu có)
• Cách ly cẩn thận hơn (nếu được thì ở phòng riêng với buồng tắm riêng, hoặc vệ sinh kỹ lưởng sau khi dùng rest room, nếu dùng chung với người khác).
• Dùng khăn che miệng khi ho.
• Cẩn thận khi đụng vào các nơi nhiều người khác có thể đụng vào như nắm cửa, vòi nước, remote TV…
• Rửa tay càng thường xuyên hơn.
• Dĩ nhiên, nếu bị nặng như khó thở, tức ngực, sốt cao, thì cần gọi 911 ngay.
Cần chú ý là hơn 80 phần trăm những người bị nhiễm dịch COVID-19 đã và đang tự khỏi bằng cách giữa sức đề kháng, giữ thể trạng tốt, cách ly ở nhà, và chữa triệu chứng.

Làm sao để tăng khả năng có thể tự khỏi, không bị nặng?
Nếu có sức đề kháng tốt, khả năng bị trở nặng sẽ giảm đi nhiều.
Những điều chính ta có thể làm để tăng sức đề kháng của mình là:
• ĂN uống đầy đủ và thích hợp. (Nhất là) khi bắt đầu thấy hơi có vẻ “bịnh,” chán ăn, thì càng phải bảo đảm có đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe của mình.
Lúc đó nên ăn nhiều bữa nhỏ (cho dễ tiêu), và nhiều dinh dưỡng (không cần phải kiêng khem sợ đường, mỡ… nhiều quá. Ăn gì thấy ngon và có thể giữ sức thì ăn. Đến lúc khỏe lại hãy kiêng khem tiếp, nhưng cũng không nên kiêng khem thái quá.

Một trong những điều quan trọng làm bệnh khó chữa là bệnh nhân không cố ăn, uống, giữ sức lúc chưa nặng. Để đến lúc cơ thể suy kiệt vì thiếu nước, dinh dưỡng (bên cạnh căn bệnh chính), sẽ nguy hiểm và khó chữa hơn nhiều.
• UỐNG đầy đủ (khoảng 2 lít nước, tính cả nước canh, nước phở, nước cháo,.. chỉ không tính nước trà cà phê, hoặc rượu bia). Uống sao mà thấy nước tiểu trong, không vàng khè là cách đơn giản để biết mình có đủ nước hay không.
• NGỦ đầy đủ (trung bình 7-9 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ở người lớn).
• THỂ DỤC thích hợp với sức khỏe và thời tiết, khoảng 30 phút mỗi ngày, khoảng 6 lần một tuần, nếu đủ sức để tập. Dù có lệnh ở nhà, nhưng ta vẫn có thể ra sân, hay đi vòng quanh khu nhà ở của mình để tập thể dục, vận động cho đầu óc thoải mái, miễn là giữ khoảng cách 2 mét, không tụm năm tụm ba. (Lúc đã bệnh, mệt, thì nên nghỉ ngơi đầy đủ).
• Uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, để bảo đảm các bệnh nền, mạn tính của mình (như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi, bệnh tim, bệnh khớp…) được kiểm soát tốt và ổn định.
• CƯỜI: Tinh thần tích cực là điều quan trọng nhất. Vì nếu “cười không nổi,” thì ta sẽ không ăn, ngủ, uống, thể dục được. Và đó có thể là nguyên nhân chính (thường gặp) để dẫn đến mọi rắc rối về mọi chuyện, chứ không phải chỉ là sức khỏe.

(? Có nên) cười với Cô Vi
Có vẻ là chúng ta đang tiến vào “cao trào” trong cuộc chiến với Cô Vi 19.
Có vẻ là, giống như với các trận chiến khác trong cuộc sống (là tranh đấu), kẻ chiến thắng hầu như luôn là những người lạc quan (nhưng không ỷ y), bình tỉnh, biết rõ mình đang ở đâu, đang cần làm gì, và (chỉ) làm những điều cần thiết.
Mỗi người chúng ta đã và đang được trang bị những kiến thức, cũng như điều kiện tương đối đầy đủ và thích hợp để tự mình bảo vệ cho chính mình, cho mọi người. Để chiến thắng cơn đại dịch này, với tổn thất thấp nhất có thể được.
Không nghe tin đồn nhảm để khỏi mất tinh thần, làm chuyện (nhảm và) nguy hiểm; từng người, từng gia đình, cộng đồng, hy vọng sẽ tự mình, nhắc nhở nhau, làm việc cần thiết, tốt cho chính mình và mọi người.

Có người nói ở đời chỉ có hai việc: Việc mình có thể kiểm soát và thay đổi được, và việc ngoài tầm kiểm soát của mình. Người có trí tuệ, (và thường thành công, sống an nhiên tự tại hơn) là người biết phân biệt giữa hai việc trên, tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, thay đổi được. Để “quẳng gánh lo” (những việc ngoài tầm kiểm soát của mình), và vui sống.
Những việc mình hoàn toàn có thể, nên, và rất cần làm trong tình huống này:
Cười (với cô Vi): Để nhớ ăn, uống, ngủ, thể dục, uống thuốc, áp dụng các biện pháp phòng ngừa (đơn giản), thích hợp và đầy đủ, nhằm giữ sức đề kháng (về tinh thần củng như thể chất) ở mức tốt nhất có thể được.
Để sống hiệu quả, an nhiên, tự tại, khỏe mạnh.
Và học được nhiều điều bổ ích cho một cuộc sống (lúc nào cũng có thể) tốt hơn.

Thân mến
BS Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930

Quê Hương Nỗi Nhớ - Hàn Thiên Lương

Thời Buổi Này...


Lượm trên mạng

Giữ Từ Bi Sáng Trong Tâm - Trầm Vân

Anh Ở Đây - NS Thục + Vũ Đức Nghiêm - HD - Youtube LK

Một youtube nhạc và hình ảnh cho ngày quốc hận thật đáng xem

Nỗi Đau Còn Mãi - Ngọc Ánh


Tôi không có kỷ niệm đau đớn uất hận trong tháng tư như những người lính buông súng thất thiểu trở về thành phố, không có những giây phút kinh hoàng trong dòng người di tản giữa mưa pháo trên những đại lộ vương vãi xác chết, không có cảm giác cuống cuồng chạy loạn xuống biển lên rừng để tìm đường thoát hiểm khỏi thảm họa Cộng Sản. Tôi cũng không có nỗi hốt hoảng lo lắng của kẻ thua cuộc trước sự thay đổi cả một xã hội miền Nam trong cái ngày gọi là giải phóng với những đợt đổi tiền tức tưởi hay đánh tư sản trắng tay mạt vận ..

Tôi lúc đó bình yên trong ngôi nhà treo cờ đỏ của mình, để thấy người thân hân hoan chào đón ngày vui thống nhất đất nước. Bà Nội tôi cười móm mém “Hòa bình rồi, hết lo bị tụi Việt Cộng pháo kích”tôi lúc đó có ngây ngô cỡ nào cũng nhìn ra “tụi Việt Cộng” là ai. Thấy như mình bị hụt hẫng thất vọng cái gì đó không gọi được tên, cảm giác bồn chồn khó chịu trước sự thay đổi quá đột ngột mà mình chưa sẳn sàng để chấp nhận sự thật. Ở một nơi mà mình đã nhìn thấy đầu tiên khi mở mắt chào đời , nó hiện hữu thiêng liêng từ  ánh đèn ấm áp trong đêm tối hay vạt nắng sáng lung linh ngoài khung cửa sổ,  thấy ngôi nhà thân thương mà mình đã sống ở đó với bao buồn vui kỷ niệm êm đềm, rồi chợt có một ngày ai đó xồng xộc bước vào quát tháo, dẹp cái bàn thờ, gỡ mấy bức tranh phong cảnh, lấy đi cái lu , cái tủ, đuổi mọi người ra đường rồi ngang nhiên chiếm hết mọi thứ của cải và tự xưng mình là đầy tớ của nhân dân, nghe sao ngang ngược  và bực bội hết sức. 

Tâm trạng của tôi lúc đó chỉ có vậy. Sự ngây thơ đến ngu ngốc, tôi lúc đó vô tư đến độ không phân biệt được chế độ Cộng hòa và Chủ nghĩa Xã hội khác nhau ra sao, không có khái niệm về Thế Giới Tự Do và khối Cộng Sản hay dở ở chỗ nào. Chiến tranh xảy ra ở đâu đâu trong miền Nam và không liên quan tới cái hẻm nhỏ của tôi, khi hàng ngày chúng tôi vẫn đến trường hồn nhiên vui đùa, hàng xóm vẫn chợ búa tấp nập, rạp chiếu bóng vẫn có phim hay cuối tuần và bác xích lô già đạp vài cuốc xe đủ sống là thong thả nằm khềnh đọc báo. Cuộc sống bình yên quá mà...Gia đình tôi đâu có ai tử thương tử trận để thấy cuộc chiến khốc liệt tàn nhẫn đến thế nào khi lá vàng khóc lá xanh rơi, khi đàn bà con nít nháo nhào lo tản cư chạy giặc, đàn ông con trai tới tuổi quân dịch phải bỏ ruộng hoang nhà trống mà nhập ngũ hay vô bưng...Tất cả đều còn rất trẻ, cái tuổi còn sung sức, còn nhiều hoài bảo cho tương lai.    

Vậy mà chiến tranh đã cướp mất tuổi trẻ củahọ, giết chết mọi ước mơ của họ một cách tàn nhẫn.
Cái từ giải phóng miền Nam đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời, đó là sự dối trá và phản bội.Không có giải phóng gì hết, chỉ có bên thua cuộc và bên thắng cuộc, tuổi trẻ miền Bắc chiến đấu vì một chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai, tuổi trẻ miền Nam thì chiến đấu chống lại sự xâm lược của miền Bắc để giữ vững thành trì Tự Do.

Tôi nghĩ VNCH có chính nghĩa trong cuộc chiến này,  nên khi Cộng Sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam thành công, những hô hào reo mừng của kẻ chiến thắng đã làm tôi thất vọng, bực tức. Bên nào cũng là người Việt, bên nào cũng máu đỏ da vàng.Cuộc chiến kéo dài quá lâu với biết bao thảm cảnh mất mát đau buồn của cả hai miền đất nước. Nhưng ngay cái ngày tang tóc thương tâm đó Cộng Sản Bắc Việt lại giăng đèn kéo hoa để chào mừng mùa Xuân đại thắng, họ đã hát trên những xác người, trên các tử thi còn nằm lăn lóc suốt đoạn đường di tản giữa những đại lộ kinh hoàng vì bom đạn trong tháng tư đen tối ấy.
Đã mấy chục năm trôi qua tôi vẫn thấy đau buồn mỗi khi nghĩ đến những năm tháng đáng nguyền rủa đó

Tôi nhớ những tên cách mạng hùa mang băng đỏ chạy vòng vòng thành phố như thị uy đe dọa, nhưng trong mắt dân chúng miền Nam lúc bấy giờ thì bọn chúng chỉ bẩn thỉu như những con chó săn. Và ngày nay cái đám dư luận viên hay công an đàn áp những người yêu nước biểu tình ôn hòa trong nước cũng chỉ là loại côn đồ đê tiện.

Tôi nhớ hoài ánh mắt như có lửa của người đàn ông đứng ở ven đường nhìn tên việt cộng xé lá cờ vàng vùi trong thùng rác, bàn tay anh nắm chặt để ghìm cơn phẩn nộ. Sau này tôi thắm cái đau của các vị tướng lãnh đã tự sát ngay trong thời điểm đó Họ chọn cái chết đứng thẳng kiêu hùng.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, những đứa trẻ đã sinh ra sau 4/1975 và lớn lên trong chế độ Cộng Sản, như những hạt giống vô tình, gieo ở nơi nào thì ảnh hưởng thổ nhưỡng nơi đó, không khó khăn khi nhận dạng những hạt giống nhuộm đỏ bạo lực và gian manh trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Dĩ nhiên không phải là tất cả nhưng tìm nam thanh nữ tú thanh lịch như ngày xưa thì nay đã hiếm hoi. Không ai có thể chọn lựa nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn lựa Tổ Quốc để mình yêu quý, có thể nhận thức được giá trị tốt đẹp để mà noi theo sống cho tử tế đàng hoàng. Điều đáng buồn là có rất nhiều giới trẻ ngày nay không nhận ra vị trí của mình.

Sau mấy mươi năm cai trị Cộng Sản đã biến đất nước Việt Nam giàu đẹp thành bãi rác, biến người thanh lịch thành lớp tư bản đỏ kệch cởm, hống hách, biến những đứa trẻ tiểu học đã biết chửi thề và bạo lực, biến những người dân lương thiện thành cừu non và xưng tụng tên lưu manh làm kẻ chăn dắt

Cái đau luôn âm ỉ trong trái tim của người Việt lưu vong như chúng tôi, không phải đợi đến tháng tư đen mới kêu gào than thở nhưng đó là cái mốc thời gian của một lịch sử bi thảm nhất, khủng khiếp nhất mà dân tộc Việt Nam phải xót xa viết bằng máu của hàng triệu triệu đồng bào.

Mãi mãi chúng tôi không bao giờ quên Cộng Sản miền Bắc đã bức tử dân miền Nam bằng mọi thủ đoạn tàn ác sau ngày đại thắng vinh quang đó, trại tù đã mọc lên suốt chiều dài đất nước, kéo theo biết bao gia đình tan nát, khốn khổ bởi sự trả thù hèn hạ của bên thắng cuộc, những cái chết vùi dập như xác con thú hoang bên ven rừng.
Người giàu sự nghiệp cũng trắng tay do chánh sách đánh tư sản và mấy đợt đổi tiền, một nền văn hóa nghệ thuật phong phú đa dạng cũng bị tiêu hủy lụi tàn trong tức tưởi uất hận , nền kinh tế công nghiệp phồn thịnh với lượng hàng hóa dồi dào, gạo cá mênh mông của miền Nam bỗng khan hiếm do những chuyến hàng chạy suốt đêm ra Bắc, rừng vàng biển bạc dần dần biến mất bởi lòng tham không đáy của những tay trị nước ngu xuẩn.

Máu đã đổ suốt từ thời chiến tranh cho tới lúc hòa bình 45 năm nay, những giọt máu của người dân trong nước khao khát nền Tự Do Dân Chủ vẫn còn chảy trong nhà tù với những bản án khắc nghiệt dành cho họ và những người đã chết đều có thật. Rất thật.
Vinh quang gì trong ngày vui đại thắng mà hàng năm Cộng Sản Việt Nam vẫn tổ chức lễ hội ăn mừng và bắt nhà nhà treo cờ kỷ niệm tháng tư đen?

Xin hãy dẹp cái trò “hát trên những xác người”ấy đi, dẹp những tên côn đồ gian ác trong lớp áo công an nhân dân, chính quyền nhân dân mà áp bức đồng bào, dẹp những tên quan tham bòn rút công quỷ, hút máu dân nghèo, những kẻ lãnh đạo mị dân bằng ngôn từ mỹ miều xảo trá mà sau đó lại quì mọp trước thiên triều phương Bắc để dâng tổ quốc non sông..Nếu toàn dân đồng lòng giải tán đảng Cộng Sản hèn với giặc ác với dân thì may ra chúng ta còn khép lại quá khứ mà cùng hướng tới tương lai chống một kẻ thù chung là bọn bành trướng Trung Cộng đang lăm le nuốt trọn đất nước Việt Nam nhỏ bé này.

Xin hãy đứng thẳng lên sau bao nhiêu năm cúi đầu chấp nhận cái Độc Lập -Tự Do- Hạnh Phúc”chỉ có trên trang đầu của các giấy tờ chế độ XHCN, bao nhiêu năm sống trong hòa bình mà lòng dân ly tán, quê Mẹ oan khiên.

Lẽ nào dân Việt mình tới bây giờ vẫn còn ngủ mê  khiếp nhược “trước những bất công vẫn không biết kêu đòi”để đến ngày nào đó đất nước rơi vào tay kẻ ác, cả một dân tộc bị đọa đày và tên Việt Nam biến mất trên bản đồ thế giới thì mới tỉnh dậy hay sao?
Tháng tư, nỗi đau còn mãi!


Ngọc Ánh

Wednesday, April 29, 2020

Cathay Pacific | CDG Airport Team

Mời xem video nhân viên Cathay Pacific Airlines trong điệu bộ sẵn sàng "ra sân" cho thấy họ rất háo hức đi làm lại sau mấy tháng trời bị phong tỏa ngồi không ở nhà.
    

30 Tháng 4 Năm 1975 Chị Ở Đâu? - Nguyễn Thị Thêm


Chị về nhà sau một ngày lang thang ngoài đồng. Con trâu đã vào chuồng ngủ yên. Chị lặn lội ra bờ ruộng cắt một gánh cỏ về sân hợp tác xã trình diện rồi đem vào chuồng trâu. Chị cũng không cần biết hôm nay mình được bao nhiêu điểm lao động. Cuộc đời chị như cái máy chạy theo những mắc xích vòng quay. Sáng trưa chiều tối, chị làm, chị sống, chị sinh hoạt như một cái xác không hồn. Chị đã mất tất cả niềm vui và nụ cười từ khi chị đặt chân lên mảnh đất này.

Chị bước vào nhà, buổi chiều đã buông. Ngoài sân mấy vồng ớt, nén, cà chờ chị cho tí nước uống. Nó cũng khao khát như chị. Nó muốn được sống, được hít thở khí trời, được ươm hoa kết nụ. Đứa con gái lớn bồng em lao ra mừng mẹ. Nhìn con, chị chỉ muốn khóc, muốn ôm nó vào lòng chở che, an ủi. Con ai đem bỏ nơi này. Tội thân con tôi. Đứa con gái có đôi mắt xanh thật đẹp, làn da trắng với những cọng lông tơ phơn phớt. Mái tóc vàng rối tung theo gió chiều. Bộ quần áo vải đã sờn vai, bạc màu. Quần ngắn ngủn để lộ ra cặp đùi trắng trái ngược với màu vải đã xám xịt xấu xí. Chị nhìn hai đứa con lòng như dao cắt. Đưa tay ra đón đứa con gái nhỏ, chị bảo con chị: 

- Đem giỏ cơm vào nhà đi con. Mệ con đâu?
 - Mệ đi qua nhà mụ Chắt. Nghe nói ngày ni bên nớ có kỵ.
 - Ờ! Con đã ăn cơm chưa? 
- Con đợi mạvề ăn luôn. 
Chị vào nhà, ôm con bé em trong tay, xiết chặt con vào lòng, những đốt xương sườn cấn vào tay chị. Hai đứa bé vừa qua cơn bệnh nên đứa nào cũng gầy nhom, xanh mướt. 
.....

Chị nhớ từ ngày chị về nơi này, vì khí hậu không quen nên mấy đứa con cứ khó chịu, nay đau mai yếu. Chồng chị đã theo lệnh triệu tập, cơm đùm gạo bới đi theo lệnh ủy ban chưa nghe tin tức gì. Con bé lớn cả tuần cứ ho. Mỗi lần cơn ho kéo tới cháu lại ói. Những thức ăn, nước dãi tuôn ra theo từng cơn ho. Nó rũ người xuống oằn oại thở không ra hơi. Nó đã trắng lại bị bệnh nên làn da trắng trở nên bạc phếch. Hai con mắt xanh lõm vào như cái hố bom. Nó cố gắng ngóc đầu nhìn chị ,đôi mắt mệt mõi, hơi thở khó khăn. Chị ôm đầu con vào lòng ứa nước mắt. Thuốc men đâu còn để lo cho nó. Làm gì có bác sĩ hay tiệm thuốc tây để mua. Con bé lớn đã vậy, con bé nhỏ lại nổi ban. Người sốt từng hồi, mặt mày đỏ bừng, hết sốt lại lạnh. Hai đứa con nằm rên hừ hừ trong sự bất lực của người mẹ. Má chồng chị dù bệnh cũng không thể nằm yên . Bảo chị phải xoa dầu cho con rồi nấu nước gạo rang cho cháu uống.

Buổi sáng chị cõng con lớn đi trạm xá. Con bé đã lớn lại cao, chị cõng con chân nó lòng thòng gần chạm đất. Con đường từ nhà đi lên trạm xá phải qua mấy xóm, bọc theo con đường dẫn ra ruộng tuốt mãi ở xóm Yên.Tới nơi thả con xuống cái ghế gỗ trước trạm xá là chị ngồi vật xuống thở dốc, dường như tất cả sức lực của chị đã cạn. Con bé rũ người ra như muốn té. Chị lại bật dậy đỡ con. Cô y tá mặc cái quần chẽn, áo trắng cổ bâu như dân công đi tải đạn. Cô ta bước tới rờ rờ đứa bé. Chẳng biết cô có kinh qua trường lớp gì hay không, chỉ biết cô là đồng chí hộ lý, là cán bộ y tế ngoài Bắc vào công tác. Phụ tá cô ta là con gái của lão chủ tịch xã, nghe nói đã tốt nghiệp lớp 2 trường làng ở đây. Loay hoay một hồi, cô ta ghi vào sổ tên họ chị và con bé. Mở lọ thuốc vạn năng, cấp cho chị vài viên Xuyên Tâm Liên bảo về canh chừng cho con bé uống. Thế là xong. Chị biết mấy viên thuốc đó chả tác dụng gì, nhưng vẫn nhận về. Vì chị cần giấy chứng nhận là con chị bệnh thật, để chị được tạm nghỉ lao động một ngày, không bị đem ra kiểm điểm và ghi vào sổ đen. Chị lại cõng con bé lớn về qua con đường hồi nãy đã đi. Chị lấy cái khăn trùm lên đầu con cho khỏi nắng và che luôn cho mình vì không thể đội nón lá. 

Buổi chiều trước giờ trạm xá đóng cửa, chị lại bồng con em đi khám và cũng nhận vài viên Xuyên Tâm Liên như con bé chị. Lần này có thêm lời dặn dò: -"O nhớ tán ra cho hén uống". Đi đi về về, hai chân chị muốn rã rời, hai tay tê dại, lưng mỏi, người ê ẩm mà hai con bé vẫn trơ ra, bệnh  càng ngày càng nặng. Chị nuốt nước mắt, nỗi uất nghẹn dâng lên làm chị không thở được. Tức ran cả ngực, cái đầu muốn vỡ tung. Mẹ chồng chị cũng đau thương không kém. Bao nhiêu chịu đựng, dồn nén khiến bà suy nhược, đau nhức toàn thân. Bà gục xuống nằm li bì . Một mình chị chăm ba con bệnh trong hoàn cảnh lạ người lạ quê. Con gà mái mới gầy, nhảy ổ được vài ba trứng, chị lấy nấu cháo cho mẹ chồng, cho con. Chị muốn thịt luôn con gà để hầm cháo mà mẹ chồng không cho:
- Thôi con! Để nó còn đẻ lấy trứng tẩm bổ cho cháu. 

Một buổi tối. Chị ra giữa trời, nhìn lên bầu trời tối thui chị muốn hét to hết hơi sức của mình nhưng kịp thời dừng lại. Chị lấy tay quẹt nước mắt và nói với tất cả dồn nén trong lòng:
 -Ông Trời! Tui bây giờ không còn gì hết. Hai đứa con tui, Ông muốn bắt đứa nào thì bắt một đứa. Đứa kia cho nó lành bệnh. Con ruột, con nuôi tui không phân biệt. Tui quá sức chịu đựng rồi. Tui không đấu với Ông nữa, xin Ông tha cho tui. 

Chị cũng không biết sao chị lại nói những lời không đầu không đuôi, bất tôn, bất kính như vậy. Chị là Phật Tử, lúc nào cũng niệm Phật mà giờ chị lại ra sân nói chuyện với ông Trời. Buổi sáng, trời còn tờ mờ. Chị dậy sớm ra vườn hái đọt chè tươi nấu nước cho mẹ chồng. Hốt nửa lon gạo bắt cháo cho con. Ngồi khơi lửa rơm cho nồi cháo, ghế ấm nước chè bên cạnh chị nghĩ mông lung. Phải làm gì đây? Liều thôi. Sống chết có phần số. Không lẽ cứ bó tay đứng nhìn. 

Chị ra vườn, hái tất cả những loại lá, loại rau mà chị biết. Đào ít cỏ gấu, giựt ít dây tơ hồng, cỏ vườn chầu, rễ tranh, lá chanh, lá ổi. Chị hái không kể số là loại gì và bao nhiêu. Chị đem tất cả xuống sông rửa sạch. chặt nhỏ, phơi hơi héo héo, rang thủy thổ rồi nấu nước cho mọi người uống. Hai đứa bé luôn cả mẹ chồng. Chị đã tới nước liều, chị cóc sợ điều gì xảy ra. 

Thế rồi, như một phép lạ, cơn ho con bé lớn vơi dần và vài ngày hết hẳn. Con bé nhỏ dịu sốt và ban trắng từ từ lặn, để lại những mảng da đen đen. Mẹ chồng chị đã có thể dậy và ra chợ bán để kiếm cơm nuôi cả nhà. Sau cơn mưa trời lại sáng, các con chị đã có thể chăm sóc lẫn nhau, chị lại tiếp tục ra đồng hợp tác xã làm việc như bây giờ. Có lẽ ông Trời đã nghe chị kêu, đã đồng cảm với chị, cho chị một con đường để tiếp tục cuộc hành trình cam khổ.
.....

Chị vào nhà lấy cơm cho con ăn. Lựa khoai chị gắp ra một cái dĩa để mình ăn, còn cơm trắng đơm vào chén cho con. Mấy con cá sông kho với ớt đỏ lòm bắt mắt. Ở đây, người ta ăn ớt như không hề biết cay và con bé lớn chị không biết từ lúc nào nó có thể ăn ngon lành. Còn chị thì chỉ ăn cá, gạt ớt không ăn mà còn bị cay phỏng  cháy cả lưỡi. Chị múc nước tô canh rau tập tàng chan vào chén và đút cho bé em. Tội nghiệp mẹ chồng chị đã nấu sẵn trước khi đi có việc. Ăn xong, chị bảo con bé chị chơi với em để mạ gánh nước tưới ớt kẻo tối.
Chị gánh đôi thùng ra bờ sông. Hôm nay sao bến vắng lạ lùng, không có ai xuống tắm hay giặt giũ. Chị để đôi thùng trên mấy tảng đá rồi thọc chân xuống nước,nhìn ra mông lung. Sông Ô Lâu nước trong vắt, bên kia sông thấp thoáng nhà cửa và bóng người qua lại. Những con cá lội lững lờ dưới chân chị. Thỉnh thoảng lại đụng vào chân chị nhồn nhột. Có vài con tép nhỏ bơi qua về bình an, vô tư. Chị không biết mình nên buồn hay vui, nên khóc hay cười. Hôm nay, trong sân hợp tác xã chị đã nghe tin Sài Gòn thất thủ. Mọi người vui mừng hò reo. Mấy tên Cán Bộ hét lớn: 

-"Quân ta toàn thắng, tăng ta ủi sập dinh Độc Lập rồi. Tướng Minh đã đầu hàng.

" Quân ta toàn thắng" Chị bước ra khỏi sân tập đoàn, tránh xa tiếng hò reo ồn ào. Nước mắt không chảy mà tim đập rất nhanh. Quân ta toàn thắng? Quân nào là quân ta? Quân nào là quân địch. Trong cái mớ hỗn độn đó chị nghe như có tiếng kêu gào, tiếng khóc dậy trời và những tiếng nổ kinh hồn của đạn pháo. Chị không biết cha mẹ mình ra sao? Anh em người nào còn, người nào mất. Còn thằng em út đi Hải quân có kịp về nhà, đã chết hay đã di tản theo tàu. 

Con mắt chị mờ theo ánh nắng chói chang. Sài gòn thất thủ là chị còn cơ may tìm về cha mẹ. Tất cả đều đã xong hết, đã tận cùng. Đất nước và con người đã cạn kiệt sức lực vì hai chữ hòa bình và tự do. Máu đã đổ nhiều rồi, nước mắt đã chảy thành sông. Khăn tang cô phụ, thi hài tử sĩ, tiếng khóc mẹ già, nước mắt con thơ đã vang lên từ bao nhiêu năm.Thôi thì hòa bình cũng tốt. 

Chị nghĩ như vậy và nghĩ đến con tàu Bắc Nam đem chị về nhà cha mẹ. Về mảnh vườn thân yêu quen thuộc. Chị lại được hít thở không khí tự do và đầm ấm gia đình.
Rồi chị lại lạnh cả xương sống khi nghĩ đến thực tế. Tự do ư? Rồi miền Nam cũng sẽ là Cộng Sản, cũng Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Cũng làm ăn tập thể, cũng hội họp thâu đêm, cũng chế độ tem phiếu, cũng bình bầu, cũng góp gạo nuôi quân, cũng nắm gạo bỏ hũ cho hội phụ nữ, cũng nắm gạo tích lũy cho đoàn Thanh Niên...

Cũng băng rôn, cờ xí trên mọi ngả đường, cũng cổng văn hóa mỗi đầu xóm nhỏ... Một miền Nam trù phú, rộng rãi, tự do phải đi vào hợp tác xã, phải quy nạp tài sản đất đai vào tập thể, phải lao động, chấm công, bình điểm. Chị không thể tưởng tượng được xã hội miền Nam sẽ đối phó như thế nào. 

Bây giờ ngồi một mình yên lặng, chị thấy mình thật mâu thuẫn. Vui hay buồn khi Sài Gòn thất thủ, cha mẹ chị phải làm sao khi cả đàn con đều mang súng Quốc Gia. Còn chồng chị bao giờ mới về. Nơi này con sông Ô Lâu vẫn lặng lẽ trôi và buồn ngơ ngác. Ở quê nhà con sông Đồng Nai của chị có nổi sóng ba đào hay im lìm chịu đựng. Con đường về Nam hy vọng mới lóe lên đã tắt ngúm khi người kiểm soát người. Khi chế độ hộ khẩu và hệ thống kiểm tra lý lịch chặt chẽ gò bó người dân. Chị làm sao có đủ chữ ký và cái mộc đỏ chói từ ông đội trưởng hợp tác xã, hội Phụ Nữ đến Ủy Ban Nhân Dân xã, theo hệ thống các Ban Ngành kéo dài tới tỉnh để được phép về nhà thăm viếng  Mẹ Cha. 
Nước mắt chị ứa ra, chị như con chim bị nhốt trong lòng không cách chi vùng vẫy.
- Mạ ơi! răng mà lâu rứa mạ!

Có tiếng con bé lớn gọi chị. Có lẽ chờ lâu không thấy chị về, con bé chạy đi tìm vì sợ chị gánh nước lên dốc bị té hay lấy nước bị hụt chân. Chị trả lời cho con yên tâm rồi quảy đôi thùng xuống sông lấy nước.

Tháng Tư, ngày 30 sẽ là điểm mốc của lịch sử Việt Nam. Chị đã chứng kiến Đà nẵng hỗn loạn, tan tác trong ngày bỏ ngỏ. Chị biết Sài gòn sẽ còn ghê gớm tang thương hơn. Ôi thành phố hoa màu, Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ chìm trong biển lửa. Chạy trốn nơi đâu, thoát thân cách nào. Toàn bộ VN đã nhuộm màu cờ đỏ. Thế là đã hết, đã chấm dứt thể chế Quốc gia. Nơi đây không một tin tức từ bên ngoài. Chỉ nghe vang vang tiếng loa phóng thanh từ Ủy Ban xã và tiếng nhạc rền vang cao thấp  âm hưởng lạ kỳ. Bầu trời thì cao rộng mà con người nhỏ bé lạc loài vô vọng.

Mấy chục năm đã trôi qua. Ngày 30 tháng tư năm đó anh ở đâu? Chị ở nơi nào? Tôi trả lời cho câu hỏi mà mọi người hỏi thăm nhau mỗi dịp tháng tư  đen. Ngày đó tôi ngồi bên bờ sông Ô Lâu khóc cho vận nước, khóc cho chồng, cho mình, cho con. 30 tháng tư năm nay tôi đang ở California nước Mỹ. Hai đứa con gái ngày xưa bây giờ là những phụ nữ trung niên, con cái đầy đủ. Chồng tôi đi tù hơn 8 năm đã được thả về với thân thể và tâm hồn rách nát. Anh đã hoàn toàn mất hết súng đạn với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hiện tại anh đã từ giả cuộc đời, ra đi yên nghỉ.  Còn tôi, người vợ lính ngày xưa chờ chồng tù tội trở về, bây giờ đã trở thành một bà già yên phận ở tuổi thất thập có dư. Tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ đối với gia tộc là sinh cho anh thêm hai thằng nhóc con. Bây giờ hai thằng nhóc đó đều là hai người lính trong quân đội Hoa kỳ. Một thằng Không Quân, một thằng dưới biển.

Vâng. Tôi đã kể câu chuyện của tôi trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu? 

Nguyễn thị Thêm 

Mời nghe tâm bút của tác giả Nguyễn Thị Thêm qua giọng đọc  trầm buồn của Nhược Lan 


Tuesday, April 28, 2020

Sài Gòn Những Ngày Cuối Tháng Tư 75 - Time Magazine Đinh Yên Thảo dịch

Một chiếc C-130 tại Tân Sơn Nhứt ngày 22/4/1975. ảnh: Jacques PavlovskyTime Magazine (Ðinh Yên Thảo tổng hợp và trích dịch)

Thoắt hiện đã 45 năm từ ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Trong khi ngày càng nhiều hồ sơ và sử liệu quý giá được công bố, những bài báo của các ký giả Mỹ và phương Tây được tường trình từ Sài Gòn hay các văn phòng Á Châu trong những ngày cuối cùng tháng 4 năm 1975 đã cung cấp thêm một số thông tin mang giá trị báo chí riêng biệt khi nhìn về lịch sử. Từ kho dữ liệu chiến tranh Việt Nam, chúng tôi đã tổng hợp và trích dịch một số bài báo đã được đăng liên tục trên các số báo đặc biệt của Time vào tháng 4 và tháng 5 năm 1975, riêng về những  dàn xếp chính trị để dẫn đến cuộc thất thủ miền Nam VN và đưa đến làn sóng di tản 1975 ra sao.

1. Dàn xếp sau những tấm rèm nhung Trong bốn tiếng đồng hồ, đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin tại Nam Việt Nam đã nóng nảy, cố điện thoại cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng không được. Ngày hôm sau, ông lên chiếc limousine Cadillac đen trực chỉ thẳng đến Dinh Ðộc Lập, chỉ cách tòa đại sứ một khúc đường. Tổng thống bên trong, còn Martin thì mặt mày tỏ vẻ giận dữ. Trong vài tháng qua, ông đã là người sống chết binh vực tổng thống Thiệu. Còn bây giờ là một nhiệm vụ cay đắng khác, chuyển một thông điệp đã thỏa thuận với đại diện Bắc Việt tại Paris: Bắt đầu đêm Chủ Nhật, tổng thống Thiệu có đúng 48 tiếng đồng hồ để từ chức, hoặc Sài Gòn trở thành bình địa. Nước Mỹ cuối cùng đã phải chối bỏ người mà họ đã đặt cược trong chính sách Việt Nam. Và hệ lụy là, phải từ bỏ cả Nam Việt Nam. Ðối với Bắc Việt, sự ra đi của TT Thiệu là một chiến thắng to lớn của họ. Sau hơn hai thập niên can dự vào Việt Nam, tuần rồi tổng thống Gerald Ford đã tuyên bố rằng cuộc chiến đã chấm dứt. Một lực lượng lớn quân Cộng Sản đang bao vây mọi phía Sài Gòn và Sài Gòn chỉ còn cơ hội cuối cùng để tránh cuộc đổ máu. Theo yêu cầu từ Bắc Việt, các lực lượng quân sự Mỹ phải rời khỏi Việt Nam và một tân chính phủ VNCH mà họ chấp nhận, sẽ được thành lập để có thể thương thuyết một cuộc đầu hàng với quân CS. Hoặc giả họ sẽ tổng tấn công.  Ước tính có khoảng 130 ngàn quân CS đang bao vây Sài Gòn và vẫn đang tiếp tục tăng viện, so với 60 ngàn binh lính VNCH bên trong. Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Lâm Thời Miền Nam VN đã đưa tuyên bố rõ ràng như vậy.

Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đọc diễn văn từ chức ngày 21/4/1975

TT Nguyễn Văn Thiệu đành tuyên bố từ chức vào ngày 21/4/1975. Trong diễn từ 90 phút đầy cay đắng. Ông lên án đích danh Ngoại trưởng Henry Kissinger và chính phủ Hoa Kỳ đã cắt viện trợ, phản bội lại lời hứa của mình, cũng như ám chỉ cả Quốc Hội và dân Mỹ. Nước mắt ràn rụa, ông tuyên bố cùng quốc dân rằng, “Tôi từ chức hôm nay. Xin đồng bào, các binh sĩ và quý vị các tôn giáo hãy tha thứ những lỗi lầm của tôi khi đương nhiệm. Tổ quốc và tôi sẽ luôn biết ơn quý vị.” Ngay sau đó, ông lên máy bay quân sự Mỹ sang Ðài Bắc, để rồi ông có thể sang lưu vong tại Anh hoặc Thụy Sĩ theo chọn lựa. Phó TT Trần Văn Hương, 71 tuổi lên nắm quyền tổng thống. Nhưng ngay lập tức, Bắc Việt tuyên bố không chấp nhận. Lại biến chuyển theo một tình thế mới. Liệu TT Hương cứ đương chức, bất chấp lời quân CS, vừa chuẩn bị tử thủ nếu cần, vừa có thể thương thuyết với Hà Nội? Nhưng rồi TT Trần Văn Hương nắm quyền chỉ đúng một tuần lễ. Để cuối cùng, Đại Tướng Dương Văn Minh, một Phật tử trung hòa và người cầm đầu cuộc đảo chính TT Ngô Ðình Diệm năm 1963, được đưa lên thay thế ông Trần Văn Hương vào ngày 28/4, thành lập một chính phủ trung lập với hy vọng có thể thương thảo với phía cộng quân để tìm một giải pháp tốt hơn.

Ông Trần văn Hương

Nhưng cũng không xoay chuyển được tình thế. Quân cộng sản tấn công vào Sài Gòn rạng sáng 30/4.  Và đến gần trưa xe tăng húc ngã cổng dinh Độc Lập. TT Dương Văn Minh được áp giải đến đài phát thanh Sài Gòn, nơi ông phát lịnh đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi quân đội VNCH buông súng để tránh đổ máu. Nam Việt Nam đã bị bức tử và cuộc chiến Việt Nam chính thức kết thúc ngày 30/4/1975.

2 . Những cuộc di tản tháng Tư Lực lượng cảnh sát đặc biệt và an ninh phi trường chặn xét và vẫy tay cho qua những chiếc xe bus đen chở đầy người Mỹ và các thân nhân Việt Nam của họ, liên tục chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất. Một cuộc di tản cho người Mỹ và các nhân viên VN đã được chính phủ Hoa Kỳ chuẩn bị. Cứ nửa tiếng đồng hồ, chiếc phi cơ C-141 Star-lifters và C-130 Hercules lại chở khoảng 100 người cất cánh, đưa sang căn cứ quân sự Clark của Mỹ tại Philippines hoặc chuyển tiếp sang đảo Guam.


Người nước ngoài được di tản từ phi cảng Tân Sơn Nhứt

Nhiều người Mỹ, dân sự hay quân sự mang theo hàng chục người thân, nội ngoại, dâu rể người Việt Nam. Có người dắt đến 39 “người thân”. Những người VN có liên hệ với các người Mỹ này có thể là vợ, hôn thê hay nhân viên của họ. Và theo sau là gia đình, bà con của những người này. Thêm vào đó là những người là các  nhân viên chính phủ VNCH nằm trong danh sách gặp nguy hiểm một khi quân CS chiếm Sài Gòn. Hàng ngàn người chen chúc trong rạp hát phi trường đã tháo bỏ ghế để điền đơn, khai các mối quan hệ để được cho di tản. Ðàn bà, con nít, hành lý ngổn ngang. Phía ngoài sân banh, hàng người dài đã được chấp nhận cho di tản đứng sắp hàng dài, đợi đến phiên mình lên máy bay; có người đợi cả 24 tiếng đồng hồ.

Cuộc di tản được thực hiện khẩn cấp sau khi TT Thiệu từ chức và chính phủ Mỹ e rằng sẽ có một cuộc tấn công dữ dội xảy ra nếu các cuộc thương thuyết không thành. Phái bộ quân sự  Hoa Kỳ DAO lẽ ra đã muốn thúc đẩy một kế hoạch di tản từ trước nhưng đại sứ Martin và thượng cấp của ông là Ngoại Trưởng Kissinger lại phản bác, vì sợ rằng làn sóng sợ hãi sẽ làm hoảng loạn cả Sài Gòn. Ðầu tháng 4, Sài Gòn còn lại khoảng hơn 7,500 người Mỹ. Nhưng kế hoạch di tản còn áp dụng cho cả các công dân nước ngoài, cùng khoảng 140 ngàn người Việt trong danh sách của chính phủ Mỹ cho rằng họ bị de doạ tính mạng và được chấp nhận cho di tản theo kế hoạch. Quốc hội Hoa Kỳ đã chuẩn chi 327 triệu đô la cho các kế hoạch di tản và trợ giúp các người tị nạn này. Bên ngoài là con số đông vô kể những người muốn tìm một cơ hội để được di tản. Một kế hoạch dự phòng “Giai đoạn Hai”, di tản bằng 60 chiếc trực thăng CH-46 và CH-53 từ Hạm Đội 7 còn được Ngũ Giác Ðài đặt ra một khi Tân Sơn Nhất bị khống chế dưới tầm pháo 130 ly hay hỏa tiễn SA-2 và SA-7 của cộng quân. Tất cả người Mỹ còn kẹt lại Sài Gòn đã được mật báo rằng, ám hiệu của chiến dịch “Phase Two” sẽ là bản tin dự báo thời tiết trên đài Mỹ cho hay Sài Gòn nóng “trên 105 độ” trên đài Mỹ, theo sau bản nhạc White Christmas được phát mỗi 15 phút; những người Mỹ còn kẹt lại phải đổ về 13 địa điểm “LZs” – landing zone, ám hiệu các địa điểm bốc người bằng trực thăng trên nóc các tòa cao ốc của người Mỹ tại trung tâm Sài Gòn. Chiến đấu cơ Mỹ sẽ bay sang từ Thái Lan để bắn hạ các hỏa tiễn SA-2 hay SA-7 của địch quân và hộ tống các trực thăng này ra biển. 

Phía bên ngoài, các nhân viên làm việc với nước ngoài cùng các viên chức chính  phủ cũng tìm cách di tản. Thành phần trí thức và giới giàu có, các thương gia tìm  mọi cách liên lạc các đầu mối quan hệ nước ngoài để được ra đi. Phía bên ngoài đại sứ quán Hoa Kỳ lúc nào cũng đông đúc người ăn bận lịch sự, xin các quân cảnh Mỹ được gặp người này người kia. Bưu điện Sài Gòn không dứt những hàng người liên tục điện tín cầu cứu khắp thế giới. Số điện tín tăng gấp bốn lần ngày thường, lên đến 20 ngàn bức điện được gởi ra từ lúc bưu điện mở cửa đến tận 8 giờ tối – giờ giới nghiêm. Các hãng Mỹ, ngân hàng hay các hãng thông tấn nước ngoài cũng đầy người chầu chực. Không chỉ người Việt, giới ngoại giao nước ngoài cũng ra Tân Sơn Nhất di tản khỏi Sài Gòn. Ðại sứ Anh, Ðức, Canada, Thái Lan, Nhật Bản… đều đồng loạt ra đi, chỉ còn nhân viên đại sứ quán Pháp và Bỉ là các quốc gia có giao hảo ngoại giao với Hà Nội còn ở lại. Không còn mấy chuyến bay ra vào Sài gòn vì các hãng hàng không thế giới đã hủy toàn bộ các chuyến bay thường lệ đến VN của mình. Tại đại sứ quán Mỹ, một người đàn ông đang được phỏng vấn, là giáo sư đại học và không ai khác hơn là cháu ruột của Phạm văn Ðồng, Thủ Tướng Bắc Việt. Nhân viên sứ quán hỏi “Bộ ông không tin vào chú mình hay sao?”. Ông ta chỉ  trả lời ngắn gọn “Không”. Những người may mắn được chấp thuận di tản chính  thức là những người nằm trong danh sách 140 ngàn người có thể bị nguy hiểm của Bộ ngoại giao Mỹ, nhưng không chắc họ sẽ được ra đi hết bằng phi cơ. Một kế hoạch di tản mạo hiểm khác được các viên chức Mỹ chịu trách nhiệm vạch ra là đi cả bằng đường thủy nếu không còn đủ thời gian, và có thể ngang qua  họng súng của địch quân. Dân chúng các thành phố sắp hay đã bị thất thủ đổ dồn về Sài Gòn. Sự hoảng loạn châm ngòi cho sự hoảng loạn. Và người dân Nam Việt Nam có lý do để  hoảng loạn. Năm 1954, sau khi hàng triệu người di cư vào Nam, phong trào cải cách  ruộng đất và đấu tố tại miền Bắc đã sát hại hàng vạn người, một con số ước tính dè dặt. Tết Mậu Thân 1968, sau khi chiếm đóng Huế, Cộng quân đã có một danh sách dài những người cần bị thủ tiêu; hàng ngàn thường dân  vô tội đã bị sát hại tập thể. Chọn lựa cuối cùng với nhiều người Việt là di tản. Những ngọn đèn cuối cùng rồi đã tắt.

ĐYT dịch Nguồn : Time Magazine Archive
vietluan.com.au  

Một Giấc Mê Đời - Đỗ Công Luận

Nhân Loại Sau Đại Dịch - Chu Tất Tiến

Xe xếp hàng mua cafe ngày 4 tháng 4, 2020 tại tiệm Starbucks tại Edgewater, New Jersey, một tiểu bang đang có số tử vong cao thứ nhì sau New York. (Getty Images)

Điều gì sẽ xảy ra sau khi cơn đại dịch Virus này chấm dứt? Có hàng tỷ chuyện để bàn, vì mỗi gia đình có một mối sầu riêng, một suy tính riêng; mỗi dân tộc có một cách sống riêng. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng quát, xã hội cũng như từng cá nhân con người sẽ có rất nhiều biến chuyển xấu cũng như tốt.

GIA ĐÌNH

Vì mọi người đều phải ở trong nhà, nên sự ràng buộc, trách nhiệm của mỗi người trong gia đình sẽ chặt chẽ hơn. Những bất đồng, tính toán quyền lợi cá nhân, cạnh tranh lẫn nhau sẽ ngưng lại một thời gian dài. Người trong gia đình thương nhau hơn, chia xẻ nhiều hơn, lo lắng cho nhau nhiều hơn. Nhiều di chúc phân chia tài sản sẽ được làm lại, những bữa cơm gia đình sẽ đầy đủ, với những món ăn do Mẹ, Chị và Em, Mẹ Chồng, Con Dâu… làm chung.

Tiếng cười, tiếng nói sẽ tràn đầy trong từng cánh cửa. Ngược lại, sự ra đi của một số người thân sẽ làm cho nhiều gia đình tan nát, nếu người ra đi đó là “cần câu cơm” của cả nhà. Bên cạnh đó, sự thất nghiệp, thiếu tiền sẽ gây ra nhiều vụ ly dị hơn bình thường. Kết quả của các gia đình ly dị thường là con cái bỏ học, bỏ nhà đi bụi đời. Cướp, trộm, đĩ điếm nhiều hơn. Cách ăn cướp sẽ tinh vi hơn. Lừa gạt sẽ nhiều hơn. Một số nhỏ con người trở thành tàn nhẫn, vô cảm hơn.

XÃ HỘI

Sự ngăn cách để tránh lây lan đã làm cho tình bạn, tình hàng xóm, tình đồng hương giảm thiểu đến mức tối đa. Những biểu lộ tình cảm, xã giao như bắt tay, ôm ấp (hugging) sẽ bớt đi rất nhiều. Người ta nghi kỵ nhau, không dám mở cửa cho nhau, ngay cả khi nhận diện được nhau qua cửa sổ. Không còn những buổi họp mặt bạn hữu, các buổi Seminar giải thích hay quảng cáo cho một vấn đề xã hội nào đó. Các quán bar, Cafeteria, nhà hàng, các tụ điểm văn nghệ sẽ vắng khách cho dù chính phủ đã thông báo là đại dịch đã qua, vì người ta đã quen ăn ở nhà rồi. Như vậy, số người phụ bàn thất nghiệp sẽ tăng cao.

Để sống còn, họ phải nhờ vào trợ cấp xã hội, nếu không kiếm được việc làm. Khi mà bố mẹ thất nghiệp, thì có nhiều thanh thiếu niên phải bỏ học. Một số lớn, vì không còn lựa chọn nào nữa, sẽ trở thành tội phạm. Các thiếu nữ đã ít học lại không có khả năng chuyên môn, sẽ chỉ tìm thấy con đường duy nhất là bán thân nuôi miệng. Đặc biệt là di dân lậu, sau một thời gian không có phương tiện sinh sống, sẽ phải mưu sinh bằng những việc làm bất hợp pháp. An ninh xã hội sẽ rơi vào tình trạng trì trệ. Cảnh sát phải làm việc nhiều hơn, mà số tội phạm vẫn tăng cao.

KINH TẾ

Nhà hàng và các cửa hàng nhỏ đóng cửa, thiếu hụt tài chánh. Về địa ốc, không mấy người dám đi xem nhà (Open House) và không ai muốn bán, chỉ còn có dịch vụ Refinance là còn mạnh. Trong khi chờ đợi tình hình sinh hoạt xã hội trở lại bình thường, thì các nghệ sĩ sống bằng nghề trình diễn văn nghệ hay xiếc đều gặp phải khó khăn. Nhất là vấn đề văn nghệ, vì có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công đã đi trình diễn ở miền miên viễn nào rồi.

Còn lại là những nghệ sĩ mang nỗi đau buồn trong lòng, vì mất người thân, mất bạn trình diễn. Một số công ty chuyên yểm trợ cho các chương trình văn nghệ như âm thanh, ánh sáng, trang trí, chụp hình, quay phim, thợ vịn… đã giải tán. Một số lớn nghệ sĩ trình diễn thất nghiệp đã phải bỏ đi làm nghề khác để sống. Phim ảnh sẽ chọn lọc hơn, phim nào có giá trị thì sống mạnh trên vấn đề bán video, nhưng phim rẻ tiền thì chết ngáp.

Điều ngược đời là trong thời gian vừa qua, khi các công ty hàng không, xe buýt, xe hỏa, tắc xi, Uber, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ đã lỗ lã hoặc khánh tận, thì những công ty khổng lồ lại tăng lợi tức lên kinh khiếp. Ở Mỹ thì có Costco, Walmart, Amazon là những công ty được lợi đếm không xuể. Các công ty sản xuất vật dụng gia đình, y tế công cộng, thực phẩm và gạo cũng thế. Hàng hóa sản xuất ra không kịp nhu cầu, do đó lợi nhuận tăng lên chóng mặt.

Theo luật tài chánh và tiền tệ, số tiền lưu hành trong một quốc gia luân lưu từ túi người này qua túi người kia, nên khi túi người này rỗng thì túi người kia lại đầy. Người ta phỏng đoán các công ty khổng lồ đã kiếm được cả chục tỷ đô la trên số thương vụ bình thường, chỉ trong 3 tháng virus hoành hành. Do đó, không có việc nền kinh tế rơi vào thời kỳ đại khủng hoảng như thập niên 1930 ở nước Mỹ. Thời kỳ đó, chính phủ lơ là, Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve System hay FED) không làm gì để cứu thị trường chứng khoán, làm cho toàn thể sinh hoạt tài chánh sụp đổ. Một ngày trung bình có hơn 100 triệu phú tự tử, vì tháng trước, tuần trước, ngày hôm trước, họ là chủ số tài sản là 1 triệu đồng, ngày hôm sau, họ chỉ còn có 100 đô vì tiền mất giá.

Lúc đó, 100 đô la chỉ mua được 1 hoặc 2 quả trứng gà. Thời đại bây giờ khác hẳn, Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang sẵn sàng điều hành nền tài chánh của Mỹ không bao giờ bộc phát loạn, cũng như không để cho sụp đổ. Thí dụ như với kỹ nghệ địa ốc, khi FED thấy người mua ào ạt đi mua nhà, chủ nhà tăng giá, gây lạm phát, FED sẽ tăng lãi suất lên, khiến người mua khựng lại, nhà ít bán được, chủ nhà phải giảm giá. Khi thấy địa ốc suy giảm, nhà băng không cho vay tiền nhiều, FED lại giảm lãi suất, kích thích nhà băng cho vay nhiều hơn, thị trường địa ốc lại tăng lên (1)…

KỸ NGHỆ

Nhiều đại công ty phải thay đổi hướng đi, phải cải tổ toàn bộ cơ cấu hành chánh. Như ở Hòa Lan, hàng trăm công ty nuôi heo đã đóng cửa, chuyển hướng qua ngành khác, với số tiền chính phủ tài trợ. Mà một khi chính phủ phải bỏ tiền ra để tài trợ các công ty này, thì công khố thiếu hụt. Nếu thiếu hụt, thì chính phủ phải sắp xếp lại tổ chức hành chánh của mình, lại thêm môt số công nhân, viên chức thất nghiệp. Một biện pháp khác là bán trái phiếu. Mà lúc này bán trái phiếu thì ai muốn mua, cho nên giá trái phiểu phải ở mức thấp nhất mà hứa hẹn sẽ cho lại lợi nhuận cao nhất.

Trong thời dịch bệnh, các công ty sản xuất xe hơi bán được ít xe hơn. Để có việc làm cũng như để phụ với ngành y tế đang lao đao vì thiếu máy thở, Ford chuyển hướng sang sản xuất máy trợ thở và cung cấp cho Y Tế. Công ty GM sản xuất mặt nạ. Các công ty xe hơi khác, tuy không chuyển hướng, nhưng cũng phải tìm phương pháp giây chuyền mới cho giảm giá thành của xe, và làm nhiều xe rẻ để kiếm khách hơn là sản xuất xe sang.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Nhiều cổ phiếu mang số âm, trong khi có những cổ phiếu tăng vọt. Sẽ có nhiều cổ phiếu rao bán với 70% “discount” mà chẳng có ai mua (2), trừ một vài tỷ phú có nguồn dự trữ lớn lao, thí dụ như tỷ phú George Soros (3), thường áp dụng “chiêu” bỏ tiền ra mua những cổ phiếu sụt giá để dành, chờ thời gian vọt lên. Ngoài ra, ít ai thích phiêu lưu vào những thị trường chứng khoán suy giảm. Đa số dân đầu tư, khi thấy chứng khoán mất giá, liền bán tống bán tháo cổ phần của mình đi làm lây cơn lo sợ đến những nhà đầu tư khác, kéo theo cả hệ thống sụp đổ.

Lúc đó, những nhà đầu tư khôn ngoan, hoặc vì tình yêu nước, liền bỏ tiền ra mua lại các cổ phiếu với giá bèo, để cứu vãn nền kinh tế và cũng để chờ thời cơ lên lại. Thí dụ như cổ phiếu của các công ty hàng không đang tụt giá, từ $25/share sẽ chỉ còn $5/share. Một ông tỷ phú khôn ngoan và có nhiều nguồn dự trữ sẽ mua lại 10 triệu shares với giá $5/shares, như vậy là chỉ mất 50 triệu đô la, rồi chờ. Khi nghe tin có người đã mua 10 triệu shares, lập tức bà con lại nhào vô, mua. Giá cổ phiếu sẽ vọt lên từ $5 thành $20. Như vậy, nhà đầu tư kia sẽ có: 10,000,000 x $20 = $200,000,000! Kết quả, tiền lời trong một thời gian ngắn là 150 triệu! Đây chỉ là ví dụ với sự thành công khiêm nhượng mà thôi và chỉ nói với con số Triệu, chưa nói đến con số tỷ Đô la.

TÔN GIÁO

Ở nước Mỹ, các tôn giáo đều sống dựa trên sự đóng góp của những người theo đạo. Với trên 250 chi nhánh Thiên Chúa Giáo (không phải Công Giáo), các giáo hữu thường đóng góp 10% của lợi tức hàng năm vào nhà thờ, trong khi đó, thì Công Giáo không đòi hỏi số lượng như thế, nhưng lại kêu gọi giáo hữu đóng góp theo các nhu cầu bất thường. Sau một thời gian dài, không có đóng góp hàng tuần, nhiều nhà thờ sẽ phải khai phá sản, ngay cả khi có trợ giúp từ các hệ thống Giáo Phẩm Cao Cấp hơn và Thủ Đô Vatican.

Với người Việt Nam, một số lớn theo Phật giáo, thì nếu không có cúng dường Tam Bảo, không có sự mời Sư Thầy đến tụng kinh, thì cũng gây ra gánh nặng cho các ngôi Chùa trong miền, vì các Chùa đều xây cất một cách tự lập, nghĩa là không có hệ thống Giáo Hội chia xẻ như bên Công Giáo, đôi khi không bảo trì nổi. Tuy nhiên, hệ quả này sẽ qua đi nhanh chóng, vì khi nhân loại không còn cách nào tự cứu mình được nữa, thì lại đặt niềm tin vào Tôn giáo mạnh mẽ hơn. Sau khi được giải thoát khỏi cơn bệnh, người ta sẽ đóng góp nhiều hơn, tin tưởng nhiều hơn, và sống đạo đức hơn.

VỀ GIÁO DỤC

Sau một thời gian dài đóng cửa trường học, các trường Đại Học, Trung Học, Tiểu Học sẽ mở cửa lại thận trọng hơn và có những chương trình đột phá hơn. Trước đây, đã có hệ thống học qua TV với một vài lớp văn chương (literature), nhân bản (Humanity), các sinh viên ngồi tại nhiều phòng khác nhau, theo dõi bài giảng và đặt câu hỏi với 1 vị giáo sư chung cho tất cả các phòng.

Bây giờ thì sẽ hiện đại hơn, chương trình học “cách không” như thế sẽ có thể áp dụng với nhiều chương trình khác nhau. Các trường sẽ dậy thêm môn về DỊCH (Epidemic) và ĐẠI DỊCH (Pandemic) trong các lớp về Y Tế (Health Education) trước đây chỉ dậy về các sinh hoạt tình dục nam nữ (Sexual Intercourse), hiếp dâm tại các cuộc hò hẹn (Date Rape), Hút thuốc (Smoking)…Dĩ nhiên, tại các trường Y Khoa, sẽ có thêm nhiều lớp về Vaccin chữa trị bệnh Covid-19 này.

CHÍNH TRỊ

Vì trong mấy thập niên gần đây, các bệnh dịch nặng thường phát khởi từ Hoa Lục, nên thế giới đã dần dần cách ly khỏi những liên hệ với nước này, hoặc nếu có, thì vô cùng thận trọng, trừ Việt Nam là “môi và răng” của Cộng Sản Trung Hoa:
SARS: Dịch SARS phát khởi từ Trung Hoa Lục Địa rồi lan qua các nước Á Châu vào năm 2003. SARS cũng truyền qua người đi du lịch tại các vùng bị lây nhiễm. Trên toàn thế giới có 80,000 trường hợp lây nhiễm tại Á Châu, Âu Châu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ nhưng chỉ có 774 người chết. (Năm nay, Virus cũng được đặt tên là SARS- CoVi-

Đại Dịch Cúm: Còn gọi là “Hong Kong Flu 1968.” Chết 1 triệu người trên thế giới trong đó có 500,000 người Hồng Kông, nơi đất chật, người đông. Người nghèo phải ở trong những cái lồng sắt, một phòng ngủ có thể có 12 cái lồng, chồng lên nhau. Người ở đây, không có chỗ ngồi, chỉ có thể chui vào lồng ngủ lúc ban đêm, còn ban ngày thì đi ra ngoài. Những nơi khác bị dịch Flu là Phi Luật Tân, Ấn Độ, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Asian Flu (1956-1958): Chết gần 2 triệu người, cũng bắt đầu từ Hoa Lục. Vi khuẩn Flu cũng chu du khắp nơi, qua Hồng Kông, Singapore và Hoa Kỳ. Số người Mỹ chết vì Asian Flu này là 69,800!

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát khởi từ Tứ Xuyên, lây sang các miền khác và truyền qua Việt Nam. Nhà nước phải tiêu diệt cả vài trăm ngàn súc vật, tẩy rửa các chuồng nuôi và chích ngừa cho gà, vịt. Số thiệt hại của nông dân về dịch cúm này không có báo cáo, nhưng nhất định là thê thảm.

Bên cạnh vấn đề y tế, thì hình như các cuộc chiến tranh cục bộ đã giảm cường độ trên khắp miền thế giới. Hy vọng, những bên tham chiến nhìn ra sự thật: HÒA BÌNH LÀ LẼ SỐNG CỦA NHÂN LOẠI.

Trên đây là những nét đại cương về tình hình xã hội, chính trị, kinh tế sau khi đại dịch chấm dứt, hy vọng vào tháng 5 năm 2020. Với Cộng Đồng Việt Nam trên nước Mỹ, tháng Tư Đen là tháng đau buồn của cả Dân tộc, lại trùng với tháng giới nghiêm của Tiểu Bang California, làm cho người miền Nam lại còn nhớ hơn đến những ngày máu lửa năm ấy, và nhớ đến niềm tủi nhục khi phải buông súng đầu hàng quân xâm lăng.

Riêng tại khu vực Little Saigon, thì cũng trong đầu tháng 4, cuộc bầu phiếu bãi nhiệm 3 vị dân cử của Thành Phố Westminster làm chia rẽ các tổ chức, hội đoàn ra làm hai, bên bênh Bãi Nhiệm, bên Chống Bãi Nhiệm. Sự kiện này làm cho Tháng Covid-19, Tháng Tư Đen trở thành bi thảm hơn. Tuy nhiên, có điều lợi là sau khi Đại dịch chấm dứt, cộng đồng sẽ nhìn mặt được những ai là thực tâm chống Cộng, ai là tay sai Cộng Sản.

Dầu sao thì dầu cho Thế giới biến đổi, con người thay đổi, xã hội vẫn tiến lên, và trên hết, tinh thần kỳ vọng vào Tôn Giáo đã làm cho nhân loại thức tỉnh và sống chia xẻ hơn, yêu thương nhau hơn, để rồi cùng nhau chia xẻ sự An Bình, Hạnh Phúc.

Ngày 3 tháng 4, 2020
Chu Tất Tiến
Nguồn: viendongdaily.com

Chú thích:
(1) FED thường cho các ngân hàng vay từ 1.5% - 2%. Ngân hàng cho người vay lại với 3% - 5%. Trong đại dịch, FED cho ngân hàng vay 0%. Nhưng ngân hàng vẫn cho vay từ 3.25% - 4.75%.
(2) Cổ phiếu chia làm 3 loại chính: Aggressive = những công ty mới nổi và phát triền nhanh; Moderate = những công ty phát triển đều đặn trong vòng 10 năm; Conservative = những công ty bền vững từ nhiều thập niên. Cổ phiếu của các công ty Aggressive thì Lợi nhiều nhưng nguy hiểm. Thí du như công ty sản xuất các “chip” điện tử (A). Nếu có một khám phá mới nào hay hơn, rẻ tiền hơn (B), thì cổ phiếu của các công ty (A) rớt tức thì. Conservative thường là Ngân hàng với lãi suất “bèo” nhưng chắc ăn, không sợ rớt bất ngờ.
(3) Georg Soros = Chỉ có sở hữu dưới 5 tỷ Mỹ kim, nhưng đã đóng góp vào các chương trình xã hội hơn 20 tỷ Mỹ kim.