Wednesday, July 31, 2024

Đừng Biến Olympic Thành Một Trò Hề Và Sự Nhạo Báng Tôn Giáo - Audio Công Giáo

Hạnh Phúc Xót Xa - Phạm Tín An Ninh


Tôi vô cùng ngạc nhiên, khi nhận được một thiệp mời đám cưới gởi qua đường bưu điện, danh tánh nhà trai, nhà gái và cả cô dâu chú rể đều xa lạ. Gần nửa giờ ngồi “điểm danh” tất cả bà con, bè bạn xa gần, vợ chồng tôi và mấy đứa con cũng chẳng tìm ra “tông tích” họ là ai. Nghe bạn bè kể lại, một số không ít người Việt mình thích có nhiều thực khách tham dự tiệc cưới của con cháu. Khách càng đông càng chứng tỏ được thế giá của gia đình. Vì vậy có người chỉ gặp ai ở đâu đó một lần thoáng qua, cũng có thể trở thành “quan viên hai họ”. Hơn nữa, ở cái vương quốc nhỏ bé và hiền lành này, muốn tìm ai cứ việc mở cuốn điện thoại niên giám hoặc vào guleside gõ cái tên là có ngay số phone và địa chỉ. Cũng có thể là do một ông bà khách nào đó được mời nhưng hồi báo không thể tham dự được nên vợ chồng tôi được chọn để “điền vào chỗ trống cho có đầy đủ ý nghĩa”?


Địa điểm tổ chức tiệc cưới là một nhà hàng Tàu sang trọng nằm ngoại ô thành phố Oslo, không xa nơi tôi ở. Ngày đám cưới còn hơn một tháng, nhưng lại đúng vào ngày mà vợ chồng tôi phải sang London thăm vợ chồng cô con gái và mừng thôi nôi thằng cu cháu ngoại. Vé máy bay đã “búc” rồi. Vợ chồng cô con gái cũng đã lấy hè để đón chúng tôi. Nên dù có biết cha mẹ hay cô dâu chú rể có tên trong thiệp mời chăng nữa, chúng tôi cũng không thể tham dự được, huống hồ lại là một người nào đó không quen. Thấy tôi phân vân, bà xã cầm tấm thiệp màu hồng vất vào kệ sách, lắc đầu bảo “forget it!”

Sáng thứ Bảy, một tuần sau đó, khi đang sửa soạn hành lý, nghe điện thoại reo, tôi bốc máy lên nghe, nhưng không thể nhận ra người bên kia đầu dây. Một người đàn bà, tự giới thiệu tên Bích, rất lễ phép khi hỏi đúng cả tên lẫn họ của tôi.

- Vâng, đúng là tôi, nhưng chị có thể nói rõ hơn về chị không ạ, vì xin lỗi tôi không nhớ ra.

- Em là Bích Kiều đây, Lê Thị Bích Kiều, mà khi mới sang Na-uy, anh làm thông dịch giúp em đó. Tên em trong thiệp mời đám cưới là Yvonne Bich, chắc anh chị đã nhận được. Em đổi tên này sau khi có quốc tịch Na-uy.

Tôi giật mình nhớ ra ngay. Mặc dù trong thời gian làm thông dịch, giúp khá nhiều bà con người Việt mới đến định cư, có biết bao nhiêu cái tên làm sao nhớ hết. Hơn nữa cũng đã hơn 25 năm rồi còn gì. Nhưng đặc biệt, Lê Thị Bích Kiều thì tôi không thể nào quên.

Sau khi thăm hỏi, Bích Kiều xin được đến thăm vợ chồng tôi vào lúc bốn giờ chiều. Cô bảo, gặp nhau sẽ có biết bao nhiêu điều muốn nói.

Thời gian còn ở trại tỵ nạn Bataan bên Phi Luật Tân, tôi may mắn được chọn làm phụ giảng cho các lớp học tiếng Na-uy. Được thầy cô dạy kèm riêng, và nhờ phụ giúp mỗi ngày trong các lớp học cũng như làm thông dịch bất đắc dĩ cho những thuyền nhân mới đến đảo, nên tôi có một số vốn liếng tiếng Na-uy, một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với hầu hết người Việt nam lúc ấy. Và cũng nhờ cái vốn bì bõm này, khi sang định cư ở Na-uy, tôi được chọn làm thông dịch tạm thời cho Phòng Xã Hội và Sở Cảnh Sát thị xã, nơi gia đình tôi tạm cư. Thời gian này Na-uy nhận một số lượng khá đông thuyền nhân được tàu Na-uy vớt trên biển và một số trường hợp nhân đạo khác.

Nói là thông dịch chứ thực ra chỉ giúp bà con làm hồ sơ, khai lý lịch ở Sở Cảnh sát, xin trợ cấp ở Phòng Xã Hội, hoặc gặp bác sĩ, nha sĩ, hay vào bệnh viện khám và chữa bệnh.  Cũng qua công việc này, tôi mới thấy rõ Na-uy là một quốc gia giàu lòng nhân đạo, mở rất rộng vòng tay, đối xử quá tốt với những người tỵ nạn mà họ cứu vớt, cưu mang. Công việc nhàn nhã mà lương bổng cũng khá, lại còn được cơ hội trau dồi ngôn ngữ mới, nên sau này, khi đã được chính thức nhận vào học và đi làm trong ngành ngân hàng bưu điện, tôi vẫn xin giữ cái “job” phụ này, nhưng chỉ làm thêm ngoài giờ hành chánh.


Tuy nhiên, bên cạnh những điều vui ấy, tôi cũng bị “tai nạn nghề nghiệp” không ít. Đặc biệt khi phải thông dịch cho những bà con mà tàu của họ bị bọn hải tặc tấn công. Nghe họ kể những cảnh nghiệt ngã, thương tâm trên biển, tôi vừa không nén được xúc động vừa ngại ngùng khi phải thông dịch lại bằng tiếng Na-uy. Hơn nữa lúc ấy tôi cũng chưa có đủ ngôn từ để diễn đạt những điều “tế nhị”. Ngày ấy có một Viện Tâm Thần dành riêng cho người tỵ nạn, nằm trong Viện Đại Học Oslo, do bác sĩ Hauff, cũng là một giáo sư tâm lý học, điều hành. Ông là vị bác sĩ có lòng nhân hậu và rất tận tâm với nghề nghiệp. Những người tỵ nạn gặp điều không may, bị hải tặc đánh đập hãm hiếp, hay bị mất người thân trên đường vượt biển, đều được ông tận tình thăm nom, chăm sóc cũng như can thiệp Cơ quan Di Trú cho ưu tiên bảo lãnh gia đình và Sở Xã Hội cấp thêm nhiều phương tiện sinh hoạt, giải trí. Tôi sợ nhất là những lúc phải làm thông dịch để ông tâm tình, khuyên giải, an ủi nạn nhân, mà thời gian có khi kéo dài cả một vài ngày. Bởi vốn liếng tiếng Na-uy còn quá nghèo nàn, làm sao tôi có thể truyền đạt được những gì ông muốn nói. Có lần nghe ông dặn dò:

- Đây không phải một cuộc nói chuyện bình thường mà là một ca điều trị. Có điều, những bệnh nhân này chúng ta không chữa bằng thuốc mà chữa bằng ngôn ngữ.

Mà ngôn ngữ của tôi thuộc loại ăn đong, thì làm sao giúp ông chữa loại bệnh đặc biệt trầm kha này. Nhiều lần tôi xin từ chối, nhận mình không đủ khả năng, nhưng Phòng Xã Hội không tìm được người thông dịch khác, và bác sĩ Hauff cứ gật đầu bảo là ông tin tưởng ở tôi.  Cuối cùng tôi phải yêu cầu ông nói thật chậm và dùng những từ ngữ tương đối đơn giản để tôi hiểu rõ, và nhất là không hiểu lầm những gì ông nói.


Một hôm tôi được Văn Phòng Xã Hội cho biết, phải đi theo bà Kari Mette ra phi trường Fornebu đón một người tỵ nạn đặc biệt, được Na-uy nhận nhân đạo từ một trại tỵ nạn Thái Lan. Người này được đưa thẳng từ Thái Lan đến Na-uy, mà không qua trại tỵ nạn chuyển tiếp Bataan, như những người khác. Bà Kari Mette làm việc cho một nhà thờ công giáo, nhưng vì có nhiều khả năng và uy tín, nên được yêu cầu kiêm nhiệm đại diện cho Sở Tỵ Nạn trong khu vực thị xã.

Chúng tôi được vào tận cửa gate máy bay. Người mà chúng tôi đón hôm nay là một cô con gái trẻ, ngồi trên xe lăn, trên người choàng một tấm chăn mỏng, được một cô tiếp viên hàng không đẩy ra giao cho chúng tôi cùng túi hành lý nhỏ và một phong bì đựng hồ sơ có in huy hiệu (logo) Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ. Trông cô ta tiều tụy, xanh xao. Tôi giới thiệu và dịch vài lời chào mừng của bà Kari Mette. Khi đưa tay nhận bó hoa hồng từ bà, cô gật đầu, lí nhí hai tiếng cám ơn. Theo sau bà Kari Mette, tôi đẩy cô gái theo một lối đi riêng, không phải qua kiểm soát. Một chiếc xe tản thương và cô ý tá chờ sẵn bên ngoài. Khi phụ dìu cô gái lên nằm trên một băng ca trong xe, tôi mới biết là cô ta đang mang bầu. Theo yêu cầu của cô ý tá, tôi ngồi luôn trên xe tản thương, tháp tùng về bệnh viện. Bà Kari Mette lái xe chạy theo sau.


Ở phòng nhận bệnh, khi nghe bà Kari Mette nói chuyện với vị bác sĩ, tôi mới biết cô gái này có tên Lê thị Bích Kiều, 21 tuổi, bị hải tặc giam giữ ở một hoang đảo ngoài khơi Thái Lan gần một năm, trước khi được một lực lượng tuần cảnh phối họp với hải quân Thái cứu thoát. Cô ta đang mang thai hơn năm tháng, sức khỏe rất yếu. Việc ưu tiên phải làm là giúp cô sớm hồi phục sức khỏe và bảo vệ thai nhi.

Khi trả lời một số câu hỏi của bác sĩ, cô luôn nhìn tôi bằng đôi mắt thật buồn và ái ngại, Một vài câu hỏi cô ngại ngần không muốn trả lời. Tôi từ tốn bảo cô cứ yên tâm, nếu điều nào chưa muốn nói ra, cô không cần thiết phải trả lời, tôi sẽ liệu cách để nói lại với bác sĩ. Nhưng sau đó, tôi mới hiểu ra, người cô ngại chính là tôi chứ không phải ông bác sĩ. Mặc dù trước khi bắt đầu làm việc, tôi đã nói với cô là những người làm thông dịch như tôi đều phải ký giấy cam kết taushetsplikt (bổn phận bảo mật). Cô được y tá đưa vào phòng tắm rửa và thay áo quần bệnh viện. Khi trở ra, cô tươi tỉnh hơn, bây giờ nhìn kỹ tôi thấy cô có khuôn mặt khá xinh, đôi mắt thật buồn. Theo y tá đưa cô lên một phòng riêng ở tầng ba, tôi bảo y tá bật cao đầu chiếc giường và đỡ cô ngồi dậy theo yêu cầu của cô, dịch cho cô nghe những điều dặn dò của bác sĩ, hỏi cô thích ăn uống những gì để tôi nói lại với cô y tá, rồi chào cô ra về, sau khi chúc cô ăn ngon và tối nay có một giấc ngủ thật bình yên. Cô nhìn tôi, nói cám ơn rồi vội vàng cúi xuống. Thoáng qua đôi mắt, tôi biết cô băn khoăn lo lắng, khi phải ở lại một mình. Tôi ghi số điện thoại trên mảnh giấy nhỏ đưa cô y tá. Bảo là trường hợp bệnh nhân hay y tá cần điều gì, cứ gọi cho tôi.


Kể từ hôm ấy, ngoài bổn phận thông dịch tôi còn là người thân quen duy nhất của cô. Hôm nào cô ngỏ ý thèm các thức ăn Việt nam, tôi bảo bà xã tôi làm rồi mang đến cho cô, cùng mấy tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong, và tập truyện của ông Duyên Anh mà cô thích đọc.

Sau một tuần lễ, sức khỏe của cô khá hơn, nhưng y tá cho biết tâm trí chưa ổn định, cô thường giật mình thức giấc rồi la hét, khóc lóc lúc nửa đêm. Cứ vài ngày, bác sĩ Hauff từ Viện Tâm Thần đến thăm, cho cô quà, an ủi và khuyên cô hãy đọc sách, xem TV, cần nghĩ tới đứa bé sắp chào đời, dù gì nó cũng là giọt máu của mình. Có điều gì cần, hoặc cảm thấy nặng nề trong lòng, cô cứ nói ra mỗi lần ông đến thăm.

Cô không phải đến Sở Cảnh Sát để làm hồ sơ di trú như những người tị nạn khác, mà do yêu cầu của Sở Tỵ Nạn, vị trưởng phòng Cảnh sát ngoại kiều đã đích thân đến bệnh viện để gặp cô sáng hôm sau. Qua làm việc, tôi được biết cô gái sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Trước 75, mẹ cô là cô giáo và cha là một sĩ quan cấp tá, bị mất tích tại Đà Nẵng khi Vùng 1 di tản. Vượt biên từ Rạch Giá cùng vị hôn phu. Anh là con trai lớn của một người bạn cùng khóa Võ Bị với cha cô. Chiếc thuyền nhỏ chở theo 47 người, ra khơi ba ngày thì gặp hai chiếc ghe đánh cá của Thái Lan chặn lại. Cả bọn gần 20 tên mang dao búa và cả súng nữa, xông lên thuyền uy hiếp. Anh tài công bị giết đầu tiên bằng búa đánh vào đầu, một vài thanh niên khỏe mạnh có ý chống cự, liền bị chém chết. Chúng chia nhau lục soát trên tàu và trên từng người để cướp vàng bạc, đồng hồ. Trước khi rời khỏi thuyền, chúng phá hỏng máy, và bắt theo khoảng mười cô gái. Khi hai tên trong bọn kéo Kiều đi, người vị hôn phu của Kiều xông đến định giật lại Kiều, bị chúng bắn bị thương rồi đạp xuống biển, trước tiếng la khóc thất thanh của Kiều cùng những cô gái khác.

Vừa mới lên tàu, bọn hải tặc luân phiên hãm hiếp những cô gái bị chúng bắt theo. Tiếng van xin la khóc quyện vào âm thanh của những ngọn sóng dường như cũng đang thét gào phẫn nộ. Chỉ duy nhất có Kiều được thoát, không bị hiếp, nhưng bị cột cả hai tay vào phía sau phòng lái, và phải chứng kiến hành động dã man, bỉ ổi của bọn dã thú, cùng những khuôn mặt sợ hải đau đớn uất hận tột cùng của những cô gái nạn nhân.

- Tại sao cô lại được tha, không bị chúng hiếp? Anh cảnh sát ngạc nhiên hỏi.

- Làm sao được tha. Có lẽ thấy tôi có chút nhan sắc, nên tên thuyền trưởng dành riêng tôi cho hắn. Khi ấy hắn đang lái tàu! Cô gái sụt sùi.

Tối hôm ấy, cô đã bị cướp đi đời con gái. Qua một ngày kinh hãi, biết mình không thể chống cự, cô đã nằm im phó thác cho số phận. Trong khi thân xác bị dày vò, cô nghĩ đến cảnh người yêu vừa bị giết tức tưởi trưa nay, cắn chặt lưỡi giữa hai hàm răng ứa máu.

Tay thuyền trưởng hải tặc không đánh đập hành hạ cô như những cô gái khác. Hắn săn sóc, mang cho cô một tô cháo cá nóng, nhỏ nhẹ dỗ dành cô ăn, nhưng cô không thể nào nuốt nổi, dù bụng đang đói. Nằm thiếp đi cả một ngày trong phòng lái, khi nghe tiếng ồn ào gọi nhau của bọn hải tặc, giật mình thức dậy, cô thấy tàu cặp vào một hòn đảo.

Sau khi ra lệnh cho đám thuộc hạ quăng neo, tay thuyền trưởng cõng cô trên lưng, lội vào bờ. Cô ngạc nhiên rùng mình khi không thấy các cô gái khác. Số phận họ ra sao? Cô bịt kín hai tai, nhưng tiếng van xin kêu khóc hãi hùng của ngày hôm qua như muốn vỡ tung đầu óc. Cô tưởng tượng họ bị hiếp cho đến chết, rồi quăng xác xuống biển. Thật thảm thương tội nghiệp. Nhưng dù sao họ cũng không phải sống cả một đời thừa thải trong nỗi dày vò, mặc cảm và vô vọng như cô. Biển xanh sẽ ôm ấp vỗ về cả thân xác lẫn linh hồn họ. Là cánh hoa tả tơi duy nhất còn sót lại sau một ngày đêm dông bão, cô ví mình chẳng khác nào rác rưởi tắp vào một nơi hoang vắng. Cô tự hỏi, đó có phải là điều may mắn?


Anh cảnh sát ngồi bất động nghe cô kể, thỉnh thoảng ngước mặt lên trần nhà để giấu những giọt nước mắt. Tôi thầm tội nghiệp cho cô gái và cho cả anh ta, một người sinh ra và lớn lên trên một vương quốc an bình, giàu có, hà cớ gì phải khóc cho nỗi đau thương, bất hạnh của dân tộc tôi. Chúng tôi dừng lại khi thấy cô gái sụt sùi. Tôi đứng dậy đi lấy mấy tờ giấy soft cho cô lau nước mắt và mời cô một ly nước saft.

- Rồi đời sống của cô trên đảo ra sao trước khi cô được cứu thoát? Anh cảnh sát hỏi.

- Tôi được đưa vào một cái hang đá khá lớn, có sẵn một số thức ăn, nước uống và cả áo quần cùng nhiều vật dụng mà có lẽ bọn họ cướp được từ những lần trước.

Đó là một đảo hoang. Một trong những “hậu trạm”. Cứ bốn, năm hôm, có khi cả tuần lễ, bọn hải tặc trở về đây nghỉ ngơi đôi ngày, chia chác “chiến lợi phẩm”, rồi lại ra đi. Tiếp tục những chuyến làm ăn khác, hoặc vào bờ lấy thêm nhiên liệu, lương thực. Tay thuyền trưởng cao lớn, tóc phủ tới lưng, cả ngày chỉ mặc một cái quần short ố vàng, phơi tấm thân trần đen đúa với đầy những hình xâm. Không biết vì nghĩ là cô không hiểu tiếng Thái hay là bản tính ít nói, cả ngày hắn lầm lì, chỉ thỉnh thoảng mỉm cười. Hắn luộc tôm cá tươi ép cô ăn và bắt cô uống rượu. Miệng hắn lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Đôi mắt đỏ ngầu. Rượu giúp hắn trở thành con hổ đói cuồng bạo trên tấm thân liễu yếu của cô. Hắn lột hết áo quần cô, làm nhiều cách hầu tạo kích thích, nhưng cả thân xác và tâm hồn cô đã trở thành gỗ đá, lạnh lùng, không còn cảm giác. Chỉ biết nhắm mắt chịu đựng đau đớn, để cho hắn ta mặc tình hành hạ.

Bọn họ ra đi từ lúc trời chưa sáng. Khi cô thức dậy chung quanh vắng lặng, ngoài tiếng sóng biển rì rào. Cảm giác da thịt rã rời. Phải ngồi khá lâu mới đứng dậy được. Cô chui ra khỏi hang, trèo xuống hốc núi tìm đường ra biển. Hôm nay trời nắng, biển êm. Nhìn biển mênh mông, trong gió nghe như có tiếng gọi tên mình, cô giật mình nghĩ tới người yêu và những cô gái đồng hành bất hạnh. Cô xăn quần lội xuống, vốc một vốc nước rửa mặt. Nước biển làm rát khóe mắt, nhưng giúp cô tỉnh táo. Bỗng cô nghĩ đến cái chết. Chỉ cần lội ra xa để cho sóng cuốn đi là cô sẽ gặp lại người tình ở đâu đó dưới đáy đại dương và sóng biển có thể rửa bớt phần nào nhơ nhớp trên tấm thân, mà bao nhiêu lần, mẹ đã ôm cô dặn dò phải cố giữ gìn, trước lúc từ biệt ra đi. Chợt nhớ tới mẹ, nhớ các em, cô đứng bất động nghe lòng dạ bồi hồi.


Gió từ biển khơi thổi tới như muốn an ủi vỗ về, giúp cô tìm lại một chút yên ả. Cô bước lên đi dọc theo bờ biển. Tiếp tục nghĩ đến mẹ và hai đứa em nhỏ dại. Giờ này không biết họ ra sao. Có biết mình đang lưu lạc trên một hoang đảo xa lạ giữa trời biển mênh mông với tấm thân hoen ố ê chề, hay là vẫn đang hy vọng đứa con gái, người chị của mình đã đến được một xứ thiên đường nào, để có thể cứu sống cả gia đình đang ở bước đường cùng. Bao nhiêu vốn liếng chắt chiu dành dụm được, kể cả chiếc nhẫn cưới và sợi dây chuyền vàng mà bà ngoại đã đeo lên cổ mẹ ngày vu quy, cũng chỉ đủ gom góp mua một cây vàng, và phải năn nỉ lắm mới được đóng trước một nửa cho chủ tàu, nửa còn lại khi nào đến nơi sẽ trả. Sau ngày cha cô vĩnh viễn không về, cùng nhiều đồng đội gởi xác thân ở một nơi vô danh nào đó, rồi cả miền Nam đang trù phú, hạnh phúc một thời, bỗng dưng trở nên đói nghèo, chia ly tan tác, cũng như những gia đình sĩ quan công chức khác, mẹ con cô đã trải qua bao tháng năm cùng cực. Cô đã phải bỏ học, phụ mẹ buôn tảo bán tần, mà cả nhà vẫn bữa đói bữa no.  Nghĩ đến tương lai mịt mờ của mấy đứa con, mẹ bàn với cô, chỉ còn cách duy nhất, là cô phải ra đi. Bao lần tìm được mối, nhưng lo cho thân gái dặm trường, có biết bao điều bất trắc, cuối cùng bà rất vui mừng khi có người yêu của cô, cũng là con của một người bạn cùng khóa với chồng, cùng đi với con gái. Trước ngày đi, hai gia đình gặp nhau, tổ chức một lễ đính hôn rất vội vàng, đơn giản.


Cô bước đi những bước vô hồn trên những bọt sóng xô bờ, hình dung tới tuổi ấu thơ và cả một thời cùng gia đình sống trong hạnh phúc. Nhớ mấy năm cha cô được đổi về làm huấn luyện viên trường Võ Bị Đà Lạt, nơi ông đã gặp mẹ cô, khi còn là một sinh viên sĩ quan trai trẻ, từng đứng trên đỉnh Lâm Viên với hào khí ngút trời. Nơi ông cùng bè bạn đồng môn, đã quỳ xuống vũ đình trường trong ngày mãn khóa, giữa không khí uy linh, đưa tay thề quyết bảo vệ núi sông. Cô cũng nhớ tới đám bạn bè một thời nhỏ dại. Không biết những cánh chim non hồn nhiên ngày ấy, giờ tản mác trôi dạt về đâu sau cơn bão lửa. Cũng như cô, tất cả đã mất rồi, cả một bầu trời xanh bao la với bao nhiêu ước vọng thuở nào. Không bao giờ còn tìm lại được!


Đầu óc mơ hồ, tưởng mình đang đi tìm dấu vết tuổi thơ bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng. Khi nghiêng mình để tìm ngôi nhà Thủy Tạ, nơi lần đầu hò hẹn người yêu, cô bỗng giật mình nhận ra tảng đá trên hoang đảo, nơi cô bị giam lỏng từ mấy hôm nay. Giấc mơ xưa ngắn ngủi vỡ tan như bọt biển. Ngồi bệt xuống cát, thẫn thờ gọi mẹ, gọi em, và gọi tên người tình. Cô gọi đến khan cả cổ, để chỉ nghe tiếng mình dội lại từ đại dương mênh mông xa thẳm, không tìm thấy chân trời. Cô đã bật khóc.

Tôi định đưa tay bảo cô ngừng kể, để tôi kịp dịch lại cho anh cảnh sát, đang hồi hộp ngồi chờ, nhưng chợt thấy cô cũng đang khóc. Anh cảnh sát đứng lên nháy mắt, làm dấu cho tôi cùng bước ra ngoài để cho cô được tự nhiên.  Khi trở vào, anh cảnh sát nhờ tôi hỏi, nếu cô muốn bảo lãnh cho mẹ và các em còn ở Việt Nam, anh sẽ trình lên Sở Ngoại Kiều, lập hồ sơ cho cô được ưu tiên. Có thể trong vòng từ sáu đến tám tháng, cô sẽ được đoàn tụ với gia đình. Suy nghĩ một chập, cô lắc đầu:

- Em chưa chuẩn bị được tâm lý, không muốn mẹ và các em sẽ đau buồn vì những gì em đã trải qua, và nhất là cái thai trong bụng, em vẫn còn đang giấu mẹ. Chờ sinh đẻ xong, em mới bình tĩnh mà quyết định được. Mặc dù em rất nhớ mẹ và các em.

Ngần ngừ một lúc cô ngõ ý muốn được Phòng Xã Hội cho mượn một số tiền để gởi về giúp gia đình, sau này đi làm cô sẽ trả. Anh cảnh sát gật đầu, hứa sẽ nói việc này với Phòng Xã Hội. Anh bắt tay cô, chúc sớm bình phục, gặp nhiều may mắn, và hẹn sẽ trở lại thăm cô để xin hỏi thêm cô ít điều bổ túc hồ sơ.

Hai hôm sau, qua điện thoại từ Phòng Xã Hội, tôi đến nhận số tiền 10.000 kroner  (khoảng 1.200 USD), để giao lại cho cô và yêu cầu cô ký tên vào biên nhận.Tôi cũng mang đến biếu cô mấy trái xoài chua, lần trước cô bảo là cô rất thèm. Gặp lại tôi, cô tỏ ra mừng rỡ. Lần đầu tiên tôi thấy cô nhoẻn miệng cười. Cô bảo cô rất buồn và thấy cô đơn, vì không có tôi cô chẳng biết trò chuyện cùng ai. Cô ngạc nhiên và thoáng một chút xúc động khi tôi đưa cho cô số tiền của Phòng Xã Hội, và bảo đó là tiền cô được cấp, chứ không phải mượn. Tôi giải thích thêm về những trợ cấp khác dành cho người tỵ nạn lúc ban đầu và hằng tháng sau này, cũng như trợ cấp việc sinh đẻ và nuôi con. Tôi bảo cô yên tâm, đừng lo lắng gì về chuyện tiền bạc. Cô càng vui và tỏ ra thân thiện hơn khi nghe tôi bảo trước đây tôi cũng là lính, sau gần 8 năm tù trở về, vợ con cũng khốn cùng như gia đình cô. Tôi kể chuyện gia đình tôi vượt biên nhưng may mắn được tàu Na-uy vớt, mới đến Na-uy tám tháng, nhưng mọi việc tạm thời ổn định. Cô nhớ tới cha cô, đôi mắt sáng lên và say sưa kể cho tôi nghe những ngày cô theo cha ra đơn vị, hoặc cùng mẹ vào trường Võ Bị tham dự các buổi lễ ra trường. Khi tôi đứng dậy cáo từ, cô viết tên và địa chỉ của mẹ cô, nhờ tôi gởi hết số tiền còn nguyên trong bì thơ về cho mẹ. Trong mắt cô sáng lên niềm vui.

Một lần cô ngỏ ý muốn học tiếng Na-uy để giết thì giờ. Tôi bảo là ở Na-uy vừa mới có cuốn tự điển Nauy-Việt, tôi sẽ liên lạc Phòng Xã Hội để xin cho cô. Hai hôm sau, tôi mang cuốn tự điển đến, chỉ cho cô cách sử dụng, nói và viết vài câu đơn giản. Cô khá thông minh nên hiểu rất nhanh. Cô còn nhờ tôi viết cho cô vài câu tiếng Na-uy. Trong đó có một câu cô bảo là lời một bản nhạc nào đó mà cô rất thích: “Ngày mai, tôi muốn bỏ đi thật xa”.


Khi được biết là sẽ sinh con trai, cô vui lắm, nhưng ngay sau đó tôi thấy cô ngồi thẫn thờ, suy nghĩ mông lung. Gần tới ngày cô sinh, tôi xin phép cô cho bà xã tôi đến thăm, để hướng dẫn chỉ vẽ cho cô ít nhiều kinh nghiệm sinh đẻ mà vợ tôi đã trải qua. Hơn nữa, khi sinh đẻ, có một người đàn bà thân quen bên cạnh cũng an tâm. Biết cô ái ngại, nên tôi nói trước là vợ tôi hoàn toàn không biết gì về hoàn cảnh của cô, và tất nhiên tôi không hề tiết lộ điều gì. Tôi sẽ nói với vợ tôi là chồng cô còn ở trại tị nạn Thái Lan, sẽ được định cư sau. Ngần ngừ một lúc, cuối cùng cô gật đầu.

Cuối tuần, vợ chồng tôi đến thăm. Vợ tôi mang đến cho cô một it thức ăn Việt nam và mấy bộ áo quần con nít. Đàn bà dễ thông cảm với nhau, nhất là vợ tôi sinh mấy đứa con cũng không có mặt chồng, vì tôi bận tham dự hành quân, không về kịp. Tôi ra ngoài, để cho hai người đàn bà dễ nói chuyện sinh đẻ.

Cô sinh vào ban đêm, lúc trời đã vào đông. Tuyết rơi kín cả khung trời. Vợ chồng tôi đến phòng sinh lúc cô đau bụng. Vợ tôi ở bên cạnh cô, còn tôi ngồi ngoài phòng đợi. May mắn là cô sinh rất nhanh. Khoảng hơn 30 phút, tôi đã nghe tiếng con nít khóc. Khi mọi việc đã xong, nghe tiếng vợ gọi, tôi bước vào chúc mừng cô. Thằng bé đang nằm trên ngực mẹ. Tôi thấy cô khóc. Không biết đó là những giọt nước mắt xót xa hay hạnh phúc.

Sau một tuần ở bệnh viện, mẹ con cô chuyển đến một khách sạn, được phòng xã hội mướn cho cô tạm trú một thời gian, vì chưa tìm được căn nhà thích hợp cho cô. Khách sạn khá sang trọng, nằm không xa bệnh viện, để tiện cho các y tá đến thăm và chăm sóc mẹ con cô.


Mấy ngày sau, tôi đến khách sạn cô ở. Không phải để thăm cô mà để làm thông dịch cho bác sĩ Hauff và nhân viên phòng xã hội. Họ mang đến cho con cô nhiều quà tặng. Ai cũng ngạc nhiên và thích thú khi thấy cô biết nói vài câu ngắn bằng tiếng Na-uy. Bác sĩ Hauff  hỏi là cô có cần ông giúp điều gì nữa không, cô bập bẹ trả lời: “tôi sẽ nói với ông sau”. Tuy không đúng hẳn, nhưng mọi người đều hiểu được.

Ngày đầy tháng, vợ tôi nhớ và nhắc tôi đến thăm mẹ con cô. Chúng tôi ghé siêu thị chọn mua một món quà mừng thằng bé. Bấm chuông phòng, cửa không mở. Gõ nhẹ cũng không thấy lên tiếng. Tôi đến văn phòng khách sạn hỏi. Họ cho biết là cô vừa mới chuyển đi. Tôi gọi hỏi Phòng Xã Hội, họ cho biết là cô đã chuyển đi một thành phố rất xa, và theo yêu cầu của cô, họ không tiết lộ địa chỉ mới cho bất cứ một ai. Sau một thoáng ngạc nhiên, tôi chợt nhớ đến lời một bài ca nào đó mà cô đã nhờ tôi viết ra bằng tiếng Na-uy và chỉ cho cô đọc đi đọc lại nhiều lần: “ngày mai, tôi muốn bỏ đi thật xa”. Trên đường về, bà xã tôi thắc mắc tại sao cô lại chuyển đi sớm và không cho chúng tôi hay. Tôi lắc đầu, mặc dù tôi đã vừa mới hiểu ra.

Từ hôm ấy, tôi không bao giờ gặp lại cô. Vài lần nhớ tới cô, tôi định hỏi thăm qua một số người quen ở các thành phố khác, hoặc gọi cho Sở Tỵ Nạn. Nhưng rồi tôi quyết định không tìm, vì có lẽ cô không muốn gặp lại tôi, một người biết quá nhiều về cô.

* * *

Bích Kiều đến đúng giờ hẹn. Khi thấy chiếc taxi đỗ ngay trước cổng nhà, vợ chồng tôi chạy ra đón. Tôi cũng nóng lòng muốn xem lại dung nhan của người con gái xinh đẹp nhưng găp phải điều bất hạnh của hai mươi lăm năm trước. Bây giờ chắc tuổi cũng đã 45,46. Vợ chồng tôi ngạc nhiên khi thấy Bích Kiều vẫn còn trẻ đẹp.

Cặp kiếng cận làm tăng nét tao nhã quí phái. Cô ôm chầm chúng tôi, rồi lấy kiếng xuống để chùi nước mắt.

- Không ngờ Kiều bây giờ còn đẹp hơn hồi xưa nhiều lắm. Sao đi có một mình ên còn ảnh thì giấu kỹ ở đâu rồi không cho trình diện?

Câu nói đùa của bã xã tôi làm cô bớt xúc động, nở nụ cười sau một thoáng thẹn thùng:

- Em vẫn còn độc thân mà! Hôm nay xuống đây nhờ anh chị làm mai đây.

Chúng tôi đi quanh khu vườn sau nhà. Bà xã muốn khoe mấy cụm hồng vàng vừa mới nở hoa, trước khi dắt tay cô bước vào phòng khách. Tôi mang nước ra mời và ngồi nghe hai người đàn bà nói chuyện trang điểm phấn son xong mới lên tiếng:

- Vậy là Kiều đang ở Trondheim. Tôi thấy địa chỉ trong tấm thiệp cưới. Ngày ấy, tự dưng Kiều biến mất, làm bọn tôi cứ nghĩ là nàng trích tiên đã ngao ngán cảnh trần gian mà bay lại về trời rồi chứ.

Cô cười bẽn lẽn:

- Hôm nay đến cũng để xin lỗi anh chị đây. Ngày ấy lòng em còn đau xót lắm, nên muốn đi đến một nơi thật xa, không muốn gặp bất cứ người Việt nào và nhất là những ai đã biết về mình. Mặc dù em rất thương quí và mang ơn anh chị.

Tôi cười:

-  Tôi biết, nên chỉ thương chứ có nỡ lòng nào mà trách. Chắc Kiều còn nhớ cái câu tiếng Na-uy “Ngày mai tôi muốn bỏ đi thật xa” mà Kiều nhờ tôi viết ra và chỉ cho Kiều đọc đi, đọc lại bao nhiêu lần. Khi ấy Kiều bảo rất thích câu ấy trong một bài hát mà Kiều hay hát? Nhờ đó mà tôi hiểu được, nên không có ý tìm Kiều.

Đúng là cô đã đi thật xa, một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi thành phố Ålesund. Ở đó không có một người Việt nào sinh sống. Chính quyền và dân chúng rất tốt. Mẹ con cô được chăm sóc chu đáo. Một năm sau cô bảo lãnh mẹ và hai cậu em sang đoàn tụ. Gia đình sống trong hạnh phúc. Đứa bé lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người. Cháu được đặt tên Trần huy Bách, và trong giấy khai sanh có cha là Trần Huy Trác. Tên người vị hôn phu của Kiều. Anh đã bị chính cha ruột của thằng bé giết chết thảm thương rồi vất xác xuống biển. Kiều giấu kín mẹ và các em điều đau thương này, nên đến lúc qua đời, mẹ cô vẫn tin đứa cháu ngoại duy nhất của mình là con của Trác. Bà mất đột ngột sau cơn bệnh tim, khi sang Na-uy được mười sáu năm.

Được chính phủ trợ cấp, cho học bổng, và nhờ mẹ giúp trông con cùng mọi việc trong nhà, nên Kiều và hai em được đi học. Cả ba chị em đều xong đại học. Hai cậu em đang là kỹ sư, còn cô làm y tá trong bệnh viện. Khi hai cậu em được nhận vào trường NTH , một đại học kỹ thuật bách khoa nổi tiếng tại thành phố Trondheim, miền trung Na-uy, cả nhà đã di chuyển về đây sau sáu năm ở Ålesund. Cháu Huy Bách, con của Kiều cũng vừa tốt nghiệp ở trường này mùa hè năm ngoái.

- Vợ chồng tôi mừng cho Kiều, cho sự thành công của mẹ con Kiều cùng hai cậu em, và cũng xin chia buồn về việc bà cụ đã ra đi. Tiếc là chúng tôi không có dịp được gặp bà.

Đang vui, bỗng Kiều xúc động:

- Tất cả đều nhờ mẹ em. Cả một đời thiệt thòi, chịu đựng vất vả với con cháu. Em vẫn ân hận là em đã phải nói dối với bà về chuyện của cháu Bách.

- Tôi nghĩ Kiều làm như thế là đúng. Ít nhất là không làm đau lòng thêm những người ruột thịt vốn đã chịu quá nhiều nhục nhằn, khốn khổ. Tôi tin là bác ra đi thanh thản, không có trách gì Kiều về sự việc ấy đâu. Tôi nói để an ủi .

Bà xã tôi nãy giờ không hiểu hết những gì chúng tôi trao đổi, hỏi Kiều:

-  Sao cô lại không giữ tên Kiều mà lấy tên Bích. Tôi thấy tên Bích Kiều đẹp lắm. Ngày xưa gần nhà tôi ở Nha Trang cũng có tiệm uốn tóc Bích Kiều. Mấy cô con gái đều đẹp. Tôi  quen cả hai chị em.

-  Dạ, em thấy cuộc đời nàng Kiều của ông Nguyễn Du sao mà ba chìm bảy nổi quá, mà dường như cũng đã vận vào em, em sợ nên đổi tên Bích, cũng là chữ lót của em.

Tôi cười phụ họa:

-  Nàng Kiều nào cũng đã chết rồi. Bây giờ, đang ngồi trước mặt tôi là Bích. Một cô Bích hoàn toàn khác. Chúng tôi rất mừng được như vậy. Xin lỗi, đáng lẽ ra không nên gọi cô là Kiều nữa. từ bây giờ chúng tôi gọi tên Bích nghe.

-  Có sao đâu anh. Hai đứa em của em cũng gọi em là chị Kiều mà. Ngoài gia đình, chỉ có anh chị là biết cái tên này của em. Chuyện xưa cũng đã qua rồi. Em muốn anh chị cứ gọi em là Kiều như ngày trước. Hơn nữa, em biết, ngày ấy anh chị cũng thương yêu cô Kiều đó lắm , phải không?

Cả ba chúng tôi đều cười.

Kiều nhìn đồng hồ trên tường, khi nghe tiếng chuông báo giờ. Không biết vì không muốn nhắc lại chuyện cũ, hay là sợ không còn nhiều thời gian, cô bắt đầu một câu chuyện khác. Cô mở xách tay lấy ra mấy tấm ảnh đưa cho chúng tôi xem. Ảnh của Bách, con trai cô vừa chụp với cô vợ tương lai trong ngày lễ đính hôn hơn ba tháng trước. Một cô gái Việt nam. Cả hai cô cậu đều đẹp, mũi cao, đôi mắt to, vầng trán thoáng lên nét thông minh.

-          Hai cháu rất xứng đôi vừa lứa! Vợ chồng tôi khen.

Cô cho biết cô dâu tương lai là một dược sĩ vừa mới tốt nghiệp, con gái út của vợ chồng một vị giáo sư trước 75, được con bảo lãnh sang Na-uy, và bây giờ lớn tuổi đã về hưu. Ông bà đang sống ở Oslo. Gia đình nề nếp, đạo đức, có năm người con, tất cả đều thành đạt. Cô nhờ vợ chồng tôi, tuổi tác ngang với cha mẹ cô dâu, đứng ra thay mặt nhà trai trong ngày đám cưới. Nhưng điều quan trọng hơn, theo cô, là để cho cháu Bách, và chính cô nữa, được tự tin, ấm áp hơn về phía gia đình mình. Bởi vợ tôi là người chứng kiến khi Bách ra đời, còn tôi là người đồng hương duy nhất biết rõ về Bách, về những tình huống để có Bách hiện diện trên thế gian này.

- Sự có mặt của anh chị trong ngày đám cưới cháu Bách, là một kỷ niệm thiêng liêng quý giá đối với mẹ con em. Bởi vì khi nhìn thấy anh chị, em sẽ có cảm giác như là đang có anh Trác bên cạnh. Xin lỗi anh chị, em cũng đã nói dối với cháu Bách, anh là người duy nhất ở Na-uy này biết chuyện Trác, và tội nghiệp, cháu Bách vẫn tin anh Trác là ba của nó. Em thường bắt gặp cháu đứng thật lâu trước tấm ảnh của anh Trác trên bàn thờ.

- Vậy nhỡ cháu Bách hỏi tôi về Trác, tôi biết nói gì với cháu?

Nghĩ ngợi một lúc, Kiều lên tiếng:

- Em chỉ nói với cháu Bách, là ngày xưa anh ở trong quân đội, nên biết ba của anh Trác là ông nội cháu, thế thôi. Chứ lúc ấy anh Trác còn nhỏ lắm. Em thiết tha mong anh chị giúp em. Vì trong lúc này, em cảm thấy thật lo sợ và cô đơn. Những hình ảnh hãi hùng ấy cứ tưởng đã quên được từ lâu rồi, vậy mà bây giờ nó lại hiện lên liên tục, ngay cả trong giấc ngủ của em. Thú thực, ban đầu em không có ý định gặp anh chị, nhưng càng gần ngày đám cưới cháu, em càng thấy lòng bất an. Cuối cùng bất ngờ em đã nghĩ đến anh chị, người đã biết tường tận hoàn cảnh của mẹ con em, bỗng dưng em thấy nhẹ nhàng, như vừa giải tỏa được những gì cứ phải chôn giấu, đè nặng mãi trong lòng.

Nhớ tới hai người em trai của cô, vợ tôi hỏi:

-  Còn hai cậu em của cô bây giờ ra sao. Đã có gia đình riêng hay vẫn ở chung với cô?

-  Cậu lớn sống chung với cô bạn gái người Na-uy hơn hai năm thì chia tay, còn cậu út vẫn chưa lập gia đình. Tuy nhiên, hai cậu đều ở riêng.


Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định hủy bỏ chuyến đi London. Phải gọi sang xin lỗi và giải thích cho vợ chồng cô con gái, bảo đây là một việc ba má cần làm để giúp cho những người bất hạnh có thể tìm lại ít nhiều hạnh phúc.

Lễ thành hôn được tổ chức buổi sáng thứ Bảy. Chúng tôi đến khách sạn Royal Christiania khi trời vừa mới trải qua một cơn mưa hạ. Ánh nắng bắt đầu chói chang rọi qua những tàn cây tạo thành những vệt lung linh trên các bãi cỏ xanh điểm những chấm vàng rực rỡ của hoa løvetann đang mùa nở rộ. Họ nhà trai dùng khách sạn này, nơi mẹ con Kiều và hai cậu em đang ở mấy hôm nay, làm “điểm xuất phát”. Từ Trondheim xuống, nên họ chỉ có bốn người. Thêm một cậu người Na-uy ở Oslo, bạn học của Bách làm phụ rể. Vợ chồng tôi đến với hai cô con gái và ba đứa cháu, để bưng các mâm lễ vật, theo yêu cầu của Kiều. Lần đầu tiên chúng tôi gặp Bách. Cậu bé ra đời vào một đêm đông tuyết giá, trong nỗi cô đơn và xót xa của mẹ, chỉ có vợ chồng tôi, hai người đồng hương xa lạ, có mặt và nghe tiếng khóc đầu đời, bây giờ là một thanh niên tuấn tú, có học, chân thật hiền lành. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là Bách nói tiếng Việt rất giỏi. Bất giác, tôi nhớ tới những điều Kiều kể với vị cảnh sát ngoại kiều trước kia trong bệnh viện. Đầu óc như mơ hồ có tiếng sóng biển thét gào phẫn nộ, và hình dung tới gã hải tặc Thái Lan có mái tóc phủ xuống lưng, trên người đầy những hình xâm với đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu trong men rượu. Bỗng tôi giật mình, có cảm giác như vừa làm điều phạm tội. Cố gắng hướng tâm trí tới những điều thánh thiện, tốt đẹp khác để xua đuổi hết những hình ảnh đen tối ấy vào giờ phút mọi người đang cần có niềm vui và hạnh phúc.


Lễ thành hôn đã diễn ra tốt đẹp. Ông bà sui của Kiều đều là nhà giáo, hiểu biết và tôn trọng nề nếp cũ. Mọi nghi thức hôn lễ theo tập tục do ông bà hướng dẫn khá tỉ mỉ. Con cháu đều thành đạt, lễ phép. Tôi mừng cho Kiều, và nhất là cho cháu Bách đã may mắn là con rể của gia đình này. Có lẽ thấu hiểu hoàn cảnh của Kiều với lòng mến mộ, sau khi lạy ông bà trên bàn thờ gia tộc, ông giáo hướng dẫn cô dâu chú rể đến dâng rượu và xin lạy mẹ của Bách hai lạy. Ông giải thích, một lạy cảm tạ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, mất chồng từ khi còn rất trẻ, nhưng không bước thêm một bước nào nữa mà dành hết cuộc đời cho đứa con duy nhất của mình. Một lạy xin mẹ nhận thay cha, để hai con tưởng nhớ đến người cha bất hạnh, sớm lìa đời khi chưa thấy mặt con.

Khi vợ chồng cháu Bách mời rượu, nói những lời cám ơn thật cảm động, Kiều âu yếm nhìn hai con, định nói điều gì, nhưng rồi nghẹn ngào. Sau một lúc mới nở được nụ cười trong ràn rụa nước mắt. Tôi thấy lòng bâng khuâng. Thầm mong đó không phải là những giọt nước mắt xót xa mà là niềm vui của hạnh phúc.


Không khí bỗng lắng xuống. Mọi người đều xúc động. Kiều ngước lên, đúng vào lúc tôi quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt của chính mình.

 

Phạm Tín An Ninh

Cộng Sản Là Gì? - Người Phương Nam

Có Thể Bạn Chưa Biết! Mỗi Bộ Phận Sống Trên Người Bạn Đáng Giá Bao Nhiêu Khi Đưa Lên Chợ Đen Bán


(1) Dạ dày sợ hãi khi bạn không ăn sáng.

(2) Thận sợ hãi khi bạn không uống đủ nước trong 24 giờ.

(3) Túi mật sợ hãi khi bạn không ngủ trước 11 giờ tối và không thức dậy trước khi mặt trời mọc.

(4) Ruột nhỏ sợ hãi khi bạn ăn đồ lạnh, hết hạn sử dụng.

(5) Ruột lớn sẽ sợ hãi khi bạn ăn nhiều đồ chiên và cay hơn.

(6) Phổi sợ hãi khi bạn hít vào khói thuốc, bụi bẩn và môi trường ô nhiễm từ thuốc lá.

(7) Gan sợ hãi khi bạn ăn đồ chiên nặng, đồ ăn vặt và đồ ăn nhanh.

(8 )Trái tim sợ hãi khi bạn ăn bữa ăn của mình với nhiều muối và mỡ máu hơn.

(9) Tụy sợ hãi khi bạn ăn nhiều đường vì hương vị và có sẵn thoải mái.

(10) Đôi mắt sợ hãi khi bạn làm việc trong màn hình di động và máy tính khi tối.

(11) Bộ não sẽ sợ hãi khi bạn bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực. 


Hãy chăm sóc các bộ phận khác nhau trên cơ thể của bạn và đừng làm chúng sợ hãi.

Tất cả các cơ quan này đều không có trên thị trường.

Hàng có sẵn rất đắt và chưa chắc vừa người.

Vì vậy hãy giữ cho cơ quan của bạn khỏe mạnh.


Mỗi bộ phận sống trên người bạn đáng giá bao nhiêu khi đưa lên chợ đen bán:

*Thận – $200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ VNĐ)

Cho đến nay, thận là cơ quan phổ biến nhất được giao dịch trên Chợ Đen. Bởi nhu cầu cấy ghép lớn và người hiến vẫn có thể sống bằng một quả thận. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chúng là một trong những thứ đắt nhất để mua bất hợp pháp.

Giá nội tạng thận chợ đen có giá dao động từ 150.000 USD – 200.000 USD (3,5 – 4,6 tỷ VNĐ). Nhưng riêng ở Trung Quốc, điều khiến người ta đáng ngạc nhiên là giá thành lại thấp hơn nhiều, một quả thận có giá chỉ khoảng 8 ngàn USD (1,8 tỷ VNĐ).

*Gan – $157.000 USD (khoảng 3,6 tỷ VNĐ)

Thời gian chờ đợi lâu và chi phí cấy ghép gan cao. Việc chuyển sang Chợ đen khiến việc tìm gan thay thế dễ dàng hơn. Nếu bạn bán gan của mình ngày hôm nay, bạn sẽ thu về khoảng 3,6 tỷ.

*Tim – $119.000 USD (khoảng 2,7 tỷ VNĐ)

Tại Mỹ, một ca phẫu thuật cấy ghép tim khoảng 1,4 triệu đô la (~32 tỷ VNĐ). Hầu hết, không ai có sẵn hơn 1 triệu đô la để cứu cuộc sống của họ. Chợ Đen làm quá trình này trở nên hợp lý hơn nhiều. Giá nội tạng chợ đen đối với một trái tim khoảng 119.000 đô la (~2.7 tỷ VNĐ). Điều này làm cho giá của một trái tim hợp pháp trở thành “tội phạm thực sự”.

*Giác mạc – $30.000 USD (~690 triệu VNĐ)

Tổn thương giác mạc có thể dẫn đến mù lòa. Con người có thể làm hỏng thị lực từ một danh sách dài những thứ tưởng chừng như vô hại. Như thường lệ, Chợ đen luôn có sẵn giác mạc để đáp ứng nhu cầu này. Giác mạc là mô được cấy ghép thường xuyên nhất.

Theo bảng giá nội tạng ở chợ đen, giác mạc dao động khoảng 30.000 đô la (690 triệu VNĐ); chúng thường đến từ các xác chết.

*Tủy xương – $23.000 USD (~529 triệu VNĐ)

Tại Mỹ, khi hiến tặng hợp pháp 1 gram tủy xương, bạn sẽ được 3.000 đô la (~69 triệu VNĐ). Giá trên chợ đen đối với mặt hàng này là 23.000 USD/gram (~529 triệu VNĐ).

*Tinh trùng – $1.000 USD (~23 triệu VNĐ)

Theo Ngân hàng tinh trùng California, giá mỗi lần xuất tinh là 1.000 USD.

Trứng – 8.000 USD (~184 triệu VNĐ)

Trứng được bán với giá cao gấp 8 lần tinh trùng. Do quá trình hiến trứng lâu hơn tinh trùng. Thông thường mất 3-4 tuần tiêm thuốc nội tiết tố để giúp sản sinh nhiều trứng.

*Xương và dây chằng – $3.000 USD (~69 triệu VNĐ)

Xương và dây chằng cũng là mặt hàng được rao bán trên Chợ đen. Chúng thường lấy từ các xác chết. 

*Động mạch vành – $1.525 USD (~35 triệu VNĐ)

Bệnh tim là một trong những bệnh phổ biến nhất. Hiện nay, có nhiều giải pháp để chữa trị: từ mổ bắc cầu mạch vành đến ghép tim.

Y học hiện nay chưa thực hiện ca cấy ghép động mạch nào. Nhưng thị trường chợ đen vẫn thu mua. Giá động mạch vành khoảng 35 triệu.

*Ruột nhỏ – $2.519 USD (~58 triệu VNĐ)

Cấy ghép ruột non là một phẫu thuật hiếm và phức tạp. Nó được áp dụng cho những người cắt bỏ nhiều phần ruột non, hoặc đang bị suy ruột. Theo bảng giá nội tạng ở chợ đen, ruột nhỏ có giá trị khoảng $2.519 USD (~58 triệu VNĐ). 

*Hộp sọ có răng – $1.200 USD (~27.6 triệu VNĐ)

Hộp sọ không sử dụng để cấy ghép. Những người có nhu cầu thường là nhà nghiên cứu y học, hoặc người chuyên sưu tầm đồ kỳ quặc. Do vậy, mặt hàng này cũng được mua bán trên chợ đen. Hiện tại, giá hộp sọ khoảng 27,6 triệu.

*Lách – $508 USD (~11.6 triệu VNĐ)

Việc cấy ghép lá lách trên người chưa được thực hiện. Một người có thể sống mà không cần lá lách. Nhưng chẳng ai muốn sống không có lá lách. Vì cơ quan này thực hiện nhiều chức năng như hỗ trợ hệ thống miễn dịch…

Vào thời điểm việc cấy ghép lá lách của con người trở thành hiện thực, thị trường chợ đen có thể đã có sẵn. Ngay bây giờ, giá lá lách trên bảng giá nội tạng chợ đen là $508 USD (~11,6 triệu VNĐ). Giá này chắc chắn sẽ tăng lên khi bệnh viện cung cấp dịch vụ cấy ghép lá lách. 

*Da đầu – $600 USD (~13,8 triệu VNĐ)

Năm 2015 đã thực hiện ca cấy ghép da đầu đầu tiên trên thế giới. Có cầu sẽ có cung. Theo bảng giá nội tạng chợ đen, một chiếc da đầu trị giá hơn 600 đô la (~13,8 triệu VNĐ). Nó là mặt hàng có giá cả phải chăng nhất. 

*Túi mật – $1.200 USD (~27,6 triệu VNĐ)

Hiện nay, không có ca cấy ghép túi mật. Người bị sỏi mật được chữa bằng cách cắt túi mật. Nhưng bạn vẫn có thể bán một túi mật khỏe mạnh trên chợ đen. Bạn sẽ thu về khoảng 27,6 triệu đồng.

*Dạ dày – $500 USD (~11,5 triệu VNĐ)

Thị trường Chợ Đen nhận ra rằng thỉnh thoảng có nhu cầu về dạ dày; nhưng sự hiếm hoi của việc cấy ghép này giữ giá trị thấp, chỉ hơn 500 đô la.

 *Vai – $500 USD (~11,5 triệu VNĐ)

Những bệnh nhân thoái hóa khớp vai sẽ được thay bằng một quả bóng kim loại. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó được thay thế bằng một đầu vai thật?

Hiện tại chưa có ca phẫu thuật như vậy. Nhưng Chợ đen đã có sẵn để bán nếu ngày đó đến. Giá trị của một đầu vai là $500 USD (~11,5 triệu VNĐ). 

*Máu – $337 USD/0.58 lít (~7,8 triệu VNĐ)

Có lượng lớn người tình nguyện hiến máu. Nhưng thành phần cần thiết cho sự sống này vẫn có sự thiếu hụt lớn. Do đó, việc mua máu bất hợp pháp đã trở thành một thực tế phổ biến.

Ở Ấn Độ, một số người bị mắc kẹt trong các trang trại máu – nơi họ bị nhốt trong lồng và buộc phải hiến máu. Theo bảng giá nội tạng chợ đen, máu có giá trị 337 USD/0,58 lít (~7,8 triệu VNĐ). 

*Tóc – $1.000 USD (~23 triệu VNĐ)

Giá bán tóc phụ thuộc vào bí quyết giữ tóc được “trinh”. Nghĩa là, tóc không có thuốc nhuộm và sử dụng các chất hóa học khác như ép, uốn…thì giá sẽ càng cao.

*Da – $10 USD mỗi inch vuông (~230 nghìn VNĐ)

Ghép da là một trong những phẫu thuật phổ biến. Phẫu thuật này thường được lấy từ da ở các bộ phận khác của cơ thể. Nhưng đôi khi, da có thể được lấy từ những người hiến tạng đã qua đời dưới dạng gọi là Allograft. Thị trường chợ đen định giá da ở mức $10 USD mỗi inch vuông (~230 nghìn VNĐ). 

*Nhau thai $8 USD (~184 nghìn VNĐ)

Việc buôn bán nhau thai đang bùng nổ ở khu vực Châu Á. Nhau thai người bị cấm buôn bán. Hiện nay, chúng được bán như “bánh mì nóng” trên nền tảng thương mại điện tử phổ biến ở Trung Quốc. Người ta mua, nấu và ăn chúng như một loại thuốc được cho là chưa vô sinh, bất chấp nguy cơ mắc bệnh.

 

Vậy cơ thể của người chết có giá trị thế nào trên thị trường chợ đen?

Cơ thể người chết còn giá trị hơn khi sống

Rất nhiều bộ phận không thể bán khi còn sống. Khi bạn chết thì ngược lại. Tổng giá trị một cơ thể sau khi chết khoảng trên 35 tỷ. Những người mua sẽ chia cơ thể thành nhiều phần. Trước khi xác bị phân hủy, người buôn xác sẽ lấy giác mạc và ngâm vào dung dịch ở -4 độ C. Tim, gan và thận đóng gói đưa sang Châu Âu. Da lột bán cho bệnh viện thẩm mỹ. Còn xương, dây chằng sẽ bán cho trường y dùng làm vật mẫu thí nghiệm.

Kinh doanh xác chết mang lại lợi nhuận hàng triệu USD cho các công ty tại Mỹ

Như các mặt hàng khác, giá bộ phận cơ thể dao động theo điều kiện thị trường. Vì vậy bảng giá nội tạng cũng biến động và cập nhật liên tục.

Tại Mỹ, có rất nhiều công ty môi giới kinh doanh xác chết. Những công ty này sẽ tìm những gia đình có người chết, khuyên họ hiến xác cho mục đích khoa học. Thực tế, họ sẽ lấy xác đem bán trên chợ đen. Việc lấy nội tạng: thận, tim, gan, giác mạc.. cần dụng cụ có kỹ thuật cao và bảo quản tốt. Vì vậy để giảm chi phí, họ chỉ đầu tư vào máy cắt đơn giản để bán phần xương. Họ chia cơ thể thành các bộ phận để bán. $3.575 cho một cái thân, $500 cho một cái đầu; $350 đô la cho một bàn chân; $300 cho một cột sống.

Thông qua các cuộc phỏng vấn và hồ sơ công khai, Reuters Investigates đã xác định một nhà môi giới kinh doanh xác chết đã kiếm được ít nhất 4,2 triệu USD (~100 tỷ VNĐ) trong vòng 1 năm từ việc kinh doanh bộ phận cơ thể.

 

Tiếp cận dụ dỗ nạn nhân

Một số chuyên gia y tế chính là người chủ mưu trong các giao dịch buôn bán bộ phận người trái phép.

Họ gọi đó là “dịch vụ trọn gói”: họ sẽ tìm người hiến tạng, thu xếp mọi công đoạn, rồi tiến hành phẫu thuật. Tiền thanh toán được chuyển tới bác sĩ, chia cho những thành viên khác trong nhóm.

Đường dây trong nhóm gồm có cò (đứng ở các cổng bệnh viện, tiếp cận bệnh nhân, người nhà có bệnh nhân cần ghép tạng). Sau đó, cò liên hệ với bác sĩ làm thủ tục giấy tờ theo hình thức hiến tạng hợp pháp…

Khi qua các đường dây này, nội tạng đến được người cần ghép với giá cao ngất ngưởng. Người “bán” dưới danh nghĩa “hiến” chỉ nhận được một số “phí” khoảng 2/3, thậm chí một nửa so với giá trị thực người bệnh bỏ ra vì phải qua tay “cò”.

Chúc bạn khoẻ mạnh và hạnh phúc

……

Sưu tầm 

Tuesday, July 30, 2024

Tháng Bảy Tình Thân - Đỗ Công Luận

Bên Bờ Tử Sinh - Đỗ Dung

 
Tác giả Đỗ Dung

Buổi sáng thứ bảy, mùa hè, bầu trời xanh trong không một gợn mây, màu nắng vàng chanh, gió nhè nhẹ mơn man làn da, mùi thơm của cỏ cây, hoa lá… vương vương, thoang thoảng. Con đường nhỏ uốn lượn nhẹ nhàng, hai hàng cây xanh bên đường đều tăm tắp, một bên hè trống tiếp ráp với những ngọn đồi nhấp nhô nối nhau trải dài, in lên nền trời, bên kia là dãy nhà nằm ngoan ngoãn sau những mảnh vườn được trồng tỉa vén khéo. Hai vợ chồng tôi lững thững đi trong cảnh trí êm lặng, an bình của thành phố nhỏ như còn đang say ngủ.

Tôi mới mổ “cataract” mắt bên phải. Mọi việc suông sẻ nên cảm thấy rất yêu đời, tôi tinh nghịch nhắm bên mắt trái, cảnh vật như sáng hẳn ra, những chiếc lá thật rõ nét, óng ánh, rung rinh dưới nắng, những bông hoa tươi lên reo vui, cảnh vật trong trẻo như được nhìn qua khung cửa kính mới được lau chùi kỹ lưỡng bằng Windex. Nhớ lại ngày mổ mắt, khi nằm trên bàn mổ ở nhà thương của trường Đại học Stanford, vẫn căn phòng sáng trắng, vẫn các thủ tục thông thường như những lần phải thử nghiệm hay mổ xẻ trước đây, nhưng lòng tôi thanh thản không một chút âu lo. Từng giọt thuốc an thần từ túi treo trên cao nhỏ vào mạch máu làm tôi chơi vơi, bềnh bồng.

– Bà Nguyễn, bắt đầu nhé!

Tiếng bà bác sĩ nhẹ nhàng thoảng bên tai, mắt tôi tê đi, không cảm giác. Chợt hai đốm đen hình vuông hiện ra rồi từ từ một vầng mây màu hồng đỏ, màu đỏ tuyệt vời, bay bay. Một mảng xanh “turquoi” lượn lờ trên nền trời xanh trong. Cứ thế, những quầng mây màu sắc đẹp chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhẹ nhàng bay bay, chơi vơi, chơi vơi…đưa tôi đi vào một vùng an lạc mênh mông như có tiếng gió nhẹ nhẹ, như có tiếng thầm thì và tôi thiếp đi trong cảm giác thật êm ái lạ lùng.

– Xong rồi, bà Nguyễn!  Bà nghỉ ngơi một chút rồi về nhé. Sáng mai trở lại gặp tôi.

Tôi bừng tỉnh khi bà bác sĩ dịu dàng vỗ nhẹ cánh tay tôi, chiếc giường lại được đẩy về phòng đợi khi sáng. 

Trong đời, hai lần tôi có niềm sung sướng ấy. Niềm hạnh phúc mênh mông trong tuyệt vời cảm giác, như mê thiếp trong hoan lạc dị thường… Lần đầu tiên là sau một buổi tọa thiền, đặt lưng xuống giường, tôi mê đắm trong cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng ấy.

Miên man trong suy nghĩ, tôi cùng ông xã đã về đến nhà con gái. Tuần này chúng tôi đến ở chơi nhà con như một kỳ nghỉ hè.

– Bố mẹ dậy sớm thế, đi những đâu rồi? Bố mẹ có lên những con đường đi bộ trên núi chưa?

Cô con gái đang tỉa mấy cây hồng trong khu vườn trước cửa ngước lên hỏi khi thấy chúng tôi về.

– Chưa, bố mẹ mới đi quanh đây thôi. Nhà cửa đẹp, không khí thật êm ả, thanh bình. Mai các cháu có đi leo núi, có đi “hiking” nhớ rủ ông bà đi cùng nhá!

– Mời ông bà vào uống cà phê, ăn tạm một miếng bánh “croissant” rồi chúng con đưa ông bà qua San Francisco chơi.

Tiếng cậu con rể từ trong nhà vọng ra, cùng mùi cà phê tỏa ra thơm ngát.

Đã lâu không ghé thành phố biển Cựu Kim Sơn, khung cảnh vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Bầu trời hôm nay màu xám, nhiều mây và hơi lành lạnh, nên dù đang mùa hè vẫn phải mặc áo ấm. Vẫn những chiếc xe điện kêu leng keng, chở du khách thăm thành phố. Con đường Lombart vẫn ngoằn ngoèo và những con dốc dựng đứng làm chùn bước những người lái xe còn yếu.  Khu quanh biển vẫn tấp nập khách nhàn du.  Sau khi lái xe một vòng quanh phố, chúng tôi ghé lại công viên cho các cháu chạy nhảy, chơi đùa.  Khi tụi nhỏ đã mệt rồi, cả nhà kéo vào phố Tàu ăn mì trong một tiệm khá ngon.

Về tới nhà còn sớm nên các cháu rủ xuống hồ bơi.

– Mẹ mới “surgery,” xuống hồ bơi mẹ cẩn thận nghe.

Cô con gái luôn miệng nhắc vì cháu nghe kể có người sau khi mổ “cataract” không giữ gìn kỹ nên bị thông manh, nhìn mọi vật không rõ nữa.

Mang cặp kính đen to bản của nhà thương cho, tôi nằm trên chiếc phao nổi trong một góc khuất của hồ bơi mặc cho mấy ông cháu chơi đùa. Hai vợ chồng cô con gái lúi húi sửa soạn cho bữa ăn tối ngoài vườn.

Buổi sáng trời không mây, bây giờ vài cụm mây trắng từ đâu tới, lang thang trên bầu trời xanh trong đưa tôi về thời gian cách đây mười mấy năm mà tưởng chừng như mới hôm qua…

***

Đó là khi tôi còn đi làm. Một buổi chiều đang ở sở tôi bổng lên cơn ho sặc sụa, ho như xé ruột gan, nước mắt chảy ràn rụa, tôi phải xin phép về sớm. Tôi rất ghét đi bác sĩ vì không thích cảnh ngồi dài người chờ đợi nên thường khi bị ho như thế tôi chỉ uống thuốc ho, nhờ nhà tôi xoa dầu nóng khắp châu thân rồi nằm nghỉ. Sau một giấc ngủ dài là khỏe lại ngay. Lần ấy nhà tôi nhất định đưa tôi đi bác sĩ.

Sau những khám nghiệm thông thường, bà bác sĩ lấy một dụng cụ nhỏ kẹp vào ngón tay tôi. Đọc kết quả bà thốt lên:

– Bà Nguyễn, bà phải nhập viện ngay. Độ oxygen trong máu bà thấp quá, chưa đến tám mươi phần trăm!

Bà nói nhân viên gọi ngay xe cứu thương. Hai vợ chồng nhìn nhau tê điếng. Trầm trọng vậy sao! Xe cứu thương đến, mọi vật như lao xao và tôi như người mộng du, nằm trên chiếc băng ca, chui vào lòng chiếc xe hụ còi chạy nhanh.

Trong phòng cấp cứu tôi vẫn thảng thốt, mới tuần trước đi Houston ăn Tết với gia đình cô em gái, khỏe mạnh không một triệu chứng nào, bây giờ nằm đây những dây cùng nhợ. Vô thường đến vậy sao!

Mỗi ngày y tá đến lấy máu, cứ vài tiếng lại đo nhịp tim, đo huyết áp, đưa tôi chui vào hết máy nọ, máy kia để tìm bịnh. Mấy hôm đó trời chuyển mưa, gần như ngày nào cũng có mưa, có ngày mưa nhẹ, có ngày mưa như vũ bão, gió rít từng cơn. Buổi chiều sau khi tan sở là nhà tôi và cháu út lại đến thăm, ngồi bên giường đến tối mịt mới về. Ban đêm còn lại một mình tôi không tài nào ngủ được, lòng ngổn ngang trăm mối, mệt mỏi thiếp đi thì y tá lại vào để đo nhiệt độ, đo tim, đo máu, lấy máu để thử nghiệm.

Tôi còn nhớ như in buổi tối sau khi làm “Angiogram” nhà tôi và cháu út đang ngồi cạnh giường. Viên bác sĩ đến đã thản nhiên nói:

– Tôi rất buồn, bà Nguyễn, bà vướng phải một căn bệnh hiếm, “Pulmonary Hypertension,” bịnh không chữa được, chỉ đợi thay phổi, thay tim. Bà còn sống khoảng chừng hai năm, hãy thu xếp và hãy vui những ngày còn lại.

Mặt nhà tôi trắng bệch ra và thằng con cắn môi, dụi mắt để ngăn tiếng nấc. Tôi điếng người nhận bản án tử hình! Tôi có cảm giác mặt tôi như đanh lại và người như tê đi.

Buổi sáng hôm sau, ngồi trên chiếc xe lăn rời khỏi bệnh viện, trong lòng tôi đau đớn vô ngần. Từ nay tôi là kẻ tàn phế. Mũi lúc nào cũng phải có ống thở oxygen. Tôi thật sự thành người tàn phế!

Sau một tuần mưa gió, hôm ấy trời nắng ấm. Tôi nhớ căn nhà nhỏ của tôi, xa có hơn mười ngày mà tưởng chừng như lâu lắm. Trước nhà, cả dãy Hồng dọc lối đi đầy hoa.  Vào nhà, tôi ra sân sau thăm khu vườn nhỏ, vạn vật như tươi cười trong nắng.  Cây Apricot hoa chi chít từ gốc đến ngọn, màu hồng dịu dàng như màu hoa Anh Đào của Nhật. Cây Mận đầy hoa trắng xóa trên cành. Cây Đào ăn trái hoa thưa hơn, màu hồng đậm hơn, duyên dáng ở một góc vườn. Bên hông nhà một dàn Nho vòm tròn hình vòng cung, lá non xanh và những chùm nho xinh xinh đã tượng hình. Bao phủ mặt đất từng khoảng cúc tím, cúc vàng nở rộ, những bông “Lily of the Nile” cũng như cố vươn lên mỉm cười với tôi.  Thoang thoảng hương thơm của bụi hoa Nhài trộn lẫn hương hoa Hồng, dàn hoa Hồng với những bông hoa nhỏ xíu bằng đồng hai mươi lăm xu, màu hồng phấn, thơm nhè nhẹ. Hai cây Bông Giấy đỏ thắm quấn quýt hai bên cột “patio.” Nhìn phong cảnh của khu vườn mà lòng tôi nghẹn lại.

Bấy giờ là mùa xuân, chim non ríu rít truyền cành. Cảnh đẹp quá, thiên nhiên đẹp quá. Tôi như say với nắng, màu nắng thật ngọt ngào. Tôi như say với gió, làn gió thật thơm tho. Từng phiến lá rung rinh, từng cánh hoa khoe sắc… Trời ơi… cảnh tươi đẹp thế kia, tôi yêu quá… thế mà chỉ hai năm, hai năm là hai mươi tư tháng, là bẩy trăm ba mươi ngày tôi phải vĩnh viễn rời xa. Tôi chỉ còn thời gian ngắn ngủi như thế trên cõi đời này sao… và tôi đã bật khóc.

Những chuỗi ngày tiếp theo ủ ê, buồn nản. Ban ngày chỉ còn mình tôi trong căn nhà vắng, đi vào, đi ra… dù sao tôi cũng phải sửa soạn, sửa soạn cho một chuyến đi thật xa, về miền miên viễn. Đầu óc mông lung, nghĩ quẩn nghĩ quanh rồi lại vùi đầu vào gối mà khóc, khóc cho vơi, khóc cho thỏa. Ban đêm giấc ngủ chập chờn với những cơn ác mộng, tỉnh dậy mệt nhoài, trăn trở.

Tôi thấy mình như đang đi trên một cánh đồng vắng lặng, hoang vu. Trời xám và hình như lất phất mấy giọt mưa. Đồi núi mênh mông, cỏ mênh mông, những bông cỏ may như bám vào mặt, những ngọn cỏ dại như vướng vào chân. Cảm giác bơ vơ đến tột cùng. Bỗng một đám người từ đâu ùa tới đuổi dồn tôi vào một ngõ sâu hun hút, như một con đường hầm tối đen. Tôi cắm đầu chạy và như hẫng chân, bừng tỉnh, tim đập mạnh, mệt nhoài.

Từ ngày ở nhà thương về tôi hay có những cơn ác mộng như thế. Trong cơn mơ tôi thường gặp những đám người đen đúa, bẩn thỉu, không ra mặt người, không ra mặt quỷ chạy đuổi tôi và tôi chạy trối chết cho đến khi hoặc như vấp phải vật gì hoặc vì quá nhược sức tôi ú ớ vùng tỉnh dậy.

Tôi nghe nói khi con người ở bên bờ tử sinh hay nhập nhòa, chập choạng nhìn được cõi bên kia, một thế giới vô hình mà khi mạnh khỏe, dưới ánh mặt trời ta không nhìn thấy. Tôi nhớ hồi mẹ chồng tôi bịnh, đến gần ngày cụ mất cụ hay mê sảng: “Sao ở đâu ra mà lắm người vào nhà mình thế này.  Đuổi đi, đuổi chúng nó đi”.

Tôi buốt ruột khi nghĩ đến cha mẹ tôi, hai thân già còm cõi sẽ phản ứng ra sao nếu tôi bất hiếu đi trước, để cho “lá úa phải khóc lá xanh,” bầy chị em mỗi năm vẫn ríu rít gặp nhau và con, cháu tôi… Tôi sắp phải dời xa tất cả.  Có đêm tôi mơ tôi mặc chiếc áo dài nhung đỏ nằm bình an trong chiếc quan tài, đèn nến lung linh và tôi bay như chim trong bầu trời bát ngát, thoải mái, nhẹ nhàng.

Tôi yếu và hốc hác hẳn vì lo buồn, vì khó ngủ, vì nghĩ ngợi lung tung. Ngày nghỉ nhà tôi đưa đi bộ quanh khu nhà ở hoặc ra khu công viên có cỏ hoa tươi tốt cho tinh thần sảng khoái nhưng cứ đi được một quãng ngắn là tôi phải dừng lại thở dốc, lên ba bốn bậc cầu thang tim đã đập thình thịch phải ngừng!

Cho đến một đêm lũ người đó lại đuổi theo tôi, tôi lấy hết sức bình sinh cắm đầu chạy. Những bước chân chạy theo đằng sau dồn dập, như gần, thật gần. Rồi không hiểu sao trong cơn sợ hãi ấy bản năng của tôi bỗng trổi dậy với một ý chí quật cường. Tôi quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào đám người đen đúa, bẩn thỉu đó và quát vào chúng:

– Sao tụi bay theo tao hoài vậy, có đi đi không?

Rồi tôi lao thẳng tới đuổi họ. Họ quay người chạy đi và biến mất.

Kể từ lần ấy tôi không còn nằm mơ thấy mình bị rượt đuổi nữa. Thì ra “ma trong mơ” cũng biết sợ kẻ mạnh và ăn hiếp kẻ yếu đó chứ!

Các bạn trong sở chia nhau đến phụ nấu cơm nước và chuyện trò làm tôi vui. Các bạn ở xa biết tin cũng điện thoại hỏi thăm, gửi tặng kinh sách và băng giảng của các Thày. Những sự ủng hộ tinh thần này, cộng với sự lo lắng, chăm sóc, và thương yêu của gia đình đã giúp tôi mạnh mẽ hơn lên.

Và tôi quyết chí phải chống lại chứng bệnh ngặt. Tôi bắt đầu tập thiền. Cậu em rể đem bài chỉ dẫn cách tập Dịch Cân Kinh bảo tôi cố tập. Hàng tuần tôi phải đi ba bác sĩ, một chuyên về tim, một chuyên về phổi, và vẫn phải trở lại bà bác sĩ gia đình. Mỗi tháng phải đến phòng khám bệnh của trường Đại Học UCLA để bác sĩ chuyên môn về bịnh Pulmonary Hypertension điều trị. Tiểu Linh, bạn của cô em tôi, PhD về Đông y, sau khi bắt mạch, khám bịnh có cho một toa thuốc tăng cường thể lực, cân bằng khí huyết và nhìn sắc diện tôi cô nói: “Chị còn vượng lắm, cần nhất là giữ tâm thanh thản và tinh thần vững vàng thì chị sẽ vượt qua.”

Mỗi tối tôi ngồi khoanh chân tập thở. Lúc đầu, tôi chưa thể xua đi những tạp niệm, chưa thể lắng tâm tư mình như lóng gạn bình nước táo. Tôi ôn lại cuộc đời tôi từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, những vất vả gian nan sau năm 1975 khi chồng phải đi cải tạo, những vinh nhục khi lên voi lúc xuống chó, những ngày lênh đênh trên chiếc thuyền con ra khơi vượt biển, những khó khăn khi một nách hai đứa con thơ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, phất lên rồi thất bại và bây giờ lại mắc căn bịnh hiểm nghèo. Tại sao? Tại sao?? Những câu hỏi cứ dằn vặt trong đầu óc. Có những lúc tôi như ngộp thở rồi lại dằn lòng xuống, tập trung để cố gắng hít vào thật sâu và thở ra thật từ từ.

Nhà tôi là người ít nói, sự lo âu làm cho anh lại càng ít nói hơn. Muốn an ủi vợ mà chẳng biết nói sao, chỉ nhắc nhở uống thuốc, chịu khó đưa đi bác sĩ và ái ngại khi thấy tôi ủ dột, buồn phiền. Thằng cháu út ra vào im lìm, không dám làm gì gây tiếng động mạnh, len lén nhìn mẹ xót thương. Thỉnh thoảng tôi nhói lòng khi bắt gặp nhà tôi ngồi trong xó tối khóc lặng lẽ. Không khí trong nhà thật ảm đạm, thê lương.

Nghĩ đến lời nói của ông bác sĩ và khuôn mặt vô cảm của ông ta ngày trước, tôi thật giận và trong một lần đến phòng mạch của ông tôi đã hỏi thẳng:

– Thưa bác sĩ, ông có phải là Thượng Đế không mà ông biết rõ ngày giờ tôi chết? Sao ông có thể nói như vậy với bệnh nhân? Nếu tinh thần người bịnh không vững thì tôi nghĩ họ có thể chết vì lời nói của ông chứ không phải vì căn bịnh.

Ông bác sĩ có vẻ không phật lòng chút nào, chắc vì đã quá quen với những trường hợp như thế, nên ông đem một quả tim bằng plastic ra để giảng giải. Ông đưa những tài liệu về căn bệnh này và chịu khó ngồi trả lời những câu hỏi vặn vẹo của tôi. Tóm lại bịnh chưa có thuốc chữa, con người sống nhờ máu đưa oxygen đi nuôi cơ thể, áp suất trong phổi cao nên phổi khó hấp thụ Oxygen, phổi không làm việc tốt thì tim phải làm việc nhiều, phải bơm máu nhiều lần hơn cho đủ lượng oxygen cần thiết và như thế thành của quả tim sẽ dầy ra, to ra, đến một ngày tim sẽ chai cứng, sẽ đình công không làm việc nữa…và ông khuyên tôi phải cắm ống thở vào mũi cả ngày lẫn đêm để tăng cường nồng độ oxygen trong máu cho tim bớt khổ, đợi đến ngày gặp cơ hội có tim phổi sẵn sàng để thay. Bệnh viện ở UCLA đã ghi tôi vào danh sách chờ người cho tim phổi.

Khi trời chớm vào Thu, gió nhè nhẹ, nắng hanh hanh. Rặng phong hai bên đường bắt đầu đổi màu. Sau mấy tháng đã quen, ống thở không làm tôi vướng víu. Hàng ngày, giọng nói hiền từ, dịu dàng như người cha già của thầy Thích Thanh Từ qua các băng giảng đã cho tôi hiểu về lẽ vô thường, về lý nhân duyên, về luật nhân quả và nhất là về nghiệp lực của con người qua đời đời kiếp kiếp. Thời kỳ xuống tinh thần đã qua, tôi lấy lại tự tin cho cuộc sống.  Buổi sáng tôi ra sân sau tập thể thao, ngắm trời đất, cỏ cây, những chiếc lá vàng đã lác đác rơi. Tôi yêu đời nhưng tôi không còn sợ chết. Tôi đã hiểu ra, ai rồi cũng phải chết, đâu có ai sống hoài. Tôi thấy tôi thật hạnh phúc là đã được báo trước chuỗi ngày còn lại, để có thì giờ ngẫm nghĩ về cuộc đời, về thân phận con người. Tôi không còn dằn vặt mình, không còn than trời trách đất. Tôi hết so sánh với các em, các bạn để buồn tủi về định mệnh nghiệt ngã của mình. Sống một ngày vui một ngày, tôi tự nhủ và tôi sẵn sàng đứng dậy như bao lần trong cuộc đời tôi đã từng gục ngã rồi lại cắn răng đứng dậy để vươn lên. Nếu có vướng nghiệp từ muôn kiếp trước thì tôi vui lòng trả cho hết nghiệp trong kiếp sống này và tôi sửa soạn sẵn sàng để ra đi.

Tự tin như thế, yêu đời như thế, tôi chấp nhận số phận, và nghĩ mình phải làm một cái gì đó trước khi ra đi, chứ không thể ngồi mà...đợi chết!  Phải nói là tôi rất cám ơn nước Mỹ, cám ơn cộng đồng của cái đất nước tự do tuyệt vời này, đã cung cấp thật nhiều cơ hội mở mang kiến thức cho những ai thích học hỏi, để cho tôi được hưởng ké theo ngày ấy. Tôi vào “Recreation Center” của thành phố tìm lớp học. Tôi học vẽ, học làm đồ gốm, và học trang trí nhà cửa. Ở đây tôi có thêm nhiều bạn mới, những người già đã về hưu, những người nội trợ sau khi đưa con đi học thì vào trường. Ngồi trong lớp tôi chăm chú nặn những bình hoa, sáng tạo những vật dụng trong nhà. Tôi khắc những con búp bê Nhật Bản thật là xinh. Rồi những ngày đẹp trời tôi đem giá vẽ ra vườn để đắm mình vào thế giới của màu sắc. Tôi bắt đầu viết văn. Những bận rộn và sự đam mê nghệ thuật đã giúp tôi quên đi bệnh tật.

Nhiều lúc tôi lẩn thẩn nghĩ, nếu không bịnh tôi có được về hưu sớm và sống thoải mái như thế này không!

Biết tôi bị bệnh, bạn bè quen biết xúm nhau kẻ khuyên ăn món này người cho món khác. Một chị bạn gửi cho hột cải thuốc của Nhật, lá cải tựa như lá rau cải làn bảo gieo hột trồng cây lấy lá ăn tốt lắm. Tôi rắc luôn cả gói, chỉ mấy tháng đã có cải non ăn. Có người bạn khác gửi cho đĩa tập Suối Nguồn Tươi Trẻ. Thế là cứ buổi sáng thì Dịch Cân Kinh và buổi tối thì SNTT. Khi ngồi thiền tôi đã bớt nghĩ ngợi lung tung, hít vào thật sâu và khi thở ra tôi thấy rõ luồng hơi ấm chuyển trong người. Bên cạnh thuốc tây tôi đã uống mấy trăm thang thuốc bắc. Uống thuốc tây nhiều khi chữa được phổi lại hỏng gan. Thuốc bắc gia tăng hệ thống miễn nhiễm và giúp điều hòa khí huyết.

Thời gian từ từ trôi, tôi tìm đến nhiều bạn thân, đến nơi hội họp. Tôi nhờ ông xã chở đi tham gia các buổi văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, tham gia các câu lạc bộ thơ văn, vui với các hội nhóm phụ nữ. Ở nhà tôi viết văn, vẽ, và tập viết thư pháp. Tôi hết mặc cảm với ống tube oxygen, còn đùa giỡn là mình có “món nữ trang đặc biệt,” trêu chọc ông chồng già của tôi để “cheer him up.”

Khi hết thời gian hai năm theo phỏng đoán của ông bác sĩ, tôi thấy người khỏe khoắn hơn rất nhiều. Khi gặp lại ngài bác sĩ đã phán sau hai năm tôi phải chết, thì ông ta cười:

– Bà Nguyễn, bà là bệnh nhân tuyệt vời. Bà là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh hiếm này mà không bị tồi tệ hơn. Bà ráng cầm cự thêm vài năm, họ đang nghiên cứu nhiều, hy vọng sẽ tìm ra thuốc tốt để chữa căn bịnh này.

Mười bẩy năm đã trôi qua từ ngày ấy. Bây giờ tôi vẫn còn đây!

Sự nghiên cứu của các khoa học gia vẫn giậm chân tại chỗ đối với “căn bịnh hiếm” này chứ chưa tìm ra giải pháp nào khá hơn.

Nhưng chính tôi, một người từng đứng giữa đôi bờ sinh tử, đã tìm thấy những kinh nghiệm vô cùng tuyệt vời có thể giúp những bịnh nhân như tôi tồn tại. Xin tóm tắt chia sẻ với bạn đọc: Sống tự tin, hòa nhập với gia đình, bạn bè, cộng đồng, học, và tham gia nghệ thuật. Đặc biệt nhất, là môn thiền định. Tôi đã áp dụng triệt để môn ngồi thiền để buông xả hết lo âu sầu muộn và giữ được lòng thanh thản an nhiên. Có thể nói, thời gian ấy, tôi yêu đời còn hơn bất cứ ai…


Đỗ Dung