Sunday, June 30, 2019

Giá Trị Mỹ Qua Câu Chuyện Về Một Chú Bé


Câu chuyện kể về một em bé hơn 10 tuổi, bố em là một người lính Mỹ đã hy sinh khi em mới 5 tuần tuổi.

Hôm đó trên đường từ bãi đỗ xe vào nhà hàng em nhặt được tờ 20 USD, mẹ em bảo em có thể mua gì tùy thích nhưng em lại làm một việc mà không ai nghĩ đến: Em gửi tờ 20 USD đến một người lính Mỹ không quen biết đang tại ngũ kèm theo một lời nhắn, nội dung là: Bố cháu cũng là một người lính nhưng ông ấy đang ở trên Thiên đường, cháu rất vui khi gửi tờ 20 USD cho chú....

Sau khi gửi lời nhắn và 20 USD, cậu nói với Mẹ là muốn gặp Bố để nói cho Bố biết, Mẹ cậu đưa cậu ra nghĩa trang quốc gia, cậu ôm lấy ngôi mộ của người cha, cậu vừa khóc vừa kể lại quá trình cậu nhặt được tờ 20 USD cho đến khi cậu gửi tờ 20 USD cho người lính mà cậu không quen biết.

Người lính Mỹ khi nhận được lời nhắn và tờ 20 USD, anh ấy nghĩ: Tại sao một đứa trẻ xa lạ lại gửi cho mình tờ 20 USD, anh ấy cảm thấy mình phải sống làm sao cho xứng đáng với tấm lòng của cậu bé. Anh ấy bèn sao lại lời nhắn và gửi tới nhiều quỹ từ thiện, mỗi bức thư anh ấy lại kẹp tờ 20 USD vào trong. Sự việc ngày càng lan tỏa, và rất nhiều người biết về hành động cao đẹp của cậu bé và của người lính. Một Đài truyền hình địa phương đã làm chương trình về cậu bé và người lính. Có rất nhiều người biết và họ đều mong muốn tặng cho cậu tờ 20 USD nhưng cậu từ chối và cậu nói rằng: Có rất nhiều trẻ em có bố hoặc mẹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, cậu muốn có một quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ những đứa bé đã mất cha, mẹ khi làm nhiệm vụ cao cả.

Thật không ngờ, quỹ từ thiện của cậu sau vài ngày đã quyên góp được hơn 2 triệu USD. Số tiền đó nhằm giúp đỡ cho những em bé đã mất bố hoặc mẹ khi họ hy sinh vì "Những giá trị" mà nước Mỹ theo đuổi.

Nước Mỹ chưa phải là hình mẫu lý tưởng của thế giới, nước Mỹ chưa phải là thiên đường nhưng tại sao nước Mỹ lại phát triển như vậy? Tại sao nước Mỹ luôn đi đầu trong việc phát minh những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những điều kỳ diệu cho nhân loại? Nước Mỹ, nhất là các tỷ phú Mỹ luôn đi đầu trong việc làm từ thiện giúp đỡ các quốc gia nghèo khó kém phát triển. Đây có thể là một trong những câu trả lời cho các câu hỏi đó!

Nguồn: Luật sư sưu tầm

http://luatphamviet.com

Trời Gần Đất Thấp - Đỗ Công Luận

Saturday, June 29, 2019

Hãy Đọc Lời Ai Điếu Cho Cả Dân Tộc - J.B Nguyễn Hữu Vinh (RFA Blog)

Maria Nguyễn Hải Giang. (Hình: Facebook Nguyễn Hưng)

Tin em Maria Nguyễn Hải Giang chết bởi căn bệnh ung thư xương quái ác đã làm cộng đồng hết sức xúc động. Nhiều lời ai điếu, khóc thương em được tỏ bày với những sự thương cảm và đau đớn tràn ngập mạng xã hội.

Đau đớn cho em, một cô gái 16 tuổi, bằng tuổi con gái tôi. Cháu đang ở độ tuổi như một nụ hoa mới nở, trinh trắng, vô tư, hồn nhiên đầy lòng sốt mến và thánh thiện đã phải chịu đớn đau vì căn bệnh oan nghiệt.

Ở độ tuổi ấy, em đang mơ đến một tương lai tươi sáng hơn, đến một cuộc đời mở rộng cho mình, cho gia đình và xã hội.
Độ tuổi đó, lẽ ra em được tiếp xúc với những tinh hoa, những điều tốt đẹp nhất, những ngày tháng tươi trẻ nhất để em tiếp thu tạo cho mình một hành trang vào đời vững chắc.

Ở tuổi đó, em có quyền hồn nhiên nhìn cuộc đời với những sắc màu lung linh, tuyệt mỹ để hăm hở dấn thân vào tương lai.
Thế nhưng không, những ngày tháng em lớn lên, là những ngày tối tăm, những ngày cơ cực.
Những ngày tháng đó, em đã phải chứng kiến thảm họa từ biển, những đàn cá chết trắng bờ, những cảnh tang thương của sự nhiễm độc không chỉ một người, một làng mà cả dải đất miền Trung, cả đất nước.

Những ngày tháng đó, em đã phải chứng kiến cảnh khốn cùng của người dân chính nơi quê em, là nạn nhân của thảm họa, đã bị nhà cầm quyền cộng sản, một chính quyền mà hàng ngày em được học đi học lại rằng là “Của dân, do dân, vì dân” đã không ngại trở mặt bảo vệ kẻ thủ ác giết chết họ bằng thuốc độc.
Cũng những ngày tháng đó, em chứng kiến người cha của em đã cùng mọi người đấu tranh để rồi bị hành hạ, bị trấn áp, bị đánh đập và cuối cùng bị đưa vào nhà tù để trả thù cách hèn hạ nhất.

Và rồi người dân quê em, chính gia đình em, họ hàng bà con em, là những nạn nhân trực tiếp đến nay vẫn bị bỏ ngoài những sự chú ý của nhà cầm quyền cộng sản, dù tiền thì họ đã lấy, đã chia chác và Formosa vẫn tiếp tục hoành hành như chỗ không người.
Mới cách đây chưa lâu, năm trước, ông nội em đã chết vì căn bệnh ung thư khi bố em đang ở trong nhà tù. 

Và chính em, lại là người nhận hậu quả của những thứ độc hại kia, buộc phải chấp nhận nó như một lời cảnh báo cho toàn xã hội: Thuốc độc, ung thư sẽ không chừa bất cứ ai. Những cơn đau đã dần dần làm em nhức nhối, đau đớn mấy tháng nay và đã cướp đi mạng sống của em sáng nay.

Đêm hôm qua, trao đổi với cha Nguyễn Đình Thục về em trên sóng của một đài phát thanh Hải ngoại, tôi được nghe cha kể về những ngày gần đây của em mà không cầm được lòng mình, những giọt nước mắt ứa nghẹn cứ lăn dài. Trên giường bệnh, em vẫn chấp nhận chịu đựng, không kêu rên, không oán trách và vẫn luôn phó thác cho Chúa.
Điều em mong muốn nhất, khát khao nhất là em được nhìn thấy người cha của mình.

Đau đớn hơn, em bị bệnh khi người cha của em đang ở trong nhà tù cộng sản khắc khoải ngóng tin của con gái mình từng ngày, từng giờ và em ra đi khi nỗi mong nhớ người cha của mình khôn nguôi. Nỗi đau của người cha càng lớn hơn, sâu hơn, khi chỉ mới 14 tháng trước, bố anh đã chết tức tưởi cũng bởi căn bệnh ung thư mà không được gặp anh trước khi chết.
Mà nào đâu phải cha em bị tù tội vì một tội lỗi gì đó cho cam.
Nhà cầm quyền Cộng sản bỏ tù cha em, chỉ vì để trả thù hèn hạ cho việc cha em đã dấn thân vì tương lai của đất nước, chống lại thảm họa đối với người dân khi Formosa đầu độc môi trường sống.
Cha em, một nông dân chất phác, đã chấp nhận hy sinh, gian nan và bị trả thù bởi bạo quyền, chỉ vì đã không chấp nhận việc cứ ngồi im hưởng những ân huệ của đảng khi đảng cam tâm rước giặc vào nhà đầy đọa, đầu độc chính con dân của mình.

Anh đã góp công sức của mình, để đấu tranh cho quyền lợi của người dân, và cao hơn, đấu tranh cho việc chống lại chính sách hèn với giặc, ác với dân, đưa kẻ thù về nhà đầu độc con em, dân tộc mình của nhà cầm quyền cộng sản. 

Và điều anh làm đã được chứng minh là điều hết sức cấp thiết và đúng đắn, khi chính mạng sống con anh đã bị đe dọa và cướp đi ngay sau đó.
Ung thư, có thể nói là căn bệnh thế kỷ. Cho đến nay, thế giới chưa chữa được căn bệnh quái ác này khi đã vào những giai đoạn cuối.

Ở Việt Nam, với nền y tế hiện nay, việc phát hiện sớm ung thư, may ra chỉ có được áp dụng với tầng lớp lãnh đạo, còn người dân Việt một nắng hai sương chưa làm đủ ăn, nói gì đến khám bệnh và chẩn đoán sớm. Chỉ đến khi nào không lê lết nổi thì mới đến bệnh viện. Do vậy khi đã phát hiện ung thư, có nghĩa là cái chết đã được báo trước.

Tờ báo của đảng cộng sản mang tên Nhân dân viết rằng: “Ghi nhận tình hình ung thư năm 2018 tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước có 165.000 ca mắc ung thư đại trực tràng và có khoảng 115.000 ca tử vong/năm. Con số này dự kiến tiếp tục gia tăng, do đó ung thư đường tiêu hóa là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người.” Nghĩa là mỗi ngày, có hơn 450 người mắc bênh và hơn 300 người Việt Nam chết vì ung thư.

Về nguyên nhân, cũng báo chí Việt Nam đưa ra: “Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng, trong đó tác nhân thực phẩm không an toàn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%.”
Vậy thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm từ đâu ra? Câu hỏi này được trả lời ngay tức khắc, nếu ai đã ghé qua các chợ đầu mối, nơi sản xuất thực phẩm, nơi nhập các hàng hóa tiêu dùng từ Trung Cộng và nhà máy, các khu công nghiệp…

Đặc biệt nếu ai đi qua nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, các cơ sở sản xuất mà nhà nước bằng mọi cách áp đặt lên người dân phải chịu bằng những biện pháp bạo lực, sẽ hiểu rất rõ điều này.

Thảm họa biển Miền Trung do Formosa gây ra đã 3 năm nay, khi các sinh vật thi nhau biến mất khỏi khu vực, cá biển chết hàng loạt, chim trời không có đất sống, cáy cua trên bờ không thể tồn tại… thì nhà cầm quyền CSVN đã ra tay bao che bằng nhiều biện pháp nực cười và thiếu liêm sỉ.

Hàng vạn nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đã bó tay, im như thóc trước cái mặt lạnh của đảng, để rồi sau đó vài con rối ra giải thích rằng: Cá chết là do “thủy triều đỏ,” do “Tảo nở hoa” hoặc “do tác động của âm thanh…”
Rồi quan chức cộng sản bằng mọi cách làm cò mồi rằng cứ ăn cá, cứ tắm biển… mà bất chấp tính mạng người dân. Thậm chí mấy tay bộ trưởng, chủ tịch còn xung phong làm mẫu ăn cá biển.

Chỉ cho đến khi Formosa cúi đầu nhận tội, thì nhà cầm quyền mới hốt hoảng nhận ngay 500 triệu dola bỏ túi và dùng quân lực để trấn áp người dân, bằng mọi cách dập tắt tiếng kêu của họ.
Những trò đểu cáng đánh vào chính người dân, những nạn nhân của vụ đầu độc đã làm rơi chiếc mặt nạ “chính quyền của dân, do dân, vì dân” một cách nhanh chóng.

Thế nhưng, vẫn có những đám dân, những đám “Cờ đỏ,” “dư luận viên” miệt mài ngày đêm phò đảng để đánh phá những nạn nhân này bằng đủ mọi trò khốn nạn khi đảng giấu mặt đứng đằng sau.
Ba năm đã qua đi, những thứ Formosa thải ra môi trường vẫn tiếp tục, môi trường vẫn tiếp tục bị đầu độc không thương tiếc trong sự bảo kê có chủ đích của nhà cầm quyền.

Những đàn cá từ biển khơi vào nhiễm độc tại cửa biển Formosa vẫn được đánh lên, ướp lạnh và đưa đi khắp đất nước trong sự thờ ơ, vô cảm và bất cần của cả hệ thống chính trị, sẽ đi vào từng bữa ăn gia đình người dân Việt.

Những cánh đồng muối ngay tại cửa Formosa, là sự kết tinh của nước biển như một dung môi hòa tan của những chất thải là kim loại nặng do Formosa thải ra vẫn được sản xuất hàng ngày trong sự cổ vũ của báo chí và nhà cầm quyền. Những hạt muối đó sẽ đàng hoàng đi vào bữa ăn, vào dạ dày rồi vào máu và đến từng tế bào của những người dân Việt để tác oai tác quái gây ra những tế bào lạ ở đó. Không một ai có thể kiểm soát được điều này. Rồi từ đó nó sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó là làm suy vong nòi giống Việt.

Thế nhưng, những nạn nhân của Formosa, của những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, của hàng hóa giá rẻ nhiễm độc hại từ Trung Cộng vẫn cô đơn giữa dám dân Việt đang ngày ngày hô hào, hò hét bên những cốc bia cho đủ chỉ tiêu tiệu thụ 3 tỷ lít mỗi năm.

Những cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường của người dân vẫn bị đàn áp khốc liệt bằng bạo lực, bằng lực lượng được nuôi từ đồng tiền xương máu của người dân trong sự vô cảm của nhiều nơi, nhiều người và nhiều địa phương khác.

Trên hết, hệ thống cầm quyền dù đã không cần che đậy bộ mặt phản dân, hại nước, thì đa số người dân vẫn cứ bình chân như vại chăm lo cho nồi cơm nhà mình mà bất chấp đồng loại, cộng đồng xã hội chỉ với một khái niệm sợ hãi: Không nói đến chính trị.
Đại đa số người dân Việt tự tước bỏ cái quyền tham gia chính trị của bản thân mình, mặc nhiên coi đó là đặc quyền của riêng tầng lớp cộng sản.

Để rồi nhà tù là nơi dùng để trả thù, để hành hạ những người dám mở miệng, dám dấn thân trong sự thờ ơ của những người dân chính là nạn nhân. Thì việc các nạn nhân đua nhau tăng lên vùn vụt là điều hẳn nhiên.
Và khi đó, những cái chết như của bé Giang là điều không lạ, là phổ biến không thể nào tránh khỏi.

Và khi thể chế chính trị hèn hạ với giặc, hung ác với dân, đi ngược lại lợi ích của người dân, của đất nước ngang nhiên tồn tại trong nỗi khiếp sợ, sự vô cảm của chính người dân Việt, thì chuyện môi trường sống bị hủy diệt, nòi giống bị đầu độc, suy vong, dân tộc bị yếu nhược và trở nên thấp kém và bị tiêu diệt là điều không thể khác.

Và nếu tình hình không có gì thay đổi, thì hãy sớm khóc cho chính đất nước mình, hãy đọc lời ai điếu sớm cho một dân tộc đã bị hèn hạ hóa sau mấy chục năm bị cộng sản cai trị để rồi cam tâm đi đến chỗ bị diệt vong. 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Sự Thật Con Tàu Noah Và Trận Đại Hồng Thủy

Chào Thành Phố Biển - Ba Ngày Yên Vui Với Biển - Giã Biệt Phố Biển - Đỗ Công Luận

Thưa quý ACE,
Tôi đã có 3 ngày vui chơi ở Mũi Né, Phan Thiết, 3 ngày cùng với gia đình con cháu. Tôi vừa về đến nhà chiều nay. Xin chia sẻ với quý vị 3 bài thơ tôi đã cảm tác trong chuyến đi này.
ĐCL



Bệnh Phiền Muộn: Những Điều Cần Biết - BS Hồ Ngọc Minh


Nếu bạn là một trong gần 15 triệu người Mỹ bị bệnh phiền muộn, bạn có thể có những triệu chứng như chán đời, không muốn ra khỏi giường buổi sáng, không muốn gần những người thân yêu, hay thấy đời thật tẻ nhạt, không có một niềm vui.

Phiền muộn là một bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống chứ không riêng gì thay đổi về tâm thần. Tổ Chức Y Tế Thế Giới, World Health Organization, dự đoán vào năm 2020 bệnh phiền muộn sẽ là lý do đứng thứ nhì trên toàn thế giới đưa đến khuyết tật chỉ sau bệnh tim mạch.

Một trong những lý do đưa đến phiền muộn có thể từ môi trường, những yếu tố có khi không để ý đến, thí dụ như ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, hay tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo. Nghiên cứu cho thấy, người dân sống ở những nơi đô thị đông dân cư, dễ bị phiền muộn hơn. Một nghiên cứu mới khác, cho thấy chất béo vào trong não bộ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống thần kinh, và gây ra phiền muộn.

Những yếu tố khác gây ra bệnh phiền muộn cũng là những nguy cơ dẫn đến các bệnh kinh niên như bệnh tim mạch, đau nhức xương cốt, đau lưng, phong thấp, tiểu đường, cao huyết áp. Bệnh phiền muộn nếu không được chữa trị có thể ảnh hưởng đến hệ thống đề kháng, miễn nhiễm.

Bệnh phiền muộn không những làm bại hoại suy nhược có thể, mà còn đưa đến tử vong. Theo ước tính, có khoảng 20% bệnh nhân đã từng muốn tự tử. Ví dụ như một số minh tinh điện ảnh, những người có tiếng tăm lại dễ bị phiền muộn và đã tự kết liễu đời mình.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ:
Bệnh phiền muộn không phải là sự thay đổi tâm thần tạm thời có thể vượt qua được. Đây là một căn bệnh mà não bộ không thể ghi nhận được những điều vui, điều hạnh phúc hay sung sướng. Thử nghiệm MRI và PET scan cho thấy não bộ của người bị phiền muộn có những thay đổi ở nhiều nơi, góp phần lớn ảnh hưởng đến căn bệnh.

Bệnh phiền muộn khá phổ thông, với khoảng 10% đã từng bị phiền muộn, và trên 50% những người này bị bệnh nặng. So với đàn ông, phụ nữ dễ bị phiền muộn gấp đôi. Những người dễ bị phiền muộn thường ở trong lứa tuổi 45 dến 65, dân tộc da màu, và ly dị. Ngoài ra, những người chưa học xong bậc trung học, thất nghiệp, và không có bảo hiểm y tế cũng dễ bị bệnh phiền muộn.

Một số yếu tố nguy cơ khác gồm có:
1-Bị  stress trong cuộc sống, ví dụ như mất việc, có vấn đề lục đục trong hôn nhân, bị bệnh kinh niên hay có vấn đề khủng hoảng về tài chánh.
2- Có tuổi niên thiếu không được vui, ví dụ như bị hành hạ, lợi dụng tình dục, quan hệ với cha mẹ không tốt hay cha mẹ có vấn đề với hôn nhân bị đổ vỡ.
3- Có tâm tính không bình thường, ví dụ dễ bị nóng giận khi bị stress.
4- Có tiền sử trong gia đình bị bệnh phiền muộn.

Các triệu chứng:
Thật ra, có trên 50 triệu chứng khác nhau của bệnh phiền muộn, đi từ chuyện buồn phiền vô cớ cho đến mức độ giận dữ bất thường, làm việc nhiều hay không muốn làm việc.
Triệu chứng của bệnh phiền muộn có  rất nhiều nhưng có thể chia ra làm 3 nhóm chính:
1- Triệu chứng liên hệ đến tâm tính và khả năng tư duy bao gồm khí sắc trầm cảm, thiếu sự quan tâm hay thúc đẩy việc hưởng lạc, có vấn đề quyết định sự việc, bức xúc, lo lắng thái quá, trí nhớ không tốt, và có mặc cảm tội lỗi.

2- Triệu chứng về thể xác bao gồm mệt mỏi, mất ngủ, ăn không ngon miệng, xuống cân, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, hồi hộp, da dẻ bị ngứa ngáy như kim châm.

3- Triệu chứng về cách hành xử như hay khóc vô cớ, dễ bị nóng giận, xa lánh bạn bè và người thân, làm việc nhiều hay không muốn làm việc, nghiện ngập rượu và ma túy, và có khi muốn tự kết liễu đời mình.

Những người bị bệnh phiền muộn đa số không nhận biết  ra là mình bị bệnh. Do đó người thân nên để ý đến nhữnng triệu chứng trên đây mà tìm cách giúp đỡ. Trong trường hợp nặng, có thể cần đến bác sĩ. Chữa trị sẽ bao gồm việc phân tách về tâm tính, thái độ và cách hành xử của bệnh nhân. Nếu cần, bác sĩ sẽ cho thuốc chống trầm cảm.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, nếu cho bệnh nhân thức 36 tiếng đồng hồ không ngủ một lần trong tuần, vài ba tuần như thế có thể giảm bớt bệnh phiền muộn. 

BS. Hồ Ngọc Minh

Oslo, Norway And 5 Best Places To Visit - Youtube Long Kangaroo

Cà Phê Sáng Hạ - Trầm Vân

Friday, June 28, 2019

Chuyện Anh Tiến Sĩ Chưa Vợ - Đỗ Duy Ngọc


Truyện tào lao của Đỗ Duy Ngọc
Năm nay hắn 42 tuổi, có bằng Tiến sĩ, nhìn cũng không đến nỗi nào, nhưng chưa lần nào có vợ. Đó là nỗi khổ tâm của hắn, cũng là nỗi buồn của bố mẹ hắn. Bố mẹ hắn là giáo sư trước 1975, bố dạy Vật lí, mẹ dạy Pháp văn, trường nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam thời ấy: Trường Pétrus Ký. Bố hắn dân Bắc Kỳ Hà Nội di cư bằng tàu há mồm 1954, con nhà vốn nề nếp gia phong ở xứ Tràng An. Mẹ hắn dân Sài Gòn thứ thiệt đã mấy đời, cũng thuộc giòng trâm anh thế phiệt, học trường Tây Marie Curie, đậu đủ Bac. un, Bac. deux của nền giáo dục thực dân Pháp, cộng thêm cái bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn ban Pháp văn.

Ngôi nhà hắn và bố mẹ hắn đang ở là một ngôi biệt thự xưa rộng ngàn thước vuông trên đường Bạch Đằng Bình Thạnh. Đây là căn villa do ông bà ngoại hắn để lại. Nói chung, hắn như là cậu công tử quý tộc, hội đủ tinh hoa của cả hai miền Nam Bắc. Nhưng hắn không được hưởng phú quý, vì hắn sinh vào tháng 11.1975, lúc bộ đội miền Bắc đã vào miền Nam, thống nhất đất nước. Hắn ra đời trong hoàn cảnh cả nước khó khăn, đói nghèo nên gia đình hắn cũng bị chút ảnh hưởng. Mẹ hắn bán dần đồ đạc để qua cơn ngặt nghèo, bắt đầu từ chiếc xe hơi VOLKSWAGEN của bố với giá đồng nát, rồi đến cái đàn piano của mẹ, rồi máy móc, đến một phần tủ sách quý của bố hắn cũng phải ra đi. Cũng may nhà hắn có cái để bán. Miền Nam đã thực hiện được một nửa lời dạy của lãnh tụ: Không có gì quý...khi bán đến mấy món nữ trang thì mẹ hắn khóc vì đó là những món của ông bà ngoại để lại, cũng như khi bán một phần tủ sách trốn thoát được qua vụ đốt sách trong chiến dịch bài trừ văn hoá đồi truỵ, phản động, bố hắn cũng rơm rớm nước mắt, bỏ ăn mấy bữa. Nhưng thật ra nhà hắn còn sung sướng hơn lắm người chung quanh, những người bên thua cuộc không còn gì để bán. Hắn vẫn còn sữa để uống, còn có chút thịt, cá trong những bữa cơm, dù ít ỏi.

Đúng ra là cả nhà hắn đã di tản từ những ngày cuối tháng 4.1975, nhưng lúc đó mẹ hắn đang mang thai hắn mới hai tháng, sợ hư thai đứa con cầu tự, bố mẹ hắn ở lại. Gia tộc hắn cũng ngộ. Ông nội hắn là con độc đinh, bố hắn cũng chẳng có anh chị em, ông bà ngoại cũng chỉ có mình mẹ hắn, đến đời hắn cũng vậy, chỉ sinh được mình hắn rồi hình như mẹ hắn hết trứng hay bố hắn khô mất tinh trùng, chẳng đẻ thêm đứa nào. Hắn được cưng chiều và bảo bọc tối đa. Từ lúc bắt đầu cắp sách đến trường, bố mẹ hắn nhồi nhét đủ thứ kiến thức vào cái đầu non nớt của hắn. Lúc nào cũng học và học. 

Hắn không có tuổi thơ, không biết những trò chơi của trẻ nhỏ. Hắn chỉ biết những con chữ và những bài toán, những công thức khô khan. Sách truyện được bố mẹ hắn chọn lựa kỹ càng và chỉ đọc những thứ đã được lựa chọn. Nhiều lần trong lớp học, hắn ngơ ngác khi nghe bạn bè hắn nói chuyện, trao đổi với nhau, hắn thấy hắn ở thế giới khác và bằng lòng với thế giới không giống mọi người đó. Và đương nhiên, hắn học rất giỏi, bất cứ học lớp nào, cấp học nào hay trường nào, hắn vẫn là đứa học trò xuất sắc nhất trường, nhưng đồng thời cũng là đứa học trò ngơ ngác nhất trường, hắn chẳng biết gì ở cuộc đời, hắn chỉ biết những điều có trong sách vở. Bố hắn chở hắn đi học tứ khi hắn vào nhà trẻ cho đến khi hắn lấy xong bằng thạc sĩ. Đều đều mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, lúc nào hai bố con cũng đi với nhau. Vì thế hắn không có bạn, hắn không bao giờ tham gia cắm trại, đi pic nic, sinh hoạt với bạn bè, bố mẹ hắn cấm triệt, sợ hắn bị lây những tật xấu, thói hư của đám trẻ.

Hắn lớn lên trong lối giáo dục ấy, hắn không có ý thức phản kháng, tinh thần tự lập, hắn được dạy phải vâng lời và như thế hắn cũng chẳng có một chút kiến thức nào về chuyện trai gái, bồ bịch hay chuyện tình dục. Ngay khi hắn lún phún lông tơ và lúc hắn phóng tinh trong giấc ngủ lần đầu tiên của tuổi dậy thì, hắn cũng báo cáo với bố mẹ và hai người bảo hắn đó là điều dơ bẩn, dâm ô, không nên tìm hiểu và lưu tâm đến. Hắn nghe lời và không quan tâm nữa.

Hắn đậu tốt nghiệp phổ thông năm mười tám tuổi, đương nhiên là hạng giỏi, thi đậu vào trường Bách khoa cũng ở thứ hạng cao. Trong những năm đi học, bố mẹ hắn cứ khuyên răn mãi điệp khúc là không được quen cô gái nào, phải chú tâm vào chuyện học hành, vì chuyện vợ con lúc nào cũng được, còn chuyện học hành là phải làm ngay, không được trễ nải. Và đương nhiên, hắn cũng vâng lời. Lấy xong cử nhân, hắn tròn 22 tuổi. Ra trường với bằng đỏ thủ khoa, hắn được học bổng làm nghiên cứu sinh ở Úc. Bố mẹ hắn bàn cãi mãi, đắn đo mãi, cuối cùng quyết định để hắn học Thạc sĩ ở Việt Nam, nhường suất đó cho người khác vì sợ hắn đi học xa, không ai kèm cặp, quan tâm, sợ hắn hư hỏng rồi mất tiêu đứa con ngọc con ngà. Thế là hắn ở lại, học xong thạc sĩ. Năm đó hắn đã 24 tuổi, kiến thức chuyên môn tràn trong óc hắn, nhưng với cuộc đời, hắn vẫn là một đứa bé mới lớn, chả biết quái gì. Suốt ngày chúi mũi vào sách vở, rảnh rỗi thì ra sân chơi với mấy con chó kiểng nhà nuôi. Và cũng chẳng biết gì về đàn bà, con gái. Bạn học của hắn gọi hắn là "Cha cố". Thật ra hắn còn kém hiểu thế giới phụ nữ còn thua các linh mục là cái chắc.

Hắn nộp đơn xin đi làm, với thành tích học tập của hắn, chuyện xin việc làm dễ ợt, ba bốn chỗ nhận hắn, hắn quyết định vào làm việc với tư cách kỹ sư tại Viện Khoa học Kỹ thuật thành phố. Đến lúc này, bố mẹ hắn mới đề cập chuyện vợ con của hắn. Đi làm về, sau bữa cơm, mẹ hắn hay mon men hỏi xem trong cơ quan hắn có bao nhiêu nữ, có cô nào đẹp không, có để ý cô nào không, hôm nào mời về nhà chơi...Lúc đầu hắn cũng lúng túng, rồi lưu tâm và phát hiện trong phòng của hắn có một cô bé có khuôn mặt xinh xinh, hay nhìn hắn cười cười. Cô gái nhìn cũng được mắt, chỉ tội hơi béo tí và hay cười nói hơi vô duyên. Nhưng hắn nhìn thấy chút da thịt hơi thừa ấy tươi tắn lắm và cái vô duyên ấy lại biến thành người vui tính. Và đến lúc đấy, cái giống đực ngủ quên lâu này trong người hắn mới bắt đầu mon men trỗi dậy. Hắn hay liếc trộm cặp vú đầy đà và cái mông lắc lư của cô gái. Hắn thấy thèm khát. Và chính sự trỗi dậy của giống đó khiến hắn liều lĩnh, hắn lấy hết can đảm rủ cô gái đi xuống căn tin uống nước. Cô gái nhận lời ngay bằng đôi mắt rất ướt nhìn hắn. Hắn vui và về kể với mẹ. Mẹ hắn bảo hôm nào dẫn về nhà ăn cơm một bữa để bố mẹ xem mặt. Sau ba lần đi uống nước, một lần nắm tay mà chẳng nói gì, hắn mời cô gái chủ nhật đến nhà hắn ăn cơm trưa. Cô gái mừng ra mặt, tíu tít nói cười, còn hắn thì hân hoan.

Hôm đó mẹ hắn đi chợ sớm, bố hắn tỉa lại mấy chậu hoa ngoài sân, ba con chó được nhốt vào chuồng kỹ lưỡng. Bữa ăn có gà luộc với lá chanh đúng điệu Bắc kỳ, có canh chua cá hú, có cá thu chiên xốt cà lại thêm tô cá kho tộ, một bữa cơm dung hoà Nam Bắc. Trong lúc mẹ hắn lúi húi dọn cơm, cô gái và hắn ngồi xem chương trình đi tìm gì đó trên truyền hình, chốc chốc lại cười sảng khoái. Đến lúc ăn cơm, ngồi vào bàn, cầm đũa chẳng mời ai, cô gái lật qua lật lai dĩa gà luộc, gắp ngay cái đùi và cười tít mắt: Con chỉ khoái ăn đùi gà hì..hì. Bố hắn cau mặt, bỏ đũa xuống rồi lại cầm lên, mẹ hắn hết nhìn bố hắn lại nhìn cô gái đang nhồm nhoàm cái đùi gà. Không khí yên lặng, chỉ nghe tiếng đũa và tiếng muỗng chạm vào tô. Khi cô gái ra về, bố hắn lắc đầu bảo gọn lỏn: không được. Mẹ hắn cũng dứt khoát: không chấp nhận được. Thế là cuộc tình tan, dù chỉ mới nắm tay và ba lần ngồi chung quán. Hắn buồn không phải vì thất tình, vì đã có gì sâu đậm đâu, nhưng hắn tiếc cặp vú căng và cái mông nẩy. Hắn bắt đầu thèm đàn bà. Cô gái thì vẫn đeo riết hắn, hắn tìm cách trốn mãi mà cũng không xong. Cũng may, lúc đó có một suất học Tiến sĩ, hắn nộp đơn và rời cơ quan, từ giã luôn cô gái có nụ cười vô duyên và cái mông nở.

Hắn lấy xong bằng Tiến sĩ lúc 28 tuổi, lo học hành nghiên cứu hắn quên luôn nỗi thèm khát đàn bà, bản chất của hắn và gia đình là học hành trên hết mà. Thêm cái bằng, mắt hắn tăng thêm cận hai độ nữa. Nhà hắn ai cũng đeo kính cận, bố hắn bốn độ, mẹ hắn ba độ, riêng hắn sáu độ, lòng kính dày như đít chai. Hắn được nhận vào một Viện nghiên cứu trực thuộc trung ương, lại nhận dạy thêm ở trường, thu nhập cũng khá. Hắn lại nghĩ đến chuyện kiếm vợ. Mẹ hắn lại hối, lại thúc, lại hỏi han, thăm dò.

Hắn bắt đầu để ý cô gái ấy từ khi cô ấy vào thực tập ở Viện. Người cao dong dỏng, nước da trắng, mặt hiền như mặt tượng Đức Mẹ. Hắn lại được phân công hướng dẫn cô ấy. Càng ngày hắn càng mê mệt. Cô ấy là một người rất chỉn chu trong chọn lựa trang phục, lại rất sạch sẽ từ thân thể cho đến ngôn tứ. Hắn lại biết thêm cô là con gái một của một giáo sư đầu ngành. Hắn mê tít thò lò, nghĩ mọi cách để chinh phục cho được. Rủi thay hắn chẳng có chút kiến thức và kinh nghiệm về chuyện ấy, nên cứ thập thò mãi. Cô gái thì sau một thời gian gần gũi cũng có chút cảm tình với hắn, một tiến sĩ trẻ nhiều năng lực, thừa cơ hội tiến thân. Nhan sắc cũng không đến nỗi nào, chỉ tội cái kính cận nặng quá và cử chỉ cứ ấp a ấp úng chẳng có chút dũng khí của các chàng trai si tình. Thế rồi cũng có được một cuộc hẹn chiếu chủ nhật. Hắn nôn nao suốt cả ngày, biết cô ấy rất thích sạch sẽ, hắn đã gội đầu nghiêm chỉnh, chơi luôn xà phòng Camay mua ở Chợ Cũ, diện bộ cánh đẹp nhất từ sớm, ngồi ngoài sân chờ đến gần giờ hẹn lên đường. Ngồi chờ lâu nóng ruột, bụng lại đói, thấy trước nhà bên lề đường có gánh bún riêu, hắn kêu một tô lớn, bún riêu mà thiếu mắm tôm thì hỏng bét, hắn chơi một muỗng lại thêm một nhúm ớt bằm. Ngon lạ lùng. Và hắn đến nơi đúng hẹn, vừa lúc cô ấy cũng có mặt. Chuyện qua lại rất trơn tru dù chỉ loanh quanh chuyện ở cơ quan, mà thật ra không nói chuyện cơ quan, hắn cũng chẳng biết chuyện gì để nói, ánh nhìn cả hai cũng tha thiết lắm rồi, bàn lại ngồi khuất sau tàn cây. Hắn thấy mình mạnh dạn hẳn lên, kéo ghế gần hơn chút và can đảm hôn lên đôi môi rất mọng và rất đẹp của nàng. Nàng cũng ngửa cổ ra đón nhận, nào ngờ, khi môi vừa chạm môi, cô ấy đã đẩy hắn ra, uống liền ngụm nước và từ lúc ấy im lặng cho đến lúc chia tay với nét mặt rất lạnh lùng. Hắn hoảng, chẳng biết vì sao cô ấy lại đổi ngay thái độ thế. Vốn là nhà khoa học, về đến nhà, hắn ghi hết diễn tiến buổi gặp gỡ ra giấy, ngồi phân tích từng công đoạn. Cuối cùng, hắn ôm đầu phát hiện ra thủ phạm giết chết tình yêu của hắn chính là mùi mắm tôm chưa được tẩy sạch và miếng ớt đỏ lòm dính vào kẽ răng của hắn. Hắn chỉ biết kêu trời. Cô trước vì cái đùi gà, cô này vì bát bún riêu. Sao vậy trời. Toàn miếng ăn làm hại hắn.

Hắn tiếp tục sống cô đơn, sức trai căng đầy nhựa, đêm nằm hắn thèm khát đàn bà, nhưng chẳng có đàn bà để hắn có thể trút nhựa sống đầy ứ trong cơ thể hắn. Hắn không ngao du với ai, bạn bè càng hiếm. Đi làm về lầm lũi đọc sách, rảnh nữa thì đùa với mấy con chó. Bố mẹ hắn đã vào tuổi già, cũng loay hoay với bệnh tật, nhưng cũng không quên nhắc khéo hắn đi tìm vợ. Nói mãi mà cứ thấy hắn im ỉm, mẹ hắn bảo hắn không tìm được thì mẹ hắn sẽ tìm cho hắn. Hắn nghĩ, cứ để mẹ lo, thế mà lại hay, chẳng sợ bị chê trách. Lúc này hắn chỉ cần có người đàn bà, để hắn khám phá, để hắn biết mùi hoan lạc của dục tình, chỉ cần thế là đủ.

Mẹ hắn sáng nào cũng ra công viên gần nhà đi bộ cho lưu thông máu huyết. Tụ tập nhau thành một nhóm đủ cả trẻ lẫn già. Đi riết thành quen, quen lâu thành thân. Mẹ hắn để ý được một cô trong nhóm, tuổi độ hăm mấy ba mươi, có khuôn mặt đẹp, người cao ráo nở nang. Tánh tình lại hoà đồng, tươi vui, thường giúp đỡ mọi người. Mẹ hắn ưa lắm rồi nên cứ sau buổi tập lại lân la nói chuyện, tìm hiểu. Rồi cũng lại một bữa chủ nhật đẹp trời, mời cô ấy về nhà cùng làm cơm ăn trưa. Khi mẹ hắn giới thiệu với hắn, cô ấy bảo biết anh rồi, gặp hoài đầu ngõ, lại nghe hàng xóm khen anh nhiều. Hắn thì mới gặp đã thấy run rẩy trong lòng, nụ cười cô ấy tươi quá, dáng người cô ấy đẹp quá, chẳng khác chi người mẫu, cặp vú căng sau làn áo chật, cặp mông nẩy như đít vịt, hắn nhìn mà lòng nao nao. Đôi mắt hắn lén nhìn cô gái mãi sau làn kính cận. Tự nhiên như người nhà, sau màn chào hỏi, giới thiệu, cô gái vào ngay bếp, lặt rau, rửa thịt, lăng xăng nhiệt tình như người thân đã lâu, mẹ hắn cười ưng ý. Bố hắn ngồi uống trà hút tẩu từ phòng khách nhìn ra theo dõi cô gái cũng tủm tỉm cười đồng thuận. Bữa ăn diễn ra trong không khí vui tươi và hân hoan của toàn thể mọi người. Bố hắn khen canh cua rau đay cô gái nấu khéo quá, cua tụ thành một tảng, không nát, nước ngọt dịu không tanh. Mẹ hắn khen dĩa cá rô chiên, bảo cô ấy hay quá, cá vàng ươm mà không cháy, ăn vào mồm cứ dòn rụm, chén nước mắm cũng quá khéo, thật vừa miệng. Hắn thì thấy món nào cũng ngon và đôi mắt lúng liếng của cô ấy làm hắn không uống rượu mà thấy chao đảo. Bố hắn nhìn mẹ hắn, mẹ hắn nhìn bố hắn gật gật, miệng cười như hoa. Cô gái đã vào vòng chung kết. Nhưng vòng chung kết không có kết quả cuối cùng, đúng là trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. 

Xong bữa ăn, cô gái lại đi rửa chén. Nhà hắn không rửa chén ở bồn mà lại rửa ở sàn sân sau, sát cạnh bếp. Cô gái ngồi, cái lưng dài thon với chiếc áo thun bó sát. Cái lưng quần jean trễ xuống, cái áo thun bị kéo lên để trống một khoảng lưng. Trên khoảng da thịt ấy, có xăm một con bò cạp với hai màu xanh đỏ đang giương hai cái càng to đầy đe doạ, đuôi con bò cạp kéo xuống tận xương cụt. Bố hắn thấy đầu tiên, rồi tới mẹ hắn sững sờ. Hắn cũng thấy con bò cạp rõ ràng trên khoảng da thịt lồ lộ ra đấy. Con bọ cạp hung hăng. Mẹ hắn nhìn bố, bố hắn nhìn mẹ hắn, hai cái đầu cùng lắc một lượt với ánh mắt thiểu não. Nhìn thấy thế, hắn tuyệt vọng. Hình xăm con bọ cạp đã chấm dứt những rung động khát khao vừa rực lên trong cơ thể hắn. Cuộc tuyển lựa đã không thành. Cho mãi đến bây giờ, cô gái xinh xắn muốn làm dâu nhà hắn vẫn không hiểu vì sao chỉ có mấy phút vừa trôi qua, thái độ của cả nhà đã quay 180 độ. Hắn lại có thêm một lần thất vọng và nuối tiếc.
Hắn lại cô đơn, mẹ hắn càng lúc càng buồn, bố hắn đêm đêm vẫn thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên, vẫn lâm thâm khấn vái cầu xin ơn trên đừng bắt dòng họ này phải tuyệt tự, chẳng còn ai nối dõi.

Hắn vẫn ngày hai buổi đi làm, đi dạy, làm lũi đi và lầm lũi về, buồn chán trong nỗi khát khao. Một bữa, cơ quan hắn khám sức khoẻ định kỳ hàng năm. Một đòan bác sĩ bên bệnh viện đến cơ quan hắn khám và xét nghiệm tập thể. Có một cô bác sĩ khá xinh lấy máu cho hắn, cô này từ khi nhìn thấy hắn thì miệng cứ tủm tỉm cười mãi. Khi quấn dây vào bắp tay hắn để tìm ven, cô ấy bảo anh không nhớ em à? Hắn ngẩn ngơ, lục trí nhớ xem gặp cô gái xinh tươi này ở đâu mà không nhớ nổi. Hắn ngượng nghịu lắc đầu. Cô gái cười khanh khách và bảo: Ối trời ơi! Bạn hồi lớp mẫu giáo Sơn ca nhớ không, hồi đó cô giáo bắt anh song ca với em hôm tựu trường mà anh dứt khoát không chịu khiến em khóc suốt cả buổi lễ, nhớ không? À thì ra thế! Mấy chục năm rồi, nhớ chi nổi. Nhưng cô gái này có duyên quá, cười có cái răng khểnh sao mà xinh thế? Thế là kể chuyện cô giáo ngày xưa, nhắc mấy người bạn cũ. Rồi rủ xuống căn tin ăn trưa, rồi xin số điện thoại, rồi hẹn gặp lại. Hắn lại thấy vui, hắn lại nghĩ đến một mối tình đang đến thật nhẹ nhàng. Hai người hẹn nhau xem phim vào chiều chủ nhật. Hôm đó hắn nôn nao, vẽ ra trong đầu những giây phút thật lãng mạn trong rạp chiếu phim. Hắn sẽ cố gắng cầm tay nàng, hắn sẽ tỏ tình, và hắn sẽ hôn nàng, một cái hôn thật tuyệt vời. Một cái hôn thơm tho, chắc chắn sẽ không mùi mắm tôm làm cho tan vỡ. Hắn chuẩn bị sớm, tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ đồ đẹp, bỏ giấc ngủ trưa, ra ngồi trước sân và chờ giờ lên đường đến chỗ hẹn. Hắn ngồi ở ghế đá trong sân dưới bóng cây mát rượi. Ba con chó chạy giỡn chung quanh hắn, chúng thải ra mấy bãi phân giữa sân. Gió mát, hắn bắt đầu lim dim và giấc ngủ đến hồi nào chẳng hay. 

Hắn chợt choàng tỉnh, nhìn đồng hồ đã thấy sát giờ, hắn lật đật chạy quanh sân tìm cái mũ bảo hiểm, rồ xe như ma đuồi đến nơi hẹn, cũng may chẳng trễ phút nào. Rạp thưa thớt người, phim chiếu nhưng hắn không quan tâm, hắn chờ giây phút thuận tiện để thực hiện những ý định. Cô gái bỗng phát hiện điều gì, cứ loay hoay nhìn xuống chân. Hắn lại lấy chân rà rà chân nàng, chân hắn chỉ quanh quẩn cái ống quần của nàng, nhưng hắn thấy vui. Cô ấy bảo hình như có mùi gì là lạ, hôi hôi. Hắn cũng ngửi thấy thế. Cả xuất phim hai người loanh quanh mãi cái mùi hôi đó, hắn chẳng thực hiện được gì. Hết phim, đèn bật sáng, cô gái lại cúi nhìn xuống và phát hiện trên ống quần của mình một vệt phân chó bốc mùi. Cũng đồng thời lúc ấy, hắn cũng phát giác đôi giày của mình dính đầy cứt chó. Cái mùi kinh khủng bắt nguồn từ đây, cái ống quần đầy cứt của cô ấy cũng từ đây mà có. Như thế là hắn đã đạp phải bãi cứt chó của nhà hắn rồi. Cô gái bỏ đi một nước. Hắn lại về một mình. Và cô gái đã không tìm hắn nữa. Cuộc tình chưa ngỏ đã bị bãi cứt chó làm cho tan nát, khốn nạn thật. Tủi phận thật! Cô ấy một đi không trở lại.

Mới đây, hắn lại có một cuộc hạnh ngộ ly kỳ. Buổi chiều đi làm về, trời bất chợt đổ mưa, loạng quạng thế nào mà xe hắn và xe của một cô gái đụng nhau ngay giữa ngã tư nước đang lênh láng tụ về. Hắn dựng xe cho nàng, hỏi han ân cần, cũng may chẳng ai thương tích gì. Hắn mời cô gái vào quán trốn mưa vì xe bị vào nước đầy bô, đề hoài không nổ. Nhìn cô ấy cũng xinh, nước mưa ướt hết dán vào để lộ cơ thể tròn lẳn, ngực như muốn bứt hàng nút chạy ra ngoài. Là nhân viên ngân hàng, đã ngoài ba mươi, chưa chồng, gái Huế. Hắn nghĩ thế là đạt yêu cầu. Và cũng như các cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên tiền định trong các tiểu thuyết ngôn tình, trong các cuốn phim rẻ tiền, Trai chưa vợ gái chưa chồng gặp nhau như định mệnh an bài, đưa đến tình yêu. Chàng và nàng hẹn hò nhau nhiều lần, lúc cà phê, khi nhà hàng, quán ăn, rạp hát. Lần nào hẹn hắn cũng kiểm tra kỹ cái mồm, kiểm tra cái đế giày, đến đúng giờ nghiêm chỉnh. Hắn luôn giữ tác phong thanh lịch, đứng đắn trong các buổi gặp gỡ, đôi khi chỉ là cái nắm tay nhẹ nhàng dù lòng hắn rạo rực như than đỏ. 

Hắn chưa dám kể với bố mẹ, sợ lại có chuyện xảy ra nghiêm trọng nguy hại đến mối tình đang hồi rực rỡ. Hắn thấy nàng hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, một dạ hai dạ, nghe sướng lắm. Nàng lại là con của một ông giáo cũng khá có danh ở miền Trung trước 75. Hắn nghĩ mọi dự kiến tiến triển thuận lợi, chỉ đợi đúng giờ G, hắn sẽ mang nàng về giới thiệu gia đình, tính chuyện cưới xin luôn, hắn như trái bom chờ nổ rồi, chắc khó đợi nổi. Bố mẹ hắn cũng mỏi mòn rồi, chắc sẽ cũng chẳng còn khắt khe lựa chọn. Một lần cuối tuần, hai người chở nhau đi về Long An chơi, trưa nắng gắt, mệt nhoài. Nàng chủ động gợi ý vào khách sạn nghỉ, hắn lưỡng lự một chút rồi ok bởi trong đời chưa một lần cùng phụ nữ vào nơi ấy. Vào đến nơi, nàng tắm, không khép cửa, hắn thấy cái quần lót màu đỏ thêu ren của nàng là hắn bắt đầu ngại. Trong trí tưởng tượng của hắn, chỉ có gái hư, gái làng chơi mới mang quần lót đỏ thêu ren. Sự rạo rực, háo hức bỗng giảm đi mất nửa. Hắn hơi ái ngại. Nàng tắm xong thì đến hắn tắm, đến khi ra thấy nàng tênh hênh giữa giường khát khao lại bùng cháy trở lại trong người hắn. Hai người quẫn chặt lấy nhau. Lần đầu tiên nó thấy toàn vẹn cơ thể đàn bà. Lần đầu tiên hắn sờ nắn những bộ phận kín đáo của người phụ nữ. Nàng cũng mãnh liệt không kém, hôn hít và sờ sẫm khắp cơ thể của hắn. Hắn như một lò lửa, như quả bom chờ nổ. Bỗng nàng ghé môi vào phần dưới của hắn, hắn hoảng. Từ bé đến lớn hắn không nghĩ ra kiểu này, hắn chưa hình dung cảnh này mà hắn cũng ghê ghê cái kiểu này. Hắn như bị tạt một xô nước đá. Hắn túm chặt lấy bộ phận đang đông cứng của hắn, hớt hãi chạy vào phòng tắm trước ánh mắt ngạc nhiên hết cỡ của cô gái. Hắn ngồi trong phòng tắm, trần truồng và kinh ngạc. Hắn thấy nàng sành sõi quá, hắn thấy nàng rành mạch và có vẻ quen thuộc mấy chuyện này quá, hắn sợ. Lại thẻm cái quần lót đỏ. Thôi rồi. Nàng đập cửa, hắn vẫn im. Cơn sợ hãi chưa qua hết. Thế là xong. Nàng bỏ đi. Hắn ngồi khóc rưng rức và thấy mình bất hạnh. Lúc này hắn mới cảm thấy chính cái hàng rào bố mẹ hắn quây chung quanh hắn từ lúc mới chào đời cho đến bây giờ đã khiến cuộc đời hắn áo não như hôm nay. Đã khiến hắn lạc lõng giữa cuộc đời, ngây ngô giữa cuộc sống. Hắn sống giữa trần gian như một kẻ xa lạ.

Hắn bảo với bố mẹ hắn là hắn muốn đi tu. Mẹ hắn khóc ngất. Bố hắn thắp nhang lạy mãi ở bàn thờ, miệng khấn vái lia lịa. Dòng họ nhà này thế là tuyệt tự rồi sao?

Tui là bạn bố hắn, tui thấy tình cảnh bạn tui mà thương quá. Năm nay hắn 42 tuổi rồi, có bằng Tiến sĩ, thu nhập ổn định, gia đình quý tộc, gia sản giàu có. Tui viết lên đây giới thiệu với mọi người, cô nào, bà nào thấy hợp với hắn cứu dùm bạn tui. Chứ kiểu này gia đình này tan hoang vì tuyệt vọng.

Muốn gặp hắn để tìm hiểu thêm cứ đến Viện khoa học thành phố, số...đường.., trong giờ làm việc, sẽ gặp một người đàn ông trung niên, dáng dong dỏng cao, mặt đẹp như trẻ con, đeo kiếng cận dày, mắt lúc nào cũng nhìn xa xăm, người như ở thế giới khác, đích thị là hắn. Ngoài giờ làm việc, có thể gặp hắn với bố mẹ ở biệt thự .., số ... đường..,,, ngôi nhà người ta đã đưa giá gần mấy trăm tỳ đồng mà bố mẹ hắn không chịu bán. Hắn là Tiến sĩ Trần Văn T. Ai cứu hắn không? Tui không muốn nhà chùa có thêm một tu sĩ và biệt thư to lớn kia không có người kế thừa. Và hơn hết, tui không muốn nhìn thấy một người đàn ông sắp qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh mà chưa biết tình yêu, chưa biết đàn bà.

3.2.2016
DODUYNGOC

Hàng Đểu


Lượm trên mạng

Vì Sao Lầu Năm Góc Được Thiết Kế Đặc Biệt Như Vậy?

Lầu Năm Góc – trụ sở của Bộ Quốc Phòng Mỹ hiện nay (nhìn từ trên xuống)

Lầu Năm Góc còn được gọi là Ngũ Giác Đài (The Pentagon), hiện là trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ. Cơ sở này nằm tọa lạc ở Arlington, Virginia thuộc thành phố Washington D.C. Trên thực tế, khi nghe đến cái tên này, bạn có thể nhận thấy rằng tòa nhà này được thiết kế theo hình ngũ giác, tuy nhiên, không có nhiều người biết được lý do vì sao lại như thế.

Thực ra, câu trả lời rất đơn giản. Ban đầu, tòa nhà này được thiết kế cho phù hợp với đặc điểm địa chất của một mảnh đất có 5 cạnh. Sau đó, người ta lại đổi địa điểm xây dựng tòa nhà nhưng không kịp thay đổi thiết kế. Do đó, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay mới có hình ngũ giác (5 cạnh).
Trong cuốn sách “The Pentagon – A History” (Tạm dịch: “Lịch sử Lầu Năm Góc”) được xuất bản năm 2007, ông Steve Vogel, tác giả đồng thời là nhà báo thuộc tờ Washington Post (Mỹ), đã gọi Lầu Năm Góc là “tai nạn nghề nghiệp trong thời chiến”.
Mùa hè năm 1941, Mỹ đã bị cuốn vào Thế chiến II. Bộ Chiến tranh Mỹ (Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay) khi đó hoạt động trong nhiều tòa nhà tạm thời ở Washington D.C. Theo nhà báo Vogel, vào một ngày thứ 5 của tháng 7 năm 1941, Thiếu tướng Brehon Burke Somervell được giao nhiệm vụ xây dựng Lầu Năm Góc với mục đích mở rộng trụ sở chính của Bộ Chiến tranh. Ông Vogel đã gọi Thiếu tướng Somervell là “cha đẻ của Lầu Năm Góc”.

Thiếu tướng Sommervell khi ấy đã chỉ đạo nhóm thiết kế với ý định tạo ra một tòa nhà có sức chứa là 40.000 người, một bãi đậu xe cho 10.000 ô tô với độ cao tối đa là 4 tầng để không chắn tầm nhìn về phía Washington D.C.

Theo thiết kế, diện tích của Lầu Năm Góc lớn gần gấp 2 lần tòa nhà Empire State ở New York và không được xây theo kiểu một tòa nhà chọc trời. Lầu Năm Góc được đề xuất xây dựng cạnh bờ sông Potomac thuộc bang Virginia, phía bờ bên kia là Washington D.C, gần trang trại Arlington, một trang trại nông nghiệp do Chính phủ điều hành nằm tại phía đông Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Thời điểm đó, nhóm thiết kế đã thử nhiều bố cục khác nhau. Cuối cùng, họ quyết định làm theo đề xuất của kiến trúc sư George Edwin Bergstrom với việc tạo hình tòa nhà có 5 mặt để tận dụng hết diện tích của mảnh đất trên.

Tuy nhiên, ông Gilmore D. Clarke, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật của Mỹ đã không đồng ý xây dựng vì ông không muốn công trình này che lấp tầm nhìn Washington D.C từ Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nơi an nghỉ của ông Pierre L’Enfant, người quy hoạch thủ đô Washington D.C.

(Ảnh: Shutterstock)

Ngoài ra, ông Federic Adrian Delano, chủ tịch Ủy ban Kế hoạch và Công viên Thủ đô Quốc gia đồng thời là chú ruột của Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt, cũng phản đối việc xây dựng vì quan ngại rằng vị trí của sông Potomac có thể gây trở ngại cho mọi người khi ra vào trụ sở Lầu Năm Góc.

Dưới sức ép đó, Tổng thống Roosevelt đã viết một lá thư gửi Thượng viện Mỹ yêu cầu xây dựng tòa nhà nhỏ hơn, nhưng không được chấp thuận. Quốc hội Mỹ thông qua việc xây trụ sở Bộ Chiến tranh ở trang trại Arlington với kích thước ban đầu.

Tổng thống Roosevelt sau đó ra lệnh cho đội ngũ thi công xây dựng tòa nhà mới ở một khu vực hẻo lánh nằm ở phía nam trang trại Arlington. Về mặt kỹ thuật, một phần bãi đậu xe của Lầu Năm Góc vẫn nằm trên khu vực đất trang trại Arlington, vậy nên tòa nhà vẫn phù hợp với đề xuất mà Quốc hội đã thông qua.

Tòa nhà không cần phải có hình ngũ giác bởi địa điểm xây dựng mới rất rộng, tuy nhiên, lãnh đạo dự án đã quyết định giữ lại nguyên bản thiết kế ban đầu. Theo các kiến trúc sư, hình dạng ngũ giác giúp làm khoảng cách di chuyển bên trong tòa nhà chỉ bằng khoảng 30-50% so với tòa nhà hình chữ nhật. Ngoài ra, thiết kế nhà 5 cạnh cũng có ưu điểm là dễ xây dựng hơn so với hình tròn, khoảng cách di chuyển theo chiều dài cạnh tòa nhà ngắn hơn so với hình chữ nhật.

Về tổng thể, đây là một công trình thiết kế hoàn hảo theo chiều kim đồng hồ, gồm các hành lang giống hình nan hoa nối liền các phần khác nhau của tòa nhà. Mọi người có thể đi bộ đến bất kỳ điểm nào trong tòa nhà trong vòng 7 phút.

Đến nay, thiết kế hình ngũ giác độc đáo của Lầu Năm Góc đã trở thành điểm nhấn trong kiến trúc Mỹ. Tòa nhà được khởi công xây dựng vào ngày 11/09/1941 – cùng ngày tháng với vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ 60 năm sau đó, chính xác là vào ngày 11/09/2001.

Theo Livescience,
Phan Anh
trithucvn.net

Tâm An Hạnh Tồn - Đỗ Công Luận

Thời Gian Là Người Bạn Vô Hình Giúp Ta Hiểu Mọi Lẽ Trên Đời


Thời gian dẫu có thể xóa nhòa đi tất cả, nhưng rất nhiều chuyện trong dĩ vãng nay đã trở thành nhân duyên. Đối diện với điều ấy, mỗi người đều có những quan niệm, góc nhìn riêng của mình, đều có những lựa chọn, những kỳ vọng của bản thân.
Tôi của tương lai thân mến…

Năm đó có bao nhiêu chuyện tưởng chừng như hoang đường, thì nay cũng trở thành sự thật.
Nghìn sông đều có nước, nghìn núi đều có trăng, vạn sự trên đời đều không nằm ngoài Thiên lý.
Cuộc đời chính là một cuộc bể dâu, chuyện qua đi đã thành mây khói, những năm tháng sóng gió của cuộc đời qua rồi, ai là người không già đi? Có chăng chỉ những bậc tu hành giác ngộ mà thôi. Thời gian và năm tháng chẳng thể nào giữ được, tuy nhiên có những chuyện phải đợi năm tháng phôi pha ta mới dần thấu hiểu, và cuộc đời có những đạo lý mà chỉ thời gian mới đủ cho ta hiểu những điều ta không hiểu.

Đối với cuộc đời…
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Cuộc đời chính là quá trình khóc mà đến, cười mà đi, bạn chỉ cần hướng ánh mặt trời mà tiến, bước ra khỏi cái bóng của chính mình. Một khi cuộc sống không phải là diễn đài thực tập, mỗi giây qua đi đều là thực diễn.

Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Hãy hưởng thụ cuộc sống khi còn có thể, đừng để những gì tốt nhất dành cho ngày sau. Hãy tìm hiểu những điều tốt đẹp quanh ta, ví như cùng với người thân đi dạo, trân quý hiện thực, có thời gian hãy ra ngoài đi đâu đó vài hôm, học được cách sống thiết thực cho mỗi từng phút giây chứ đừng sống trong quá khứ cũng như đừng đắm chìm vào tương lai.

Đối với sức khỏe…
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Thân thể khỏe mạnh mới là điều quan trọng nhất. Đừng để đến khi thân mòn lực tận mới hiểu ra rằng, trên đời này không có chiếc giường nào đắt giá bằng giường bệnh viện. Vinh hoa phú quý ấy cũng chỉ là vật ngoài thân, thân thể khỏe mạnh, tâm hồn thanh thản mới là cái gốc để làm người. Cuộc sống có rất nhiều trải nghiệm đã cho ta thấy rằng, rất nhiều thứ trên đời mà chỉ khi nào thực sự mất đi sức khỏe và niềm vui chúng ta mới hiểu ra và học cách trân quý. Và tình cảm cùng với sức khỏe cũng chính là một phần trong số ấy.

Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Hãy học cách khống chế bản thân. Trung y có câu: Vui quá hại tâm, giận quá hại gan, bi thương thì hại phổi, lo sợ thì hại thận. Sức khỏe bản thân là vốn căn bản của mọi thứ trên đời mà dưỡng thân tốt nhất chính là: Khống chế tâm thái của chính mình.

Dưỡng thân tốt nhất chính là: Khống chế tâm thái của chính mình. (Ảnh minh họa: itis.gov)

Đối với tâm thái…
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Cần bảo trì sự tự tôn tự ái. Tự tôn ở đây chính là đối với vạn sự vạn vật trên đời thì đều phải dùng nhân lễ nghĩa khí mà đối đãi, tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng chính mình. Còn điều gọi là tự ái chính là mở rộng lòng mình, bao dung mọi việc, độ lượng mọi người, yêu thương người khác cũng giống như yêu thương chính mình.

Có một bộ phận người sau khi về hưu, rời xa khỏi môi trường làm việc quen thuộc, trở về với gia đình, cảm giác trống trải buồn chán, không có việc gì làm, bỗng nhiên cho rằng bản thân già rồi vô dụng, cuộc sống cũng trở nên vô nghĩa. Vậy nên làm người đến bước này điều quan trọng chính là sự tự tin, là sự vui vẻ lạc quan tích cực để đối đãi với vạn sự vạn vật trong cuộc sống. Hãy nhớ, làm người dù già đến đâu cũng không được có ý nghĩ: “Tôi đã già thế này rồi, làm như vậy sẽ khiến người khác chê cười…”.

Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Làm người, điều cần buông bỏ thì nên buông bỏ, cần nghĩ thoáng thì hãy nghĩ thoáng ra. Có nhiều chuyện chỉ cần chúng ta xem nhẹ nhàng đi một chút, dũng cảm bước qua ắt mọi chuyện đều êm xuôi.

Đối với gia đình…
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Bạn đời mới là tất cả! Bạn đời chính là người cùng nắm tay ta qua tháng rộng năm dài, vượt qua muôn ngàn sóng gió, đêm đông gió lạnh, hay xuân về nắng ấm, tất cả chỉ có bạn đời là người gắn kết keo sơn với chúng ta.

Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Con cái lớn rồi thì đừng quá bận tâm. Kỳ thực, thân làm cha mẹ, yêu thương bảo hộ quá thì yêu lại thành hại, buông tay tự lập thì ghét lại thành thương. Mọi chuyện trên đời đều có hai mặt, có tốt thì có xấu, có đúng thì ắt có sai. Bạn cho rằng đúng nhưng đôi lúc dưới góc độ người khác lại thành sai, bạn cho là sai đôi khi lại thành đúng. Vậy nên khi con cái đã lớn, đừng can thiệp quá nhiều vào những quyết định của con, thân làm cha mẹ chỉ nên đưa ra chỉ dẫn, đưa ra lời khuyên. Đây cũng chính là tôn trọng con cái và cũng là tôn trọng chính mình, gia đình cũng thuận hòa hơn.

Thời gian cho chúng ta hiểu rằng: Tôn trọng con cái yêu thương bạn đời gia đình mới được thuận hòa. (Ảnh minh họa: induced.info)

Đối với bạn bè…
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Bạn bè không quan trọng ở nhiều hay ít, chân thành mới là đáng quý. Tình cảm bạn bè cũng giống như áo gấm thêm hoa, bạn bè quý nhất chính là: “Trong tuyết tặng củi”. Bao năm qua đi, có những tình cảm bạn hãy trân quý, trân quý.
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Hãy trang bị cho mình những niềm vui nhỏ, bất luận là cầm, kỳ, thi, họa, hay thưởng trà ngắm hoa. Khi một người có niềm đam mê làm bầu bạn thì ắt mỗi ngày đều là một ngày vui.

Đối với phẩm đức…
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Làm người hãy dưỡng thành tâm tính khoan dung độ lượng, học cách cảm ơn. Khoan dung chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng, cảm ơn là một loại mỹ đức. Khi chúng ta có trái tim bao dung và cảm ơn với mọi chuyện trên đời, thì mỗi ngày đều là một ngày vui, mỗi ngày sống là một ngày có ý nghĩa. Lẽ nào bạn không muốn sống một cuộc sống ý nghĩa như vậy sao?

Khổng Tử từng nói: “Ta, 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”. Khi đến một ngưỡng tuổi nhất định, chúng ta sẽ hiểu rằng dùng một trái tim vạn sự tùy duyên mà đối đãi mới là người thong dong trí tuệ.

Theo Soundofhope
Minh Vũ biên dịch

Sài Gòn Nhớ Thương - Trầm Vân

Thursday, June 27, 2019

Hèn Như Dân Hồng Kông, Vững Vàng Như Dân VN (!!!) - Dương Hoài Linh


Một dự luật dẫn độ để "lấp khoảng trống" tránh tội phạm người Hồng Kông phạm tội ở nơi khác (ngoài lãnh thổ Hồng Kông) có thể tiêu diêu ngoài vòng pháp luật. Đặc khu trưởng nhấn mạnh không liên quan đến chính trị , quyền tự do ngôn luận... Nhưng vẫn không ngăn cản được sự lo xa của dân Hồng Kông. 1 triệu 200 nghìn người xuống đường hôm 9/6. Gần hai triệu người xuống đường hôm nay 16/6. Bạo động xảy ra khắp nơi.

Trong khi đó ở Việt Nam :

- Ba đặc khu đã bị bán.
- Nhà máy Trung Quốc đóng đô khắp cả nước. 
- Khánh thành "hai quốc gia một cửa khẩu"
- Nhân dân tệ lưu hành 7 tỉnh.
- Dân Trung Quốc ào qua mua nhà, gom đất, đấu thầu xây xa lộ Bắc Nam.
- Hàng hóa độc hại Trung Quốc ngập tràn.
- Ung thư giết hại trẻ em hàng ngày.
Nhân dân Việt Nam vẫn an tọa vững vàng trong nhà. Không cần phải nhảy lầu, xuống đường đánh nhau với công an, vẫn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo tài ba của đảng.
Chứng tỏ người Việt Nam có một hệ thống thần kinh rất vững, không hề lo xa, không nhát chết như dân Hồng Kông.
Một đất nước như vậy rất ổn định. Ổn định cho đến khi xuống mồ.

Dương Hoài Linh  

Sáu Tài Sản Vô Giá Cha Mẹ Nên Dành Tặng Cho Con, Không Phải Tiền - Youtube Marian Tran

Mười Thương - Trầm Vân

Thực Phẩm Tương Lai - Huy Lâm


Dân số thế giới ngày một tăng dần và đến giữa thế kỷ 21 sẽ vượt quá con số 9 tỷ người. Với ngần ấy miệng ăn, các nhà nghiên cứu nói rằng số lượng thực phẩm sản xuất cũng sẽ phải tăng thêm 70 phần trăm. Vậy người ta phải làm gì để có thể cung cấp đủ thực phẩm cho 9 tỷ miệng ăn mà không cần phải đốn cây phá rừng khai hoang đất trồng hoặc tránh không phải nhờ cậy đến những đại công ty sản xuất lương thực mà Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho rằng đã tác động một phần lớn đến hiện tượng biến đổi khí hậu? Và người ta phải làm gì để giữ cho đất được tốt, không bị sói mòn để cây trồng còn tiếp tục mọc được? Đây là những câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bữa ăn của chúng ta trong nửa thế kỷ tới sẽ rất khác so với bữa ăn chúng ta có ngày nay.

Các nhà nghiên cứu đưa ra hai lối tiếp cận hoàn toàn khác nhau nhưng cùng mang đến kết quả là sự xuất hiện của một số thực phẩm mới mà chúng ta sẽ đặt lên trên bàn ăn mỗi ngày trong tương lai. Một lối tiếp cận nổi bật và được chú ý hơn cả là dựa vào ngành công nghiệp kỹ thuật cao – xuyên qua những phòng thí nghiệm tân tiến, những biểu đồ DNA, và những cuộc vận động đầu tư quy mô cho các hoạt động thí nghiệm. Theo lối này ta sẽ bắt gặp những loại chất đạm chưa từng thấy trước đây trong những miếng thịt không phải từ gia súc; ta sẽ được chứng kiến người ta biến những loại rong tảo thành những thỏi bơ thơm ngon, và rất có thể chúng ta không cần đến một bữa ăn rình rang nữa mà thay vào đó là một lon nước có chứa đầy đủ chất bổ dinh dưỡng cho một ngày.

Và kia là lối tiếp cận tương đối bình lặng hơn – vẫn cần đến đất trồng nhưng ít bị lệ thuộc vào kỹ thuật hơn – sẽ đưa kỹ thuật trồng trọt như hiện nay bước vào giai đoạn phát triển mới. Qua lối tiếp cận này, ta sẽ thấy người ta lấy những loại hạt thời cổ đại rồi đem thuần chủng và biến chúng thành những thực phẩm hạt ăn được, hơn nữa, lại được thu hoạch liên tục trong nhiều năm chứ không phải gieo trồng mỗi năm như thóc lúa hiện nay, và mang đến cho nhân loại niềm hy vọng là ngành nông nghiệp tương lai sẽ ít ảnh hưởng xấu tới môi trường thiên nhiên. Cũng thế, ta còn được chứng kiến việc chế biến một loại thực phẩm mới lấy từ một trong những chất đạm xưa nhất của nhân loại: côn trùng.

Hiện nay chưa ai dám khẳng định lối tiếp cận nào hợp lý hơn. Nhưng để có thể nuôi sống 9 tỷ miệng ăn người ta cần phải vận dụng tất cả mọi khả năng kỹ thuật và sự hiểu biết có được thì mới có thể gặt hái được kết quả thực tế.
Vậy những loại thực phẩm trong tương lai sẽ có hình dạng ra sao? Chưa ai dám đoán trước nhưng chắc chắn sẽ gây nhiều ngạc nhiên bất ngờ. Tuy nhiên, đã có một vài món thực phẩm thí nghiệm thành công, hiện đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và nay mai có thể xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình.

Một trong những món ăn có thể xuất hiện sớm nhất là côn trùng – hay nói rõ hơn là cào cào châu chấu – dưới dạng những thỏi bánh, những miếng chips hoặc những loại thực phẩm chế biến sẵn.

Thực ra loại chất đạm này không hẳn mới. Cào cào châu chấu đã là món ăn chơi ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở Á châu – như trên đảo Java của Nam Dương, chúng được lăn bột chiên, trong khi ở Thái lan chúng được chiên thẳng trong chảo dầu – nhưng ở khu vực Bắc Mỹ đến nay vẫn còn khá xa lạ và chưa có mấy người dám nếm thử.

Theo các nghiên cứu khoa học, cùng một trọng lượng, cào cào châu chấu cung cấp chất đạm nhiều hơn thịt bò. Chúng rất dễ nuôi và sinh sản rất nhanh mà không tốn quá nhiều chỗ. Chất thải của cào cào châu chấu không gây tác hại nhiều đến môi trường thiên nhiên như phân heo hoặc bò. Mặc dù hiện nay giá thành còn khá cao, nhưng theo trang trại Aspire ở tiểu bang Texas, khi việc sản xuất cào cào châu chấu theo đại trào thì giá thành sẽ thấp và đến lúc đó hy vọng có nhiều người Mỹ sẽ chịu thử đưa vào thực đơn của bữa ăn gia đình.

Trong danh sách những thực phẩm tương lai, người ta chỉ ra có một loại hạt có thể đóng góp phần quan trọng trong việc nuôi ăn 9 tỷ miệng người. Đây là một loại cỏ mọc rất nhiều ở vùng bình nguyên của nước Mỹ. Nguyên thủy người ta dùng để nuôi gia súc và được xem gần như loài cỏ dại. Nhưng vào thập niên 1980 khi các nhà nghiên cứu bắt đầu lo ngại cách thức trồng lúa và những loại hạt khác theo từng vụ mùa có thể làm cho đất chóng bị cằn cỗi. Thế rồi các nhà nghiên cứu cố thử đi tìm một giống cây cho hạt khác để thay thế và họ đã chọn giống “cỏ mì”(wheatgrass) để thí nghiệm.

Đến thập niên 2000, nhóm nghiên cứu nông nghiệp Land Institute ở Kansas đã lai được giống cỏ này để cho hạt nhiều và to hơn, và chống được bệnh được gọi là cây Kernza.

Loại cây Kernza này có rễ toả rộng và có khả năng sinh hạt trong thời gian năm năm. So với những giống lúa mì truyền thống thì mỗi năm sinh hạt được một lần rồi lại phải trồng lại.

Tiệm bánh Bien Cuit ở Brookly (New York) đã lấy hạt Kernza làm bánh mì thành công. Một vài công ty bia cũng đã dùng hạt Kernza để cất thử bia và được biết uống khá ngon. Ít năm nữa ta sẽ thấy những loại thức ăn, thức uống mới này sẽ được bày bán trên thị trường.
Trong khi dân số thế giới tăng, điều hiển nhiên là nhu cầu ăn thịt cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, kỹ nghệ nuôi và sản xuất thịt không ít thì nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Thế nên đã có nhiều nỗ lực tìm cách chế biến thịt từ những loài thảo mộc. Một trong những công ty đã sản xuất thành công loại “thịt bò” làm từ đậu nành và một số loại đậu khác là Beyond Meat. Một điều dễ hiểu khi người ta dùng đậu để chế thịt là vì trong đậu có chứa chất béo và chất đạm giống như trong thịt.

Công ty Beyond Meat đã làm được những miếng hamburger có chứa đầy đủ calorie, chất đạm và chất béo giống như thịt bò. Và điều quan trọng là khi khách hàng nhai miếng thịt đó trong miệng thì có cảm giác như nhai thịt bò thật vậy. Hiện nay sản phẩm này đang được bán ở nhiều siêu thị và nhà hàng – trong đó có hệ thống nhà hàng nổi tiếng TGI Friday’s.

Chúng ta cũng biết nhân loại đã biết lấy trái ô lưu ép dầu từ nhiều ngàn năm trước, nên việc ép rong tảo thành dầu cũng sẽ không là vấn đề khó khăn. Và tiêu thụ dầu lấy từ rong tảo sẽ là xu hướng của thế kỷ 21, và năm 2015 người ta đã ép được loại dầu ăn từ rong tảo có tên gọi Thrive. Loại dầu ăn này lỏng, có mùi vị trung hoà với chất béo không bão hoà cao và chịu được nóng.

Nhìn ở khía cạnh môi trường, dầu rong tảo cần ít đất và nước hơn những loại dầu ăn khác, trong khi cung cấp nhiều chất béo không bão hoà (tốt) và ít chất béo bão hoà (xấu) hơn dầu ăn bình thường.

Năm 2017, công ty kỹ thuật sinh học Corbio của Hoà Lan, nơi đã chế ra dầu rong tảo Thrive, cũng đã thành công chế được bơ từ rong tảo, và cuối năm nay sẽ được tung ra thị trường.

Riêng thịt gà thì lâu nay đã có nhiều công ty đã thí nghiệm, và công ty nào thí nghiệm thành công chắc chắn sẽ hốt bạc là vì đây là loại thịt tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới – mỗi năm người ta cho hoá kiếp 50 tỷ con gà để lấy thịt. Hiện nay có khoảng 15 công ty đang cho thử nghiệm để chế ra loại thịt gà từ thảo mộc, và thậm chí cả gan ngỗng nữa.
Năm 2016, công ty Memphis Meats ở Mỹ tuyên bố chế thành công một mẫu thịt bò viên trong phòng thí nghiệm và một năm sau họ chế được thêm thịt gà. Tháng 1 vừa qua, công ty SuperMeat của Israel cũng tuyên bố trong vòng hai năm nữa họ sẽ cho sản xuất sản phẩm thịt gà của họ.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là loại thịt gà phòng thí nghiệm này còn quá mắc – như thịt gà của Memphis Meats được bán với giá khoảng $9,000 một cân Anh (gần nửa ký). Mắc như vậy thì chưa thể đến được bàn ăn của người dân bình thường trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, người ta hy vọng đến giữa thế kỷ này điều đó có thể trở thành hiện thực.

Một trong những thử thách lớn nhất của các nhà nghiên cứu và các phòng thí nghiệm không chỉ là phát minh ra những loại thực phẩm mới cho tương lai mà còn phải chế biến cho món ăn mới đó được ngon nữa. Một điều dễ hiểu là cho dù những thực phẩm mới có nhìn bắt mắt cỡ nào và được quảng cáo đến mấy mà ăn không ngon thì người tiêu thụ chắc chỉ thử qua một lần cho biết rồi thôi. Đây không phải là đòi hỏi quá đáng. Nhân loại đã bước ra khỏi thời kỳ săn bắn khá lâu rồi khi mà cuộc sống người ta là ăn chỉ cần no, không cần ngon, và khi có được thứ gì cho vào miệng thì ăn cho đến căng bụng vì không biết chắc ngày mai có tìm được thứ gì để ăn hay không. Nay thì cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia Tây phương, đã đầy đủ sung túc, và nhu cầu ăn không còn cần no nữa mà là sao cho ngon miệng. Khi người ta đã quen nếm những món ăn ngon rồi thì khó có thể bắt người ta quay trở về cuộc sống chỉ cầu ăn no. Do đó, những loại thực phẩm mới nếu muốn thành công và được nhiều người chiếu cố thì bắt buộc phải ngon miệng nữa, và để đạt được điều này có lẽ cũng không khó lắm.

Huy Lâm
Nguồn: https://rangdongatlanta.com