Người chuyển: Huu Tuan Pham
Pages
- Trang Chủ
- About Me
- Truyện Ngắn
- Sưu Tầm
- Sưu Tầm from 2020
- Góp Nhặt Bên Đường
- Nhạc Chọn Lọc
- Sưu Tầm Sức Khỏe
- NPN's Recipes
- Trang Người Phương Nam
- Cười Ý Nhị
- PPS + YouTube Chọn Lọc
- Những Hình Ảnh Ý Nghĩa
- Thơ
- Thơ from 2020
- Bùi Phương Lưu Niệm
- Trang Anh Ngữ
- Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ
- Truyện Dài : Ngày Tháng Buồn Hiu
Thursday, August 31, 2023
Mẹ Là... Ký Sinh Trùng - Huy Phương (Danlambao)
Mẹ ơi! Tháng Bảy lại về, nhân mùa Vu Lan báo hiếu, lẽ ra hình ảnh mẹ được nằm trên những trang báo trang trọng với những lời tán dương, công lao mẹ, thì con lại phải dùng một đề tài khác xúc phạm đến mẹ, ngoài ý muốn của con. Phải chăng chúng ta đã sinh lầm nơi, lầm thời, trong một cái ao bùn, để xót xa thấy thân mẹ bị lấm lem, danh dự mẹ bị chà đạp!
*
Tôi mồ côi cha từ năm lên sáu. Mẹ ôm con về bên ngoại, chịu lại
cảnh nghèo khổ như trước lúc mẹ lấy chồng.Từ đấy một giọt sữa, búng cơm, đôi guốc,
manh áo, cuốn tập đến trường, tất cà đều do sức lực của mẹ tôi, từ những giọt mồ
hôi, qua những ngày nắng mưa ngoài đường phố, và cả những đêm mẹ ôm tôi, mà tôi
thường nghe những giọt nước mắt nóng chảy xuống trán mình.
Mẹ không được học hành, không có chữ nghĩa, nên lớn lên việc mưu sinh chỉ trong cậy vào đôi tay, hai bàn chân chạy và đôi quang gánh trên vai, buôn bán hàng rong quanh năm, để tối về có bát cơm, miếng bánh cho con. Đây là một cái nghề đang bị lên án, cái nghề không có sản xuất, không làm nên của cải vật chất cho xã hội. Năm ấy người ta quyết tâm làm sạch đường phố, người buôn thúng bán bưng được vận động bỏ thành phố đi về nơi hoang dã để làm giàu hay làm đẹp mặt, đủ chỉ tiêu cho tổ quốc. Tuần nào, phường khóm cũng có những buổi xuất quân với những đoàn xe lếch thếch chất đầy giường tủ, chăn chiếu, bu gà, xe đạp ra đi.
Hồi đó, phong trào Hợp Tác xã nông nghiệp phát triển khắp nước, coi như kế sách hay quốc sách đưa đất nước đến chỗ giàu mạnh, được nể nang được gọi là …cường quốc! Nhà nào có con trâu, đám ruộng thì được xếp xã viên cấp cao, vô sản chính chuyên thì đem thân thế trâu cày. Đã vậy việc phân bố nhân sự, như thói quen lâu nay của xã hội này, mà một thằng làm, ba thằng chỉ huy, với các danh vị đã được quy định, ngồi mát ăn bát vàng. Chủ nhiệm HTX ở nhà ngói đỏ, đi xe máy, các ban bệ ngồi không uống trà, tán gẫu, nhưng đến kỳ chấm công đã ngốn hết điểm của xã viên. Tôi thương mẹ tôi vất vả, cuối mùa, phần gạo mang về không đủ ăn.
Nhìn thằng con da bọc xương, quen với sắn khoai, suốt năm chưa hề có một miếng cơm cá vào mồm, mẹ tôi trăn trở là “làm một cuộc cách mạng” quyết vượt qua quốc sách mang con trở lại thành phố. Móc nối được với một bà chị họ có thân nhân được phước báu, ra được nước ngoài lại có “gia đình cách mạng,”bảo bọc cho mẹ con tôi về thành phố, chỉ cần mỗi tối có một xó xỉnh để ngủ qua đêm. Thương mẹ tôi vất vả, bà cô đem mẹ tôi về cho coi sóc một bãi giữ xe của gia đình bà. Mẹ tôi cảm thấy vui, vì tuy giầm mưa giải nắng, luôn lo chuyện kiểm soát vì sợ mất xe, nhưng được cái hai mẹ con có chỗ dung thân và không còn ôm bụng đói.
Nhưng phụ trách quán xuyến một bãi giữ xe có dễ không?
Mẹ tôi than phiền khi một công việc có mùi tiền, là có ruồi nhặng.
Trước hết là Phường, Khóm, đồn công an Phường, có khi ở Quận còn chiếu cố xuống
Phường kiếm ăn.Rồi dân phòng, an ninh, thằng bá vơ nào mặc quân phục cũng có
quyền ghé qua bãi xe chìa tay xin đểu, ngắt xé một tí. Thằng nào cũng có lý do
như xe hư cần sửa, sắp về Bắc thăm nhà. Việc chung cần yểm trợ như Đại Hội Đảng
viên cấp Quân, Liên hoan kết nạp vào Đảng hay mừng anh Ba lên chức.Trong xã hội
hiện nay bọn này đầy nhan nhản, ung dung, phè phỡn mà không hề có chút mặc cảm
ăn xin, ăn mày!
Thấy công việc ngày ngày càng khó khăn, mà mẹ tôi là thân đàn bà yếu đuối, đôi khi không có bản lãnh để đối đầu với bọn ma quỷ dương gian, bà cô tôi dự định sang bãi giữ xe cho một ông cán bộ về hưu, và đề nghị mẹ tôi mở một quán ăn nhỏ bên lề đường gọi là cho có “độc lập, tự do..” từng trãi với sinh hoạt đường phố thời nhiễu nhương này, kinh nghiệm lâu nay cho biết trong khu phố bọn ruồi, kiến lúc nào cũng có mặt, không dễ gì mà có “độc lập, tự do”.
Kinh nghiệm của những quán ăn trong thành phố, trước hết mở ra
là để vỗ béo cho viên chức quan lại. Tô phở đặc biệt, ly cà phê sữa hay xô đa hột
gà, bao thuốc lá đầu lọc ghi sổ hay là thay vào một cái cười giả lả chào…huề.
Ông thuế vụ ngày này quyền hạn cũng không thua gì công an, thỉnh thoảng cả bọn
ghé qua, coi như của nhà mà bọn chúng có quyền hạn được thụ hưởng . Đây là “tập
đoàn’ không làm mà có ăn, không đổ mồ hôi mà có bia bọt.
Liệu không xong với bãi giữ xe, mẹ tôi thưa vói bà cô xin cho được
tá túc là quý, còn việc mưu sinh kiếm ăn, xin để tự lo liệu.Mẹ tôi quyết tâm chọn
“độc lập, tự do bằng cách làm chủ nhân một gánh cháo huyết, thong dong trên đường
phố. Bà nói đây là một nghề “nhẹ gánh,” vì không máy ai mặc quân phục và vây
quang gánh cháo của bà để húp sùm sụp, hay nỡ lòng nào ngữa tay xin tiền của
bà. “Con mẹ bán cháo huyết” là vai vế mạt hạng trong xã hội này rồi. Thế mà mẹ
tôi vui, bà cho biết cũng có lúc ngồi chưa nóng đã bị đuổi chạy sút dép.
Vậy mà mấy hôm nay, bọn đài, báo nhà nước gán cho nghề nghiệp và phẩm giá của mẹ tôi là loại… ký sinh trùng.
Tôi xin phản đối kịch liệt cái thái độ miệt thị, chà đạp phẩm cách của mẹ tôi cũng như hàng trăm nghìn người buôn bán bưng, đã sống lương thiện, có nhân cách bằng công lao tự thân, không bóc lột, sống bám, hút máu ai! Lớn lên, tôi thấy mẹ tôi là người lương thiên, chưa hề nhận sự lợi nhuận nào mà không do công sức của mình, chưa hề sống bám vào sức lực của người khác. Bà kiếm miếng ăn chật vật, từ những giọt mồ hôi của mình, từ đôi chân trần mải miết trên đường.
Ký sinh trùng là một sinh vật sống trong hoặc trên vật thể khác. Nó xử dụng nhựa cây, máu mủ, da thịt của sinh vật khác để sinh tồn, có khi lấn lướt và giết chết vật thể mà nó đang phải nương tựa. Đó chính là loại tầm gửi, cây leo. Là loại trùng nó chỉ gây nguy hại, là cây, nó chẳng cho hoa cho trái cho đời…
Cứ mở mắt mà nhìn rõ xã hội này, đứa nào không động chân, động tay, ngồi mát ăn bát vàng mà xây biệt phủ, sắm xe đẹp, có hầu non, con năm ba đứa du học, cái mặt phinh phính đầy mỡ, cái bụng phệ vì bia thì chính chúng là loại ký sinh trùng, trăm thằng không sai một đứa. Trong xã hội độc tài, đảng trị này, chúng đầy nhan nhãn, ra ngõ là gặp, nhắm mắt túm áo cũng được vài ba thằng. Tính từ năm 2011, đã có 3,6 triệu nhân vật loại nảy.
Mẹ tôi chỉ là một tầng lớp thấp kém nhưng luôn giữ lòng lương thiện, là một người trong hằng trăm nghìn người buôn thúng bán bưng, sống nhờ giới bình dân và đường phố, nhưng giới này không ăn hại, sống bám vào ai. Họ không có quyền lực gì để nhũng lạm ngân sách của nhà nước, lấy từ tiền thuế của dân như các tổ chức ăn hại của đảng, như tổ chức đảng cộng sản ăn bám của dân ... Họ không có thẻ đảng để tham ô, không có thế lực được bao che để bòn rút đục khoét ngân sách quốc gia, họ không có vũ khí hay quyền lực trong tay để cướp đất cướp nhà.
Mẹ ơi! Nhất định mẹ không phải là loại ký sinh trùng! Trong đất nước này, bây giờ vàng thau lẫn lộn, đứa gian manh mang danh đạo đức, phường trộm cướp đọc diễn văn yêu nước thương nòi, kẻ lương hảo bị đạp xuống bùn đen. Đời mẹ chưa lợi dụng một ai, chưa hút máu mủ ai, được ai cõng trên lưng, hưởng thụ thành quả của người khác làm ra.
Trên đời này, không thiếu gì bọn sán lãi, đích thị là loại ký
sinh trùng, toàn là thứ tầm gửi, ăn đậu ở nhờ trên lưng tổ quốc, bòn rút của
công, nhưng ca tụng nhau như những anh hùng đầy kỳ tích.
Mẹ ơi! Tháng Bảy lại về, nhân mùa Vu Lan báo hiếu, lẽ ra hình ảnh
mẹ được nằm trên những trang báo trang trọng với những lời tán dương, công lao
mẹ, thì con lại phải dùng một đề tài khác xúc phạm đến mẹ, ngoài ý muốn của
con. Phải chăng chúng ta đã sinh lầm nơi, lầm thời, trong một cái ao bùn, để
xót xa thấy thân mẹ bị lấm lem, danh dự mẹ bị chà đạp!
Huy Phương
Wednesday, August 30, 2023
Nghệ Sĩ Tùng Lâm: Danh Hài Cuối Cùng Của Miền Nam Yêu Dấu - Tuấn Khanh
Tháng
Tám 2023, nghe tin nghệ sĩ Tùng Lâm lại đau. Từ 10 năm nay, các chứng bệnh
trong người của ông cứ thay nhau làm khó tuổi già khiến nghệ sĩ lẫy lừng từng
làm cho Việt Nam cười ngả nghiêng giờ đây không thể nở nổi một nụ cười. Ông cứ
im lặng gượng chịu những cơn đau ập đến qua từng ngụm nước. Saigon Nhỏ vừa có
cuộc viếng thăm và chia sẻ với gia đình trong ngôi nhà nhỏ ở đường Ngô Tùng
Châu (nay là đường Nguyễn Văn Đậu), quận Phú Nhuận.
Năm
sau, theo đúng trên khai sanh, nghệ sĩ Tùng Lâm bước vào tuổi 90, và là danh
hài cuối cùng trong những gương mặt tài danh của nền sân khấu-kịch nghệ Việt
Nam Cộng Hòa còn sót lại. Những tên tuổi, và là bạn bè thân thiết với ông, như
Khả Năng, Phi Thoàn, Xuân Phát, La Thoại Tân… đều đã rời trần thế ra đi từ lâu.
Có
lần, lúc còn khỏe, nhắc về những người bạn và thời oanh liệt trên sân khấu, nghệ
sĩ Tùng Lâm nói trong giọt nước mắt chực rớt xuống “Mấy người đó bỏ tui đi hết rồi. Có lúc ngủ nằm mơ thấy họ
ngồi với nhau cười nói, rồi quay qua hỏi tôi là ‘sao lâu quá chưa thấy lên
đây?’, tôi giật mình ngồi dậy mà bần thần, vì không biết lúc nào đến lượt
mình”.
Nghệ
sĩ Tùng Lâm sinh Tháng Ba 1934 tại Sài Gòn, trên giấy khai sinh lúc đó còn ghi
là Liên Bang Đông Dương. Ông gốc người Hoa, tên thật là Lâm Ngươn Phẩm. Tuy là
người Hoa truyền đời, nhưng đến đời ông, thì không còn biết đọc, biết nói
tiếng Hoa nữa, và yêu thương Sài Gòn như quê hương duy nhất của mình.
Gia
đình nghệ sĩ Tùng Lâm là dòng dõi trọng chữ nghĩa. Tất cả 10 anh chị em của ông
đều được đi học và khuyến khích làm người trí thức. Ba của ông làm nghề luật sư
và nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Dòng họ Lâm Ngươn tỏa đi khắp nơi
sau năm 1975, trong đó có người chú là ông Lâm Ngươn Tánh (1928-2018) là Thiếu
tướng Hải quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông Tánh cũng là người tham gia
cuộc hải chiến Hoàng Sa chống Trung Cộng trên cương vị Phó Tư lệnh Hải quân
kiêm Tư lệnh chiến dịch.
Do
gia đình nề nếp nên thú ham mê sân khấu từ nhỏ của ông Tùng Lâm bị ba ông cấm
tiệt, không cho tập tuồng diễn trò. Chỉ có anh chị là thương, giấu ba, để đứa
em út ca hát. Thậm chí người chị thứ chín còn bí mật rèn luyện ông đánh đàn
mandolin, mà người cha sau này bất ngờ khi thấy ông cầm đờn biểu diễn.
Năm
1948, thấy có cuộc thi hát của Đài Pháp Á, tuyển lựa giọng ca thiếu niên, ông
Tùng Lâm quyết đi thi và được anh chị theo bí mật cổ vũ. Sau khi đoạt giải nhất
với bài An Phú Đông, ông
dè dặt báo tin cho ba mình biết. Mới đầu người cha giận định đánh đòn vì thấy
con cứ đi theo nghề đờn ca hát xướng, nhưng rồi khi biết ông Tùng Lâm đoạt giải
nhất thì đành thở dài, cho theo số phận. Bà Thu Trang, người vợ sau này của ông
kể rằng, chỉ từ khi đoạt giải thi hát, ông mới chính thức tập hát, tập trình diễn
ở nhà, chứ trước đó, toàn trốn ra đồng để tập hát, sợ bị la.
Tới
năm 1952, ông lại chiếm giải nhất trong cuộc thi tuyển ca sĩ cho Đài Sài
Gòn với bài Tiếng
dân chài của tác giả Phạm Đình Chương. Từ đó, ông mới chọn
nghệ danh là Tùng Lâm.
Ít
ai biết là nghệ sĩ Tùng Lâm từng có ban tam ca, cùng với nghệ sĩ Vân Hùng và nhạc
sĩ Lam Phương. Ông Lam Phương lúc đó tập tành sáng tác nhưng chưa ra mắt tác phẩm
mà chỉ nhập cuộc sân khấu bằng trình diễn. Cả ba ông hát cũng ăn khách, nhưng
ông Tùng Lâm nhìn lại mình, nhận ra rằng với vóc dáng không cao ráo và cũng
không đẹp trai như các tài tử lúc bấy giờ nên ông nghĩ mình cần tìm ra một con
đường riêng và cuối cùng xin nghỉ.
Từ
đó, sự nghiệp của danh hài có chiều cao chưa tới 1m55, nhỏ con, lanh lợi và có
lối diễn xuất duyên dáng với cái môi trề bắt đầu cuộc chinh phục khán giả miền
Nam. Bằng sáng tạo, với các câu chuyện thú vị hài hước của thể loại Standup
Comedy, pha trộn một số tiểu xảo sân khấu, cái tên Tùng Lâm rực sáng ở các sân
khấu miền Nam. Đến giữa năm 1958, trong một đại nhạc hội có tên “Minh tinh –
Quái kiệt” tổ chức trong khuôn viên Dinh toàn quyền Norodom, nghệ sĩ Tùng Lâm
được chính thức quảng cáo với biệt hiệu Tiểu
quái kiệt Tùng Lâm.
Tại
sao là Tiểu quái kiệt? Theo lời nghệ sĩ Tùng Lâm, quái kiệt thật sự của sân khấu
Việt Nam, có thể nói cho đến bây giờ, chỉ có duy nhất là nghệ sĩ Trần Văn Trạch
(1924-1994), em của nhạc sĩ Trần Văn Khê (1921-2015). Giai đoạn thuở nhỏ lúc
còn lang thang ở các gánh hát, ông có đi theo học nghề nghệ sĩ Trần Văn Trạch.
Ông học được từ ông thầy này rất nhiều ngón nghề. Sự nghiệp phát triển mãi đến
về sau vẫn có nhiều thứ ông rút tỉa từ những bài diễn của nghệ sĩ Trần Văn Trạch.
Đặc biệt trong loạt chương trình Tiếu
Vương Hội phát trên truyền hình và ghi âm, những kiểu gây cười bằng
cách bắt chước các loại âm thanh, tiếng động cũng từ ông thầy Trần Văn Trạch.
(file photo)
Là
người luôn có nhiều sáng kiến trình diễn, nghệ sĩ Tùng Lâm đứng ra tổ chức các
đại hội tiếu lâm hài hước (theo cách nói của ông), quy tụ nhiều cây hài hàng đầu
Việt Nam cùng tham gia, tạo ra cơn sốt với khán giả. Đi cùng sự phát triển xã hội
dân chủ ở Việt Nam từ thời Đệ nhất sang Đệ nhị Cộng Hòa, các tiết mục biểu diễn
của nghệ sĩ Tùng Lâm ngày càng đi vào đời sống với các câu chuyện, ngôn từ châm
biếm xã hội, phê phán đời sống. Không chỉ sân khấu, vào lúc truyền hình ở miền
Nam phát triển, nghệ sĩ Tùng Lâm được mời tổ chức các tiết mục trình diễn thường
xuyên trên đài, ghi âm kịch hài, đóng phim, đi biểu diễn ca nhạc… Gần như lĩnh
vực nào ông cũng tham gia và được tán thưởng.
“Thời
đó, ổng làm ra tiền ghê lắm. Sau mỗi lần đi diễn, hay đóng phim là ôm bao tiền
về đổ vô tủ gạc-măng-rê (garde-manger), không đếm nổi. Rồi đi chơi hay đánh
bài, ông cứ xách cái Samsonite, ém tiền vô cho chặt rồi mang đi”. Bà Trang kể,
“Thời đó đâu có ai nghĩ sẽ tới ngày 30 Tháng Tư, nên có tiền thì cứ xài thôi”.
Trong
thời kỳ miền Nam sản xuất phim màu và màn ảnh đại vĩ tuyến, nghệ sĩ Tùng Lâm
tham gia cùng các bạn diễn Khả Năng, Thanh Việt và La Thoại Tân trong bộ phim Tứ quái Sài Gòn. Đây là một
trong những bộ phim được báo chí Philippines, Nhật Bản, Hong Kong nhắc tới như
một hiện tượng. Theo tâm tình của Châu Tinh Trì, vào lúc thực hiện phim Đội bóng Thiếu Lâm (2001),
các “miếng” diễn hài của các danh hài Việt trong phim này được Châu Tinh Trì
nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là kiểu diễn của nghệ sĩ Tùng Lâm, để áp dụng trong
trường đoạn trên sân bóng.
30
Tháng Tư 1975 là cột mốc khó quên với tất cả nghệ sĩ miền Nam. Với ông Tùng
Lâm, đó cũng là lúc ông không thể tự nhiên lên sân khấu được. Dù được miễn quân
dịch Việt Nam Cộng Hòa do một lần đi diễn thời thanh niên, ông bị xe quẹt làm
gãy tay, nhưng không có nghĩa là ông thoát khỏi danh sách lớp văn nghệ sĩ cần bị
kiểm soát. Bạn thân của ông, danh hài Thanh Hoài, làm nhân viên Cục Xây dựng
Nông thôn – một cơ quan mà chính quyền mới vô cùng không thích – bị ngừng diễn
hoàn toàn, cho đến khi qua đời vào năm 2014 ở Sài Gòn. Lý do là kịch bản hài
khi lên sân khấu, khó kiểm soát hơn ca nhạc hay văn chương, và hơn nữa, hài
luôn rơi vào tình huống bị xét nét bởi ngụ ngôn và các câu ẩn dụ. Xã hội lúc đó
căng thẳng và không biết đùa.
Nghệ sĩ Tùng Lâm, thời
biểu diễn sau 1975 (file photo)
Nhờ
người quen giới thiệu, từ năm 1983, ông về miền Tây, Hậu Giang để tham gia vào
đoàn trình diễn của tỉnh. Thấy ông giỏi quản lý, quen biết nghệ sĩ và biết tổ
chức chương trình, phía đoàn hát giao cho ông chức Phó đoàn, tức làm hết mọi việc,
thay cho lãnh đạo. “Hầu hết
nghệ sĩ cũ (trước năm 1975) phải chịu thôi. Mình đã nhất định theo nghề thì dù
là cực khổ cách mấy cũng phải vượt qua”, ông Tùng Lâm nói. Ông chọn
về quê vì ít bị rầy rà, và ngoài đi diễn thì còn được đoàn hát cho ăn cơm ngày
hai bữa, đỡ cực hơn rất nhiều người. Cũng nhờ ẩn nhẫn mà nghệ sĩ Tùng Lâm sống
được với nghề hơn mười năm, và gặp người vợ thứ hai của mình là diễn viên Thu
Trang trong đoàn (người vợ đầu của ông là nghệ sĩ Bạch Lan Thanh, hiện vẫn còn ở
Sài Gòn).
Nghệ
sĩ Tùng Lâm là người không muốn rời xa quê hương. Ông thương Sài Gòn từ những
ngày lang thang tập hát đớt đát cho đến lúc đã là một nghệ sĩ thượng thừa của
miền Nam, và ngay cả lúc đau yếu hiện nay. Ông không muốn rời xa, ngay trong
giai đoạn đời mình khó khăn nhất. “Nếu
chết thì tôi muốn được chết ở quê hương Việt Nam”, ông có lần tâm
tình vậy.
Bà
Trang kể khi ở miền Tây, nhiều người hâm mộ thấy ông cực quá nên đề nghị cho
ghép đi chung vượt biên mà không cần tiền bạc gì hết nhưng ông trằn trọc rồi từ
chối. Có lúc, ông nói sợ mình đi không gặp được đứa con gái trong lúc còn gia
đình với nghệ sĩ Bạch Lan Thanh, có lúc ông tin đời sẽ phải có lúc đổi thay…
nhưng chung quy, điều giữ ông lại, là ông sợ cô đơn và phải lìa xa nơi ông đã
sinh ra.
Bà Trang và con gái chăm
sóc hàng ngày cho ông Tùng Lâm (ảnh: Tuấn Khanh)
Trong
thời gian đi Mỹ diễn tái ngộ bà con, tôi có đến viếng mộ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ,
thấy ông ấy nằm đó cô đơn quá, lạc lõng quá. Tôi cũng đã đến thăm người bạn diễn
thân thiết năm xưa, danh hài La Thoại Tân, ở viện dưỡng lão. Khi trở về Việt
Nam, đọc báo biết tin La Thoại Tân qua đời. Tội quá! (ông khóc…). Tứ quái Sài Gòn: Khả Năng, Thanh Việt,
La Thoại Tân chết hết rồi… Chị Túy Hoa, Phi Thoàn cũng “đi” rồi chỉ còn lại một
“thằng quái” này, ông lại khóc khi nhắc đến.
Đầu
thập niên 1990, đời sống ở Việt Nam có cởi mở hơn. Nghệ sĩ Tùng Lâm quay lại
Sài Gòn và cộng tác với một số hãng đĩa để ghi âm tiết mục hài, nhập cuộc đi diễn
sân khấu cùng với những người cùng thời như quái kiệt harmonica Tòng Sơn, danh
ca Giang Tử… Ông được mời dựng nên một nhân vật hài mới, tương tự nhân vật Tư Ếch
trước năm 1975, đặt tên là Hai Nhái. Tuy nhiên, loạt ghi âm này cũng không bùng
nổ được như các tiết mục ông đã sáng tạo trước 1975. Mệt mỏi và mất dần phương
hướng, nghệ sĩ Tùng Lâm buồn và khó khăn hơn trong ánh hào quang của mình.
Nghệ sĩ Tùng Lâm, Tháng
Tám 2023 (ảnh: Tuấn Khanh)
Đến
năm 2005, ông bị đột quỵ nặng và đành từ giã sân khấu. Ông nằm nhà, và thỉnh
thoảng nghe bạn diễn thời xưa gọi điện thoại thăm hỏi, có người ở Việt Nam, có
người ở Mỹ… Mọi thứ nuôi sống ông bằng kỷ niệm. Nghệ sĩ Kim Tuyến, người đưa số
điện thoại, thúc hối Saigon Nhỏ nên ghé thăm ông. Đời người đi qua thăng trầm,
đôi khi chỉ cần chút tình hôm nay đã là vui.
Năm
sau, nghệ sĩ Tùng Lâm bước vào tuổi 90. Cây cổ thụ cuối cùng của tiếng cười sân
khấu miền Nam đang trút những chiếc lá cuối của cuộc đời tận hiến cho khán giả
miền Nam. Dành cho ông một lời hỏi thăm, cũng như làm sáng lại một góc di sản của
văn hóa miền Nam Việt Nam tự do, ắt cũng làm ấm lòng người nghệ sĩ đã rất hao gầy.
Nếu được, xin hãy dành chút thời giờ để gọi qua số 0937 983 839, bà Thu Trang,
hiền thê của ông, để góp thêm một lời chia sẻ cùng Saigon Nhỏ.
Tuấn Khanh
Nghệ sĩ Tùng Lâm: Danh hài cuối cùng của miền Nam yêu dấu (saigonnhonews.com)
Những Rạn San Hô Đẹp Và Nổi Tiếng Nhất Thế Giới
Maldives
Rạn san hô Great Barrier - Australia
Rạn san hô New Caledonia - Thái Bình Dương
Rạn san hô ở
Biển Đỏ
Rạn san hô cầu vồng - Fiji (Thái Bình Dương)
https://dulich.petrotimes.vn/
******
Cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp về rạn
san hô dưới đáy biển Việt Nam qua ống kính của TS Đặng Đỗ Hùng Việt.
Rạn san hô vùng biển miền Trung và miền Nam(như Lý Sơn,Bình
Định, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Nha Trang )
Trí Thức Là Người Biết Thẹn - Vũ Thế Thành
“…. Nhưng không phải “trí
thức” nào cũng biết thẹn. Đâu cần phải “diện bích” cả chục năm như ai đó mới ngộ
ra một chủ nghĩa sai hay đúng, hiện thực hay mụ mị. Mẹ tôi, một người đàn bà mù
chữ (nghĩa đen), thấy người ta đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, con tố
cha, vợ tố chồng… bà hãi, hãi cho đến chết vẫn còn hãi… Với bà, nghèo chịu được,
khổ chịu được, đói chịu được, nhưng đảo lộn luân thường đạo lý như thế thì
không… Liệu cứu cánh có biện minh cho phương tiện được chăng? Mà cứu cánh gì?
Là ấm no hay quyền lực? Ngay cả về mặt kinh tế, trong thời chiến tranh lạnh người
ta cũng đã thấy cái “ưu việt” của làm chủ tập thể và hưởng theo nhu cầu rồi.
Vũ Thế Thành
Hoài bão hay lựa chọn của con người, nhiều khi khởi đầu bằng cảm xúc hơn là lý trí. Lý trí đến sau đó để hợp lý hoá hậu quả của cảm xúc. Nhưng lý trí cũng giúp con người phản tỉnh để nhận ra mình đã làm đúng hay sai. Sai lầm là thuộc tính của con người. Trí thức là người biết sai, biết thẹn để sửa sai.
Nhưng nhiều người tuyên bố, nếu được làm lại từ đầu, họ vẫn lựa
chọn như cũ. Thật đẹp và lãng mạn! Thế ra, phản tỉnh chỉ bộc phát khi hậu quả của
cảm xúc bị thiệt thòi thôi sao? Chọn cái xấu, đập cho chết cái ít xấu hơn là
đúng, là đẹp?
Nhưng chiến tranh, đau thương, mất mát, độc lập (thật sự), đói
nghèo…, số phận của cả một dân tộc đâu phải là chuyện lãng mạn. Cuộc chiến kết thúc
đã hơn bốn mươi năm, nhưng lịch sử chỉ đang bắt đầu viết lại. Những phóng viên
trẻ thời chiến W. Burchett, Stanley Karnow, Neil Sheehan, David Halberstam… và
vòng nguyệt quế Pulitzer chạy theo thời cuộc đã tạo ra góc quét gần 360 độ của
cái gọi là quan điểm “chính thống” về chiến tranh Việt Nam, không thể đảo ngược.
Một khi những cây đa cây đề đã xem đó là chân lý lịch sử, đụng vào quan điểm
chính thống, họ sẽ nghiền nát.
Thế hệ trẻ sau này, với
nhiều tài liệu được giải mật hơn, với phương pháp sử học chặt chẽ hơn, đã dám lật
ngược “chính thống”. Sự thật đang hé dần, từ lật ngược đến lật tẩy chẳng còn
bao xa, Mark Moyar với Triumph Forsaken chẳng
hạn. Nghe nói có một bạn trẻ gốc Việt ở nước ngoài đang làm luận án về truyền
thông trong chiến tranh Việt Nam. Lịch sử sớm muộn sẽ tung cú đấm vào sự trí
trá, xảo quyệt của ngôn ngữ và hình ảnh được chọn lọc của giới truyền thông có
ý đồ trong thời chiến.
Sách đấy, tài liệu mới đấy.
Đọc đi, hơn là cứ rù rì, tự an ủi mình và an ủi nhau với cái gọi là oral history cũ kỹ, nôm na là hóng chuyện không kiểm
chứng, rồi cứ thế truyền miệng. Dù tránh né cách này hay cách khác, thì mọi mỹ
từ, mọi lý luận, lý lẽ và cả lý sự đều là sự tiếp cận với ngụy biện. Nói êm ái
hơn, đó là một cách xoa dịu nỗi đau “lạc đường”. Hào quang có được từ chút tự
do của một chế độ, đã buộc phải tắt ngúm ở chế độ kế tiếp. Tiếc nuối làm gì!
Ông Nguyễn Đổng Chi chỉ viết một bài phê phán Phan Khôi không đúng mà ray rứt,
ân hận cho đến chết. Biết thẹn vẫn là yếu tính của trí thức.
Một bậc đàn anh đồng môn của tôi, trước đây phụ trách vài mục âm
nhạc, văn hóa cho đài phát thanh, mà cũng là tay sừng sỏ trong giới xuất bản.
Sau 1975, khốn đốn cực kỳ, nhưng cương quyết đoạn tuyệt hẳn với nghề viết lách,
làm chân lon ton, chạy vặt cho một nhà xuất bản. Vài năm trước, gặp giám đốc mới
có mắt nhìn người, cất nhắc cho làm biên tập sách. Ông huynh trưởng của tôi mắc
bệnh “muội đèn” của Cao Bá Quát, thấy đoạn văn hay nhưng phạm húy, tiếc, không
nỡ cắt. Ông anh không cắt, thì đời cắt ông anh. Ông lại tiếp tục làm chân lon
ton! Thân già bốn mươi ký lô, tính luôn giày dép và quần áo, đã bền bỉ chọn một
thái độ sống như thế. Người ta có thể không cho viết, nhưng không thể bắt mình
viết theo ý người ta. Ngòi bút có máu, báo chí sách vở còn lưu giữ cả đấy,
không chơi bài ba lá với lịch sử được đâu.
Cô bạn tặng tôi quyển
sách của E. M. Remarque là dân… “gia công”, một từ lóng để chỉ con cái của những
người tập kết ra Bắc hồi năm 54. Bọn trẻ sinh ra ở Bắc và trở về Nam sau 75.
Tôi hỏi đùa, Thế em là dân Sài Gòn hay người Hà Nội? – Là
dân Sài Gòn chứ! Hà Nội chỉ là nơi cha mẹ “gia công” ra em thôi… Em lớn
lên ở Sài Gòn, học tiểu học ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn…
Tội nghiệp! Sài Gòn khi đấy đã là thành phố buồn hiu, dè dặt và
nhẫn nhục, một thành phố trầm cảm với dăm ba người mất trí nghêu ngao hát bên
hè phố, hay những người một thời cầm bút cầm phấn, bây giờ đạp xích lô, vá xe đầu
đường, bơm mực bút bi…
Cô bạn trẻ của tôi, Sài Gòn có gì để em tự hào về gốc gác? Cha mẹ
em là cán bộ trí thức, nên nhà nhiều sách “ngụy” (để tham khảo) hơn là máy móc
tiện nghi… Em đọc lén. Khổ thân em! Những gì em đọc khác với những gì em học ở
trường. Đó là chưa kể họ hàng em nội ngoại, bên thua, bên thắng (cuộc)… Trong lớp
học, em phải viết ra những điều không phải em nghĩ. Nói và làm, đúng và sai, khẩu
hiệu và thực tế cứ lộn tùng phèo trong đầu. Những thực tế tréo ngoe làm em có
đôi chút phá rào, cảm nhận đúng sai. Em tự hỏi, nhưng ai trả lời?
Làm việc ở nước ngoài gần hai mươi năm, ngày trở về, em thấy một
Sài Gòn hào nhoáng hiện đại, nhìn đâu cũng building, cầu vượt… nhô lên từ những
bãi nhà tôn, ổ chuột. Có những người giàu nhanh quá, siêu nhanh giữa bầu không
khí ô nhiễm (đen lẫn bóng). Hàng rong bị săn đuổi giữa những hàng xe hơi lộng lẫy.
Em đứng tần ngần ở quán cà phê đường Huỳnh Tịnh Của, ngắm nghía căn nhà cũ kỹ gần
sáu bảy chục năm. Đẹp quá! Chẳng còn là bao những căn nhà xưa như thế này, cũng
không còn những con phố yên tĩnh. Mọi thứ ồn ào và tương phản đến lạ lẫm. Em thở
dài, Sài Gòn bây giờ như bức tranh lập thể siêu thực. Sài Gòn không còn là Sài
Gòn của em nữa…
Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn, thì Sài Gòn một thời của
tôi ở đâu?”
Vũ Thế Thành
(Trích đoạn “Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn” trong tập
tùy bút “ Sài gòn, một góc ký ức và bây giờ”, tái bản 2021)
Tuesday, August 29, 2023
Thuở Hàn Vi - Người Phương Nam
Hôm nay nhân ngày rằm, cô Loan cùng chồng đi viếng Quan Âm miếu, luôn tiện mua môt ít đồ chay của nhà chùa để lát nữa mang qua nhà ba má cô ở gần đó cho ông bà ăn trưa. Gọi là ‘’miếu’’ chớ thật ra đây là một ngôi chùa tàu khang trang bề thế được nhiều khách thập phương vãng lai cúng bái, nhứt là vào ngày rằm và mùng một âm lịch. Đó là hai ngày chánh mà đa số người theo Phật giáo có thông lệ đi chùa lạy Phật, tụng kinh sám hối và ăn chay tránh sát sanh diệt dục để mong giảm bớt nghiệp chướng tội lỗi mà họ đã vô tình hay cố ý tạo ra trong đời. Từ xa ngòai cổng, cô đã thấy xe cộ nườm nượp, chiếc ra chiếc vào lượn tới lượn lui tìm chỗ đậu, Phật đài trước chánh điện nghi ngút khói nhang, mùi trầm hương tỏa lan thơm nứt cả một khỏang không gian, quang cảnh nhộn nhịp náo nức như một ngày lễ hội.
Sau khi thắp nhang bái tượng Phật Bà Quan Âm, cô đi vòng ra hậu viện mua đồ chay ủng hộ gây quỹ nhà chùa. Lúc đó chưa đến giờ ngọ, chỉ mới khỏang 11 giờ trưa nhưng hậu viện đã đông đảo rộn ràng, lớp thì đứng sắp hàng chờ lãnh phần ăn do nhà chùa bố thí, lớp thì mua đem về. Nào là chả giò, đậu kho, cơm trắng, rau luộc, nào là bún xào, mì xào, cơm chiên. Tòan là rau củ thực vật, không có miếng thịt miếng cá con tôm con tép nào hết nhưng trông cũng đậm đà ngon mắt, lại có thể an tâm ăn không sợ mập phì. Đó cũng là một lý do xứng đáng khiến thiên hạ thời nay chạy theo phong trào ăn chay trường để giảm bớt bệnh tật vào thân. Nhưng thiết nghĩ, một khi đã tự nguyện ăn chay thì tất nhiên phải chấp nhận hãm mình từ trong tâm ra tới cái miệng, cớ sao cái miệng nói ăn chay mà cái đầu cứ tơ tưởng đến đồ mặn, bày đặt giả vịt quay, heo sữa, gà tiềm, bò bảy món hay hải sâm bào ngư vi cá tự gạt mình để ăn cho ngon miệng thì còn chi là lòng thành, Phật trời nào chứng giám.
Sau khi mua xong một mớ chả giò và hai hộp đậu kho, cô Loan rủ ông xã dạo chơi vòng quanh ngắm cảnh chùa. Từ hậu viên ra tới sân trước, dọc theo hông chùa, dưới những tàng cây râm mát, thực khách đã ngồi đầy bên những chiếc bàn dài, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, người nào cũng có vẻ thư thái an nhiên. Dường như một khi đã bước vào cửa Phật thì mọi ân óan buồn phiền đều tiêu tan bay bổng hoặc vả được tạm thời gác lại, chỉ còn lại nơi đây cái tâm an lạc nhẹ nhàng và cảm giác được cứu độ bao dung. Càng khoan khóai hơn nữa khi nghĩ rằng mình được ăn…chùa (free), chẳng những khỏi tốn tiền mà còn được thêm bonus phước đức của nhà chùa.
Quan Âm miếu tọa lạc trên một cuộc đất khá cao xa khuất lộ cái, bốn bề yên tịnh, mặt tiền nhìn ra một tiểu lộ nên thơ với hai hàng dương liễu rủ mình thướt tha trên thảm cỏ xanh mượt an bình dài mút mắt. Cô đi lần xuống mấy bực tam cấp, đạp lên đám cỏ cao nương theo lối mòn tiến về phía con lộ nhỏ bên dưới. Trong đám cỏ dại, cô chợt phát hiện ra vài lọai rau ăn được mọc hoang chen lẩn nhau như cải trời, rau sam và một ít rau dền. Rau dền là một lọai rau dân giả được nhiều người ưa chuộng thường dùng làm món canh hoặc xào hay luộc chấm nước tương trong bữa cơm đạm bạc qua ngày mà cô đã cũng đã nhiều lần ăn qua.
Cô ngắt một đọt rau đưa lên mũi hít một hơi dài, mùi nhựa rau quen thuộc kích thích thần kinh khứu giác xông lên đầu, khơi ký ức sống dậy một niềm thân ái xa xưa của một thuở hàn vi xa lơ xa lắc khiến cô bất giác bồi hồi. Cái thuở xa lơ xa lắc đó là ba mươi lăm năm về trước, cái thuở mới nhập cư tới xứ người, mọi sự đều bắt đầu chập chững, cái gì cũng lạ lẫm bỡ ngỡ hoang mang. Thuở đó ai cũng trắng tay, ai cũng nghèo, nghèo rớt mồng tơi. Một căn nhà hai phòng đáng lẽ là tiêu chuẩn cho một cặp vợ chồng và hai đứa con nhỏ nhưng gặp dân tị nạn tới mướn thì bất kể luật lệ quy tắc, cứ bừa ‘’tưới hột sen’’, cứ xúm nhau ở xả láng cả chục mạng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Ai cũng nghĩ, ăn mới nhiều chớ ở mà bao nhiêu, chịu khó lúc đầu chật chội một chút thì mới có dư, mới có ngày thỏai mái huy hòang nhà cao cửa rộng.
Thuở đó, có lẽ không có ai là không trải qua giai đọan làm đệ tử Cái bang bao bị gậy đi ‘’ăn xin’’, xin đồ giáo hội và xin tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Phần lớn các vật dụng trong nhà từ cái giường cái tủ, cái bàn cái ghế tới nồi niêu chén bát dao nĩa đều phát xuất từ các hội từ thiện Vincent de Paul hay Smith family. Vì vậy, thuở đó mục đích đi shop là chỉ mua đồ ăn và những gì tối cần thôi chớ tuyệt đối không mấy ai dám rớ tới một thứ gì xa xí khác nữa, có chăng là window shopping ngắm nghía để đó rồi về nhà mơ ước hẹn một ngày mai đẹp trời.
Cô còn nhớ có lần đi ngang qua một gian hàng bày bán kim chỉ, cô muốn dừng lại mua để về sửa mấy bộ đồ của giáo hội cho nhưng ông xã còn không cho bởi vì tiền dằn túi quá ít ỏi phải để phòng hờ. Mà phải mắc mỏ gì cho cam, chỉ có vài ba đồng thôi cũng không được mua. Cô ấm ức tức mình cự nự với ông xã, nói thấy trước mắt mà không cho mua, mai mốt làm sao nhớ chỗ này để trở lại. Phải chi xài hoang xài phí, không cho thì phải, đàng này là mua kim chỉ may vá cho cả nhà, thiết thực biết bao nhiêu, tiết kiệm gì không đúng chỗ, vô lý gì đâu. Bực tức nhứt thời thì nói vậy chớ sau này nghĩ lại cũng nhờ tính cần kiệm của ông xã mà về sau khi mua nhà, hai vợ chồng cô đã nhanh chóng trả dứt nợ ngân hàng chớ không để cù cưa kéo dài lãi mẹ đẻ lãi con thêm đau đầu mệt óc.
Thuở đó người Việt tị nạn còn rất thưa thớt, ra đường gặp được một người đồng hương mừng còn hơn bắt được vàng, bởi vậy một khi đã quen ai thì tình cảm đối với nhau rất thắm thiết chân thành. Lúc đó chưa mấy người có việc làm vững chắc, chỉ làm tàm tạm nay chỗ này mai chỗ kia được ngày nào hay ngày nấy, hầu như ai cũng phải đi học vài khóa ESL (English as second language) để có một số vốn tiếng Anh trước khi đi xin việc.
Tuy là thầy dạy Anh văn ở xứ mình, nhưng ông xã cô Loan cũng không ngọai lệ, cũng phải dợt lại một khóa intensive English for migrants and refugees ở đại học NSW cho vững bụng trước khi "ra quân". Tại đây ông đã gặp và học chung với một ông bác sĩ ra trường trước ngày mất nước đổi đời. Ông bác sĩ không cam lòng xuống cấp, mai một chức nghiệp của mình nên cố gắng học lại để lấy bằng hành nghề ở xứ người, còn ông thầy giáo cũng quyết không rời cây viết, hy vọng tìm được một công việc bàn giấy thay vì lao động tay chân. Chí lớn gặp nhau thành bạn khiến hai bà vợ cũng tương đắc chơi thân với nhau như đã từng là bạn lâu đời.
Nhà ông Vĩnh (tên ông bác sĩ) ở vùng Newtown gần city, còn gia đình cô Loan thì ở tuốt ngòai Bondi beach, vậy mà mùa hè, cuối tuần nào ông Vĩnh cũng chở vợ và hai đứa con ra biển chơi, ghé vô nhà cô Loan ăn trưa và có khi ăn chiều luôn rồi mới về. Chị Trang, vợ ông Vĩnh là dân bắc kỳ, lúc mới gặp, cô Loan tưởng là người bắc khách sáo khó thân thiện lắm, ai dè nói chuyện vài lần thấy chị cũng rất dễ thương, cởi mở và chân tình không giống như lời đồn đãi của một số người mang thành kiến kỳ thị nào là bắc kỳ giữ kẽ, keo kiệt, xảo trá điêu ngoa, màu mè, tới nhà họ gặp bữa ăn thì chớ nên nghe mời tưởng thiệt nhào vô ăn là sẽ bị chưởi tơi bời sau lưng. Thật ra dân nào cũng có người vầy người khác, kẻ dữ người hiền, có quy luật nào đề ra khẳng định ai xấu ai tốt cho mình quơ đũa cả nắm đâu. Nam kỳ nhiều tên cũng ma le quỹ quyệt bán trời hổng mời thiên lôi chớ có tử tế vừa gì.
Chị là sinh viên y khoa sắp ra trường thì Việt cộng vô, bố chị di cư hồi 54, đã quá rõ bộ mặt gian hùng của cộng sản nên bảo vợ chồng chị phải chạy thật xa, xa hẳn cái đám bắc kỳ 75 vô nhân vô luật vừa mới ùa vào xâm chiếm cướp của miền nam thì mới có hy vọng học nốt cái bằng bác sĩ dang dở nửa chừng. Do đó như bao nhiêu người tị nạn khác, chị đã chạy tới đây, một nơi đất lành chim đậu có nhiều cơ hội để vươn lên và tương lai tươi sáng đang đón chờ, không những cho đời chị thôi mà còn cho thế hệ con cái về sau, sau nữa. Đặt chân lên nước Úc không bao lâu, chị đã lập kế họach tương lai cho chị, vừa ghi tên đi học, vừa đi làm bất cứ việc gì, từ làm thông dịch viên part time cho tới phụ bán chợ trời cuối tuần, chưa kể chị còn có bổn phận làm mẹ phải chăm sóc dạy dỗ hai đứa con mới lên bốn lên năm. Thấy chị xông xáo tháo vát mà cô thầm thán phục trong lòng, nghĩ lại mình thấy vô dụng bất tài làm sao. Quen với chị, cô đã học hỏi được nhiều điều hữu ích để có thể bớt thụ động và sáng mắt tỉnh dậy khôn ra, ra khỏi cái lớp chăn êm ấm đã mải mê ngủ vùi, thói quen được cha mẹ nuông chìu bảo bọc từ nhỏ để từ đây biết có trách nhiệm với bản thân mình và người thân.
Thì ra là rau dền, người miền nam gọi là rau dền hoang để phân biệt với rau dền rẩy được gieo hột trồng bán ở chợ hằng ngày. Cô vừa hái vừa nhớ lại hồi còn ở trại tị nạn Pulau Bidong, sau hai tháng ăn đồ hộp supply khô khan quá, cô phải bán chiếc nhẩn cưới để mua rau muống ăn kèm trong mỗi bữa ăn. Quen cái thói hồi còn ở nhà, chưa một ngày bị đói, khi lặt rau cô chỉ lấy đọt non ở phần ngọn, còn đọan già thì bỏ đi. Lặt xong tom góp lại định vứt thì một chị hàng xóm người bắc kế bên bước qua hỏi xin về ăn. Cô ái ngại nói chỗ rau này già dai lắm, ăn không được đâu chị à. Chị hàng xóm bảo không sao, tôi đem về làm dưa cho dòn lên là nhai rau ráu tất tật thôi.
Lúc đó cô đã nghe mủi lòng và thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người, chưa đến nỗi phải xin mót miếng ăn. Ai ngờ bây giờ hòan cảnh mình cũng gần giống chị hàng xóm khi xưa vậy. Cô nghĩ thầm trong bụng thì ra khi người khi ta, không ngờ mình cũng có ngày lâm cảnh tha phương cầu thực, phải đi mót từng cọng rau và xài thì xài đồ ‘’cũ người mới ta’’. Lúc xưa khi còn ở nhà, tuy ba má cô không thuộc lọai giàu có sang cả gì nhưng từ nhỏ tới lớn, cô chưa một ngày ăn uống kham khổ chắt mót, chưa từng biết mua hàng ‘’lặc son’’ (đồ sold nửa sạt). Sông có khúc, người có lúc là vậy sao. Cũng là một bài học hay, bài học biết thích nghi với thời vận thăng trầm.
Sau khi hái được một rổ rau đầy, hai đứa mang vào nhà rửa sạch. Chị bắc soong nước khỏang lít rưởi nấu sôi, bỏ tôm khô vào nấu chừng 5 phút. Cho rau dền vô, nêm tí bột ngọt, một thìa mắm ruốc, nửa muỗng đường rồi tắt lò trong lúc rau còn xanh tươi ngon mắt thấy bắt thèm.
Lá trôi muôn nẻo, bèo hợp rồi tan, cái duyên bằng hữu đến một lúc nào đó cũng nhạt phai dần rồi chấm dứt. Vả chăng, thói đời một khi đã công thành danh tọai, giàu sang phú quý thì không mấy ai muốn hồi tưởng đến quá khứ nghèo khổ ban sơ của mình. ‘’Giàu đổi bạn sang đổi vợ’’ là vậy. Giờ đây với địa vị và công việc bận rộn hằng ngày, người bạn thuở hàn vi của cô dù có muốn ‘’ngỏanh lại trông’’ chắc cũng không có giờ nấu lại tô canh ngày cũ và cũng không hơi sức đâu mà vớ va vớ vẩn ngắt đọt rau hoang ngày nào để rồi bồi hồi nhớ lại một thuở hàn vi với những người bạn thân ái buổi ban đầu.
Tuy không còn cơ hội gặp gỡ nhau nhưng trong lòng cô, chị Trang mãi mãi là một hình tượng đẹp, một người bạn đáng mến đã cùng chia sẻ với cô bao nỗi khó khăn bỡ ngỡ trong những ngày đầu tiên mới tới mà suốt kiếp sẽ không quên cũng như chuyện cây kim sợi chỉ vẫn còn nhớ mãi bởi vì ấn tượng đầu tiên là ấn tượng muôn đời, ngọai trừ không may mắc bệnh Alzheimer làm mất đi ký ức.