Saturday, February 29, 2020

Tháng Hai Tạm Biệt - Đỗ Công Luận

Sốc: Chúng Ta Nạp Vào Cơ Thể 20 kg Nhựa Trong 79 Năm Cuộc Đời

Sử dụng ước tính hiện tại về vi nhựa trong chế độ ăn uống của chúng ta và giả sử tình hình không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn, trung bình mỗi người sẽ ăn 20kg nhựa trong suốt cuộc đời (79 năm) - tương đương với hai thùng rác tái chế di động.


Mảnh nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện ở những địa điểm xa xôi nhất, từ đáy sâu của đại dương đến băng ở Bắc Cực. Nhưng những hạt vi nhựa cũng đang xâm nhập vào cơ thể chúng ta, từ nước đựng trong chai nhựa mà chúng ta uống và những sinh vật biển mà chúng ta ăn. Con số thực sự khiến nhiều người sốc vì lượng nhựa nạp vào cơ thể. đây là những hình ảnh minh họa mức tiêu thụ nhựa của chúng ta trong những khoảng thời gian khác nhau, dựa trên các phát hiện từ báo cáo của WWF hồi đầu năm nay.
Nghiên cứu kết hợp dữ liệu từ hơn 50 nghiên cứu về lượng vi nhựa mà chúng ta đang ăn vào - được định nghĩa là những hạt nhựa có kích thước dưới 5mm.
Những hình ảnh này có thể khiến bạn bị sốc khi biết mình đang ăn bao nhiêu nhựa mà không hề biết - và tốc độ này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có hành động của các chính phủ.


Chúng ta đang ăn 250g nhựa mỗi năm - tương đương với một đĩa ăn toàn mảnh nhựa, như hình trên.
Vi nhựa (phải) được định nghĩa là các hạt nhựa có kích thước dưới 5mm, mỗi hạt nhỏ hơn một hạt vừng (trái)

Một tuần
Mỗi tuần, chúng ta đang ăn gần 2.000 hạt nhựa nhỏ.
Con số này tương đương với 5g, bằng một chiếc thẻ tín dụng và có trọng lượng tương đương với một nắp chai nhựa.
Nó cũng đủ lượng nhựa để đổ đầy một thìa súp sứ, như hình minh họa.
Theo nghiên cứu của WWF, một người trung bình có thể tiêu thụ 1.769 hạt nhựa mỗi tuần chỉ từ nước uống đơn thuần.

Nghiên cứu cũng cho thấy chúng ta ăn vào 182 hạt nhựa từ động vật có vỏ, 11 từ muối và 10 từ bia mỗi tuần - đạt tổng số 1.972.



MỘT TUẦN: Chúng ta đang ăn khoảng 5g nhựa mỗi tuần - tương đương với một nắp chai nhựa và lượng hạt nhựa đủ để đổ đầy một muỗng súp

Một tháng
Trong một tháng, chúng ta tiêu thụ 21g nhựa, có trọng lượng tương đương với năm con xúc xắc của sòng bạc và đủ nhựa vụn để đổ đầy một nửa bát cơm.
Mặc dù nghe có vẻ không nhiều, nhưng loại nhựa này đang tăng lên theo thời gian và khoa học vẫn chưa xác định được tác động của việc ăn vi nhựa và nhựa có kích thước nano đối với sức khỏe con người.
"Tất cả những gì được biết là chúng ta đang ăn nó và nó có khả năng gây độc tính", Thava Palanisami, Đại học Newcastle của Úc, người đã làm việc trong nghiên cứu WWF cho biết.

"Đó chắc chắn là một nguyên nhân đáng lo ngại", ông nói.


MỘT THÁNG: Chúng ta ăn 21g nhựa mỗi tháng - tương đương với năm con xúc xắc và đủ nhựa để đổ đầy một nửa bát cơm

 6 tháng
Trong 6 tháng, chúng ta ăn 125g nhựa - tương đương với với một bát đầy.
Sản xuất nhựa đã tăng mạnh trong 50 năm qua, dẫn đến việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm dùng một lần rẻ tiền đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, khiến các bãi biển đầy rác và làm động vật biển hoang dã ngạt thở.
Nhựa không phân hủy sinh học, mà thay vào đó phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn, và cuối cùng kết thúc ở khắp mọi nơi, bao gồm cả trong chuỗi thức ăn.


6 THÁNG: 125g nhựa sẽ có mặt trong cơ thể chúng ta cứ sau mỗi 6 tháng, đủ để đổ đầy một bát ăn cơm

Một năm
Trong vòng một năm, lượng nhựa chúng ta ăn vào đạt tổng cộng 250g.
Đó bằng một đĩa đồ ăn đầy nhựa vụn.
Một phần của lượng này cũng đến từ vi nhựa trong không khí mà chúng ta hít vào, đặc biệt là trong môi trường đô thị.

Chúng có thể mang các chất ô nhiễm từ môi trường xung quanh, bao gồm các phân tử được tìm thấy trong than và nhựa đường.


MỘT NĂM: 250g nhựa mỗi năm, tương đương với một đĩa đầy những mảnh nhựa vụn

Một thập kỷ
Với tốc độ tiêu thụ này, chúng ta có thể ăn 2,5kg nhựa trong thời gian một thập kỷ, tương đương với một chiếc phao cứu sinh tiêu chuẩn.
Đến năm 2015, đại dương sẽ chứa 1 tấn nhựa cho mỗi 3 tấn cá, theo ước tính của WWF.

75% lượng nhựa sản xuất sẽ trở thành chất thải, trong khi khoảng 87% chất thải bị xử lý sai cách thất thoát vào tự nhiên và trở thành ô nhiễm.


QUA MỘT THẬP KỶ: Chúng ta hiện đang ăn 2,5kg nhựa trong một thập kỷ - tương đương với một chiếc phao cứu sinh tiêu chuẩn (ảnh)

Một đời người
Với tốc độ hiện tại là 1.972 hạt nhựa ăn vào mỗi tuần, con số này tương đương với hơn 8 triệu hạt nhựa trong 79 năm.
Ngĩa là khoảng 20kg trong một đời người trung bình 79 năm - đủ để chứa đầy hai thùng rác tái chế.

WWF cảnh báo rằng những con số này chỉ là ước tính dựa trên tỷ lệ hiện tại, có thể trở nên tốt hơn với sự can thiệp của chính phủ và hợp tác toàn cầu - hoặc tệ hơn.


CẢ ĐỜI: Sử dụng ước tính hiện tại về vi nhựa trong chế độ ăn uống của chúng ta và giả sử tình hình không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn, trung bình mỗi người sẽ ăn 20kg nhựa trong suốt cuộc đời (79 năm) - tương đương với hai thùng rác tái chế di động

Báo cáo “Không nhựa trong tự nhiên”, được công bố hồi tháng 6, , cũng kêu gọi các chính phủ đồng ý với một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý để ngăn chặn ô nhiễm nhựa xâm nhập vào đại dương, cùng với những các biện pháp khác.
Tổng giám đốc WWF International, Marco Lambertini, vào thời điểm đó đã nói rằng những phát hiện này sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho các chính phủ.
"Không chỉ nhựa gây ô nhiễm đại dương và nguồn nước của chúng ta và giết chết sinh vật biển – mà nó còn có mặt trong trong tất cả chúng ta và chúng ta không thể tránh khỏi việc tiêu thụ nhựa", ông nói.
'Hành động toàn cầu là cấp bách và cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng này.'
Để hình dung lượng nhựa ăn vào trong các khoảng thời gian khác nhau, polypropylen và polyetylen mật độ cao đã được thu thập và băm nhỏ bằng cơ học.
Reuters sau đó đã cân nhựa bằng cân kỹ thuật số tham khảo các ước tính của WWF.

Vi nhựa có tác động gì nếu nó đi vào thực phẩm?
Theo một bài báo được công bố trên International Journal of Environmental Research, hiểu biết về các tác động tiềm ẩn của việc phơi nhiễm vi nhựa đối với sức khỏe con người “là một lỗ hổng kiến ​​thức lớn”.
Con người có thể tiếp xúc với các hạt vi nhựa thông qua tiêu thụ hải sản và các sản phẩm thực phẩm trên cạn, nước uống và qua không khí.
Tuy nhiên, mức độ phơi nhiễm của con người, nồng độ độc mãn tính và các cơ chế tác động tiềm ẩn khác của vi nhựa vẫn chưa được hiểu rõ để đánh giá đầy đủ các nguy cơ đối với con người.
Theo Rachel Adams, giảng viên cao cấp về Khoa học y sinh tại Đại học Cardiff Metropolitan, việc ăn vi nhựa có thể gây ra một số tác động có hại, như:
  • Viêm: khi viêm xảy ra, các tế bào bạch cầu của cơ thể và các chất chúng sản sinh ra sẽ bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trùng. Hệ thống miễn dịch bảo vệ thông thường này có thể gây tổn thương cho các mô.
  • Phản ứng miễn dịch đối với bất cứ thứ gì được nhận diện là “lạ” đối với cơ thể: các phản ứng miễn dịch như vậy có thể gây tổn hại cho cơ thể.
  • Trở thành chất mang các độc tố khác xâm nhập vào cơ thể: vi nhựa thường đẩy nước và sẽ liên kết với các độc tố không hòa tan, vì vậy vi nhựa có thể liên kết với các hợp chất chứa kim loại độc như thủy ngân và các chất ô nhiễm hữu cơ như một số loại thuốc trừ sâu và hóa chất gọi là dioxins, được biết là gây ung thư, cũng như các vấn đề về sinh sản và phát triển. Nếu các vi chất này xâm nhập vào cơ thể, độc tố có thể tích tụ trong các mô mỡ.
Cẩm Tú
Theo MD
Nguồn: dantri.com.vn

Hồi Sinh Kỳ Diệu Sau Nạn Cháy Rừng Tại Úc- HD - Youtube LH

Mời xem hình ảnh sự hồi sinh kỳ diệu của rừng cây Úc sau các trận cháy rừng mùa hè- Phải chăng đây là sự đền bù của thiên nhiên-Tạo hóa ?
Cám ơn anh Long Kangaroo

Cái Tội Mê Gái!


Tui còn nhớ như in cái Tết năm nào ...!!!...
Sáng sớm hôm đó, cô bạn gái rất trẻ, rất sex và đẹp gửi vô Messenger của tui ở FB , rủ tui đến nhà chơi , bảo là chồng em đi công tác xa rồi .
Tui mừng quá chời - Tui tới liền và hỏi :
- Rủi chồng em về bất tử thì sao ?

- Không đâu, mà rủi có thì anh nói , anh là người bên công ty vệ sinh tới dọn dẹp nhà cửa , thằng chả không nghi ngờ gì đâu mà lo .
Hí hửng tui theo cô ấy đi vô nhà , đùng 1 cái , chồng cô ta về , thậm chí tui còn chưa kịp nắm tay cô ấy ...
Vậy là tui quần quật chùi toilet, lau nhà cửa, tháo màn, tháo Dra giường đem giặt rồi phơi , lau chùi trần nhà , bàn ghế ...nguyên cả ngày từ sáng sớm tới tối mịt , theo sự chỉ bảo của ông chồng của cổ.
Tới lúc tui làm xong, mệt đừ , mồ hôi đổ ra như tắm , chả hỏi :
- Bao nhiêu ?
Cô ấy đứng bên cạnh trả lời lẹ làng :
- Em đã thanh toán tiền bên công ty rồi anh yêu .
Tui đi ra khỏi cửa, nhưng còn ấm ức, tui quay lại, thì thấy 2 vợ chồng cổ nheo mắt cười hỉ hả ...dzới nhau...!!!...


Lượm trên mạng

Thất Bại Ở Đời Chính Là : Cố Gắng Làm Vừa Lòng Tất Cả Mọi Người ?



Sống trên đời, nếu dành hết tâm trí mình để quan sát thái độ người khác, từ đó nương theo mà hành xử, chiều lòng họ, thử hỏi cuộc đời bạn có còn ý nghĩa gì? Khi ấy, phải chăng là bạn đang sống hộ người khác, phải chăng là muốn trao vận mệnh của mình cho kẻ khác?

Kỳ thực, mỗi cá nhân sinh ra đều có vận mệnh khác nhau, đều là những cá tính tự ngã khác nhau, có lòng tự tôn và nguyên tắc sống riêng biệt. Nếu chỉ biết chạy theo làm đẹp lòng người khác, chẳng phải bạn đã đánh mất đi giá trị, phẩm chất của mình rồi sao?

Bởi vậy, người xưa nói: “Vạn sự bất cầu nhân” (ý nói những chuyện trên đời này đừng nên mong cầu vào người khác). Khi cố lấy lòng người khác, chẳng phải là bạn cũng đang muốn được họ chiếu cố đến mình đó sao? Thực tế đã chỉ ra rằng điều này là hoàn toàn viển vông.

Cuộc đời và vận mệnh phải do chính mình nắm giữ và an bài. Sống tự tin, khẳng khái, hướng thiện, bao dung, rồi bạn sẽ có được tất cả những gì đáng có, rồi bạn sẽ chẳng phải nhờ vả, cậy cục, núp bóng ai. Đạo lý chỉ đơn giản như vậy.


Cố gắng lấy lòng người khác còn có một nguyên nhân nữa: Sợ bị tẩy chay, thù ghét nên cố làm bạn với tất cả. Công bằng mà nói, bạn không thể mong ở đời không có kẻ thù ghét mình, gây khó dễ cho mình. Cha mẹ, bạn bè, người thân có thể yêu thương bạn vô tư, chẳng toan tính. Nhưng đồng nghiệp, đối thủ đôi khi vẫn có thể căm hận bạn dù bạn chẳng làm gì sai.

Cuộc sống muôn vẻ, muôn màu là vậy. Có người ưu ái bạn thì cũng có kẻ gièm pha bạn. Có người tôn trọng bạn lại cũng có kẻ coi bạn bằng nửa con mắt mà thôi. Bởi thế, dẫu cố gắng đến đâu, nhọc lòng thế nào bạn cũng chẳng thể làm vừa lòng tất cả, chẳng thể đảm bảo rằng mình không còn bị ai thù ghét.

Nếu có ai đó thù ghét, cay độc, mỉa mai, chế giễu mình, bạn hãy luôn nhớ rằng: Trong miệng người khác, bạn không phải là con người bằng xương bằng thịt. Đã là như vậy, tại sao bạn còn phải thấy thống khổ, còn phải thấy mất mặt vì những lời đàm tiếu xung quanh? “Cây ngay không sợ chết đứng”, người quân tử thường để ngoài tai lời ong, tiếng ve của kẻ tiểu nhân.

Chỉ cần giữ được phong thái cao, mọi sự tình bên ngoài đều không thể làm bạn khó xử. Cổ nhân nói ấy là cái: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (nghĩa là lấy cái bất biến của tâm mình mà ứng xử với sự biến hoá của cuộc đời).

Vả chăng, nếu nghĩ thật sâu, có thể nhận ra rằng, bạn là tốt hay xấu hoàn toàn không thể dựa vào một lời nói bâng quơ của ai đó. Người ta nói bạn xấu, chắc gì bạn đã xấu. Còn khi họ khen bạn thật tốt, ai có thể khẳng định bạn hoàn mỹ đến thế đây?
Cặp mắt thịt của con người chỉ nhìn thấy thân thể bề ngoài, đôi khi đánh giá tốt xấu, đúng sai cũng chỉ là “trông mặt mà bắt hình dong”. Chẳng ai có thể nhìn thấu nội tâm và vẻ đẹp thẳm sâu bên trong của bạn. Có phải như vậy không?

Cuối cùng, bạn hãy luôn ghi nhớ:


Làm người không cầu rằng ai cũng thích mình, chỉ cần bạn luôn chất phác, bao dung, lương thiện. Làm việc không cần phải giải thích để tất cả hiểu, chỉ cần bạn tận tâm nỗ lực là đủ rồi! Vậy mới hay:
Nhân sinh vạn thuở mải ganh đua
Quay cuồng một kiếp cố được thua
Trăm năm ánh chớp qua như mộng
Mới hay thế sự thảy trò đùa.

Văn Nhược
www.dkn.tv

Chim Lồng - Hàn Thiên Lương

Friday, February 28, 2020

Grand Canyon Arizona Hoa Kỳ - Nguyễn Duy Phước

Mời quý vị viếng thăm Grand Canyon và những phong cảnh hùng vĩ, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ. 
Cám ơn anh Nguyễn Duy Phước

Đại Dịch COVID-19: Những Thiệt Hại - Cổ Nhuế


Từ cuối năm ngoái đến nay, thế giới điên đảo vì đại địch khởi đầu từ Vũ Hán (Trung Cộng) và do con vi khuẩn mới trong nhóm Corona gây ra. Vì thế, người ta gọi đại dịch này bằng nhiều tên như: địch Corona, cúm Vũ Hán, hay cúm 2019-nCoV… Sau nhiều tuần lễ, tổ chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, viết tắt thành WHO) đã chính thức đặt tên cho cơn đại dịch này là COVID-19. CO viết tắt cho Corona. VI thay cho virus. D là chữ đầu tiên của Disease. Và con số 19 chỉ năm bắt đầu đại dịch.
Bài thời sự này xin kể ra vài ba thiệt hại do đại dịch COVID-19 đang gây ra.


Người xa lánh người

Thiệt hại đầu tiên hiển nhiên là ở Trung Cộng. Cô lập là biện pháp để chận dịch lan tràn nhưng biện pháp này gây ra tâm trạng xa lánh giữa người với người. Bên trong Vũ Hán (và các thành phố bị cô lập khác) người bị nghi mắc dịch bị xa lánh. Ở Hàng Châu, giới chức địa phương tới nhà người bị nghi nhiễm vi khuẩn, dùng dây xích sắt khoá trái cửa và dán lên đó tấm bảng ‘không cho phép người tới thăm!’. Người trong nhà phải chịu thôi. Nhưng rủi có tai nạn gì giữa đêm – như cháy nhà – thì… Nhìn chung ai ở Trung Cộng ngày nay rất sợ người ở các nơi bị cô lập. Nếu nổi lửa đốt sạch 60 triệu người ấy, chắc là tỷ dân Trung Cộng sẽ gật đầu.

Sau khi thế giới nghi con COVID-19 từ thú vật lây sang con người thì dân Trung Cộng đập chết chó mèo trước đây nuôi trong nhà. Sau khi giết thứ vật rất dã man, không ít người ở Trung Cộng lại vất bỏ xác thú cưng ra đường. Mặc ai chết lây thì chết. Cũng thế ở Việt Nam người ta chen nhau mua cho được cái gọi là ‘khẩu trang’. Cứ tưởng miếng vải ấy là Vạn Lý Trường Thành chận con COVID-19 mà quên rửa tay và giữ gìn sức khoẻ. Được biết trăm người dính COVID-19 thì chỉ có 2 người rưỡi chầu ông bà ông vải. Phần lớn người đi đứt thường đang mắc một thứ bệnh gì khác. Hơn nữa, đeo mặt mạ là điều hay nhưng phải đeo đúng cách và vất bỏ cũng phải đúng cách. Đã thấy vương vãi trên đường ở Việt Nam những chiếc ‘khẩu trang’ đã… dùng qua!

Khi Trung Cộng cô lập dân chúng trong nước thì chính Trung Cộng làm cho thế giới xa lánh cả nước và người dân mình. Ở Melbourne, một tài xế Uber từ chối chở hành khách ‘có dáng vẻ Trung Hoa’ với lời phủ phàng ‘tui không cần con Corona đâu!’. Thiệt ra, ông khách ấy là người Mã Lai đấy thôi. Hãng News.com.au kể thêm có bệnh nhân gốc Trung Hoa đi khám bác sỹ phải ngồi chờ trong xe của mình vì phòng mạch sợ lây dịch. Lý do: người ấy đeo mặt mạ và cái mặt trông giống Trung Hoa.

Bất cứ gì dính dáng tới Trung Hoa cũng bị người ta… ghê ghê. Nhà hàng tàu ở Boxhill, phía Đông Melbourne vắng hoe. Phố Tàu ở Sydney trống lốc. Có lẽ bạn đọc đã rành tin một chiếc tàu du lịch sang trọng chở theo 4,000 hành khách đã phải neo ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản vì có người dính cúm COVID-19. Sau tin này, công ty Royal Caribbean Cruises chuyên tổ chức các chuyến du lịch bằng tàu đã quyết định ‘tất cả hành khách mang thẻ thông hành Trung Cộng, Hongkong hay Macau không được lên tàu’.


Sạch sành sanh!

Thứ Hai đầu tuần này là ngày công nhân Trung Cộng hết ăn Tết. Bốn thành phố lớn – gồm có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến phải đặt nhiều nút chận ở các ngả đường để đo nhiệt độ người từ các tỉnh khác vào. Ai qua cửa ải , còn phải sống cô lập thêm 24 ngày. Vậy mà con COVID-19 vẫn xông vào cả bốn nơi trên. Thế là nhiều công ty ngoại quốc có hãng xưởng ở Trung Cộng phải đóng cửa. Con COVID-19 li ti này bắt đầu cắn vào những chiếc điện thoại di động mang nhãn Apple, xe Volkswagen và Toyota, cũng như máy chơi gêm Nintendo.

Con vi khuẩn li ti 2019-nCoV chận đường không cho công nhân bến tàu làm việc khiến cho những chiếc tàu chở đầy thịt bò Úc của công ty NCMC (The Northern Cooperative Meat Company) cũng như tàu chở lúa mì của công ty Úc Grain Growers đang kẹt ở bến cảng. Mới nhất, Trung Cộng xin tàu chở khí đốt của Úc khoang nhổ neo vì công nhân bến tàu ở bển chưa đi làm trở lại. Như vậy số tiền $13.8 tỷ bán khí đốt sẽ chậm lại. Thiệt hại hơn cả là ngành khai thác khoán sản Úc. Trong năm 2018, Úc bán cho Trung Cộng bốn phần năm khoán sản đào được từ đất và thu về $51.4 tỷ. Nếu cơ xưởng ở bển đóng cửa thì số tiền này không còn nữa.

Ở Hàng Châu có tổng hình dinh của công ty buôn bán trên mạng lớn nhất của Trung Cộng, Alibaba. Hàng Châu đang bị cô lập. Alibaba (và 40 tên cướp) đành ngồi chờ… chết. Hàng Châu cũng là nơi Tập Cận Bình ‘khởi nghiệp’ làm hoàng đế Trung Cộng. Hoàng đế này từng ngồi ghế bí thư đảng Hàng Châu trong những năm 2002-07. Cũng thế, nghe đâu Vĩnh Phúc ở Việt Nam – căn cứ địa của Nguyễn Phú Trọng – dường như thọ nạn khá nặng.

Tuy nhiên, cúm COVID-19 không phải không mang lợi. Các lợi trước mắt ở Vũ Hán vào các thành phố bị Trung Cộng cô lập là bầu không khí trong sạch hơn. Đường phố vắng tanh, cửa tiệm chỉ mở khép nép và người dân lác đác bước ra ngoài vội vàng mua thức ăn và nhanh chóng về nhà. Không những ở Trung Cộng mà ở Việt Nam cũng thế. Không còn cảnh lề đường chật ních những người vung lon bia thét ‘dzô! dzô’. Dường phố ở Việt Nam đã vắng trong những ngày tết. Bây giờ tiếp tục vắng và sạch. Sạch sành sanh! Thê thảm nhất là phố Tây Bùi Viện ở Sài-gòn. Ai mà tới đó nữa khi gái bán bia ôm kè kè che cái miệng và hơn phân nửa khuôn mặt. Nhờ thế, các bà vợ thấy mặt chồng nhiều hơn. Con cái thấy cha lẩn quẩn trong nhà. Người trong nhà ở bên nhau vì chỗ nào cũng nghi có con COVID-19 rình rập.


Cộng Sản rung rinh

Khi cúm COVID-19 nổ ra ở Trung Cộng, khá đông người có máu bài Tàu thấy hả hê vì tưởng Trung Cộng sập tới nơi. Bên cạnh đó ai là người chống Cộng Sản cũng thấy như thể là ‘bất chiến tự nhiên thành’. Cộng Sản hung hăng tới đâu cũng bị con COVID-19 này quật ngã. Cổ Nhuế cũng cầu trời cho Trung Cộng nói riêng và Cộng Sản nói chung mở mắt nhận ra thế nào là mong manh đời người. Nhưng buồn thay! Cộng Sản chưa sập.

Chỉ có những gì tưởng là bịt miệng bịt mắt người dân thì con vi khuẩn này xé toạc ra. Từ khi bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người bị Bắc Kinh bịt miệng vì la làng đã xảy ra dịch cúm ở Vũ Hán – qua đời thì bên trong Trung Cộng nổi lên một làm sóng đòi dẹp bỏ guồng máy kiểm duyệt. Nhớ lại vào ngày 30.12 năm ngoái bác sỹ Lý Văn Lượng tường trình có bệnh nhân ở Vũ Hán mắc con vi khuẩn mới. Ngay hôm sau, công an Vũ Hán bắt ‘khẩn cấp’ ông này và vu cho cái tội ‘loan tin thất thiệt’. Sau đó vì tin do bác sỹ đưa ra là…. thiệt, nên công an thả bác sỹ Lý Văn Lượng ra. Ông trở lại làm việc tại bệnh viện Vũ Hán và thành một trong ngàn nạn nhân mất mạng vì COVID-19 . Hay tin này, hơn 2 triệu dân mạng ở Trung Cộng ào ạt cho ý kiến vào #WeWantFreedomOfSpeech và #WuhanGovernmentOwesDr.LiWenliangAnApology tại Weibo và WeChat. Nhưng công an mạng Trung Cộng xoá mất tiêu hai hashtag ấy. Bị công an chận họng trên mạng, dân Vũ Hán học đòi dân Hongkong: đúng 9 giờ tối thứ Sáu (ngày bác sỹ Lượng qua đời) họ tắt hết đèn trong nhà để tưởng niệm bác sỹ ‘anh hùng’.

Con COVID-19 li ti đào những cái hố ngăn cách như hai bên bờ tử sinh trong xã hội vốn dĩ đã nghi kỹ nhau như ở Trung Cộng. Ổ vi khuẩn Corona từ Vũ Hán, bên trong tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Trung Cộng. Ai mà chẳng biết. Bắc Kinh ra lệnh cô lập Vũ Hán vì có đông người mắc dịch. Khi dịch lan ra Hồ Bắc thì Bắc Kinh cô lập luôn Hồ Bắc. Cứ thế… cứ thế… dịch lan ra tới đâu thì Bắc Kinh cô lập tới đó. Thế là những Ung châu (Wenzhou), Taizhou, Ningbo, Hàng Châu (Hangzhou) nằm về phía Nam Thượng Hải (Shanghai) đều bị cô lập. Cả bốn đều là hải cảng cỡ bự của Trung Cộng. Bến cảng đã thành tha ma nên hàng xuất nhập cảng bị ứ đọng. Cộng Sản cấm xe chạy ngoài đường ở Ung Châu. Ngay đến đám tang và đám cưới cũng bị cấm tuyệt. Hình như ở Ung Châu số người bị cúm Corona chỉ thua ở Vũ Hán mà thôi.
Vậy là một chu vi gần 1,000 cây số tính từ tâm bệnh Vũ Hán ở Trung Cộng bị cô lập. Trong số này có bốn thành phố lớn. Hơn 60 triệu người dân bị cắt đứt liên lạc với đồng bào.


Thiệt hại cho nước Úc

Riêng với Úc, sau khi mất khách du lịch vì hoả hoạn trong hai tháng 12 và Giêng vừa qua, ngành du lịch Úc sẽ không còn đón khách từ Trung Cộng đến đây nữa. Hội Đồng Du Lịch Úc (The Australian Tourism Industry Council, viết tắt thành ATIC) ước lượng mỗi tháng Úc mất chừng $1 tỷ Đô La vì năm nay chắc là Úc không đón được 1 triệu rưỡi khách du lịch Tàu như năm ngoái nữa. Ấy là chưa kể đến nhiều ngành buôn bán khác. Trong số này chết đứng là ngành xuất cảng tôm hùm từ Tây Úc. Được biết 98% tôm hùm Tây Úc xuất cảng qua Thượng Hải. Nay người bên đó bịt miệng tất tần tật nên không còn lỗ nào thưởng thức tôm hùm Úc. Úc phải xuống giá và bán cho… dân Úc. Nào ta mua tôm hùm Tây Úc: trước là… cứu nước, sau lại nếm thử cho biết mùi đời!

Để cứu ngành du lịch khỏi sụp đổ vì hoả hoạn, trước đây chính phủ hứa chi $76 triệu để quảng cáo thu hút khách du lịch trở lại. Số tiền này tưởng là đủ sau trận hoả hoạn nhưng trở thành quá ít khi cúm COVID-19 nổ ra. Không những khách sạn và các nơi du lịch thành chùa Bà Đanh mà ngay đến khu buôn bán hay nhà hàng Tàu ở Úc cũng vắng hoe. Không rõ vì sao người ở Úc ngại tới những nơi đó. Mỗi người có lý do riêng. Riêng người viết bài này từ khi nổ ra đại dịch COVID-19 thì thường xuyên theo dõi tin tức và tìm cách tránh bệnh mà không đeo mặt mạ . Ở Úc, nhiều cửa tiệm bán sạch mặt mạ nhưng ngoài đường chưa thấy đông người đeo. Dường như phần lớn người đeo mặt mạ ở Úc có gốc Trung Hoa (hay ít ra khuôn mặt mang dáng vè Á Châu). Thấy ít người đeo mặt mạ trong lòng người viết đỡ sợ. Cho đến khi…. Cho đến khi bước vào một cửa tiệm bán thực phẩm Á Châu do người Tàu làm chủ. Ở bên trong quầy hàng, hai ba cô tính tiền đeo chành ành mặt mạ. Bên ngoài, năm ba khách vẫn tíu tít khoe hàm răng. Cảnh lạ này làm cho Cổ Nhuế thấy ghê ghê. Và thề không bao giờ trở lại chốn đó nữa. Có thể vì lý do đó, nhà hàng Tàu mất hơn phân nửa khách và phố Tàu trống lốc.

Trận hoả hoạn vừa qua gây thiệt hại cho Úc chừng $100 tỷ. Lửa rừng vừa dứt thì cúm COVID-19 ập tới. Ngoài du lịch, trực tiếp bị thiệt hại ở Úc là ngành giáo dục. Ở Úc, các trường học mang về nhiều tiền vào hạng nhì – chỉ sau hầm mỏ. Trong tài khoá 2017-18, trường học Úc đã mang về $32 tỷ. Trong số du học sinh, đông nhất đến từ Trung Cộng và Ấn Độ. Ở đại học Sydney, 70% sinh viên ngoại quốc là người Trung Hoa. Thế mà, vì cúm COVID-19 chính phủ Úc không cho người mang thông hành in cờ Ngũ Tinh vào nơi đây. Thế là chừng 98 ngàn du học sinh Trung Hoa không được cắp sách đến trường, dù cho năm học mới đã bắt đầu. May mắn, nhờ kỹ thuật thông tin hiện đại, đại học Úc đang tìm cách hoá giải. Đại học Monash ở Melbourne khai giảng năm học trễ hơn và chuyển hết bài giảng lên mạng. Đại học Sydney cho phép sinh viên Trung Hoa đổi giờ học qua nửa sau của năm học. Dầu vậy, Úc đang sợ sinh viên Trung Cộng có thể bỏ ngang chương trình du học ở Úc và nhảy qua Mỹ hay Anh vì năm học ở hai nơi đó chỉ bắt đầu vào tháng Chín (với hy vọng lúc đó con COVID-19 đã chết tiệt!) . Dù uyển chuyển đến đâu, ngành giáo dục Úc cũng phải chịu thiệt thòi vì con COVID-19 quái ác. Đại học Úc đang mất ăn đến $2 tỷ. Nếu tình huống tệ hại hơn, các nơi ‘bán chữ’ ở Úc có thể mất đến $6 tỷ.

Với nhiều thiệt hại do cúm COVID-19 gây ra, có lẽ Úc phải nghĩ lại chuyện buôn bán quá lớn với một nước. Ai đầu tư cũng biết ‘không nên để hết trứng trong một giỏ’. Vậy mà cả nước Úc đã làm ngược lại khi buôn bán với Trung Cộng.

Cổ Nhuế
http://vietluan.com.au
Một tờ báo Úc gọi con COVID-19 là ‘Chinese Virus’.

Chào Người Xa Xăm - Trầm Vân

Lưu Ý Triệu Chứng Nhiễm COVID-19 Qua Từng Ngày Để Biết Rõ Tình Trạng Của Mình



Triệu chứng nhiễm COVID-19 qua từng ngày

🛑Ngày 1 ~ Ngày 3:
- Triệu chứng giống bệnh cảm
- Viêm họng nhẹ, hơi đau 
- Không nóng sốt. Không mệt mỏi. Vẫn ăn uống bình thường.


🛑Ngày 4:
- Cổ họng đau nhẹ, người nôn nao. 

- Bắt đầu khan tiếng. 
- Nhiệt độ cơ thể dao động 36.5~ (tuỳ người) 
- Bắt đầu chán ăn. 
- Đau đầu nhẹ 
- Tiêu chảy nhẹ.
🛑Ngày 5:
- Đau họng, khan tiếng hơn
- Cơ thể nóng nhẹ. Nhiệt độ từ 36.5~36.7
- Người mệt mỏi, cảm thấy đau khớp xương
(** Giai đoạn này khó nhận ra là cảm hay là nhiễm coronavirus).

 🛑Ngày 6:
- Bắt đầu sốt nhẹ, khoảng 37 

- Ho có đàm hoặc ho khan 
- Đau họng khi ăn, nói hay nuốt nước bọt 
- Mệt mỏi, buồn nôn
- Thỉnh thoảng khó khăn trong việc hít thở
- Lưng, ngón tay đau lâm râm 
- Tiêu chảy, có thể nôn ói.

 🛑Ngày 7:
- Sốt cao hơn từ 37.4~37.8 

- Ho nhiều hơn, đàm nhiều hơn. 
- Toàn thân đau nhức. Đầu nặng như đeo đá 
- Tần suất khó thở vẫn như cũ. 
- Tiêu chảy nhiều hơn
- Nôn ói.

 🛑Ngày 8:
- Sốt gần mức 38 hoặc trên 38

- Khó thở hơn, mỗi khi hít thở cảm thấy nặng lồng ngực. Hơi thở khò khè
- Ho liên tục, đàm nhiều, tắt tiếng 
- Đầu đau, khớp xương đau, lưng đau...

 🛑Ngày 9:
- Các triệu chứng không thay đổi mà trở nên nặng hơn. 

- Sốt tăng giảm lộn xộn 
- Ho không bớt mà nặng hơn trước. 
- Dù cố gắng vẫn cảm thấy khó hít thở.


(** Tại thời điểm này, nên đi xét nghiệm máu và chụp X-Ray phổi để kiểm tra)

P/S:
- Triệu chứng thay đổi tuỳ theo sức đề kháng của từng người. Ai khoẻ thì mất 10-14 ngày mới phát hiện. Ai không khoẻ thì 4-5 ngày.

Nguồn: tổng hợp bác sĩ (Sanilesson và yomidr)

*** 
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh, Trung Quốc mới chỉ cho ra mắt thuốc chống virus Corona (từ 1 công ty dược phẫm Mỹ) nhưng chưa bán tại thị trường Việt Nam. Mọi người nên nhớ cẩn tắc vô áy náy:
 - Đeo khẩu trang khi có thể (khẩu trang vải cũng được, cần phủ nhiều muối, và giặt thường xuyên).
- Rửa tay, rửa tay và ...rửa tay (20 giây).
- Tránh tụ tập đông người.
- Nạp thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng.
- Vệ sinh đồ dùng cá nhân như điện thoại, laptop thường xuyên.

Sưu tầm

Chắp Tay Bái Tạ - Đỗ Công Luận

Thursday, February 27, 2020

Đây Là Cách Virus Covina-19 Tàn Phá Cơ Thể Con Người.

Covid-19 - căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra đặc trưng bằng những triệu chứng chẳng khác gì cảm cúm. Một người khỏe mạnh sẽ nhiễm virus sau khi hít phải các giọt bắn từ người bệnh ho hoặc hắt hơi.

Sau đó, quá trình ủ bệnh âm thầm bắt đầu khi virus âm lên trong đường hô hấp. Các triệu chứng xuất hiện sau đó bao gồm ho, sốt, khó thở, đau đầu, sổ mũi. Nhưng chính xác thì bằng cách nào Covid-19 có thể tiến triển, để đặt một người chỉ đang sổ mũi vào máy thở và đôi khi giết chết họ? 



Đối với hầu hết bệnh nhân, virus corona bắt đầu lây nhiễm và gây ra những tổn hại nặng nề nhất bên trong hai lá phổi của họ. Bởi suy cho cùng cũng giống như cúm, Covid-19 là một bệnh đường hô hấp.

Virus được hít vào từ những giọt bắn của một người bị bệnh, khi họ ho hoặc hắt hơi. Từ đó, nó sẽ xâm nhập đường hô hấp của một người khỏe mạnh và tìm đến phổi. Ở phổi, Covid-19 mới tìm thấy tế bào mục tiêu của chúng.
Giống với virus SARS trước đây, Covid-19 có các protein dạng gai để liên kết với thụ thể ACE2. Mà thụ thể này chỉ có trong các tế bào phổi và tim của con người. Nhưng cả hai chủng virus này đều buông tha trái tim, vì một lý do nào đó các nhà khoa học cũng chưa thể biết.

Matthew B. Frieman, một phó giáo sư tại Đại học Maryland - người chuyên nghiên cứu các chủng virus corona có độc tính cao cho biết: Về cơ bản, Covid-19 sẽ làm những gì tương tự virus SARS đã làm. Nó sẽ gây bệnh theo 3 giai đoạn: nhân lên, kích thích phản ứng miễn dịch quá mức và cuối cùng săn phẳng lá phổi của người bệnh.

Mặc dù vậy, không phải tất cả bệnh nhân nhiễm virus corona đều kết thúc bằng một lá phổi mục ruỗng. Thống kê trước đây cho thấy chỉ có 25% bệnh nhân nhiễm SARS bị suy hô hấp nặng. Tương tự, dữ liệu mới cho thấy khoảng 82% các ca nhiễm Covid-19 chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ.



Nhưng trong trường hợp một ca bệnh nghiêm trọng thì sao? Virus corona sẽ nhanh chóng xâm chiếm được các tế bào phổi của con người thông qua những chiếc "cổng quẹt thẻ" ACE2. Những tế bào phổi có hai loại: những tế bào tạo ra chất nhầy và những tế bào có dạng lông gọi là vi mao.

Chất nhầy là một thành phần thiết yếu bên trong phổi, nó bảo vệ mô phổi khỏi những mầm bệnh và đảm bảo cho cơ quan hô hấp của bạn không bị khô. Các tế bào vi mao được nhúng trong chất nhầy, chúng chuyển động liên tục để dọn sạch các mảnh vụn lạ được hít vào theo đường không khí, chẳng hạn như phấn hoa hoặc virus.

Frieman giải thích rằng SARS rất thích lây nhiễm và phá hủy những tế vào vi mao này. Virus chèn RNA của nó vào DNA của tế bào phổi và chiếm quyền kiểm soát nó. Ở đây, nó sẽ lợi dụng cỗ máy sản xuất protein và vật chất di truyền của tế bào vi mao để tự tổng hợp và nhân lên hàng ngàn lần.

Khi tế bào phổi đã chứa quá nhiều virus, nó đơn giản là bị nổ tung, giải phóng hàng chục ngàn con virus để chúng tiếp tục đi lây nhiễm các tế bào mới. Phản ứng dây chuyền diễn ra khiến lớp vi mao trong phổi người bệnh bị bong tróc.

Người bệnh sẽ ho ra chúng, cùng với chất nhầy, các mảnh vụn, bụi bẩn và cả hàng triệu virus Covid-19 vừa được nhân lên nhưng chưa kịp chui vào các tế bào phổi mới. Điều này gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm sốt, ho, khó thở và viêm phổi.



Giai đoạn một kết thúc khi quá trình viêm bắt đầu hình thành. Lúc này, giai đoạn hai được bắt đầu khi hệ thống miễn dịch phát hiện ra tổn thương trong phổi gây ra bởi những con virus ngoại lai. Nó bắt đầu huy động một đội quân tế bào miễn dịch tràn vào phổi nhằm tiêu diệt virus và sửa chữa những mô bị tổn thương.

Nếu người bệnh nhiễm Covid-19 có một hệ miễn dịch tốt, các tế bào sẽ làm đúng trách nhiệm của mình. Chúng chỉ tấn công virus và đóng quân ở những vùng phổi bị tổn thương. Các thiệt hại nhanh chóng được khắc phục và người nhiễm virus sẽ tự khỏi bệnh.
Tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch đã bị trục trặc, đội quân tế bào của họ đơn giản là bị mất kiểm soát toàn bộ. Chúng sẽ chỉ tràn vào phổi và tiêu diệt bất kỳ một thứ gì trên đường đi của mình, cả các virus, cả các tế bào phổi còn đang khỏe mạnh.

Vì vậy, người bệnh lúc này sẽ phải chịu thiệt hại kép từ phản ứng miễn dịch của mình. Phổi sẽ càng bị tổn thương nhiều hơn, với nhiều mảnh vụn hơn, gây tắc nghẽn và làm trầm trọng tình trạng viêm. 

 


Trong giai đoạn thứ ba, tổn thương phổi tiếp tục tiến triển có thể dẫn đến suy hô hấp. Quy mô của cuộc tấn công lớn đến nỗi ngay cả khi bệnh nhân may mắn sống sót, các tổn thương này ở phổi cũng sẽ trở thành những vết sẹo vĩnh viễn.
Giống như SARS trước đây, Covid-19 có thể đục ruỗng phổi, để lại một lá phổi thủng lỗ chỗ giống như tổ ong. Các tổn thương này có thể được nhìn thấy trên phim chụp X-quang của bệnh nhân, hai lá phổi đơn giản là trắng xóa.

Lá phổi sẽ tự bảo vệ nó bằng cách hình thành những vết sẹo và cứng lại. Đây là lúc bệnh nhân không thể tự hô hấp được nữa, các bác sĩ phải đặt máy thở cho họ. Cùng lúc đó, tình trạng viêm sẽ làm cho màng giữa các phế nang và mạch máu trở nên thẩm thấu hơn, gây tràn dịch và hạn chế khả năng hấp thụ oxy của phổi.

"Trong các trường hợp nghiêm trọng, về cơ bản bạn sẽ làm ngập phổi của mình và không còn có thể thở", Frieman nói. Đó chính là cách mà Covid-19 giết chết bệnh nhân, cũng chính là những vật chủ của mình.

Thời Gian - Hàn Thiên Lương

9 Công Dụng Hay Mà Ít Người Biết Của Thỏi Son Dưỡng Môi

Thỏi son dưỡng môi nhỏ bé có thể dùng để làm dịu vết xước, giảm mẩn ngứa hay giúp giữ hương nước hoa lâu hơn.

Thoa một chút son dưỡng môi lên chiếc nhẫn bị chật để tháo ra dễ dàng hơn.

Che giấu những vết xước trên giày da bóng bằng son dưỡng môi.


Nếu cần ánh sáng mà không có nến, hãy cắm que diêm lên thỏi son dưỡng.

Giúp hàng lông mày vào nếp dễ dàng hơn bằng một chút son dưỡng

Giảm mẩn đỏ ở mũi khi thời tiết thay đổi.

Để gót chân không bị trầy khi đi giày mới, hãy thoa một chút son dưỡng môi trước khi xỏ giày.

Son dưỡng môi cũng có thể làm trơn phéc mơ tuya.

Sau khi xịt nước hoa, thoa một chút son dưỡng môi lên trên vùng da đó giúp nước hoa giữ mùi lâu hơn.

Nguồn: ngoisao.net

Vòng Tay Định Mệnh - Đỗ Công Luận

Wednesday, February 26, 2020

Nhà Hàng Tàu, Văn Hóa Việt - Huy Phương

Khung cảnh quen thuộc bên trong một nhà hàng Tàu ở Hoa Kỳ. (Hình: Getty Images)


Năm nào, vào khoảng thời gian này, chúng ta cũng thường có dịp tham dự những buổi họp mặt Tất Niên hay Tân Niên của các Hội Đoàn Đồng Hương, Ái Hữu hay Đơn Vị, Quân Binh Chủng,…
Nhiều khi nghĩ cũng lạ, nói không ngoa, trong hơn ba chục năm ở đây, trong vùng Little Saigon, mỗi năm tôi thường đến tham dự ở cái nhà hàng này, ít lắm cũng mỗi năm ba lần, tính ra trong ba mươi năm, là 90 lần đến cùng một cái nhà hàng, gặp gỡ bạn bè có khi thay đổi, nhưng cũng có khi với chừng ấy khuôn mặt.

Ba mươi năm, mỗi lần đến đây, ngồi vào bàn tiệc, tôi đã cầm đũa lên, ăn những món ăn trong cái thực đơn muôn thuở, không bao giờ thay đổi ấy, đến nhàm chán. Trên bàn thường không có mảnh giấy in bản thực đơn, nhưng dù có, nhắm mắt lại, cũng biết món mở đầu là “bát… nháo khai vị,” ở giữa là món đầu, đuôi và vỏ tôm hùm, và món cuối cùng là cơm chiên và một đĩa cá filet. Cái menu này chúng ta gọi là “Menu Hội Đoàn!” Cuối cùng món tráng miệng là một dĩa cam Cali cắt nhỏ, ngọt hay chua tùy theo mùa.

Trên bàn lúc nào cũng có một chai nước ngọt Coca hay 7Up, và thêm một chai rượu chát rẻ tiền nhất, mà theo lời ông chủ nhà hàng, là để biếu bà con, nói “văn vẽ” kiểu trong nước là… khuyến mãi! Không nhiều không ít, không di dịch, không thay đổi. Nhiều lúc trong hai ngày Chủ Nhật và Thứ Bảy cuối tuần, mà bất đắc dĩ chúng ta phải tham dự cùng ở một cái nhà hàng ấy ba buổi tiệc, thì đúng là một tai họa làm cho bộ phận tiêu hóa của chúng ta phải lên tiếng.

Những nơi mà chúng ta thường lui tới để dự tiệc tùng kể trên là những nhà hàng Tàu, theo cách nói quen miệng. Ở Mỹ, thì những nhà hàng này có thể gọi là nhà hàng Hồng Kông, Đài Loan hay Trung Quốc, với những cái tên có kèm theo chữ Seafood, Place, Cove, Paradise… sân khấu trang trí hình Long Phụng, Song Hỷ, nhưng chủ nhân và bồi bếp, trong cộng đồng này đều phần lớn là người Việt Nam hoặc là cư dân Chợ Lớn đến đây bằng con đường “bán chính thức!”
Dễ chừng không có nhà hàng Tàu thì người Việt lưu vong đã “không có… văn hóa.”
Bằng chứng là ngày cử hành hôn lễ của đôi trẻ trong cộng đồng Việt Nam, không phải do cha mẹ đôi bên giở lịch Tam Tông Miếu để chọn cho đôi trẻ ngày lành tháng tốt, mà do ông chủ nhà hàng Seafood … quyết định. Nói rõ ra, chưa, chưa… có ngày tháng để “book” nhà hàng, đãi đằng bà con hai họ, thì… chưa động phòng!

Chính trị thì ai cũng đòi “thoát Trung,” “chống Tàu lạ…” nhưng lề thói thì cứ mãi dính chặt với… Tàu!
Chưa ai làm được một cuộc cách mạng. Đám cưới mà không đãi tiệc ở nhà hàng Tàu thì ai đi. Có lần gia chủ đãi tiệc ở nhà hàng Tây, thực đơn chỉ có một đĩa rau trộn và chọn cái đùi gà, miếng beefsteak hay mấy con tôm… thì các cụ chê nhạt nhẽo và nghĩ rằng chắc là bọn chúng… hà tiện! Ba mươi năm rồi, địa điểm các nhà hàng Tàu để tham dự tiệc cưới, họp hội đoàn, đồng hương quen thuộc như nhìn bàn tay, chẳng bao giờ cần đến một cái GPS hay vào Google để tìm ra địa chỉ.

Bây giờ chúng ta trở lại với những buổi sinh hoạt của ái hữu, đồng hương, đơn vị mà trong đầu bài chúng tôi đã dạo qua ở trên.
Tôi cho buổi hội họp nào cũng trở thành một cực hình cho người tham dự, khi một chương trình ca nhạc “phong phú” đầy ắp, tra tấn lỗ tai người nghe, nhất là những lúc không may, các cụ được xếp ngồi ngay cái bàn trước loa phóng thanh, khuếch âm tối đa! Ai bảo nhân tài như lá mùa thu, tôi thì cho rằng, cộng đồng chúng ta lạm phát ca sĩ. Bằng chứng là khi phòng hội chưa đến giờ khai mạc, mới lai rai khách khứa năm bảy chục người, thì sân khấu đã ầm ĩ, ồn ào, liên tục, cho đến khi khách đứng dậy ra về, còn nghe tiếng hát của ca sĩ đuổi theo sau.

Cũng may là dân mình có thói quen đi trễ, giấy mời ghi 6:00 giờ, nhưng đến 7:30 giờ hơn cũng chưa vào cuộc, nhờ vậy mà “ca sĩ” và ban nhạc mới có cơ hội bằng vàng với thiện chí là “warm up,” kẻo không khí lạnh lùng, tẻ nhạt quá! Nhiều khi thấy thương cho ông nhạc sĩ “One Man Band,” không hề được ăn uống hay vào nhà vệ sinh, phải liên tục đệm đàn từ khi buổi hội chưa khai mạc cho đến khi nhà hàng dọn dẹp đóng cửa!

Trong một buổi họp mặt hội đoàn nào cũng vậy. MC chạy lui chạy tới, giới thiệu hết cô này đến bà nọ, cũng là người vất vả và mất lòng thiên hạ nhất, vì cô, bà nào cũng muốn lên sân khấu, mà phải được xếp ưu tiên hát trước và phải được tái ngộ… nhiều lần. Cái câu “Xin quý vị cho một tràng pháo tay…” dễ thường chúng ta phải nghe MC nói đi nói lại đến trăm lần trong một buổi ăn tại nhà hàng… Tàu hay cả trong những cuốn băng nhạc… Việt! Mỗi người hát sẽ được xin vỗ tay hai lần, một khi chưa hát và một sau khi hát xong cúi chào khán giả!

Nói chung, không phải ca sĩ tài tử nào hát cũng tệ, nhưng giá đừng hát, trả lại sự yên tĩnh… cho sân khấu chúng tôi thì tốt hơn. Vì gặp nhau ở chỗ này, ai cũng muốn chuyện trò, hàn huyên, thăm hỏi nhau, chứ mục đích buổi hội ngộ này không phải là nơi chúng ta mua vé để vào nghe ca sĩ “nghiệp dư,” được giải nghĩa là “rỗi nghề” lên hát! Nhưng ai hát thì cứ hát, ai đàn thì cứ đàn, ai chuyện trò lớn tiếng, ai ăn uống là quyền của họ. Và ca sĩ cần được hát hơn là cần có người nghe! Họ không cần chú ý đến nhau và chẳng cũng cần tôn trọng nhau.

Tôi biết một ca sĩ nổi tiếng, nay đã qua đời, lúc sinh tiền, cô không bao giờ nhận lời lên sân khấu trong lúc người ta ăn uống sì sụp. Vì lúc người ta đang phải bận rộn dùng hàm răng, lưỡi và dịch vị thì chức năng của màng nhĩ trở nên rối loạn!

Nhưng cũng chính vì lâu ngày gặp nhau, chúng ta cứ nói chuyện ào ào, chẳng coi ai ra gì, nên từ bài diễn văn của ông Hội Trưởng, đến phát biểu của một quan khách, kể cả những nghi thức tế lễ cổ truyền, cần đến sự nghiêm trang và yên lặng của mọi người tham dự, cũng chẳng có ai cần để ý đến!

Có nhân tài thì có người hâm mộ, tạo nên một lề thói tặng hoa rất là… dung tục. Lề thói này phát triển từ trong nước sau năm 1975 và theo chân người tỵ nạn đến đây. Trong khi ca sĩ đang mơ màng theo lời hát, thì dưới sân khấu, có người hùng hục bước lên, ghé qua chậu hoa, nhón một bông hoa, lên tặng người hát, xong đứng sát ca sĩ hay ôm hẳn người này để nhờ một người bạn gần đó bấm cho một “bô” hình kỷ niệm. Tội nghiệp cho ca sĩ, có khi hai ba người lên tặng hoa cùng một lúc, một tay bận cầm micro, tay kia phải nhận cả mấy chùm hoa, có khi phải kẹp vào nách. Có người còn phải ôm luôn cả một chậu hoa cúc, mà người hâm mộ lên sân khấu, tiện tay bê theo luôn cho tiện việc.

Một cái xô lớn đựng nhiều hoa được ban tổ chức đặt trước sân khấu, ca sĩ được tặng hoa, hát xong đem hoa về bỏ vào chỗ cũ, cho người khác tiếp tục lấy, tặng cho người sau, nên loại hoa này không còn được gọi là “hoa trinh nữ” nữa!
Lề thói này chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong cộng đồng người Việt, vậy có thể cho rằng đây là một thứ văn hóa… Việt Nam chăng?

Cái mà người ta gọi là chương trình văn nghệ chỉ là một thứ tạp lục vô giá trị mà ban tổ chức nào cũng giẫm theo lối mòn, làm cho có, nhưng lại làm khổ người tham dự. Dễ thường một buổi sinh hoạt như vậy, có đến vài ba mươi ca sĩ tình nguyện lên sân khấu để được hát, được “cho” một tràng pháo tay rời rạc, được tặng hoa, được ôm và được chụp ảnh. Tiếng hát ở đây không những át được tiếng đàn của nhạc công, mà đôi khi còn át được tiếng trò chuyện cười đùa của người tham dự, trong đó ai cũng muốn giành phần thắng, nói lớn hơn, cười lớn hơn và ban tổ chức cũng muốn tiếng loa phải lớn hơn. Đi dự tiệc về nhà, phải uống thuốc… an thần.

Nhìn lên tấm lịch tháng có ghi ngày đi tham dự sinh hoạt hội đoàn, tính ra tháng này còn ba cái nữa. Đã là con đường cũ, cũng đành phải đi thôi! Vẫn là những cái nhà hàng Tàu cũ, những món ăn ba mươi năm trước đã ăn, chai coca trên bàn, chương trình ca nhạc không ai muốn nghe, câu nói “xin quý vị một tràng pháo tay!” sẽ được lặp lại.

May mắn là đến tuổi này, không còn có cơ hội đi tham dự đám cưới của con cháu nữa, chỉ còn đi dự đám tang. Yên trí, với đám tang, chắc chắn là không có câu “xin quý vị một tràng pháo tay” đâu!

Huy Phương