Văn Sinh là một cựu sinh viên Văn Khoa thiên về Triết Đông cho nên
tính khí cũng có hơi bất thường. Bất thường ở đây không có nghĩa là “mát
dây” mà ưa suy nghĩ về những gì con người không suy nghĩ hoặc những gì
mà cả xã hội cho rằng “Ôi dào! Đời là thế, suy nghĩ làm gì cho mệt!”
Vào ngày 29- 4- 1975 khi còn đang chạy đôn chạy đáo tại Bến Bạch Đằng
giữa cơn hoảng loạn cực độ của Sài Gòn thì may đâu gặp một ông bạn
thiếu úy hải quân, thấy Văn Sinh còn đang ngơ ngác như con nai vàng, bèn
quát “Giờ này mà mày còn ở đây, điếc không sợ súng hả?” Thế là Văn Sinh
hối hả phóng lên tàu, theo dòng người di tản tiến ra Biển Đông.
Sau khi định cư vào Mỹ, hai năm vật lộn với tiếng Anh qua chương
trình ESL (1), sau đó học bốn năm đại học rồi cũng lấy được bằng kỹ sư
điện tử, đời sống tương đối ổn định.
Vì tính khí bất thường cho nên Văn Sinh ưa suy nghĩ về những gì vẩn
vơ chẳng hạn như vấn đề thành thực của con người. Câu hỏi “lớn” mà chàng
đặt ra là tại sao con người không bao giờ thành thực với nhau mà toàn
là những điều giả dối. Giả dối trong cách sống, trong lời ăn tiếng nói
đã đành mà còn giả dối ngay cả trong tiếng khóc tiếng cười nữa. Nhớ lại
thời thơ ấu Văn Sinh cũng không khỏi bực bội cả với bố mẹ mình. Có một
lần ông cụ bà cụ dẫn Văn Sinh đi ăn cơm tại một nhà của bà bạn. Suốt bữa
cơm bà cụ cứ khen nức nở, nào là “Anh chị nấu cơm khéo quá! “ Thế nhưng
khi về nhà thì cũng chính cụ lại phàn nàn “Canh thì mặn chát. Bún thì
khô. Chả thì ướp chưa đậm đà và nướng cháy khét!” Lúc đó vì còn bé cho
nên chàng không hiểu gì cả. Thế nhưng bây giờ thì chàng thắc mắc tự hỏi
tại sao lúc đó bà cụ không nói thẳng cho chủ nhà biết để lần sau họ rút
kinh nghiệm nấu ăn khá hơn? Còn chuyện bà chị nữa. Có một lần người bạn
trai mời chị đi chơi. Không hiểu vì lý do gì mà chị trả lời là chị mắc
bận cho nên không đi được. Thế nhưng cũng tối hôm đó khi tâm sự với mấy
đứa em, chị nói muốn đi lắm nhưng sợ xấu hổ cho nên trả lời là bận. Văn
Sinh tức quá nói “Tại sao chị không nói thẳng cho anh ấy biết là chị
muốn đi với anh nhưng mắc cở. Chị trả lời như thế làm anh ấy tưởng rằng
chị không “thương” anh ấy khiến câu chuyện có thể đi vào đổ vỡ. Tại sao
chị không nói thẳng ý nghĩ của mình?”
Còn chuyện cộng đồng ở đây nữa. Người ta khen nhau giả dối, “mặc áo
thụng vái nhau” quá nhiều, nhất là các buổi ra mắt sách. Trên sân khấu
ông giới thiệu đang hăng hái ca ngợi ông bà tác giả: Đây là một tác phẩm
có giá trị nhất. Thơ của bà đây có thể sánh ngang với các thi hào trên
thế giới. Truyện ngắn của ông đây là những truyện ngắn hay nhất tại hải
ngoại mà tôi đọc được. Không hiểu ông giới thiệu này đã đọc hết mấy ngàn
truyện ngắn xuất bản ở hải ngoại chưa mà kết luận như vậy? Còn bên dưới
thì khán giả vỗ tay vang dội. Thế nhưng sau khi về nhà, đọc sơ qua vài
trang người ta quẳng cuốn sách vào sọt rác rồi làu bàu “Văn thơ dở ẹc
như thế mà cũng đòi viết!” Thế là Văn Sinh lại thắc mắc tự hỏi tại sao
người ta không can đảm nói ra sự thực? Cứ cái kiểu khen bừa bãi, vuốt
đuôi như thế này, các ông bà tác giả nói trên tưởng mình viết văn hay,
làm thơ giỏi, lại cho ra thêm dăm ba cuốn sách nữa có phải làm khổ thiên
hạ không?
Rồi ngoài xã hội biết bao kẻ “tội lỗi đầy mình” hoặc phi đạo đức thế
mà khi gặp nhau, vì sợ đụng chạm, sợ thù oán, người ta cũng cứ bắt tay,
nói cười thân thiết, chẳng ai dám nói thật ý nghĩ của mình. Nói tóm lại,
cái xấu xa, cái hủ lậu, cái tồi tệ, cái bất nhân, cái hợm hĩnh, cái
kiêu căng phách lối, cái sai trái cứ được nuôi dưỡng từ đời này sang đời
khác để làm khổ con người. Theo Văn Sinh xã hội muốn tiến lên, muốn
hoàn thiện, muốn có đạo đức thì mọi người phải thành thật nói lên ý nghĩ
của mình, kể cả khuyết điểm của chính mình để tu sửa.
Hơn ba mươi tuổi rồi mà vẫn chưa vợ con. Có thể vì tính tình thẳng
thắn quá mà các cô e ngại chăng? Vì sống độc thân cho nên Văn Sinh chẳng
bận bịu chuyện gia đình. Trong những lúc rảnh rỗi thú giải trí duy nhất
vẫn là đọc sách và thể thao. Hồi còn ở Việt Nam chàng mê môn bóng tròn
nhưng kể từ khi qua Mỹ lại thích môn bóng bầu dục vì cho rằng môn túc
cầu có vẻ boring (2) quá.
Hôm nay là ngày Chủ Nhật, cũng như thường lệ, vì vào mùa Super Bowl
(3) cho nên Văn Sinh không thể bỏ qua buổi tranh tài nào. Chàng mở máy
truyền hình, ngồi dựa ngửa vào chiếc ghế bành để thưởng thức các pha ném
bóng, chụp bóng ngoạn mục. Thế nhưng đêm qua đi làm overtime (4) về trễ
cho nên sau vài phút mắt chàng nặng trĩu và thiếp đi vào giấc ngủ trưa
lúc nào không hay. Vừa chợp mắt, Văn Sinh thấy từ xa ào tới hai người
cao lớn, nắm tay chàng chạy như dông như gió. Văn Sinh kinh hãi nhắm
nghiền đôi mắt cho đến khi hai người dừng lại. Mở mắt ra, chàng thấy
mình đang đứng trước một cổng thành cao vút, hòa vào tận mây xanh. Còn
chưa hoàn hồn và cũng chẳng biết đây là nơi nao thì cửa thành xịch mở.
Một vị cao lớn, mặt mũi trang nghiêm, sắc phục như một võ quan, bước
tới, cúi chào, nói:
- Thưa Đức Ông. Chúng tôi đã nghe nói về đức độ của Đức Ông ở hạ
giới. Thành thật là đức tính cao quý nhất trong các tiểu chuẩn đạo đức.
Thiếu thành thật thì mọi giá trị dù thiêng liêng cách mấy cũng xụp đổ.
Vì Đức Ông là người thành thật hiếm có ở hạ giới nên hôm nay chúng tôi
mời Đức Ông tới thăm viếng Vương Quốc Thành Thật của chúng tôi một lần
cho biết. Xin lỗi, chúng tôi đã làm Đức Ông kinh sợ.
Chẳng biết ất giáp gì, vả lại trước tình thế này Văn Sinh không còn
cách nào khác hơn là bước theo vị sứ giả vào bên trong. Đi được một đỗi
chàng lấy lại bình tĩnh. Trước vẻ hiền từ, cung kính và hiếu khách của
vị sứ giả, chàng mạnh dạn lên tiếng hỏi:
- Tại sao gọi đây là Vương Quốc Thành Thật?
Vị sứ giả kính cẩn đáp:
- Thưa Đức Ông, vương quốc này do một vị ở Đông Phương lập cách đây năm
ngàn năm. Vị này nổi tiếng là dám nói lên tất cả sự thật về mình, về vợ
mình, con mình và về cả ông vua nữa. Nhưng khi nói lên sự thật về ông
vua thì nhà vua nổi giận, chém đầu. Do uy đức rúng động Trời Đất đó mà
ngài lập được vương quốc này. Tất cả những người thành thật ở hạ giới
khi chết, nếu có lời nguyện sẽ được thoát sanh về đây. Nói tóm lại đây
là vương quốc của những người thành thật chung sống với nhau. Chính vì
toàn dân là người thành thật cho nên bao nhiêu khuyết điểm, bao lỗi lầm
đều được phơi bày cho nên Vương Quốc mỗi ngày mỗi tiến bộ, mỗi đẹp. Lần
hồi Đức Ông sẽ thấy.
Giống như những người phải bỏ nước ra đi định cư vào một xứ lạ. Mỗi
khi thấy người đồng hương từ trại tiếp cư tới hoặc trong nước mới qua,
người ta đều háo hức mời về nhà đãi đằng để tỏ lòng hiếu khách và hỏi
han đủ điều. Ở vương quốc này cũng vậy. Văn Sinh được một gia đình khẩn
khoản mời, dĩ nhiên là ăn uống linh đình, hỏi han đủ chuyện ở dưới trần
gian. Sau bữa tiệc, bà chủ nhà mời khách qua phòng bên cạnh để vui chơi.
Là vợ một ông bác sĩ nhiều tiền lắm của, không biết làm gì vào lúc xế
chiều cho nên nổi hứng muốn trở thành ca sĩ. Bà sắm một dàn máy Karaokê
tối tân ở nhà tập luyện và thường xuyên trình diễn ở các buổi sinh hoạt
hội đoàn, ra mắt sách. Nhiều khi bà còn cho tiền người ta để được hát
trong các Show văn nghệ ở địa phương. Để biểu diễn cái giọng oanh vàng
của mình, bà hát luôn một lúc ba bản. Mỗi khi bà hát xong một bản thì
tiếng vỗ tay đôm đốp nổi lên. Cuối cùng thì Văn Sinh được mời lên phát
biểu ý kiến với tư cách của vị khách quý. Dù tin tưởng đây là Vương Quốc
Thành Thật, tất cả mọi người sẽ hoan hỉ lắng nghe lời nói trung thực,
nhưng chàng vẫn cẩn thận rào trước đón sau:
- Thưa bà, đây là Vương Quốc Thành Thật vậy bà có cho phép tôi nói thật ý nghĩ của mình không?
Nở một nụ cười duyên dáng và tin tưởng, bà chủ nhà nói:
- Xin anh cứ tự nhiên. Chúng mình đều là người trí thức cả mà.
Được lời như cởi tấm lòng, chàng hăng hái nói:
- Thưa bà, về bữa tiệc của bà thì tôi thật cám ơn. Nhưng còn giọng hát
của bà thì thành thực mà nói…nó nặng như cái búa tạ vậy. Nếu bà hát để
ru con thì thằng cu hoặc con bé cũng khóc thét lên mà thức dậy! Theo tôi
nghĩ bà nên trở về cái thiên chức tề gia nội trợ thì tốt hơn. Xin để
cái nghề hát này cho các cô ca sĩ chuyên nghiệp. Hát như thế này, bà
Thái Thanh mà nghe được chắc bà ấy té xỉu mất!
Nghe Văn Sinh nói thế mặt bà chủ nhà xụ hẳn xuống. Còn thực khách thì
chưng hửng nhìn chàng, rồi nhìn bà chủ nhà, không ai nói với ai nửa
lời. Kể từ giờ phút đó bữa tiệc trở nên ảm đạm như một đám ma.
Ngày hôm sau, cũng do lời giới thiệu của vị sứ giả, Văn Sinh được mời
tham dự một buổi ra mắt thơ. Trên sân khấu ông giới thiệu đang hăng say
ca ngợi tác giả. Nào là từ nhỏ bảy, tám tuổi đã biết làm thơ. Thiếu
niên đã tham gia vào các thi văn đoàn tỉnh nhà. Qua tới đây thường xuyên
cộng tác với rất nhiều tờ bào ở địa phương. Thơ của tác giả đây đã được
đăng trên nhiều đặc san của các hội ái hữu v.v…Và ngày hôm nay, tác giả
cho ra đời một tập thơ, một tác phẩm có tầm vóc lớn ở Vương Quốc. Kèm
theo đó là một cuốn băng phổ thơ của chính tác giả do một số ca sĩ khá
nổi tiếng hát. Thời buổi bấy giờ tại Vương Quốc Thành Thật đang có phong
trào một số người sau khi làm được vài bài thơ hoặc một tập thơ đã nhờ
vả hoặc cho tiền các nhạc sĩ chuyên sống bằng nghề phổ nhạc để phổ những
bài thơ đó. Rồi thì chính nhà thơ lại cho tiền để các ca sĩ hát các bản
nhạc đó rồi thu vào CD không ngoài mục đích chắp cánh thêm cho thơ của
mình. Và Văn Sinh được tác giả trân trọng ký tặng một tập thơ và một CD.
Sau khi liếc nhìn qua một vài trang, Văn Sinh nhăn mặt, lắc đầu quầy
quậy. Rồi khi được mời lên phát biểu ý kiến với tư cách một vị khách quý
từ trần gian tới. Với “kinh nghiệm đau thương” thu thập được từ bữa
tiệc trước, chàng e dè nói:
- Kính thưa quý vị. Thật hân hạnh cho tôi được phát biểu trước quý vị.
Sở dĩ tôi được mời thăm vương quốc ngày hôm nay cũng chỉ vì đức tính
thành thật của tôi. Còn quý vị đây là con dân của Vương Quốc Thành Thật
chắc chắn phải yêu chuộng sự thật. Vậy quý vị có sẵn lòng nghe lời nói
thành thật không?
Nghe Văn Sinh nói thế tất cả rộ lên với những tiếng cười hả hê để bày
tỏ tấm lòng cởi mở, hiếu khách của người địa phương. Họ nhao nhao nói:
- Ôi dào! Như thế thì còn gì quý bằng? Chúng tôi là con dân của Vương
Quốc Thành Thật thì chúng tôi phải quý trọng sự thật và nói lên sự thật
chứ. Xin ông cứ tự nhiên. Sự thật dù phũ phàng đến đâu chăng nữa chúng
tôi vẫn chấp nhận như thường. Đó là tôn chỉ và giá trị của vương quốc
này mà.
Nghe đám đông nói thế Văn Sinh vững dạ và cứ thẳng ruột ngựa nói:
- Thưa quý vị. Mới đọc vài bài thơ trong cuốn sách tôi thấy dấu hỏi- ngã
tác giả đánh lộn tùng phèo. Chính tả thì còn thua học sinh Lớp Nhất.
“diễm tuyệt” thì viết thành “diểm tuyệt”, “viễn mộng” thì viết thành
“viển mộng”, “đài các” thì viết thành “đài cát”! Toàn là thơ tặng vợ,
chúc mừng thượng thọ, chúc mừng đám cưới, mừng con vừa mới ra trường,
mừng thằng cháu nội đầy tháng, mừng vừa thi đậu quốc tịch Mỹ v.v…Hình
ảnh trong thơ thì nghèo nàn. Chữ thơ thì mòn vẹt. Ý thơ thì trống rỗng
và sáo! Nếu dùng để tặng bạn bè, con cháu, đọc chơi, tán dóc trong các
tiệc cưới thì được. Nói thật với quý vị, nếu thơ này đem in thành sách
để gia nhập làng văn chương, ra mắt độc giả thì các Cụ Nguyễn Du, Nguyễn
Gia Thiều, Nguyễn Khuyến, Bà Đoàn Thị Điểm, các Ông Vũ Hoàng Chương,
Phạm Thiên Thư sẽ khóc thét lên mà chết! Đấy là cảm nghĩ chân thật của
tôi, xin quý vị bỏ qua cho!
Lời nói của Văn Sinh như trái bom nổ giữa hội trường nhưng không hiểu
sao tất cả đều im lặng, im lặng đến nghẹt thở. Rồi tiếng thầm thì nhỏ
to giữa người này người kia cứ lan rộng. Người ta liếc nhìn Văn Sinh như
nhìn một sinh vật lạ hoặc một gã điên không biết chừng. Còn ông tác giả
thì trông thật thảm hại. Ông ta đứng chết trân như Từ Hải, miệng cười
như mếu. Buổi ra mắt sách đang vui như Tết bỗng trở nên căn thẳng, ngột
ngạt. Vị sứ giả thấy vậy vội vàng nói lời cáo lỗi với ban tổ chức rồi
kéo Văn Sinh ra khỏi hội trường.
Ngày hôm sau, tại một thành phố xa xôi, có lẽ chưa biết gì về những
“rắc rối” do Văn Sinh tạo ra cho bà vợ ông bác sĩ, cho nhà thơ vừa mới
ra mắt sách cho nên đã hoan hỉ mời Văn Sinh tới tham dự tiệc khai trương
của một thẩm mỹ viện. Vì làm nghề thẩm mỹ cho nên bà chủ có nhu cầu sửa
sang sắc đẹp. Ở tuổi ngoài sáu mươi nhưng bà lại cố sửa khuôn mặt của
bà cho thật trẻ với má lúm đồng tiền và đôi môi cánh phượng. Quan khách
hôm đó phần lớn là mấy ông bà chủ báo có đăng quảng cáo của bà trên
trang nhất, một số nhà văn, nhà thơ, hội đoàn mà bà có tặng tiền trong
các buổi ra mắt sách, hoặc trong các sinh hoạt lễ Tết. Dĩ nhiên là họ
khen bà hết mình. Nào là “chị trẻ mãi không gì”, “chị đẹp như cô gái băm
mấy vậy đó!” Để chứng tỏ mình trẻ thật, trong khi tiếp khách, bà chủ
nhà luôn có động tác, cử chỉ, giọng nói, nhí nhảnh, nhõng nhẽo của tuổi
“băm mí”. Văn Sinh ngồi đó mà đỏ bừng cả mặt, đã toan ra dấu cho vị sứ
giả để cáo từ. Nhưng ngay lúc ấy vị nữ chủ nhân cảm thấy biểu diễn sự
trẻ trung như thế cũng vừa đủ, vỗ tay để quan khách chú ý rồi long trọng
nói:
- Thưa quý vị và quý bạn. Hôm nay chúng ta hân hạnh đón tiếp một vị
khách từ hạ giới tới thăm. Ở dưới trần gian nước Mỹ nổi tiếng vì giàu
có, còn Vương Quốc của chúng ta cũng hãnh diện vì con dân đều là người
thành thật, yêu chuộng sự thật và kính trọng sự thật. Sau đây tôi xin
long trọng giới thiệu vị khách quý đó và mong ông sẽ cho chúng ta một
vài cảm nghĩ thành thật về Vương Quốc để ghi nhớ như một kỷ niệm đẹp.
Với kinh nghiệm đau đớn có từ hai lần gặp gỡ trước, Văn Sinh đã toan
theo thói đời, nói lời đầu môi chót lưỡi, khen ngợi giả dối để đẹp lòng
tất cả. Gây rắc rối làm chi? Thế nhưng Văn Sinh tự hỏi: Chẳng lẽ vương
quốc này là Vương Quốc Giả Dối? Cái bảng hiệu Vương Quốc Thành Thật kia
phải chăng chỉ là bảng quảng cáo, còn bên trong thì bán đồ rởm? Thật vô
lý! Trần thế là cõi đời ô trọc mà còn biết bao nhiêu người thành thật,
bao Hiền- Thánh. Chẳng lẽ cả xứ này không có ai là người thành thật sao?
Chính vì suy nghĩ như vậy cho nên chàng chẳng sợ gì mà không nói:
- Xin cám ơn bà chủ, xin cám ơn quý vị đã ưu ái cho tôi được gặp gỡ quý
vị ngày hôm nay. Kính thưa quý vị. Trong hai ngày qua, dù chưa đi thăm
hết, nhưng tôi nhận thấy đây là một vương quốc đẹp, thật nhân ái và hiền
hòa. Tuy nhiên có một điều tôi còn thắc mắc là không biết đây có thật
sự là Vương Quốc Thành Thật hay không?
Nghe Văn Sinh nói thế tất cả cùng tranh nhau nói:
- Sao ông nói thế? Đây là Vương Quốc Thành Thật! Chúng tôi là những
người thành thật. Điều đó có nghĩa là chúng tôi quý trọng sự thật do
người khác nói ra dù đó là sự thật đau lòng đi nữa. Vậy xin ông cứ thẳng
thắn. Chúng tôi muốn được lắng nghe người ở thế giới khác nói lời chân
thực về vương quốc của chúng tôi.
Nghe khách nói thế Văn Sinh cảm thấy mình có thể gặp hên chuyến này. Chàng nói ngay:
- Thưa quý vị. Ở dưới trần gian chúng tôi đã khổ về nạn sửa sang sắc đẹp
qua các thủ thuật bơm, hút, căng, kéo. Tôi tưởng đã lên tới đây rồi thì
cần gì phải sửa sang sắc đẹp chứ? Điều đó không có nghĩa là tôi lên án
hoặc khắt khe với việc sửa sang sắc đẹp. Người sinh ra trời bắt xấu,
người bị thương tật, tai nạn, chiến tranh phá hủy bộ mặt, giải phẫu thẩm
mỹ là điều tốt lành. Thế nhưng một bà sáu mươi lăm, giải phẫu để trở
thành cô gái băm lăm là một ảo tưởng. Quý vị có thể bơm mông, bơm ngực,
căng da mặt nhưng quý vị có thể căng da cổ, căng da tay, sửa cái lưng
còng, sửa cái dáng đi lọm khọm, sửa cái giọng nói ồ ề của bà già sáu lăm
không? Thật không có gì kinh hoàng hơn khi nghe giọng nói ồ ề của một
bà già thốt ra từ miệng cô gái trẻ! Nó giống như bà phù thủy đội lốt cô
gái vậy! Hơn thế nữa tại xứ Việt Nam trong bài hát Cô Hàng Cà Phê có câu
rất nổi tiếng “Má lúm đồng tiền trông xinh ghê!” Khi ông nhạc sĩ làm
bản nhạc này là ông muốn ca ngợi vẻ ngây thơ của cô gái ở tuổi mười
chín, đôi mươi. Nay một bà già sáu mươi lăm cũng có má lúm đồng tiền
thì…cha mẹ ơi! Chẳng khác nào râu ông nọ cắm cằm bà kia! Quý vị có thấy
như vậy không? Nếu thấy vậy xin quý vị bỏ qua cho những lời nói lỗ mãng
của tôi.
Khi Văn Sinh nói dứt lời thì mọi người cùng ồ lên. Rồi tiếng ồn ào
tắt lịm. Mọi con mắt đều hướng về bà chủ nhà. Bà chủ nhà mặt đỏ gay,
ngúng nguẩy bỏ vào trong. Còn thực khách sau đó, không hiểu sao cũng từ
từ cáo lui để lại Văn Sinh và vị sứ giả đứng đó ngơ ngác nhìn nhau.
♦ ♦ ♦
Ngày hôm sau khi trời vừa hừng sáng, Văn Sinh mới vừa thức dậy thì vị
sứ giả đã bước vào sứ quán. Với vẻ mặt không được vui, ông ta nói:
- Xin Đức Ông tha lỗi cho việc thăm viếng đột ngột này. Đáng lý ra chúng
tôi phải lưu giữ Đức Ông lại đây chơi cả tháng trời. Tuy nhiên…
Nói tới đây ông ta dừng lại rồi nói tiếp với giọng nuối tiếc:
- Có vài cú điện thoại khiếu nại của dân chúng nói rằng Đức Ông lên đây với âm mưu… phá hoại sự đoàn kết cộng đồng!
Nghe nói thế Văn Sinh mặt đỏ tía tai. Chàng nổi cáu nói:
- Tôi mà phá hoại cộng đồng à? Ở đây cũng có nạn “chụp mũ” sao?
Vẫn với giọng nói hiền hòa và lễ độ, vị sứ giả đáp:
- Chúng tôi hiểu rõ đức độ của Đức Ông. Dĩ nhiên Đức Ông không bao giờ
phá hoại sự đoàn kết cộng đồng cả. Tuy nhiên vì muốn trấn an dân chúng
cho nên chúng tôi buộc lòng đưa tiễn Đức Ông. Xin Đức Ông tha lỗi.
Nói xong vị sứ giả từ từ hướng dẫn Văn Sinh ra Cổng Tiễn Khách. Trên đường đi vì quá bực tức trong người Văn Sinh vặn hỏi:
- Tôi hỏi thật ngài. Có phải đây là Vương Quốc Thành Thật hay là Vương Quốc Lừa Dối? Xin ngài nói cho tôi rõ.
Vẫn với thái độ cung kính, vị sứ giả mỉm cười đáp:
- Thưa Đức Ông. Dĩ nhiên đây là Vương Quốc Thành Thật. Là người học
rộng, hiểu biết nhiều, quán thông kim cổ hẳn Đức Ông quá rõ con dân của
vương quốc này cũng như con người dưới trần gian họ chỉ là phàm phu.
Điều đó có nghĩa là họ sống bằng ảo tưởng. Loài vật không không sống
bằng ảo tưởng nhưng con người lại sống bằng ảo tưởng. Ảo tưởng là đặc
hữu của con người, là niềm hoài vọng thiết tha về những cái gì đó không
có hoặc không thực. Ở buổi khai thiên lập địa con người ít sống bằng ảo
tưởng. Thế giới càng văn minh, nhu cầu vật chất càng nhiều, con người
càng sống với ảo tưởng. Ảo tưởng về sự giàu sang, trí thức, về vẻ đẹp,
về tài năng, về đức độ, về quyền uy, về chân lý, về thánh thiện. Chính
những ảo tưởng này đã cho con người và cả con dân của Vương Quốc Thành
Thật sức mạnh để sống. Cho nên khi một người nào đó nói lên sự thực…tức
đạp đổ ảo tưởng của họ thì họ phản kích không ngoài mục đích bảo vệ giá
trị con người của họ…dù giá trị này không hề có. Ở cõi trần gian, những
người không nói lên sự thực có thể vì hèn nhát, giả dối, song cũng có
thể vì độ lượng, hiểu biết. Là con người ai cũng náo nức muốn biết sự
thực về người khác nhưng lại dấu nhẹm sự thực về mình. Không có gì ghê
gớm cho bằng bị người ta vạch trần sự thực. Ngay cả hàng tu sĩ cũng sẽ
nổi điên lên. Họ có thể trả thù chúng ta, chụp mũ chúng ta, giết hại
chúng ta nếu chúng ta nói lên sự thực về họ, về tôn giáo của họ. Cho nên
cả Thế Giới Ta Bà và Vương Quốc Thành Thật này người ta đang ru ngủ
nhau trong ảo tưởng…tức bằng sự lừa dối…để mà sinh tồn, để mà vui vẻ với
nhau. Chính vì thế mà ý nghĩa của Vương Quốc Thành Thật không thể dùng
lý lẽ thông thường mà phải dùng nhãn giới Sắc- Không của nhà Phật mới có
thể hiểu hết được.
Nghe vị sứ giả nói thế, với bốn năm miệt mài trong môn Triết Học Đông
Phương ở Đại Học Văn Khoa, Văn Sinh ngộ ra ngay. Chàng quay qua vái vị
sứ giả rồi cảm phục nói:
- Sự hiểu biết của ngài quả trời đất khôn lường. Còn sự hiểu biết của tôi chỉ như nắm lá trong rừng.
Vẫn với thái độ khiêm cung, vị sứ giả đáp:
- Xin Đức Ông đừng khiêm tốn. Kiến thức là điều phải có nhưng đức độ thì
quý giá hơn nhiều. Chúng tôi rất cung kính với đức độ của Đức Ông.
Những lời mà Đức Ông nói hoàn toàn vì lòng thành thật, không vì đố kỵ,
không vì thương ghét. Những lời nói đó chưa có kết quả ngày hôm nay,
nhưng nó sẽ có kết quả trong mai sau. Thế Giới Ta Bà cũng như Vương Quốc
Thành Thật này cũng còn phải huân tập có khi…cả ngàn năm nữa mới có thể
tiến tới sự hoàn thiện. Xin đa tạ sự thăm viếng của Đức Ông.
Nói xong vị sứ giả ra lệnh “tiễn khách”. Nhận được lệnh, hai vị cận
vệ tiến tới nhắc Văn Sinh lên vai rồi phóng chạy như dông như gió. Khi
Văn Sinh đã được đặt vào lòng chiếc ghế bành trở lại thì cũng là lúc
chàng tỉnh dậy cùng với những tiếng touch down! touch down! (5) ồn ào
vang lên.
♦ ♦ ♦
Vừa dụi mắt, vừa lắc lắc đầu cho tỉnh ngủ, Văn Sinh tắt vội chiếc
truyền hình cho đầu óc thanh thản. Hồi tưởng lại giấc mơ, chàng bán tín,
bán nghi. Có thể do làm việc quá độ, đầu óc mệt mỏi nên đâm ra mơ mộng,
giấc mơ vừa rồi chỉ là chuyện vớ vẩn, hơi đâu mà tin. Nhưng với đầu óc
của một triết gia ưa đặt ngược vấn đề, Văn Sinh lại cho rằng có thể có
một vương quốc như thế. Ngoài hành tinh này, vũ trụ còn bao nhiêu thứ mà
con người chưa hề biết tới? Nhớ lại những buổi thăm viếng trên Vương
Quốc Thành Thật mồ hôi trong người chàng toát ra. Chàng tự trách tại sao
mình có thể dại dột, nói năng không giữ mồm giữ miệng để chạm tự ái
người ta như vậy? Tuy nhiên giờ đây chàng cảm thấy yên ổn là không còn
phải đối đầu với bà vợ ông bác sĩ , tác giả tập thơ, bà chủ thẩm mỹ viện
nữa.
Cuộc đối đáp với vị sứ giả làm chàng đau đầu. Rồi chàng tự cật vấn cả
chính mình. Phải chăng khát vọng về sự thành thực cũng chỉ là một ảo
tưởng? Nếu như nó đã là một ảo tưởng thì việc đòi hỏi người ta nói lên
sự thực và chấp nhận sự thực cũng là một ảo tưởng? Nếu lý luận như vậy
thì chính Văn Sinh trong bao năm qua đã sống với ảo tưởng mà chàng không
hề hay biết. Với ý nghĩ mình sống trong ảo tưởng Văn Sinh phá lên cười.
Cười một hồi chàng lẩm bẩm: “Có thể mình chỉ là một anh gàn, sống trên
mây…từ đó làm khổ mình và khổ người không biết chừng?”
Nhớ lại những rắc rối gặp phải trên Vương Quốc Thành Thật chàng thấy
“Đúng rồi”! Chàng nhắc lại một lần nữa “Đúng rồi, trên cái cõi đời ô
trọc này, thằng cha nào đòi hỏi người ta phải tôn trọng sự thực, nói ra
sự thực về mình thì đúng là một gã điên!”
Kể từ đó Văn Sinh từ giã cái “triết lý thành thật” không còn gàn gàn, dở dở như xưa nữa và sống bình thường như mọi người.
(Tháng 11, 2013)
Đào Văn Bình
Cước chú:
(1) English as Second Language (ESL): Anh Văn là ngôn ngữ thứ hai, không
phải ngôn ngữ chính của những người nhập cư hoặc bố mẹ không nói tiếng
Anh.
(2) Buồn nản
(3) Mùa tranh tài bóng bầu dục
(4) Làm thêm giờ