Những câu chuyện về nghiện ngập và hậu
quả của nó giờ đã trở nên quá đỗi phổ biến. Vào tù ra tội, gia đình tan nát,
đâm chém mất mạng và hàng tấn những thứ khủng khiếp khác – đó là biển báo
ngăn cản mỗi người chúng ta không bước vào con đường tương tự. Khoa học và Y
học, từ nhiều năm nay, vẫn đang cố đi tìm câu trả lời cho bản chất của nghiện.
Liệu sự phủ nhận có phải là một dấu hiệu đặc trưng của một con nghiện? Liệu
có phải bất cứ loại chất gây nghiện nào cũng có thể gây ra những hậu quả khủng
khiếp? Và còn nhiều câu hỏi hơn nữa sẽ đến nếu bạn muốn tìm ra một chiến lược
cai nghiện có hiệu quả.
Có lẽ cách tiếp cận tốt nhất đối với
việc phòng chống nghiện chất, đó là sự hiểu biết thấu đáo về quá trình gây
nghiện và những tác động nó gây ra đối với người sử dụng. Để đạt được điều
này, những nhà nghiên cứu đã đưa ra những góc nhìn mang tính chất khoa học và
bằng chứng, giúp chúng ta có được cái nhìn khách quan và tổng thể về nó.
Chúng ta đã tìm ra rất nhiều điều hữu ích, trong đó có cả việc không chỉ có
các chất hóa học mới có thể gây ra nghiện. Sex và thức ăn hoàn toàn có thể làm
được điều tương tự.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng
chúng tôi tìm hiểu về những khái niệm hiện tại của nghiện chất, bản chất của
nó và cách thức mà khoa học đang tiếp tục đào sâu để khám phá nó.
Nghiện – một bệnh lý thần
kinh?
Chúng ta nghiện làm, ăn, hay hít một
thứ nào đó chính bởi lý do chúng ta bắt đầu làm điều đó: Bởi nó khiến chúng
ta cảm thấy tuyệt vời. Mặc dù có thể bạn đã từng thử chơi thuốc, sex hay một
món ăn hấp dẫn nào đó và vẫn chưa dính lấy thứ đó, nhưng phần lớn chúng ta đều
có khả năng trở thành con nghiện. Sự hứng thú của bạn cần phải vượt qua một
ngưỡng nhất định, và hằng định ở đó trong một quãng thời gian trước khi bạn
trở thành con nghiện thực sự.
Từ nhận định này, các nhà khoa học
đã đi đến việc thống nhất về một mô hình “bệnh lý thần kinh”, một quan điểm mới
về quá trình gây nghiện. Quay trở lại nhiều năm về trước, khi chúng ta sống bằng
bản năng động vật nhiều hơn là lý trí. Chúng ta tồn tại dựa trên “cơ chế phần
thưởng”. Khi bạn thực hiện một điều gì đó làm tăng khả năng sống sót của mình
lên, như ăn uống hoặc tập luyện, hệ viền trong não bộ chúng ta sẽ giải phóng
ra dopamine, một chất hóa học giúp chúng ta “thăng”. Chẳng ai từ chối việc
“thăng” lần thứ 2,3,4… cho đến n, vậy nên bạn tiếp tục lặp đi lặp lại hành động
đó. Đây chính xác là cách mà bộ não hướng chúng ta đến những việc làm giúp
chúng ta sống sót và phát triển nòi giống.
Các chất gây nghiện tiếp cận đến hệ
viền theo nhiều cách khác nhau, nhưng một khi đã đạt được mục đích của mình,
chúng đều buộc hệ viền giải phóng ra một lượng lớn dopamine, thậm chí gấp 5 đến
10 lần bình thường. Điều này dễ dàng giải thích tình trạng “bay”, “phê” thường
thấy.
Nhưng điều này gây tác động rất lớn
lên hệ thần kinh. Bạn sẽ học được rất nhanh cách sử dụng chất gây nghiện,
theo cơ chế tương tự với cách bạn học ăn hay sex, nhưng với tốc độ nhanh hơn
rất nhiều bởi chúng buộc hệ viền phải giải phóng ra lượng dopamine cực lớn.
Và cũng bởi sự giải phóng ào ạt này, khi không còn thuốc nữa, cơ thể sẽ gặp
phải muôn vàn khó khăn để phục hồi lại lượng dopamine ban đầu. Điều này lý giải
tình trạng vã thuốc, vật thuốc với các biểu hiện đau đớn, trầm cảm và thậm
chí là các hành vi gây nguy hiểm cho người xung quanh. Việc sử dụng chất gây
nghiện trong thời gian dài có thể dẫn đến việc bộ não ngừng sản xuất dopamine
tự nhiên, và đó là khi bạn đã lệ thuộc hoàn toàn vào chất đó. Bạn cần một lượng
lớn chất gây nghiện, không phải để bay, để thăng – mà là để duy trì cảm giác
bình thường. Và rồi bạn tiếp tục sử dụng chúng, với số lượng tăng dần, tăng dần,
cho đến khi bạn đã lún xuống quá sâu, và mọi thứ đã trở nên quá muộn để cứu vãn.
Ở mô hình bệnh lý này, trung tâm chi
phối động cơ hành động của bộ não sẽ bị tái cấu trúc. Trong mọi tình huống,
ưu tiên hàng đầu sẽ phải là việc tìm cho bằng được chất gây nghiện (hoặc bất
cứ thứ gì khác có thể gây hiệu ứng tương tự). Dễ hiểu hơn, lúc này, thuốc đã
hoàn toàn lấn át và làm chủ cơ thể bạn, kiểm soát mọi hành vi của bạn. Một
tay nghiện rượu sẽ không bao giờ phân vân giữa việc phi ra quán rượu hay lái
xe về nhà với vợ con – đây không đơn thuần chỉ là vấn đề đạo đức. Bộ não của
anh ta đã bị lập trình để đưa việc đi uống rượu lên hàng ưu tiên số một.
Triệu chứng nghiện
Nếu bạn là một con nghiện, ngưỡng chịu
đựng của bạn sẽ tăng dần năm tháng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần
nhiều thuốc hơn để đạt đến ngưỡng kích thích. Và nếu bạn chơi thuốc đủ lâu,
ngưỡng kích thích sẽ trở thành ngưỡng duy trì, tức là lượng thuốc trước đây đủ
để bạn ngất ngây đến tận sáng hôm sau, giờ đây chỉ còn tác dụng duy trì trí
óc của bạn trong trạng thái như một người bình thường. Việc ngừng sử dụng thuốc
sẽ dẫn đến tình trạng vã thuốc, đó là khi bạn đổ mồ hôi như tắm, run rẩy, bồn
chồn, khó ngủ, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí là ảo giác và co giật. Cách duy
nhất khiến những điều này biến mất là dùng thuốc trở lại.
Về mặt hành vi, những con nghiện đều
từng có tiền sử cố gắng dừng sử dụng chất gây nghiện – và phần lớn đều không
thành công. Họ sẽ ngày càng dính chặt lấy nó, hoặc dùng nhiều hơn, hoặc cố gắng
kéo dài thời gian ở bên nó. Sự gắn bó này sẽ dẫn đến một triệu chứng khác: dừng
các hoạt động đã từng gây hứng thú, thậm chí là niềm đam mê của họ trước đây.
Họ cố gắng từ bỏ, họ tìm cách thoát khỏi sự chi phối của nghiện ngập, nhưng
những nỗ lực của họ đều thất bại.
Cùng với đó, như đã giải thích ở
trên, lúc này, việc tìm kiếm chất gây nghiện trở thành ưu tiên hàng đầu của mọi
con nghiện. Khi thuốc đã làm chủ bộ não, bạn sẽ chẳng có cách nào cứu vãn nổi
tình hình. Đạo đức, lý lẽ, tất cả đều xếp sau thuốc. Điều này sẽ dẫn đến những
thay đổi bất thường trong tính cách, hành vi.
Những thứ có khả năng gây
nghiện
Mỗi một ứng cử viên trong danh sách
này có khả năng tạo ra một mức độ “bay” khác nhau, cùng với đó là các ngưỡng
gây nghiện, vã thuốc khác nhau. Đừng ngạc nhiên nếu danh sách này sẽ tiếp tục
mở rộng ra trong tương lai.
Methamphetamine: việc sử dụng chất
kích thích này trong một thời gian dài có thể dẫn đến các hành vi tương tự
tâm thần, như ảo giác mạnh và các hành vi bạo lực. Nhiều nghiên cứu về cấu
trúc não bộ cho thấy, ở những người dùng meth lâu năm, có trên 50% tế bào sản
sinh dopamine của cơ thể đã bị phá hủy.
Heroin: Năm 2005, có đến 2.4% dân số
Hoa Kỳ thừa nhận việc sử dụng heroin. Ngừng sử dụng heroin ở đối tượng nghiện
sẽ tạo ra những cơn đau khủng khiếp chỉ vài giờ sau khi ngừng thuốc,và những
cơn đau này sẽ còn kéo dài, thậm chí đến vài tháng sau đó. Chính bởi điều
này, tái nghiện heroin là chuyện cực kỳ phổ biến.
Rượu: các bác sỹ tâm thần thậm chí xếp
vã rượu lên hàng cao hơn cả vã heroin bởi những hậu quả gây ra do cơn sảng rượu.
Hãy cẩn thận nếu bạn là một tay bợm rượu, việc đột ngột ngừng uống có thể sẽ
khiến bạn quên mất mình là ai và gây ra những hậu quả đáng tiếc. Đau đớn, tất
nhiên, và kèm theo đó còn là tình trạng hoang tưởng, ảo giác và đây chính là
lúc bạn trút những điều khủng khiếp nhất lên người thân và bè bạn xung quanh.
Nghiện sex: được đặc trưng bởi nhu cầu
quá cao, hoặc sự ám ảnh với sex. Một tay nghiện sex sẽ làm mọi cách để được
thỏa mãn, ngay cả khi điều đó khiến họ phải đánh đổi một mối quan hệ, một
tương lai hay thậm chí là cả tính mạng của mình.
Nghiện ăn: nhu cầu ăn uống tăng cao
quá mức ngay cả khi dạ dày của bạn đã kêu gào phản đối. Cơ chế của bệnh lý
này hiện vẫn chưa được hiểu rõ, mặc dù, ước tính có đến 2% dân số Hoa Kỳ mắc
phải bệnh này ở nhiều mức độ khác nhau.
Nghiện cờ bạc: Ước tính có đến hơn 2
triệu tay nghiện cờ bạc tại Hoa Kỳ. Cũng như với bất kỳ loại thuốc gây nghiện
nào khác, một tay nghiện cờ bạc luôn tìm thấy cảm hứng của mình tại sới đỏ
đen. Họ cũng hoàn toàn mất khả năng kiểm soát hành vi (hoặc ví tiền) của
mình.
Khoa học đang làm gì để chống
lại những cơn nghiện?
Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục nỗ lực
tìm ra một phương thức phá vỡ chu trình gây nghiện. Di truyền học được xem là
ứng cử viên đáng chú ý nhất, không những bởi cách thức triệt bỏ tận gốc quá
trình nghiện, mà còn bởi việc nó cho phép con người hiểu rõ bản chất của quá
trình này đến tận mức độ gene. Các nhà khoa học đã phân lập được rất nhiều
gene, hormone và các hóa chất trung gian trong não bộ liên quan trực tiếp đến
quá trình nghiện. Bằng cách chỉ ra những tính chất đặc hiệu của quá trình
này, họ có thể tạo ra một nền tảng từ đó xây dựng nên các thuốc điều trị đặc
hiệu cho mỗi chứng nghiện khác nhau.
Tuy nhiên, di truyền học có lẽ sẽ vẫn
chỉ là chuyện trong tương lai nhiều năm tới. Hiện nay, và nhiều năm trước nữa,
methadone vẫn là lựa chọn hàng đầu trong cai nghiện heroin. Methadone tác động
lên các receptor opiate, từ đó ngăn ngừa các triệu chứng gây ra do vã thuốc.
Các thuốc kháng opoid cũng tỏ ra khá hứa hẹn trong điều trị nghiện heroin,
khi chúng ngăn cản không cho heroin tác động lên các thụ thể tiếp nhận chúng.
Thuốc chống trầm cảm cũng được sử dụng
khá nhiều trong điều trị nghiện chất. Những thuốc này giúp ngăn ngừa sự chán
nản, tuyệt vọng – kết quả của quá trình cai nghiện, hoặc đồng thời, chính
tình trạng này cũng có thể là nguyên nhân đẩy một người đến con đường nghiện
ngập.
Kết
Việc khoa học bắt đầu xây dựng lại
cách nhìn về nghiện ngập là một tín hiệu đáng mừng. Không đơn thuần chỉ là vấn
đề đạo đức, những biến đổi trong nhân cách và tâm lý của con nghiện là kết quả
của một rối loạn thực thể, một dạng tổn thương thực sự trong não bộ. Chiến đấu
chống lại những cơn nghiện là một con đường rất dài, và những người nghiện ngập
cần nhiều hơn là sự khinh bỉ, ghét bỏ của xã hội.
Tham khảo: Howstuffworks
|