Thursday, February 29, 2024

50 Điều Thú Vị Không Phải Ai Cũng Biết

 

Có bao giờ bạn thử đếm số lần quả tim của mình đập trong một ngày? Bạn có biết trung bình mình cười bao nhiêu lần trong ngày không? Hãy cùng chúng tôi khám phá những điều đơn giản nhưng vô cùng thú vị mà không phải ai cũng biết nhé!

1. Xương người vốn không phải màu trắng mà có màu đục như màu nâu nhạt. Và thú vị hơn, xương hông của người còn cứng hơn cả bê tông.

2. Khi bạn sinh ra, bạn có 300 chiếc xương, nhưng khi trưởng thành, bạn chỉ còn 206 chiếc xương.

3. Một người phụ nữ trung bình tiêu thụ khoảng 20kg son môi trong đời.

4. Bạn không thể tự tử bằng cách… nhịn thở.

5. Tim người đập hơn 100.000 lần mỗi ngày.

6. Người thuận tay phải có tuổi thọ trung bình cao hơn người thuận tay trái 9 năm.

7. Xương sườn của chúng ta chuyển động khoảng 5 triệu lần mỗi năm.

8. 1/4 số xương trong cơ thể người nằm ở chân.

9. Trung bình một người cười 10 lần/ngày.

10. Giống như vân tay, “hoa văn” trên lưỡi của mỗi người cũng khác nhau.

11. Việc truyền máu lần đầu tiên diễn ra vào năm 1667 khi Jean-Baptiste tiến hành truyền máu từ một con cừu sang một thanh niên.

12. Nước chiếm 2/3 khối lượng cơ thể người. Trong máu có tới 92%; não bộ có 75% các cơ bắp cũng có 75% là nước.

13. Trong cuộc đời mình, bạn uống khoảng 75.000 lít nước.

14. Móng tay dài nhanh gấp 4 lần so với móng chân.

15. Nếu như tất cả bộ mã gen của chúng ta được kéo duỗi dài ra thì nó có thể cuốn 6 vòng quanh mặt trăng.

16. Hầu hết bụi trong nhà là tế bào da chết từ cơ thể của chúng ta.

17. Cơ giúp mắt chớp là cơ chuyển động nhanh nhất của con người. Nó có thể thực hiện nháy mắt 5 lần trong vòng một giây. Một ngày con người nháy mắt khoảng 15.000 lần. Tuy nhiên có điều lạ là phụ nữ phụ nữ chớp mắt nhiều gần gấp 2 lần so với đàn ông.

18. Bạn không thể hắt hơi mà vẫn mở mắt.

19. Mỗi năm, số người chết do ong đốt còn nhiều hơn cả số người chết do rắn cắn.

20. Nhiều người dị ứng với sữa bò hơn bất kỳ loại thức ăn nào khác.

21. Để nói một từ, bạn sử dụng tới 70 lớp cơ.

22. Cái được gọi là "French kiss" (nụ hôn kiểu Pháp) trong tiếng Anh thì cũng được gọi là "English kiss" trong tiếng Pháp.

23. "Almost" là từ dài nhất trong tiếng Anh với các chữ cái được sắp xếp đúng theo trật tự bảng chữ cái.

24. "Rhythm" là từ tiếng Anh dài nhất không có nguyên âm.

25. Adolf Hitler là một người ăn kiêng và chỉ có duy nhất một… tinh hoàn.

26. Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất I tự coi mình là người mẫu mực trong chuyện vệ sinh thân thể. Bà từng tuyên bố rằng cho dù bẩn hay sạch thì cứ mỗi 3 tháng bà mới tắm 1 lần.

27. Dân số trái đất vào năm 2080 được dự đoán lớn gấp 3 lần con số 6 tỉ hiện nay (tức 18 tỉ người).

28. Mật ong là thức ăn duy nhất không bị hỏng. Bằng chứng là các nhà khảo cổ khi nếm thử những hũ mật ong được tìm thấy trong lăng mộ của các pharaoh Ai Cập đều đi đến kết luận rằng chúng không hề bị hỏng và hoàn toàn có thể ăn được.

29. Coca-Cola nguyên chất có màu xanh trước khi người ta pha chế màu.

30. Mẩu kẹo cao su cổ nhất có tuổi thọ 9.000 năm!

31. Trung bình một cây bút chì có thể vẽ một đường thẳng dài 56km (tương đương với việc viết được khoảng 50.000 từ).

32. Mỗi một lục địa đều có một thành phố mang tên Rome.

33. Những tháng nào bắt đầu vào chủ nhật thì luôn có “thứ 6 ngày 13”.

34. Trái đất là hành tinh duy nhất không được đặt theo tên một vị thần.

35. Tại bang Nebraska, Mỹ, bạn sẽ bị coi là phạm pháp nếu có các hành động như ợ hơi hoặc hắt hơi trong nhà thờ.

36. Ở Iceland, sở hữu một chú chó cảnh là phạm pháp.

37. Mắt lừa được tạo hóa “sắp xếp” ở vị trí thuận lợi đến nỗi con lừa có thể quan sát cả 4 chân của nó cùng một lúc.

38. Một số loài bọ tự ăn thịt mình khi không tìm thấy thức ăn.

39. Lạc đà có 3 mí mắt giúp chúng bảo vệ mắt khỏi những cơn bão cát.

40. Cá heo khi ngủ chỉ nhắm 1 mắt!

41. Chuyến bay dài nhất của một con gà là 13 giây.

42. Con sên có tận… 4 cái mũi.

43. Loài cú là loài chim duy nhất có thể nhìn thấy màu xanh.

44. Hươu cao cổ có thể liếm sạch đôi tai của nó bằng cái lưỡi dài hơn 7 mét!

45. Trung bình tim của con nhím đập 300 lần/phút.

46. Mắt của đà điểu lớn hơn cả bộ não của nó.

47. Loài dơi mũi heo (tên khoa học là Craseonycteris) có kích thước chỉ bằng một chú ong nghệ, là loài động vật có vú nhỏ nhất thế giới.

48. Loài chuột có thể giao phối hơn 20 lần/ngày.

49. Con gián có thể sống trong suốt vài tuần với cái đầu lìa khỏi thân.

50. Voi là loài động vật có vú duy nhất không thể nhảy.


Cám Ơn Đời - Đỗ Công Luận

Niềm Vui Bình Dị Sau Ngày Tết Giáp Thìn 2024 - Sương Lam


Thế là những ngày Tết Giáp Thìn 2024 đã qua mau và bây giờ chúng ta lại trở về với các sinh hoạt thường nhật trước đây.  Quý ông bà nội ngoại vẫn tiếp tục chăm sóc, thương yêu các cháu nhỏ, giúp ba mẹ của chúng an tâm đi làm kiếm tiền về nuôi con. Tuổi trẻ học trò vẫn tiếp tục đi học ở nhà trường. Người lớn trẻ nhỏ có những sinh hoạt khác nhau trong đời sống hiện tại, miễn là có sức khỏe và bình an là được, là tốt lắm rồi.


Người viết cũng thường đi tìm những tài liệu, những bài viết vui vui, nhưng ta cũng có thể học được những điều  hay lạ, hữu ích từ những câu chuyện này để mà thay đổi  cách suy tư, quan niệm sống, giúp cho đời sống của mình thoải mái, nhẹ nhàng, vui vẻ hơn lên.

Xin mời Bạn cùng đọc với tôi những ý tưởng hay hay vui vui qua bài thơ ‘Được và Tốt’ dưới đây.  Bài thơ hay này do Sư Cô Huệ Hương chuyển tiếp đến chia sẻ với người viết lâu rồi, người viết thấy hay và hợp với đời sống hiện tại nên xin được tiếp tục chuyển chia sẻ tiếp với bạn hữu đọc cho vui.  Kính tri ân Sư Cô Huệ Hương. 


Được và Tốt

Sống 1 kiếp người, bình an là được .
2 bánh 4 bánh, đi được là được.
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được
Người xấu người đẹp, dễ coi là được
Người già người trẻ, miễn khỏe là được
Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được
Ông xã về trễ, miễn về là được.
Bà xã cằn nhằn, chăm lo là được.
Khi con còn nhỏ, dạy dỗ thật nghiêm
Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng xong.
Sau khi trưởng thành, ngoan ngoãn là được.
Nhà to nhà bé, có chỗ ở là được.
Hàng hiệu hay không, mặc được là được.
Tất cả phiền não, biết xả là được.
Kiên trì cố chấp, biết bỏ xuống là được.
Không phải có tiền, muốn gì cũng được.


Tâm tốt việc tốt, có thể thay đổi số mệnh。
Ai đúng ai sai. Trời biết là được.
Tu phúc tu thân, kiếp sau càng tốt.
Thiên địa vạn vật, tùy duyên là tốt
Có rất nhiều việc, nhìn xa trông rộng
Mọi người đều tốt, ngày ngày đều tốt
Anh tốt tôi tốt, thế giới sẽ tốt
Nói tóm lại, tri thức là quan trọng nhất.
Nói nhiều như vậy, hiểu được là tốt,
Vẫn còn chưa hiểu, xem lại 2 lần

(Nguồn:  bài thơ không thấy đề tên tác giả - email của Sư Cô Huệ Hương chuyển đến)

Người viết cũng thường nói với phu quân của người viết rằng: "Xin hãy sống lạc quan yêu đời một tí, bớt nghe những bản nhạc buồn rên rỉ, bớt đọc những bài thơ, bài viết thở than sướt mướt, trách mắng lẫn nhau, bớt xem những phim, hình ảnh hành động tàn bạo.

Cuộc đời đã là bể khổ rồi, chúng ta cần phải vui lên mà sống, chứ thở than than thở hoài càng mang thêm bịnh nữa, chứ chẳng có lợi ích gì cả. 

Người viết cũng từng đã "ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh" nhưng rồi cũng phải chấp nhận những gì đã làm cho mình không vui, đứng dậy và tiếp tục đi tiếp vì không ai giúp mình bằng mình tự lo, tự giúp mình trước nhất".  Không xem phim, xem hình ảnh tàn bạo để các chủng tử tàn ác đó không lưu trữ trong tiềm thức của mình chờ giờ xuất hiện.     


Người viết thích uống trà vì khi uống trà ta thấy tâm hồn ta lắng đọng lại qua hương vị thơm ngon  nhẹ nhàng của trà chứ không phải cái ngọt ào ào đến như khi tôi uống một ly coca. 

Cô cháu ni Mya cũng biết ý bà nội nên đã tặng bà nội chiếc ấm trà rất đẹp với một hộp trà xanh để bà nội thưởng thức khi ăn bánh trung thu hay trong những lúc mưa rơi tuyết lạnh ngồi bên song cửa uống trà cho ấm lòng một chút.


Người viết thích uống trà nên đã thực hiện youtube Trà Thiền và thực hiện các Board về Trà trên website Pinterest của người viết để quý bạn đồng tâm cảm cùng thưởng thứ với người viết

 Mời bạn cùng xem với tôi nhé. 

1-Youtube Trà Thiền Sương Lam thực hiện

Hãy tận hưởng hương trà đầy thiền vị trong một ít phút giây tĩnh lặng hiện tại.

https://www.youtube.com/watch?v=IActYyB5xlc

7,857 views Dec 5, 2012

Suong Lam Portland

https://www.pinterest.com/pin/801640802449747685/


2-Board Tea 71 Pins

Tea   

https://www.pinterest.com/suonglamportland/tea/ 


3-Board Uống Trà - Drink Tea 168 Pins 

https://www.pinterest.com/suonglamportland/u%E1%BB%91ng-tr%C3%A0-drink-tea/


Trong khi đi tìm tài liệu để viết bài hôm nay, tôi tìm được bài thơ hay  


Bên Tách Trà Cuối Năm – Như Nhiên – Thích Tánh Tuệ


của Thầy Thích Tánh Tuệ  đăng trong Blog BanMaiHong's Blog nên xin phép ban biên tập  trang nhà BanMaiHong cho phép tôi được mang về đây chia sẻ với bạn hữu vì Thầy Thích Tánh Tuệ cũng đồng một ý nghĩ như tôi khi viết về Trà. 

Xin mời qúy bạn cùng thưởng thức và xin cảm ơn BBT BanMaiHong's Blog. 

Kính tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ

Bên Tách Trà Cuối Năm – Như Nhiên – Thích Tánh Tuệ

  

Thân ái mời nhau một tách trà

Mình ngồi quán niệm một năm qua

Một năm bước tới hay lùi lại

Đường Đạo đã gần hay vẫn xa

Ngày vẫn trôi ngày, năm hết năm

Ngọn đèn Tỉnh thức sáng trong tâm ?

Mình đang thực Sống hay tồn tại,

Đã quyết lòng buông những lạc lầm ?

– Mời bạn ngồi yên với Đạo tình

Cho hồn lắng đọng giữa lời Kinh

Xuân lai, xuân khứ… lòng thanh thản

Bên tách trà Xuân thấy lại mình…

 

Như Nhiên – Thích Tánh Tuệ

 

Ngày Mùng Một Tết, các thành viên gia đình Nguyễn Hữu đã cùng nhau đi lễ Chùa đầu năm mới như truyền thống Ba Má chúng tôi đã làm trước đây.

Xin được chia sẻ với qúy bạn thân yêu của tôi niềm vui ngày Mùng Một Tết Giáp Thìn 2024 qua youtube dưới đây: 



1-Gia Đình Nguyễn Hữu đi lễ chùa Mùng Một Tết Giáp

https://www.youtube.com/watch?v=gs9vzFLQTgQ

Một niềm vui khác là cậu công tử nhà tôi từ Las Vegas về ở với ba mẹ trong những ngày Đông lạnh lẽo nên ngôi nhà nhỏ của chúng tôi thấy ấm lên đôi chút dù bên ngoài thời tiết giá lạnh vô cùng.

Ngoài những buổi cơm ăn ở nhà do mẹ nấu, cậu công tử đã chở ba mẹ đi ăn nhà hàng bên ngoài để thay đổi khẩu vị vì cả hai "lão trượng" và "lão bà bà" không dám lái xe ban đêm rất nguy hiểm đối với người già.  

Mời bạn cùng vui với gia đình nhỏ bé chúng tôi nhé. 

2-Youtube Gia đình Minh Sương Vương ăn cơm gia đình ở nhà  

https://www.youtube.com/watch?v=KqSmfzK3U1M&t=43s  


3- Youtube  MSV đi ăn tối ở nhà hàng 2-25-24 

https://www.youtube.com/watch?v=1g4B9-VZd0Q  


Xin hãy vui mà sống với cái Tâm an lạc, nếu có thể được, phút giây nào mừng phút giây đó. Hạnh Phúc đến từ những điều bình dị đó, Bạn ạ. Bạn đồng ý với tôi chăng? 

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé. 

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

 

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-Mctn 701-ORTB 1131-2282024)


Sương Lam

Website: www.suonglamportland.wordpress.com

http://www.youtube.com/user/suonglam

https://www.pinterest.com/suonglamt/ 

Bún Măng Giò Heo Đơn Giản Cấp Tốc


Nhà tôi không ăn thịt vịt nên mỗi khi muốn ăn bún măng, tôi nấu với gà hoặc giò heo. Cách nấu đơn giản không rườm rà như người ta nấu bún măng vịt, đỡ vất vả cho mấy bà bếp già. 
 
Vật liệu : 

- 500 grs măng hộp họăc măng tươi nếu có
- 2 cái giò heo, mua giò sau nếu không muốn ăn nhiều thịt (nhờ người bán cưa khoanh tròn)
- Hành phi
- Bún 
- Rau thơm - Ớt




Cách làm :

Giò heo mua về cạo rửa với muối rồi luộc sơ cho sạch. Măng phải luộc kỹ cho bớt chất độc trước khi nấu nếu là măng tươi.  
Bắc nước sôi cho giò heo vào nấu khoảng 15 phút, sau đó cho măng vào hầm chung tới khi giò vừa độ mềm theo ý thì nêm đường, muối, bột ngọt rồi tắt lò. Đừng nấu quá lâu thịt giò mất đi độ dòn sừn sựt ăn không khoái khẩu.
Khi ăn cho rau ớt và chút hành phi lên mặt sẽ có tô bún măng  ngon lành. Rót chút nước mắm ra dĩa nhỏ rồi vắt chanh bỏ tỏi ớt vô để chấm giò heo. Ai thích uống bia thì khui chai bia làm lai rai là quên hết sự đời.




Bon appétit !

Người Phương Nam

Tui Xa Nhà Thờ - Mai Thị Mùi

Tui là người Công giáo. Nhiều người không biết rõ hay gọi chung chung là đạo Chúa, Thiên Chúa giáo. Thực ra Thiên Chúa Giáo gồm 2 nhánh chính là Công giáo và Tin Lành. Ngoài 2 anh đông con đó ra còn có Do Thái giáo, Anh giáo và vài nhánh nhỏ nữa. Ở VN tui chỉ gặp 2 anh đông con là Công giáo (CG) và Tin Lành (TL). CG và TL đều thờ phượng MỘT Đức Chúa Trời là đấng toàn năng. Hai ảnh có nhiều điểm chung và cũng không ít mâu thuẫn về giáo lý và tín lý. Thôi, bài viết này của tôi không nhằm mục đích phân biệt 2 ảnh nên tôi không đào sâu. Chỉ là vài suy nghĩ cá nhân nên mong mọi người rất bình tĩnh khi đọc bài. 


Tôi vẫn đi lễ mỗi Chúa nhật, vẫn đọc kinh mỗi ngày và cầu nguyện mọi lúc trong ngày. Nhưng thực sự tui không có “ngoan đạo”. Ngoan đạo ở đây được hiểu theo nghĩa một con chiên răm rắp tuân thủ những giáo lý, giáo luật, quy định, quy ước, quy luật của Hội Thánh và các vị chăn chiên đề ra. Tui thuộc dạng “láu cá”, cứng đầu và “nửa mùa” (theo cách gọi của một số người ngoan đạo). 


Nhiều năm gần đây tui bắt đầu xa nhà thờ. Tui xa nhà thờ để đến gần với Chúa hơn. Nói nghe có vẻ ngược đời. Nhiều người nói đến nhà thờ để tìm hiểu Chúa và đến với Chúa. Tôi làm ngược lại. Tôi tìm thấy Chúa trong những trại mồ côi, trong những sọt cá ngư dân vét được trong buổi chiều muộn, trong những cần xé thanh long bà con xúm lại giải cứu, trong những tiếng thắng xe gấp tránh đứa bé cầm xấp vé số, trong tiếng chửi của người thanh niên xăm trổ khi lôi xệch người phụ nữ ở cột đèn giao thông vào lề đường…Bước ra ngoài đường, bến tàu, bãi sông, góc chợ, ổ điếm, sòng bài tôi tìm thấy Chúa. Những nhà thờ nguy nga tráng lệ với những ông linh mục thích xây cất, đập phá, giáo điều, hãnh tiến đã không giúp tôi tìm được Chúa trong những đền đài xi-măng, cốt thép. 

Tôi không bao giờ đi lễ mùng 1 tết. Nó chính là cái hội xin xăm khi người ta treo trên cây những tờ “lộc thánh” cho mọi người chọn. Một năm 365 ngày, ngày nào cũng nên sống lời Chúa. Cớ chi ngày đầu năm đi bốc tờ giấy trên cành cây rồi cả năm vin vào tờ giấy đó mà khư khư 1 ý niệm? Công giáo hay cười cợt những người mê tín, dị đoan. Tại sao mùng 3 tết lại đi làm phép những chiếc xe? Mấy ông linh mục bày ra cái trò này có quá cha mê tín không? 

Ông này về nhận xứ đập- xây. Ông kia về sau lại cũng xây- đập. Ông sau phải to hơn ông trước mới vừa lòng. Xứ này làm cây thông 5m xứ kia phải 10m. Xứ này làm hang đá 10m, xứ kia phải 20m cho hả dạ. Mỗi dịp Giáng Sinh tốn cả tỷ cho mấy vụ trang trí. Trong giáo xứ đâu đó vẫn còn gia đình chạy ăn từng bữa, con bỏ học ngang, mẹ bệnh gần chết, cha ốm không dám nhập viện. Chúa nào ngự trong những khối bê tông lạnh lẽo đó?

 

Tui là người bỏ tiền không biết tiếc. Riêng cái vụ xây nhà thờ, đền thánh, đúc tượng, đúc chuông là chỉ nhận được từ tôi cái lắc đầu lạnh lùng. Nói không xa, tui có kết bạn với một cha đang truyền giáo ở Châu Phi. Qua những thước phim, nhũng clip, những buổi livestream của Cha tui biết được cuộc sống nhọc nhằn, khó khăn của người dân Paso. Tui gửi tặng các em nhỏ hơn 1000 suất ăn không đắn đo. Tui nghĩ, có xây cái nhà thờ thiệt to, thiệt đẹp chưa chắc người dân ở xứ khắc nghiệt đó đã biết đến Chúa. Muốn những tâm hồn thơ ngây đó biết có Chúa trước hết hãy cho chúng hơi thở, năng lượng để tồn tại. Vì khi tồn tại thì mới dỏng tai mà nghe người khác rao truyền lời Chúa chứ. Đói thở không ra hơi mà ngắm nhà thờ khác gì dân Việt vùng cao ngắm tượng đài. Tui không làm được điều gì to tát, xa xôi, vĩ mô, vĩ đại. Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống, thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc. Đó, tui chỉ làm được 3 điều đó. Nhưng Cha trên trời chắc hài lòng.

 

Nhìn những trò mê tín, mê muội, u mê ám chướng của một số dân Việt rồi nhìn lại tôn giáo mình không thể không ngao ngán. Nhân ngày đồ sát cá lóc, và cũng là mùng cuối của tháng giêng Giáp Thìn cảm tác vài dòng. Ngoài nỗi ngao ngán còn là xót xa nhìn dân tộc ngày một tăm tối, vô minh.


Mai Thị Mùi

Wednesday, February 28, 2024

Cận Tử Nghiệp - Minh Lương

Kẻ Đánh Mất Quốc Thể - CHUHONGQUY

Xuất khẩu lao động (hình internet)


Năm mươi năm trước, lao động Nam Hàn sang Sài Gòn làm cửu vạn, bồi bàn.

Năm mươi năm sau, cũng người Hàn sang Việt Nam, nhưng là các chuyên gia cao cấp, nhà đầu tư tỷ đô. Dòng người ngược lại là culi Việt Nam ào ào chạy dạt đu càng sang Hàn Quốc làm nô lệ với đúng nghĩa của từ này. Không được hưởng quyền làm người tối thiểu là quyền chữa bệnh. Ốm đau không dám nằm viện vì sợ cảnh sát phát hiện lao động bất hợp pháp sẽ bị trục xuất về nước.

Trên quê hương của "người ra đi tìm đường cứu nước" Nguyễn Tất Thành, mới mấy ngày đầu năm nay đã có gần một vạn nam thanh nữ tú Nghệ An đội rét dưới mưa phùn gió Bấc để chen chúc nhau làm visa đu càng sang Hàn Quốc đi tỵ nạn lao động, làm culi trong các nông trại, nhà xưởng, hay dưới tàu cá với cuộc sống cùng cực. Mới cuối tháng trước, có người đã chết rét ở Đài Loan vì không dám bật lò sưởi khi thời tiết âm độ bởi không có tiền trả tiền điện.
Niềm tự hào Việt Nam - Quốc thể, nay còn gì?

Xin chia sẻ bài viết cũ của tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu, một người con xứ Nghệ, một bậc đại trí thức luôn đau đáu cho vận mệnh Dân tộc và quặn thắt nỗi đau vì Quê hương, Đất nước.

******

Kẻ đánh mất Quốc Thể chính là hàng chục cựu UVTƯ Đảng bị tống vào lò vì đã tàn phá tài sản nhà nước như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Hiến…


Kẻ đánh mất Quốc Thể chính là các cựu UVTƯ Đảng hàng ngày rao giảng đạo đức, hàng đêm đếm tiền tham nhũng như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…

Kẻ đánh mất Quốc Thể chính là các tướng lĩnh “thét ra lửa” lấy vỏ bọc chống tội phạm để phạm tội như Trần Việt Tân, Phan Văn Vĩnh, Bùi Văn Thành…

Kẻ đánh mất Quốc Thể chính là các quan phụ mẫu cướp đất của dân để làm giàu như Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín…

Kẻ đánh mất Quốc Thể chính là những Tư bản Cộng sản lợi dụng lỗ hổng cơ chế để biến sở hữu toàn dân thành sở hữu cá nhân như Vũ Nhôm, Út Trọc, Phạm Nhật Vũ…

Chính chúng đã đánh mất Quốc Thể. Chính chúng đã lũng đoạn quyền lực, làm khánh kiệt Quốc Gia, đẩy bao người dân vào cảnh khốn cùng phải bỏ quê hương ra nước ngoài kiếm sống.

Nhân tròn một năm (2018-2019), xin chia sẻ lại bài viết về Quốc Thể đăng ngày
29/12/2018.

___________________

Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng.

QUỐC THỂ - TRĂM ĐƯỜNG TRỐN CHẠY. CHUNG MỘT TỦI HỜN.

Chưa kịp giãi bày cuộc trốn chạy về phương Đông – nơi “Đất nước mặt trời mọc”, thì bàng hoàng nghe tin cuộc trốn chạy của 152 đồng bào đến Trung Hoa Dân Quốc.

Họ trốn chạy đến đó không phải để làm bộ trưởng, cũng không phải để làm giáo sư, giám đốc. Họ trốn chạy để làm những việc cơ cực, nặng nhọc, vì một đồng lương ngược đãi, cam chịu một thân phận rẻ rúng.

Thì vẫn biết hàng ngày hàng giờ, nhiều đồng bào phải rứt ruột bỏ quê hương mà đi. Nhưng vẫn nuốt nước mắt tự an ủi vì không nghe, không thấy. Điếc mù câm - đôi khi cũng có chút hữu dụng. Nhưng phải tự điếc, tự mù, tự câm, thì đó là khổ nạn.

CỬA ẢI NHẬP CẢNH

Bước xuống phi trường Kansai, dẫu có Visa nhập cảnh, đã chụp ảnh, lăn tay, photocopy hộ chiếu, người Việt Nam vẫn phải qua một cuộc sát hạch tại trạm xuất nhập cảnh. Người có hộ chiếu nhiều lần xuất nhập cảnh, đặc biệt là Visa vào Nhật Bản và các nước Âu Mỹ, biết khá tiếng Anh thì cuộc sát hạch nhanh chóng kết thúc. Ngược lại là chuỗi dài những câu hỏi.

Ngay cả những doanh nhân, có tiền, đến để làm việc, hay tham quan, mà xuất ngoại ít, yếu tiếng Anh, đều bị phỏng vấn dài. Trước khi cho qua, cảnh sát biên phòng còn dặn dò, đừng làm điều gì để ảnh hưởng đến người Nhật viết thư mời xin Visa.
Không phải họ lo cho mình. Mà họ lo cho chính đồng bào của họ. Tính cách Nhật đã tỏa sáng ngay từ biên giới nước Nhật.

Chạnh lòng, tìm hiểu nguyên nhân, thì biết rằng trước đó đã có người Việt bỏ trốn. Vừa đến “ Đất nước mặt trời mọc” mà mặt trời đã lặn trong tâm. Ngoài trời thì mới bình minh, mà trong lòng thì đã hoàng hôn.

HỌC KHÔNG XUỂ

Muốn đánh giá đời sống và nhịp sống của một nước, hãy đến ga tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm ở Tokyo có hơn 300 ga. Tàu đi đúng từng giây. Phục vụ ở ga tàu điện ngầm khá nhiều người đứng tuổi. Những dòng người hối hả xuôi ngược liên tục cho đến đêm khuya. Hàng triệu người đi lại mà nhà ga và trên tàu sạch bong. Người Nhật không để lại thứ gì nơi mình ngồi. Tất cả được gói gém trong túi nilon mang theo người khi rời khỏi chỗ. Điều mà ngay cả ở trên máy bay ở Việt Nam cũng chưa làm được.

Những tòa nhà cao tầng xây nhiều chục năm vẫn đẹp. Trong khi khu vực mới của Hà Nội ở đường Phạm Hùng không tìm thấy được một tòa nhà bắt mắt. Để thấy sự cách biệt không bắt kịp, ngoài tự sướng bằng những sáo từ.

Người Nhật không nói đến Công Nghiệp 4.0, mà đâu đâu cũng ngập tràn công nghệ. Ngay cả trên đồng ruộng vùng nông thôn bao la cũng đan chen những “cánh đồng” pin mặt trời. Sự sáng tạo có mặt khắp mọi nơi. Không phải chỉ ở trong các phòng sáng chế của các tập đoàn lớn. Không chỉ ở các trường đại học và các viện nghiên cứu. Mà từ người làm bánh đến người trồng rau, người Nhật không ngừng sáng chế. Ở đâu, sản phẩm của người Nhật cũng không ngừng được hoàn thiện.

kẻ bại chiến, thế mà người Nhật đã trở thành đối thủ của bất cứ cường quốc nào.
Tính kỷ luật của người Nhật cũng không kém tính nguyên tắc của người Đức. Có khác chăng là ở hình thức thể hiện.

Đến bố mẹ mà còn không trung lập được với con cái, còn cảm tình người con này, ưu tiên người con kia. Thì đối với người dưng làm sao mà trung lập như nhau? Làm sao mà chúng ta có thể không có bạn bè, người thân, đứng một mình trong một thế giới biến động không ngừng?

Người Nhật luôn tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm bạn bè, tìm kiếm đồng minh. Họ tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh ở cả nước giàu lẫn nước nghèo, ở cả nước lớn lẫn nước bé, bao gồm cả nước mạnh lẫn nước yếu. Người Nhật là bậc thầy về tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh. Vì thế mà họ đã hùng cường lại còn hùng cường hơn.

Người Nhật chu đáo với khách, nhưng càng rất chu đáo với chính người Nhật. Không ai nói ra, càng không hô khẩu hiệu, nhưng máu giống nòi mãnh liệt cuộn chảy trong máu mỗi người Nhật.

Chữ Nhật nhiều chữ giống Trung Quốc. Nhiều nơi người Nhật đề cả tiếng Anh lẫn tiếngTrung Quốc. Có khá nhiều người Trung Quốc. Nhưng những người Trung Quốc ở Nhật đã cam chịu tính cách Nhật. Không lỗ mãng nghênh ngang, ồn ào, bẩn, trắng trợn đòi trả Nhân Dân Tệ như ở Đà Nẵng hay Nha Trang. Người Trung Quốc ở Nhật đã nhập gia tùy tục, nép mình trong khuôn mẫu của pháp luật và luân lý Nhật.

Đi đến đâu cũng thấy phải học. Học không xuể.

TRĂM ĐƯỜNG TRỐN CHẠY. CHUNG MỘT TỦI HỜN.

Trong chiến tranh, chúng ta có dòng người trốn chạy. Hòa bình vẫn tiếp tục trốn chạy.
Đến bây giờ vẫn không ngừng trốn chạy.

Trong chiến tranh, dòng người trốn chạy chủ yếu là do chính trị. Thì nay, không chỉ vì chính trị, mà còn những nguyên do khác.

Kẻ có tiền trốn chạy bằng thẻ xanh.

Kẻ ít tiền trốn chạy để bán sức lao động.

Kẻ vay tiền trốn chạy bằng mạo hiểm sinh mạng.

Kẻ trốn chạy cầu mong tình duyên.

Kẻ trốn chạy kiếp đời nô lệ tình dục.

Kẻ trốn chạy bán cả giọt máu đào nòi giống.

Kẻ trốn chạy bị cướp đi nội tạng.

Kẻ trốn chạy để tìm cơ hội hợp tác.

Kẻ trốn chạy để tìm kiếm kiến thức.

Kẻ trốn chạy vì đời sống an toàn…

Trăm đường trốn chạy.
Chung một tủi hờn.
 
BAO GIỜ THÌ ĐỒNG BÀO THÔI KHỎI PHẢI TRỐN CHẠY?

Khi mà xuất khẩu lao động còn là chỉ tiêu góp phần tăng GDP và ngoại tệ cho Chính phủ, thì chừng đó đồng bào còn mãi phải trốn chạy.

TRỐN CHẠY VỀ ĐÂU?

Trốn chạy về phương Tây.

Trốn chạy về phương Đông.

Nếu có thể, đã trốn chạy lên sao Kim, sao Hỏa.

QUỐC THỂ? TẠI SAO LẠI PHẢI TRỐN CHẠY?
Một Dân Tộc đã vượt qua những năm dài chiến tranh khốc liệt thì không thể không vượt qua được những khó khăn mưu sinh. Cái gốc, với nhiều người trốn chạy, là do môi trường mưu sinh chưa tốt, chưa tốt đến nỗi phải thúc ép họ đi tìm môi trường mưu sinh ở xứ người.

Từ đó để thấy được, cải thiện môi trường mưu sinh là cực kỳ quan trọng và cấp bách. Đừng tự ru ngủ bằng những bình chọn mơ hồ “thành phố đáng sống”, “đất nước đáng sống”, “con hổ”, “con rồng” - trong khi hàng ngàn đồng bào phải kéo nhau vượt biên xa xứ.

Chúng ta vui mừng vì lần đầu tiên tăng trưởng GDP vượt 7%. Chúng ta vui mừng vì GDP đạt 245 tỷ USD. Những điều đó không sai.

Nhưng một đất nước 95 triệu dân mà đạt GDP chỉ có 245 tỷ USD, trong khi Singapore chỉ có dân số 5 triệu 638 ngàn 700 người lại có GDP là 349 tỷ 659 triệu USD. Quốc thể chúng ta ở đâu?

Trong cuộc trốn chạy của hàng chục ngàn đồng bào có lỗi của mỗi chúng ta. Chúng ta đã không chung tay để thay đổi môi trường sống về hướng tốt hơn. Chúng ta cam chịu một môi trường sống ngày càng thêm ô nhiễm.

Môi trường mưu sinh trùm chứa nhiều bình diện của một kiếp người, không đơn thuần chỉ là miếng ăn, kiếm sống.

Nhìn đồng bào của mình bị còng tay dắt đi trong con mắt khinh rẻ của người, một nỗi xót thương quặn thắt trào dâng nghẹn họng. Cũng là cùng kiếp người, sao thân phận đồng bào mình bị đẩy trôi đến lớp đáy của xứ người? Ai đã buộc họ đến nông nỗi này?

Nhớ lại đoạn phim thời sự.Tổng thống Kennedy đã bỏ họp ra khỏi phòng khi nhìn thấy cảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ông tự nói rằng, bên đó chính quyền phải làm những điều gì đó mới đẩy nhà sư đến hoàn cảnh tự thiêu như thế này.

Khi người Đông Đức vượt tường Berlin sang Tây Berlin bị phơi xác trên tường, nghĩa là có điều gì ở Đông Đức buộc họ phải mạo hiểm tính mạng sang Tây Đức.

Khi người Duy Ngô Nhĩ phải trốn sang Móng Cái để đến nước thứ ba, nghĩa là chính quyền Trung Quốc đã làm điều gì đó ở Tân Cương buộc họ phải rời bỏ quê hương.

Người có tầm nhìn là thấy nguyên nhân qua hiện tượng. Người Đài Loan và thế giới sẽ hỏi tại sao người Việt Nam phải vay mượn, bán tài sản để trốn sang Đài Loan làm những việc cặn đáy? Người đánh mất quốc thể không phải là những người bỏ trốn!

chính chúng ta mới là người đánh mất quốc thể. Chính chúng ta, những kẻ có tiền, có quyền, có chữ - những kẻ uống chai rượu mười tấn thóc, đi chiếc xe trăm con trâu, lại may cho người dân chiếc áo quốc thể mạng nhện, chưa khoác đã tan biến trong gió mưa đói rét.

Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng.

Không yêu tư tưởng nào cả. Không yêu chủ nghĩa nào cả. Hãy yêu lấy đồng bào của mình.
Hãy yêu lấy giống nòi của mình. Chỉ khi người cầm quyền biết thở không khí của nhiều kiếp phận, không thở không khí của phòng họp nhiều ngàn tỷ, thì dòng người trốn chạy tất sẽ tự dừng, chiếc áo quốc thể tự nhiên sẽ chói sáng. 


CHUHONGQUY
(TS. Nguyễn Ngọc Chu đăng ngày 29/12/2018)

Xanh Màu Áo Trận - Đỗ Công Luận

Bs Phạm Hiếu Liêm Và Rachel Vừa Hát Vừa Nhảy Đầm

Tuesday, February 27, 2024

Nợ Còn Vương - Phương Hoa

 

Tôi bấm chuông và đứng đợi. Mùi hương thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi chú ý đến mấy khóm hồng dọc hai bên lối vào. Những cụm hồng nhung đủ màu mới vài ngày trước còn đẹp rực rỡ, vậy mà giờ đây đã xuống sắc, cánh hoa rơi tan tác vương vãi khắp nơi. Tôi nhìn lên tấm bảng nhà dưỡng lão (Residential Care Home) và bỗng thấy lòng chùng xuống. Bên trong cánh cửa này, có bao cuộc đời từng một thời tung hoành ngang dọc, nhưng nay họ đều đang thập thò bước thấp bước cao đi vào đoạn cuối đời, cho dù có an phận sẵn sàng hay vẫn còn luyến tiếc.

Cửa mở, tôi bước vào và nghiêng mình làm một điệu bộ vui với các cụ già đã được nhân viên đưa ra ngồi sẵn quanh phòng thể dục chờ tôi:

– Chào mọi người. Chúng ta bắt đầu nhé!

“Lính” của tôi có mười lăm người tất cả, họ đều tuổi cao và không ai thực sự khỏe mạnh. Ông Don vừa thay van tim; bà Shara được ráp đầu gối; cụ Bob bắt đầu giai đoạn một của bệnh lẫn; ông Thomas ngồi xe lăn, ngoẹo cổ chảy nước dãi ướt đẫm chiếc khăn quàng, và nhiều người khác nữa. Chỉ có một người Việt độc nhất trong viện dưỡng lão này, là ông Tam Nguyen. Ông Tam khoảng chừng bảy mươi, tướng dữ dằn với hàm râu quai nón giống nhà độc tài Fidel Castro. Ông cũng từng bị tai biến, đi đứng hơi khập khiễng phải dùng chiếc ghế đẩy (walker).

Mỗi tuần tôi đến đây ba lần, vào buổi chiều sau khi đi làm về. Trong giờ đầu, tôi tập các cụ thực hành những bài thể dục đặc biệt dành cho người cao niên để giúp máu huyết lưu thông. Một tiếng đồng hồ còn lại, tôi đọc sách báo, kể chuyện phim, ra những câu đố, hoặc hỏi chuyện xưa, nghề nghiệp cũ, giúp họ vận dụng trí óc. Tất cả thành viên trong viện dưỡng lão đều trò chuyện thân thiện với tôi, trừ ông Tam. Ông có vẻ rất cô đơn, tâm trạng xem ra bất thường. Lúc nào trên mặt cũng hiện vẻ khó chịu kiểu “hận đời,” dù ông không làm phiền ai. Nghe nói người con trai độc nhất đưa ông vào đây cả năm nhưng đến thăm có vài lần, mỗi lần vài chục phút. Điều kỳ lạ là, ông nói tiếng Anh cả với tôi chứ không thèm dùng tiếng Việt.

 

Thấy ông Tam sống lẻ loi trong cái cộng đồng toàn Mỹ nên thỉnh thoảng tôi đem đến cho ông và cụ Bob cùng phòng vài món ăn do tôi làm. Khi thì ít cuốn chả giò, lúc đĩa bánh ướt cuộn tôm thịt. Lần nào ông cũng chỉ nói “Thank you,” ăn mà chẳng hề có một lời khen chê, trong khi ông Bob trầm trồ liền miệng. Tôi thường tìm cách trò chuyện dù ông ít khi trả lời, và sự kiên nhẫn của tôi rồi cũng kết quả. Có lần ông đã mở lòng thố lộ với tôi, vẫn bằng tiếng Anh, về ông.

Ông Tam vượt biển và đến Mỹ định cư năm 1979. Đi học rồi ra làm việc cho Bưu Điện Mỹ mấy chục năm, mới về hưu vài năm nay. Khi tôi hỏi sao chẳng thấy con trai ông đến thăm, ông trả lời lơ đãng, không biểu lộ chút cảm xúc nào, như đang nói chuyện của người khác:

– Thằng Trí thường đi làm xa. Vợ nó vẫn ở trong nhà tôi, nhưng không muốn gặp tôi.

Sau đó già Tam lại thu mình vào vỏ như con ốc, những gì tôi biết về ông chỉ có vậy. Mọi người đang tập bỗng có tiếng bấm chuông. Nhân viên bận nên tôi ra mở cửa, và thật bất ngờ thấy một người Việt Nam đến tìm ông Tam. Đây là lần đầu tiên có người đến thăm Già Tam “Con bà Phước” nên tôi rất mừng, vội đưa ông ta vào. Ông Tam ngạc nhiên nhìn người khách đến sững sờ, bàn tay ông run run giữ chặt thành ghế.

– Ông thầy! Sao mà lại ra nông nỗi? Người khách nói như muốn khóc, liếc nhìn cái ghế có bánh xe, rồi ngồi xuống ôm chầm lấy ông Tam. – Kỵ đây nè! Anh không nhận ra em sao?

Ông Tam cũng kêu lên giọng nghẹn ngào, lần đầu tiên tôi thấy ông để lộ cảm xúc:

– Trời ơi! Kỵ! Chú mày làm thế nào mà tìm ra anh ở đây?

Tôi kêu ông Tam đưa bạn vào phòng chuyện trò cho thoải mái. Hơn một giờ sau ông khách ra về. Đến cửa ông ta dừng lại vẫy chào tôi, miệng mỉm cười nhưng đôi mắt ông trông buồn vô kể. Xong việc, tôi giúp đưa cụ Bob trở về phòng với ông Tam để họ nghỉ ngơi một chút trước khi dùng cơm chiều. Tôi đang loay hoay đỡ cụ lên giường, cụ bỗng nhìn qua bên cạnh hỏi:

– “What’s wrong, Tam?” Có việc gì thế Tam?

Tôi quay sang giường ông Tam, và bỗng giật mình. Già Tam đang nằm xụi lơ như không còn sức sống. Hai tay ông ôm đầu, đôi mắt đỏ ngầu nhìn trừng trừng lên trần nhà long lanh ngấn lệ. Miệng ông mím chặt làm bộ râu quai nón lởm chởm lên như đám rễ tre.

– Bác Tam! Tôi kêu lên và bước lại. – Bác làm sao vậy? Có phải bị đau đầu không? Bác có cần lấy thuốc hay kêu y tá đến giúp? Thấy hỏi một hơi ông Tam chỉ lắc đầu không đáp cũng chẳng nhìn, tôi bèn ngồi lên mép giường, gỡ tay ông ra rồi giữ lấy đôi tay đang run bần bật trong tay tôi, và dùng tay kia xoa xoa lên trán ông: – Để cháu massage cho bác, bác sẽ cảm thấy dễ chịu ngay. Hình như người quen của bác đã mang đến tin tức gì chẳng lành, đúng hôn? Tôi hỏi.

–Cháu thấy ông ấy đi ra với vẻ mặt buồn ghê lắm!

Ông cụ trước giờ luôn tỏ ra lạnh lùng kiêu ngạo bỗng nấc lên, nước mắt chảy dài, rơi lấm tấm trên đám râu xồm muối tiêu trông như những giọt sương mai trên cỏ. Tôi vỗ vỗ vào tay ông:

– “It’s okay”! Bác khóc được là tốt, chuyện buồn gì rồi cũng sẽ…

– Không phải chuyện buồn! Già Tam bất ngờ lên tiếng cắt ngang lời tôi, và vẫn nhìn lên trần nhà. Tôi tròn mắt. Đó là lần đầu tiên từ khi tôi vô làm ở đây ông nói tiếng Việt. Không phải chuyện buồn, chẳng lẽ chuyện vui, sao ông lại đau lòng đến thế. Bỗng ông rụt tay về ôm lấy đầu, lẩm bẩm như nói với chính mình: – Tôi thật đáng chết! Bà ấy… Bà ấy… Luyến của tôi! Trời ơi!

– “Bà ấy” là ai vậy? Tôi dỗ dành ông, cũng bằng tiếng Việt: – Bác có thể chia sẻ với cháu được không? Để trong lòng và tự dằn vặt mình sẽ hại cho tim của bác lắm. Bác từng bị bệnh mà!

Già Tam mím chặt môi, có vẻ như cố dằn lòng không muốn nói. Nhưng sau một lúc ông chẳng cầm cự được trước ánh mắt lo lắng chân tình của tôi. Chống tay ngồi dậy, ông đưa tay áo quệt nhanh qua khuôn mặt đầy nước mắt. Và rồi bằng một giọng nghẹn ngào ông bắt đầu kể tôi nghe về chuyện của ông, của người vợ mà ông từng hết lòng yêu thương và cũng đã hận thù trong mấy chục năm qua, giữa tiếng ngáy rào rào vô tư của cụ Bob ở giường bên cạnh.

Trước kia Tâm là một sĩ quan, binh chủng Biệt Động Quân oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chàng Trung úy mũ nâu yêu và cưới Vi Luyến một nữ sinh xinh đẹp, người thôn Thành học ở Nha Trang. Năm 75 khi Trí đứa con trai của họ được gần hai tuổi thì tai họa ập đến. Nước mất nhà tan, Tâm bị bắt đi tù. Luyến và thằng Trí cùng mẹ anh bị đuổi đi kinh tế mới trên miền núi. Cuộc sống rẫy rừng bữa rau bữa cháo không đủ nuôi ba miệng ăn. Luyến bán dần từ nữ trang đến nhẫn cưới, và bất cứ thứ gì trong nhà để mua thực phẩm thuốc men đi thăm chồng. Nhưng sau một thời gian, Tâm chẳng còn ai thăm nuôi mà tin tức của vợ cũng bặt luôn.

Lâu ngày, từ những thân nhân của bạn tù Tâm nghe được, Luyến đã qua lại với một gã cán bộ phường, có thai với hắn, nên mẹ Tâm bắt lại thằng cháu và đuổi cô đi. Lòng Tâm tràn ngập hận thù và đau đớn. Mấy lần anh định trốn trại vượt ngục về tẩn cho đôi gian phu dâm phụ một trận rồi ra sao thì ra. Mẹ anh phần lớn tuổi lại bị đau khớp, phần phải vật vã nuôi thằng cháu nhỏ, bà không có khả năng thăm nuôi con trai. Anh bơ vơ, đói khát, còn bị hành hạ trong tù, lâu thật lâu mới có người bà con xa nào đó gửi cho mấy viên ký ninh, vài tán đường, hay gói muối sả. Dù vậy cũng tạm để Tâm tồn tại, cố gắng sống chờ ngày gặp lại mẹ và con trai.

Ba năm sau Tâm được thả. Anh lê tấm thân còm cõi về nhà. Mối hận càng tăng khi nghe mẹ già kể chuyện.  Bà đuổi Luyến đi được vài tháng thì ngôi nhà của bà nửa đêm bốc cháy. Bà và hàng xóm nghi ngờ tay người tình của Luyến phóng hỏa, vì bà đã sỉ vả Luyến và cả hắn ta, một cách quá lộ liễu.

Thật may đêm đó có một người đi đường liều mình nhảy vào ngọn lửa cứu bé Trí và bà. Trí chỉ bị phỏng nhẹ, còn bà ngất xỉu vì ngộp khói phải đưa vào trạm xá. Hàng xóm chạy đến tận tình chữa cháy, nhưng nhà bà ở rẫy cách nhau xa nên chữa không kịp, bị cháy hết một phần.

Mấy tháng sau khi nhà cháy, có người tên Kỵ tìm đến. Anh từng là Hạ Sĩ dưới quyền của Tâm trước đây, đem giúp bà tiền mua mấy tấm phên sửa lại nhà. Lâu lâu Kỵ còn đem cho bà chút đỉnh tiền, dăm gói mì tôm, ký đường, để cho thằng Trí còi cọc có thêm chút chất bổ. Tâm nghe nói cảm động lắm. Anh nhớ nhà Kỵ làm biển, ở gần cầu Xóm Bóng Nha Trang, nên muốn xuống tìm để cám ơn. Nhưng mới ở tù về, anh sợ Kỵ bị liên lụy nên chưa dám. Tâm bắt đầu cuộc sống “tự do” bằng cách sáng sáng mang gói sắn mì luộc lên rừng phát rẫy, chiều về trên gánh củi là những bó lá lang, cải làn, rau đắng. Mồ hôi đổ xuống từng ngày, anh vẫn chẳng bao giờ đủ tiền mua cho thằng Trí cái áo cho lành. Ở chốn rừng núi muỗi mòng, mà thằng bé chỉ có độc cái quần đùi và chiếc áo lá vá đụp vá chùm được bà nội cắt may từ hai ống quần rách của Tâm. Mỗi khi đêm về, anh nằm cạnh nhìn đứa con mất mẹ ốm trơ xương mà lòng đau như cắt. Càng nghĩ anh càng giận người vợ bạc tình.

– Tôi sống vật vã với lòng thù hận như thế, cho đến một ngày tôi có điều kiện vượt biên.

Già Tâm nói tới đây bỗng dừng lại. Dưới ánh đèn phòng, mắt ông hiện lên vẻ đau khổ tột cùng.

– Bác ở tận miền núi, lại không tiền, làm cách nào bác kiếm được mối? Tôi nôn nóng hỏi.

– Là Kỵ, thằng đàn em hồi nãy. Ông nói, giọng sụt sịt nước mắt nước mũi. – Một buổi tối Kỵ chạy Honda lên vùng kinh tế mới nói với tôi, có người quen tổ chức vượt biên chừa cho nó hai chỗ, nhưng nó nhường, để tôi và thằng con đi miễn phí. Nhà nó có ghe sẽ đi sau.

– Wow! Ông Kỵ tốt quá! Tôi trầm trồ. – Người lính cũ của bác thật là giàu tình nghĩa!

Già Tam lắc đầu, đạp mạnh hai bàn chân xuống nệm: – Không phải! Nói xong ông tự tát vào mặt mình bôm bốp: – Tôi mới là thằng khốn kiếp!

Tôi hết hồn chụp tay ông lại, dù lòng hoang mang nhưng không dám hỏi nữa. Ông cụ bỗng úp mặt xuống đầu gối, và cất lên giọng nói nghe thê thiết như vọng về từ cõi âm ty:

– Tôi thật đáng chết! Mấy chục năm nay tôi không ngừng oán giận Luyến và nhớ ơn Kỵ. Không biết làm sao tìm gặp nó để đền đáp. Nhưng lúc nãy Kỵ cho biết một sự thật, mà dù tôi có chết trăm lần cũng không đủ đền tội lỗi của mình! Ngày đó dù bị mẹ tôi tàn nhẫn bắt con và đuổi đi, Luyến vẫn chạy vạy kiếm tiền lâu lâu gửi ít đồ ăn cho tôi bằng tên người khác. Cô còn đi tìm Kỵ, nhờ thay mặt đưa dùm tiền bạc, thức ăn để mẹ tôi sửa nhà và nuôi thằng Trí. Sau này Luyến còn bán căn nhà nhỏ mẹ cô ấy qua đời để lại, đưa vàng nhờ Kỵ lo cho hai cha con tôi ra đi.

Luyến bắt Kỵ phải thề không cho tôi biết, vì cô nghĩ mình không còn xứng đáng với chồng con.

– Trời ơi! Tôi kêu lên. – Không thể nào tin được thế giới này còn có người như bác gái!

Già Tam nghe thế thì ngẩng đầu lên vật vã thở, như là sắp ngất. Nhưng rồi ông nói tiếp, phát ra từng lời khó khăn như đang bị ai chẹn họng: – Đau đớn lắm! Cô ấy phải lăn lóc bám theo bọn tài xế đường dài đi buôn ra Bắc. Mỗi lần bị lũ thuế vụ hốt hết hàng, mất vốn, cô lại trở về lảng vảng gần bên, để dòm chừng thằng Trí. Nên trong cái đêm cháy nhà, cô ấy đã kịp thời cứu thằng con và mẹ tôi, rồi bỏ đi trước khi người ta tới. Việc đó làm cổ bị sẩy thai, cái kết quả một lần bị thằng khốn bức hiếp khi nhờ nó ký giấy thăm nuôi tôi. Ông lại nấc lên: – Luyến bị phỏng một bên mặt và một bàn tay, nhưng không tiền chữa trị kỹ càng nên đã để lại sẹo đến giờ.

Thấy ông mệt lã, tôi đi rót ly nước, cũng để cầm lòng cho khỏi khóc theo ông. Ông bưng ly lên uống một hơi, nuốt xuống sự nghẹn ngào rồi kể tiếp. Lúc biết tin chồng con ra đi trót lọt, bà về quê buôn bán kiếm sống. Sau bà trở lại thì mẹ chồng đã bán cái nhà ấy và dọn đi. Dò hỏi mãi cũng không ra, bà mất luôn tin tức hai cha con, nên theo người ta vô Sài Gòn tìm việc làm. Bà đã làm đủ thứ nghề, sau cùng là bán vé số, và với hy vọng mỏng manh, bà rảo tìm hỏi thăm những Việt Kiều về nước. Mãi đến năm ngoái tình cờ bà gặp lại Kỵ ở Sài Gòn. Nhờ bàn tay với cái mặt sẹo mà ông Kỵ nhận ra bà, và được nghe kể lại thêm nhiều chi tiết nữa. Về Mỹ Kỵ đi tìm ông Tam suốt cả năm qua. Kể đến đây ông già rên rỉ:

– Phải chi mẹ tôi còn sống để biết được chuyện này! Ngày đó bà vô cùng ghét Luyến.

– Tội nghiệp bác gái quá! Tôi nói. – Nhưng giờ biết được tin tức bác ấy là mừng rồi, trễ còn hơn không bác ạ! Tôi chồm tới ôm ông cụ: – Chúc mừng bác! Tuy an ủi già Tam, nhưng tiếng nức nở của ông bên tai làm cho tôi cũng phải rơi nước mắt.

Sau lần đó, ông Kỵ trở lại nhiều lần nữa giúp làm thủ tục bảo lãnh cho vợ già Tam, vì ông giận cô dâu nên không nhờ đến con trai. Ông Tam lúc này không còn cau có như xưa mà trở nên thật cởi mở. Ông gọi Việt Nam liên tục, cho tôi xem tấm hình bà vợ có cái sẹo bên má mà ông nâng niu bên mình. Khi có tin bà Luyến đậu phỏng vấn, ông Tam hớn hở khoe với bạn trong nhà dưỡng lão. Mọi việc đâu đó sẵn sàng, một tuần nữa thôi, ông sẽ đi phi trường đón vợ.

Chiều thứ Sáu trước ngày đón bà Luyến, tôi đi làm ra lái xe đến viện dưỡng lão như thường lệ. Lòng thầm nghĩ hôm nay tôi sẽ chọc già Tam, chắc mấy đêm rồi ông mất ngủ.

– Ông Tam đang được cấp cứu trong bệnh viện vì bị “Heart attack”! Người quản lý nói khi vừa thấy tôi. – Hôm qua con dâu ông ấy đến và họ nói chuyện gì không biết. Chúng tôi nghe có tiếng cãi vã trong phòng, và khi cô ta về thì ông ấy ngã lăn ra. Chúng tôi phải gọi 911.

Tôi lật đật gọi cho ông Kỵ. Thì ra khi nghe mẹ chồng sắp qua Mỹ, cô dâu của già Tam đến ép ông ký giấy để cô làm thủ tục bán ngôi nhà hiện tại trị giá bạc triệu, do ông mua khi còn đi làm Bưu Điện. Giờ tôi mới biết rõ hơn lý do ông Tam và cô con dâu không hạp. Cô ta là con một cán bộ gộc bên Việt Nam qua du học Mỹ, nên lúc đầu ông đã chống đối cuộc hôn nhân này.

Hôm đó cãi nhau với cô ta, già Tam giận quá nên bị ngất xỉu. Ông Kỵ còn cho tôi biết, dù ông Tam đã được mổ và thay van tim thành công, bác sĩ nói chuyện tỉnh lại hay không phải nhờ vào ý chí của ông ấy, vì đây là bệnh cũ tái phát sau cú sốc quá nặng.

Ngày Chúa Nhật, tôi đến bệnh viện thăm già Tam. Ông tái xanh nằm bất động trong phòng chăm sóc đặc biệt. Máy móc, dây nhợ được gắn chằng chịt khắp người. Ông Kỵ và Trí con trai ông Tam cũng có mặt. Trí có vẻ rất lo lắng, đi tới đi lui mắt không rời khỏi cha già. Tôi đứng lặng nhìn người đàn bà chân quê, nhưng gọn ghẽ trong áo bà ba tím quần đen, tóc búi cao, khom người quỳ bên giường bệnh. Bàn tay đầy sẹo của bà ôm lấy bàn tay thâm tím đầy dây nhợ của già Tam, áp lên trên gò má có cái sẹo to đầy nước mắt của bà. Tôi thấy mắt mình cay cay.

Cúi người xuống, tôi nói vào tai già Tam:

– Bác Tâm ơi cố lên! Bác không được bỏ đi, mà phải sống để còn lo cho bác gái. Từ nay bác ấy chỉ có mỗi mình bác ở trên đất Mỹ này, bác nhất định phải trở về với bác ấy!

Bà Luyến nghe tôi nói thì khóc nức lên, làm y tá chạy lại đuổi hết mọi người ra ngoài.

Một tuần sau ngày mổ tim, như có phép màu làm cả nhóm bác sĩ Mỹ đều kinh ngạc, ông Tam đã tỉnh lại khỏe khoắn như người bình thường. Theo các bác sĩ, trường hợp của ông việc tỉnh lại đã là kỳ tích, tỉnh lại mà còn mạnh mẽ như thế là điều “không tin nổi.” Ai cũng nói, chắc có lẽ ông biết mình còn món nợ quá lớn đối với người vợ đáng thương, nên không thể ra đi.

Già Tam xuất viện ba tuần sau đó, trở về viện dưỡng lão để y tá theo dõi một thời gian. Trí con ông giận cô vợ quá quắt và cảm thấy có lỗi nên kiếm chỗ dọn đi giao nhà lại cho cha mẹ.

Trong lần cuối già Tam tập thể dục trước khi dọn về nhà, tôi làm một khay chả giò đem đãi hết mọi người trong viện dưỡng lão để chia tay ông. Bà Luyến và cựu Hạ sĩ Kỵ cũng có mặt.

“Cụ Biệt Động Quân” Tâm bữa nay không còn làm “mặt ngầu” nữa. Ông nói tiếng Việt, xong dịch sang tiếng Anh cho những người bạn Mỹ nghe, thỉnh thoảng còn đùa vài câu duyên dáng.  Điều kỳ diệu là, ông bước đi tỉnh bơ chẳng cần đến walker khi có bà vợ đi kề bên.

Sau đó bà Luyến kể tôi nghe thật nhiều về những gì bà trải qua trong mấy chục năm sống lăn lóc ở đất Sài Gòn. Đi lượm rác, ve chai, gánh nước mướn, và nghề sau cùng, lâu nhất, là bán vé số.  Nhờ nghề này bà mới tìm được tin tức của ông Tâm. Dù trăm bề vất vả, đói khát, hiểm nguy…, bà luôn cầu nguyện để đủ can đảm sống tiếp, và vẫn hy vọng có ngày sẽ biết được tin tức ông Tâm và thằng Trí.

– Cuối cùng Bề Trên cũng đã nghe thấy lời cầu xin của tôi, gặp lại được thằng con và ông ấy là mãn nguyện lắm rồi, sự cơ cực mấy chục năm qua đối với tôi không là gì cả!

Bà Luyến nói. Nước mắt hạnh phúc ngân ngấn trong đôi mắt vẫn còn long lanh của người đàn bà đã quá lục tuần. Tôi bỗng thấy bà đẹp vô cùng, cho dù với vết sẹo dài trên gò má.


Phương Hoa