Friday, July 31, 2020

Niềm Vui Mỗi Ngày - Trầm Vân

Con Ruồi - Nguyễn Nhật Ánh


Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu, vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!

Tôi ốm. Ðiều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khỏe mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, “đẹp” kinh khủng!
Thế là mọi chuyện bắt đầu.

Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tôi đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không, thì cứ gọi là thức trắng đêm.

Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.
Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:
– Sao vậy anh?
Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:
– Có người chết trôi kia kìa!
Vợ tôi cầm ly sữa lên:
– Chết rồi! ở đâu ra vậy cà?

– Còn ở đâu ra nữa? Ố! Tôi nhấm nhẳng: Ố! Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à?

Vợ tôi nhăn mặt:

– Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!
– Hứ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết?
Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:
– Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.
Tôi vẫn chưa nguôi giận:
– Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi.
Vợ tôi trố mắt:
– Nó còn trong ly kia mà!
– Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.
– Anh thấy, sao anh còn uống?
– Ai mà thấy!
– Không thấy sao anh biết có hai con?
Tôi tặc lưỡi:
– Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.
Vợ tôi bán tín bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:
– Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Ðể em…
Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:
– Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?
Vợ tôi giật mình:
– Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?
– Chứ không phải sao?
– Không phải!
A, còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:
– Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?
– Thì có làm phải có sai sót chứ! Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em?
– Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà…
Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:
– Em đâu có nói vậy!
– Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!
Vợ tôi nhún vai:
– Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy? Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy tủ ra mới lấy được đồ đạc?
Tôi khoát tay:
– Nhưng đó là chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy ngàn bạc cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?
– Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi bóng đá bị mất xe đạp? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị lột mất đồng hồ?

Cứ như thế, như có ma quỷ xui khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm từng từng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới lớp bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt radio đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya, v.v…và v.v… chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.

Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật chẳng thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:
– Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa. Tôi ngán tới tận cổ rồi!
Vợ tôi lạnh lùng:
– Tùy anh!
Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:
– Ðược rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ.
Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoáng trên giấy với tốc độ 100 km/giờ. Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.

Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được?
Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.
– Cô định làm gì đấy?
– Ðem đổ đi chứ làm gì?
– Không được, để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ.
Ðặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hùng hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.

Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.

Nguyễn Nhật Ánh

Tiếu Lâm: Thơ Tình Địa Danh Sài Gòn Các Ông Các Bà


Chuyện rằng từ thuở xa xưa
Ông bà ta đã dây dưa ái tình
Bởi thế nên tục truyền rằng:
Ông Lãnh, Ông Tạ, Ông Đồn
Ba người bạn thiết sớm hôm một nhà
Ông Lãnh bản chất thiệt thà


Thầm yêu nét đẹp mặn mà Bà Đen
Nhưng nào ông dám bon chen 
Sáng đêm chong đèn nhung nhớ thiết tha
Ông Đồn bản tánh nguyệt hoa
Chờ Ông Lãnh kẹt, cà rà Bà Đen

Núi Bà Đen

Hai người xả láng một phen 
Sinh ra bé gái đặt tên Thị Nghè
Ông Lãnh nghe nói, thuê ghe
Đi thăm cho biết Thị Nghè ra sao

Cầu Thị Nghè

Ngó gần nó cũng bảnh bao
Nhìn xa nó cũng hao hao Ông Đồn
Bà Đen từ dạo sinh con
Vốn đã đen sẵn nay còn hơn xưa
Ông Đồn nhìn vợ hết ưa
Bỏ lên Long Khánh say sưa miệt mài
Bà Đen ngẫm nghĩ chán thay
Cũng đi lên núi đêm ngày thở than
Thương cho đứa cháu lầm than
Ông Lãnh hào hiệp cưu mang đem về
Buồn cho cuộc sống ê chề
Một già một trẻ bốn bề cô đơn
Ông bèn thẳng xuống Hóc Môn
Cưới luôn Bà Điểm để chôn cuộc đời

Chợ Bà Điểm

Qua bao vật đổi sao dời
Bà Đen ở vậy cho vơi nỗi lòng
Chỉ còn Ông Tạ lông bông
Bạn bè lấy vợ nên chồng đã lâu
Cô Giang sắp sửa ăn trầu
Cô Bắc cũng đã từ lâu theo chồng
Ông bèn đi xuống Cầu Bông
Hỏi thăm Bà Chiểu có chồng hay chưa
Bà Chiểu nghe nói bèn thưa:
“Chỉ còn Bà Quẹo là chưa có chồng
Bà Điểm tay bế tay bồng”
Buồn tình, Ông Tạ phải lòng Bà Hom
Ông bèn bao cuốc xe ôm

Lăng Cha Cả

Về lăng Cha Cả lo hôn lễ liền
Phụ rể có cậu Bảy Hiền
Nữ trang Chú Hỏa bạc tiền thiếu đâu
Bà Hạc thì làm phụ dâu
Chú Ía bưng quả, buồng cau, khay trầu
Bà Hom tròn mối duyên đầu
Thương cho Bà Quẹo âu sầu đắng cay
Ế chồng mấy chục năm nay
Chỉ vì cái tội thích hay làm tàng
Buồn cho nghiệp chướng bẽ bàng
Bà đành an phận chẳng màng hơn thua
Mặc cho thế sự ganh đua
Bà liền xuống tóc vô chùa Bà Đanh
Bỏ ngoài tai việc chúng sanh
Cam đành vui thú tu hành điền viên

Cầu Ông Chừ

Buồn nhất là ở Phú Yên
"Ông Chừ" hổng có tình duyên mặn mà
Tự trách số phận “con gà” (mắc dây thun)
Ông qua Cam Bốt cưới “Bà La Môn”
Tuổi em thì cũng sồn sồn
“Vệ Sa” “Sát Đế” một bồ Hindu
Ngẩn ngơ vào một chiều thu
Ông ra Thiên Mụ khấu đầu đi tu

Không rõ tác giả

Sài Gòn Thức Ngủ Đủ Chưa - Đỗ Công Luận

Thưa quý ACE,
Từ hình ảnh của người bạn cách xa nửa vòng trái đất đưa lên FB, để nhớ về Sài Gòn xưa. Ký ức đó chỉ còn là hoài niệm, được lưu giữ trên Google. Xin có bài thơ cảm tác...
ĐCL





Thursday, July 30, 2020

Những Kỷ Niệm Đầu Tiên Về Miền Nam Tự Do - Vũ Linh Huy


Lời Nói Đầu: Năm 2004, nhân kỷ niêm 50 Năm Di Cư, tôi có viết bài “Nhớ Cù Lao Giêng” để ghi lại những kỷ niệm đầu tiên của tôi khi mới đăt chân vào Nam. Thấm thoát thoi đưa, nay đã sắp 66 năm kể từ ngày di cư, tôi xin viết lại những kỷ niệm ấy và bổ túc thêm một số chi tiết khác để tỏ lòng tri ân Miền Nam Tự Do nói chung và Cù Lao Giêng nói riêng. VLH

Tôi rời Miền Bắc lúc mới bảy tuổi, theo gia đình di cư vào Nam lánh nạn cộng sản và Miền Nam đã mở rộng cửa đón tiếp chúng tôi. Chính Miền Nam đã cho tôi một cuộc sống thanh bình, tự do, no ấm và cơ hội học hành, xây dựng tương lai. Đối với một người Miền Bắc như tôi thì Miền Nam là Miền Đất Hứa, đầy sữa thơm và mật ngọt. Tuy nhiên, để có được mảnh đất trù phú đó, bao thế hệ đồng bào Miền Nam từ mấy thế kỷ trước đã đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt, có khi phải hy sinh cả mạng sống, để đánh đuổi ngoại xâm, mở mang bờ cõi, phá rừng, lập rẫy, đánh cọp, chém rắn, vật lộn với thiên nhiên, đào kinh, đắp đường, trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề… Rồi chúng tôi đến để hưởng thành quả lao động của các thế hệ đó.

Ngày nay, ngồi nghĩ lại, tôi thấy thấm thía ơn nghĩa của Miền Nam. Quả thực, nếu không có Miền Nam thì giờ đây, tôi, hoặc đã an phận làm một nông dân chân lấm tay bùn, xã viên một hợp tác xã nông nghiệp nghèo nàn nơi đất Bắc, sống suốt mấy chục năm dưới sự “lãnh đạo” của bè lũ cộng sản vừa bạo tàn vừa ngu dốt, hoặc tệ hơn nữa thì đã bỏ Đạo, chối Chúa, bon chen “phấn đấu” vào đoàn, vào đảng để rồi trở thành một tên cán bộ cộng sản khoác lác, khôn vặt, láu cá, “nói dối như Vẹm”. Xin cám ơn Miền Nam, cám ơn bà con Miền Nam ruột thịt. Trong tâm tình đó, tôi xin ghi lại ít dòng về những kỷ niệm đầu tiên của tôi khi mới đặt chân đến Miền Nam.

Năm 1954, khi theo làn sóng người tỵ nạn bỏ nơi chôn rau, cắt rốn, nhà cửa, cơ nghiệp, bơ vơ vào Nam tìm tự do, gia đình chúng tôi lưu lạc tới Cù Lao Giêng, một giải đất nằm giữa dòng sông Tiền. Và một gia đình Miền Nam đã mở rộng cửa cho chúng tôi vào nương náu. Đó là gia đình Bác Năm Đầy, Nguyễn văn Đầy. Bác Năm hơn bố tôi chừng ba, bốn tuổi, nghĩa là lúc đó bác mới chừng bốn hai, bốn ba, nhưng trông bác đã già lắm rồi, có lẽ vì cuộc sống nghèo nàn, cơ cực. Bác Năm tôi có hai đời vợ. Bác gái trước sinh được một người con trai là anh Hai Liêm rồi qua đời. Bác trai tục huyền và có thêm bốn người con trai nữa là Rớt, Lượm, Cất, Đi. Rớt và Lượm thì hơn tuổi tôi. Cất có lẽ cùng tuổi với tôi. Còn Đi thì kém tôi vài ba tuổi gì đó. Gia đình chúng tôi sống tại Cù Lao Giêng chỉ độ một năm rồi dời về Thủ Đức, nhưng những kỷ niệm về Cù Lao Giêng thì rất sâu đậm trong tôi.

Trước hết, tôi không bao giờ quên tình nghĩa hai Bác Năm dành cho gia đình tôi, xử với chúng tôi như người ruột thịt, thật thà, đầy đặn, không khách sáo chút nào. Chỉ ít tháng sau khi chúng tôi về Thủ Đức thì Bác Năm gái lại khăn gói lên thăm, mang theo món quà quý và đầy tình nghĩa là mớ cua đồng và ốc bươu đựng đầy một bao bố. Rồi anh Tư Lượm khi lớn lên, xin được việc làm ngoài Vũng Tàu, vẫn ghé thăm chúng tôi luôn. Anh kể lể: “Tía con dặn hễ lên Saigon là phải ghé thăm Bác Tư, nếu không, về ổng uýnh chớt!”.

Sau gần ba mươi năm bặt tin, tôi bắt liên lạc lại với gia đình Bác Năm khoảng năm 2000, qua một bệnh nhân gốc Cù Lao Giêng. Hai Bác Năm tôi đều đã qua đời. Anh Hai Liêm cũng đã chết vì bệnh gì tôi không rõ. Anh Ba Rớt thì chết vì lao phổi. Anh Tư Lượm và Út Đi đã đi Vũng Tàu lập nghiệp. Chỉ còn Năm Cất tiếp tục sống ở xóm Đạo Cù Lao Giêng với chín đứa con và một đứa cháu ngoại, rất nghèo nàn, cơ cực, sống bằng nghề bắt nhái, không có ruộng vườn gì cả.

Giáo dân Họ Cù Lao Giêng, nhất là lối xóm của Bác Năm, cũng tiếp đón và chấp nhận chúng tôi với đầy tình thân ái ngay từ ngày đầu nên chúng tôi, đăc biệt là lũ trẻ ham chơi vô tư lự như anh chị em tôi, hoà nhịp rất nhanh vào cuộc sống mới nơi “đất khách quê người” (lúc đó bố mẹ tôi vẫn không tin đất nước sẽ bị chia cắt lâu dài, vẫn mong ngày trở về “quê cha, đất tổ” càng sớm càng tốt). Người Cù Lao Giêng rất hào hiệp, quảng đại. Vườn cây ăn trái không bao giờ rào. Đã thế, trái còn trên cây là của chủ, nhưng hễ rụng xuống đất thì ai “xí” được người đó lấy mà chủ nhân không phàn nàn chi cả. Những ngày gió to, trẻ con nhà nghèo và lũ nhóc “Bắc Kỳ” chúng tôi đổ xô ra các vườn xoài lượm xoài rụng, có khi mỗi đứa được cả chục trái. Lạ lùng nhất là đôi khi chủ vườn và con cái họ cũng chạy đua với chúng tôi để nhặt xoài rụng, rất đề huề, bình đẳng. Còn việc thợ gặt cắt lúa cố tình bỏ sót thật nhiều hoặc ôm lúa giả bộ làm vương vãi cho trẻ con Bắc Kỳ đi mót lượm về là chuyện rất thường. Bởi vậy, mùa gặt đó, nhà tôi cũng có một vài giạ lúa để ăn dù chưa cày cấy gì. Người Cù Lao Giêng lại rất thật thà, ngay thẳng. Lúc ấy, ngày nào chúng tôi cũng đi tắm sông; đồng hồ và dây chuyền cởi ra móc trên cành me, cành mận, ra về quên đeo vào, bữa sau trở ra tìm vẫn thấy còn y nguyên. Đôi khi có người thấy chúng tôi tìm quanh quất, bèn dắt lại chỉ ngay vào món đồ chúng tôi đang tìm. Người Cù Lao Giêng cũng không khách sáo. Vào thời điểm đó, nếu bạn tới nhà một người Bắc, vô tình nhằm lúc họ đang ăn cơm, thì họ thường nói: “Mời ông xơi cơm!” nhưng xin bạn chớ nhận lời vào ăn. Trái lại, bạn chỉ nên cám ơn họ và xin ngồi chờ ngoài phòng khách mà thôi.

Một bữa kia, lúc gia đình chúng tôi đã dựng được một căn nhà lá và đã dọn ra khỏi nhà Bác Năm, khi chúng tôi vừa khởi sự ăn cơm thì Cụ Trùm Xưa ghé thăm. Cụ là người đã cho bố mẹ tôi miếng đất để cất nhà. Tuổi cụ lúc đó chắc đã sáu mươi mấy hoặc bảy mươi. Cụ có người con trai cả làm linh mục nhưng lối xóm không ai gọi cụ là “Ông Cố” như người công giáo miền Bắc. Trái lại họ gọi cụ là Ông Câu Xưa vì cụ từng là câu nhất của Họ Cù Lao Giêng. Tuy nhiên bố mẹ tôi cảm thấy ngượng miệng khi gọi cụ là ông câu vì “câu” trong ngôn ngữ vùng chúng tôi là tiếng gọi ông từ nhà thờ hoặc ông bõ, tức là người để cha xứ và quan viên, quý chức sai vặt. Thay vào đó, chúng tôi gọi cụ là ông trùm. Khi nghe bố tôi giải thích về cách xưng hô đó, cụ bằng lòng ngay. Tuy mới quen biết nhau có mấy tháng nhưng ông trùm đã trở nên rất thân thiết với gia đình chúng tôi. Ông gọi bố tôi là “thằng Tư” và mẹ tôi là “con vợ thằng Tư”, trong khi các con ông, kể cả vị linh mục thì gọi bố mẹ tôi là Anh Tư, Chị Tư.

Hôm đó vừa thấy cụ bước vào, cả nhà chúng tôi đều buông đũa và đồng thanh lễ phép: “Mời ông xơi cơm” theo đúng phép lịch sự Miền Bắc. Chẳng dè ông vui vẻ ngồi vào bàn ngay và hỏi: “Chén đũa của tao đâu bay?” Chúng tôi sững sờ đến mấy mươi giây rồi mới cuống quýt đi lấy bát xới cơm và lấy đũa cho ông. Ông ăn vui vẻ, thật thà, tới hai, ba chén. Chúng tôi học được một bài học quý giá, chuẩn bị sẵn sàng để thực hành trong tương lai. Ít bữa sau, ông lại qua chơi, cũng nhằm ngay bữa cơm. Chúng tôi lại đồng thanh: “Mời ông xơi cơm!” và chuẩn bị chén, đũa. Ai dè ông nói: “Hổng thèm, tao ăn rồi, bay ăn đi!” Chúng tôi chưng hửng. Mọi người bụng bảo dạ: chắc tại lần trước mình mời mà không sẵn sàng chén đũa nên ông nghĩ ngợi và buồn, nên lần này ông mới không ăn. Nhưng không phải vậy. Ông ngồi chơi tự nhiên, thoải mái, bỏ thuốc rê ra vấn rồi hút, chờ chúng tôi ăn cơm xong. Khi bố mẹ tôi ra tiếp ông, ông vui vẻ chuyện trò và ăn bánh, uống trà do chúng tôi bưng ra mời. Chúng tôi thở phào, nhẹ nhõm.

Nhân đây tôi cũng viết thêm về sự khác biệt khá rõ ràng trong cách đối xử với hàng giáo sĩ của giáo dân Miền Bắc và Miền Nam. Ở Miền Bắc, khi một người đàn ông được phong chức linh mục thì cha mẹ của ông ấy được mọi người gọi một cách kính trọng là “ông cố, bà cố.” Anh ruột của linh mục được gọi là “quan bác.” Em ruột của linh mục được gọi là “quan chú.” Mọi nguời trong gia đình, kể cả cha mẹ ruột của linh mục đều gọi linh mục bằng “cha” trong xưng hô hằng ngày. Giáo dân, bất kể tuổi tác, khi gặp linh mục thì thường phải nói: “Con xin phép lạy cha.” Nếu chỉ nói đơn giản: “Chào cha” thì sẽ bị coi là “vô phép.” Trường hợp của vị linh mục con trai của cụ Trùm Xưa thì hoàn toàn không giống như thế. Cụ vẫn gọi vị linh mục là “Hai” khi cha con nói chuyện với nhau. Em ruột và em bà con vẫn thân tình gọi ông ấy là Anh Hai hoặc ngắn gọn là “Hai.” Vị linh mục làm việc ở đâu tôi không rõ, nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm nhà. Một bữa kia cụ trùm tới nhà tôi và nói với bố mẹ tôi: “Anh Hai bay về rồi đó, vợ chồng thằng Tư và xấp nhỏ có muốn xưng tội thì vô mà xưng.” Tôi thấy rõ nét ngạc nhiên trên mặt bố mẹ tôi. Khi chúng tôi tới nơi thì đã có mấy người lối xóm đến trước và đã có người đang xưng tội với cha. Cha ngồi sau một cái cánh gà và người xưng tội thì quỳ gối ở phía trước… Vị linh mục này thật hiền hậu, bình dân, sống chan hoà với xóm làng…

Sau này khi về Thủ Đức, tôi lại thấy rõ sự khác biệt Nam, Bắc trong cách đối xử với một vị giám mục. Lúc đó các giáo xứ Bắc di cư chưa được “địa phương hoá” nên vẫn còn thuộc quyền của giám mục địa phận gốc ngoài Bắc. Xứ đạo tôi thuộc địa phận Bùi Chu. Một bữa kia Đức Giám Mục Phê-rô Ma-ri-a Phạm Ngọc Chi, giám mục Bùi Chu (đã di cư vào Nam) tới viếng thăm một tu viện di cư gốc Bùi Chu. Cha xứ chúng tôi là tu sĩ của dòng này, nên cha tổ chức cho toàn thể giáo dân, già trẻ, lớn bé, mang cờ xí, chiêng trống, xếp hàng hai bên đường, dài tới nửa cây số để nghênh đón đức cha. Đức cha xuống xe và được rước long trọng tới tận cửa nhà dòng, nơi các cha, các thày mặc lễ phục, tay cầm nến, đồng thanh hát “Benedictus qui veni in nomine Domini”(chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến) để đón đức cha vào bên trong tu viện. Còn giáo dân thì giải tán, ai về nhà nấy. Sau ngày “địa phương hoá”, xứ tôi thuộc địa phận Sài gòn. Khi Đức Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, giám mục Sài gòn về ban Phép Thêm Sức cho thiếu nhi xứ tôi, chúng tôi lại cờ quạt, chiêng trống xếp hàng đi đón đức cha. Đức cha tới thì cha xứ ra hiệu cho xe ngừng lại và mời đức cha xuống xe để được rước vào nhà thờ. Chẳng dè đức cha nói: “Cha làm cái gì kỳ cục vậy?” và tiếp tục ngồi yên trong xe cho tài xế chở thẳng tới cửa nhà thờ. Mọi người “tẽn tò,” tan hàng, lục tục kéo nhau vào thánh đường. Tôi đoán rằng đó là lần đầu tiên đức cha đi ban Phép Thêm sức tại một họ đạo Bắc di cư nên mới ngỡ ngàng trước cảnh tiếp đón long trọng, “rình rang” mà ngài chưa từng thấy khi thăm các họ đạo Miền Nam trước đó…

Tuy nhiên, càng ngày thì cách cư xử, đón tiếp linh mục, giám mục theo kiểu Miền Bắc càng thịnh hành và thêm rình rang hơn nữa, cho đến ngày Miền Nam mất vào tay cộng sản. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các giám mục vẫn tiếp tục đi thăm các họ đạo, ban Phép Thêm Sức, nhưng đến và đi một cách thật đơn sơ, âm thầm, nặng tính chất thánh thiêng mà thôi. Từ khi cộng sản cởi mở hơn vào cuối thập niên 1980 thì các hình thức tiếp rước long trọng lại được thực hành như xưa hoặc hơn xưa, đặc biệt là có tàn, lọng như đón vua quan thời quân chủ.

Đồng ruộng Cù Lao Giêng bao la, bát ngát, thẳng cánh cò bay. Sau khi ổn định chỗ ở trong ngôi nhà sàn của Bác Năm, tôi theo các con bác ra ruộng chơi. Lạ lùng thay, trên khắp cánh đồng, không biết rau muống ai trồng mà xanh tốt quá sức, đầy ngọn non vươn dài, đụng tới là gẫy đánh tách, dòn tan. Rau mọc xen kẽ với lúa. Còn cua và ốc thì nhiều vô số kể, ngó đâu cũng thấy chúng bò tràn lan. Sông nước Cù Lao Giêng đầy tôm cá, không ai ăn cua và ốc, còn rau muống thì chưa được người Miền Nam coi là rau vào thời điểm đó. Tuy nhiên đối với người Bắc di cư thì đó là ba món ăn khoái khẩu. Thế là chúng tôi hái rau muống về luộc, xào, chẻ quăn ăn ghém hoặc xắt nhỏ nấu canh. Còn ốc bươu thì lần đầu tiên trong đời chúng tôi xài sang chỉ ăn phần thân cứng và vứt bỏ phần ruột mềm phía dưới. Ốc bươu luộc với lá chanh, chấm nước mắm tỏi là ngon tuyệt trần. Đó là chưa kể ốc nấu chuối xanh hoặc bún ốc. Cua thi bắt về, lột vỏ, giã nát, chắt lấy nước thịt, nấu riêu, ngon ngọt không chê vào đâu được. Bún riêu ăn với rau muống chẻ quăn trộn rau kinh giới ăn không biết no. Dù sao, món canh cua ngon nhất phải là canh cua rau đay. Nhưng Cù Lao Giêng không có rau đay, chỉ có mấy cánh đồng trồng cây bố (ngoài Bắc gọi là đay gai) là loại cây có họ rất gần với rau đay nhưng trồng để lấy sợi đan bao bố (tiếng Bắc là bao gai) đựng gạo. Người Bắc thèm canh cua rau đay quá bèn xin chủ ruộng cho hái ít ngọn cây bố về nấu canh. Rau bố hơi đắng nhưng vẫn có mùi vị rau đay, lại nhờ có nhiều riêu cua bù vào nên nồi canh vẫn ngon ngọt như canh rau đay “chính gốc Bắc Kỳ”. Lúc đó, bà con Miền Nam bảo nhau: “Mấy ‘người Bắc’ ăn uống thiệt khác với ‘người Việt’ mình, ăn cua, ăn ốc, ăn rau muống, bây giờ lại ăn cả đọt bố!”

Đó là món ăn Bắc Kỳ giữa lòng Miền Nam. Còn món ăn thuần tuý Miền Nam thì tôi nhớ nhất là món cá lóc nướng trui. Sau khi gặt hái xong thì cũng là mùa khô cạn. Nước vốn ngập mênh mông cả cánh đồng bát ngát, giờ thu lại thành những cái đìa lúc nhúc đầy tôm cá, nhất là cá lóc. Có những cái đìa lớn khi tát cạn có thể thu hoạch hàng mấy tạ cá. Người ta chọn những con cá lóc thật to, mỗi con vài kí lô, thọc một cái que vào họng chúng, cắm que xuống đất rồi trùm rơm lên và đốt. Lửa tàn là cá chín, người ta lột vỏ cháy bên ngoài, lấy thịt cá trộn với rau sống, rau thơm, cuốn bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt, ăn không biết chán.

Tuy là dòng dõi của những người Việt tiên phong, mạo hiểm nam tiến, phá rừng, bạt núi, đánh cọp, chém rắn để sinh cơ lập nghiệp nơi những vùng đất hoàn toàn xa lạ, người Cù Lao Giêng vẫn tỏ lòng kính nể các thế lực thiên nhiên, kể cả các thú rừng lớn như cọp, voi. Họ gọi cọp là Ông Ba Mươi và voi là Ông Tượng, với giọng nghiêm chỉnh chứ không có tính cách diễu cợt như ta thường thấy trên báo chí, sách vở. Tuy theo đạo Công Giáo, nhiều người Cù Lao Giêng vẫn kiêng sợ các cây to, rậm rạp vì tin rằng nơi đó có ma quỷ ẩn nấp, ngự trị. Một bữa kia, Cụ Trùm Xưa lật đật đi về phía nhà tôi, lớn tiếng gọi mẹ tôi từ đàng xa: “Con vợ thằng Tư đâu rồi?” Mẹ tôi chạy ra chào ông thì ông chỉ tay về phía con đường lớn dẫn ra đồng ruộng và nói: “Mày ra ngay ngoài đó kêu thằng Tư về kẻo con quỷ một giò vặn cổ nó bây giờ!” Mẹ con tôi đi theo hướng ông chỉ thì thấy bố tôi đang hì hục cắt dọn một cành cây gáo khá lớn bị gió đánh gãy trong đêm trước. Nó nằm chắn ngang con đường nhưng không ai dám dọn vì sợ con quỷ một giò. Thậm chí xe trâu đi qua đó cũng phải quành xuống ruộng để tránh cành gáo. Bố tôi thì không tin dị đoan như vậy nên sẵn lòng dọn cành gáo gãy cho dân làng ra ruộng thong thả. Dĩ nhiên không có con quỷ nào vặn cổ bố tôi hết.

Có một tục lệ ngày Tết tôi thấy lần đầu tiên ở Cù Lao Giêng, chứ không thấy ở làng tôi ngoài Bắc. Đó là việc con cháu quỳ lạy ông bà, cha mẹ ngày Mùng Một Tết để chúc tuổi. Mọi người hẳn lấy việc này làm quan trọng lắm. Bằng cớ là hôm đó, khi bố mẹ tôi dẫn chúng tôi tới thăm để chúc tết Hai Bác Năm thì thấy anh Hai Liêm đi ra, mặt mày buồn bã, dường như anh đang khóc. Anh kể cho bố tôi hay rằng vì anh có nói điều gì đó làm phiền lòng Bác Năm Gái nên bữa nay Mùng Một Tết Bác Năm Trai cấm không cho anh lạy hai bác. Bố tôi bảo anh đi theo trở lại nhà Bác Năm. Sau khi chúc tuổi hai bác, bố tôi xin hai bác tha lỗi cho anh Hai Liêm và cho anh lạy nhưng Bác Trai không chịu. Bố tôi năn nỉ mãi và anh Hai Liêm cũng khóc lóc xin tha tội một hồi thì Bác Trai mới nguôi giận, ngồi xuống ghế để cho anh lạy chúc tuổi.

Tuy cùng là người Việt Nam nhưng ngôn ngữ Nam, Bắc cũng có lắm bất đồng. Có những bất đồng vô thưởng, vô phạt như người Bắc nói “gọi”, người Nam nói “kêu”.

Bắc nói “ngô”, Nam nói “bắp”.
Bắc “gầy”, Nam “ốm”.
Bắc “ốm”, Nam “bịnh” v.v.

Nhưng cũng có những bất đồng gây hiểu lầm. Em Liên tôi lúc đó được hai tuổi, bụ bẫm, xinh xắn, nói chuyện bi bô. Một bà hàng xóm Miền Nam trầm trồ: “Con nhỏ ngộ quá!” Mẹ tôi xụ mặt vì “ngộ” trong ngôn ngữ của chúng tôi gần đồng nghĩa với điên hay ít nhất cũng dở người, như trong câu: “Học quá hoá ngộ” nói về những người học giỏi rồi sau bị điên loạn hoặc tâm lý bất bình thường. Còn lá mơ, thứ rau thơm không thể thiếu của món gỏi cá và nhiều món ăn truyền thống Bắc Kỳ thì lại bị người Miền Nam gọi là lá thúi địt. Rồi chúng tôi đi học, thày không gọi chúng tôi bằng em hay con mà gọi bằng “trò”. Lạ lùng hơn nữa là chính học sinh cũng gọi nhau bằng trò. Thí dụ: “Trò Huy, trò cho tôi mượn cục gôm một chút”. Hoặc mách thày: “Thưa thày, Trò Cúc vảy mực vào tập của em.”

Đó là những kỷ niệm vui về Cù Lao Giêng. Tôi không nhớ một kỷ niệm cá nhân nào thật buồn về Cù Lao Giêng, ngoài việc chúng tôi phải đột ngột ra đi vì có những xô xát đáng tiếc giữa một số người Bắc “chống cộng triệt để” và một số người Miền Nam bị tố cáo là cộng sản, đưa tới án mạng. Dù vậy tình cảm của chúng tôi dành cho Cù Lao Giêng và của Cù Lao Giêng dành cho chúng tôi vẫn không suy giảm.


Thật vậy, chỉ mấy tháng sau ngày 30/4/1975, trong lúc người dân Miền Nam còn đang bàng hoàng trước cảnh nước mất, nhà tan, tương lai mù mịt, thì một người đàn ông Miền Nam trạc tuổi bố tôi tìm đường đến nhà chúng tôi ở Thủ Đức. Lúc đó bố mẹ tôi và gia đình đều ở trên rẫy tại Ngã Ba Ông Đồn, Xuân Lộc, Long Khánh, chỉ có tôi và cô em gái ở lại Thủ Đức giữ nhà. Ông tự giới thiệu là người Cù Lao Giêng, ghé thăm “…để coi anh Tư có bằng an không…” vì nghe tin đồn cộng sản sẽ trả thù người Bắc di cư. Khi biết gia đình tôi bằng an và bố tôi không phải đi “học tập cải tạo” vì nghỉ hưu đã lâu, ông tươi hẳn nét mặt rồi tự động tiến đến bàn thờ thắp nến cảm tạ Chúa. Ông ở lại ăn cơm chiều với chúng tôi, tự nhiên, thật thà, vui vẻ, khiến tôi nhớ lại kỷ niệm với cụ Trùm Xưa hơn hai mươi năm về trước. Buổi tối, ông gọi chúng tôi vào đọc kinh. Ông xướng kinh rồi lần chuỗi Môi Khôi sốt sắng. Hôm đó là lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm chúng tôi được nghe lại giọng đọc kinh Lạy Nữ Vương trầm bổng, ngân nga của người Cù Lao Giêng. Sáng dậy, ông từ biệt ra đi, về lại Cù Lao Giêng … “để cho bà con hay anh Tư bằng an, mạnh giỏi…”

Bây giờ hồi tưởng lại, tôi biết nhiều người Cù Lao Giêng thật nghèo, cuộc sống thanh bạch, ăn uống đạm bạc. Tôi nhớ vào mùa khô, Bác Năm tôi ăn cơm thường chỉ có chút cá kho mặn, ít khi có chén canh. Có lần tôi thấy bác múc nước lạnh ngoài lu xối vào cơm, nuốt ào cho xong bữa. Rau thì phần lớn là để ăn sống mà thôi, ít khi luộc, xào hoặc nấu canh. Ăn cơm với mấy lát dưa hấu chấm muối cũng là chuyện thường. Còn vấn đề vệ sinh và sức khoẻ thì rất thiếu kém. Gần như không nhà nào có cầu tiêu riêng. Mọi người đều dùng các cầu tiêu bắc trên sông rạch. Rồi mọi người lại tắm trên dòng sông đó và gánh nước từ sông về dùng. Họ lại không có thói quen đun nước sôi để uống. Thực ra, có muốn nấu nước hàng ngày cũng không đủ củi mà nấu. Nghèo vậy mà người Cù Lao Giêng vẫn hào hiệp, bao dung vì bao dung, hào hiệp là bản chất của họ.

Cám ơn Cù Lao Giêng!

Và xin cám ơn toàn thể Miền Nam bằng mấy vần thơ mộc mạc sau đây:
Tạ Ơn

Tạ Ơn buổi mới gặp nhau

Vòng tay thân ái ngày đầu di cư.
Tạ Ơn những tấm lá dừa
Giúp nhau che đỡ nắng mưa thuở nào.
Tạ Ơn tiếng gọi, câu chào:
“Anh Tư”, “Chị Bảy”, ngọt ngào, thân thương.
Tạ Ơn tiếng lạ sân trường:
“Trò Huy”, “Trò Cúc” chưa từng quen tai.
Tạ Ơn lu nước nhà ai,
Gáo dừa bên cạnh, đặt ngoài dậu xanh.
Tạ Ơn trời đẹp nắng hanh,
Cơn giông bỗng tới rung cành, xoài rơi.
Lượm xoài vui lắm, ai ơi,
Chạy quanh, “xí”, chụp, mồ hôi đầm đìa.
Tạ Ơn những buổi trưa hè,
Tắm sông vùng vẫy, cành me nhảy ùm.
Tạ Ơn rau muống xanh um,
Nồi canh đọt bố phủ trùm riêu cua.
Tạ Ơn ngày mót lúa mùa,
Những người thợ gặt cố chừa nhiều bông.
Lúa thơm đeo nặng bên hông;
Nồi cơm gạo mới hương nồng bay xa.
Tạ Ơn tiếng nhạc, lời ca,
Thắm tình ruột thịt, một nhà Việt Nam.
Ơn sâu ghi khắc trong tâm:
Người Nam quảng đại, trực tâm, hiền hoà.
Dù nay muôn dặm cách xa,
Nhớ hoài “Nam Bộ” thiệt thà, dễ thương!


Sarasota, Florida, ngày 20 tháng 6 năm 2020

Vũ Linh Huy

Mưa Chiều Thứ Bảy - Đỗ Công Luận

Dầu Olive Và Chế Độ Dinh Dưỡng Địa Trung Hải - Nguyễn Thượng Chánh, DVM


Trong truyền thống Địa Trung Hải, dầu olive mang một sắc thái thiêng liêng dưới hình thức một loại dầu dâng cúng trong những lễ nghi tôn giáo. Nó là một thực phẩm trong ẩm thực, một món thuốc trong trị liệu và trong thẩm mỹ, và đồng thời cũng là một nguồn năng lượng cần thiết để thấp sáng đèn dầu trong những thế kỷ trước. 

Ngày nay, dầu olive đã được các nhà dinh dưỡng hết lòng ca tụng như là một sản phẩm rất tốt và ích lợi cho sức khỏe tim mạch. 
***
Chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải là gì?
Từ cả ngàn năm nay, dầu olive là thành phần cốt yếu trong chế độ ẩm thực của các dân tộc sống quanh vùng biển Địa Trung Hải. Chế độ ẩm thực nầy gồm có rất nhiều rau quả tươi, ngũ cốc, các loại hạt thô, cá và rượu chát đỏ. 


Các nhà dinh dưỡng nghĩ rằng nhờ ăn uống theo chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải (régime méditerranéen) mà các dân tộc phía Nam Âu Châu như Crète, Hy Lạp, Ý, Pháp và Tây Ban Nha thường ít bị các bệnh về tim mạch hơn dân Bắc Âu và dân Bắc Mỹ.

Theo định nghĩa của UNESCO, chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải không phải chỉ bao gồm có dầu olive, đậu, ngũ cốc, hạt dẻ, cá, rau quả tươi hoặc khô, sản phẩm của sữa và thịt, sauce chấm, gia vị và rượu chát đỏ mà thôi. Nó còn hàm ý cả vấn đề sản xuất, thu hoạch, biến chế, tồn trữ cùng với kinh nghiệm, tình cảm và nét văn hóa đặc thù của các dân tộc sống quanh vùng biển Địa Trung Hải trong tinh thần tôn trọng môi sinh và sinh thái nữa. 

Theo Hy Lạp, chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải không chỉ giới hạn trong vấn đề thực phẩm mà nó còn được xem như là một lối sống, một lối giao tiếp xã hội thông qua các buổi tiệc tập thể, ca hát nhảy múa vui chơi.
Phụ nữ đóng một vai trò then chốt trong việc tổ chức các lễ hội cũng như trong sự truyền bá kiến thức và bảo tồn kỹ thuật bếp núc. 
Công dụng của dầu olive
Trước hết là dùng dầu olive để trộn salade hoặc rau cải tươi.
Dầu olive có thể sử dụng như một loại thuốc thiên nhiên.
Và cũng có thể sử dụng dầu olive như một loại…mỹ phẩm.

Các danh sư thời xưa như Hippocrate, Pline, Galien Dioscoride, và Averroés đã biết dùng dầu olive trong trị liệu (như một nguyên liệu của thuốc mỡ onguent thoa ngoài da), để làm massage (lợi dụng tính làm cho nóng da và êm dịu của dầu olive) thoa bóp lực sĩ trong các cuộc tranh tài thể thao.
Lá cây olivier có tính kháng nấm, ngoài ra dầu olive rất giàu chất chống oxyt-hóa antioxydants nên giúp tái tạo mô biểu bì, bảo vệ da và đồng thời giữ cho tóc được đẹp.

Dầu olive chứa rất nhiều chất acid béo không bão hòa đơn thể (monounsaturated) là một chất béo tốt, nó cũng rất giàu về các chất chống oxyt-hóa antioxydants như vitamin E và chất polyphénol, giúp làm giảm các cholestérol xấu LDL và ngừa nghẽn mạch máu… Ngoài ra còn có oméga-9 (acides oléiques) là chất béo chánh của dầu olive cần thiết trong việc sản xuất mật và đồng thời cũng giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng hơn.

Đôi dòng về nguồn gốc cây olivier
Cây olivier đã có mặt tại vùng Trung Á (asie mineure) lối 12.000 năm trước công nguyên. Chúng tạo nên những cánh rừng hoang dại, trải dài từ Syrie đến Ai Cập và Crète.
Mãi đến 6000 năm trước Tây lịch, cây olivier mới được con người quan tâm đến... 
16 thế kỷ trước công nguyên, dân Phéniciens biết khai thác giá trị cây olivier nên họ đem trồng trên khắp vùng Địa Trung Hải.
Các cuộc khai quật khảo cổ đã tìm thấy được nhiều chứng cớ sử dụng dầu olive của người tiền sử.

Olivier là cây gì?
Video: Olive tree cultivation (cách thu hoạch và sản xuất dầu olive tại vùng Vallée Baux de Provence Pháp)
http://www.youtube.com/watch?v=ODUTo5rkyC0
Tại Âu Châu, cây olivier có tên là Olea europaea sativa. 
Phía đông Phi châu cây olivier thuộc loại Olea chrysophylla.
Nếu không được cắt tỉa thường xuyên mỗi 2 hoặc 3 năm, cây olivier thường cao đến 10 mét hay hơn nữa.
Tại các khu vườn canh tác, cây olivier dược trồng ngay hàng thẳng lối và được cắt tỉa để giữ chiều cao khoảng lối 3 mét để cho dễ hái trái.
Cắt tỉa còn nhằm mục đích để có nhiều trái (fructification), để được thoáng, để ngăn ngừa sự lan truyền bệnh tật hoặc ký sinh trùng và cũng như để tạo ra hình dáng đặc biệt. 
Các nhà chuyên môn cho biết có trên 500 giống cây olivier mọc quanh vùng Điạ Trung Hải. Olivier có thể được trồng từ hột hoặc bằng cách giâm cành.

Mùa đông giá (gel) từ -7 độ C là kẻ thù số một của cây olivier. Năm 1956, đông giá đã tàn phá hết 80% cây olivier của vùng Provence, phía Nam nước Pháp.
Tháng 9/2011 vừa qua, vợ chồng người gõ có dịp viếng vùng Địa Trung Hải, Côte d’Azur và Ý nên nhận thấy cây olivier khắp nơi, trên núi, trong làng mạc, trong sân nhà, trong vườn,ven rừng, trong thành phố, thậm chí thấy họ bán cây olivier con chiếc cành nho nhỏ và đầy trái. Cây cao không quá 35 - 40 cm, rất dễ thương như một loại bonsai để chưng trong nhà. Giá 30 Euros một chậu.
Trái olivier có màu xanh khi còn non và đen khi trái già và chín.Tuy nhiên cũng có loại, trái khi già chỉ có màu đỏ bầm mà thôi.

Trái đươc hái bằng tay hoặc bằng máy.
Video: The olive harvest in Italy (hái trái olive tại Ý)
http://www.guardian.co.uk/lifeandstyle/video/2010/dec/23/food-olive-oil-harvest
Dầu olive thu hút khách du lịch
- Tây Ban Nha: vùng Catalogne và Andalousie;
- Ý: vùng Toscane, Ligurie, Ombrie, Sicile, Sardaigne;
- Hy Lạp: vùng Péloponnèse và các đảo thuộc Hy Lạp;
- Pháp: vùng Provence nằm ở phía Nam nước Pháp.

Các quốc gia nổi tiếng trong việc sản xuất dầu olive
*/ Tây Ban Nha: dẫn đầu với 2 triệu mẩu tây canh tác cây olivier. Dầu ngoại hạng được sản xuất tại Catalogne và Andalousie… Những quy định gắt gao được áp đặt ra để bảo vệ giá trị và phẩm chất của dầu olive được gọi là AOC hay Appéllation d’origine controlée (kiểm tra nguồn gốc xuất xứ)... Chẳng hạn như các thương hiệu Baena, Priego de Cordoba, Sierra Magina và Sierra Segura nằm trong vùng Cordone và Jaén…Các giống được trồng là: Arbequina, Cornicabra, Empedre, Lechin, Picual, hojiblanca.

*/ Bồ Đào Nha: 300.000 mẩu. Từ vùng Douro tới vùng Algarve bát ngát cây olivier trồng ngay hàng thẳng lối…Portugal và Maroc là hai quốc gia phía Đông Đại Tây Dương sản xuất dầu olive.

*/ Ý Đại Lợi: mỗi vùng đều có nét đặc thù riêng biệt, như hai vùng phía nam Pouille và Sicile cho loại dầu olive đượm hương vị trái cây (fruité),vùng Vénétré vả Ligurie cho một loại dầu thơm diệu hơn, vùng Toscane và Latium cho ra dầu olive với hương vị quân bình hơn…Các giống được trồng là: Caratina, Frantoio, Leccino, Moraiolo…Dầu olive đượm nét quyền quý tại Ý, nhưng lại bình dân hơn tại Hy lạp và Thổ Nhỉ Kỳ.

*/ Hy Lạp: đứng hàng thứ 5 về sản xuất dầu olive với diện tích 690.000 mẩu olivier…Đa số dầu sản xuất được xuất cảng, đặc biệt là sang Ý…Các giống olivier được trồng là: Glycolia, Lianolia, Liastra, Mélolia, Stiftolia, Throubolia, Tsounati…

*/ Đảo Crète: là nơi sản xuất dầu olive xưa nhất. Có lối 13 triệu cây olivier trên đảo, sản xuất theo truyền thống gia đình. Mỗi khu vườn lối 2,6 mẩu…Mỗi người dân đảo Crète mỗi ngày tiêu thụ 100 gr dầu olive và có tử số về bệnh tim mạch thấp nhất thế giới.

*/ Pháp: có lối 20.000 mẫu trồng cây olivier… So với các loại dầu khác, sự tiêu thụ dầu olive chiếm dưới 10%... Phần lớn ngành canh tác olivier được chuyển qua Tunisie thời thuộc địa. Vấn đề đô thị hóa, nhân công đắt đỏ, xáo trộn do du lịch, đã không giúp ích vào vấn đề phát triển ngành sản xuất dầu olive tại Pháp được… Các giống olivier thường trồng là: Grossane, Picholine, Salonenque trong vùng massif des Alpilles; Belgentiérose, Bouteilian, Cayet roux trong vùng Var; Agiandau vùng Haute Provence; Cailletier trong vùng Nice; Lucques trong vùng Aude và giống Sabina tại đảo Corse…

Các hiệu dầu olive nổi tiếng của Pháp: Château de l’Estoreblon et du Vignal, Château Vivant chủ yếu tại Var, Alpes maritimes và Bouche du Rhône; Lucques vùng Aude cho loại olive xanh ngon nhất, dầu tuyệt hảo; Sabina vùng đảo Corse.
*/ Trung Đông (Moyen Orient): không quan trọng. Các giống thường được trồng: Barnea, Manzanillo, Nabali, và Souri… Tại những vùng có khí hậu khô cằn từ Trung Đông đến Magrehb (Maroc, Algérie, Tunisie), cây olive phải chịu đựng ít nhiều ảnh hưởng tình hình chánh trị bất ổn và chiến tranh (Palestine, Liban, Lybie).
*/ Irak: 5.000 -10.000 mẩu olivier.
*/ Syrie: 400.000 mẩu.
*/ Liban: 32.000 mẩu.
*/ Palestine - Israel: trên 100.000 mẩu.
*/ Thổ Nhĩ Kỳ: 878.000 mẩu, đứng hành thứ 4 trên thế giới về diện tích trồng cây olivier…Chủ yếu cung ứng cho nội địa. Nhưng ngày nay, họ bắt đầu xuất cảng sang Hoa Kỳ vì giá dầu olive Turquie rẻ hơn dầu sản xuất tại Âu Châu. Sản phẩm mới nầy tên là Riviera và có được từ sự pha trộn 2 loại dầu vierge và dầu raffinée. Riviera có hương vị ít gắt hơn loại dầu (huile vierge pure) nên rất thích hợp với khẩu vị của người Mỹ…

Đặc biệt riêng Tunisie rất nổi bật và đứng hành thứ tư trên thế giới về sản xuất dầu olive với 210000 tấn. Họ cũng chiếm hàng thứ ba về xuất cảng với 130 000 tấn dầu/năm (2007-2008).

Ép lấy dầu bằng cách nào?
Video: hái olive và ép dầu bằng máy ngay tại chỗ
http://www.facebook.com/video/video.php?v=159488534097177 

Nói chung, có hai cách ép để lấy dầu từ các loại thực vật: 
1/ Cách nguội (pression à froid, cold pressed): 
Ngày xưa olive được ép bằng tay với máy ép bằng đá hoặc bằng gỗ. Ngày nay công việc ép dầu được làm bằng máy. Tuy là cách ép nguội chớ thật sự ra cũng phải thực hiện ở nhiệt độ 50 độ C- 60 độ C... Sau đó, dầu được lược lại và cho vô chai. Trái Olive cũng có thể được nghiền nhỏ, thêm nước rồi bỏ vô máy ly tâm quay để trích lấy dầu. Sau khi ép, xác bã còn chứa một ít dầu nên được gởi đi ép thêm một lần nữa. Cuối cùng thì xác bã đã hết dầu cũng được dùng để nuôi gia súc thí dụ như heo chẳng hạn.

2/ Cách nóng (pression à chaud), còn gọi là phương pháp kỹ nghệ:
Thực hiện ở nhiệt độ 250 độ C... Để đạt hiệu quả tối đa, người ta trộn thêm chất dung môi (solvant) để giúp cho dầu dễ tan hơn. Dầu có được còn rất bẩn nên phải được rút bỏ chất dung môi ra ngoài cũng như phải được khử mùi và màu sắc nữa. Kết quả sau cùng của cách ép nóng là chúng ta có được một loại dầu gọi là dầu tinh chế (huile raffinée, refined oil) rất ổn định ở nhiệt độ cao nhưng lại không có hương vị và màu sắc hấp dẫn. Bất lợi khác là nhiệt độ đã làm mất đi phần lớn vitamin E và các chất chống oxyt hoá!

Cả một rừng danh từ
Tại Canada hiện có cả trăm loại dầu olive trên thị trường. Tiền nào của nấy!
Dầu tạm gọi là tốt về chất lượng, về mùi vị, và về màu sắc thì giá cả phải từ 20$/lít trở lên. 
Các loại dầu đắt tiền chỉ được thấy bán trong các tiệm buôn đặc biệt (épicerie spécialisée) mà thôi. Còn dầu olive bán trong các chợ và siêu thị thường chỉ là những loại bình dân xoàng xoàng, giá cả cỡ 7-8$ /500ml…
So với các loại dầu phổ thông như dầu bắp, dầu đậu nành, và dầu Canola thì dầu olive phải đắt hơn gấp 5-6 lần. 

Phần lớn, 85% các xứ sản xuất dầu olive đều nằm trong tổ chức IOOC (The International Olive Oil Council) mà trụ sở chính đặt tại Tây Ban Nha...IOOC là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ phát triển kỹ nghệ dầu olive, theo dõi việc sản xuất cũng như kiểm soát và ấn định tính chất của mỗi loại dầu olive. Có tất cả 23 nước là hội viên của IOOC... Tây Ban Nha đứng đầu với 40% dầu sản xuất trên thế giới, kế đến là Ý và Hy Lạp. 

Riêng Hoa Kỳ và Canada đều đứng ngoài tổ chức IOOC. Bởi lý do trên mà tại hai quốc gia nầy các nhãn hiệu ghi trên chai dầu không có được một bảo đảm pháp lý nào cả! Bộ Canh Nông Hoa Kỳ USDA có nhiệm vụ kiểm soát bao bì nhãn hiệu và độ acid của dầu. Tại Hoa Kỳ, dầu olive được phân ra thành các loại Fancy, Choice, Standard và Substandard. Danh từ Extra Virgin có thể được áp dụng cho bất kỳ một nhóm nào nên nó cũng mất đi ý nghĩa đặc biệt tốt đẹp của nó.

- Pressé à froid / Première pression à froid / First cold pressed: Ngày xưa dầu được ép thẳng từ trái olive mà không cần hơi nóng. Phương pháp First cold pressed cho một loại dầu olive rất tốt, còn đầy đủ vitamin E và các chất chống oxyt hóa antioxydants như bêta-sitosterol là chất có khả năng ngăn chặn sự hấp thụ cholestérol...Sau đợt ép đầu tiên, người ta thường pha thêm nước nóng vào xác olive và ép thêm lần thứ nhì, và lẽ tất nhiên dầu có được chất lượng phải kém hơn loại dầu có được qua lần ép đầu tiên. Biết rằng nhiệt độ nóng làm mất vitamin E và các chất chống oxyt-hóa... Ngày nay, qua lối sản xuất công nghiệp phương pháp ép nguội (cold pressed) vừa kể ít còn được áp dụng nữa, nhưng các cụm từ Première Pression à Froid / First Cold Pressed vẫn được nhà sản xuất dầu olive duy trì sử dụng một cách vô tội vạ như là một công cụ khuyến mãi marketing mà thôi.

- Huile extraite par pression mécanique: Dầu ép bằng máy không có sử dụng một chất dung môi (solvant) nào hết, nhưng họ có thể đun nóng dầu lúc ép.
- Huile d’olive / olive oil: Chỉ là một loại dầu olive hỗn hợp có được qua sự pha trộn dầu olive vierge (virgin) với dầu olive tinh chế. Độ acid không được cao hơn 1,5%. Tuy không có mùi vị và màu sắc bằng dầu extra vigin, nhưng olive oil có rất nhiều acid béo không bão hòa đơn thể rất tốt. Có thể dùng để nấu nướng.
- Huile de grignon d’olive / olive pomace oil / aceite de orujo: Khi ép dầu xong, bã xác olive còn lại sẽ được đem ép thêm một lần nữa. Dầu có được sẽ được pha thêm từ 5% đến 25% dầu olive vierge (virgin) để tạo ra dầu bã xác olive (huile de grignon d’olive). Dầu nầy thuộc loại hạ phẩm, và thường được kỹ nghệ thực phẩm sử dụng.

- Extra Vierge / Extra Virgin: Đây là dầu có được trong lần ép đầu tiên. Dầu có hương vị và màu sắc tuyệt hảo và còn chứa rất nhiều vitamin E và các antioxydants. Giá đắt hơn các loại dầu khác, đặc biệt là dầu extra virgin không được có độ acid trên 0,8%. Extra Virgin là loại tốt nhất trong các loại dầu olive. Dầu extra virgin không được quyền chứa các loại dầu tinh chế.

- Vierge / Virgin: Sau khi ép xong dầu Extra virgin, người ta chế thêm nước nóng vào bã xác và đem ép tất cả để có được dầu virgin. Nồng độ acid không được quá 2%. Độ acid càng thấp thì dầu càng tốt.

- Légère / Light: Không có nghĩa là dầu chứa ít calorie hoặc chứa ít chất béo đâu...Tất cả các loại dầu hoặc chất béo đều chứa một số calorie bằng nhau: 1gr chất béo tạo ra 9 calories. Mỗi muỗng canh dầu có 124 calories.
- Extra Légère / Extra Light: Luật cho phép nhà sản xuất được dùng các chữ như Extra Light, Ultra Light, Très Légère, Very Light nhưng bắt buộc phải ghi rõ Légère / Light về khía cạnh nào, thí dụ mùi vị, màu sắc, v.v…
- From hand picked olives: Có nghĩa là được hái kỹ lưỡng bằng tay chớ không phải hái theo kiểu thông thường là bằng sào, hay bằng máy rung cây cho trái olive rụng xuống. Vấn đề này có lẽ là nhằm mục đích quảng cáo mà thôi.

Video: hái trái olive tại Tây Ban Nha - Olive harvest Andalucia, Spain 
http://www.youtube.com/watch?v=5mTMi7OuG0M
- 100% Pure: Có nghĩa là dầu không có chứa thêm một chất phụ gia nào cả...100% pure cũng được cho phép sử dụng để chỉ những loại dầu có được từ sự pha trộn của 2 loại dầu tinh chế với nhau.
- Sans sel: Câu nầy chỉ để câu người tiêu thụ mà thôi chớ có dầu nào có chứa muối đâu mà cần phải nói.
- Sans Cholésterol: Câu nầy cũng để câu người tiêu thụ.. Cholestérol chỉ có trong mỡ động vật mà thôi. Dầu thực vật tự nó không thể có cholestérol được.
- Importé d’Italie / Imported from Italy: Nhà sản xuất muốn người tiêu thụ lầm tưởng là olive được trồng tại Italy. Thật sự ra là olive được trồng bên Tây ban Nha, rồi xuất cảng sang Ý để ép lấy dầu và vô chai tại đây. Hoa kỳ bắt buộc trên nhãn hiệu phải có ghi rõ nguồn gốc của sản phẩm, nhưng Canada và Âu châu thì không đòi hỏi vấn đề này. Các nhà sản xuất quốc tế như Unilever hay Nestlé thường làm một nhãn hiệu cho chai dầu bán ở Hoa Kỳ (chẳng hạn như dầu đến từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Maroc…) và một nhãn hiệu khác ghi là “made in Italy” cho chai dầu đó nếu được bán tại Canada hoặc tại Italy.
Olive oil 100gr 
+ Energy…890kcal (3700kJ)
+ Carbohydrate….0
+ Fat...100g (Saturated:14g; Monounsaturated:73g; Polyunsaturated:11g) 
+ Omega-3 fat….0.8g
+ Omega-6 fat….10g
+ Protein………0g
+ Vitamin E…. 14mg (93%)

Tại sao giá cả chênh lệch nhau quá nhiều? 
Nói chung thì dầu olive phải đắt giá hơn dầu thường vì phải cần đến 5kg trái olive mới ép được một lít dầu. Ngoài ra giá cả cũng rất thay đổi tùy theo cách ép, cách sản xuất, nơi nào sản xuất và cũng tùy theo nhãn hiệu của dầu nữa. Thường thì dầu olive sản xuất theo lối công nghiệp giá cả có vẻ nới hơn các loại dầu sản xuất trong những vùng nông trại hay domaines đã nổi tiếng từ lâu. Vì giá cả đắt nên dầu olive…dỏm cũng rất nhiều trên thị trường.

Nếu là dầu olive hữu cơ (bio-organic) thì giá phải đắt rồi. Tất cả dầu olive hữu cơ đều được ép nguội. Để bảo đảm tên tuổi của một nhãn hiệu, từ năm 1992 Pháp đã quy định 5 danh xưng có sự kiểm soát xuất xứ (appellation d’origine contrôlée) sau đây: Nyons, Aix en Provence, Haute Provence, Vallée des Baux, và Nice.

Sau đây là giá cả của một số dầu olive hiện thấy bán tại Canada: 
*Loại thường: lối 7-8$ /500ml: Puget, Colavita, Bertolli, Le Choix du President “Splendido”, Selection Mérite, Pastene, Nos Compliments “Authentico”, Fragraza di Silicia và Il Frantonio.
*Loại thượng đẳng: Domaine de Marquiliani 29,99$/500ml, Numez de Prado 22,99$/500ml và VEA 17,99$/500ml, v.v…
Canada, dầu olive dỏm khắp nơi
Joe Di Lecce, chuyên viên kiểm định dầu olive thuộc cơ quan Kiểm tra Thực Phẩm Canada CFIA tại Ottawa, cho biết từ năm 1997 đến 2000 ông ta đã kiểm định trên 100 thương hiệu dầu olive từ loại bèo giá 4$ cho đến loại xịn 40$/chai.

Kết quả là có khoảng 20% bị pha trộn dầu khác. Dầu rẻ tiền có thể được pha trộn vào loại dầu đắt tiền để có lời cao chẳng hạn. Bằng mắt thường nhìn chai không thể biết được. Phải cần đến sự trợ giúp của phòng thí nghiệm mới phát hiện ra được mánh mung của con buôn.
Các thương hiệu dầu olive sau đây đã bị vi phạm:
- Olivio (từ Hy Lạp)
- Terra Mia Extra Virgin
- Ricetta Antica extra Virgin
- San Paolo
- Andy’s Pure olive oil
- Italico extra virgin

Năm 2007, cơ quan CFIA cho biết 15 trong số 45 mẩu dầu olive xét nghiệm tại Ottawa cho thấy đã bị pha trộn dầu rẻ tiền như dầu hướng dương sunflower, dầu đậu nành soybean hoặc dầu trích lấy lại từ bã olive. (huile de grignon, olive pomace oil). Sau khi olive được ép lấy dầu rồi, bã lại được trộn vào dung môi. Sau đó họ trích vớt vát thêm một loại dầu olive rẻ tiền cuối cùng. 
Cũng theo CFIA,dầu mang nhãn hiệu extra- virgin phải là dầu được ép nguội từ trái olive thuộc giống Olea europea L đúng theo quy định của IOOC, trụ sở tại Tây Ban Nha.

Under the federal Food and Drugs Act, all food products sold in Canada are subject to labelling requirements. Products that are labelled and marketed as extra-virgin olive oil must be cold pressed and made wholly from “oil obtained from the fruit of the olive tree (Olea europea L)” in accordance with standards set by the International Olive Oil Council, the intergovernmental organization based in Madrid, Spain, that promotes olive oil, tracks production, defines quality standards and monitors authenticity. 
Read more: http://www.canada.com/Extra+virgin+olive/2684297/story.html#ixzz1ZMkz3L6z

Dầu olive trong bếp núc 
Nhiệt độ cao lúc chiên hay nấu không làm thay đổi thành phần acid béo của dầu nhưng lại làm giảm các chất chống oxyt-hóa và vitamin E. Nên dùng lửa thấp cỡ 180 độ C. Vì giá cả đắt, để nấu ăn chúng ta chỉ nên sử dụng dầu olive tinh chế mà thôi và dành riêng loại dầu tốt như dầu extra vierge để trộn salade. 

Nên đựng dầu trong chai xậm màu
Để tránh sự kiện ánh sáng có thể làm oxyt hoá dầu, làm mất đi các vitamin E và các chất antioxydants trong dầu nên dầu cần được chứa trong các chai sậm màu. Tuy nói vậy, nhưng tại các siêu thị lớn đôi khi dầu cũng được đựng trong các chai thủy tinh trong vắt để người mua dễ nhận thấy màu sắc vàng óng ánh hấp dẫn của dầu.

Cất giữ dầu olive ở đâu? 
Không nên cất dầu olive trong tủ lạnh vì dầu sẽ bị kẹo hơn. Trong trường hợp này, chỉ cần đem chai dầu để bên ngoài một thời gian thì dầu sẽ lỏng trở lại bình thường...Tốt hơn hết là dầu nên được đựng trong chai sậm màu, đậy nút thật kỹ cho kín gió, tránh ánh sáng rồi đem cất trong tủ bếp. Dầu olive chỉ nên được sử dụng trong vòng hai năm là tối đa mà thôi.

Hãy cẩn thận đối với bất cứ loại dầu nào 
Dầu mỡ dễ bị oxyt hóa, dễ hư và trở nên hôi. Kỹ nghệ đã sử dụng phương pháp ép nóng để trích lấy dầu, sau đó là giai đoạn khử mùi và khử màu. Trong các quá trình vừa kể thì một số vitamin E sẽ bị mất đi. Để tránh tình trạng này, nhà sản xuất có thể cho trộn vào dầu thực vật như dầu bắp, dầu phọng, v.v…những chất chống oxyt-hóa BHA (butylated hydroxyanisole) hoặc BHT (butylated hydroxytoluene). Có dư luận nói rằng hai chất vừa kể có thể gây cancer...Riêng đối với dầu olive, tác giả không thấy có bằng chứng là kỹ nghệ đã sử dụng BHA và BHT.

Tháng 5 năm 2005, trong một buổi hội thảo về hoá học, Giáo Sư A.Saari Csallany thuộc Đại Học Minnesota có báo cáo là dầu thực vật nhờ có chứa acide linoleique (omega-6) nên được xem là tốt cho tim mạch, nhưng nếu đem chiên trên chảo quá nóng và quá lâu (deep fried) trên 1/2 giờ thì acide linoleique sẽ tạo ra chất HNE rất độc...Chất độc nầy có thể liên hệ đến các bệnh về mạch máu, tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh gan và bệnh Huntington (bệnh di truyền do xáo trộn chuỗi DNA, ảnh hưởng đến não bộ, đến chức năng vận động, suy tư và tình cảm). Và nếu giữ y một chảo dầu và xài đi xài lại suốt ngày thì nồng độ của chất độc HNE (4-hydroxy-trans-2-nonenal) cũng nhân đó mà tăng lên rất nhiều.

Hướng dẫn cách mua dầu olive tại Canada
1/ Cần phải biết xuất xứ (provenance): Có ghi trên nhãn hiệu, thí dụ: Produit et embouteillé par Moli del Torms...“Elstorms, 25614 Lleida, Espagne”
2/ Luôn luôn mua loại Extra vierge: Không nên nhầm lẫn pures, classiques et légères với Extra vierges;
3/ Ngày sử dụng (date de consommation): Không mua nếu không có ghi ngày sử dụng trên nhãn. Dầu sắp hết hạn hay vừa mới hết hạn không lâu vẫn còn tốt để dùng. Nhưng người chủ có lương tâm phải bán giá hạ chút đỉnh… Coi chừng ngày bị ngụy tạo, hay bị sửa đổi. Chai dầu có thể không có ghi ngày sử dụng vì luật Canada không bắt buộc họ ghi. Đây là khe hở mà con buôn lợi dụng bán ra thị trường những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn bắt buộc của IOOC; 
4/ AOC-DO: Appelation d’origine contrôlée hay Denominación de origen;
5/ Giá quá rẻ: Coi chừng dầu giả, dầu kém chất lượng, bị pha trộn.

Kết luận 
Không biết có phải nhờ quảng cáo quá khéo léo và quá tinh vi hay không mà lúc nào dầu olive cũng nhận được toàn là tiếng tốt không hà... Nên nhớ rằng bất luận một loại dầu nào kể cả dầu olive, dù tốt hay xấu chúng cũng đều là chất béo cả mà thôi. Vậy sử dụng dầu mỡ phải có chừng mực!

Theo khuyến cáo của American Heart Association, chúng ta cần phải hạn chế chất béo trong dinh dưỡng. Đối với tổng số chất béo (total fat) tốt lẫn xấu tiêu thụ trong một ngày phải được giữ ở mức thấp dưới 30% của nhu cầu năng lượng, trong số nầy chất béo không bão hoà đơn thể (monounsaturated) là ½, chất béo không bão hòa đa thể (polyunsaturated) là ¼ và chất béo bão hòa (saturated) là ¼ ...

Tạp chí FASEB journal (American Societies for Experimental Biology) số tháng Jan, 2007 có đăng bài khảo cứu về dầu olive của Giáo Sư Henrik E. Poulsen thuộc Đại học Copenhagen Đan Mạch... Khảo cứu được thực hiện trên số 182 người từ 20 đến 60 tuổi thuộc năm quốc gia Âu Châu khác nhau. Mỗi ngày, mỗi người phải dùng 5 muỗng café dầu olive tương đương 25ml dầu. Sau hai tuần, nồng độ chất 8oxodG (8-oxy-deoxyguanosine) trong nước tiểu được đem đo và so sánh với nồng độ của chất nầy đã được ghi nhận ngày đầu tiên của cuộc khảo cứu, thì kết quả cho thấy nồng độ chất 8oxodG đã giảm xuống 13%...Được biết 8oxodG là chất được tạo ra trong quá trình oxyt hóa tế bào.

Do đó người ta nghĩ rằng dầu olive là dầu rất tốt để giúp làm giảm thiểu hiện tượng oxyt hóa, đặc biệt là phần DNA trong tế bào...Nhờ vậy ngừa được một số bệnh cancer như cancer vú, cancer ruột, cancer buồng trứng và cancer tiền liệt tuyến. Qua khảo cứu trên, nhóm của Giáo Sư Poulsen kết luận rằng là nhờ việc sử dụng thường xuyên dầu olive nên dân Nam Âu vùng Địa Trung Hải ít bị một số bệnh cancer hơn các dân sống ở phía Bắc Âu Châu.

Mặc dù các ích lợi của dầu olive đã quá hiển nhiên rồi nhưng các nhà khoa học cũng vẫn khuyên chúng ta cần phải có một nếp sống quân bình lành mạnh như giảm bớt việc ăn thịt nhất là thịt đỏ (heo, bò, cừu) cũng như các sản phẩm biến chế công nghiệp, thay thế bằng thịt trắng như thịt gà hay gà Tây, ăn cá hai lần một tuần, ăn nhiều rau quả tươi đa dạng, ngũ cốc, đậu, hạt nguyên vẹn và đồng thời cũng nên năng vận động, tập thể thao thể dục thường xuyên./. 

Tài liệu tham khảo: 
-Bien acheter pour mieux manger-Collection Protégez vous.
-Reheating vegetable oil releases toxin Study-HealthDayReporter.
-Tout baigne dans l’huile-Philippe Mollé.
- Prevent cancer, use olive oil-Medical News Today Dec 27, 2006.
-Janine Trotereau. Edition de Vecchi-Les bienfaits de l’huile d’olive
-Nicolas de Barry. Flammarion-L’ABCdaire de l’huile d’Olive
-Guide pratique d’achat
http://www.oliveolives.com/fr/savoirs/guide-pratique-achat.html

Montreal, Jan 25, 2012
Nguyễn Thượng Chánh