Saturday, April 30, 2022

Tháng Tư Ngày Cuối - Đỗ Công Luận

Thuyền Nhân (Qua Các Trại Tị Nạn: Mã Lai - Indonesia - Philippines - Thái Lan) Xem Coi Có Thấy Lại Mình Trong Đây Không

Cô Phụ Trong Ngày 30 Tháng 4 - Hàn Thiên Lương

Người Phi Công Liều Mạng - Khuyết Danh


Bài được chuyển qua email nhân dịp 30 tháng 4 tìm không có tên nguồn, xin thành thật cáo lỗi cùng Tác Giả.

*****

Nếu chỉ nhìn thoáng ông ta trong đám đông tối hôm đó, có thể người ta sẽ không bận tâm ngó lại lần thứ hai.

Đó là một ông già gầy yếu ngồi xe lăn, đội mũ len đen, cổ đeo cà vạt đỏ sậm, cái áo khoác bằng vải thô mầu xám phủ bên ngoài một thân hình nặng chừng 140 lbs. 

Nguyễn văn Ba không nói được và cử động khó khăn, một ông già nhỏ thó trong căn phòng chật cứng những cựu binh Mỹ đang đứng nhắc chuyện cũ với nhau - những mẩu chuyện thời chiến.

Nhưng nếu kéo ngược thời gian lùi lại 40 năm, thêm khẩu súng lục nằm trong bao đeo trễ bên vai, chừng 10 lbs vào các bắp thịt suông đuột, đặt ông ta vào ghế lái chiếc trực thăng gắn đại liên M-60, ta sẽ thấy được một con người khác.


Quá sức liều mạng

Ngày 29-4-1975, ông Nguyễn - giống như trong mẩu truyện được xé ra từ kịch bản quay một cuốn phim loại "Mission imposible" - đã cùng với vợ và ba đứa con tìm cách đào thoát trong khi quân Bắc Việt đang tiến qua những cửa ngõ vào Sài Gòn. 

Sau 20 phút bay căng thẳng, chiếc trực thăng của Nguyễn lượn vòng trên biển Nam hải trong tình trạng một sống một chết, và những thủy thủ Hoa Kỳ trên chiếc tàu gần đó chỉ còn biết đứng ngó sửng.

"Không thể nào hiểu được anh ta đã làm cách nào. Đúng là một phù thủy Ấn Độ", lời của Hugh Doyle, sĩ quan trưởng cơ khí trên một tàu hải quân gần chỗ chiếc trực thăng của ông Nguyễn đang quần trên trời. 

"Tôi biết thế nào cha tôi cũng tới" 

Trong ngày 29-4-1975 đó, Nguyễn không phải là một anh hùng mà đang ở trong tình thế cực kỳ tuyệt vọng. Ông là một trong hàng ngàn người lính miền Nam đang cố tìm cách thoát ra khỏi nước trong khi đại quân Bắc Việt đang ào ạt tiến tới Sài Gòn.

Sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt từ 2 năm trước với hiệp định hòa bình ký tại Paris, nhưng vào thời điểm đó vẫn còn các nhân viên ngoại giao và dân sự Mỹ cần được di tản, đàng sau đó là đám thường dân Việt Nam cố bám theo để tìm đường thoát. Nhiều người trong số đó là quân nhân giống như Nguyễn - một thiếu tá Không quân VNCH - nếu kẹt lại, có thể họ sẽ lãnh án nặng và cả gia đình sẽ tan tác trong những trại tập trung chết người.

Nhưng Nguyễn đã có sẵn một kế hoạch. Ông cho vợ con về ở nhờ họ hàng bên vợ trong một khu dân cư Sài Gòn, và dặn vợ ông - bà Nho - chuẩn bị mọi thứ, ông sẽ lái chiếc Chinook CH-47 đến bốc đi - đó là một loại trực thăng cỡ lớn của Không quân VNCH mà tiếng động cơ không nhầm lẫn của nó có thể nhận ra được từ mấy cây số.

"Khi nghe được tiếng Chinook, phải sẵn sàng", Nguyễn dặn vợ như thế.

Miki, đứa con trai lớn, nằm dưới gầm giường để tránh đạn từ đêm trước. Suốt đêm nó nghe súng nổ ran khắp nơi lẫn tiếng rít hỏa tiễn. Quân cộng sản đã quá gần. Nhưng nó vẫn bình tĩnh và tin chắc cha nó thế nào cũng tới!

Miki nghe được tiếng động cơ Chinook vào lúc sáng sớm. Nó chụp vội túi quần áo, luôn cả bình sữa cho đứa em gái 10 tháng - Mina - cùng với cả gia đình lao nhanh ra chiếc Chinook, trên đó đã có sẵn vài người bạn của cha nó.

Lên được chiếc máy bay, nó nghe ông Nguyễn nói thấy có nhiều trực thăng Mỹ bay ra khơi, chắc chắn họ sẽ đáp xuống ở đâu đó.

"Coi thử ra sao", Nguyễn nói như thế trong khi đưa chiếc trực thăng hướng ra biển, vừa lúc đèn đỏ nhấp nháy báo bình xăng sắp cạn.

Ra tới biển, Nguyễn bật qua tần số cấp cứu và nghe được âm thanh trao đổi giữa các tàu Mỹ. Có người ngó xuống thấy một chiếc tàu đang ở ngay dưới bụng trực thăng. Đó là chiếc USS Kirk với một sân đáp nhỏ. Nguyễn cho trực thăng sà xuống. 

Chỉ huy chiếc USS Kirk là Đại úy Paul Jacobs - thuộc cấp vẫn gọi ông ta là "Big Jake". Dân New England, cao 6.3 ft, bộc trực và thẳng tính, ông ta được lệnh bắn hạ bất cứ phi cơ nào không xác định được danh tính và nhắm mòi đe dọa đến cuộc di tản đang diễn ra ồ ạt từ Sài Gòn.

Lẽ ra Jacobs đã cho bắn rơi chiếc trực thăng của Nguyễn nhưng ông đã không làm như vậy. Ông ta độ chừng Nguyễn là một người lính miền Nam đang tìm đường thoát. Bầu trời ngày hôm đó dầy đặc những phi công Việt Nam đưa gia đình và đồng đội bay ra biển trên những chiếc trực thăng cuối cùng còn sót lại.

"Chỉ khi nào nó bắn xuống, không thì mình sẽ không khai hỏa trước", Jacobs ra lệnh.

Nguyễn liên lạc với chiếc Kirk. Tiếng Anh của ông ta chỉ tạm đủ, trên tàu cũng có một thủy thủ bập bẹ được chút ít tiếng Việt.

Sau nầy trong quyển The lucky few, tác giả Jan Herman đã tả lại nỗi thất vọng của Nguyễn. Ông ta bảo với những người dưới tàu rằng chiếc Chinook có chở theo đàn bà và con nít. Và máy bay ông ta sắp cạn xăng.

"Hoặc là tôi hạ cánh trên tàu hoặc sẽ rớt xuống biển", Nguyễn nói. "Hãy cứu chúng tôi!"

Nhưng đám thủy thủ trên chiếc USS Kirk giơ tay làm hiệu xua Nguyễn bay đi chỗ khác. Sân đáp quá nhỏ mà chiếc Chinook lại quá cồng kềnh. Nếu xuống thấp, cánh quạt có thể va đụng gây nguy hiểm cho đám hành khách, luôn cả đám thủy thủ trên tàu.


Nguyễn bỗng nảy ra một ý và lập tức cho dưới tàu biết. Ông sẽ lái chiếc Chinook quần trên boong. Vợ con ông ta sẽ liều mạng nhảy đại xuống đám người giăng tay chờ bên dưới... 

*** 

Kent Chipman là một trong số những người đứng chờ sẵn dưới đó. Dân Texas, có một hàng ria quặp, được đồng đội gọi bằng cái tên "Chippy". Anh ta chỉ nặng có 130 lbs và đang đánh lô tô trong bụng. Biết đủ sức hứng đám người nhảy ra từ chiếc trực thăng hay không đây. Trong lúc căng hai tay chờ đợi, một ý nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu anh chàng: "Chắc chết cả đám!"

Nguyễn lái chiếc Chinook tới phần đuôi của chiếc tàu, cố tránh không cho cánh quạt tới gần những chỗ quan trọng. Chỉ cần một luồng gió hay một sơ sẩy, chong chóng trực thăng sẽ chém trúng tàu, giết chết cả vợ con ông lẫn đám người dưới kia đang dang tay chờ đợi.

Người co-pilot mở cửa, ra hiệu cho vợ Nguyễn, "Nghe đây! Chị và mấy đứa nhỏ sẽ nhảy xuống trước!"

Miki nhảy ra. Kế đến là thằng em nó. Bà Nho bồng đứa con gái nhỏ, nhoài người thả nó xuống cho đám thủy thủ trước khi chính mình cũng nhảy xuống. Đám người chờ sẵn bên dưới hứng được hết.

Bây giờ trên chiếc Chinook chỉ còn lại một mình Nguyễn.

Làm cách nào đáp khối sắt 12 tấn nầy xuống chiếc tàu? Ông ta chợt nghĩ ra cách khác - một cách chưa ai từng thử qua: Đâm xuống biển!

Ông ta bay ra xa chiếc tàu cách một khoảng an toàn và giữ cho chiếc trực thăng đứng yên chừng 10 phút với giàn bánh đáp nhấp nhô trên mặt sóng.

Chipman đứng chết lặng trên boong, ngó theo. "Cái thằng điên! Nó đang cởi bộ đồ bay", Chipman nghĩ thầm, trong lúc mắt không rời chiếc trực thăng.

Nguyễn cởi bỏ cái áo bay và tháo dây súng trong khi vẫn giữ cần lái cho chiếc trực thăng đứng yên.

Một phi công trông thấy cảnh đó sau nầy đã nói rằng, không thể hiểu sao Nguyễn có thể trút bỏ bộ đồ bay trong khi vẫn kềm cho chiếc trực thăng đứng yên một chỗ.

Xong xuôi Nguyễn nhấc cánh quạt bay về phía bên phải, xa khỏi chiếc tàu.

Khi chiếc trực thăng vừa chạm mặt nước, ông ta nhảy ùm xuống biển.

Âm thanh cú va chạm nghe giống như cả một toa xe lửa bị lật. Mảnh vụn từ cánh quạt chiếc trực thăng bay veo véo qua chiếc USS Kirk. Chiếc trực thăng nằm lật ngửa trên mặt biển, mấy bánh xe chổng lên trời. 

Một khoảng im lặng nghẹt thở khi cả bọn ngó xuống một vùng màu đỏ loang rộng ra chỗ Nguyễn nhảy xuống. Không ai thấy ông ta đâu.

Đột nhiên một cái đầu nhô lên khỏi mặt biển. Nguyễn còn sống! Ông ta đã cố lặn thật sâu khi chiếc Chinook vừa chạm mặt nước. Còn khoảng màu đỏ loang trên biển là dầu thủy điều của chiếc trực thăng.

Đám người trên chiếc Kirk òa vỡ trong niềm vui lẫn thán phục. Ai nấy huýt sáo vang lừng.

"Cừ quá!" một người hét to.

"Một cú tài tình", người khác phụ họa theo. 

Chiếc Kirk cho xuồng máy vớt Nguyễn lên. Ông ta lên tới boong tàu chỉ mặc độc một quần đùi màu đỏ của vợ may và một sơ mi trắng in hình hoa hòe. Mấy miếng vàng nhét trong túi đã rớt đâu mất.

"Anh ta đòi được gặp vợ con ngay", Doyle cơ khí trưởng trên tàu sau nầy nhắc lại.

*** 

Chiếc USS Kirk sau đó đã vớt thêm nhiều đợt người tị nạn tả tơi đào thoát trên những tàu hải quân VNCH, tàu buôn và cả tàu đánh cá. Jacobs cùng thủy thủ đoàn đã vớt tổng cộng 30,000 người đào nạn từ Nam Việt Nam.

Sau nầy Jacobs nhắc lại rằng các thủy thủ của ông ta khá lành nghề nhưng đồng thời cũng rất may mắn. Biển Nam hải vốn có tiếng không hiền hòa, những đợt sóng cao 20 ft và gió giật rất mạnh là chuyện thường ngày. Vậy mà hôm đó mặt biển lại lặng yên.

"Thượng đế đã ngó xuống. Mấy ngày đó mặt biển phẳng lì như lưng con cá bơn", ông ta nói.

Còn Chipman không bao giờ quên được thái độ trầm tĩnh của Nguyễn trong tình thế cấp bách và nhớ rõ mình đã vui mừng thế nào khi hứng được đứa con gái nhỏ cùng người vợ của viên phi công.

"Một kết thúc tốt đẹp cho một cuộc chiến khốn nạn", anh ta nói.

 "Ông ta khá khiêm tốn" 

Đó cũng là một kết cục pha trộn giữa vui mừng và cay đắng cho Nguyễn. Ông ta cứu được vợ con nhưng mất hết mọi thứ khác - tiền bạc, sự nghiệp, thân bằng quyến thuộc và luôn cả tổ quốc.

Gia đình ông về sống ở Seattle, sau đó ông tìm được việc làm trong hãng Boeing. Ông ta đi tiếp cuộc đời mới, vẫn bằng sự bền bĩ tháo vát mà ông đã có lúc vội vã bay ra biển để tìm đường sống. 

Một gia đình trong hội nhà thờ Lutheran bảo trợ cho gia đình ông. Ông chăm chỉ học thêm tiếng Anh. Ban đầu làm công việc lau dọn ban đêm và học thêm điện tử vào ban ngày. Sau khi được nhận vào làm cho hãng Boeing, ông thức dậy lúc 4 giờ sáng và rời nhà nửa tiếng sau đó.

Sáu tháng sau khi tới Mỹ, gia đình Nguyễn không cần tới sự trợ giúp của chính phủ nữa, ông bảo rằng xứ nầy là mảnh đất của rất nhiều cơ hội. Ông không muốn nhận, nhưng luôn luôn muốn cho. Ông bảo với vợ con, trong vòng 5 năm tới chúng ta sẽ phải là công dân Mỹ để được đóng thuế và đi bầu.

Đối với con cái, ông muốn chúng phải học thật giỏi, rằng đại học là ngưỡng cửa không gì thay thế được và ông sẽ giúp trả học phí nếu chúng học khá. Nhiều lúc, có thể nói, ông huấn luyện con cái giống như chúng là nhân viên phi hành của mình trên chiếc Chinook ngày nào. 

Mỗi sáng chúa nhựt ông đánh thức các con, giao cho một bảng liệt kê các công việc phải làm. Nếu xong bài làm ở trường, chúng sẽ được cho thêm một số đề toán để... suy nghĩ tiếp!

"Nếu tụi cháu làm lộn một con số, ba cháu sẽ xóa cả bài và bắt làm lại từ đầu", Mina - đứa bé gái năm xưa được thả xuống từ chiếc trực thăng Chinook - nói như thế.

Ông đặc biệt chăm lo cho đứa con gái út giống như cái ngày ông đem cô theo trong chuyến bay vượt thoát. Khi Mina bắt đầu hẹn hò với một anh nhạc sĩ - người sau nầy sẽ trở thành chồng cô - ông đã lựa dịp để ngồi nói chuyện tay đôi với anh chàng.

"Cháu chưa bằng được con gái bác", ông nói với anh ta. "Sao cháu không có bằng tiến sĩ? Con nhỏ nó có rồi đấy!"

Nhưng Nguyễn không phải là một người cứng nhắc. Ông thích vui đùa. Mấy đứa con ông thường bảo ông thích tận hưởng đời sống đến nơi đến chốn vì biết rằng đời ông đã được ban ơn lần thứ hai. Ông thích đi câu, chơi dương cầm và tụ tập bạn bè về nhà hát karaoke. Ông cũng nhảy đầm rất giỏi, giống như ngày xưa đã từng bay thật cừ. Ông thích nhất điệu rumba và cha cha cha.

Mỗi khi các con ông phàn nàn điều gì, chúng sẽ nghe được cả một bài thuyết trình: "Má tụi bây và ba khi tới đất Mỹ nầy trên người chỉ có độc cái quần lót... Nhìn lại mình bây giờ đi. Không giàu. Nhưng chúng ta không nghèo!" 

***

Chuyến vượt thoát tới đất Mỹ của cả gia đình đã trở thành một cái gì gần như huyền thoại. Nó không còn là câu chuyện trao đổi trên bàn ăn mà đã được cô đọng lại thành những giá trị được hết thảy mọi người nâng niu gìn giữ. "Nó là câu chuyện về cái đảo Ellis của gia đình chúng tôi", Miki nói. 

Sau khi ông thôi việc ở Boeing và về hưu năm 2000, Miki biết sẽ tặng cha mình món gì. Đó là một hộp kính thật đẹp bên trong có cái quần đùi màu đỏ mà ông đã mặc trong chuyến bay vượt thoát của gia đình.

Nguyễn nhận món quà đó với một thái độ nhẹ nhàng. Ông nhận nó mà không nói lời nào.

Có lần ông đã viết về chuyến hành trình gian nan của gia đình ông trên một tờ báo Việt ngữ nhưng bằng lời kể của ngôi thứ ba. Ông không nhận mình chính là người phi công đó.

"Ba tôi không thích khoe khoang", Miki nói. "Nhưng ông biết chắc ông đã làm một chuyện quá sức liều mạng"

Tháo mặt nạ để nhìn người anh hùng

Nhiều người khác cũng nghĩ thế, và họ quyết định tháo gỡ lớp vỏ bọc để thấy rõ mặt người anh hùng khiêm tốn nầy.

Suốt trong nhiều năm, viên chỉ huy tàu USS Kirk đã nhiều lần dò hỏi tung tích cái anh chàng pilot Việt Nam đã lái chiếc Chinook đâm xuống biển.

Câu hỏi lúc ban đầu dần trở nên một công cuộc tìm kiếm khá dai dẳng. Năm 2009, Jacobs xuất hiện trong một chương trình TV Việt ngữ, hỏi xem có ai biết gì về người phi công nầy.

Công việc dò tìm vẫn tiến hành với ít nhiều hi vọng vì cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ cũng chẳng to lớn gì.

Một ngày nọ, Miki nhận được một e-mail trong đó có lời rao của Jacobs. Anh trả lời: "Nếu ông đang tìm người phi công lái chiếc Chinook ấy, thì có thể đó là cha tôi"

Sau đó là những cú điện thoại gọi về tới tấp... 

*** 

Jacobs và những thuộc cấp cũ của ông trên chiếc USS Kirk tổ chức một buổi họp mặt đoàn tụ vào ngày 10-7-2010 tại Springfield, Virginia, và họ đã gởi thư mời ông Nguyễn. Ông không còn là người phi công trực thăng ngày nào trong tháng 4 năm 1975. Ông đã mất đứa con trai giữa - Mika - chết vì xuất huyết não năm 2003. Phần ông thì mắc bệnh Alzheimer sau khi về hưu. Bây giờ ông ngồi trong xe lăn. Không nói chuyện được, chỉ ú ớ qua cổ họng.

Tới dự buổi họp mặt với thủy thủ đoàn chiếc tàu USS Kirk, lần nầy bà vợ đẩy xe cho ông. Chiếc xe lăn được đẩy vô phòng tiếp tân, có con trai và con gái cùng đi với cha mẹ. Người đầu tiên mà bà thấy trong hành lang là "Chippy" Chipman, anh chàng thủy thủ đã hứng được bà và cô bé gái con bà khi cả hai nhảy ra khỏi chiếc trực thăng mấy chục năm về trước.

Nguyễn cũng nhận ra Chipman. Mắt ông ứa những giọt lệ. 

"Ông ấy ngó tôi và tôi cũng ngó ông ấy trân trân. Ông ấy nhận ra tôi, và tôi cũng thế", Chipman kể lại. Chipman tới bên Nguyễn đưa tay chào. Tự giới thiệu mình và nhắc lại chuyện xưa.

Anh ngó qua Miki, giờ đã là một gã trung niên. "Tôi là người đã chụp được cậu lúc cậu nhảy xuống tàu", anh nói bằng giọng Texas đặc sệt, trong lúc Miki không thốt được lời nào vì quá xúc động.

Đoạn anh ngó qua Mina. Trông cô tươi tắn như một bông hoa. Anh bảo với cô rằng lúc đó anh đã nhủ mình phải cố chụp cho được lúc cô rớt khỏi chiếc trực thăng cho dù phải đánh đổi bằng chính sinh mạng mình đi nữa...

"Tôi hãnh diện lắm", Chipman kể lại tâm trạng mình lúc gặp Mina. "Tôi không có con, nhưng có một cái gì giống như bất ngờ mình gặp lại đứa con gái thất lạc đã lâu, nay gặp lại lúc nó khôn lớn. Cô ấy đã trưởng thành một cách hết sức tốt đẹp" 

Buổi họp mặt biến thành buổi tuyên dương ông Nguyễn. Người ta chiếu lại khúc phim màu ghi lại những pha gian nan của chiếc Chinook. Nhiều thủy thủ trên tàu ngày hôm đó đã chụp ảnh và quay được cảnh tượng xảy ra trên mặt biển.

Mina nhìn vào tấm hình lúc cô đang dán khuôn mặt bé thơ của mình lên lớp kính chiếc Chinook khi nó bay vòng trên chiếc tàu. Cô cũng thấy được tấm hình lúc cô rớt xuống đôi tay của Chipman. "Tôi lạnh cả sống lưng", cô nói.

Cô cũng được xem lại khúc phim cha cô nhào ra khỏi trực thăng lúc đâm xuống biển.

"Giống như Tom Cruise", cô bảo. "Nghĩ rằng người đó là cha tôi. Nghĩ rằng đó là cảnh gia đình tôi đang nhảy khỏi máy bay từng người một. Những ý nghĩ đó làm tôi choáng cả người"

Còn Miki có ý nghĩ riêng của anh. Trong nhiều năm, anh vẫn thán phục cha mình ở cái tính khiêm tốn của ông. Anh có thể hiểu được thái độ đó. Nhiều người tị nạn Việt Nam chỉ muốn quên đi những đau đớn trong quá khứ. Họ đã mất đi bao nhiêu thứ, thân phận, địa vị, gia đình, tiền của... Họ chỉ muốn nhắm vào tương lai. Kết quả là những người nầy có nguy cơ đánh mất quá khứ. Lũ con rồi đây khôn lớn sẽ không biết gì về chuyện vượt thoát tìm tự do của cha mẹ. Và mọi chuyện sẽ nhạt nhòa dần khi thế hệ của những bậc cha mẹ lần lượt mất hút.

"Chỉ có một điều khác nhau giữa gia đình chúng tôi và những gia đình khác, đó là những tấm hình và những khúc phim nầy", Miki nói. "Mỗi người tị nạn Việt Nam tới xứ sở nầy đều có hàng vạn những câu chuyện đáng được kể ra, và chắc chắn có những câu chuyện còn gian nan hơn nhiều" 

*** 

Miki ngó Jacobs khi ông nầy tới trước đám quan khách trong phòng tiếp tân.

"Chúng tôi dành phần sau chót cho điều đáng kể nhất", ông ta vừa nói vừa nhìn ông Nguyễn.

Jacobs đọc một đoạn tuyên dương Nguyễn về hành động gan dạ của người sĩ quan phi hành.

"Với tài ba của một phi công, thái độ trầm tĩnh trong lúc nguy cấp, hành động của ông Nguyễn đã mang về một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước ông và đã nói lên được một truyền thống cao đẹp nhất của Hải quân Hoa Kỳ" 

Nguyễn không nói được lời nào khi ngồi yên ngó lên từ chiếc xe lăn. Một sĩ quan Hải quân cúi xuống gắn huy chương Không quân biểu dương lòng can đảm lên ve áo của ông.

Trong chiếc xe lăn Nguyễn vặn vẹo cử động thân mình.

Miki, đứng sau ông, không hiểu cha mình muốn gì.

Ông cựa quậy hai chân, rồi thẳng người lên trong cái áo khoác màu xám tro. Ông nhìn thẳng vào Jacobs. Và, ông chào bằng cách run rẩy đưa bàn tay mặt của mình lên trán... 

***

Nguyễn qua đời vì bệnh Alzheimer 3 năm sau ở cái tuổi 73, ông đã vĩnh viễn ngủ luôn một giấc dài vào một đêm mùa hè. Nhưng trong cái buổi họp mặt đáng ghi nhớ đó, lúc thời gian quay ngược trở về một ngày khó quên của tháng 4, 1975, Miki đã thấy cha mình phác một cử chỉ dường như để nhắc với anh rằng, "Dù thân thể ông không thể cử động được nữa, nhưng ông - người cha mà anh đã tin chắc thế nào cũng tới để đưa anh và cả gia đình ra đi - ông vẫn mãi còn đó..."


Khuyết Danh 

Tâm Ác Kẻ Xâm Lăng - Minh Lương

Cuộc Chiến Đấu Bi Hùng Của Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu (Đào Vũ Anh Hùng)


Bài ca biệt ly của quân lực VNCH được diễn tả bằng những hành động, những trận đánh ngoạn mục của người lính VNCH trong trận thư hùng với các binh đoàn Cộng Sản lần cuối vào những giờ phút hấp hối của miền Nam. Đó là những trận đánh cực cùng dũng cảm, bi thương, hùng tráng và tuyệt vọng, trước sự chứng kiến của cả trăm ký giả, phóng viên ngoại quốc, những nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu quân sử…


Đó là Thiên Anh Hùng Ca bất khuất của một quân lực trong suốt hơn hai mươi năm chống giữ và bảo vệ cái tiền đồn của thế giới tự do trước làn sóng xâm lăng cộng sản. Thiên anh hùng ca bất hủ đã được nhiều nhân chứng tôn vinh và ngưỡng phục. Sau cuộc tan hoang, miền Nam Viêt Nam bị mất về tay CS, nhiều người đã công khai nói lên lòng cảm phục cùng sự thương tiếc cho một quân lực hùng mạnh và quả cảm đã gánh chịu một kết thúc đau thương, ngập tràn uất hận.


Ký giả Peter Kahn của đại nhật báo The Wall Street Journal, dưới cái tựa “Truy Điệu Nam Việt Nam” ngày 2-5-75, nghĩa là hai ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ đã ngậm ngùi kết luận: “Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm và không phải họ luôn luôn được người Mỹ giúp đỡ. Tôi nghĩ không có quốc gia nào có thể chịu đựng được một cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc đến như vậy… Rốt cuộc quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của mọi người.


David Halberstam, một ký giả Mỹ đầy thiên lệch khi nhận định về chiến tranh Việt Nam, nhưng khi chứng kiến sự sụp đổ của miền Nam thì cũng phải phẫn nộ thú nhận trên tờ Newsweek, “Tất cả những sự thất bại lịch sử và những sự hèn nhát tồi tệ của biết bao nhà lãnh đạo Tây phương đều chồng chất lên lưng những người lính Nam Việt Nam… Thật là bất lương và bất công! Sự nhục nhã là của chúng ta chứ KHÔNG PHẢI LÀ CỦA QUÂN ĐỘI VNCH!”


Hầu hết các phóng viên báo chí, các ký giả ngoại quốc trước đây từng công khai bênh vực và nghiêng hẳn về phe VC, đã phản tỉnh đã xám hối khi chứng kiến cuộc kháng cự dũng mãnh, hào hùng và bi thảm của những đơn vị quân đội ở lại chiến đấu cho đến người lính cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng. Piere Darcourt đã nồng nhiệt ca tụng lòng dũng cảm của quân lực VNCH ở Xuân Lộc, của một đơn vị Nhảy Dù ở Lăng Cha Cả, của anh em Biệt Kích 81 ở Bộ Tổng Tham Mưu và dành sẵn một đoạn dài mô tả cuộc chống trả hiên ngang của các Sinh Viên trường Võ Bị Đà Lạt trên các đường phố Sài Gòn. Người ta đã nói rất nhiều đến những tấm gương tuẫn tiết của các vị Tướng anh hùng, những cuộc tự sát tập thể của những người lính vô danh VNCH không chịu đầu hàng kẻ thù, nói đến những kỳ tích chiến đấu của những đơn vị Quân Lực miền Nam.


Một trong những trận đánh anh hùng ấy đã làm mủi lòng biết bao nhiêu người, đã gây xúc động biết bao nhiêu con tim. Những giòng nước mắt đã dàn dụa đổ xuống khi chứng kiến cuộc chống trả tuyệt vời và ngoạn mục có thể nói trên thế giới, không một quân sử nước nào có thể có được.

Đó là cuộc chống trả của các THIẾU SINH QUÂN ở Vũng Tàu trong đêm 29 và gần trọn ngày 30-4-75, khi cộng quân xâm nhập và chiếm đóng các vị trí trọng yếu trong Thị Xã.


Vũng Tàu coi như bỏ ngỏ và rơi vào tay cộng quân. Ngoại trừ một cứ điểm duy nhất còn chống cự do những thiếu niên tuổi 12, 13… đến 17 tự lập phòng tuyến quyết tâm tử thủ. Cứ điểm đó là trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và những chiến sỹ gan dạ anh hùng đó là những thiếu sinh măng trẻ của trường.

Địch đã tung hai tiểu đoàn xung kích bao vây cứ điểm cuối cùng này nhưng chúng đã gặp phải một lực lượng vũ trang đáng kể hiên ngang đương đầu với chúng. Cộng sản đã coi thường những chú lính sữa chưa bao giờ biết mùi trận mạc. Chúng bắt loa kêu gọi các em đầu hàng và buông lời hăm doạ… Tiếng loa vừa dứt, Viêt Cộng nhận ngay một tràng đại liên thay cho câu trả lời, gọn gàng và cương quyết của gần 700 tay súng tí hon. Tiếp theo là hàng trăm mũi súng nhắm thẳng vào bọn VC bên ngoài, phẫn nộ lảy cò. Vài tên Bộ Đội bị đốn ngã ngay trong loạt đạn đầu tiên. Bọn Việt Cộng phải đứng khựng lại trước tinh thần quyết tử cuả 700 hậu duệ anh hùng Trần Quốc Toản. Chúng không giám tấn công ngay vì các em quá nhỏ và vì có sự hiện diện của đồng bào.

Chúng lui ra xa tránh đạn, bắc loa ra lệnh các em phải đầu hàng đúng 9:30 sáng hôm sau, ngày 30 tháng Tư.

Mặc VC kêu gọi và đe doạ, Thiếu Sinh Quân vẫn kiên trì tử thủ, khiêng chướng ngại vật làm lũy phòng ngự, tổ chức giao liên, tiếp tế đạn dược, nước uống và lương khô, cứu thương và cứu hoả… Anh lớn chỉ huy các em nhỏ, áp dụng tuyệt vời những bài học quân sự và kỹ thuật tác chiến đã được giảng dậy ở quân trường.


Đúng 9:30 sáng ngày 30-4. Cộng quân ra lệnh gọi đầu hàng lần chót nhưng các chiến sỹ tí hon vẫn kiên quyết kháng cự, trả lời chúng bằng những loạt đạn dữ dội hơn.

VC nổi cơn khát máu. Chúng khai hoả, mở cuộc tấn công ào ạt mong giải quyết chiến trường nhanh chóng. Nhưng chúng phải lập tức dội ngược lại, không ngờ sức chống cự quá mãnh liệt và hoả lực từ bên trong bắn ra vô cùng chính xác vào những bia sống, những cái bia người “SINH BẮC TỬ NAM”. Các em chưa bao giờ được bắn, nay đã bắn với tất cả căm thù, mong dành lại những gì sắp bị cướp mất.


Thiếu Sinh Quân có đầy đủ vũ khí cá nhân và vũ khí cộng đồng. Ngoài ra còn có lợi điểm là các công sự trong trường, vừa đánh vừa di chuyển, ẩn núp, trong khi bộ đội VC lớ ngớ như bầy chuột chù ra ngoài ánh sáng. Lại có những thanh thiếu niên và Quân Nhân vỡ ngũ bên ngoài hào hứng và kích động, tìm cách lẻn vào tăng cường tay súng, nhập cuộc cùng các Thiếu Sinh Quân chiến đấu ngay trong sân trường, đột kích, đánh bọc hậu bọn bộ đội khiến chúng nao núng và hốt hoảng.


VC đã bắn sập một khoảng tường nhưng không thể nào vượt qua được lưới đạn của các chiến sỹ nhỏ tuổi nhưng can trường. Các em đã chiến đấu thật gan dạ, nhanh nhẹn, khôn ngoan, phối hợp nhịp nhàng và KỶ LUẬT như những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến nhà nghề.

Đây là trận đánh thực sự đầu tiên và cũng là trận đánh cuối cùng của các em còn đang giở khoá học. Trận đánh QUYẾT TỬ đã đi vào lịch sử.


Các Thiếu Sinh Quân đã chiến đấu không nao núng dù có nhiều em ngã gục. Những đứa con bé bỏng của quê hương đã chết trong giờ phút cuối cùng của miền Nam, khi tóc còn xanh, mộng đời chưa trọn. Đồng bào chứng kiến cảnh bi thương này đã oà lên khóc. Có những bà mẹ kêu gào, lăn xả vào cản ngăn họng súng bọn bộ đội để che chở cho những thiếu niên ở bên trong.

Tiếng nổ, tiếng hò hét, tiếng kêu khóc, tiếng loa uy hiếp của VC đã tạo nên một không khí chiến trường lạ lùng chưa từng thấy… Các Thiếu Sinh Quân chiến đấu với tất cả nhiệt tình và sinh lực của tuổi trẻ hăng say hào hứng như đang tham dự một trò chơi lớn.


Cuộc chống cự kéo dài đến 3:00 chiều. Cho đến khi kho đạn dược đã cạn và kho lương thực bị bốc cháy, các Thiếu Sinh Quân mới bằng lòng cho VC thương thảo. Họ đòi hỏi VC chấp nhận một giờ ngưng bắn, sau đó sẽ buông súng và mở cổng…

Và các em đã dùng một giờ ngưng bắn để thu dọn chiến trường, săn sóc đồng đội bị thương, gói liệm thi hài những vị tiểu anh hùng đã gục ngã, và chuẩn bị làm lễ hạ kỳ. Họ KHÔNG ĐỂ CHO BỌN CS làm nhục lá cờ VÀNG BA SỌC ĐỎ, lá cờ biểu tượng thiêng liêng gói ủ hồn dân tộc mà họ đã thề nguyền PHẢI THƯƠNG YÊU và BẢO VỆ.


Có chừng hơn một Trung Đội TSQ đã tập họp trước sân cờ, đứng trang nghiêm và thành kính nhìn lên lá Quốc Kỳ còn nguyên vẹn màu tươi thắm bay phất phới trên nền mây ngọc bích. Hai TSQ lớp 12 là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Chung bước tới, đứng nghiêm trước kỳ đài theo lễ nghi quân cách, dơ tay chào. Họ từ từ nắm từng nấc giây, cho lá cờ hạ xuống thật chậm và từ tốn như cố kéo dài giây phút thiêng liêng cảm động này, nước mắt đầm đìa.

Tất cả TSQ từ trong các tầng lầu, từ các hố cá nhân, các giao thông hào, sau những gốc cây, bờ tường, sau những mái nhà…., không ai bảo ai, đồng loạt đứng bật dậy đồng thanh cất tiếng hát bài quốc ca.


Gần 700 giọng hát hùng tráng cát lên, vang khắp sân trường. Bọn bộ đội nghe, ngơ ngác không phản ứng. Tiếng hát phủ tràn trên tuyến địch vang đến tận bến Dâu, bến Đình… Mọi người dân Vũng Tàu đã đều nghe và rung động. Tiếng hát bay ra biển khơi, bay lên trời cao, âm thanh lồng lộng theo gió chiều, đất trời cùng ngẩn ngơ rớm lệ theo tiếng hát.


Các Thiếu Sinh Quân đã làm lễ mai táng đất nước, đã TRANG NGHIÊM RỬA SẠCH tấm bia DANH DỰ của Quân Đội VNCH, đã vuốt mắt cho Mẹ Việt Nam yên nghỉ qua lễ hạ kỳ lần cuối chỉ một không hai này. Họ hát bằng tiếng nấc thê lương và phẫn uất từ sâu thẳm trái tim, với những nghẹn ngào cùng dàn dụa của nước mắt. Đồng bào cùng thổn thức thương tủi và thổn thức hát theo.

Thời gian như ngưng đọng lại trong giờ khắc thiêng liêng và bi thảm, xúc động cùng lẫm liệt đó.


Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nghe văng vẳng trong sâu kín của buồng tim đã thắt nghẹn, tiếng bi thương hùng tráng của các Thiếu Sinh Quân hát bài Quốc Ca trên đất nước, trong ngày cuối cùng của Tháng Tư Đen, ngày oan khiên định mệnh cho dân tộc Việt.


Đào Vũ Anh Hùng

Chuyện Cười Tháng Tư Đen


1.  Trong một trại tù cải tạo nọ, tên cán bộ răng đen mã tấu đang thao thao lên lớp:

      - Nịch sử lước ta toàn nà anh hùng. Bắt đầu nà vua Nạc Nong Quân nấy bà Triệu Ẩu đẻ ra một bọc trứng…

      Cả hội trường cười ồ. Mất hứng, hắn quắc mắt, hỏi tại sao  các anh cươì 

      Một sĩ quan “ngụy” đứng lên, lịch sự trả lời thay cho tất cả:

      - Thưa cán bộ, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, chứ không phải bà Triệu Ẩu.

      Hắn khó chịu, im lặng vài giây, và quay sang hỏi tên cán bộ phụ tá, rồi dõng dạc nói:

      - Nạc Nong Quân nà vua, ông ấy muốn nấy gái lào mà chả được. Bà Âu Cơ hay bà Triệu Ẩu cũng đều nà gái tốt cả.

 

2. Sau 30/4/1975, tôi gặp một người bạn, tên T., cựu giáo sư Triết bị động viên cùng khóa Thủ Đức, và hỏi có nên đi trình diện cải tạo không. Anh ta hồ hởi ra mặt:

      - Nên lắm chứ! Không sao đâu. Họ là Cộng sản nhưng là Việt Nam.

      Hai năm sau, tình cờ gặp lại nhau trên một con đường rừng tại Hoàng Liên Sơn, vai đứa nào cũng oằn xuống vì bó nứa to tổ bố. T. lắc đầu, miệng cười méo xệch, rồi bỏ nhỏ vào tai tôi:

- Tao xin cải chính một điều.

-  ?

- ĐM, chúng nó là Việt Nam nhưng là Cộng sản.

 

3.  Cũng trong hội trường của một trại tù cải tạo khác, một tên răng đen mã tấu nọ lên giọng:

      - Các anh biết không, đất nước ta giàu có cực kỳ, tiền rừng bạc bể. Nhiều nơi trên miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của ta, chỉ cần cắm ống nứa xuống đất là dầu hỏa phụt lên, thế là ta cứ việc mang thùng ra hứng đem về tha hồ đốt.

      Cả lớp im lặng. Hắn hứng chí tiếp:

       - Ngoài mỏ dầu, miền Bắc còn có đủ các loại mỏ khác như mỏ than, mỏ vàng, mỏ xăng, mỏ nhớt...

Mọi người cười ồ. Một anh tù già, ưa xỏ xiên, giơ tay xin hỏi:

     - Thưa cán bộ, có một thứ mỏ mà không biết miền Bắc có không, nhưng miền Nam nghèo đói của chúng tôi chắc chắn không thấy, đó là mỏ lết.

      Hắn bỉu môi:

      - Anh nói gì, mỏ lết hả? Cái gì chứ mỏ lết thì miền Bắc thì thiếu giống gì. Đảng và nhà nước đang có kế hoạch đào, khai thác đấy.

 

4Tôi là bạn cũ của một đại đức trụ trì một ngôi chùa lớn tạiPortland. Anh nguyên là trung úy trường Đại Học CTCT, có vợ con, tù cải tạo sáu năm. Qua Mỹ theo diện HO, anh học đậu bằng đông y sĩ, rồi xuất gia, tu chùa. Trong bữa cơm chay anh mời mới đây, chúng tôi bàn đủ thứ chuyện, và cuối cùng đến đề tài unavoidable, không tránh được. Ấy là chống Cộng và thân Cộng.   

     Anh bảo:

     - Tôi chống Cộng, nhưng tôi chống việc đi biểu tình...

     Tôi ôn tồn đáp:

     - Tại các nước dân chủ, biểu tình là một cách bày tỏ ý kiến, và trong bối cảnh chính trị của các cộng đồng VN hải ngoại, biểu tình cũng là một hình thức chống Cộng.

    Anh nói:

    - Tại sao không về Việt Nam mà chống? Ở đây, chỉ chống Cộng bằng mồm...

     Tôi bắt đầu thấy nực:

     - Ở đây, không chống Cộng bằng mồm, thì chống bằng cái gì? Vô lẽ chống bằng gậy? Về VN chưa kịp mở mồm ra là chúng nó đã lùa vào rọ hết thì chống thế nào được? Chúng nó có sợ ai đâu. Đến ông phụ tá ngoại giao Mỹ mà chúng nó còn đánh cho nhừ đòn, sá chi Việt Kiều. Tôi vẫn phục và trọng những người chống Cộng trong cái thế phải chống bằng mồm hơn những kẻ ngậm miệng ăn tiền, hoặc ngược lại, mở mồm ra là nhả mùi thân Cộng. Thay vì khuyên những người chống Cộng, anh nên bảo những kẻ thân Cộng hãy về Việt Nam hợp tác xây dựng đất nước đi, quyên tiền làm từ thiện đi, tố cáo tham nhũng đi, dẹp bớt đĩ điếm đi, làm cho người nghèo giàu lên đi, đúng với lý thuyết của ông tổ Karl Marx, chứ ngồi ở đây chỉ phá thối Cộng đồng... Vả lại, nhờ những người chống Cộng bằng mồm, chống Cộng tới chiều, như chúng tôi, mà VC chưa làm gì được tại hải ngoại, chỉ dụ khị được vài thằng Việt kiều ngu muội, háo danh, lú lẫn, mà chúng nó vẫn chưa nắm được một cộng đồng tỵ nạn nào, dù đã chi tiêu hàng triệu đô cho Nghị quyết 36... VC là người cũng phải biết sợ chứ!

     Anh bỗng đột ngột đổi đề tài:

    - Vatican và Giáo Hoàng đã bắt tay với Việt Cộng rồi, anh là Công giáo nghĩ sao?

    - Tôi chả nghĩ sao cả. Các nước trên thế giới đều bắt tay với VC, kể cả Mỹ. Vatican cũng là một nước, không có gì lạ. Tôi là Công giáo, tôi chỉ tuân phục Giáo Hoàng về tín lý và kỷ luật của giáo hội, như cấm phá thai, cấm giết người, cấm ngoại tình, cấm thờ quỷ dữ Satan, v.v... Nhưng về việc chống Việt Cộng, không ai trên đời này có thể cấm đoán tôi, kể cả dí súng vào mang tai, huống chi những lời tuyên bố chỉ có tính cách ngoại giao của Giáo Hoàng, quốc trưởng Vatican.

 

5. Trong bữa họp mặt tại tệ xá, bạn bè ăn uống và đến giai đoạn bàn về chuyện những kẻ tự nhận là mình trung lập trong chiến trận Quốc-Cộng hiện nay, hạng người nửa nạc nửa mỡ, ba rọi, ba phải. Rượu vào lời ra.

     Một anh tuyên bố:

     - Tôi đứng ở ngả ba đường.

     Người thứ hai lên tiếng:

    - Còn tôi là con người đứng giữa.

     Một anh khác, người nổi tiếng chống Cộng tới cùng trong Cộng đồng, trả lời:

    - Đứng ở ngả ba đường thì xe nào chạy tới cũng đụng mà ngủm củ tỏi. Còn trong thân thể người ta, tôi là bác sĩ nên tôi biết chỉ có một con đứng giữa thôi, và con đó không phải là con người.

     

NKQ

Vài Nét Về Putin - Nguyễn Thị Cỏ May


Chiến tranh ở Ukraine do Putin chủ tâm gây ra hiện nay không khỏi làm cho nhiều người nhớ lại những cuộc xung đột giữa các cường quốc hồi thế kỷ XIX. Anh và Nga  tranh giành nhau những nguồn lợi của Trung Á, trong lúc những nước Âu châu khác như Pháp, Đức, Bĩ mở rộng Đế quốc của họ qua Phi châu giàu có tài nguyên. Sau thời gian yên ổn do khối cộng sản Liên-xô sụp đổ, nay thiên hạ đang sống với những căng thẳng hăm dọa, chiến tranh thế gới sẵn sàng bùng phát, như giữa Hoa Kỳ và Tàu. Nhưng xung đột chưa kịp xảy ra thì nay Nga xua quân đánh chiếm Ukraine, một nước độc lập, dân chủ do dân bầu cử tự do.


Trong cuộc chiến ở Ukraine, người ta nhận thấy thế giới thay đổi, một bên gồm có Nga, Tàu, Iran, Venezuela chống lại Hoa kỳ, Âu châu, và những nước dân chủ tự do.

Nga xâm lăng Ukraine, giết hại thường dân, cả phụ nữ và trẻ con, không thể phủ nhận đó là tội ác chiến tranh đầu tiên xảy ra vào đầu thế kỷ XXI. Chiến tranh do Putin đem tới quá tàn bạo đã làm cho hơn 5 triệu thường dân Ukraine bỏ xứ đi tỵ nạn.  Hệ quả là kinh tế thế giới khủng hoảng, vật giá leo thang, thực phẩm khan hiếm, nạn đói hăm dọa trong những ngày tới cho các xứ nghèo đông dân. Trong tình hình đó, thử nhìn lại cuộc chiến ở Ukraine. Tại sao Putin chủ tâm đánh chiếm Ukraine? Putin là con người như thế nào? Tử tế hay ác ôn, bình thường hay bịnh hoạn?

Vài nét về Putin:

Về sức khỏe, ngoài những bịnh tâm thầm và Parkingson theo như báo chí loan tin, Putin còn đang mắc phải chứng ung thư tuyến giáp trạng (cancer de la thyroide, theo ký giả Marc Nexon, Le Point, 06/04/22, Paris). Nhiều người đề nghị ông, ngoài trị liệu tây y nên thêm phương ngoại như tắm rong biển, đất sét hoặc cacao. Nhưng ông nghe theo lời chỉ dẩn của ông Serguei Choigou, Tổng trưởng Quốc phòng thân tín, người gốc thiểu số ở sát biên giới Mông Cổ (vắng mặt bất ngờ tư 11/3, tái xuất hiện trên vidéo hôm 23/3) tắm máu nai theo cách chữa bịnh hiểm nghèo gia truyền của sắc dân này. Nó còn bồi bổ, tăng cường sinh lực chống bịnh tật.

Hằng năm, tới mùa hè, ông tới quê hương của Tổng trưởng Quốc phòng ở vùng biên giới này nghỉ hè và chữa bịnh. Vào mùa hè, nai mọc sừng mau lắm. Qua một ngày, sừng có thể dài ra cả tấc. Người ta cưa sừng non, hứng lấy máu tươi đem về đổ vào bồn tắm cho Putin vào đó ngâm mình trong máu. Putin tắm máu! Nhưng cách chữa này không hiệu quả nên đội ngũ y sĩ chăm lo sức khỏe cho ông ngày càng đông người thêm. Họ theo sát ông, cả những lúc ông về nhà nghỉ ở Sotchi.

Vì tình trạng sức khỏe của Putin không khá nên ở Điện Cẩm linh đã có «dự án thay thế» từ năm 2020. Người dự trù thay thế ông là Thủ tướng đương nhiệm Mikhail Michoustine. Bổng nhiên tình trạng sức khỏe của ông ổn định dần trở lại nên dự án thay thế không cần thiết nữa. Nhưng Putin sợ bịnh dịch đang hoành hành nên ông luôn luôn giữ xa cách mọi người. Cả lúc làm việc với nội bộ thân cận, ông cũng vidéo-conférence. Cả tiếp khách ngoại quốc, ông cũng ngồi cách xa 6 mét.

Phải chăng Putin đang bị bịnh tâm thần? Chẳng những ông thường tự cô lập, mà ông còn chui vào hầm trú ẩn (bunker) trong núi Altai. Thật ra đây là cả một thành phố nhỏ xây dựng ẩn dưới lòng đất với đầy đủ trang thiết bị điện tử tối tân. Khi khởi chiến tranh với Ukraine, ông cho bồ nhí Alina Kabaieva, 38 tuổi, và 3 đứa con nhỏ của hai người đi tỵ nạn ở Thụy sĩ.

Putin còn nhiều bunker nữa tránh chiến tranh nguyên tử. Như ở trong núi vùng Oural, cách Mạc-tư-khoa 1400 km, xây cất từ những năm 1970 nhưng được tân trang liên tục. Địa điểm chính xác bí mật. Máy bay đi gần tới, tắt hết mọi liên lạc.

Thế giới theo Putin và Nga:

Về cái nhìn thế giới, xưa nay, vẫn có sự khác biệt, có khi mâu thuẩn nhau mãnh liệt giữa Nga và Tây phương. Trong lúc Tây phương coi Nga là một cường quốc xâm lược thì Nga, nay Putin, cho rằng y đang hoàn thành một «sứ mạng thiêng liêng» (Theo Gregory Carleton, nghiên cúu và giảng dạy văn chương và văn hóa slave ở Đại học, Hoa kỳ). Nga gần như có mặt ở khắp nơi trên chính trường thế giới. Dưới mắt người Âu châu, sự hiện diện của Nga như vậy không gì khác hơn là tìm cách xâm lược. Nga dưới thời Nga hoàng hay cộng sản hay ngày nay với Putin thì chắc chắn cũng không có gì khác hơn.

Thật vậy, cái nhìn về thế giới của họ, chẳng phải không giống với người Tây phương mà, trái lại, còn hoàn  toàn đối nghịch nữa. Khi người Tây phương thấy đó là thái độ hay chủ trương gây chiến thì Nga lại cho rằng không phải, chúng tôi đang phòng thủ. Chiến tranh ở Géorgie? Không, người Nga chúng tôi đang bảo vệ dân thiểu số Abkhaze và Ossetia. Chiếm  Creamia năm 2014? Chúng tôi đang tái lập một chánh phủ Nga trên phần lãnh thổ Nga. Muốn thử tìm hiểu Putin và Nga, ở khía cạnh này, nên nhìn lại tỉ mỉ hơn cái gì Nga thấy xứ sở Nga của họ ngay khi xuyên qua chiến tranh do họ gây ra.

Thật vậy, chiến tranh, xưa nay, không tách rời khỏi lịch sử nga. Biên giới của Nga uyển chuyển theo những đợt xâm lăng ngoại bang và những đợt xâm chiếm của họ, cho đến khi những biên giới này biến mất. Xâm lăng nhau xảy ra thường xuyên vì giữa các nước ở vùng này vốn không có ranh giới thiên nhiên. Đất đai phì nhiêu, trung tâm Nga nằm giữa nhiều đường sá và sông ngòi giao thông thuận lợi nối liến với biển  Baltique và Biển Đen.

Nhiều người nga khi đọc lịch sử của mình, họ thấy như họ có một «sứ mạng thiêng liêng» đối với dân tộc Nga. Họ đã từng được giao phó sứ mạng bảo vệ Âu châu chống lại sự xâm lăng của Mông-cổ, để tiêu diệt đội quân của Napoléon, để chiến thắng nazis. Với Nga, quả thật chiến tranh không thể tách rời khỏi sự hy sinh của họ.

Vận mệnh của Nga không chỉ giới hạn ở nhiệm vụ bảo vệ Âu châu. Khi chiến tranh, Nga còn lo bảo vệ niềm tin thật sự của họ, niềm tin chánh thống giáo, chống lại bọn ngoại đạo, chúng tìm cách tiêu diệt tôn giáo dân tộc thiêng liêng của Nga. Mọi cuộc chiến, cả những cuộc chiến dưới thời cộng sản, cũng đều mang chiều kích tôn giáo và thiêng liêng. Những người chiến thắng giặc ngoại xâm được tôn thờ là anh hùng dân tộc chống giặc ngoại đạo.

Nhà thờ Chúa Cứu thế (Christ-Sauveur ở Mạc-tư-khoa) xây năm 1882, bị cộng sản Staline phá vỡ năm 1931, trước khi được xây dựng lại năm 1990, được tôn xưng là nơi để tưởng niệm những chiến sĩ Nga tử trận trong chiến dịch chống Napoléon.

Ngày nay, sự tôn xưng này vẫn còn. Nhà thờ vừa phong thánh cho những quân nhân Nga tử trận. Chiến tranh đã trở thành thần thoại trong đời sống dân chúng Nga, được phổ biến, lưu truyền qua văn chương bình dân Nga và cả văn chương nhà nước. Từ thế kỷ XIX, bản sắc dân tộc Nga được xác định đồng thời với sự coi thường người Âu châu. Trong lúc người Nga kiêu hãnh về huyền thoại một nước Nga được Bề Trên phù hộ về mọi mặt, có đủ mọi khả năng thì người Âu châu lại thấy ở Nga một cường quốc ưa lược xâm và bành trướng nguy hiểm cho hòa bình thế giới.

Nhận thức này của Nga kéo dài cũng như cái khó khăn của Tây phương tìm hiểu Nga. Năm 1999, Putin được người Nga coi như một người hùng đã kết thúc tình trạng bất ổn liên tiếp từ khi Liên-xô sụp đổ mà nhiều người cho là nội chiến. Cuộc chiến xâm lăng Ukraine hiện nay được nhà cầm quyền ở Điện Cẩm-linh định nghĩa như thứ chiến tranh dính liền với thần thoại. Vì vậy nên hiểu tại sao Nga phải chiếm đóng Cremia vì cho rằng cách mạng dân chủ Maidan hồi tháng 2/2014 ở Ukraine chỉ là một thứ toan tính mới của Âu châu nhằm làm suy yếu nước Nga mà thôi.

Khi Nga gây chiến tranh bảo vệ những quyền lợi, họ cho là sanh tử, có thể cắt nghĩa thứ chủ thuyết mạo hiểm của họ trong chánh trị quốc tế vì luôn được dân chúng hưởng ứng.  Putin, hơn ai hết, hiểu rõ điều này nên nhờ đó mà chánh sách đối ngoại thành công ngoạn mục đối với dân chúng.

Nhưng sự thành công này e sẽ khó tránh làm cho chế độ sụp đổ như Liên-xô trước kia đã sụp đổ. Bởi chánh trị hiếu chiến xưa nay khó bền vững.

Với Âu châu, Nga là hiếu chiến. Điều đó rõ ràng. Nhưng người ta vẫn cho rằng Âu châu không hiểu ý đồ thật của Nga. Nó không thể tách rời với lịch sử Nga, mà cũng chính là dân tộc Nga. Từ nhiều thế kỷ nay, Nga nhiệt tình dấn thân vào những trận chiến, nhưng điều đó luôn luôn được hiểu là để đáp ứng cho «vận mệnh thiêng liêng»: bảo vệ Âu châu, ngay cả hy sinh cho Âu châu.

Cái mâu thuẫn giữa gây hấn và hy sinh đã thể hiện rõ vào thế kỷ XIX khi bản sắc Nga được xác định. Ngày nay, chánh sách đối ngoại của Nga nhằm bảo vệ những quyền lợi sanh tử của mình phải chăng cũng phát xuất theo từ cái quá khứ làm giặc đó?

Sau gần 2 tháng xua quân xâm chiếm Ukraine, chủ quan ước tính chỉ trong vòng vài ngày là xong, thì nay đợt tấn công thứ nhứt kể như hoàn toàn thất bại. Mà thật, trên thực tế, sự tổn thất về người và vật chất đã thấy quá lớn. Putin đã phải cho rút lui «chiến thuật».

Về lâu về dài, những biện pháp kinh tế, tài chánh do Hoa Kỳ và Âu châu áp đặt sẽ làm cho Nga trở thành tụt hậu sau 30 chục năm, bằng cách này hoặc cách khác. Thế nhưng nhiều nhà bình luận người Nga cho rằng Putin có hay không còn Putin nữa, thì tình hình nước Nga cũng sẽ không khá hơn.

Người am tường lịch sử Nga và tâm thức dân tộc Nga thì quả quyết rằng Putin này mất, sẽ có Putin khác. Putin I, Putin II, Putin III, …

Và mỗi người dân Nga cũng đều là một Putin!


Nguyễn thị Cỏ May

Friday, April 29, 2022

Khóc Cười - Trầm Vân

Vì Hai Chữ Tự Do! - CSVSQ Bùi Đức Tính


Đêm thật dài, nhưng rồi cũng qua đi. Chỉ có quê hương tôi từ khi tràn ngập loài qủy đỏ cộng sản, đêm vẫn đen, và đêm đen giữa ban ngày.


Hướng Đông đã có ánh mặt trời. Ngày trở lại với tươi sáng và hy vọng. Hy vọng nơi phía Nam sẽ là vùng đất hứa, là bến bờ của tái sinh và tự do. Mây trắng mỏng, thanh thản nhẹ nhẹ bay. Trời vẫn xanh tươi hiền hoà và Thái Bình Dương hôm nay có vẻ vẫn yên bình. Ngày thứ ba lênh đênh trên biển cả, quanh chúng tôi cũng chỉ có trời và biển. Đại dương mênh mông và mênh mông. Nhìn thấy nước cuộn đạp phía sau thì cho là tàu đang chạy tới, nhưng tôi chẳng thấy nó chạy tới đâu cả. Bốn phương vẫn không thấy dạng bến bờ. Đứng trên mui tàu nhìn xuống, chiếc tàu 3392 sơn dầu hắc đen mốc này trông như cái mảnh ván vụn đang trôi nằm lững lờ trên biển cả. Vài đợt sóng mới có một lần sóng to. Vỏ tàu đóng với cái mũi bẩu để chở nhiều hàng và chỉ để chạy trên sông, không thích hợp với sóng to ở ngoài khơi, phải canh chừng để hướng tàu cởi lên sóng. Quanh quẹo qua lại theo sóng, rất dễ bị lạc hướng. Nhiên liệu và lương thực cho hơn bảy mươi người dù có dự trù nhưng vẫn có mức giới hạn. Sóng đùa đập lắc lư con tàu, tôi giữ địa bàn nằm thăng bằng để kiểm hướng chạy. Không có hải bàn, cái địa bàn của bộ binh nhỏ nhắn thân yêu này là niềm tin và hy vọng của chuyến vượt đại dương.


- Tính! Cà phê đây mày!


Vũ gọi và chuyền ly cà phê lên mui cho tôi.


Từ đêm thoát tụi cộng sản chạy ra đây, Vũ gọi lại bằng tên thật của tôi. Sau gần hai năm dài trốn quản chế, lấy tên của em trai, làm thằng Vinh ẩn náu, ngố ngáo phụ việc trên tàu. Mấy hôm nay được nghe gọi bằng tên thật, thật cảm động và có lúc vẫn còn nghe ngỡ ngàng tưởng như đang ngủ mơ.


Không, tôi không mơ!


Tôi đã được sống lại với tên Tính, được làm người tự do!


Tôi cúi xuống đỡ ly cà phê và cám ơn Vũ. Nhìn mắt thằng bạn lèm nhèm, hãy còn ngáy ngủ:


- Mới dậy hả mậy?


Vũ cười hề hề:


- Ừ, mệt quá. Tao kêu thằng Tài dậy sớm, ngồi coi máy dùm, tao phê được một lát.


Nhìn nó bơ phờ, tôi biết cái mặt của mình cũng y như thế. Không có anh Ba, mấy ngày nay tôi phải ròng rã ôm cái cần lái trên mui. Hương vị cà phê thơm đắng, đánh thức trí óc tôi. Đêm trước ngày ra đi thì nằm trăn trở không ngủ được, ba đêm nay thèm được ngả lưng làm một giấc thì phải chống mắt thức trắng đêm. Cà phê và cái khăn ướt thay phiên nhau giúp tôi mở mắt nhìn phương hướng. Ban ngày, thỉnh thoảng Vũ leo lên mui, thay thế tôi trong chốc lát, để tôi đi tiểu cho có vẻ lịch sự một chút, rồi phải trở xuống trông chừng bên dưới tàu. Vũ có khối trách nhiệm của nó, từ thức ăn nước uống cho bà con trên tàu, đến lo chạy bơm phụ khi nước đã vào tàu nhiều, theo dõi nhiên liệu và nhiệt độ máy. Cái rắc rối nhất là nước giải nhiệt cho máy, phải được làm nguội bằng luồng nước biển chạy qua liên tục do cái hệ thống bơm ráp thêm bên ngoài. Lơ đễnh không hay biết nước biển không bơm lên được, để lâu là cháy máy tàu.


Mặt trời chưa lên cao, nắng đã nóng gay gắt, không khí oi nồng ngột ngạt. Lớp da thịt ướp dầy muối biển bứt rứt, nắng nung đốt thành màu sạm mốc. Tính theo tốc độ và nếu không bị sai lạc phương hướng, chúng tôi nghĩ, tàu đang gần Mã Lai. Tôi có mệt mỏi lắm, buồn ngủ vô cùng, nhưng lo âu nhiều hơn tất cả. Nhìn quanh quẩn và mong sao thấy được cái gì đó có dấu hiệu là bến bờ, nhưng qua lớp ánh sáng chói chang lung linh hơi nước, lúc nào cũng chỉ thấy trời và thấy biển xanh trùng trùng.


Trưa một chút, không khí càng lúc càng trở nên ngột ngạt, khó chịu. Có cái gì đó bất thường!


Tôi gọi Vũ dưới hầm máy lên, chỉ vùng mây xám xa phía trước:


- Tao nghi sẽ có mưa bão quá, mày.


- Chắc là gặp bão rồi! Để tao xuống châm cho đầy dầu.


Vũ tụt lẹ xuống khoang, tôi nhắn vói theo:


- Chuẩn bị thêm một máy bơm phụ và người biết chạy máy, để sẵn sáng tát nước.

Bên trên mui, tôi lo lắng đứng ngó quanh, trông chừng mặt biển, trông chừng các đợt sóng. Đám mây đàng trước kéo đến càng lúc càng nhanh hơn, không mấy chốc đã che kín mặt trời. Chưa qua buổi trưa mà trông như đã sắp tối. Cái tối xám âm u thật kỳ dị, làm rờn rợn da người, lạnh dọc xương sống.


Trời tối sầm và chùng thấp xuống thật gần mặt biển. Trời và biển đã nối nhau một màu xám đen.


Mặt biển trở nên đen ngòm.


Gió bắt đầu thổi mưa, hạt mưa bắn vào lớp da cháy nắng nghe ran rát.


Vũ trở lại, đứng trên hầm máy, nhìn tôi lo âu:


- Bão tới thiệt mày à!... Tao mới thấp nhang.


- Ừ…không biết lớn nhỏ!


Tôi trả lời Vũ mắt không rời mặt biển đen ngòm cuộn đầy sóng:


- Cho tắt hết bếp lửa. Đồ đạc chèn chặt lại hết. Mày dặn mấy đứa em nào khoẻ, tiếp coi trật tự và sẵn sàng phụ giúp bà con dưới khoang, ngồi chia đều hai bên, đừng để hốt hoảng xô dồn một một phía khi tàu bị nghiêng. Mày ráng phụ tao điều khiển cần tốc độ.


Tôi mở địa bàn kiểm hướng thêm lần nữa rồi cất vào túi quần sau và gài nút lại. Tàu đóng để chạy trên sông, không che kín khoang như tàu đi biển, nếu sóng ụp lên thì lòng tàu sẽ hứng trọn vẹn khối lượng nước biển này và chắc chắc chìm ngay. Bão đến, chỉ cần lo tránh sao cho sóng đừng làm chìm tàu, phương hướng bây giờ không còn là điều cần thiết.


Không bao lâu sau, gió cuộn sóng dậy, sóng lao đến dồn dập. Cuộn sóng to vừa đập vào tàu thì những đợt sóng kế càng lúc càng to hơn. Sóng bổ vây trùng trùng và hầu như không thể đoán định chiều hướng. Có nằm ngay trong cơn cuồng nộ, chứng kiến gió gào sóng đập khi trùng dương dậy sóng, thì mới cái thấy uy lực của tạo hoá thật vô cùng mãnh liệt. Hai tay tôi ôm chặt lấy cần lái cố đưa tàu chạy nương theo sóng. Lúc cỡi xéo lên sóng, mũi tàu cất phóng lên như đụng tới bầu trời mịt mù vần vũ, tàu chao nghiêng tưởng chừng sẽ lật úp hay lộn ngược ra sau. Nhưng kinh hoàng nhất là khi chạy đổ xuống, tàu như đang bị hút vào giữa lòng biển, vào cửa địa ngục đen ngòm xoáy sâu hun hút. Thân người tôi bị kéo chúi tới trước, nghiêng ngã, lúc bị giật ngược ra sau. Mái che hứng cơn gió mạnh, nó gục gặc hai cây cột chống, ráp cặp với băng ghế để ngồi lái trên mui, kêu răng rắc và không biết nó chịu đựng được bao lâu sẽ bức đinh ốc bay xuống biển. Tôi rùn trụ người xuống, mười ngón chân cố đạp bấu lên lớp nhựa sần sùi tráng trên mui, áp ghì cả hai cánh tay vô cần lái và kè chặt vào hông mà vẫn cảm thấy nó sắp tuột khỏi tay tôi.


Vũ thật hay, như đang dùng chung với tôi một bộ óc, tôi không cần phải gọi nói chi cả, Vũ điều khiển tốc độ chính xác và đồng bộ với lúc tôi đổi hướng cần lái. Chiếc tàu quay sang trái rồi quặt sang phải, bường theo sóng. Càng lúc, tôi thấy khi sóng nhồi hất lên hay giựt hút xuống, trời và biển đều biến thành địa ngục như nhau cả!


Tận thế chắc cũng như thế này là cùng!


Sau hơn hai tiếng đồng hồ trời vần vũ, lúc tôi thấy mình đã kiệt lực, tay chân rã rời thì cảm thấy sóng gió có thưa giảm dần.


Tôi mừng rỡ gọi Vũ:


- Bên phải chân trời có ánh sáng!


Vũ la vọng xuống dưới tàu, báo tin mừng:


- Ráng chút nữa đi bà con ơi. Sắp hết bão rồi!


Vừa chạy tránh sóng, vừa lái tàu hướng về phía có ánh sáng. Vũ và tôi hy vọng hướng này trời và biển chắc là yên bình hơn.


May mắn cho chúng tôi, cơn bão không quá to và cũng không kéo dài. Sau cơn giông bão, trời biển thật đẹp, nhưng cơ thể mỏi nhừ nhắc tôi nhớ cơn bão mới vừa qua. Lấy lại hướng chạy cho tàu, nhìn biển xanh hiền hoà dễ thương, tôi tìm lại được an bình và chợt mỉm cười khi nhớ đến việc những cơn bão đều được cho mang tên phụ nữ. Người ta còn so sánh trước khi bão tới và trước khi phụ nữ nổi giận thì trời rất đẹp!


Vào khoảng bốn giờ, chiều về, ánh sáng dịu bớt nhiều, nhưng vẫn còn nóng gắt. Tôi giữ hướng đến Mã Lai và mắt vẫn ngó tìm quanh quẩn, hy vọng thấy dấu hiệu đất liền. Bất chợt, tôi thấy có ánh đèn chớp nhấp nháy gần chân trời. Không ống dòm và sóng che, nên ánh chớp màu đỏ khi thấy được khi không và thấy còn xa lắm. Tôi mừng vô cùng, nhưng lại không dám tin vào mắt mình. Ngại là mắt bị chói nắng biển nhiều ngày nên sinh quáng mắt, hay tôi bị buồn ngủ, ánh đèn này chỉ là ảo tưởng, tôi gọi vọng xuống hầm máy:


- Vũ! Mày lên đây coi cái này… tao thấy đèn!


Nghe gọi, Vũ phóng ngay lên mui, mặt nó hớn hở nhưng cũng không dám tin hẳn:


- Ê, đùa dai với bè bạn hay ngủ gục, mớ la hoảng đây bác tài?


Tôi quay mũi tàu chếch sang phải, chạy thẳng vào ánh đèn và lấy tay chỉ Vũ xem:


- Hướng 12 giờ. Nhìn kỹ giùm tao, khoảng bốn giây đèn chớp một lần.


Tôi nhìn thằng bạn cứ đưa mắt tìm kiếm, nôn nóng:


- Mày đừng có nhìn cao quá, trên mặt biển một chút, ngang tầm với tàu mình và nhìn lúc sóng đưa lên cao.


Thấy Vũ nhìn qua lại chẳng nói chi, tôi bắt đầu thất vọng, bỗng Vũ hét lên mừng rỡ:

- Có đèn! Tao thấy đèn…tới rồi bà con ơi!


- Khoan! Khoan la um sùm. Mày thấy cái đèn màu gì?


Nó choàng tay ôm vai tôi lắc và cười ha hả:


- Màu đỏ! Màu đỏ!... tới rồi, mày ơi!


Nghe nó trả lời, tôi mừng quá. Nhìn thằng bạn tíu tít vui mừng, tôi thấy nước mắt mình chợt ứa ra:


- Ừ, vậy là đúng như tao thấy rồi! Tao chắc đó là Mã Lai!


Vũ khom xuống khoang, la lớn qua cái cửa thông lên mui:


- Thấy Mã Lai rồi bà con ơi!


Như sợ dưới tàu không nghe hết, nó tuột ngay xuống báo tin vui. Tôi nghe tiếng nó và người ta gọi nhau báo tin vang dậy bên dưới. Tiếng cuời đùa vang vang dưới tàu. Gần ngoài mũi, một nhóm thanh niên tò mò, e dè nhóng lên chỉ nhau xem ánh đèn. Tin vui mang lại sức sống cho những thân người nằm rã rượi, lo âu, mệt mỏi, say sóng. Cả tàu được hồi sinh, rộn rã tiếng nói, tiếng cười.


Vũ trở lên mui ngồi hút thuốc chuyện trò với tôi. Niềm vui, ước vọng, câu chuyện, tiếng cười nối chen nhau vui nhộn cả tàu.


Có người đứng chồm qua cửa trên mui, chị cười tươi đưa hai cái ca nhôm cho Vũ, đang ngồi gần đó:


- Gia đình tui gởi cho cậu và chú lái tàu miếng nước chanh.


Vũ đở hai cái ca và chuyền cho tôi một cái:


- Cám ơn “chế” Hai nghen. Số dzách!... nước chanh đường của hai người đẹp gởi cho.

Người phụ nữ mà Vũ gọi là chế, tức chị trong tiếng Tiều, nguýt thằng bạn tôi một cái dài:


- Hứ, cái cậu này vợ con đùm đề mà còn lộn xộn


Vũ cười, nó chỉ tôi:


- Tui nói là để giới thiệu cho cái “chú lái tàu” này đây biết mà chế Hai, tội nghiệp thằng bạn nó còn độc thân chế à...


- Độc thân cái kiểu như cậu hồi đó còn quá cha ngươì ta có vợ con. Biết cô nào là đào chính, cô nào đào phụ phải hong cậu Vũ?


Vũ la lên:


- Trời thần ơi! bả ở dưới mà chế khai um sùm, cái này là chế hại “ngộ” dzồi… Bạn tui mà, ra tù thì trốn xuống tàu, tui bảo đảm mà.


- Mấy ông sĩ quan ai mà tin nỗi cái chuyện vợ con.


- Ậy, nó hiền lắm mà, chế hỏng thấy nảy giờ nó có nói gì đâu.


- Cậu có để cho ai nói đâu!


Vũ ngó tôi cười ha hả:


- Ngon nhe, có chế Hai bênh thằng em tương lai rồi đó.


Tôi đưa ca nhôm nước chanh lên xen vào:


- Cám ơn chế Hai và gia đình nhiều lắm.


- Có chút ít mà... Thôi, tui để mấy cậu ngồi nói chuyện nghen.


Ngó xem chế Hai đã xuống dưới khoang rồi, Vũ nói nhỏ với tôi:


- Mày thấy bả hai con mà như vậy, thì biết em gái bả ra sao!


Tôi uống nước trong ca và vui vẻ đùa theo với Vũ:

 

- Số dzách!... “Uống...(ca) chanh đường, uống môi em ngọt”

 

Biển êm, trời trong xanh, chiều hôm nay thật đẹp.


Sáng mai, trong ánh bình minh, thuyền nhân 3392 sẽ được chào đón một ngày mới, được sống lại và được làm người tự do. Tôi ngắm ánh đèn đỏ xa phía trước, nhìn biển xanh hiền hoà, lòng thanh thản, yên vui và tràn đầy hy vọng tàu sẽ đến bến bờ trong đêm nay.


Đã về chiều, chân trời có màu hồng ửng sắc vàng thật đẹp, có điều mỗi khi sóng đưa lên cao xéo bên trái có cái chấm đen. Cái chấm đen này, cáng lúc càng rõ dần và nó lớn lên khá nhanh. Tôi buột miệng:

 
- Tàu...!


Không biết sao, tôi thấy bất an trong lòng khi nghĩ là tàu. Tôi cố gạt bỏ ý nghỉ đến tàu cướp biển Thái Lan, nhưng nó cứ chập chờn trước mắt, cứ làm tôi bồn chồn lo lắng. Tôi gọi Vũ đang đứng ló người qua mui, chỉ cái chấm đen cho Vũ xem:


- Hướng 11 giờ. Mày nghĩ sao về cái chấm đen này?


Vũ thấy ngay, chưởi thề lầu bầu:


- Tao sợ nó là tàu Thái Lan quá mày à... Má nó, tới đây rồi mà bị cướp thì đau quá!


- Ừ, không biết sao, tao cũng thấy lo lắm. Bây giờ, thử cho là cướp biển và mình phải làm gì đây?... Không vũ khí, giao tàu hay chống lại?


Thấy Vũ yên lặng, tôi tiếp:


- Hay là... mày xuống bàn với gia đình và bà con bên dưới...Tao một thân một mình, tao bất chấp, tuỳ bà con.


Vũ đứng nhìn cái chấm đen đang lớn dần mặt lo âu. Tôi an ủi Vũ:


- Mày cứ xuống hỏi ý bà con trong tàu đi, rồi cho tao hay sớm. Dù sao tàu mình cũng... đông người hơn!


Vũ trở lên với Tài, Dân, Duy, Luốc, nó nhìn chấm đen đã thành hình dạng chiếc tàu di chuyển đến và cho tôi biết:


- Bà con không chịu giao tàu, mày nghĩ xem...


Tôi nhìn Vũ chờ đợi.


- không lẽ mình xuôi tay giao thân mạng thân quyến cho tụi nó... Tới đâu tới, thà chết chớ không giao tàu cho nó cướp!


Tôi hiểu lòng thằng bạn:


- Yên tâm! Nếu là tàu cướp và nó chưa hạ được tao, tao tiếp bà con đánh đến cùng!... Không súng, mình tính cách tự vệ theo không súng đạn.


Nhắc đến súng đạn, chợt nhớ đến buổi chiều chuẩn bị vượt thoát cửa biển, ghé xưởng của ông Năm để thay bộ giảm thanh mới cho tiếng máy nhỏ hơn, Vũ có lấy cái ống giãm âm thanh cũ đem xuống tàu cất. Cái ống hãm thanh cũ bị khói nung thành màu đen, có lỗ dọc theo thân, mới nhìn qua trông giống nòng súng lắm. Chúng tôi xách lên mui gác lên thùng đạn đựng đồ nghề, giả làm súng đại liên.


Vũ trở xuống hầm máy, đứng sẵn sàng để điều khiển máy. Hai đưa em của Vũ và hai đứa con của chú Chín, đứng trên mui với tôi.


- Anh Tính cứ giữ tay lái, tụi em lo hết cho anh.


Tài nói với tôi. Tôi biết ý các em, khi tấn công, bọn cướp tìm hạ người lái tàu trước. Vũ cho bốn tay “chiến” lên trên mui với tôi. Nhìn bốn thanh niên sắc mặt đanh lại. Tôi biết mấy đứa này từ khi còn trẻ nhỏ, bây giờ đã là thanh niên lực lưỡng hết. Ngoài giờ học, mấy đứa em của gia đình Vũ vào làm thêm trong công ty cung cấp thịt tươi của người chú. Nửa con bò xẻ ra, dài hơn thân người, nó xỉa ngón tay đưa thẳng lên máng vào móc sắt với một tay mà thôi. Thấy mặt mấy đứa làm trong “công xi” này, bọn du đảng trong thành phố né hết. Tôi biết mấy đưa em này không chỉ nói bằng miệng, lắm lúc không nghe nó nói, mọi chuyện nó đã xong. Tôi gật đầu, vắn tắt:


- Cám ơn các em.

 

Chiếc tàu lạ chạy nhanh quá! Mới gát ống sắt giả làm nòng súng lên cái thùng, chưa kịp cột đâu đó cho chắc chắn, thì chiếc tàu đã lồ lộ tới. Sợ chúng thấy và biết đang làm súng giả, đành phải ngưng, lấy miếng vải đen trùm lên trên. Nòng súng giả ló ra, nằm kế thùng đạn dùng để chứa đồ nghề, trông cũng khí thế lắm. Duy đúng kế bên, lấy chân chèn giữ cho cái nòng súng cho nằm tựa vào chân băng ghế, đở lắc lư theo sóng. Hy vọng tàu lạ thấy cây đại liên thì né tránh bỏ đi.


Từ hướng bên trái, chiếc tàu đánh cá đã tới rất gần. Thân màu gổ nâu vàng với những trang trí sặc sỡ và chữ Thái Lan. Mũi tàu cao sừng sững, như con kình ngư không lồ. Cho tàu giữ tốc độ trung bình, sáu anh em chúng tôi chờ đợi hành động của tụi Thái. Chiếc tàu lạ phóng đến gần tàu chúng tôi thì chạy chậm lại, vòng ngang trước mũi, rồi qua bên phải. Không rõ chúng có bao nhiêu người tất cả. Thấy được hai tên trong phòng lái, một tên đứng ở mũi, hai tên sàn tàu và một tên cạo đầu trọc đứng trên mui.


Tàu đánh cá Thái tiếp tục chạy chậm chậm vòng quanh chúng tôi để dọ xét, như con thú dữ đang vờn mồi. Chúng nó nhìn thấy khẩu súng đại liên, có vẻ ngán, cho bung tàu tránh ra khá xa, nhưng bám theo và dùng ống dòm theo dõi.


Chiếc 3392 tiếp tục chạy tới ánh đèn. Chúng tôi lo lắng nhìn chiếc tàu Thái Lan như con thú đói còn thèm tiếc con mồi lắm, cứ bám theo mãi.


Cái điều chúng tôi lo ngại vẫn xảy ra, đợt sóng to tới, vổ mạnh vào tàu làm nòng súng lăn rớt xuống. Tiếng kim loại gỏ lên mui tàu ngắn và khô khan. Sáu anh em chúng tôi như nghẹn thở. Duy nhìn nòng súng lăn lóc, bối rối. Tôi nói cho em an tâm:

- Nó phải rớt, làm sao giữ nó nằm yên với sóng được. Chuyền cây sắt đó xuống dưới cho anh em làm vũ khí. Tụi Thái chắc đã nhìn thấy rồi, anh em mình chuẩn bị tinh thần nó sẽ tấn công tụi mình đấy.


Thật vậy, chiếc tàu Thái đang phóng ào ào trở lại chận đầu tàu chúng tôi. Thoáng một cái, nó đã vòng sát bên hông trái. Như để thị uy, cướp tinh thần, chúng cho tàu chạy thật gần, sóng cuộn lên, tạt vào mấp mé be tàu 3392 thấp nhỏ. Mấy tên Thái đánh cá đã hiện rõ thành những con thú man rợ mặt người. Chúng chạy vòng qua bên phải, ngó tìm cây súng trên mui. Vòng qua sau đuôi, chúng đem tàu trở lại bên phải, chạy song song và hơi lùi phía sau chúng tôi.


Thấy cái đèn đỏ đàng trước như vậy, mà chạy hoài chẳng thấy gần hơn. Cho dù có gần bờ biển Mã Lai, chiều tối xuống, tàu đánh cá quay về đất liền. Giữa đại dương, cô thế đối đầu với loài hải tặc, sự sống thật quá mong manh. Đúng giữ cần lái, tôi nhìn chừng động tịnh của tụi cướp. Tôi nói với mấy anh em trên mui, lưu ý hai thằng Thái đeo dao dài bên hong, đứng chống cây móc cá bằng sắt trên sàn tàu. So với chiếc 3392, tàu cướp quá sức cao lớn, cái sàn tàu đã cao hơn nóc mui tàu chúng tôi. Cái mui của tàu Thái có cửa ra vào đi thẳng người như cửa nhà, còn cái mui tàu 3392 thì chỉ cao hơn đầu người đang ngồi chừng hơn hai gang tay. Tụi nó đứng trên sàn tàu, có được lợi thế là phóng từ trên cao xuống mui tàu chúng tôi. Với cái lực phóng xuống, nó sẽ đạp rất mạnh. Tôi lo lắng bảo Vũ:


- Mày thụt xuống lo dưới tàu. Đậy và khoá nắp mui kín lại.


Bỗng, một tên gọi thằng đầu trọc đứng trên mui. Tên này lấy cuộn dây thừng thảy xuống. Nhìn nó chụp cuộn dây máng chéo qua người, linh cảm nó ra tay, tôi hét lên báo động:


- Nó cướp tàu!


Tiếng tôi vừa dứt thì chiếc tàu của tụi Thái gầm lên, chớp nhoáng đã nhập sát vào. Tôi chỉ kịp thấy loáng thoáng hai bóng người cầm chỉa sắt nhảy xuống mui, thì có bàn tay ai đó xô đè tôi xuống. Tay giữ cần lái cho tàu chạy thẳng, tôi ngước lên chỉ thấy bốn anh em đã xoay tròn che kín người tôi. Tiếng la hét, tiếng chưởi thề, tiếng chân tay huỳnh huỵch, đũ thứ âm thanh hỗn loạn quanh tôi.


Tất cả những diễn tiến xảy ra thật đột ngột và ngưng cũng rất nhanh. Không quá 15 giây, mọi người xung quanh tản ra, tôi nhìn trên mui thì hai thằng Thái Lan đã biến đâu mất.


Tôi kiểm thấy đủ nhân số, mấy anh em đang đứng dồn sang mé phải của mui tàu, tay cầm chặt vũ khí, khí thế đằng đằng. Duy đứng kế Luốc, hươi cây mã tấu của quân đội vòng trên đầu, chỉ cái lưỡi thép đen dài sang tàu cướp thàch thức:


- Muốn chết, qua đây!


- Tổ cha mầy dám cướp tàu tao


Luốc đưa cuộn dây thừng đoạt được của thằng Thái Lan lên vẩy vẩy và hét tiếp:


- Tao trói đầu tụi mầy!


- Ê... YOU! Come here… DIE!


Không cần phải nghe và hiểu, bọn cướp Thái Lan thừa biết mấy anh em chưởi rủa thách thức chúng nó. Tôi nhìn theo hướng Luốc và Tài, đoán rằng hai thằng cướp đang ở dưới biển:


- Tụi nó rớt rồi hả?


Tài cầm cái cây móc sắt của thằng hải tặc, quay lại nhìn tôi cười khoái trá:


- Tụi nó xuống biển hết rồi!


Nhìn khí thế mấy anh em bất khuất, gan lì, tôi rất thán phục. Ngó vết máu tươi trên tàu, tôi hỏi:


- Mấy anh em rất giỏi. Ai bị thương nặng vậy?


- Mình không sao hết. Máu thằng Thái Lan đó anh, nó bị tụi em chém trúng cánh tay, té văng xuống biển.


Lợi dụng tàu cướp còn đang lo vớt hai tên lọt dưới biển lên, tôi kéo cần tốc độ, quanh tàu lấy lại hướng có đèn đỏ, chạy lẹ tới.


Nghe yên tĩnh, Vũ mở nấp mui trở lên xem tình hình.


Có chiến lợi phẩm. Có máu!


Tụi nó đã bị đổ máu trên tàu chúng tôi, chắc chắn sẽ tìm cách trả thù. Chúng tôi phải gấp rút lo cách tự vệ. Một nhóm thu nhặt, tận dụng các chai bằng thuỷ tinh, đổ xăng vô làm bom xăng. Để tránh bị phóng hoả đốt tàu, chúng tôi gấp rút chặt tháo cái mui lá che khoang tàu, xô xuống biển, cho trống thoáng. Đàn ông, thanh niên tìm búa, dao, cây, xà beng,... cái gì làm vũ khí được thì cầm sẵn trên tay. Đàn bà phụ nữ còn trẻ bôi dầu cho dơ bẩn, trốn kín trong hầm mũi và hầm máy phía sau, ráng giữ im lặng.


Hơn sáu giờ chiều, mặt trời chìm vào lòng đại dương, nhưng ánh sáng vẫn còn sót lại trên nền trời.


Ngày sắp hết!


Niềm hy vọng đến bến bờ tự do của chúng tôi cũng sắp tàn lụi.


Tôi xót đau khi nhìn đôi mắt thất thần tuyệt vọng trên những gương mặt tái nhợt bê bết dầu máy của những người mẹ, người vợ, những chị em gái trẻ. Trẻ con như linh cảm được nỗi kinh hoàng của mẹ cha, ngồi co rúm sợ sệt.


Tôi nghe tiếng cầu nguyện!


Tôi thấy nước mắt và nước mắt!


Niềm hân hoan chiều nay sao quá ngắn ngũi!


Thượng đế hỡi, sao định mệnh quá khắc nghiệt với chúng tôi!

 

Đàn ông, thanh niên đông người và đầy nhiệt tình, mọi việc hoàn tất thật nhanh chóng. Có lẽ, nhờ tin chém và đánh hai thằng cướp Thái Lan văng xuống biển, mọi người tuy còn nét lo lắng nhưng có vẻ tự tin hơn. Anh em thanh niên trông bình tĩnh, tụm từng nhóm nói chuyện và ngó chừng xem tàu cướp có đuổi theo tấn công tiếp hay không.


Nghe Tài trả lời tôi về hai thằng cướp biển, Vũ hả dạ lắm, hỏi thăm mấy đứa em:


- Đứa nào “chơi” tụi Thái tới đổ máu vậy?


- Nó đâm anh Dân trước. Ảnh hốt được cây chỉa của nó và “dớt” cây dao bấm vô cánh tay nó. Nó lì đòn lắm, bị không biết mấy lát, máu chảy ròng ròng mới quíu đít buông cây chỉa, ăn thêm một đá dập dái mới chịu nhào xuống biển... Em với thằng Duy phải đứng che cho anh Tính, chưa kịp vô ăn có được cái gì hết thì tụi nó đi “đái”... dưới biển rồi!... Mạng hai thằng này còn lớn, thằng nào mà xáp lại gần tụi em thì cây mã tấu của thằng Duy nó xả làm hai là hết về Thái luôn. Cây chỉa sắt của tụi nó nè anh Vũ.


Tài khoái chí đưa cho Vũ xem chiến lợi phẩm của mấy anh em. Nghe nhắc đến tên, Duy bước lại tiếp chuyện:


- Anh Dân mà có cây mã của em, một nhát thôi là cánh của nó rụng luôn. Má nó! Cho tàn đời cướp biển..... Anh Luốc chưa thèm chơi dao. Tay không thôi! Ảnh “đục” thằng Thái đẹp lắm anh Vũ ơi!....Cái thằng “cốt đột” mang dây thừng đó, nó phóng qua đạp hụt anh Luốc. Ảnh né ngang, sàng người qua chặt cạnh tay đánh bay cây chỉa của nó liền. Nó chưa kịp hoàn hồn vía thì bị ảnh tóm được cuộn dây trên cổ nó. Má nó! Ảnh ghị cuộn dây, lôi cái đầu nó xuống cho ăn gối với chỏ tới tấp, coi đã luôn!... Em bảo đảm ba ngày nữa nó chưa hả miệng húp cháo nổi. Nó quậy vuột khỏi cuộn dây thì bị anh Luốc tống cho một đạp văng xuống biển.


Tôi hỏi Duy:


- Cây “mã” đâu rồi?


Duy cười, quay lưng lại vỗ bộp bộp lên cái bao đeo khuất bên trong cái áo:


- Nó đây, anh! Mấy ảnh lo cho em nhỏ con, cho cái “thằng” này theo em đây.


Nhìn cái cán dao lấp ló bên mớ tóc để dài của Duy, tôi khen:


- Hay! Mấy đứa hay thiệt, dấu vũ khí tài tình.


Thì ra, mẹo xưa mà vẫn hiệu quả. Mấy thằng Thái thấy bốn thanh niên tay không đứng trên mui với tôi sinh ra khinh địch, phóng xuống tàu chúng tôi định uy hiếp để bị ăn đòn lãnh thẹo.


- Mày nhớ cây “mã” này mà!


Vũ nháy mắt bảo tôi.


Gọi là mã tấu, chứ thực ra nó là cây dao “phát quang” của quân đội mình, lưỡi dài khoảng ba gang tay. Vũ nài nỉ xin ông anh bà con bên hải quân cây dao này để “hộ thân”. Lúc còn đi học, nó đã một thời gắn bó với chúng tôi. Hồi đó, chúng tôi dấu nó dưới yên xe Honda của thằng Phát (U.N. Phát, 324), ba đứa một xe đèo nhau đi tiếp ứng bè bạn. Tới nơi, thằng Phát thắng xe sàng ngang, phóng xuống dỡ cái yên xe lên cho thằng Vũ rút cây “mã” ra. Cả đám đang vây đánh thằng bạn thấy ba đứa chúng tôi phóng tới và thằng Vũ hầm hầm quơ cây mã tấu thì khiếp đảm ùa nhau lên xe chạy mất hết.


- Ừ, nhớ chớ! Nó đúc trong lò “cấm sát sanh”


Tôi nhắc cái câu hồi đó chúng tôi hay nói với nhau, ý rằng chỉ dùng nó để “hù”, cố tránh gây thương tích.


Chạy được một đoạn chừng nửa giờ thì Vũ khều tôi chỉ ra phía sau:


- Nó tới!


Tiếng báo động chuyền nhanh ra tới mũi tàu. Những thuyền nhân trọng tuổi nhường chỗ ẩn trốn trong hầm kín cho phụ nữ trẻ, gom lại trong góc gần phóng lái cùng với trẻ con, ngồi co ro sợ sệt trên sàn tàu. Đàn ông, trai trẻ lấy vũ khí cầm lên tay, gọi nhau sắp xếp chỗ đứng và phân định trách nhiệm.


Sau khi tháo bỏ cái mui lá che lụp xụp trên khoang tàu, chiếc 3392 bây giờ trông gọn gàng, sẵn sàng tham chiến. Hàng người đứng dàn dọc theo hai bên thành tàu thật oai dũng. Nhóm đánh bằng bom xăng thì đứng khuất phía sau, chờ tàu cướp sáp lại gần tầm để chọi sang. Thật xúc động khi nhìn tinh thần chiến đấu của những anh em dáng vóc thư sinh, bình thường chắc là rất sợ chuyện đánh nhau. Tôi nhìn con tàu với hàng người đang dàn đội hình, hình ảnh oai hùng thật tuyệt vời và cũng thật xót xa. Dù đông người, dù đồng lòng sẵn sàng liều thân, nhưng thân dạng hai chiếc tàu quá bất cân xứng, như trứng chọi đá, tàu có mấy trăm người cũng xuống biển hết. Trong nhân số bảy mươi ba người, có khoảng ba mươi phụ nữ và mười lăm trẻ nhỏ. Không phép lạ và không tàu nào đến can thiệp kịp thời, không biết bao nhiêu thuyền nhân sẽ sống sót.


Vói tay nắm cần ga kéo xuống, tôi đã biết nhưng vẫn thấy bực tức vì không còn gì để làm tàu chạy nhanh hơn chúng nó được!


Chiếc 3392 đã chạy hết tốc lực từ hồi chiều đến giờ!


Nhìn ngang qua tàu Thái, thấy thằng lái tàu đang lườm lườm ngó tôi, tôi phát đổ quạu. Ngay từ giây phút đầu, tự biết thân phận yếu thế, chúng tôi đã giữ thái độ rất ôn hoà, không hề khiêu chiến, mấy đứa em đứng trên mui chỉ thủ dấu vũ khí khuất bên trong để tự vệ khi cần. Luốc biết đuợc câu tiếng Thái, còn thân thiện vẫy tay chào: “Sa-vặc-đi-kráp!”. Tôi lo ngại cho chiếc 3392 sau cùng rồi sẽ phải chấp nhận thảm bại. Những thyền nhân sống sót sẽ phải hứng chịu trận đòn thù của bọn hải tặc và tôi sẽ là người đầu tiên nó tìm giết. Tôi biết, sức mình bây giờ không đũ để gạt tránh cái đấm thẳng của chúng nó, nói gì đến đánh với đấm. Vì hai chữ Tự Do chúng tôi cố tìm đường để thoát khỏi móng vuốt của loài quỉ đỏ cộng sản. Chấp nhận ra đi, tất cả thuyền nhân 3392 đã chấp nhận tất cả mất mát, kể cả tính mạng.


Máu nóng bừng bừng, sôi sục.


Tôi oán hận loài súc sinh cộng sản!


Tôi căm hờn bọn cướp biển!


Tôi ghê tởm dân tộc Thái Lan! Một giống dân vốn nổi tiếng trên thế giới về tôn sùng đạo Phật, nhưng đối với thuyền nhân cô thế trên biển đông chúng là loài thú man rợ, loài quỉ dữ khát máu.


Tôi ngó thằng lái tàu lòng sôi hận, bực dọc lột phăng cái áo, quăng mạnh xuống chân, xoay gót đạp chấn xuống và xoáy nghiến lên cái áo. Tôi chỉ mặt nó rồi chỉ xuống cái áo đang nằm dưới gót chân tôi, thách thức.


Hận nhớ tội ác của hải tặc Thái Lan đối với thuyền nhân Việt Nam, tôi uất ức thề với lòng mình:


Chết cũng không bao giờ tha thứ bọn cộng sản và Thái Lan chúng mày!


Tàu Thái chạy cặp theo, giữ khoảng cách quan sát chúng tôi. Trong tiếng máy tàu gầm hú, hàng người nghênh chiến đứng trên khoang căm hờn chờ đợi.


Tàu 3392 lái bằng cần dài, đứng trên mui điều khiển nên nguy hiểm khi sóng to bão lớn, nặng tay... nhưng có ưu điểm xoay trực tiếp với bánh lái dưới biển nên đổi hướng rất nhanh. Tàu chúng nó điều khiển bằng tay lái tròn, nhẹ nhàng và an toàn trong phòng lái, vòng quay truyền qua bánh răng rồi mới kéo dây xích chạy qua các ròng rọc để xoay bánh lái, nên cần quay nhiều vòng hơn để đổi hướng tay lái.


Tôi ngó chừng cử động của thằng lái tàu. Bất thần, hai tay nó quay vòng tay lái liên tục, tôi báo động:


- Bên phải! Nó tấn công!


Tàu cướp đổi hướng và hụ máy chạy đâm thẳng vào hông tàu chúng tôi. Bị một trận đòn bầm dập và đổ máu, bọn cướp đã sợ nên thay đổi chiến thuật, không dám cặp tàu để nhảy sang nữa. Chúng dùng tàu húc chúng tôi! Cây đà mũi vuông và cao như cột đình, chẻ sóng phóng ào ào tới. Thấy cái chết ngay trước mắt. Khoảng cách quá gần, chớp mắt là nó cắt tàu làm hai. Tránh không kịp cái húc này thì chiếc 3392 thành những mảnh ván vụn.


Không thể nào chạy nhanh hơn để tránh bị húc trúng!


Tôi gấp rút ngồi thấp xuống, xoải một chân quỳ gối lên sàn mui để chồm người dài ra và cùng lúc hai tay xô cần lái thật nhanh sang phải. Bánh lái tàu hứng trọn luồng nước đẩy của cánh quạt làm sóng nổi dựng dậy, nước phía sau đuôi ùn ục đẩy ngang qua bên hông. Mũi tàu tức tốc quay gặt ngang qua trái. Tàu quẹo gắp chao nghiêng, tôi thoáng thấy như có người bên mé trái bị mất thăng bằng rớt xuống biển. Tôi không chắc lắm, nhưng không thời gian để nhìn ngược lại và cũng không thể làm gì khác hơn là phải tiếp tục cho tàu xoay nhanh để né cái mũi tàu đang vùn vụt phóng tới sát kế bên.


- Thấy mẹ rồi! chết thằng Hiến... nó té xuống biển!


Vũ hốt hoảng la và tuột nhanh xuống khoang tìm phao.


Hiến đứng cạnh bên trái, té xuống ngay trong lúc tàu quanh sang cùng hướng, rất ít hy vọng sống sót, chắc chắn bị lườn tàu đập trúng và tàu Thái bám sát theo chúng tôi nhận chìm xuống biển. Sóng tàu cùng sóng biển xoáy cuốn Hiến mất tăm dạng ngay tức khắc.


Chúng tôi đã mất Hiến!


Anh là chiến sĩ dũng cảm của tàu 3392 hy sinh đầu tiên.


Vũ thảy hai cái phao xuống biển, cầu may. Chúng tôi ghi nhớ công ơn của Hiến. Vì hai chữ Tự Do, anh đã liều thân vượt trốn và đứng lên chiến đấu bảo vệ con tàu.


Trong lúc đó, bên hông phải, cái mũi tàu của tụi Thái vẫn ào ào bám theo. Không thể làm gì khác hơn để cứu chiếc tàu khỏi bị vỡ nát, tôi phải tiếp tục giữ tay lái cho tàu quay vòng hẳn ra sau. Cái máy dầu cặn già nua phải chạy tốc độ cao kêu rú nghe thật nóng ruột. Cánh quạt đạp nước đẩy thân tàu quay thật nhanh ra sau. Trong gang tấc, tàu 3392 né thoát cái húc và tàu cướp lướt sát ngang hông tàu. Canh hai tàu vừa nhập gần sát vào nhau, nhóm đánh bom lập tức khai hoả và chọi chai xăng sang. Tàu cướp không ngờ chúng tôi dùng bom xăng, hốt hoảng khi thấy lửa bùng cháy trên sàn tàu, chúng túa ra lăng xăng tìm vòi nước kéo đến cứu chửa. Tiếc là bom xăng không gây thiệt hại đáng kể nào khác trên sàn tàu vì lửa bị dập tắt khá nhanh bằng các vòi nước phun rất mạnh.


Chưa kinh nghiệm chiến đấu, phản công như thế là quá thành công, anh em tuy lo nhưng tinh thần phấn khởi.


Nương theo vòng quay ra sau để né tránh, tàu tiếp tục quay tròn để lấy mũi trở lại và chạy thẳng vào hướng đèn đỏ. Tàu cướp sau khi chữa cháy, quay tàu lại, đuổi theo và tiếp tục tấn công.


Cứ khoảng hai mươi phút thì có một trận xáp chiến. Con tàu 3392 khi bị húc thì quay vòng ra sau né để tránh bị húc bể tàu, đồng thời quăng bom xăng sang để phá rối và trì hoãn bọn cướp. Suốt hai giờ chúng liên tục tấn công nhưng vẫn chưa hạ được chúng tôi. Chiếc 3392 tuy bé nhỏ và máy yếu, may mắn né thoát và tiếp tục chạy tới.


Bây giờ đã hơn tám giờ tối, ánh sáng ban ngày chỉ còn nhợt nhạt một vòng nhỏ ở hướng tây, trên tàu Thái có ánh đèn pha chớp ngắn dài, chúng tôi nghĩ là nó đánh tín hiệu cho đồng bọn, nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy đến. Đối đầu một tàu cướp như thế này đã khốn đốn cho chúng tôi lắm rồi. Cả buổi chiều, tàu quay vòng vòng nên chẳng chạy tới được bao xa. Hơn hai tiếng đồng hồ, cái máy chạy hết tốc độ nhưng ánh đèn đỏ vẫn còn chớp xa ngoài xa.

 

Khoảng nửa giờ sau khi tụi cướp đánh tín hiệu đèn, chiếc tàu Thái Lan thứ hai đến. Nó cũng đồng trọng tải, hình dạng to dềnh dàng nhưng tàu không sơn nhiều màu sặc sỡ như hầu hết các tàu Thái Lan, chỉ sơn một màu xám tro như tàu hải quân. Trong ánh chiều tàn lem nhem ánh sáng trên biển cả, chiếc tàu màu xám trông có vẻ lầm lì, kỳ dị. Trời càng lúc càng đen tối như hy vọng đến được bến bờ tự do của tất cả thuyền nhân tàu 3392. Từ khi bị tấn công, chúng tôi trông mong có chiếc tàu nào đó can thiệp làm tụi Thái sợ bỏ đi. Tàu bạn đến tiếp cứu trông mỏi mòn không thấy, bây giờ lại xuất hiện thêm một chiếc tàu cướp nữa, Một chiếc tàu cướp đã làm chúng tôi khốn đốn, bây giờ hai chiếc cùng tấn công làm sao bảo toàn được thân xác. Mặc cho hai chiếc tàu cướp chạy cặp hai bên, đèn pha rọi xuống chiếc 3392 đơn độc, tôi cứ giữ theo ánh đèn đỏ trên bờ chạy tới. Căn cứ vào hình dạng và độ sáng của ánh đèn đỏ phía trước, chúng tôi tin rằng mình đang chạy trong lãnh hải của Mã Lai. Cũng vì tàu đang tiến vào gần đất liền, bọn cướp gọi thêm đồng bọn đến và nhất quyết hạ chiếc 3392 trước khi chúng tôi đến gần bờ hơn hoặc được tiếp cứu bởi tàu Mã Lai. Tiếng máy gầm rú vì phải chạy hết tốc độ nghe rất đau lòng, lo lắng cho cái John Deer già nua này lắm, nhưng không thể chạy chậm lại. Mỗi phút giây còn thoát chạy trên mặt biển lúc bây giờ quý lắm, giá trị của thời gian đếm liền với sinh mạng của chiếc tàu và thuyền nhân.


Một lúc sau, tụi cướp mở đợt tấn công kế tiếp. Lần này,chiếc tàu màu vàng chạy cặp gần hơn, rồi bất chợt nó quay ngang húc chúng tôi. Mũi chiếc tàu dựng cất cao lên, tàu chẻ sóng phóng vụt vụt tới đâm vào hông phải.


Đèn pha rọi chúng tôi chói chang.


Liếc nhanh sang trái, thấy chiếc tàu cướp thứ hai cón cách khá xa, chừng như nó muốn theo dõi cách tránh né và phản công của chúng tôi, chưa có vẻ nhập trận ngay, tôi quyết định cho táu né sang trái.


Tôi gắp rút kéo cần ga, hạ ngay tốc độ, gọi Vũ:


- Số “de” Vũ!


Nhịp nhàng Vũ đổi số thật nhanh. Tôi kéo ga cho con tàu thắng gắp lại và chạy lùi nhanh xéo sang phải, rồi tức tốc hạ thấp tốc độ lần nữa. Vũ hiểu ý, không chờ gọi, đạp embrayage chuyển trở lại số tới. Số gài xong, máy vừa chớm tới, tôi kéo cho máy chạy hết tốc độ, gặt nhanh cần lái cho tàu né quặt ngang qua phía trái để tránh. Nhờ thắng lùi lại, tàu chúng tôi né thoát cái húc của tàu cướp, hai thân tàu nhập gần nhau thật gần, bom xăng khai hoả và nối nhau bay sang tàu Thái. Trời nhá nhem tối, những vòng lửa trông thật đẹp, thật hào hùng.


- Chết mẹ mày chưa!


Có người kêu lên hả dạ cùng với tiếng reo hò vang dậy của đội nghênh chiến trên khoang. Vũ vui mừng la lên cho tôi biết tình hình:


- Chai xăng lọt vô phòng lái...Không biết tay nào chọi nghề quá!


Khi tàu quay vòng lại, tôi thấy bọn cướp còn đang nhốn nháo chữa lửa và cứu thằng lái tàu. Tôi khoan khoái trong lòng, anh em trên tàu vừa ghi thêm một chiến tích. Lấy lại hướng, theo ánh đèn đỏ, tôi cho tàu tiếp tục chạy lẹ vào Mã Lai. Không thấy chiếc màu xám đuổi theo, chắc nó ở lại tiếp cứu đồng bọn. Anh em trên tàu vừa vui mừng hy vọng chúng bỏ cuộc vừa lo lắng một trận trả thù tàn bạo sắp tới. Nhìn ánh đèn đỏ bây giờ có vẻ sáng rõ lắm, chúng tôi đã đến gần nó lắm rồi. Tôi mừng và nôn nao lo lắng, mong sao thoát khỏi bọn cướp. Xót cho cái máy già nua, nhưng phải tận dụng thời gian, chúng tôi đành phải giữ tốc lực nhanh tối đa, cố gắng rút ngắn khoảng cách đến Mã Lai.


- Chết rồi, thùng nước bị sôi!


Vũ hốt hoảng kêu lên.


Chưa kịp hỏi han chi thêm thì thằng bạn đã tuột nhanh xuống hầm máy.


Tôi ngó ra sau thăm chừng đám tàu cướp. Một góc biển còn ánh đèn pha sáng, tụi nó vẫn còn đó, nhưng trong tình trạng máy đã bị nóng, tôi đành phải giảm tốc độ để máy nguội nhanh hơn.


Giữa lúc khốn cùng như thế này mà máy bị nóng.


Nước biển dùng làm nguội khối nước giải nhiệt bên trong máy được chứa trong cái thùng biến chế từ “can” xăng phụ của xe Jeep. Suốt bốn tiếng đồng hồ máy phải liên tục chạy hết tốc độ, số lượng nước biển lưu thông qua dung tích giới hạn của cái thùng xăng, không đũ để kịp thời làm nguội máy và chính nó cũng bị nóng, sôi bốc hơi.


Bên dưới, bỗng có tiếng nhiều người kêu khóc rối rắm lên. Tôi ngó xuống, thấy hơi nước mù mịt, bốc xuyên qua nắp thông trên mui. Phòng máy đầy ắp người, nhưng không thấy thấy bóng dáng Vũ, tôi lo lắng hỏi thăm:


- Vũ đâu rồi?


- Anh Vũ bị phỏng nặng lắm.


Có tiếng hối hả trả lời.


- Làm ơn tránh qua một chút cho tui nói chuyện với thằng Tính.


Vũ lên tiếng. Khi người ta tản bớt ra, tôi thấy Vũ nằm nhìn tôi qua khung cửa trổ lên mui, gượng đau nó ráng nói lớn tiếng cho tôi nghe:


- Cái nắp bị tuôn răng...Tao bị phỏng rồi, hết phụ mày chạy máy được!


Nhìn nụ cười gượng gạo của thằng bạn thân và vùng da thịt từ ngực xuống hết phần bụng của nó bị phỏng đỏ, nhầy nhụa dưới lớp thuốc thoa, dạ nào cũng thấy đau rát, tôi chỉ còn biết an ủi Vũ:


- Mày phải nằm nghỉ cho thuốc thấm... Nước máy ra sao?


- Chăm nước mới xong... không biết có bị nứt máy không!


Vũ tuy biết nguy hiểm, thấy thùng nước sôi quá, nó định vặn nấp nới chút ít cho thoát hơi bớt, để rồi mở ra chăm nước lạnh cho máy mau nguội, đừng bị “đứng” máy. Nhưng, cái nắp của thùng nước giải nhiệt, vốn là cái “can” xăng phụ của xe Jeep, không chịu được áp xuất cao lại thêm cũ kỹ, răng đã bị mòn lỏng lẻo. Khi Vũ vặn xả lỏng đi, các vòng răng bên trong không còn bám chặt được, nắp bị sức ép của nước sôi tống văng đi, hơi và nước nóng làm nó bị phỏng nặng.


Có ánh đèn pha từ phía sau, Vũ cũng thấy, nó lo lắng:


- Đ.M. tụi nó còn theo mình hả mậy?!


- Ừ, còn xa...Mày cứ nằm nghỉ đi


Tôi nói cho Vũ yên tâm. Cái máy bây giờ không thể chạy nhanh như trước được, phải ráng dưỡng thêm chốc lát cho máy giảm nhiệt độ. Khi tàu cướp Thái Lan muốn đuổi theo thì dù có chạy hết tốc độ cũng không thoát chúng nó được.


Đã gần mười giờ đêm rồi!


Gần nửa ngày theo đuổi và tấn công, bọn hải tặc Thái vẫn chưa hạ được chiếc tàu mong manh của chúng tôi. Thuyền nhân 3392 không những đã bất khuất chiến đấu bảo vệ con tàu, còn gây cho bọn hải tặc Thái kinh hoảng và nhiều lần bị tổn thương. Nhưng sức người và con tàu đã vượt quá khả năng. Với tốc độ như hiện tại chúng tôi không thể nào đến bờ trước khi tàu cướp đuổi tới và không biết máy còn chạy thêm được bao lâu. Vũ bị phỏng nặng, không tìm được ai có thể đứng máy để thay đổi số, tàu chỉ có thể chạy nhanh hay chậm với một số tới mà thôi. Bom xăng chỉ còn sót lại vài chai, để phản công cầm chừng. Khi bọn hải tặc gọi thêm chiếc thứ hai, bọn cướp đã quyết tâm tấn công hạ tàu. Cứu chữa đồng bọn và phòng lái bị bom xăng xong, chắc chắn chúng nó không bỏ cuộc sẽ đuổi theo trả thù. Trận tấn công sắp đến chắc sẽ là trận quyết tử sau cùng của thuyền nhân 3392.


Biển về đêm, ánh đèn đỏ trên bờ biển Mã Lai càng sáng tỏ. Chỉ còn chừng tám hải lý, khoảng mười lăm cây số, chúng tôi sẽ đến bến bờ Mã Lai.


Đây, Mã Lai!


Bến bờ tự do hằng mơ ước của hằng triệu người Việt Nam và cũng là ước mơ của bảy mươi ba người chúng tôi. Miền đất hứa là đây, ngay trước mắt đấy, nhưng từ phút giây này đã biến thành ước mơ viễn vong. Chúng tôi nhìn ánh đèn trên đất Mã Lai với muôn vàn xót đau nuối tiếc.


Đêm nay, bao nhiêu thuyền nhân sẽ phải uất hận chôn vùi thân xác và ước mơ tự do trong biển lạnh.


Trời sao quá khắt khe!


Định mệnh sao quá oan nghiệt!

 

Hôm nay, ngày thật dài!


Niềm vui thấy được bến bờ tự do lại quá ngắn ngủi.


Tiếng máy dầu cặn chậm buồn, mệt mỏi như lòng người trên tàu. Tội nghiệp cái máy già nua yêu quý đã dâng hiến hết năng lực cho chúng tôi vượt thoát tìm tự do. Trời như đứng gió, không gian chừng như trùn hẹp lại, hơi thở nghẹn trong lòng ngực. Hình như ai cũng linh cảm được, một cuộc chiến đấu sống còn sau cùng sẽ rất khốc liệt và không ai muốn khuyên nhau những điều mà mọi người đều biết. Tôi nhìn Vũ nằm nhắm mắt, mặt đanh lại ráng chịu đau, nghe xót rát trong lòng và đầu óc rối rấm. Tôi biết sang số, nhưng không ai đãm nhận phần lái tàu trên mui. Đổi số vụng về làm tắt máy, có khi còn nguy hơn là để yên như cho nó chạy tới như hiện tại. Cần ba anh em thay nhau điều khiển tàu, anh Ba đã phải ở lại, bây giờ Vũ đã phải nằm dưỡng thương. Đội chiến đấu ngoài mũi tàu yên lặng đứng dựa lưng vào thành tàu nghỉ ngơi và chờ đợi. Đa số tuy âu lo và mệt mõi nhưng vẫn giữ được tinh thần cương quyết, bất khuất. Luốc, Duy, Dân và anh em trong nhóm bom xăng chia nhau thăm hỏi bà con tìm trong hành lý, lục lọi khắp hóc kẹt trong khoang, xem may ra có còn tìm thêm được lon chai để làm làm bom xăng.


Biển yên bình. Hồi chiều, bực thằng lái Thái Lan, cởi áo quăng đi, bây giờ gió đêm làm cái cơ thể thiếu ăn uống nghe se se lạnh. Tôi nhìn đồng hồ, vài phút ngắn nửa qua mười giờ đêm rồi.


Từ sáu giờ chiều, bốn giờ qua, tưởng như cả một ngày dài.


- Làm bậy ít hơi cho ấm đi anh Tính.

 

Duy chồm lên mui, vói tay đưa cho tôi điếu thuốc đốt sẵn.


Tôi thăm hỏi Duy:


- Tài ở dưới với Vũ? Em thấy anh Vũ ra sao?


- Ảnh lỳ lắm, em chẳng nghe ảnh kêu nói gì, nhưng nhìn chỗ phỏng thì chắc là ảnh đau lắm.


Tôi nhìn thăm chừng ra phía sau, đại dương mênh mông, chỉ còn thấy đêm đen. Cái vắng lặng ngột ngạt rờn rợn. Tôi không thấy mừng, không tin chúng nó bỏ cuộc. Tôi bàn với Duy:


- Anh nghi tụi nó không bỏ tàu mình đâu! Nó tắt đèn bám theo mình để bất ngờ tấn công. Mất ánh đèn nãy giờ có hơn năm phút rồi. Năm đến mười phút nửa là tụi nó tới mình. Anh em ráng đôn đốc bảo nhau giữ vững tinh thần, lắng nghe động tịnh. Còn bao nhiêu bom xăng mình gom lại chơi hết.


Tôi nuối tiếc nhìn ánh đèn đỏ sáng lấp lánh cùng hàng triệu vì sao trên bầu trời. Có phải triệu anh linh của đồng bào tôi, tử nạn khi vượt trốn loài cộng sản dã man, đang nhìn xuống âu lo và thấp cho chúng tôi những ngọn nến nguyện cầu?


Như tôi đã linh cảm, bất chợt từ bên phải có ánh đèn pha sáng cắt đêm đen và bên trái chiếc màu xám cũng bật đèn rọi xuống tàu chúng tôi.


Biết mình có chạy nhanh cũng bằng thừa, làm sao qua nổi sức máy của tàu cướp, nhưng bản năng vùng dậy, sự sống còn cho hơn bảy mươi sinh mạng, tôi tăng hết tốc độ máy chạy thẳng tới. Sóng ùn ục đạp cuộn ra sau, tiếng máy rú lên đau đớn như những nhịp co thắt trong tim và thân tàu bươn bả trốn chạy trong vô vọng. Như loài thú đói đã thấy được con mồi, hai con quái vật khổng lồ đồng quay mũi chẻ sóng phóng đến. Đèn pha từ tàu cướp châu vào nơi tôi đứng lái, ánh sáng chói nóng như mang theo cả lửa thù, tôi ráng tránh ánh sáng để khỏi bị loá mắt. Lạ lùng, cái thằng lái tàu này thuận quay sang trái hay sao! chiếc màu vàng vẫn từ bên phải húc thẳng vào giữa tàu. Tôi nhìn sang trái thấy lạnh dọc trên sóng lưng:


- Chết rồi!


Đám hải tặc trên tàu màu xám đã theo dõi trận xáp chiến vừa qua, rút kinh nghiệm, đã quay mũi tàu đang phóng tới chận gần phần đuôi. Chiếc 3392 giờ đã hết phương hướng để thoát. Vũ không bị phỏng, còn đứng máy được để giúp tôi cho máy chạy ngược lại, tàu cũng chưa chắc đã thoát hẳn hai cái húc từ hai phía, chận đần và chận cả đuôi.


- Tàu chìm!


Tôi la lên báo động.


Không còn phương cách nào khác để cứu chiếc tàu, tôi gắp rút kéo hạ tốc độ cho tắt máy, bẻ nghiêng tàu sang trái cầu may cho tàu bớt sức va chạm.


Đùng!

Tai nghe như có tiếng nổ quả lựu đạn sát bên, tôi cãm thấy thân người bị tống bay lên cao.

 

Một lực nào nào đó thật khủng khiếp tung tôi lên. Tôi không biết mình còn sống, sắp chết hay đây là linh hồn mình đang bay bổng lên cao.


Bỗng tôi thấy thân người bị va đập mạnh, rồi chìm hụp trong khối nước. Nước lạnh làm đầu óc tôi bừng tỉnh. Mắt cay rát, thấy xung quanh tối đen, tôi nhận ra mình đang chìm trong biển. Nước mặn đắng, đầy ngập trong mũi, trong miệng.


Nghẹt thở!


Tôi đạp nước cố trồi người nhanh lên mặt biển.


Thật kinh hoàng!


Một vùng biển sáng trắng ánh đèn.


Tôi không nhìn ra được đâu là thân dạng con người!


Có con người nào sống sót hay không?


Trong vùng ánh sáng, mặt biển như một mảng sông gần chợ nhóm, bị rác rưởi trôi dạt tấp đầy mặt nước. Hành lý, vật dụng, mảnh ván tàu bể vụn lẫn lộn nhau và hai chiếc tàu cướp đang chạy quét rọi đèn pha gần ngay phía trước. Tôi nhìn quanh quẩn không tìm thấy bóng dáng của chiếc tàu thân yêu. Có mảnh ván tàu theo sóng trôi ngang, tôi bơi tới ôm giữ lại làm phao và điểm tựa để nhóng người lên cố tìm con tàu, kiếm Vũ, kiếm tất cả những ai trên tàu mình.


Đâu là Hiền và Hiếu, hai đứa con của anh Ba?


Đâu là những khuôn mặt trẻ thơ?


Trời hỡi! Làm sao trẻ con sống sót được trong biển cả và đêm đen?!


Những người trọng tuổi, phụ nữ yếu đuối làm sao bơi để sống còn?!


Những anh em thanh niên anh dũng trên tàu mình, ai còn ai mất, đâu hết rồi?!

 

Nghe tiếng người gọi nhau, kêu khóc lẫn lộn với tiếng sóng đập rào rạt, nhưng không nhìn thấy đưọc ai cả. Sóng và bóng đêm che khuất hay người kêu la xong bị chìm mất chăng?!


Tôi thấy mình không còn cầm được nước mắt. Tôi lại hối hả nương tấm ván bơi và tìm kiếm. Chợt nghe có tiếng gọi tên mình, quay lại thấy Duy đang bơi tới, mặt Duy bê bết vết máu.


- Anh Tính!


Tôi mừng rỡ khi thấy Duy còn sống, phóng người nhanh lại đẩy tấm ván cho Duy vịn:


- Gia đình, anh em đâu?


- Em hết biết rồi! …Bị nó chặt trúng, em bơi thoát ra đây mới gặp anh thôi!


Tạt nước rửa bớt vết máu trên mặt Duy, máu còn đang chảy xuống nhưng vết thương trên trán cạn. Bơi đẩy Duy, hai anh em chúng tôi cùng tránh nhanh ra chỗ không có ánh sáng.


Tôi vỗ vai Duy căn dặn:


- Em ôm tấm ván này bơi tránh xa ánh đèn và tàu tụi Thái. Mệt cũng ráng bơi cầm chừng, ngưng là chết lạnh.


Tôi quay trở lại vùng có đèn, ráng tìm xem có còn thấy được ai nữa, nhưng chẳng còn ai quanh tôi. Một đợt sóng đưa tôi lên cao, may sao thấy mũi tàu đang trồi lên gần đấy, tôi bơi nhanh lại. Cái neo, tôi cuộn cất trong hầm mũi trước khi ra khơi, lúc tàu bị húc gảy làm hai chìm, theo lòng tàu vỡ trống rơi xuống biển, nhờ vậy neo giữ mũi tàu nằm lại ngay đây. Biết con tàu đã chìm, nhưng khi ôm vịn cái mũi tàu, tôi nghe nước mắt sôi nóng căm hờn. Tôi uất hận nguyện xin với đất trời:


- Tôi phải sống, để thế hệ kế tiếp biết tội ác của loài cộng nô và bọn hải tặc Thái. Tôi xin thề rằng, cho đến hơi thở sau cùng, tôi không bao giờ quên và không bao giờ tha thứ cho bè lũ cộng sản và bọn hải tặc Thái Lan.

 

Rất đông người, hầu hết là phụ nữ, đã chen chúc núp trốn trong hầm mũi, giờ không thấy ai quanh đây!


Những ai đã bị kéo lên tàu Thái như Duy để bị trả thù vùi dập, bao nhiêu đã vĩnh viễn vùi thân xác trong lòng biển lạnh đêm nay và có còn ai đang bơi thoát lũ dã thú mặt người Thái Lan?


Tôi bơi vòng quanh mũi tàu, gỏ vào vỏ tàu làm hiệu gọi thử, rồi áp hai lòng bàn tay và tai vào lắng nghe động tịnh, nhưng hoài công, chỉ còn tiếng sóng biển vỗ đì đùng đáp trả.


Biết chẳng mong gì còn thấy được Duy, nhưng tôi cũng ngoái nhìn thăm chừng trở lại hướng chia tay với Duy. Duy đã bơi mất khuất đâu đó trong bóng đêm và sóng biển. Tôi có lo lắng nhưng tin ở Duy với sức trai trẻ rất nhiều hy vọng thoát hiểm và sống sót. Tấm ván chỉ đũ để giữ cho một người không bị chìm khi không còn sức bơi, nên tôi không thể bám theo Duy. Thà tách ra biết đâu sống sót được một.


Ván tàu bể vụn bây giờ trôi tản mạn đâu hết. Không thấy bóng dáng người nào sống sót và cũng không tìm được vật gì làm phao. Không thể nào cứ bơi người không quanh quẩn trên biển cả như thế này được, tôi dựa vào mũi tàu để tránh bớt sóng và dưỡng sức. Chợt nhớ tới cái nấp hầm mũi, ngó lên thấy nó vẫn còn đậy trên miệng hầm, chờ có đợt sóng đưa lên cao, tôi vói tay ráng phóng người leo lên mũi tàu. Trật vuột vài cái, rồi may mắn cũng bám được vành nấp, mừng vô cùng. Cái nấp hầm chừng một mét vuông, bình thường đứng dỡ lên đậy xuống, để lấy neo, cất neo và vật dụng dễ dàng, bây giờ sóng biển lắc lư lại dốc ngiêng nghiêng, chân đứng bám trơn trợt, lại thêm đuối sức hay chấn động mạnh làm miệng hầm bung vẹo làm nấp bị kẹt dính, tôi đeo lên kéo nó không nhúc nhích. Có ánh đèn pha quét tới, tôi buông tay cho người tuột chuồi xuống biển nằm yên chờ đèn qua và tính cách khác.


Mũi tàu chỉ xuống qua cạnh nấp hầm chừng một mét là hết, bên dưới là khoảng trống của khoang tàu. Mực sóng đang nằm khoảng giữa. Cái neo bị chùi lọt xuống biển như vậy bên trong hầm mũi không còn sót chướng ngại vật, tôi nghỉ là an toàn để chui vào. Thòng một tay xuống dò tìm, tôi nắm giữ mép ván của mũi tàu lấy thế, chờ sóng rút xuống cho khoảng ngắn lại, tôi rút người xuống chui lẹ vào bên trong. Tay vẫn giữ hờ mép ván mũi để có thế rút người chui ngược trở ra, tôi dùng tay còn lại và chân quơ dò cho chắc là trống và an toàn mới buông tay ra. Bên trong tối đen, hơi ngộp mùi dầu cặn, nhưng thở được. Chỉ thấy chạm vài vật nhỏ lỉnh kỉnh, không còn sót người nào, thi thể ai hay vật gì lớn bên trong. Quen thuộc lườn tàu, tôi bám theo đà của khoang để leo lên. Khi ngang với nắp hầm, tôi xoay lại lấy chân đạp nhóng các cạnh, cho nấp bung lỏng ra đôi chút. Cảm thấy cái nấp di động có vẻ nhẹ, tôi ngưng, sợ lỡ chân, nấp văng hẳn xuống biển, sóng đưa đi mất, khi chui ra được không biết đâu để tìm, lại hoài công và tiếc lắm. Biết đâu, đây là tấm ván lớn sau cùng còn sót lại!


Trở ra bên ngoài, tôi chờ sóng để phóng lên bám vào nấp. Lần này, chỉ cần chịu chân lên mũi tàu, hai tay tôi kéo thử, nấp bung nhốm ra ngay. Giữ nấp, tôi ghịt mạnh một lần nữa, cái nấp và tôi cùng nhau rớt chùi xuống biển. Không còn tìm được ai, bám theo tấm ván lớn dễ bị lộ dạng, tôi bơi đi ngay.


Không biết bơi đến đâu, trước mắt phải tránh càng xa hai chiếc tàu của tụi cướp biển.

 

Có lẽ đang bơi cùng chiều với sóng biển, không mấy chốc, tôi thấy mình đã cách xa vùng ánh sáng của đèn pha. Bây giờ, quanh tôi là sóng biển và bóng đêm. Nằm thấp trên mặt nước, hết thấy được ánh chớp của ngọn đèn đỏ trên đất Mã Lai, nhưng tôi biết chắc nó đang nằm ngay phía sau ánh đèn của hai chiếc tàu Thái Lan đang chạy quần quanh chỗ tàu chìm. Như vậy, càng lúc sóng càng đưa tôi xa về hướng đông nam. Cái địa bàn đeo trên ngực đã bị văng mất khi thân thể bị tung lên cao hay lúc chìm xuống biển, tôi không biết. Tiếc vật kỷ niệm gần gũi bấy lâu nay, chớ phướng hướng và sinh mạng bây giờ do đất trời cùng biển cả định đoạt. Nhớ lại cái đồng hồ, mới hay nó bị vuột khỏi tay tự hồi nào. Giờ này khoảng mười hai giờ đêm, tôi đã bơi trong biển chắc cũng được hai giờ rồi. Bám vào cái nấp hầm như thế này, tôi không biết mình còn bơi thêm đuợc bao lâu nửa.


Đêm tối, biển cả mênh mông, sóng nước trùng trùng.


Nước biển trở nên khá lạnh, tôi không rõ mình đang bị sóng đưa xa ra vùng biển ngoài khơi hay vì cơ thể đã sắp kiệt sức. Bản năng sinh tồn thúc dục tôi bơi, cứ bơi, dù biết rằng sức mình không sao cưỡng lại được sóng gió của đại dương. Tôi tự an ủi mình đã gặp may mắn, sóng không đẩy tôi ngược về hướng bọn cướp biển. Thà bị vùi thây trong lòng đại dương, còn hơn phải chết trên tàu bọn dã thú Thái Lan.


Khi vượt trốn loài cộng phỉ, thuyền nhân 3392 đã chấp nhận hy sinh tính mạng của mình. Chúng tôi đã thoát ra hải phận quốc tế, đã thấy được ánh sáng từ đất liền và chúng tôi sắp được đặt chân lên lảnh thổ quốc gia Mã Lai, như hàng triệu người tìm đường vượt thoát ngục tù cộng sản vẫn mơ ước. Mọi người đã làm hết sức mình cho con tàu, đã chọn con đường liều thân, bất khuất trước bạo tàn, đấu tranh cho đến hơi thở sau cùng.


Tôi chậm rãi bơi, lòng thanh thản mãn nguyện, sẵn sàng chờ lúc thoát khỏi xác thân. Ngước nhìn triệu vì sao trên bầu trời, đâu đó là anh linh của những thuyền nhân 3392 đang sáng lấp lánh, tôi thấy mình tìm lại được an bình trong tâm hồn. Trên cao ấy là nơi tôi sẽ được gặp lại các chiến hữu và thuyền nhân thân yêu của tôi. Rồi đây, tôi sẽ được cùng hồn thiêng đồng bào tôi, bay trở về trừng trị loài cộng sản phi nhân, cho quê hương tôi sạch loài quỉ đỏ.


- Cứu tôi với!


Nghe phía sau lưng có tiếng người la thất thanh, tôi dừng bơi, lên tiếng hỏi nhưng không nghe ai đáp lại và nhìn quanh cũng chẳng thấy ai.


Từ khi ôm tấm nấp hầm mũi bơi đi, chốc chốc nghe tiếng kêu gào rồi yên lặng. Tôi gọi lại, lần nào cũng chỉ nghe tiếng sóng tiếng gió đáp lời. Vì thiếu ngủ, mỏi mệt, nên tâm thần đang lơ mơ trong mộng, hay bị ám ảnh bởi tiếng kêu gào của đồng bào tôi, hay ai đang bơi đâu đó kêu la rồi kệt lực tàn hơi, nhưng nhìn quanh tôi chỉ thấy bóng đen của đêm tối.


Thấy lạnh trên lưng, vịn mép ván, tôi trầm thấp người xuống biển một lúc cho ấm. Uống ca chanh đường của “chế” Hai xong thì thấy tàu cuớp biển, không ai trên tàu còn bụng dạ nào nghĩ đến buổi ăn chiều nữa, bây giờ cũng không thấy đói lắm, nhưng lạnh và lạnh ít hơn khát. Ban đêm, không thấy được lúc nào có sóng to đập tới, không may hít vào nhầm lúc sóng ụp lên, nước biển chảy luồn từ mũi xuống cổ họng mặn đắng. Cứ phải ực nước biển vào mũi vào miệng, khát thêm khát.


Chợt tôi thấy ở xa xa bên phải, trên mặt nước chừng như có ánh sáng xanh vì nước biển mặn bị dấy động mạnh. Tôi liên tưởng đến cá mập đang sục sạo tìm mồi, tìm tôi. Tính rút người nằm gọn lên tấm ván, nhưng nghĩ lại, ván thuyền cũng chẳng che giúp được gì với sức mạnh của hàm răng cá mập, thà để người trống thoáng cho nó nuốt gọn, chết dễ hơn. Cầu mong sẽ là một con cá nào to, nó thanh toán tôi trong vài cái để chết cho nhanh lẹ. Hụp xuống ngâm đầu xuống biển một lúc, trồi lên, lấy tay khoác nước vuốt rửa mặt cho tỉnh táo rồi quay nhìn trở lại nơi có gợn sóng xanh lần nữa. Tôi không mơ ngủ, vệt sáng ẩn hiện vẫn còn đó, chốc chốc lại có ánh nước tung lên chớp sao xanh lấp lánh. Thử đập chân bơi theo nhịp nước tung lên, tôi thấy giống như nhịp chân người ta bơi hơn. Chắc là một người nào đó đang bơi đàng trước, nghĩ là Duy đang bơi, tôi gọi lớn:


- Duy!


Không nghe trả lời, tôi thử gọi tiếp với tên Vũ, Tài, Luốc, Dân… nhớ đến tên ai trên tàu, tôi gọi hết. Trong đêm đen, tiếng tôi cứ chìm mất trong sóng gió, không nghe ai đáp trả. Đẩy tấm ván, tôi cố gắng bơi thật nhanh lên cho gần hơn và hy vọng nhằm lúc gió xuôi chiều sẽ tiếp mang tiếng tôi đến người bơi phía trước, tôi gọi tiếp:


- Ai bơi đó?


Một cơn sóng to ụp tới, tôi bị sặc nước, lại uống thêm những ngụm nước pha muối. Vuốt mặt, vuốt mắt mũi cho bớt nước, ngó ra trước thấy mất ánh sáng xanh. Ai đó đã bị đợt sóng to hồi nãy cuốn đi hay sóng đánh xoay tấm ván làm tôi lạc hướng?


- Tính đây, ai bơi đó?


Tôi gọi thêm lần nữa, không ai trả lờì, nhìn kiếm xung quanh cũng không còn thấy gì nữa. Cầu may, tôi gọi tiếp qua các hướng khác nhau, nhưng mất dần hy vọng.

Mất dấu người bơi đàng trước, cũng chẳng nghe ai đáp lời, tôi sinh nản lòng, thử gọi thử thêm một lần cuối xem sao. Không rõ mình bị mất tiếng hay giữa đại dương với sóng và gió tôi nghe tiếng gọi của chính mình thật lạc lõng.


- Anh Tính hả?


Chợt nghe như có tiếng gọi tên tôi, nhưng quanh mình không thấy ánh nước sáng xanh hay ai bơi gần cả. Tôi nghĩ, rất có thể nhằm lúc người ấy ngưng bơi nên nghe được tiếng tôi gọi và trả lời. Tôi mừng quá, lên tiếng đáp lời ngay:


- Tính đây!


Nhìn qua hướng người gọi thấy có ánh nước đập tung lên, tôi gọi lớn:


- Ở yên đó! Chờ tôi tới!


Tôi tin là mình không mơ hay bị ám ảnh, cũng không phải chuyện hoang đường, tiếng một thanh niên gọi tên tôi nghe khá rõ, tôi bơi nhanh đến. Thật vậy, chừng chục cái bơi tôi thấy bóng một người đang ôm ván đạp nước cầm chừng chờ và hỏi tôi:

- Anh Tính hả? Thành đây!


- Thành đấy à!


Tôi đáp lời và ráng nhớ xem ai là Thành. Hơn bảy chục người trên tàu, hầu hết là bà con hay thân quen với Vũ, tôi chỉ biết vài người trong gia đình Vũ. Suốt ngày đêm tôi giữ cần lái trên mui, không mấy dịp thăm chuyện với ai lạ; kể cả thầy Sơn, tôi chỉ chào thầy khi thầy lên tàu. Thầy Sơn dạy môn Toán cho Vũ và tôi. Thầy chào lại, chắc chắn thầy không thể nhìn ra thằng học trò năm lớp sáu và lớp bảy. Mấy hôm nay, tôi chưa có thời gian để xuống thăm hỏi thầy thêm. Thầy trốn đi với hai đứa con, một trai và một gái tuổi mười ba hay mười lăm chi đó. Không biết thầy và hai đứa con giờ ra sao?!


- La Giang Thành đây anh.


- May quá mình còn gặp nhau.


Tôi cũng không nhớ biết La Giang Thành là ai, đành phải trả lời chung chung. Chúng tôi bơi đâu mặt thăm hỏi nhau, nói như hét vẫn nghe tiếng được tiếng không. Thấy tấm ván của Thành nhỏ, chỉ vừa cho một người, tôi đeo sang bên phải, đưa cái nắp hầm mũi gần lại, gọi lớn cho Thành nghe:


- Sang đây, bơi với tôi.


Thành nghe tôi, bám sang tấm nắp hầm mũi với tôi. Cùng đeo chung tấm ván, sóng lớn không tách đùa lạc nhau. Thương tiếc tấm ván, chúng tôi kéo miếng ván nhỏ của Thành chất nằm chồng lên tấm nấp hầm rồi cùng đạp nước bơi đi. Bơi giữa đại dương, gặp người đồng cảnh ngộ, không sao diễn đạt được xúc động bằng ngôn từ. Trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng giữa đại dương bây giờ có người kề cận, niềm hy vọng le lói trong đêm đen.


Ánh đèn pha và đám tàu cướp Thái Lan man rợ đã mất biệt từ lâu lắm rồi. Ngoài tiếng sóng đập vào chúng tôi, không còn nghe ai kêu la hay gọi nhau như hồi nửa đêm. Chúng tôi khuyến khích, nhắc nhau bám chặt vào phao ráng nhớ bơi để cơ thể được ấm và không bị ngủ gục vuột tay khỏi tấm ván, sóng đánh văng đi mất. Có vài lần tôi có cảm giác như có thân mình của loài sinh vật khá lớn, da trơn láng chạm vào người, nhắc nhở tôi đến cái đe doạ của loài cá mập, nghe rởn lạnh cả người.


Thành và tôi nằm nghiêng mặt trên tấn ván để tránh sóng đùa thẳng vào mũi miệng, chậm rãi bơi để dưỡng sức. Người bơi cứ bơi, sóng gió mặc tình đưa đẩy. Xác thân và số mạng không biết trôi dạt đi nơi đâu, chuyện gì sắp xảy đến, bao giờ sẽ tận cùng.


Luyến nhớ, xót thương cùng uất hận chồng chất, miên man nối nhau xoay quần trong đầu. Tôi thấy nước mắt trên những khuôn mặt ngây thơ, trên lớp da sạm nắng đã hằn xếp dấu thời gian của những thuyền nhân trên tàu. Đây, vết dầu máy bôi nhoè nhoẹt bên ánh mắt kinh hoảng tuyệt vọng. Đây, trẻ con ngơ ngác ôm chặt lấy người thân khóc rấm rứt. Lời cầu kinh trên bờ môi run rẩy, tiếng người kêu thét gọi tìm nhau trong tiếng sóng của đại dương… vẫn còn đâu đây, âm vang bên tai. Tôi thấy Mẹ tôi lau dấu nước mắt lúc nghe tin tôi trốn xuống tàu chờ dịp vượt thoát, bàn tay cằn cổi của Ba tôi đang nằm trong lòng tay tôi khi ân cần bắt tay căn dặn lúc tạ từ. Thương Ba Mẹ lắm! Cha mẹ già chịu đựng quá nhiều mất mát. Không chấp nhận giảng dạy cho tuổi trẻ những giáo điều xảo trá của loài cộng sản, Ba đã phải bỏ trường lớp, chấp nhận khốn khổ thà dầm mình trong bùn đất ruộng nương để tạo hạt gạo trắng sạch, sống qua ngày.


Mất mát cuốn đi thêm mất mát!

 

Dù biết rằng khi tiễn con ra đi là đã nghe mất mát, Ba Mẹ tôi sẽ ra sao khi hay tin con đã đi không đến bến bờ Tự Do. Tôi nghe mình nghẹn lời cầu xin Ba Mẹ tha lỗi cho đứa con đã không còn dịp chăm sóc, mang an bình cùng niềm vui đến với mẹ cha khi trọng tuổi.

Càng về khuya sức người càng mệt mỏi. Tiếc tấm ván của Thành, ráng mang nó theo xem có gặp ai cần ván làm phao sẽ giúp. Giữ tấm ván cho nó nằm bên trên cái nấp hầm, càng lúc cảm thấy vướng víu quá, mỗi lần sóng đánh tới cả hai phải mất thêm sức kềm cho nó đừng bị văng xuống biển hay chạy vào đập trúng mặt mũi. Chúng tôi bàn với nhau, đến lúc này chắc không còn hy vọng gì gặp thêm được ai nữa, đành phải bỏ bớt miếng ván dư này. Thành nới tay cho tôi kéo nó sang một bên, đẩy tấm ván xuống biển và chỉ vài đợt sóng nó bị cuốn đi mất biệt. Nhớ thương chiếc tàu, tiếc tấm ván như một phần thân thể, nhưng sức cả hai đã mỏi mệt.


Còn lại cái nắp hầm hai người bám giữ dễ dàng hơn, đỡ mỏi tay và mất sức hơn nhiều. Sóng đưa Thành và tôi lao chao trên biển, chốc chốc ụp nước trên mặt mũi, mỗi lần nói phải lấy hơi la lớn tiếng, lại thêm mỏi mệt nên cả hai dần dà lười nói chuyện với nhau. Nãy giờ, cũng lâu rồi chúng tôi yên lặng với những suy tư riêng, lắng nghe người bên cạnh còn bơi là yên tâm rồi. Coi như đêm nay là đêm thứ tư tôi không được ngủ, cộng thêm một đêm nằm trằn trọc chờ sáng trước ngày đi. Chắc vì phải uống nước biển, không thấy đói cho lắm. Cái lạnh, khát và buồn ngủ xô đẩy nhau, xoay quanh trong đầu. Sóng đánh tới tỉnh ngủ lại nhớ tới khát, rồi lạnh. Càng về khuya sóng và gió càng lạnh. Người ta nói khi phải đối đầu với cái chết con người trở nên dũng mãnh hơn khi chiến đấu để sống còn. Tôi không tin tôi có được cái sức mạnh vùng dậy đó, chính Ơn Trên đã ban cho tôi may mắn cùng nghị lực để còn sống đến giây phút này.


Yên lặng một lúc, đầu óc lơ mơ mắt cứ muốn sụp xuống, không có sóng chắc tôi gục ngủ dễ dàng. Thành cũng yên lặng uể oải bơi. Tôi ráng đạp nước bơi mạnh lên và kiếm chuyện nói với Thành cho cả hai cùng tỉnh ngủ, quên chuyện lo buồn riêng tư. Tôi lớn tiếng gọi Thành, giọng lạc quan vui vẻ để đánh lừa tâm thần của mình:


- Gần sáng rồi Thành!


Thành quay sang tiếp chuyện:


- Không biết mấy giờ rồi?


Trăng đầu mùa, hồi tối đầy thêm được gần một phần tư. Nhìn bầu trời tối đen, trăng đã lặn mất, tôi ước lượng với đêm hôm qua cộng thêm một giờ:


- Chắc gần ba giờ sáng rồi.


- Chừng nào có mặt trời?


- Cỡ hôm qua, sáu giờ…Ráng bơi, Thành!


Miệng bảo nhau ráng bơi, đầu óc nghĩ tới ba tiếng đồng hồ nữa mới sáng lòng se thắt lại, hai anh em yên lặng trở về với lo âu. Phải bơi thêm ít nhất ba tiếng đồng hồ mới có mặt trời, coi như cả nửa ngày trời trong biển nước, có ngắn đâu!


Bơi được một lúc, chợt nhớ ra chu kỳ này mỗi ngày mặt trời sẽ mọc sớm hơn một phút, tôi mừng rỡ xoay qua nói với Thành:


- Hôm nay mặt trời sẽ mọc sớm hơn…!


- Đỡ quá hả… May cho tụi mình!


Thành có vẻ vui hơn, nói thêm:


- Với lại …tàu đánh cá đi sớm lắm mà?


- Đúng vậy! họ không đợi mặt trời.


- Hy vọng gặp tàu sớm hơn!


Vài mươi phút nằm ngủ nướng, có khi chẳng thấy thấm vào đâu, nhưng một phút cho người kiệt sức trên biển nó lâu thật lâu, lâu vô cùng. Sớm được một phút mừng vô cùng!


Đêm lênh đênh bơi trong sóng nước với mong ước và lo âu làm đêm càng dài ra chừng như bất tận. Cả đêm, ngước nhìn thăm chừng bầu trời cứ thấy đen thăm thẳm. Bây giờ, những vì sao có vẻ giảm bớt ánh lấp lánh, nhìn kỹ tôi thấy bầu trời không còn màu đen đậm đặc của ban đêm, đang ửng chút ánh xanh lam.


- Trời sắp sáng!


Tôi nói với Thành.


Nghĩ đến lúc trời sáng, có tàu đánh cá chúng tôi nghe niềm vui reo trong lòng, bên nỗi hồi hộp lo âu. Tôi vọt miệng nói thêm, như nói với chính mình:


- Hy vọng không gặp tàu Thái Lan.


Không lẽ sui tận mạng! Chiều tối hôm qua gặp tàu cướp, sáng mai này lại gặp tàu cướp nữa sao?! Nghĩ vớ vẩn rồi thôi, đành phó thác mạng cho trời, cho biển. Mỗi lúc sóng đưa lên cao, chúng tôi ngóng cổ kiếm xem có ánh đèn của chiếc tàu chưa.


Từ khi thấy bầu trời bớt tối, bóng đêm tan biến mỗi lúc một nhanh hơn. Năm mười phút ngó lên trời thăm chừng là thấy ngay sự khác biệt. Không bao lâu sau, dưới chân trời có ánh sáng của ban ngày.


Qua một đêm dài bơi trên biển, thấy được ánh bình minh, thấy hy vọng. Dù đã sáng, chưa thấy bóng dáng chiếc tàu nào và chưa biết sống còn ra sao, nhưng ánh mặt trời đã mang lại hơi ấm cho cơ thể, xua tan nỗi âu lo rất nhiều.


Chúng tôi còn sống!


Thành và tôi vui mừng khi được thấy ánh mặt trời.


Chúng tôi đã được sống hơn bốn ngày trong ánh sáng của Tự Do.


Đây, một ngày mớí!


Có phải đây là ngày thứ năm được sống và được làm người Tự Do?!


Tuy rằng còn phải bơi trong sóng nước, chưa đến bến bờ, nhưng ước mơ thoát khỏi kềm kẹp của bọn cộng phỉ đã là sự thật. Triệu vì sao lấp lánh theo hộ độ chúng tôi suốt đêm hôm qua đã yên nghỉ trong ánh sáng ban mai. Triệu anh linh của đống bào tôi vẫn còn đó! Tôi không thể quên triệu người đã vì hai chữ Tự Do, hiến dâng thân xác mình..


Một ngày làm người Tự Do đã quá đủ, như ước mơ!


Mặt trời lên nhanh, quay đi, ngoảnh lại đã thấy ló dạng lên bên trên mặt sóng. Ánh vàng cam rực rỡ nhưng hảy còn dịu mát để nhìn.


Bình minh trên biển đông thật đẹp, đẹp tuyệt vời!


Tôi thấy cay ấm trong đôi mắt.


Bao giờ đêm đen của loài quỉ đỏ đang phủ trùm trên quê hương tôi sẽ tàn lụi, để đồng bào tôi có được niềm vui thấy lại ánh sáng của hy vọng và tự do như tôi được thấy hôm nay?!


Xin cám ơn Ơn Trên, tôi đã được ban cho quá nhiều ơn phước. Nếu hôm nay tôi phải bay theo anh linh của đồng bào tôi, tôi đã rất mãn nguyện.


- Anh Tính, sao mình không thấy tàu?!


Thành lo âu, tôi cũng không biết tại sao:


- Lạ thật, không một chiếc tàu, không ai đi đánh cá vùng này!


Trời sáng cũng khá lâu rồi, bây giớ chắc cũng phải tám chín giờ sáng. Tia nắng chói chang, gió mang đầy ngập hơi nóng của mặt trời. Từ lúc thấy ánh sáng ban ngày, có hơn bốn tiếng đồng hồ rồi, ngóng trông nhưng chưa thấy được bóng dáng một chiếc tàu. Không thấy tàu buôn, cũng chẳng thấy tàu đánh cá lớn nhỏ nào cả. Mình không thấy tàu, mong gì người trên tàu thấy hai sinh vật nhỏ nhoi đeo bên tấm ván đen mốc trong sóng đại dương; cái nấp hầm mũi chỉ một mét vuông này như miếng rác nhỏ trên mặt sông. Tôi phân vân, không rõ mình đang ở xa ngoài khơi, hay trong vùng biển đảo hoang vắng?


Nằm trong nước không nhận định được rõ lắm, nhưng chừng nửa giờ rồi, có lúc tôi thấy luồng nước biển hình như hơi xám đục. Đợt sóng mới đùa vào có vài mảng rong biển. Tôi chụp giữ được một cọng rong biển nhỏ, đưa cho Thành xem:


- Nước đục, có rong biển như vậy mình đang ở vùng biển cạn, hay đang được sóng đưa vào gần bờ.


- Gần bờ mà hơn nửa buổi sáng rồi sao mình không thấy tàu.


- Không lẽ đây là vùng hoang đảo?!


Tôi ngẫm nghĩ:


- Hoang đảo cũng có cách sống, cầu sao vô tới bờ biển.


- Sáng trắng rồi mà không thấy tàu đánh cá, làm sao bơi thêm một đêm nữa cho nổi!

Thành lo âu rất đúng. Chúng tôi bơi cầm chừng, chủ đích ngóng nhìn chung quanh, nhưng tàu thuyền vắng lặng một cách khó hiểu. Mặt trời lên cao, nắng và gió nóng hực, trong lòng thêm bồn chồn thắc mắc. Từ sáng đến giờ không thấy tàu qua lại, càng về trưa chiều càng ít hy vọng gặp người cứu vớt hơn. Tôi nhìn cọng rong biển cầm giữ trong tay, nó gợi nhắc màu cây cỏ trên đất liền, lòng bồi hổi trông mong.


Đợt sóng cuộn tới mang theo thêm một mảng rong khác. Xa xa ngoài trước có vật gì màu cam nhấp nhô trên sóng. Chúng tôi tò mò bảo nhau bơi nhanh đến xem. Không phải một, mà có chừng chục cái như thế phía trước, cái nào cũng cũ kỹ, nhiều màu trắng, vàng xanh lẫn lộn, rải rác trên mặt biển. Thì ra đây là những cái phao cột theo hàng lưới để làm dấu. Có lưới, hy vọng có tàu đánh cá hoạt động quanh đây. Chúng tôi ráng bám giữ vào các phao này, không cho sóng cuốn đi nơi khác. Nằm tại đây, có nhiều hy vọng gặp tàu đánh cá chạy trong khu vực này hơn.


Đoán theo cỡ lưới cá, tôi bàn với Thành:


- Mình không phải lo gặp cướp biển Thái Lan. Tàu đánh cá vùng này là tàu nhỏ, họ đi gần, chắc chắc là dân địa phương của Mã Lai. Tàu nhỏ thì mình khó thấy nó và người ta không nhìn thấy rõ giữa các đợt sóng, khó thấy tụi mình lắm. Ráng nhìn kiếm tàu và làm cho họ thấy mình.


Đúng như chúng tôi suy đoán, chừng nửa giờ sau có một chiếc tàu đánh cá chạy ngang. Nhưng nó chạy cách xa quá, chúng tôi ráng vẫy tay kêu gọi cầu may. Nhìn chiếc tàu từ từ mất dạng trên biển, chúng tôi tiếc lắm, vừa hy vọng gặp thêm chiếc khác, vừa phân vân biết đâu chỉ có một chiếc duy nhất.


May thay, chừng mười phút sau, có hai vệt khói gần nhau ngang bên phải của tôi. Chúng tôi quay tấm ván lại hồi hộp trông ngóng. Vài đợt sóng đưa lên cao, đã thấy được hình dạng chiếc tàu đánh cá. Qua một đêm dài bơi trên biển, tưởng đã chết, bây giờ gặp tàu làm sao không vui và không lo tàu không thấy mình. Tuy tàu còn từ đàng xa, chúng tôi đã liên tục vẫy tay làm hiệu. Biết rằng tiếng người trên biển chẳng vang đi được bao xa, cả hai vẫn ráng hết sức lực la gọi thật lớn. Tàu chạy gần hơn chiếc vừa rồi, thật gần. Hai chiếc nối nhau chạy ngang ngay trước mặt chúng tôi. Mặc tình chúng tôi ra hiệu và kêu gọi, không ai thấy chúng tôi, hai chiếc tàu cứ thản nhiên lướt qua. Hai chiếc tàu xa dần, Thành và tôi mệt quá, buông xuôi không gọi kêu nữa. Nhìn theo hai vệt khói trên mặt sóng đang tan loảng trong gió, chúng tôi thẫn thờ thất vọng. Hai chiếc tàu thật gần, thấy đó rồi phút chốc biến mất, tường chừng như trong giấc mơ.

Biển chỉ còn tiếng sóng và sóng mênh mông không bóng dáng tàu thuyền.
Tiếc hai chiếc tàu mãi.


Tôi ngẫm nghỉ, tàu tuy nhỏ, nhưng mỗi tàu phải có ít nhất hai người và cả hai tàu chạy thật gần như thế mà không một ai thấy chúng tôi, tiếc lắm! Biết còn dịp gặp được tàu chạy gần như thế không?! Tôi nhìn mấy cái phao trên lưới đã quá cũ kỹ, đâm ra nghi ngại rằng đám lưới này đã bị bỏ hoang cho nên ba chiếc tàu chạy qua luôn, không thèm lưu tâm ghé vào. Phân vân, muốn rời nơi này bơi đi, nhưng chẳng biết sẽ trôi đến đâu, may rủi ra sao, đành nán lại và cầu may mắn. Quay mặt nhìn về hướng đã thấy tàu chạy tới, Thành và tôi nằm trên nấp hầm nghỉ mệt mắt trông ngóng tàu. Hai đợt tàu đều xuất phát từ hướng này, chắc là bến nhà của họ cũng từ đâu đấy. Mong sao có thêm tàu đến và họ sẽ thấy chúng tôi.


Nằm trông đón tàu được một lúc, bỗng nghe như có tiếng máy tàu văng vẳng trong tiếng sóng, chúng tôi ngóng lên chờ hình dạng chiếc tàu xuất hiện. Ít phút sau tiếng tàu chạy nghe thật rõ, nhưng lại nghe từ hướng sau lưng, Thành và tôi ngạc nhiên cùng quay lại. Chúng tôi không dám tin mắt mình, tưởng như mình đang chứng kiến phép lạ. Như thuở nhỏ đi xem phim Mười Điều Răn, đám nhóc con chúng tôi trố đôi mắt, ngẩn người nhìn Chúa làm nước biển tách vẹt ra hai bên cho Moses hướng dẫn đoàn người di tản Do Thái đi trên đáy biển, vượt qua đại dương.


Vâng, Thành và tôi cũng là hai người nằm trong đoàn Exodus đầy thương tâm, của người Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Hai trong triệu người Việt Nam liều mình vượt thoát móng vuốt của loài quỉ đỏ để tìm miền đất hứa, tìm đến bến bờ của đất nước Tự Do. Giờ đây, chúng tôi cũng đang ngẩn người chứng kiến phép lạ của Thượng Đế, ngay trên đại đương!


Chúng tôi ngạc nhiên và vui mừng đến sững sờ, nghẹn cả lời; quên mất phải ra hiệu hay kêu gọi tàu như những lần trước. Chừng tỉnh nhớ lại, thấy rằng vẫy gọi không còn là điều cần thiết nữa. Ngay trước mắt chúng tôi, hai chiếc tàu đánh cá hồi nãy đã quay trở lại hồi nào không hay.


Không biết tại sao họ quay lại! Tàu vô tình chạy về ngang thấy; hay đã thấy chúng tôi từ lúc nãy nhưng không muốn vướng bận, định bỏ qua cho xong, rồi không nỡ lòng, nên quay trở lại cứu chúng tôi?


Cho dù lý do nào, những người đánh cá Mã Lai đã thấy và đang đến vớt chúng tôi. Động cơ thật thấp, họ để tàu theo trớn chạy thật chậm đến sát bên chúng tôi, cũng vì thế chúng tôi đã không nghe tiếng động cơ rõ lắm. Mấy người đánh cá lam lũ, đang đứng bên thành tàu nhìn chúng tôi với ánh mắt xót thương lo lắng.


Đây là những thiên sứ mà chúng tôi đã cầu mong.


Cám ơn Ơn Trên đã ban phép lạ!


Chúng tôi bắt tay từ giã nhau, sẵn tàu gần kế bên nên Thành lên tàu trước. Chiếc thứ nhất vớt Thành lên xong, tách ra cho chiếc sau chạy tới gần tôi.


Tiếng máy dầu cặn gợi nhắc nhiều xót đau, tôi nhìn xuống tấm nắp hầm mũi, không ngăn được nước mắt. Tôi ôm tấm ván, vỗ về lưu luyến trước khi buông rời nó, để bơi sang chiếc tàu đang chờ vớt tôi. Tàu đánh cá nhỏ, chiều dài chừng phân nửa chiếc 3392, kiểu tương tự như các tàu đánh cá ven biển ở Việt Nam. Nơi tôi vịn tay là chỗ thấp nhất của sàn tàu, nó chỉ cách mặt biển hơn gang tay một chút. Trước đây, phần đuôi của chiếc 3392 cao gắp ba lần, anh em trên tàu phóng xuống leo lên dễ dàng; bây giờ chỉ có chừng này tôi đã ráng hết sức vẫn không nhóng người lên được bao xa. Thấy vậy, hai người đánh cá khom xuống kéo tôi leo lên sàn tàu.


Chiếc tàu cứu tôi xong, cũng nối theo chiếc chở Thành chạy đi.


Tôi ngoái nhìn tấm nấp hầm mũi của chiếc 3392. Nó nhỏ nhoi đơn độc trên mặt biển quá và phút chốc nó đã bị khuất mất phía sau.


Vĩnh biệt 3392!


Tôi không bao giờ quên chiếc tàu yêu quý đã hy sinh thân mạng đưa chúng tôi vượt đại dương tìm Tự Do.


Tàu chạy, gió lùa trên da để trần nghe ớn lạnh, tôi ngồi co ro trên phần đuôi tàu. Tàu chỉ có hai người, chắc là hai cha con. Người cha đang lái tàu bên trong phòng lái. Anh chàng thanh niên Mã Lai bằng hoặc lớn tuổi hơn tôi, đứng dựa vào mui tàu, gần tôi.


Tôi lên tiếng:


- Thanh you again!


- Ok! Ok!


Anh ta cười, khoát tay, ý như không có gì đáng quan tâm.


Cả hai chúng tôi đều không nói được tiếng Anh nhiều. Biết tôi đói và khát, anh chỉ ra biển, xoay xoay bàn tay ra hiệu và nói với tôi:


- Go fishing, go home… same day…. No food!


Tôi cười cho anh an tâm:


- That's OK!


Có tiếng người cha gọi, họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ địa phương. Người con trai trả lời và nhanh lẹ khom người chui vào trong mui. Vài phút sau, anh trở ra với cái hộp nhôm nhỏ trên tay. Lật ngữa bàn tay, anh ta vui vẻ ra dấu cho tôi:


- Hand!


Tôi hiểu ý, làm theo.


Ngó xem hướng gió, anh xoay người ngồi xuống để lưng và tay che gió, tay kia cẩn thận múc đổ vào lòng tay tôi hai muỗng đường trắng. Chắc người cha nghe chuyện, bảo anh ta vào lấy đường cho tôi.


- Thank you very much.


Tôi cám ơn anh và cho hết nhúm đường trong lòng bàn tay vào miệng. Đường tan, nghe ngọt thấm trong vị giác. Thật may mắn, hôm nay tôi được gặp lại người đối với người bằng nghĩa tình con người, thật ngọt ngào, dù khác ngôn ngữ, chủng tộc. Không như loài cộng sản, chúng đã mất hết nhân tính; chúng nó dã man với những người mà chúng vẫn ngon ngọt ca tụng là “đồng bào”; ngay cả nước mắt của cha mẹ, khóc thương khi nhận xác con trong ngục tù của chúng, cũng bị loài cộng sản cấm đoán.


Cất hộp đường, anh trở ra trao cho tôi ly nước. Nước lờ lợ, chắc là nước giếng, không thể sánh bằng nước mưa trên quê hương, nhưng bây giờ giòng nước ngọt mát ngon thật ngon. Cái ly nhỏ, không bao nhiêu nước, tôi uống chậm chậm cho nó chậm hết nước. Còn khát lắm, tôi nghĩ chừng chục ly như thế tôi uống cũng hết, nhưng ráng nhịn chịu. Thiếu nước lâu, uống nhiều quá một lúc cũng không nên, và tôi tránh mở miệng hỏi xin. Tôi nghĩ, mình còn sống và được cứu vớt như thế này là quá ơn phước rồi.


Cảm thấy có ai đang vỗ lắc kéo vai. Trí óc chưa hồi tỉnh, ánh sáng bất chợt bừng chói lên mặt. Tôi mở mắt ra thấy bầu trời nắng chói chang. Tâm thần mê mệt, tôi tưởng mình còn nằm ngủ trên băng ghế trên mui tàu, ngó lên không thấy cái mái che bên trên băng ghế, tôi hốt hoảng la lên:


- Vũ! cái mái che bay mất rồi!

 

Băng ghế lái tàu cũng là chỗ ngủ của tôi; nó rất hẹp, chỉ vừa bề ngang cái lưng của tôi. Theo thói quen, tôi lấy tay mò tìm cạnh băng ghế, xem nó ở đâu, trước khi ngồi dậy để không bị lọt xuống sàn mui. Không tìm thấy cái cạnh băng ghế đâu cả, càng thêm kinh hoàng, ….


- Hello!


Nghe có ai đó gọi la lớn tiếng, tôi quay mặt sang ngó, thấy bóng dáng một người to lớn đứng gần bên tôi. Tỉnh hẳn ra ngay, tôi nhìn lại, thấy mình đang nằm trên sàn tàu đánh cá và trên người đang đấp tấm bạt màu đen.


Ráng ôn lại trong trí, nhưng tôi không thể nào nhớ biết chuyện gì xảy ra sau khi uống xong ly nước. Không biết mình đã kiệt lực, gục xuống hồi nào? Ai đó trên tàu đã đấp che cho tôi?


Người đàn ông mặc áo sơ-mi trắng, tay còn đang kéo dở tấm bạt đấp trên người tôi ra. Thấy tôi quay sang nhìn, ông ta buông tay thả tấm bạt xuống, chỉ vào người mình giới thiệu:


- I'm… police. Go with me!


Tôi ngồi bật dậy, kéo tấm bạt đen qua một bên, chợt nghe rát đau trên đầu gối. Một mãng da mới kéo mặt bị dính theo tấm bạt, lột phăng đi, bầy ra lớp thịt bên trong đang rướm máu. Thì ra lúc tránh né tàu Thai Lan, tôi quỳ gối chịu lên sàn để đẩy kéo cần lái cho mạnh và nhanh; sàn tàu tráng nhựa đường nhám sần sùi đã chà lột lớp da trên hai đầu gối. Đêm hôm qua bơi, cử động liên tục và lắm chuyện trong tâm trí, nên chẳng hay biết. Vết thương bị ngâm trong nước biển từ tối hôm qua bị lở loét bầy nhầy. Nằm ngủ yên một lúc lâu, vết thương lành bớt, khi co chân ngồi dậy lớp da mới ở đầu gối căng rách ra, thấy đau rát.


Tôi nhìn trong mui, có ý tìm hai cha con người đánh cá Mã Lai để cám ơn và từ giã, nhưng không thấy. Hai vị ân nhân chắc đâu đó trong nhóm dân làng, bên dưới bóng mát của chòm cây trên bờ biển


- Go with me!


Người cành sát lên tiếng nhắc và quay lưng đi lên bờ.


Không biết nói sao, tôi tuột xuống tàu, đi theo.


Một khung cảnh xa lạ mở ra trước mắt. Bãi biển vắng, nhà dân thưa thớt. Một làng đánh cá có vẻ nghèo, nhưng an bình và tình người thật cao cả.


Đây, Mã Lai!.


Bến bờ Tự Do của triệu giấc mơ!


Bước lên bờ, tôi thấy Thành đang đứng nói chuyện với người cảnh sát. Thành cũng mừng khi được gặp lại nhau, bước nhanh lại thăm hỏi. Thành nói cho tôi biết:


- Ông ấy là cảnh sát, nói là mình đi về cơ quan để phỏng vấn.


Rất may, Thành và cảnh sát viên người Mã Lai này nói cùng loại tiếng Hoa. Bây giờ Thành làm người thông dịch cho tôi và cảnh sát viên Mã Lai. Thấy ông ta nhìn chờ, tôi nói với Thành:


- Đi Thành, tụi mình vừa đi vừa nói chuyện thêm, ông ta đang chờ mình.


Lúc được vớt lên khoảng mười một giờ.


Giờ này, mặt trời đã xuống khá thấp, chắc khoảng ba giờ chiều. như vậy tôi được ngủ một giấc gần bốn tiếng đồng hồ.


Cát trên bờ biển còn nóng bỏng dưới lòng bàn chân. Ánh nắng phía sau, rọi rát trên da lưng, nhưng tôi cũng nghe nóng bỏng trên ngực. Ngó xuống, tôi mới hay nguyên mảng ngực và bụng của tôi đầy những vết thâm đỏ. Nhớ lại cái cảm giác trơn láng chạm vào người lúc bơi hồi tối hôm qua, tôi biết mình bị chất độc của con sứa lửa làm phỏng da. Thấy ngực mình bị phỏng, tôi lại nhớ đến Vũ cùng thân quyến của thằng bạn, những thuyền nhân trên tàu, nhớ hai đứa con của anh Ba. Tôi lầm lũi bước đi, đầu óc suy đoán đủ điều càng thêm lo âu và buồn, rồi cũng rối rắm mù mịt tin tức.


- Anh Tính! quẹo vô đây!


Thành gọi tôi.


Ngó lại thấy cành sát viên đang tẻ vào hướng một căn nhà, trông giống cái quán ăn nhỏ nằm gần bên lối đi. Chắc chắn không phải sở cảnh sát, không lẽ họ hẹn nhau ở quán để phỏng vấn. Tôi thắc mắc, nhưng chẳng buồn hỏi han thêm, cứ đi theo.


Đây là cái quán ăn. Quán nhỏ, chỉ có sáu cái bàn gỗ cũ kỹ, bán cho dân lao động, nằm gần bên lối đi lên khu phố.


Còn mỏi mệt lắm, thấy cho ngồi, chúng tôi ngồi ngay cái bàn sát cửa. Quán vắng, chỉ có hai người ngồi uống nước bên trong, gần quày tính tiền. Họ có vẻ quen biết người cảnh sát, vui vẻ chào hỏi khi ông ta đi ngang qua. Cảnh sát viên Mã nói chuyện với người bán hàng, lấy tiền trả, trở lại bàn chúng tôi, ông ấy đưa cho Thành và tôi mỗi người một hộp thuốc lá nhỏ, loại mười điếu, với bao diêm quẹt, rồi đi đến ngồi chung bàn với hai người địa phương.


Thành mở hộp thuốc lá:


- Ông ấy bảo, mình chờ thức ăn một chút.


Ít phút sau, người trong quán mang đến bàn hai tách trà sữa. Khói quyện hương thơm của trà thật quyến rũ. Đói, khát, thèm nhớ món ăn thức uống lắm. Hơi thuốc đầu tiên trong ngày hoà cùng hương vị của tách trà sữa béo ngọt lúc này, thật đê mê.


Hút chưa hết điếu thuốc, thức ăn đã mang đến. Bốn con cá dẹp nhỏ, khiêm tốn bên trên dĩa cơm. Đang đói, thấy thức ăn bụng dạ cồn cào ngay. Cá biển ướp mặn mặn hấp nóng, với cơm trắng. Bữa cơm thanh đạm, ngon không thể ghi lại bằng ngôn từ.


Đây là bữa ăn đầu tiên trên đất nước Tự Do.


Tôi biết chắc chắn rằng, sau này, cho dù tôi có may mắn được ăn được uống bất kỳ món ngon vật lạ nào, cao lương mỹ vị danh tiếng đến đâu đi nữa, cũng không bao giờ sánh bằng, ngon bằng tách trà sữa này, ngon như từng hạt cơm, từng miếng cá của ngày hôm nay. Tôi thấy mình quá may mắn, chợt chạnh lòng khi nhớ đến những người đi chung tàu, không biết sống chết trôi dạt nơi đâu.


Sau bữa cơm, chúng tôi đi tiếp đến trụ sở cảnh sát.


Ngoài nhân viên cảnh sát, còn có vài người thuộc đài BBC đến lấy tin. Cành sát cho chúng tôi biết, chiếc 3392 bị tấn công và chìm khi còn cách Terengganu khoảng hai mươi cây số. Chúng tôi được vớt ở một nơi gần đảo Telipok, cách chỗ tàu chìm khoảng mười lăm cây số.


Sau thủ tục ngắn ở trụ sở cảnh sát, xe cứu thương đến, Thành và tôi được đưa đến bệnh viện để khám và săn sóc các vết thương trên người.


Bệnh viện thật sang đẹp và yên tĩnh.


Thành và tôi là hai người sau cùng được vớt lên và đưa vào đây.


Khi ra đi, bảy mươi ba “thuyền nhân” ngồi san sát nhau trong lòng tàu. Ở đây, chúng tôi gặp nhau, đếm lại chỉ còn mười sáu người. Chúng tôi gom lại gần nhau. Người nằm, kẻ ngồi, thỉnh thoảng mới có một vài câu thăm hỏi khe khẽ. Nén hương lòng đang hồi tưởng về thân quyến đã nằm sâu trong lòng đại dương. Xót thương còn đọng đầy trong khoé mắt. Thấy còn gặp nhau mừng còn được gặp nhau, không ai muốn hỏi hay nhắc gì đến những người đã khuất mặt.


Không gian lặng buồn, nặng nề trôi qua.


Vũ cùng gia đình hầu như đều thoát nạn. Duy bị vết dao trên trán, với cái đầu băng vải trắng, trông như vành khăn tang. Anh Hai của Vũ mất hai đứa con trai. Hai đứa con của anh Ba, Hiền và Hiếu, đã chìm trong đại dương.


Tôi đến chào thầy Sơn. Thấy tôi nhìn cái sa-rong thầy đang mặt, thầy kể cho tôi nghe:

- Tụi nó lôi thầy lên tàu. Ghê tởm lắm em. Chúng nó đánh đập bà con mình, hãm hiếp phụ nữ và những bé gái ngay trên sàn tàu. Người mẹ ôm con vướng víu nó, nó kéo giật đứa nhỏ ra quăng ngay xuống biển. Thằng Thái Lan nó lột đồng hồ xong, bắt thầy hả miệng rọi đèn nhìn kiếm, chắc xem có còn dấu vàng hay có răng vàng không. Rồi nó ráng vuột chiếc nhẫn cưới của thầy ra, làm không được. Thầy thấy nó quay ngang lấy cây dao, Thầy nghỉ chắc nó định chặt ngón tay để lấy chiếc nhẫn, hoảng quá thầy nhào đại xuống biển. Thà chết dưới biển cho xong, khiếp lắm em ạ! Thằng Thái Lan nó phóng theo thầy. Nó nắm kéo được cái quần của thầy. May sao, vùng vẫy một lúc thì cái quần bị tuột ra, cũng nhờ vậy thầy bơi thoát. Tới chừng mấy người đánh cá Mã Lai vớt thầy lên, thấy vậy, họ đưa cho thầy cái sa-rong này đây.


Thầy ngồi đơn độc bên góc giường với chúng tôi, giọng chậm buồn kể lại chuyện. Không thấy hai đưa con của thầy, tôi lặng người không dám thăm hỏi thầy thêm.


Đồng bào tôi đã dùng máu và nước mắt của chính mình để ghi lại chuyện vượt thoát tìm Tự Do. Biết bao nhiêu những cảnh ngộ  thương tâm đã chưa bao giờ còn dịp kể lại, đã chôn vùi trong đáy biển hay rừng sâu!!!


“Tự do ôi tự do - tôi trả bằng nước mắt

Tự do hỡi tự do - anh trao bằng máu xương

Tự do ơi tự do - em đổi bằng thân xác

Vì hai chữ tự do - ta mang đời lưu vong

Tôi nép thân trên mảnh thuyền mong manh sương gió

Như một người tìm đường về nơi đáy mồ

Tôi bước đi vì không muốn làm kẻ tội đồ

Vì tôi muốn lại kiếp con người

Muốn cuộc đời còn có những nụ cười”


Chiều tối, mười sáu người chúng tôi đến Pulau Bidong.


Vâng!

“Vì hai chữ Tự Do”


Tôi vẫn còn nước mắt khi ghi lại những dòng chữ này!
 

 


CSVSQ Bùi Đức Tính