Saturday, November 23, 2024

Yếm Thắm - Yếm Đào - Nguyễn Duy Phước

Mời xem hình ảnh các em "Bắc kỳ nho nhỏ" trong y phục truyền thống rất xinh đẹp và gợi cảm.

Friday, November 22, 2024

Đại Úy Trở Về - Lê Phú Hải

 

 Năm 1978 tôi đi học sư phạm và ra dạy tiểu học đồng thời với ngày gia đình tôi chuyển lên vùng kinh tế mới. Nói đến “kinh tế mới” chắc hẳn người Việt, nhất là những người sống ở miền Nam chẳng lạ gì. Đã vào tháng chín, là mùa khai giảng nhưng nơi đây vẫn còn im ắng. Mọi người vừa mới đến nên còn đang bận rộn che lại mái nhà để ở và đi phát hoang để kiếm đất đai trồng trọt.

Tôi và những người bạn cầm quyết định đến trình diện với “điểm” ° và được biết nơi đây chưa có trường học. Vùng kinh tế mới có 3 thôn, mỗi thôn cách nhau khoảng 5 cây số đường đồi núi. Trong nhóm giáo viên về đây chỉ có tôi là có gia đình tại chỗ, các bạn tôi đều từ đồng bằng lên dạy học, tất cả đều là thầy giáo, lúc ấy chưa có bóng dáng cô giáo nào, có lẽ bởi vì vùng kinh tế mới lúc này vẫn đang còn là nơi rừng thiêng nước độc, không ai nở để con gái về làm việc nơi đây.

Riêng thôn bên cạnh thì có nhiều cô giáo, lớn tuổi hơn chúng tôi một chút. Hỏi ra thì biết các cô ấy dạy học từ trước biến cố 1975 và tiếp tục được giữ lại để dạy học. Hỏi thêm chút nữa thì hóa ra các cô ấy là vợ sĩ quan VNCH, đi kinh tế mới dạy học để chờ chồng về. Tự nhiên giữa tôi và các cô giáo ấy có sự đồng cảm và quí mến nhau, có lẽ vì cùng chung một hoàn cảnh. Tới nay tôi vẫn còn nhớ cô Quỳnh Như, hiệu phó, cô Như Thủy, tổ trưởng lớp 1 và cô Ngọc Lê tổ trưởng lớp 3. Cả ba người đều có chồng là trung úy. Cô Lê và cô Thủy đều đã có một đứa con, riêng cô Như thì chưa. Cô nói: “Vừa mới cưới nhau có mấy tháng là xảy ra chuyện, ảnh đi luôn tới giờ nên chưa kịp có con”. Cô vừa nói vừa cười, một nụ cười buồn trên khuôn mặt đẹp.

Công việc đầu tiên của tôi là đi đến từng nhà để ghi tên tuổi trẻ em trong thôn, xem thử em nào đang học lớp mấy, em nào đã đến tuổi đi học mà sắp xếp lớp lang cho năm học đã bị muộn màng. Sang tháng 10, giáo viên thì đã có nhưng trường lớp vẫn chưa, mọi người đều nóng ruột e ngại con em sẽ lỡ mất chuyện học hành. Mọi người trong thôn bàn bạc và có sáng kiến dùng những căn nhà tạm của những người “bỏ vùng”° ở rãi rác trong thôn làm lớp học tạm. Chúng tôi về “điểm” xin bàn ghế và sách giáo khoa, vài ngày sau xe tải chở về và các lớp học lần lượt “khai giảng”, ê a tiếng học bài giữa một vùng núi rừng hoang lạnh.

Cô Như Thủy nói với tôi:

- Thôn chưa có cô giáo, thôi thì Huy dạy lớp 1 nhé.

Tôi giãy nảy:

- Trời! Em con trai mà dạy lớp 1 sao được. Mấy đứa nhỏ này đi học còn khóc nhè sao mà dỗ được chớ.

- Em phải cố gắng thôi chớ biết sao. Chẳng lẽ tụi chị tuốt dưới kia lên đây dạy hay sao?

Tôi chống chế:

- Thì cũng còn mấy đứa kia kìa…

Cô Như Thủy cười:

- Tụi nó cũng con trai như em thôi mà, để tụi nó dạy mấy lớp khác. Em “cũng là người ở kinh tế mới mình”, gởi con nhỏ cho em phụ huynh sẽ yên tâm hơn. Để năm học tới có cô giáo về thì tính sau, nghen Huy

Tôi chẳng còn lý do gì để từ chối, đành phải chấp nhận dạy học sinh lớp 1 bé xíu xiu. Và rồi tôi đã dạy lớp 1 suốt ba năm liền, vì đợi hoài mà không thấy có cô giáo nào về…

xxx

Nói về dạy học thì có nhiều chuyện sẽ kể trong những lần sau, ở đây chỉ nhớ mấy cô giáo vợ trung úy và tôi, thằng thanh niên mới lớn cũng có cha và anh là những sĩ quan của một thời tan tác. Tháng 12 ngôi trường đã được làm xong, dĩ nhiên là mái tranh vách đất, do bà con trong thôn phân công nhau dựng nên. Có 2 dãy phòng học, mỗi dãy 3 lớp đối diện nhau. Dãy nhà nối giữa là văn phòng và là chỗ ở của giáo viên. Mỗi phòng học có 3 cửa sổ và 1 cửa ra vào, rộng không kể xiết, có lẽ vì núi rừng sẵn gỗ sẵn cây hà cớ gì hà tiện. Chúng tôi hăm hở chuyện dạy học một cách chân tình…

Theo qui định, dạy học thì phải soạn giáo án, tôi dị ứng chuyện này kinh khủng. Chỉ mỗi việc gọt bút chì và viết chữ mẫu cho tụi nhỏ là tôi đã muốn hụt hơi nói chi chuyện giáo án giáo iếc! Tôi than thở với cô Quỳnh Như:

- Miễn cho cái chuyện giáo án đi chị Như ơi, tốn thời gian quá, dạy thì tùy cơ ứng biến thôi mà, có gì đâu mà soạn sẵn chứ.

Chị Như chép miệng:

- Chị cũng biết, nhưng cái nguyên tắc ở trên qui định như vậy thì chị cũng chả biết xoay xở ra sao, em cứ liệu liệu xem…

Hóa ra cái “liệu liệu xem” là trước mỗi lần thanh tra hay dự giờ tôi đều nhận được lá thư viết tay do chị Như gởi, báo cho biết ai đi kiểm tra, là tỉnh về hay chỉ là phiên định kỳ của ban giám hiệu. Và tôi đã hiểu. Tôi lấy một quyển vở mới soạn một lèo cả tuần giáo án, không quên ghi chú vào đầu quyển: “tập 3”, hàm ý là còn có tập 1 và tập 2 đã soạn trước đó. Chị Như xem xong ghi vào mấy chữ: “đã kiểm tra, ngày tháng năm, ký tên”… rồi lần sau tôi lại cứ tiếp tục như vậy. Cũng có khi trong đoàn kiểm tra có người hỏi các tập giáo án trước đâu, tôi trả lời cất ở nhà… Cứ như vậy suốt mấy năm tôi dạy học chẳng phải soạn bài, nhàn nhả không ai bằng…

xxx

Qua năm học tiếp theo cô Quỳnh Như bị bệnh, suốt ngày nằm rủ rượi một mình trong căn nhà tôn vắng vẻ. Tôi tới thăm nói: “Coi chừng sốt rét là mệt à nghen”. Cô Như Thủy khều tay tôi ra ngoài nói nhỏ: “Không phải sốt rét đâu, hôm hè rồi chồng nó được thả về, nó ốm nghén đó” “Hả! Sao “ổng” không lên đây?” “Hà! nó đang tính xin nghỉ việc để chuyển đi đó, Huy biết vậy thôi nhen, không được nói với ai, để nó đi chớ tội”. Và sau đó thì chị Quỳnh Như được nghỉ thiệt. Chị cầm giấy tờ đàng hoàng ra khỏi vùng kinh tế mới, để lại tôi với nỗi băn khoăn chả biết ông chồng trung úy của chị ra sao, có xứng đáng với người đàn bà đẹp mà suốt năm học qua tôi đã từng ái mộ?

Vài tháng sau đó trung úy Cần, chồng cô Ngọc Lê được thả về. Anh em giáo viên chúng tôi xúm xít quanh căn nhà nhỏ của chị chia sẻ buổi liên hoan khiêm tốn. Anh Cần dáng người ốm yếu, giọng nói khàn khàn. Chị Lê san sẻ:

- Anh Cần bị bệnh suyển kinh niên hồi giờ đó.

Tôi tò mò:

- Anh bị bệnh vậy đi lính sao ra trận được?

Anh cười cười:

- Anh hồi trước làm văn phòng không hà, có đánh đấm gì đâu…

- Thôi thôi, mọi người ăn uống đi không hỏi han gì nữa, để anh Cần nghỉ ngơi ha. - Chị Lê vừa mời mọc khách khứa vừa gắp thức ăn cho chồng.

Mãi sau này khi đã thân thiết rồi anh Cần có nói với tôi: “Hồi ở trong tù tụi nó đánh anh mất tiếng đó em. Mà thôi chuyện qua rồi, không cần nhắc lại làm gì”.

Bước qua năm học thứ ba ở kinh tế mới thì anh Mạnh, chồng cô Như Thủy được về. Khác với anh Cần, anh trung úy không quân này lầm lỳ và ít nói. Mỗi khi chúng tôi đến nhà anh đều lánh mặt ra sau vườn, lụi cụi bên mấy giồng khoai lang, mấy bụi sắn mì. Cô Thủy ái ngại nói với chúng tôi:

- Tụi em thông cảm đi nha. Anh Mạnh hồi xưa vui lắm, bây giờ đi cải tạo về tự nhiên lầm lì ít nói vậy đó chứ thật ra tốt bụng lắm…

Cuối năm học, chị Thủy nhắn tôi đến nhà. Chị bày ra mấy hộp “đồ dùng dạy học” và nói:

- Anh chị chuẩn bị chuyển về Sài Gòn để chờ kết quả thủ tục “hát ô”. Chị không còn dạy nữa nên để lại cho em mấy cái đồ dùng dạy học này. Toàn bộ chương trình lớp 1 đều có đây hết, cả Toán và Tiếng Việt. Em lấy dùng để dạy cho tụi nhỏ.

Tôi mở thử một hộp ra xem: Mấy cái bông hoa, mấy con số, mấy con gà con vịt, bảng chữ cái bằng giấy v.v…những thứ lặt vặt mà khi dạy chúng tôi dán lên bảng cho tụi học trò xem… Tất cả những đồ thủ công này đều được cô Như Thủy làm ra một cách công phu, tỉ mỉ… Tôi cầm xem mà muốn ứa nước mắt… Nhưng rồi tôi cũng không có dịp để dùng vì năm học tiếp theo đã có cô giáo về dạy học. Tôi trả lại lớp 1 để dạy lớp lớn hơn. Tuy nhiên tôi vẫn cẩn thận giữ gìn mấy hộp đồ dùng dạy học của cô Thủy cho mãi đến hơn hai năm sau mới trao lại cho một cô giáo mà tôi thấy có tình yêu thương con trẻ thật lòng…

xxx

Trở lại với những ngày đầu nơi vùng kinh tế mới. Một đêm đang ngủ bỗng nghe tiếng kẻng vang rền. Chúng tôi thức dậy ra xem thì thấy du kích đang áp giải một người đàn bà và hai đứa bé. Đứa bé gái mẹ ẳm trên tay, thằng anh lui cui chạy theo níu áo mẹ. Tiếng thôn trưởng Bảy Mô oang oang:

- Cô Hoa này “bỏ vùng” bị tụi tui bắt lại được bên suối Đậu Đen nè. Bà con coi đi!

Tiếng chị Hoa khóc ri rỉ:

- Tôi chỉ dẫn thằng Cường về nhà nội nó để đi học thôi mà.

- Chị đừng có mà biện bạch, đi đâu mà đêm hôm khuya khoắt như vậy? Chị tưởng tui không biết chị là vợ ông đại úy thủy quân lục chiến hay sao?

Có tiếng nói:

- Thôi chị Bảy ơi, thông cảm cho “cổ” đi, đại úy đại uyết gì đâu, tại “cổ” thân phận đàn bà yếu đuối thôi mà. Chị Bảy cứ để tụi tui giúp đỡ cho.

Chị thôn trưởng Bảy Mô hướng vô phía bóng tối, nơi chúng tôi đang đứng:

- Vậy bây giờ tôi giao cô Hoa này lại cho “đội” quản lý đó nghen. Làm sao thì làm, “bỏ vùng” là có chuyện với tôi đó.

Chị Bảy Mô và mấy cậu du kích bỏ đi, tôi chạy lại ẳm thằng Cường lên. Chà, thằng này tôi vừa ghi tên chuẩn bị đi học lớp 1 đây mà…

Bốn năm sau ba thằng Cường trở về. Ông đại úy thủy quân lục chiến, trở về lầm lủi và muộn phiền. Thật ra trước đó đã có mấy đại úy trở về. Đầu tiên là đại úy Bằng, một đại úy già trạc tuổi ba tôi (nói già là theo lúc đó chứ tính ra mấy vị đó trẻ hơn tôi bây giờ nhiều à). Ba tôi được mời đến dự tiệc đoàn tụ vì cả hai ông trước đây đều làm việc ở cùng đơn vị trường HSQ Đồng Đế Nha Trang, có quen biết nhau. Sau đó lác đác và lần lượt các đại úy trở về. Có người đứng tuổi, có người còn trẻ… Có người chúng tôi gặp mặt, có người chỉ nghe tên.

Người đàn ông đi với thằng Cường gặp tôi tại trường học:

- Tôi là ba thằng Cường. Nhờ thầy giúp cho việc rút hồ hơ học bạ…

Tôi biết ngay đây là ông đại úy chồng cô Hoa, là ba ruột của thằng Cường và con Ánh. Tôi cảm thấy lúng túng thật sự:

- Anh đã gặp chị Hoa chưa?

- Gặp rồi chứ. Chúng tôi thỏa thuận thằng Cường đi với tôi, con Ánh ở lại với má nó, còn lại sau này tính tiếp.

Tôi nhìn thằng Cường đang đứng bên cạnh ba nó băn khoăn và buồn bả: “Vậy là em sẽ đi với ba hả?” “Dạ” - thằng Cường gật đầu, mái tóc vàng hoe trên khuôn mặt bé thơ đen sạm.

Số là sau đợt “bỏ vùng” không thành công năm nọ, ba mẹ con chị Hoa đành ở lại vùng kinh tế mới trong sự cưu mang của bà con đồng cảnh ngộ. Sát bên nhà chị là nhà anh Tánh, một trung úy pháo binh độc thân, tính tình cô độc và khó chịu. Những người trong đội hay nói đùa: “Ông Tánh ở sát bên nhà cô Hoa, có gì giúp đở người ta với nghen”. Anh ta chỉ gầm gừ không nói năng gì. Vậy mà hơn một năm sau đó, hai người tự nhiên về ở với nhau, năm sau nữa sinh được một bé gái…

Bây giờ ba thằng Cường trở về, mọi việc trở nên lỡ làng và khó xử. Ông ta giải thích với tôi:

- Tôi không trách móc gì đâu. Những năm đó nếu không nhờ anh Tánh thì mẹ con thằng Cường cũng khó sống. Xét ra thì tôi cũng có mang ơn mà. Bây giờ cô ấy đã yên phận thì phải đành lòng thôi. Ban đầu tính đưa cả con Ánh đi luôn nhưng vậy thì tội quá, nên chỉ để thằng Cường đi với tôi thôi.

Tôi nói:

- Anh tính chuyển cháu về học trường nào? Biết để ghi vào giấy giới thiệu chuyển trường?

Anh ngập ngừng:

- Chà! Cũng chưa biết xin học tiếp ở đâu. Có nhà bà con ở Sài Gòn, tá túc chờ “hát ô” chưa biết nhanh chậm ra sao…

- Thôi được rồi, chuyện hồ sơ của cháu cũng không khó gì đâu, cứ để trống chỗ tên trường xin nhập học, anh sẽ điền vào sau cũng được. À, mà bây giờ cũng trễ quá, hồ sơ nằm ở văn phòng chính, chắc là sáng mai mới rút ra được. Vậy tối nay anh ở đâu?

- Không sao, tôi đang trọ ngoài bến xe, mai sẽ quay lại được.

Ông đại úy dắt tay thằng Cường đi ra phía cổng trường. Nắng chiều phản chiếu hai cái bóng một thấp một cao liêu xiêu và cô độc.

xxx

Cũng trong khoảng thời gian này tôi gặp đại úy Bình, không rõ là sĩ quan chủ lực hay địa phương, chỉ biết ông làm việc tại Qui Nhơn. Ông Bình là ba của thằng Khanh, học sinh lớp 5. Tôi không dạy lớp thằng này nhưng trong xóm với nhau nên khá gần gủi. Thật ra tôi chỉ biết bà nội nó trong những lần thăm viếng gia đình phụ huynh với mấy đứa bạn. Hỏi han thì biết ba nó còn đi cải tạo, má nó buôn bán gì đó ở Qui Nhơn, thỉnh thoảng mới về để chu cấp tiền nong, quần áo và những thứ linh tinh khác. Một đôi lần có thoáng gặp má nó. Một người đàn bà sang trọng, quí phái…

Buổi chiều tôi nhận được bức thư tay do thằng Khanh mang tới:

“Thầy Huy

Tôi mời thầy tối nay đến nhà tôi để bàn việc giúp chuyển trường cho em Khanh. Tôi chỉ nhờ vả một lần duy nhất này thôi, mong thầy không từ chối. Ba của Khanh. Bình”

Trước mặt tôi là người đàn ông tầm thước, hơi xanh xao nhưng có nụ cười khinh bạc. Bên góc giường là hai người đàn bà: bà nội và má thằng Khanh.

Rót nước trà ra ly ông Bình chậm rãi nói:

- Tôi vừa từ trại cải tạo trở về. Chiều nay thấy thằng Khanh ngồi trên lưng con bò tôi không thể nào tưởng tượng ra được đây là thằng con tôi. Thằng Khanh đây sao?

Tôi cười cười:

- Thì chuyện chăn bò ở kinh tế mới này thì có gì lạ đâu anh? Đứa nào cũng cơ cực mà.

- Tôi hiểu tôi hiểu. Nhưng không thể không đau lòng… Con tôi đây sao? Ôi trời!

- Thôi con à, chuyện đã dĩ lở vậy rồi, có ai muốn đâu mà… - Tiếng bà nội thằng Khanh.

Hóa ra tình cờ tôi được nghe chuyện nhà của đại úy Bình. Sau biến cố 75 anh hạ sĩ lái xe cho đại úy Bình ngày xưa sắm được chiếc xe hàng đi buôn chuyến. Tình cờ gặp lại rồi giúp đở cho vợ của “ông thầy” năm xưa, lâu ngày thành ra nhân nghĩa. Tuy không có con cái gì nhưng ai cũng biết. Đại úy Bình nói với tôi, giọng rổn rảng:

- Tôi đã gặp nó và cảm ơn đàng hoàng. Cảm ơn vì đã giúp đở vợ con tôi trong cơn khốn khó. Tôi cũng đã nói thẳng thắn với “cổ” nên ra đi với tôi, quên hết mọi sự để làm lại cuộc đời, nhưng “cổ” không chịu. Tôi đã hết lòng rồi, bây giờ không còn gì ân hận nữa. Tôi sẽ dẫn thằng Khanh ra đi…

- Sao anh cứ nóng nảy làm gì. Chuyện lỡ rồi em chẳng còn lòng dạ nào đâu anh. - Người đàn bà bên góc giường lên tiếng.

- Ờ ờ, anh xin lỗi, xin lỗi ông thầy nghen, tôi hay nóng nảy.

Rót thêm nước vào ly ông đại úy trầm ngâm:

- Sáng mai vợ chồng tôi đi xuống “điểm” để ký cái giấy xác nhận ly hôn. Nhân tiện muốn ghé bên trường học rút cái hồ sơ cho thằng Khanh, nên mới nhờ tới thầy.

Nhìn vẻ băn khoăn trên mặt tôi ông ta nói tiếp:

- Tôi chuẩn bị làm hồ sơ đi “hát ô”, mà má thằng Khanh từ chối nên tôi nghĩ phải lấy giấy xác nhận để có người khác đi với mình. Đi một mình cũng vô duyên quá!

Ông đại úy lại nở nụ cười, một nụ cười đau đớn.

Theo hẹn, sáng hôm sau tôi và ba má thằng Khanh đi xuống “điểm” để lo chuyện giấy tờ. Đường đi phải băng qua một con suối nhỏ. Mùa mưa nên đoạn sâu nhất nước cao lên tới háng. Tôi cởi quần dài, vén quần đùi nhón chân lội qua. Quay lại nghe tiếng của đại úy Bình:

- Để anh cõng em qua, đừng ngại, chỉ là lần cuối thôi mà.

Ông ta quấn cái quần dài quanh cổ, khòm lưng cõng vợ qua suối, vẻ mặt nhiệt thành. Tôi giả lơ để người đàn bà không mắc cở…

Lúc ngồi bên ngoài chờ ông Bình trả lời phỏng vấn bên trong, tôi hỏi:

- Sao chị không đi với anh ấy?

Một nụ cười buồn rớt trên mặt chị:

- Cậu còn trẻ nên chưa biết đó thôi. Tôi hiểu “mấy ảnh” mà. Đau đớn lắm! Sống bên cạnh nỗi đau của mấy ảnh mình không chịu được đâu, thôi thì phó mặc cho số phận thôi.

xxx

Đã ba mươi mấy năm qua rồi kể từ ngày ấy. Tôi đã không còn trẻ nữa và các anh chị ấy chắc cũng già rồi. Tôi không rụng về cội, cứ lưu lạc đi qua dặm trường rong ruổi. Đôi khi nhớ về không biết cô Quỳnh Như xinh đẹp bây giờ ở đâu? Mấy cái hình thủ công con chó con mèo, bông hoa chữ số của cô Thủy bây giờ có ai gìn giữ? Cô Ngọc Lê và trung úy Cần nay ra sao?

Hai ông đại úy ngày xưa giờ đã ra sao rồi? Và đớn đau hơn cả là thằng Cường thằng Khanh bây giờ đã làm được gì? Có còn nhớ một khoảng đời kinh tế mới hắt hiu mồ côi bé nhỏ? Có còn nhớ mẹ hay không?

° ĐIỂM là nơi điều hành toàn bộ hoạt động của vùng KTM. Những người làm việc ở đây là bên bộ đội, có sự trợ giúp của đội ngũ thanh niên xung phong, bộ máy tổ chức như một xã hoặc phường nhưng khác ở chỗ hoạt động độc lập, nhận chỉ thị từ tỉnh, không liên quan nhiều đến chính quyền địa phương.

° "Bỏ Vùng": chỉ những người hoặc gia đình trốn khỏi vùng kinh tế mới.

Lê Phú Hải

http://vietnamthuquan.eu/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn2nvnqnmn31n343tq83a3q3m3237nvn

Ngàn Năm Sông Núi - Đỗ Công Luận

Món Quà Cuối Cùng - Mary Barrett - Diệu Lý dịch

 

Alainne Olivers vô cùng kinh ngạc: ai là người gửi cho cô gói bưu phẩm này? Chắc có sự nhầm lẫn, cô tự nhủ và xem xét kỹ gói giấy. Địa chỉ của cô được viết chính xác, với nét chữ rõ ràng và cầu kỳ. Cô không đủ can đảm để mở nên đặt nó lên bàn. Tên người gửi thật lạ lùng: P. Si tình, phố "Sắc màu" 35. Nhưng rồi óc tò mò đã thắng, cô bóc lớp giấy bọc ngoài. Bên trong, cô trông thấy một cái hộp nhỏ, bên trên là một vũ nữ tí hon. Cô xoay chiếc chìa khóa, vũ nữ tí hon cử động theo bản nhạc trích trong tác phẩm nổi tiếng "Sông Danuyp xanh".

Tim cô đổ nhịp dồn dập. Đây là món quà đầu tiên mà John tặng cô từ khi còn chưa cưới. Sau khi anh mất, cô bán nó cho một tiệm đồ cũ. Hoảng hốt, cô mặc áo khoác và đi ra thị trấn. 

Cô hỏi người chủ tiệm đồ cũ:

- Ông Stayer, ông có thể cho tôi xem cái hộp tôi đã để lại cho ông không?

Ông ta trả lời sau một thoáng ngập ngừng:

- Vâng, tôi còn nhớ cái hộp đó... Nhưng cách đây không lâu, tôi đã bán nó rồi.

- Vậy ông có nhớ người mua không?

- Một người lạ.Trông anh ta khá dễ thương, khoảng 30 tuổi. Theo tôi nghĩ, anh ta không phải người ở đây. Anh ta cũng không quan tâm tới giá cả của cái hộp.

Tim cô như ngừng đập. John cũng từng như vậy... Đêm nay Olivers ngủ không ngon giấc. Cô mơ thấy John, người chồng đã qua đời...

Khi họ mới quen nhau, anh cũng chừng 30 tuổi, đẹp trai, trung thực và có cá tính. Lúc đó, anh đã là một luật sư có tiếng, quan tâm đến cả chính trị. Anh có thể cưới được vợ giàu, nhưng anh đã chọn cô. Dòng họ của cô vốn lâu đời và nổi tiếng, song hoàn toàn kiệt quệ về tài chính và cô đã quyết định bán dần tài sản để sống.

Một tuần lễ sau, cô lại nhận được một gói bưu phẩm khác, cũng cùng một người gửi. Một chiếc kim gài áo bằng cẩm thạch, quà cưới của John. Hai chân cô muốn khuỵu xuống. Chồng cô là người phóng khoáng, song anh không cho cô có cơ hội tiêu tiền một mình. "Anh muốn được tự tay chăm lo cho em" - Anh nói với vợ như vậy. Trong suốt thời gian chung sống, cô không bao giờ có quá 5 đôla trong túi. Thời gian đầu, sự hào phóng của anh làm cô rất vui, nhưng dần dần, trong cô xuất hiện lòng ham muốn được tự lập ngày càng mãnh liệt.


Những gói bưu phẩm tiếp tục đến mỗi tuần. Những món quà của John trở lại với cô theo đúng thứ tự mà cô từng được tặng: chiếc vòng đeo tay có gắn kim cương nhân dịp lễ đặt tên thánh của cô, đôi bông tai nhân dịp lễ Giáng sinh...; sau những chiếc thìa bạc quà tặng nhân ngày cưới, là chiếc bình hoa John tặng cô trong một chuyến du lịch. Cô bắt đầu cảm thấy bấn loạn. Chỉ còn một món nữa thôi. Nếu cô nhận được nó thì giống như John đã đội mồ sống lại.

Khi gói bưu phẩm được đưa tới, hai tay cô run lẩy bẩy, mãi mới mở ra được. Đúng là cái mà cô đang đợi. Cái hộp nhỏ bằng cẩm thạch dùng đựng thuốc, một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đó là vật cuối cùng cô mang tới tiệm đồ cũ.

Tối nay Alainne đi nằm sớm nhưng không ngủ được. Khi đang trằn trọc trên giường, cô nghe thấy tiếng gõ cửa, rồi có tiếng chuông. Cô khoác áo ngoài, chậm chạp đi về phía cầu thang dẫn ra cửa lớn. Khi tay đã đặt lên ổ khoá, cô thấy mình sắp ngất. "John..." - Cô thều thào rồi quỵ xuống sàn. Cô tin chắc rằng phía sau cánh cửa kia là người chồng đã chết của cô. Cô đã dùng thuốc độc trong cái hộp cẩm thạch kia pha vào cà phê cho anh, mỗi ngày một ít. Khi anh chết, cô thấy hoan hỉ: cuối cùng cô cũng đã có tiền riêng.


Chủ tiệm đồ cũ Stayer gõ thêm lần nữa rồi thất vọng quay về. Ông đã nóng ruột mong đến giờ phút mà ông sẽ gửi cô món quà cuối cùng trong những món quà đẹp đẽ. Ông đã trả lại chúng cho cô theo đúng thứ tự mà cô đã mang tới. Cuối cùng, hôm nay ông muốn được bày tỏ tình yêu đối với cô. Thật tiếc là cô lại đi vắng. Ông sẽ quay lại. Bó hoa này sẽ còn tươi đến ngày mai.

Bó hoa còn tươi lâu hơn... Hai ngày sau, Stayer đặt nó lên nấm mộ của Alainne.

 

Mary Barrett

Diệu Lý dịch

 

Tiểu Bang Cali 1 - Nguyễn Duy Phước


Thursday, November 21, 2024

Đỉnh Ngu Trí Tuệ - Lỗ Trí Thâm

 

1/- “Em nghe tin các anh sắp hành quân (chuyển trại).Thôi, em không có gì hơn là chỉ biết chúc anh:Trên đường hành quân, nếu gặp khó khăn thì khắc phục.Thuận lợi thì.. nhân lên..”.
Trên đây là lời chúc thiết tha của một em gái Hà-Nội viết trong một miếng giấy nhỏ, vo tròn, ném qua hàng rào kẽm gai cho một ông quan “thua cuộc” miền Nam.


2/-“Ê, chúng mày mau ra đây mà xem: ”Bọn Sài Gòn chúng nó đang hôn nhau tích cực và hiện đại..”
Đó là lời gọi bạn hối hả của một tên công an trại giam Nam Hà vào năm 1980 khi hắn bắt gặp 3 bà vợ của mấy ông sĩ quan Miền Nam “gẫy súng “ thăm nuôi chồng, hôn nhau da diết sau những năm dài xa cách..


3/- Người ta vớt xác của một thanh niên Hà Nội thất tình nhẩy cầu tự tử.

Khám xét áo, quần, chỉ có độc nhất một mẩu giấy nhỏ viết: ”Chán đời vì hụt hẫng tình yêu..”


4/-Trại giam Nam Hà,  

Vào mùa đông rét mướt năm 1979. Cán bộ công an Hà Nội đến thanh tra.. 

Sau khi bắt mấy ông quan “thua cuộc” miền Nam, trần trụi nhẩy xuống bắt cá trắm cỏ cho trưởng trại. Mỗi ông cán ngố Hà Nội tay xách một sâu 5 con cá,. một ông cấp trưởng hí hửng phát :”Thống nhất mỗi người 5 con đấy nhớ..”
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cho đến năm 1954 thì lên “con tàu há mồm xuôi Nam.”
Sau ngày miền Nam bị bọn Việt Cộng Hà Nội xâm chiếm năm 1975. Để phân biệt người dân của ông Bảo Đại và người dân của ông Hồ. Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản gọi tôi (1954) là “Bắc Kỳ 9 nút”,(5+4=9). Gọi bọn Việt Cộng xâm lăng 1975 là: ”Bắc Kỳ 2 nút” .(7+5=2).
Sau 21 năm,(1954-1975)”Bắc Kỳ 9 nút” đồng hóa với Nam Kỳ trở thành” Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hoà..Ngôn, ngữ nếp, tẻ pha trộn, dễ thương..

Sau 48 năm(1975-2020) “Bắc Kỳ 2 nút", đồng hóa với Nam Kỳ trở thành “cán ngố, dép râu..”.Ngôn ngữ sặc mùi thời thượng..
Trở lại chuyện của “Đỉnh ngu trí tuệ”:


5/ - Một lần, sau khi thỏa thuận ngầm với tên cai tù đổi cái áo sơ mi lấy một củ khoai mì luộc chín, hắn hẹn tôi: ”Chờ khi nào nhọ mặt, anh ra phía cầu xí, tôi sẽ đưa khoai cho anh..”
Ông chiến hữu miền Nam nằm cạnh tôi hỏi:” nhọ mặt” là cái gì??.. Tôi cắt nghĩa: ”nhọ mặt”là lúc chập choạng tối. Ông cười..buông một câu ngắn gọn: ”Cán ngố..”.
Một ngày, hai em gái Hà Nội về thăm quê, tên cai tù thả lời ong bướm: ”Hai em hôm nay thành phố qúa..” (thay vì: ”hai em hôm nay trông xinh quá). Được lời như cởi tấm lòng, hai em vui vẻ đón nhận lời khen đầy ”Chất lượng”.


6/--Quần bò.
Khoảng những năm 1978,1979,1980, Cách ăn diện dạo phố tán gái của trai Hà Nội là quần Jean và áo Field jacket của quân đội Mỹ. Tên quản giáo biết vợ tôi đang ở nước Mỹ, hắn kéo tôi ra một chỗ vắng thương lượng rằng:
”Tôi cần một cái quần bò..Tôi sẽ đổi cho anh 15 bơ bò gạo..Anh nhớ dặn vợ anh gửi về quần bò hiệu Le Vi (levis).

Ở Hà Nội lúc này quần Le Vi có giá lắm.. Tôi nói: ”theo tôi thì quần hiệu wrangler tốt hơn..Hắn trợn mắt ngắt lời tôi…”Anh biết gì ?. Bây giờ quần bò LebVi bọn đế quốc Mỹ nó chế biến vô cùng chất lượng. Hai ống quần buộc chặt vào hai con ngựa, quất roi cho chúng lồng lên mà quần không rách..”..!!??


7/--Bánh chưng nhân mỡ.
Trại giam Nam Hà. Tết đến, tên cai tù ngỏ ý bán bánh chưng. Mấy ông quan “thua cuộc”, gom nhau đặt hàng. Chỉ một yêu cầu độc nhất là nhân bánh chưng phải có một miếng mỡ .. nợn... Khi giao hàng, hơn hai chục cái bánh mở ra, không thấy có miếng mỡ .
Dưới đây là cuộc đối thoại về mỡ..nợn..:

Ông quan “thua cuộc”: “Cán bộ..sao nhân bánh chưng không thấy có mỡ lợn..??”. 
Cai tù: “Anh nhìn kỹ xem, cái nào cũng có tới hai thìa nước mỡ nợn đấy..”
Ông quan “thua cuộc”..ngọng!!..


8/--Phục hồi quyền công dân (Xã hội chủ nghĩa)
Hai ông quan “gẫy súng” chết vì ăn phải trái độc.
Xác để trên hai cái chõng tre.
Ông trưởng trại nón cối tuyên bố:
.. “Hai anh này chết vì ăn phải quả độc. Vi phạm nội quy là cấm cải thiện. Nhưng xét qua quá trình lao động tốt. Nên tôi nhân danh đảng và nhà nước cho hai anh được phục quyền công dân..”


9/--Băng vệ sinh
Xe đò đi Mỹ Tho, ngừng nghỉ ở Trung Lương. Hai “chú bộ đội” hỏi thằng bé ngồi bên cạnh: “Miền Nam này bụi bặm, bẩn thỉu quá!! Em biết chỗ nào bán băng vệ sinh không??”. Thằng bé trả lời: “Tiệm tạp hóa trong kia”.
Khi trở lại xe, trên miệng hai “chú bộ đội “mỗi người mang một cái băng vệ sinh. Mặt hai “chú bộ đội” vênh váo văn minh, sạch sẽ..
Bà con trên xe im lặng nhìn nhau, cười nhẹ!!


10/-Văn hóa
Sau 6 tháng “học tập cải tạo”. Một ông quan “gẫy súng” viết bài phản tỉnh, trong bài phản tỉnh có câu: “Đường lối chính sách của đảng rất là chân, thiện, mỹ..”.
Bài viết của ông bị đưa ra trước lớp học, và bị giảng viên kết tội như sau:
“Cách mạng đã tha tội chết cho anh mà nửa năm qua rồi anh vẫn còn muốn “ôm chân thằng Thiệu, thằng Mỹ “ (Chân, thiện, mỹ)

Lỗ Trí Thâm

Thủ Đô Little Saigon

Nghề Thầy - Nguyễn Văn Sâm


Trong đời đi dạy học, tôi có rất nhiều học trò từ nửa thế kỷ trước như học trò Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho , Petrus Ký Saigon hay học trò Văn Khoa và sau này là lớp học trò nhí của trường Tiểu học bên Mỹ, tất cả đến nay tuổi đời suýt soát 60-70 đều đã thành đạt trong cuộc sống, nếu có rải rác đâu đó những kẻ không thành công thì chắc cũng đã thành nhân, đã sống cuộc đời đàng hoàng tử tế,  tôi luôn tin tưởng vào số học trò ngày xưa của mình, vì họ đã được hưởng một nền tảng giáo dục rất nhân bản trong chế độ cũ


Nhưng có lẽ nhờ được làm Thầy nên ngoài số đông học trò " thứ thiệt- học trò ruột", tôi còn có không ít học trò mà tôi chưa bao giờ dạy họ lần nào, nhưng họ vẫn gọi  tôi bằng Thầy với lòng quý mến trong sự giao tiếp, tôi gọi nhóm người này là "học trò vói- học trò ngang hông" nhưng họ cũng đối xử tình nghĩa với Thầy đúng như tinh thần tôn sư trọng đạo, điều này khiến tôi vô cùng tự hào và rất cám ơn cuộc đời đã cho tôi được vinh dự làm Thầy, dù ai cũng biết sự chọn lựa không dễ dàng gì khi bước vào ngành sư phạm với tuổi đời còn rất trẻ, và biết bao trăn trở vì cơm áo gạo tiền, vợ con quấn quýt, lương nhà giáo thì đủ sống là mừng, chớ làm sao có của ăn của để như những nghề nghiệp khác, nhưng được cái thanh nhàn, không phải bon chen vất vả trong mưu sinh.

Dĩ nhiên cuộc sống muôn màu thì buồn vui cũng có, cái nghề Thầy của tôi coi vậy mà buồn ít hơn vui, suốt mấy chục năm qua tôi luôn hài lòng về sự chọn lựa này, hồi nhỏ thì thấy mình lớn hơn khi đứng trên bục giảng nhìn xuống đám học trò loi nhoi, nhưng càng về già càng thấy khoảng cách Thầy trò lại gần bằng nhau khi tóc ai cũng bạc. Tôi thích học trò Việt Nam kêu tiếng Thầy nghe thân tình hơn tụi nhỏ bên Mỹ cứ Mr hay Sir ỏm tỏi, bây giờ lại càng thích hơn khi ra đường gặp "học trò vói "  gọi Thầy ơi Thầy à dù chỉ mới gặp nhau vài lần đi uống cà phê.

Tôi có mấy ông bạn đồng nghiệp bên nhà bị đám học trò tuổi này còn thích rủ Thầy đi nhậu nữa, cứ vài chai dzô dzô là Thầy giáo lại "tháo giầy" quên mình là ai.
Ngẫm nghĩ cái nghề làm Thầy cũng vui hen, nhưng hồi xưa đâu có "Ngày Nhà Giáo"um sùm gì đâu, mà học trò vẫn kính trọng Thầy Cô một phép, chính sự giáo dục tử tế mới tạo ra nhân cách đàng hoàng cho cả Thầy lẫn trò.

Riêng tôi thì kỷ niệm đau buồn nhất trong đời là bị đuổi ra khỏi trường Văn Khoa khi Saigon bị cưỡng chiếm vào tháng 4/75 đen tối, Thầy giáo mà không được dạy thì khác nào bắt con cá ra khỏi nước, tôi và một số đồng nghiệp cùng chung số phận đã lang thang buồn tủi cho đất nước mình trong giai đoạn bất hạnh đó, nó đã ám ảnh cả trong giấc mơ sau này, để khi tỉnh dậy còn bàng hoàng.

Hơn nữa thế kỷ trôi qua, bạn bè người còn người mất, học trò từng lớp lớn lên, ra đời công thành danh toại hay thất bại trắng tay nhưng vẫn giữ cái nghĩa Thầy trò  ấm áp trong lòng, tôi mừng vì mình đã chọn đúng con đường để đi  và mãi mãi vẫn còn một số người gọi Thầy khi tay bắt mặt mừng, dù thiệt tình tôi không còn nhớ ai là học trò ruột, ai là học trò vói, nhưng với  tôi ,  tất cả các em luôn dễ thương và tôi cám ơn các em về lòng kính trọng tôn sư này.

NVS  ngày 20/11/2024

Chúc Mạnh Khỏe An Lành - Minh Lương

Ăn Đậu Nành Tốt Xấu Ra Sao? - Huỳnh Chiếu Đẳng


Nguồn tin và  chi tiết: https://fortune.com/well/article/soy-health-benefits/?utm_source=flipboard&utm_content=user/fortune

HCD  tóm tắt bản tin:

Đậu nành có tốt cho sức khỏe không? Đây là những gì các chuyên gia nói

Ani Freedman • Fortune Well

Mặc dù đậu nành phổ biến khắp nơi, nhưng có nhiều tin đồn liệu nó có tốt cho bạn hay không. Để có câu trả lời, Fortune đã nói chuyện với các chuyên gia - đây là những gì bạn cần biết.

Theo Bộ Nông nghiệp, Mỹ là nước trồng đậu nành lớn nhất thế giới.

Nó được cho là một trong những cây trồng quan trọng nhất, cung cấp protein cho động vật và con người, ngoài việc được chế biến thành nhiên liệu sinh học, dầu thực vật và các sản phẩm thực phẩm khác. (hiện nay 99% đậu nành đang trồng là loại GMO, nó với bắp là hai loại cây lại tạo nhiều nhất)

Đậu nành có hại cho bạn không?

Chuyên gia dinh dưỡng Lauren McNeill, cho biết mối lo ngại về đậu nành bắt nguồn từ hai nghiên cứu được công bố vào năm 1987 và 1998. Các nhà nghiên cứu phát giác ra rằng đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú của chuột. Lý do đậu nành chứa phytoestrogen, có cấu trúc hóa học tương tự như estrogen (kích thích tố nữ) sẽ khiến bạn có nguy cơ ung thư vú cao hơn, vì hoạt động của estrogen có thể hoạt động như một chất xúc tác cho sự phát triển của ung thư.

Các mối quan tâm khác về đậu nành là nó có khả năng ức chế tuyến giáp trạng, nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm.

Nhưng những nghiên cứu đó về cơ bản là thiếu sót, McNeill nói.

McNeill nói với Fortune có bằng chứng thực sự đậu nành tốt sức khỏe con người.

Một số nghiên cứu gần đây đã phát giác ra rằng đậu nành không có tác động đáng kể đến chức năng tuyến giáp. Một nghiên cứu năm 2010 phát giác ra rằng không có tác động nào từ đậu nành đối với testosterone hoặc các hormone giới tính khác ở nam giới.

Bác sĩ Neil Iyengar, một bác sĩ ung thư vú tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York cho biết: “Chúng tôi hiện có tài liệu rất rõ ràng cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc tiêu thụ đậu nành và tăng nguy cơ ung thư và tăng tái phát ung thư,”


Lợi ích sức khỏe tiềm năng của đậu nành

Bs Iyengar thấy có lợi cho bệnh nhân của mình vì lợi ích sức khỏe tổng thể và tuổi thọ đến từ chế độ ăn uống thực vật. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn đậu nành không chỉ giúp giảm nguy cơ ung thư của bạn, mà còn có thể cải thiện kết quả sức khỏe rộng rãi. Ông nói. “Thực tế tôi sẽ khuyên mọi người kết hợp đậu nành như một phần của chế độ ăn uống bảo vệ ung thư lành mạnh.”

 

Một nghiên cứu năm 2009 trên 5.042 phụ nữ ung thư vú ở Trung Quốc - từ 20 đến 75 tuổi bị bịnh trong khoảng từ tháng 3 năm 2002 đến tháng 4 năm 2006 - cho thấy những người ăn đậu nành nhiều (hơn số còn lại) có nguy cơ tử vong và tái phát ung thư thấp hơn đáng kể. Trong khi đó đối với nam giới, tiêu thụ đậu nành dường như cũng giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, theo một nghiên cứu năm 2018.

Nghiên cứu năm 2019 giải thích rằng phytoestrogen  có liên quan đến một số lợi ích, bao gồm chức năng tim mạch và nhận thức, sức khỏe da, giúp giảm cân và giảm thiểu các triệu chứng mãn kinh.

Bác sĩ Iyengar nói nên nhớ là đậu nành càng “xử lý” ít càng tốt (ít chế biến thì tốt hơn).


HCD: Kiến thức về thực phẩm, cũng y như thuốc men, thay đổi theo thời gian. Trước đây nói đậu nành không tốt. Nay thì nói đậu nành tốt.
Các quốc gia Âu Châu và Califormia (thất bại vài lần) không thích thực phẩm  GMO, đậu nành không GMO hiện giờ khó kiếm.

Xin hiểu cho rằng tôi không phải là người chuyên môn đâu, chuyển cho các bạn đọc để tham khảo mà thôi. 

 

Huỳnh Chiếu Đẳng (Quán ven đường)

Một Mình - Người Phương Nam

Wednesday, November 20, 2024

Thiền Ngôn & Cảnh Đẹp Nhật Bản

- Vô ngã có nghĩa là tất cả pháp đều không phải là ta hay của ta. Ta và của ta chỉ là ý niệm thôi chứ không có thật. Vì dù không có ý niệm "ta" gán vào thì pháp vẫn vận hành. Trong mỗi cá nhân có những yếu tố hợp lại mà thành như thân vật lý (physical body), cảm giác (sensation), tri giác (perseption), phản ứng tâm lý (mental action and reaction), tâm thức (mind, consciousness), chúng tương quan với nhau mà tạo thành quá trình sự sống (living process), trong đó không có gì là ta và của ta cả.

Viên Minh.

- Dù có tôn giáo hay không tôn giáo, dù kiến tánh hay chưa kiến tánh thì luật nhân quả vẫn là sự vận hành chung cho muôn loài vạn vật không trừ một ai. Người làm đúng là đúng, người làm sai là sai, người làm tốt là tốt, người làm xấu là xấu, luật nhân quả không dành riêng cho người nào cả. Còn việc đúng sai tốt xấu thì cứ để luật nhân quả cân nhắc phán xét, chúng ta không nên dựa vào hiểu biết về nhân quả hạn hẹp của mình để đánh giá hành động của người khác.
Viên Minh.

- Tin vui cho tất cả mọi người: có thể tự giải phóng mình khỏi sự hành hạ của tâm trí. Cách đơn giản nhất như sau: Hãy bắt đầu nghe tiếng nói trong đầu mình như bạn vẫn thường có thể nghe. Hãy đặc biệt chú ý tới bất kỳ hình mẫu ý nghĩ lặp lại nào, những thứ âm thanh này có lẽ đã lặp đi lặp lại trong đầu nhiều năm rồi. Quá trình như vậy chính là chứng kiến người suy nghĩ.
- Không gian và thời gian chung cuộc là ảo tưởng của tâm trí. Chúng chứa cốt lõi chân lý là hai thuộc tính bản chất của cái Một: vô hạn và vĩnh hằng.
Eckhart Tolle.

Hãy nhớ rằng không phải chúng ta đang cố gắng Ðể Trở Thành một ông thánh hay một cao nhân nào cả. Chúng ta cũng không nổ lực Ðể Tống Khứ một ác pháp nào hết. Hãy sống hồn nhiên và thoải mái. Cảnh giới nội tâm của chúng ta Là Như Vậy. Nó có thể là bất tịnh hay trong sáng và đó là một cặp hành trạng đối đãi nhau của ý thức. Thấy rõ Chúng như là Chúng, thấy rõ Chúng luôn vô thường, vô ngã thì đó chính là trí tuệ vậy. Trong khi đó, bằng một ý thức ngã chấp, chúng ta cố gắng mong mỏi "Tôi sẽ phát triển những gì thanh tịnh, tống khứ những gì không thanh tịnh " thì lập tức cái không thanh tịnh sẽ xuất hiện và kềm hãm chúng ta. Chúng ta lại vấp vào khối đá thất vọng trên đường đi của mình, thế là tiếp tục đau khổ. Hãy cẩn trọng với hai tháng cấm túc này. Vô minh luôn sẵn sàng khiến cho chúng ta tự chuốc lấy những khổ lụy.
Sumedho.

- Ai trải qua sự thật về khổ thì người ấy thấy ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã trên cõi thế gian, nhờ chấp nhận sự thật này mà người ấy thanh tịnh trong sáng, và ai thanh tịnh trong sáng thì giác ngộ giải thoát, thấy rõ thực tánh chân đế và Niết-bàn.
-Thấy pháp và chia sẻ pháp với những người hữu duyên hình như là sứ mạng rất tự nhiên và đương nhiên của bất kỳ ai nhận ra lẽ sống trong nguyên lý "tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha". Thấy pháp thì một mặt chịu ơn sâu của Tánh Biết, mặt khác lại mang nghĩa nặng của Ðất Trời - khó mà có thể đáp đền.
Viên Minh.


Trong một nội tâm đầy chánh niệm, tất cả hạnh phúc và khổ đau đều đồng giá trị. Không có gì khác biệt giữa hai thực tại này hết. Cái nào cũng là Ðang Là, xuất hiện rồi biến mất. Hạnh phúc vẫn là Hạnh phúc, Ðau khổ cũng cứ là Ðau khổ. Chúng là cái Chúng Là. Chúng vô ngã và chỉ có vậy. Chúng ta đừng để mình phải đau khổ vì chúng. Chỉ việc đón nhận, nhìn mặt và hiểu biết chúng. Tất cả cái gì có mặt đều phải có lúc biến mất. Tất cả đều vô ngã!
Sumedho.

- Trong thực tánh chân đế không có khái niệm toàn hảo và bất toàn. Nhưng khi có sự mong mỏi đạt đến một lý tưởng toàn hảo thì mới có khái niệm bất toàn đối nghịch với ý niệm toàn hảo mà sinh ra chấp thủ nhị nguyên. Khi nói câu này thầy chỉ muốn nhắc rằng nếu muốn cầu toàn trong ảo vọng một cách nhị nguyên như vậy thì tốt hơn là nên trở về nhận ra tính bất nhị ngay trong thế giới vô thường, bất toại và vô ngã này. Giác ngộ chính là thấy ra mọi hiện tượng thế gian đều không hoàn hảo như lý tưởng cầu toàn, do đó buông xuống cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác để cầu toàn, mới giác ngộ ra thực tánh chân đế như nó đang là vượt ngoài khái niệm toàn hảo và bất toàn.
Viên Minh.

 

- Về bản chất, vô trí là nơi phát sinh mọi sự sáng tạo. Ða số những người có bằng cấp cao lại ít sáng tạo không phải vì họ không biết cách suy nghĩ, mà vì họ không biết cách dừng suy nghĩ.
- Một cách rất đơn giản để tránh xa tâm trí là đưa sự tập trung chú ý của bạn hướng vào thân thể. Cảm giác về thân thể bên trong của bạn là vô hình dạng, vô giới hạn và không dò được.
Eckhart Tolle.

 

-Tâm của người hành thiền thì không chạy đây đó. Nó nằm yên tại một chỗ. Khi tốt và xấu, hạnh phúc và đau khổ đến, người hành thiền chỉ đơn thuần nhận biết mà không để chúng thấm ướt tâm. Nói cách khác người hành thiền không dính mắc vào cái gì cả.
-Ðừng cố gắng trở thành cái gì. Ðừng nhẩy vào bất cứ chuyện gì. Cũng đừng là một thiền sinh. Ðừng mong giác ngộ. Lúc ngồi thì hãy ngồi. Khi đi thì hãy đi. Chẳng nắm giữ gì mà cũng không chống đối gì cả... Hãy để mọi sự tự nhiên.
Ajahn Chah.

 

Tánh biết thấy pháp là việc tự nhiên nên nó không cần dụng ý dụng công, chỉ có "người muốn biết" mới có dụng ý và phải dụng công. "Người muốn biết" chính là cái ta ảo tưởng, khi nó xen vào tánh biết thì cái biết trở nên chủ quan và trì trệ, khó thấy được pháp như nó đang là.
Cứ để tâm tự nhiên mà thấy thì tánh biết tự biết điều chỉnh cái thấy cho thích nghi với mọi đối tượng của nó. Ðừng cố gắng nhìn, nghe... để nắm bắt điều gì vì lúc đó khái niệm đã xen vào, mà khái niệm đi trước thì cái thấy bị trì trệ và không còn trung thực được nữa nên cái thấy không thể đồng nhất với pháp trên tính chất chỉ có duy nhất tại đây và bây giờ (thời, vị và tính) của nó. Tự nhiên, vô tâm (không trước ý) và giản dị là bí quyết mà cũng là phẩm chất của tánh biết đối với vạn pháp.
Viên Minh.

- Bạn “đạt tới” chứng ngộ (cứu giúp) bằng việc bạn nhận ra rằng bạn đã ở đó rồi. Bạn tìm thấy Thượng Ðế vào khoảnh khắc bạn nhận ra rằng bạn không cần tìm kiếm Thượng Ðế. Bạn không thể làm được điều này trong tương lai. Bạn làm nó Bây giờ hoặc không bao giờ làm được điều đó.
Eckhart Tolle.

 

- Khi tâm an tịnh tức là nó đang ở trong điều kiện bình thường. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành. Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này. Bất an và tham ái cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ chuyển động này, bạn sẽ săn đuổi đàng sau tư tưởng hình thành mãi, và trở thành nạn nhân của nó


Anh Thập chuyển 

Thầy Cô, Bạn Bè … Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn


Hồi ức sơ sài - Nhớ gì viết nấy …

Đã về hưu muời năm, cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Ngồi trước bàn phím computer …, ký ức đưa tôi về quá khứ hơn 50 năm về trước trên đại lộ Hùng Vương với ngôi trường trung học công lập đồ sộ của thành phố xinh đẹp Mỹ Tho: trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Tôi chợt nghĩ rằng - cũng như tôi - nếu những ai đã từng mài đũng quần dưới mái trường này thì ít nhiều cũng có những kỷ niệm buồn, vui về ngôi trường thân yêu này. 

Mới đó mà đã 54 năm trôi qua, kể từ ngày tôi rời ngôi trường này. 

Trung học Nguyễn Đình Chiểu thân thương của tôi ơi! Trải qua bao chuyện bể dâu, thầy cô, bè bạn ai còn ai mất? Hôm nay, ngồi viết lại nhữung dòng này, biết bao kỷ niệm đẹp của thời học trò bỗng trở về và gợi nhớ trong tôi. Đối với tôi, những kỷ niệm này một “tài sản quý giá” mà tôi luôn chắt chiu, trân trọng! Thỉnh thoảng, khi nhàn rỗi tôi lại lôi ra “gậm nhấm” và cảm thấy rất vui khi có cái “gia tài” này. 


Thưa quý thầy cô và bè bạn,

Hồi ức này viết về những sự việc xảy ra trên 50 năm dựa vào bộ nhớ sơ sài của một người đã bước qua tuổi “bảy bó” (mượn chữ của nhà văn Hoàng Hải Thủy). Có thể có những điều đúng và chắc chắn cũng có những sai sót. Rất mong đưọc quý thầy cô và bè bạn niệm tình bỏ qua và giúp đỡ bổ sung những thiếu sót. Đây chỉ là hồi ức sơ sài, nhớ gì viết nấy … những lời tâm tình mộc mạc của một học sinh viết về ngôi trường yêu dấu ngày xưa.  

Và bây giờ xin mời thầy cô, bè bạn cùng dạo bước vào vùng kỷ niệm ngày xưa!

Xin chân thành cảm tạ.

Mai Khanh Thư- Phạm Doanh Môn

-------------------------

Trước hết, xin được nói sơ qua về cái duyên tôi đến với trường trung học Nguyễn Đình Chiểu (NĐC)

Đuợc biết, trường trung học Nguyễn Đình Chiểu đuợc thanh lập năm 1879, là ngôi trường trung học lâu đời thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau trường trung học Lê Quý Đôn (1874). Năm 1956, sau khi trường nữ trung học Lê Ngọc Hân đuợc thành lập thì trường NĐC chỉ dành cho nam sinh. Tuy nhiên cũng có ít nữ sinh theo học ban C tại đây vì trường Lê Ngọc Hân không có ban C.

Gia đình tôi vốn sinh sống ở tỉnh Kiến Tường, một tỉnh lỵ nhỏ bé nằm cạnh sông Vàm Cỏ Tây (bây giờ là thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An). Tôi theo học bậc trung học tại trường trung học công lập Kiến Tường từ lớp đệ thất tới lớp đệ nhị (tức lớp 6 tới lớp 11). Sau khi học xong lớp đệ nhị và đậu tú tài I thì tôi được chuyển lên học tiếp lớp đệ nhất tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, vì khi đó trường trung học Kiến Tường chưa có lớp đệ nhất.

Vào trường NĐC, tôi được xếp vào lớp đệ nhất B2 (ban toán – Pháp Văn) và học tại dãy lớp phía bên phải khi đi từ cổng vào, đối diện hơi xéo với dãy văn phòng. Tôi có hơi bỡ ngỡ khi bước vào ngôi trường lớn này. Lớp tôi học gồm khoảng phân nửa là các học sinh NĐC học tiếp lên, phần còn lại là học sinh từ các trường khác chuyển đến và muốn được nhận vào thường phải đậu tú tài I hạng bình thứ trở lên. Vì vậy trong lớp tôi có nhiều học sinh rất giỏi, có ba bạn đậu tú tài I hạng ưu là Lê Quang Liệt, Nguyễn Văn Thạnh và Trần Văn Lộc, số còn lại phần lớn đều đậu hạng bình thứ hoặc bình.

Từ . Sau 30/4/1975 khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, rất nhiều gia đình đã phải liều mình, vượt bao hiểm nguy để vượt biên, tìm đến bến bờ tự do, trong đó có nhiều thầy cô, học sinh trung NĐC.

Mọi người đã mất liên lac với nhau sau bao năm. Riêng tôi, cũng đã mất liên lạc với quý thầy cô, bạn bè … rất nhiều năm. Phần tôi , sau khi sang Úc định cư cũng cố gắng tim cách liên lạc với quý thầy cô, bạn bè trường NĐC … 

Về thầy cô, tôi có đuợc hân hạnh gặp được thầy Lê Phú Thứ vài lần. Về bạn bè cùng lớp thì có gặp đuợc Nguyễn Thanh Kỳ, Trần Hữu Đức, Trần Công Tiếng .

Cũng có nghe và liên lạc qua internet được vài giáo sư như thầy Huỳnh Chiều Đẳng, thầy Tô Văn Lai, thầy Nguyễn Văn Sâm , thầy Dương Văn Ba. …dù tôi không được học với quý thầy này.

Tôi cũng có liên lạc với anh Đoàn Xuân Thu, học cùng niên khoá nhưng khác lớp. Anh Đoàn Xuân Thu hiện là nhà văn nổi tiếng ở Melbourne.

Bức tượng bán thân cụ Nguyễn Đình Chiểu trong sân trường Nguyễn Đình Chiểu 


Bây giờ xin được lần lượt ghi lại:

VỀ BAN GIÁM HIỆU 

Ban giám hiệu gồm thầy hiệu trưởng, thầy giám học, thầy tổng giám thị và các thầy giám thị.

Thầy hiệu trưởng  Phan Văn  Huấn

Hình như là giáo sư Pháp Văn. Thầy hơi to con nhưng không cao lắm và có nước da sạm nắng. Thầy rất hiền và ít la rầy học sinh. Sau khi tôi rời trường NĐC, nghe nói thầy về làm việc ở nha trung học. Nhà thầy ở Sàigòn trên đường Lạc Long Quân, quận 11 khá gần nhà tôi, trong thời gian học ở Sàigòn, thỉnh thoảng tôi có ghé nhà thầy vì con của thầy – Phan Đình Huân - học chung lớp đệ nhất B2 với tôi.

Cũng  nghe tin thầy đã mất cách đây khá lâu . Cầu nguyện hương linh thầy đuợc về cõi Vĩnh Hằng.

Thầy giám học Lâm Văn Bé 

Là giáo sư sử-địa. Thầy luôn đeo kính cận dầy, ít cười và có vẻ nghiêm nghị. Học trò rất sợ khi có chuyện gì phải lên gặp thầy! Thầy không dạy lớp nhưng thầy là giáo sư sử-địa giỏi và thầy có in sách luyên thi sử-địa tú tài II bán rất chạy.

Sau khi thầy Huấn đổi đi thì thầy Bé lên làm hiệu trưởng và sau này làm chánh sở học chánh rồi trưởng ty văn hoá giáo dục tỉnh Định Tường. Có thời gian thầy làm tổng thư ký viện đại hoc Tiền Giảng.

Nghe nói thầy cùng quê có bà con rất gần với phu nhân cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Thầy hiên định cư ở Canada và dành thời giờ viết sách biên khảo 

Thầy Lâm Văn Bé


Về thầy tổng giám thị, rất tiếc tôi không còn nhớ tên.

Ngoài thầy hiệu trưởng và thầy giám học, chúng tôi còn thường xuyên gặp các thầy giám thi. Các thầy giám thị phụ trách trông coi kỷ luật. Trong số các thầy giám thi, tôi nhớ nhất thầy Khánh (tôi quên họ!). Thầy rất khó nên chúng tôi đặt cho thầy biệt danh “Cò Khánh”. Với biệt danh này chúng tôi có ý nói thầy như cảnh sát (police) vậy. Mỗi sáng, thầy Khánh thường đứng trước cổng trường nhìn học sinh vào trường, học sinh nào không bỏ áo trong quần hoặc bỏ áo trong quần hơi luộm thuộm hoặc quên đeo phù hiệu thì đều bị thầy Khánh chiếu cố gọi vào ngồi ở phòng giám thị chờ tới khi nào học sinh vào hết thầy mới trở vào giảng “moral”. Học sinh nào không có phù hiệu phải trở về nhà, học sinh nào không bỏ áo trong quần thì phải sửa lại rồi mới được vào lớp! Riêng tôi, có một lần vì được nghỉ học hai giờ đầu nên la cà ra chợ Mỹ Tho chơi do đó bỏ áo bên ngoài quần cho có vẻ người lớn. Gần tới giờ học, nghĩ thầy Khánh không còn ở cổng trường nữa nên cứ tỉnh bơ để áo ngoài quần vào trường … nhưng không ngờ vừa bước vào cổng đã thấy thầy Khánh xuất hiện và gọi vào phòng giám thị. Hôm đó, thầy Khánh định gửi tôi lên phòng giám học vì thầy nói lớp lớn phải làm gương cho lớp nhỏ! Hú vía!!

VỀ NHỮNG THẦY CÔ CỦA TÔI 

Thầy Bùi Văn Chi

Năm học đệ nhất tôi được học toán với ba thầy. Thầy Chi dạy môn Hình học với số giờ nhiều nhất (4 giờ/tuần). Thầy Chi dáng người thấp nhưng trông khá bệ vệ, thong thả. Thầy là một trong vài giáo sư toán nổi tiếng của thành phố Mỹ Tho.Thầy thường mặc áo sơ mi có đai nhỏ ở cuối gấu và bỏ ngoài quần. Thầy đến trường bằng chiếc xe Vespa màu xanh. Thầy ít nói và khá nghiêm nên chúng tôi cũng hơi sợ. Khi lên lớp, lúc nào thầy cũng mang một cây com-pa gỗ và một cây bút ăng-ten. Tuy mang theo com-pa nhưng không hiểu sao thầy cũng ít dùng tới vì tôi thấy thầy vẽ vòng tròn không dùng com-pa nhưng “rất tròn”. Khi vẽ hình xong, thầy kéo cây bút ăng ten ra, dùng nó chỉ vào hình vẽ để giảng bài. Thầy giảng kỹ càng, chậm rãi và dễ hiểu. Thầy thường quan sát chúng tôi, nếu thấy ngơ ngác chưa hiểu thì thầy lại từ tốn giảng lại.  Khi vẽ hình, thầy dùng nhiều phấn màu và những đường nét đậm, nhạt làm cho hình rõ ràng.  Tôi học được nơi thầy về phong cách dạy toán và đã đem ra áp dụng khi đi dạy. Vào những tuần cuối cùng thầy thường đem những đề thi tú tài toán trong sách Pháp để chúng tôi làm thử vì thầy biết đề thi toán tú tài thường tương tự với đề thi toán tú tài Pháp. Thường khi chúng tôi muốn hỏi thêm thầy về một bài toán nào thì thường phải đưa sách cho thầy xem đầu bài rồi thầy mới giải. Nếu chỉ đọc hoặc viết ra giấy thì thầy từ chối không giải. Tôi nghĩ vì thầy sợ chúng tôi ghi chép lại không đầy đủ, vì nếu thiếu một điều kiện có khi bài toán không giải được làm mất thời giờ! 

Ngoại trừ những gì cần hỏi thầy về toán, chúng tôi ít dám nói chuyện với thầy. Nghe nói trước khi về dạy ở NĐC, thầy là chánh thanh tra phòng mật của Nha khảo thí (phòng lựa chọn, in ấn đề thi tú tài).

Cách đây hơn chục năm qua hội NĐC-LNH Pháp, được biết thầy đã qua đời tại Pháp. Xin được gửi những dòng này như là nén hương lòng muộn màng đến người thầy đáng kinh của chúng tôi.

Thầy Nguyễn Hữu Thông

Chúng tôi được thầy Thông hướng dẫn môn đại số và giải tích. Thầy Hữu Thông dáng người cao ráo, hoạt bát và nhanh nhẹn với giọng nói rõ ràng, sang sảng. Thầy rất vui tính và có vẻ gần gũi với học trò. Thầy Chi và thầy Hữu Thông là một cặp giáo sư toán giỏi và nổi tiếng ở Mỹ Tho thời đó. Tôi biết thầy Hữu Thông, ngoài những giờ dạy ở NĐC, hầu hết thời giờ còn lại, thầy dạy ở các trường tư và các lớp luyện thi tú tài khác (như lớp luyện thi Pascal nổi tiếng cuối đại lộ Hùng Vương). Thầy giảng bài rất mạch lạc và dễ hiểu. Tôi giỏi môn đại số là nhờ thầy.

Vẫn còn nhớ, ngày dạy đầu tiên, thầy cho làm một thử một bài tập kìểm tra. Hôm đó tôi làm bài khá. Tuần sau trả bài lại và chỉ có mình tôi làm đúng gần hết bài. Thầy gọi tên và khen tôi trước cả lớp làm tôi hơi mắc cở … nhưng cũng khoái chí và nở lỗ mũi!

Tôi nghe nói hiện nay thầy vần còn sinh sống ở thành phố Mỹ Tho.

Thầy Nguyễn Quốc Thông

Thầy Quốc Thông dạy môn số học. Mỗi tuần chúng tôi được học với thầy 2 giờ. Thầy Quốc Thông dáng người cao, một chút nghiêm nghị, thầy cận thị khá nặng, luôn đeo kính gọng nhỏ. Giọng Hà Nội nhỏ nhẹ, đều đều đôi khi làm cho chúng tôi hơi buồn ngủ. Một phần môn sô’ học cũng hơi khô khan nên không lôi cuốn chúng tôi nhiều! Ngoài những giờ dạy ở NĐC, thầy thường về Sàigòn để tiếp tục hoàn tất chương trình cao học toán ở trường đại học khoa học. Nghe đồn thầy học rất xuất sắc và năm sau thầy đã tốt nghiệp cao học toán với hạng danh dự. 

Thầy là bạn thân của thầy Nguyễn Trần Trác, giáo sư lý-hóa trường nữ trung học LNH thời đó. Tôi thường hay gặp hai thầy đi chung với nhau trên đại lộ Hùng Vương. Mới đây, tôi được thầy Trác cho biết, thầy Quốc Thông đã sang định cư bên Mỹ và khi sang Mỹ, dù đã lớn tuổi nhưng thầy vẫn ghi danh hoc thêm về toán và đã hoàn tất học vị tiến sĩ toán hạng ưu. Thầy là một tấm gương miệt mài học tập cho chúng tôi noi theo.

Thầy Nguyễn Văn Kiến 

Thầy Kiến hướng dẫn chúng tôi môn lý-hóa. Thầy rất điển trai và ăn mặc lịch sự đúng mốt. Thầy là giáo sư hướng dẫn lớp tôi năm đó. Là một giáo sư lý-hóa nổi tiếng nên cũng như thầy Hữu Thông, thầy khá bận rộn với những giờ dạy ở các trường tư thục và các lớp luyện thi tú tài. Bài giảng của thầy rất rõ ràng và mạch lạc. Thầy rất vui tính và thích “nói lái”. Khác với những giáo sư khác khi vào lớp thường đọc tên học sinh trong sổ đìểm danh, thầy Kiến không làm như vậy mà chỉ gọi trưởng lớp hỏi một câu ngắn “ai vắng?” với giọng miền Nam “ai giắng”. Mấy ngày đầu chúng tôi không hiểu nhưng sau này mới biết là thầy dùng lối nói lái. Cũng cần nói thêm là lớp tôi đều là nam sinh. Khi giảng về lý-hóa, đôi khi thầy hay phụ đề thêm những chuyện “tiếu lâm” để minh họa thêm cho lý thuyết vào làm cho cả lớp cười bể bụng. Trong giờ thầy, thỉnh thoảng mấy thằng bạn “trời đánh” hay phá tôi, chúng thường thưa với thầy: “Thưa thầy, Môn nó viết bài không chừa lề !”. Thầy không nói gì mà chỉ cười mím chi. Bài thi lý-hóa tú tài II năm đó tôi được điểm gần tối đa cũng chính là nhờ thầy cho chúng tôi luyện tập làm bài thi thử rất nhiều.

Cách đây hơn hai chục năm, qua cô Ngọc Hân, được tin thầy mất trên đường vượt biên, khi tàu vượt biên gặp hải tặc Thái Lan, thầy đã xung phong lên mũi tàu nói tiếng Anh cho họ biết đây là tàu vượt biên nhưng bọn hải tặc đã bắn chết thầy. Thật tội nghiệp. Chúng tôi thật đau buồn khi biết được hung tin này. Nguyện cầu hương hồn thầy được về chốn vĩnh hằng.

Thầy Phúc (xin lỗi tôi quên họ của thầy)

Thầy Phúc dạy Pháp Văn (sinh ngữ 1) lớp tôi. Thầy dáng người cao nhưng hơi gầy, nhác nhác giống thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Có lẽ do ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp nên tôi thấy thầy khá nghiêm. Khi đi dạy lúc nào thầy cũng thắt cà vạt chỉnh tề, đôi khi mặc vest nữa. Thầy luôn luôn xách một cái cặp trong đó có nhiều tranh ảnh nước Pháp và luôn luôn có cuốn tự điển Larouse nhỏ dày cộm. Trong giờ Pháp Văn, thầy trò đều phải sử dụng tiếng Pháp, hầu như không nói tiếng Việt. Tôi vốn không nói giỏi tiếng Pháp nên cũng hơi ngán giờ thầy, mặc dù tôi làm bài khảo sát (etude text) thường được điểm cao. Vẫn còn nhớ câu danh ngôn “Nul ne peut se vanter de se passer des autres” tạm dịch là “Không ai có thể tự hào là mình không cần đến người khác” mà thầy hay nói để nhắc nhở chúng tôi về tính khiêm tốn mà mọi người cần có. 

Từ ngày rời trường NĐC tôi không được tin gì về thầy nữa.

Thầy Lê Phú Thứ 

Thầy Thứ là giáo sư Anh Văn nổi tiếng của trường NĐC và cả thành phố Mỹ Tho thời đó. Thầy rất vui tính và gần gũi với học trò. Thầy thường gọi học sinh là “chú”. Tôi nghĩ thầy gọi vậy vì thầy coi chúng tôi như những người em của thầy. Trước đây tôi hơi kém về môn Anh Văn nhưng sau một năm được thầy Thứ hướng dẫn tôi trở thành học sinh giỏi về môn này đến nỗi thầy cũng phải ngạc nhiên. Có thể vì vậy mà ba chục năm sau khi gặp lại thầy ở Úc thầy vẫn còn nhận ra tôi. Mặc dù năm đệ nhất, môn Anh Văn (sinh ngữ 2) chỉ có hệ số 1 nhưng nhờ thầy có phương pháp giảng dạy lôi cuốn cộng với sư thương yêu, gần gũi học trò nên lớp tôi nói chung và cá nhân tôi nói riêng, đều cố gắng học môn này và cả lớp đều tiến bộ thấy rõ. Riêng tôi năm đó, từ một học sinh “thường thường bậc trung” về môn này đã trở thành một học sinh giỏi về Anh Văn và cuối năm tôi đã đạt điểm cao trong kỳ thi tú tài II.

Thầy Lê Phú Thứ sang đinh cư ở thành phố Melbourne (Úc) đầu thập niên 80. Thầy là cố vấn của hội NĐC-LNH Úc Châu và với vai trò này thầy đã giúp hội nối kết lại với quý thầy cô và các cựu học sinh. Thầy rất tích cực tham gia các sinh hoạt của hôi. Thầy còn sinh hoạt trong hội cựu học sinh Petrus Ký nữa. Qua những bài viết, tôi thấy tên thầy được nhắc nhở rất nhiều. Điều này chứng tỏ học sinh rất thương yêu và kính trọng thầy.

Cuối năm 2000, trên đường đi Sydney tham dự buổi phát hành đặc san truờng Petrus Ký, thầy cô có ghé Canberra thăm tôi và các bạn tôi. Sau đó tôi cũng còn được gặp thầy cô vài lần nữa trong các dịp ra mắt đặc san của hội NĐC-LNH Úc Châu  

Hình chụp tại War Memorial (Viện bảo tàng chiến tranh) Canberra năm 2000 trong dịp thầy từ Melbourne về Sydney tham dự đại hội cựu học sinh Petrus Ký. Thầy ghé Canberra thăm một số cựu học sinh trung học NÐC (thầy Thứ ngồi bên trái)


Thầy đã về cõi vĩnh hằng cách đây gần hai chục năm . Sự ra đi của thầy đã để lại bao nhiêu tiếc thương cho quý thầy cô và học sinh NĐC-LNH Mỹ Tho.

Thầy Trần Quang Minh 

Thầy Minh dạy môn Triết. Dáng người thầy nhỏ nhắn. Thầy có bộ ria đẹp và luôn được chăm sóc cắt tỉa rất khéo. Thầy nói ít và có pha chút “gàn gàn”. Đúng là giáo sư triết! Học trò chúng tôi thường lén gọi “thầy Minh Râu”. Cũng có thể trong trường còn có thầy khác trùng tên nên gọi vậy cho dễ phân biệt. Môn triết vốn khô khan nhưng nhờ phương pháp giảng dạy linh hoạt pha chút khôi hài nên chúng tôi rất thích giờ học này. Nói ra đìều này không biết có đúng không nhưng rõ ràng tôi bị ảnh hưởng khi thầy dạy môn lý luận hoc, thầy nói đại ý toán chỉ là môn khoa học thuần lý, do đó chỉ dựa vào một số tiên đề ban đầu rồi từ đó cứ suy luận tiếp nối ra những định lý … và như vậy không cần biết đến những gì xảy ra chung quanh ta. Thậm chí, có thể khởi đầu nếu nói 2 nhân 2 là 5 thì từ đó người ta vẫn có những chuỗi lý luận tiếp theo được … Điều này khác với những môn lý-hóa, vạn vật là những môn khoa học thực nghiệm nên có liên hệ đến những sự vật chung quanh. Chính vì hiểu như vậy mà sau này lên đại học tôi không còn mặn mà với môn toán nữa mặc dù ở trung học tôi luôn xuất sắc về môn này! Tôi rất thích học triết và lối dạy triết của thầy Minh.

Sau khi rời trường NĐC, tôi nghe nói thầy Minh là giám học của trường. Được biết thầy định cư ở Mỹ và thầy cũng qua đời hơn mười năm rồi. trước đây, thầy là hội trưởng hội ái hữu NĐC-LNH Mỹ. Thầy cũng đã tốt nghiệp cao học tại Mỹ. Thầy là một tấm gương hiếu học cho chúng tôi.

Thầy Vũ Tuyên

Thầy Vũ Tuyên gốc người Hà Nội nhưng không hiểu sao họ tên thầy chỉ có hai chữ. Thầy dạy môn sử-địa. Thầy giảng bài như diễn thuyết khiến chúng tôi cứ há mồm ngồi nghe vì hấp dẫn quá! Đặc biệt khi dạy về sử, thầy kể lại những trận đánh trong thế chiến thứ nhất, thứ hai cứ như thật. Học trò cứ ngồi nghe mà không phải ghi chép nhiều nên rất thích. Vào lớp thầy thường nói thao thao bất tuyệt do đó thầy thường bị thiếu giờ. Tôi để ý thấy thầy ghi trong sổ đầu bài tựa bài dạy nào thì phải vài tuần sau thầy mới dạy tới bài đó! Nói theo lối nói bây giờ thì thầy luôn luôn bị “cháy giáo án!”.Năm đó môn sử-địa thi theo lối trắc nghiệm nên cũng dễ thở cho chúng tôi! Sau khi rời trường NĐC tôi không tin tức gì về thầy nữa. 

Rất tiếc tôi không còn nhớ thầy (hay cô) dạy môn vạn vật cũng như môn thể dục. Nếu các bạn nào còn nhớ xin bổ sung giúp.


VỀ BÈ BẠN LỚP CỦA TÔI 

Như đã nói ở trên, tôi chỉ học ở NĐC có một năm lớp đệ nhất, hơn nữa đây là năm cuối bậc trung học nên hầu như chúng tôi mọi người ai cũng lo tập trung học do đó không có những sinh hoạt chung với nhau như những lớp dưới. Lớp đệ nhất B2 gồm phân nửa là học sinh NĐC học tiếp lên, còn lại là học sinh từ các trường tư thục khác và để được nhận vào học thì phải đậu tú tài I từ hạng bình thứ trở lên do đó lớp chúng tôi có nhiều học sinh giỏi. Các bạn tôi và ai cũng miệt mài đèn sách để hy vọng cuối năm đạt được mảnh bằng tú tài II hạng cao để có cơ hội bước vào trường đại học mình muốn hoặc đuợc đi du học. Tôi còn nhớ tên một số bạn như Lê Quang Liệt, Nguyễn Văn Thạnh, Phạm Văn Lộc, Trần Hữu Đức, Phan Đình Huân, Trần Mạng, Nguyễn Văn Hòa, Cung Đình Hồng, Ngô Hồng Nho, Nguyễn Thanh Kỳ, Trần Công Tiếng….

Nguyễn Văn Thạnh, dáng người to con, đẹp trai,  em của Nguyễn Quang Hưng, Thạnh học nhảy lớp đệ tam và thi tú tài I đậu hạng ưu, gia đình Thạnh có tiệm vàng ở chợ Mỹ Tho. Nghe nói Thạnh học Dược và bây giờ đang là một đại gia thành công ơ thành phố Mỹ Tho. Thạnh đúng là mẫu người “đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi!”. 

Phạm Văn Lộc người nhỏ nhắn, ít nói, hình như học Luật rồi chuyển qua học quốc gia hành chánh. 

Trần hữu Đức, bạn học chung với tôi ở Trung học Kiến Tường, học rất giỏi, Đức học chứng chỉ MGP ở đại học khoa học đậu hạng bình thứ (không có ai đậu bình chứng chỉ này!), sau đó vào đại học sư phạm đệ nhị cấp ban toán đại học sư phạm Sàigòn, ra trường năm 1974 về dạy ở trung học Kiến Tường là quê của Đức. Ba của Đức là cán bộ tập kết, có chức vụ lớn ở Kiến Tường nhưng không hiểu sao do một vài bất đồng nên năm 1976 Đức đã nghỉ dạy, về sống ở thành phố Long An và là giám đốc một công ty cung cấp phân bón cho tỉnh Long An. Cũng là một đại gia có cỡ. Đức nhậu có hạng nên trong nhà Đức luôn luôn có hàng tá chai rượu tây hảo hạng. Nghe nói Đức đã phải vào nhà thương cấp cứu vài lần về chuyện rượu này! Đầu năm 2011, khi gia đình tôi về VN, tôi có gặp và nhậu với Đức vài tiếng. Hôm đó, có lẽ vì sau 40 năm mới gặp lại nhau, vui quá nên Đức và tôi uống hơi nhiều và khi về Đức bỏ quên cặp táp trong đó có một ít giấy tờ và tiền bạc. Khi biết và trở lại thì chiếc cặp không còn nữa! 

Cách đây khoảng mười năm, sau một chầu nhậu, trên đường về nhà, Đức lái xe hai bánh và bị té ngã, bị hôn mê… đuợc đưa vào bịnh viện Chợ Rẫy và sau hai tuần thì mất. Đức có hai người con du học ở Sydney và đã được định cư ở đây.

Cách nay vài năm, trong dip lên Canberra chơi, vợ chồng em Trần Hữu Nghị (con trai Tran Hữu Đức) có ghé thăm gia đình tôi.

 

Trần Hữu Đức và tôi trên đường đi dự cuộc họp mặt cựu giáo chức và học sinh Trung học Kiến Tường dịp tết Tân Mão 07/2/2011. Đức và tôi học chung với nhau từ lớp đệ thất tới đệ nhất tại hai trường trung học Kiến Tường và Nguyễn Đình Chiểu và đây là lần gặp mặt lại sau 40 năm! Người còn lại trong hình là anh Trần Văn Ngỡi cũng là một cựu học sinh đồng thời cũng là cựu giáo sư NĐC nữa đó nghe. Anh Ngỡi là giáo sư vạn vật NĐC 1972.


Vợ chồng em Trần Hữu Nghị  (con Trần Hữu Đức) trong một lần đến Canberra ghé thăm vợ chồng chúng tôi 

Phan Đình Huân là con thầy hiệu trưởng Phan Văn Huấn, Huân rất giống thầy Huấn. Cũng như Thạnh, Huân học nhảy lớp đệ tam để thi tú tài I.  Huân rất hiền. Huân học đại học khoa học, trong thời gian học ở Sàigòn, thỉnh thoảng Huân và tôi có đến nhà nhau chơi. 

Các bạn Lê Quang Liệt, Trần Mạng, Nguyễn Văn Hòa, Cung Đình Hồng … tôi chỉ gặp lần cuối trong các lớp luyên thi vào đại học ở Sài gòn giữa năm 1970. Không biết bây giờ các bạn này ở đâu? Ai còn, ai mất?

 

Ngô Hồng Nho định cư ở thành phố Brisbane và đã mất cách đây hơn mười năm. Mặc dù cùng sinh hoạt trong hội NĐC-LNH Úc Châu nhưng tôi không nhớ Nho và chúng tôi cũng chưa có dịp nói chuyện với nhau. Sau khi Nho mất, nghe anh Thẩm kể thì tôi biết Nho học cùng lớp đệ nhất B2 với tôi. Thật đáng tiếc!

Riêng vê trường hợp Nguyễn Thanh Kỳ thì khá hy hữu, Kỳ và tôi cùng sinh sống ở thủ đô Canberra (Úc), cùng sinh hoạt trong hội NĐC-LNH Úc Châu nhưng chúng tôi mới biết cùng hoc chung lớp đệ nhất B2 cách đây vài năm. Kỳ rất hiền và ít nói, hiên Kỳ đang làm việc ở sở bưu điện Canberra. Chúng tôi vẫn thường xuyên tới nhà nhau chơi khi có dịp. Phu nhân của Kỳ, chị Nguyễn Thị Duyên cũng là một cựu học sinh LNH. Chị Duyên trước  đây là một manager ở sở bưu điện Canberra. Cả hai hiện nay cũng đã nghỉ hưu lâu rồi.

Hình chụp năm  2012 trong dịp chị Phạm Thị Phia từ Pháp qua Úc thăm các cựu học sinh NĐC - Lê Ngọc Hân (thứ nhất từ phải anh Nguyễn Thanh Kỳ , thứ ba từ phải chị Phạm Thị Phia)


Trần Công Tiếng, học chung lớp đệ nhất B2 NDC và sau này chung lớp toán ở đại học sư phạm Sàigòn . Mỗi lần về VN tôi thường có dịp gặp lại Trần Công Tiếng. Rất tiếc, bạn Tiếng đã mất cách nay gần ba năm. Xin gửi đến bạn tôi lời cầu nguyện cho hương hồn bạn đuợc về cõi Niết Bàn.  

Ngồi thứ nhất bên phải là Trần Công Tiếng 

 

Lời kết:

 

Trải qua một cuộc bể dâu, thầy cô tôi, bạn bè tôi, ai còn, ai mất? Nếu có bạn nào đọc được những dòng này xin tin cho nhau nhé. Thời gian cũng không cò nhiều, hy vọng trái đất tròn và chúng ta còn cơ hội gặp lại thầy cô bạn bè ngày xưa.

 

 

Canberra những ngày  cuối xuân  2024

Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn