Tuesday, July 31, 2018

Việt Nam - Một Nhà Nước Khủng Bố! - Song Chi


Thông tin blogger Mẹ Nấm, tức tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ngưng tuyệt thực ngày 23.7 sau chuyến viếng thăm của đại diện Đại sứ Quán Hoa Kỳ đến trại giam Yên Định, Thanh Hóa, khiến tất cả những ai quan tâm đến chị thở ra nhẹ nhõm.

Đợt tuyệt thực này của blogger Mẹ Nấm (được biết là lần tuyệt thực thứ ba của chị kể từ khi vào tù) kéo dài 16 ngày, bắt đầu từ ngày 6.7 để phản đối việc bị ngược đãi, khủng bố, đe dọa đến sinh mạng khi đang thụ án. Một phần nhỏ những chi tiết về sự ngược đãi, khủng bố trong tù cũng như sức chịu đựng của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã được người mẹ của chị, bà Nguyễn Tuyết Lan đưa lên facebook tố cáo, qua những lần viếng thăm con gái!

Nhưng ngay cả nếu không có sự tố cáo ấy thì thông qua những câu chuyện kể từ nhiều tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm khác từ trước đến nay, chúng ta cũng có thể đoán biết được ngục tù cộng sản VN khủng khiếp như thế nào, đặc biệt đối với tù nhân chính trị. Nếu chỉ là chế độ ăn uống cực khổ, thiếu thốn, tình trạng bẩn thỉu, chất chội, thiếu không khí, mất vệ sinh...là quá bình thường, nhưng nhà cầm quyền VN có muôn ngàn cách để hành hạ, khủng bố người tù chính trị.

Từ việc cô lập họ với thế giới bên ngoài, với người thân để làm họ bất an, tinh thần xuống thấp; luân chuyển những tù nhân sống trong Nam ra các trại giam phía Bắc và ngược lại để gia đình họ gặp khó khăn hơn trong việc thăm nuôi; tìm mọi cớ biệt giam tù nhân chính trị, có khi hàng tháng trời, trong những điều kiện tăm tối, cô lập hơn nữa; giam chung tù chính trị với tù hình sự và khuyến khích tù hình sự tìm cách gây chuyện, khủng bố tinh thần, thậm chí đánh đập tù nhân chính trị để đổi lấy những «đặc ân» khác từ ban quản giáo, cán bộ trại giam; đầu độc sức khỏe người tù lâu dài bằng thức ăn bẩn, thậm chí bỏ những thứ độc hại vào thức ăn, nước uống, bằng việc thiếu không khí, ánh sáng v.v...

Hãy tìm đọc lại những câu chuyện, những bài phỏng vấn của các tù nhân chính trị hoặc gia đình, người thân của họ. Từ các cựu quân nhân VNCH, những người bị cáo buộc «âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng» hay những người bất đồng chính kiến bị bắt từ những năm 70-80 của thế kỷ XX như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt... bị bắt từ 1977, 78 và người nào cũng ở tù trên 20 năm; cho tới các thế hệ tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm sau này như luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư-doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, blogger Điếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà hoạt động Trần Thị Nga, mục sư Nguyễn Công Chính, blogger Phạm Thanh Nghiên, ba nhà hoạt động Đỗ Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (trong đó Minh Hạnh và Huy Chương đã ra tù, Quốc Hùng vẫn còn trong trại giam) v.v...

Không chỉ hành hạ, ngược đãi tinh thần, thể xác người tù, nhà cầm quyền còn khủng bố tinh thần gia đình, người thân của họ bằng nhiều cách, gia đình nào có cha, mẹ, anh em, con cái...là tù nhân chính trị thì mọi con đường mưu sinh, mọi cánh cửa tương lai coi như đóng sập trước mắt. Chẳng phải sau này mà ngay từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, những gia đình tù chính trị như gia đình ông Vũ Đình Huỳnh-từng là thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh và con trai là nhà văn Vũ Thư Hiên, gia đình nhà bất đồng chính kiến Hoàng Minh Chính..., đã từng có những «trải nghiệm» rất thấm thía về chuyện này.

Trong một chế độ tù ngục phi nhân, mọi rợ như vậy, để phản ứng lại mọi sự ngược đãi, đe đọa đến sinh mạng, tù nhân chính trị chỉ có mỗi một cách là tuyệt thực. Có nhiều người không chỉ tuyệt thực một lần mà nhiều lần. Việc tuyệt thực nhiều ngày luôn để lại những hậu quả tổn thương lâu dài về nội tạng, sức khỏe,và cả trí óc, sự minh mẫn của người tù. Những người tù chính trị cũng biết như vậy, kể cả việc phải đánh đổi bằng mạng sống, nhưng họ không có con đường nào khác.

Đảng và nhà nước VN là một tập đoàn khủng bố. Ngay từ khi bắt đầu cướp chính quyền vào tháng Tám năm 1945 cho tới bây giờ, đã hơn bảy thập niên trôi qua, «bản chất» khủng bố đó vẫn không hề thay đổi! Khủng bố nhân dân nói chung bằng sự sợ hãi, bằng một nền giáo dục tuyên truyền, ngu dân và lạc hậu, nhưng đặc biệt là khủng bố tất cả những ai dám lên tiếng phản đối, chỉ trích đảng, hoặc đòi hỏi tự do, dân chủ, cải cách chính trị.

Người lên tiếng sẽ bị gây khó dễ, hành hạ đủ kiểu từ việc mưu sinh, học hành, cho tới những trò bẩn như sai người khóa trái cửa bên ngoài khiến người bên trong không đi ra được, đây chẳng khác nào âm mưu giết người vì nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn chẳng hạn thì sao (gia đình cựu luật sư, tù nhân lương tâm Lê Thị Công Nhân hay blogger, cựu tù nhân lương tâm Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải... có khá nhiều «kinh nghiệm» về chuyện này); cho người ném chất bẩn, ném gạch đá, cả chất nổ vào nhà (mới đây nhất, gia đình blogger Đỗ Thị Minh Hạnh đã phải trải qua những ngày giờ kinh hoàng như vậy và đỉnh điểm là đêm 26.6. 2018, hàng chục viên đá lớn nhỏ đã được ném vào nhà, thậm chí có cả những quả pháo lớn hay bom tự tạo! Và ngày 27.6 khi anh Đinh Văn Hải, một người khuyết tật hoạt động xã hội, đến thăm gia đình Minh Hạnh, trên đường về đã bị một nhóm côn đồ giả danh đánh gãy xương bàn tay phải và xương đòn vai trái, phải nhập viện).

Những trò sai người giả dạng côn đồ để hành hung, hay đạp té xe gây tai nạn cho những người hoạt động, đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nạn nhân bất kể là ai, nam hay nữ, già hay trẻ, kể cả linh mục, mục sư cũng từng bị đánh đập dã man. Tổ chức Human Right Watch (HRW) ở New York từng đưa ra báo cáo ngày 19.6.2017, về tình trạng nhà nước VN sử dụng côn đồ để “dạy dỗ” những người không tuân theo «đường lối, chỉ thị» của chính quyền. Bản báo cáo có tựa đề «No Country for Human Right Activitists. Assaults on Bloggers and Democracy Campaigners in Vietnam”.
Và sau những vụ hành hung này là nhà tù, là những bản án nặng nề, phi lý, đổ xuống đầu những người yêu nước!

Ngày CN 10.6, trước việc làn sóng người đổ xuống đường biểu tình tại Sài Gòn và một số thành phố khác để phản đối hai dự luật Đăc khu cho nước ngoài thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm và dự luật An ninh mạng, trong đó ở Sài Gòn lên đến hàng trăm ngàn người, đông nhất từ trước đến nay, nhà cầm quyền vô cùng hoảng hốt.

Sau ngày CN đó, người ta chứng kiến một chiến dịch vừa ngăn chặn vừa càn quét, đàn áp dữ dội của nhà cầm quyền, nhất là tại Sài Gòn. Không khí chẳng khác nào thời chiến. Ngột ngạt. Bức bối, đầy đe dọa. Vào những ngày cuối tuần, thành phố dày đặc dây kẽm gai rào chắn khắp nơi, với sự hiện diện đông đảo các sắc phục công an, an ninh, dân phòng…được triển khai tại các khu vực trung tâm. Hàng trăm người đã bị bắt đưa về đồn công an, bị tra khảo, đánh đập, ngay cả những người không hề có ý định biểu tình mà chỉ tình cờ xuất hiện tại các điểm trung tâm.

(Đọc “Tao Đàn 17/6, Khủng bố tại Sài Gòn?”, RFA, “Sau ‘tổng biểu tình,’ hàng trăm người bị bắt, ‘phạt hành chính’, báo Người-Việt, “Bản lên tiếng về việc công an nhà nước cộng sản đàn áp người dân Sài Gòn Chúa nhật 17-06-2018”, Tiếng Dân…và rất nhiều câu chuyện do chính người trong cuộc kể lại, trên facebook).
Việc bắt người, đánh người một cách tùy tiện đó thể hiện “bản chất” man rợ, khủng bố của đảng và nhà nước cộng sản VN.
Không chỉ chà đạp lên luật pháp trong nước, nhà cầm quyền VN còn ngang nhiên chà đạp lên luật pháp quốc tế và luật pháp của nước khác mà vụ bắt cóc cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh ngay giữa Berlin vào tháng 7.2017 là một bằng chứng. Trong công văn của Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức về quan hệ Việt Nam - Đức, công bố ngày 2.8.2017, đã phải tuyên bố: đây là một “hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có tiền lệ.” (“Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh”, BBC).

Vụ bắt cóc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai quốc gia. Chính phủ Đức đã cho điều tra và nắm được những bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi, với sự tham gia của bao nhiêu nhân vật trong giới công an, tình báo, lãnh sự quán VN tại Đức….mà nổi bật là Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, người được cho là chỉ huy vụ bắt cóc, Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cũng bị coi là dính líu tới vụ việc.

Ông Lubomir Zaoralek, trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech, tại một buổi tranh luận của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech hôm 21.6, đã phát biểu: "Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu" của nước này. Czech là quốc gia “vô tình” bị dính líu vào vụ bắt cóc, khi tin tức cho biết Trịnh Xuân Thanh được chở từ Berlin sang Prague, thủ đô cộng hòa Czech, sau đó được đưa lên máy bay chở về VN. Chính phủ Đức đã đựa ông Nguyễn Hải Long, một người Việt cư ngụ tại Cộng Hòa Czech, bị cáo buộc có liên quan tới vụ việc và các hoạt động gián điệp, ra xét xử từ ngày 24.4 tại Berlin. Sau gần 3 tháng xét xử, ông Nguyễn Hải Long đã nhận tội tham gia trợ giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bị Tòa án Đức tuyên án 3 năm 10 tháng tù vào ngày 25.7 vừa qua.
Việc Nguyễn Hải Long nhận tội chẳng khác nào một cái tát vào mặt nhà cầm quyền VN khi họ cứ leo lẻo chối rằng không hề có vụ bắt cóc, mà Trịnh Xuân Thanh đã tự giác về nước đầu thú!

Bộ mặt khủng bố của nhà cầm quyền VN bị lột trần trước công luận thế giới. Có lẽ sau vụ này, nhà cầm quyền sẽ “rút kinh nghiệm” với bên ngoài, nếu có làm những vụ tương tự thi sẽ kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn (?!) nhưng còn với nhân dân trong nước thì họ vẫn sẽ tiếp tục ngang nhiên sử dụng bạo lực và mọi biện pháp tàn bạo, hèn hạ khác mà thôi!

07/26/2018  

Vía Mẹ Quán Thế Âm - Đỗ Công Luận

Monday, July 30, 2018

Người Hay Ngợm!?


Thời trang trẻ (new fashion) theo mode "nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi"! 

Lượm trên mạng

Nhân Sinh Một Kiếp Ngược Xuôi Vất Vả, Chẳng Qua Chỉ Gói Gọn Ở 10 Câu Nói Này

Hiểu Sai Về Hạn Sử Dụng - Sai Lầm Vứt Bỏ Thực Phẩm Phẩm Và Thuốc


Vì hiểu sai về hạn dùng, 90% người  Mỹ ngay cả người Việt Nam cũng vậy! Họ đã phạm sai lầm là vứt bỏ thực phẩm và thuốc quá sớm.

1/. Thực phẩm
Họ nghĩ rằng thực phẩm sẽ không còn dùng được sau ngày qui định đó, trong khi thật ra ý nghĩa đúng nhất mà các nhà sản xuất muốn nói đến là thực phẩm sẽ đạt tình trạng tươi tốt nhất vào ngày qui định trên nhãn hiệu, chứ không phải là sẽ bị hư hỏng ngay sau ngày đó. 

Một cuộc nghiên cứu do ban bảo vệ nguyên liệu thiên nhiên phối hợp với ban quy định điều lệ thực phẩm của đại học Harvard cho thấy phần đông người tiêu dùng thường lẫn lộn về ý niệm “bán đến ngày” (sell by), “tiêu thụ đến ngày” (use by), “dùng tốt nhất trước ngày” (best before).

Theo bà Dara Gunders, một trong những người tham gia cuộc nghiên cứu trên thì ý niệm lệch về ngày tháng hết hạn khiến cho biết bao thực phẩm và nguyên liệu để chế biến chúng đã bị lãng phí vì ai cũng sợ ăn vào sẽ mang bệnh. 25% người dân thậm chí còn vứt bỏ thực phẩm sớm hơn ngày quy định.

Nhóm nghiên cứu trên nghĩ rằng nguyên nhân gây ra sự lẫn lộn chính là vấn đề thiếu sót của liên bang trong việc xác định tiêu chuẩn từng nguồn thực phẩm, đưa đến sự tự tiện ra luật lệ ở cấp tiểu bang về cách đánh giá thực phẩm và cách ghi ngày tháng hạn định trên bao bì.



Nói cách khác như bà Dara Gunders nhận định thì thật là một việc rối nùi, mà hậu quả gây ra khiến cho hằng năm có 40% thực phẩm còn tốt không được sử dụng tới, trị giá lên đến 165 tỉ đô la, tính bình quân ra là 455 đô la lãng phí đối với một  gia đình 4 người.
Cũng theo các nhà nghiên cứu thì trong khi họ đang đề nghị các bộ ngành thực phẩm phải có một công thức chuẩn mực rõ ràng về thời hạn, cách tốt nhất đối với người tiêu dùng là tự tìm hiểu cấu trúc thực phẩm và cách bảo quản, tồn trữ của từng loại thức ăn, trong đó một kiến thức quan trọng là cách xử dụng hữu hiệu  tủ lạnh để vừa bớt tốn điện vừa kéo dài sự tươi tốt của thực phẩm.


2/. Thuốc

Hàng năm người Hoa Kỳ đã liệng đi cả tỷ bạc Mỹ Kim thuốc Tây mà nhãn hiệu của các nhà bào chế nói là “quá hạn” theo lời dặn là phải của các dược sĩ là phải vứt đi.
Sự thật như thế nào?
Có phải liệng đi những thuốc “bị quá hạn” không?
Có đúng là thuốc “bị quá hạn” sẽ hết hiệu nghiệm hay là sẽ “hư hại” sau ngày “quá hạn” dán ngoài hộp thuốc?
Gerald Murphy, là một dược sĩ nay đã về hưu hiện cư ngự tại Ormond Beach, TB Florida không nghĩ như thế. Ông ta nói rằng đa số các thuốc “quá hạn” vẫn còn tốt và hiệu nghiệm nhiều năm sau ngày “hết hạn”, mà do các hãng dược phẩm “cố ý” dán vào bao thuốc, để bắt người tiêu thụ phải mua thuốc mới để kiếm tiền mà thôi.

Ông đã trải qua cả chục năm tranh đấu cho việc “đặt để ngày hết hạn thuốc” phải dựa trên tiêu chuẩn khoa học chứ không phải dựa theo “chu kỳ” do các hãng dược phẩm tự ý “chọn lựa” được. Tại nhiều Tiểu Bang các dược sĩ tự động “cho” một ngày quá hạn khác – nhiều khi sớm hơn ngày quy định của các hãng bào chế nữa. Ông nói: “Họ làm tiền bằng cách khuyến khích người tiêu thụ liệng đi những thuốc hãy còn tốt, để mua thuốc mới.”
Ông Murphy được một “thắng lợi nho nhỏ” năm 2005, là Quốc Hội Florida đã nói với Hiệp Hội các dược sĩ Florida là “Không cần phải ghi ngày quá hạn trên các hộp thuốc nữa” như họ đã làm từ năm 1993.
Ông Murphy không phải hành động đơn độc. Cơ quan Quản Trị Thực Phẩm, Thuốc Men Hoa Kỳ ( US Food and Drug Administration=FDA ), trong những thử nghiệm cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, đã xác nhận rằng đa số các thuốc tây bán theo toa bác sĩ, hay bầy bán tại các tiệm thuốc vẫn còn hiệu nghiệm và an toàn rất lâu sau ngày “quá hạn” của các nhà bào chế. ( The U.S. Food and Drug Administration, in tests for the Defense Department has determined that most prescription and over-the-counter drugs remain safe and effective long after the manufacturer’s expiration date – in some cases, may years longer.)

Nhưng khảo cứu của cơ quan FDA không kể đến những thuốc để trong những phòng tắm có hơi ẩm hay trong xe nóng bỏng mùa hè. Bà Mary L. Euler, phụ tá khoa trưởng tại trường Đại Học Dược Khoa Missouri tại Kansas City, và là phát ngôn viên của Hiệp Hội Dược Phẩm Hoa Kỳ nói:
“Tôi có nghĩ rằng một cuộc khảo cứu rất cần thiết để tìm hiểu rõ về vần đề này không? – Tôi tin chắc chắn như vậy”
Năm 2001 Hiệp Hội Dược Sĩ Toàn Quốc Hoa Kỳ yêu cầu kỹ nghệ bào chế thuốc Tây đầu tư vào việc nghiên cứu kia, nhưng không được trả lời. (*)
Dân Biểu CH-Tb Pennsylvania là Tim Murphy đã yêu cầu cơ quan FDA cho một ban chuyên viên nghiên cứu riêng về vấn đề “quá hạn này”.
Ông nói: “Có cái gì rõ ràng là không ổn. Ngay bây giờ, các ngày quá hạn đều do các nhà bào chế thuốc tự động quy định, làm sao mà biết được thực hư?”

Ông Armon Neel Jr, một dược sĩ tại Griffin TB Georgia mà công tác đặc biệt là xem xét lại các loại thuốc dùng trong các nhà dưỡng lão và phải ký giấy huỷ bỏ các loại thuốc “hết hạn” quả làm lòng ông không yên ổn.
Ông nói: ” Thấy thuốc bị đưa vào lò đốt đi – cả triệu triệu Mỹ Kim – thật không đúng chút nào hết. “
Các bệnh nhân nào nếu còn thuốc dư, mà nghĩ rằng hãy còn tốt thì nên hỏi bác sĩ riêng của mình.
(*) .- Các nhà bào chế làm thinh là đúng quá rồi, vì chạm đến túi tiền của họ. Bệnh nhân và người tiêu thụ phải vứt thuốc cũ đi để mua thuốc mới thì họ được lợi bao nhiêu? Nên nhớ rằng mỗi năm có hàng ngàn dự luật “làm lợi” cho người dân Hoa Kỳ bị “nằm chết” trong các hộc bàn của các vị Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ, nhất là các vị được làm Trưởng Ban hay Trưởng Tiểu Ban.


Ví dụ điển hình là “Dự Luật cho người dân Hoa Kỳ mua thuốc từ bên Canada giá rẻ bằng 1/10 giá thuốc ở Mỹ” đã chết thảm vì sự “chống đối mãnh liệt” (chạy chọt vận động – lobby) của các hãng bào chế Hoa Kỳ và Hiệp Hội Dược Sĩ Mỹ.
Việc đề nghị hỏi các ông bác sĩ gia đình cũng không xong, vì mấy vị bác sĩ này không có rành về thuốc lắm vả lại họ còn sợ bị đưa ra tòa nữa, nếu “cho phép” bệnh nhân dùng thuốc cũ rồi sau này sinh chuyện không lành.


Brad Mackee /AARP Bulletin

Gãy Kiếm Lưng Trời - Đỗ Công Luận

Cơm Nguội - Tiểu Tử


Ông già đó lái xe đưa hai thằng cháu nội sáu bảy tuổi đi ăn MacDonal's.
Bữa nay chúa nhựt, vợ chồng thằng con ông không có đi làm, nhưng vì phải đi dự đám cưới của một người bạn vào buổi trưa nên thằng con ông nhờ ông đến nhà vừa giữ nhà vừa trông chừng hai đứa nhỏ.

Nó đã điện thoại cho ông hôm tuần trước để…"xí chỗ" bởi vì nó biết hai đứa em của nó lâu lâu cũng nhờ ông làm như vậy.
Nhà ông chỉ cách nhà của các con ông có ba bốn chục phút xe hơi – nếu xa lộ không bị kẹt – nên việc đi lại không gây nhiều phiền phức.
Ông sống một mình, thành ra khi đứa con nào cần, gọi ông là ông " ừ " !
Trừ phi ông đã hẹn lỡ với mấy ông bạn già đi đánh bài ở nhà ông nào đó, hay đi ăn phở ở khu 13 chợ tàu Paris…
Giữ hai đứa cháu đến bốn giờ chiều vẫn chưa thấy cha mẹ chúng nó về.
Giờ này phải cho chúng nó ăn cái gì – quen giữ mấy đứa cháu nên ông rành thông lệ đó.
Ông đề nghị đưa chúng nó đi ăn MacDo's, hai đứa vỗ tay nhảy cẫng reo mừng.
Vậy là ông chở chúng nó đi, sau khi viết ít chữ để lại trên bàn ăn cho vợ chồng thằng con ông biết.
Nhà hàng nằm ngoài đồng nên có sân chơi rộng lớn với nhiều đu và cầu tuột.
Giờ này thật đông khách, nhứt là trẻ con. Nhờ có bãi đậu xe mênh mông nên ông già không phải khó khăn tìm chỗ.
Vừa xuống xe, hai thằng nhóc chạy thẳng ra sân chơi.
Ông già nói vói theo bằng tiếng Việt :
- Hai đứa muốn ăn cái gì để ông nội lấy.
Hai đứa không quay đầu lại nhưng nói to bằng tiếng Pháp :
- Hamburger và coca.
Ông lại hỏi :
- Không lấy happy meal hả ?
Hỏi như vậy, vì thông thường trẻ con hay lấy món đó để có đồ chơi.
Tụi nhỏ vừa trèo lên cầu tuột vừa nói lớn bằng tiếng Pháp :
- Không ! Cái đó của con nít !
Ông bật cười, vừa chửi thầm "cha tụi bây" vừa bước vào trong.
Nối đuôi một lúc rồi ông mang mâm đồ ăn ra ngồi ở một cái bàn ngoài sân dưới nắng, cho ấm.
Hai thằng cháu nội của ông đang chơi cầu tuột, la hét bằng tiếng Pháp, om sòm.
Trong đám trẻ tóc vàng, chúng nó tóc đen mắt hí nên dễ thấy. Ông nhìn theo tụi nó trèo lên tuột xuống, chen chúc với bầy tây con mà ông thấy thương.
Hai thằng cháu nội của ông chỉ hiểu chớ không nói được tiếng Việt.
Tiếng Việt, tụi nó nói được có hai tiếng " ông nội".( Đó là bây giờ, sau khi được ông sửa nhiều lần.
Chớ hồi còn bốn năm tuổi, tụi nó gọi ông bằng " ông nại", nghe thấy cười lắm !)
Thành ra, trong đối thoại giữa ông cháu, tụi nó nói tiếng Pháp, còn ông thì dùng tiếng Việt.
Ông nghĩ :" Cứ bắt tụi nó phải nghe tiếng Việt, kẻo không chúng nó sẽ quên.
Rồi mình sẽ đốc thúc ba tụi nó đưa tụi nó đi học nói và học viết nữa".
Một lúc sau, thấy hai đứa nhỏ chơi đủ lâu, ông đứng lên vẫy tay gọi :
- Tí ! Tú ! Lại ăn nè !
Tụi nhỏ còn ráng tuột thêm hai lần nữa rồi mới chạy vào, mặt mày đỏ ửng, mồ hôi mồ kê.
Ông nói :
- Vô toa-lét rửa tay rửa mặt rồi ra ăn.
Hai đứa gật đầu nhưng vẫn cầm ống hút chọc lủng nắp ly giấy, hút vài ngụm coca trước khi hí hửng đi vào bên trong.
Ông mỉm cười nhìn theo mà nghe tình thương dào dạt trong lòng
…Ông nhớ lại ở bên nhà hồi xưa, hồi thời mà cha chúng nó bằng tuổi chúng nó bây giờ, ông cũng hay dẫn đi " ăn cái gì " lúc bốn năm giờ chiều chúa nhựt.
Mà ở Việt Nam đâu cần phải lái xe đi cả chục cây số như ở xứ Pháp này.
Cứ thả bộ ra đầu ngõ là có đủ thứ để " bỏ bụng " : cháo lòng, mì, phở
…Hồi đó, khi được dẫn đi ăn, cha chúng nó cũng có bộ mặt hí hửng giống như tụi nó bây giờ.
Vậy mà cũng đã gần bốn chục năm…
Hai đứa nhỏ trở ra ngồi vào bàn ăn hamburger.
Thằng lớn, tên Tí, để ý thấy ông nội không có hộp MacDo's nào hết, bèn hỏi :
- Ông nội không ăn gì à ?
- Không, ông không có đói.
Ông cầm cái ly giấy đựng cà phê đưa lên :
- Ông uống một cái cà-phê là đủ rồi.
Thằng nhỏ, tên Tú, chen vào, miệng còn ngồm ngoàm hamburger :
- Mấy người già kỳ cục lắm !
Ăn uống không giống ai hết !
Thằng anh rầy :
- Nói bậy !
Mày nói như vậy là không có lễ độ !
Rồi nó lên giọng người lớn để dạy em, nói chậm rãi :
- Người ta nói : mấy người lớn tuổi không biết cách ăn uống. Mầy hiểu chưa ?
Ông bật cười, chửi đổng " Cha mầy " !
Thằng Tí không hiểu tiếng chửi đó nên hỏi :
Ông nội nói cái gì vậy ? " Cha mầy " là nghĩa gì ?
Ông đưa tay gãi cổ, tìm cách giải nghĩa :
- Ờ…ông muốn nói…Nghĩa là…Nghĩa là…
Thấy ông nội nó có vẻ gặp khó khăn trong tiếng Việt, thằng Tí đề nghị :
- Ông cứ giải nghĩa bằng tiếng Pháp đi, có lẽ dễ hơn đó !
Ông gật đầu, nói bằng tiếng Pháp :
- Ông muốn nói rằng…muốn nói rằng là … con dễ thương !
Thằng tí gật đầu - Merci ! Merci !
Thấy thương quá, ông chồm qua mặt bàn hôn lên má phinh phính của nó. Thấy vậy thằng em đòi :
- Còn con ! Còn con !
Ông bèn đưa tay ôm hai cái đầu cụng lại rồi hôn chúng nó trơ trất. Hai đứa rụt cổ cười lên hắc hắc.
Trong khoảnh khắc đó, ông già cảm thấy không còn sự sung sướng nào bằng…
Ăn xong, thằng Tí xin phép ông nội cho tụi nó tiếp tục chơi một lúc nữa.
Ông vén tay áo nhìn đồng hồ rồi gật đầu. Hai đứa nhỏ vừa chạy đi vừa nói nửa tiếng tây nửa tiếng ta :
" Merci ông nội !".
Ông mỉm cười nhìn theo một lúc rồi mới đi vào bên trong lấy thêm một ly cà phê.
Ngồi vào bàn, ông vừa nhăm nhi vừa nhớ lại thời ông còn nhỏ. Hồi đó, ông ở dưới quê với bà ngoại.
Chiều nào đi học về, cũng bước vào bếp bốc một cục cơm nguội to bằng nắm tay rồi ra ngồi ngoài hiên ăn với miếng đường mía màu nâu sặm đen nhỏ bằng ngón chân cái.
Vậy mà sao ngon vô cùng !
Và ngày nào cũng vậy.
Hể nghe đói – ngoài hai bữa cơm chánh – là cứ vô bếp lục cơm nguội.
Lúc nào nấu cơm, bà ngoại cũng nấu nhiều.
Bà nấu trong cái nồi đất và không biết nấu cách nào mà khi nguội cơm dính vào nhau chớ không bời rời.
Cho nên chỉ cần cầm chiếc đũa bếp xắn xuống một cái là có ngay một cục cơm gọn bân !
Nồi cơm nguội luôn luôn nằm trên đầu ông táo. "
Để kiến đừng bò vô, vì kiến sợ tro bếp". Hồi đó nấu bếp bằng củi nên bếp đầy tro.
Lâu lâu, bà ngoại có hốt tro đổ bớt, nhưng vẫn chừa lại một lớp dầy để giữ than cho âm ỉ dùng " ghế" nồi cơm.
Bà giải nghĩa :
" Sôi vừa cạn nước là dập tắt lửa ngọn rồi cời than với tro ra khỏi chưn ông táo, bắc nồi cơm xuống đặt lên đó cho gạo nở. Như vậy kêu là ghế nồi cơm.
Nấu cơm ngon hay không ăn thua ở cái chỗ biết ghế hay không biết ghế. Chỉ có vậy thôi !".
Bà coi chuyện nấu cơm trong nồi đất và bằng lửa củi là chuyện dễ ợt.
Điều quan trọng đối với bà ngoại là phải nấu dư dư ra một chút.
"Cho thằng nhỏ nó có cơm nguội nó ăn".
Nói như vậy chớ thỉnh thoảng bà cũng cho "thằng nhỏ" một khúc khoai mì hay một củ khoai lang
…Những thứ không phải hiếm – nhứt là ở vùng quê – nhưng vì nhà nghèo nên những thứ như vậy cũng trở thành hiếm hoi cho lúc đói lòng của " thằng nhỏ"
…Nghĩ đến đó, ông già buông tiếng thở dài. Sao mà có thể nghèo như vậy được ?
Bà ngoại chỉ có mấy nọc trầu, vài hàng cau, đôi ba cây ổi cây mít…
Ngần đó thứ chỉ đủ cho hai bà cháu có hai bữa cơm rau khô mắm hằng ngày.
Vậy mà bà ngoại cũng ráng nuôi cho ông đi học. " Cái thứ mồ côi, Trời bù cho cái khác.
Thằng nhỏ sáng dạ học giỏi, bắt nó ở nhà chăn trâu sao đành".
Vậy là ông phải cắp sách đến trường như mọi đứa trẻ khác và chiều về nếu không có củ khoai thì vẫn còn có nồi cơm nguội...
Thành ra, cơm nguội đối với thằng nhỏ nghèo là ông hồi đó, lúc nào cũng có giá trị như hamburger của hai thằng cháu nội của ông bây giờ.
Còn hơn thế nữa là nhờ có cơm nguội mà ông đã đi hết bậc tiểu học một cách trơn tru rồi sau đó thi đậu học bổng vào trường lớn ở Sàigòn, cũng dễ dàng như bà ngoại nấu cơm trong nồi đất !
Ông già vén tay áo xem đồng hồ rồi đứng lên gọi :
- Tí ! Tú ! Về, tụi con !
Hai đứa chạy lại mang mâm hộp không ly không dẹp vào trong rồi theo ông nội chúng nó ra xe.
Về đến nhà thì ba mẹ của hai thằng nhỏ cũng đã về rồi. Ba chúng nó hỏi bằng tiếng Việt :
- Tụi con đi chơi có vui không ?
Hai đứa gật đầu. Thằng Tí giành nói :
- Ông nội cho tụi này chơi cầu tuột, chơi đu, lâu thật lâu. Đã luôn !
Ba chúng nó quay sang ông già :
- Tụi nó có ngoan không, ba ?
- Ngoan chớ. Dễ dạy lắm.
Mẹ chúng nó vừa đưa cho mỗi đứa một cái bánh sô-cô-la vừa nói bằng tiếng Pháp:
- Mẹ tưởng tụi con không có đi ra ngoài nên mẹ mua bánh cho tụi con đây.
Hai đứa vừa ôm mẹ hôn vừa nói
" Cám ơn ! Cám ơn !" tía lia. Thằng Tú bẻ cái bánh của nó ra làm hai rồi đưa phân nửa cho anh nó :
- Ăn với Tú nè !
Để dành cái bánh của Tí lát nữa ăn !
Thằng anh vui vẻ cầm lấy phần bánh nói " merci" rồi vừa hôn lên má em vừa nói bằng tiếng Việt :
Cha mầy !
Mẹ nó giật mình, trừng mắt, la lên bằng tiếng Pháp :
- Tí ! Sao con chửi nó ?
- Con đâu có chửi. Con nói nó dễ thương mà !
- " Cha mầy " là tiếng chửi đó !
- Hồi nãy, ông nội nói " cha mầy là dễ thương " !
Ông già bật cười trong lúc mọi người đều ngạc nhiên nhìn ông không hiểu. Ông nói :
- Ờ ! Hồi nãy ba có giải nghĩa như vậy khi thằng Tí nói một câu dễ thương.
Thật ra, hai tiếng đó tùy trường hợp và tùy cách nói mà thành tiếng chửi hay tiếng mắng yêu, tụi con hiểu không ?
Mẹ chúng nó quay sang hai con, nói bằng tiếng Pháp :
- Tiếng đó chỉ có người lớn mới có quyền dùng thôi. Tụi con không được nói, nghe chưa ?
Thằng Tí gật đầu, rồi vừa kéo thằng em đi vào trong vừa càu nhàu :
- Ồ…tiếng Việt Nam rắc rối quá !
Mấy người lớn nhìn nhau mỉm cười. Ông già nói, giọng nghiêm trang :
- Ba nghĩ tụi con nên sắp xếp thì giờ để chở tụi nhỏ đi học nói và học viết tiếng Việt. Ở Paris thiếu gì chỗ dạy.
Ngoài ra, ba cũng muốn nhắc tụi con thường xuyên nói tiếng Việt với chúng nó thay vì dùng tiếng Pháp.
Để cho chúng nó đừng quên. Mình đi lưu vong, bỏ hết mất hết.
Chỉ còn có tiếng nói mang theo mà cũng để cho mất luôn…thì mình sẽ thành ra cái giống gì, hả các con ?
Giọng ông già bỗng như nghẹn lại.
Ba mẹ tụi nhỏ chừng như xúc động , làm thinh. Yên lặng một lúc, mẹ thằng Tí vừa đi vào bếp vừa nói :
- Để con đi làm cơm. Ba ở lại ăn với tụi con nghen.
- Không, con. Chơi một chút rồi ba về.
Ba tụi nhỏ rót trà vào tách đưa cho ông già :
- Biết ba thích uống trà nên con có pha sẵn bình Ô long cho ba đây.
- Ờ…Cám ơn con !
Ông già hớp một hớp, đặt tách xuống, gật gù :
- Ùm…Ngon !
Rồi ông tiếp :
- Hồi nãy, ở ngoài Mac Do's, tự nhiên sao ba nhớ lại ba hồi nhỏ. Hồi đó, vì nghèo nên ba đâu có quà bánh gì để ăn.
Ba chỉ biết có cơm nguội ăn với đường mía, loại đường cục đậm đen nhìn không thấy thèm mà khi cắn vô mùi mật mía thơm phức làm tươm nước miếng.
Ông già ngừng nói đưa tách lên môi hớp một hớp trà, làm như ông vừa bắt gặp lại vị ngọt đậm đà của cục đường đen và ông cần một hớp trà để đẩy đưa cho hậu vị…
Người con ông ngồi đối diện, uống trà trong im lặng. Anh biết cha anh đang sống lại với dĩ vãng nên không dám làm xáo trộn giòng suy tư của cha.
Ông già nói tiếp :
- Hồi thời đó bà ngoại của ba nấu cơm trong nồi đất, nhúm lửa bằng giăm bào, chụm bằng củi.
Muốn cho lửa bắt phải hít hơi đầy phổi rồi dùng ống trúc mà thổi nhiều lần.
Ống trúc đó gọi là " ống thổi". Khi sử dụng, phải để ý. Bởi vì ống thổi có một đầu sạch và một đầu dơ.
Đầu sạch là đầu mà mình chúm môi kê vào để thổi, còn đầu dơ là đầu mà mình thọc vào chỗ có lửa.
Đầu đó luôn luôn bị cháy nám đen và dính tro bụi.
Người không biết, thổi ở đầu dơ, một lúc sau mồm mép dính lọ đen thui mà không hay !
Ông già khịt mũi cười rồi mới tiếp :
- Rồi phải đợi cơm sôi để hạ lửa, sớm một chút là cơm nhão, trễ một chút là cơm khê.
Nấu cơm cực lắm chớ không phải như bây giờ nấu bằng nồi điện, chỉ cần nhận có cái nút !
Ông ngừng nói, cầm tách lên hớp mấy hớp trà. Ba thằng Tí cũng đẩy đưa :
- Như vậy mới là tiến bộ, chớ ba.
- Dĩ nhiên. Đó là điều cần thiết cho cuộc sống. Bây giờ mà bắt mấy bà mấy cô nấu cơm bằng nồi đất, bằng lửa củi…chắc họ nổi loạn !
Ba muốn nhắc lại chuyện nấu cơm hồi trước là để cho con thấy trong hột cơm hồi đó có chút công sức
của người nấu, có chút tình người làm cho hột cơm có giá trị hơn hột cơm " nhận nút " của thời bây giờ.
Chỉ có vậy thôi.
Ông già ngừng nói, nhìn thằng con một chút rồi tiếp :
- Nhưng chuyện mà ba muốn nói ở đây là chuyện " cơm nguội" . Cơm nguội là một thứ chẳng có gì hấp dẫn !
Cho dù nó có nằm trong nồi đất hay trong nồi điện gì, nó cũng không gợi thèm như tô phở hay tô mì.
Nó không có chỗ đứng trong hàng quà bánh. Chẳng ai để ý tới nó hết !
Vậy mà khi mình đói và chẳng có gì ăn thì cục cơm nguội lại trở thành " có giá" !
Nó như loại bánh xe xơ-cua của xe hơi : bình thường chẳng ai nhìn đến, nhưng khi bị xẹp bánh mới thấy cái bánh xơ-cua, dù đã mòn lẵn, thật hữu ích vô cùng.
Ông già lại ngừng nói, tự tay rót trà vào tách, chậm rãi như để cho thằng con có thời giờ " thấm " những gì ông muốn nói. Sau một hớp trà, ông tiếp :
- Con thấy không ?
Cục cơm nguội cũng có cái giá trị của nó đó chớ ! Ngoài ra, khi ăn cục cơm nguội, đối với những ai chỉ biết nồi cơm điện chớ chưa từng biết cái nồi đất như tụi con chẳng hạn, thì cục cơm nguội chẳng gợi lên hình ảnh gì khác.
Nhiều lắm là chỉ gợi lên hình ảnh cái bánh xơ-cua thôi !
Còn như đối với những người như ba, nhai cục cơm nguội là nhớ công ơn người thổi lửa nấu cơm nuôi mình. Nhai cục cơm nguội là nhớ cái gốc nghèo của mình.
Cái gốc mà từ đó ba đã cố gắng vươn lên để về sau, ở Sàigòn, tụi con mới có đủ thứ quà bánh bỏ vào bụng khi cần, và để bây giờ, ở đây, tụi thằng Tí thằng Tú mới có hamburger . Con thấy không ? Cơm nguội đâu phải chỉ là cơm nguội !
Dứt lời, ông già đứng lên cầm tách trà uống một hơi. Ông đặt tách xuống rồi nhìn ra ngoài :
- Thôi, ba về kẻo tối. Già rồi, mắt mũi dở lắm, con à.
Rồi ông hướng vào trong, nói lớn :
- Ông nội về nghe tụi con !
Tụi nhỏ ló đầu ra cửa buồng nói nửa tiếng Pháp nửa tiếng Việt " Au revoir Ông Nội".
Có tiếng mẹ chúng nó từ trong bếp vọng ra
:" Dạ ! Ba về. Lái xe cẩn thận nghen ba !"
Ra đến cửa, ông già đưa tay bắt tay thằng con. Anh ta cầm tay cha, vừa siết mạnh vừa nói :
- Cám ơn ba ! Cám ơn !
Trong cái siết tay đó, hình như người con muốn nói lên một điều gì…
Anh ta đưa ông già ra xe, đứng nhìn theo chiếc xe đi lần ra ngõ trong ánh hoàng hôn chập choạng.
Xe đã đi khuất mà anh ta vẫn còn nhìn theo hướng đó, ân hận sao hồi nãy mình không nói được một lời gì để cho cha hiểu rằng mình thương cha vô cùng…thương vô cùng…
Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng.
Bỗng ông thở dài, lẩm bẩm
:" Mình, bây giờ, cũng chỉ là một thứ cơm nguội đối với các con.
Tụi nó chỉ phone tới, khi nào tụi nó cần…"
Con đường trước mặt ông sao thấy như dài thăm thẳm…

Tiểu Tử

Hè Xưa Phượng Đỏ - Trầm Vân

Xét Một Người Có Giáo Dưỡng Hay Không, Chỉ Cần Nhìn Vào Thói Quen Tiểu Tiết


Khi mà thói quen của bạn tạo thành khó xử cho người khác, thì bạn cần phải biết thu lại, dừng đúng lúc, bởi như vậy mới là biểu hiện của một người có giáo dưỡng.

Thói quen thường ngày ẩn chứa sự giáo dưỡng của bạn
Một lần, tôi cùng với chồng lái xe đi giải quyết chút việc, vừa khéo gặp phải mấy người bạn thân của anh ấy muốn đi nhờ xe. Vì phép lịch sự, tôi nhường chỗ ngồi phía sau cho họ, còn tôi thì lên trên ngồi cùng với chồng. Một người bước lên xe liền cởi giày ra ngồi ở đó, nói là đi đường mệt rồi muốn thoải mái một chút.

Một người bạn trông khá anh tuấn trong đó, hình như là giới thân sĩ, thì không cởi giày. Ông ấy mặt mày hớn hở kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chuyện trên đời không chút ngại ngùng, có thể nói là một người khá hài hước thú vị. Chỉ là khi nói đến chỗ cao hứng, ông ấy cũng cởi giày ra, hai chân xếp bằng ngồi trên ghế, tiếp tục thao thao bất tuyệt, còn tôi thì lại mù tịt không biết gì.

Vấn đề ở chỗ ông ấy không chỉ chân không ngồi ở đó nói chuyện, đôi lúc còn dùng tay gãi chân, một mùi vị quái lạ ập đến xông thẳng vào mũi, khiến tôi chỉ có thể nín thở. Khó khăn lắm mới gắng gượng đến khi họ xuống xe. “Mấy người bạn này của anh thật không có giáo dưỡng gì, ngồi ở trong xe cởi giày không nói, lại còn gãi chân, thật là tiếc cho cái vẻ ngoài đẹp đẽ đó”, tôi nói.

Một người có giáo dưỡng sẽ thể hiện ra hành xử ở mọi lúc mọi nơi. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Họ chỉ là theo thói quen mà thôi, em hà tất phải kinh ngạc chứ”, chồng tôi đáp lời. Tôi nói thẳng: “Em nào phải kinh ngạc gì chứ, hành vi của họ căn bản không hề nghĩ đến cảm nhận của người khác chút nào, chỉ mong bản thân thoải mái dễ chịu, không chỉ không có giáo dưỡng, mà cũng rất tự tư nữa”.
Bên trong thói quen ẩn chứa sự giáo dưỡng, vậy nên đừng để nó đánh mất đi hình ảnh của bạn

Khi đề cập đến vấn đề này, thông thường ta sẽ được nghe trả lời “Tôi đã quen như vậy rồi”, dường như thói quen đó đã trở thành tự nhiên nên họ căn bản không nghĩ đến những điều khác nữa, nhưng nó khác nào việc chỉ nghĩ cho bản thân.

Với những người như vậy, thay vì nói những hành vi đã quen với bản thân họ, chi bằng hãy bảo là trong thói quen thiếu đi sự giáo dưỡng. Bởi một người có vài thói quen nguyên rất bình thường, nhưng khi mà thói quen của bạn tạo thành phiền phức cho người khác, thì nên biết dừng lại đúng lúc, hoặc là bớt phóng túng lại, đây mới là biểu hiện của một con người có giáo dưỡng.

Lối sống tốt, ẩn chứa sự giáo dưỡng tốt đẹp
Kỳ nghỉ công ty tôi cùng với mấy người bạn ra bên ngoài du lịch, buổi tối thuê trọ trong một khách sạn khá cao cấp. Bởi leo núi gần cả ngày trời, chúng tôi đều rất mệt, vậy nên tắm gội qua loa một chút rồi đi ngủ luôn.

Sáng hôm sau ngủ dậy, bắp chân vẫn đau nhức đến run cả lên, đứng cũng chẳng vững. Hà, cô bạn thân ở cùng chúng tôi, tuy chân cũng đau, nhưng vẫn gắng gượng quét dọn một mớ hỗn độn dưới sàn, cho tất cả các loại vỏ trái cây, hạt dưa, khăn giấy và vỏ chai chúng tôi ăn trước khi ngủ vào tối qua vào trong cái túi bóng rồi để vào trong thùng rác.
Một lát nữa sẽ có nhân viên phục vụ đến quét dọn, sao phải tự làm khổ mình vậy chứ“, tôi nói với Hà.
“Tiện tay thì dọn dẹp thôi, cũng không mất bao nhiêu thời gian mà, vừa khéo hoạt động hoạt động gân cốt một chút“, Hà cười nói.
Với thái độ tỉ mỉ, căn phòng đã được quét dọn không còn lại một hạt bụi. Trong lúc tôi đang đi vệ sinh, Hà đã không chỉ gấp lại tấm chăn, ngay đến cả khăn trải giường cũng được làm cho phẳng lại.
Hà này, chúng ta bỏ tiền ở khách sạn mà“, giọng tôi có vẻ trách cứ.
Hà chỉ cười cười, không nói gì cả, cô nàng còn tiện tay dùng giấy vệ sinh thấm ướt nhẹ nhàng dính mấy cọng tóc dài rơi dưới sàn cho vào trong thùng rác.

Lúc gần rời đi, cô ấy sửa sang lại vật phẩm của chúng tôi cho ngăn nắp, sau đó gọi nhân viên phục vụ đến kiểm tra phòng.
Trời ạ, đây là lần đầu tiên tôi gặp qua những vị khách trọ như mọi người đây, căn phòng thật quá sạch sẽ rồi!“. Nhân viên phục vụ kinh ngạc thốt lên, vẻ mặt giống như trúng số vậy.
“Tôi chỉ là theo thói quen thôi, dù là ở đâu, đều thích tiện tay dọn dẹp một chút, chí ít bản thân nhìn vào cũng thấy thuận mắt hơn”, Hà nói khẽ.

Đánh giá sự giáo dưỡng thật sự của một người, kỳ thật chính là ở trong thói quen sinh hoạt của họ. (Ảnh minh họa: istockphoto.com)

Đánh giá sự giáo dưỡng thật sự của một người, kỳ thật chính là ở trong thói quen sinh hoạt của họ. Lối sống tốt ẩn chứa sự giáo dưỡng tốt đẹp của bạn, thói quen sống của một người sẽ đi theo người đó. Thế thì, sự giáo dưỡng của một người cũng chính là thời thời khắc khắc sẽ được thể hiện ra.

Mỗi một người đều có thói quen sống của riêng mình, tuy nhiên thói quen tốt nên tỏ rõ với mọi người, còn những thói quen xấu thì cần phải thu lại hoặc bỏ đi. Nếu không, chỉ nghĩ đến lối sống của mình mà không nghĩ chút gì đến cảm nhận của người khác, thế thì rất khó nói bạn là người có giáo dưỡng.
Có những thói quen có lẽ thật sự không cách nào né tránh được, nhưng nếu biết khiêm tốn đối đãi với nó thì trái lại sẽ được người khác tôn trọng.

Đừng để thói quen của bản thân ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác
Nhà triết học nổi tiếng Kim Nhạc Lâm có đôi mắt rất không tốt. Mắt trái cận thị đến 8 độ, còn mắt phải viễn thị 7 độ. Nếu như trước mặt có chiếc xe chạy đến, ông ấy có thể nhìn thành bảy, tám chiếc xe. Bởi vì đôi mắt không tốt, sợ ánh sáng, cộng thêm cặp kính đeo cũng rất kỳ quặc, là hai màu đen trắng. Do vậy ông phải đội nón thành thói quen, vì để người khác không cảm thấy kỳ quặc, ông còn thường xuyên ép vành mũ xuống rất thấp.

Trước khi lên lớp giảng dạy, ông thường nói với học trò của mình rằng: “Mắt của thầy có tật, chỉ có thể đội nón mà giảng dạy, không thể gỡ ra được, đây vốn không phải là thầy không tôn trọng các trò, mong các trò thông cảm”. Bởi sự khiêm tốn và thành khẩn của ông, nên dù ông luôn đội mũ giảng dạy, học trò chẳng những không có bàn tán, mà trái lại càng yêu mến ông hơn.

Giáo dưỡng, nói một cách đơn giản, vốn không liên quan gì với bối cảnh xuất thân, địa vị xã hội hay học vấn cao thấp, mà là nó có liên quan với việc tu dưỡng đạo đức thường ngày của bạn. (Ảnh minh họa: goodreads.com)

Nhà triết học giống như ông đây, có thể không cần phải giải thích thì cũng chẳng ai dám nói gì, nhưng ông lại không hề làm như vậy, ông không muốn để cho thói quen của mình ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác. Thói quen là của bạn, nhưng hoàn cảnh là của mọi người, khi thói quen của bạn ảnh hưởng đến người khác hoặc tạo thành sự bất tiện đối với người khác, bạn không nên hùng hồn mà phán rằng: “Tôi đã quen như vậy rồi”.

Cái gọi là giáo dưỡng, nói một cách đơn giản, vốn không liên quan gì với bối cảnh xuất thân, địa vị xã hội hay học vấn cao thấp, mà là nó có liên quan với việc tu dưỡng đạo đức thường ngày của bạn.

Tiểu Thiện – Thanh Thanh
www.dkn.tv

Sunday, July 29, 2018

Đánh!


Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào
Đánh cho chết mẹ đồng bào Miền Nam
Đánh cho khoai sắn thành vàng
Đánh cho dép lốp phải mang thế giày
Đánh cho Bắc đọa, Nam đày
Đánh cho thù hận giờ này chưa tan
Đánh cho cả nước Việt Nam
Áo ôm khố rách, xếp hàng xin cho
Đánh cho hết muốn tự do
Hết mơ dân chủ, hết lo quyền người
Đánh cho dở khóc dở cười
Hai miền thống nhất kiếp người ngựa trâu
Đánh cho hai nước Việt Tàu
Không còn biên giới cùng nhau đại đồng
Đánh cho dòng giống Tiên Rồng
Osin, nô lệ, lao công xứ người
Đánh cho chín chục triệu người
Thành dân vô sản, thành người lưu vong
Đánh cho non nước Lạc Hồng
Tiến lên thời đại mang gông mang cùm
Đánh cho cả nước chết chùm
Đánh cho con cháu kh̉́ốn cùng mai sau
Đánh cho bác, đảng, Nga, Tàu
Hết quần hết áo thì ta ở truồng.


Không biết tác giả