Monday, October 31, 2016

Sầu Tím Thiệp Hồng - Youtube Linda Snow

Mừng Halloween - Đỗ Công Luận

Cái Tôi- Vật Cản Hạnh Phúc Nhân Sinh


Chúng ta thường không nhận ra được “Cái Tôi cao” ở bản thân mình. Bởi chúng ta chỉ công nhận, lắng nghe, thấy vui khi được người khác nói về những cái tốt, thế mạnh của mình. 

Nhưng chúng ta lơ là, không suy nghĩ, thậm chí đôi khi là khó chịu khi nghe thấy những điểm yếu, khuyết điểm của mình. - Chúng ta chỉ nhìn thấy những cái mình có mà không biết đến những gì mình còn khiếm khuyết. 
Nói cách khác là tự thỏa mãn với chính mình
- Chúng ta luôn nhìn thấy kết quả mọi thứ mình làm tốt hơn người khác, không ai bằng mình.
- Chúng ta luôn nhìn thấy mọi thứ của mình là tốt nhất, và không ai có những thứ ấy tốt hơn mình.
- Chúng ta không thể lắng nghe được những điều người khác nói và suy ngẫm về nó.
- Chúng ta không sẵn sàng chấp nhận (đón nhận) sự thay đổi, ngay cả khi biết nó đúng.
- Chúng ta không sẵn sàng nghiên cứu, học hỏi. Sự học hỏi ở đây, không chỉ là học hỏi kiến thức có liên quan đến công việc chuyên môn, mà là nhìn và học hỏi ở những người xung quanh, với những điều bản thân mình chưa có, không có.
- Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Con người mưu cầu danh vọng, địa vị, tình yêu.. vì nghĩ những điều này mang lại cho họ hạnh phúc, nhưng cái tôi đã khiến họ trở nên cô đơn, trống vắng, mặc dù sở hữu được trong tay những điều trên.

'' Tôi là ai mà cười khi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế! '' TCS

Nguồn: gdptthegioi.org (gia đình phật tử thế giới)

Halloween Nhớ Xa Xôi - Trầm Vân

Sương Lạnh Chiều Đông - Kể Chuyện Trong Đêm - Youtube tienMe 1

Những Thực Phẩm Không Cần Giữ Trong Tủ Lạnh

Nhiều loại rau rủ cất trong tủ lạnh lại dễ bị hư hỏng hơn. (Hình minh họa: Getty Images)

Nhiều người dường như cảm thấy khá yên tâm khi cất thực phẩm trong tủ lạnh, xem đó như một nơi an toàn để đồ ăn thức uống không bị hư, bị hỏng.
Tuy nhiên, có rất nhiều thứ bạn không cần chất vào đó, hãy cứ mạnh dạn mang chúng để ra ngoài, nhường không khí mát mẻ của tủ lạnh cho nhiều thứ khác cần thiết hơn. Chưa kể, nhiều loại gia vị, rau củ khi cho vào tủ lạnh lại bị mất đi khẩu vị vốn có của nó.
Dưới đây là những thứ nên để ở nhiệt độ phòng là được.
1. Tương ớt: món này có thể để được ở ngoài đến 3 năm, ngay cả khi đã được khui ra dùng.

2. Khoai tây: chỉ cần để trong túi giấy, đặt nơi mát mẻ, khô ráo. Cất khoai tây trong tủ lạnh sẽ làm hư đi vị khoai tây và khiến mầm mọc mau hơn.

Khoai tây để trong tủ lạnh mau mọc mầm hơn. (Hình minh họa: Getty Images)

3. Củ hành: cũng chỉ cần để nơi khô ráo, thoáng gió. Không để gần khoai tây. Củ hành cũng mau ra mầm nếu cất trong tủ lạnh.
4. Tỏi: giống như của hành, chỉ cần để nơi khô, thoáng.

Giống như củ hành, tỏi không nên cất giữ trong tủ lạnh mà chỉ cần để nơi khô ráo (Hình minh họa: Getty Images)

5. Rau quế: loại rau này sẽ hút mùi tủ lạnh vào, vì vậy, tốt nhất là cắm rau vào ly nước như cắm hoa. Với những loại rau thơm khác cũng nên giữ như thế.

6. Trái bơ: nhiều người thắc mắc sao mua bơ về không chín? Đó là tại vì bạn cho nó vào tủ lạnh. Để bơ còn sống trên kệ bếp nó chín mau hơn. Muốn bơ chín nhanh hơn nữa thì cho bơ vào một cái tui cùng với một trái chuối hay trái táo.

7. Trái berry: cất berries trong tủ lạnh sẽ làm cho chúng mau bị úng hơn. Nên để berries vào tô hoặc rổ đặt nơi bàn bếp.

8. Bánh mì: bánh mì nên để trong túi nhựa (plastic) và giữ ở nhiệt độ phòng. Cất bánh mì trong tủ lạnh dễ làm cho nó trở nên khô khốc và mau hư hơn.

9. Cà chua: cũng có thể bị hư vị và mọc mầm lẹ hơn khi cất trong tủ lạnh. Hãy để cà chua trong thố đặt trên kệ bếp là tốt nhất.

10. Cà phê: đừng cất cà phê trong tủ lạnh, phải cất trong hộp kín, để nơi khô ráo.


11. Bí ngòi: bạn có thể để những quả bí nơi khô ráo vài tháng mà không bị hư gì.

Bí để nơi thoáng mát khô ráo vài tháng không hư (Hình minh họa: Getty Images)

12. Mật ong: đây là loại thực phẩm duy nhất không bị hư và không cần cất trong tủ lạnh.

Mật ong là loại thực phẩm duy nhất không bị hư và không cần cất trong tủ lạnh. (Hình minh họa: Getty Images)

13. Bánh bông lan: nếu không phải là bánh kem hay bánh bông đường thì chỉ cần cho vào hộp và để ngoài tủ lạnh được khoảng 3 ngày

14. Dưa tây, dưa hấu: nếu còn nguyên trái thì cũng không cần cất trong tủ lạnh, chỉ để nơi khô ráo là được.

15. Chuối: chuối chưa chín nên treo lên nơi kệ bếp cho chín. Với chuối chín mà cất trong tủ lạnh thì làm cho nó mau rục thêm.

16. Ketchup, mù tạc (mustard): có thể cất chúng trong tủ khoảng một tháng mà không phải bỏ vào tủ lạnh bởi vì những thứ này có chứa những loại acids ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.

17. Bơ đậu phộng: không cần cất trong tủ lạnh mà vẫn có thể giữ trong tủ bếp nhiều tháng trời, trừ khi đó là loại “organic”

18. Táo, lê, đào: có thể để trong rổ đặt nơi thoáng mát trong vòng một tuần. 
(N.L)
nguoi-viet.com/

Tạm Biệt Đồng Văn - Đỗ Công Luận

Sunday, October 30, 2016

Chuyện Kể Từ Vườn Luxembourg - Hòang Thị Như Huy


Không một ai hiểu được lý lịch đời cô ngoại trừ cha Văn.
Những bí ẩn đó được cha gói kín trong một túi hồ sơ về một số phận được nuôi dưỡng tại Viện mồ côi. Một khuôn mặt trái xoan khả ái với đôi mắt to đen. Một đôi môi mọng thắm với nụ cười hiền. Một suối tóc mây mượt mà…vậy mà sao kẻ làm cha mẹ nào nỡ chối từ để cô trở thành kẻ không thừa nhận trên cuộc đời này?

An Nhi nhập cuộc với viện mồ côi khi vừa ba ngày tuổi.Trong một sớm mai, những người đi nhà thờ cầu kinh sớm đã nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh nơi bậc thềm. Không ai trong số họ có đủ khả năng để nuôi bé gái, nên em đã được chuyển về Viện mồ côi của cha Văn. Chính cha đặt tên cho em với ước mong cô bé có một đời sống an lành hạnh phúc.
Làm sao ta có thể nhớ lại được trong ký ức về kỷ niệm của những tháng ngày khi mình vừa tròn ba ngày tuổi?
An Nhi cũng thế! Em chỉ biết mình đã lớn lên trong sự chăm sóc nuôi dạy của các xơ, bằng lòng với cuộc sống nơi Cô nhi viện. Bởi quanh em tất cả trẻ nhỏ đều cùng số phận..

Bé An Nhi càng lớn càng xinh đẹp. Nét đẹp ấy đã làm cho em sáng ngời giữa đám đông. Nhưng điều làm cho các xơ yêu thương bé là chính tính tình dịu hiền và chịu thương chịu khó. Ở tuổi lên năm, An Nhi đã biết giúp xơ chăm sóc các em nhỏ khác như ru nôi, chạy đi lấy những vật dụng lặt vặt…và em đã thể hiện rất nhiều năng khiếu như vẽ, hát…lại học rất giỏi. Các xơ đã đem hết tấm lòng nuôi dạy An Nhi, để giúp cô trở thành một thiếu nữ tài hoa, nhân hậu.

***

Hôm nay An Nhi đón chào sinh nhật thứ mười tám của đời mình. Nhìn lại quá khứ gồm cả một chuổi ngày phẳng lặng: đi học tại trường dòng, hát thánh ca tại nhà thờ, phụ tá các xơ chăm sóc các em nhỏ, ăn những bát cơm, mặc những tấm áo của những tấm lòng từ tâm…Nhìn về tương lại, cô chưa hình dung được nó sẽ ra sao? Nhưng đêm qua khi cha Văn tuyên bố cô sẽ được chọn sang Paris tham gia sinh hoạt chương trình văn nghệ ”Vì trẻ mồ côi”do nhà thờ Đức Bà Paris tổ chức, lòng cô lại dấy lên những cảm xúc lạ. Cô chưa hình dung Paris sẽ đón cô như thế nào khi cô chỉ là một cô gái mồ côi nghèo khổ? Cái đẹp của mùa thu Paris ra sao? Cô có thực hiện thành công những điều cha Văn mong đợi? Lòng cô nôn nao và bồi hồi trong giây phút chuẩn bị hành trang cho chuyến ra đi này.

***

Chuyến bay đã đưa cô vượt trùng dương sang đất Pháp. Từ khung cửa máy bay, cô nhìn thấy muôn ngàn ánh sáng của Paris trong bầu trời đêm. Cô đã bàng hoàng đến phát khóc trước những vẻ đẹp mà không một họa sĩ tài danh nào phát thảo được.

Khi máy bay hạ cánh, Paris đón cô trong cái lạnh của mùa thu ôn đới. Bầu trời sân bay Charles de Gaule trong buổi bình minh, ánh sáng trong vắt. Những hàng cây in trên nền trời đủ sắc màu của lá-những sắc màu mà trước đây cô chỉ thấy trong tranh. Những chiếc lá mùa thu đang chuyển màu dần để biến thành chiếc lá chết, rơi xuống nằm trên nền đất lạnh…Giữa khung trời rực rở ấy, cô như một con bé lọ lem, thật lạc lỏng quê mùa và co ro trong giá rét chưa quen.

Một thành viên của ban tổ chức đón cô tại phi trường với sự thân tình làm cô vơi bớt nỗi ngỡ ngàng. Anh đến bên cô, tự giới thiệu bằng tiếng Việt mình là học trò cũ của cha Văn ngày học ở Sài gòn. Cha Văn đã gửi gắm anh chăm sóc cô trong những ngày cô làm việc tại Pháp. Giọng nói ấm của anh đã gây ấn tượng ban đầu. Anh choàng thêm chiếc áo khoác của anh lên đôi vai gầy đang run rẩy của cô rồi đưa nhanh cô ra xe.Trong xe, hơi ấm của lò sưởi đã làm cô dần bớt lạnh.

Cô ngồi lặng im quan sát cảnh sắc hai bên đường. Tất cả đều khác hẳn Sài gòn mà cô đã gắn bó bao năm qua. Những hàng cây ven đường, những ngôi nhà trên triền đồi…điểm nét chấm phá cho bức tranh cảnh sắc thêm đẹp như mơ. Cô mở lớn đôi mắt vốn tròn xoe, cố thu hết khung trời đất Pháp, để mai đây khi chia tay, cô còn lưu giữ những bóng hình để nhớ thương.
Điểm họ đến là nhà thờ Đức Bà nằm ngay trung tâm thành phố Paris lộng lẫy với đủ sắc màu, âm thanh…của một phố phường sôi động bậc nhất địa cầu. Khi xe vừa dừng, bầy bồ câu vốn dĩ rất dạn, sà xuống chào đón cô. Quên mất mình là khách lạ, cô chạy ra dang tay ôm mấy chú chim vào lòng.

Người đàn ông có mái tóc dày đen, nét mặt đẹp. Cái đẹp lạ lùng kiêu sa của những bức tượng cổ Hy lạp. Anh bước đến bên cô, đứng yên lặng ngắm cô một lúc rồi dẫn cô đến vị trí cây số 0 nằm ngay trước nền sân nhà thờ. Anh bảo cô đặt chân vào, giải thích cho cô ý nghĩa của biểu tượng này:” Tất cả vị trí trên đất Pháp, khoảng cách đều được tính từ vị trí cây số 0 mà em đang đứng. Đã đến Paris, phải đặt được dấu chân mình lên đó. Nào em hãy đặt chân vào!”

An Nhi tìm thấy một cảm giác ấm áp khi nghe lời anh nói. Nhưng cô chưa bao giờ dám có ý nghĩ mình sẽ yêu. Bởi khoảng cách giai cấp giữa anh và cô quá lớn, bởi anh nhiều tuổi hơn cô và nhất là anh và cô chỉ là hai kẻ xa lạ trong đời này.Việc gặp gỡ hôm nay chỉ là một nghĩa vụ ân tình với cha Văn. Cô đến bên anh hôm nay cũng chỉ một lần thôi rồi mai đây chắc chắn sẽ chia cách mãi mãi…

Những ngày kế tiếp An Nhi lao vào công việc tập dợt. Người đàn ông Việt ấy không thấy đến. Có thể anh đang bận bịu những công việc khác của mình. Có rất nhiều trẻ mồ côi được mời đến từ nhiều đất nước khác nhau tập trung ở đây, giúp cô như tìm lại cảm giác sống ở quê nhà. Nói chuyện với nhau tiếng được tiếng mất nhưng thật vui. Có nhiều bạn hoàn toàn nói với nhau bằng”body language” nhưng đã hiểu nhau vô cùng.

Một chiều vài ngày trước hôm khai mạc, anh lại xuất hiện.Khi nhìn thấy lại nét mặt anh, lòng An Nhi dấy lên một cảm giác lạ. Nhưng cô tự chế ngự cảm xúc, để được nói chuyện thật bình thường.
Anh xin phép đưa cô đi thăm Paris. Bóng dáng dòng sông Seine, Khải hoàn Môn, Tháp Eiffel.. .Rồi những con đường, những hàng cây…đã được thu trong mắt cô, khi xe anh đưa cô đi ngang qua. Nhưng cô không thấy gì cả ngoài nụ cười, ánh mắt và giọng nói của anh.
Nơi dừng chân để nghỉ là vườn Luxembourg.Anh đỗ xe ở bãi, cầm tay dắt cô vào. Lần đầu tiên trong đời con gái, tay cô chạm tay một người khác phái, cô run người lên và tim cô xao xuyến.Nhưng anh thật tự nhiên. Có thể do anh đã quen sống theo phong cách tây chăng?

Vượt qua khu vườn với những cây cổ thụ nhiều năm tuổi, anh đưa cô đi sâu vào bên trong. Trước mắt cô. hiện ra một hồ nước trong xanh yên ả, được bao quanh bởi thảm cỏ xanh rì. Chung quanh hồ là những chiếc ghế đá…Mà trên ấy những đôi tình nhân đang lặng lẽ ngồi bên nhau. Xa xa ngoài kia phố phường Paris đang sôi động.Nhưng nơi đây thật diệu kỳ.Ngôn ngữ của yêu đương là..im lặng.

Anh tìm một chiếc ghế trống, ngồi bên cô, thì thầm kể cho cô nghe những câu chuyện tình yêu trong công viên lãng mạn này. Thời gian như ngưng đọng…nhưng rồi cũng phải đến lúc trở về. Đêm ấy, An Nhi không ngủ trọn đêm.
Rồi anh lại biến mất. An Nhi tự nhủ lòng hãy quên vì mình chẳng là gì cả. Vả lại anh có tỏ điều gì đâu? Hãy biết phận mình! Cô vùi trong công việc luyện tập để quên…

Đêm khai mạc, An Nhi đã trình diễn với tất cả trái tim. Khi kết thúc, giữa tiếng vỗ tay, một người đã lao lên khán đài ôm cô.Trong cơn xúc động, cô đứng lặng yên trong vòng tay ấy-một lúc-một lúc. Khi định thần lại, ngẩng nhìn lên, trước mắt cô là anh đang ngập đầy biển trời yêu thương trong ánh mắt. Anh thì thầm bên tai cô lời tỏ tình đầu tiên giữa tiếng vỗ tay chưa dứt hẳn. Cô ngẩng lên, để anh đủ nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc đang chảy dài trên má.

Vậy là tình yêu đã đến khi cô vừa tròn mười tám tuổi. Cô không dám nghĩ đó là sự thật. Cô đón nhận tình yêu với niềm hạnh phúc vô biên kèm với cả nỗi bất an nơi sâu thẳm đáy lòng. Bởi cô biết thân phận mình. Nhưng anh đã thật sự yêu cô. Anh quyết định quay về Sài gòn làm việc để được sống gần cô.

***

Ngày anh trở về, cũng đồng nghĩa là anh phải vào quân đội do luật Tổng động viên của chế độ miền nam trong những năm 1969. Với chuyên môn đã học ở pháp, anh trở thành Bác sĩ quân y cho một Tiểu đoàn Biệt động.Tình yêu và công việc –cả hai thứ đã làm thay đổi cuộc sống của anh. Anh gầy guộc đi, nhưng rắn rỏi hơn.Với trí tuệ và tấm lòng, anh đủ sức bảo bọc người con gái anh yêu. Anh quay về tìm người thầy cũ là Cha Văn để bày tỏ tình yêu của mình dành cho An Nhi để xin cha tác thành cho anh và nàng.

An Nhi bước vào năm học đầu tiên ở Đại học- khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Sư phạm. Cô vẫn tiếp tục làm công việc hộ lý ở Viện mồ côi. Lòng cô hạnh phúc hơn xưa bởi cô đã tìm được người đàn ông cô mơ ước. Cô tin yêu anh và sẳn sàng trao cả cuộc đời mình. Anh đang huấn luyện tại quân trường. Cứ mỗi tuần về thăm An Nhi, anh đã yêu thương và chăm sóc cô thật nhiều để bù đắp cho những thiếu thốn của cuộc đời bất hạnh mồ côi.

Nỗi bất an mà cô luôn linh cảm đã là sự thật khi gia đình anh biết chuyện yêu đương của hai người. Lý Quỳnh Du, tên anh, vốn sinh trưởng trong một gia đình thuộc hạng thượng lưu bậc nhất của xã hội Sài gòn.Cha anh là Giáo sư Lý Quân, tên tuổi lừng danh ở làng Đại học.Mẹ là Đào Mộng Loan-một Trình Dược Viên con chủ doanh nhân dược phẩm giàu có nức tiếng đất Phương Nam.Anh là con trai trưởng trong gia đình. Ba mẹ nuôi dưỡng anh ăn học tại Pháp để có tấm bằng bác sĩ y khoa làm vinh dự gia đình. Nên làm sao họ có thể chấp nhận một cuộc hôn nhân với kẻ đầu đường xó chợ sống nhờ của bố thí?
Anh đã tha thiết xin mẹ, nhưng bà vẫn lạnh lùng tuyên bố:
Con chỉ được quyền chọn một”

Nét mặt xinh đẹp của An Nhi, tấm lòng nhân hậu của cô, sự dịu dàng duyên dáng…mà càng sống bên cô anh càng tìm thấy để yêu hơn nên anh không thể sống thiếu cô trên đời này. Anh quyết định tự kết hôn. Một hôn lễ đơn sơ được tổ chức tại nhà thờ, nơi hai mươi năm trước An Nhi bị bỏ rơi trên bậc thềm. Cha Văn là người làm chứng lời hứa. Lễ cưới không xe hoa, không tiệc chúc mừng, không lời chúc tụng…nhưng anh và cô rất hạnh phúc.Trong giây phút thiêng liêng nhất của đời mình, anh quì trước Chúa để thề với cô rằng:”Je t’aimeraitoujours…jusqua’à mon dernier jour” ( anh sẽ yêu em mãi mãi-yêu em đến ngày cuối cuộc đời anh).Cả hai vợ chồng đã hôn nhau trong nước mắt.

Sau hôn lễ, đôi vợ chồng về sống trong một căn phòng nhỏ thuê của một gia đình Du quen biết. Anh quyết định chọn nơi này vì đây là một địa chỉ an toàn, anh sẽ yên tâm để vợ một mình trong những chuyến hành quân xa. Họ chỉ được ở bên nhau một vài đêm rồi anh được lệnh chuyển quân đến một tiền đồn trên Tây nguyên..

Những tháng ngày đầu sau lễ cưới, họ đã sống tràn trề hạnh phúc.Anh yêu vợ, những ngày về phép chỉ dành tất cả cho việc chăm sóc cô vợ bé bỏng của mình. Họ cho nhau những lời dịu ngọt, cho nhau những vuốt ve êm ái. Đêm đêm anh lại giảng cho An Nhi những bài học khó. Khi cô đã thuộc bài, họ lại ôm nhau đi lang thang trên những con đường có những hàng me của Sài gòn trước giờ giới nghiêm dưới ánh đèn vàng vọt của đêm khuya, đẹp đến mê hồn..
Phần An Nhi, cô chăm lo cho chồng từng bữa ăn giấc ngủ, chia sẻ cùng anh những buồn vui..Vốn là một cô gái khéo léo tài hoa, lại được tôi luyện trong nhà trẻ mồ côi, nên nhất nhất mọi việc cô làm, mọi lời cô nói…đều làm chồng cô thêm yêu vợ.

***

Vào một ngày Quỳnh Du đang đóng quân tại một cứ điểm ở Đắc tô. An Nhi biết mình đã có thai. Còn niềm vui nào hơn? Cô chỉ mong đợi chồng về hơn bao giờ hết. Nhưng thật lạ lùng, anh đã về phép nhưng không về nhà như mọi khi mà lại đến nằm dài ở nhà chỉ huy trưởng đơn vị. Khi nghe vợ thiếu tá Mạnh báo tin, An Nhi vội tìm đến. Nhưng anh đã đóng cửa phòng, lạnh lùng không tiếp. An nhi thầm nghĩ chắc anh hờn giận mình điều gì đấy. Cô về nhà chờ đợi . Nhưng anh đã không trở về mà quay về ngay lại đơn vị.
Cô trăn trở bao đêm về thái độ của chồng. Nhưng nỗi hân hoan trong lòng muốn báo tin vui đã không làm cô tự ái. Cô quyết định lên đơn vị thăm Du. Chuyến đi thật vất vả vì anh đang đóng quân tại căn cứ nóng, đường vận chuyển chỉ bằng máy bay, phải làm đủ mọi thủ tục mới đi được

Chờ ngày có chuyến trực thăng chuyển lương thực và thuốc cung cấp cho tiền đồn, An Nhi mới có thể đi theo. Đang mang thai, sức khỏe không ổn nhưng cô vẫn quyết tâm đi.Chuyến bay đã hạ cánh một cách khó khăn vì thời tiết xấu. Lúc cô rời khỏi máy bay, căn cứ lại bị pháo kích, An Nhi được một người lính kéo chạy như bay về lô cốt cứu thương nơi anh đang cứu chữa cho thương binh.

Anh đứng đó. Lạnh lùng chăm sóc một thương binh vừa trúng đạn, không hỏi cô lấy một lời. An Nhi tủi thân khóc òa. Tiếng khóc của vợ vẫn không lay chuyển, anh tiếp tục quay sang chăm sóc người thương binh bên cạnh đang rên rĩ. Giữa lúc căn cứ lại tiếp tục bị pháo kích nên An Nhi được lệnh phải ra ngay máy bay để trở về. Cô không có cơ hội báo tin vui cho chồng.

Hai ngày sau, Báo Sài gòn đưa tin căn cứ G đã bị phía Quân đội Cộng sản chiếm đóng.Tất cả đã bị san bằng trong mấy ngày giao chiến.Những người lính trên ấy nếu không chết thì cũng đã bị bắt làm tù binh, bị chuyển đi đâu đó không tin tức.Tin xấu đến như sét đánh ngang tai, An Nhi chết đi sống lại. Cô quá thương chồng, thương bản thân mình và thương chính đứa con trong bụng.
Vậy là hết tất cả.Anh còn sống hay đã chết? Anh còn sống thì cuộc sống tù binh ra sao? Nếu anh đã chết thì trước khi chết anh còn giận em không? Mà em đã làm điều gì anh giận? Thân xác anh giờ nơi đâu?Nếu anh đang bị thương thì có ai chăm sóc vết thương cho anh?”
Lòng An Nhi ngổn ngang trăm ngàn câu hỏi. Chẳng có câu hỏi nào được trả lời. Tất cả chỉ là sự vô âm tín. Tất cả chỉ là nỗi đau cùng cực!

Hạnh phúc đến với An Nhi thật ngắn ngủi. Giờ cuộc sống lại quay về với những bất hạnh cũ. An Nhi là kẻ mồ côi, sống thiếu thốn đã quen. Nhưng khi nghĩ đến đứa con sinh ra, phải tiếp tục cuộc sống bất hạnh mà cô từng chịu đựng thì lòng An Nhi thật tan nát. Sau nhiều đêm vật vả, nhiều đêm lang thang bên bờ sông Sài gòn với mấy lần định nhảy xuống dòng sông. Cô quyết định phải sống, phải sinh con và phải yêu thương con thật nhiều vì trong trái tim cô tình yêu cho anh mãnh liệt biết bao. Mà muốn thế phải dũng cảm đương đầu với những khó khăn phía trước mà vươn lên.
Từ đó An Nhi gạt nước mắt, thôi không sầu não, sống một cuộc sống âm thầm nhưng đầy bản lĩnh.
Ngày ngày cô vẫn tiếp tục lên giảng đường chăm chỉ học tập để mong sau có một địa vị xã hội
Đêm đêm cô đi làm thâu ngân cho một NightClub. Một đêm, hai đêm…cho đến ngày cô sinh nở.
Gia đình Du không quan tâm đến số phận của hai mẹ con cô. Ngày cô sinh em bé, chính em gái Quỳnh Du đang là sinh viên nội trú có mặt bên giường sinh. Tiếng kêu gào đau xé da thịt của An Nhi trong cơn sinh đẻ không làm động lòng cô gái kiêu sa ấy. Họ xem cô và cả con cô như kẻ xa lạ. Thật đau lòng! Nhưng cơn đau rồi cũng qua, khi nghe tiếng con khóc, nhìn mặt cô con gái nhỏ với đôi mắt của bố, lòng An Nhi dấy lên tình yêu vô bờ bến.

Mẹ con cô vẫn tiếp tục sống nơi căn phòng cũ. Cô vẫn còn một hy vọng mong manh nếu anh còn sống sẽ trở về chốn ấy tìm cô. Những tháng ngày này trôi qua thật chậm. Cuộc sống luôn đưa đến cho cô buồn nhiều vui ít.Một người đàn bà trẻ đẹp sống đơn độc trong xã hội đang chiến tranh loạn lạc thì quả thật không dễ dàng gì! Hơn nữa An Nhi lại là kẻ mồ côi, không người thân thuộc, không tài sản dính túi.Những khi con đau ốm đã phải khó khăn lăn lộn vất vả kiếm sống. Cuộc sống của Sài gòn trong những năm tháng chiến tranh này có biết bao điều cám dỗ. Nếu không vì tình yêu Du trong lòng thì làm sao cô có thể giữ được sự trong trắng trong tâm hồn lẫn thể xác? Nơi An Nhi làm việc đêm đêm có bao kẻ giàu sang đến tìm vui trong hoan lạc, ném tiền qua khung cửa cho thỏa bởi liệu ngày mai họ có còn tiếp tục sống hay chăng?Nơi két thu ngân, bóng hình một cô gái đẹp luôn gợi sự khát khao..

      Nhưng cô đã khước từ tất cả. Khi biết cô là một phụ nữ trí thức, có tư cách đúng đắn, chỉ vì cuộc sống mà phải đi làm thêm, nhiều người đã chuyển ý tưởng đen tối thành lòng kính mến.Và trong số ấy đã có không ít người ngỏ ý giúp cô lập lại cuộc đời.

Bé Quỳnh, cô con gái bé bỏng của cô và anh, do khi mẹ mang thai gặp nhiều đau đớn, lại ăn uống không đủ chất nên thai nhi bị ảnh hưởng, khiến bé đau ốm luôn. Mỗi khi bế con đi khám bệnh, cô thật đau lòng vì cả gia đình Du đại đa số đều làm việc ngành y mà chẳng ai đoái hoài giọt máu của anh. Khi con bắt đầu biết nói, tiếng đầu tiên con gọi ba ba càng làm cho An Nhi thêm chua xót.

Việc học của An Nhi dù cuộc sống khó khăn, vẫn tiến triển tốt. Cô là sinh viên xuất sắc của khoa. Mỗi sáng bế con đi gửi ký nhi viện, cô lao vào học tập. Ý nghĩ mình phải có bằng cấp để con gái khỏi đi lại con đường mòn mình đã đi thôi thúc cô vươn lên. Qua những tác phẩm văn học nước ngoài học trong chương trình, An Nhi hiểu rằng trên cuộc đời này không chỉ riêng cô mà còn có nhiều thân phận bất hạnh khác.Vậy đừng buồn nữa. Hãy lau nước mắt mà làm những việc có ích cho đời. “ Nếu anh còn sống, khi trở về anh sẽ thấy em xứng đáng với tình yêu của anh. Nếu anh đã chết thì em cũng xứng đáng làm mẹ con gái anh”Đêm đêm cô thầm thì qua trang nhật ký, nói với anh biết bao điều .Thành thử cô không cảm thấy mất anh.Anh vẫn bên cô mỗi đêm về.Tình yêu cuộc sống dần hồi sinh trong tim cô.

***

Ba năm đã trôi qua. Cô sắp thi tốt nghiệp để thành cô giáo trẻ. Trong lúc bận rộn với luận văn tốt nghiệp, bé Quỳnh lại ốm nặng, phải phẫu thuật mới hy vọng.Cô lại thao thức bao đêm bên con.

Cùng lúc ấy tin vui về cuộc trao trả tù binh mà trong danh sách có tên anh. Anh còn sống và sẽ về. Báo, Đài.. đưa tin làm An Nhi khóc òa như lần cô đã khóc vì tưởng đã mất anh.
Cuộc trao đổi tù binh diễn ra bên bờ sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị. Cô muốn bế con chạy ra đón anh trở về. Nhưng oái ăm thay chính ngày ấy bé Quỳnh phải lên bàn mổ. Cô đã ở lại bệnh viện cùng con giành giựt với tử thần.
Anh đã trở về, được đưa vào Quân Y viện kiểm tra sức khỏe và an dưỡng sau một thời gian dài sống thiếu thốn trong cảnh tù binh. Không biết anh đã nghĩ gì khi không thấy bóng cô ra bờ sông đón anh về?

Hai hôm sau khi tình hình sức khỏe bé Quỳnh đã ổn, cha Văn cho người đến chăm sóc thay và thúc dục cô đi thăm chồng.
An Nhi soi nhanh bóng mình trong gương. Sợ sự mệt mỏi hốc hác do thức nhiều đêm sẽ làm cô không còn như xưa.Phải tô lại chút phấn son để cô vẫn còn đẹp như ngày đầu anh gặp. Cô đi vội qua hàng hoa mua cho chồng một bó Hồng thật đẹp rồi tất tả đi vào viện.
Bước chân càng đến gần phòng Du đang dưỡng bệnh, tim cô càng đập rộn rả.” Anh ra sao? Anh còn giận em không? Anh có ôm hôn em thật nhiều như em mong đợi không?”

Khi bước chân An Nhi vừa đến cửa, Quỳnh Du đang nằm trên giường bệnh, khuôn mặt hướng nhìn ra…Ánh mắt anh vừa chạm mắt cô là anh quắt phắt vào tường. Một nỗi xót xa dâng trào trong lòng. Nhưng cô vẫn tự an ủi chắc do anh mệt và buồn nên thế. Cô bước vào phòng thật nhẹ, đến bên anh và gọi nhỏ:” Anh!”.Nhưng Du vẫn bất động. Rồi đột ngột có tiếng chân đi nhanh vào, rồi tiếng hét kinh khủng của mẹ Du:’ Tôi mời chị ra ngay. Tôi mời chị ra ngay”
An Nhi cuống quít đặt bó hoa lên chiếc bàn nhỏ đầu giường rồi tủi hỗ đi ra. Khi bước xuống sân bệnh viện, do đi không nhìn, chân cô dẩm phải một bó hoa vừa được ném từ lầu cao xuống. Cô ngẩng nhìn lên, nơi khung cửa, chính Du đang trong tư thế nhoài người. Vậy là hết. Không phải hôm nay mà đã từ những ngày xưa..Cô âm thầm trở về bệnh viện, ôm con vào lòng và ngồi âm thầm suốt đêm.

***

Tình trạng bé Quỳnh tốt dần. Bé xuất viện. An Nhi quay lại với bản luận văn viết dang dỡ. Nỗi đau quá lớn trong tâm làm chất liệu giúp cô viết hay hơn. Ngày bảo vệ chính cô cũng không ngờ mình đạt kết quả tuyệt vời đến thế. Cô đã tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc và được học bổng du học tiếp chương trình sau đại học tại Pháp. Quả trong họa phải có phúc thì con người ta mới đủ nghị lực để tồn tại. Cô sung sướng trước thành công bằng những giọt nước mắt hạnh phúc. Lòng cô còn một nỗi phân vân: cô đi du học thì để bé Quỳnh cho ai? Con không có bố, giờ lại thêm không có mẹ liệu bé có chịu nỗi không? Nhưng cha Văn đã động viên cô bằng cách đón bé Quỳnh về viện mồ côi, chăm sóc bé như ngày xưa viện đã chăm sóc cô. Cô sẽ học lấy bằng master mới được quay về

Quỳnh Du xuất viện. Anh trở về sống với gia đình như những ngày chưa có An Nhi. Mẹ anh đã chuẩn bị sẵn cho anh một cuộc hôn nhân môn cân xứng. Đã một lần cải mẹ, nên nay anh thuận lòng mà chẳng hề biết mình có yêu hay không.
Báo chí thừa bút mực lại rôm rả đưa tin về cuộc hôn nhân sắp diễn ra.Tin đến, An Nhi chỉ biết đón nhận với nỗi xót xa.

Anh làm mọi thủ tục của chàng rể trước ngày cưới. Đưa cô dâu đi mua sắm.Nơi quầy nữ trang, khi cô dâu chọn mua chiếc nhẫn đính hạt Kim cương trị giá hơn cả ngôi biệt thự, anh có chạnh lòng nhớ đến An Nhi. Ngày ấy, anh cưới An Nhi mà chẳng có gì. Nhưng chỉ thoáng qua một lúc vì anh đã xua đi. Anh hận thù người đàn bà ấy vì cô ta là kẻ phản bội chồng.

Anh nhắm mắt, cố xua đi hình ảnh đau lòng ô nhục mà anh đã bắt gặp ngay tại căn phòng hạnh phúc của anh trong một lần về phép. Dẫu biết anh phải luôn xa nhà là một thiệt thòi lớn cho người vợ trẻ. Nhưng trong thời chiến thì điều này đã có bao người khác phải chấp nhận. Tình yêu của anh không đủ bù đắp hay sao? Những lời mẹ đay nghiến đeo đẳng bên tai:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu”
Chắc chắn An Nhi có dòng máu di truyền của những kẻ hạ lưu nên nay cô thừa hưởng điều bất chính ấy.Người đàn ông với thân thể trần truồng nằm bên cô trên chiếc giường chính tay anh đi mua cho hai vợ chồng là ai? Sao cô nỡ cho anh điều khủng khiếp ấy? Anh đã đau đớn biết bao!Anh đã yêu cô với tất cả tấm lòng và đã chấp nhận từ bỏ tất cả để đến bên cô. Sao cô chóng phụ tình anh đến thế?
Thế mà tất cả đã hết. Hết thật rồi!

Đêm trước ngày rước dâu, sau ba ngày liên tục đón khách đến chúc mừng tiệc vu qui ở nhà gái, anh quay về, mệt nhoài.Anh thèm đi bách bộ để hít thở không khí ban đêm. Bước chân anh vô tình đi về hướng ngôi nhà cũ. Đêm khuya lắm. Mọi nhà đã tắt đèn.Anh bước vào cổng, đến đứng yên bên ngoài khung cửa sổ.Anh đứng thật lâu.Đêm lặng yên.Anh nghe cả tiếng sương rơi trên cành lá.

Bên trong. Cũng trong bóng đêm, An Nhi đang thao thức.Cô không ngủ được. Cô đang nghĩ về anh, đến những hạnh phúc anh đã cho cô. Hồn cô rời cõi thực, mơ màng bay về nơi khung trời xa xăm..Nơi ấy, có chiếc lá xanh đang thì thầm, thì thầm lời tỏ tình đầu tiên…
Giá như lúc ấy anh gõ cửa hoặc giá lúc ấy An Nhi mở cửa đi ra thì có thể số phận họ đã đổi khác
Nhưng điều ấy đã không diễn ra vì anh chỉ đứng lặng yên một lúc trong bóng đêm rồi lặng lẽ quay về
Còn An Nhi do bé Quỳnh cựa quậy mê sảng, cô đã quay về cõi thực, choàng ôm con vào lòng rồi ngủ thiếp đi.
Trên đường khi anh trở về, tiếng còi giới nghiêm đã hú vang vọng cả một đoạn đường dài. Anh bị tốp tuần tra bắt giữ. Nhưng khi nghe anh khai lý lịch, toán quân cảnh trọng vọng mời anh lên xe đưa về tận nhà.

Hôm sau cả Sài gòn ngẩn ngơ trước đoàn xe rước dâu dài như chưa từng có- đám cưới con gái rượu của VIP ( nhân vật quan trọng)
Nơi một góc tu viện, cha Văn ngồi câm lặng suy tưởng về chính mình. Cha đã tự hỏi liệu mình đã đúng hay sai trong phương pháp giáo dục để đào tạo nên một con người?

***

An Nhi lên đường đi Pháp. Lần trở lại này cô không còn là cô bé lọ lem năm xưa.Cô đã lớn khôn hơn. Xinh đẹp hơn. Bản Lĩnh hơn. Cô xác định được mục đích sống của mình nên ra sức học tập. Ký túc xá cô ở gần Vườn Luxembourg. Mỗi tuần cô vào ngồi một mình bên hồ nước. Cô không còn đau khổ xót xa nhớ Du như trước vì nỗi nhớ con đã chiếm ngập lòng cô. Nhưng cô vẫn mong ước mình được sống lại giây phút năm nào, để được ngồi bên anh, lặng im nghe anh nói. Sao anh đáng yêu thế mà lại nhẫn tâm đến thế? Em đã làm điều gì nên tội mà anh không khoan dung?Chắc chắn anh không bỏ rơi em vì em nghèo khổ vì khi ta gặp nhau anh đã thừa hiểu thân phận mồ côi của em rồi? Sao anh không cho em một cơ hội để em được nói rằng em đã sinh con cho anh? Có bao giờ anh hiểu được em đã vất vả như thế nào để nuôi con chúng mình? Anh có biết em đã chối từ bao cuộc tình vì em chỉ duy nhất yêu một mình anh mà thôi?
Và thời gian không đợi ai..lạnh lùng trôi..lạnh lùng trôi…
Những chiếc lá chết trong vườn Luxembourg cứ tính đủ tháng ngày, rơi xuống bờ vai cô.

***

Sau đêm tân hôn Du phát hiện ra vợ mình là một con người quá điệu nghệ trong ái ân. Nhưng anh không buồn. Bởi anh có một nỗi buồn sâu nặng hơn ở đáy lòng. Anh chỉ có duy nhất một mối tình. Nhưng tình yêu ấy đã chết. Anh lấy vợ có phải vì yêu vợ đâu? Nên cô ấy có thế nào anh chẳng bận tâm.
Theo sự bố trí của gia đình anh đưa vợ sang sống ở Mỹ.Anh được mời dạy Đại học Y ở Cali. Vợ anh, sau một thời gian chung sống đã cho anh hiểu bản chất của nàng. Nàng đẹp lộng lẫy một phần nhờ giống mẹ, một phần nhờ có quá nhiều mỹ viện chăm sóc. Là con gái rượu của đại gia nên luôn được nuông chiều, nói năng chẳng cần uốn lưỡi, coi tiền của nặng hơn đạo lý ở đời…
Quả là những gì anh mơ đều không tìm thấy ở vợ. Cô ấy không thể hàn gắn vết thương lòng trong tim anh.

Hằng đêm, khi anh nghiên cứu đề tài để giảng dạy, cô ấy luôn gắt gỏng yêu cầu anh tắt điện ngủ vì chói mắt. Anh kiên nhẫn hạ đèn xuống để chiều vợ. Nhưng vợ anh không vừa lòng, đã vùng dậy nói với anh những lời mà anh không thể chấp nhận:”Anh bận tâm làm gì ba cái nghiên cứu trên mây trên mưa ấy.Của cải cha mẹ tôi cho tôi đủ để anh sống mấy đời người”

Lòng anh chạnh nhớ người vợ xưa. Giá là An Nhi, giờ này cô ấy đang xuống bếp nấu cho anh một chén xúp nóng..Anh lặng lẽ ngồi ghi nốt bài viết với một nửa tâm hồn bay về quê cũ.
Một ngày tôi lái xe đi dạy nhưng phải trở về đột xuất do để quên xấp tài liệu. Khi bước chân vừa đến phòng ngủ, tôi nghe những âm thanh quái đản. Qua khe cửa khép hờ, tôi đã nhìn thấy cảnh cô vợ xinh đẹp kiêu sa của mình cùng gã tài xế cường tráng mà gia đình vợ đã bố trí sang sống chung để phục vụ vợ chồng tôi, đang cuồng say trong cơn say xác thịt..
Trái tim tôi nhói đau bởi những mũi kim đâm. Tôi bàng hoàng nhận ra tôi chưa bao giờ quên được em! Tình yêu em phút chốc sống dậy mãnh liệt. Tôi gào lên, nhờ gió lộng chuyển nhanh về nơi em đang sống: “ An Nhi ơi! An Nhi ơi!”

***

Chuyến bay đưa anh trở về vừa đáp xuống Tân Sơn Nhất thì cả phi trường nhốn nháo bàng hoàng nhận tin về một chuyến bay khác cùng ngày từ Paris về Sài Gòn đã bị nạn. Trong bảng danh sách hành khách, mắt anh nhòa đi khi đọc dòng chữ: Vũ An Nhi-Viện mồ côi Dòng Mến Thánh giá-Thủ Đức-Sai Gòn Việt Nam.

Ngày hôm sau, hãng Hàng không Việt Nam tổ chức lễ truy điệu, anh đứng im lìm trong bộ vét tông đen để tang vợ. Trong đám đông người tham dự, anh nhìn thấy chị Liên, người chủ cho anh và An Nhi thuê nhà năm xưa. Chị lao nhanh tới, ôm anh khóc tự thú:
Em ơi An Nhi là kẻ vô tội. Tất cả những gì em chứng kiến là do mẹ em và mẹ chồng chị dàn dựng, sai bảo chị lừa cô ấy uống thuốc mê để tạo cảnh cô ấy ngoại tình khi biết tin Du về phép. Chị đã cam tâm làm điều bất chính ấy để đổi lấy lệnh thuyên chuyển cho anh Duy chồng chị từ miền hỏa tuyến về thành phố này. Chị biết rõ sự tình mà không nói được. Cô ấy chết mà không hiểu được vì sao mình bị bỏ rơi. Chết mà không nói được một lời là đã sinh bé Quỳnh cho em.”
Trong phút chốc trái tim anh hóa đá.

***

Nhiều năm sau, trong vườn Luxembourg, người ta thường thấy một người đàn ông Việt nét mặt buồn thiu luôn đến ngồi bên cô con gái nhỏ. Hai cha con ngồi lặng im như những đôi tình nhân chung quanh. Họ không nói vì… có còn gì để nói nữa hay không?

***

Và tôi người viết kể câu chuyện này cũng tìm về vườn Luxembourg sau ba mươi năm ngày chị mất, ngồi nơi chiếc ghế đá năm xưa chị vẫn đến ngồi, để viết câu chuyện tình buồn của chị. Mong rằng nơi cõi vĩnh hằng xa xăm nào đó chị lại nở nụ cười cho người đàn ông duy nhất của đời chị nhìn lại nét mặt yêu kiều của chị, cho lòng anh ấy bớt ngậm ngùi đau đớn.
Còn tôi, câu chuyện buồn của chị đã làm cho tôi vơi bớt những muộn phiền bởi tôi biết rằng trên đời này đâu phải chỉ duy nhất mình tôi đau khổ?
Ngoài kia khung trời Paris đang vào xuân. Vườn cây đang khoác sắc áo xanh mượt mà. Trong vòm lá...tôi nghe ngân vọng tiếng chim ca.

Vườn Luxembourg- một mùa Xuân
HOÀNG THỊ NHƯ HUY

Thương Nhau Ngày Mưa - Trầm Vân

Truyện Cổ: Thần Phật Chỉ Xem Trọng Lòng Người


Thần Phật đến thế gian là để độ con người về thiên quốc của Ngài, tuyệt không phải vì để tạo ra tiền tài, danh vọng, sức khỏe hay nhân duyên trao đổi với con người. Phúc chỉ dành cho những ai thành tâm tôn kính, một lòng hướng thiện.


Vào thời vua Đường Trung Tông (khoảng năm 705-707), tại khu vực Hồ Bắc, Tương Dương (Trung Quốc) người ta chuẩn bị đúc một pho tượng Phật lớn. Có rất nhiều người giàu có và tín ngưỡng Thần Phật đều tới dâng hiến tiền bạc cho việc ấy. Những người tổ chức đối với những người ủng hộ tiền của đều có ghi chép sổ sách đàng hoàng, để sau này sẽ khắc tên ghi công vào bia đá.

Có một bà cụ vô cùng nghèo khổ nhưng nóng lòng muốn được hiến tặng. Bà chỉ có một đồng tiền mà mẹ đẻ tặng cho bà thời con gái. Bà đã nâng niu giữ gìn đồng tiền ấy không nỡ dùng, cất kỹ suốt 60 năm trời. Ấy là tài sản duy nhất mà bà có.

Nghe tin người ta quyên tiền đúc tượng Phật, bà cụ cung kính mang đồng tiền ấy vượt qua một quãng đường xa xôi để đến dâng tặng. Nhưng người phụ trách việc đăng ký tên tuổi nói với bà:“Tôi chẳng thể đăng ký cho 1 đồng của bà được”. Bà cụ không biết làm sao, đành nhân lúc người khác không để ý lặng lẽ đến gần lò đúc tượng và tung đồng tiền vào trong đó. Bà thành kính chắp tay cầu nguyện rồi trở về nhà.

Vài ngày sau người ta dỡ lò lấy tượng ra. Một viên quan bỗng nhiên nhìn thấy một đồng tiền đính vào chính giữa ngực của pho tượng Phật. Có một đại phú ông trông thấy như thế trong lòng rất khó chịu bèn yêu cầu giũa bay đồng tiền kia đi. Thế là người ta gọi thợ thủ công đến để gọt giũa đồng tiền ấy.

Nhưng gắng sức gọt giũa suốt một đêm, đến sáng hôm sau nhìn lại thì đồng tiền vẫn còn y nguyên như cũ, vẫn đính chặt vào giữa ngực bức tượng Phật.
Mấy nhà sư thấy thế nói:“Chuyện này thật là kỳ diệu. Thần Phật nhận xét con người ta thì chỉ xem trọng tấm lòng thôi. Bà cụ ấy hết lòng thành kính cho nên mới thành ra như thế”. Từ đó về sau không ai còn dám động đến đồng tiền ấy nữa.
Đồng tiền ấy mãi mãi nằm trên ngực bức tượng Phật.
Đồng tiền của bà cụ là một câu chuyện một bà cụ nghèo dâng cúng một đồng tiền để đúc tượng Phật, trong khi những người giàu có thì bỏ rất nhiều tiền.
Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Nhưng bà cụ nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó.

Còn bà cụ, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình – Một đồng tiền mà mẹ đẻ tặng cho bà thời con gái. Bà đã nâng niu giữ gìn đồng tiền ấy không nỡ dùng, cất kỹ suốt 60 năm trời. Ấy là tài sản duy nhất mà bà có, số tiền này tuy nhỏ nhất nhưng là tất cả những gì bà có, trong khi những người khác chỉ cho một phần rất nhỏ trong số tài sản của riêng mình.

Do đó, với cách nhìn của Thần Phật thì bà cụ là người dâng cúng nhiều hơn cả. Thần Phật chỉ nhìn không phải qua số lượng tiền mà là tính cách toàn thể của những gì được dâng và tương quan của những gì được dâng đối với người dâng cúng. Thần Phật đối với con người thì chỉ xem trọng tấm lòng của con người mà thôi.

Theo vietdaikynguyen

Gió Bão - Giang Hà

Phố Cổ Hà Nội Ơi! - Đỗ Công Luận

Đừng Im Lặng: Phải Phạt Thật Nặng, Thậm Chí Đình Chỉ… Mưa - Đào Tuấn


Bài đã bị gỡ: Phải phạt thật nặng, thậm chí đình chỉ… mưa
Một bài viết hay, nhưng chỉ 4h sau khi đăng trên báo Lao Động đã bị gỡ xuống một cách đầy bí ẩn. Mời mọi người xem bản copy từ cache trên Google. —
Cơn mưa chiều rơi rơi thành phố không nhỏ đã khiến người ta bật khóc khi nhớ lại khung cảnh lẫm liệt và bi tráng trong phim Titanic. Và trong cái khung cảnh đậm mùi đại hồng thủy ấy, người ta chợt thấy trong mình, và đồng bào đang co ro quanh mình đức tính nhẫn nại quý báu. Đức tính đã khiến nhiều năm qua, chúng ta luôn luôn chiến thắng hết cơn mưa này đến cơn mưa khác, mặc cho nó lịch sử đến đâu, cuốn theo bao nhiêu ngàn tỉ chống ngập!

Thưa các bạn, ngay cả Cảnh sát PCCC cũng được huy động, không phải bơm nước dập lửa mà để hút nước cứu ngập.
Hàng ngàn chiếc xe máy ở Nguyễn Siêu trở thành tàu ngầm.
Biệt thự triệu dollar của Mr Đàm ngập trong nước khiến anh, quần tới gối, khuôn mặt thẫn thờ như mặt bức tượng sáp 12 tỉ vnd.
Tòa “tháp” Bitexco ngập từ trong ngập ra, ngập từ ngoài ngập vào. Một khung cảnh dữ dội và lãng mạn như trong đại sảnh con tàu Titanic gãy đôi. Các nàng Rose ống thấp ống cao tay xách nách mang trong tòa tháp cao nhất Sài Thành.

Một clip quay cảnh anh soái ca lao mình giữa dòng nước “cứu” chiếc xe máy trôi như bao diêm, à như chiếc lá – thu hút đến ngót 100k like, 35k lượt bình luận và hàng vạn share.
Sân bay Tân Sơn Nhất trở thành sân bơi, bãi đáp của Thủy phi cơ. Bến xe Chợ Lớn biến thành bãi canoing.

À còn nữa, các nữ y tá hò dô ta bắt lươn trong hành lang bệnh viện.
Toàn dân sặc nước với những vận động viên bất đắc dĩ điện thoại dắt trên lưỡi trai nón bảo hiểm.
Những chiếc bus thủy phi cơ “mất điện” giữa dòng thác. 20 chuyến bay trong nước và quốc tế phải bay vòng vòng.

Facebook tràn ngập 2 chữ thất thủ. Có người, trí tưởng tượng thật là phong phú, nhắc đến một cơn “đại hồng thủy”.
Đâu đó vang lên bản nhạc “Sài Gòn ngập quá Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”.
Một con chuột cố bám víu vào hàng rào B40 ở một nơi nào đó trong sự kiện “Sài Gòn thất thủ” tối qua. Đúng là một khoảnh khắc lịch sử! Một chi tiết câm lặng nhưng đầy biểu cảm mà bạn có thể chú thích với bất cứ caption nào.

GS Ngô Bảo Châu viết một status mấy chữ “Có thêm tàu điện ngầm có khi TPHCM thoát nước tốt hơn nhỉ?”.
24 ngàn tỉ, hoặc hơn đã được ném xuống nước. 75 ngàn tỉ chuẩn bị được nói đến. 1.200 tỉ được đề xuất cho “xe chống ngập”. Nhưng hôm qua, Sài Gòn “thất thủ” thật rồi với Chợ Nổi Bến Thành, con kinh Nguyễn Hữu Cảnh, bến cảng Tân Sơn Nhất.

Bạn sẽ hỏi giải pháp là gì?
Trước khi nói đến giải pháp, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân.
Tôi phải khẳng định, thủ phạm đã gây ra sự cố, scandal, hay thảm họa ngày hôm qua chính là ông giời. Và, không khó để đoán nguyên nhân sẽ lại là “mưa quá to”, mưa lịch sử… như tuần trước, như tháng trước, như sắp tới… khi mùa mưa mới chỉ bắt đầu.
Nhưng nếu đó là nguyên nhân, chỉ có một giải pháp duy nhất là phạt. Phạt thật nặng, thậm chí đình chỉ mưa nếu lượng mưa vẫn đổ xuống TP to như ngày hôm qua.

Đào Tuấn
(Đã đăng trên báo Lao Động)

Saturday, October 29, 2016

Bên Dòng Sông Nhập Thế - Trần Minh Hiền

Đừng Đợi Đến Lúc Bạn Già Rồi, Mới Biết Được Điều Gì Là Hạnh Phúc


Hạnh phúc là gì? Đến nơi đâu mới tìm được hạnh phúc? Con người vẫn luôn mong muốn tìm đến được bến bờ hạnh phúc, nhưng lại không hiểu một điều quan trọng…

Bạn nghèo khó, nhưng có người nguyện đi cùng bạn chính là hạnh phúc.
Bạn đau ốm, có người tận tình chăm sóc cho bạn chính là hạnh phúc.
Khi bạn lạnh, có người ôm bạn chính là hạnh phúc.
Khi bạn khóc, có người an ủi bạn, là hạnh phúc.
Khi bạn già, có người bầu bạn cùng, cũng là hạnh phúc.
Bạn sai, có người bao dung, tha thứ cho bạn, cái này là hạnh phúc.
Bạn vất vả, có người thương xót, đây cũng chính là hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải là quanh bạn có bao nhiêu người, mà là có bao nhiêu người bên cạnh bạn.
Hạnh phúc không phải là bạn lái những chiếc xe sang trọng, mà là bạn lái xe về đến nhà bình an.

Hạnh phúc không phải là bạn tích trữ được bao nhiêu tiền, mà là mỗi ngày thể xác và tâm hồn được tự do, được làm những việc mình yêu thích.
Hạnh phúc không phải là vợ của bạn xinh đẹp ra sao, mà là vợ của bạn luôn có thể nở nụ cười rạng rỡ.
Hạnh phúc không phải được ăn ngon mặc đẹp, mà là không có bệnh, không có tai ương.
Hạnh phúc không phải lúc bạn thành công được tung hô nhiệt liệt, mà là lúc bạn sa cơ vẫn có người nói: “Bạn tôi à! Cố lên!”
Hạnh phúc không phải là bạn nghe qua bao nhiêu lời ngon ngọt, mà là khi bạn bi thương rơi lệ, vẫn có người nói với bạn: “Không sao đâu mà, có tôi ở đây…”

Tuệ Tâm, theo Secretchina

Just For Fun - Long Kangaroo

Chào Cao Nguyên Đá Đồng Văn - Đỗ Công Luận

Số Phận Của Nguyễn Phú Trọng Rồi Cũng Sẽ Giống Như Caucesscu - Bùi Lộc (Danlambao)


Phó chủ tịch UBND Tình Nghệ An Lê Xuân Đại ký văn thư số 7533/UBND-NC ngày 7.10.2016, yêu cầu “Cụ Giám Mục Vinh” trục xuất Cha Nam ra khỏi Giáo phận Vinh, chắc hẳn ông không tự ý làm vì ông chả dại uống thuốc liều thách thức trước sức chịu đựng đã quá tải của dân chúng địa phương; nhưng ông phải làm theo chỉ thị của Trung ương, của Caucesscu Phú Trọng.

Caucesscu, tổng bí thư đảng cs Rumani đã ra lệnh cho quân đội xả súng vào người biểu tình chống chế độ, nhưng nòng súng đã quay ngược lại bắn ngay vợ chồng tên tổng bí thư này trước ánh mắt kinh ngạc tột cùng của vợ hắn.

Sức chịu đựng của nhân dân Rumani chưa bằng một góc của nhân dân Việt nam. Họ không có “Cải cách ruộng đất,” họ không có “Nhân văn giai phẩm,” họ không có “Tết Mậu Thân.” Họ cũng không bị đày ải đi “kinh tế mới” để chiếm nhà của người dân trong hết mọi thành phố Miền Nam như ở Việt nam và đặc biệt họ không có Formosa gây cá chết hàng loạt cũng như chim trời sống nhờ cá biển.

Trước đây dân chúng Hà Tĩnh đã nghe theo cs để tranh đấu với hy vọng đổi đời qua cuộc biểu tình mang tên Xô viết Nghệ Tĩnh: “Hãy đứng lên tiêu diệt bọn bóc lột để giành lại của cải tài sản cho mình. Nếu mất chúng ta chỉ mất xiềng xích, nếu được, chúng ta sẽ có tất cả.”

Hôm nay đã hơn 80 năm cũng tại mảnh đất Hà Tĩnh này kể từ năm 1932, khi người dân cả tin nghe theo lời đường mật của tên đại xách động Hồ chí Minh và đồng bọn, đã hy sinh bao xương máu, nuôi hy vọng đập tan được xiềng xích và cuộc đời sẽ khá hơn. Xiềng xích thực dân phong kiến vừa rơi khỏi cổ thì một loại xiềng xích khác khủng khiếp hơn lại tròng ngay lên cổ. Đó là xiềng xích vô sản.

Hai cuộc chiến thần thánh theo cs nói, đánh tan Thực dân Pháp và bọn thực dân kiểu mới của Đế quốc Mỹ sừng sỏ nhất thế giới. Hai tên đế quốc này đã phải cúp đuôi chạy, nhưng trong suốt thời gian chiếm đóng, chúng chẳng hề chiếm đất của ai, nhà ai người ấy ở. Chúng khai phá đồn điền, ai đi làm chúng trả lương. Có cả chế độ hưu bổng. Cuộc sống bảo đảm. Đặc biệt khi chúng bỏ đi, chúng không hề hủy hoại và đầu độc môi trường.

Trong chiến tranh, Hoa Kỳ có dùng thuốc khai quang để khai quang hai bên đường và những nơi nghi ngờ cs ẩn núp. Đề tài này đã được bàn nhiều. Cs tuyên truyền trên mọi phương tiện truyền thông cho tới hôm nay vẫn còn những clips videos về đề tài này trên internet hết sức trơ trẻn. CSVN còn rùm beng kiện cả quân đội Mỹ ra Tòa án Hoa kỳ, nhưng rốt cuộc chẳng đi tới đâu. Đố ai kiếm được một con chim chết vì thuốc khai quang này, vậy mà sản phụ ở mãi tận đâu đâu lại sinh quái thai vì loại thuốc này.

Ngược lại những công trình của anh hai Trung Quốc đến để xây dựng giúp nhân dân ta và nhà nước ta đã tống cổ dân chúng ra khỏi mảnh đất mà họ đã sinh sống không biết bao đời để giải tỏa mặt bằng. Nhiều công trình, đặc biệt nhà máy luyện kim Formosa mới chạy thử, chưa chính thức đi vào hoạt động đã hủy hoại môi trường ảnh hưởng đến không những mọi sinh vật và ngay cả con người cũng bị tác hại vô cùng nghiêm trọng.

Bây giờ, cũng ngay tại cái nôi cs Hà Tĩnh này, 10.000 người bị tuyệt đường sống đã đứng lên biểu dương uy lực của mình chỉ để đòi lại môi trường sạch cho sự sống còn của mình.

Cộng sản cảm thấy run sợ trước khí thế của người dân, nên Caucesscu Phú Trọng một mặt cho Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đến tham dự ngày Khai mạc Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam với những lời ve vuốt: “Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có sự đoàn kết, thương yêu và phát triển.” Mặt khác ra lệnh cho Phó UBNH Nghệ an viết văn thư yêu cầu “Cụ Giám mục Giáo phận Vinh trục xuất LM. Đặng Hữu Nam ra khỏi Giáo phận nhằn cô lập vị Linh mục này và hy vọng Giáo dân Vinh hết dám biểu tình.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói mà chẳng hề nhớ lại Phát Diệm của Đức Cha Lê Hữu Từ. Hồ chí Minh đã vào gặp Đức Cha xin rửa tội giả vờ theo đạo để tìm cách phá đạo. Chủ tịch mặt trận nói mà cũng chẳng nhớ tới vụ Quỳnh Lưu vào năm 1956, cs các anh đã tàn sát đẫm máu những người Công giáo. Anh nói và anh cũng quên luôn gần một triệu người Miền Bắc đa số là Công giáo đã bỏ phiếu bằng chân vô Nam năm 1954, và đúng như lời anh nói “họ vào Nam để cùng đoàn kết với đồng bào Miền Nam thương yêu nhau và cùng nhau xây dựng phát triển đất nước.”

Khi họ và những người Miền Nam đang cùng nhau đoàn kết thương yêu và phát triển đất nước thì các anh vào phá đám, gây chia rẽ và hận thù. Khi thắng cuộc, các anh lại cho thành lập mặt trận tổ quốc, tổ cò này nọ, lợi dụng những tên Judas để dựng lên những đám tôn giáo quốc doanh nhằm khống chế các tôn giáo.

Ngày nay khi các anh cho những công ty nước ngoài, đặc biệt Trung quốc, kẻ chống lưng cho mấy anh, vào tàn phá đất nước, hủy hoại môi trường, triệt đường sống của người dân. Người dân đứng lên chỉ để đòi lại sự sống còn mà các anh không bảo vệ lại còn đàn áp họ.

Ai cũng biết chúng đã cho các anh ăn ngập mặt nên bắt buộc các anh phải đàn áp người dân và bênh vực chúng. Nhưng khi thấy một số đông dân chúng ngoài sức tưởng tượng của mấy anh đứng lên, các anh mới bắt đầu run nên một mặt các anh tìm cách ve vuốt Hội đồng Giám mục Việt Nam; mặt khác các anh tìm cách điểm mặt những khuôn mặt nổi mà các anh cho là có thể đe dọa sự sống còn của đảng. Các anh đang nhắm vào Linh Mục Đặng Hữu Nam, một khuôn mặt cương quyết không lùi bước. Ông đang giúp người dân nộp đơn đưa Formosa ra trước công lý để tím lại sự công bình, tìm lại nhũng gì họ đã mất.

Một hai người hay một vài trăm người, người ta còn sợ, nhưng cả chục ngàn người cùng đứng lên thì họ hết sợ và thực ra họ chẳng còn gì để mất ngay cả mạng sống họ nếu cứ đà này họ cũng sẽ mắc bệnh vì môi trường ô nhiễm hay ngay cả không có thức ăn để sống còn thì có gì khiến họ phải sợ hãi để không dám đứng lên tranh đấu đòi lại sự sống cho mình và thế hệ con cháu mình.

Ông Phú Trọng ơi, ông có muốn số phận ông và vợ ông giống như số phận của vợ chồng Caucesscu của Rumani không hay ông còn muốn được sống. Nếu ông không muốn giống Caucesscu thì ông hãy tìm cách trả lại cho người dân không những ở Hà Tĩnh và các tỉnh Miền Trung mà ngay trên cả nước nữa những gì là của họ thì chắc họ sẵn sàng tha mạng cho ông. Người Việt nam rất nhân hậu, nhưng đừng bắt họ phải chịu đựng quá sức họ nữa.