Thông thường, ngày 30-4-1975 được giải thích là ngày sụp đổ của Việt
Nam Cộng Hòa, và là ngày “đại thắng mùa xuân” của cộng sản Bắc Việt.
Ngoài hai cách nhìn nầy, còn có một cách nhìn thứ ba mà ít người chú ý
đến.
Trong thập niên 60, khi viếng thăm Việt Nam Cộng Hòa, được hỏi làm
thế nào để chiến thắng cộng sản, Moshe Dayan, danh tướng độc nhãn Do
Thái, đã trả lời như sau: “Bắc Việt sẽ thất trận khi họ chiếm được Sài
Gòn.”(1) Lúc đó, giới báo chí và chính trị Sài Gòn đã bàn tán về câu nói
của Moshe Dayan(1915-1981), nhưng không ai dại gì giao trứng cho ác
(quạ), mà nghĩ đến một giải pháp quá rủi ro là để cho cộng sản chiếm
được Sài Gòn. Cuối cùng, khi cộng sản thật sự chiếm được Sài Gòn năm
1975, một bên buồn quá, cũng như một bên vui quá, nên cả hai phía đều
quên luôn ý kiến của Moshe Dayan.
1.- AI THẮNG AI?
Trong cuộc chiến tranh vừa qua, người cộng sản thường tự hào rằng
chính họ đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Theo biểu kiến bên
ngoài, “Mỹ cút, ngụy nhào” thật đó, nhưng thực sự Mỹ không cút, mà phải
nói cho thật đúng ý nghĩa bối cảnh lịch sử là Mỹ ngưng không tiếp tục
hiện diện ở Việt Nam vì lý do thay đổi chiến lược toàn cầu của họ, và
lực lượng Việt Nam Cộng Hòa không thất trận, chỉ ở thế bắt buộc phải
ngưng súng, ngưng chiến đấu. Việt Nam Cộng Hòa dư biết rằng trong thế
tranh chấp giữa các cường quốc, với sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ,
nếu lực lượng Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục chiến đấu, chỉ làm tổn hại thêm
xương máu của binh sĩ và dân chúng, mà không tránh được sự áp đặt từ
bên ngoài, trong khi Liên Xô và Trung Cộng tung hết vũ khí cho Bắc Việt
và Hoa Kỳ ngưng tiếp liệu quân nhu và vũ khí cho Việt Nam Cộng Hòa.
Sau khi thế chiến thứ nhì (1939-1945) kết thúc, thế giới bước vào
chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do (tư bản) và cộng sản. Khi đắc cử
tổng thống Hoa Kỳ ngày 5-11-1952 thay ông H. Truman, đại tướng D.
Eisenhower tuyên bố rằng chiến tranh Ðông Dương không còn là chiến tranh
thuộc địa mà là “cuộc chiến giữa Cộng sản và thế giới Tự do.”(2) Từ đó,
Hoa Kỳ viện trợ Ðông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng càng ngày
càng nhiều để chống lại Việt Minh cộng sản.
Lúc đó, Hoa Kỳ và các nước Tây phương nghĩ rằng các nước trong thế
giới cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc là một khối chính trị chặt chẻ,
nên tìm tất cả các cách để ngăn chận sự bành trướng của cộng sản. Vì
vậy, sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, Hoa Kỳ quyết định giúp miền
nam Việt Nam để chận đứng làn sóng cộng sản mà cụ thể hơn là sự bành
trướng của Trung Quốc.
Những diễn tiến chính trị trong khối cộng sản sau khi Stalin từ trần
ngày 5-3-1953, và nhất là khi Khrushchew lên cầm quyền, rồi đưa ra chủ
trương sống chung hòa bình giữa các nước không cùng một thể chế chính
trị, hòa dịu với các nước Tây phương năm 1956, thì bắt đầu sự rạn nứt
giữa Liên Xô và Trung Quốc. Lúc đầu mới chỉ lời qua tiếng lại giữa hai
đảng Cộng Sản anh em, sau đó giữa hai nhà nước cộng sản, và cuối cùng
thực sự đánh nhau dọc biên giới đông bắc Trung Quốc, trên sông Ussuri (Ô
Tô Lý giang) năm 1969.
Dựa trên những dữ kiện thực tế đó, các chính trị gia Hoa Kỳ nhận thấy
rằng các nước cộng sản không phải là một khối chặt chẽ, mà họ là những
thực thể riêng biệt, với những quyền lợi mâu thuẫn nhau khá trầm trọng.
Hoa Kỳ không bỏ lỡ cơ hội kiếm cách khai thác mâu thuẫn giữa các nước
cộng sản, đúng ra là giữa Liên Xô và Trung Quốc để làm thế nào ly gián
họ, và tránh cho họ xích lại gần nhau như trước. Vì vậy, người Hoa Kỳ
bắt đầu xét duyệt lại chính sách toàn cầu của Hoa Kỳ
Trong khi đó, nếu Hoa Kỳ càng giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại Bắc
Việt cộng sản, thì Liên Xô và Trung Quốc ở thế cùng liên kết để giúp Bắc
Việt chống lại Hoa Kỳ, tức Hoa Kỳ tạo nên một hoàn cảnh thuận lợi cho
Liên Xô và Trung Quốc tạm gác những mâu thuẫn song phương, để cùng nhau
cứu giúp một nước cộng sản khác nhắm tạo uy tín và hấp lực với các nước
khác, nhất là các nước trong khối không liên kết. Nói cách khác, làm như
thế, chẳng khác gì Hoa Kỳ tạo cơ hội cho hai nước Liên Xô và Trung Quốc
xích lại với nhau. Trên quan niệm địa lý chính trị học (geopolitics),
vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, người Hoa Kỳ còn ngộ ra rằng
“Bắc Việt không thể tàn phá Hoa Kỳ trong vòng nửa giờ, hoặc tiêu hủy các
thành phố, giết một nửa dân số, nhưng với hỏa tiển nguyên tử, Liên Xô
có thể làm được việc đó. Trung Quốc tuy chưa ngang tầm của Liên Xô vì ít
vũ khí nguyên tử, nhưng lại đe dọa phần còn lại của Á châu vì ý hệ
chính trị cứng rắn và vì dân số đông đảo của họ.”(3)
Chẳng những thế, các chính trị gia Hoa Kỳ lúc đó còn đi xa hơn, cho
rằng “hy sinh Việt Nam mới thật là đáng giá. Còn hơn là hao phí thêm
nhiều sinh mạng người Mỹ và hàng tỷ mỹ kim để chống đỡ Việt Nam với
chẳng có hy vọng thắng lợi, tại sao không thỏa thuận thua cuộc để đổi
lấy sự mở cửa của Trung Hoa nhắm làm yếu đi kẻ thù thực sự là Liên
Xoâ.”(4) Chúng ta hãy nghe một nhà ngoại giao kỳ cựu Hoa Kỳ, ông Bill
Sullivan, nguyên là đại sứ Hoa Kỳ tại Lào, lúc đó là thứ trưởng ngoại
giao Hoa Kỳ đặc trách Ðông Á và Thái Bình Dương, sau đó phụ tá và sát
cánh với Henri Kissinger trong các cuộc thương thuyết tại hội nghị Paris
chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng:
“Như thế, tôi đi đến kết luận, và điều nầy ông nghe có vẽ tráo trở, rằng
không thắng cuộc chiến nầy thì chúng ta sẽ khá hơn. Ðặc biệt nữa là
người Trung Hoa đã khai thông với chúng ta, và làm cho người Trung Hoa
tách rời khỏi Liên Xô và nghiêng về phía chúng ta, đối với chúng ta còn
quan trọng hơn nhiều việc chiến thắng ở Việt Nam.”(5)
Ngày 14-4-1971, tại Ðại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh, thủ tướng Trung
Quốc là Chu Ân Lai tiếp đãi và nói chuyện thân mật với đoàn bóng bàn
Hoa Kỳ sang đấu giao hữu với đoàn bóng bàn Trung Quốc theo lời mời của
Tổng cục Bóng bàn nước nầy. Ngày 9-7-1971, cố vấn an ninh quốc gia Hoa
Kỳ là Henri Kissinger có mặt ở Bắc Kinh và được Chu Ân Lai tiếp kiến.
Ngày 25-10-1971, Ðại hội đồng thứ 26 của Liên Hiệp Quốc biểu quyết chấp
nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được giữ ghế đại biểu Trung Quốc thay
cho Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) mà không bị Hoa Kỳ phủ quyết, nghĩa là
Hoa Kỳ cũng bỏ rơi Ðài Loan, đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, để bắt tay
với Trung Quốc. Sau đó, tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon viếng thăm Trung
Quốc một tuần bắt đầu từ ngày 21-2-1972 mà ông Nixon cho rằng đây là
“một tuần lẽ sẽ làm thay đổi thế giới.”(6) Cuộc viếng thăm nầy đưa đến
“Thông cáo chung Thượng Hải” ngày 28-2 theo đó hai bên đưa ra những quan
điểm hoàn toàn khác nhau, chỉ trừ một điều là cùng nhau tôn trọng sự
khác biệt giữa hai bên và hứa sẽ kiếm cách cải thiện bang giao song
phương.
Ðúng như ông Nixon loan báo, cuộc viếng thăm đã đưa đến việc thay đổi
thế giới, bắt đầu từ việc Hoa Kỳ sắp đặt lại chiến lược toàn cầu và Á
Châu, từ đó rút quân dần dần ra khỏi Việt Nam. Mỹ rút quân ra khỏi Việt
Nam theo đúng chiến lược của họ, bởi vì người Mỹ tin rằng “thua trận ở
Việt Nam lành mạnh hơn cho Hoa Kỳ hơn là thắng trận. Rằng thua trận nằm
trong quyền lợi quốc gia. Rằng đó là lợi thế… Ðó là quan niệm cấp tiến
triệt để vào thời đó, rằng thua trận và phó mặc các đồng minh Ðông nam Á
của chúng ta cho số phận của họ, như thế mới đúng là cách làm của chúng
ta.“(7)
Như thế, xét cho cùng, Hoa Kỳ chẳng thua trận, mà Hoa Kỳ chỉ bỏ cuộc ở
Việt Nam để thực hiện việc thay đổi chiến lược toàn cầu quan trọng hơn
đối với họ trong cuộc tranh chấp với Liên Xô. Trong khi tự cho rằng “ta
đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”,(8) thì chính Bắc Việt
đã tiếp tay với người Mỹ để thực hiện kế sách của Hoa Kỳ. Từ đó, Hoa Kỳ
đã thành công trong việc làm sụp đổ khối Liên Xô và Ðông Âu. Như thế,
có thể nói người Hoa Kỳ đã chịu thua mặt trận (battle) Việt Nam, để đại
thắng cuộc chiến tranh (war) toàn cầu, và hiện nay trở thành cường quốc
số 1 trên thế giới.(9)
Ði vào thế chiến lược mới của Hoa Kỳ, về phía Việt Nam Cộng Hòa, dầu
bị Hoa Kỳ bỏ rơi, ngưng viện trợ, và trước sức mạnh của Bắc Việt được
Liên Xô và Trung Cộng giúp đỡ tận “cây kim sợi chỉ”, các chiến sĩ Việt
Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng trong 2 năm sau hiệp định
Paris, chứ không để cho đất nước sụp đổ ngay. Các chiến sĩ Việt Nam Cộng
Hòa không thua bộ đội cộng sản Bắc Việt, mà chỉ buông vũ khí, ngưng
chiến đấu vì nhận thấy rằng trong thế chiến lược mới, các cường quốc
trên thế giới quyết tâm áp đặt một giải pháp chính trị, mà mình cô thế
khó cưỡng chống lại được, tiếp tục chiến đấu chỉ làm tổn hại thêm nhiếu
nhân mạng vô tội, nên cuối cùng lực lượng Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận
ngưng chiến đấu chứ không phải họ thua cuộc.
Trước khi ký hiệp định Paris năm 1973, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã
hứa hẹn, mà không ghi thành văn bản, là sẽ viện trợ Việt Nam 4 tỹ Mỹ kim
để Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh. Tuy nhiên, Bắc Việt
cưỡng chiếm Nam Việt bằng võ lực, đi ngược lại với tinh thần hiệp định
Paris ký kết giữa các bên lâm chiến, và đã được nhiều nước công nhận.
Dựa vào việc Bắc Việt không tôn trọng hiệp định Paris, Hoa Kỳ bác khước
lời hứa trước kia. Hơn nữa, khi cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa sau hiệp
định Paris, Bắc Việt cưỡng chiếm luôn số tài sản khổng lồ ước tính
khoảng 6 tỷ Mỹ kim mà Hoa Kỳ đã để lại Việt Nam. Số tài sản nầy còn cao
hơn lời hứa hẹn của Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Việt Nam 4 tỷ Mỹ kim trước
đây. Vì cả hai lý do nầy, cho đến nay, cộng sản Việt Nam không thể mở
miệng nhắc lại chuyện Hoa Kỳ hứa hẹn viện trợ để tái thiết Việt Nam sau
30 chiến tranh mà Hoa Kỳ đã can dự vào. Thua cuộc cờ toàn cầu, Bắc Việt
lại thất bại luôn trong cuộc đấu trí để đòi viện trợ của Hoa Kỳ sau
chiến tranh.
2.- THỰC TẾ SAU 30-4
Quan sát kỹ sinh hoạt xã hội Việt Nam sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm
được miền Nam năm 1975, mọi người đều nhận thấy rõ ràng ngay từ đầu, đại
đa số những người Bắc, từ cán bộ, bộ đội đến thường dân, khi vào Nam
đều học theo cách sống của người Nam, chứ hầu như người Nam không học
theo người Bắc, trừ một thiểu số xu phụ theo chế độ mới, kè kè chiếc nón
cối để tỏ ra là người “cách mạng”. Người Bắc thích ăn bận theo người
Nam, đua đòi thời trang miền Nam, nghe nhạc Nam mà cộng sản gọi là “nhạc
vàng”, đọc sách Nam, từ tiểu thuyết trữ tình, tiểu thuyết kiếm hiệp đến
văn chương, triết học, và làm tất cả các cách để thành người Nam. Ngay
cả những cán bộ cao cấp trong Bộ chính trị đảng Lao Ðộng (năm 1976 cải
danh thành đảng Cộng Sản) cũng từ bỏ bộ áo quần đại cán cao cổ để ăn bận
Âu phục theo kiểu người Nam. Chẳng những thế, hầu như miền Bắc cũng
được Nam hóa bằng sản phẩm của miền Nam. Lúc đó, đại đa số người nào ở
miền Bắc vào cũng “tranh thủ” cho được tối thiểu ba thứ “đạp đồng
đài”(10) để đem về Bắc sử dụng hoặc trang bị cho gia đình. (Rất ít người
như bà Dương Thu Hương chỉ lo đi mua sách miền Nam. Theo lời Dương Thu
Hương, khi bà vào Sài Gòn thì bà tìm đến các chợ sách để mua sách cũ và
bà ta bị choáng ngợp vì sách vở văn chương triết học ở miền Nam quá
phong phú chứ không nghèo nàn và bị kềm kẹp như cộng sản tuyên truyền.)
Trong lịch sử thế giới, ai cũng biết người Mông Cổ nổi tiếng thiện
chiến và chiếm được một đế quốc rộng lớn từ thời Thành Cát Tư Hãn
(Genghis Khan, trị vì 1206-1227). Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Hốt
Tất Liệt (Qubilai) tức Nguyên Thế Tổ (trị vì 1260-1294) đem quân Mông Cổ
vào chiếm Bắc Kinh năm 1264, rồi từ đó chiếm luôn toàn bộ nước Trung
Hoa. Khi người Mông Cổ tiếp xúc và tiêm nhiễm nền văn minh và văn hóa
Trung Hoa, thì dường như họ không còn làø người Mông Cổ nữa. Có thể nói
vó ngựa chiến chinh Mông Cổ oai hùng khắp Âu Á một thời đã hoàn toàn bặt
tăm khi họ đặt chân vào đất trung nguyên Trung Hoa.
Cộng sản Bắc Việt, dầu chẳng oai hùng như người Mông Cổ, tiến quân
vào miền Nam, chiếm đóng bằng bạo lực, nhưng cuối cùng bị choáng ngợp vì
sự phồn thịnh của miền Nam (mà họ gọi là phồn vinh giả tạo) và nền văn
hóa đa dạng của miền Nam, một nền văn hóa vừa giữ bản sắc dân tộc, vừa
hòa hợp với tinh hoa của văn hóa Tây phương. Từ đó, người cộng sản Bắc
Việt không còn là họ nữa, chỉ trừ có vỏ bọc là đảng Cộng Sản để nắm độc
quyền lãnh đạo đất nước.
Chẳng những chỉ có Bắc Việt được Nam hóa mà cả khối Quốc tế Cộng sản
cũng biến chuyển theo. Ngay sau khi cộng sản chiếm Ðà Nẵng, trước khi
Sài Gòn sụp đổ, tại bán đảo Sơn Trà diễn ra một cuộc gặp gỡ vào đầu
tháng 4-1975 giữa đại biểu của một số nước cộng sản, để quan sát đài
truyền tin phát sóng của quân đội Hoa Kỳ đặt tại núi nầy. Sau khi nghe
thuyết trình viên cộng sản Việt Nam trình bày về công suất lớn lao của
đài phát sóng Hoa Kỳ đặt tại đây, đại diện Liên Xô làm thinh, đại diện
Trung Cộng cười mỉa và chúc mừng Việt Nam, đại diện của Ba Lan rất thích
thú. Trởû về lại Ðà Nẵng, đại diện Ba Lan xin Uỷ ban Quân quản, do Hồ
Nghinh làm chủ tịch, được dùng điện đài Ðà Nẵng để liên lạc với Tòa Ðại
sứ Ba Lan ở Hà Nội. Ðại khái nội dung liên lạc là yêu cầu Tòa Ðại sứ Ba
Lan điện về nước xin chính phủ Ba Lan tạm ngưng các chương trình đặt mua
máy truyền tin của Liên Xô, đợi phái đoàn quan sát về nước. Lý do chính
của thái độ các đại diện các nước cộng sản, kể cả việc đại diện Trung
Cộng cười mỉa, là vì trước đó không lâu, vào cuối 1974, đầu 1975, tại Hà
Nội, vừa mới khánh thành một trạm thông tin liên lạc do Liên Xô viện
trợ cho Hà Nội mà Liên Xô khoe rằng đó là máy tối tân nhất thế giới lúc
bấy giờ, với công suất chỉ bằng một phần hai mươi (1/ 20) công suất của
trạm truyền tin của quân đội Hoa Kỳ đặt tại Sơn Trà, Ðà Nẵng.(11)
Câu chuyện trên giải thích thắc mắc của nhiều người lý do vì sao khi
rút lui khỏi miền Nam Việt Nam ngày 30-4-1975, nhân viên Hoa Kỳ được
lệnh để lại toàn bộ kho lẫm, máy móc, dụng cụ, vật liệu, trang thiết bị
của tất cả các cơ sở Hoa Kỳ tại Việt Nam mà không phá hủy gì cả, từ đài
phát thanh địa phương, đến tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và cả Trung tâm
Nguyên tử lực tại Ðà Lạt. Lúc đó, người ta cho rằng người Hoa Kỳ lo bỏ
chạy nên không kịp phá hủy, nhưng ngay lúc đó cũng có dư luận cho biết
rằng một nhân viên Hoa Kỳ tại Huế, trước khi rút lui, đã tháo một chốt
chính làm tê liệt đài phát thanh Huế đặt tại Phú Bài (Thừa Thiên) khi
chạy vào Ðà Nẵng, liền bị tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại đây khiển trách.
Cũng có dư luận cho rằng Hoa Kỳ cố tình để lại vật liệu và trang
thiết bị cho cộng sản Việt Nam sử dụng, tạo thành nhu cầu mới cho cộng
sản, đến khi hư hao hay cạn hết, thì phải tìm mua lại nơi các nước tư
bản. (Ví dụ người ta nói rằng ở miền Tây có một kho phân bón khổng lồ.
Bắc Việt lấy được, chở ra Bắc sử dụng. Ðến khi phân bón hết, ruộng đã lỡ
dùng phân bón, nay không dùng không được, đành phải đi kiếm mua ở các
nước tự do khác.)
Sau năm 1975, nhiều phái đoàn của các nước Liên Xô và Ðông Âu đến
thăm Việt Nam đều được xem cuộc “triển lãm nguội” của hàng hóa Hoa Kỳ và
các nước phương Tây, cũng như tham khảo báo chí, sách vở khoa học kỹ
thuật Âu Mỹ tại miền Nam.(12)
Như thế có thể người Hoa Kỳ đã nghĩ đến kế hoạch Moshe Dayan, và
không phải chỉ nhắm vào cộng sản Bắc Việt, mà còn nhìn xa hơn, muốn “bày
hàng triển lãm” kỹ thuật tối tân với các nước trong khối Quốc tế Cộng
sản, mà từ lâu nay bị Liên Xô bưng bít che đậy. Phải chăng cuộc “triển
lãm nguội” nầy của Hoa Kỳ đã lôi cuốn được các nước cộng sản, góp phần
làm cho tình hình ở đây biến động mau lẹ, đưa đến sự sụp đổ của các nước
cộng sản Ðông Âu và Liên Xô vào các năm từ 1989 đến 1991?
3.- CỘNG SẢN BẮT ÐẦU THUA CUỘC
Trong cuộc chiến năm 1975, phải bình tâm mà nhận xét rằng một trong
những lý do cộng sản Bắc Việt thành công là bộ máy tuyên truyền của cộng
sản hoạt động có kế hoạch và mạnh mẽ hữu hiệu hơn phía Việt Nam Cộng
Hòa. Bộ máy tuyên truyền nầy đã làm việc có tính toán liên tục từ năm
1945, khá thành công ở trong nước cũng như trên thế giới. Năm 1956, ở
ngoài Bắc xảy ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Cuộc đàn áp trí thức và văn
nghệ sĩ của nhà cầm quyền Hà Nội diễn ra rõ ràng như thế, mà cộng sản
bưng bít và tuyên truyền ngược lại, khiến ở trong Nam, nhiều người không
tin là những chuyện đó có thật. “Chế độ miền Nam, tất nhiên là làm rầm
rộ lên nhân vụ án nầy để tuyên truyền mặt trái của chế độ miền Bắc.
Nhưng sau nầy, khi hỏi chuyện anh em miền Nam thì được biết là họ không
tin, họ tưởng là sự việc bị bịa đặt ra, chứ làm gì đảng có thể đối xử
với trí thức miền Bắc tàn tệ đến mức như thế.” (13)
So với trình độ văn hóa của toàn dân, học giả Nguyễn Hiến Lê, tác giả
của khoảng trên 20 bộ sách nghiên cứu lớn nhỏ, phải được kể là một nhà
thông thái. Ông Nguyễn Hiến Lê đã can đảm thú nhận những suy nghĩ và
tình cảm của ông trước năm 1975: “Tôi vốn có cảm tình với Việt minh, với
cộng sản; ghét thực dân Pháp, Mĩ, nhất là từ 1965 khi Mĩ đổ quân ào ạt
vào miền Nam; tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mĩ. Tôi phục
tinh thần hi sinh, có kỉ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể
giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp.”(14) Một người thông thái như ông
Nguyễn Hiến Lê mà còn bị lầm lẫn về cộng sản, huống gì là đại đa số dân
chúng Việt Nam. Sau năm 1975, chạm mặt với đời sống thực tế dưới chế độ
cộng sản, ông Nguyễn Hiến Lê mới thấy rõ mình đã lầm lẫn bấy lâu nay.
Ông viết tiếp: “… muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ
dăm năm. Ðó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi [Nguyễn
Hiến Lê] và có lẽ 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay
[1981]“.(14)
Bên cạnh đó, phải kể thêm một hiện tượng tâm lý khá lạ lùng: trước
năm 1975, không kể dân chúng ở ngoài chính quyền, ngay cả nhiều công
chức hoặc sĩ quan binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, tuy làm việc và lãnh lương
chính phủ quốc gia, đôi khi cũng chao đảo và không mấy tin tưởng ở chính
nghĩa Quốc gia của chế độ mình đang phục vụ. Tuy nhiên, sau khi cộng
sản vào chiếm miền Nam, thì tất cả mọi người miền Nam đều tiếc nhớ một
thời đã qua, hướng trở về chế độ Việt Nam Cộng Hòa và từ đó ý thức Quốc
gia dân tộc trong họ trổi dậy mạnh mẽ hơn cả thời trước nữa.
Như vậy, chính từ sau đỉnh cao chiến thắng quân sự ngày 30-4-1975,
thiết lập được chế độ độc tài dựa vào bạo lực công an trị, cộng sản Hà
Nội lại bắt đầu thua cuộc, mất hết nhân tâm, mất hết quần chúngï. Chẳng
những cộng sản Hà Nội đã thua cuộc ở trong nước, càng ngày cộng sản Hà
Nội càng thua cuộc trên thế giới. Các nước trên thế giới trước đây vốn
có cảm tình với cộng sản Việt Nam, nay hoảng hốt trước cảnh vượt biên ồ
ạt của dân chúng Việt Nam. Ðiều nầy khiến cho cả thế giới sực tỉnh.
Không cần ai tuyên truyền, cả thế giới đều thấy rõ nhà cầm quyền Hà Nội
đã mất lòng dân đến độ nào, dân chúng mới bất chấp gian nguy, dùng tính
mạng đánh cuộc với số phận, để tìm đường sống.
Những tác giả Tây phương trước đây viết bài ủng hộ cộng sản, nay lại
quay qua đả kích cộng sản. Tiêu biểu cho những người nầy là sử gia Jean
Louis Margolin, giáo sư tại Université de Provence (Pháp), một trong các
tác giả viết bài trong sách Le livre noir du communisme [Sách đen về
chủ nghĩa cộng sản], đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 1999:
“Thành thật mà nói, vào những năm 60, tôi đã từng xuống đường biểu tình
ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tôi đã từng reo mừng với những cuộc
chiến thắng tại Cam-bốt cũng như tại Việt Nam. Tôi từng nghe nói đến
những vụ tàn sát Tết Mậu Thân 68, nhưng tôi tin và nghĩ rằng đó chỉ là
sự tuyên truyền của Mỹ. Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi tin rằng rất
nhiều người cùng thời với tôi đã bị sai lầm vì những tuyên truyền sai
lạc của cộng sản.”(15)
Có lẽ cũng nên thêm ở đây lời sám hối của nữ tài tử Jane Fonda. Năm
1972, bà Jane Fonda đến Bắc Việt chụp những tấm hình đăng khắp các báo
trên thế giới quảng cáo cho cộng sản Bắc Việt. Về Hoa Kỳ, bà tham gia
phong trào phản chiến để yêu cầu Hoa Kỳ rút quân. Năm 1988, chính Jane
Fonda đã hối hận khi trả lời phỏng vấn của ký giả Barbara Walters: “Tôi
sẽ còn hối tiếc đến lúc xuống mồ về những bức hình chụp tôi đứng cạnh
mấy khẩu súng bắn máy bay, trông như tôi đang nhắm bắn các máy bay Mỹ…
Hành động đó làm hại bao nhiêu chiến sĩ… Ðó là hành động kinh khủng nhất
mà tôi có thể phạm. Ðúng là không biết suy nghĩ.”(16)
Dù luôn luôn tự hào là kẻ chiến thắng, nhưng cuối cùng cộng sản lại
chạy theo học hỏi tất cả những gì do “Mỹ ngụy” để lại, kể cả việc bắt
buộc phải tự từ bỏ chính sách kinh tế chỉ huy, chấp nhận nền kinh tế tự
do vốn thịnh hành ở miền Nam và tại các nước tự do trên thế giới, mà họ
gọi là kinh tế thị trường. Nay nền kinh tế thị trường không phải chỉ
được áp dụng ở miền Nam như trước năm 1975, mà cả trên miền Bắc, nơi
cộng sản đã bỏ công sức hơn 20 năm (1954-1975) để xây dựng và củng cố xã
hội chủ nghĩa. Cộng sản mà không còn chính sách kinh tế chỉ huy thì
chắc chắn không còn là cộng sản nữa. Trong khi đó, nước Mỹ không bị hư
hao một tấc đất; lại càng ngày càng mạnh; và cộng sản Việt Nam phải trải
thảm đỏ để đón lãnh tụ của Hoa Kỳ vào tháng 11-2000. Trong cuộc đón
tiếp nầy, dầu nhà cầm quyền Hà Nội không thông báo, dân chúng đã đứng
ngoài trời nhiều giờ trong thời tiết lạnh lẽo của mùa đông để chào mừng
người khách quý Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam sau 1975. Còn về phía
“ngụy”, người dân Việt Nam ngày nay, kể cả những người ở ngoài Bắc đều
hãnh diện nếu được gọi là “ngụy”. “Ngụy” không nhào mà “ngụy” đi vào
lòng người, người Nam cũng như người Bắc, và đang càng ngày càng hiển
hiện khắp nơi trong đời sống hằng ngày, to lớn và mạnh mẽ đến nổi nhà
cầm quyền Hà Nội nay lại sợ “diễn biến hòa bình”, còn hơn là thời chiến
tranh súng đạn.
4.- NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Lúc mới cưỡng chiếm được miền Nam, cộng sản Hà Nội rất lo sợ phản ứng
của dân chúng, nên việc đầu tiên là bắt ngay sĩ quan, công chức, cán bộ
của chế độ Cộng Hòa còn lại trong nước đi “học tập cải tạo”, thực chất
là tập trung, cô lập, bắt giam dài hạn không tuyên án trên các vùng rừng
thiêng nước độc, vì cộng sản lo sợ họ là những người có khả năng tập
họp, tổ chức, và lãnh đạo dân chúng chống cộng sản. Số lượng sĩ quan và
công chức bị bỏ tù tối thiểu là 1.000.000 người. Những người nầy bị tù
tối thiểu là một năm (rất ít), có người hai năm (nhiều), ba năm, có
người lên đến 15 năm hoặc 20 năm. Nếu tính trung bình một người bị tù 2
năm, và tối thiểu 1.000.000 người bị tù, thì số thời gian mà người Việt
nói chung bị cộng sản giam tù là 2 .000.000 năm.(17)Những người nầy lại ở
trong độ tuổi trung niên sung mãn để hoạt động, sản xuất, và có trình
độ văn hóa khá cao nếu so chung với trình độ của toàn thể dân chúng Việt
Nam.
Việc bắt giam sĩ quan, công chức, cán bộ Việt Nam Cộng Hòa của cộng
sản còn có mục đích đe dọa gia đình những người có thân nhân bị tù, vì
nếu họ vọng động thì thân nhân của họ khó có cơ hội trở về đoàn tụ gia
đình. Dầu chính sách nầy rất thâm độc, nhưng lúc đầu, ngay sau năm 1975,
vẫn xảy ra những tổ chức bạo động chống nhà cầm quyền cộng sản, ví dụ
vụ các ông Nguyễn Nhuận, Ðặng Ngọc Quờn, nguyên là giáo sư Viện Ðại Học
Huế, vụ Ông Nguyễn Văn Bảy, nguyên giáo sư trường Kỹ Thuật Ðà Nẵng, vụ
nhà thờ Thánh Vinh Sơn ở Sài Gòn…Dĩ nhiên những cuộc bạo động nầy không
thể thành công, nhưng đã nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh trong lòng dân
chúng. Dần dần, người ta ý thức rằng phương thức bạo động khó thành
công, nên quay qua phản ứng bất bạo động nhưng không kém phần cương
quyết. Từ đây, bắt đầu sự lên tiếng của những nhà trí thức như Ðoàn Viết
Hoạt, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Ðình Huy, Hoàng Minh Chính, Phan Ðình
Diệu, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh. Sự lên tiếng nầy liền
được đáp ứng ở trong cũng như ngoài nước. Tiếp đó, là những cuộc biểu
tình bất bạo động của dân chúng ở Thái Bình, Xuân Lộc
(Ðồng Nai), Huế…
Một sự thật lý thú là hiện nay ở trong nước, dân chúng không còn phân
chia Quốc gia hay cộng sản, mà tất cả đoàn kết thành một khối tranh đấu
đòi hỏi tự do dân chủ, đối kháng với nhà cầm quyền độc tài cộng sản.
Khi được nhà cầm quyền Hà Nội gởi đi lưu diễn ở Hoa Kỳ vào đầu tháng
3-2001, nữ ca sĩ Phương Thanh đã tuyên bố: “Nói rằng Phương Thanh hát
dở, hay không thích tiếng hát của Phương Thanh thì Phương Thanh xin tạ
lỗi, nhưng nói rằng Phương Thanh là Việt Cộng thì tội nghiệp cho Phương
Thanh lắm! “(18)
Ngay cả những thành phần trước đây đã từng trung kiên với đảng Cộng
Sản, nay cũng đứng về phía dân chúng, đòi hỏi dẹp bỏ đảng Cộng Sản. Tiêu
biểu nhất là ý kiến của ông Vũ Ðình Huỳnh, một thời làm bí thư cho Hồ
Chí Minh, gần cuối đời đã tỉnh ngộ và đề nghị: “”Muốn cho dân tộc ta
không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước được thịnh vượng, dân
ta không nghèo khổ mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: ấy
là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.”(19) Sau đó, ông Nguyễn
Văn Trấn (1914-1998), gia nhập đảng Cộng Sản miền Nam ngay từ những ngày
đầu mới thành lập, đã từng làm Phó bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ năm 30 tuổi
(1944), tập kết ra Bắc năm 1954, dân biểu Quốc hội Hà Nội trước năm
1975, cũng viết:” Tội ác của chế độ này [chế độ cộng sản Việt Nam], từ
40 năm nay, thật nói không hết.” (20)
Trong khi đó, ở ngoài nước, nhờ sống rải rác khắp nơi trên thế giới,
cộng đồng người Việt hải ngoại tạo nên một địa bàn ngoại cứ rộng rãi bất
khả xâm phạm. Từ đó, cộng đồng người Việt hải ngoại là chỗ dựa tinh
thần vững chắc cho những thành phần yêu nước và ly khai với đảng Cộng
Sản ở trong nước; đồng thời là một ngoại lực hỗ trở người Việt ở trong
nước về mọi mặt, tạo niềm tin để họ tiếp tục cùng với cộng đồng ở hải
ngoại tranh đấu, đưa đất nước ra khỏi chế độ cộng sản phi nhân vong bản
hiện nay.
Trước tình hình đó, để lấy lòng dân chúng lần nữa, ở trong nước, cộng
sản Việt Nam mở phong trào đổi mới từ năm 1985. Nói là đổi mới nhưng
vẫn duy trì độc quyền chính trị, lo sợ “diễn biến hòa bình”, định hướng
kinh tế xã hội chủ nghĩa, không cho tự do báo chí, bóp nghẹt tự do ngôn
luận. Cho đến nay, ở trong nước chưa có một tờ báo tư nhân, chưa có một
tổ chức hay đoàn thể chính trị nào đứng ngoài quốc doanh. Cộng sản kiếm
cách đổi mới để tự cứu mình chứ không phải để cứu dân tộc Việt Nam.
Ra bên ngoài, nhà cầm quyền cộng sản kiếm cách ve vuốt Việt kiều.
Chính sách của cộng sản đối với Việt kiều có một điểm cần chú ý: khi dân
chúng không chịu nổi cuộc sống dưới chế độ cộng sản, phải bỏ nước ra
đi, thì nhà cầm quyền Hà Nội gọi họ là phản động, phản quốc. Sau một
thời gian ổn cư tại nước ngoài, người Việt hải ngoại chắt chiu tiết
kiệm, gởi tiền về nuôi thân nhân càng ngày càng nhiều. Vào đầu thập niên
90, cộng sản liền đổi cách xưng hô, gọi những người vượt biên là “núm
ruột ngàn dặm” của tổ quốc.
Những người Việt Nam ra đi định cư tản mác khắp thế giới, đông nhất
là tại Hoa Kỳ. Dần dần, cộng đồng Việt Nam lớn mạnh và thành công trên
đất khách, nay là quê hương thứ hai của mình. Nhờ có điều kiện học hành,
nhiều tinh hoa Việt Nam đã đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng
chung của quê hương mới. Chế độ cộng sản liền kiếm cách lợi dụng, kêu
gọi “núm ruột ở xa” hãy bỏ qua quá khứ, nhìn về tương lai, đóng góp xây
dựng đất nước. Chính sách của cộng sản đối với người Việt ở hải ngoại có
thể tóm tắt trong các điểm sau đây:
· Bòn rút tiền bạc càng nhiều càng tốt.
· Chỉ sử dụng tay sai để kinh doanh, hoặc tuyên truyền đường lối chính sách nhà nước cộng sản.
· Lợi dụng trí thức thuộc ngành khoa học kỹ thuật, mời về nước để
giảng dạy hoặc làm việc trong các ngành hoàn toàn chuyên môn về khoa học
kỹ thuật, như bác sĩ, kỹ sư…
. Hoàn toàn không chấp nhận các phê bình hay góp ý thẳng thắn về
chính trị để xây dựng quê hướng, những đòi hỏi về nhân quyền, dân quyền,
và không chấp nhận những thành phần trí thức về khoa học nhân văn như
triết học, tư tưởng, văn chương, sử học, xã hội học, trừ những thành
phần tình nguyện làm tay sai tuyên truyền cho cộng sản để đổi lấy một số
quyền lợi và hư danh nhất thời.
Dầu rất yêu nước, và rất khắc khoải về tiền đồ dân tộc, đại đa số
người Việt ở nước ngoài, nhất là những thành phần tinh hoa trong các
ngành thương mãi, khoa học kỹ thuật, văn chương giáo dục, chẳng ai chấp
nhận hợp tác với chế độ cộng sản Hà Nội. Hợp tác với nhà cầm quyền Hà
Nội chỉ giúp kéo dài một chế độ vong bản, phi nhân, từ đó gián tiếp kéo
dài thêm niềm thống khổ triền miền của dân tộc Việt.
Kinh nghiệm Ðông Âu cho thấy khi dân chúng nhìn ra chân tướng phản
dân hại nước của chế độ cộng sản, đồng thời ý thức được tự do dân chủ,
dân quyền và nhân quyền, tự họ đứng lên lật đổ chế độ cộng sản để cứu
nguy dân tộc. Tuy đảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang lợi thế nhờ cầm quyền
bằng bạo lực công an trị, nhưng thời điểm giải trừ chế độ nầy đang khởi
động, và chắc chắn sẽ lớn mạnh, nhất là một khi cộng đồng người Việt ở
hải ngoại càng ngày càng đông đảo, và khoa học kỹ thuật càng ngày càng
phát triển, nhà cầm quyền cộng sản không thể che đậy độc tài, nói láo
một chiều để đánh lừa như trước đây.
Tiến trình dân chủ và dân quyền trên thế giới hiện nay là không thể
đảo ngược được; những nhà nước độc tài càng ngày càng bị lên án và cô
lập. Bằng chứng là khi Lê Khả Phiêu, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam
viếng thăm nước Pháp từ 21 đến 25-5-2000, chẳng có đài truyền hình nào ở
Paris đưa tin. Rải rác vài báo viết ít dòng ngắn ở trang trong và nhân
đó chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam, kể cả các báo trước đây ủng hộ
cộng sản Việt Nam như tờ Libération [Giải Phóng]. Ðặc biệt báo Nouvel
Observateur [Người Quan Sát Mới] số ngày 31-5 chạy bài của nhà báo nổi
tiếng Delfeil de Ton, với tựa đề “Một Pinochet này nữa”. Trong bài báo
nầy có đoạn viết: “Pinochet vừa thăm nước Pháp; không có ai đòi bắt giữ
hắn. Hắn mang tên Lê Khả Phiêu, cái tên rất khó đọc. Khác với Pinochet ở
Chili, tội ác thuộc về quá khứ, đã về hưu, Lê Khả Phiêu đang tại chức,
đang gây tội ác, tổ chức của ông ta từng gây nhiều vụ ám sát, giết
người, nhiều người chết trong biển cả khi trốn chạy chế độ độc ác của
ông ta. Ông ta không cho phép một chút quyền tự do tư tưởng và tự do báo
chí nào…”(21)
Do tất cả những lẽ trên, câu nói của Moshe Dayan đúng là một lời tiên
tri về tương lai cuộc chiến vừa qua: “Bắc Việt sẽ thất trận khi họ
chiếm được Sài Gòn.” Chính vì chiếm được Sài Gòn năm 1975, nên ngay sau
đó chẳng những cộng sản Việt Nam, mà cả cộng sản thế giới cũng bắt đầu
thất trận. Cho nên có thể xem ngày 30-4 chỉ là ngày sụp đổ tạm thời của
Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại chính là khởi điểm đánh dấu sự sụp đổ vĩnh
viễn của huyền thoại cộng sản Việt Nam trong lòng dân tộc Việt Nam. Sự
sụp đổ của huyền thoại cộng sản càng làm cho chính nghĩa Quốc gia dân
tộc xuyên suốt từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, bị chao đảo một thời
gian vì hỏa mù của lý thuyết Mác xít ngoại lai, nay lại sáng tỏ hơn bao
giờ cả. Tinh thần Quốc gia Dân tộc bất di dịch là chân lý ngàn đời của
dân chúng Việt không thể nào bị đánh bại. Chắc chắn trước tình hình quốc
nội cũng như quốc tế thuận lợi như trên, một ngày không xa, chính thể
Quốc gia sẽ phục sinh, nhân dân Việt Nam sẽ được tự do, hạnh phúc và phú
cường.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto)
CHÚ THÍCH:
1. Nguyễn Tiến Hưng and Jerrold L. Schester, The Palace File, Harper
& Row, Publishers, New York, 1986, tr. 350. Nguyên văn: “North
Vietnam will lose the war when it takes over Saigon.” [Sách The Palace
File được các ông Cung Thúc Tiến và Nguyễn Cao Ðàm chuyển dịch sang
tiếng Việt dưới nhan đề Hồ sơ dinh Ðộc Lập, vơi một số những thay đổi do
Nguyễn Tiến Hưng; Chu Xuân Viện nhuận sắc, Nxb. C & K Promotions,
Inc., Los Angeles, không đề năm xuất bản. Trong sách nầy, câu nói của
Moshe Dayan được trích dẫn ở trang 594.]
2. Nguyễn Ðình Tuyến, Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh tại Việt Nam 1945-1975, Houston, Texas, 1995, tr. 19.
3. Roger Warner, Shooting at the Moon [Bắn trăng], Steerforth Press,
South Royalton, Vermont, 1996, tr. 333-334. Sách nầy được chọn là sách
hay nhất về bang giao quốc tế của Câu lạc bộ Overseas Press, Hoa Kỳ.
4. Roger Warner, sđd. tr. 336. Nguyên văn: “that it might be
worthwhile to sacrifice South Vietnam. Rather than squander more
American lives and billions of dollars trying to prop up South Vietnam,
with little chance of succeeding, why not accede to its failure in
exchange for an opening to China, in order to weaken the real ennemy,
the USSR?“.
5. Roger Warner, sđd. tr. 336. Nguyên văn: “So I came to the
conclusion, and this may sound thoroughly cynical to you, that we would
be better off not ro win this war. Particularly because the Chinese had
made a breakthrough to us, and it was far more important to get the
Chinese broken off from the Soviets and leaning to one side in our favor
than for us to win in Vietnam.” [Bill Sullivam là một nhà ngoại giao kỳ
cựu của Hoa Kỳ, đã từng làm đại sứ Hoa Kỳ tại Ai Lao, thứ trưởng Bộ
Ngoại giao đặc trách Ðông Á và Thái Bình Dương, phụ tá và sát cánh cho
đến phút chót với Henri Kissinger trong các cuộc thương thuyết tại hội
nghị Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam.]
6. John S. Bowman, tổng biên tập, The Vietnam War, Day by Day [Chiến
tranh Việt Nam, việc từng ngày], Mallard Press, New York, 1989, tr. 190.
7. Roger Warner, sđd. tr. 333. Nguyên văn: “that losing the Vietnam
War would be healthier for the U.S. than winning it. That losing was in
the national interest. That it was a plus… It was a radical notion at
the time, that by losing the war and by abandoning our Southeast Asian
allies to their fate we would be doing the right thing.”
8. Lời của Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng Lao Ðộng Việt Nam. (Vũ Thư
Hiên, Ðêm giữa ban ngày, hồi ký chính trị của một người không làm chính
trị, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422, phần chú thích.)
9. Một ví dụ rõ rệt nhất trong lịch sử Việt Nam, là vào năm 1801, nhà
Tây Sơn đem quân vây Quy Nhơn do Võ Tánh và Ngô Tùng Châu của lực lượng
Nguyễn Phúc Ánh trấn giữ. Theo kế hoạch của Võ Tánh, Nguyễn Phúc Ánh
chịu thua trận nầy, bỏ Quy Nhơn, tung quân ra đánh chiếm Phú Xuân, rồi
ra Bắc hà dẹp nhà Tây Sơn,
thống nhất đất nước.
10. Ðạp đồng đài: tức xe đạp, đồng hồ, và radio transistor. (Lúc đó
có nhiều từ ngữ rất lạ lùng về việc nầy: ví dụ đồng hồ không người lái
tức đồng hồ tự động, đồng hồ có đèn tức đồng hồ dạ quang, đồng hồ có cửa
sổ tức đồng hồ có khung ngày.)
11. Chuyện nầy do một cán bộ tên Phương, thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội
Hà Nội, được gởi vào Nam để nghiên cứu kế hoạch văn hóa, kể tại nhà của
nhà văn Phan Du tại Ðà Nẵng vào thời điểm trên, người viết có mặt trong
buổi nói chuyện nầy.
12. Một câu chuyện mà người viết nghe kể tại Sài Gòn trước năm 1980:
Khi thủ tướng Cộng Hòa Dân Chủ Ðức (Ðông Ðức), ông Erich Honecker
(1912-1994), qua thăm Việt Nam, ghé Sài Gòn, lúc đó đã có tên là Thành
phố Hồ Chí Minh. Honecker đề nghị thuê các trí thức Sài Gòn sang làm
việc tại Ðông Ðức, trả bằng ngoại tệ qua nhà cầm quyền cộng sản. Chủ
tịch Uỷ Ban Nhân Dân TPHCM lúc đó là Võ Văn Kiệt đồng ý ngay vì nhà nước
cộng sản rất cần ngoại tệ. Theo nhu cầu về chuyên viên của chính phủ
Ðông Ðức, ông Võ Văn Kiệt lên danh sách các chuyên viên đã tốt nghiệp
các trường đại học Ðông Âu, Liên Xô và Trung Cộng, nhưng Honecker lắc
đầu từ chối, và tự mình đưa ra một danh sách nêu đích danh tên tuổi
những chuyên viên khoa học kỹ thuật miền Nam đã tốt nghiệp tại miền Nam,
cũng như ở Âu Mỹø còn ở lại miền Nam.
13. Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tt. 76-77.
14. Nguyễn Hiến Lê, Hồi kí tập III, Nxb. Văn Nghệ, California, 1988, tt. 17-18, 25.
15. Cuộc phỏng vấn do Thanh Thảo thực hiện, nguyệt san Việt Nam Dân
Chủ, số 40, California, tháng 1-2000. (tài liệu rút từ Internet, http//www.Imvntd.org/vndc0100/bai06.htm). Những chữ in đậm do người viết bài nầy muốn nhấn mạnh.
17. Số người Việt Nam Cộng Hòa bị tù sau năm 1975 chưa từng được cộng
sản tiết lộ. Sau khi thăm dò nhiều người bị tù ở nhiều trại học tập tại
các tỉnh khác nhau, người viết chỉ đưa ra con số ước chừng mà thôi.
Nhiều người cho biết con số thật sự bị tù nhiều hơn, phải trên 1.000.000
người, vì chẳng những quân nhân, công chức, mà cán bộ xã ấp ở nông
thôn, và cả phụ nữ nữa, cũng bị đi tù nhiều năm
(Nữ ca sĩ Phương Thanh, trả lời phỏng vấn của thông tín viên Ðức Hà)
19. Vũ Thư Hiên, sđd. tr. 303. Lời nói trên là của ông Vũ Ðình Huỳnh
nói với con là nhà văn Vũ Thư Hiên năm 1986. Ông Vũ Ðình Huỳnh gia nhập
đảng CS năm 1930, từng chứa chấp, nuôi ăn trong nhà tại Hà Nội những cán
bộ cộng sản, kể cả ông Hồ Chí Minh. Ông Vũ Ðình Huỳnh còn là bí thư của
ông Hồ, Vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ ngoại giao cộng sản cho đến khi hưu trí
năm 1964.
20. Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội, Nxb. Văn Nghệ, California, 1995, tr. 345.
21. Thành Tín, “Pháp du phiêu lưu ký”, Thông Luận.